CỬA SỔ NHÀ THƯƠNG

zzCó hai người bệnh nặng ở chung một phòng nhà thương.  Một người được cho ngồi dậy mỗi buổi chiều một giờ cho nước trong phổi được rút ra.  Giường của anh này bên cạnh một cửa sổ duy nhất của căn phòng. Anh kia phải nằm suốt ngày đêm không được ngồi dậy.  Hai anh nói chuyện với nhau cả ngày.  Họ kể cho nhau nghe về gia đình, vợ con, công ăn việc làm, thời gian nhập ngũ, và những nơi họ đã thăm viếng.

Mỗi buổi chiều, người nằm bên cửa sổ được ngồi dậy và mô tả cho người kia những gì anh thấy được bên ngoài cửa sổ.

Người nằm bên giường kia bắt đầu mong chờ mỗi ngày để được sống một giờ trong đó thế giới của anh được mở rộng và được làm cho sống động bởi các sinh hoạt và mầu sắc của thế giới bên ngoài.

Cửa sổ trông ra một công viên với một cái hồ tuyệt đẹp.  Thiên nga và vịt đùa giỡn trên mặt nước trong khi trẻ em chơi thả những chiếc thuyền buồm nhỏ.  Những cặp tình nhân trẻ khoác tay nhau đi giữa những luống hoa muôn mầu, xa xa có thể thấy những ngôi nhà chọc trời.

Trong khi người ngồi bên cửa sổ mô tả cảnh vật với thật nhiều chi tiết, người nằm bên kia phòng có thể nhắm mắt để hình dung ra một khung cảnh tuyệt vời.

Một chiều ấm áp kia, người ngồi bên cửa sổ mô tả một đoàn diễn binh đi qua.  Mặc dầu người kia không nghe thấy ban nhạc – anh có thể thấy trong trí tưởng tượng của anh qua lời mô tả của người ngồi bên cửa sổ.

Nhiều ngày và tuần lễ qua đi.

Một buổi sáng kia, cô y tá mang nước tới để tắm cho hai người đã thấy người nằm bên cửa sổ đã qua đời bình an trong giấc ngủ.  Cô buồn rầu gọi nhân viên bệnh viện đến khiêng xác của anh ta đi.

Ngay khi có vẻ thích nghi, người kia xin cô y tá cho anh được dời sang cái giường bên cửa sổ. Cô y tá vui vẻ nhận lời, và sau khi thấy anh đã yên vị, cô rời phòng.

Anh ta cố gắng chầm chậm để ngồi dậy một cách khó khăn và đau đớn, chống một khuỷu tay lên để nhìn ra thế giới thật sự bên ngoài cửa sổ lần đầu tiên.

Anh cố gắng quay đầu nhìn ra cửa sổ bên cạnh giường.  Cửa sổ này đối diện với một bức tường kín mít.  Anh ta hỏi cô y tá xem điều gì đã khiến cho người bạn nằm chung phòng với anh có thể mô tả một thế giới huy hoàng bên ngoài cửa sổ.

Cô ta trả lời: “Có lẽ anh ấy đã muốn khuyến khích nâng đỡ anh.”

**************************************

Chúng ta có thể tìm được hạnh phúc tuyệt vời khi làm cho người khác sung sướng, bất kể tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh của mình.

Chia sẻ nỗi đau buồn chỉ là gửi đi một nửa nỗi đau, nhưng hạnh phúc khi chia sẻ thì lại được tăng gấp đôi.  Nếu bạn muốn cảm thấy mình giầu có, hãy thử đếm hết tất cả những gì bạn đang có mà tiền bạc không mua được.  Trong tiếng Anh, hiện tại là present, và present cũng có nghĩa là món quà.

http://faithcenter.wordpress.com/2008/06/04/the-window-monday-june-9-2008/

MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

Tôi đặt hành lý vào hộc ở trên đầu rồi ngồi xuống ghế.  Đây là chuyến bay dài làm tôi ước gì mình có một quyển sách hay để đọc trên phi trình.  Có lẽ tôi cũng cần chợp mắt một chút.

Vừa lúc trước khi máy bay cất cánh, một nhóm 10 người lính trẻ men theo lối đi và ngồi hết vào các chỗ trống rải rác còn lại.  Chẳng có gì để làm, tôi bắt đầu gợi chuyện người lính ngồi gần  nhất.

– Các cậu đi tới đâu vậy?

– Petawawa. Chúng tôi sẽ ở đó hai tuần để thụ huấn một chương trình huấn luyện đặc biệt rồi sau đó sẽ bổ sung tới A Phú Hãn.

Sau khi máy bay cất cánh độ một tiếng thì tiếng loa thông báo là trên máy bay có bán thức ăn nhẹ đựng trong bao giá 5 mỹ kim.

zzCũng còn lâu lắm chuyến bay mới tới phía Đông nên tôi quyết định mua một bao đồ ăn để vừa ăn vừa giết thì giờ.  Khi tôi móc bóp lấy tiền thì chợt nghe một người lính hỏi bạn mình là có muốn mua thức ăn không.

– Không! Có vẻ như mắc quá đó.  Bao lunch gì mà tới 5$.

– Thôi tao ráng đợi tới căn cứ hẵng hay.

Và anh lính trẻ gật gù đồng ý với bạn.

Tôi đảo mắt nhìn chung quanh thì thấy mấy người lính khác cũng không có ý định mua gì cả mặc dù lúc đó cũng đã tới giờ ăn trưa rồi.  Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, tôi gọi người nữ tiếp viên tới đưa cho bà ta 50$ và nói:

– Xin bà vui lòng lấy thức ăn cho những người lính nầy.

