NỖI LO SỢ KHÔNG TÊN

Chuyện kể rằng, một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế, anh ta mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh ta được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh ta.  Sau khi suy nghĩ và thấy anh này cũng có một đề nghị hơi lạ, Thượng Đế đã đồng ý.  Anh ta xin tiếp, “Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận.  Vậy là người này trở lại kiếp người.

Anh ta làm lại một cậu học trò với bao bận rộn với việc học hành, nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí.  Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi, thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ.  Cậu ta  lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp, sợ bị chúng bạn chê cười,…  Cậu ta xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế.  “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”.  “Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con.”  Thượng Đế trả lời.

Anh ta trở lại dương thế và tiếp tục làm người.  Giai đoạn này, anh ta có người yêu, lập gia đình, có con và tưởng chừng như anh ta đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời trẻ con. Thế nhưng, anh ta vẫn lo sợ.  Anh sợ vợ anh phản bội, con anh không đủ sức khỏe, công việc làm ăn không ổn định.  Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế. “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa, nhưng sao con vẫn lo sợ?” Thượng Đế đáp, “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng. Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”

Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba, giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn.  Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây.  Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông.  Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây, nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích.  Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên, của người thanh niên mà ông đã trải qua.  Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế, “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?” Thượng Đế đáp, “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi. Cha không có quá khứ, Cha không có tương lai.  Cha chỉ có hiện tại.  Nơi nào không có hiện tại, nơi đó không có bình an.”

* * *

Quí bạn thân mến, mẩu chuyện tưởng tượng trên cho ta thấy rằng, đời con người xem chừng như cứ bị bao trùm hết nỗi lo sợ này đến nỗi lo sợ khác: Nỗi lo sợ của đứa trẻ mới bước vào đời, nỗi lo sợ của người thanh niên về tương lai, và nỗi lo sợ của vị cao niên về quá khứ của mình bị đánh mất.  Vậy nỗi lo sợ ấy đến từ đâu, và lý do gì mà ta lo sợ?

Suy gẫm thấu đáo ta có thể nhận thức rằng, hoàn cảnh “đáng sợ” không thực sự đáng sợ như ta tưởng, nhưng điều làm ta lo sợ chính là ta lo sợ điều chưa xảy ra.  Chúng ta thường sợ điều chưa xảy đến hơn là điều đã xảy đến.  Nếu quí bạn có dịp trò chuyện với các bệnh nhân mang những căn bệnh nan y, thì có rất nhiều người cho rằng, điều đáng sợ của họ bây giờ không phải là căn bệnh họ đang mang, mà là những điều khác.  Nỗi sợ của họ bây giờ không còn là căn bệnh nữa, nhưng là sợ bị bỏ rơi, bị cô đơn, bị quên lãng, và biết bao nhiêu nỗi sợ không tên khác.  Kỳ thực thay, dù ai trong chúng ta cũng đã không ít một lần bị bỏ rơi, cũng đã không ít có một lần kinh nghiệm cô đơn, và bị người đời quên lãng; biết là như thế và đã trải qua kinh nghiệm nhiều lần như thế trong đời rồi, nhưng con người vẫn lo sợ chúng; con người vẫn rối lên khi đối diện chúng.

Thưa bạn, bạn cũng như tôi đã trải nghiệm những lo sợ mà có lúc đã làm chúng ta mất ăn mất ngủ ở lứa tuổi học trò, ở tuổi xuân, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất (người thân ra đi, bị tù đày tra tấn,…).  Xét cho cùng, cuối cùng nỗi lo sợ này cũng chỉ có thế thôi, có phải không?  Thế thì những nỗi sợ hôm nay – giây phút này – ngay lúc này, cũng chỉ là một phần của kiếp làm người của chúng ta mà thôi.  Hãy nhìn chúng như là một phần đời của chúng ta để giúp chúng ta nâng cao giá trị đời mình, chứ đừng để chúng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm những vẻ đẹp của giây phút hiện tại.

Thưa bạn, hôm nay tôi mời gọi bạn hiểu sâu hơn ý nghĩa thực của giây phút hiện tại. Vì thực ra cuộc đời của bạn chỉ có hôm nay, giây phút này chứ không phải hôm qua hay ngày mai.  Và dù bạn có lo sợ điều gì lớn lao đến mấy đi chăng nữa, mỗi ngày bạn cũng phải đi qua 1440 phút.  Vậy bạn muốn sở hữu 1440 khoảnh khắc bình an, tự tại hay là 1440 nỗi âu lo, sợ hãi???

Br. Huynhquảng

*******************************

Lạy Chúa, 
hôm nay con bỗng sợ nhiều thứ
sợ thời gian, sợ chặng đường phía trước…
Con sống trong tâm trạng hoang mang
thấy bóng tối cứ bao phủ lấy con.
Con vùng vẫy và muốn tìm lối thoát
thực sự là con rất sợ!

Chúa biết con đã cố gắng nhiều và đã yêu mến nhiều
đã vui nhiều và cũng đã buồn nhiều
thất bại nhiều và khờ dại cũng nhiều…
Nhưng Chúa biết, trong mọi sự con đều cố gắng với tình yêu
Khoác trên mình chiếc áo dòng, con muốn làm Vinh Danh Chúa
Muốn làm một tu sĩ đích thực của Chúa.

 Lạy Chúa, 
nhưng hình như con đã quy chiếu quá nhiều về mình
hình như trong con vẫn còn quá nhiều ngạo nghễ.
Con muốn học thật tốt và sống thật tốt,
con muốn mình làm gì thì kết quả cũng phải thật tốt.
Con muốn làm vinh danh Chúa,
nhưng hình như con cũng muốn làm vinh danh con…
Thế nên những thất bại làm con đau đớn ê chề
và những long đong vô định làm con sợ hãi.

TÂM TÌNH MÙA VỌNG

Đêm 14 rạng 15 tháng 4 năm 1912, con tầu Titanic sang trọng và vĩ đại nhất thế giới đã đụng phải tảng băng sơn trên miền Bắc Hải Thái Bình Dương.  Con tầu từ từ chìm xuống mang theo 1513 người thiệt mạng.  Trong cuốn phim Titanic được dựng lại, cảnh khủng khiếp xáo trộn của các nạn nhân tranh dành nhau để trốn thoát, cảnh nước ùa vào con tầu…  Và đặc biệt nhất, cảnh dàn nhạc vẫn bình thản trong tư thế sẵn sàng hòa tấu bản nhạc bất hủ “Một Niềm Phó Thác hay Tin Cậy Mến” Chúa ơi con tin thật lòng…  Chúa ơi con luôn một niềm cậy trông Chúa thương… rất cảm động.  Như một thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ giây phút ra đi về miền miên viễn xót xa… Và con tầu từ từ chìm xuống…

*******************************************

Cuộc đời mỗi người trong nhân loại cũng có cuộc sống giống như con tầu định mệnh Titanic.  Có lúc sinh ra.   Có lúc thăng trầm.  Có lúc chuẩn bị ra đi…  Mùa Vọng Đức Kitô mời gọi mỗi người chúng ta có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng.  “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”  Lời Đức Kitô như một thúc bách mỗi người chúng ta.  Hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến.  Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta khi nhắn gửi tín hữu Rôma: “Phần rỗi chúng ta gần đến.”

