TIẾNG NÓI CỦA THINH LẶNG

zzTruyện kể rằng:

Trước khi ông Moisê dẫn dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, người phải qua một thời gian huấn luyện dưới sự chỉ giáo của một thầy dạy.  Kỷ luật đầu tiên mà Moisê phải tuân giữ, là sự im lặng tuyệt đối trước bất cứ điều trái ý nào.

Một hôm, hai thầy trò đi du ngoạn tại một miền quê có đồi núi hùng vĩ, cây cối xanh tươi, hoa cỏ muôn màu muôn sắc, sông nước trong mát.  Nhưng Moisê cũng phải im lặng không dám mở miệng khen ngợi.

Ðến gần bờ sông, Moisê thấy một đứa bé đang chìm dần xuống nước, trong khi đó người mẹ trên bờ sông không biết làm gì hơn là khóc than thảm thiết.

Moisê không cầm lòng được trước cảnh tượng đáng thương đó, liền buột miệng nói:

Thầy không thể làm gì để cứu đứa bé được chăng?

Thầy giáo bảo Moisê hãy giữ im lặng.

Moisê cắn lưỡi giữ yên, nhưng cảm thấy áy náy trong tâm hồn.  Ông tự nghĩ, không lẽ thầy mình lại có tấm lòng chai đá như vậy hay sao?  Hay là chỉ vì bất lực không thể cứu giúp người gặp cảnh khó khăn được?  Mặc dù Moisê không dám nuôi những tư tưởng xấu về thầy mình, nhưng lại rất khó mà xua đuổi những tư tưởng ấy đi.

Hai thầy trò lặng lẽ tiếp tục tiến về phía biển.  Ðứng trên bờ biển, Moisê thấy chiếc thuyền nhỏ lao đao, vật lộn với sóng lớn và đang chìm dần với cả nhóm thủy thủ.  Moisê kêu lên:

Lạy thầy, xin hãy nhìn xem kìa, chiếc thuyền nhỏ đang chìm dần.

Một lần nữa thầy giáo ra hiệu cho Moisê phải giữ im lặng.  Moisê không dám nói gì thêm nữa, nhưng trong lòng không khỏi phân vân lo lắng.

Khi hai thầy trò trở về nhà, Moisê liền đem sự việc đến bàn hỏi cùng Chúa.

Chúa phán: thầy con làm như vậy là có lý, đứa bé chết đuối trong nước sông, nếu không chết, lớn lên nó sẽ là tên tướng giặc gây chiến giữa hai quốc gia, và hàng ngàn người vô tội sẽ phải chết thảm thương.  Còn chiếc thuyền nhỏ ngoài biển kia đang chở theo một bọn cướp hung dữ, chúng đang dự bị tấn công một làng nhỏ gần vùng biển.  Nếu chúng không bị đắm thuyền, thì chúng sẽ cướp phá và giết hại dân làng vô tội.

*************************************

Các bạn thân mến!

Các bạn đã nghe được tiếng nói của im lặng bao giờ chưa?  Nó không phải là điều nghịch nghĩa.  Sự thầm lặng nói với tiếng nói thâu suốt tâm lòng con người.  Lời lẽ của nó thân tình và quan trọng.  Quan trọng, bởi vì những lời lẽ đó dẫn đưa chúng ta đến chỗ suy tư với chính mình, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, của vạn vật và của Chúa trong tâm hồn ta nữa.

Tiếng nói của thầm lặng thúc đẩy chúng ta tìm hiểu sự chân thật, đồng thời cũng chỉ bảo chúng ta cách đối thoại với thực tại đang chờ đón ta.  Sự thầm lặng sẽ giúp ta không bị hoa mắt trước những ảo mộng hão huyền, không bị mỏi mệt vì tiếng ồn ào huyên náo.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng cần phải rút lui và chính mình trong chốc lát, cho dù chỉ một vài phút để nghỉ ngơi tinh thần, để khám phá ra sự thật trong thinh lặng, để định hướng đi và đi vững vàng hướng dẫn bánh lái của cuộc đời ta.

