CHÚNG CHÁU BẢO VỆ CHÚA GIÊSU

Vào thập niên 20 việc bắt bớ các linh mục và tu sĩ nam nữ trở thành quốc sách.  Tại mọi thành phố lớn, cha xứ các họ đạo nối đuôi nhau vào trại tập trung bên sa mạc Sibêria.

Đây cũng là trường hợp của một cha sở họ đạo ngoại ô thành phố Lêningrat.  Cha biết thế nào cũng có ngày công an tới gõ cửa nhà xứ và mời cha đi theo họ.  Nhưng cha vẫn tiếp tục công tác mục vụ hàng ngày, kể cả việc chuẩn bị cho các trẻ em rước lễ lần đầu.  Trong số các em tham dự rước lễ lần đầu hồi năm 1925 có mười hai  em sống trong khu phố gần viện mồ côi của họ đạo.  Và truyện gì phải đến đã đến.

zzTrước khi bị điệu đi biệt tích cha sở đã có đủ thời giờ trao chìa khóa Nhà Tạm còn có Mình Thánh Chúa, trong viện mồ côi, cho gia đình của ông giám đốc.  Kể từ đó không còn Thánh Lễ và các buổi cử hành phụng vụ nữa.  Nhưng nhiều tín hữu, trong đó có mười hai em nói trên đây đã được rước lễ lần đầu năm ấy, vẫn thường ghé nhà nguyện viếng thăm Chúa Giêsu Thánh Thể.

Vào một buổi chiều nọ, một em đã tình cờ nghe được lời bàn tán to nhỏ của mấy anh công an ngồi uống rượu trong một quán ăn của khu phố.  Một người trong họ cất giọng say lè nhè kết luận: “Như thế… như thế… là… chúng ta nhất trí.  Các đồng chí nhớ… tối… tối hôm nay mình… mình sẽ phá cửa nhà nguyện.  Chúng ta cũng đang cần một chỗ để tổ chức khiêu vũ mà.  Ngôi… ngôi nhà nguyện trong viện mồi côi vừa gọn đẹp lại vừa ấm cúng, lại gần đường lui tới rất là thuận lợi.  Thật là lý tưởng…”

Chú bé vừa nghe tới đó đã vội vàng ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà, rảo khắp xóm gọi các bạn thuộc lớp rước lễ lần đầu, vừa thở hổn hển vừa nói: “Tụi bay biết không tối nay công an sẽ tới phá cửa nhà nguyện để chiếm làm chỗ khiêu vũ.  Chúng mình phải bảo vệ Chúa chứ!”

Thế là các em cùng bàn tính kế hoạch.  Em thì đề nghị phải làm thế này, em nói phải làm thế khác.  Đám trẻ bàn tính thật sôi nổi.  Nhưng nói thì hăng thế chứ không em nào biết phải làm sao để vào trong nhà nguyện được vì cửa nhà nguyện khóa kỹ.  Sau cùng chúng quyết định cứ tới nhà nguyện rồi hãy tính.  Các em không cho cha mẹ chúng biết gì.  Tới nơi chúng quyết định vào nhà nguyện theo lối cửa sổ.  Thế là em lớn con và khỏe nhất chịu đứng dưới làm thang cho mấy em khác leo lên.  Em bạo nhất dùng đá đạp bể kính cửa sổ và thế là chúng trèo vào phòng mặc áo và đến quì chung quanh Nhà Tạm để cầu nguyện và canh giữ Chúa Giêsu.

Bên ngoài trời đã nhá nhem tối, các đường phố vắng tanh.  Đám trẻ bỗng nghe tiếng chân bước nặng nề của mấy anh công an say rượu, vừa đi vừa văng tục và cười hô hối, tiếng súng lách tách theo nhịp bước.  Tới trước cửa nhà nguyện họ dùng báng súng phá cửa rồi nhào vào trong la hét om sòm: “Đuốc đâu?  Lửa đâu?  Bật lửa lên!”

Dưới ánh sáng lù mù, mấy anh công an cứ tưởng mình đang mơ, họ dụi mắt há miệng nhìn bọn trẻ đứng cầm tay nhau thành một vòng bán nguyệt trước bàn thờ và Nhà Tạm, như một vòng đai kiên cố cản ngăn tất cả những ai dám tiến lên xâm phạm Chúa Giêsu Thánh Thể.  Qua giây phút ngạc nhiên mấy anh công an quắc mắt đỏ ngầu rượu và hận thù, giận dữ quát hỏi:

– Lũ ranh con, chúng mày làm gì ở đây?

Đám trẻ đồng thanh đáp với giọng cương quyết:

– Chúng cháu bảo vệ Chúa Giêsu!

Mặc cho công an la hét đe dọa và bắt phải đi ra, đám trẻ nhất quyết đứng yên tại chỗ.  Cái gan lì điềm tĩnh của các em khiến cho mấy người say rượu giận sôi lên.  Họ liền chĩa súng về phía bàn thờ và nhả đạn.  Mười hai tấm thân bé bỏng ngã gục trước bàn thờ, em bị trọng thương, em chết ngay tại chỗ, máu chảy lênh láng trước bàn thờ, vì tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khi cha mẹ của các em biết tin, hớt hải chạy tới thì đã quá trễ.  Các em bị thương đang hấp hối thì thào với cha mẹ: “Chúng con bảo vệ Chúa Giêsu, giờ đây tới phiên ba má!…”

“Giờ đây tới phiên bá má!”  Lời ấy cũng nhắn gửi tới tất cả chúng ta: “Giờ đây tới phiên các bạn!”

Chúng ta có được đức tin vững mạnh và tình yêu thiết tha đối với Chúa Giêsu Thánh Thể như mười hai em nhỏ trên đây không?  Liệu chúng ta có đủ can trường, dũng cảm để bảo vệ đức tin và lòng mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể trước những thử thách của cuộc đời như các em ấy không?  Biết bao tâm hồn anh dũng, người lớn cũng như trẻ thơ, đã liều mạng để bảo vệ đức tin, bảo vệ Chúa.  Còn bạn thì sao?

Trích www.xuanha.net

*****************************************

Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…

Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.

Lời nguyện Rabbouni

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh lễ này nhắc nhở cho ta:  Chúa Kitô đã và đang trao ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực để ban sự sống cho ta, để  tiếp nhận ta vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều. Phép lạ này không phải từ “không ra có”, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Tương tự như vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất và lao công khó nhọc của con người. Thiên Chúa không muốn làm một mình, nhưng Ngài muốn con người cộng tác với Ngài. Được cộng tác với Ngài chính là hồng ân, là vai trò tuy nhỏ bé nhưng hết sức cao quý được dành riêng cho ta trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cho chúng ta một chứng từ cổ xưa về bí tích Thánh Thể mà ngài gọi là bữa ăn của Chúa. Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Ðức Giêsu trong bữa ăn vào đêm Người bị nộp. Tấm bánh thành Mình Thầy: hãy cầm lấy mà ăn. Chén rượu thành Máu Thầy: hãy cầm lấy mà uống.

zzĐã bao nhiêu thế kỷ qua đi, có biết bao thánh lễ đã được cử hành trên mặt đất. Thánh lễ nào cũng là một bữa ăn do Chúa thết đãi, và cũng là một nghi thức tưởng nhớ cái chết của Chúa. Không thể tách rời thánh lễ với cái chết của Ðức Giêsu. Mình Thầy sẽ bị nộp, Máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em. Rước lễ là rước lấy Ðấng đã chết vì loài người, Mỗi lần dự lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết va đã sống lại. Rước lễ chẳng phải là rước một thi hài người chết, mà là đón lấy Ðấng đang sống và đang ban phát sự sống.