Ngày 27.11.2003, một sự kiện bất ngờ làm ngạc nhiên thế giới.  Tổng Thống George Bush của Hoa Kỳ đã hiên ngang và can đảm dùng chuyến bay Air Force One đáp xuống phi trường quốc tế Baghdag tại Iraq, giữa lúc chiến tranh khủng bố đang đe dọa.  Nơi đây trong những ngày trước, một phi cơ chở hàng bị bắn.  Nhưng với thái độ chuẩn bị sẵn sàng, và trong vòng bí mật nhất, Tổng Thống đã đến thăm những quân nhân Hoa Kỳ đang tham chiến tại đây, và phục vụ họ như một bày tỏ của yêu thương.  Sau đó, trên đường về, Tổng Thống tiếp tục tham dự Ngày Lễ Tạ Ơn của Dân Tộc Hoa Kỳ cùng với gia đình tại Texas.

Làm một việc gì, con người cũng cần tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng.  Chuẩn bị một năm học mới, người học sinh và sinh viên cũng cần tỉnh thức và chuẩn bị.  Bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, con người cũng cần chuẩn bị với tư thế tỉnh thức và sẵn sàng.

Chuẩn bị cho một kế hoạch hay một dự án, con người cũng cần tỉnh thức chuẩn bị và sẵn sàng.
Người thương gia khi buôn bán, cũng cần có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để dấn thân vào thương trường.

Chuẩn bị đón Chúa đến trong mùa Giáng sinh năm nay, Giáo hội qua lời mời gọi của Đức Kitô, cũng tha thiết mời gọi và thúc giục chúng ta phải có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện trong tư thế sẵn sàng: “Hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.”

Mùa Vọng là Mùa của tỉnh thức và cầu nguyện.  Một hai giòng lịch sử về Mùa Vọng để chúng ta hiểu rõ ý nghĩa Mùa Vọng và sống trong thái độ tỉnh thức và cầu nguyện để chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh.

Hằng năm, lịch sử dân gian bắt đầu bằng mùa xuân, thì Năm Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ bắt đầu bằng “Mùa Vọng.”

Mùa Vọng, La ngữ gọi là “Adventus”, Anh Ngữ gọi là “Advent.”  Do ý nghĩa nội tại, hai chữ Mùa Vọng “Advent” với ý nghĩa là thời gian chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh.  Lễ Giáng Sinh là sự thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu xuống thế cứu độ con người.

Giáo Hội Công Giáo Rô-ma chọn Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng làm ngày khởi đầu Niên Lịch Phụng Vụ.  Trong Phụng Vụ của Giáo Hội, Mùa Vọng kéo dài qua bốn Chúa Nhật để chuẩn bị Đại Lễ Giáng Sinh Mừng Chúa Giáng Trần, được mừng kính vào ngày 25 tháng 12.

Bốn Chúa Nhật của Mùa Vọng tượng trưng cho thời gian mấy ngàn năm các Thánh Tổ Phụ và các Ngôn Sứ trông đợi Chúa Cứu Thế đến.  Trong thời gian này, qua lời mời gọi của các sứ ngôn, người ta ăn năn sám hối và cầu mong Đấng Cứu Thế Giáng Sinh.

zzTrong Mùa Vọng, người ta chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, nên Mùa Vọng mang ý nghĩa tỉnh thức, cầu nguyện, và ăn năn sám hối để dọn đường Chúa đến.

Trong nghi thức Phụng Vụ, màu tím là màu sám hối ăn năn, được xử dụng trong ba Chúa Nhật thứ nhất, thứ hai, và thứ tư Mùa Vọng.  Trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, màu hồng được xử dụng để biểu lộ ý nghĩa “vui mừng đợi trông” Chúa đến.  Trong bốn Chúa Nhật Mùa Vọng, Thánh Lễ đều không hát kinh Vinh Danh.  Với ý nghĩa của sám hối ăn năn, những Lễ hội dân gian, đều không được cử hành cách trọng thể.

Ngoài ý nghĩa tỉnh thức, cầu nguyện, trông đợi, và sám hối, Mùa Vọng còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là tâm tình tạ ơn.  Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về biến cố vô cùng trọng đại là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Giáng Trần.  Vì yêu thương nhân loại, nên từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã quyết định ban Ơn Cứu Độ cho chúng ta qua Mầu Nhiệm Giáng Sinh.  Để thực thi hồng ân này, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế làm người.  Nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta được cứu độ và trở nên con cái thật sự của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy đến, chúng con đang tỉnh thức và mong chờ ngày Chúa đến cứu độ chúng con trong suốt Mùa Vọng năm nay.  Amen!

Lm Paul Văn Chi

SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

Hôm nay cung thánh đượm vẻ u buồn. Lễ phục mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh. Màu tím của âm thầm cầu nguyện. Màu tím của tha thiết đợi chờ. Màu tím ấy nhắc cho ta biết: ”Hôm nay ta đã bước vào mùa Vọng.”

Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến cứu độ ta. Cuộc đời ta quá nhiều đau khổ, quá nhiều tội lỗi, quá nhiều bế tắc. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi đời ta, giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa ta vào tình trạng thánh thiện của con cái Chúa.

Như thế mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Đợi chờ chính là hy vọng. Như thế trong màu tím buồn chờ đợi đã thấy thấp thoáng màu xanh hy vọng vui tươi. Nhưng làm sao để màu tím biến thành màu xanh?  Làm sao nắm bắt được niềm hy vọng? Làm sao gặp được Chúa khi Người ngự đến? Lời Chúa sẽ hướng dẫn ta sống tinh thần mùa Vọng này.

Trong tuần thứ nhất mùa Vọng, Chúa Giêsu khuyên ta noi gương tổ phụ No-e. Tổ phụ No-e đã được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy nhờ thái độ sống tích cực trước lời hứa của Chúa. Thái độ tích cực đó gồm hai điểm hỗ tương.

zz 1) Chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào cuộc đời tối tăm hiện tại

Người ta sống nhờ hy vọng.  Không có hy vọng, không ai sống nổi ở đời. Cuộc đời phù du mau qua. Cuộc đời tràn ngập đau khổ. Cuộc đời quá nhiều thử thách. Nhờ hy vọng con người mới có thể tiếp tục sống, làm việc và thăng tiến.

Chính vì hy vọng một mùa gặt bội thu mà người nông dân không ngại dầm sương dãi nắng, thức khuya dậy sớm, cần cù cày bừa, gieo vãi và vun tưới.

Chính vì hy vọng đậu đạt mà học sinh, sinh viên không ngại vất vả, ăn uống đơn sơ, giảm bớt vui chơi, đêm đêm chong đèn đọc sách.

Chính niềm hy vọng được cứu thoát đã giúp tổ phụ No-e có đủ can đảm và kiên nhẫn, đầu tư thời giờ và công sức để đóng một con tàu lớn. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời hứa của Chúa. Tin tưởng vào Lời Chúa, tổ phụ No-e sống tràn đầy niềm hy vọng vào tương lai. Niềm hy vọng đó giúp Ngài vượt qua những khó khăn hiện tại.

2) Sống tích cực giây phút hiện tại để chuẩn bị cho tương lai.

Niềm hy vọng vào tương lai giúp ta thêm can đảm. Nhưng nó không cho phép ta thoát khỏi cuộc sống hiện tại.  Niềm hy vọng tách rời khỏi thực tế sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế muốn đạt tới niềm hy vọng tương lai, ta phải tích cực sống phút giây hiện tại. Phải tích cực làm việc cho tương lai.

Tổ phụ No-e không ngồi khoanh tay chờ Chúa đến cứu, nhưng đã bắt tay vào việc. Ngài làm việc cật lực, bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của những người chung quanh.