*************************************

Lạy Chúa, này đây con xin ở im lặng trước nhan thánh Chúa, con nhìn Chúa và con biết rằng Chúa cũng đang nhìn con.  Chúa thấu tỏ mọi sự, xin hãy nói và con sẽ lắng nghe với tất cả tâm hồn, tất cả trí khôn con.  Xin hãy truyền cho sóng gió của dục vọng, của ham muốn trong đời con, phải lặng tĩnh để tâm hồn con trở nên phẳng lờ, trong sáng có thể phản ảnh dung nhan Chúa, để con biết nhìn mọi sự việc với cái nhìn của Chúa, cái nhìn của lòng tin yêu Chúa, phó thác trong sự quan phòng đầy khôn ngoan của Chúa. Amen.

R. Veritas

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị.  Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế.  Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại.  Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay dường như đi ngược chiều với con người và xã hội hôm nay.  Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển? Chống lại sự sung túc thịnh vượng của xã hội?

Nếu đọc kỹ Lời Chúa  trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, và quan sát suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu, ta sẽ thấy:

1)- Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế. Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” (Lc.12:14).  Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế.  Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác.  Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.

2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.

Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc.12:15). Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi “có gì” thuộc phạm vi khối lượng. Tôi “là gì” thuộc phạm vi chất lượng.  Những gì “tôi có” như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì “tôi là” mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.

Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.

Truyện kể:  Ngày xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ.  Ông không cần quần áo, nhà cửa.  Nhà của ông là một chiếc thùng phuy.  Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không.  Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo Ngài che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, nhà vua và nhà hiền triết, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?

Chất lượng cuộc sống làm cho con người sống “nên người” hơn, cao quý hơn, sung mãn hơn.  Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.

3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên.  Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa vang vọng nhắc nhở ông: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai? ” (Lc.12:20). Lời Chúa đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ.  Khi ta chết, của cải của ta dù có thật nhiều thì cũng tan theo mây khói.

Nhưng chưa hết, chết rồi ta còn phải ra trước tòa Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh giá con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống.  Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ mất hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại mãi mãi.

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta đừng hạ thấp đời sống con người vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hãy nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng trên trời, kho tàng ấy sẽ không bao giờ hư mất.

***

Lạy Chúa! Xin giúp con biết biết tích trữ những kho tàng trên trời, biết làm giàu trước mặt Chúa, hơn là làm giàu trên trần gian này bằng tiền của vật chất phù vân. Xin cho con luôn biết sử dụng của cải vật chất ở đời này để làm phương tiện đi về với Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Gv.1:2,2:21-23 – BĐ2: Col.3:1-5,9-11- PÂ: Lc.12:13-21)

TÂM SỰ VỚI CHÚA

zzNhắc đến cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, người ta không thể quên câu chuyện sau đây về một nông dân xứ Ars.  Mỗi ngày trước khi ra đồng anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng.  Khi trở về anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy.  Trong xứ ai ai cũng nể và kính phục.  Một hôm có người hỏi:

– Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế.

Anh nông dân trả lời:

– Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi.

******************************

“Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.  Câu trả lời trên của anh nông dân xứ Ars diễn tả được tận gốc rễ của việc cầu nguyện.  Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa.  Máy móc tự động có thể làm hơn con người, cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng, vì lúc cầu nguyện con người nối liền sự kết hợp với Thiên Chúa.

Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là cầu nguyện, không cầu nguyện, dù có làm phép lạ ta cũng đừng tin.  Các tông đồ đã thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.  Và Chúa Giêsu đáp: “Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời.  Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.  Triều đại Cha mau đến.  Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.  Và tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.  Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.  Thật vậy, nếu các con tha lỗi cho người ta thì Cha các con trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con.  Nhưng nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không tha lỗi cho các con”.

Trong vài phút suy niệm này chúng ta hãy chú ý tới tinh thần phải có khi cầu nguyện.  Trong đoạn Phúc âm vừa đọc lại trên đây, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ lời kinh lạy Cha như những lời dạy nói về tinh thần phải có khi cầu nguyện, đó là tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình và tinh thần đơn sơ khiêm tốn, nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. “Khi anh cầu nguyện, thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều”.  Vì suốt ngày rao giảng Tin Mừng nên mỗi khi đêm về, quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Phanxicô có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gật trên bàn thờ, lúc ấy ngài cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ như sau: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn gần Chúa”.

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa là Cha chứ không phải là làm bài.  Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim chứ không phải là giờ của lý luận.  Ðừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.  Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình.  Thánh Phaolô tông đồ giải bày như sau: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu vang không thể diễn tả được”.

Nhờ bí tích rửa tội mà ta đã lãnh nhận, mỗi người Kitô sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần.  Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần để phát triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  Nếu ta không phải là người cầu nguyện thì không ai tin ta làm việc vì Chúa.  Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai như thế nào thì hãy xem người đó có cầu nguyện hay không và cầu nguyện ra sao.

******************************

Lạy Chúa, xin hãy thương ban cho chúng con được tràn đầy Chúa Thánh Thần để canh tân chính mình và anh chị em trong môi trường chúng con sống.  Xin Chúa sống trong con cho con gắn bó với Chúa để con ở luôn trong Chúa.  Xin đốt nóng tim con trong Thánh Thần siêu vời để con hằng yêu mến Chúa mãi mãi.

R. Veritas

 

KINH LẠY CHA – LỜI CẦU NGUYỆN THỜI NAY

zzLạy Cha của chúng con

Là Đấng đang sống giữa triệu triệu người đói khổ trên thế giới này

Là Đấng đang hiện diện trong tim của những người đang kiếm tìm sự công chính

Vì họ yêu mến tha nhân và muốn phục vụ Cha trong những người đau khổ, phục vụ bằng cách đấu tranh cho những người thiếu ăn, thiếu mặc, không nơi chốn nương thân.

Xin làm danh Cha vinh hiển

Trong những người đang cố gắng bảo vệ sự sống cho những người bất hạnh

Trong khó nghèo và khiêm hạ, họ vẫn tin tưởng vào Cha,

và vì đức tin này, họ tiếp tục chiến đấu cho nhân phẩm của những người cùng khốn.

Xin nước Cha trị đến giữa chúng con

Nước của tự do và tình yêu, của đoàn kết và công chính

Của quyền được sống, của sự thật không giả trá.

Thánh ý Cha được thực hiện

Khi Ý Cha phá vỡ mọi rào cản, mọi gánh nặng đang đàn áp những con người yếu đuối, thế cô

Khi Ý Cha là công bố Tin Mừng cho người nghèo

Nâng đỡ người đau yếu, tự do cho người bị giam cầm,

Sức mạnh cho người bị tra tấn, ban tự do và sự sống cho những người bị bạo lực đàn áp

Xin cho chúng con bánh hàng ngày

Bánh của sự bình đẳng, Bánh của niềm vui đích thực

Bánh của Lời Hằng Sống

Bánh của nhà ở cho những người thiếu an ninh và tiện nghi vì không có một nơi để gối đầu

Bánh của những bình sữa cho các trẻ em bị đói khát vì thiếu đồ ăn thức uống

Bánh của y tế cho những người đau yếu bệnh tật

Bánh của đất đai cho những người sống dưới sự áp bức

Bánh của đồng lương đủ sống cho những người lao động cực nhọc lâu dài vì nhận đồng lương chết đói

Xin Cha tha tội chúng con

Vì chúng con đã và đang không biết chia sẻ bánh Cha ban cho chúng con

Vì chúng con tách mình ra khỏi những người bị bỏ rơi

Vì chúng con không biết hiện diện và chia sẻ, vì giữ khoảng cách với người anh em

Vì chúng con thiếu lòng thương xót

Vì chúng con thiếu lòng tin yêu

Và đừng để chúng con sa chước cám dỗ

Cơn cám dỗ đầu hàng do mất hy vọng, do lười biếng không làm gì

Cơn cám dỗ để cho người khác làm

Cơn cám dỗ để mất ý hướng, vì chỉ để thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình

Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ

Sự dữ đè nặng con tim chúng con

Sự dữ giả hình, giả dối, bạo lực và lòng thù hận

Vì vinh quang và uy quyền là của Cha

Đã đến trong cuộc đời này và đã kinh qua những đau khổ của nhân gian

Lạy Chúa, là Cha và Mẹ của tất cả chúng con. Amen!

Sưu tầm

LỜI KINH TUYỆT VỜI

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu dạy ta cầu nguyện bằng lời Kinh Lạy Cha. Người muốn ta gọi Thiên Chúa là Cha, sống tâm tình của người con thảo và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.  Người muốn ta cầu nguyện cho vinh danh Thiên Chúa và cho những nhu cầu cơ bản trong đời sống của ta.

Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy cùng nhau dành ra đôi ba phút mỗi ngày để cầu nguyện theo lời kinh mà Đức Giêsu đã khuyên dạy:

zzNguyện cho danh Cha cả sáng, lời nguyện đầu tiên xin cho Thiên Chúa được mọi người nhận biết, tôn thờ Thiên Chúa là Cha, và mọi người là anh chị em với nhau.

