NHỮNG VẾT SẸO

Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã… Có những vết sẹo gợi lại cả một khung trời thời kỷ niệm, nhắc nhở cả một thời mến yêu.  Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua. Hôm nay vết sẹo làm thân thể ta kém đẹp, nhưng không làm ta đau như xưa kia.

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại rằng: Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: “Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết. “

zzChúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì. Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem. Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những vết sẹo gợi lên những kỷ niệm và dấu tích trên thân xác của con người, của thất bại đớn đau. Nhưng nếu không có những vết sẹo thì cũng chẳng có sự chết và sự phục sinh.

Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành. Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo. Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?

Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương. Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó. Chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu vào những vết sẹo của Thầy. Chính lúc đó ông khám phá ra tình yêu sâu thẳm của Thầy.

Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thoả mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông. Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.

Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác. Cần tập thấy Chúa để rồi tin. Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, và phúc cho những ai biết thấy nên tin.

***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh !  Như Tôma xưa kia, có nhiều lúc con cũng nghi ngờ, kém tin tưởng vào Chúa .  Xin củng cố niềm tin cho con. Xin ban cho con niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vì chúa là đường, là chân lý và là cùng đích của cuộc đời con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Acts 5:12-16  – BĐII: Rev1:9-13,17-19 – PÂ: Gioan 20:19-31)

QUẢ TRỨNG RỖNG

Jeremy sinh ra với một thân hình co quắp, chậm phát triển trí tuệ kèm với một căn bệnh mãn tính đang giết dần giết mòn sự sống non trẻ của em.  Tuy thế, cha mẹ em cũng cố gắng tạo cho em một cuộc sống thật bình thường bằng cách gởi em đến học trường tiểu học St. Theresa.

Tuy đã 12 tuổi, Jeremy vẫn còn học ở lớp hai, và có vẻ không có khả năng học tập.  Cô giáo Doris Miller thường căng thẳng vì em.  Em loay hoay trên ghế ngồi, mũi dãi chảy ra và lầm bầm không rõ tiếng.  Thỉnh thoảng em nói lên được một câu rõ ràng minh bạch, cứ như là một tia sáng bỗng rọi vào bóng tối của đầu óc em…  Cô giáo cố hết sức để không quan tâm đến tiếng ồn và cái nhìn ngây dại của Jeremy.  Nhưng một hôm em khập khiễng lê chân đi lên bàn cô.  Em nói đủ lớn tiếng cho cả lớp nghe: “Thưa cô Miller, em thương cô.”  Những em khác cười khúc khích, còn cô Doris thì ngượng đỏ mặt.  Cô lắp bắp: “Ờ… Ờ… Tốt lắm Jeremy.  Bây giờ em về chỗ nhé!”

zzMùa xuân đến, và các em học sinh phấn khởi nói về lễ Phục Sinh.  Cô Doris kể cho các em nghe chuyện Chúa Giê-su, và để nhấn mạnh đến cuộc sống mới đang nảy sinh, cô đưa cho mỗi em một quả trứng lớn bằng nhựa.  Cô bảo: “Này, cô muốn các em đem về và ngày mai đem trở lại sau khi đã đặt vào đó một cái gì nói lên sự sống mới.  Các em hiểu không?” “Thưa cô, hiểu!” Tất cả mọi em đều hăng hái trả lời như thế, ngoại trừ Jeremy.  Em chỉ trầm ngâm lắng nghe; mắt em không hề rời khuôn mặt cô.  Thậm chí em cũng không lầm bầm như mọi khi. Không biết em có hiểu những điều cô nói về Chúa Giê-su không?  Không biết em có hiểu lời cô dặn dò không ?

Sáng hôm sau, 19 em học sinh đến trường, cười cười nói nói khi đặt trứng vào một giỏ mây trên bàn cô Miller.  Sau môn toán là đến lúc mở các quả trứng.  Trong quả thứ nhất, cô Doris thấy một đóa hoa.  Cô bảo: “Vâng phải rồi, hoa là dấu hiệu của sự sống mới.  Khi cây đâm chồi ra khỏi đất thì ta biết rằng mùa xuân đã đến.”  Một bé gái ở hàng đầu đưa tay lên nói to: “Trứng của em đấy, thưa cô!”  Quả kế tiếp chứa đựng một con bướm bằng nhựa, giống như thật.  Cô Doris đưa lên. “Tất cả chúng ta biết rằng sâu biến thành một con bướm đẹp.  Vâng, đây cũng là một sự sống mới.”  Cậu bé Judy hãnh diện mỉm cười và nói: “Thưa cô, trứng đó là của em!”

Cô Doris lại mở quả trứng thứ ba.  Cô chưng hửng.  Quả trứng rỗng tuếch!  Chắc chắn là trứng của Jeremy – cô nghĩ thế – dĩ nhiên rồi, vì nó không hiểu lời dặn dò của cô. Bởi không muốn làm cho em lúng túng nên cô bình thản để quả trứng qua một bên và cầm lên một quả khác.  Bỗng dưng Jeremy nói rõ: “Thưa cô, cô không nói gì về cái trứng của em sao?”  Cô bối rối trả lời: “Nhưng Jeremy này, trứng của em trống rỗng mà!”  Nó nhìn sâu vào mắt cô và khẽ nói: “Vâng, nhưng mộ Chúa Giê-su cũng rỗng mà!”

