SỨC MẠNH CỦA THA THỨ

Sống Sao Cho Đẹp hôm nay xin mượn nhân vật Jean Valjean (Giăng văn Giăng) trong tác phẩm nổi tiếng Những Người Khốn Khổ của Vitor Hugo để bàn về chủ đề tha thứ-hòa giải. Qua nhân vật này, chúng ta sẽ học được giá trị và sức mạnh của sự tha thứ khi chúng ta tha thứ cho người khác.

Câu chuyện xảy ra tại nước Pháp vào thế kỷ 19.  Jean Valjean (Giăng văn Giăng) là một phạm nhân khổ sai vừa ra khỏi tù sau gần 20 năm thụ án vị tội ăn cắp một ổ bánh mì.  Sau khi được tự do, Jean Valjean vẫn thực hiện việc ăn cắp vì xã hội ruồng bỏ ông ta.  Lần này, anh ta đã ăn cắp những chén đĩa bạc của vị ân nhân đã đãi anh ta một bữa ăn tối và cho ngủ qua đêm.  Vị ân nhân ấy là Giám mục Myriel. Hôm sau, Jean Valjean bị bắt với bằng chứng trước mắt.  Nhưng ngay tức thì, Giám mục Myriel đã nhanh nhẹn nói với cảnh sát rằng: những chén đĩa bằng bặc kia là quà tặng mà ngài tặng Jean Valjean.  Xúc động trước lòng đại lượng và cao thượng của Giám mục Myriel, Jean Valjean đã trở nên con người mới; ông đã thành công cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Sau 20 năm bị giam giữ, nhà tù đã không thể làm cho con người Jean Valjean tốt hơn, nhưng chỉ bằng một hành động tha thứ cao thượng của Gám mục Myriel, Jean Valjean đã thay đổi thành một con người hoàn toàn mới và hữu ích cho xã hội.  Ông trở thành thị trưởng của một thành phố và đã tiếp tục dành trọn cuộc đời của mình để giúp người nghèo và không ngừng tha thứ cho kẻ hại mình.

***********************************

zzQuí bạn thân mến, ai ai trong chúng ta cũng được mời gọi không chỉ sống đúng theo pháp luật, nhưng còn là sống đẹp và biết tôn trọng phẩm giá người khác.  Hành động của Giám mục Myriel đã làm cho Jean Valjean thay đổi không phải vì giá trị của những chiếc đĩa bạc đã giúp cho Jean Valjean một số vốn làm ăn, nhưng quan trọng hơn là Giám mục Myriel đã giúp cho Jean Valjean mở mắt ra để thực sự thấy lòng tốt nơi những người xung quanh mình.  Chính khả năng nhận ra được lòng tốt nơi những người khác đã giúp cho Jean Valjean có niềm hy vọng và tin vào cuộc đời.  Chính niềm hy vọng này đã giúp cho Jean Valjean thành công và trở nên con người tốt.

Thưa bạn, sức  mạnh của tha thứ là nằm ở chỗ đó.  Khi bạn tha thứ cho một ai thì hành động tha thứ này nó không chỉ là hành động giữa bạn và người ấy, nhưng nó có ảnh hưởng và tác dụng rộng lớn trong mối quan hệ xã hội.  Biết đâu, nhờ thái độ hòa giải tha thứ với một ai đó mà bạn có thể góp phần vào hạnh phúc cho gia đình của đương sự ấy thì sao?  Biết đâu, lời nói xin lỗi của bạn hôm nay sẽ giúp cho ai đó có một giấc ngủ ngon và một bầu khí chan hòa trong bữa cơm chiều với gia đình họ thì sao?  Như thế, việc tha thứ cho người khác không chỉ ảnh hưởng giữa bạn và người ấy, nhưng nó còn như là hành động trao tặng một món quà.  Lời xin lỗi và thái độ hòa giải của bạn với người ấy có thể sẽ tạo một sức sống mới cho họ; bạn cho họ một niềm hy vọng và niềm tin vào cuộc đời; bạn cho họ biết rằng lòng tốt và người tốt vẫn hiện diện trong một thế giới mà xem chừng như nhiều hận thù và ghen ghét.

Bạn thân mến, khi bạn tha thứ và hòa giải, bạn không mất gì cả, nhưng là một hành động cao thượng để giúp người.  Bạn hãy giúp cho những người mà theo bạn là không thể tha thứ ấy cơ hội để họ có niềm tin vào lòng tốt con người qua hành động của bạn.

***********************************

Lạy Chúa, con sẽ tha thứ cho anh em con, vì con muốn họ hạnh phúc hơn.  Con muốn trao tặng họ niềm tin và hy vọng vào cuộc đời bằng chính hành động của con.

Br. Huynhquảng

 

 

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

Tình yêu là một đề tài muôn thuở, nhất là vào thời buổi kim tiền hôm nay. Tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tình yêu xuất hiện trên báo chí và sách vở, trên phim ảnh và mọi ngành nghệ thuật. Những bài tình ca; những cuốn phim nói về tình yêu, những cuốn sách; những vần thơ được viết ra để ca ngợi tình yêu… Tất cả đã thu hút con người về với tình yêu.  Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi và chi phối đời sống của mọi con người.

***

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tình yêu : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga.13:34)

Yêu thương nhau” không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, là đặc điểm của những người theo Chúa, là sứ mệnh của mỗi người Kitô.

Yêu thương nhau” đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, yêu những người xem ra có lợi cho mình, yêu theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải yêu nhau như Chúa đã yêu.

Yêu như Chúa yêu” là phải hy sinh quên mình, phải khiêm nhường phục vụ anh em. Yêu như Chúa yêu là phải yêu cả những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa.

Yêu như Chúa yêu” là phải không ngừng tha thứ, không ngừng làm hoà với nhau.

Yêu như Chúa yêu” là sự sống của Giáo Hội, là nét cao đẹp của người Kitô. Nét cao đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét cao đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến với Chúa.

Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, ta phải yêu như Chúa yêu.  Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Ngài nghĩ ra, không phải phát xuất từ chính Ngài, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. (Ga.15:9).

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Acts 14:21-27 –  BĐ2: Rev 21:1-5a  –  PÂ: Ga.13:31-33a, 34-35)

KHI NGƯỜI KHÔNG ÐÁP TRẢ

Ai trong các con có bạn hữu nửa đêm đến nhà mình nói: Bạn ơi, cho tôi mượn mấy tấm bánh, vì bằng hữu ở xa tới mà tôi hết đồ ăn rồi.  Người kia ở trong trả lời: Ðừng quấy rầy người ta, cửa đóng rồi, trẻ nhỏ ngủ hết, ai dậy mà lấy cho ông được.  Nhưng nếu họ cứ gõ hoài.  Ta bảo thật, người ấy không dậy mà cho vì tình bạn bè thì ít ra vì họ quấy rầy nên cũng ráng dậy mà lấy cho họ.  Nên Ta bảo cho các con rõ: Vì hễ ai xin, sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho (Lc. 11: 5-10).

Chúa bảo tôi đến gõ cửa, ở đấy có chờ đợi.  Ðó là lời xác định của Chúa.  Như vậy, chắc chắn tôi sẽ bắt gặp nếu tôi kiếm tìm, tôi sẽ tìm thấy nếu tôi van xin.

