TRÊN ÐƯỜNG VỀ

zzTrên đường về với Chúa, tôi đã bao lần cất cánh bay lên, nhưng có mưa phùn làm đôi cánh lạnh giá.

Ðã bao lần tôi muốn đi tới, nhưng lối về có gai góc cản ngăn.

Ðã bao lần muốn giang tay ra, cho đi nhiều hơn, nhưng có nuối tiếc bảo đừng.

Vì thế, trong mơ ước có gian nan.  Và, trên đường về với Chúa vẫn là khúc đường xa xăm.

******************************************

Trong cuộc sống, những giấc mơ chưa trọn vẹn là những giấc mơ buồn.  Vì không trọn vẹn nên mới buồn.  Nhưng đặc tính của những giấc mơ buồn lại thường là những giấc mơ lớn.  Vì lớn nên mới khó trọn vẹn.  Bởi đó, cái buồn của giấc mơ không trọn vẹn dường như vẫn là cái buồn giá trị, giá trị vì nó mang một hoài bão rất cao.

Cái không trọn vẹn đó thúc bách, mời gọi đi tới.  Con đường tình yêu không bao giờ có giới hạn thì giấc mơ tình yêu không bao giờ cùng.  Do đấy, sự chưa được trọn vẹn trong ước mơ đi về với Chúa là sự chưa trọn vẹn dễ hiểu trong thân phận làm người của tôi nơi trần thế này.  Ðường tình yêu càng dài thì giấc mơ tình yêu càng sâu.  Tình yêu càng sâu thì trên đường ấy, tôi cần miệt mài đi mãi.

Trên đường về với Chúa, tôi chỉ hỏi lòng tôi là tôi đã đi xa tới đâu, đã bay cao thế nào.  Chứ không thể có câu hỏi tôi đã yêu Chúa trọn vẹn chưa.  Từ ngàn xưa, Ngài đã biết hồn tôi là dang dở, những lời thề của tôi là những lời đoan hứa dập gẫy.  Bởi đấy, tôi không thể yêu Ngài trọn vẹn nhưng Ngài đòi tôi đi về trọn vẹn.

Trọn vẹn là một mơ ước.  Dang dở vì chưa trọn vẹn có chiều sâu của nó là nó làm cho mơ ước tiếp tục còn là ước mơ.  Tôi có thể cầu Chúa cho tôi đạt được mọi mơ ước không?  Khi đạt được mọi mơ ước rồi thì tôi không còn mơ ước nữa.  Không còn mơ ước thì còn gì để mà đi tới, còn gì để mà bay lên. Trong ý nghĩ ấy, đường về với Chúa nếu còn dang dở chỉ là lời gọi tôi đi tới.  Mỗi lần sa ngã chỉ là bảo tôi nhìn lên cao.  Tôi không thất vọng vì chưa đạt được mơ ước.

Mơ ước đã được rồi là hạnh phúc đã được đóng khung trong một bến bờ.  Tôi muốn thứ hạnh phúc vô cùng.  Tôi muốn hoài hoài mơ ước.  Tôi muốn vào một không gian hạnh phúc mà càng bay cao thì càng bắt gặp trời thênh thang tự do.  Càng bắt gặp thì càng si mê, càng si mê thì càng nuôi mộng đi tới nữa.  Tôi tin rằng hạnh phúc ấy có thật.  Ðó là chính Chúa.  Bởi tôi biết, tôi không bao giờ uống cạn được ân sủng của trời cao.  Vì thế, tôi không xin cho tôi đạt được điều tôi mơ ước mà chỉ xin cho tôi được mãi mãi, hoài hoài đi về Ngài, sống trung thành với mơ ước đó thôi.

Và vì thế, linh hồn tôi có vì bất toàn mà lầm lỗi, thì đấy chẳng thể là lý do làm tôi thất vọng, xuôi lòng. Trên đường về nhà Cha, nếu vì yếu đuối mà dừng nghỉ.  Thì, đường về nhà Cha có xa xăm thật.  Xa xăm ấy vẫn là xa xăm có Chúa.  Nếu vì sa ngã mà làm cho giấc mơ gian nan.  Thì, đường về nhà Cha có gian nan thật, gian nan ấy vẫn là gian nan ấm lòng.

******************************************

Lạy Cha,
Cha cầu xin cho con không thuộc về thế gian, nhưng Cha đã chẳng đem con ra khỏi thế gian.  Ngày nào con còn trong thế gian thì con còn nghe thấy tiếng dỗ dành của những rung cảm đam mê.  Từ trong bào thai của mẹ, con đã là lỗi phạm.  Con có thể vấp ngã vì bóng đêm, nhưng con có thể không thuộc về đêm tối.  Con không thất vọng vì những đám mưa phùn làm con ướt cánh.  Con không ủ dột vì bờ đá chênh vênh giữ chân con đi tới.  Vì con biết, khi Cha dìu con, thì tình trời sẽ sưởi ấm chiều mưa lạnh ảm đạm, và ân sủng sẽ gieo trên gai nhọn.  Khi Cha dìu con thì ước mơ sẽ nên tha thiết, và dù có vất vả cánh ong vẫn bay về được với mật ngọt của hoa.  Khi Cha dìu con thì con có thể trung thành. Khi Cha dìu con thì thánh giá sẽ là sức sống.

Lạy Cha,
Ðấy là mơ ước và cũng là lời cầu nguyện của con trên đường về.

Có giấc mơ nào đẹp mà không phải trả giá bằng thương đau?  Có giấc mơ nào lớn mà không phải trả giá bằng thử thách?  Có thập giá nào lên đồi Golgotha mà không quỵ ngã?  Có chiều nào trong vườn Giệtsimani mà không lo âu rướm máu.  Những áng mây trời chỉ bay trên đỉnh đồi.  Gió lộng chỉ ở ngoài biển khơi.  Tôi phải đi lên. Tôi phải miệt mài bước tới.  Và Ngài đã nói với tôi: “Cha ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28: 20).

Tiếng gọi của trời cao là bảo tôi trung thành với ước mơ.  Cho dù lầm lỗi có làm tôi đau khổ vì mất giá trị nhưng chẳng vì thế mà Người chê trái tim tôi nghèo nàn xấu xí.  Ðôi cánh con chim sẻ sẽ chẳng bay cao được như con phượng hoàng.  Nhưng một ly nước nhỏ mà đầy thì ý nghĩa hơn một ly nước lớn mà vơi.

