NIỀM TIN TUYỆT VỜI

Vào ngày 01-10-1977, trên một sân vận động tại NewYork, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh Pélé đã ghi cho mình bàn thắng thứ 1,278. Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi cởi áo gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên đã hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không ?” Pélé chỉ vào cây thánh giá đang đeo trước ngực và trả lời: “Có chứ thần tượng của tôi là chính Đức Giêsu Kitô”.

***

Bạn thân mến! Câu nói trên đây diễn tả niềm tin tuyệt vời của Pelé vào Chúa Giêsu. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nói lên niềm tin tuyệt vời của Simon và các bạn chài của ông.  Tin Mừng thuật lại rằng: Quang cảnh buổi sáng hôm đó thật rạng rỡ.  Nhưng cơn thất vọng chán nản đêm qua vẫn đè nặng tâm hồn Simon và các bạn chài  bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét.  Vất vả đánh bắt cả đêm nhưng không được một con cá lọt lưới. Trong nỗi thất vọng đó, Đức Giêsu đến với họ.  Ngài nói với  Simon:“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc.5:4). Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phêrô gặp thất bại. Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân. Chúa Giêsu muốn Phêrô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường.  Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ của Người.  Xuất thân là người thợ mộc, làm sao Đức Giêsu có kinh nghiệm trong nghề đánh cá bằng Simon?  Bởi vậy, Simon mới lên tiếng phản ứng: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”(Lc.5:5).

Trên bình diện tự nhiên, Simon không thể nghe lời một người không chuyên môn như thế.  Nhưng niềm tin tưởng vâng phục đã tạo nên sức mạnh khiến ông có thể vượt lên trên bình diện tự nhiên. Ông mạnh dạn lên tiếng:“Vâng lời Thầy, tôi đi thả lưới” (Lc.5:5).  Sự vâng phục của Simon đã được đáp trả :“họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.” (Lc.5:7).

Từ mẻ cá lạ lùng đó, Simon đã nhận thức được một khoảng cách vô cùng giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa Thiên Chúa và con người. Ông thưa với Chúa:“Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” (Lc.5:8). Tội lỗi khiến ông nhìn nhận mình chỉ là hư vô trước Đấng Tạo Hóa. Đứng trước  mẻ cá lạ, tất cả “đều kinh ngạc” (Lc 5:9,10). Kinh ngạc khi nhận thấy sự khác biệt thật rõ rệt nơi hai thực tại kề cận bên nhau:  Một bên là Thiên Chúa chí thánh còn bên kia là con người tội lỗi. Và một bên là hiện hữu vô cùng sung mãn còn bên kia là vô cùng hữu hạn và hư vô.

Trước sự kinh ngạc đó, Đức Giêsu trấn an Simon Phêrô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc.5:10).  Đừng sợ, vì khoảng cách vô cùng đó sẽ được lấp đầy bằng tình yêu vô biên của Thiên Chúa.  Đừng sợ, mặc dù tội lỗi và yếu đuối tràn đầy, nhưng Thiên Chúa vẫn cương quyết trao cho Phêrô sứ mệnh cao cả nhất.

Cảm phục trước quyền năng của Chúa,  Phêrô và các bạn chài đã can đảm “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Thật là một quyết định dứt khoát, một tấm gương sáng ngời cho ta noi theo .

***

Lạy Chúa! Khi xưa Ngài đã gọi ông Simon và các bạn chài của ông từ bỏ nghề đánh cá để trở thành những người “lưới người như lưới cá”.  Xin cho chúng con hôm nay biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, biết noi gương Phêrô và các bạn chài xưa kia, biết can đảm bỏ hết mọi sự để lên đường bước đi theo Chúa. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ 1: Is 6, 1-2a, 3-8, BĐ2: 1 Cr 15, 1-11, PÂ: Lc 5, 1-11)

ÐÔI MẮT NGƯỜI NGHÈO, ÐÔI MẮT NGƯỜI YÊU

Chắc nhiều lần bạn đã qua gần những bãi rác, bạn đã thấy những người đàn ông, đàn bà, trẻ em ăn mặc rách rưới, mặt mũi chân tay lem luốc, tay xách cái bao bố, tay cầm cây sắt, vừa đi vừa bới, đôi mắt chăm chú tìm những thứ gì còn có thể bán được cho tiệm ve chai: nào sắt vụn, dép cũ, ve chai… và họ sống nhờ những thứ tìm ở các đống rác.

Tôi thì hằng ngày thấy những người đồng cảnh ngộ đi tìm rau dại để nấu canh, vì không có tiền mua rau muống…  Có nhiều thứ mình cứ tưởng chỉ là cỏ dại, thế nhưng lại là những thứ rau “trời cho” người nghèo để ăn.  Bạn có thể tưởng tượng loại cây cảnh thường trồng quanh bồn bông giống như rau dền (nên người ta gọi là rau dền cảnh), lại có thể ăn sống hoặc nấu canh.  Khi ở trong hoàn cảnh có tiền mà không thể mua được rau ăn, được mấy người bạn làm vườn thẩy cho một nắm rau này, ăn thấy ngon hơn xà-lách Ðà-Lạt bạn ạ.

Nói thế không phải để làm bạn mủi lòng đâu, nhưng để chỉ cho bạn thấy đôi mắt người nghèo, vì tôi nghĩ rằng trong mọi lãnh vực của cuộc sống, chúng mình cần có cái nhìn của đôi mắt người nghèo để khám phá ra những của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng trong những cái tầm thường nhỏ bé nhất, nhờ đó chúng ta trở nên phong phú hơn.

zzBạn biết không, Chúa Giêsu cũng đã có đôi mắt của người nghèo.  Ngài đã phát hiện vẻ đẹp và ý nghĩa của những sinh hoạt bình thường nhất như:  thắp đèn, làm bánh, cất nhà… những đồ vật nhỏ bé nhất: đồng xu, hạt cải, chim sẻ, cáo… cho tới những sinh hoạt đặc biệt như: chiến tranh, xây tháp…  Ngài đã dùng những đồ vật, những hình ảnh nhỏ bé, tầm thường nhất, để nói lên những điều cao siêu nhất. Ngài đã nhìn thấy vẻ đẹp, sự cao quý ở trong những con người mà người đương thời coi rẻ, miệt thị, đồng thời Ngài thấu suốt những cái xấu xa được che giấu đàng sau những cung cách, lời nói kiểu điệu, những bộ áo giàu sang, đạo mạo. Ngài đã biết vá áo, biết vận dụng cái mới cái cũ trong những đống gỗ, những đồ dùng, đồ nghề, những chiếc áo… nên Ngài mới ví người nghiên cứu sách thánh (scribes) của Nước Trời, như người biết vận dụng cả cái mới cái cũ trong kho tàng của mình.

Bạn ơi, có nhiều khi chúng ta học thói nhà giàu xài sang, không quan tâm tới những cái nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày.  Ðụng cái gì không vừa ý một chút là bỏ.  Người giàu cầm quả táo có vết sâu ăn liền vứt bỏ nguyên trái, người nghèo thì bình tĩnh cắt bỏ chỗ sâu, hoặc cắn quanh mà ăn, chừa chỗ bị sâu lại mà vứt đi.

Bạn có thể nghĩ đến mọi lãnh vực khác: thời giờ, bạn bè, công việc, học hành, đào tạo…  Rất nhiều khi chúng ta phải bằng lòng với những con người, những dụng cụ… những phương tiện rất hạn hẹp theo kiểu nhà nghèo: “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Thì giờ chẳng hạn.  Có khi do nghề nghiệp, do hoàn cảnh, thì giờ của bạn bị xé vụn.  Nhiều khi bạn có thể bực mình vì bị quấy rầy, bị lỡ xe, bị mất điện…  Nếu những lúc ấy bạn bực mình, bạn sẽ đánh mất chút thì giờ còn lại.  Còn nếu bạn biết quý từng giây phút thì bạn đừng uổng phí nó cho nỗi bực mình, cho lời than van.  Bạn hãy bình tĩnh đón nhận những giây phút không bị quấy rầy và tận dụng, giống như lúc làm bài thi càng về cuối càng phải bình tĩnh để đừng viết sai, mất thì giờ sửa…  Những lúc chờ xe, chờ đèn xanh, kẹt xe chẳng hạn, nếu bạn bực bội bạn sẽ mất những giây phút đó và những giây phút sau với bao nghị lực lãng phí.  Bạn có thể sử dụng những giây phút ấy nhiều cách, cầu nguyện chẳng hạn…

Trong công việc, học tập, đào tạo, bạn cũng cần đôi mắt người nghèo để biết quí những dụng cụ, những phương tiện, những người bạn, người thầy bạn đang có, dù không hoàn hảo như bạn muốn, nhưng nếu bạn biết đón nhận và sử dụng thì vẫn tốt hơn là bạn chờ cho tới khi có phương tiện, có người như ý bạn muốn.

Cuối cùng, trong đời sống kết hiệp với Chúa, nếu bạn có đôi mắt người nghèo, bạn sẽ khám phá ra nhiều cái, nhiều dịp có thể giúp bạn gặp gỡ, cảm nhận tình yêu của Chúa.  Bạn có thể học với Chúa Giêsu để phát hiện Tình Yêu của Cha, hình ảnh của Cha trong những vật, những người, những tình huống tầm thường nhất.

Ðôi mắt người nghèo có cái gì giống đôi mắt người yêu ở chỗ rất nhạy bén, rất tinh.  Ðôi mắt người yêu rất tinh để nhận ra hình dáng, dấu vết của người yêu, và nhất là để nhận ra những nét đáng yêu của người yêu.

Bạn ạ, trong ơn gọi của bạn, bạn rất cần có đôi mắt người đang yêu đối với Thiên Chúa, đối với mọi người và mọi sự, yêu mọi người, mọi sự trong Chúa.  Với đôi mắt người yêu, bạn sẽ nhận ra Chúa ở trong mọi người mọi sự, và nhận ra vẻ đáng yêu của mọi người mọi sự giống như Chúa nhìn, như vậy bạn mới có thể yêu Chúa trong tất cả và yêu tất cả trong Chúa, và yêu như Chúa yêu.

Nhiều thánh vịnh có thể giúp bạn tập nhìn đời bằng đôi mắt người yêu, như thánh vịnh 104 về những vẻ huy hoàng của vạn vật, và các thánh vịnh Job 38-39.

L.M. Nguyễn Công Ðoan, S.J