CẬU BÉ DƯỚI BÓNG CÂY

Trong mùa hè giữa năm thứ nhất và năm thứ hai đại học, tôi được mời vào làm phụ trách một trại hè cho học sinh trung học thuộc một trường đại học ở Michigan.  Tôi đã từng tham gia rất nhiều hoạt động của trại nên tôi nhận lời ngay lập tức.

Một giờ sau khi tôi bắt đầu ngày đầu tiên ở trại hè, giữa một đám ồn ào hỗn loạn các anh phụ trách và học sinh, tôi nhận ra một cậu bé ở dưới bóng cây.  Cậu rất nhỏ bé và gầy guộc.  Rõ ràng việc cậu đang mất tự nhiên và xấu hổ rụt rè càng làm cho cậu trở nên yếu đuối, mỏng manh.  Chỉ 50 bước gần đó, 200 trại viên đang hăm hở rượt đuổi, chơi đùa, và gặp gỡ lẫn nhau như đã thân nhau từ lâu lắm chứ không phải chỉ mới quen.  Nhưng cậu bé dưới bóng cây dường như đang ở một thế giới khác.  Vẻ cô đơn đến tột độ của cậu đã làm tôi khựng lại, nhưng nhớ lại lời những anh chị phụ trách lớn tuổi hơn rằng phải chú ý đến các trại viên có vẻ tách biệt ra, thế là tôi bước đến.

zzĐến gần cậu bé, tôi nói “Chào em, anh tên là Kevin.  Anh là một trong các phụ trách ở đây.  Anh rất vui được gặp em.  Em khỏe không vậy?”  Với một giọng nói run run bẽn lẽn, cậu bé cố sức trả lời, “Dạ em bình thường.”  Tôi nhẹ nhàng hỏi cậu rằng cậu muốn tham gia những sinh hoạt và gặp các bạn bè mới không.  Cậu trả lời nhỏ “Dạ không, em không thích lắm.”

Tôi có thể cảm nhận được rằng cậu đang ở trong một thế giới hoàn toàn riêng tư.  Trại hè quá mới, quá xa lạ đối với cậu.  Nhưng bằng cách nào đó, tôi cũng biết rằng cũng không nên ép cậu bé.  Cậu không cần một lời cổ vũ, cậu cần một người bạn.  Sau một lúc lâu im lặng, câu chuyện của chúng tôi chấm dứt.

Sau bữa trưa ngày thứ hai, tôi hét bể cuống họng để điều khiển cả trại hát.  Tất cả trại đều tham gia hăm hở.  Ánh mắt tình cờ xuyên qua đám đông ồn ào lộn xộn và thấy hình ảnh cậu bé đó đang ngồi một mình, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi suýt nữa đã quên mất lời bài hát đang phải hướng dẫn.  Khi lại có cơ hội gặp cậu bé, tôi cố thử một lần nữa, với những câu nói hệt như trước “Em có khỏe không?  Em có sao không?”  Và cậu bé lại trả lời “Dạ vâng, em khỏe.  Em chỉ chưa quen thôi.”  Khi tôi rời nơi cậu bé ngồi, tôi hiểu rằng để cậu bé hòa đồng phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn tôi tưởng – dù tôi không biết rằng tôi và cậu bé có thể cởi mở được với nhau hay không nữa.

Vào buổi tối hôm đó khi họp với những người phụ trách của trại, tôi kể ra những điều lo lắng của mình về cậu bé.  Tôi giải thích cho các bạn phụ trách ấn tượng của tôi về cậu bé, yêu cầu họ chú ý và dành thêm thời gian cho cậu nếu có dịp.

Những ngày ở trại trôi qua nhanh hơn tôi tưởng.  Thật là tiếc, nhưng rồi đêm cuối cùng ở trại cũng đến và tôi đang theo dõi “bữa tiệc chia tay.”  Các học sinh đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của mình với các “bạn tốt nhất” của họ – những người bạn mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Ngắm nhìn các trại viên cùng nhau chia sẻ những giây phút cuối bên nhau, tôi bất ngờ thấy được một hình ảnh mà sẽ lưu mãi trong cuộc đời tôi.  Cậu bé mà từng ngồi một mình dưới gốc cây đó đang làm một điều kỳ diệu.  Cậu đang chia xẻ cùng hai cô bé khác những món quà lưu niệm.  Tôi nhìn cậu đang có nhưng giây phút thân mật đầy ý nghĩa với những người mà cậu chưa bao giờ gặp chỉ mấy ngày trước đó.  Tôi không thể tin nổi đó chính là cậu bé dưới bóng cây.

Vào một đêm tháng 10 năm đó, tiếng chuông điện thoại kéo tôi ra khỏi cuốn sách hóa học.  Giọng một người lạ, rất nhẹ nhàng và lịch sự hỏi tôi “Dạ có phải là anh Kevin không ạ?”

“Dạ chính là tôi, xin lỗi ai đầu giây đó ạ?”  “Tôi là mẹ của Tom Johnson.  Cậu có nhớ Tommy từ trại hè không?”  Cậu bé dưới bóng cây!  Làm sao tôi có thể quên được?  “Dạ cháu nhớ rồi,” tôi nói. “Cậu bé rất dễ thương.  Bây giờ cậu bé ra sao?”

Lặng đi một hồi lâu, sau đó bà Johnson nói,” Tuần này trên đường từ trường về, Tommy của tôi đã bị một chiếc xe đâm phải… Tommy đã không còn nữa rồi.”

Bàng hoàng, tôi chia buồn cùng bà mẹ.

“Tôi muốn gọi cho cậu,” bà ta nói, “bởi vì Tommy nhắc đến cậu nhiều lần.  Tôi muốn cậu biết rằng nó đã trở lại trường mùa thu rồi như một con người mới.  Nó đã có nhiều bạn mới.  Kết quả học tập lên cao.  Và nó còn hò hẹn với bạn gái vài lần nữa.  Tôi chỉ muốn cám ơn cậu đã làm cho Tom thay đổi như vậy.  Những tháng cuối cùng là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời nó.”

Vào lúc đó tôi đã nghiệm ra: hãy dành sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia với mọi người quanh bạn.  Bạn sẽ không thể ngờ được mỗi cử chỉ ần cần, chân thành của bạn có thể sẽ có ý nghĩa với người khác đến như thế nào đâu.  Tôi kể lại chuyện này mỗi lần có dịp, và khi tôi kể xong, tôi thôi thúc người khác nhìn ra bên ngoài và tìm cho mình một “cậu bé dưới bóng cây.”

http://www.inspirationalstories.com/7/761.html

********************************

Lạy Chúa,

Ước gì con có thể yêu Chúa
Bằng một trái tim sốt mến,
Dứt khoát hiến dâng!
Ước gì con biết yêu Chúa vì Chúa
Và ở lại trong tình yêu Chúa
Như những nhà thần bí lớn đã biết yêu Chúa…

Chớ gì con có thể đồng thời yêu anh em
Bằng một trái tim nhân từ, niềm nở thủy chung,
Vì Chúa, vì anh em,
Mà vẫn đơn sơ, chân thành,
Ân cần săn sóc, hoà mình với họ,
Luôn sẵn sàng yêu mỗi người,
Yêu mọi người, xem tất cả là Dân Chúa.