*************************************

Nhưng trong đời, tôi đã kinh nghiệm một nỗi bận tâm khó hiểu.  Tôi gọi mà Chúa không đáp trả.  Tôi xin mà Chúa không cho.  Có những vực sâu của tâm hồn, có những đêm dài bất an, tôi hướng về Chúa nhưng tôi không gặp.  Tôi không ước mơ những ước mơ lớn.  Tôi chẳng xin sang giàu.  Tôi chỉ xin cho tôi nhẹ bớt khổ đau tâm hồn.  Tôi chỉ xin cho đỡ kéo dài bệnh tật của thân xác.  Tôi chỉ xin Chúa soi cho tôi một ánh đèn khi tôi phải quyết định những vấn đề quan trọng.  Tôi chỉ xin Chúa giữ tôi lại trước đêm đen mịt mùng cám dỗ.  Nhưng tiếng tôi từ vực sâu lại vọng về với tôi trong nỗi vắng.  Những lúc tôi cần Chúa nhất thì Ngài lại bỏ tôi đi xa.  Vì sao Người im tiếng?

*************************************

Ngài im tiếng.  Hay có phải Ngài đang nói mà tôi không nghe?  Ngài chối từ.  Hay có phải cánh cửa đã mở mà tôi không vào vì có vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh?  Ngài im lặng.  Hay có phải Ngài bảo tôi: Hãy vào sa mạc, hãy ra bờ đá lặng thinh, hãy khép lại bớt cửa lòng rồi con sẽ nghe thấy tiếng Cha.  Nhưng tôi chán những bờ đá vắng vẻ, và tôi đã yêu những vũ tiệc của mùa xuân trần thế ở chung quanh.  Làm sao tim tôi nghe được tiếng con họa mi đang hót khi mà bầy ve sầu đam mê đang kêu inh ỏi trong hồn?

Ngài thờ ơ.  Hay có phải Ngài không đáp trả vì tôi bất xứng với ân sủng của Ngài.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có mặt trời nếu họ cứ sống dưới hầm tối, vực sâu.  Chẳng ai có thể trách vì sao không có bình an nở giữa khu vườn tham lam.  Người cha tốt là người cha đóng cửa nhà mình để đứa con khỏi ngày ngày về lấy gia tài đi hoang đàng, phung phí.

Vì sao Chúa không cho tôi điều tôi xin?  Ðã bao lần Chúa bắt tôi đi.  Gian nan. Mỏi.  Tôi muốn ghé tạm xuống đường ngồi nghỉ.  Nhưng Chúa biết để tôi ngồi nghỉ, dần dà tôi sẽ nghe theo tiếng nói của đất thấp, tôi sẽ lười biếng đối với tiếng gọi của trời cao.  Tôi trách vì sao Người không cho tôi lập nghiệp trên những ước mơ của tôi, xin làm quê hương trên những ý nghĩ riêng tư của tôi.  Ngài chẳng đáp trả, vì Ngài biết đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi.  Trong những đêm đen như mù mịt, tôi gõ nhưng cánh cửa chẳng mở.  Phải chăng chỉ có Ngài, Ngài mới biết những gì là tốt nhất cho phần rỗi của tôi. Như vậy, không đáp trả có là dấu chỉ của tình thương?

*************************************

Khi không đáp trả, đấy cũng là một cách trả lời.  Trả lời bằng lặng im nhiều khi lại là câu trả lời thâm sâu và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Tôi không đến với ai mà tôi biết chắc rằng tôi không thể tin cậy.  Khi đến xin Chúa trợ giúp là tôi đặt niềm tin nơi Ngài.  Nếu đã đặt niềm tin thì sao lại có thể phân vân.  Khi Ngài im lặng như không đáp trả, tôi lo âu, thì đấy là dấu hiệu niềm tin đó không vững vàng.

Niềm tin là lời cầu nguyện để xin được biến đổi.  Như thỏi đất sét tin mình nằm trong tay người thợ lành nghề.  Người thợ gốm biết loại đất sét nào có sức chịu đựng để đúc gạch lót đường, loại nào có thể tạc tượng.  Niềm tin vững vàng là phó thác trong tay người thợ gốm vì tin rằng mình được yêu thương và săn sóc.  Tin vững vàng hệ tại phó thác rằng Chúa là người thợ gốm khôn ngoan và không lầm lẫn trong công trình sáng tạo.  Chứ tin vững vàng không có nghĩa là tin mình sẽ biến đổi được ý định của Chúa để đạt được điều mình xin.  Có những lời xin chẳng bao giờ được đáp trả nhưng lại là một ân sủng thật lớn lao.

*************************************

Ngày còn bé tôi không biết cầu nguyện thế nào.  Những ngày bom nổ nhiều là những ngày mẹ tôi càng lo.  Mỗi tối, mẹ tôi bảo tôi ngồi lần hạt cầu nguyện cho cha ngoài trận tuyến.  Trong trí óc non dại, tôi cầu nguyện cho cha tôi được bình yên.  Một lằn đạn hiểm nghèo.  Một trái mìn kín đáo.  Ðời sống bếp bênh như treo bằng sợi chỉ.  Chỉ một giấy báo tin thôi, tôi sẽ là đứa mồ côi.  Mẹ tôi sẽ là góa phụ.  Tôi đã thấy nhiều lá cờ trải lên mộ đất.  Tôi đã thấy nhiều chuyến xe nhà binh chở đơn độc một quan tài, người thiếu phụ đội nón trắng ngồi lặng lẽ không còn nước mắt để khóc.

Rồi chuyện một đêm đã đến.  Chiến tranh đổ xuống trên mảnh đất quê tôi.  Tôi còn bé, nhưng tôi hiểu những nghẹn ngào của người có thân nhân vừa mới vĩnh biệt.  Mưa ướt lẹp xẹp, tôi nghển cổ nhìn qua cửa sổ đông chật người.  Một chiều mưa ảm đạm, lạnh lẽo làm sao.  Mái lá thấp đổ những dòng mưa thảm não.  Tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều xám nặng nề ấy cho tới hôm nay.  Ðôi chân của cậu X. chết nằm sóng sượt trên cái phản gỗ.  Bùn dính lem luốc.  Mợ X. khóc thảm thiết bên xác chồng mới chết trận.  Ai đã bắn chết cậu?  Có phải kẻ mà cậu chưa kịp bắn?

zzTò mò, tôi theo những đứa trẻ khác ra ven rừng xem xác chết.  Những hố bom cày tung đất còn mới nguyên.  Vải băng trắng còn lẫn với xác người chưa kịp thu.  Giữa những xác người ấy, tôi thấy một người nằm chết cong queo, cụt chân vì bom nổ, máu bầm khô bết vào áo đầm đìa.  Mặt cháy đen.  Nhìn kỹ trên khuôn mặt ấy, tôi không quên được là chuỗi tràng hạt vẫn quàng vòng quanh cổ.  Kẻ chết là một bộ đội miền Bắc.  Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là bộ đội cộng sản cũng tin vào Chúa như tôi sao?

Từ ngày đó, mỗi lần giúp lễ, nhìn lên thánh giá mà hồn tôi bâng khuâng.  Tôi thấy Chúa buồn.  Quỳ đây, tôi cầu nguyện xin Chúa chở che cha tôi ngoài chiến trận.  Nhưng người cán binh bộ độ ấy, có thể cũng có một đứa con trai bằng tuổi tôi ở ngoài miền Bắc.  Nó cũng là cậu bé giúp lễ.  Cứ mỗi sáng, mẹ nó cũng đánh thức nó dậy thật sớm để giúp lễ, cầu nguyện cho cha đang ở mãi trong miền Nam heo hút.  Năm tháng bặt tin, chắc chiều chiều, tối tối, mẹ nó cũng rối bời lòng trí, thẫn thờ nhìn về phương Nam, dục nó đọc kinh.  Chúa nghe lời tôi để cha tôi giết họ?  Chúa nghe lời cậu bé kia để cha cậu giết cha tôi?  Cả hai cậu bé đều cầu nguyện, Chúa biết nghe lời ai?