Tục ngữ Pháp có câu: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp. Tổ phụ No-e đã thực hiện đúng như thế. Ngài đã dồn hết công sức vào việc chuẩn bị tương lai. Và Chúa đã cứu Ngài như lời đã hứa.

Đời sống ta là một mùa Vọng kéo dài. Mùa Vọng trần gian muốn phủ ta trong màu tím buồn của những gian nan thử thách, những thất bại, những chán nản, lo âu, nghi ngờ, mệt mỏi. Ta hãy noi gương tổ phụ No-e, tin tưởng vững chắc vào lời Chúa hứa. Lời Chúa sẽ chiếu ánh sáng hy vọng tương lai vào những tăm tối u buồn hiện tại. Như tổ phụ No-e, ta không ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng tích cực làm việc bổn phận trong hiện tại. Làm mọi việc thường ngày với lòng tin tưởng vững chắc. Làm những việc nhỏ mọn với tình mến Chúa yêu người tha thiết. Đó chính là cách ta sẵn sàng chờ đón Chúa đến. Đó chính là ta tỉnh thức không bị lỡ cơ hội khi Chúa đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Isaiah 2:1-5 – BĐ2:Romans 13:11-14 – PÂ: Mátthêu 23:35-43)

THIÊN CHÚA ĐÃ TRỞ NÊN GIỐNG NHƯ BẠN VÀ TÔI

Có một câu chuyện cổ tích kể rằng: ở một vương quốc nọ.  Có một vị vua cao sang quyền qúy, thế mà lại yêu say đắm một cô thôn nữ miền sơn cước.  Nhà vua định cưới nàng làm hoàng hậu nhưng có quá nhiều trở ngại, khiến nhà vua phải nhiều đêm đắn đo suy nghĩ.  Vì tục lệ chỉ cho phép nhà vua cưới các công nương vương triều.  Tuy rằng ngài có đầy quyền lực để xem thường truyền thống nhưng ngài vẫn không dám quyết định.  Hơn nữa, một ý nghĩ khác nảy sinh khiến ngài càng khó quyết định, vì nhà vua sợ sự khác biệt về địa vị khiến tương quan giữa hai người sẽ khó mà tự nhiên với nhau, cô gái có thể thán phục đức vua nhưng không thực sự yêu ngài.  Vua vẫn là vua, nàng vẫn là thôn nữ chốn hồng hoang.  Vua liền nảy sinh một sáng kiến, ngài từ bỏ ngôi vua để sống như một nông dân, để gần gũi và hoà đồng với nàng, nhưng nhà vua lại sợ, với cương vị một chàng nông dân liệu rằng cô thôn nữ còn yêu mình nữa hay không?  Cuối cùng, vì quá yêu nàng, nhà vua vẫn đánh liều bỏ mọi sự để ngỏ lời yêu thương với nàng.

******************************************

Câu chuyện bỏ ngỏ ở đây.  Câu chuyện không dẫn thính giả đến lời đáp trả của nàng thôn nữ, có đón nhận tình yêu của nhà vua hay từ chối tình yêu.  Nhà vua đã rời bỏ ngai vàng, đã chấp nhận trắng tay vì nàng, nhưng liệu rằng nàng có dám yêu anh “khố rách áo ôn”, khi địa vị, danh vọng, tiền bạc của nhà vua đã không còn?  Câu chuyện cũng không dẫn độc giả tới tuyệt đỉnh của một tình yêu là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.  Câu chuyện không có đoạn kết, vì đoạn kết tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người đều có quyền điền vào cho hợp với ý của mình.  Câu chuyện chỉ muốn gợi lên cho độc giả về một tình yêu cao cả mà nhà vua đã dành cho cô thôn nữ hèn kém này.  Một tình yêu thật lớn lao đến độ dám từ bỏ ngai vàng vì một cô thôn nữ xa lạ chỉ một lần thấy thoáng qua trong đời.

Vâng, câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn.  Đây là một câu chuyện có thực về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.  Thiên Chúa hằng yêu thương bạn, yêu thương tôi.  Ngài là một vị vua đã tự bỏ ngai vàng, cung điện và cả cung cách của một vì Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi như chúng ta.  Ngài quá yêu chúng ta đến nỗi đã trở nên “đồng hình đồng dạng vì chúng ta”.  Ngài đã trở thành một “Emmanuel vì chúng ta”.  Nhưng tiếc thay nhân loại hôm qua cũng như hôm nay đã không nhận ra Ngài.  Họ cần một vì Thiên Chúa đánh đông dẹp tây, quyền uy sang trọng.  Họ cần một vì Thiên Chúa để họ điều khiển theo ý của họ.  Họ đòi Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng của họ hơn là chính họ phải hành động theo ý của Thiên Chúa.  Năm xưa dân Do Thái đã không nhận ra Chúa khi Ngài mang thân phận của một con người như họ.  Họ còn xem thường về nguồn gốc của Ngài.  Cho dù họ đã chứng kiến biết bao phép lạ phi thường mà chỉ có bàn tay Thiên Chúa mới có thể thực hiện được.  Thế mà, họ lại xuyên tạc là nhờ tướng quỷ mà làm được những việc này việc nọ.  Từ việc xem thường gốc gác về Ngài, họ đã đẩy Ngài đến án tử trên đồi Golgotha.  Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ, ngài vẫn tiếp tục yêu thương và yêu thương cho đến cùng, vì Ngài là tình yêu.

Vâng, câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn.  Thiên Chúa vẫn đang gõ cửa từng cuộc đời chúng ta.  Ngài hằng mong chúng ta đón nhận Ngài qua những con người túng thiếu cơ hàn, qua những mảnh đời tha phương cầu thực, qua những bất hạnh của những anh em đang ở bên cạnh chúng ta. Thiên Chúa đã trở nên đồng hình đồng dạng vì chúng ta, Ngài vẫn cần chúng ta trao ban cho Ngài những nghĩa cử yêu thương.  Ngài vẫn đang cần chúng ta săn sóc Ngài trong tôn trọng và vị tha.  Ngài vẫn cần chúng ta dâng hiến cuộc đời để phục vụ Ngài một cách quảng đại và bao dung.  Ngài là một vì Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người, nhưng liệu rằng, bạn còn yêu Ngài hay không?  Chúng ta yêu một vì Thiên Chúa quyền uy thì dễ nhưng liệu rằng chúng ta có dễ dàng yêu một vì Thiên Chúa đã hoá thân làm người trong thân phận hài nhi yếu đuối, bị truy đuổi, bị loại trừ hay không?  Chúng ta sẵn lòng cúi mình làm tôi cho những ai mang lại cho ta tiền bạc, danh vọng, niềm vui, nhưng liệu rằng chúng ta có muốn cùng Chúa đi trên con đường thập giá, đường hy sinh bản thân để trở nên nguồn hạnh phúc cho anh chị em mình không?

Hôm nay, là ngày lễ Chúa Giêsu là Vua, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy sống đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Vì yêu thương ta Ngài đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài, chúng ta hãy phục vụ Ngài qua anh em của chúng ta.  Vì yêu thương ta, Ngài đã chấp nhận chết để cứu độ chúng ta, chúng ta hãy biết chết đi bản tính ích kỷ của mình, chết đi những toan tính tội lỗi của mình để sống xứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Nguyện xin Chúa Giêsu là Vua cai trị và dẫn dắt chúng ta đi trong đường chính nẻo ngay, và xin Ngài ngự trị thánh hoá cuộc đời chúng ta trong hồng ân và tình thương của Ngài. Amen!

