SÁM HỐI Ở PHÍA BÊN KIA ĐỒI

zzLái xe ra khỏi cổng nhà tù, hình ảnh những giọt nước mắt sám hối của anh chị em tù nhân như nhỏ vào lương tâm mình đến buốt lạnh.  Tôi bắt đầu tập làm mục vụ ở trại tù sau ngày chịu chức.  Lòng hăng say trong những tháng ngày đầu của đời linh mục thôi thúc lên đường.  Đoạn kinh thánh của Isaiah mà Chúa Giêsu cảm nhận “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Luca, 4:18-19) như nói với riêng mình hôm nay để hăng say lên đường.  Thế nhưng trong niềm hăng say đó, tôi dường như cảm thấy có xen lẫn cả men kiêu hãnh của người biệt phái, men tự hào của kẻ đã được xức dầu Thánh Hiến.  Tôi đến với anh chị em tù nhân với tâm tình yêu thương pha trộn thái độ của kẻ đến ban ơn.  Nhà tù nằm ở một góc xa vắng, cuối bên kia chân đồi.  Cây cỏ xơ xác, ngoại trừ những cách xương rồng trơ trụi.  Dưới chân đồi là dãy kẽm gai lạnh buốt, sắc bén hơn cả gai xương rồng.  Nó cho tôi cái cảm giác của niềm đau.  Đã nhiều lần tôi do dự đến đó.  Tôi thích ở gần bàn thờ có hoa, có nến, có bước chân người quen rộn rã chào đón.  Rồi một chiều trời thu, tôi rời bàn thờ hoa nến, nơi rộn rã phố phường, và đi về nơi phía chân đồi ảm đạm ấy.

Tôi say mê nói chuyện với anh chị em về Thiên Chúa, về cuộc đời, về sám hối, và về niềm hy vọng.  Họ âm thầm nhẫn nại lắng nghe, lắng nghe chân thành lắm!  Rồi trong một khoảnh khắc bất chợt, tôi thấy những bàn tay say mê đếm nốt cuộc đời trên những chuỗi tràng hạt đã sờn mòn.  Có những đôi tay ôm gọn cuốn Kinh Thánh trong lòng với những trang sách đã vàng úa của thời gian.  Hoá ra, có người đã đến với Đức Maria từ những ngày bước chân vào cổng trại giam.  Có người đã gặp Đức Kitô qua những trang Kinh Thánh đã phai màu giấy lụa.  Chúa Kitô đã đồng hành với họ vào những nơi xa xôi nhất của cuộc đời.  Sau tấm màn sắt lạnh lùng của dãy nhà tù, tôi gặp gỡ những mùa sám hối trọn vẹn quá.  Thời gian và ơn thánh đã giúp thanh tẩy bụi trần.  Lòng sám hối và đạo đức của một số anh chị em trong tù thách đố thái độ sống đạo của tôi.  Ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa đây?  Người đi tu, hay kẻ ở trong tù?  Tôi bắt đầu băn khoăn, nhớ lại lời Kinh Thánh,“ Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.”  Tôi ở trong đám người nào đây?

Hàng ngày tôi đến nhà thờ và đọc kinh cáo mình mỗi sáng, nhưng trong lòng chưa bao giờ có những giọt nước mắt ăn năn.  Cạm bẫy cõi lòng có khi dùng giáo đường che đậy lương tâm.  Nó cho mình một cảm giác an tâm của người biệt phái: lễ lạc, kinh nguyện, làm việc mục vụ là thay cho của lễ hiến tế!  Hôm nay nghe Thánh Kinh chất vấn,“ Máu chiên bò Chúa không ưng, lễ toàn thiêu Chúa không nhận.  Chúa chỉ nhận tấm lòng tan nát khiêm cung.”  Tôi do dự.  Thật khó có tấm lòng tan nát khiêm cung, nhất là khi mình đang ở trên ghế cao của địa vị, ghế cao của kẻ phán xét.  Những chiếc ghế ngăn cản tìm về sám hối.  Những chiếc ghế khơi dậy nhiều thành kiến về con người hơn là nuôi dưỡng tâm tình bao dung.  Tôi ăn chay thỉnh thoảng vào mùa chay, và bố thí những lúc tùy hứng. Những anh chị em trong tù không có chọn lựa để ăn cái này hay bớt cái kia.  Họ đã sống với những năm tháng của mùa chay.