Dù có yếu đuối cản đường.  Dù có lầm lẫn che lối.  Dù ngày tôi chết, tôi vẫn chưa leo được tới nửa đồi của thập giá, nhưng nếu tim tôi vẫn hồng lửa ước mơ, hồn tôi vẫn vất vả đi tìm cõi vô biên thì đấy là đường mở lối vào vườn hạnh phúc rồi.

Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một con chiên què mà cứ xiêu vẹo trèo lên.  Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một đôi cánh đang lầm than vì gió lạnh, mưa ướt, mang thương tích vì gai rậm mà cứ nhất quyết tìm đường về.  Và vì đó, dù trong yếu đuối của tôi, tôi vẫn thấy biển rộng, trong dòng xót thương của Cha, tôi tới đồi cao.

LM. Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

KHUÔN MẶT NGÀI BIẾN ĐỔI

Khuôn mặt phản ánh cuộc sống của con người. Sống trên đời, ai cũng muốn mình có khuôn mặt đẹp, dễ nhìn, dễ  mến. Vì thế, ngày nay người ta đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc để đi thẩm mỹ viện sửa sang lại khuôn mặt của mình. Người ta muốn được người khác chú ý, muốn thu hút người khác, muốn người khác thay đổi cái nhìn về họ…

***

zzBạn thân mến!  Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng tường thuật về một khuôn mặt, về sự biến đổi dung mạo của một người.  Người đó chính là Đức Giêsu khi Ngài biến đổi hình dạng trên núi Tabo: “Ðang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi” (Lc.9:29).

Tin Mừng tường thuật thật rõ ràng :“Khuôn mặt của Chúa Giêsu biến đổi khi Ngài đang cầu nguyện”. Phải chăng cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa? Gặp gỡ Thiên Chúa làm biến đổi con người từ nội tâm đến thân xác, biến đổi từ khuôn mặt đến cả những gì con người sử dụng: “y phục của Người cũng trở nên trắng tinh chói loà ” (Lc.9:29).

Trong mùa Chay thánh này, Giáo hội mời gọi ta cùng biến hình với Đức Giêsu:

Biến hình với Đức Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn ta, là mang vào lòng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông phó thác.

Biến hình với Đức Giêsu là vất bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban.

Biến hình với Đức Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

Nhưng mọi cuộc biến hình đổi dạng đều phải khởi đi từ việc tiếp xúc với thân mật với Thiên Chúa.  Có tiếp sức thân mật với Chúa, có nỗ lực cầu nguyện liên lỉ, ta mới có sức mạnh Chúa ban để biến đổi cuộc đời của ta.  Đôi khi ta cũng dễ dàng lãng quên việc gặp gỡ Thiên Chúa, lãng quên việc cầu nguyện mỗi ngày, lấy cớ mình qúa bận bịu với những công việc của Chúa. Thế giới ta đang sống hôm nay rất thiếu những người chăm lo cầu nguyện, nhưng lại thừa những người lăng xăng…

***

Lạy Chúa Giêsu! Xin biến đổi con,
xin biến đổi con qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Mỗi lần con đọc Lời Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con rước Chúa vào lòng,
xin biến đổi tim gan con.

Xin cho khuôn mặt của con được ngời sáng hơn,
sau mỗi lần con gặp Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi vui của Chúa,
trong nụ cười của con,
Thấy sự dịu dàng của Chúa,
trong lời nói của con.  Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: St.15:5-12 &17-18  –  BĐ2: Pl.3:17- 4,1  –  PÂ: Lc.9:28b-36)

CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH

zzGặp gỡ nhau là việc thường tình.  Tuy nhiên, có những cuộc gặp gỡ làm thay đổi vận mệnh của một đời người.  Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Lê-vi là một trong những trường hợp đó:

Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giê-su, những người làm nghề thu thuế bị dân chúng ghét bỏ và liệt vào hạng tội lỗi.  Ông Lê-vi là một nhân viên thu thuế và người ta nhìn ông với cặp mắt đầy ác cảm.  Sự ác cảm này không phải là vô cớ, vì khi làm nghề thu thuế, hầu chắc ông khó tránh được những lần lem nhem tiền bạc, đút lót đầu này ăn chận đầu kia.  Sống chung với những  người thu thuế, làm sao ông có thể tránh được những thói hư tật xấu của họ?  Ông cha ta có nói: “Gần mực thì đen”, câu nói này chắc cũng không ngoa!  Có tiền có quyền thì dễ có cơ hội giao du với những người xa hoa phóng đãng.  Số bạn bè mang tiếng là “bọn thu thuế và quân tội lỗi” đến dự tiệc tại nhà ông hôm ấy có thể minh chứng phần nào cho điều này.

Tuy hành nghề thu thuế, tuy sống lăn lộn với giới bất lương tội lỗi, nhưng thâm tâm ông luôn cảm thấy bất an.  Ông cảm thấy đời mình có cái gì đó không ổn, có cái gì đó cần phải bỏ đi, có cái gì đó cần phải sửa sang chỉnh đốn lại.  Ban ngày ông ra bàn thu thuế loay hoay với tiền bạc, với những kẻ trên cúi dưới lòn.  Nhưng đêm về, đối diện với chính mình, ông  thấy buồn da diết:  tiền bạc không mang lại cho ông niềm vui đích thật!  Từng đêm rồi lại từng đêm, ông dằn vặt khổ sở vì những ý nghĩ tốt xấu cứ đấu tranh dai dẳng trong tâm hồn.  Ông  muốn tìm cho mình một lối thoát, thế nhưng cái thòng lọng của nghề nghiệp, của lợi nhuận vẫn cứ xiết chặt lấy ông.

Mấy hôm rồi, quanh bàn thuế, ông nghe người ta nói nhiều đến một Thầy Giê-su nào đó đã mang lại an vui cho nhiều người.  Lê-vi nửa tin nửa ngờ: Thầy Giê-su là ai mà có thể làm được điều đó?  Ông tò mò tìm hiểu và nghe được rất nhiều điều thú vị.  Ông thầm ước mong mình có cơ hội gặp được vị Thầy có sức cảm hóa ấy, nhưng công việc bàn thuế và các mối giao lưu nghề nghiệp cứ chiếm hết giờ của ông!

