RAO TRUYỀN ƠN PHỤC SINH

Sau ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng…

Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi.

Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn vùi trong mộ với người Thầy yêu quý.

Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ.  Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi.

Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.

Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.

Hôm nay Chúa mời gọi mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.

Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.

Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Đem Tin Mừng Phục Sinh đến với anh em mình là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.

Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước.

Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc, đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá, đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.

Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

TGM. Ngô Quang Kiệt

***

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi vui.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen

GIẢI NGHĨA YÊU

Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, nghiên cứu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn rất nhiều giấy mực để lý giải tình yêu… nhưng có lẽ không mấy ai hiểu cho đúng tình yêu là gì.

Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là thi sĩ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu.  Ông viết:

“Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…”

Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời.  Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta – trong bài “Đà Lạt trăng mờ” – như sau:

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy, nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.”

“Và để xem Trời giải nghĩa yêu!”

Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu.  Tình Yêu là phẩm chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để “giải nghĩa yêu”.

Chúa Giê-su “giải nghĩa yêu” khi Ngài ngỏ lời với ông Nicôđêmô biết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Chúa Giê-su cũng đã “giải nghĩa yêu” khi Ngài nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15, 13)

Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ:  yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi… Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.

zzNhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ.  Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống.  Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùnG…  Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng.  Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13, 1.4-5).

Thế mới hiểu rằng:

Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là “đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”

Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”

Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: “Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”

Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).

                                      *********************************

Lạy Chúa Giê-su,

Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu.

Chúng con ngỡ rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.

Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là:

“Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”

Và hôm nay, khi mời gọi “các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy sống yêu thương theo cách yêu thương của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là:

“Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì bạn.  Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân.”

Lm Inhaxiô Trần Ngà

PHÊRÔ CHỐI THẦY

Phêrô đang ở dưới sân, một người đầy tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói:

– Cả bác nữa, bác cũng ở với cái ông người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì!

Ông liền chối:

– Tôi chẳng biết, chẳng hay cô muốn nói chi!

***************************************

Chối lần thứ nhất:

Nhìn kỹ đoạn văn trên, ta thấy những chi tiết sau:

Một – Chỉ có một, không phải hai.

Ðứa tớ – Ðầy tớ, không phải người địa vị.

Gái – Tớ gái, không phải trai.

Như vậy, kẻ Phêrô gặp mặt tối đó là người mang địa vị thấp nhất trong xã hội bấy giờ.  Chỉ một đứa, lại là đứa đầy tớ, mà lại là tớ gái!  Thế mà Phêrô hoảng sợ.  Làm sao lại có thể sợ hãi trước một người không quyền hành, không địa vị gì như thế?  Chỉ là một tớ gái!

Cung cách của Phêrô chối nữa, ông chối bằng ngôn ngữ rất đặc biệt:

Tôi chẳng hay chẳng biết chị muốn nói chi!

Chợt nghe câu đó, người nghe xem ra như ông đâu có chối.  Ông chối rất nhẹ nhàng.  Ông làm bộ như không rõ chuyện gì.  Ngôn ngữ hôm nay, người ta bảo là kiểu nói đánh trống lảng.

zzChối lần thứ hai:

Tin Mừng kể tiếp:

Rôì ông bỏ đi ra phía tiền đường.  Bấy giờ có tiếng gà gáy.  Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó:

– Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.

Ông Phêrô lại chối.

Qua đoạn văn trên, người đọc thấy sau khi chối lần thứ nhất xong, ông không còn ngồi chỗ đó nữa. Ông đi ra phía ngoài cổng.  Như vậy, đối với khoảng cách trong không gian là ông xa Chúa thêm một khúc đường rồi.  Chối lần thứ nhất ông còn ở giữa sân, còn gần Chúa.  Bây giờ bỏ đi ra ngoài.  Cái xa cách không gian ấy diễn tả một khoảng xa hơn trong tâm hồn.  Nó là một khoảng tội nặng hơn.

Lúc nẫy ông chỉ đối diện với một đứa tớ gái thôi.  Bây giờ đứa tớ gái nói với “những người có mặt”. Như thế, ông đối diện với nhiều người.  Chối Chúa lúc nẫy trước mặt một người, tội nhẹ hơn trước mặt nhiều người chứ.  Hai lần chối không mang mức độ giống nhau.  Lần này xa hơn, nặng hơn.  Ông chối Chúa công khai hơn.

Chối lần thứ ba:

Lần thứ ba này Tin Mừng Máccô cho biết những chi tiết cuộc chối bằng ngôn ngữ rất tinh vi, rất chính xác.  Chính xác trong chi tiết để diễn đạt cái tang thương của Phêrô.  Tin Mừng kể:

Một lát sau những người đứng đó lại nói với ông:

– Ðúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê!

Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa mà thề:

– Tôi thề là không hề biết người các ông nói đó. (Mc 14:70-71).

Ở đây có bốn điểm chú ý, người đọc cần ghi nhận trong lần chối thứ ba này:

  1. Không phải là một người tố cáo nữa mà là “những người có mặt” đều tố cáo. Một người tố cáo, ít nguy hiểm hơn nhiều người.
  2. Tố cáo này xác đáng vì đi vào chi tiết lịch sử của Phêrô, họ nhận ra giọng nói của ông là người Galilê, họ biết rõ gốc gác, còn chối vào đâu?
  3. Vì hai lý do trên, lần này Phêrô không chối nhẹ nhàng như lần đầu, ông lấy lời “độc địa mà thề”.
  4. Câu ông thề là: “Tôi không hề biết con người đó là ai”.

Như thế, ông quyết liệt công khai chối bỏ liên hệ với Ðức Kitô để cứu lấy mạng sống.  Bây giờ ông không cần biết con người ấy là ai nữa.  Ông chỉ biết làm sao thoát thân trong lúc này.

Xét trong ba lần chối, người đọc thấy rõ tiến triển của ba lần khác nhau.  Mỗi lần nặng thêm chứ không phải ba lần giống nhau.  Ba lần chối như ba nấc thang của một con dốc xuống vực sâu.  Mỗi lần là một bực sa xuống sâu hơn, sâu hơn nữa.

Giờ đây nhìn lại đời Phêrô, ta thấy thảm cảnh bi đát của thân phận một con người.  Con người này làm được gì?  Cả đời ông toàn là lỗi lầm.  Cứ mỗi lúc ông lại lỗi nặng hơn.  Lầm lỗi ngay khi theo Chúa ba năm trước ở biển hồ Galilê cho đến ba năm sau, giây phút sau cùng trước khi Chúa chết vẫn cứ lầm lỗi.