Nguyện cho Nước Cha trị đến, lời nguyện thứ hai xin cho Nước Cha, “nước công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Nơi nào có công chính, có bình an, có hoan lạc trong Thánh Thần, nơi đó là Nước Thiên Chúa.  Công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần càng lan rộng thì con người lại càng được hạnh phúc.

Nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, lời nguyện thứ ba xin cho ý Thiên Chúa được thực hiện. Thiên Chúa muốn mọi người được bình an, hạnh phúc và nhất là được cứu độ, được hưởng cuộc sống hạnh phúc đời đời.  Ý muốn của chúng ta thường hay hẹp hòi, ích kỷ, vì chúng ta nghĩ đến mình quá nhiều.  Nhưng Thiên Chúa thì khác. Hơn nữa, Thiên Chúa biết chúng ta cần thiết những gì.

Xin cho chúng con hôm nay có cơm ăn áo mặc mỗi ngày là lời nguyện thứ tư. Giàu có  tiền bạc nhiều quá hoặc nghèo khó quá là hai thái cực. Cha ông chúng ta đã chẳng từng nói “no nê sinh dâm dật, túng bấn sinh đạo tặc” đó sao? Ðức Giêsu muốn tránh cho ta những nguy hiểm tiềm ẩn. Người muốn ta thanh thoát, đừng quá lo toan vật chất mà hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước nhất.

Xin tha nợ chúng con là lời nguyện thứ năm. Con người ở đời không ai hoàn hảo cả, không lỗi này thì lỗi khác, không tội lớn thì tội nhỏ. Như thế, con người mang gánh nặng, mang nợ, mang lỗi lầm … Con người cần Thiên Chúa tha thứ. Nhưng điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ là con người cũng phải biết tha thứ cho anh chị em mình “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con“.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ là lời nguyện thứ sáu. Cám dỗ là một thực tế trong đời người. Bao lâu con người còn sống, bấy lâu còn bị cám dỗ. Cám dỗ đến từ bên ngoài, do người khác, do hoàn cảnh… cám dỗ đến từ bên trong, do chính nội tâm, thâm sâu trong mỗi người.

Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ là lời nguyện thứ bảy. Sự dữ là những gì không tốt đẹp xảy đến trong đời sống của con người, thí dụ như bị tai nạn, bị thiệt hại, bị hãm hại… Cũng có sự dữ xảy đến trong đời sống thiêng liêng, đó là sự dữ ghê gớm nhất vì nó làm ta xa Chúa, làm ta mất sự sống đời đời… Xin Chúa gìn giữ ta luôn bình an hồn xác .

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu dạy ta mỗi khi cầu nguyện. Ước gì ta siêng năng đọc lời kinh này, và mỗi khi đọc, ta luôn đọc trong tâm tình của người con thảo, đọc một cách chậm rãi để lời kinh đi vào tim óc của ta, nhờ đó ta được đến gần với Chúa mỗi ngày mỗi hơn.

***

Lạy Cha! Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha đã ban cho con, những ơn con nhìn thấy được, và những ơn con không nhận ra.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con. Con thường nghi ngờ tình yêu thương nâng đỡ của Cha và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban cho con bởi lẽ điều đó có hại cho con, hoặc vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu thương của Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

An Phong, OP
(BĐ1: Genesis 18:20-32 –  BĐ2: Col 2:12-14 – PÂ: Luca 11:1-13)

BA HẠNG VÉ

Xây dựng sự hiệp nhất là một công trình của mọi người chứ không dành riêng cho một ai.  Xây dựng sự hiệp nhất được ví như là xây dựng một tòa nhà mà trong trong đó, mỗi thành viên được ví như là một viên gạnh.  Giá trị của mỗi viên gạch được biểu hiện trọn vẹn khi nó chấp nhận đứng chung với những viên gạch khác trong một bức tường, nhưng nếu chúng tự tách mình ra, mỗi viên gạch sẽ trở nên vô dụng, lẻ loi và không được dùng vào đúng chức năng của nó.

Vào thời gian mà người Phương Tây còn sử dụng xe ngựa như là phương tiện chính để đi lại.  Trên mỗi chuyến xe, hành khách thường được phân chia vị trí bằng ba loại vé như sau.  Loại thứ nhất dành cho những người quí tộc giàu có.  Những người thuộc vào vé hạng nhất, họ chỉ việc ngồi trên xe từ lúc khởi hành cho đến nơi mình đến.  Dù khi xe có bị mắc lầy, xe lên dốc, hay bị xe bị hư thì nhóm người này vẫn cứ ngồi yên trên xe mà không phải lo lắng gì.