Người tiếp viên ngạc nhiên nắm chặt lấy tay tôi, qua đôi mắt long lanh ngấn lệ vì xúc động, bà ngỏ lới cám ơn tôi và nghẹn ngào:

– Con trai tôi cũng là một quân nhân đang chiến đấu tại Iraq. Nghĩa cử nầy của ông như đang dành cho nó vậy.

Rồi bà xăng xái đi lấy 10 bịch đồ ăn trao cho tất cả các người lính trên tàu….  Sau đó bà dừng lại chỗ tôi hỏi:

– Thưa ông dùng gì ạ?  Bò, gà rất hảo hạng.

– Xin cho tôi gà

Tôi trả lời bà ta trong một thoáng ngạc nhiên vì theo tôi biết hạng economy bây giờ chỉ có BOB thôi mà.

Người nữ tiếp viên đi về phía trước của máy bay độ một phút sau trở lại với nguyên khay thức ăn nóng hổi dành cho hành khách vé hạng nhất, bà trịnh trọng nói với tôi:

– Đây là tấm lòng tri ân nho nhỏ của những người trên chuyến bay nầy đối với ông.

Sau khi ăn xong với tâm trạng sảng khoái nhẹ nhàng, tôi bước tới phòng vệ sinh ở phía sau cùng.  Trên đường đi, một người đàn ông thình lình đứng lên chận tôi lại nói:

– Tôi rất cảm phục việc ông làm, xin ông cho tôi được chia phần mà vui lòng nhận cho.

Nói xong, ông ta dúi vào tay tôi 25 mỹ kim.

Sau đó không lâu, viên phi công trưởng rời buồng lái vừa đi vừa nhìn số ghế ghi trên hộc hành lý, linh cảm khiến tôi thầm mong ông ta đừng kiếm tôi nhưng Chúa ơi!  Ông ta dừng lại ngay hàng ghế của tôi rồi cười thật tươi và chìa tay ra nói:

– Tôi muốn được bắt tay ông.

Cực chẳng đã, tôi mở dây an toàn đứng dậy bắt tay viên phi công trưởng.

Với giọng hân hoan, ông ta nói lớn như để mọi người cùng nghe:

– Tôi cũng đã từng là một quân nhân và cũng là phi công chiến đấu. Có một lần có người cũng mua cho tôi thức ăn.  Điều đó thực sự thể hiện cả một tấm lòng tốt đẹp mà tôi không bao giờ quên.

Cả một tràng pháo tay tán thưởng vang dội làm tôi đỏ bừng mặt vì mắc cở.

Chỉ với một hành động nhỏ nhặt tầm thường của tôi mà đánh động lương tâm con người đến thế sao?

Vì chuyến bay quá dài nên có một lúc, tôi phải đi bộ về phía trước để dãn gân cốt thì bỗng nhiên có một nam hành khách ngồi trên tôi độ sáu dãy đưa tay ra bắt và để lại trong tay tôi cũng 25 mỹ kim.

Bầu không khí trên chuyến bay thật nhẹ nhàng và chan hoà tình người cho tới khi máy bay hạ cánh.  Tôi lấy hành lý và bắt đầu bước ra khi vừa tới cửa máy bay thì một người đàn ông chận tôi lại và nhét nhanh vào túi áo tôi một thứ gì đó xong ông ta vội vã bước đi mà không nói một lời.  Lại thêm 25$ nữa.

Nếu tính ra, tôi chỉ chi có 50$ mà bây giờ thu lại tới 75$.  Kiếm được 25$ dễ dàng đến thế sao!  À!  Quên!  Còn bữa ăn thiệt ngon miệng nữa chứ.  Đúng là khi ta làm phải thì không bao giờ lỗ lã cả.

Tôi vui vẻ bước nhanh vào cửa phi trường thì thấy mấy người lính trẻ đang kiểm điểm nhân số để chuẩn bị về căn cứ.  Tôi tiến tới trao cho họ 75 mỹ kim và nói:

– Từ phi trường về tới trại phải khá xa. Mà bây giờ cũng đã tới giờ để dằn bụng một cái sandwich chứ.  Chúa sẽ ban ơn cho các cậu.

Mười người lính trẻ trong ngày hôm đó chắc đã rời chuyến bay trong tâm trạng yêu thương và kính mến những hành khách đồng hành.  Tôi hăng hái bước tới xe với lời thì thầm nguyện cầu cho tất cả sẽ được trở về trong an bình.

Những chàng trai nầy đã hy sinh tất cả cho quê hương mà tôi chỉ biếu họ có một vài phần ăn.  Thật là quá ít ỏi nếu không muốn nói là chỉ trong muôn một.  Nghĩ xa hơn nữa, người cựu chiến binh đã từng đánh đổi cả cuộc đời khi viết lên chi phiếu trắng đề tên người nhận là “ Hiệp Chủng Quốc” mà số tiền có thể lên đến chính sinh mạng của họ.

Đó là một vinh dự tối cao lẽ ra cả đất nước phải dành cho họ nhưng than ôi!  Có nhiều người đã không cần biết tới và bỏ quên họ.

Xin Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho bạn chuyển tiếp câu chuyện nầy tới bạn bè quen biết.

Riêng tôi thì đã làm xong.
Nguyên Trần
Toronto Sept 4,2009

************************************

Lạy Chúa, hôm nay là ngày chiến sĩ trận vong, ngày tưởng nhớ đến sự hy sinh cao cả của những người lính đã nằm xuống cho quê hương đất nước, cho nền hoà bình thế giới.  Xin cho con biết nhớ đến hương hồn những người đã dám hy sinh mạng sống mình vì người khác trong lời kinh nguyện, trong thánh lễ nơi nghĩa trang, một bó hoa trên những ngôi mộ vô danh, một nén nhang trên bàn thờ, một cử chỉ đẹp với những cô nhi quả phụ đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống…

Xin dạy chúng con lòng biết ơn với những cựu chiến binh, những thương phế binh, với những chiến sĩ đang còn cầm súng nơi chiến trường bằng cách này hay cách khác như câu chuyện trên để họ biết rằng chúng con luôn nhớ đến và biết ơn họ.

LTCT

 

TÌNH YÊU HIỆP NHẤT

Một vị linh mục đang ngồi trong nhà thờ. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và lên tiếng phàn nàn : “Thưa cha! Con không chấp nhận điều gì mà con không hiểu, hoặc không thể chứng minh được. Vấn đề “ba Ngôi trong một Chúa” hay bất cứ điều gì tương tự như thế, không ai có thể giảng gỉải cho con một cách minh bạch rõ ràng, nên con không tin”.

Chỉ vào luồng ánh sáng chiếu qua cửa sổ, vị linh mục hỏi: “Bạn tin có mặt trời không?”. Người đàn ông  trả lời: “Dĩ nhiên có chứ”.  Linh mục nói tiếp: “Ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng.” Giải nghĩa về Chúa Ba Ngôi cũng có phần tương tự như vậy:  Mặt trời là Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng, ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: Từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần.

Vị linh mục ân cần lên tiếng hỏi: “Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng không?”.  Người đàn ông cúi đầu và im lặng …

***

Bạn thân mến! Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi.  Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chấp nhận rằng:  Đây là một mầu nhiệm, một chân lý. Ta biết đó là sự thật vì đã nhiều lần Chúa Giêsu nói cho ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:  “Mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha là của Con” (Ga.17:10).  “Cha Thầy và Thầy là một” (Ga.10:30). “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga.14:9). “Khi Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga.14:26)

Chúa Ba Ngôi như mặt trời trên bầu trời.  Mặt trời là nguồn năng lượng vật lý. Chúa Ba Ngôi là nguồn sống trong ta. Mặt trời chiếu tỏa ánh sáng. Chúa Ba Ngôi soi sáng lòng trí con người. Mặt trời tỏa sức nóng. Chúa Ba Ngôi tuôn đổ sức nóng thiêng liêng, đó là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Chúa Ba Ngôi không phải là bộ ba năng lượng không hồn, nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đời sống yêu thương: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.  Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Chúa Con yêu thương Chúa Cha và mối tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.

Trong Ba Ngôi, mỗi ngôi hoàn toàn là tặng phẩm hiến dâng cho nhau, hoàn toàn tương quan với nhau, hoàn toàn yêu thương nhau. Vì thế, Thiên Chúa là một nhưng lại là ba; là ba nhưng lại là một.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao xa, tuyệt vời, vì đó là chính mầu nhiệm của đời sống tình yêu . Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm thiết thân nhất với chúng ta, vì đó là chính sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho ta Con của Ngài để Con Ngài đưa ta vào trong cung lòng Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần là tình yêu luôn nối kết Chúa Cha với Chúa Con, bây giờ lại đến nối kết ta với Chúa Con và Chúa Cha. Vì vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là Thiên Chúa xa cách ngự nơi cao thẳm trên trời, nhưng Ngài đang ngự trong ta và đang hoạt động trong ta. Chúng ta sẽ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ là những Đền Thờ sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

***

Mỗi khi làm dấu Thánh Giá và đọc “Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, là ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ước chi chúng ta sẽ không đọc một cách vô ý thức nữa, nhưng đọc với lòng cung kính mến yêu vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Và mỗi lần ta đọc kinh Tin Kính, là ta tuyên xưng lòng tin của ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con được trở nên giống Chúa mồi ngày mỗi hơn. Amen.

Tổng hợp từ  “Niềm Vui Chia Sẻ”
(BĐ1: Prv 8:22-31 – BĐ2: Rom 5:1-5 –  PÂ:Gioan 16:12-15)

THINH LẶNG

zz“Thiên Chúa, Người thầm lặng; tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng.”E.Mounier.

Bạn có bao giờ tự hỏi mình rằng: Tại sao bản nhạc lại phải có dấu lặng không?

Nếu một bản nhạc không có dấu lặng, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng vọng của thanh âm, và những ngân nga của một giai điệu du dương.  Cũng vậy, bạn có bao giờ đọc một bài văn không hề có dấu phẩy?  Chắc là bạn sẽ đứt hơi, hoặc bạn sẽ chẳng thể hiểu được trọn vẹn bài văn ấy.

Những khoảng lặng mang nhiều giá trị hơn bạn tưởng.

Bạn có bao giờ bị đau Amiđan không?  Nếu bạn là một người bị đau Amiđan, hẳn nhiên bạn sẽ có ít nhất một lần trong đời có cơ hội dễ dàng nhất để được thinh lặng.

Thinh lặng khác với im lặng.  Bạn có thể im lặng bởi bạn không thèm nói.  Bạn có thể im lặng vì bạn đang tức giận đến tột độ, hoặc đau khổ đến nỗi không thể thốt nên lời.  Nhưng thực ra, ngay lúc bạn đang im lặng đó lại là những lúc bạn đang “nói” nhiều nhất.

Thinh lặng là một trạng thái hoàn toàn khác.  Thinh lặng là khi mặt hồ tâm hồn của bạn không hề gợn sóng.  Và thinh lặng là khi bạn đang lắng nghe.

Bạn thinh lặng khi bạn đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại.  Là khi hồn bạn chỉ còn âm vang của Lời Chúa.

Thinh lặng là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều điều.

Bạn phải dũng cảm để có thể mỉm cười tha thứ cho một người đã làm tổn thương đến bạn bằng những hành động quá đáng và những lời nói vô liêm sỉ.

Bạn phải can đảm để không trả đũa một lời nguyền rủa, không nêu lên một khuyết điểm trong một cuộc đối thoại, không đòi hỏi quyền ưu tiên.

Bạn phải kiên nhẫn để tập cho hồn mình không bị ảnh hưởng bởi những con sóng ồ ạt của cuộc đời.

Bạn phải thành thật nhìn thẳng vào tận đáy sâu của tâm hồn bạn, để vớt ra khỏi đó những rong rêu của ích kỷ, của ghen tương, và cả những tham sân si nữa.

Bạn phải biết tìm kiếm cho mình sự thinh lặng giữa cuộc đời náo nhiệt, nhìn vào đời mình, nhìn vào sự sống.

Bạn cũng phải biết tách mình ra khỏi sự lệ thuộc vào những người khác để được thinh lặng mà hiện diện cùng Đấng Tối Cao.  Và để nghe lời Chân Lý từ trong thinh lặng.

Khi chúng ta tự nói về mình, chúng ta không ở trong thinh lặng.  Lúc lặp lại những Lời Chúa gợi lên trong lòng ta, ta đang hoàn toàn thinh lặng.  Thinh lặng không phải là ly thoát, mà là tập trung con người ta về Thiên Chúa.

Cyrano de Bergerac nói rằng: “Rất nhiều người ăn nói dễ dàng chỉ vì họ không im lặng được.”  Bạn không chỉ có thể im lặng mà còn có thể thinh lặng.

Rồi sẽ tới giờ phút thinh lặng của Tử thần.  Bạn sẽ thinh lặng trước khi giờ phút ấy đến chứ?

Bút Chì Đen

**************************************************

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

 (R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

NGỌN LỬA THÁNH LINH SOI CHIẾU

Vào năm 1976, ngay xóm tôi ở có em gái nghèo chừng mười lăm tuổi đi giúp việc nhà cho một gia đình giàu có.  Gia đình nầy vừa mới tậu một bức tranh thêu rất đẹp nên bức hoành phi sơn son thếp vàng cũ kỹ có mấy chữ mạ vàng khá lớn, lâu nay được treo ở gian giữa ngôi nhà, giờ đây bị tháo xuống để nhường chỗ cho bức tranh thêu quý giá.  Trong thâm tâm bà chủ nghĩ rằng bức hoành phi nầy có chữ mạ bằng thứ giấy vàng rẻ tiền nên giá trị chẳng là bao.

Bà chủ giao bức hoành cho cô gái giúp việc đem về nhà tuỳ nghi sử dụng.  Cô gái đem về cho em chơi. Chơi chán rồi chúng xé vụn phần bằng giấy ra, xé luôn cả những chữ vàng, xả rác đầy nhà, khiến người mẹ phải mất công quét dọn và đổ ra hố rác.

Khi đốt rác vào lúc trời tối, bọn trẻ phát hiện những dòng chữ vàng trên bức hoành phi không bị thiêu rụi mà lại sáng ngời lên trong lửa và kết tụ lại thành những vụn nhỏ ngời sáng ánh vàng.  Hoá ra những dòng chữ trên bức hoành là thứ chữ mạ bằng vàng thật chứ không phải là giấy mạ vàng!

Thế là người nhà hăm hở xăm xoi đào bới, sàng sảy đống tro tàn để tìm kiếm và cuối cùng thu lại được năm sáu chỉ vàng!

Cả gia đình vui mừng quá đỗi, vì vào thời đó, kiếm được chừng ấy vàng chẳng khác gì trúng lô độc đắc.

Như thế, nếu không nhờ ngọn lửa, những chữ vàng quý giá kia đã bị xé vụn, quẳng vào đống rác và hoá thành bụi tro.  Nhưng may sao nhờ lửa cháy lên, người ta mới nhận ra những dòng chữ bằng vàng rất quý báu!

**************************************

zzHôm nay mỗi người chúng ta cũng được Chúa Giê-su trao tận tay một cuốn sách đáng giá ngàn vàng. Đó là một kho báu không hề vơi cạn, chứa đựng những điều khôn ngoan ngàn đời của Thiên Chúa được Chúa Giê-su từ trời mang xuống ban tặng cho thế gian, một cuốn sách chứa đựng những bí quyết đem lại bình an hạnh phúc cho muôn người, một kiệt tác được kết tinh bằng tình yêu, bằng trí tuệ, bằng tim óc của Chúa Giê-su và được hình thành trong suốt 33 năm dương thế của Ngài.

Nhưng tiếc thay, khi nhận được Tin Mừng trên tay, chúng ta xem đó là thứ quà rẻ mạt, như một cuốn sách tầm thường, như một mớ chữ không hồn.  Thế nên số phận cuốn Tin Mừng cứu độ của Chúa Giê-su cũng hẩm hiu không kém!

Sở dĩ Kho Tàng Tin Mừng của Chúa Giê-su không được xem là quan trọng và quý giá vì những dòng chữ nầy chưa được ngọn lửa của Chúa Thánh Linh soi chiếu.

Thượng Phụ Athénagoras nhận định rằng: “Nếu Hội Thánh vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa trở nên nghìn trùng xa cách, Đức Giê-su trở thành một huyền thoại và Phúc Âm của Người trở thành một mớ chữ không hồn.”

Quả vậy, nếu không có lửa của Chúa Thánh Thần soi sáng thì lời dạy của Chúa Giê-su như: “những gì các ngươi làm cho các anh em bé mọn của Ta đây là làm cho chính Ta” (Mt 25,40) trở thành những dòng chữ chết, không thể lay động lòng người, nhưng đối với mẹ Tê-rê-xa Calcutta, nhờ ánh sáng Thánh Linh tác động, lời đó trở thành châm ngôn vàng ngọc thúc đẩy mẹ hiến cả đời mình yêu mến và phụng sự Chúa Giê-su nơi những con người bất hạnh và đau thương.

Nếu không có lửa của Thánh Linh soi chiếu thì những lời nhắc nhở như: “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì”(Mt 16,26) là những lời vô nghĩa, nhưng đối với thánh Phanxicô Xavie, nhờ ngọn lửa của Thánh Linh soi sáng, lời đó trở thành sức mạnh vạn năng giúp ngài từ bỏ công danh địa vị để dấn thân vào những miền đất xa lạ, đem ơn cứu độ đến cho các dân tộc Á châu.

Không có Chúa Thánh Thần, không ai có thể nhận biết và yêu mến Chúa Giê-su.

Không có Chúa Thánh Thần, những trang Tin Mừng chỉ là những dòng chữ chết.

Không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa trở thành Đấng nghìn trùng xa cách.

                                ****************************************

Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, chúng con nhận biết, yêu mến Chúa và tìm được nơi kho tàng Tin Mừng những lời thần thiêng đem lại cho chúng con sức sống mới.

LM Inhaxiô Trần Ngà

ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc các môn đệ đang ở trong phòng đóng kín. Hoang mang sợ hãi đang bao trùm các ông.  Ngay lúc đó, Đức Giêsu hiện ra đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con” (Ga.20:19). Ngài thổi hơi vào các ông và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga.20:22).  Thổi hơi là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần. Thổi hơi để truyền ban sự sống.  Hơi thở là dấu chỉ của Sự Sống.  Hơi thở tượng trưng cho Sự Sống. Còn thở là còn sống. Hết thở là hết sống.

Khi tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam và ban cho ông sự sống. Khi Ðức Giêsu Phục Sinh từ cõi chết và hiện ra với các môn đệ, Ngài đã thổi hơi vào các ông, để đổi mới các ông, để ban sinh khí và sự sống mới cho các ông.

Từ khi nhận được Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã trở nên một con người mới. Trước kia các ông nhút nhát sợ hãi, nay các ông mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ông chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ông cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ông còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các ông chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ông. Các ông đã nhận được sự sống mới: sự sống của Chúa, sống vì Chúa và sống cho Chúa.

Bình an cho các con…Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga.20:21). Đấng Phục Sinh hiện đến, không phải chỉ là một chuyến ngao du thăm viếng bình thường, nhưng Ngài đến còn để trao ban một sứ mệnh.  Ngài sai các môn đệ lên đường để đến với muôn dân, để tiếp tục xứ mạng của Ngài, để loan báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ đến cho muôn người.

Hôm nay Ngài cũng đến, Ngài sai tôi và bạn ra đi để tiếp tục công việc của Ngài. Ngài không sai ta đi một mình, nhưng ban cho ta bình an của Ngài, thứ bình an mà thế gian không thể lấy được. Và hơn thế nữa, Ngài ban cho ta Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh; là sự khôn ngoan sinh động và là người đồng hành hướng dẫn ta trong mọi sự.

***

Ước gì Thánh Thần  Chúa thổi tung mọi sợ hãi, rụt rè và hoang mang khép kín đang đè nặng trong lòng con.  Và ước gì Thánh Thần Chúa với hình lưỡi lửa luôn bao bọc và che chở con, để con mạnh dạn lên đường loan báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần! Xin Ngài hãy đến và sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Acts 2:1-11 – BĐ2:1Cor 12:3-7,12-13 – PÂ: Gioan 20:19-23)

HAI NGƯỜI MẸ

zzKhi nói về tình mẹ, ông Joseph Rosumbol đã tâm sự như sau:

“Mẹ luôn có mặt mỗi khi bạn cần đến.  Mẹ luôn giúp đỡ, bảo vệ, lắng nghe, khuyên bảo, động viên, khích lệ và nuôi dưỡng cả tinh thần lẫn thể xác bạn.  Mẹ luôn cố gắng làm cho gia đình luôn đầy ắp tình thương yêu.  Ðó là những gì tôi có thể tóm tắt về hình ảnh hay đúng hơn là kỷ niệm của tôi về mẹ. Bởi trong những năm tháng ngắn ngủi mà tôi có mẹ ở bên cạnh, tôi luôn cảm thấy may mắn là mình có mẹ, nhưng tôi biết rằng chẳng có lời nào có thể diễn tả hết tình thương của mẹ với những hy sinh mà mẹ dành cho tôi.  Tất cả những hy sinh đó chẳng có hy sinh nào là nhỏ cả.  Tất cả đều vĩ đại.  Bởi nó diễn tả tình thương trọn đầy của mẹ đối với tôi, một đứa con trai bé bỏng của mẹ.  Khi ấy, tôi vừa tròn mười chín tuổi và đang trên đường dẫn tới cái chết.  Thình lình, mẹ tôi chen vào và đổi chỗ cho tôi đi ra.  Mặc dầu đã năm mươi năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ có thể quên nổi những lời cuối cùng trước khi mẹ giả từ tôi để tiếp tục bước đường dẫn tới cái chết.  Tôi cũng không bao giờ quên được ánh mắt tràn ngập yêu thương và hy vọng quyện lẫn những nỗi xót xa phải chia tay.  Lúc đó, mẹ tôi đã nói: “Mẹ đã sống đủ rồi, con còn trẻ nên con cần phải sống”.  Tôi nghĩ, phần lớn các đứa trẻ được sinh ra có một lần, nhưng tôi, tôi đã được sinh ra đến hai lần với cùng một người mẹ”.

******************************

Mỗi tín hữu kitô chúng ta cũng có thể nói được rằng chúng ta cũng đã được sinh ra hai lần nhưng với hai người mẹ: người mẹ thứ nhất là người đã sinh ra chúng ta để chúng được hiện diện trên cõi đời; và chúng ta cũng được sinh ra trong đức tin với người mẹ thứ hai là Giáo Hội.

Thật thú vị khi dùng hình ảnh người mẹ để chỉ về Giáo Hội.  Với những bản tính của một người mẹ, Giáo Hội như muốn ôm trọn lấy mọi người, chăm sóc và lo lắng cho từng người bằng Lời Chúa và qua các bí tích.  Và khi chúng ta nhận biết những cố gắng của người mẹ, đồng thời chúng ta phải có bổn phận để tiếp nối vai trò của người mẹ cũng như đón nhận những khác biệt của người mẹ trong tình thương mến.

Ðứng trước những thử thách mà Giáo Hội đang gặp phải hiện nay, mỗi chúng ta có cảm thấy được thúc đẩy phải đưa vai để gánh đỡ Giáo Hội không hay chúng ta cũng lại hùa theo những trào lưu chống đối Giáo Hội, và nhẹ nhàng hơn là chúng ta dửng dưng với những băn khoăn thao thức và những thách đố mà Giáo Hội đang gặp phải?  Cả hai thái độ đó đều không phải là thái độ của người sống tâm tình của những người con đối với Giáo Hội.

Nhìn lại vai trò của mỗi tín hữu kitô chúng ta trong cương vị là những người con của Giáo Hội, khởi đi từ tâm tình của một người con như đã được nhắc lại trên đây.  Mỗi người con nhận được sự sống từ mẹ, sẵn sàng hy sinh cho mình, chúng ta trước hết thấy hãnh diện vì có được một Giáo Hội mẹ như vậy. Và từ đó mà yêu mến Mẹ Giáo Hội của mình nhiều hơn nữa.

Song song với những gì là cao đẹp, có thể chúng ta cũng khám phá ra những vết nhăn, những vẻ xấu xí in hằn trên gương mặt đó, nhưng không vì thế mà chúng ta giảm bớt tình thương.  Trái lại, càng phải biết thương nhiều hơn.  Hơn nữa, chúng ta cũng phải biết nhớ đến những người đã đổ máu đào hy sinh mạng sống để bảo vệ cho người mẹ đó, để lúc nào chúng ta cũng được sống trong sự ấp ủ của người mẹ nhờ những dòng sữa ân sủng của Chúa được ban cho chúng ta qua người mẹ Giáo Hội; chúng ta cũng có bổn phận để tiếp nối cuộc sống của những người đã hy sinh nằm xuống cho chúng ta, để hạt giống đức tin được triển nở và sinh hoa kết trái trong đại gia đình của Thiên Chúa; đồng thời chúng ta cũng cần làm sao để có thêm những người con mới trong đại gia đình Giáo Hội, Mẹ chúng ta, nhờ qua dấn thân thực hành những việc làm tốt, thu hút anh chị em đến với Chúa.

R. Veritas

******************************************

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn yêu mến và tin tưởng vào Giáo Hội Chúa đang gặp nhiều thử thách nơi trần gian.

Lạy Mẹ La Vang, xin cho chúng con, những người con trong Giáo Hội Việt Nam đang trong cảnh đố kỵ, chia rẽ, hoang mang, mất niềm tin… biết yêu mến Giáo Hội Việt Nam và biết sống trong tình yêu thương hợp nhất của những đứa con cùng một Mẹ.  Amen!

TẶNG VẬT CHO CUỘC ÐI TÌM

zzCó người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình.  Ngài vào nhà người Biệt phái và lên giường ăn.  Và này: Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành.  Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt phái, người phụ nữ ấy xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.  Ðứng phía đằng sau chân Ngài, khóc nức nở, sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài.  Xõa tóc trên đầu, cố lau sạch.  Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc. 7: 36-38).

Mai Ðệ Liên đã tìm gặp Chúa.  Tìm là giai đoạn sôi bỏng nhất của tình yêu.  Gặp mặt nhau nhưng chưa chắc biết tên nhau.  Biết là một chuyện nhưng có để ý nhau không lại là một chuyện khác.  Cho dù có để ý nhau nhưng chưa chắc đã tìm nhau.  Bởi đó, những chuyện tình đi tìm nhau bao giờ cũng là những chuyện tình không quên.  Tìm nhau là giai đoạn đồng cảm nhất trong tiến trình của yêu thương.  Nói đến phải đi tìm là nói đến vất vả, nên những chuyện tình tìm nhau thường là những chuyện tình gian nan.