Tôi không tin là Chúa có câu trả lời.  Tôi chỉ cảm thấy rằng Chúa khó xử ghê gớm lắm.  Chúa trên thập giá như càng thêm đau đớn.  Mỗi lời cầu của tôi là một vết thương cho Ngài.  Mỗi nỗi lo âu của cậu bé ngoài miền Bắc kia làm Ngài thêm khổ tâm.

Tôi hình dung Chúa như một người cha.  Ðứa con thứ nhất chạy đến: Cha ơi, đưa con dao cho con để con chém nó.  Ðứa con kia chạy lại, sợ hãi: Cha ơi, đừng đưa!  Cha có biết rằng con cũng là con của cha sao?  Và người cha chỉ còn biết đớn đau mà thôi, vì cả hai con đều là con của mình.

Từ đó, mỗi buổi sáng giúp lễ, tôi thấy Chúa trên thập giá như ngậm ngùi.  Tay giang rộng cứ thêm mãi khổ thương.  Từ ngày đó, trong cái trí óc non nhỏ của tôi, tôi hiểu mơ màng rằng bất cứ hành động nào gây thương tích cho nhau cũng là làm khổ cho Cha trên trời.

*************************************

Lạy Chúa,

Mỗi khi con cầu nguyện thì cho con biết xin được biến đổi, chứ đừng biến đổi Chúa.  Làm sao con có thể biến đổi sự khôn ngoan của Chúa thành sự vụng về của con.  Khi con nài Chúa làm theo ý con là con muốn đem sự hoàn hảo của Chúa thành những bất toàn giống như của con.

Con ngỡ tiếng sói sủa là vui tai.  Con ngỡ lời mời của Satan là tha thiết. Con ngỡ trái táo hồng có hương thơm, nào ngờ đâu con có biết sâu độc làm tổ ở bên trong.  Những lời con xin nhiều khi rất đẹp, nhưng chỉ là đẹp theo cái nhìn của con mà thôi.

Lạy Chúa,

Xin cho con hiểu rằng có những lời xin mà Chúa chẳng thể đáp trả được.  Và chính lúc Chúa im lặng lại là lúc Chúa đang nói với con bằng ngôn ngữ nhiệm mầu nhất.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

LỜI KÊU CẦU CỦA CON CHIÊN

zzMột con chiên nhỏ ham vui, lạc đàn.  Nó muốn quay về nhưng bí lối, quên đường.  Bản tính loài chiên Tạo Hóa cho hiền lành, nhưng chậm chạp, khù khờ.  Nó không có sự khôn ngoan của loài chó biết vẫy đuôi vui mừng khi chủ gọi, vỗ đầu.  Nó không biết để dấu trên đường đi nên khi lạc lối không nhớ nẻo về.  Bởi đó, chiên cần người chăn.

Giữa núi đồi bao la, con chiên nhỏ không biết làm gì khác hơn là lớn tiếng kêu vang, hy vọng người chăn chiên nghe thấy, rồi tìm đến, mang nó về đàn.  Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng của cỏ cây, đồi núi.  Nó mệt lả, ngất đi.  Bỗng nó nghe tiếng chó sủa, tiếng gậy roi đập vào các lùm bụi từ xa. Người chăn chiên đang tìm nó!  Nó vốn sợ chó, sợ đòn gậy.  Nó cũng không còn sức để lớân tiếng kêu cầu.  Nó khiếp sợ, thiếp đi.  Người chăn chiên đi qua, vô tình không hay biết.  Khi tỉnh lại, nó nghe tiếng chó và gậy roi đã đi xa.  Trước mặt nó là hố sâu, thung lũng.  Sau lưng là vách đá trơ trơ.  Ngày mai, người chăn chiên sẽ trở lại kiếm nó?  Hay nó đã được ghi là mất tích?  Ngày mai biết nó còn sống không?  Trời cao có thấu?  Tuyệt vọng… Phó mặc!  Nó lầm lũi bước đi… Về đâu?

Chó và gậy là hai vật không thể thiếu đối với người chăn chiên, hai dụng cụ hành nghề tất yếu, hai phụ tá đắc lực.  Đối với người mục tử nhân lành, gậy dùng để chỉ đường dẫn chiên đến những đồng cỏ xanh, suối nước mát; và khi cần, gậy trở thành khí cụ dùng để bảo vệ đàn chiên chống lại loài lang sói đang rình rập chờ vồ mồi.  Nhưng đối với người chăn thuê, gậy tượng trưng cho quyền hành chỉ huy, ra lịnh, chủ yếu là phương tiện trừng phạt những con chiên lạc đàn.  Chó giúp kiềm giữ chiên đi theo hàng ngũ.  Khi thấy con chiên nào muốn rời đàn đi riêng, chó sủa lên để báo hiệu cho người chăn và đồng thời cũng để làm chiên lạc hoảng sợ quay về, nhất là những con chiên thích chạy nhảy tung tăng, hoặc mải mê ngắm nhìn trời cao, hoặc đang khao khát muốn tìm một dòng nước mát trong lành hơn.

Thời xưa, đối với dân Do Thái, con chiên là một tài sản đáng kể, được chủ tận tình chăm sóc sớm hôm.  Khi một con chiên đi lạc, người chăn chiên không quản công khó nhọc đi tìm kiếm khắp nơi suốt ngày, tìm mãi cho đến khi gặp lại mới thôi.  Liên hệ giữa người và vật là liên hệ yêu thương gắn bó. “Ta biết con chiên Ta và con chiên Ta biết Ta” (Yn 10:14).  Người chăn chiên biết rõ đặc tính từng con một và chiên cũng dễ dàng nhận ra tiếng chủ chăn của mình.  Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay, người chủ chăn có bao nhiêu việc phải lo liệu, tính toán, bao nhiêu thứ ưu tiên hàng đầu, ngổn ngang trăm mối… Con chiên lạc không còn là đối tượng đáng để ý quan tâm.  Liên hệ giữa người với người là liên hệ khế ước, hợp đồng, liên hệ kinh tế, tài chánh, liên hệ bổn phận và quyền lợi, nói khác đi, liên hệ theo lối tiền trao cháo múc!  Con chiên thường không còn nhận ra tiếng người chăn, và chủ chăn cũng không biết con chiên mình, trừ những con chiên béo mập, ngoan ngoãn, vâng lời, biết làm bùa làm phép…

********************************

Vậy,  “Lạy Chúa Yê-su, xin hãy đến, hãy tìm kiếm tôi tớ Chúa, tìm kiếm chiên lạc của Chúa.

Hỡi Mục Tử, xin tìm kiếm, như Yu-se đã tìm kiếm những con chiên của ông…

Chiên của Chúa còn lạc đường, bao lâu Chúa còn trì hoãn, còn dừng chân lại trên núi non.  Xin Chúa hãy để lại 99 con chiên và lên đường tìm một con đang lạc lối.

Xin hãy đến và đừng mang theo chó.  Hãy đến và đừng đem theo những người làm thuê thô lỗ.  Hãy đến, và đừng dẫn theo người chăn thuê không biết đi qua cửa chính.  Hãy đến, không mang theo người trợ giúp, không người trung gian, vì từ lâu con vẫn đang chờ đợi Chúa đến.

