SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT

người bi quan bảo rằng: “Sống là chuẩn bị chết”.  Mỗi ngày sống là một nhịp cầu tiến gần đến cái chết hơn nữa.  Cái chết nó đến cũng thật bất ngờ.  Bất ngờ như tên trộm đột nhập vào nhà và lấy đi sự sống của chúng ta.  Cái chết nó cũng không chờ đợi lứa tuổi để mà có thể sống theo tuần tự: sinh – bệnh – lão – tử.  Cái chết đến với người già cũng như người trẻ ngang nhau.  Có người chết trẻ. Có người chết già.  Có người chết bất thình lình.  Có người chết từng giờ vì cơn bệnh nan y. 

zzVào ngày 10/04/2010 cả thế giới cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của vợ chồng tổng thống Ba Lan cùng đoàn tùy tùng gần 200 người.  Họ đã tử nạn trong một chuyến bay đến Nga để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày khoảng 22.000 binh sĩ Ba Lan bị sát hại.  Chiếc máy bay đã không đưa họ đến nơi dự định mà đã đưa họ về với trời cao vào lúc 11g00 trưa cùng ngày.  Họ đã kết thúc cuộc đời vào lúc mà họ không ngờ, và chắc chắn họ vẫn chưa chuẩn bị cho chuyến đi định mệnh một cách vĩnh viễn này.

Mỗi ngày chúng ta cũng chứng kiến biết bao cái chết tức tưởi bởi đột quỵ hay bởi tai nạn giao thông.  Trung bình ở Việt Nam mỗi ngày có hơn 32 người chết bởi tai nạn giao thông.  Mỗi năm thiên tai lũ lụt cũng gây nên biết bao cái chết oan khiên đắng cay.  Pakistan mới trải qua cơn lũ kinh hoàng đã cướp đi hơn 1500 sinh mạng. Sự chết dường như không kiêng nể ai.  Sự chết có thể đến với bất cứ ai và ở mọi nơi, mọi lúc.

***********************************************

Xem ra sự sống và sự chết không nằm trong những toan tính dự định của chúng ta.  Chúng ta không có quyền chọn lựa để tiếp tục sống hay chết.  Không có quyền chọn lựa về cách chết.  Và càng không có quyền chọn lựa thời gian để chết.  Sự chết dường như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.  Sự chết sẽ chấm dứt mọi sự nơi dương gian của chúng ta.  Công danh, sự nghiệp.  Giầu có hay khó nghèo cũng kết thúc như nhau với nấm mồ nhỏ bé bốn tấc đất như nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức.  Tỉnh thức để chờ đợi chủ trở về.  Sự chờ đợi khôn ngoan là chăm chỉ làm việc bổn phận của mình.  Sự chờ đợi tích cực là tích luỹ kho tàng không bao giờ bị hao hụt hay mối mọt phá hoại là những việc lành phúc đức.  Sự chờ đợi trong kiên nhẫn, dầu là lúc đêm khuya hay lúc bình minh sắp ló rạng vẫn luôn tỉnh thức vì không biết chủ về vào lúc nào.  Chủ về với hàm ý chính Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm mỗi người chúng ta qua các ơn lành, qua các bí tích . . . Chủ về cũng có nghĩa là ngày Chúa đến để đưa linh hồn chúng ta ra khỏi thế gian. Chủ về cũng có nghĩa là ngày cánh chung, ngày đó sẽ khép lại toàn bộ lịch sử của nhân loại.  Chủ sẽ vui mừng thấy chúng ta tỉnh thức hay chủ sẽ giận dữ thấy chúng ta đang u mê lười biếng.  Chủ sẽ thưởng công hay luận phạt tùy theo thái độ sống của chúng ta.

Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy sống giây phút hiện tại một cách tích cực.  Hãy sử dụng thời gian một cách hợp lý.  Đừng dùng giây phút hiện tại để phạm tội.  Đừng lao vào những đam mê mù quáng.  Hãy sống tích đức để mua lấy Nước Trời mai sau.  Nhưng đáng tiếc cho nhân loại hôm nay vẫn còn đó những người sống thiếu tỉnh thức bằng đời sống lười biếng và thiếu trách nhiệm trong bổn phận của mình, vẫn còn đó những người sống ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, vẫn còn đó những người sống tham lam bất chính hơn là tích đức cho đời sau.  Họ sẽ mất cơ hội tham dự tiệc của tình yêu mà chính Thiên Chúa sẽ thiết đãi họ.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống giây phút hiện tại như là giây phút cuối cùng của đời mình để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống tỉnh thức hơn.  Ước gì mỗi người chúng ta cùng được chủ vui mừng đón tiếp trong bữa tiệc vĩnh cửu nơi quê hương trên trời.  Amen!

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã ra nước ngoài  tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ làm nhiệm vụ quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.

***

Bạn thân mến! Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa.  Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc?  Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa ban. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngông ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.

Con chim ở trọ cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Môi xinh ở trọ người xinh,
Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…
Tôi nay ở trọ trần gian
Mai sau về chốn xa xăm với Người.

Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lời.

Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao.  Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ.  Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

Là quản lý trung tín, ta không được phản bội.  Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải biết nhìn xa.  Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian.  Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá” (Lc. 12:33).  Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho mình chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.

***

Lạy Chúa, xin nhắc nhở  con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn chăm lo làm việc cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Sách Khôn Ngoan 18:6-9 – BĐ2: Do Thái 11:1-2,8-19 – PÂ: Luca 12:32-48)

ĐÀNG THÁNH GIÁ TRONG NGÔI NHÀ NGUYỆN MỄ TÂY CƠ  

Trong một chuyến đi Chicago, tôi đã đặt chân vào ngôi nhà nguyện ấy.

Đó là ngôi nhà nguyện trong một cao ốc tối tăm vùng Nam Chicago, nơi được dùng làm trụ sở của tổ chức Catholic Charities.  Mặt tiền của cao ốc này là con đường tấp nập xe cộ; cửa sau cao ốc thông ra một khu đậu xe, với con đường đất dẫn vào, gập ghềnh, lồi lõm.  Ngay trên đầu lối xe vào là chiếc cầu xi măng, trên đó xe điện chạy rầm rập suốt ngày đêm.

Rõ ràng, đây không phải là một cao ốc khang trang, tráng lệ.  Nó hợp với khung cảnh của vùng Nam Chicago, nơi có nhiều người da đen và người Mễ, những người nghèo, thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội.  Tầng trệt của cao ốc này là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của những người Mễ Tây Cơ.

Có lẽ trong tầng trệt của cao ốc này, ngôi nhà nguyện là căn phòng đẹp nhất, với những bờ tường cẩn đá cuội to bên dưới, một bàn thờ làm bằng một phiến gỗ mộc, một nhà tạm bên góc trái với ngọn đèn dầu leo lét, và một giàn đèn màu hắt ánh sáng từ trên trần xuống.

Tôi quì trong nhà nguyện, tĩnh tâm một lúc rồi ngó lên bốn bức tường tìm kiếm một hình ảnh thân quen: mười bốn chặng đàng thánh giá.  Trong bất cứ một thánh đường hay nguyện đường Công giáo lớn nhỏ nào, đều có hình ảnh của mười bốn chặng đàng thánh giá.  Đó là những hình ảnh ghi lại những biến cố quan trọng trong đoạn đường khổ nạn của Chúa Kitô, bắt đầu từ sự kiện Ngài bị đưa đến dinh quan tổng trấn Philatô luận tội và kết thúc ở sự kiện xác Ngài được táng trong huyệt đá. Người giáo dân, khi muốn tưởng nhớ đến công ơn cứu chuộc của Chúa Ki tô thì đứng trước mỗi chặng đó, đọc kinh, suy niệm, gọi là ”đi đàng thánh giá”.