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

 

CHÚA KITÔ VUA

Đáng lẽ tôi đã được rửa tội từ lâu, nhưng vì vấn đề gia đình và làng xóm nên chưa được. Dù vậy tôi rất ư là kitô hữu.”

Đó là lời của nhạc sĩ Văn Cao trong một cuộc gặp gỡ riêng tư năm 1990. Ông đã sung sướng khoe với mọi người như thế, và thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã được đào tạo, nhờ đức tin và âm nhạc kitô giáo.”

Chúng tôi” ở đây muốn ám chỉ giới trí thức và văn nghệ sĩ thế hệ của ông. Đức tin đã thấm vào con người tài hoa ấy, và làm nẩy sinh những tác phẩm bất hủ. “Nếu tôi không hiểu Halêluia là gì, thì đã chẳng có bài “Làng Tôi”. Ông tâm sự như vậy.

Chẳng ai ngờ Văn Cao lại là con người say mê Giêsu, mà là Giêsu chết treo trên thánh giá. Từ năm 1954, ông vẫn treo một thánh giá trước mặt. Giêsu trần trụi, Giêsu không còn gì. Nhưng đối với Văn Cao, có ai hơn Giêsu?

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng đưa ta về với khung cảnh Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ.  Chẳng lúc nào Chúa Giêsu là vua rõ ràng bằng lúc này. “Đây là vua dân  Do thái” (Lc.23:38). Tấm bảng đã ghi như thế.  Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường. Không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.  Không thống trị bằng sức mạnh, chỉ có phục vụ trong yêu thương.

zzBị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nghe những lời mời mọc, ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ. “Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình”. “Hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40). Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến. Đức Giêsu không muốn ta tin Ngài vì những màn trình diễn ngoạn mục. Ngài muốn ta tin, vì Ngài đã phó dâng thân mình Ngài cho Thiên Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.

Chính vào lúc Ngài hấp hối trên thập giá, giữa những lời sỉ nhục và thách thức của các thủ lãnh và lính tráng, thì tiếng nói của anh trộm lành bất ngờ vang lên. Anh ta chấp nhận hình phạt: “Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm”. Rồi anh tuyên xưng sự vô tội của Chúa Giêsu: “Còn ông này, ông có làm điều gì trái đâu.” (Lc.23:41)

Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng vương quyền của Ngài, khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ: “Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng” (Lc.23:42). Trong cái nhìn của anh, thì cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài, và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào ngày đó.

Ngay lúc đó, vị “Vua Bị Đóng Đinh” đã xác tín về vương quyền của mình cho anh trộm lành có lòng thống hối ăn năn. Ngài nói với anh: “Hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng.” (Lc.23:43). “Ở với Ta” quả là thân tình biết bao! “Trên thiên đàng” quả là nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Như thế anh trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ nhờ cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.

Tất cả những việc ấy đều nói lên lòng nhân hậu của Vua Giêsu. Vị “Vua Bị Đóng Đinh” đã bắt đầu cuộc chinh phục của Ngài trên các tâm hồn. Và sau khi Ngài trút hơi thở, viên đội trưởng đã nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, và ông đã đấm ngực ăn năn.

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ hôm nay, ước chi ta biết xóa bỏ những thần tượng giả mạo, ước chi ta chọn Ngài làm vua của vũ trụ lòng mình, để Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời ta, và ngự trị trong cõi lòng ta luôn mãi.

Ước gì ta có đức tin mạnh mẽ để nhìn thấy Chúa Giêsu vẫn không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Ngài bằng trăm ngàn nẻo đường bất ngờ, trong đó có nẻo đường của nhạc sĩ Văn Cao và anh trộm lành trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

***

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, chúng con đã giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, và kết qủa là nhiều tâm hồn vẫn xa Chúa, nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa cho dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.

Lạy Chúa!  Ngài là Vua của trời đất vũ trụ,  là vua của muôn vua và là Chúa của mọi tâm hồn… Xin Chúa đến ngự trị trong cung lòng tâm hồn của mỗi người chúng con và của cả nhân loại này nữa, Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: 2 Samuel 5:1-3 – BĐ2:Colossians 1:12-20 – PÂ: Luca 23:35-43)

SỰ NGẮN NGỦI CỦA ÐỜI NGƯỜI

Ðời người không đáng là bao, và tất cả những gì có cùng có hạn đều chẳng đáng là bao.  Sẽ đến lúc mà một người xem ra rất lớn lao đối với ta sẽ không còn nữa, lúc mà người ấy sẽ như một em bé chưa được sinh ra, lúc mà người ấy không còn nữa.  Người ta có sống trên đời này lâu dài bao nhiêu, cho đi một nghìn năm, thì rồi cũng đến ngày hết hạn.  Chỉ có thời gian tôi sống mới làm cho tôi khác với những gì chưa xuất hiện bao giờ, nhưng cái khác biết này cũng quá nhỏ nhoi, vì cuối cùng tôi cũng sẽ hòa tan vào cái gì không có, và rồi sẽ đến ngày chẳng những hình như tôi đã có, và tôi có sống được bao lâu đi nữa thì cũng chẳng đáng kể là bao, vì tôi sẽ không còn nữa.  Tôi bước vào cuộc đời với định luật là phải ra khỏi đời này, tôi đến đóng vai trò của tôi, tôi đến để trình diễn như mọi người: rồi sau đó, tôi phải biến đi.  Tôi đã thấy nhiều người đi qua trước tôi, rồi những người khác sẽ thấy tôi đi qua; rồi chính những người này cũng hiến cho những người đến sau họ một cảnh tượng tương tự; và cuối cùng tất cả mọi người đều sẽ đến hoà mình trong cái hư vô.

zzCuộc đời tôi sống được tám mươi tuổi là cùng; cho được một trăm tuổi đi nữa, đã có một lúc tôi chưa có!  Và đến một lúc tôi sẽ không còn nữa!  Và thời gian tôi sống, tôi chiếm một chỗ quá ít ỏi trong vực thẳm vĩ đại của thời gian!  Tôi chẳng là gì cả; cái khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể làm cho tôi khác biệt nhiều với cái hư vô mà tôi phải đi đến.  Tôi đã đến trong cuộc đời để cho thêm một con số, mà rồi người ta cũng chẳng biết làm gì với tôi; và vở hài kịch sẽ được diễn xuất chẳng kém hơn, một khi tôi sẽ trở vào hậu trường sân khấu.  Vai trò tôi phải diễn xuất thì quá nhỏ nhoi trên đời này, và quá ít quan trọng đến nỗi, khi tôi nhìn kỹ, tôi có cảm tưởng là một giấc mộng đã thấy tôi có ở đây, và tất cả những gì tôi thấy cũng chỉ là điều hão huyền: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1 Cor 7, 9).

Ðường đời tôi đi chỉ được tám mươi năm là cùng, và để đi đến đó, tôi phải vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy, biết bao nhiêu bệnh tật, v.v..?  Vì đâu mà cuộc hành trình ấy đã không ngừng ở mỗi giây phút?  Tôi đã không nhận ra bao nhiêu lần tôi phải ngừng sao?  Tôi đã thoát chết ở cuộc gặp gỡ này ở cuộc găp gỡ nọ: nói tôi thoát chết là nói sai; tôi tránh được hiểm nguy này, nhưng không phải tránh được cái chết: cái chết đang giăng nhiều cạm bẫy đủ loại trước mặt chúng ta; nếu tránh được cạm bẫy này, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy khác; cuối cùng chúng ta phải rơi vào hai cánh tay của thần chết.  Giống như tôi trông thấy một cây to bị gió đánh nghiêng ngả, có nhiều lá rụng xuống từng lúc; có những lá cầm cự được lâu hơn, có những lá khác chịu đựng được ít hơn: mà nếu có những lá cầm cự qua được cơn giông tố, thì luôn luôn mùa đông sẽ đến làm cho chúng héo đi và rụng xuống đất, hoặc như trong một cơn bão lớn những người này bất thần bị ngạt thở, những người khác nằm trôi trên mảnh ván chịu buông xuôi theo làn sóng; và lúc mà họ tưởng đã thoát khỏi mọi hiểm nguy, sau khi đã cầm cự được khá lâu, thì một ngọn sóng đẩy họ đập vào một tảng đá ngầm, thế là tan xác.  Cũng vậy, một số đông người chạy cùng một con đường đời, chỉ có vài người mới chạy được đến cùng; nhưng sau khi đã tránh được những cuộc tấn công khác nhau của thần chết, đã đến được cuối cuộc hành trình mà họ đã vươn tới giữa biết bao nhiêu nguy hiểm, họ lại gặp ngay thần chết và rút cục ngã quỵ ở cuối hành trình: đời họ vụt tắt như cây nến đã tiêu hao hết chất đốt của nó.

Cuộc đời tôi sống được tám mươi năm là cùng; và trong tám mươi năm ấy, có bao nhiêu năm được gọi là đáng kể trong cuộc sống của tôi?  Giấc ngủ thật giống như cái chết; thời thơ ấu là cuộc sống của một con vật.  Bao nhiêu thời gian của thời thanh xuân, tôi muốn xoá đi?  Và khi tôi có tuổi, tôi còn muốn xoá đi bao nhiêu nữa!  Thử tính xem tất cả thời gian ấy thu lại còn được cái gì? Vậy tôi sẽ đếm được những gì?  Vì tất cả những thứ ấy sẽ không còn nữa.  Thời gian mà tôi cảm thấy thoả thích, thời gian mà tôi có được vài danh vọng chăng?  Nhưng thời gian ấy đã quá thưa thớt trong cuộc sống của tôi biết bao!  Nó tựa như những cái đinh được đóng vào một bức tường dài, trong một khoảng tường nào đó: có lẽ bạn nói là những cái đinh đó chiếm nhiều chỗ quá, thu nhặt lại thì chúng chẳng chiếm được cả lòng bàn tay.  Nếu tôi loại đi khỏi đời tôi giấc ngủ, các bệnh tật, các nỗi lo âu và bây giờ tôi thử tính tất cả thời gian mà tôi có được vài thoả thích hoặc vài danh vọng, thì cái thời gian đó đưa tới được cái gì?  Nhưng các thoả thích ấy, tôi có được cùng một lúc không?  Tôi được nó có khác gì hơn là những thoả thích vụn vặt?  Nhưng tôi có được những thoả thích ấy mà không vướng một lo âu nào, và nếu có lo âu, tôi sẽ đặt những thoả thích ấy vào thời gian mà tôi quý trọng hay vào thời gian mà tôi không kể đến?  Và khi đã không có được thời gian ấy cùng một lúc thì ít ra tôi có được thời gian thoả thích ấy tức khắc không?  Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn chia tách hai lần thoả thích ra sao?  Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn gieo trở ngại để ngăn cản các lần thỏa thích không nối liền với nhau sao?  Nhưng các thoả thích ấy còn để lại gì cho tôi? Những thú vui chính đáng thì chỉ là một kỷ niệm vô ích; những thú vui bất chính thì lại là một mối ân hận, là một sự ràng buộc dẫn tới hỏa ngục hoặc là phải sám hối, v.v…

A! Ta rất có lý mà nói rằng ta sống cho qua thời giờ!  Thật vậy, ta sống cho qua thời giờ và ta qua đi với nó!  Tất cả con người tôi thu gọn trong một giây lát; và đó là điều phân cách tôi khỏi cái hư vô; giây lát ấy trôi qua, tôi bắt lấy giây lát khác; giây lát này trôi qua sau giây lát khác, tôi nối kết giây lát này với giây lát kia, cố gắng làm cho mình an tâm, mà tôi không nhận thấy rằng những giây lát ấy đang từ từ lôi cuốn tôi đi với chúng, và tôi sẽ thiếu thời gian, chứ không phải thời gian thiếu tôi.  Cuộc đời tôi là thế đó; và điều đáng ghê sợ là nó trôi qua đi đối với tôi, chứ trước mặt Chúa, nó vẫn tồn tại.  Nhưng sự việc này liên quan đến tôi.  Cái gì thuộc về tôi, nhưng cái tôi có tùy thuộc vào thời gian,vì chính bản thân tôi cũng tuỳ thuộcvào thời gian; nhưng cái tôi có thì thuộc về Chúa, trước khi tôi xuất hiện; nó tùy thuộc Thiên Chúa trước khi tùy thuộc thời gian; thời gian không thể lôi nó ra từ thế giới của mình, vì thế giới ấy ở trên thời gian; đối với Chúa, những cái đó vẫn tồn tại và được kể vào kho tàng của Người.  Ðiều gì tôi sẽ đặt vào trong kho tàng ấy, tôi sẽ tìm thấy lại, điều gì tôi làm trong thời gian, sẽ từ thời gian mà đi vào vĩnh hằng; vì lẽ rằng thời gian nằm trong cái vĩnh hằng và dưới cái vĩnh hằng, cũng dẫn đến vĩnh hằng.  Tôi chỉ được hưởng những giây lát của cuộc sống này trong lúc nó trôi qua; khi chúng trôi qua rồi, tôi phải chịu trách nhiệm như thể chúng vẫn còn tồn tại.  Nói như vậy chưa đủ các giây lát ấy đã qua, tôi không còn nghĩ đến nữa. Chúng đã trôi qua, quả thế, đối với tôi, nhưng không phải thế, đối với Thiên Chúa; và Người sẽ đòi tôi phải trả lẽ.  Vậy, hỡi linh hồn tôi, cuộc đời này có phải là cái gì đáng kể lắm không?  Và nếu cuộc đời này chẳng đáng kể là bao, vì nó sẽ qua đi, thì những thú vui không kéo dài cả đời sống và sẽ qua đi trong chốc lát có nghĩa lý gì?  Nó có đáng để ta bị đọa đày không?  Nó có đáng để ta bỏ ra bao nhiêu công lao vất vả, để ta tỏ bày bao sự khoe khoang không?  Lạy Chúa, con hết lòng quyết tâm suy nghĩ về cái chết, mỗi ngày, trước mặt Chúa, ít nữa trước khi đi ngủ và lúc mới thức dậy. Với suy tưởng này: “Tôi có ít thời gian, nhưng lại có nhiều điều phải làm, có thể tôi còn có ít thời gian hơn tôi tưởng,” tôi sẽ ngợi ca Chúa đã lôi kéo tôi ra nơi đây để nghĩ đến việc ăn năn thống hối, và tôi sẽ thu xếp công việc của tôi, để nghĩ đến việc xưng tội, đến những việc đạo đức cách nghiêm chỉnh, với nhiều can đảm và cần mẫn; suy nghĩ không phải đến những gì qua đi, mà đến những gì còn tồn tại.

Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704) – Phan Minh Thiện chuyển dịch – maranatha-vietnam.net

Tác giả soạn bài này là một chủng sinh viết trong dịp cấm phòng để chuẩn bị chịu chức phụ phó tế (sous-diacre), tháng 9 năm 1648, lúc thầy mới 21 tuổi.  Sau này thầy thăng tiến làm linh mục, rồi giám mục giáo phận Meaux, được mệnh danh là “Aigle de Meaux” về tài hùng biện xuất chúng của ngài.  Ngài là một trong hai giám mục được vào danh sách những văn nhân của nước Pháp, có tác phẩm trong chương trình học về văn chương.  (Giám mục kia là Fénélon).