Thế rồi hôm nay, một ngày định mệnh của đời ông:  Thầy Giê-su đi ngang trạm thu thuế, thấy ông và gọi ông.  Không chần chừ, ông đứng dậy đi theo Ngài, liều mất cả việc làm béo bở, liều chịu mọi hậu quả rắc rối có thể xảy đến sau này.

Lê-vi đã khởi sự tiến trình hoán cải.  Ông đã cương quyết rời bỏ bóng tối để đi ra miền đất ánh sáng.  Ông cương quyết làm lại cuộc đời.  Cơ hội đã tới, ông  phải bám lấy nó, không thể để cơ hội hiếm hoi này vuột khỏi tay ông.  Ông đã quá ngán ngẩm những đêm dài trằn trọc.  Phải cương quyết ra đi thôi.  Ông về nhà tổ chức một bữa tiệc lớn, mời Thầy Giê-su, các môn đệ của Thầy và các thân bằng quyến thuộc của mình đến chung vui, để nói lên quyết định trọng đại của mình, để từ giã họ mà đi theo vị thầy mà ông tin là sẽ mang lại cho đời mình niềm hạnh phúc an vui đích thật.

*********************************

Tiến trình hoán cải là con đường trở về được Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta, là những tội nhân.  Tiến trình này cho chúng  ta thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giê-su Ki-tô.  Người không đến để luận tội chúng ta, nhưng để vạch cho chúng ta thấy tội lỗi của mình mà hoán cải, hầu được giải thoát khỏi vòng cương tỏa của tội lỗi và được sống an vui thanh thản.  Qua các câu chuyện thuật lại trong các sách Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su luôn tìm dịp đến với những  người tội lỗi.  Người lân la chuyện trò với họ.  Người cùng ăn cùng uống với họ, để khơi dậy nơi họ niềm hy vọng vươn lên khỏi tình cảnh đáng thương của mình.  Và khi kẻ tội lỗi đã có thiện chí hoán cải, Người luôn tạo cơ hội thuận tiện để giúp họ làm lại cuộc đời.

Chúng  ta là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh chị em.  Vì là người có tội, chúng ta thường mang nhiều mặc cảm.  Chúng ta muốn vươn lên, muốn thoát ra khỏi tình trạng đáng  buồn của mình.  Nhưng có lúc chúng ta không đủ can đảm, có lúc lại chẳng có ai chìa tay ra nâng  đỡ chúng ta!  Chúa Giê-su hiểu rõ tâm trạng này.  Người là vị Lương Y từ ái sẵn sàng ra tay cứu chữa mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền.  Người là vị Mục Tử nhân lành biết rõ từng con chiên của mình.  Người sẵn sàng tạm rời chín mươi chín con chiên đã yên ổn trong đàn để đi tìm một con chiên lạc, và đưa nó trở về sum họp với đàn.

*********************************

Lạy Chúa, con là một tội nhân hư hỏng.  Những  tội lỗi mà con quen phạm cứ mãi dằn vặt trong tâm hồn con.  Con rất muốn dứt bỏ những tội lỗi ấy.  Nhưng rồi con cứ sa đi ngã lại mãi, khiến nhiều lúc con nản chí muốn buông xuôi.  Nhân mùa Chay này, xin Chúa giúp con đảm đứng  dậy như ông Lê-vi, đi ra khỏi vùng đất tối tăm của sự chết, để theo Chúa tiến về miền đất ánh sáng của sự sống muôn đời.  A-men!

Trầm Tĩnh Nguyện

CUA ĐÁ VÀ ĐỜI NGƯỜI

Tôi ăn món cua đá.  Không phải là loại cua đá, cua sữa, cua biển hay cua gạch, nhưng là cua đồng.  Cua đồng đem xay nhuyễn rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh, cua cứng như đá, nên tôi gọi là… cua đá.  Món này cũng thú vị, ngon hơn nếu có cà muối chua chấm mắm ớt hay mắm tôm.  Ăn món canh cua đá mà nghĩ về kiếp người, về đời mình.

Cua.  Đáng lẽ nó có thể đi đâu tuỳ thích, sống ở đâu nó muốn và sống hết thời gian ấn định của Đấng Tạo hoá ban cho, nhưng lại bị con người bắt, giết chết, xay nhuyễn.

Người.  Con người, ban đầu trong vườn địa đàng thật sự tự do, hạnh phúc và dĩ nhiên sẽ được sống hết tuổi thọ Thiên Chúa ấn định.  Nhưng bỗng nhiên, con người bị satan giết chết.  Thế là mất hết mọi sự.

Cua.  Đáng lẽ sau khi chết sẽ thối, lại được bảo quản trong tủ lạnh.  Nhờ thế, dù thân xác đã bị nghiền nát, nhưng vẫn còn giá trị.  Nó vẫn còn sử dụng để phục vụ cho con người.  Thời gian có thể vài ngày, vài tuần hay nhiều năm, nếu bảo quản tốt.

Người.  Cũng thế, đáng lẽ con người sẽ biệt tích khỏi địa đàng tình yêu Chúa thì lại được gia hạn, cho sống chuộc lỗi.  Đáng lẽ phải ra khỏi con ngươi của Ngài vì phản bội thì lại được ngày đêm mở to mắt hướng nhìn Ngài.  Đáng lẽ phải làm bạn với quỷ dữ thì lại được Chúa Ba Ngôi hâm nóng bằng lòng thương xót, cho làm bạn, làm con cái trong nhà và có quyền thừa tự.

Cua.  Tuy an toàn trong tủ, nhưng bất cứ lúc nào đem ra khỏi tủ thì nó sẽ hư thối rất nhanh.

Người.  Cũng vậy, con người thật an tâm khi sống trong chiếc tủ cứu độ khổng lồ.  Nhưng bất cứ lúc nào ta để cho ma quỷ lôi kéo hay tự ý ra khỏi chiếc tủ quan phòng thì sẽ bị huỷ diệt nhanh chóng.  Bao lâu ta xa rời Thiên Chúa, thì bấy lâu đời ta gặp trục trặc, và nguy cơ đau khổ, chết chóc rất cao.

Cua.  Dù ở trong tủ, nhưng không phải là thời gian kéo dài mãi mãi.  Chẳng ai cố giữ để nó tồn tại vĩnh viễn hay tìm cách phục hồi hình dạng cho nó.