Loại vé hạng hai giá rẻ hơn, nhưng những ai sở hữu vé này cũng có những vị trí ưu tiên.  Tuy nhiên khi gặp trường hợp như xe bị mắc lầy, hoặc hư hỏng  thì họ phải ra khỏi xe, nhưng họ không phải làm gì cả.  Họ chỉ đứng khoanh tay chờ cho ai đó giải quyết sự cố rồi họ tiếp tục lên xe để đi.

Loại vé cuối cùng là hạng vé mà những ai mua nó thì họ cũng được ngồi trên xe, nhưng khi có sự cố xảy ra, họ phải là người xuống xe trước hết.  Khi xe mắc sình lầy, hoặc lên dốc, hoặc bị hư thì họ phải đẩy xe ra khỏi vũng lầy.  Nói tóm lại, họ là những người có trách nhiệm trực tiếp giải quyết những sự cố xảy ra trên đường đi.[1]

************************************

Quí bạn thân mến, câu chuyện trên đây phần nào nói lên hiện tượng có thật đang diễn ra trong tập thể, hay cộng đoàn của chúng ta đang sinh hoạt.  Mỗi cộng đoàn, tập thể cũng được ví như là những con người cùng đi trên một chiếc xe chung với nhau.  Tất cả chúng ta cùng hướng đến một mục đích, và cùng phục vụ một lý tưởng.  Tuy nhiên, những sinh hoạt trong cộng đoàn, hay những công tác trong cộng đoàn thì thường chỉ được giải quyết bởi một số người tình nguyện.  Những con người nhiệt tình này không phải vị họ được hưởng quyền lợi đặc biệt nào hơn trong cộng đoàn, nhưng chính vì lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm của mình trong cộng đoàn nên họ dấn thân chỉ với hy vọng là giúp cho cộng đoàn được thoát ra khỏi tình trạng “vũng lầy” và để cùng tập thể tiến về đích.

Đáng buồn thay, số người sử dụng “vé hạng ba” quá ít trong một cộng đoàn.  Nhưng rất nhiều người tự cho mình sở hữu “vé hạng nhất hay hạng nhì.”  Họ là những người chỉ thích ngồi yên vị trong cộng đoàn; họ cũng là những người thường khoanh tay và đứng xem người khác làm, còn chính họ thì ngại dấn thân.  Nói cách khác, họ cho rằng trách nhiệm xây dựng tập thể không phải là của họ, nhưng chỉ là thuộc về những người khác.

Câu chuyện hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cần ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong cộng đoàn để chúng ta dấn thân hơn trong việc xây dựng sự hiệp nhất bằng chính hành động của mình.  Và câu chuyện này cũng mời gọi chúng ta coi lại vị trí và loại vé nào mà chúng ta đang tự sở hữu trong cộng đoàn.

Cầu mong bạn trở nên những mẫu gương cho việc xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn của mình.

Br. Huynhquảng
[1] William J. Bausch, A World of Stories (Blackrock: The Columba Press, 1998), 338.

 

LÁ THƯ TÌNH YÊU

zzCác con thương yêu của Ta !

Khi các con gặp thất vọng hay biến cố trong cuộc đời của mình
Khi người khác vô tâm, vô tình với các con
Khi người mình tín nhiệm lại là kẻ không chân thành
Khi người mình cậy dựa lại là kẻ bất trung
Khi các con giận dữ , không muốn tha thứ cho những ai làm mình buồn lòng
Các con hãy hiền lành và dịu dàng, đừng nổi giận với chính mình hay với người khác, các con đừng kết án hay đoán xét họ, hãy trao hết cho Trái Tim Ta và dùng đôi mắt của Ta để thông cảm họ.

Các con yêu dấu của Ta !
Khi tâm hồn các con đau khổ
Khi các con đau đớn về thể xác
Khi các con bị ruồng rẫy, dằn vặt, thất bại trên đường đời hay trong gia đình
Các con đừng sợ hãi, hãy chạy đến bên Ta đặt thánh giá của mình bên cạnh Thánh Giá của Ta, Ta sẽ đưa vai nâng đỡ cho các con thêm sức kiên nhẫn và can đảm, Ta sẽ xoa dịu tâm hồn các con, các con sẽ không còn thấy cay đắng khi có Ta đi chung đường.