Điều làm tôi kinh ngạc là ngôi nhà nguyện trang trí theo nghệ thuật Mễ Tây Cơ này không có mười bốn chặng đàng thánh giá.  Tôi đã từng đến những ngôi nhà nguyện rất nhỏ hẹp, rất đơn sơ nghèo nàn, nghèo đến độ không có nổi hình ảnh của mười bốn chặng đàng thánh giá; nhưng thay vào đó, người ta đã cắt mười bốn hình thánh giá nhỏ bằng giấy, gắn lên tường, tượng trưng cho mười bốn chặng đàng thánh giá.  Ở đây, hình ảnh không có, thánh giá bằng nhựa, bằng giấy cũng không có, tường vách trống trơn.  Thay vào đấy, họa sĩ nào đó đã dùng màu, vẽ dày đặc trên bốn bức tường.  Hình ảnh những người đa đen, người Mễ, những cảnh gồng gánh, cảnh làm việc tại công trường… trông hết cả vẻ trang nghiêm của một nơi thờ phượng.  Tự nhiên tôi thấy giận giận trong lòng.  Cái tật vẽ tùm lum tà la trên tường nhà, đường phố, cầu cống của người Mễ xâm nhập cả vào nơi cầu nguyện.

Tại sao lại có một sự vô ý thức đến như thế!

Vì công việc, tôi phải ở lại trung tâm sinh hoạt tôn giáo của người Mễ này vài ngày.  Và cũng vì trách nhiệm, mỗi ngày tôi phải vào ngôi nhà nguyện đó nhiều lần.  Lần nào cũng vậy, thay vì tìm thấy sự bình an trong tâm hồn thì tôi chỉ cảm thấy… mất bình an.  Càng mất bình an bao nhiêu thì tôi càng có cảm tưởng những hình ảnh trên tường đó càng nhảy múa, trêu ghẹo tôi bấy nhiêu.  Hóa ra, thay vì được ”tĩnh tâm” thì tôi lại bị ”động tâm”.  Nguyên do cũng chỉ vì ngôi nhà nguyện không có mười bốn chặng đàng thánh giá, lại thêm nữa là tường vẽ đầy những hình ảnh kì quái làm mất vẻ trang nghiêm.

Cho đến buổi sáng kia, một vị hình mục đến dâng Thánh lễ trong ngôi nhà nguyện này.  Trong phần giảng thuyết, ngài khai triển chủ đề ”Chúa ở trong tha nhân ”.  Ngài nói: ”Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng nhìn thấy anh em chung quanh ta cũng chính là thấy Chúa, vì Chúa ở trong những người anh em đó.  Chúng ta cũng không trực tiếp phục vụ Chúa, nhưng khi chúng ta phục vụ những người anh em cũng là chúng ta phục vụ chính Chúa, vì Chúa ở trong những người anh em đó.

Tôi ngồi nghe, hơi thờ ơ.  Những tư tưởng này tôi cũng đã được nghe nhiều lần, không có gì mới lạ.  Nhưng tôi bắt đầu chú ý khi vị linh mục đề cập tới những bức tường trong ngôi nhà nguyện.  Bằng một giọng đều đặn nhưng không thiếu sự rung cảm, ngài nói:

Anh em thử nhìn lên bốn bức tường trong nhà nguyện này.  Anh em không thấy mười bốn chặng đàng thánh giá, cũng không thấy Chúa đâu. Nhưng có Chúa đó, và cũng có cả mười bốn chặng đàng thánh giá đó.