***************************************

zzBi kịch trên là thảm cảnh não nề cho đời Phêrô.  Bi kịch ấy cũng là thảm cảnh não nề cho Ðức Kitô, một Rabbi mà có một môn đệ kém như thế.  Nhưng đàng sau bi kịch này, đâu là mối dây liên hệ của hai người?  Ta hãy tìm hiểu.

Chắc chắn Phêrô thương Thầy.  Sau khi Chúa bị bắt, các môn đệ khác bỏ chạy.  Phêrô cũng thế, nhưng không chạy xa.  Không biết Thầy mình ra sao, ông trở lại, lẻn vào dinh thượng tế nghe ngóng. Nếu ông bỏ Ðức Kitô chạy xa thì đâu xảy ra nông nỗi này.  Tội nghiệp cho ông vì ông thương Chúa.

Chiều sâu phía bên kia lỗi phạm của Phêrô vẫn có tình thương.  Nói về tình thương sâu kín này, ta hãy ngoảnh lại nhìn một chút về chuyện Phêrô bị mắng lần thứ hai xem sao.  Lần đó, Chúa mắng Phêrô “ngu tối”.  Giả sử hôm đó Phêrô lặng im đừng hỏi thì đâu bị mắng.  Lời xin của Phêrô: “Thưa Thầy xin giải thích dụ ngôn đó cho chúng con” đã đưa Phêrô vào tròng.  Lời xin ấy nói rằng Phêrô chậm hiểu.  Vì lời xin đó, ông bị mắng.  Ðàng sau lời xin, cho ta thấy chiều sâu trong trái tim, ông quý lời của Chúa.  Không hiểu, ông hỏi chứ không im lặng bỏ qua.  Có thể vài môn đệ khác cũng không hiểu. Nhưng đối với Phêrô, ông quý lời của Chúa.  Ông không để lời đó trôi đi.  Bằng chứng khi có người bỏ Chúa, Chúa hỏi các môn đệ có bỏ Chúa không.  Phêrô là người thưa trước tiên: “Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai, Thầy có Lời ban sự sống” (Yn 6:68).  Ta thấy tội nghiệp Phêrô.  Ông có yếu đuối, lỗi phạm nhưng luôn có trái tim.

Ðối với Chúa, Chúa phải mang cái bi thảm của một môn đệ chậm hiểu, kém tin, hành động lung tung.  Nhưng Chúa không bỏ môn đệ này trong yếu đuối, người môn đệ này có một tâm hồn.

Phêrô chối Ðức Kitô vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu.  Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường trốn.  Nhưng trước yếu đuối ấy Phêrô đã khóc.  Nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông òa khóc nức nở.

Ðời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mạnh, giữa trọn vẹn và dang đở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. T rái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng.  Ðời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại, có lên cao gặp vực sâu.

Theo sát lời tường thuật của Phúc Âm, ông lầm lỗi và bị mắng nhiều quá.  Tuy nhiên, có điều trong trái tim ông, Chúa có một chỗ đặc biệt.  Trong tất cả trăn trở ấy, tim ông có một ước mơ.  Cho dù yếu đuối, ông vẫn có một ước mơ.  Cho dù chơi vơi giữa dòng nước, ông vẫn có một ước mơ.  Ông thương Thầy mình.

Ðức Kitô không đếm chân ông đã bước được những bước thánh thiện nào.  Ngài cũng không chối từ vì ông đã bước sai bao nhiêu bước.  Ngài chỉ nhìn vào ước mơ trong trái tim ông.  Và ở ước mơ đó, Thầy trò họ gặp nhau.

***************************************

Lạy Chúa, Chúa không lầm khi chọn người môn sinh yếu đuối.
Chúa không sa thải lúc người môn sinh lỗi phạm.
Chúa lấy kiên nhẫn dẫn đi.
Chúa là Thầy dạy lấy tình thương chịu đựng.
Chúa nhận thập giá về phía mình để người môn sinh được nâng lên cao.
Chúa không lầm khi gọi Phêrô.
Lúc nào trong tim con có mơ ước theo Chúa, Chúa sẽ không nhìn đến yếu đuối của con, chỉ nhìn vào ước mơ ấy trong tim con thôi.

LM. Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

GIUĐA HAY LÀ TÔI?

zzNói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình.  Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên:  Giuđa là kẻ có công hay có tội?  Là bậc ái quốc đại trượng phu hay là kẻ phản bội tiểu nhân?  Giuđa lên thiên đàng hay xuống hoả ngục?  Mùa Chay lại đến, một lần nữa, tôi và bạn cùng nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ Chúa.  Mùa Chay là dịp thuận tiện để tôi và bạn soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa.  Để rồi từ đó, tôi và bạn xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn lối đường chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi của tôi và bạn.

Thường khi nói đến Giuđa, người ta nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh…  Thật ra, rất có thể tôi và bạn đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch, và có những lúc, tôi và bạn đã quỳ bên cạnh Giuđa trong nhà thờ… vì Giuđa trước hết là một tông đồ mà!  Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và hơn một người đã nâng Giuđa lên hàng thánh nhân, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!

Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng.  Vì Giuđa là một con người.  Có một điều chắc chắn:  Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí.  Bởi nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường hướng của Chúa và của Thiên Chúa Cha.  Trong Lc 6, 12-16 viết:  “Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ:  Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot.” – Suốt đêm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để rồi chọn Tông đồ Giuđa.  Điều ấy thật rõ ràng. Giuđa đã được chọn sau một đêm Chúa thức trắng cầu nguyện.  Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ.  Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác.  Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.  Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.  Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.

Chúa Giêsu có lầm khi chọn Giuđa không?  Tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?  Chúa không lầm khi chọn Giuđa.  Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác.  Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và bạn.  Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như tôi và bạn, đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn.  Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô.  Ông muốn trở nên môn đệ Chúa.  Ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm đón nhận.  Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông.  Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miền nam duy nhất trong số 12 Tông đồ.

Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội.  Giuđa không thay trắng đổi đen đầu hôm sớm mai, mà ông đã bước dần đến hố thẳm, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng.  Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.  Lần 1: khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, Chúa đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”. Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống”.  Chúa nói một câu mà chỉ có Giuđa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao?  Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67).  Như thế, Chúa biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”. Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì.

Chính vì thế có lần Chúa đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”.  Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm”, thì Chúa xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá”.  Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa nào đâu có biết!  Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình.  Như David xưa cũng không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên của Nathan lại là chính mình.  Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!  Lần 2: Khi gặp Giuđa, thì ông đã trở nên một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra.  Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo?”.  Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).  Giuđa cũng như tôi và bạn đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng.  Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời. Ông tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.  Ông đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.  Trên môi ông là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong tâm tư là những nguyên do vị kỷ thấp hèn.  Ông là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.  Ông là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.  Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực của sự phản bội.

Câu hỏi được đặt ra: vì sao Giuđa lại làm thế?  Lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu?  Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot”. (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)  Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa.  Giuđa đã phản bội Thầy mình.  Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện.  Nhưng không, chính ông đã đến tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn.  Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương trở thành hành động của sự phản bội.  Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông.  Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.  Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn. Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái.  Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa.  Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.

Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người.  Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa.  Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa.  Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương.  Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài.  Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.  Trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này.  Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12.  Chúa vẫn rất thương ông dù Giuđa có đốn mạt đến dâu đi chăng nữa.  Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ lại là một tông đồ.  Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài.  Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình.  Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa.  Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10).  Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội.  Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa.  Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi.  Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!

zzCái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều: cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội chỗi dậy, phục hồi và đi tới.  Cái chết của Giuđa cho tôi và bạn nhận ra rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.  Một ai đó đã ví von: “hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”. Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn.  Ơn gọi dấn thân, phục vụ của tôi và bạn không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người.  Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.  Như thế, tôi và bạn đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.

Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của tôi và bạn.  Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người.  Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của tôi và bạn, gỡ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi.  Hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, rã rời của tôi và bạn, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho tôi và bạn những cơ hội mới.  Bởi dù sao đi nữa, tôi và bạn không bao giờ thất vọng vì tin rằng Chúa luôn bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.

http://hglan.blogspot.com/2009/06/giua-hay-la-toi.html

LỄ LÁ

Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Giáo Hội mời gọi ta bước vào Tuần Thánh. Tuần Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta đã bắt đầu.

zzHôm nay Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, mang lại Ơn Cứu Độ cho con người. Nhìn bề ngoài, việc tiến vào thành Giêrusalem giữa đám đông dân chúng nô nức phất cao cành lá, giữa tiếng tung hô vang dội: “Hoan hô Con Vua Đavít”. Điều này có vẻ như là một cuộc vinh quang toàn thắng. Nhưng thực ra đây lại là việc mở màn cho cuộc Thương Khó.  Đây cũng là một việc mỉa mai nhất vì hôm nay dân chúng giơ cao tay tung hô chúa, nhưng chỉ mấy ngày sau, cũng chính những cánh tay ấy lại được giơ cao để hò hét lên án Chúa.  Và có lẽ đây cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó.  Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng, đã chất chứa một sức phản bội với những tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên cao: “Đả đảo! đả đảo! Đóng đinh nó vào Thập giá!”

Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó còn khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một người nào dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu, mà chỉ thấy người ta bênh vực cho Baraba, lên tiếng đòi phóng thích cho tên trộm cướp mà thôi.

Nếu người kitô được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều cảm nghiệm về những khó khăn vất vả trên đường theo Chúa. Con đường bước đi theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chắc hẳn ta phải có mặt trong đám đông hoan hô Chúa khi Ngài vào thành Giêrusalem, và cũng không thể vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.  

Hãy thử bình tâm để hỏi lại lòng mình: Nếu tôi sống tại Giêrusalem trong thời Chúa Giêsu , tôi sẽ là ai ? Sẽ đứng trong nhóm người nào? Tôi sẽ có thái độ nào trước bản án của Giêsu? Tôi sẽ là Simon vác đỡ thánh giá cho Chúa ? Sẽ là Phêrô chối Chúa ? Sẽ là Giuda bán Chúa ? Sẽ là Philatô dửng dưng rửa tay trước kẻ vô tội ? Sẽ là các vị thương tế và kinh sư âm mưu cáo gian để kết án Chúa? Sẽ là những người dân thấp cổ bé miệng, bị thúc dục và lôi kéo vào trong đám đông để hò hét “ Giết! Giết!! Giết nó đi!!! Hãy đóng đinh nó vào thập giá!

Bạn thân mến! Trong tuần thánh nầy, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành thời giờ để đọc lại một cách chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Hãy canh thức với Chúa trong vườn Cây Dầu.  Hãy bước đi theo Ngài qua từng chặng đường, từ tòa án đạo đến tòa án đời.  Hãy cùng đi với Ngài, cùng vác với Ngài cây thập tự của chính mình để cùng đi với Ngài ra pháp trường, và hãy ở lại thật lâu với Ngài trên Núi Sọ… Đừng theo Chúa như một người xa lạ, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và tôi.  Bởi lẽ Ngài thương yêu ta, hy sinh mạng sống của Ngài vì ta…

Trong cuộc khổ nạn của Chúa, ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của cuộc đời: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết..v..v..  Nhưng trên hết, ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại.  Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau trở thành giá trị cứu độ. Vậy ta hãy cảm nếm thật sâu nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra tình yêu bao la tiềm ẩn trong từng phản ứng, từng lời nói của Ngài.

Ước gì ta có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, càng yêu thánh giá của mình hơn và càng kính trọng thánh giá của người khác nhiều hơn.

Hãy cảm nghiệm sâu xa tình yêu bao la của Giêsu dành cho đời ta. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Ngài thấm nhuần và biến đổi đời ta. Bạn nhé !

***

Lạy Chúa Giêsu,

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Cây Dầu, xin ban cho con sức mạnh để đối diện với những khó khăn vất vả trong cuộc sống.

Vì Chúa chịu sỉ nhục và bị nhạo báng, xin cho con luôn biết khiêm nhượng và vâng phục.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề , xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, biết can đảm chấp nhận vác lấy thập giá của đời mình.

Vì Chúa bị lột áo, xin cho con biết cởi bỏ những đam mê yếu hèn của kiếp người, biết mặc lấy tâm tình thống hối và yêu thương.

Vì Chúa bị đóng đinh, xin cho con đóng đinh tính xác thịt của con vào thánh giá Chúa.

Vì Chúa đã giang tay chết trên thập giá, xin cho con biết qúy trọng Ơn Cứu Độ vì Chúa đã chết để cho con được sống, để con được hưởng nhờ Ơn Tái Sinh mà Chúa đã hứa ban, Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Isaiah 50:4-7 – BĐ2: Phil 2:6-22 – PÂ: Luca 22:14-23:56)

VÌ CON LÀ LINH MỤC TRẺ

Vì con là linh mục trẻ, mọi người dễ dàng thương yêu và gần gũi con hơn.  Con có thể nói chơi giỡn với mọi người mà không cần phải ý tứ lắm như các linh mục cao niên khả kính.

Con là linh mục trẻ, nên con đã dám bỏ chương trình của mình để chạy ra quán beer buổi tối và ngồi hơn một tiếng đồng hồ khi bạn con cần đến con – đứa con đầu lòng của anh mới được 14 tuần tuổi trong bụng mẹ, cháu được chẩn đoán là úng tuỷ não, tim bị ruột ép.  Nếu được sinh ra cháu sẽ chịu sống đời thực vật.  Các bác sĩ bảo phải phá thai ngay lập tức.  Con ngồi đó với anh chỉ để lắng nghe, cảm thông, nhưng con không thể phán như một nhà luân lý chính hiệu rằng bạn không được phá thai.  Con biết con không thể đau lòng như anh được, nhưng con biết và con muốn có thể chia sẻ một phần nỗi đau đó.  Và con chỉ nói với anh rằng Chúa cũng buồn lắm khi biết bạn như thế.  Người yêu thương mọi người, kể các thai nhi.

Vì con là linh mục trẻ, con cũng đã xốn xang khi một nữ sinh dịu dàng đem lòng quý mến, con đã chao lòng trước một lá thư gửi đến chiều qua:

zz“Sao Thầy còn phải hỏi là thật lòng không?  Điều đó làm em buồn đấy.  Thầy!  Nói nhớ Thầy là thật lòng, từ đáy lòng đấy.  Chẳng biết em có thói quen trông Thầy từ khi nào, hễ đầu tháng là em lại mong Thầy.  Hôm qua và hôm nay nữa, em vẫn giận Thầy.  Tự thấy mình vô lý vì biết Thầy bận rộn mà vẫn làm phiền.  Không thấy Thầy trả lời, em thất vọng và buồn lắm!  Biết Thầy là người của Chúa, của mọi người, không của riêng ai nhưng những lúc Thầy đến nhà chơi, thời gian đó em nghĩ Thầy là của riêng em, là người thân của gia đình em.  Ích kỷ lắm, đúng không Thầy?  Biết sao được, Thầy làm em hư rồi.

Hôm 05/03 là sinh nhật em, nhỏ em nhớ bài hát “Chúc mừng, chúc mừng xin chúc mừng..”  của Thầy và hát cho em, tự nhiên nó bảo: “I miss him so much” làm em cười khì, thì ra không chỉ riêng em nhớ Thầy, nó cũng mong Thầy như em.  Thật sự em ước hôm đó được nghe bài hát đó từ Thầy, dù chỉ qua phone.

            ……………..

Chúc Thầy mùa Phục Sinh an lành.

Con là linh mục trẻ nhưng vì là của Chúa nên ngoài những nơi thân tình, các cụ ông cụ bà vẫn gọi con bằng cha và xưng là con.  Con điếng người, tê tái chỉ muốn nghe được những câu các bạn thường nói: “Các cha hống hách, phi nhân bản để có thể trừng phạt con những lúc như vậy”. Con chẳng muốn được xưng hô như thế nhưng con vẫn bị kết án chung, bởi con là linh mục của Chúa.

Con còn trẻ, nên chuyện gì người ta cũng dễ đổ lỗi cho con, kể cả những điều không do con gây ra.  Tuy thế, vẫn phải nhận lỗi, nếu không muốn bị bồi thêm một cú knock out là kiêu căng, tự phụ, không biết lắng nghe và không chịu nhận khuyết điểm:  “Rõ là làm cha thiên hạ!”  Con tự an ủi mình, chắc họ quan tâm vì quý mến linh mục và để cảnh tỉnh con.

Là linh mục trẻ nên con lắm nhiệt tình xông xáo mà cũng không thiếu bồng bột nhất thời, và cũng vì như thế nên lại được nhiều người quan tâm.  Trong yêu thương có lo lắng:

“T.  yêu qúy,

Tối qua chị cùng các chị trong cộng đoàn Chầu Thánh Thể, giờ chầu của chị từ 10 giờ đến 11 giờ, giờ chầu linh thiêng, bầu khí thánh thiêng lan tỏa khắp nhà nguyện.  Buổi chiều trong Thánh Lễ Tiệc Ly chị nhớ đến các Linh Mục nhiều, trong đó có những người thật thân thương để cầu nguyện cho các ngài, xin Chúa luôn gìn giữ, ban muôn ơn cần thiết cho T.  để T.  luôn sống xứng đáng với tước hiệu Mục Tử Nhân Lành.  Những gì T. đã sống và đang sống, chắc chắn đẹp lòng Chúa.  Mong rằng những gì Thiên Chúa thực hiện nơi sứ vụ T. đang nhận lãnh sẽ cứu rỗi được nhiều linh hồn.

Chúc T.  Tam Nhật Thánh và Mùa Phục Sinh Ân Thánh, An Hòa.

Chị…”

Là linh mục trẻ, con cảm nhận được sự yếu đuối nơi bản thân mình và dễ thông cảm hơn với yếu đuối của phận nguời.  Tuy vậy, con mong sao mình cũng nhận lại được sự đỡ nâng, tha thứ.  Tại sao người ta dễ dàng lên án các lỗi phạm của con hay của một linh mục nào đó để rồi bi quan hoá vấn đề xem như là thảm kịch của tất cả?  Sao không nhận ra đó là sự cố, là yếu đuối của con; sao lại đồng hoá lỗi phạm cá nhân với toàn thể các linh mục?  Còn biết bao nhiêu linh mục sống tốt lành khác mà?

Còn nhiều điều lắm Chúa ạ, bởi con là linh mục của Chúa và là một linh mục trẻ.

Phêrô

********************************************

Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các Linh mục,
vì các Ngài là của riêng Chúa,
đã tận hiến cả cuộc đời
để lo việc mở mang nước Chúa.

Xin Chúa gìn giữ các Linh mục vì
các ngài sống giữa đời
nhưng không thuộc về thế gian;
những lúc bị lạc thú trần gian cám dỗ
Xin Chúa ấp ủ các Linh mục trong trái tim Ngài.

Xin Chúa hãy gìn giữ và an ủi các Linh mục,
trong những lúc các ngài cô đơn sầu khổ;
khi suốt cả cuộc đời hy sinh cho các
linh hồn bị xem ra vô ích.

Xin Chúa gìn giữ các Linh mục,
và xin Chúa thương nhớ, lạy Chúa,
Các Ngài không có ai, chỉ trừ một mình Chúa thôi!

Các ngài chỉ có con tim của con người,
với những mỏng dòn yếu đuối của nó.

Xin Chúa giữ gìn các Linh mục trong trắng
như Mình Thánh Chúa mà hằng ngày các ngài nâng niu.

Xin Chúa thương chúc lành cho các Linh mục,
xin thánh hoá mọi tư tưởng,
lời nói và việc làm của các ngài.  Amen!

LUẬT SƯ TÀI GIỎI NHẤT

Trong xã hội Do Thái, những tội liên quan đến điều răn thứ sáu, đặc biệt là tội ngoại tình, thì đôi gian phu dâm phụ đều bị trừng trị rất nặng nề và bị xử tử một cách công khai trước mặt cộng đồng:

Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả; hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà.  Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại ở Ít-ra-en (Đnl 22:22) .          

Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh (em) sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: Cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại (Đnl 22:23-24).  Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử (Lv 20:10).

Người phụ nữ trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, theo như lời tố cáo của những ông kinh sư và những ông biệt phái, thì rõ ràng là … chết chắc!  Chị ta nắm chắc cái chết thê lương trong tay vì chị đã vi phạm phải giới luật của Mô-sê (Đnl 22:22, Lv 20:10).  Thế nhưng số phận của chị ta vẫn còn may mắn lắm là bởi vì:

zzChị đã được người ta điệu đến trước mặt chúa Giêsu và họ nhờ Người làm quan án xét xử cho cái tội đáng chết của chị.  “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”(Ga 8:5).  Chị đã được chính Chúa Giê-su, vị quan án kiêm luật sư, một vị cực kỳ khôn ngoan và nhân ái bào chữa và cứu chị thoát khỏi cái án tử đang treo lơ lửng trên đầu của chị. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8:7).  Bạn có đồng ý với tôi là người phụ nữ này quá ư là may mắn không?

Chị ta quả thật là may mắn là vì chị đã được đưa đến trước một vị quan tòa có trái tim nhân ái, hay có lòng thương xót và cũng là một vị luật sư có tài biện hộ xuất sắc đến độ đã đổi cái án tử hình thành cái án tha bổng.  Nói cách khác, nhờ có cơ hội đến với Chúa Giê-su và nhờ vào tấm lòng bao dung  nhân ái của Ngài mà chị đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Bây giờ tôi hỏi nhỏ bạn câu này!  Bạn có bao giờ phạm tội ngoại tình không vậy?  Tội ngoại tình đa dạng và nhiều kiểu lắm chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện ăn nằm với người khác mà thôi đâu!  Khi con người ta bỏ Chúa đi thờ ngẫu tượng và các thần xa lạ khác thì lúc đó người ta đang phạm tội ngoại tình đấy!  Bạn mở Kinh Thánh ra mà xem thì sẽ thấy, dân Israel đã rất nhiều lần phạm tội ngoại tình qua thái độ phản bội Thiên Chúa và đi tôn thờ các thần ngoại bang!

Con cái ngươi đã từ bỏ Ta mà thề bồi nhân danh cái chẳng phải là thần.  Ta cho chúng được ăn no mặc ấm, thì chúng lại đi ngoại tình, đổ xô đến nhà bọn điếm (Gr 5:7-8).

Vì ngươi đã lãng quên và vứt bỏ Ta ra đàng sau lưng, nên đến lượt  ngươi, hãy mang lấy ô nhục và tính đàng điếm của ngươi … Quả thật, chúng đã ngoại tình … Chúng đã ngoại tình với các ngẫu tượng của chúng; và ngay cả con cái chúng đã sinh ra cho Ta, chúng cũng thiêu làm mồi cho các ngẫu tượng đó (Ez 23:36-37).

Nó đã thấy: cũng vì tất cả những vụ ngoại tình mà Ta đã trao giấy ly hôn cho con chị là Ít-ra-en phản bội và đuổi đi… Nó đàng điếm trơ trẽn như vậy, nên đã làm cho xứ sở ra ô uế; nó đã ngoại tình với loài gỗ đá.  Đến thế rồi mà Giu-đa, con em bất tín bất trung của nó, vẫn cứ giả dối, chưa hết lòng trở về với Ta, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA (Gr 3:8-10).

Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.  Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na (Mt 16:4).

Bạn có nghĩ bạn đang phạm cái tội ngoại tình giống như dân Ít-ra-en ngày xưa không? Dám lắm đó chứ!

Khi tôi đi cầu cơ, đi coi bói, chơi bùa, chơi ngải, cúng vái các tượng thần để xin chữa bịnh, xin cho làm ăn phát tài …

Khi tôi cúi gập mình xuống để tôn thờ thần sex, làm nô lệ cho thần khoái lạc, suốt ngày chỉ tôn thờ những thú vui trụy lạc, xem phim ảnh xấu xa bẩn thỉu

Khi tôi quỳ xuống bái lạy Thần Tài, và cắm đầu cắm cổ làm nô lệ cho nó, bỏ cả nhà thờ nhà thánh, bỏ lễ, bỏ đọc kinh và bỏ luôn không lãnh nhận các phép bí tích …

Khi tôi đã chịu phép Rửa Tội, “made in Catholic” đàng hoàng nhưng lại đi chùa, đi thắp hương, đi cúng vái ông này bà nọ …

… Là khi ấy, tôi đang phạm tội ngoại tình, đang ngấp nghé bỏ nhà để đi… kiếm bò lạc đấy!

Nếu hôm nay bạn và tôi nhận ra mình, mạng sống của chúng mình đang lâm vòng nguy hiểm, mạng sống của chúng mình đang bị treo lơ lửng trên sợi tóc vì đã phạm tội ngoại tình như trên thì tôi và bạn phải liên lạc với vị luật sư tài ba, thông minh, xuất sắc và đầy lòng nhân ái tên là Giê-su ngay lập tức để Ngài giúp biện hộ và bào chữa cho kẻo không kịp đâu!  Phải nhanh chân lên, phải đến gặp Ngài càng sớm càng tốt.  Nhưng mà muốn được ông luật sư Giê-su biện hộ, bào chữa và tha bổng cho thì bạn phải tiến hành ba công việc sau đây:

Thứ nhất:  Vào trang web WWW.XÉTMÌNH.COM để làm hẹn gặp luật sư.  Trước khi điền đơn, bạn phải cẩn thận, đừng vội vã, ngồi xuống hồi tâm, nhớ lại tất cả những lầm lỗi lớn cũng như bé rồi sau đó hẵng làm hẹn.

Thứ hai:  Sau khi điền đơn rồi thì hãy gửi ngay cho văn phòng luật sư tại địa chỉ email ĐIXƯNGTỘI@NHÀTHỜ.COM để lấy hẹn.

Thứ ba:  Khi vào gặp luật sư, đừng sợ gì cả, cứ tỏ ra thái độ ăn năn sám hối, ghi nhớ những lời chỉ dẫn và thực hiện những gì văn phòng luật sư yêu cầu là xong.  Nếu có gì thắc mắc thì hãy liên lạc ngay với văn phòng luật sư ở số phone 1-800-LÀMVIỆCĐỀN TỘI.  Đừng lần chần, đừng ngại ngùng, đừng hoang mang, đừng lo sợ… hãy mau chóng và mạnh dạn liên lạc ngay với văn phòng luật sư Giê-su đi, bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui lớn lao giống hệt như người phụ nữ phạm tội ngoại tình ngày xưa ở bên Do Thái cho mà xem.  Ông luật sư Giê-su này tài lắm, tội lớn tội bé, tội gì bất kể, dù có nghiêm trọng mấy đi chăng nữa Ngài cũng có cách bênh đỡ và có phương pháp biện hộ, cãi cho trắng án cho mà xem.  Bạn tin tôi đi! Tôi nói thật đấy!
phamtinh@yahoo.com

*************************************

Lạy Chúa, xin tha thứ
Xin tha thứ cho đôi tay chúng con
đã không tìm kiếm để hoà giải.
Xin tha thứ cho đôi mắt chúng con
đã nhìn để đố kỵ.
Xin tha thứ cho đôi chân chúng con
đã không đi loan báo sự bình an
khi rảo khắp các núi đồi và lũng sâu.
Xin tha thứ cho đôi môi chúng con
đã không bị thiêu đốt
bởi Lời và Thánh Thể của Ngài.
Xin tha thứ cho đôi tai của chúng con
đã không hiểu gì
ngay sau khi nghe lời Ngài nói.
Xin tha thứ cho chúng con, lạy Chúa.

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Hôm nay Tin Mừng dẫn chúng ta tham dự vào một vụ xử án xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Vụ án “Người phụ nữ ngoại tình”.  Bị cáo là người phụ nữ. Nguyên cáo là các Kinh sư và những người Pharisêu. Tội phạm là tội ngoại tình.  Bản án là tử hình bằng cách ném đá. Thực ra họ không cần đến Chúa Giêsu làm quan toà.  Họ có thể căn cứ vào luật Môsê để thi hành án. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu không phải với thiện ý nhưng nhằm gài bẫy Người. Tha cho người phụ nữ là Người chống lại luật Môsê. Kết án người phụ nữ là Người mâu thuẫn với chính mình vì Người vẫn giảng dậy về lòng nhân từ thương xót.  Cái bẫy thật hiểm độc.  Đằng sau bản án của người phụ nữ chính là bản án dành cho Chúa Giêsu.

zzChúa Giêsu im lặng, cúi xuống viết trên đất. Người im lặng vì không đồng tình với thái độ của họ. Người im lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không trả lời câu hỏi của họ để đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn.

Người cúi xuống để người phụ nữ khỏi xấu hổ. Người cúi xuống để những Kinh sư và những người Pharisêu biết nhìn vào tâm hồn mình. Người cúi xuống buồn phiền vì sự độc ác của con người.

Vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên. Họ chờ đợi Người lên tiếng thì Người lên tiếng. Nhưng lời Người khiến họ chới với. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Gn.8:7). Họ mời Chúa Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Chúa Giêsu kết án người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại ném một hòn đá vào lương tâm họ. Họ muốn Chúa Giêsu làm quan toà giết chết, nhưng Chúa Giêsu lại là quan toà cứu sống. Hòn đá họ mang đến với mục đích ném chết người phụ nữ.  Hòn đá Chúa Giêsu ném vào lương tâm của họ, giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi u mê, nhận biết mình tội lỗi, nên họ đã lần lượt rút lui, kẻ trước người sau, không dám kết án người phụ nữ nữa.

Xét xử các Kinh sư và những người Pharisêu xong , Chúa Giêsu mới xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, lời lẽ hiền từ, Người đã đưa ra lời phán xét: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Gn.8:11). Thật là một lời phán xét lạ lùng.  Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng nhân hậu.  Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng bao dung. Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần vỗ về. Lời phán xét của Chúa không sỉ nhục con người tội lỗi nhưng phục hồi nhân phẩm cho ta. Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở ra cho ta một tương lai. Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi của ta. Chúa không nghi ngờ ta vốn hay phản bội. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô điều kiện. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng con đáng quý trọng không phải ở quá khứ nhưng ở tương lai, không phải ở cái họ đã là nhưng ở cái họ sẽ là. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi yên tâm đóng lại quá khứ để bắt đầu một tương lai mới, bước đi trong tình yêu thương và niềm tin tưởng của Thiên Chúa. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng lòng thương xót của Chúa là vô biên. Người không lên án người phụ nữ phạm tội, cũng không lên án những người tố cáo chị.

***

Lạy Chúa, con cảm tạ lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Isaiah 43:16-21,  BĐ2: Phil 3:8-14, PÂ: Gioan 8:1-11)

TIẾN VÀO SA MẠC

Ông vua kia có hai người đầy tớ, cả hai đều là người giỏi giang và luôn sẵn sàng mau mắn thi hành mệnh lệnh cũng như những ước muốn của nhà vua.  Sau nhiều năm trung thành phục vụ, một hôm nhà vua quyết định thưởng công cho họ.  Nhà vua gọi người đầy tớ thứ nhất tới và nói:

– Vì lòng tín trung phục vụ mau mắn vâng lời của ngươi, ta muốn thưởng công cho ngươi, từ giờ phút này, ngươi không còn là nô lệ của ta nữa. Ðây ta tặng cho ngươi một kho tàng lớn để ngươi có thể sống thoải mái như người tự do.

Với tâm hồn tràn đầy vui sướng, người đầy tớ thứ nhất cúi đầu sát đất cảm tạ nhà vua rồi ra đi với giấc mộng ôm ấp từ bao nhiêu năm bây giờ đã thành sự thật.

Nhà vua gọi người đầy tớ thứ hai tới và nói:

– Ðể thưởng công tấm lòng quảng đại phục vụ và mau mắn vâng phục của ngươi, ta sẽ nâng ngươi từ hạng tôi tớ lên hàng bạn hữu, từ nay trở đi ngươi sẽ ở lại trong cung điện của ta như một viên tướng và cố vấn của ta.

Người đầy tớ thứ hai cũng cúi đầu sát đất, cảm tạ nhà vua, lòng đầy vui mừng sung sướng.

Vừa bước ra khỏi cung điện, người đầy tớ thứ hai gặp người đầy tớ thứ nhất đang đứng chờ sẵn và hỏi xem thân phận bạn mình thế nào.  Vừa nghe xong đầu đuôi sự việc, người đầy tớ thứ nhất đùng đùng nổi giận, trở lại phản đối với vua.  Thấy vậy, nhà vua liền hỏi:

– Có điều gì làm phiền lòng ngươi chăng? Ta có đối xử bất công với ngươi đâu?  Không phải là ngươi đã ra đi đầy phấn khởi vui mừng đó ư?

Người đầy tớ thứ nhất phát biểu thêm:

– Tâu chúa thượng, tại sao chúa thượng hậu đãi với người kia như vậy, trong khi những công việc của kẻ hạ thần này có thua kém gì người ấy trong những năm qua đâu?

Nhà vua thản nhiên đáp:

– Ngươi có lý, công việc của các ngươi hoàn toàn giống nhau chẳng có gì khác nhau cả. Tuy nhiên, ngươi đã vâng phục ta chỉ vì sợ hãi, sợ quyền bính và sợ hình phạt của ta.  Vì thế, ta đã giải thoát ngươi khỏi cảnh nô lệ, sợ hãi như lòng người mong muốn.  Trái lại, bạn của ngươi đã vâng phục để làm vui lòng ta.  Thế nên ta đã muốn giữ người ấy lại trong tình bạn nghĩa thiết của ta lâu hơn nữa.

************************************

zzThiên Chúa cũng đối xử với mỗi người chúng ta như vậy, bởi vì Ngài không phải là ông chủ nghiêm khắc, nhưng là người Cha nhân từ, đại lượng và giàu tình thương.  Ngài tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi người và không ép buộc một ai cả.  Ngài tạo dựng và cất nhắc chúng ta lên hàng con cái Ngài. Thế nhưng, chúng ta có thể chọn sống như người con thảo, đầy lòng yêu thương biết ơn, hoặc như người con bất hiếu, vô ơn, tệ bạc.  Chúng ta có thể sống như tôi tớ thi hành trách nhiệm bên ngoài, sự cưỡng bách bên trong, hoặc với tâm tình tín trung như bạn hữu.  Người đời chỉ có thể nhìn thấy những hành động bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn thấy tỏ tường tận bên trong, và những gì có đầy trong lòng cũng sẽ tràn ra bên ngoài khó có thể che giấu được.

Trong Phúc Âm nhiều lần Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo những hình thức giữ đạo bên ngoài nhưng không sống theo tinh thần của đạo, những hình thức tuân giữ luật theo từng nét chữ rất nghiêm khắc nhưng lại làm chết ngạt lòng bác ái chân thực là tinh thần sống động của luật.

Mùa Chay còn gọi là cuộc lữ hành vào sa mạc.  Chúa Giêsu mời gọi mỗi người cùng tiến vào sa mạc với Ngài để trở về nội tâm, trở về với lòng mình để nhìn nhận và khám phá con người thực với những tâm tình sâu xa bên trong.  Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa sẽ giúp chúng ta khám phá ra thực tại của mình.  Tinh thần chay tịnh sẽ giúp ta can đảm cởi bỏ con người cũ, con người của nô lệ và sợ hãi để mặc lấy tâm tình mến yêu của bạn hữu.  Tình yêu hủy diệt mọi thứ lo sợ, ở đâu có tình yêu chân thực ở đó sẽ không còn lo sợ nữa.

************************************

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã phán bảo các môn đệ với những lời tâm huyết trong bữa Tiệc Ly: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì đầy tớ đâu biết việc chủ mình làm, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì Thầy đã tỏ cho các con am tường những điều Thầy đã nghe nơi Cha Thầy”.  Cám ơn Chúa vì sự tuyển chọn và mời gọi cao cả này, mặc dù chúng con thất trung bất kính.  Xin tình yêu Chúa hoán cải và đổi mới tâm can chúng con để chúng con chỉ sống cho tình yêu và hoạt động vì tình yêu Chúa mà thôi.

R. Veritas

BAO DUNG

Câu chuyện người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca (Lc. 15: 11-32) nói đến trở về. Mùa chay là mùa sám hối.  Ði tìm một khoảnh hồi tâm, ta hãy đọc lại đoạn Tin Mừng.

Người con hoang đàng

Từ xưa tôi vẫn nghĩ rằng hãy trở về như người con hoang đàng. Ðứa con hoang đàng như một mẫu mực trở về.  Khi thấy con về, người cha vui mừng quá làm tôi thấy sự trở về của người con như một hành động anh hùng.  Ðã bao năm tháng qua, tôi vẫn được nhắc nhở rằng hãy lên đường anh hùng, dứt khoát như người con ấy.

Ðọc kỹ đoạn Tin Mừng, tôi thấy man mác đó đây một mầu tím buồn.  Một giải mây tím buồn rất xa.  Ở một điểm nào đó, tôi thấy sự trở về của người con có làm cho cha vui, nhưng tôi vẫn không ra khỏi giải mây tím lặng lẽ. Trong sự trở về của người con hoang đàng tôi thấy có điều không ổn.  Rồi chiều nay, mùa chay lại trở lại.  Tôi muốn đọc lại đoạn Tin Mừng, chậm rãi hơn, lặng lẽ hơn để đi tìm cái không ổn của mầu tím đó.

Sau khi người con ra đi, thánh Luca viết về quãng đời của nó như sau:

Khi nó tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó, lại sẩy ra nạn đói kém khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải túng thiếu. Nó đi sống bám một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy rau heo ăn mà thốn cho đầy bụng, mà cũng chẳng ai bố thí cho nó. Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin cha xử với con như một người làm công của cha thôi”.

Ðộng lực nào khiến nó trở về?  Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy, tôi sẽ về cùng cha tôi.”   Như vậy động lực khiến nó trở về chỉ vì đói.  Trước khi bị đói, không bao giờ thấy nó nhớ đến cha, không thấy sám hối vì bỏ cha đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về căn nhà cũ, nơi còn có cha chẳng biết già yếu ra sao, không thấy nuối tiếc vì phá tan cả sản nghiệp của cha.  Sau khi bị đói nó mới băn khoăn tìm đường về.  Cái tự nhủ, băn khoăn của nó là làm sao để được ăn.  Nó dự tính nói với cha nó là nó trót phạm tội nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như một người làm công.  Trong tự nhủ này có một ngập ngừng không đơn giản.  Tại sao nó muốn được đối xử như một người làm công?  Người làm công có dư bánh ăn!  Có phải, bây giờ muốn có bánh thì chỉ cần xin được làm người làm công?  Tôi không muốn khắt khe xét đoán sự trở về của nó.  Nhưng vẫn có một u uẩn trong lối hành văn của thánh sử Luca.  Ban đầu, vì đói nó mới về.  Khi hồi tâm nó nghĩ đến miếng bánh của người làm công được ăn.  Những ý tưởng này cho tôi nghĩ lời nói “trót phạm tội nghịch đến Trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa”, mang một giá trị rất nhẹ của lòng sám hối.

Nếu nó được ăn rau của heo thì nó ngang hàng bằng heo.  Nhưng trước mặt người ta, nó không được ăn rau của heo, nghĩa là nó không giá trị bằng heo.  Cái hoang vu của mầu tím ở đây là nếu nó được ăn rau của heo thì liệu nó có trở về không?  Cái dằn vặt của một mầu tím khó tìm được câu trả lời là tại sao phải đợi đến khi ngay cả rau cho heo cũng không có ăn lúc bấy giờ mới về.  Ðó là cuộc lên đường về trọn vẹn sao?  Ðấy là cuộc lên đường thúc đẩy từ lòng sám hối sao?

Mỗi mùa chay, nghĩ đến cuộc trở về trong Tin Mừng thánh Luca, tôi lại mơ ước một cuộc lên đường trọn vẹn.  Tôi trở về trọn vẹn để xứng đáng lòng yêu thương của Chúa, hay chỉ có thể dựa vào lòng xót thương của Chúa mà tôi có thể trở về?

Thái độ của người cha

Khi nhớ thì mỗi chiều cách biệt là một quãng đời hoàng hôn xạm tím.  Lần rở lại những trang đầu của câu chuyện.  Ta thấy thánh sử Luca vẽ chân dung người cha bằng một sắc mầu rất đỗi chịu đựng.

Ngài còn nói: “Người kia có hai đứa con. Con thứ nói với cha: “Thưa cha, xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!” Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó.  Không mấy ngày sau, đứa con thứ thâu góp tất cả của cải mà trẩy đi phương xa. Và ở đó nó sống trác táng phá tan cả sản nghiệp”.

Bắt đầu câu chuyện là đã thấy mầu tím u uẩn như những giây đàn han rỉ.  Nó như những giọt mưa buồn của một từ giã nặng nề.  Nó như những tiếng chuông trầm, cũng rất thong thả, rơi trong một chiều cô tịch, gõ vào lòng người cha, rất đìu hiu.  Khi người con từ giã, đi xa rồi, lòng người cha ở lại nghe những tiếng chuông ấy vọng về: “Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!”

Tôi không thấy mầu tím buồn trong hồn người cha than vãn, nuối tiếc vì số sản nghiệp bị mang đi. Nhưng có một ray rứt không buông thả trái tim người cha già tội nghiệp.  Cha mẹ chia của cải cho con cái khi biết mình sắp chết.  Con cái chia nhau sản nghiệp khi bố mẹ đã qua đời.  Tài sản của cha mẹ, nên chỉ khi cha mẹ gọi con cái đến chia, con cái mới được nhận, không khi nào con cái được quyền đến đòi cha mẹ phải chia cho mình.  Nhưng ở đây, người con không đợi nổi đến ngày cha mình chết. Nó mong sao ngày đó chóng đến.  Nhưng bao giờ?  Thôi! cha cứ chia cho tôi trước đi, đợi cha chết lâu quá!  Cha cứ chia đi rồi ngày nào cha chết tùy cha!

Người cha không nổi giận.  Ðưa cho con gói bạc mà thực ra nó chẳng có quyền đòi.  Người cha không tiếc gia nghiệp, nhưng tiếc một tình nghĩa đang mất.  Tiếng nói của người con: “Xin ban cho con phần gia sản thuộc về con” như những tiếng chuông báo tử của một linh hồn sắp lìa đời đang gõ xuống lòng người cha một sự thật đau đớn không thể chối từ.  Người cha nhìn về chân trời để thấy hồn mình là một nỗi sầu tím.  Người cha già giữ nỗi sầu tím ấy trong im lặng.

***

Lạy Chúa,

Bàn thờ đã giăng lên mầu tím của mùa chay.  Ngày ngày dâng lễ con thấy mầu tím nhắc nhở con trở về.  Con đã được dạy hãy lấy hình ảnh người con hoang đàng trở về làm mẫu mực.  Ðọc lại câu chuyện, con thấy sự trở về của nó không phải là một mẫu mực.  Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về đến từ hồi tâm của tình yêu tha thiết.

Con thấy động lực thúc đẩy người con thứ trở về là miếng ăn.  Một cuộc trở về man mác buồn. Nhưng, những tối một mình trong thinh lặng, rồi, những trang Lời Chúa nói với con bằng một ngôn ngữ rất sâu.  Nếu cuộc trở về của nó mà trọn vẹn đến từ nước mắt thì câu chuyện thánh sử Luca trình bầy sẽ đẹp lắm, sẽ uy hùng lắm.  Câu chuyện trở nên thiên anh hùng ca, nhưng sẽ là thách đố sợ hãi cho con.

Nhìn lại những cuộc lên đường về của con, con thấy cũng giống vậy.  Con lên đường về cũng vì miếng ăn. “Khi tình yêu con còn mơ, tin yêu con dệt thơ thì tình Chúa hững hờ.”  Con trở về khi cuộc đời dầm bập con.  Nếu người cha chỉ hân hoan đón đứa con hoang đàng khi nó về với lòng sám hối ăn năn tận đáy lòng thì chắc Chúa ít có cơ hội đón con lắm.  Con trở về vì con muốn thiên đàng.  Con trở về vì con sợ hỏa ngục.  Con trở về vì đời hắt hủi.  Sự trở về của con vẫn đến từ nỗi sợ, từ sự thèm muốn, từ một cùng đường.

Cuộc trở về của đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca không là mẫu mực lên đường về như một gương sám hối, mà con thấy là cuộc trở về dựa vào tình yêu của Chúa.

Làm sao định nghĩa được tình yêu.  Người ta nói như thế.  Người ta bảo không định nghĩa được tình yêu vì tình yêu phức tạp quá.  Con không nghĩ vậy.  Tình yêu khó hiểu không phải vì phức tạp mà vì nó quá sâu để hiểu.  Khi tình yêu phức tạp là người ta đang đày đọa tình yêu mất rồi. Chỉ vì miếng ăn người con mới trở về mà cũng làm cho người cha quá đỗi vui mừng.  Lòng xót thương của Chúa, con không hiểu được.  Con không hiểu được chẳng phải tình yêu phức tạp mà vì tình yêu quá sâu.

Con không thấy người cha hỏi đến gia nghiệp nó mang đi.  Con không thấy người cha thắc mắc bất cứ điều gì để làm cho tình yêu ra phức tạp.  Con không thấy người cha hỏi lý do nào nó trở về.  Con chỉ thấy người cha thương con của mình.  Lạy Chúa, con chỉ trở về được vì dựa lòng thương xót quá bao dung của Chúa.  Con sẽ chẳng bao giờ sám hối trọn vẹn được đâu, và như thế, bao giờ con về được nếu Chúa hỏi con bằng những câu hỏi phức tạp của một tình yêu phức tạp.  Nhìn vào tình thương của Chúa con chỉ thấy một chiều sâu.  Quá sâu.  Dựa vào đó, lạy Chúa, con xin về.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J
(Trích trong “CON BIẾT CON CẦN CHÚA”)