Các con thân yêu của Ta !
Khi các con sa ngã, gắt gỏng, ích kỷ, cao ngạo
Khi các con cứ mãi lay hoay bận tâm, lo lắng toan tính không ngừng
Khi các con buông thả tâm hồn, thể xác vào của cải, nghiện ngập, ham muốn của mình
Các con hãy đến với Ta và thì thầm với Ta vài phút, Ta sẽ thay trái tim thương yêu và tràn đầy bình an của Ta cho các con, các con hãy mở rộng trái tim Ta đã ban, hãy tìm đến an ủi những ai bị bỏ rơi, bịnh tật.  Họ đang đón chờ trái tim và nụ cười của các con.

Các con của Ta ơi !
Khi các con rơi lệ vì bịnh nan y hay vì thân xác bất toàn
Khi các con muốn phá thai hay tìm đến cái chết vì đau khổ và tuyệt vọng
Khi các con thù ghét tất cả và muốn phá hủy mọi vật
Các con hãy đến với Ta, Ta đang náu thân trong nhà tạm, Ta sẽ dùng Máu – Thịt Cực Thánh của Ta, tẩy rửa và làm của nuôi nâng sức cho các con.  Các con sẽ tràn ngập hân hoan và bình an trong kho tàng ân sủng vô tận là Lòng Thương Yêu của Ta và Sự Sống Muôn Đời mà Ta đã dùng thân xác Ta trao tặng cho các con.
Từng phút , từng giây Ta đã và đang luôn chờ đón các con yêu quý của Ta, để Ta an ủi, nâng đỡ, lo liệu cho các con. Hãy đến với Ta !

Lạy Chúa ! Chúng con xin cảm tạ Tình Yêu bao la của Chúa đã dành cho chúng con, xin Chúa cho chúng con biết luôn lắng nghe lời Chúa và xin dắt dìu chúng con thực hành lời của Ngài luôn mãi trong mọi nơi, mọi lúc và trong suốt cuộc đời này của chúng con. Amen!

MT

PHỤC VỤ TRONG TRẬT TỰ

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc Chúa đến thăm gia đình ba chị em Mác-ta, Maria và Lazarô . Tin Mừng cũng thuật lại việc phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng việc phục vụ vẫn phải nằm trong một trật tự :

Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình. Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn.  Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Về việc phục vụ, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng.

Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe. Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa qua Tin mừng, qua cầu nguyện và qua tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).

Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi. Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn hút con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh.

zzHôm nay Chúa nhắc nhở Martha: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện.

Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực của ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.

Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

Coi chừng nỗi lo lắng về những chuyện phụ lại làm ta quên mất chuyện chính, chuyện cần thiết hơn cả, đó là đi vào trong thinh lặng để gặp gỡ và lắng nghe Chúa mỗi ngày trong tư thế khiêm hạ của người môn đệ.

TGM. Ngô Quang Kiệt

***

Lạy Chúa!

Khi bị bao vây bởi muôn vàn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được nghỉ ngơi trước nhan thánh Chúa.

Khi bị giao động bởi những bận tâm và lo lắng, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh diệu kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa! Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào đời sống của con. Để nhờ cầu nguyện, con sẽ gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen

(BĐ1: Genesis 18:1-10 – BĐ2: Col 1:24-28 – PÂ: Luca 10:38-42)

THA NỢ

Một hôm các môn đệ đến phân bì với Chúa là Yoan dậy môn đệ của ông ta cầu nguyện, còn Thày, xin Thày cũng dạy chúng con cầu nguyện đi.  Từ ngày đó kinh Lạy Cha đã ra đời.  Ðó là kinh mà chính Chúa đã dạy các môn đệ (Lc. 11:1-3).  Chẳng biết lúc đó các môn đệ có hiểu lời kinh ấy không mà chẳng thấy các môn đệ thắc mắc gì cả.  Rồi từ đó dọc theo lịch sử hai nghìn năm, người ta cứ đọc kinh ấy mãi cho đến hôm nay.  Vì tính cách quan trọng nên kinh ấy được đưa vào thánh lễ.  Mỗi lần dâng lễ, tôi lại trịnh trọng giang tay nói với toàn thể cộng đồng: “Theo lời Người dạy chúng ta hãy nguyện rằng.”  Rồi cả nhà thờ vang lên lời kinh đó.  Trong lời kinh có một câu thế này: “Xin Cha tha nợ cho chúng con cũng như chúng con tha kẻ có nợ chúng con” (Mt. 6: 12).