Tôi kinh ngạc, chú ý nghe.  Và vị linh mục nói tiếp:

Anh em hãy nhìn bức hình thứ nhất: một người da đen bị trói hai tay, đứng trước những người khác.  Anh em không nhìn thấy Chúa đâu, nhưng có Chúa trong người da đen ấy.  Chúa Ki tô đang bị đưa ra trước tòa quan tổng trần Philatô đó…  Anh em hãy nhìn bức hình thứ hai, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một người đang vác những vật rất nặng trên vai, lưng anh ta còng xuống.  Chúa đó, Chúa Ki tô vác thánh giá trong người anh em đang mang nặng đó…  Anh em hãy nhìn bức hình thứ ba, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một người bị đè dưới một đống gạch.  Chúa đó, Chúa Ki tô bị ngã xuống đất dưới sức nặng của cây thánh giá…  Anh em hãy nhìn bức hình thứ tư, anh em không thấy Chúa đâu, chỉ thấy một phụ nữ đẹp sầu muộn đang nhìn một người đang bị đánh đập.  Chúa Kitô đó, trên đường khổ giá, Ngài đã gặp Đức Mẹ sầu bi.

Lần lượt, vị linh mục giảng giải trọn vẹn mười bốn chặng đàng thánh giá vẽ trên tường.  Tôi và những người ngồi trong nhà nguyện chăm chú lắng nghe.  Nghe mà cảm thấy trong lòng sung sướng. Đây là lần đầu tiên, tôi cảm nghiệm bài học “Chúa ở trong tha nhân ” một cách thật mãnh liệt và sống động.

Buổichiều, tôi gặp vị linh mục yà tỏ ý cảm phục vì sự ngài nhìn ra ý nghĩa của những hình ảnh ”kì quái” trên tường.  Ngài cười nhẹ đáp:

Tôi nghĩ đó là sự nhạy cảm văn hóa.  Buổi sáng sớm nay, tôi vào nhà nguyện, ngồi suy niệm.  Bất chợt, nhìn lên tường, ngắm những bức tranh ấy, tôi tìm ra được ý nghĩa của chúng.

Tôi không có được sự ”nhạy cảm văn hóa ” của vị linh mục kia.  Nhưng qua sự giải nghĩa của ngài, tôi học được một bài học còn quan trọng hơn sự ”nhạy cảm văn hóa”.  Chuyện xảy ra là, sau buổi sáng hôm ấy, mỗi lần vào nhà nguyện Mễ Tây Cơ đó, tôi không còn cái tâm trạng ”giận giận ” và ”mất bình an ” nữa; trái lại, lòng tôi thấy bình an thư thái và chan chứa yêu thương.  Tôi thấy ngôi nhà nguyện đẹp và dễ thương, những giờ cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện ấy thật là ý nghĩa.

Trước đây, tôi thấy ngôi nhà nguyện dễ ghét, vì tôi không hiểu được ý nghĩa những bức tranh vẽ trên tường.  Bây giờ, ngôi nhà nguyện dễ thương, vì tôi đã hiểu được ý nghĩa những bức tranh ấy.  Bài học tôi học được chính là ở chỗ đó: ngôi nhà nguyện cũng y như một con người và những bức tranh vẽ trên tường cũng giống như tâm hồn của người ấy.  Có những người, khi mới thoạt gặp, tôi đã thấy ”mất cảm tình” ngay, nơi họ có cái gì kì cục, khó ưa và tôi tìm cách xa tránh họ, không muốn tiếp xúc với họ.  Tình cờ gặp họ, dù họ không làm gì đụng chạm đến tôi, tôi cũng thấy ghét, thấy bực mình.  Thế nhưng, nếu có cơ hội nào, tôi đi được vào cõi lòng của người ấy, tôi biết được tâm trạng, sự suy nghĩ, niềm vui nỗi buồn, niềm đau và sự hạnh phúc của người ấy, tôi sẽ thấy người ấy có những điểm dễ thương và tâm hồn người ấy có nhiều điều đáng quí.

Hi vọng rằng từ nay, khi tiếp xúc với một người, tôi sẽ không vội ưa hay không ưa, mà cố gắng tìm hiểu tâm hồn họ.  Và tôi tin rằng nơi tâm hồn bất cứ một ai cũng có những điểm đáng quí, dễ thương.

Nhà văn Quyên Di