Người.  Khác với cua. Nếu cứ ở trong tủ lưu trữ của Thiên Chúa thì con người sẽ mãi mãi không bao giờ bị rữa nát.  Trái lại, còn được Ngài ngày đêm chăm sóc kỹ lưỡng, rồi tìm cách trả lại hình dạng thật của ta, giống như trước kia vậy.

************************************

Ađam Eva tốt lành thánh thiện như thế mà còn không chịu nổi áp lực tấn công của satan, nói chi chúng ta, vốn đã mang trong mình vết tích của tội thì làm sao có thể chống trọi lại sức mạnh của sự dữ.  Người bệnh sao chống lại được người khoẻ.

Phêrô.  Nhờ nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, Phêrô có thể đi trên mặt biển, dù biển đang sóng dữ dội.  Khi nhìn ra biển, ông liền bị chìm.  Nét đẹp của ông là biết mình đang chìm rồi la to, kêu Chúa cứu, và đưa tay để nắm lấy tay Ngài.  Ôi mắt nhìn mắt, tay nắm tay.  Thoát chết.

Lúc gà gáy lần thứ ba thì ông cũng đã chối Chúa ba lần.  Hình ảnh tuyệt vời trong dinh tổng trấn khi ông nhìn lên Chúa, lúc Ngài cũng đang hướng nhìn ông.  Ôi ánh mắt trái tim gặp được Trái Tim Cứu Độ.  Ông được cứu.

Israel.  Xưa trong sa mạc, họ đã nhìn lên con rắn đồng và thoát chết, thì nay bất cứ ai nhìn lên Thập giá tình yêu của Ngài cũng đều được cứu.

Ta.  Biển ghê sợ, biển đời ghê sợ hơn.  Biển dữ dội, biển đời dữ dội hơn.  Biển có thể nhận chìm nhiều tàu, nhiều ngư phủ, thì biển đời cũng có thể dìm chết nhiều người, nhận chìm nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn.  Sức người sao có thể chống nổi.  Chỉ một chút xa rời Thiên Chúa là ta có thể bị tấn công. Một chút lơ là chước các mưu chước ma quỷ là có thể bị tổn thương.  Đã yếu lại càng yếu hơn.

zzHãy nhớ mình là bụi tro, rồi mai sẽ trở về bụi tro.  Thân phận con người nay còn mai mất, chỉ một cơn gió thoảng cũng làm nó biến đi mà chẳng để lại vết tích gì.

Con người chỉ là bụi tro, nhưng lại là một thứ tro bụi có giá trị.  Giá trị đến nỗi Thiên Chúa dám đánh đổi địa vị làm Chúa để trở thành người, rồi làm bạn, làm người phục vụ, làm người nô lệ.  Ngài chết thay.  Ngài đánh đổi mạng sống để cứu lấy thứ tro bụi con người.

Nếu muốn sống với Chúa, ta hãy cùng chết với Ngài.

Nếu muốn chết với Ngài, ta hãy sống với Chúa.

Nếu muốn mọi sự tốt lành, ta hãy làm nhiều việc tốt lành.

Nếu muốn được ơn cứu độ, ta hãy chết đi con người cũ do tội gây ra, đó là tất cả mọi thứ xấu do tư tưởng, lời nói hay hành động làm mất lòng Chúa, phiền lòng nhau.

Mùa chay, xin cho mỗi người được trở về với Chúa bằng thái độ dứt khoát.  Dứt khoát như cái chết, dứt khoát như Phaolô, dứt khoát như Phêrô… Vâng, hãy dứt khoát!

Thanh Thanh

KHÔNG CHỈ NHỜ CƠM BÁNH

Làm người là chấp nhận thân phận bị cám dỗ. Con người vừa mang trong mình khát vọng vươn tới tuyệt đối, vừa thấy mình luôn bị một mãnh lực nào đó kéo ghì xuống. Bởi thế, đời người lúc nào cũng phải chiến đấu cam go, chỉ một chút lơ là yếu mềm là vấp ngã.  Con người trở nên cao cả khi thắng được cám dỗ. Ngược lại, lúc buông xuôi theo cái tôi dễ dãi tầm thường, tôi chẳng còn là tôi. Chỉ khi tôi vượt quá cái tôi, tôi mới thật sự là chính mình. Tôi chỉ là tôi, khi tôi vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.

***

Bạn thân mến! Trong mùa Chay Thánh này, ta hãy đi vào hoang địa với Đức Giêsu.  Hãy cùng với Ngài sống trong cô tịch, cầu nguyện và chay tịnh. Có chay tịnh và cầu nguyện, ta mới có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc.  Biết mình bị cám dỗ thật là một ơn ban, vì ma quỷ chẳng phải là một con vật có đuôi lộ liễu.  Những cám dỗ của Ðức Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng là những cám dỗ của tôi trong cuộc đời này:

Cám dỗ đầu tiên đánh thẳng vào điểm yếu nhất của con người. Đó là cám dỗ về vật chất, về cái ăn cái mặc.  Sau một thời gian dài nhịn ăn vì chay tịnh, Đức Giêsu thấy đói. Cái đói làm tê liệt nhận thức, cái đói đụng đến bản năng sinh tồn. Ðiều cần thiết đối với người đang đói là cơm bánh.  Ðức Giêsu đã thắng được cơn cám dỗ vật chất  này. Ngài không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh (Lc.4:4).  Lợi nhuận trong kinh tế là điều quan trọng, nhưng không được quên các giá trị văn hoá, luân lý, tôn giáo… Lắm khi cái đói vật chất vẫn chi phối chúng ta. Người ta dễ hiểu sai câu: “Có thực mới vực được đạo“.  Chúng ta vẫn bị cồn cào bởi những thèm thuồng chính đáng và không chính đáng, cá nhân và tập thể, nhưng đừng để mình thỏa mãn cơn đói bằng mọi giá.

Sau cám dỗ về vật chất là cám dỗ về quyền lực, về tiếng tăm. “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này…Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc.4:6-7). Hãy bái lạy ma qủy để được quyền lực và vinh quang .  Có nhiều người nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão huyền này. Bao nhiêu đế quốc, bao nhiêu nhà cầm quyền đã qua đi trong dòng lịch sử của nhân loại.  Ðức Giêsu chẳng muốn nhận quyền từ một người nào khác ngoài Cha của Ngài. Chỉ có Cha mới là Ðấng duy nhất để Ngài bái lạy tôn thờ.

Sau cám dỗ về vật chất và quyền lực tiếng tăm, là cám dỗ về lòng khiêm nhượng, là cám dỗ của lòng tin vào đấng Tuyệt Đối. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!” (Lc.4:9). Tôi đưa mình vào tình huống hiểm nghèo, để bắt Chúa hành động.  Nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ mà không chết, quả là ngoạn mục! Ta vẫn thích Chúa làm chuyện ngoạn mục cho đời ta. Ta không thích sống trong niềm tin êm ả, như đứa con biết rõ người Cha thương mình, không đòi kiểm chứng.

Tóm lại: Tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, quyền lực, uy tín, danh dự, khoa học, kỹ thuật..v..v.. tất cả những giá trị trên đây đều đáng quý. Nhưng đó không phải là cùng đích của con người.  Cùng đích của con người là chính Thiên Chúa, là cuộc sống hạnh phúc đời đời bên cạnh Đấng hằng yêu thương ta.

Ước gì tôi luôn luôn có Chúa kề bên, để Ngài giúp tôi mỗi ngày biết tự cởi trói chính mình, để tôi được tự do hơn mà trở về với Ðấng Tuyệt Ðối của đời tôi.

***

Lạy Chúa Giêsu, bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa. Cuộc sống hôm nay cho con biết bao cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những thèm khát nơi con. Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu.  Cám dỗ thống trị bằng quyền lực và tri thức. Cám dỗ sống buông thả bất cần đời…

Cám dỗ nào cũng hứa hẹn nhiều hoan lạc, nhưng thật ra lại làm cho con nghèo nàn hơn, trói buộc hơn vào cái tôi ích kỷ.  Xin cho con thắng được các cơn cám dỗ nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và sám hối ăn năn. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Dnl 26:4-10, BĐ2: Rm 10:8-13, PÂ: Lc 4:1-13)

HÃY XÉ LÒNG

zzMùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu.  Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái.  Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Cựu ước nói nhiều đến tập tục này.  Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ni-ni-vê.  Ni-ni-vê là một thành phố lớn.  Nhưng dân chúng ăn chơi trụy lạc, phạm nhiều tội lỗi.  Thiên chúa muốn tiêu diệt thành này.  Trước khi phạt, Chúa sai ngôn sứ Gio-na đến báo động.  Nghe vị ngôn sứ nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro.  Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành.

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.  Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng.  Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xóa sạch vết tích.  Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

Như thế, việc xức tro và xé áo có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa.  Nhưng với thời gian, do những cử hành máy móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài.  Người ta làm cho qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối.  Chính vì thế, ngôn sứ Giô-en đã kêu gọi dân chúng : “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.  Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12b-13a).

Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi.  Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối.  Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi.

Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn.  Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa đau đớn vì tội lỗi.  Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống trong khiêm nhường bé nhỏ.  Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào âm thầm nghèo hèn.  Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã không biết yêu thương.  Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất.  Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở ra chia sẻ.  Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo đức.  Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa, nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.

Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta không xé lòng ra.  Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi.  Tội lỗi ăn sâu dính chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn.  Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó ra.  Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục vọng bất chính.  Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc.  Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh vọng chức quyền.  Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc.  Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự tôn.  Biết bao thứ đã trở thành thiết thân.  Những quan hệ, những tiền bạc của cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn, tất cả đã gắn chặt vào đời ta.  Giờ đây phải xé nó ra.  Đau đớn lắm.  Vết thương sẽ nặng lắm.  Máu sẽ chảy nhiều lắm.  Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc và tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức mạnh cho con, để mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi.  Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

SỰ TÍCH CON CỌP

zzNgày xưa khi mà loài người đang sống gần với muông thú trong rừng.

Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên. Đến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:

– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:

– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

– Trí khôn tôi để ở nhà. Để tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm.  Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:

– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?

Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:

– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.

Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây.  Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.  Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.

Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.

*****************************************

Quả thực, trong muôn loài tạo vật thì con người là thụ tạo cao cả nhất, vượt xa muôn loài, muôn thú.  Vì con người được Thiên Chúa ưu ái tạo dựng giống hình ảnh Ngài.  Có lý trí, ý chí và tự do.  Con người còn được Thiên Chúa ban quyền thống trị muôn loài, làm chủ vạn vật.  Cho dù là những sinh vật bé nhỏ hay những loài vật mãnh thú hổ, báo, sư tử cũng đều phải quy phục con người. Cho dù là những loài tinh khôn cũng chỉ là bắt chước con người chứ không thể sánh bằng con người.

Vì thế nhân ngày đầu năm là dịp thuận lợi để chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng chúng ta vượt xa muôn loài muôn vật và còn cho chúng ta được nên giống hình ảnh Ngài.  Tạ ơn Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, cho dù phận người còn nhiều yếu đuối, bất toàn, nhưng tình yêu Chúa mãi rộng lớn có thể “phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta”.

Tạ ơn Chúa về một năm đã qua luôn được bình an trong tay Chúa.  Cho dù cuộc sống còn có những khó khăn, nhưng chính Thiên Chúa đã dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời.  Cho dù giòng đời đâu mấy khi bình yên nhưng Chúa vẫn nâng đỡ chúng ta bằng những ơn lành hồn xác.

Tạ ơn Chúa còn là dịp để chúng ta biết sống sao cho xứng với hồng ân ban tặng.  Thiên Chúa cho chúng ta nên giống hình ảnh Ngài, thì chúng ta hãy sống tự chủ bản thân, đừng buông mình theo những đam mê tội lỗi, đừng phá hủy nét đẹp của tâm hồn bởi những thói hư tật xấu.  Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cho dù chúng ta còn nhiều bất xứng thì chúng ta hãy sống tình yêu đó với tha nhân.  Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ.  Hãy sống quảng đại vì Thiên Chúa luôn quảng đại với chúng ta.  Hãy trao tặng cho nhau niềm vui và hạnh phúc vì chính Thiên Chúa luôn ban xuống đời ta biết bao ơn lành hồn xác.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn thánh thiện xứng đáng là hình ảnh của Chúa.  Xin Chúa chúc lành cho những ngày xuân chúng ta tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.  Nguyện xin Chúa xuân ban đến cho mọi nhà và mọi người một năm mới an bình và hạnh phúc.  Amen!