zzThế là chết tôi rồi!  Tôi ký với Chúa một giao kèo hay sao.  Tại sao tôi không xin Chúa tha cho tôi theo lòng thương xót của Chúa chứ đừng giống như sự hẹp hòi của tôi.  Rõ ràng tôi bảo Chúa cứ tha cho tôi giống như là tôi tha cho người khác.  Chúa cứ việc nhìn vào tôi như mẫu mực mà thi hành.

******************************

Ðâu là mẫu mực của tôi?  Thánh Matthêu kể:

Nước Trời giống như một vua kia tính sổ với bầy tôi.  Nhà vua vừa khởi sự tính sổ thì người ta điệu đến một người nợ một ngàn nén vàng.  Y không có gì để trả nợ nên nhà vua ra chỉ thị bán y và vợ con sản nghiệp thay thảy để trả nợ.  Vậy người bầy tôi phục xuống bái lạy mà rằng: “Xin Ngài nán lại cho tôi với, thần sẽ trả hết.”  Nhưng tôn chủ của bầy tôi ấy chạnh lòng thương, đã thả y về và tha bổng cả món nợ.  Ði ra, người bầy tôi ấy gặp một người bạn đồng nghiệp mắc nợ y một trăm đồng bạc.  Y liền bóp cổ chận họng mà rằng: “Nợ đâu, trả đây.”  Người bạn đồng nghiệp phục xuống nài van y rằng: “Xin ông nán lại cho tôi với, tôi sẽ trả!”  Nhưng y không chịu, lại đi bỏ tù, cho đến khi nào nó trả nợ xong.  Vậy các bạn đồng nghiệp thấy sự xảy ra thì rất đỗi buồn phiền mà đi phân trần đầu đuôi mọi sự xảy ra với tôn chủ họ.  Bấy giờ, tôn chủ cho điệu y đến bảo rằng: “Tôi tớ bất lương, ta đã tha bổng cho người tất cả món nợ ấy, chỉ vì ngươi đã nài xin ta!  Há ngươi không phải thương xót bạn đồng nghiệp ngươi sao, như chính ta đã thương xót ngươi?”  Thịnh nộ, tôn chủ của y đã trao y cho lý hình cho đến khi nào y trả xong tất cả những gì mắc nợ với ông.  Cha Ta, Ðấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi như thế, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em mình” (Mt. 18: 23-35).

Nếu mẫu mực của tôi như thế thì chết tôi rồi.  Tôi chỉ xin Chúa tha cho tôi giống như tôi tha cho người khác.

******************************

Sau kinh Lạy Cha.  Phúc Âm Matthêu kết luận như sau: “Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ điều các ngươi sai lỗi” (Mt. 6: 14-15).

Như vậy là rõ lắm, Chúa tha thứ cho tôi theo mức độ tôi tha thứ cho người khác.  Như thế lời kinh Lạy Cha có thể là lời tôi kết án cho tôi.  Tôi xin với Chúa rằng chỉ tha cho tôi giống như tôi tha cho người ta thôi.  Hằng ngày tôi đọc kinh ấy, đã mấy mươi năm trong đời rồi.  Ðã bao nhiêu ngàn lần tôi khắc sâu vào tâm trí Chúa để Chúa nhớ là:  Xin tha nợ cho tôi giống như tôi tha nợ kẻ khác, đừng tha nhiều hơn!  Nếu tôi không tha cho người khác được là tôi xin Chúa cũng đừng tha cho tôi.  Ôi! lời kinh nguy hiểm biết bao nhiêu!

******************************

Ở đây, giữa tôi và Chúa có phải là ký với nhau một giao kèo không?  Nếu là giao kèo thì hợp lý trong lối lý luận, nhưng thiếu tự do trong thái độ tha thứ.  Bấy giờ, tha thứ trở nên như một mặc cả đôi bên. Có khi tôi không muốn tha cho người ta, nhưng để Chúa tha cho mình thì thôi cũng đành cố tha cho người khác vậy.  Còn phía của Chúa thì lấy sự tha thứ cho tôi như một áp lực để tôi phải tha cho người khác.  Tôi thấy có điều không ổn theo lối đặt điều kiện như thế này.  Tha thứ đến từ những điều kiện là trả nợ theo luật pháp chứ không phải là rung động bằng con tim.  Tha thứ áp lực là tiếc nuối của một đổi chác.  Chúa không thể hành xử như thế.  Vậy tôi phải hiểu tha thứ như thế nào?