Con biết rằng Chúa sắp đến, nếu thực là con đã không quên giới lệnh của Ngài.  Hãy đến mà đừng mang gậy gộc, trái lại, với tình yêu thương và thái độ từ nhân khoan thứ.”

(Lời kinh của thánh Ambrôsiô, trích Chứng Nhân Hy Vọng, FX. Nguyễn Văn Thuận, Regina 2000, tr. 50).

Xin Chúa Thánh Thần xuống, không phải chỉ bây giờ và sau này, nhưng mãi mãi và luôn luôn, để canh tân Giáo Hội Chúa từng ngày, từng giờ, từng mỗi phút giây.

Xin Chúa Thánh Thần xuống để thêm sức mạnh cho các mục tử của Chúa sống trung thành với lời khấn hứa khó nghèo, thanh sạch, và thấu hiểu “điều răn mới” để đàn chiên luôn nhìn thấy hình ảnh của Chúa yêu thương nơi vị chủ chăn của mình.

Xin Chúa Thánh Thần xuống để hoán cải và đổi mới mỗi người chúng con, để chúng con luôn xứng đáng với tình yêu của Chúa Yê-su Cứu Thế.

Chúa ơi, xin hãy đến!  Bao nhiêu con chiên đang mong chờ Ngài!

Nguyễn Bửu Đồng

CHIÊN TA THÌ NGHE TIẾNG TA

(Ga.10:27)

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi
Tôi chẳng thiếu thốn chi
Trong đồng cỏ xanh rì
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
Và bổ sức cho tôi
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
Vì danh dự của Người.
Lạy Chúa,
Dầu qua thung lũng âm u
Con sợ gì nguy khốn
Vì có Chúa ở cùng
Côn trượng Người bảo vệ
Con vững dạ an tâm.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
Ấp ủ con suốt cả cuộc đời
Và con được ở đền Người
Những ngày tháng, những năm dài triền miên…

(Tv.23)

***

Chúa ơi!  Con nào có hay “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ con suốt cả cuộc đời”. Con đâu biết rằng “ Con được ở trong nhà của Chúa, những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Với “côn trượng Ngài bảo vệ”, Ngài đưa con đi qua thung lũng âm u của cuộc đời. Những ngày tháng đi hoang, những năm tháng lạc lối của niềm tin… Ngài dẫn đưa con về đường ngay nẻo chính. Ngài mang con tới dòng nước trong lành, và bổ sức cho con…

zzChúa ơi! Lời Chúa hôm nay nhắc nhở con: “Chiên ta thì nghe tiếng ta” (Ga.10:27) . Nhưng con nào có nghe được tiếng Chúa. Tiếng Chúa qúa nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như lời thì thầm của gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương. Tiếng Chúa bị che lấp bởi muôn ngàn tiếng ồn ào khác luôn vang vọng bên tai con: Tiếng của vật chất tiền bạc; tiếng của địa vị danh vọng; tiếng của đam mê dục vọng…Con không nghe được tiếng Chúa vì con không ở trong đàn chiên của Chúa?  Hay vì con vẫn ở trong đàn chiên của Chúa nhưng không hề “biết” Chúa? Cái “biết” thâm sâu và gần gũi mà con không có để nhận ra tiếng kêu mời của Người Mục Tử Nhân Lành.

Ta biết chúng và chúng biết ta” (Ga.10:27).  Cái “biết” thâm sâu đó không phát xuất từ kiến thức của cái đầu, nhưng phải đến từ lòng tin yêu cảm mến của con tim. Cái “biết” thâm sâu đó làm con quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình với Chúa, giúp con từ bỏ chính mình để đi theo Chúa. Cái “biết” thâm sâu đó sẽ làm con vững dạ an tâm, sẽ giúp con không sợ gì nguy khốn, sẽ mang con đến cuộc sống sung mãn và hạnh phúc trong đàn chiên của Ngài.

Chúa ơi! Lời Chúa hôm nay mời gọi con “trở nên một với Chúa” giống như “Ta với Cha là một” (Ga.10:30). Con băn khoăn với lời mời gọi của Ngài, vì không biết làm sao để con được “trở nên một” với Chúa? Làm thế nào để con được “đồng hình đồng dạng” với Ngài?  Và làm thế nào để con được trở nên “giống” Ngài mỗi ngày mỗi hơn? Lòng con cũng luôn nghi ngại với những câu hỏi: – Con sẽ được gì khi con trở nên một với Chúa? – Con sẽ ra sao khi con được đồng hình đồng dạng với Ngài?  Lời Chúa hôm nay đã cho con câu trả lời thỏa đáng: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Chúng không bao giờ phải diệt vong” (Ga.10.28)

Chúa ơi! Lời Chúa hôm nay hé mở cho con: “Ta chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11).  Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên.

Chúa ơi! Chúa là là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước đi theo Ngài.  Xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa để trở nên mục tử nhân lành trong gia đình con, trong xóm làng mà con đang sinh sống, và trong cho cộng đoàn giáo xứ con đang sinh hoạt. Amen.

Linh Xuân Thôn
(BĐ1:Cv.13, 14. 43-52 – BĐ2:Kh.7, 9.14b-17– PÂ: Ga.10:27-30)

ÔNG QUAN TÒA

zzÔng LaGuardia là thị trưởng của thành phố New York vào những năm xảy ra nạn đói tại nước Mỹ.  Vào một hôm lạnh giá tháng giêng năm 1935, ông đã bãi nhiệm một vị chánh án và ngồi vào ghế chủ tọa để xét xử một phiên tòa có một không hai.

Bị cáo là một bà già nghèo nàn, nhem nhuốc.  Bà bị tố cáo là đã lấy trộm một ổ bánh mì. Bà thú nhận rằng, bà ăn cắp ổ bánh mì cho con gái của bà đang bị bệnh và cháu của bà không có gì ăn.  Người tố cáo bà là chủ tiệm bánh mì; ông đề nghị quan tòa phạt bà 10 dollars vì bà ta là một người xấu và đồng thời dùng hình phạt này để răn dạy những kẻ xấu khác.

Ông LaGudrida thở dài và nói, “Tôi phải phạt bà 10 dollars hoặc 10 ngày trong nhà tù, vì luật pháp không miễn trừ cho một ai cả.”  Sau khi tuyên án, ông rút trong túi áo mình 10 dollars và nói tiếp. “Đây là 10 dollars tôi tặng bà để đóng tiền phạt; nhưng quan trọng hơn, tôi sẽ phạt mọi người trong phòng xử án này mỗi người 50 cents vì đang sống chung trong một khu phố với một người mà đã để người ấy lấy cắp bánh mì để nuôi cháu của mình mà mình không hay biết.”  Hôm sau, hành động xử án lạ kỳ của ông Thị trưởng đã làm cho nhiều người tự nguyện đóng 50 cents “tiền phạt.”  Số “tiền phạt” lên hơn 70 dollars và đã được trao cho người phụ nữ đáng thương này.[1]

*******************************

Bạn thân mến, câu chuyện trên đây như đưa chúng ta một nhận định rằng: Hoàn cảnh xã hội có thể đẩy chúng ta vào những việc làm trái với luật pháp và đạo lý làm người.  Nhưng thật may mắn thay, chính lòng đại lượng và cách nhìn hiểu đời một cách thấu đáo của những người như ông LaGuardia đã không những thể hiện lòng bao dung tha thứ cho người phạm tội nhưng họ còn khơi gợi những người khác về trách nhiệm phải tha thứ và giúp đỡ những người đã có lỗi với mình.