Thời gian như dừng lại.  Khi có thể mở miệng lại được, cô Doris hỏi em: “Em biết vì sao mộ lại trống không?”  Jeremy hô lên: “Thưa cô biết!  Chúa Giê-su bị giết và được đặt vào đó.  Rồi Cha của Chúa cho Chúa sống lại!”  Chuông ra chơi chợt reo vang.  Khi các em bé ùa chạy ra sân, thì cô Doris khóc.  Sự lạnh nhạt trong lòng cô đã hoàn toàn tan biến mất rồi.

Ba tháng sau, Jeremy qua đời.  Những người đến nhà xác viếng thăm em đều ngạc nhiên khi nhìn thấy có 19 quả trứng đặt trên chiếc mũ của em… và tất cả các trứng ấy đều rỗng!

Maranatha sưu tầm và dịch

*******************************

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngài đã làm cho Con Một Ngài sống lại từ cõi chết, xin cho chúng con cũng được sống lại cùng với Đức Giêsu Kitô trong ngày sau hết.  Amen!

THINH LẶNG – THỨ BẢY THÁNH

zzChúng ta được mời thinh lặng chiêm ngưỡng mộ Chúa.  Sự im lặng nội tâm và cả bên ngoài rất cần thiết để nhìn ngắm và chiêm ngắm mộ Chúa Giêsu.  Ngày thứ sáu thánh, nhân loại đã chưa hết bàng hoàng về bản án và Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai bên trộm cướp.  Sự hoảng hốt, âu lo vì những người có quyền thế đã đóng đinh Chúa vẫn làm cho con người chưa khỏi lo âu, ê chề, sợ sệt.  Hội Thánh mời gọi con người trong những giờ phút này hãy thinh lặng để nghe tiếng Chúa, để đi vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.

Thinh lặng cầu nguyện.  Thinh lặng sám hối.  Thinh lặng để xin Chúa thương tha thứ tội lỗi.  Đó là những điều con người phải làm.  Mẹ Maria là mẫu gương dạy mọi người cầu nguyện và thinh lặng.  Mẹ vốn là con người thinh lặng để nghe tiếng Chúa.  Mẹ vốn là người thinh lặng trong Tin Mừng.  Vì chỉ có thinh lặng, cầu nguyện, chiêm niệm, Mẹ Maria mới nhận ra được ý Thiên Chúa.  Trong biến cố truyền tin Mẹ đâu có nói nhiều, Mẹ đâu có thắc mắc nhiều.  Nhưng hai tiếng xin vâng đã gói trọn cả cuộc đời của Mẹ.  Mẹ cũng như mọi người được sinh ra là để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.  Mẹ khác với người khác, khác với một xã hội luôn sống trong náo động, ồn ào để tìm danh vọng, lợi nhuận và thú vui.  Nhìn vào lịch sử để thấy thế giới luôn luôn ồn ào, luôn luôn hỗn độn đi tìm tiền của và hạnh phúc riêng cho mình.  Họ đã khước từ sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã hiểu rõ rằng con người sở dĩ chưa tới với nhau vì thiếu sự thinh lặng và tha thứ.  Tha thứ chính là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính cả kẻ thù của mình nữa.  Chúa Giêsu trên Thập Giá đã biến ý riêng của mình thành của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm.”

Mẹ Maria đã sống lời xin vâng, nghĩa là sống theo ý Chúa, biến sự riêng tư, hạnh phúc cá nhân của mình thành sự yêu thương tha thứ.  Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu khi Mẹ sống hoàn toàn tha thứ và sống theo ý Chúa.  Mẹ không hờn oán, không trả thù, không nguyền rủa những kẻ đã giết con Mẹ.  Mẹ đã giống con của Mẹ là sống tha thứ và tha thứ không ngừng.

Mẹ đã có mặt trong giờ linh thiêng nhất là giờ chết của con Mẹ.  Mẹ đã thưa xin vâng bằng sự có mặt của Mẹ.  Mẹ đứng dưới chân thập giá để chiêm ngắm cuộc tử nạn của con Mẹ.  Mẹ đứng đó như đã từng lê bước trên mọi nẻo đường truyền giáo của con Mẹ.  Mẹ đứng đó vì ý thức sâu xa mầu nhiệm cứu chuộc đã được hoàn tất theo ý Chúa.  Mẹ đứng đó trong cõi lòng tan nát nhưng tất cả đều chỉ vì vinh quang cho Thiên Chúa.

Nhìn vào gương của Mẹ Maria, con người chúng ta cũng được mời gọi sống thinh lặng để nhận ra ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Chúa yêu chúng ta, yêu từng người và muốn hạnh phúc của chúng ta là sống cho Ngài, sống vì Ngài.

Tội lỗi chúng ta thật nhiều, nhưng chúng ta tin tưởng Chúa cứu độ chúng ta và Chúa không bỏ rơi ta như đã không bỏ Phêrô khi Phêrô chối Chúa ba lần.  Chúa chỉ bỏ chúng ta khi chúng ta có thái độ như Giuđa Iscariốt.

Thứ bảy thánh, chúng ta được mời gọi nhìn vào ngôi mộ của Chúa để nghe âm thầm tiếng Chúa nói với ta: “Hạt giống rơi xuống đất có thối đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt.”

Ngôi mộ của Chúa vẫn nằm đó, xin cho chúng ta mỗi Kitô hữu biết chôn vùi tội lỗi của ta để cùng Chúa chúng ta được phục sinh vinh hiển với Ngài.  Xin cho ánh sáng phục sinh bừng cháy lên để ngôi mộ chỉ còn là mộ trống vì Chúa sẽ sống lại khải hoàn vào ngày Chúa nhật đầu tuần.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT