THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

zzThánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh ngày 2-1-1873 tại Alencon, nước Pháp.  Ngài là con thứ chín của hai ông bà Louis Martin và Xélie Guérin.  Trước kia hai ông bà đã có ý nguyện dâng mình phụng sự Chúa trong tu viện mà không thành.  Bù lại, 5 người con còn sống đều đã hiến thân theo đời sống tu trì.  Khi sinh ra Têresa, mẹ ngài đã nói: Tôi chỉ ao ước có nhiều con để dẫn chúng về trời.

Nhưng khi mới lên bốn, Têrêsa đã mất mẹ, bà chết vì căn bệnh ung thư.  Suốt quãng thời thơ ấu, thánh nữ được sự dịu hiền của người cha bao bọc.  Một buổi chiều, níu tay cha Têrêsa chỉ lên trời mà nói:  Cha ơi!  Xem kìa, tên con đã được viết trên trời.

Dù còn nhỏ từ tuổi lên ba, ngài nhớ rằng mình đã không từ chối Chúa điều gì.  Ngài đã cố sửa tính cứng đầu, ích kỷ và hay thay đổi.  Lúc lên mười, ngài ngã bệnh nặng.  Nhưng ngài đã thấy tượng Đức Trinh Nữ mỉm cười với mình và cơn bệnh biến mất.

Têrêsa luôn nghĩ tới những sự trên trời, ngài nói rằng:  Chúa Giêsu đã chết trên Thánh giá để cứu rỗi các linh hồn, nhưng thật đáng buồn khi có rất nhiều người không đáp lại lời mời gọi của Chúa.  Bởi thế, thánh nữ đã cầu nguyện và thống hối để đưa các linh hồn về trời.  Có một kẻ cướp tên là Pranzini bị kết án tử hình.  Thánh nữ đã tự ý cầu nguyện cho hắn được ơn hối cải.  Ngài còn xin một dấu chỉ chứng tỏ hắn hối cải.  Và rồi, tên cướp đã từng từ chối sự giúp đỡ của linh mục, lúc lên đoạn đầu đài, bỗng quay nhìn thánh giá và hôn 3 lần.

Từ nhỏ đã quyết nên thánh, Têrêsa muốn được sớm tận hiến cho Chúa.  Mười lăm tuổi, ngài đã ước ao được gia nhập dòng kín.  Không được phép, ngài hành hương đi Roma để xin phép Đức giáo hoàng, Đức Leo XIII chỉ trả lời: Nếu Chúa muốn.

Đức Giám mục Bayyeux đã cho phép ngài vào dòng ngay.  Nơi đây đã có 3 người chị của ngài.  Nhận được tên Têrêsa của Chúa Giêsu Hài Đồng, ngài thêm và của Thánh Nhan.  Ngày khấn dòng, ngài cầu nguyện: Ôi Chúa Giêsu, con xin ơn bình an và tình yêu vô bờ bến.  Xin cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác, hay tốt hơn, được tử đạo cả hai.

Chính nhờ “đường con thơ tin tưởng và phó thác” mà thánh nữ đạt đến tuyệt đỉnh thánh thiện và hoàn tất ơn gọi sống tình yêu và đau khổ, ngài đã quyết không bỏ qua một hy sinh nhỏ bé nào.

Ngài đã chịu bề trên hiểu lầm và đối xử một cách nghiêm khắc, chịu giá lạnh và hy sinh liên tục, ngài bị trách mắng bất công, bị thử thách đủ loại, mà chỉ đáp lại bằng nụ cười.  Người ta chỉ gặp thấy nơi ngài thứ sánh sáng an bình và không thể đoán biết nổi những đau khổ mà dường như ngài muốn dấu cả Chúa nữa:

– Con cố gắng mỉm cười khi phải đau khổ… để Chúa nhân lành như bị lừa bởi dáng vẻ bề ngoài, cũng không biết rằng: con phải đau khổ nữa.

Lạnh lẽo, ngài không chà tay; đau chân, ngài chú ý kẻo chân đi khập khiễng; ngài âm thầm thực hiện những việc giúp đỡ phiền hà nhất.  Một chị bạn làm bể chiếc bình, nhưng ngài bị la rầy mà ngài vẫn cúi đầu nhận lỗi.  Một chị bạn đã găm kim vào da thịt ngài khi giúp ngài đội khăn mà ngài vẫn cám ơn không hề kêu trách.  Một nữ tu già kỳ chướng cần được sự giúp đỡ, Têrêsa tận tuỵ phục vụ bà và chỉ mỉm cười đáp lại những phiền trách của bà.

Người ta hỏi ngài: Chị nói thế nào là ở như một trẻ thơ trước mặt Chúa?

Ngài trả lời: Là khiêm tốn đón chờ mọi sự bởi Chúa nhân lành, như một trẻ thơ chờ đón tất cả bởi tay cha nó.  Mọi sự khác chẳng quan hệ gì.

Thật viễn vông khi muốn vài chục người chung quanh quý chuộng.  Tôi chỉ mong được yêu thương ở trên trời bởi vì chỉ ở trên đó mới hoàn hảo mà thôi.

Ngài không đòi được soi sáng nữa, khiêm tốn và phó thác, ngài tin rằng:  Tôi không mơ ước được thấy Chúa và các thánh của ngài như nhiều người khác ao ước được nhìn thấy và thấu hiểu mọi sự, mà chỉ muốn ở lại trong cuộc sống đức tin.

Giáo thuyết rất đơn sơ, nhưng sâu sắc của ngài được nuôi dưỡng không ngừng bằng những suy ngắm và được trình bày trong cuốn MỘT TÂM HỒN.  Chị ngài, mẹ ANÊ thời đó, đã truyền cho ngài viết lại những ký ức này.  Sợ rằng việc này “làm phân tâm”, nhưng vì vâng lời, ngài đã thực hiện.  Thế là chúng ta có được một sứ điệp khôn sánh về đức khiêm hạ, sức mạnh tình yêu và phó thác.  Con người muốn bé nhỏ ấy lại có những ước muốn vô cùng: “Con thấy mình có ơn gọi làm chiến sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ và chịu tử đạo.”

Và ngài lại chỉ thực hiện những hy sinh nhỏ, được biến nên trong sáng bởi tình yêu đại độ.  Một phương thế để nên trọn lành ư?  Con chỉ biết có tình yêu.

Tháng 6-1894, thánh nữ có triệu chứng đầu tiên bị bệnh lao.  Dầu vậy ngài vẫn tiếp tục các bổn phận và không tìm cách giảm bớt một công tác nào.  Không hiểu biết, người ta trách ngài biếng nhác.  Hơn nữa, ngài còn bị thử thách nặng nề trong tâm hồn.  Ngập chìm trong tăm tối, ngài như bị mất đức tin, nhưng vẫn dũng cảm trung thành với Chúa.  Khi người ta mang đến một ly thuốc đỏ đẹp ngài nói:

– Ly thuốc nhỏ này, người ta tưởng là đầy rượu ngon, thực sự chưa bao giờ tôi đã phải uống một thứ thuốc nào đắng hơn.  Đó là hình ảnh đời tôi.  Dưới mắt người khác nó đầy màu sắc vui mắt, người ta tưởng tôi uống một thứ rượu ngon ngọt, nhưng thực sự nó là thuốc đắng.

Sau những đau đớn dữ dội, ngài nói: “Con không hối hận vì đã hiến mình cho tình yêu.”

Khi sắp từ trần, ngài hứa: “Trên trời con sẽ làm mưa hoa hồng xuống.”

Ngày 30-9-1897, ngài qua đời tại phòng bệnh dòng kín Lisieux.  Ngày 17-5-1925, ngài được tôn vinh lên hàng các thánh.

Trích trong “Theo Vết Chân Người” (Chân dung các thánh nhân)

 

BIỆT LY THÁNH

Ngày xửa ngày xưa… tại một đất nước Do Thái xa thật xa, có một làng Nazarét nhỏ bé….  Tôi nhắm mắt thả hồn mơ màng theo tiếng mời gọi của Giêsu đến ăn tối với gia đình Ngài, trước khi Ngài khăn gói lên đường bước chân vào cuộc đời rao giảng.  Gió hiu hiu thổi nhẹ, đưa hồn tôi vào cõi xa xăm thân thương của ngày xưa đó…

Nắng chiều ngả dần sau những rặng cây cao cuối làng, tiếng chó sủa oăng oẳng khi nghe tiếng bước chân lạ dẫm xào xạc trên cành lá khô.  Tôi mon men nhẹ bước tiến về căn nhà quen thuộc nơi cuối thôn Nazarét, một ngôi làng nhỏ xíu chỉ vài ba chục mái ngói túm tụm với nhau trên vùng đồi núi khá hẻo lánh của xứ Galilê.  Giêsu, người bạn thân cùng xóm, sáng nay rủ tôi đến nhà chơi, để cùng với Ngài chia tay người Mẹ hiền trước khi lên đường.  Tôi lưỡng lự, đâu ai muốn mình ở trong cảnh biệt ly bịn rịn bao giờ.  Nhưng trước ánh mắt chờ đợi của Giêsu, tôi không nỡ chối từ.  Đang đứng ngập ngừng trước cửa ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo cũ kỹ, chưa kịp lên tiếng thì cánh cửa đã bật mở.  Với khuôn mặt mừng rỡ, Mẹ niềm nở đón tôi vào nhà chơi.  Đã thường đến đây nhiều lần, ăn dầm nằm dề ở nhà Mẹ đến mòn đũa mòn bát, nhưng lần này, không hiểu sao tôi cứ lúng ta lúng túng, vụng về lấp bấp không nên lời.  Mẹ mời tôi cùng ăn bữa tối với gia đình.  Bữa cơm được dọn ra dưới ánh trăng trong vườn, đơn sơ và đạm bạc, cả ba ăn uống hàn huyên vui vẻ.

ZZSau khi dùng bữa, Giêsu hít một hơi dài đằng hắng rồi ngập ngừng lên tiếng:

–     Mẹ ơi, con có chuyện quan trọng muốn thưa với Mẹ. Nhưng trước khi nói, con muốn hỏi Mẹ một điều.  Con năm nay đã ba mươi tuổi rồi, có bao giờ Mẹ thắc mắc tại sao con không lấy vợ, rồi sinh con đẻ cái cho Mẹ có cháu bồng, cho nhà mình có tiếng cười nói của trẻ thơ để bớt đi không khí quạnh hiu, đơn chiếc của cảnh mẹ goá con côi không?

Mẹ nhìn sâu vào ánh mắt Giêsu như cố đoán một vấn đề gì đó đằng sau câu hỏi giản đơn kia, nhấp một miếng trà, Mẹ nhẹ nhàng đáp:

–     Mẹ cũng từng nghĩ đến vấn đề đó, nhưng Mẹ không muốn hỏi con.  Mẹ thấy con yêu mến hết tất cả mọi người trong làng, nhưng không dừng lại một cách đặc biệt nơi cô gái nào cả.  Con ẵm bế chơi đùa với mọi đứa trẻ nhỏ trong xóm, nhưng không quyến luyến bịn rịn riêng đứa nào.  Mẹ thấy tình yêu của con rộng lớn trải đều cho tất cả không phân biệt ai.  Mẹ nhớ lúc con 12 tuổi, khi Mẹ Cha tìm được con trong đền thờ Giêrusalem, con có nói với Mẹ là con còn có bổn phận ở nhà của Cha con nữa.  Mẹ không hiểu hết ý con nhưng Mẹ giữ và luôn suy gẫm những sự ấy trong lòng.  Chắc con còn có một hoài bão to lớn muốn làm cho đời.  Hay còn có một bổn phận thiêng liêng với “Cha con” mà con cần phải thi hành nên không muốn vướng bận chuyện vợ con gia đình.

Giêsu nắm lấy bàn tay gân guốc nhăn nheo vì đời sống lam lũ của Mẹ đưa lên ngực ôm hôn:

–     Mẹ nói đúng lắm, con không thể ở mãi với Mẹ đến suốt đời được. Con còn có những bổn phận, những việc riêng của Cha con mà con cần phải làm.  Đêm nay, con muốn nói lời tạm biệt với Mẹ để lên đường thi hành sứ vụ của mình, mà chính vì những sứ vụ đó con đã đến với thế gian này.  Con biết nhà mình neo đơn, ba chết, con là con một, là niềm an ủi, là chỗ dựa duy nhất của Mẹ trong lúc tuổi già bóng xế.  Dưới con mắt thế gian, ra đi để lại Mẹ già lủi thủi không người chăm sóc là một việc làm bất hiếu.  Nhưng với Thiên Chúa, mọi sự lại khác Mẹ à!  Con mong Mẹ hiểu cho con.

Mẹ nghiêm khắc nhìn thẳng vào ánh mắt của Giêsu rồi nhíu mày hỏi lại:

–     Con nghĩ rằng Mẹ cưu mang con 9 tháng 10 ngày trong lòng để rồi giữ con cho riêng mình đến suốt đời ư?  Hay Mẹ kể công nuôi con khôn lớn rồi giữ con ở nhà, bắt con phải sống theo ý của Mẹ sao?  Không, con ơi!  Mẹ đã sống cuộc đời của mẹ rồi, Mẹ đã có cơ hội để nói lời “xin vâng” hay “chối từ.”  Bây giờ đến phiên con sống cuộc đời của con, đến lúc để con tự do gật đầu hay lắc đầu với tiếng gọi thiêng liêng trong lòng.  Như Mẹ đã trả lời “xin vâng” khi xưa thế nào, thì Mẹ cũng muốn con xin vâng như vậy, cho dù có là chén đắng của con, là nỗi đau thấu suốt tim gan của Mẹ, Mẹ vẫn vui vẻ chấp nhận.

Ngước nhìn bầu trời đầy ánh sao, đôi mắt Mẹ khẽ nhắm lại như nén chặt những giọt lệ sầu muộn vào lòng, Mẹ thầm thĩ nói tiếp như nói với chính mình:

–     Nếu nói không buồn là Mẹ dối lòng mình. Có cuộc chia tay nào mà không lưu luyến sầu đau hả con?  Có chữ “xin vâng” nào mà không có cái giá phải trả?  Nhưng trong nỗi đau có niềm vui của kẻ được chọn, trong nỗi buồn biệt ly có xen lẫn niềm hạnh phúc được hợp tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.  Con cứ đi, đừng lo cho Mẹ!  Ở nhà đã có láng giềng, bà con thân thuộc xa gần rồi.  Con đi từ Bắc chí Nam, đường xa gian khổ, Mẹ không theo con được.  Nếu con đi rao giảng ngang qua làng mình, Mẹ sẽ đi thăm con, sẽ lo cơm nước cho con, cho các môn đệ và bạn bè của con, Mẹ sẽ làm những gì sức Mẹ có thể làm được.  Con đi giữ gìn sức khoẻ, làm tròn bổn phận với Cha con trên trời là Mẹ vui rồi.

Mẹ đưa hai tay lên vuốt nhẹ mái tóc rối bù của Giêsu, rồi lại vuốt má đứa con trai yêu dấu như sợ sẽ chẳng còn có cơ hội nữa.  Tự nhiên thái độ Mẹ đổi qua vui tươi rộn ràng, nhìn đứa con nay đã trưởng thành, mắt Mẹ long lanh mơ màng nhớ về chuyện xưa, một kỷ niệm đẹp trong đời Mẹ:

–     Con biết không, hồi xưa, khi Sứ Thần hiện ra báo tin cho Mẹ biết sẽ mang thai con, lúc đó Mẹ chỉ mới 15-16 tuổi.  Sau những phút giây đầu ngạc nhiên sợ hãi, Mẹ đã mạnh dạn nói lời xin vâng mà không buồn hỏi ý ông bà ngoại, cũng chẳng màng hỏi ý ba Giuse của con.  Mẹ vui vì được diễm phúc Thiên Chúa chọn lựa làm Mẹ con.  Bây giờ làm sao Mẹ lại dám ngăn con nói lời xin vâng với Thiên Chúa được hả con?  Con ơi, sống cho Chúa đi rồi mình sẽ nhận lãnh những niềm vui thiêng liêng, những hạnh phúc ngọt ngào mà thế gian không thể ban tặng.  Hạnh phúc của đời người là sống theo thánh ý Chúa, là đáp trả lời mời gọi của Ngài để sống trọn vẹn với ơn gọi của mình.

Giêsu như vui lây trước thái độ vui tươi của người Mẹ.  Ngài hân hoan xoa tới xoa lui bàn tay mang nhiều dấu ấn vất vả của một phụ nữ nghèo miền quê, giọng nói đầy vẻ biết ơn:

–     Cám ơn Mẹ đã khích lệ con lên đường làm tròn sứ vụ của mình. Con tưởng rằng Mẹ sẽ đau khổ vật vã khóc than, sẽ âu sầu sợ hãi cho những tháng ngày dài quạnh hiu của tuổi già đơn bóng, sẽ năn nỉ xin con ở lại bên Mẹ.  Mẹ can đảm lắm, Mẹ ơi!  Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khoẻ, đừng quên đọc Thánh Vịnh và cầu nguyện cho con, cho các linh hồn bơ vơ không người chăn dắt.  Cám ơn Mẹ đã nói lời xin vâng khi xưa để có con ngày nay.  Cám ơn Mẹ ba mươi năm nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con nên người mà không đòi sự báo đáp.  Cám ơn Mẹ đã cho con tự do sống đời của mình.  Nếu có cơ hội đi rao giảng gần nhà, con sẽ về thăm Mẹ, thăm bà con láng giềng.  Mẹ con mình sẽ có ngày đoàn tụ.  Con hứa với Mẹ như vậy.

Buổi Biệt ly tưởng sẽ diễn ra trong nước mắt sầu đau của chia lìa mất mát.  Nhưng rốt cuộc lại biến thành cuộc hàn huyên chia sẻ của những tâm hồn khát khao đáp trả.  Người ở khích lệ người đi.  Người thưa hai tiếng xin vâng lúc trước, giờ mạnh dạn nâng đỡ tinh thần người đi sau, để cùng nhau nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa Chí Thánh.

Tôi ngồi đó, hai dòng lệ nóng lăn dài xuống má.  Trong cảnh biệt ly của mẹ góa con côi, người trong cuộc không khóc, nhưng kẻ ngoài cuộc lại sụt sùi giọt ngắn giọt dài, đua nhau tuôn rơi.  Tôi thấy mình yếu đuối bé nhỏ trước người bạn Giêsu vĩ đại.  Tôi thấy thèm có một người mẹ cao cả yêu thương vô điều kiện như Mẹ của Giêsu.  Cho đi mà chẳng đòi hỏi nhận lãnh, nuôi con khôn lớn mà không hề giữ con cho riêng mình, nâng niu dạy dỗ con, nhưng không bắt con sống theo ý mình.

Tôi bước tới ôm chầm lấy tấm thân gầy guộc, gục vào bờ vai mảnh mai của Mẹ mà sụt sùi:

–     Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ vì đã đoán lầm tấm lòng của Mẹ. Con cứ ngỡ rằng Mẹ sẽ đau khổ, sẽ  khóc lóc, rồi sẽ năn nỉ Giêsu suy nghĩ lại để ở nhà với Mẹ.  Con sợ chứng kiến cảnh biệt ly ai oán đó nên đã tính từ chối lời mời của Giêsu.  Không ngờ con lại được diễm phúc chứng kiến cảnh “Biệt Ly Thánh” của hai tâm hồn thánh thiện.  Mẹ đã dạy con một bài học về tình yêu không điều kiện, về lòng can đảm sống Thánh ý Chúa.  Lời “xin vâng” của Mẹ với sứ thần ngày xưa, hòa với lời “xin vâng” của Mẹ hôm nay với người con Giêsu đã dệt nên một lời nguyện tuyệt đẹp hoàn hảo của nhân loại dâng lên Thiên Chúa tối cao.  Cám ơn Mẹ đã cho những đứa con có cơ hội sống cuộc đời mình, được tự do để đáp trả tiếng gọi trong lòng.  Khi Mẹ để Giêsu đi rao giảng, Mẹ không mất đứa con nào cả, trái lại Mẹ còn có thêm nhiều đứa con khác nữa.  Xin cho con được diễm phúc làm con Mẹ, Mẹ nhé!

Mẹ nhẹ vuốt mái tóc bờm xờm của tôi rồi đưa tay lau nhẹ những giọt lệ đọng trên má tôi:

–     Mẹ già rồi, không thể theo các con trên từng nẻo đường được. Mẹ gởi gấm Giêsu cho con đó.  Hãy thay Mẹ săn sóc Giêsu từng miếng ăn giấc ngủ nghe con.  Đường đời nhiều cạm bẫy chông gai, thế gian, ma qủy, xác thịt, hai anh em hãy cố gắng giữ mình, đừng bao giờ làm điều gì mất lòng Thiên Chúa!  Mẹ sẽ ăn chay cầu nguyện mỗi ngày cho hai con.

Rồi tất cả rơi vào thinh lặng.  Mỗi người thả hồn theo đuổi một suy nghĩ của riêng mình, về một ngày mai xa lạ khi không còn có nhau bên đời.  Tiếng côn trùng rả rích trong đêm như đệm nhạc cho buổi nói chuyện không lời của chúng tôi.  Ánh trăng lung linh xuyên qua kẽ lá chiếu xuống chan hòa khu vườn làm cho cảnh vật trở nên thánh thiêng hơn.  Tôi muốn ngồi đó mãi, bên người Mẹ hiền thánh thiện, và bên người bạn Giêsu cao cả mang đầy khát vọng đáp trả, cho dù có phải dâng hiến mạng sống.  Mặt trăng đã lên cao, sương khuya lành lạnh giăng đầy cảnh vật.  Dù không muốn nhưng cũng đã đến lúc phải chia tay để ngày mai chúng tôi còn lên đường sớm.  Ôm hôn Mẹ ra về mà lòng tôi nao nao bùi ngùi.  Tôi không dám nhìn vào mắt Mẹ vì sợ không cầm được nước mắt, nhưng Mẹ lại bắt tôi nhìn thẳng vào mắt Mẹ để hứa với Mẹ một điều.  “Cho dù có thế nào, không bao giờ được rời bỏ Giêsu, dù chỉ nửa bước!”  Tôi ngạc nhiên nhìn Mẹ.  Mẹ hiểu thấu tôi hơn chính tôi hiểu tôi.  Mẹ hiểu tấm lòng của tôi, hăng hái nhiệt thành đó nhưng chỉ là hời hợt a dua.  Đi với người xấu thì tôi trở thành người xấu, mà kết bạn với người tốt thì tôi trở thành người tốt.  Và Mẹ cũng hiểu rõ Giêsu con Mẹ là ai, Người sẽ dắt tôi đi đâu nếu tôi trung thành đi bên Người mãi.  Trong giây phút bịn rịn chia ly, dặn dò thì nhiều nhưng quy lại chỉ có một lời hứa duy nhất.

Nhìn lên những ngọn núi lởm chởm đen ngòm nhấp nhô dưới ánh trăng như hứa hẹn một ngày mai đầy sóng gió trong cuộc đời phiêu bạt.  Tôi lưỡng lự tự hỏi lòng mình không biết có thể giữ được lời hứa đó không?  Tôi có thể trung thành với người bạn nối khố Giêsu mãi cho dù gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo không?  Không, tôi không đủ can đảm để hứa.  Hôm qua, tôi chỉ nói với Giêsu là đi theo Ngài chơi cho vui thôi, không có gì ràng buộc cả.  Sao bây giờ Mẹ lại muốn tôi hứa với Mẹ.  Tôi thấy tay mình nhói đau, bàn tay Mẹ đang xiết chặt tay tôi như ban thêm cho tôi lòng can đảm, như truyền thêm sinh lực cho đứa con nhút nhát còn nhiều sợ hãi.  Lấy hết can đảm tôi nhìn vào mắt Mẹ rồi ấp úng ngập ngừng:

–     Con hứa với mẹ, con sẽ không bao giờ rời bỏ Giêsu… nếu Mẹ hứa… Mẹ hứa rằng… Mẹ sẽ không bao giờ quên cầu nguyện cho con.

Mẹ mừng rỡ ôm chặt lấy tôi, đôi môi khô đặt lên mái tóc rối bù một nụ hôn nồng ấm.  Tôi di di bàn chân trên cát, xấu hổ nhìn gằm xuống đất đen trước nụ hôn nồng nàn đầy yêu thương của mẹ.  Lời hứa của tôi là một lời hứa có điều kiện, tình yêu của tôi cũng là một tình yêu có điều kiện.  Tôi không theo không người bạn Giêsu của mình.  Tôi nhận lời cùng đi rao giảng với Giêsu với điều kiện, mai này Giêsu có thành danh thì tôi cũng được ké, có thành đạt thì tôi cũng được hưởng lây.  Thôi kệ đi, bây giờ cứ như vậy đã, ngày mai đi cùng với Giêsu trên quãng đường dài, biết đâu tôi sẽ khá hơn.  Giêsu và Mẹ người tiễn tôi ra về tới tận đầu thôn.  Tôi ngậm ngùi đưa tay lên vẫy chào Mẹ lần cuối, người Mẹ hiền đã dạy cho tôi nhiều bài học qúy ở đời.  Mẹ ơi, hẹn gặp lại Mẹ một ngày gần đây.  Bóng Giêsu và Mẹ Ngài ngả dài dưới ánh trăng khuất dần trong làn sương mỏng.

Cám ơn mối tình thâm mà Giêsu đã dành cho tôi như một người thân trong gia đình, đã cho tôi cơ hội có mặt trong cuộc chia tay thánh thiện giữa hai Mẹ con Ngài, một Biệt Ly Thánh mà không bao giờ tôi quên được.  Cám ơn Mẹ Maria đã nhận tôi làm con và ràng buộc tôi với một lời hứa qúy giá nhất trong đời!

Lang Thang Chiều Tím
Kỷ niệm Linh Thao 8 ngày, September 2010

NỖI NIỀM DA-KÊU

 (Lc 19:1-10)

Da-kêu vội vã rảo bước trên con đường dắt ra trung tâm thành phố, ánh mắt sắc bén đánh một vòng xung quanh như đang tìm kiếm cái gì đó để định hướng cho bước chân.  Đôi tai ông vểnh lên nghe ngóng, cánh mũi to phập phồng lên xuống theo nhịp thở, như đang cố gắng tận dụng hết chức năng của mình để ngửi ra mùi vị mới lạ của thành phố Giê-ri-khô.  “A, đây rồi,” mắt ông nheo lên mừng rỡ. Một đám bụi mịt mờ xa xa cuối con đường lớn, cùng với tiếng người ồn ào xôn xao, khiến bước chân ông bẻ ngoắt tiến nhanh về hướng đó.

Giê-ri-khô, một thành phố nhộn nhịp trù phú nằm trong vùng thung lũng sông Gio-đan, mấy hôm nay đang sôi lên với bước chân viếng thăm của một vị ngôn sứ cùng với nhóm môn đệ Ngài.  Trước khi đặt chân vào thành phố giàu có này, vị ngôn sứ mang tên Giêsu đã chữa lành một người mù ngoài cổng thành, làm bao nhiêu phép lạ khác, và giảng dạy những điều mới mẻ về Tình Yêu, Nước Thiên Chúa, và những điều răn mới….  Phố xá hôm nay vắng tanh, hàng quán đóng cửa, người ta bỏ cả công việc đồng áng ùn ùn kéo nhau đi nghe Giêsu giảng dạy.

Hôm nay Da-kêu quyết phải gặp mặt cho được vị ngôn sứ này để xem thực hư ra sao, có đúng như lời thiên hạ đồn đãi hay không.  Những gì mà ông được nghe đồn thổi về Giêsu đã kích thích óc tò mò của ông.  Thật ra, cái mà thôi thúc ông phải thấy tận mắt con người bằng xương bằng thịt Giêsu, chính là câu chuyện truyền miệng gây xôn xao trong giới thu thuế mà ông là người thủ lãnh.  Đấng tự xưng là Con Người đến rao giảng như một Đấng Thiên Sai đầy quyền uy, lại thu nhận một đệ tử là tay thu thuế Lê-vi lợi hại.  Chưa hết, ông Giêsu ấy lại còn ngồi cùng bàn ăn uống với nhóm bạn bè ông, đám thu thuế sừng sỏ, và các cô gái làng chơi, những người mà dưới mắt dân chúng là tay sai ngoại bang, gian ác, và đầy tội lỗi.  Dĩ nhiên là trong buổi tiệc đó ông Giêsu bị nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư chống đối kịch liệt, nhưng ông ta vẫn tiếp tục ngồi ăn, còn mắng vào mặt những con người đạo đức giả hình đó nữa.  Hay lắm!  Khá lắm!  Câu chuyện này làm Da-kêu thích thú, và ông rất ngưỡng mộ trước hành động “ngang tàng” của vị ngôn sứ có một không hai này.  Chỉ tiếc là ông không có mặt trong buổi tiệc hôm đó!

***********************************

Đôi chân ngắn ngủn của ông chẳng mấy chốc bắt kịp đám đông.  Ông kinh ngạc mở to đôi mắt nhìn dòng thác người chen chúc xô đẩy.  Đúng là một đám đông khổng lồ di chuyển!  Ông không ngờ thiên hạ lại đi nghe ông Giêsu giảng đông đến thế.  Da-kêu không thấy gì hết, chỉ có người, hơi người, và bụi mịt mờ trong nắng chiều gay gắt.  Những cái lưng ướt đẫm mồ hôi quay lưng ngược về phía ông đang chầm chậm đi giựt lùi lại phía sau, vừa đi vừa gật gù cái đầu ra chiều đắc ý với những lời giảng dạy.

Ông len lỏi chạy vòng ra phía sau đám đông.  Cũng không thấy gì nốt!  Vẫn chỉ là những cái lưng di động tiến về phía trước, còn Giêsu thì lọt thỏm trong đám đông to lớn ấy.  Ngài vừa đi vừa giảng lớn tiếng, giọng nói hùng hồn truyền cảm làm ông càng thêm phấn chấn.  Da-kêu rướn người bám vào vai áo người đứng trước, ráng kiễng chân, ngướng cổ nhìn vào phía trung tâm vòng tròn.  Chẳng khá hơn tí nào!  Chỉ thấy toàn là bả vai, và đầu thiên hạ mà thôi.  Sực nhớ ra số vốn ít ỏi về thước tấc ngoại hình của mình, Da-kêu hạ chân xuống, và bực cái thân hình ngũ đoản đã không giúp ích gì được trong lúc này.  Ông hậm hực nhủ thầm: “Không thể dùng cách này được.”

Vài người trong đám đông nghe tiếng động phía sau bèn quay lại, họ bĩu môi dè bỉu khi nhận ra ông, một thủ lãnh của các tay thu thuế thường ngày rút rỉa tiền của họ bằng nhiều cách để nộp thuế cho Rô-ma, giờ đang đứng xớ rớ để nghe giảng về luân lý đạo đức.  Đâu đó vài tiếng xầm xì: “Đồ chó săn Rô-ma!”  Vài người khác thì nhẹ nhàng mỉa mai: “Đây không phải là chỗ của ông, xin mời ông đi chỗ khác dùm cho, chỗ của ông ở bên bọn lính Rô-ma, cạnh thùng tiền, và các cô gái điếm kia!”  Da-kêu nghẹn họng nuốt nước miếng, thấy ran rát ở cuống họng.  Ông buông xuôi hai tay, luống cuống ngại ngùng ngó lơ đi chỗ khác, tránh những cặp mắt soi mói khinh khi.  Vài người bạn thu thuế đang đứng lảng vảng gần đám đông, chạy lại kéo tay ông đi nơi khác.  Da-kêu hất tay họ ra.  Không, ông không chịu thua một cách dễ dàng như thế được!  Cái ông muốn là ông phải làm cho bằng được!  Ông bực tức nhìn đám đông cản đường đang vây lấy Giêsu và tự hỏi: “chẳng lẽ một con người đa mưu túc kế như mình mà lại chịu thua một cách dễ dàng như vậy sao?”

Da-kêu bỏ đám đông, và trước những cặp mắt ngơ ngác của bạn bè, ông chạy lên phía trước một lần nữa rồi đứng lại quan sát tình hình, và nhận định hướng di chuyển của đám đông.  Đầu óc nhiều mánh lới liên tục làm việc: “Muốn xem thấy mặt Giêsu phải cao hơn đám đông này,” ông nhủ thầm.  Thế là Da-kêu chạy ào ào về phía trước thật xa, dưới gốc một cây sung to rậm rạp, cành lá xum xuê mà ông đoán thế nào đám đông cũng phải đi ngang qua đây.  Ngồi trên cây sung này thì chắc chắn thế nào cũng thấy được mặt người mà ông ngưỡng mộ.

***********************************

Thế nhưng… vừa đặt chân lên thân cây chuẩn bị leo lên thì ông lại ngập ngừng bỏ xuống.  Da-kêu nhìn lại mình: bộ quần áo mắc tiền được đặt may ở bên Rô-ma, đai thắt lưng nạm vàng, đôi săng đan sang trọng chỉ giới nhà giàu mới dám tung tiền ra mua, tuổi tác, và ngôi vị nguời giàu có nhất nhì thành phố Giê-ri-khô thịnh vượng…. làm sao ông có thể ngồi thu lu trên cây sung như một đứa con nít, hay như một tên ăn trộm được?  Nếu chẳng may thiên hạ nhìn thấy thì chỉ có nước… độn thổ.  Lòng kiêu ngạo, tự ái, và sĩ diện… tất cả ở đâu ào ào tuôn tới như làn nước lũ làm cản bước chân ông.  Da-kêu lưỡng lự e ngại, đầu óc khôn lanh bắt đầu tính toán hơn thiệt: “Nếu giữ thể diện không làm cách này thì không còn cách nào khác, và ta sẽ mãi mãi không bao giờ được thấy mặt Giêsu!”

Nghĩ đến đó ông lại hăng hái leo lên.  Biết có ngày Giêsu trở lại thành phố này lần thứ hai hay không?  Con người đã biết chụp thời cơ để làm giàu, thì cũng không bao giờ để vuột mất cơ hội nào trong tay.  Ông ao ước được xem thấy mặt Giêsu, dù chỉ một thoáng cũng thoả lòng.  Ông quyết đạt cho được mục đích của mình bằng mọi cách, như đã không từ một thủ đoạn nào để làm giàu!  Chỉ cầu xin đừng ai thấy ông ngồi trên cây lúc này.  Da-kêu đưa tay kéo những tàn lá to để che thân thể tròn trĩnh, đang cố thu gọn mình lại trên cành cây cao.

Đúng như ông dự đoán, đám đông từ từ tiến về phía cây sung.  Ông hồi hộp chờ đợi, cặp mắt căng ra chăm chú dõi theo bóng dáng Giêsu thấp thoáng trong đoàn người đang từ từ rõ nét dần.  Đằng sau cái dáng dấp cao lớn phong trần là một bộ quần áo cũ dính đầy bụi đường, Giêsu với làn da rám nắng, nét mặt mệt mỏi của người đi xa chưa được nghỉ ngơi, khuôn mặt chữ điền đầy nét cương nghị với cái sóng mũi cao thẳng tắp vẫn không che dấu được nét nhân từ hiền hậu.  Cặp mắt sáng quắc nhìn thẳng vào người đối diện, như muốn nhìn xuyên đến đời sống tâm linh kín đáo bên trong đáy tâm hồn của mỗi người.  Ông xít xoa hả hê trong bụng, và sung sướng với nụ cười mãn nguyện.  Con người bằng xương bằng thịt của Giêsu thật sống động và mạnh mẽ, giọng nói trầm ấm lôi cuốn, thật khác nhiều lắm so với những gì ông đã tưởng tượng.

Ông nín thở!  Ô kìa, sao đám đông cứ chằm chằm nhắm về phía cây sung mà tiến đến.  Da-kêu biết Giêsu đi hướng nào thì đám đông bu quanh sẽ di chuyển về hướng đó, nhưng tại sao Ngài lại tiến thẳng về phía cây sung này thế nhỉ?  Ông đoán họ sẽ đi ngang qua cây sung thôi mà!  Chắc có lẽ Giêsu muốn ngồi nghỉ một lát dưới bóng mát của tàng cây sung này chăng?  Nếu đúng thế thì hạnh phúc cho ông quá!  Ông sẽ có nhiều thời gian hơn nữa để chiêm ngắm “vị ngôn sứ của các tay thu thuế” này cho thoả thích.  Chỉ có một điều lo lắng là nếu người ta nhìn thấy ông trên cành cây đang nhìn trộm Giêsu thì thật xấu hổ quá!  Đám đông càng đến gần, lòng ông càng hồi hộp lo sợ, mồ hôi toát ra như tắm.

ZZBỗng…. bước chân Giêsu dừng lại ngay phía dưới chỗ ông núp.  Ngài từ từ… ngước mặt nhìn lên… kéo theo hàng ngàn cặp mắt tò mò ngẩng cổ nhìn theo….  Ông chới với khi bị bắt gặp quả tang đang nhìn trộm!  Ngạc nhiên!  Xấu hổ!  Hoảng hốt!  Da-kêu luống cuống khi bất ngờ phải đối diện với hàng ngàn cặp mắt đang mở to trừng trừng nhìn ông như một quái vật.  Họ chẳng hiểu ông đang làm gì trên đó.  Ông nhắm mắt lại, mặt đỏ tía tai, hai tay bấu chặt vào cành cây như cố bám vào một nơi nương tựa.  Chẳng có đất đâu để mà độn thổ!  Chẳng cành lá nào che được khuôn mặt đang đổi nhiều sắc màu.  Rồi lại mở mắt ra đối diện với sự thật kinh hoàng, ông bặm môi bối rối chưa biết phải ứng xử ra sao trong hoàn cảnh trớ trêu này, tia mắt lúng túng ngượng ngùng của ông cuối cùng chạm vào ánh mắt khoan dung hiền dịu của Giêsu.

Một ngạc nhiên khác tiếp nối.  Cái gì thế nhỉ?  Một ánh mắt âu yếm cảm thông như trấn tĩnh bảo ông đừng sợ hãi!  Ông nhíu mày ngỡ ngàng tưởng mình nhìn lầm: không phải là một ánh mắt khinh bỉ mà ông thường gặp trong cuộc đời thu thuế, cũng chẳng phải là cái nhìn nghiêm khắc kết án của mấy vị Pharisêu đạo đức, càng không là một cặp mắt trách móc của Đấng có thẩm quyền xét xử.  Đó là tia nhìn bao dung của một người Cha nhân từ, quyện với nét hân hoan mừng rỡ của người mẹ, như muốn dang rộng cánh tay ôm vào lòng đứa con đi hoang mới về.  Cả một biển hồ mênh mông êm dịu chất chứa trong cái nhìn sâu lắng đầy tình thương của Đức Giêsu.  Da-kêu như muốn buông mình để ngụp lặn trong ánh mắt đó.  Đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, ông chỉ biết xoe tròn mắt nhìn Giêsu, miệng ú ớ không thành tiếng.

Một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên phá tan bầu khí yên lặng ngột ngạt:

–     Này, Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông (Lc 19:5).

Tai ông ù lên, “phải ở lại nhà ông,” ông có nghe lộn không?  Ai bắt ông Giêsu này phải ở lại nhà ông, nhà của một người tội lỗi?  “Ông Giêsu này có biết mình là ai không nhỉ?” ông tự hỏi.  “À, mà ông ấy lại còn kêu đích danh tên của mình nữa chứ!”  Ông thấy lạnh người.  “Sao ông ta biết nhỉ?  Đúng là Đấng Thiên Sai rồi!”   Như vậy là ông không nghe lộn!  Trước niềm vui quá lớn lao, một niềm hạnh phúc không chờ mà đến, bất ngờ ông buông tay ra thả mình rơi xuống đất cái bịch trước sự kinh ngạc của mọi người.  Chẳng còn xấu hổ hay sĩ diện gì nữa, Da-kêu hổn hển chạy đến chụp lấy bàn tay Giêsu lắc lắc mạnh như ngầm hỏi: “Ngài không nói lộn chứ, thưa Ngài?”  Gương mặt Giêsu rạng rỡ niềm vui với một nụ cười nhân từ, ánh mắt trìu mến vẫn không rời xa ông, Ngài nhè nhẹ lắc đầu như ngầm xác nhận là ông không nghe lộn.

Da-kêu thở hắt ra, bao nhiêu hồi hộp sợ hãi tan theo mây khói.  Hai tay ông xiết chặt lấy bàn tay chai sạn của Giêsu xoa xoa rồi đưa lên môi hôn, rồi lại đặt xuống trước lồng ngực đang thổn thức như muốn cho Giêsu nghe nhịp đập của trái tim mình.  Mặt ngửa lên trời, cặp mắt ông nhắm lại để tận hưởng phút giây hạnh phúc bất ngờ mà ông tin rằng rồi sẽ không mong manh như ráng chiều xa xa.

Sau một phút ngỡ ngàng, đám đông bắt đầu lao xao trước hiện tượng lạ, một vị ngôn sứ nổi tiếng thánh thiện trong thiên hạ lại đang “tay bắt mặt mừng” một kẻ tội lỗi cũng nổi tiếng không kém.  Trông họ như một đôi bạn chí thân, đang tay trong tay mừng mừng tủi tủi sau một thời gian dài biệt ly.  Những tiếng xầm xì vang lên đó đây trong đám đông:

–     Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ (Lc 19:7).

Da-kêu vui không bút mực nào tả xiết, niềm vui lớn quá làm những lời ghen ghét tị nạnh như làn gió thoảng bên tai chẳng gây cho ông sự khó chịu nào.  Hơi ấm từ đôi tay của Giêsu truyền qua cho ông một sức mạnh vô hình, ông dạn dĩ đứng thẳng người, nhìn vào đám đông đang hậm hực, rồi quay sang Giêsu, ông kính cẩn cúi đầu thưa:

–     Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn (Lc 19:8).

Những cặp mắt trố ra nhìn ông kinh ngạc như tưởng nghe lầm, những tiếng xầm xì trước đây nghe rầm rì nho nhỏ, giờ bỗng náo động lên với những tiếng kêu thất thanh ngạc nhiên.  Cả đám đông bị chấn động!  Người này chuyền tai người kia lời tuyên bố bất hủ của kẻ giàu có nhất vùng.  Họ xô đẩy, chen lấn, đạp lên nhau để đứng gần hơn giữa hai người, để nghe cho rõ hơn, để thấy tận mắt cuộc gặp gỡ kỳ diệu nào đã biến đổi tâm hồn tay trùm thu thuế sừng sỏ nhất vùng đất Giê-ri-khô này.  Những khuôn mặt cau có ghen tị trước đây, giờ đổi sang nghi ngờ, rồi thoáng chốc lại chau mày suy tư như cố moi óc nhớ xem họ có phải là một trong những nạn nhân của ông không?

Da-kêu đưa mắt rộng lượng nhìn đám đông đầy yêu thương, những con người mới hôm qua còn xa lạ, nay bỗng trở nên thân thiết gần gũi.  Ông biết chứ, với câu tuyên bố xanh rờn đó, ông có thể bị phá sản như chơi.  Với hơn nửa đời người trong nghề thu thuế, những nạn nhân bị ông làm hại, hay chiếm đoạt tài sản không phải là ít.  Nhưng…. tất cả đều không là gì so với niềm vui được biết Đức Giêsu Con Thiên Chúa, được vinh dự đón tiếp Ngài vào ngôi nhà tội lỗi của ông, ngôi nhà mà chẳng một người Do Thái bình thường nào thèm đặt chân bước vô vì sợ liên lụy và ô uế.  Mặc dù Giêsu không hề đòi hỏi ông phải làm điều đó, nhưng ông tình nguyện từ bỏ những gì không chính đáng, tình nguyện sống theo những gì mà ông đã được nghe giảng dạy, như Ngài đã “tình nguyện” “phải” ở lại nhà ông đêm nay.

Chính ông cũng không ngờ cuộc gặp gỡ này đã biến đổi cuộc đời ông đến thế!  Da-kêu thấy lòng mình thật thanh thản nhẹ nhàng cho dù có thể bị tán gia bại sản.  Ông như người vừa được tự do, được giải thoát khỏi những thèm muốn của cải vật chất mà ông đã bỏ cả đời người để đeo đuổi.  Ông không ngờ, gặp không phải để mà gặp cho biết, nhưng gặp rồi để đi theo Đấng mà mình đã có duyên được gặp gỡ.  Mà làm sao có thể đi theo Ngài với những xiềng xích, những ràng buộc lòng thòng kéo trệ bước chân của người lữ hành được.

Ông hân hoan nắm tay Giêsu kéo đi về phía nhà mình như đứa con thơ tung tăng kéo tay người Cha đi chơi.  Đức Giêsu quay lại nói với đám đông đang vẫn còn đứng trân trân tại chỗ như chưa hết ngạc nhiên:

–     Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19:9-10).

Nắng đã tắt dần nơi cuối phố, đoàn người từ từ giải tán với những lời bàn tán xôn xao về biến cố bất ngờ vừa xảy đến cho thành phố Giê-ri-khô.  Họ ra về với những tâm trạng buồn vui khác nhau.  Biết bao con người cùng một diễm phúc được gặp gỡ Đức Giêsu hôm ấy, cùng nghe một bài giảng, cùng chứng kiến những phép lạ như nhau, nhưng có bao nhiêu tâm hồn thật sự đổi thay như Da-kêu??? Những chú chim hoảng hốt vỗ cánh bay lên cao như mang theo câu trả lời cho gió cho mây.

Lang Thang Chiều Tím
October 2007