Trước khi vào giúp trại tù, hình ảnh của những tội phạm gợi lên trong tôi những ấn tượng tiêu cực về những con người sa ngã.  Sau một thời gian đến với họ, tôi thấy chính mình mới là người cần thay đổi.  Thay đổi thái độ về con người, nhất là những người tù đày.  Có một lần, ánh mắt xa xăm của người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi đang nói chuyện làm lòng mình xe lại.  Chị  nhìn những bông hoa dại bên hiên nhà tù rồi nói: “Cha biết không, nhìn những bông hoa dại làm tôi nhớ đến những cánh hoa trong vườn ngày xưa.  Những lúc tưới hoa, hai đứa bé quấn quýt chân mẹ như những mèo con thơ dại.  Đùa giỡn, ôm ấp, rồi bỗng một ngày mẹ con chia li.  Vậy mà đã năm năm xa tụi nhỏ.  Gia đình tôi ở Hawaii.  Xa quá.  Mong sao có ngày về gặp lại con.  Tôi muốn dành cả cuộc đời còn lại để chăm sóc con mình.” 

Lòng sám hối và yêu thương tràn ngập lòng chị.  Hoá ra trong những lầm lỗi, ơn thánh đã mở lối đưa về yêu thương.  Tôi không hỏi tại sao chị vào tù?  Đó không phải là câu hỏi của hiện tại.  Nhưng cảm nhận sự biến đổi của ơn thánh trong phút giây hiện tại nơi một tấm lòng rạn vỡ mới là giây phút thiêng liêng, nó mở lối cho màu nắng hy vọng trong buổi chiều ảm đạm.  Lạ quá, trong cái mịt mù ảm đạm ấy, Chúa đã đến bên họ để khơi dậy lòng tin yêu, để họ biết khóc, biết sám hối và biết hy vọng.  Những bức tường kín không ngăn cản được ơn thánh.  Ơn Thánh vào thăm tù không cần giấy tờ hay thẻ I.D để qua cổng an ninh.  Cũng không cần chìa khoá của người cai tù để mở cửa phòng giam, nhưng có sức mạnh mở toang cánh cửa tâm hồn ngay cả khi họ đang bị nhốt kín sau khung cửa.  Ơn thánh rửa sạch lương tâm và giúp họ làm lại cuộc đời.  Tôi nói với chính mình, còn mùa sám hối nào đẹp hơn những mùa sám hối tôi gặp bên kia lưng đồi ấy.  Họ giúp tôi hy vọng về một tình thương quá vô biên.  Họ giúp tôi thật sự tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Trời.

Tin mừng hôm nay cũng chất vấn tôi về thành kiến văn hóa và tôn giáo.  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và đám đông về chuyện “Mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.  Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?  Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Luca, 13, 1-5).

Thành kiến về bất hạnh và đau khổ gắn liền với tội lỗi đã bàng bạc trong thời Chúa Giêsu.  Quan niệm này cũng bàng bạc trong Kitô Giáo mấy ngàn năm nay.  Nếu đau khổ nào cũng do tội lỗi, do ăn ở thất đức thì tôi lo quá.  Trước hết là lo cho Chúa Giêsu sẽ bị kết án oan “có lẽ ăn ở thất đức mới bị treo lên thập giá.”  Lo lắng thứ hai là lo cho Đức Mẹ cũng bị liệt kê vào nhóm ấy, “ăn ở ra sao mà cả Mẹ lẫn con phải đau khổ.”  Lo lắng thứ ba là cho anh chị em đang bất hạnh, đã đau khổ rồi lại thêm lời xì xào.  Lo lắng cuối cùng là khi đánh giá anh chị em mình dựa theo thành kiến văn hoá và tôn giáo, thì nó ngăn cản tự do nội tâm của tôi, một thứ tự do cần thiết để yêu thương và sống hạnh phúc.

********************************

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay nhắc cho con vài điều quan trọng.  Không phải đau khổ nào cũng do tội lỗi.  Điều khác, khi nhìn anh chị em trong tù đã từng nhuốm vết nhơ bụi trần mà tình thương và ơn thánh Chúa vẫn hằng tuôn đổ để  làm  đời họ tái sinh, con cũng ước ao có được tâm tình sám hối như họ.  Con cần ơn thánh Chúa để được biến đổi để sống tự do là người con của chân lý, và khát khao  có cái nhìn bao dung của Chúa, để rộng lượng với anh chị em con.  Người đời thường nói “Ác quả ác báo,” nhưng con tin rằng Chúa không báo ác như người đời chúng con thường nghĩ.  Ước gì lời Kinh Thánh hôm nay luôn là ánh sáng soi dẫn lương tâm chúng con.  Amen!

Nguyễn Thảo Nam, S.J.

NHÌN SÂU HƠN ĐỂ CẢM THÔNG HƠN

Ông Steve Covey là tác giả cuốn sách nổi tiếng, Bảy Thói Quen của Người Thành Đạt, đã kể một câu chuyện mà làm cho những ai khi nghe câu chuyện có thể phần nào giúp họ cẩn trọng hơn trong việc xét đoán, nhưng cũng nhạy bén hơn trong cái nhìn bao dung và sâu rộng hơn.

Trong một chuyến tàu điện ngầm tại New York vào sáng Chủ Nhật, ông Steve cùng nhiều hành khách đang ngồi yên lặng thoải mái trong toa tàu và đang cảm hưởng bầu khí yên tĩnh.  Đến một trạm dừng, một người đàn ông và vài đứa con nhỏ của ông bước lên.  Những đứa bé này không chịu ngồi yên vào nghế của mình, nhưng chúng lại chạy lui chạy tới và la hét lớn tiếng trong toa tàu.  Ông Steve cảm thấy khó chịu và tự hỏi tại sao người đàn ông này lại để con cái mình gây ồn ào trên toa tàu như vậy.  Những đứa trẻ ấy mỗi lúc mỗi gây ồn ào và xáo trộn hơn trong toa tàu. Dần dần, ông Steve cũng nhận thấy sự khó chịu ra mặt của các hành khách khác.  Cuối cùng, vì không thể chịu nổi, ông Steve đứng lên và tiến vế phía người đàn ông vừa mới lên tàu và nói. “Thưa ông, con cái ông làm phiền mọi người quá, ông có thể bảo chúng ngồi yên vào ghế được không?”  Người đàn ông nhìn ông Steve và nói, “Ông nói đúng.  Tôi cũng muốn làm điều gì đó cho chúng.  Chúng tôi vừa từ bệnh viện trở về vì mẹ của chúng vừa mất cách đây một giờ.  Chính tôi cũng không biết tôi phải làm gì bây giờ; và tôi nghĩ những đứa con tôi cũng vậy.”[1]

*************************************

Quí vị và các bạn thân mến, câu trả lời của người đàn ông làm cho ông Steve tê tái và lặng người.  Ông Steve đã nhìn mọi người theo tiêu chuẩn của ông, và cũng muốn họ nhìn theo cách của ông, nên ông đã không thấy được nỗi đau của người đàn ông vừa mất vợ, và những đứa trẻ vừa mất mẹ.  Những lời xin lỗi của ông Steve đến ngay sau đó, nhưng dường như bầu khí nặng nề bao trùm trong tâm hồn của ông Steve và cả toa tàu.

Kinh nghiệm của ông Steve Covey cũng chính là kinh nghiệm của mỗi chúng ta trong cuộc sống thường nhật.  Chúng ta dễ dàng “chụp mũ” người khác bằng những hiện tượng bên ngoài và kết án họ một cách nhanh chóng theo lối suy nghĩ chủ quan của mình.  Một hành động xem chừng như không hợp lý của người thân mình; một câu nói xúc phạm đến mình; một cử chỉ gây bực bội cho mình… Những điều đó đều có nguyên nhân của nó.  Có thể những người ấy muốn hãm hại mình, hạ thấp phẩm giá của mình, nhưng biết đâu những con người đã xúc phạm chúng ta đó, họ cũng mang trong tâm hồn một nỗi đau thầm kín, một sự mất mát, hay một vấn đề nan giải mà họ mới gặp phải thì sao?  Biết đâu những người đó vừa bị mất việc làm, vừa bị một người bạn phản bội; hay có khi người thân của họ vừa gặp tai nạn thì sao?  Có thể người gây lỗi cho chúng ta cũng là nạn nhân của một sự hiểu lầm nào khác vừa giáng xuống trong cuộc đời họ thì sao?

Các bạn có bao giờ thử suy nghĩ về vấn đề này chưa?  Có bao giờ bạn thấy được nỗi đau của người mà theo bạn là không thể tha thứ được chưa?  Bạn có thử nhìn xa hơn một chút và nhìn sâu hơn một chút để khám phá những gì đang ẩn sâu trong tâm hồn của con người mà mình không thể tha thứ ấy chưa?

Bạn thân mến, để chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác một cách chân thật, chúng ta cần học biết cách nhìn đằng sau của sự kiện, bên trong của sự kiện hơn là vội vàng xét đoán và phản ứng theo thành kiến cá nhân mình.  Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, chúng ta ít nhiều đều nghe thấy những cuộc cãi vả, mất mối dây thân tình chỉ vì sự hiểu lầm và thiếu khả năng nhìn đằng sau và bên trong của mỗi sự kiện.

Trong tâm tình Mùa Chay, tôi mời bạn hãy thử áp dụng cách nhìn xa hơn một chút về người khác.  Với cái nhìn bao dung và thấu đáo ấy, chắc chắn bạn sẽ bước những bước tiến lớn lao trong tiến trình học làm người và sống như con người trong Mùa Chay này.

*************************************

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con khả năng biết nhìn lầm lỗi của người khác với ánh mắt cảm thông và bao dung.  Với ánh mắt nhìn xa hơn, sâu hơn đối với mỗi con người, chúng con sẽ dễ dàng hơn trong việc tha thứ cho người khác.  Amen!

Br. Huynhquảng

[1] William J. Bausch, A World of Stories (Blackrock: The Columba Press, 1998), 214.

MAU MAU SÁM HỐI

Ngày xưa, cha ông chúng ta không cần tới những phương tiện hiện đại để biết được thời tiết, khi hậu … trái lại, họ chỉ dựa vào những hiện tượng trong thiên nhiên để biết được thời tiết nắng mưa, như tục ngữ ca dao đã diễn tả: ”Gió đàng nam vừa làm vừa chơi”.  Đôi khi chỉ cần quan sát những phản ứng của thú vật, họ cũng biết được thời tiết. Chẳng hạn như :”Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.”

***

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng khuyến khích ta hãy nhìn vào những sự kiện, những biến cố xảy ra hàng ngày chung quanh ta, để nhờ đó mà biết được Thánh Ý Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay đã đưa ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là những người Galilêa bị Philatô giết và trường hợp thứ hai là mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết.  Dân Do Thái thời bấy giờ đã cho rằng những người bị chết là những kẻ tội lỗi cho nên bị Chúa trừng phạt.  Thế nhưng Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay lại nhắc nhở ta một quan niệm khác, Ngài coi những biến cố đau thương và đẫm máu ấy như là một tiếng chuông cảnh tỉnh được gởi đến ta, để ta ăn năn sám hối, tu chỉnh cuộc sống và quay trở về cùng Thiên Chúa.

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi ta sám hối: “Hãy sám hối, nếu không ta cũng sẽ bị tiêu diệt như những nạn nhân của biến cố tháp Silôê, hay như những người bị thảm sát dưới thời Tổng trấn Philatô”.

Ngày nay, báo chí, truyền hình, radio đã đưa tin về những tai nạn chết người: Xe đụng, tàu chìm, phi cơ rớt, động đất, hoả hoạn ..v..v.. Tại sao người ta gặp nạn, mà không phải là tôi?  Đừng dựa vào những may mắn trong cuộc sống, để yên trí rằng mình sống trong sạch, tốt lành; để tạo cho mình mối an tâm được Chúa ưu đãi hơn những người khác; để không lo hoán cải, không lo đổi mới.

zzCây vả trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng ở trong tình trạng an toàn.  Nó không cho trái độc, không làm hại vườn nho, không phá vỡ khung cảnh đẹp của miếng vườn. Nhưng nó chỉ phạm một tội duy nhất:  tội làm hại đất, tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh hoa trái.

Cuộc sống người Kitô hôm nay cũng thế.  Đôi khi ta cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi. Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai, nhưng lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt trong khả năng và bổn phận phải làm.  Khi không làm điều tốt cho đời và cho người, là ta tiếp sức cho sự dữ tung hoành.  Sống đạo không phải chỉ là lo tránh tội, mà còn là tích cực gieo rắc và phát huy cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống.

Thiên Chúa nhân từ, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi. Ngài còn hoãn lại cho ta một kỳ hạn nữa. Nhưng hãy mau mau sám hối kịp thời.  Bao lâu còn sống, là như cây còn xanh tươi.  Lúc còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.  Có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.  Hoán cải, đổi mới, không bao giờ là quá trễ.  Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa, là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.

Mùa Chay là mùa sám hối, mùa đổi mới. Mùa Chay không phải chỉ để thú tội, mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.  “Đổi mới hay là chết”. Có một thời người ta đã hô vang khẩu hiệu này. Và đây cũng là đòi hỏi của Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Hoán cải là vấn đề tức thời và cấp bách.  Hãy mau mau sám hối, hãy tin tưởng vào Chúa và bắt đầu ngay hôm nay, kẻo không còn kịp nữa .

***

Lạy Chúa!  Xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết ăn năn sám hối, biết tu chỉnh cuộc sống mà quay về với Chúa.  Xin cho con một trái tim mới, trái tim của yêu thương, tin tưởng và cây trông phó thác vào một mình Chúa.

Ước gì con biết nhìn mọi người bằng trái tim yêu thương của Chúa, con biết luôn khắc ghi trong lòng tâm tình “mến Chúa yêu người” mỗi ngày mỗi hơn. Amen.

Tổng hợp từ Veritas
(BĐ1:Exodus 3:1-8,3:13-15 – BĐ2:1Cr.10:1-6 &10:10-12 – PÂ: Lc.13:1-9)

NƯỚC MẮT LÀ QÙA TẶNG CỦA THIÊN CHÚA

Tôi đến chỗ làm năm phút sớm hơn giờ hẹn.  Vào văn phòng gặp ông xếp, tôi hỏi  qua những việc làm.  Ông dẫn tôi đi một vòng tham quan và nói:

– Anh chỉ mở cửa, đóng cửa, chào khi khách đến và lúc họ về, chỉ họ phòng viếng xác và nhà vệ sinh chỗ nào. Nếu họ có thắc mắc nào khác, hỏi tôi.