Lm Tạ Duy Tuyền

HẠNH PHÚC ĐÍCH THẬT

Tai nạn giao thông ở ngoại ô thành phố Paris năm nào đã cướp đi mạng sống của công nương Diana. Cái chết của bà làm hàng triệu người xúc động.  Người ta thương bà vì bà xinh đẹp, bà nhân từ và vì bà phải mất đi cuộc sống này khi tuổi đời còn qúa trẻ, chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui hạnh phúc.  Hạnh phúc là niềm khát khao của mọi người.  Con người sinh ra là để được sống hạnh phúc. Cả đời người là cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Vậy hạnh phúc ở đâu ? Hạnh phúc là gì ?

***

Bạn thân mến! Thiên Chúa cũng bận tâm đến hạnh phúc của con người. Những gì Ngài làm cho ta như tạo dựng, nhập thể, cứu chuộc, thánh hóa..v..v.. Tất cả đều nhằm đem lại hạnh phúc cho ta trong cuộc đời này và cả cuộc đời mai sau nữa. Hạnh phúc của Thiên Chúa như gắn liền với hạnh phúc của con người. Thiên Chúa vui khi thấy con người hạnh phúc.

Định nghĩa hạnh phúc là điều không dễ làm, vì mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc, và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian. Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc, để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn thế nào là “hạnh phúc đích thật”: Hạnh phúc đích thật không nằm nơi của cải; kiến thức hay quyền uy. Hạnh phúc đích thật không do chiếm đoạt những gì mình muốn, nhưng do trao hiến những điều quý nhất của mình. Hạnh phúc đích thật là mãn nguyện với những gì mình được ban tặng; là niềm vui nhẹ nhàng, là bình an sâu lắng.  Hạnh phúc đích thật là sự an bình ổn thỏa giữa tôi với Chúa, giữa tôi với anh em, và giữa tôi với chính tôi…

Sống ở đời, con người thấy mình không hạnh phúc trọn vẹn.  Hạnh phúc bao giờ cũng được pha trộn với mồ hôi và nước mắt. Nhưng có hạnh phúc thật nào lại không mua bằng khổ đau?  Chỉ ai biết yêu thực sự, mới cảm thấy hạnh phúc thực sự.

Chúng ta cần nhiều thời gian để suy đi nghĩ lại, và nhất là cần nhiều ơn ban từ trời cao giúp ta thấu hiểu được các mối phúc.  Cũng như trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay,  những điều người đời coi là bất hạnh, Ðức Giêsu bảo đó là hạnh phúc đích thật:  nghèo, đói, khóc than, bị oán ghét, bị khai trừ, bị sỉ vả..v..v.. những điều đó tự chúng chẳng có giá trị gì.  Nhưng nếu ta nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét bỏ vì nói lên dự thật, bị sỉ vả vì Chúa ..v..v..thì ta thật là người có phúc.  Hạnh phúc đó xảy ra ngay trong hiện tại, nơi một lương tâm thanh thản.  Ta thấy mình giàu lên trong cảnh nghèo khó, no thỏa khi đói khát, vui tươi khi rơi lệ, và nhảy mừng khi bị bách hại.

Trải qua bao nhiêu thế hệ, có biết bao Kitô hữu đã sống các mối phúc thật trong đời mình.  Họ cảm nghiệm được cái nghịch lý dễ thương; cái thâm sâu cao cả của Lời Chúa đã khắc ghi trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Không phải chỉ có bốn hay tám mối phúc trong Tin Mừng. Phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa, phúc cho ai không thấy mà tin… Ðức Giêsu có thể kéo dài các mối phúc đến vô tận, để các mối phúc đi vào mọi ngõ ngách của đời thường. Ước gì mỗi người trong chúng ta biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, biết viết lên những mối phúc mới, cậy dựa vào những niềm vui và ơn ban Chúa dành cho ta trong cuộc sống hàng ngày.

***

Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.  Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.  Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ trên đường Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa luôn ẩn hiện trong Tin Mừng.  Nụ cười ấy hòa lẫn với niềm vui trào dâng của người được lành bệnh; của người chết sống lại và của người đàn bà tội lỗi được ơn tha thứ …

Lạy Chúa, có những niềm vui Chúa muốn trao cho con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại trong con. Xin dạy con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với con.  Xin cho con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều là màu hồng.  Con hay lo âu và chản nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi của con.  Xin cho con luôn cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Chúa yêu thương, và được sai đi để thông truyền tình thương ấy cho anh chị em của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Jer.17:5-8 – BĐ2:1Cor.15:12,16-20 – PÂ:Lc.6:17,20-26)

VẠN SỰ NHƯ Ý… CHÚA

zzDịp tết tôi có nhận được lá thư của người thân ở nước ngoài, cầu chúc cho tôi “vạn sự như ý” được nhắc đi nhắc lại gần ba lần.

Tôi hiểu người thân của tôi rất thương mến tôi, quan tâm nhiều tới tôi, mong ước cho tôi được may mắn điều này điều kia, không muốn tôi phải khổ, không muốn tôi gặp những khó khăn… Vạn sự đây chắc không phải chỉ có mười ngàn lần mà là mọi việc xẩy ra đều tốt đẹp như ý muốn, và đó là hạnh phúc nhất của con người, rất là tự nhiên thôi.  Thử hỏi trên đời này có ai lại “mát” đến cỡ muốn đau khổ, muốn phiền toái, muốn thất bại, mọi việc xẩy ra đều ngoài ý muốn bao giờ đâu.  Các tôn giáo này các giáo phái kia đều muốn giúp con người cách này cách khác thoát khỏi khổ, vì không được như ý muốn là khổ, muốn giầu mà cứ nghèo mãi chẳng khổ là gì?  Muốn bình yên mà cứ gặp tai nạn hoài chẳng khổ là gì?

Xưa nay người ta vẫn hiểu công khai hoặc hiểu ngầm là Ý Chúa thì luôn ngược với ý người ta nên người ta phải khổ.  Khi phải khổ thì người ta chẳng còn tha thiết gì với Đấng ấy, càng xa càng tốt, càng dửng dưng càng khỏe, càng tránh được bao nhiêu càng đỡ phiền toái bấy nhiêu…  Bởi vì đấng ấy có nhiều quyền hành muốn sao nên vậy, mọi vật đều phải tuân thủ.  Khi nổi cơn ngông lên thì giáng họa, đánh phạt, răn đe đủ điều, có khi dùng tạo vật làm những trò tiêu khiển; Ngài như con muỗi sốt rét lâu lâu chích cho ta một phát chơi đỡ buồn.  Gặp đường cùng con người quay lại chống đối, giơ nắm đấm, vênh mặt lên nghênh hoặc con người không tìm được lối thoát thì đành phải ngậm bồ hòn chịu vậy.  Có người gắng công gồng mình tập chịu vậy, rồi cho đó là một nhân đức, lập công; khi chịu vậy đã quen thì cho đó là đỉnh cao của đời sống đức tin, và đi đến đâu cũng khuyên bảo người khác một cách rất sốt sắng là “Ý Chúa đấy, hãy… chịu vậy”.  Gặp người chịu vậy thì họ lại chịu vậy, gặp người không chịu vậy thì họ dù không tỏ thái độ ra bên ngoài nhưng bên trong cũng giận điên lên!!!

Có điều con người muốn nhận diện rõ ràng đâu là ý Chúa, đâu là ý người ta, đâu là ý Bề trên?  Hay bị lẫn lộn.  Ý Chúa thì ráng cúi đầu chịu vậy, chứ còn ý người ta thì….. không thể chịu được, ăn thua đủ, sòng phẳng.  Ông muốn gà bà muốn vịt, ông muốn không bà muốn có, muốn có điện lại bị cúp điện, muốn làm hòa mà nó lại chẳng cần… như thế có phải ý Chúa không?

************************************

Đức Kitô, hoàn toàn vâng theo Ý Cha.

– “Các hi sinh cùng lễ vật, các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã không màng không đoái, bấy giờ Ngài đã nói: Này con đến để thi hành ý muốn của Người” (Do thái 10, 8-9)

– “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa : “Này con xin đến! Trong sách đã có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con”. (Tv 39,7-8)

– “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. (Ga 4,34)

Đây cũng là vấn đề dễ gây hiểu lầm.  Nhiều phong trào Công giáo tự nhận là công trình của Ngài và tự hào là mình đang cố gắng làm thật tốt công trình của Ngài – như cố Hồng y Thuận đã ghi lại kinh nghiệm khi đặc trách huấn luyện linh mục – chủng sinh và phụ trách Công Giáo Tiến Hành toàn miền Nam – quan trọng lắm chứ, vĩ đại lắm chứ!!  Cần phải có trình độ kiến thức và tổ chức mới chu toàn trọng trách đó.  Nhưng mãi tới khi vào trong tù, ngài mới nhận ra rằng Tôi đã chọn công trình của Chúa nhưng không chọn Chúa.  Một kinh nghiệm xương máu mà rất nhiều cộng đoàn đang vô tình hăng hái lăn theo vết xe sa lầy tự hào, tự tôn trước những cộng đoàn bình thường khác…

Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng.  Muốn thực hành theo ý Cha thì điều căn bản là yêu mến Cha.  Nói theo kiểu cố Hồng y Thuận đó là phải chọn Chúa, yêu Chúa, sống kết hợp với Chúa làm nền tảng cho việc thực hiện công trình của Chúa:

“Nhưng chuyện đó xẩy ra, là để cho thế gian biết rằng, Thầy yêu mến Chúa Cha, và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy”  (Ga 14,31).

Thế nhưng cũng đâu phải là chuyện dễ dàng.  Tội lỗi con người đã đè lên vai gánh nặng và Ngài biết trước được cái chết sắp đến nên mặc dù trong vườn Cây Dầu ban đêm lạnh giá mà Ngài cũng mướt mồ hôi, chẳng những mồ hôi và còn cả máu nữa.  Bản tính tự nhiên con người là sợ hãi, là muốn bỏ cuộc, là muốn tháo chạy.  Ngài đã sấp mặt xuống mà nguyện rằng: “Lạy Cha, xin Cha cất chén đắng này cho Con, nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha”.

Vâng, “vâng theo ý Cha” hay thuận theo ý người ta, sức con người chẳng ai muốn, bởi vì con người tự nhiên vẫn khẳng định mình, vẫn muốn độc lập, vẫn muốn được theo ý riêng mình, ý mình là nhất, là trên hết…

Chỉ có Tình Yêu mới lý giải nổi chuyện này, bởi vì có Tình yêu mới “đi ra khỏi mình”, hướng về kẻ khác, không hề có chút ngưng nghỉ nơi chính mình; chỉ có Tình Yêu mới dậy cho tôi biết phải ứng xử làm sao; chỉ có Tình yêu mới giúp tôi có những bước tiến khi gặp khó khăn; chỉ có tình yêu mới dẫn đưa tôi đến tế nhị, tỉ mỉ; chỉ có tình yêu mới cho tôi có sức mạnh, có can đảm, dám đối diện với thực tại… để tất cả những điều xẩy ra không như lòng mình mong muốn thì vẫn nhận thấy là Tình Yêu Thương âu yếm còn lớn hơn thế, bởi vì yêu thương là có hy sinh, cho đi là đón nhận sự mất mát, nên lúc này tôi cần chỉnh đốn lại câu chúc:

Không phải “Vạn sự như ý… tôi”
            mà là “Vạn sự như ý… Chúa”
            “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35)

Ý muốn của Chúa là Ngài muốn điều tốt cho tôi, bởi vì người là Cha của tôi, các bạn có tin không?  Chẳng có người cha nào “khùng” đến cỡ mong hoặc làm điều dữ cho con mình (Lc 11,11-13).

Năm mới đến, xin chúc các bạn:  “được vạn sự như ý… Chúa”.

Mong Manh

CÂU CHUYỆN CỦA CASSIE BERNALL

Ngày 20-4-1999, Eric Harris, 18 tuổi, và Dylan Klebold, 17 tuổi, xông vào trường trung học Columbine, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ, tay cầm bom và súng.  Chúng giết 12 học sinh và một cô giáo, gây thương vong cho 23 người khác, rồi tự sát.  Một trong các học sinh bị chúng giết tại thư viện là cô Cassie Bernall.

zzKhi Cassie vào lớp 9, mẹ cô là Misty linh cảm có điều gì bất ổn. “Tôi không hiểu rõ là gì, nhưng tôi biết rằng có cái gì đó không ổn. Tôi có cảm giác rằng tôi và chồng tôi không còn ‘bắt được làn sóng’ với cháu nữa”.