Khi bàn đến tha thứ hay không tha thứ cho một ai đó, chúng ta thường hay nghĩ đến về vấn đề công bằng theo khái niệm của luật pháp.  Khi ai đó xúc phạm hay nói xấu chúng ta… chúng ta dễ dàng trở thành một vị “quan tòa” xét xử người khác theo những khái niệm “qua lại, bù trừ, hơn thua.” Nếu càng để lâu những mối bất hòa trong lòng mình, thì những khái niệm của luật pháp càng dần dần lộ ra rõ hơn và mạnh hơn trong tâm trí của mình.  Đáng buồn thay, những khái niệm này dần dần lớn lên theo tính chủ quan của mình – tức là xét xử người khác theo hướng có lợi cho mình. Mình là người vô tội.  Bà ấy, ông ấy là người có tội.  Bà ấy, ông ấy phải là người xin lỗi mình vì họ đã xúc phạm đến mình thế này, thế này, và thế này,…  Bà ấy, ông ấy đáng bị như vậy.  Bà ấy, ông ấy phải trả giá cho hành động như vậy.

Thưa bạn, thật buồn và đáng thương cho vị trí “quan tòa” chủ quan ấy, vì thực ra, những lời kết án mà mình dành cho người xúc phạm mình đó, chính là những lời kết án cho chính mình. Những khái niệm chủ quan do mình đưa ra với lý do “công bằng, pháp luật, hợp lý” thực ra là những khái niệm bên ngoài; còn thực chất chính là mình đang che đậy vị trí “quan tòa” mà mình vẫn thường cho mình là đúng, còn người khác là sai.  Mình mất ngủ, mình không bình an, mình không thấy hòa khí trong gia đình, mình không thấy cộng đoàn mình có bầu khí chan hòa, chia sẻ, mình khó nở nụ cười,.. cũng là do nguyên nhân của “ông quan tòa” chủ quan trong con người mình tưởng tượng nên.

Thưa bạn, tôi cũng như bạn đều mang lấy thân phận con người vốn nhiều tính xấu và ích kỷ.  Hiểu như thế để chúng ta cảm thông cho chính mình và cũng cảm thương cho nhau.  Vì thân phận con người này, mà chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc tìm sự bình an cho chính mình.  Vì sự yếu đuối của chính mỗi người như chúng ta, mà chúng ta cảm thấy bất lực trước những ý nghĩ tiêu cực về người khác và cũng như về chính mình.  Nếu không nhận ra điều đó, một cách vô tình chúng ta trở thành nạn nhân của chính mình.  Ông “quan tòa” do mình dựng nên đó có thể là kẻ nguy hiểm nhất để hãm hại chúng ta chứ không ai khác.

Chúng ta thường nói với nhau, “Nhân vô thập toàn.”  Hôm nay tôi mời bạn hãy áp dụng lời nhận định ấy vào chính đương sự mà mình đang gặp khó khăn trong việc hòa giải tha thứ.  Anh ấy, cô ấy cũng là “nhân,” vậy tôi còn ngần ngại gì nữa mà không tha thứ cho họ?!!!

Lạy Chúa, nếu Chúa xét xử con, liệu con sẽ ra sao?

Br. Huynhquảng

[1] William J. Bausch, A World of Stories (The Blackrock: Colomba Press, 1998) 233.

GIỌT NƯỚC MẮT NGÀY ĐẦU TUẦN

Chỉ ngày hôm nay thôi, chị đã phải khóc đến ba lần.

Suốt đêm hôm qua, chị hầu như không thể nào ngủ được.  Mọi hình ảnh cứ dồn về.  Hình ảnh người ấy cứ lởn vởn trong tâm não chị.  Chị phải gọi người ấy như thế nào bây giờ nhỉ?  Là cha, là thầy, là anh, là bạn, thậm chí là em…  Chị không biết nữa.  Quả là người ấy đối với chị từng ấy cùng một lúc.  Chưa ai ban cho chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người cha nào.  Chưa ai dạy dỗ chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người thầy nào.  Chưa ai bênh vực chị nhiều cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người anh nào.  Chưa ai thân thiết với chị cho bằng người ấy, hơn bất cứ một người bạn nào.  Chưa ai tin tưởng vào chị nhiều bằng người ấy, hơn bất cứ một người em nào.  Và nhất là chưa ai yêu thương chị như người ấy, hơn bất cứ người cha, người thầy, người bạn, người anh nào. Biết bao lần chị đã từng nghe người ta nói với chị: “em là tất cả đối với với anh”, và chị thấy câu nói ấy rỗng tuếch đến nhói đau.  Thế mà những ngày qua chị thấy bằng kinh nghiệm những đêm thức trắng rằng người ấy là tất cả đối với chị.  Trọn cuộc đời chị chưa biết một người cha, một người thầy, một người anh, một người em.  Chị tìm thấy tất cả nơi Người ấy, để rồi chưa kịp mừng chị đã phải mang một cái tang: Người ấy chết rồi… Chết rồi?  Tự thâm sâu chị vẫn không thể nào tin được rằng người ấy đã chết.  Không thể nào chết được.  Một người có một con tim như thế thì không thể nào chết được.  Thế mà người ấy chết thật rồi.  Chính chị đã nhìn thấy tận mắt ở trên đồi khi người ấy chết, đã chứng kiến người ta tẩm liệm người, đã tiễn đưa người đến phần mộ, đã nhìn chằm chặp khi người ta lăn đá lấp cửa mồ, rồi ngồi quay mặt vào mồ cho đến tối mới chịu về…  Người chết thật rồi.  Không còn ai muốn nhớ đến người…  Không, còn chị chứ.  Dù mọi người quên thì chị không thể quên được người ấy.

zzTrời đã hừng sáng.  Chị có thể ra ngoài rồi.  Việc đầu tiên là đến thăm mộ người.  Chị sẽ là người đầu tiên đến đấy, có thể là người duy nhất, nhưng có sao đâu: chị đâu còn tim óc nào để nghĩ đến ai khác?  Chị đến mộ và khởi đầu ngày của mình với những giọt lệ: chị khóc.  Ai đã đánh mất xác người rồi.  Sao người ta lại ác thế nhỉ?  Hành hạ người đến như thế chưa đủ sao?  Bây giờ chỉ còn là cái xác mà họ cũng không để cho người yên.  Mắt đẫm lệ, chị tìm quanh.  Một ông làm vườn đang ở đấy.  Chị chẳng buồn tìm hiểu sao ở đây lại có một người làm vườn vào sáng tinh sương thế này.  Chị chẳng cần biết rằng một người làm vườn thì không ăn nhằm gì đến một thi hài.  Nhưng chị vẫn bám vào ông như người chết đuối bám vào thanh gỗ mục.

– Bác ơi, nếu bác có dấu thi hài của Thầy tôi thì cho tôi biết.  Tôi van bác.

Người làm vườn mỉm cười: “Maria!”  Tiếng nói này!  Giọng nói này!  Thôi đúng rồi!  Ơ kìa, không phải là người làm vườn, Thầy đấy.  Chị dụi mắt.  Chị không hiểu gì cả.  Vô lý, nhưng quả thật là Thầy.  Đúng là Thầy rồi. “Ôi Rabbi”.  Chị sà vào lòng Thầy.  Thầy ngăn lại: “Maria, đừng giữ lấy Thầy. Hãy đi gặp anh em Thầy và báo cho họ.”