Tặng vật là niềm tin

Ðến với Ðức Kitô, người đàn bà này đã mang theo ba tặng vật:  Niềm tin, mái tóc và bình dầu quý.  Tìm là xác định một điều có trong khi chưa có.  Tin là có để rồi miệt mài theo đuổi điều chưa có là một thứ gian nan không dễ.  Niềm xác định có càng nhiều thì mới càng có nỗ lực.  Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc.  Và bữa tiệc chiều nay, đôi khi nghe cõi lòng chùng xuống khi hình dung ra những cái nhìn soi mói, nhưng người đàn bà này vẫn chuẩn bị cho một cuộc đi tìm rất nhiệm mầu trong linh hồn.  Bà cần gặp Ðức Kitô.

Xét theo khung cảnh thì đây không phải là bữa ăn thường mà là bữa tiệc.  Tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này được mời, vì Biệt phái kết án “gái điếm và thu thuế”.  Người phụ nữ này đã nổi tiếng tội lỗi trong châu thành vì ai cũng biết.  Nếu vậy, càng không thể là khách mời của Biệt phái.  Khách được mời sẽ được lấy nước rửa chân, xức dầu và hôn chào.  Vậy làm sao người phụ nữ tội lỗi này lọt được vào?  Ðối với một kẻ tội lỗi bị xã hội kết án thì đi tới đâu cũng phải đương đầu với những con mắt tò mò.  Có thể người phụ nữ này phải giả dạng để vào được phòng khách.  Có thể cô ta lẩn đi vào ngõ sau.  Có thể cô ta bất chấp mọi ngịch cảnh xông đại vào.  Trong bao nhiêu giả thuyết, ta không biết cách nào là đúng.  Hoặc cho dù có được vào tự do, thì điều ta biết chắc là người phụ nữ này đã phải chấp nhận những lời kết án cho một lần gặp gỡ.

Chợt đọc qua đoạn Tin Mừng, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ ngồi khóc bên chân Chúa là một hình ảnh êm đềm.  Thoáng qua, tôi thấy người phụ nữ có thể gặp Chúa một cách nhẹ nhàng.  Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy gặp gỡ với Chúa, cô ta phải lên đường vô cùng quyết liệt.  Mình không phải là khách. Người ta dòm ngó xầm xì.  Bao nhiêu người chỉ trỏ.  Có khi phải bẽ mặt vì bị đuổi đi.

Trong quá khứ, không biết có khi nào tôi liều thân đi gặp Chúa như thế chưa.  Những kỷ niệm tìm nhau trong gian nan là những kỷ niệm khó quên.  Nếu tôi không nhớ có khi nào tôi vất vả đi tìm Chúa như thế chưa, điều đó có nghĩa là tôi chưa có những “chuyện tình gian nan”, dù có đôi ba lần liều thân tìm gặp Chúa, sự liều thân ấy cũng chắc là nhạt nhẽo lắm.

Dầu thơm của khổ đau

Cho cuộc đi tìm này người phụ nữ đã mua một bình bạch ngọc, tìm loại dầu thơm quý.  Tặng nhau một cành hồng, gởi nhau một lọ nước hoa là chuyện thường.  Nhưng dầu thơm ở đây là hương thơm có thể bay ngược chiều gió.  Bởi, nó là hương thơm của trắc ẩn, là đóa hoa lòng.  Chắc hẳn tiền mua bình bạch ngọc đến từ những đêm nhục nhằn câm nín, từ nước mắt dàn dụa trên những đồng bạc bất hạnh nằm rơi vãi trên giường.  Ðời là hoang vu.  Cúi mặt đi trong phố vắng khi đèn chiều cứ ảm đạm.  Người khách ra về, cánh cửa sập lại, cúi nhặt những đồng bạc trong cơn mệt mỏi chán chường. Người gái điếm ấy gom số tiền đã chắt chiu từ những tháng ngày cùng cực.  Xuống phố, không tiếc lòng, mua một bình ngọc quý, một cân dầu thơm.  Rồi, từ từ, đổ hết cho phí đi cân dầu hảo hạng, cho phí đi những đồng tiền khổ đau.

Trọn vẹn mái tóc xám hối

Tặng vật thứ ba là mái tóc của cô ta.  Người con gái nào không thương mái tóc.  Ở Mai Ðệ Liên chắc hẳn cũng có những ngày mới lớn như những nàng thiếu nữ Jêrusalem.  Cô cũng cũng có những áng mây hồng của tuổi bâng khuâng, có cánh bướm nhỏ trong giấc mơ về đậu trên bờ tóc. Tóc mai cũng đã thương những sợi vắn sợi dài. Hôm nay, thương yêu có thể là muộn màng.  Thương nhớ có khi đã mất mát.  Bây giờ, thương đau là gương soi. Những sợi tóc ấy, giờ đây thả xuống cho xuôi dòng. Những sợi tóc đó nếu có một thủa mây bay tà đạo, thì hôm nay ngoan ngoãn theo lời xin xám hối.  Cài vào những sợi tóc ấy là niềm tin để chải xuống một dòng đời lỗi lầm.

***********************************

Lạy Chúa, người phụ nữ ấy đã lấy tất cả thương đau đời mình để mua cân dầu rồi đổ đi, đổ cho cạn đến giọt sau cùng.  Con chỉ nhìn vào hình ảnh Chúa tha thứ tội lỗi một cách nhẹ nhàng, mà ít nhìn vào thái độ ao ước tận cùng của niềm tin, của sự quyết liệt trọn vẹn trong trái tim người phụ nữ.