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.

Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như tỏa hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương.  Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng.  Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.

zzTình yêu Thiên Chúa.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.

Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.

Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Tình yêu cuộc sống.

Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín.  Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.

Tình yêu nhân loại.

Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.

Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn tỏa hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).

Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam chúng con. Amen

TGM. Ngô Quang Kiệt

NGÀY LỄ VÀNG – Đoản khúc 83

zzLễ kỷ niệm của hôn nhân hay đời tu mà được 50 năm, người ta gọi là kim khánh. Vì đời người ngắn ngủi nên không mấy người có cơ hội mừng lễ vàng. Tôi cũng vậy, tôi không có cơ hội mừng lễ vàng khi tôi sống. Tôi trở về kỷ niệm 50 năm ngày tôi chết. Lần này tôi tảo mộ lần thứ ba. Tôi gọi là ngày kim khánh của tôi.

Người ta đưa tôi ra nghĩa trang 50 năm rồi. Thấm thoát thế mà tôi đã chết nửa thế kỷ. Hai lần trước tôi tìm thấy mộ người ta chôn tôi. Lần này trở về nghĩa trang tôi không còn mộ nữa. Tôi thơ thẩn cả chiều nay. Tôi hoàn toàn mất dấu vết trên cõi đời rồi sao?

Nghĩa trang ngày xưa người ta chôn tôi không còn nữa. Tất cả người thân rỡ mộ đi chôn nơi khác. Tôi là người không có thân nhân. Cuộc đời đâu có gì trường cửu. Người ta có thể thay đổi bất cứ gì người ta muốn. Mỗi chính thể một vận mệnh. Mỗi chính sách một sáng kiến riêng. Không ai nhận mộ thì người ta rỡ đưa vào một nơi. Nhưng người ta làm cho có lệ. Họ để lẫn lộn, tôi không còn tìm ra tôi nữa. Bây giờ tôi không biết mình còn xương cốt không. Tất cả sọ người đều giống nhau. Thế là tôi mất tên tuổi một kiếp làm người.

*********************************

Tôi không còn nghĩa trang để về. Tôi không còn ngôi mộ để nhìn mình. Tôi đi về đâu?

Tất cả những người tôi quen không còn ai sống sót. Chiếc xe lăn của người tôi quen biết sau cùng đã thành sắt rỉ bao năm rồi. Những người sống với tôi thời ấy đều chết cả. Mới ngày nào ăn cơm với nhau, cùng đi chơi biển với nhau, cùng dạo phố. Thế mà bây giờ im quá. Tôi đi qua phố. Tôi bước qua nhà. Từng con đường. Không gặp một ai. Căn nhà xưa tôi ở, bây giờ ai đó làm chủ, lạ lắm. Nhiều căn nhà không còn nữa.

Tất cả kỷ niệm liên quan tới tôi không còn gì. Những tấm hình tôi chụp trên những thành phố tôi đi qua, nay ở đâu? Không còn một chút gì. Tất cả những người tôi gặp hôm nay như người từ hành tinh khác đến chiếm trái đất của tôi ngày xưa. Tôi không biết một ai. Hoàn toàn không biết một ai. Người ta không thể tưởng tượng nổi nếu tôi hỏi họ xem có ai biết kỷ niệm của tôi ở đâu. Ði tìm ngôi mộ mình mà không thấy. Ðứng phân vân, rồi tôi nghĩ mình là linh mục, tôi có thể trở về nhà thờ. Nhà thờ cũng không có ai biết tôi. Ðây có phải là nhà thờ ngày xưa tôi sống không?

– Thưa ngài, không phải, chúng tôi mới dựng lại nhà thờ này. Cái cũ đập rồi.

Tôi bàng hoàng không tin như thế. Mới có nửa thế kỷ mà thay đổi như thế sao? Có thể tôi lầm. Tôi đi tìm chỗ khác.

Công trình trường cửu nhất là nhà thờ mà cũng không còn sao? Tôi đi tìm sổ rửa tội. Ðấy là nơi chữ ký tôi sẽ nằm vĩnh viễn trong Giáo Hội. Cũng không còn. Một cơn hỏa hoạn đã cháy hết. Những gì là trường cửu như thế mà cũng không lưu được dấu vết một lần tôi làm người trên cõi đời này sao? Cuộc tảo mộ lần thứ ba này vắng vẻ hơn hai lần trước nhiều. Ngày lễ vàng, kỷ niệm 50 năm tôi chết. Không còn dấu vết.

Tôi đứng bơ vơ nhìn dòng đời trôi. Chả ai biết mình. Mình chả biết ai. Nhớ lại mới ngày nào đây mà giờ sao khác biệt lạnh lùng thế. Ngày ấy tôi làm chủ biết bao nhiêu thứ. Mấy dẫy nhà cho thuê. Tiền bạc. Xe cộ. Tôi lao đao trong đời cho bao nhiêu chuyện. Bây giờ là hư vô. Kể cả hai tiệm nail. Hai bàn tay tôi trần trụi đứng nhìn dòng đời. Ðời không thuộc về tôi nữa.

Nhớ lại những ngày đó, bấy giờ mọi sự sao như trường tồn vĩnh cửu. Chúng có sức thu hút mê hoặc. Tôi bị ràng buộc khổ sở vào bao nhiêu điều. Tôi không có thời gian nhìn hoàng hôn buông nắng. Bận rộn không thấy nắng đưa mây xuống chân đồi. Tôi không nghe bài ca con họa mi hót lúc gió xuân. Tôi không thấy những chùm hoa dại đong đưa giữa trời đất vui niềm vui tự do.

Ngày đó mất lòng nhau cũng chỉ vì những thứ ràng buộc ấy. Tôi mất bao hạnh phúc của cánh bướm thong thả buông chơi bên sườn đồi.

Ngày đó sao tôi sống khổ sở vì những cạnh tranh. Tôi mất bao thanh thản của tâm hồn. Tôi mất bao êm ả như cánh én êm đềm báo tin mai vàng đang nở.

Ngày đó sao sống đau đớn vì những bực mình. Tôi mất bao tối nhìn trăng buông ánh sáng xuống thung lũng.

Ngày đó sao sống lo âu vì không tin tưởng được nhau. Tôi mất bao bến bờ đẹp của biển lúc sương khuya, rất mênh mông.

Ngày đó tôi lo tương lai sống ra sao. Tôi mất bao nhiêu cõi trời thênh thang. Tôi không nghe có tiếng sáo vi vu bên đời. Trái tim tôi chật hẹp vì quá nhiều tiếng thở dài.

Tôi đứng đây nhìn lại cuộc sống của mình nửa thế kỷ về trước. Tôi hỏi lòng tôi: Những bon chen kia đâu rồi? Những điều làm tôi giận dữ kia đâu rồi? Những thứ tôi yêu mến kia đâu rồi? Những thành công của tôi đâu rồi? Những lo âu của tôi đâu rồi? Chả còn gì.
Mọi sự đã hết. Bây giờ tôi đi về đâu?
Tôi không còn nghĩa trang về thăm mộ.
Tôi không còn người quen về nhìn xem họ còn giữ kỷ niệm nào của tôi không.
Vậy bây giờ tôi đi về đâu?
Tôi chỉ còn một cõi đi về vĩnh cửu phía bên kia. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đây một lần nữa. Hôm nay là lần cuối cùng.
Phía bên kia là chốn nào?
Ngày còn sống, tôi đã vẽ đường về chốn bên kia cho tôi. Hôm nay tôi cần tấm bản đồ đó. Ngày ấy tôi vẽ rõ đường thì hôm nay tôi thong thả, an tâm đi về. Ngày ấy tôi vẽ cong co thì hôm nay tôi bối rối hoang hoang.
Tôi đi về đâu phía bên kia?
Hôm nay không có ai đi với tôi.
Ðường tôi đi một mình.