Maria chạy vù xuống Nhà Tiệc Ly.  Chị chạy như đôi chân mọc cánh.  Nỗi vui mừng chưa lau kịp những giọt lệ còn đọng trên mi.  Có thể nào… Có thể nào?  Nhưng sự thật hiển nhiên rồi mà.  Chị chạy báo tin cho các tông đồ.  Chị vào phòng tiệc ly.

– Này các anh ơi, Chúa đã sống lại rồi! Tôi đã gặp Ngài…

Các tông đồ nhìn chị với ánh mắt thương hại và không có một phản ứng nào.  Rồi họ im lặng gục mặt trở về gặm nhắm nỗi thất vọng của mình.

– Thực sự Chúa đã sống lại rồi mà.  Tôi ra mộ thì thấy ngôi mộ trống không.  Sau đó tôi vào vườn tìm kiếm xác Ngài, và đã gặp Ngài.  Chính Ngài sai tôi đi báo tin cho các anh đây…

Đáp lại lời reo vui của chị là những tiếng thở dài:

– Anh Gioan, anh cũng không tin tôi sao?

Gioan trả lời chị với giọng nói thật dịu dàng:

– Chị Madalena à, chị cần phải xem chừng và giữ gìn sức khỏe đấy.  Từ ngày thứ sáu đến nay chị chẳng lo ăn uống ngủ nghỉ gì cả.  Chị phải cố gắng lên, cố gắng mà vượt qua.

Maria bật khóc. “Anh Phêrô, có phải cả anh cũng nghĩ như Gioan không?”

Phêrô nhìn chị với cái nhìn ái ngại, rồi cúi mặt để khỏi khóc theo chị.  Maria thét lên:

– Tôi hiểu rồi, tại vì tôi là con người tội lỗi, chẳng ra làm sao cả, nên các anh không chịu tin tôi. Phải chi tôi là người có thế giá và có đời sống đàng hoàng hơn để các anh tin…  Trời ơi, chẳng lẽ các anh lại không chịu tin rằng Chúa có quyền đến và Ngài đã đến với một con người hèn hạ như tôi sao?

Philip nãy giờ đứng im, tiến lại gần chị an ủi:

– Chị Madalena à, vấn đề không phải là ở chỗ đó.  Có bao giờ chúng tôi đặt vấn đề thế giá hay nhân đức với ai đâu.  Có lẽ là chị yêu thương Chúa quá đến độ chị hoa cả mắt, gặp ai cũng tưởng tượng là Chúa cả.  Chúng tôi thông cảm với chị lắm.  Chị biết đó, đám tang của Thầy cũng làm cho chúng tôi đau đớn lắm chứ…”

Maria gào lên:

– Không phải thế đâu anh Philip à.  Tôi có thể tưởng tượng được mọi chuyện, nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi là Thầy sống lại.  Chính Thầy đã gặp và nói với tôi mà…

Bây giờ Phêrô mới chịu lên tiếng:

– Chị Madalena à, có lẽ chị cần đi nghỉ đấy thôi…

– Đi nghỉ, đi nghỉ…. Không, đã đến lúc không thể nghỉ ngơi nữa rồi.  Chính các anh là những người đầu tiên tôi loan báo Tin Mừng mà các anh không chịu nghe.  Lời khuyên duy nhất của các anh, những người Thầy đã chọn, những người Thầy đã trao tất cả mọi bí mật của Thầy, lời khuyên duy nhất của các anh là bảo tôi đi nghỉ… Chao ôi, thế mà lời đầu tiên của Thầy lại cũng là một lời nhắn nhủ gởi đến các anh.  Thầy bảo các anh đi về Galilê để gặp Thầy nữa đấy.  Thôi! các anh có nghe không thì tùy ý…  Tôi đi đây.

Chị ra khỏi phòng tiệc ly, chị tức tưởi khóc.  Lần thứ hai trong ngày chị lại khóc.  Chị ra cổng thành.  Chị không còn muốn ở lại trong cái thành mà các tông đồ ngồi nhớ lại những lời hứa vinh quang, và giờ đây đang sợ hãi nuối tiếc. Chị ra cổng thành, nơi mà người ta đã muốn ném đá chị.  Nơi mà lần đầu tiên chị đã bắt gặp ánh mắt thứ tha cùng với tình yêu đã thay đổi cuộc đời mình, một tình yêu vượt qua cái chết…  Chị đã thấy Tình Yêu phục sinh, nhưng chị vẫn đau quặn thắt vì những người tin cẩn nhất của Thầy lại không chịu tin.  Họ còn ngồi toan tính phải tiếp tục sống với một xác chết! Chị gục mặt khóc, gục mặt sâu hơn ngày bị người ta chửi bới, lên án, dày vò…

– Maria!

Chị nhìn lên Thầy với đôi mắt đẫm lệ.  Phải nói với Thầy làm sao đây?  Chắc Thầy buồn lắm.  Mà quả thật gương mặt Thầy thật buồn

– Thầy biết rồi!  Con đừng buồn nữa.  Hãy đi cùng Thầy đến thăm họ.

Nụ cười chợt nở lên môi. Maria chạy theo Thầy trở về phòng tiệc ly.  Các môn đệ vẫn còn ngồi đấy… Thầy vào: “Bình an cho anh em!”

Mọi người ngơ ngác.  Họ vẫn chưa tin.  Họ hoa mắt hết như Maria Madalêna rồi chăng?  Thầy phải bảo họ mang lại một cái gì đó cho Thầy ăn.  Bây giờ họ mới biết rằng Thầy đã sống lại…

– Thầy đã nói với anh em nhiều lần là Thầy sẽ sống lại, anh em quên rồi sao?

Gioan đáp thay cho mọi người: Thưa Thầy, con tin mà! Con tin từ khi thấy lưỡi đòng đâm qua lồng ngực Thầy, con tin từ khi con và Phêrô nhìn thấy ngôi mộ trống.

Sự ngạc nhiên chẳng mấy chốc biến thành một niềm vui ồn ào, và các tông đồ lên tiếng hỏi: “Thưa Thầy, có phải giờ này là lúc Thầy khôi phục vương quyền cho Israel không?”  Giọng Chúa buồn hẳn xuống: “Anh em không cần biết giờ ấy, nhưng anh em hãy đi làm chứng cho khắp thế gian rằng Thầy đã sống lại, thế thôi”

Nói xong, Chúa cúi mặt ra đi, mà không dừng lại nhìn Maria.

Maria bật khóc, nước mắt chị cứ trào mà chị không làm sao giữ lại được.  Chị nhớ lại ánh mắt yêu thương của Thầy, một tình yêu đưa Ngài lên Thập giá.  Chị nhớ lại tiếng kêu thảm thiết trước khi trút linh hồn: Ta Khát!  Chị hiểu rằng Thầy còn phải khát lâu lắm.  Thầy chỉ là Tình Yêu, Thầy có chút quyền bính nào để trao cho ai đâu, vậy mà môn sinh của Thầy chỉ biết có thế, họ mong ngồi bên hữu bên tả Ngài không phải để yêu thương mà là để hưởng phần quyền bính.  Chị không thể nói thành lời, nhưng chị đau lòng quá khi thấy rằng những người Ngài tuyển chọn đã không chịu nhìn nhận sự Phục Sinh của Tình Yêu mà chỉ hướng vào sự phục sinh của uy quyền.

Chúa Giêsu bỏ đi mà không nói lời nào với Maria, dù Ngài thừa biết rằng đây là lần thứ ba chị khóc trong ngày hôm nay, một ngày mà đáng ra chị phải vui mừng nhảy múa.  Hai lần trước, Ngài đã yên ủi chị, nhưng lần này thì không.  Ngài vội vã ra khỏi phòng tiệc ly.  Ngài cúi mặt bước nhanh. Hình như Ngài cũng khóc

Trần Duy Nhiên

 

LỜI TÂM TÌNH

Lời tâm tình là lời nói trên môi miệng, nhưng phát xuất từ con tim. Là lời nói của một người thân dành cho một người thân.  Là tâm huyết của một người bạn dành cho một người bạn…Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói về người bạn ấy: Người bạn chài bên bờ hồ Tibêria của miền đất Do Thái – Palestine năm nào.

***

Thầy ơi! Thầy có biết không cái ngày Thầy chết treo trên thập giá, và thân xác Thầy đã vùi sâu trong mộ đá.  Ngày đó cũng là ngày con đánh mất niềm tin, đánh mất phương hướng cuộc đời. Con sợ hãi và trốn chạy, con trở về với cuộc sống bình thường của người dân chài bên biển hồ. Cũng tại biển hồ này năm xưa, Thầy đã đến bên con, mời gọi con bước đi theo Thầy. Những ngày sống bên thầy, bước đi theo Thầy, lòng con rộn rã những niềm vui… Nay không còn nữa.

Hôm nay con theo Phêrô và các bạn chài đi đánh cá. Vất vả cả đêm, công sức bỏ ra thì nhiều nhưng không bắt được gì. Chán nản và mệt mỏi đè nặng lòng con. Con thu lưới chuẩn bị ra về vì trời đã gần sáng. Con hoang mang lo lắng vì không bắt được gì, rồi gia đình con sẽ lấy gì mà ăn? Sẽ sinh sống ra sao?  Nhưng có tiếng ai đó trên bờ vang vọng ra xa: “ Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, sẽ bắt được cá”. Con làm theo và bắt được rất nhiều cá, cá đầy lưới không sao kéo lên nổi. Lạ lùng quá! Không sao hiểu được mẻ cá lạ đầy thuyền này.

Trong lúc tay con đang nhặt cá, thì tay của Gioan chỉ lên bờ và nói nho nhỏ “Chúa đó”.  Con nhìn theo hướng tay của Gioan chỉ, nhưng chỉ thấy một bóng hình mờ mờ, con vui mừng khi có ai đó nhắc đến tên Thầy, nhưng lòng con đầy hoang mang nghi ngờ: “Thầy đã chết rồi mà. Thân xác Thầy đã vùi sâu trong mộ đá, thì làm sao Thầy có mặt ở đây được ? Hình bóng đó đâu phải là hình bóng của Thầy”.  Phêrô ngồi bên cạnh con nhặt cá, nhưng khi nghe tiếng Gioan nói “Chúa đó”, ông đã đứng dậy bỏ lại con một mình bên mẻ cá lạ, mặc áo vào, nhẩy xuống nước, ông bơi vào bờ để đến bên Thầy.

Con ngồi một mình bên mẻ cá lạ mà lòng tự hỏi lòng: – Tại sao con không có sự nhậy bén của Gioan để nhận ra hình bóng của Thầy? Phải chăng con không “yêu nhiều” như Gioan, nên đã không nhận ra Thầy.  – Tại sao con không có sự hăng say nóng bỏng của Phêrô để chạy ngay đến bên Thầy? Phải chăng lòng con còn đầy tự ti mặc cảm vì  những lỗi phạm và đam mê yêu đuối của con người?  Phải chăng con còn nghi ngờ, không tin tưởng vào lòng yêu thương tha thứ của Thầy?

zzRồi con cũng lên bờ và đến bên Thầy. Như một người mẹ, Thầy chuẩn bị bữa ăn sáng cho con.  Bên bếp lửa hồng, có cá có bánh,Thầy bổ sức cho con. Bên Thầy, con được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Bên Thầy con được ăn ngon và ấm lòng nhưng sao con vẫn ngại ngùng, ngại vì con sợ Thầy nhắc đến những lỗi lầm yếu đuối của con: – Con ở đâu khi Thầy bị bắt và bị xét xử như một tên tội phạm?- Với thân tàn lực kiệt,Thầy vác thập giá lê bước trên đường ra Núi Sọ, lúc đó con ở đâu? – Con ở nơi nào khi Thầy giang tay hấp hối trên thập tự? – Con ở đâu khi người ta mai táng Thầy trong huyệt mộ?…  Nhưng Thầy đã không hề nhắc đến lỗi lầm phản bội của con. Thầy giơ tay vẫy gọi con đến bên Thầy, Thầy trao vào tay con nào là cá nướng, nào là bánh thơm. Thầy nói nhỏ vào tai con:  “Ăn đi! Ăn đi cho no thỏa!”.  Con không còn nghi ngờ thắc mắc nữa, vì con biết rõ: Đó là Thầy.

Trong bữa ăn sáng bên bờ hồ hôm đó, Thầy trao cho Phêrô một công việc, Thầy mời gọi Phêrô cùng cộng tác với Thầy: ” Hãy chăn dắt chiên mẹ, chiên con của Thầy”. Đó là lời Thầy nói với Phêrô, nhưng con nghe như Thầy nói cả với con nữa. Thầy cũng mời gọi con cộng tác với Thầy để chăn dắt chiên mẹ chiên con của Thầy.  Nhưng đâu là chiên mẹ, đâu là chiên con mà Thầy trao cho con chăn dắt hôm nay?

Ngồi bên Thầy, vừa ăn con vừa nghe Thầy hỏi Phêrô: “ – Phêrô! Anh có yêu mến Thầy không ?”  Thầy hỏi Phêrô mà con nghe như Thầy hỏi chính lòng con. ”- Anh có yêu mến Thầy không ?”  Phêrô có câu trả lời của ông, nhưng còn con, con trả lời ra sao đây, hả Thầy ? Yêu Thầy sao con không giữ giới răn của Thầy?  Mến Thầy sao con vẫn phạm tội, vẫn phản bội Thầy? Con trả lời Thầy ra sao đây?

Và Thầy ơi! Thầy biết tất cả. Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến thầy…

Linh Xuân Thôn
(BĐ1: Acts 5:27-32,40-41 – BĐ2: Rev 5:11-14 –  PÂ: Gioan 21:1-19)

ÐỒNG HÀNH VỚI CHÚA

Một cậu con trai vừa tròn mười ba tuổi đã quyết định đến gặp một võ sĩ để xin thầy luyện cho cậu một môn võ Judo, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, trong một tai nạn, cậu đã bị cụt mất cánh tay bên trái, vậy mà một võ sĩ Nhật nọ vẫn đồng ý nhận anh làm đệ tử.  Cậu con trai rất đỗi vui mừng và ra sức luyện tập, tuân thủ nghiêm nhặt những điều thầy chỉ dạy và anh ta thực hành rất nhuần nhuyễn những bài học thầy mình đã truyền.

Thời gian trôi qua, cậu theo thầy đã lâu nhưng cậu thắc mắc tại sao thầy chỉ dạy cho cậu một thế võ, một đường quyền duy nhất và ngày nào cậu cũng chỉ luyện tập có thế thôi, cậu bèn xin thầy truyền thêm cho cậu một vài thế võ nữa, vài những đường quyền khác mà cậu thấy những người khác đã biểu diễn rất đẹp mắt.  Võ sư trả lời:

– Con chỉ cần biết đường quyền ấy mà thôi và đó là đường quyền duy nhất cần thiết cho con, nên con phải học biết và tập luyện cho nhuần nhuyễn.