Nói xong, ông trở vào phòng làm việc tiếp, còn tôi ngồi xuống cái ghế cạnh cửa ra vào bên góc phải.

Từ lúc bé, tôi vốn sợ ma, sợ người chết và nhất là sợ thấy những khuôn mặt sầu não với những giọt nước mắt.  Mỗi lần có đám ma đi ngang nhà, tôi trốn sâu trong phòng; nhắm mắt, bịt kín hai lỗ tai để khỏi phải nghe những tiếng than khóc.  Tôi sợ thấy cảnh ly tan.  Tôi trách mình vì đã chọn nơi đây thay đi làm bên nhà thương, trại tù, hay soup kitchen mới phải.  Làm việc thiện nguyện tôi có nhiều lựa chọn, nhưng không hiểu sao lại là nơi này?  Phải chăng đây là con đường Chúa muốn tôi đi?  Phải chăng Chúa muốn tôi đối diện với chính nỗi sợ mà tôi muốn trốn chạy bao nhiêu năm nay?  Phải chăng Ngài muốn dạy tôi điều gì?

Đang miên man suy nghĩ, tôi nghe loáng thoáng có tiếng chân và giọng nói bên ngoài.  Một người thiếu phụ tuổi trạc 50 và một cô gái trẻ chừng 20 bước vào.  Người thiếu phụ mặc bộ đầm đen và đầu phủ một tấm voan đen làm nổi bật làn da trắng của bà.  Cô gái mặc bộ đồ tây đen, mái tóc đen tuyền xỏa dài ngang lưng, không phấn son.  Tôi mở cửa chào cả hai.  Cô gái lên tiếng:

– Xin vui lòng chỉ cho tôi phòng ông Fernando Sanchez.

zzTôi đưa họ đến phòng viếng xác.  Cả hai bước vào độ 10 phút, sau đó trở ra cửa đứng đón những người thân quen.  Đến 7 giờ các dẫy ghế đầy người.  Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng kinh ngân nga kéo dài đến 8 giờ rồi ngưng.  Những tiếng khóc nức nở vang ra từ căn phòng.  Cô gái và người thiếu phụ bước ra tiễn khách về.  Những vòng tay ôm thân tình, nồng ấm trao nhau.  Nước mắt lăn trên má người thiếu phụ khi từng người đến chào bà.  Ngược lại, cô con gái trông rất bình thản, không giọt nước mắt trên khuôn mặt.  Khi người khách sau cùng bước ra cửa, hai mẹ con ngồi bệt xuống chiếc ghế sa lông.  Cô con gái gục đầu vào vai người thiếu phụ và bỗng bặt khóc òa, nức nở.  Cô không ngại ngùng vì sự có mặt của tôi.  Các giọt lệ vẫn rơi trên khuôn mặt người thiếu phụ, nhưng bà chẳng buồn lau.  Bà ngồi lặng yên để cô gái mượn bờ vai trút niềm đau…

Tiếng khóc của cô làm lòng tôi buồn nức nở theo.  Tôi bỗng nhớ đến ba tôi.  Ngày ba mất tôi không ở cạnh bên.  Tôi chưa một lần cảm nhận nỗi đau mất cha như cô gái đó.  Đêm nay là đêm cuối cô được nhìn xác người cha thân yêu.  Ngày mai, khi nắp hòm đã đóng, đất phủ quan tài, cô sẽ vĩnh viễn xa người cha.  Thật sự mất rồi!  Giờ kinh đêm có chiếc ghế trống.  Ai sẽ xướng kinh đêm nay, đêm mai và những ngày tới?  Không còn ngày “Lễ của Cha”.  Không gian tĩnh mịch khi thiếu giọng cười hiền hòa, tiếng nói trầm ấm và vòng tay ôm của cha.   Mất rồi!…

Nước mắt lăn trên má tôi tự khi nào tôi không hay.  Như cô gái, lần đầu tiên tôi khóc.  Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi đau mất cha.  Hôm nay tôi không bỏ chạy trước cảnh tang thương.  Không nhắm mắt.  Không bịt tai.  Nỗi đau của họ như đang luân chuyển trong tôi.  Tôi đồng cảm niềm đau thương tiếc, nỗi buồn ly tan với họ.  Nước mắt họ và tôi rơi xuống sàn gạch như đang chảy về cùng một dòng.  Trong không gian chúng tôi có khoảng cách, nhưng trong đau khổ chúng tôi không có biên giới.  Nước mắt đem con người đến gần nhau.  Nước mắt làm vơi nỗi đau.

Nước mắt là quà tặng của Chúa ban cho con người bên cạnh ngôn ngữ, ý tưởng được diễn đạt bằng lời hay bút mực. 

*****************************************

Lạy Chúa!  Nỗi sợ năm xưa của con đã tan theo dòng nước mắt.  Tuy đau khổ đồng hành với nước mắt, nhưng nước mắt không là điều đáng sợ để con phải trốn chạy, không dám đối diện. 

Cám ơn Chúa đã ban cho con nước mắt để xoa dịu nỗi đau thể xác và tâm hồn.  Xin cho con luôn biết sống thật với lòng mình.  Biết vui với người vui, buồn với người buồn.  Mọi sự Chúa tạo dựng đều hoàn hảo dẫu đó là nước mắt.  Amen!

Lữ Khách
Hayward, Hè 2007

THƯ GỞI CHA YÊU

Nhà Cha, ngày…. tháng…. năm……

Cha yêu thương,

Giờ này chắc Cha đang say trong giấc ngủ bình an – con hy vọng như vậy!  Không gian chung quanh nhà mình yên tĩnh quá, chỉ có tiếng kêu của mấy con ễnh ương, và côn trùng đang hòa điệu vào bản nhạc giao hưởng về đêm của thiên nhiên.  Ánh trăng tròn ngày rằm xuyên qua khung cửa sổ, rọi vào bàn viết nơi con đang ngồi, chiếu sáng lên trang giấy trắng nhòe nhoẹt những giọt nước mắt của đứa con hoang đàng.  Ánh sáng dìu dịu của mặt trăng, một thứ ánh sáng nhẹ nhàng, tỏa lan nhưng không chói chang – như khuyến khích con viết ra nỗi lòng của mình, như ban thêm cho con can đảm để bắt đầu những bước chân chập chững trong ánh sáng!

Sau mấy ngày trở về lại trong ngôi nhà thân thương.  Bao tử đã được lấp đầy bởi con bê vỗ béo và những món ăn thịnh soạn, những vết ghẻ lở đã được chăm sóc chu đáo giờ đang đâm da non, người ngợm đã được tắm rửa sạch sẽ cho ra hình thù con người.  Giờ đây con đã tỉnh táo hẳn, cả về thể chất lẫn tinh thần, để nhìn thẳng vào lòng mình.  Và con cảm thấy muốn tâm sự với Cha!  Con cần một lời thú tội thành thật, không phải cho Cha mà cho chính con.  Với Cha, con trở về, điều đó là quá đủ!  Cha chỉ muốn ôm con vào lòng.  Cha không cần biết đến lý do con trở về!  Cha không muốn nghe bài diễn văn con đã công phu soạn sẵn.  Cha không một tiếng hạch hỏi nửa phần gia tài kếch sù kia đi đâu.  Tình ZZyêu sâu thẳm và thái độ khoan dung nhân hậu của Cha càng làm xao xuyến hồn con.  Hối hận ngập tràn tim con, Cha ơi!  Hôm nay, dưới ánh sáng tinh khiết của ánh trăng rằm, con sẽ kể Cha nghe.

Con trở về không phải vì thương nhớ Cha già ốm yếu đang tuổi gần đất xa trời, cũng chẳng phải hối tiếc những lỗi lầm của mình khi xưa.  Con trở về, đơn giản chỉ vì cái bao tử!  Một cái bao tử rỗng tuếch hết ngày này qua tháng nọ, đang gào thét dãy dụa để được lấp đầy.  Cái bao tử dù đã chịu xuống nước, xin được ăn cám heo, và đậu muồng của heo nhưng cũng không xong.  Về, để không muốn nghe thêm những tiếng chửi nhục nhã ề chề của chủ, tiếng cười nhạo báng của người đời.  Về, vì không muốn sống kiếp người mà không bằng kiếp heo.  Con trở về, đơn giản chỉ vì những ghẻ lở mụn nhọt đầy mình, đang cấu xé hành hạ thân thể quắt queo.  Những vết thương ngoài da chỉ dám xin những loại thuốc xoàng xĩnh rẻ tiền đắp lên, nhưng cũng chẳng ai cho.  Giờ đây nó đang từ từ tấn công vào lớp mỡ bên trong, đau thấu ruột gan!  Con trở về, đơn giản chỉ vì không chịu được cái lạnh buốt xương về đêm khi ngủ ngoài đường, cái nắng gay gắt giữa trưa hè khi chăn heo ngoài đồng.  Về, chỉ vì không muốn chết đường chết chợ như một con chó đói đi hoang!  Dưới tận đáy địa ngục trần gian đó, con chợt nhớ ra mình còn một mái nhà, một người cha già…

…..Và con quyết định trở về!  Vì chưa dám tin vào lòng bao dung của Cha, nên con đã soạn sẵn một bài diễn văn thật lâm li bi đát để khơi dậy lòng thương xót của Cha.  Vì chưa dám tin vào lòng nhân hậu của Cha, nên con đã tính toán kỹ thời điểm để về, con thấy rằng không lúc nào thích hợp hơn buổi hoàng hôn.  Trong hoàng hôn của đời người, quyện với ráng chiều heo hắt ảm đạm của giao điểm ngày và đêm, người già sẽ cảm thấy lẻ loi cô độc hơn, và dễ dàng tha thứ hơn.  Nắng chiều nhạt nhòa tranh tối tranh sáng, chỉ vừa đủ để Cha nhìn ra mặt thằng con đi hoang.  Nếu cánh cửa gỗ lim có đóng sập trước mắt con, nếu bọn gia nhân có xua chó ra cắn, sẽ không ai nhìn thấy con chạy đi trong bóng ngả chiều hôm.  Vì chưa dám tin vào sự khoan dung rộng lượng của Cha, nên con đã tập khóc nhiều lần trước khi gặp Cha, khóc thật to để đánh động trái tim Cha.  Thú thật, với cái bao tử trống rỗng nhiều tháng ngày, con không còn đủ sức để khóc nữa.  Nước mắt đã cạn kiệt khi người yêu quay lưng, đứa bạn thân cuối cùng phản bội.  Tất cả đã được tính toán kỹ từng chi tiết rồi Cha ạ!  Chỉ chờ con bước ra sân khấu.

….. Nhưng rồi kịch bản đã không được sử dụng.

Con ngạc nhiên bối rối khi thấy bóng Cha thấp thoáng đầu ngõ.  Dù đã chuẩn bị, nhưng đôi chân đi hoang giờ đây lại ngập ngừng không biết nên tiến tới hay bỏ chạy.  Sao Cha không ở trong nhà mà ra đứng đầu ngõ?  Sao Cha biết hôm nay con sẽ trở về mà ra đây đứng đợi?  Trong khoảnh khắc lưỡng lự đó, đâu ngờ Cha đã nhận ra con, ánh mắt tẻm nhẻm của một người già sao mà tinh anh đến thế?  Bóng dáng Cha già quăng gậy lụ khụ chạy về phía mình làm con ngỡ ngàng hoa mắt.  Con như chết trân tại chỗ, đôi chân chôn cứng xuống đất.  Con chẳng chạy đi mà cũng không thể tiến tới!  Con chỉ bừng tỉnh khi đôi tay gầy guộc của Cha ôm choàng lấy người con, và hôn lấy hôn để, những giọt nước mắt xối xả tuôn xuống tấm thân gầy guộc nhơ nhuốc như muốn gột rửa hết bụi nhơ cho thằng con Út.

Gục xuống chân Cha mà khóc, vì con chẳng mong đợi để được đón nhận vòng tay ôm, và nụ hôn thắm thiết.  Con khóc, chẳng rõ đó là những giọt nước mắt đã được chuẩn bị từ trước, hay là những giọt lệ chân thành từ trái tim chai đá cằn cỗi?  Cánh tay già gầy guộc run rẩy sờ soạng khắp người con như kiểm tra thân thể con còn nguyên vẹn hay không.  Con muốn ngăn Cha đừng hôn lên những vết mụn lở loét trên người con, nhưng không kịp nữa rồi!  Môi Cha đã đặt lên nơi mà con chó ghẻ mới liếm tối qua.  Con cúi đầu nghẹn ngào không dám nhìn lên!  Bất xứng quá, Cha ơi!  Ánh mắt đỏ hoe nhoè nhoẹt của Cha dừng lại ở những cọng lông chó rải rác trên người con.  Một thoáng nhíu mày, rồi dường như Cha như đã hiểu ra hết sự thật, ánh mắt đau xót nhìn con!  Không chút đắn đo, Cha lại tiếp tục cúi xuống, hôn lấy hôn để trên những vết thương đó bất chấp mùi tanh tưởi, bất chấp thân con rách nát bầm dập, bất chấp tất cả…

Cha thương!  Con đang ngồi trong ngôi nhà mình mà cứ ngỡ như mơ.  Ánh trăng rọi qua rèm cửa chiếu lên chiếc áo choàng đẹp nhất mà Cha đã khoác cho con ngày con về!  Chiếc áo dài tượng trưng cho một con người được tôn trọng trong xã hội.  Lóng lánh trên tay con là chiếc nhẫn uy quyền của cậu chủ mà Cha đã trân trọng đeo vào tay con, ngón tay cáu ghét dơ bẩn của ngày về.  Chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, quyền làm con Cha, quyền của cậu Út trong nhà mà con đã không thèm đoái hoài khi trước.  Dưới chân là đôi dép mà chính Cha đã ngồi xuống mang vào đôi chân ghẻ lở bám đầy bụi đường, để phục hồi lại phẩm giá của một người con trong gia đình.  Con không dám mơ để đón nhận những bảo vật này.  Con về chỉ để xin một bát cơm thừa canh cặn.  Về chỉ để xin như một người làm công thôi mà!  Một cuộc trở về không trọn vẹn lại được đón nhận sự tha thứ trọn vẹn làm bàng hoàng tim con.  Tội lỗi con ngập tràn nhưng tình yêu của Cha còn bao la hơn tội lỗi đó!  Con phải làm gì để chuộc lại những lỗi lầm đã qua của mình?  Con không biết mình phải làm gì, Cha ơi!  Chỉ biết nhìn lên Cha, và con giật mình khám phá ra nhiều điều.