*********************************

Lần tảo mộ thứ hai. Ngày silver jubilee, tôi nhìn lại đời mình, nếu lấy con số 100 cho chẵn, tôi thấy 98 phần trăm những gì tôi nhìn, tôi chiếm hữu đều không đem đi được. Chỉ có hai phần trăm là:
Tình yêu Chúa và trái tim bao dung với anh em.
Chỉ có hai phần trăm ấy đem theo được thôi. Nhà thờ cũng bỏ lại. Bản đồ ngày xưa tôi vẽ có rõ không hay chằng chịt không biết lối nào đi.
Bây giờ là định mệnh.
Không còn chốn nào trần gian mà về.
– Giả sử tôi được làm người trở lại, tôi sẽ sống thế nào?
Tôi lại giả sử vậy thôi, trễ quá rồi. Tôi không thể vẽ lại bản đồ một lần nữa.

********************************

“Người ta chỉ gặt hái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Gal. 6: 8).

Bây giờ, tôi đi lối riêng của tôi, lối về mùa màng đã gieo vãi lúc còn sống. Mộ tôi không còn. Chết rồi tôi mới tha thiết nuối tiếc thời gian. Chẳng còn lý do gì để được phép nấn ná về thăm lại chốn xưa. Hạnh phúc hay thở dài. Bất cứ đi về đâu thì bây giờ tôi cũng phải nói lời vĩnh biệt.

Vĩnh biệt nhé. Thôi, tôi xin đi.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.

ĐỜI KHÔNG NHƯ LÀ MƠ

Trở về nhà sau khóa tĩnh tâm, tôi khá mệt vì hai đêm ngủ không ngon ở nhà tĩnh tâm.  Tuy vậy, gặp lại anh và hai con, tôi vẫn muốn chia sẻ cùng họ niềm vui và cái ấm áp của Chúa Phục Sinh trong con người mình với họ bằng cách phục vụ trong tình yêu.  Căn nhà như một đống rác, chén dĩa ly tách đầy trong bồn rửa chén, đồ chơi tràn lan từ các phòng trong ra ngoài phòng khách, quần áo và tất của ba cha con vất lung tung…  Nhưng tôi mới đi tĩnh tâm về mà, chuyện nhỏ!  Lòng thầm tạ ơn Chúa vì anh đã giữ con cho mình đi chơi với Chúa hai đêm ba ngày.

Buổi chiều cuối tháng mười thật đẹp.  Đứng rửa dọn chén bát ly tách và ngắm nhìn ngoài cửa sổ khi nắng chiều đang tắt dần.  Tôi mân mê trong làn nước ấm rửa sạch chén dĩa dơ, tự nhiên thấy hạnh phúc trong những việc nhỏ nhặt.  Đúng như Chúa hứa, Chúa có trong mọi sự, mọi việc vặt vãnh quanh tôi, chỉ là tôi không nhận ra.  Bữa cơm chiều gia đình có thịt ram mà tôi đã ướp sẵn trong tủ lạnh trước khi đi tĩnh tâm, có rau và canh cải ngọt còn trong tủ lạnh, chỉ hâm lại.  Gia đình bố mẹ con cái quây quần ngồi ăn bữa cơm Việt Nam giản dị cùng với Chúa.  Một niềm hạnh phúc ấm áp đơn sơ.

Rồi cả nhà đi xin kẹo quanh xóm mặc dù tôi mệt rã rời và chỉ muốn có thời gian để ngả lưng, nằm đọc qua bài vở cho kỳ thi giữa khóa ngày mai.  Thế nhưng, vì mới xa anh và con, và thấy anh cũng đã vất vả với con cả ngày, nên tôi lại đi cùng.  Lọt tọt khóa cửa nhà và chạy theo con vì trời đã tối.  Đi vòng vòng quanh xóm qua hết bốn năm con đường, và khi vòng về đến nhà, thì phát hiện ra cái chìa khóa trong túi áo của mình đã không cánh mà rơi.

– Ba ơi, chìa khóa nhà đâu mất rồi, chắc rớt mất dọc đường.  Tôi hốt hoảng nói với anh.  (Tôi theo con gọi ông xã là “Ba”.)

Anh bực mình gắt gỏng:

– Ai biểu bỏ chìa khóa vô túi.  Con người gì mà bất cẩn.

Tự nhiên tôi thấy mình như một con rùa rút đầu.  Trong lòng đang khí thế bừng bừng.  Mới đi tĩnh tâm về, lòng thanh thản nhẹ nhàng tưởng như có chết thì cũng vui vẻ sẵn sàng… Vậy mà sao kỳ vậy nè.  Tôi khựng lại như muốn bật khóc, lại bất an.  Thinh lặng.  Tôi dắt con vào trong nhà và nói với anh:

– Ba coi con giùm em chút nghen, em cầm đèn pin đi kiếm lại một vòng những chỗ mình đã đi qua.  Tôi cố bình thản nói vậy, nhưng thực sự như có tiếng Chúa mời gọi tôi dành mấy phút tản bộ cùng Ngài, trước việc mất chìa khóa nhà…

Thiên hạ trong xóm đoàn đoàn lũ lũ kéo nhau đi xin kẹo.  Tôi lang thang cầm đèn pin dọi xuống đất.  Trong đầu thì miên man nghĩ đủ thứ chuyện.  Tôi nghĩ :

“Sao cái ông chồng của mình kỳ cục vậy.  Nhớ có lần tôi và anh đi dự Đại hội giới trẻ, anh làm rơi cái bóp của anh.  Thế là cả hai vợ chồng cùng nhau đi kiếm.  Tôi nhiệt tình gợi nhắc giúp anh nhớ coi đã đi chỗ nào… Và cuối cùng thì tìm được.   Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.

“Sao anh không nhẹ nhàng với tôi.”

“Giá như tôi cẩn thận hơn…”

“ Chúa ơi, nếu mà con tìm được chìa khóa thì hay quá, thì Chúa thiệt đúng là toàn năng.  Chúa giúp con căng mắt ra nhìn Chúa nghe, không thôi lại phiền anh phải thay ổ khóa mới…”

Đi hết qua những chỗ đã đi, quay gần về đến nhà, tôi bắt đầu thấy chán nản và buồn phiền.  Mất thật rồi, Chúa ơi!  Tính sao đây.  Sao mới đi tĩnh tâm về mà Chúa chơi xấu liền vậy nè.

Tôi bấm chuông.  Anh ra mở cửa với bộ mặt hình sự.  Tôi nhìn anh với mắt buồn bã và nói:

– Em làm mất chìa khóa thật rồi, kiếm không có.  Phiền ba mua cho ổ khóa khác.

Anh không nói một lời, đi thẳng vào phòng coi internet, để mặc tôi tắm rửa, cho con uống sữa, đánh răng, đi ngủ…

Người lả ra, tôi ngồi phệch xuống giường, thấy thật bất an.  Cảm thấy hoảng sợ vì những điều Chúa gởi gấm trong tim, Chúa nhắc nhở tôi qua trí hiểu trong khóa tĩnh tâm… như đang lung lay.  Cứ tưởng chiến sĩ này của Chúa ra trận ngon rồi, trang bị đầy đủ để chiến đấu.  Thế mà…  Tôi khóc.  Không phải khóc vì giận Chúa chơi xấu, hay giận chồng không nhẹ nhàng, mà khóc vì tôi yếu đức tin.   Tôi mải dòm đâu đâu mà không tập trung nhìn vào đôi mắt của Cha tôi khi Ngài đưa tay bảo tôi thử bước ra mặt nước để đi trên biển và đến với Ngài.  Thất bại, xấu hổ vì mấy ngày hăng hái theo chân Cha, nay thì giống như mới đi có nửa đường thánh giá, đã vội quay mặt bỏ chạy.

Con té rồi, vấp ngã rồi… Cha ơi

Tôi gục đầu vào lòng Chúa

…Và nghe như có tiếng Chúa nói bên tai: “Cha đùa chút, thử lòng con chút thôi.  Càng yêu nhiều thì càng thử thách nhiều, biết không?”

Rồi tôi bắt đầu bình tâm lại.  Nhận ra mình đã thật vội vàng trách cứ về người chồng mà Chúa đã gửi cho tôi trong cuộc đời này.  Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, núi rừng trên nhà tĩnh tâm cũng thế.  Xanh lá cây thôi mà có trăm màu khác nhau.  Sao tôi lại đòi hỏi anh phải thế này, phải thế kia, phải nên trọn hảo…  Chúa yêu anh như anh là.  Chúa yêu tôi, như tôi là.  Hơn nữa chung sống với anh đã lâu, biết tấm lòng anh chân thật, chỉ có ăn nói vụng về, không dễ nghe chút thôi.  Chấp nhận, yêu thương, và tạ ơn vì anh là tạo vật có một không hai của Chúa.  Lý thuyết đơn sơ cho bao nhiêu gút mắc, mâu thuẫn vì khác biệt của vợ chồng, mà nhiều khi học hoài không nhớ.

Tôi thầm tạ ơn Chúa vì tôi không có tánh hung hăng dữ tợn bộp chát nên đã không nói năng tầm bậy khiến chồng tôi buồn, khiến anh phải đặt câu hỏi “ Ủa, mới giữ con cho đi tĩnh tâm mà sao kỳ vậy nè!”  Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thắng tôi lại, cho tôi biết ôm ấp Thánh kinh, ôm ấp lời Chúa và để Chúa hoạt động trong biến cố mất chìa khóa.

Sáng hôm sau thức dậy sớm, tôi thong dong đi bộ một mình với Chúa.  Sẵn tiện kiếm chìa khóa lần nữa.  Vẫn không tìm được chìa khóa, cho dù là có ánh sáng ban ngày.  Chúa đang mời gọi tôi điều gì đây?  Tôi nhận ra sự bé nhỏ, hạn hẹp của phận người.  Cuộc đời sẽ xô đẩy, lá khô có khi sẽ rơi xuống, vùi lấp chìa khóa lời Chúa, chìa khóa để tôi mở cửa trái tim mình.  Hay có khi tôi đánh rơi chìa khóa con tim tôi trong một bàn tay lạ, không phải bàn tay của Chúa…  Lời mời gọi tôi sống tỉnh thức, sống trọn vẹn giây phút hiện tại.  Lời mời gọi tôi hãy trở nên một Kitô hữu trong sáng, tinh sạch và xứng đáng với Chúa Giêsu Thánh Thể…dù cuộc đời tôi có hoen úa, dù cuộc hành trình ấy khó khăn và tối mù mù giống như ban đêm dọi đèn pin đi tìm chìa khóa bé xíu.

Cuộc đời còn dài và tôi mới có hơn hai chapters thôi (ngoài 20) nên chắc hẳn sẽ cón nhiều biến cố lạ lùng, bất ngờ phía trước.  Chỉ cầu xin một điều cho tôi biết đơn sơ nắm chặt lấy tay Chúa để đi hết con đường này.

Đời không như là mơ
Xin em đừng ngu ngơ
Hãy căng mắt đợi chờ
Nhiều bất ngờ dễ sợ
Đón nhận như trẻ thơ
Sẽ thấy nhẹ như tơ

Ngạo

ĐỜI NÀY và ĐỜI SAU

Bạn đã làm người được bao nhiêu năm?

Chết hết làm người, bạn dự định sẽ làm gì ?

Sống và chết là điều mà mọi người đều nghĩ tới. Và hơn thế nữa, ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời này luôn luôn là điều mà ta hằng quan tâm suy nghĩ.  Ngay cả những người vô thần, dù không tin có cuộc sống ở đời sau, vẫn băn khoăn lo lắng cho những gì xảy ra sau khi ta chết: Lúc đó ta sẽ ra sao ? Sẽ làm gì ? Sẽ đi về đâu ? Về cõi trường sinh vĩnh phúc, hay nơi trầm luân đời đời ?

***

zzBạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến đời sau, nơi mà con người không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống.  Sẽ chẳng cần lấy vợ lấy chồng. Sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nhưng đời sau vẫn là một nhiệm mầu, vì chẳng ai tận mắt nhìn thấy đời sau, chẳng ai chụp hình quay phim được thiên đàng hay hỏa ngục.  Người đã chết cũng chẳng bao giờ trở lại đời này để kể cho ta nghe về đời sau. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau.  Đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ, cho nên con người bị cuốn hút bởi “tham sân si” của đời này, sống như thể chỉ có đời này, bám dính lấy đời này.

Thế nhưng, đời này được kết thúc bằng cái chết. Mọi người đều phải đi qua sự chết. Cái chết là cánh cửa mở ra cho con người đi vào cuộc sống mới ở đời sau. Nơi đó những người công chính không còn phải chết nữa, nhưng được sống lại, và sống đến muôn muôn đời.

Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.  Giáo lý Công giáo khẳng định chỉ có một kiếp người, đó là cuộc đời ta đang sống.  Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận của ta ở đời sau.  Lúc đó ta sẽ ra sao ?  Sẽ đi về đâu?  Về nơi trường sinh vĩnh phúc hay cõi trầm luân đời đời ?

Chúng ta chỉ đi qua cuộc đời này một lần mà thôi, không có một cơ hội thứ hai để ta làm lại. Chính vì thế ta phải cố gắng nỗ lực sống hết mình trong cuộc đời này, để đời sau ta được sống lại với Thiên Chúa, vì “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, và đối với Ngài, tất cả đều đang sống.” (Lc.20:38). Và đó cũng là cơ sở vững chắc cho ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính : “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng.  Hy vọng vì đời ta sẽ không đi trong bất định, không lạc vào hư vô, nhưng có một cùng đích là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta.  Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên trong hạnh phúc; hạnh phúc được làm con cái Thiên Chúa, hạnh phúc được chia sẻ sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta tin tưởng vững vàng và hy vọng chắc chắn rằng : Cũng như Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì sau khi chết, người công chính cũng được sống mãi với Đức Kitô Phục sinh và Người sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. (GLHTCG, số 989)

***

Lạy Chúa Giêsu, trần gian này quá đẹp khiến con mải mê, quên mình là lữ khách. Thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong lòng con. Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân, như thể con sẽ sống mãi trong cuộc đời này.  Xin khơi dậy trong con niềm khát khao những điều cao cả trên trời, và đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường nơi trần thế tạm bợ này. Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: 2 Maccabees 7:1-2,9-14 – BĐ2: 2Thessalonians 2:16-3:5 – PÂ: Luca 20:27-38)