Chớ gì con biết yêu anh em
Như Chúa yêu họ, như Chúa yêu con….
Song lạy Chúa, đâu có dễ như vậy
Đối với trái tim phàm hèn con,
Bao giờ cũng chứa đầy tự ái,
Có lúc lạnh lùng như sắt đá,
Có lúc quá trớn bồng bột…..

Jean Dozolme

NHỮNG CHỖ NGỒI DANH DỰ

Một lần nọ, ông thị trưởng của một thành phố mời tất cả dân chúng của thành phố đến dự tiệc.  Trong số những người đến dự, có một người rất lỗi lạc có tên là Daniel.  Ông Daniel là một học giả lớn và là một người khôn ngoan.  Dĩ nhiên, ông rất khiêm nhường và không thích được tôn vinh khi ông đến, dĩ nhiên ông thị trưởng mời ông ngồi ở đầu bàn.  Ông Daniel cám ơn ông thị trưởng và nói rằng ông thích ngồi ở giữa những người nghèo ở cái bàn gần cửa nhất.  Và ông đã làm như thế.

Khi những người khách mời danh giá khác đến, ông thị trưởng mời họ ngồi bất cứ nơi nào họ thích.  Dĩ nhiên họ đã chọn ngồi ở bàn đầu.  Phòng tiệc đã đầy ắp và tình cờ chỗ duy nhất còn lại ở bàn cuối. Thế mà vào phút chót con người danh giá ấy đến.  Ông thị trưởng không có chọn lựa nào khác hơn là dẫn ông này đến chỗ trống.

“Nhưng đây là chỗ ở bàn cuối” người khách phản đối,

“Không, đây là chỗ bàn đầu”, ông thị trưởng đáp.

“Tôi không hiểu” người khách nói.

“Nơi nào có ông Daniel ngồi thì chỗ ấy là bàn đầu”.  Ông thị trưởng đáp.

**********************************************

Bài học luân lý của câu chuyện: không phải chỗ ngồi làm vinh dự cho người khách, nhưng người khách làm vinh dự cho chỗ ngồi.  Chúng ta không biết Chúa Giêsu ngồi ở chỗ nào trong suốt bữa ăn, nhưng dù Người ở nơi nào thì nơi ấy là một chỗ vinh dự.

Bữa tiệc là một biểu tượng của Nước Trời.  Chúng ta không nên quan tâm đến việc tìm kiếm chỗ ngồi vinh dự trong Vương Quốc.  Chúng ta hãy coi việc mọi người chúng ta đều được mời là một đặc ân. Dù trong tình huống nào, mọi chỗ trong Vương Quốc đều là một chỗ danh dự.

Đức Giêsu được mời đến nhà của một người lãnh đạo nhóm Pharisêu để dùng bữa.  Khi Người đến, Người cảm thấy những người Pharisêu dò xét Người.  Vì thế Người quyết định dò xét lại họ đôi chút. Cảnh quan mà đôi mắt Người bắt gặp không có tính cách xây dựng.  Những người Pharisêu là những người rất mộ đạo, và tự coi mình là những người gương mẫu.  Tuy nhiên, ở đây họ tranh giành những chỗ ngồi danh dự, điều đó chỉ chứng tỏ thực ra họ rất tự mãn, phù phiếm và ích kỷ.  Họ không ở đó để làm vinh dự cho chủ nhà nhưng để làm vinh dự cho chính họ.  Không có đời sống tâm linh chân thật nếu không có sự khiêm nhường.  Đức Giêsu nói “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng cao”.

Khi chúng ta bước vào một ngôi nhà thờ lớn, lập tức chúng ta cảm thấy phải khiêm cung.  Chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé và vô nghĩa.  Chúng ta nhận thấy mình lệ thuộc vào những điều tầm thường giả tạo.  Nhưng một cách lạ lùng, chúng ta cũng được nâng cao.  Bởi lẽ khi chúng ta hạ mình xuống và buông bỏ những sự vật đã cho chúng ta một cảm thức giả tạo về tầm quan trọng và cao siêu của mình, khiến chúng ta cách biệt với những người khác, lúc đó chúng ta thấy mình được nâng cao.  Chúng ta bắt đầu nhận thức sự cao cả thật của chúng ta không ở trong chính mình, mà ở trong sự kiện chúng ta là con cái của Thiên Chúa.

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta được mời đến dự tiệc – bữa tiệc Thánh Thể.  Ở đây Đức Giêsu là chủ, còn chúng ta là khách của Người. Ở đây không có những chỗ ngồi đặc biệt – bạn có thể ngồi vào chỗ nào mà bạn muốn.  Ở đây đặc quyền, địa vị, tầng lớp không còn ý nghĩa gì.  Sự khác nhau không đáng kể. Đó là vì trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng ta đều bình đẳng.

Không phải vì chúng ta đã bị hoá đồng mẫu số.  Đúng hơn vì tất cả chúng ta đều được nâng cao. Chúng ta giống những người đang ở trên đỉnh núi.  Trên đỉnh núi mà nói chỗ đầu, chỗ cuối hoặc chỗ cao hơn, chỗ thấp hơn thì thật là ngớ ngẩn.  Điều đó cũng được áp dụng cho ngôi nhà của Thiên Chúa. Ở đây, mọi chỗ đều là chỗ danh dự.  Bước vào đây làm cho mọi người được bình đẳng.  Khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa này, mọi đặc quyền bay đi như làn khói, và tất cả chúng ta đều trở nên khiêm hạ nhưng cũng được nâng cao lên. T rước hết, chúng ta phải hạ mình xuống để được tôn lên.  Sau đó chúng ta phải mang theo tinh thần này vào đời sống với chúng ta.

McCarthy

****************************************

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng là gì,
Nhờ thế cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi,
đến với Người trong mọi thứ, mọi điều
và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế không bao giờ tôi lẩn tránh được Người!

Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế trói được thân mình vào ý Người muốn,
Nhờ thế thực hiện ý Người trong suốt đời tôi
Ý ấy là tình yêu Người ràng buộc thân tôi.

R.Tagore

KHIÊM NHƯỜNG VÀ TỰ HẠ

Nếu liệt kê những vật dụng mà con người cần đến trong cuộc sống, chắc hẳn ta không thể bỏ qua những chiếc ghế: Ghế ngồi nơi phòng khách, ghế ngồi trong bàn tiệc, ghế ngồi trong nhà thờ, ghế ngồi nơi công viên ..v..v..Ngoài ra còn có những chiếc ghế vô hình nhưng khá quan trọng: Ghế của chức vụ, ghế của quyền lực, ghế của danh dự tiếng tăm… Những chiếc ghế này đã tạo ra những tranh chấp và thù hận trong cuộc sống.  Bởi thế, con người luôn tranh đấu để có chiếc ghế cao, luôn giành giật để có chiếc ghế đẹp, và luôn nỗ lực cố gắng bảo vệ chiếc ghế của mình.

***

zzBạn thân mến! Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.  Bởi thế cho nên khi thấy khách đi dự tiệc cứ chọn ghế cao trọng nhất mà ngồi, Chúa Giêsu đã lên tiếng khuyên bảo họ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:“Hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến và nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn“(Lc.14:10).