******************************

Trong thân thể Ðức Kitô mà tôi là chi thể thì dòng máu luân hoán chỉ có một màu đỏ, nghĩa là tôi đến với Chúa rồi qua tha nhân, hay qua tha nhân rồi đến với Chúa, ngả nào cũng là một thái độ.  Tôi không thể có hai thái độ, đến với Chúa là dòng máu đỏ, ngả qua tha nhân là dòng máu đen.  Bánh xe luân chuyển tương quan giữa ba chủ thể; Tôi – Tha nhân – Chúa là thông cảm của một thứ tình.  Bởi đó khi một bánh xe bị gẫy sẽ làm con đường nối kết ba chủ thể ấy gián đoạn.  Tôi và tha nhân bị cách đoạn thì tôi và Chúa cũng không thể nối kết.  Không nối kết với tha nhân thì nối kết với Chúa là ảo tưởng, lúc đó Chúa chỉ là ngẫu tượng: “Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ trước bàn thờ, rồi đi làm hoà với anh em ngươi đã, rồi hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi” (Mt. 5: 23-24).

******************************

Tha thứ không phải là tri thức để hiểu mà là cảm nghiệm rung động.  Khi tôi không tha thứ được cho người là lúc con tim tôi đã khô cứng.  Nếu sự khô cứng làm tôi không rung cảm trước xót thương của người khác thì cũng chính sự khô cứng ấy làm tôi không cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa cho tôi.  Sự tha thứ của Chúa luôn luôn vô điều kiện, nhưng điều kiện cảm nghiệm được sự tha thứ ấy lại hệ tại khả năng mềm mại nơi trái tim tôi để tôi có thể rung động mà tha thứ cho người.  Chỉ khi trái tim mềm mại tha thứ thì khả năng mềm mại của nó mới có thể lãnh nhận được thứ tha của Chúa.

Có cảm nghiệm được Chúa tha thứ thì mới có thể thứ tha cho người.  Bởi đó, khi tôi không tha thứ là vì có thể tôi chưa cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa.  Như thế, khi tôi khó tha thứ cho người đấy là dấu chỉ cho tôi biết tôi chưa thực sự xin Chúa thứ tha cho tôi.

LM Nguyễn Tầm Thường S.J, trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

ÔNG HOÀNG HẠNH PHÚC

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc.  Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng.  Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó.  Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng.  Ông đang khóc.  Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông.  Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:

– Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!

– Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được.  Bạn có thể giúp ta không?

– Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.

– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

– Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được.  Bây giờ ông muốn tôi làm gì?

– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo.  Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác.  Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa.  Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo.  Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa.  Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.

Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi.  Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc.  Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

******************************

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy.  Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người.  Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường.  Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc.  Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống.  Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ.  Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.

Thực vậy, ở trong cuộc đời này vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn.  Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y.  Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng.  Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân.  Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại.  Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời.  Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi.  Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của tha nhân.  Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi đã bỏ lại đằng sau tiếng kêu cứu của đồng lại diễn tả một thế giới mà con người luôn hối hả bận rộn với giòng chảy cuộc đời.  Họ bị giòng đời cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc sống đích thực là cuộc sống còn có khả năng chia sẻ với tha nhân.  Một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời biết dùng thời giờ để sống với tha nhân trong yêu thương và phục vụ.  Và một cuộc đời đã mất khi không còn khả năng để giúp đỡ anh em. Ông Hoàng hạnh phúc đã không còn hạnh phúc khi ông nhận ra mình không còn khả năng để giúp đỡ đồng loại.  Ông cảm thấy bất hạnh khi mình không còn khả năng để xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Ngược lại, người Samaria nhân hậu, ông đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ.  Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh.  Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại.  Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương.  Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em.  Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích.  Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau.  Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.

Ước gì trong năm thánh với chủ đề Giáo hội mầu nhiệp, hiệp thông và sứ vụ sẽ là lời nhắc nhở chúng ta về Giáo hội của Chúa, do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi Kitô hữu cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời Kitô hữu bằng sự dấn thân để phục vụ tha nhân trong yêu thương chân thành.  Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.   Amen!

Lm. Jos Tạ duy Tuyền