Cha đã già đi quá nhiều so với ngày con mới ra đi!  Thân hình phương phi cường tráng của người đàn ông trung niên năm nào, giờ chỉ là một cụ già ốm yếu lụ khụ, như một bóng đèn leo lét trước gió có thể tắt bất cứ lúc nào.  Tạ ơn Trời đất đã cho con có đủ thời gian để kịp trở về!  Mái tóc bạc trắng thay thế mái tóc muối tiêu khi xưa.  Chiếc lưng còng như sụm hẳn xuống vì mòn mỏi chờ đợi.  Cặp mắt đỏ hoe sưng mọng, xưa khóc con Út, nay tiếp tục khóc đứa con Cả.  Con biết anh Cả đang giận Cha, anh ấy không vui vì cách Cha đối xử khoan hồng với con.  Cha già tội nghiệp!  Ngày xưa ra vào đầu ngõ ngong ngóng chờ đợi thằng con Út, ngày nay lại ra vô năn nỉ lạy lục đứa con lớn.  Ngày nào Cha mới được an vui hạnh phúc bên hai thằng con trai?

Sáng nay đi ra thăm đồng với Cha, Cha chỉ cho con những cánh đồng lúa xanh rì thẳng cánh cò bay, nó sẽ tiếp tục là của anh Cả và của con.  Con ngạc nhiên thấy lòng mình dửng dưng trước phần gia tài đồ sộ còn lại của gia đình mình.  Lạ lùng khi nhìn ra niềm hạnh phúc là lúc con đang đứng cạnh Cha, nghe Cha nói chuyện chỉ dạy con cách sống ở đời.  Hạnh phúc là đây mà sao con cứ mãi đi tìm nơi nao?

Tối qua ngồi bên cha uống trà, con thấy mắt cha sáng long lanh niềm vui sau bếp lửa hồng.  Con ngạc nhiên tự hỏi điều gì đã làm cho cha vui?  Chẳng lẽ sự hiện diện của con trong căn nhà này, ngồi bên con hàn huyên mỗi tối, lại mang đến cho Cha niềm vui lớn lao đến thế sao?  Niềm vui và hạnh phúc của Cha chỉ có vậy thôi ư?  Chẳng lẽ Cha không chút tiếc nuối nửa phần gia tài mà con đã phá tan hoang?  Đâu ngờ trong ánh mắt Cha, giá trị của con lớn lao đến thế!  Vậy mà con cứ đi tìm giá trị của mình ngoài chân trời kia.

Và tối nay, ngồi viết cho Cha những dòng chữ này, tâm hồn con trào dâng một niềm vui thánh thoát, niềm hạnh phúc ngọt ngào mà con chưa từng cảm nếm trước đây.  Cặp mắt con đã mở ra để nhìn thấy được giá trị làm con Cha mà con đã đánh mất thưở nào.  Giá trị đó lớn lao biết bao, hơn hẳn mọi thứ giá trị khác ở đời!

Con sẽ nói chuyện với anh Cả sau.  Hy vọng hai anh em sẽ hiểu được nhau, sẽ làm cho Cha vui hơn trong những tháng ngày còn lại.  Con sẽ cố gắng sống cho trọn vẹn với tình yêu rộng lượng của Cha.  Cái trọn vẹn mà con đã thiếu sót khi trở về, nhưng Cha đã chấp nhận cái dang dở, thiếu sót đó.  Cám ơn tấm lòng độ lượng của Cha.  Cám ơn Thiên Chúa đã ban cho con một người Cha nhân hậu!  Cám ơn Trời đất đã cho Cha còn sống để chờ ngày con về.  Cám ơn một lần đi hoang để biết giá trị đích thực của tình yêu, của đồng tiền, của những cuộc vui phù phiếm vô bổ.  Cám ơn Trời cao đã cho con có đủ can đảm cất bước trở về để lãnh nhận ơn tha thứ.  Xin cho tất cả những người con đi hoang có đủ can đảm và sức mạnh để cất bước trở về trong vòng tay Cha mình.  Xin cho những cuộc trở về còn bắt kịp thời gian.

Đứa con hoang đàng của cha!

Lang Thang Chiều Tím
Mùa Sám Hối 2010