Trong cuộc sống hôm nay, giữa một thế giới tự cao tự đại và xâu xé nhau.  Đức Giêsu mời gọi ta vượt qua thói háo danh để sống tự hạ và khiêm nhường.

Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường.  Khiêm nhường không có nghiã là tự coi mình không có giá trị gì. Trái lại, khiêm nhường là nhìn nhận mình được Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng những ân sủng, là biết mình đã lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân, là được Ngài ban cho những khả năng chuyên biệt, và rồi biết dùng những món qùa này để phục vụ tha nhân.

Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm, trách nhiệm làm người ở trên đời và làm con của Thiên Chúa.  Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng khuyên bảo ta: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc.14:11).  Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống.  Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên.  Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Mà Chúa chỉ nâng cao những người tự hạ và khiêm tốn mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng nhắn nhủ ta trong việc chọn khách để mời ăn. Ngài khuyên ta nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Ngài đưa ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh.

Thông thường ta thường thích giao du với người có thế giá, có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt.

Ước gì ta biết ra khỏi thế giới quen thuộc của mình, để đến với những người nghèo khó tật nguyền, vì họ đang cần ta nhiều hơn.

***

Lạy Chúa Giêsu!

Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống.

Giữa một thế giới còn nhiều người nghèo đói, xin cho con biết cho đi và đừng thu tích

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá con người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng đi của cuộc sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Hc 3: 17-21, 30-31 – BĐ2: Dt 12: 18-19, 22-24 – PÂ: Lc 14: 1, 7-14)

TRUYỆN CÂY NHO

zzCó cây nho xinh, lá mịn màng.  Người làm vườn chờ nắng lên, tiễn ngày đi, bên vườn nho ấp ủ một mùa sai trái.  Ngồi bên luống nho như ngồi bên dòng đời.  Người làm vườn nhìn màu lá dập dờn trong nắng như màu hạnh phúc đổ xuống tâm hồn. Bình an và chờ đợi.  Thời gian và nôn nao.

Chúa bảo mỗi người là một cành nho trong vườn nho thiêng liêng Nước Trời.  Trên màu nắng vỗ, lá non bóc vỏ mình xanh tươi theo ngày tháng.  Lời gọi của Chúa cũng vậy, muốn kẻ theo mình bước dần về Jêsusalem cùng lãnh ơn cứu rỗi, cùng lên phục sinh.  Trong vườn nho thiêng liêng, có nhánh nho kể chuyện đời mình:

Cành nho kể chuyện

Ngày xưa, tôi là một cành nho xinh.  Tôi xin kể chuyện những gian nan đời tôi.  Trong những ngày tháng ấy, người làm vườn nói với tôi nhiều lắm.  Chúng tôi tâm sự với nhau bên những chiều úa nắng, những bình minh.  Có hy vọng, có đau đớn, có mệt mỏi, có lừa dối.  Tôi xin kể lại những tâm sự ấy như một đoạn đời thiêng liêng.

Không biết tôi vào đời lúc thời gian đang là xuân, hạ, hay thu.  Từ một mầm non nhỏ, tôi chào nắng. Nắng ấm làm tôi nôn nao, rồi sức sống như bùng vỡ trong tôi, bao nhiêu mầm non khác trong da thịt tôi vỡ vỏ chào nắng theo.  Tôi thành một cành nho xinh đẹp, rũ lá xuống vườn nho.  Người làm vườn rất vui, nhìn tôi mơ một mùa nho sai trái.

Rồi một ngày bất ngờ, có cơn gió vô tình từ đâu bay tới, làn gió như nghịch như đùa, nó làm chùm lá đập vào nhau, rách rơi xuống đất ẩm.  Tôi đâu biết trên đời lại có gió như thế.  Lần đầu tiên tôi gặp gió. Tôi thua cuộc trong cái thờ ơ không biết chuẩn bị đề phòng.  Người làm vườn thương tôi, đến bên tôi, và người làm vườn ấy dâng một lời kinh:

“Lạy Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi tu viện cũng giống như cành nho.  Người ta nói về những chùm nho đẹp, nhìn những cành lá xanh mà ươm mơ.  Nhưng gió đến, lá xanh có thể rách, chùm nho càng sai thì càng dễ rơi xuống.  Cành nho vững được trước gió là nhờ những sợi dây nho nhỏ cuốn vào hàng rào.  Chính những sợi râu nhỏ không ai để ý, chả ai nói tới, lại mang một trách nhiệm lớn như thế.  Gió có thể làm chính những cành lá đập vào nhau mà rách.  Giống như cuộc đời vậy, lúc gió bão cuộc đời xẩy ra thì chính anh em trong nhà, người trong cùng tu viện, kẻ trong một Giáo Hội, vợ chồng với nhau có thể xâu xé nhau.  Những sợi râu nhỏ kia là hình ảnh của những giây phút cầu nguyện và xét mình.  Nó nhỏ và âm thầm, nhưng thiếu nó, đời sống thiêng liêng sẽ sụp đổ.  Chùm nho có đẹp, lá có xinh, nhưng không có những sợi râu bám chặt vào thân rào, gió sẽ làm nó tan tác.  Bao nhiêu công trình tông đồ đẹp như mùa nho sai trái, nhưng thiếu cầu nguyện và xét mình, nên chúng trở thành ghen tị, hiềm khích chống đối lẫn nhau.  Những sợi râu nhỏ ấy có thể là những tối hồi tâm chung giữa vợ chồng, gia đình đọc kinh chung.  Nó có thể là xét kỹ xem đâu là căn tính hướng đi của Tin Mừng mà một người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải đặt tiêu chuẩn.”

*************************************

Sau lời nguyện của người làm vườn, sau trận phong ba ấy, tôi dè dặt hơn vì biết gió đến bất chợt.  Tôi khôn ngoan hơn trong những cái nhìn.  Tôi không tự hào lắm về những cành lá xanh nữa.  Tôi biết, không có những sợi râu nhỏ kia, gió sẽ tàn phá chúng tôi.  Từ đó, tôi có cái nhìn thiết tha hơn với những gì mà tôi coi là nhỏ bé tầm thường trên giàn nho gia đình chúng tôi.  Chắc là trong cuộc sống của loài người cũng thế phải không, biết đâu những đóng góp kín đáo bằng cầu nguyện, hy sinh của những người mà xã hội coi thường đã giữ cho cộng đoàn sức sống?  Biết đâu những người tôi cho là quê mùa, những gì tôi coi thường là nhỏ bé, trước mặt Chúa lại là những viên đá nền tảng cho Giáo Hội?

Nhờ nắng ấm, nhờ sương hiền của trời, cành nho tôi hôm nay bắt đầu có trái.  Ôi! tôi còn nhớ sáng ấy, người làm vườn vui làm sao.  Ông ta cứ loanh quanh bên gốc nho, xoa từng màu xanh, săn sóc từng đốm hồng trên chùm lá.  Ông nhìn vườn nho, mà tôi biết trong tim ông vui lắm.  Ông đang nghĩ tới một năm được mùa.  Nhưng bạn ạ, cuộc đời có những gian nan không ngờ.

Trên cành nho, có một tàn lá rất xinh.  Màu vàng của nắng, màu xanh của mình, chùm lá đẹp làm sao! Người ta nhìn vườn nho, cứ dựa vào màu lá mà khen vườn nho.  Úa vàng là vườn nho bệnh hoạn, xanh tươi là vườn nho hy vọng.  Trong chùm lá ấy, “ẩn mình một cánh lá chờ chết.”  Cánh lá giấu mặt đằng sau một tổ sâu!  Nó chỉ khoe màu xanh mặt trước mà che kín một màu tang tóc phía sau.  Từ cánh lá “ẩn mình chờ chết ấy”, vết chân sâu bò dần sang những cánh lá khác, đi tới đâu là rải xuống mầm hoang vu.  Sâu không bao giờ chịu xây tổ dưới một cọng lá, sớm muộn rồi nó cũng lan qua, tàn phá những tàn lá chung quanh.  Vết chân sâu tiêm vào chùm nho đang giữa mùa chín tới.  Người làm vườn đâu có ngờ trái nho chua rồi, nó chỉ còn màu xanh vẻ đẹp bên ngoài thôi.  Rồi thời gian cũng đến.  Xót xa trong tim người làm vườn.  Rồi tôi cũng nghe như nỗi buồn từ từ rơi xuống hồn tôi.  Thấm thía.  Xa vời.  Lời rất sâu trong trái tim người làm vườn ấy, vào một ngày ủ dột, dạy tôi lời kinh nguyện:

Lạy Chúa, tội lỗi là những sa ngã kín đáo, ai cũng sợ người khác biết.  Che dấu là cảm dỗ ngọt ngào xúi đẩy nhiều tâm hồn trở thành lừa dối.  Cuộc sống chung là một liên hệ hòa hợp, tình trạng thánh thiện hay tội lỗi của người này có ảnh hưởng tới đời sống thiêng liêng của linh hồn kia.  Khi một gia đình, một tu viện mà có những người thánh thiện, giữ tâm hồn sạch tội thì hạnh phúc sẽ chan hòa sang nhau.  Như những nhánh sông chảy bên rễ vào nhau, dòng nước sẽ trong nếu có nhiều nhánh sông trong, dòng nước sẽ đục nếu những nhánh sông đó đục.  Tội lỗi của một cá nhân trong gia đình, trong tu viện ấy có thể giấu kín, nhưng sức sống thiêng liêng trong gia đình ấy sẽ bị mất, niềm vui trong tu viện ấy thành nhạt.  Xin Chúa cho con can đảm để Chúa bắt những con sâu tội lỗi ấy qua bí tích giải tội.  Vì như những con sâu đó, tội trong con sẽ phát sinh ra những xét đoán thiếu công bình.  Khi mất bình an, con sẽ dễ cay nghiệt, dễ nóng giận.  Ðiều đó làm cho những chùm nho thiêng liêng thành chua chát, mất vẻ đẹp của linh hồn con, gia đình con, tu viện con.

Tâm sự người làm vườn

Tôi là người làm vườn.  Tôi quý vườn nho của tôi.  Từ ngày trồng đến mùa nho chín là một hành trình dài.  Dài ngày tháng bằng khoảng đo mặt trời lên xuống.  Dài ngày tháng bằng nỗi mong đến mùa hái. Dài ngày tháng bằng nỗi sợ có thể bị mất mùa.  Thời gian trong tâm hồn làm tôi ngột ngạt.  Nếu biết chắc chắn mùa tới, nho sẽ chín, trái sẽ ngọt thì cái dài của ngày tháng chỉ là chờ đợi niềm vui.  Nhưng phân vân không biết rồi mùa sẽ thế nào, sẽ ra sao là một khắc khoải lớn lắm.  Cứ nhìn tay người làm vườn mà định giá nỗi thao thức trong tim người làm vườn ấy.  Không người làm vườn nào mà có bàn tay trắng trẻo.  Tôi không ngại mưa nắng sớm hôm.  Tôi không sợ xước tay vì gai, vì đá sỏi.  Tôi chỉ mong được mùa.

*************************************

Lạy Chúa, bàn tay của Chúa trên thánh giá trong mỗi nhà thờ nhắc nhở con điều gì?  Khi con muốn xuống vườn nho, đi làm với Chúa, con cũng phải hỏi mình về đôi bàn tay.  Nếu con sợ bàn tay rám nắng, nếu con không muốn nhặt cỏ, cuốc đất, thì con không phải là người làm vườn, con chỉ xem người khác làm vườn thôi.

Cuốc đất, nhặt cỏ ấy là từ bỏ sự ươn lười, là chiến thắng sự thiếu nhiệt thành, là phấn đấu không dấn thân nửa chừng, là tha thiết với công việc giáo xứ, là xây dựng cộng đoàn huynh đệ.  Muốn giữ cho bàn tay không mệt mỏi có thể là những cám dỗ chỉ muốn đưa ý kiến nhưng ngại hy sinh, muốn ra chỉ thị hơn là thi hành.

Ðôi tay Chúa đã mang đầy thương tích.

Con đã thấy những người lao động ở vùng kinh tế mới.  Trưa nắng quá sức mà họ cứ hì hục rẫy cỏ. Tay họ cháy nắng.  Mồ hôi họ nhễ nhãi.  Nhưng khi nói chuyện với họ, băn khoăn sau cùng của họ vẫn là: “Rồi, không biết năm nay có được mùa không.”  Nhìn nương khoai, tay quệt mồ hôi, nheo mắt trong trời chói nắng, họ không phàn nàn vì phải lao động vất vả, họ chỉ có một băn khoăn: “Rồi, không biết năm nay có được mùa không.”

Phải chăng đó cũng là băn khoăn của Chúa khi nhìn linh hồn con.  Chẳng còn điều gì có thể làm mà Chúa không làm cho con để cứu chuộc linh hồn con.  Sau cùng, khi bàn tay đã tả tơi trên thập tự thì cũng chỉ còn lại trong tim Chúa một ước mơ thôi, đó là linh hồn con thuộc về Chúa.

Nếu con yêu Giáo Hội thì nỗi băn khoăn ấy cũng phải là của con nữa.  Nếu con không thao thức với nhịp sống của Giáo Hội thì con sẽ không tha thiết trong việc tông đồ, điều ấy làm con mất đi năng lực cộng tác với ơn Chúa để thánh hóa chính mình.

Xin Chúa cho con phải nhắc nhở, thôi thúc tự hỏi chính con về tình trạng linh hồn mình và lòng nhiệt thành với Giáo Hội là một vườn nho chung. Trong vườn nho ấy, xin cho con quý bí tích giải tội, có lẽ nào một cành lá cứ giấu ẩn đàng sau những con sâu đo xấu xí.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.

HIỆN TẠI TRONG NGỤC TÙ

zz“Ít ái dục để giữ tinh
Ít lời để giữ khí
Ít tư lự để giữ thần.

Quá khứ thì đã qua
Tương lai thì chưa tới
Chỉ có phút HIỆN TẠI
Biết vậy nên tu tập
Không động, không chuyển lay.”