Dự thánh lễ là tham dự một bữa ăn, là tham dự vào hy tế năm xưa trên Núi Sọ. Chính vì thế ta không nên dự lễ với hai bàn tay trắng. Cần đem theo tấm bánh của mình trong những ngày qua. Chúa Giêsu cần tấm bánh của tôi, để Người biến đổi. Thánh Thần cần tấm bánh của tôi, để Người thánh hoá. Chúa Kitô không từ trời cao ngự xuống tấm bánh. Ðúng hơn, Người nâng tấm bánh lên tới Người, và biến tấm bánh thành lương thực thần linh nuôi tôi. Như thế, tấm bánh mong manh nhỏ bé lại là nơi hội tụ của cả Thiên, Ðịa, Nhân. Vũ trụ, con người và Thiên Chúa gặp nhau, hoà quyện vào nhau. Bí tích Thánh Thể góp phần biến đổi cả vũ trụ loài người. Những gì là tự nhiên, nay được thần hoá, được biến đổi tận căn mà vẫn không đánh mất chính mình.  Lễ vật tôi dâng lên Chúa, Chúa trao lại cho tôi. Bánh bởi trời cũng là bánh bởi đất…

Mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa là Mầu Nhiệm Tình Yêu. Chính vì thế mà Thánh Gio-an đã viết về đêm Người bị trao nộp: “Người đã yêu thương họ đến cùng”.yêu thương đến cùng nên Người cũng hiến thân đến cùng. “Này là Mình Thầy, Này là Máu Thầy, các con ăn đi, và hãy làm như thế để tưởng niệm Thầy”.

***

Lạy Chúa Giêsu! Có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ, nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,  nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong trắng của đôi bạn trẻ…

Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, ngọn đèn màu đỏ lung linh sáng, mời gọi tha nhân dừng bước, để trầm tư và gặp được Chúa. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Genesis 14:18-20 – BĐ2: 1Cor.11:23-26 – PÂ: Luca 9:11-17)

CUỘC HẸN BẤT NGỜ

 (Lc 7:36-50)

Ngôi nhà khang trang nằm cuối con đường lớn duới hai dàn thiên lý với bóng mát giăng đầy lối đi hôm nay bỗng tưng bừng náo nhiệt khác thường.  Gia nhân kẻ ra người vô tất bật chuẩn bị cho bữa tiệc thịnh soạn tiếp đón những bậc vị vọng trong vùng tối nay.  Chủ nhân Simon là một vị Biệt phái (Pharisee) nổi tiếng đạo đức khắt khe, giữ mình nghiêm nhặt những luật lệ tỉ mỉ.  Với kiến thức uyên thâm về Kinh Thánh cộng thêm sự hiểu biết về giáo huấn Moses, ông đã từng được mời giảng dạy nhiều lần ở đền thờ Giêrusalem trong những ngày lễ lớn.  Ngoài địa vị một người lãnh đạo tinh thần được mọi người kính nể, chủ nhân cũng là một người khá giả với tiền dư bạc để, với hàng chục tôi tớ phục dịch trong nhà.

Mặt trời chiếu chênh chếnh về hướng Tây, các người Biệt phái và kinh sư với những tua áo dài lụng thụng, mặt mày nghiêm trang đạo mạo bắt đầu lục đục kéo đến.  Theo phong tục Do Thái thời ấy, chủ nhân thường để vài chum nước trước cửa để đầy tớ hoặc chủ nhà rửa chân cho khách tùy theo lòng hiếu khách của gia chủ.  Trong một bữa tiệc trang trọng như đêm nay, được mời đến dự tiệc là một vinh dự lớn lao cho khách được mời nên Simon thiết nghĩ – chủ nhân không cần phải hạ mình làm công việc hèn kém đó.  Dân đen dễ mấy ai có được sự hân hạnh như thế?  Biết rõ điều này nên khách được mời chẳng ai dám trách móc hay kêu ca về thái độ đón tiếp của chủ nhân, trái lại họ còn ngẩng cao đầu hãnh diện trước những ánh mắt kính nể thèm muốn của đám gia nhân khi bước chân vào nhà.

Duy có một vị khách cao lớn vạm vỡ, dáng phong sương trong bộ quần áo cũ kỹ bám đầy bụi đường, khuôn mặt trầm ngâm lặng lẽ lách qua những khuôn mặt hớn hở đang đứng hàn huyên chờ rửa chân.  Một vài gia nhân tròn mắt ngạc nhiên khi nhận ra vị khách này.  Đó không ai khác hơn là vị ngôn sứ Giêsu mà họ thường thấy đám đông bu quanh mỗi khi Ngài xuất hiện.  Một con người đã làm ngả nghiêng đất trời Do Thái trong những tháng ngày gần đây bằng những giáo huấn đặc biệt và những phép lạ chưa từng thấy.  Một tôn sư (rabbi) đã từng gây náo động trong giới Biệt phái Kinh sư vì các hành vi thân thiện công khai với những kẻ tội lỗi, đàng điếm.  Vài gia nhân lăng xăng chạy đi lấy gàu múc nước và thau để rửa chân cho vị khách đặc biệt này.  Lạ thay, khách lắc đầu xua tay ra dấu không cần thiết rồi âm thầm bước vào bên trong.

Ngôi nhà giờ đã tràn đầy tiếng cười nói, tiếng người chào hỏi nhau, tiếng trò chuyện râm ran đó đây làm không khí thêm phần sôi nổi, hứa hẹn một buổi tiệc đầy hấp dẫn.  Sau khi khách đã an vị với tư thế nằm dài, đầu tựa vào gối bên những chiếc bàn, chủ nhân vẫn với khuôn mặt kênh kiệu cố hữu đi xung quanh nhà điều khiển gia nhân mang thức ăn lên cho khách.  Những chiếc bình rượu bắt đầu được rót ra mời khách, những chiếc ly được nâng lên hoà với lời chúc tụng chủ nhân vang lên rôm rả.

Bỗng có những tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng xô đẩy nhau từ phía cửa ngoài vang lên như tiếng người đang vật lộn chen lẫn những tiếng la hoảng hốt cắt ngang không khí vui vẻ buổi tiệc: “Ê… ê… đi đâu vậy?” … “bắt lấy nó,”… “tóm cổ nó”…

Cả phòng tiệc ngơ ngác hướng về phía cánh cửa không hiểu chuyện gì xảy ra.  Một vị khách đến trễ ư?  Sao mà đến một cách lộn xộn ồn ào đến thế!  Nhưng, cả chủ lẫn khách đều ồ lên một tiếng kinh ngạc khi thấy bóng dáng một phụ nữ xinh đẹp xuất hiện ngay ngưỡng cửa.  Nàng đứng đó, trong bộ quần áo đơn sơ mộc mạc của người thiếu nữ Xion, tay cầm bình bạch ngọc qúy, tay đưa lên vuốt lại mái tóc dài óng ả vừa mới bị xổ tung ra đang quyện bay trong gió chiều.  Hơi thở nàng dồn dập sợ hãi, cặp mắt to đen láy ẩn trên khuôn mặt kiều diễm xanh mét vẫn chưa hết vẻ hồi hộp, một vài vệt xước dài trên cánh tay trắng ngần do vết tích của cuộc xô xát vừa qua.  Một nam gia nhân tay cầm chiếc khăn voan choàng đầu vừa mới giật được từ dải tóc mây mượt mà đang lăm le tiến lên tính tóm cổ vị khách không mời mà tới này.  Chủ nhân bình tĩnh đưa tay ra dấu cho anh ta đứng lại.  Khách tuy không được mời nhưng đã lọt vào nhà trong thì để đích thân ông giải quyết.

Một vài tiếng kêu sửng sốt, mọi người bắt đầu ngồi lên khi nhận ra người phụ nữ này: một kỹ nữ nổi tiếng của thành phố.  Một con người tội lỗi trụy lạc bất cần đời: cô là kẻ thù của các bà có chồng, người tình công khai của những thanh niên sống buông thả, bạn tình trong bóng đêm của những tay đạo đức giả hình.  Không ai hiểu con người như vậy đến đây để làm gì giữa buổi tiệc chỉ toàn đàn ông đứng đắn đang bàn luận về những chuyện đạo đức.  Chủ nhân chậm rãi tiến đến trước mặt nàng, đứng khoanh tay giang chân áng lối vô, hất hàm gằn giọng từng tiếng một:

–     Cô tìm ai ở đây?

Vài khuôn mặt nghiêm trang đạo mạo bỗng giật mình đổi sắc khi nghe câu hỏi.  Cô gái không trả lời, ngướng cổ nhìn vào bên trong, đôi mắt dáo dác lo âu liếc một vòng quanh bàn tiệc như kiếm người thân quen, như đã hẹn hò với ai ở đây từ trước.  Khổ nỗi, người ấy không biết đến cuộc hẹn đêm nay!  Nàng sợ hãi không biết mình sẽ phải làm gì nếu không tìm được người mình hằng mong đợi mà nàng nghe nói sẽ đến đây, trong bữa tiệc cao sang trọng đại này.  Nàng nhủ thầm “Không biết những con cọp đói đạo đức kia sẽ làm gì mình nhỉ?  Chắc mình sẽ bị nhục mạ vì làm ô danh chốn thanh cao thánh thiện, có thể thêm một trận đòn nhừ tử cũng nên và bị tống cổ ra ngoài như một con chó con đi lộn chuồng.”  Nàng nuốt nưóc miếng một cách khó khăn.  Tình yêu đã ban cho nàng thêm sức mạnh phi thường, giúp nàng có thêm can đảm để tiếp tục tìm kiếm.

Ánh mắt nàng bỗng loé lên tia mừng vui khi bắt gặp vị khách đặc biệt đang nằm âm thầm cuối phòng.  Đây rồi, đây đúng là người mà nàng muốn tìm!  Nàng không trả lời chủ nhà, nhẹ nhàng lách mình lỏn qua khe hở chiếc áo đen lùng thùng của vị chủ nhân đáng kính, rồi luồn mình lách qua những chiếc ghế cái bàn, bước chân thoăn thoắt tiến về phía vị ngôn sứ.

Ngôn sứ Giêsu ngạc nhiên chống tay ngồi lên nhìn nàng, Ngài cũng không hiểu người phụ nữ xinh đẹp này muốn gì nơi mình.  Ngài ngơ ngác trước cuộc hẹn bất ngờ đêm nay.  Ánh mắt tuy có thoáng vẻ ngỡ ngàng nhưng ân cần săn đón không chút khinh khi miệt thị, Giêsu âu yếm nhìn nàng như ngầm hỏi: “Ta có thể giúp gì cho chị?”  Không lời trách móc hạch hỏi, cũng chẳng lời thăm hỏi khách sáo, bốn mắt lặng lẽ nhìn nhau như đã quen biết từ muôn kiếp trước.  Cả phòng tiệc im như tờ, mọi người nín thở chờ đợi, bao cặp mắt tò mò đổ dồn về phía cuối phòng.

Rồi như không chịu được trước cái nhìn rộng lượng bao dung của người đối diện, nàng bật lên tiếng nấc nghẹn ngào, gục xuống nức nở trên đôi chân lấm đầy bụi đường.  Đôi bờ vai mảnh mai rung lên từng hồi, hai dòng lệ nóng tuôn trào như suối đổ lên đôi bàn chân xa lạ.  Qua dòng lệ nhạt nhòa, quãng đời nhơ nhuốc như cuốn phim từ từ hiện lên trong tâm trí nàng.  Nàng thổn thức ăn năn.  Lần đầu tiên trong đời nàng qùy xuống khóc dưới chân một người đàn ông.  Lần đầu tiên trong đời nàng ý thức trọn vẹn cuộc đời tội lỗi sa đọa của mình.  Nàng không đủ can đảm để nhìn lên, cũng chẳng dám mở miệng xin tha thứ!  Hối hận trào dâng khi nàng, một kỹ nữ tiếng tăm, được chạm đến con người thánh thiện nhân từ này.  Giờ đây, nàng thật sự hối hận vì cuộc đời đã qua, nàng biết mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa khi sử dụng sắc đẹp trời ban để chống lại Ngài, làm ô uế phẩm giá chính mình và danh dự gia đình.  Nàng tự hỏi, có muộn màng không khi nàng muốn làm lại cuộc đời mới như lời rao giảng Tin Mừng của ngôn sứ Giêsu?  Có còn cánh cửa nào mở ra cho con người tội lỗi nhuốc nhơ như nàng nữa không?

Vị ngôn sứ ngồi lặng yên mặc cho những giọt lệ ăn năn đang chảy trên bàn chân mình mang theo những hạt bụi đường xa.  Ngài không rút chân về để bảo vệ phong tục của cha ông, không rút chân về để bảo vệ thân mình khỏi bị ô uế.  Ngài ngồi lặng thinh chịu đựng những cái nhìn toé lửa căm ghét của các vị kinh sư đạo đức.

ZZKhi dòng lệ ăn năn vơi dần, nàng kéo dải tóc mây như làn suối óng ánh, mái tóc ngày nào chỉ dùng để làm duyên, để bới tóc kiểu này mốt nọ giúp nàng thêm phần quyến rũ, khêu gợi thì nay lại được dùng như mảnh vải tơ xổ ra lau khô đôi chân trần, giúp nàng nói lên tấm lòng thương mến của mình với vị ngôn sứ mà nàng hằng kính yêu.  Nàng nâng niu lau nhẹ những giọt nước mắt còn đọng lại trên những vết trầy xước của đôi bàn chân chai sạm, rồi hai tay cung kính nhẹ đưa lên môi hôn.  Nước mắt lại tiếp tục lăn xuống trên khuôn mặt sám hối khi cặp môi tội lỗi được chạm vào thánh tích.  Nàng xúc động chiêm ngắm bàn chân vị ngôn sứ, đôi bàn chân khô cằn đầy những đường nứt ngắn dài toác miệng, những vết gai xước còn chưa khô màu máu như một minh họa cho đôi bàn chân lang thang quá nhiều.

Đặt bàn chân xuống, nàng lặng lẽ cầm lấy bình bạch ngọc qúy kính cẩn đổ lên chân Đức Giêsu, từng giọt dầu thơm hòa với dòng lệ nóng từ từ chảy xuống.  Nàng lấy tay nhè nhẹ xoa đều lên đôi chân Giêsu như một lời thì thầm xin tha thứ.  Rồi “xoảng….” một tiếng chát chúa vang lên, chiếc bình bạch ngọc quý giá vỡ tan nát.  Những gì đẹp đẽ, những gì quý giá giả tạo, những gì nàng đã một thời theo đuổi…. giờ không còn nữa, nàng như không muốn giữ lại vết tích của quãng đời đã qua.  Khi chiếc bình bị đập vỡ thì mùi dầu thơm trước đây chỉ thoang thoảng, giờ hương thơm nồng nực bay tỏa khắp phòng.

Những khuôn mặt hồi hộp căng thẳng trong phòng tiệc đang chờ đợi một màn kịch hấp dẫn xảy ra, giờ đây từ từ đổi qua thất vọng và khó chịu.  Sao một người tự xưng mình là Con Thiên Chúa lại để thân mình ra ô uế khi để một kỹ nữ chạm vào mình như thế kia nhỉ?  Bất mãn nhất có lẽ là chủ nhà.  Giá trị đạo đức của cha ông từ bao đời đã bị xúc phạm ngay trong ngôi nhà thánh thiện này.  Ông hậm hực nhủ thầm:

–     Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39)

Đức Giêsu như đọc thấu tư tưởng các ông, Ngài còn lạ gì hạng người giả hình này.  Nhẹ nhàng đưa mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt cau có đầy vẻ bực tức, Ngài nói:

–     Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông.

Ông thưa:

–     Dạ xin thầy cứ nói:

Đức Giêsu khoan thai hỏi:

–     Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai.  Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” (Lc 7:41-42)

Đưa ánh mắt ngờ vực nhìn vị khách đặc biệt trong bữa tiệc tối nay, Simon nhíu mày suy nghĩ: không biết có cái bẫy nào giăng sẵn đằng sau câu hỏi đơn sơ này không?  Dù muốn hay không, dù chưa nghĩ ra câu trả lời thích hợp, ông vẫn phải trả lời.  Mọi người đang hồi hộp theo dõi cuộc đối thoại thú vị, ông đành ấp úng nói sự thật:

–     Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.

Ngôn sứ Giêsu cười nhẹ, khẳng định:

–     Ông xét đúng lắm!

Cúi nhìn xuống người phụ nữ tội lỗi nãy giờ vẫn ngồi nép dưới chân mình như đứa con nhỏ sợ hãi nép vào người mẹ tìm chỗ tựa nương, Ngài đưa mắt nhìn nàng đầy yêu thương quý trọng.  Đẹp quá hình ảnh một con chiên lạc tìm về với đàn, một kẻ tội lỗi sa đọa đi tìm sự tha thứ, hình ảnh mà Ngài tha thiết chờ mong kiếm tìm!  Ngẩng lên, bắt gặp khuôn mặt hống hách, cái nhìn hằn học chứa đầy sự ghen ghét của vị gia chủ đạo đức, Đức Giêsu khoan thai từng chữ:

–     Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.  Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.  Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.  Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.  Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lc 7:44-47).

Người kỹ nữ tròn xoe mắt ngước nhìn lên, tâm thần bị rúng động mạnh.  Sao vị ngôn sứ này hiểu rõ tâm can nàng?  Sao Ngài lại dám thẳng thắn phơi bày những điều thầm kín sâu sa tận đáy lòng nàng ở đây?  Lòng yêu mến của một con điếm thì có giá trị gì mà Ngài đề cao?  Lấm lét nhìn qua những khuôn mặt đạo đức xung quanh, nàng hồi hộp chờ đợi một sự bùng nổ chống đối.

Còn Simon tái mặt, người chao đảo đứng không vững.  Trước mặt bao người tiếng tăm đạo đức, cái ông Giêsu này lại dám so sánh ông, một thầy Biệt phái đạo hạnh mẫu mực, với một con điếm nổi tiếng trác táng ai cũng biết đến.  Chưa hết, trong cuộc so sánh bất cân xứng đó, ông bị hạ 3-0 một cách phũ phàng không chút xót thương, không một điểm vớt vát danh dự.  Đúng là không biết điều!  Ông lắp bắp tính nói vài lời nhưng… chỉ ú ớ được vài tiếng.  Biết nói gì bây giờ?

Đức Giêsu chẳng buồn nhìn đến con cọp đang bị thương gầm gừ đứng đó như một kẻ bại trận, Ngài cúi xuống đặt tay trên vai người phụ nữ đang run rẩy trong cuộc tranh luận mà bất ngờ nàng là kẻ chiến thắng.  Như không màng đến quá khứ tội lỗi của nàng, Ngài dịu dàng bảo:

–     Tội của chị đã được tha rồi (Lc 7:48).

Cả bàn tiệc láo nháo, bấy giờ không chỉ một con cọp bị tấn công mà câu nói đó đã làm hàng chục con cọp cao ngạo khác cùng bị thương tổn.  Tất cả gầm gừ ngồi bật dậy như muốn ăn tươi nuốt sống hai người, ánh mắt căm giận vì sự lộng ngôn của người mà họ chẳng rõ là ai.  Không hẹn mà gặp, tất cả cùng chung một hạch hỏi:

–     Ông này là ai mà lại tha được tội? (Lc 7:49)

Đức Giêsu phủi áo đứng dậy chẳng buồn giải thích hoặc dạy dỗ như Người vẫn thường làm với đám đông.  Ngài đưa tay nâng người phụ nữ tội lỗi đứng thẳng lên như trả lại cho nàng vị trí nhân cách của một con người mà nàng đã tự đánh mất lâu nay, như muốn khẳng định cho tất cả biết rằng phẩm giá của nàng không thua kém gì mấy vị đạo đức ở đây.  Nhẹ nhàng lau những giọt lệ còn đọng lại trên khuôn mặt xanh mét sợ hãi như người cha âu yếm chùi nước mắt con thơ, vị ngôn sứ đầy lòng xót thương cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ con chiên lạc vừa tìm về đàn thoát khỏi hang cọp này.  Ngài dắt nàng đi qua những chiếc bàn ngổn ngang, bước qua những khuôn mặt đỏ tía đang gầm gừ tức tối.  Họ bình thản đi ra bên ngoài bỏ lại phiên chợ ồn ào sau lưng, bỏ lại dĩ vãng một thời đã qua!

Gió về đêm thổi thốc lên mát rượi làm tung dải tóc mây bay phất phơ trong gió.  Khí trời thanh khiết, những vì sao lung linh trên trời cao như đang nhảy múa chào đón bước chân trở về của đứa con lạc loài.  Đã đến giờ chia tay, vị ngôn sứ đã đưa nàng đi qua đoạn đường hiểm nguy nhất, giờ đến phiên nàng phải tự bước đi trên con đường nàng đã can đảm chọn để theo Ngài.  Con đường tuy hẹp đầy những chông gai thử thách, nhưng mang lại cho nàng niềm hạnh phúc ngọt ngào, cho nàng cảm nếm hương vị tình yêu thánh thiêng, giúp nàng sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với lòng vị tha, và tình yêu của ngôn sứ Giêsu dành riêng cho nàng.

Dưới ánh trăng, nàng thấy hình ảnh mình lấp lánh phản chiếu trong ánh mắt yêu thương dịu hiền của vị ngôn sứ khả kính.  Nàng mỉm cười, nụ cười đầu tiên từ khi bước chân vào bàn tiệc, lòng tràn đầy tự tin yêu đời vì biết rằng từ đây nàng sẽ không còn cô đơn và lữ hành một mình nữa.  Nàng đã liều lĩnh không hẹn mà đến, Giêsu nhân hậu vẫn mở rộng vòng tay đón tiếp nàng cách nồng nhiệt, đã rộng lượng tha thứ cuộc đời đa truân lầm lỡ của nàng.  Giờ thì tạm chia tay đó nhưng nàng xin hẹn Ngài cuộc gặp mặt lần sau.  Ngày đó, Giêsu sẽ ra tận cổng nhà cha Ngài để đón nàng, sẽ trao tặng nàng món quà sự sống vĩnh cửu như lời Ngài đã hứa ban.

Giêsu cầm đôi bàn tay nhỏ bé trong lòng bàn tay mình như chúc lành cho nàng trong cuộc đời mới, như muốn truyền thêm cho nàng sức mạnh và lòng can đảm trên bước đường sắp đến.  Giọng Ngài trầm ấm dưới ánh trăng:

–     Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an! (Lc 7:50)

Nàng luyến tiếc bước đi, đầu ngoái lại tay đưa lên vẫy chào lần cuối người nàng kính yêu.  Giêsu mỉm cười nhân hậu đưa tay lên vẫy vẫy.  Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má, nàng xin ghi khắc mãi hình ảnh này trong tim, sẽ mang theo suốt đời lời chia tay cuối cùng “Chị hãy đi bình an!”  Gió thổi nhè nhẹ như lập lại bên tai lời chúc bình an của Đấng giàu lòng xót thương.

Lang Thang Chiều Tím
June 2007