Mặc dù không thích thú gì với lời giải thích của thầy nhưng cậu tin tưởng vào thầy và tiếp tục luyện tập mỗi ngày một trở nên điêu luyện hơn.  Vài tháng sau đó, võ sĩ cho cậu tham gia một trận đấu võ.  Cậu cảm thấy rất ngạc nhiên vì mình đã thắng hai trận đấu đầu tiên cách dễ dàng.  Trận đấu thứ ba chắc chắn sẽ khó khăn hơn và thử thách cậu nhiều hơn, nhưng rồi cậu cũng đã nhanh chóng khống chế được đối thủ thứ ba của mình.  Trọng tài đã thổi còi chấm dứt trận đấu trước sự ngạc nhiên của biết bao nhiêu người, bởi cậu đã thắng được những đối thủ của mình là những võ sĩ có thân hình cường tráng và mạnh khỏe hơn, giàu kinh nghiệm hơn trong trường thi đấu.  Cậu đã đoạt giải vô địch trong trận đấu.

Trên đường trở về nhà, cậu hỏi võ sư của mình:

– Thưa thầy, tại sao con thắng một cách dễ dàng như vậy với chỉ bằng một đường quyền duy nhất.

Võ sư trả lời:

–  Con đã thắng được nhờ hai lý do: thứ nhất là vì con đã thành thạo và nhuần nhuyễn đường quyền khó nhất trong võ đạo Judo, thứ hai là vì đường quyền đó làm cho đối thủ của con phải bối rối vì không bao giờ chụp được cánh tay trái của con.

****************************************

zzCậu con trai đã thành công mỹ mãn bởi anh đã trung thành với người thầy dày dạn kinh nghiệm và hoàn toàn tin tưởng vào lời thầy dạy, cho dù có những lúc anh cảm thấy nhàm chán với việc tập luyện một đường quyền duy nhất.  Thầy của anh cũng giúp anh gặt hái thành công mỹ mãn là vì ông đã hiểu được ưu khuyết điểm của thế võ cũng như của chính người học trò thân tín của mình.  Sống trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có những vị thầy để hướng dẫn chúng ta gặt được những hoa trái của thành công và ngay cả những thầy dạy cho chúng ta biết thế nào là thất bại.

Mỗi tín hữu Kitô chúng ta cũng có một vị thầy cao cả và muôn thuở là Chúa Giêsu Kitô, Người đã chiến thắng và sẽ giúp chúng ta đạt tới sự toàn thắng.  Có thể nói mùa phục sinh là thời gian chúng ta sống trong niềm vui chiến thắng.  Chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng sự chết.  Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, vượt qua cái chết để bước vào vinh quang phục sinh.  Con đường đó Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tiếp bước để gặt hái được những hoa thơm trái ngọt của sự sống vĩnh hằng.  Nhưng để được như thế, trước hết mỗi chúng ta phải biết làm theo những gì Người đã dạy chúng ta, vì chúng ta tin rằng Người thấu hiểu tất cả chúng ta và từng người chúng ta nhiều hơn cả những gì chúng ta biết về mình.  Người biết con đường nào sẽ đưa chúng ta đến thành công và hạnh phúc viên mãn.

Với niềm tin tưởng đó chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những gì là gian nan, thử thách của cuộc sống cũng những gì là nhàm chán của cuộc đời với ý thức rằng chỉ có Chúa tồn tại muôn đời và muôn đời toàn thắng.  Hãy cùng đồng hành với Người để đi qua các giai đoạn của cuộc sống.  Như thế chắc chắn chúng ta sẽ luôn cảm nhận được bình an, hạnh phúc với niềm vui nội tâm sâu xa.

Cầu chúc quí vị và các bạn luôn cảm nghiệm được niềm vui thánh này không chỉ trong mùa phục sinh, mà trong suốt cuộc đời của bạn dọc trên cuộc lữ hành trần thế.

R. Veritas

CHIA SẺ NIỀM VUI

Thời gian đã thấm thoát trôi qua mau thật, từ ngày nào tôi còn là người Phật tử, nhưng giờ đây, tôi không những được trở về trong vòng tay tình thương của Chúa và Mẹ Maria, mà tôi còn được làm con của Chúa và Mẹ nữa, tôi thật vui sướng biết bao.  Đây là Hồng Ân cũng là món quà Chúa đã ban tặng cho tôi.

zzTôi không nghĩ rằng, tôi sẽ trở thành người con của Chúa và Mẹ, vì bao nhiêu sự cản trở của gia đình tôi, bao nhiêu đau buồn, bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống đã hiện ra trước mắt tôi.  Tôi cũng nhận thấy việc tôi trở lại Đạo đã làm xáo trộn gia đình của tôi, và tôi thấy mình bất lực, không thể làm gì cho gia đình hiểu được.  Tôi phải đối diện với những biến động trong cuộc sống, buộc tôi phải chọn một trong hai: Thiên Chúa hay gia đình.  Thật là cuộc lựa chọn cam go, tôi chẳng biết phải làm sao.  Nếu chọn lựa Chúa thì gia đình nói tôi là một người sống ích kỷ, sống chỉ biết bản thân mình.  Còn như tôi chọn gia đình thì linh hồn tôi sẽ ra sao?  Gia đình tôi nói Đạo gì không bằng Đạo gia đình, miễn sao mình sống tốt là được, thật là một sự chọn lựa khó khăn.

Mọi người trong gia đình tôi không hiểu được cuộc sống này.  Nó có tồn tại mãi mãi hay không?  Không lẽ mình sống hoài không chết?  Nếu như chết mình phải về đâu?  Mình có thể tự lấy cứu mình được không?  Bao nhiêu vấn đề phức tạp này, buộc tôi phải chọn lựa Thiên Chúa mà thôi.  Vì vậy, tôi không thể nào từ chối lời mời gọi của Chúa.  Tôi muốn trở về được sống trong tình thương, trong vòng tay của Chúa và Mẹ, để được nhận lãnh ơn tha thứ.  Mỗi lần tôi muốn gục ngã, tôi cảm nhận được Chúa và Mẹ nâng đỡ, dìu dắt tôi.  Chưa bao giờ tôi có được những cảm xúc chân thành như tôi đang có với Thiên Chúa và Mẹ Maria.  Tôi biết, lúc nào Chúa và Mẹ cũng ghé mắt quan phòng từng hành động, từng suy nghĩ của tôi, để tha thứ, để ngăn cản, để giúp tôi vượt qua sự mỏng dòn, yếu đuối nhất của mình để không bị mất linh hồn.  Cuộc sống của tôi bây giờ, hay con người của tôi sau khi chết, hoàn toàn thuộc về Ngài.

Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội Phục Sinh này, xin Chúa là ngọn lửa thiêng soi sáng tất cả mọi người trong gia đình tôi, và cả những người chưa biết Chúa, những người nguội lạnh thờ ơ với Chúa, được ơn trở về với Người Con Một chí ái, và Mẹ Maria.  Thiên Chúa nhân lành đang dang rộng vòng tay chờ đón những người con tội lỗi trở về để che chở, để nâng đỡ, để tha thứ mọi lỗi lầm, để thanh tẩy chúng ta trở thành con người mới.

Lạy Chúa Phục Sinh, con cầu xin Chúa luôn là ánh sáng, là ngọn đèn soi sáng dìu dắt cho chúng con bước theo chân lý của Ngài, để chúng con biết đặt niềm tin vào Ngài, để được cùng chết và cùng trỗi dậy như Ngài đã Phục Sinh.  Amen!

Maria Đỗ Thị Hòa