Bài thơ trên của vị thi sĩ ẩn danh được viết bằng phấn sau cánh cửa phòng biệt giam trại B34 quận 5, Sài gòn.  Trong cảnh bị biệt giam không ánh mặt trời, bị chia cắt khỏi người thân và bạn hữu, bị hiểu lầm và kết án bất công; sống trong cảnh cơm không đủ ăn, nước không đủ uống; ngày ngày đối diện với sự sợ hãi, sự cô đơn và nhất là phải chấp nhận một thực tế về một tương lai đen tối.  Bài thơ như khơi dậy cho người tù lương tâm hiểu rõ chân lý ngàn đời mà cả kiếp người rong ruổi kiếm tìm: Hiện tại – chỉ hôm nay thôi, thế là đủ.  Đừng cố xót xa bám víu vào quá khứ.  Dù quá khứ có đẹp đến bao nhiêu đi chăng nữa, dù nó có tươi vui hay lắm ưu phiền, thì chúng cũng đã chết rồi.  Cũng vậy, đừng quá mong chờ vào tương lai.  Vì tương lai sẽ không thể lấp đầy cho những khát vọng, hoài bão của mình.  Tương lai không làm chủ cuộc đời ta.  Nó chỉ đánh lừa ta ra khỏi hiện tại, làm ta quên đi con người thật, hoàn cảnh thật, và giá trị thật mà mình đang sống với tất cả con người xương thịt của mình.  Trong căn phòng biệt giam đen tối ấy, Hiện Tại đã tỏa chiếu và xóa tan bao u uẩn, lo âu, hối hận, cũng như bao mộng tưởng chờ mong.  Trong chính căn phòng đen tối ấy, giá trị của sự thật được hiển hiện rõ nét: giới hạn, mong manh, đau khổ, chia lìa là rất thật, nhưng chúng cũng chỉ được gói gọn trong hôm nay, ngày này mà thôi.  Mọi sự thế là đủ cho hôm nay, trong căn phòng này.  Vì dù một giây cũng đã là quá khứ, và ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!

Sống hiện tại như là lời mời chân thật nhất để ta trở lại với chính mình, với con người thật của mình, và sống trong hoàn cảnh mình đang sống.  Sống với chính mình tức là đón nhận những ưu điểm và những giới hạn bằng cách nhìn thật vào lòng mình để trở về với hiện tại.  Sống cho con người của mình là dù có đó những giới hạn, nhưng không ai có thể sống thay ta được, không ai có thể lấp đầy những giới hạn ấy của ta được.  Ta hãy sống cho ta với những gì ta đang có trong hiện tại.  Và cuối cùng, sống trong hoàn cảnh mình đang sống tức là sống tròn đầy vào vị trí ấy, hoàn cảnh mà ta đang sống, dù tự do hay tù đày.

Hãy chấp nhận thực tế hiện tại (dù khổ đau, mất mát, chia xa) để thấy được rằng dù ta có ước ao với bao mộng đẹp, với bao hoài bão ta cũng không thể sở hữu tất cả chúng được.  Đời người vẫn là những giới hạn bất toàn: cố vươn lên, cố chụp lấy, cố giữ lại nhưng kết quả cũng chỉ là không.  Chấp nhận những giới hạn này là chấp nhận hiện tại; và chính khi sống trong giây phút hiện tại ấy, ta mới thấy phong phú và tròn đầy vì ta lại tìm gặp con người thật của ta – chỉ sống cho hôm nay mà thôi.  Vì dù một giây cũng đã là quá khứ, và ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!

Một môn sinh hỏi thầy mình,

“Thưa thầy, làm thế nào để con đạt được đời sống vĩnh cửu?”

“Đời sống vĩnh cửu là hiện tại bây giờ.”

“Nhưng bây giờ con đang sống mà, vậy nó có phải là vĩnh cửu không?”

“Không.”

“Tại sao?”

“Vì con không từ bỏ qua khứ.”

“Quá khứ đâu có gì xấu đâu mà phải từ bỏ thưa thầy?

“Từ bỏ qua khứ không phải vì nó xấu, nhưng vì nó đã chết rồi.”[1]

Quá khứ đã chết rồi tại sao ta còn bám víu, ôm lại, và ray rứt hối tiếc?  Phải chăng vì ta sợ bị mất chúng?  Sợ độc hành?  Trong căn phòng biệt giam đen tối ấy, dù nỗi lo sợ cho sự mất mát, cho sự bị lãng quên, và cho sự chia cắt đến đâu đi chăng nữa, thì thực tế vẫn là bốn bức tường đen ngòm.  Cũng chính trong căn phòng biệt giam ấy, dù nỗi lo sợ cho một tương lai bấp bênh, chao đảo có lớn lao đến mấy đi chăng nữa, thì trong “cái hộp” đen tối ấy, người tù vẫn phải đối diện với chính lòng mình, với con người mình, và với hoàn cảnh mình đang sống.  Quá khứ hay tương lai cũng chỉ được gom lại trong “cái hộp” đen tối ấy mà thôi.  Ngay trong cái hộp” ấy, trong chính hoàn cảnh ấy, giá trị của tự do, của hiện tại trở nên hoàn mỹ nhất.  Người tù không cần phải kiếm tìm gì khác ngoài sống với chính lòng mình, cho con người thật của mình, và trong hoàn cảnh thật của mình.

Xin mượn bài thơ sau để kết thúc bài chia sẻ.

“Sống là động mà không xáo động
Sống là thương mà chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.”[2]

Br. Huynhquảng
[1] Lược dịch từ http://www.soulwise.net/99adms4.htm (accessed July 31, 2010).

[2] http://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=92764 (accessed July 31, 2010)

KHUNG CỬA HẸP

Cuộc sống của con người trên dương thế này phải đối diện với nhiều trạng thái và hoàn cảnh khác nhau. Những trạng thái và hoàn cảnh đó được ví như những cánh cửa cuộc đời. Có những cánh cửa rất lớn; rất rộng, nhưng cũng có nhiều cánh cửa rất hẹp: Cửa hẹp khi học sinh thi vào đại học. Cửa hẹp khi người công nhân đi xin việc làm. Cửa hẹp của bệnh nhân đang chiến đấu tranh giành giữa sự sống và cái chết. Cửa hẹp trong cảnh mất mát chia lìa của người thân yêu trong gia đình..v..v..

***

Bạn thân mến! Sống là phải phấn đấu để bước qua cửa hẹp. Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nỗ lực thật nhiều. Nếu thiên đàng có cửa, thì chắc hẳn vào được cửa thiên đàng cũng phải phấn đấu với rất nhiều cố gắng và quyết tâm nỗ lực… Cửa hẹp mà vào được thì mới quý, mới hãnh diện.

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở ta: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp”(Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời”(Mt 7,14). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, cái tôi nặng nề vì những thu tích cá nhân, cái tôi phình to vì tự hào và kiêu căng đầy tham vọng.

Thật ra cửa vào Nước Trời rộng thênh thang, không phải là cửa hẹp, nhưng hẹp vì “cái tôi” của ta quá to lớn cồng kềnh . Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người có thể vào được, vì vào Nước Trời cần phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu. Cần nỗ lực liên tục để cắt xén “cái tôi” của ta, để giữ cho “cái tôi” của ta trở nên bé nhỏ; khiêm hạ trước Thiên Chúa và cởi mở trước anh em.

Cái tôi của ta luôn có khuynh hướng phình to vì những thu tích cho chính mình: tri thức, tiền bạc, khả năng..v..v.. Cả những kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ… cũng có thể làm cho “cái tôi” của ta trở nên xơ cứng và phình to.

Phải trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). Cần phải biến đổi và tự hạ để có thể vào được Nước Thiên Chúa (Mt 18,3-4). Quả thật, đời sống người Kitô là một cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ, một cuộc chiến đấu liên lỉ với chính mình. Khi ta cắt xén “cái tôi” của mình, khi ta tự hủy thân phận của mình, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp, để bước vào cuộc sống hạnh phúc đời đời trong Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng chính là “Cửa” để ta bước vào Nước Trời.  Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu:

Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình sâu thẳm: Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã tự nguyện để bị đối xử như một tội nhân.

Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ: Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Trong cuộc tử nạn, Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã khai mở con đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã bước qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người, phải phấn đấu để khiêm tốn hạ mình, phải từ bỏ cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

***

Lạy Chúa Giêsu! Xin ban ơn giúp sức cho con để con không ngừng nỗ lực phấn đấu với chính mình, biết “bỏ mình, vác thập giá mình” mỗi ngày mà bước đi theo Chúa. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Isaiah 66:18-21 – BĐ2: Do Thái 12:5-7,11-13 – PÂ:Luca 13:22-30)

THA THỨ VÌ GIÁ TRỊ SỰ SỐNG

zzVào một bối chiều tối ngày 27 tháng 12 năm 1982, Jack Kelly, một vận động viên Olympic nổi tiếng, cùng vợ là Sandee ngừng xe tại trạm xăng trong thành phố Fort Lauderdale, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.  Ông bước vào hộp điện thoại công cộng để hỏi người bạn về đường đi đến một buổi tiệc.  Khi Ông Kelly vừa cầm điện thoại lên, ông cảm thấy ớn lạnh phía sau của mình vì một họng súng chỉ thẳng vào gáy ông.  Kẻ cầm súng yêu cầu ông Kelly phải đưa hắn tiền.  Kelly nói, “tôi bị lạc.” Giọng tên cướp nói nhỏ vừa đủ nghe, “Vợ của mày sẽ là người tiếp theo nếu mầy không đưa tiền cho tao.”  Dĩ nhiên ngay sau đó, Kelly bị gây tổn thương và tên cướp bỏ đi.  Kelly được đưa đi cấp cứu ngay sao đó; và trên đường tới bệnh viện Broward General Medical Center, Kelly thều thào với vợ mình, “Em hãy cứu lấy anh ta, vì anh ta đã cứu cuộc đời của anh.” [1]

***********************************

Kính thưa quí vị và các bạn, câu chuyện của ông Kelly hôm nay nhắc chúng ta thái độ nhận ra ân huệ của sự sống sẽ giúp chúng ta dễ dàng thực hiện sự tha thứ.

Làm thế nào ông Kelly lại dễ dàng bảo vợ mình hãy tha thứ và cứu lấy tên cướp, dù tên này đã bắn hại chính mình.  Có lẽ ông Kelly nói một cách dễ dàng như thế, vì ông đã cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống.  Với ông sự sống là một quà tặng mà tự chính ông không thể có được.  Dù bị hại, nhưng ông vẫn nhìn thấy sự may mắn vì còn sống sót và phải biết nói lời cám ơn đối với kẻ hại mình, vì kẻ hại mình chưa giết mình.  Lòng quảng đại của ông Kelly dường như là một điều vượt quá khả năng của chúng ta.  Nhưng thực ra, vẫn có những con người đã thực hiện như thế.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1983, Đức Giáo Hoàng John Paul II bị  Mehmet Ali Agca ám sát. Sau khi bình phục, Đức Giáo Hoàng đã vào nhà tù để thăm người đã giết hại mình, và đồng thời Ngài đã tha thứ cho anh ta.

Các bạn thân mến, lòng quảng đại và sự tha thứ của ông Kelly và của Đức Giáo Hoàng John Paul II làm cho chúng ta phải cúi đầu suy gẫm, ngưỡng phục.  Vậy nếu những con người xương thịt như chúng ta cũng đã tha thứ cho kẻ cố ý hãm hại mình – là những con người hoàn toàn xa lạ, thì chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà không tha thứ cho những người thân của mình – những người mà chỉ xúc phạm đến chúng ta qua những lời nói vì thiếu suy nghĩ, dại dột, và vụng về?  Chẳng lẽ chúng ta không thể tha thứ cho những người từng chung sống dưới một mái nhà, từng chia sẻ một bàn ăn, và có khi cùng chung một giòng máu hay sao?

Sự sống của mỗi con người là vô giá và không có gì có thể thay thế được.  Nhận ra giá trị chân thật này sẽ giúp chúng ta yêu thích sự sống hơn.  Những ai đã từng đối diện hay chứng kiến người thân mình trong giây phút lâm chung chắc đã hiểu rõ giá trị của sự sống.  Chính giây phút lâm chung ấy, chúng ta đối diện với sự bất lực của con người.  Trong giây phút lâm tử đó, không ai có thể níu kéo sự sống của người thân chúng ta lại được cả.  Hiểu như thế, chúng mới thấy được giá trị của hạnh phúc, của sự xum họp, của tình anh em bạn hữu.  Hiểu thân phận ngắn ngủi của chính mình để chúng ta có thể sống đại lượng hơn, bao dung hơn và sẵn sàng tha thứ dễ dàng hơn.

***********************************

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra giá trị sự sống mà Chúa ban cho chúng con.  Vì chính khi nhận ra giá trị này, chúng con sẽ dễ dàng tha thứ hơn cho chính mình và cho anh em mình.  Amen!

Br. Huynhquảng
[1] G. Curtis Jones, 1000 Illustrationgs for Preaching and Teaching (Broadman Press, 1986), 223.

MẸ ƠI, CON VỀ ĐÂY!

zzDù ngày nay nhạc sĩ Phạm Duy có thể có nhiều thay đổi về cuộc sống hoặc lập trường, thì không ai có thể phủ nhận những bản dân ca của ông thấm vào lòng người Việt.  Đằm thắm, da diết, nhất là những bài hát về hình ảnh “Bà Mẹ Quê”: vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu…  Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già, Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi…  Ngày tháng không ao ước gì. Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui”.  Hoặc khi con què cụt trở về từ chiến tranh: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ.  Tiếc rằng ta đôi mắt đã loà, vì quá đợi chờ” (Ngày trở về).  Với mẹ, không đứa con nào là lớn cả, dù có làm đến ông nầy bà nọ, vẫn luôn cần đến những lời an ủi chia sẻ hay đơn thuần chỉ là bóng dáng còm cõi theo năm tháng của mẹ hiền. Mẹ luôn bênh vực che chở cho con.  Không ai không thấy lòng bồi hồi khi nghe những câu hát bài “Lòng Mẹ” của Y Vân.  Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ lên Trời Vinh Hiển.  Ngày mai, rằm tháng Bảy, là lễ Vu Lan, khiến nhiều người nhớ đến tập sách mỏng của nhà sư Nhất Hạnh “Bông Hồng Cài Áo” và bài hát sáng tác dựa theo ý tưởng ấy: Bông hồng trắng cài lên áo cho những người không còn mẹ.  Bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ.  Người Công giáo luôn cài bông hồng đỏ, vì Mẹ Maria linh hồn và xác vẫn luôn sống giữa con cái Mẹ.  Hạnh phúc ngập tràn ấy, nếu ai không ý thức từng phút giây để tận hưởng tình thương và sự chăm sóc vỗ về, mà chỉ sống như người mồ côi, thì quả là bất hạnh, quả thật đáng thương hại.  “Một bông hồng cho em. Một bông Hồng cho anh và một bông hồng cho những ai cho những ai đang còn Mẹ” (Bông Hồng Cài Áo).  Biết bao người Công giáo sống như những người mồ côi Mẹ.

Có người nói rằng giáo dân Việt Nam quá uỷ mị khi chỉ thích hát những bài ca về Mẹ Maria tha thiết, nỉ non, nhưng nhiều khi sai thần học.  Làm sao khác được!  Làm sao định nghĩa được tình yêu!  Có ngôn từ nào đủ hay, đủ đẹp, để diễn tả tình yêu của một người mẹ, của Người Mẹ trên mọi người mẹ là Đức Maria?  Những lúc nguy nan, Mẹ luôn hiện diện ngay bên, ở La Vang, ở Trà Kiệu, ở Tà Pao, ở Măng Đen…  Giáo Hội Việt Nam tồn tại và phát triển không nhờ những thần học rườm rà, cao xa, và chỉ dừng lại ở lý thuyết.  Tín hữu Công giáo Việt Nam bày tỏ lòng yêu mến, tôn sùng Mẹ bằng cử chỉ và hành động thiết thực: qùy gối, cầm chuỗi mân côi đọc, hát những lời ca tụng, cảm tạ, chan hoà nước mắt mừng vui và sầu buồn, nhưng tràn đầy tâm tình tri ân, tin tưởng và cậy trông.  Thấm thía hơn ai hết câu “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời” (Kinh Hãy Nhớ).  Cái “gien” mà: Lòng yêu mến sùng mộ Mẹ Maria đã thành máu và di truyền!  Mẹ Maria gần gũi người dân Việt với hình ảnh tần tảo, âm thầm, quên mình, hy sinh cho hạnh phúc gia đình.

Tín điều “Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời” mà Đức giáo hoàng Piô XII đã định tín ngày 01.11.1950 chỉ xác nhận điều mà con cái Mẹ luôn xác tín.  Đối với tín hữu Công giáo, giấc miên-du (Dormition), giấc ngủ ngọt ngào của Mẹ, chỉ là một khoảnh khắc để xoá đi biên giới không gian và thời gian và trả về cho Mẹ con người thật mà Thiên Chúa dựng nên: tinh tuyền, không vướng tội truyền, khắc tinh của ma qủy và sự dữ.

Mẹ không chỉ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, mà còn là Máng Thông Ơn Thiên Chúa, nghĩa là mọi ơn sủng, phúc lành Thiên Chúa ban, đều qua Mẹ, điều mà Giáo Hội đã muốn tuyên bố thành một tín điều.  Trong niềm tin của mọi tín hữu, đó là điều không cần bàn cãi!

Khi nói “phía sau người đàn ông thành đạt, có bóng người phụ nữ”, người ta hay nghĩ tới người vợ. Thực ra, đó còn – và nhất là – người mẹ: sự hình thành nhân cách, nghề nghiệp, và thành công hôm nay, phần lớn đều do người Mẹ ngay từ tuổi thơ.  Điều đặc biệt mà chúng ta vui mừng cảm tạ hôm nay, ngày lễ Chúa cho Mẹ linh hồn và xác về trời, cũng tỏ rõ lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu và vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.  Đó là sự hiện diện của Mẹ, không chỉ như “một bóng dáng”, mà là một nhân tố không thể thiếu, hoạt động tích cực và đầy quyền năng bên cạnh Thiên Chúa.  Trong khi hầu như đằng sau hay bên cạnh các vĩ nhân trong các tôn giáo, trong giới kinh doanh, chính trị, đều không thấy bóng dáng các bà mẹ hoặc chỉ “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung Oán Ngâm Khúc).  Ngoài ra, tuyệt đại đa số ơn gọi tận hiến, ơn thiên triệu linh mục là do người mẹ, không chỉ ngày đêm gợi ý, khuyến khích, cầu nguyện, không chỉ khi chọn lựa, mà cả trong những giờ phút quyết định và suốt trong cuộc đời làm linh mục.  Người ta nhớ đến thân mẫu của Thánh Giáo hoàng Piô X, thân mẫu của Thánh Gioan Bosco.  Nhiều người hẳn chưa quên lời của Đức cố hồng y Nguyễn Văn Thuận khi nói về thân mẫu ngài: “Tôi nhớ những lời thân mẫu của tôi, vì đối với tôi như những lời khuyến cáo tôi trong cuộc đời linh mục”.

Nói về Mẹ Maria thì bao giờ cho đủ, bao nhiêu cho vừa!

Dù ở nơi đâu, bất cứ khi nào, trong an vui hay lúc sóng gió, những khi mệt mỏi trên đường lữ thứ trần gian, con nhìn về Mẹ, lòng ngập tràn hân hoan cảm mến và hét to lên rằng : “Mẹ ơi, con về đây!”.  Con muốn dùng những câu hát trong bài “Bông Hồng Cài Áo” của Phạm Thế Mỹ để thưa với Mẹ:

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?”
– Biết gì ? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”

CVK Nguyen The Bai

NIỀM AN ỦI

zzHôm nay, chúng ta mừng kính tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời.  Mẹ là tạo vật đầu tiên đã được khải hoàn và bước vào quê hương nước trời. Mừng kính tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời nhắc nhở ta một ngày kia ta cũng sẽ về trời với Mẹ.

Bầu khí phụng vụ hôm nay mang một sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Nơi Thiên cung, Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất: vai trò Nữ vương trời đất. Mẹ cũng mang lấy một địa vị cao cả nhất, thật gần gũi với Thiên Chúa và trổi vượt trên mọi tạo vật, địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Thực vậy, sau những ngày tháng khổ đau nơi trần thế, giờ đây Mẹ được vui hưởng niềm hạnh phúc bất diệt như lời thánh Phaolô đã diễn tả: ” Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nhận được những gì Thiên Chúa đã sắm sẵn cho những người yêu mến Ngài.”

Trong ngày mừng kính Mẹ hồn xác về trời, chúng ta không phải chỉ ngợi khen và chúc tụng, mà còn phải tìm lấy cho mình một niềm vui mừng và hy vọng.

Thực vậy, kể từ khi Mẹ bước vào quê hương Nước Trời, chúng ta cảm thấy được an ủi và khích lệ rất nhiều, bởi vì tình mẫu tử, một thứ tình cảm đẹp đẽ và tinh ròng nhất của trái tim con người, đã được cụ thể hoá nơi Mẹ Maria trước ngai tòa Thiên Chúa.  Nhờ đó Mẹ sẵn sàng ra tay nâng đỡ và trợ giúp chúng ta trên đường lữ thứ trần gian.

Đúng thế, trên đỉnh đồi Canvê, Đức Maria đã trở nên Mẹ của nhân loại, cũng như trở nên Mẹ của mỗi người chúng ta, qua lời trăn trối của của Chúa Giêsu: “ Này là Mẹ con… và này là con Mẹ.

Qua lời xin vâng, Mẹ đã cưu mang chúng ta. Đồng thời, qua những đau khổ phải chịu, nhất là khi đứng dưới chân thánh giá, Mẹ đã sinh chúng ta trong đời sống ân sủng. Và bây giờ ở trên trời, với tước hiệu là Mẹ nhân loại, Mẹ vẫn nhớ đến từng người trong chúng ta . Mẹ sẽ dùng tình thương của một người mẹ và uy quyền của một vị nữ vương để bầu cử và giúp đỡ chúng ta trước mặt Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói được rằng: “ Mẹ nắm giữ số phận của mỗi người chúng ta trong lòng bàn tay yêu thương và quyền năng của Mẹ.”

Vì thế, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ trong những phút giây hạnh phúc để cảm tạ, ngợi khen, và cũng hãy chạy đến với Mẹ trong những tháng ngày đau khổ để xin Mẹ chở che, bênh đỡ. Nếu chúng ta chạy đến với Mẹ, kêu cầu Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ ra tay trợ giúp và dẫn dắt chúng ta đến cùng Chúa.

Chúng ta vốn thường đọc: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời.”

Phải chăng đó là chính là niềm an ủi và khích lệ chúng ta gặp được khi mừng kính Mẹ hồn xác lên trời ngày hôm nay.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Rv 11:19,12:1-6,12:10 – BĐ2: 1Cor 15:20-26 – PÂ: Luca 1:39-56)

TIỀN CỦA LÀ CON DAO HAI LƯỠI

zzCô Xuân mồ côi cha từ thuở niên thiếu.  Nhờ sự tận tụy làm việc của mẹ trong nghề giáo viên tiểu học, Xuân đã học xong bậc trung học, kế đó, vào ngành trung học thư ký, và được thâu nhận và một công ty lớn.  Mỗi buổi sáng, hai mẹ con cùng ra khỏi nhà một lúc, mỗi người với công việc của mình và chiều lại trở về cùng một giờ như nhau.  Sau một tháng làm việc, chiều ngày lãnh lương, cô Xuân trở về sớm hơn sung sướng chờ đợi mẹ về, cô muốn dành cho mẹ một sự ngạc nhiên vui mừng lớn.  Cô đặt những tờ giấy bạc 100 trên bàn, tất cả là 16 tờ 100 đồng.  Cô mỉm cười nhìn những tờ giấy bạc đó và bắt đầu tưởng tượng đến nỗi vui mừng của mẹ cô lúc về nhà, chắc là mẹ cô sẽ hãnh diện vì con gái của mình.  Đó là kết quả của những ngày chăm chỉ làm việc.  Cô ôn lại tất cả trong tâm trí tất cả những lá thư, những giấy tờ cô đã đánh máy, những hồ sơ cô đã cẩn thận thu xếp lại.  Đang lúc cô Xuân vui sướng nhìn những tờ giấy bạc trên bàn và tưởng nghĩ lại những công việc đã làm, thì cô giật mình khi cánh cửa hé mở và mẹ cô bước vào nhà.  Xuân thấy mẹ về và sung sướng nói:

– Mẹ ơi, mẹ xem kìa, đây là số lương đầu tiên của con 1,600 đồng, mẹ nghĩ có lớn không mẹ.

Rồi Xuân đứng chờ xem phản ứng của mẹ như thế nào.  Tiếc thay, phản ứng của bà không pahi là phản ứng mà cô vẫn mơ tưởng và mong đợi.  Bà cởi khăn trùm đầu ngồi xuống cạnh bàn, mở xách tay lấy ra lương tháng của bà mà bà cũng vừa mới nhận được ở trường.  Bà buồn rầu đặt số tiền lương lên bàn rồi gục đầu vô hai bàn tay rồi nức nở khóc.  Từ 18 năm qua, bà đã tận tụy dạy cho một trường tư và hôm nay bà cũng chỉ nhận có 8 tờ giấy bạc 100 đồng.  Chẳng bao lâu nữa, bà sẽ phải nghỉ dạy học, vì đã đến tuổi về hưu.  Thế mà, số tiền lương cuối cùng cao nhất của bà chỉ bằng phân nửa tiền lương đầu tiên của con gái bà.

*************************************

Tiền của là con dai hai lưỡi.  Tiền có thể là dụng cụ để xiết chặt tình nhân đới, để biểu lộ tình tương thân tương ái.  Tiền bạc kết quả là mồ hôi nước mắt cha cha mẹ, là biểu hiện tình thương của cha mẹ đối với con cái, để lo cho nhu cầu hạnh phúc tương lai con cái.  Khi chúng ta tự tặng ai món quà nào, nếu được mua từ giá hy sinh của tình thương thì vẫn là món quà đáng quí trọng hơn là món quà đắt tiền nhưng lại trống rỗng tình thương.  Tiếc thay, nhiều lúc chúng ta chỉ dừng lại nơi những giá trị bên ngoài của quà tặng, đánh giá nó như cái nhìn nông cạn của cặp mắt trục lợi, mà quên đi giá trị sâu xa của nó.  Chúng ta đặt lượng vấn đề vật chất hơn là phẩm chất tinh thần của nó.  Đó là lý do của biết bao sự hiểu lầm ngay cả với những người thân thương trong gia đình, là lý do làm sứt mẻ nhiều mối tình bằng hữu và đưa tới những thảm cảnh đổ vỡ gia đình.  Tiền bạc có thể làm mù quáng trí khôn và sự phán đoán để rồi nhường chỗ cho các đam mê và dục vọng thống trị, chẳng hạn như tính kiêu ngạo, lòng ích kỷ ghen ghét, thù hận.  Cũng vì một chút tiền bạc mà chúng ta không còn biết nhìn nhận cái hay cái tốt một cách khách quan để thông cảm, chung vui và cộng tác với nhau, để rồi chỉ đóng kín trong cái nhìn thiển cận của cái nôi ích kỷ, và gặm nhấm những cay đắng của thái độ than thân trách phận.

*************************************

Lạy Chúa, Chúa nhìn thấy những tờ giấy bạc, những đồng tiền trong tay con đây, chỉ có Chúa mới nhìn thấy rõ những bí ẩn chứa đựng trong đó và quãng đường chúng đã trải qua, đến những gì còn ẩn giấu sau những tờ giấy bạc này.  Những tờ giấy bạc có thể tạo ra hạnh phúc hay khổ đau, sức khoẻ hay chết chóc, là kết quả của sức lao động mồ hôi nước mắt hay là của bất công gian dối.  Này đây con xin dâng lên Chúa những tờ giấy bạc, những đồng tiền này với tất cả mầu nhiệm vui mừng, cũng như mầu nhiệm đau thương của con.  Con cám ơn Chúa, vì món quà của sự sống, của niềm vui mà Chúa ban tặng cho chúng con.  Với tiền bạc, con cũng xin Chúa thứ tha những điều gian dối, những khổ đau đã phát sinh bởi đồng tiền.  Hơn nữa, con xin dâng lên Chúa những tờ giấy bạc này, như biểu hiện bởi lao công khó nhọc của mồ hôi nước mắt, của tình thương con người, là những điều mà tiền bạc sẽ không thể nào làm cho ra mục nát, nhưng sẽ được biến đổi thành sự sống muôn đời.  Amen!

Trích Suy Niệm Mỗi Ngày, Nhóm Tác Giả – Vietnam