Ở trong con, nhiều lần cũng tìm gặp Chúa, nhưng không bao giờ đổ tất cả cho một cuộc gặp gỡ.  Bởi đó, gặp gỡ nào giữa con với Chúa cũng cứ là những gặp gỡ dang dở.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J trích trong “Con biết con cần Chúa”

NIỀM HY VỌNG NƯỚC TRỜI

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế.  Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.

zzViệc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la.  Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.

Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.

Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.

Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với mọi người.

Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.

Với niềm hy vọng đó, người Kitô chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi.  Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh.

Niềm hy vọng đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất,  mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.

Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn, vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó.  Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

***

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian này để mai sau con cũng được về trời với Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Acts 7:55-60 – BĐ2: Rev 22:12-14,16-17,20 – PÂ: Gioan 17:20-26)

NHỮNG CÁCH GIẢNG ĐẠO

Ngày xưa, một đạo sĩ gọi 6 người đệ tử của mình lại và bảo họ hãy đi khắp nơi chiêu mộ môn đệ.  Một thời gian sau, tất cả đều trở về.

Người thứ nhất trở về với 500 môn đệ.  Khi được hỏi bằng cách nào anh chiêu mộ được số môn đệ đông như thế, anh trả lời: “Con rảo khắp mọi nơi nghèo nàn và hứa sẽ chu cấp mọi nhu cầu cần thiết cho ai theo đạo của chúng ta”.

Người thứ hai đem về 400 môn đệ.  Anh nói : “Con hứa ai theo đạo thì sẽ được phúc thiên đàng”.

Người thứ ba đem về 300 môn đệ.  Anh nói : “Con đe dọa rằng nếu ai không theo đạo thì sẽ bị phạt trong hỏa ngục.  Thế nhưng người ta không tin lắm.  Cho đến một hôm con đã nguyền rủa một con chó điên khiến nó chết liền tại chỗ.  Thấy thế những người này đã theo con”.

Người thứ tư đem về 200 môn đệ.  Anh nói : “Con tìm đến những người đơn sơ ít học và dùng nhiều lý luận khiến họ say mê và đi theo”.

Người thứ năm đem về 100 môn đệ.  Anh nói : “Đây là những người trẻ.  Họ đang chờ một người lãnh đạo họ.  Con đã thuyết phục họ đi theo con và họ đã theo.  Con nghĩ rằng nếu mình không chiêu mộ họ thì cũng có những messia giả đến chiêu dụ họ mà thôi”.

zzNgười thứ sáu chỉ đem về 12 môn đệ.  Anh giải thích : “Con không thể gieo những hạt giống ngay mà phải chờ, vì đang là mùa đông, phải đợi đến lúc tuyết tan thì đất mới mềm và mới gieo được. Thế là con chờ.  Đang lúc chờ như thế, con kết bạn với một số người.  Con cố gắng sống cho họ thấy cách sống của đạo chúng ta.  Và con cũng chia xẻ cuộc sống của họ.  Đang khi chia xẻ cuộc sống như thế, con khám phá rằng họ rất coi trọng tự do đến nỗi nếu tước mất tự do của họ thì cũng là tước đi phẩm giá của họ.  Con cũng học được nơi họ những điều tốt, chẳng hạn họ rất quảng đại và không sợ hy sinh.  Con thành thật nói cho họ biết cái giá phải trả nếu muốn theo đạo chúng ta, nhưng con nhấn mạnh rằng nếu họ theo đạo chúng ta thì họ có thể làm được nhiều điếu tốt cho tha nhân và cho Thiên Chúa.  Xem ra những điều con nói đã làm họ cảm động.  Tuy nhiên khi đến lúc phải quyết định thì chỉ có 12 người này chịu theo con”.

Vị đạo sĩ khen người thứ sáu này.

Năm người trước đã giảng đạo bằng cách khai thác sự yếu đuối và sợ hãi của người ta.  Những cách đó thật quá dễ, nhưng lại xâm phạm đến tự do nên người ta có theo đạo cũng vì miễn cưỡng.  Còn người thứ sáu thì biết kêu gọi thiện chí bằng cách kết bạn với người ta và thuyết phục họ bằng chính gương sống của mình.  Cách này tuy chậm và khó nhưng kết quả sẽ vững chắc và lâu bền.

***************************************

Chúng ta là dụng cụ Chúa dùng

“Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc”, đó là mệnh lệnh của Chúa khi Ngài từ biệt chúng ta.

Bây giờ Ngài không còn có ai trên thế gian ngoài chúng ta.

Ngài không còn tay để nâng người sa ngã ngoài tay của chúng ta.

Ngài không còn chân để đi tìm kẻ hư mất ngoài chân của chúng ta.

Ngài không còn mắt để nhìn những giọt lệ khổ đau âm thầm ngoài mắt của chúng ta.

Ngài không còn lưỡi để an ủi kẻ buồn sầu ngoài lưỡi của chúng ta.

Ngài không còn trái tim để yêu thương những người không được yêu thương ngoài trái tim của chúng ta.

***************************************

Lạy Chúa xin thương xót chúng con là những môn đệ nhút nhát và sợ sệt của Chúa.  Xin ban cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Chúa giữa thế gian, hầu Tin Mừng được rao giảng và người ta tìm được đường vào Nước của Chúa.

Flor McCarthy