Ưu tư mãi, Misty bắt đầu tìm câu trả lời bằng cách thường xuyên kiểm tra phòng của Cassie, và một lần kia bà bàng hoàng phát hiện dấu vết rằng con gái bà yêu thích ma thuật, từng sử dụng ma túy và rượu.  Đối diện với thực tế của đứa con gái vị thành niên, cha mẹ Cassie quyết định  áp dụng một vài biện pháp dứt khoát.

Đầu tiên, họ chuyển Cassie đến một nhà trường mới: Trường Trung Học Columbine, ngoại ô Littleton, Colorado. Tiếp theo, họ canh chừng theo dõi bạn bè, thái độ, và thói quen học tập của con mình. Mặt khác, họ nói rõ: “Cassie, con phải bỏ các thứ ấy.  Con phải nhận lấy trách nhiệm cho cuộc đời mình.”

Cassie bắt đầu đáp ứng một cách tích cực: bạn bè mới, thái độ mới.  Một trong các bạn mới là Dave McPherson, một thanh niên thuộc West Bowles Community Church. Khi mới gặp Cassie, McPherson tự nhủ “Cô gái này không có niềm hy vọng.  Niềm hy vọng mà mình đang có.”  Vẻ mặt của cô thiếu niềm vui, lời nói của cô chỉ là nhát gừng: tất cả những thứ ấy cho thấy rằng Cassie hình như ‘đã đi quá xa.’

Thế nhưng vào một kỳ nghỉ cuối tuần, McPherson cũng kêu gọi Cassie cùng đi tĩnh tâm với nhóm bạn trẻ của mình, và cô đồng ý sau khi được cha mẹ vui vẻ cho phép.  Những ngày tĩnh tâm này đã thay đổi cuộc đời của Cassie.  Cha của cô là ông Bradly nói: “Khi cháu ra đi thì đó là một con bé buồn rầu, gục mặt, lặng thinh.  Khi cháu trở về thì mắt sáng long lanh và cháu hứng khởi vì những gì đã xảy ra cho mình, hứng khởi đến độ kể mọi sự cho chúng tôi nghe.  Cứ như là cháu ở trong một phòng tối, rồi ai đó bật đèn lên và cháu thấy được bao điều xinh đẹp chung quanh mình.”  Mẹ cô nói: “Cháu nhìn vào mắt tôi và nói: Má à, con đã thay đổi.  Hoàn toàn thay đổi rồi.  Con biết là má không tin đâu, nhưng con sẽ chứng minh cho má thấy.”

‘Ánh đèn’ được bật lên năm Cassie 17 tuổi, đó là ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô: trong kỳ tĩnh tâm ấy, cô đã tin rằng rằng Ngài là Đấng Cứu Độ cho chính cô.  Chúa Giêsu đã thay đổi Cassie từ trong ra ngoài.  Một loại thay đổi 180 độ như thánh Phaolô từng nói đến trong thư Rôma (12,2) khi ngài khuyên ‘hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần.’  Cassie dẹp bỏ mọi hình thức ma thuật. Thay vào đó, cô tham gia vào nhóm thiện nguyện phục vụ bữa ăn cho những những cô gái mại dâm và người nghiện ma túy.  Cô Kayleen của Cassie còn nói rằng: “Cháu dự định cắt mái tóc chảy dài xuống giữa lưng để làm bộ tóc giả mà tặng những em rụng tóc vì hóa trị.”

Một đêm kia, Cassie nói với mẹ về niềm hy vọng mà mình mới tìm thấy.  Cô bảo: “Mẹ à, nếu con chết đi thì cũng tốt thôi.  Con sẽ ở một nơi tốt hơn, và mẹ biết con sẽ ở đâu.”  Hai năm về trước, chính cô gái này sống ở một thời điểm nguy hiểm, có nguy cơ rơi vào tuyệt vọng.  Chúa Giêsu đã thay đổi cô hoàn toàn.  Cô sẵn sàng hy sinh mạng sống vì danh Chúa Kitô, cô sẵn sàng chết đi như một người con của Chúa.

Tối Chúa Nhật 18-4-1999, Cassie chia sẻ chứng từ của mình với các bạn trẻ.  Cô nói: “Bạn không thể thực sự sống nếu thiếu vắng Chúa Kitô.  Và bạn cũng không thể nào có được đời sống đích thực nếu thiếu vắng Ngài.”  Cassie đã sẵn sàng.  Sẵn sàng làm chứng bằng cuộc sống – và bằng cái chết, nếu cần.

Hai ngày sau, Cassie đang ngồi trong thư viện trường Trung Học Columbine, bỗng Eric Harris và Dylan Klebold xông vào, tay ôm bom tự chế và súng săn.  Họ biết rõ Cassie, vì cô chưa bao giờ dấu diếm đức tin của mình.

Eric hỏi: “Mày có tin Chúa không?”  Sau này, bạn của cô là Keven Koeniger kể lại rằng Cassie im lặng một lúc.  Cậu nói: “Tôi nghĩ rằng cô biết rằng mình sắp bị giết.”  Cuối cùng cô đáp: “Có, tôi tin Chúa.”  Tiếng súng nổ lên chát chúa.  Cassie gục ngã!

Bạn cho rằng câu hỏi “Bạn có sẵn sàng chết cho Chúa Giêsu không?” không phải là một câu hỏi cấp bách ư?  Bạn hãy hỏi Cassie Bernall xem.  Hãy hỏi cha mẹ cô ấy.  Song thân cô nói: “Chúng tôi nhìn nhau và tự hỏi mình có trả lời được như thế không?  Tôi thì hẳn đã xin cậu ta tha mạng cho mình. Còn cháu thì không!”

Em của Cassie Bernall là Chris đã tìm thấy bài thơ này trên bàn của chị.  Đây là bài cuối cùng Cassie viết trước khi chết.

“Giờ đây tôi đã từ bỏ mọi sự.
Tôi đã tìm ra con đường chân chính
để thực sự biết được Chúa Kitô
và cảm nghiệm sức mạnh vô song nơi Ngài;
Một sức mạnh đã đem Ngài trở về với sự sống.
Và tôi khám phá được ý nghĩa
của việc chết đi và sống lại với Ngài.
Thế nên dù cho chuyện gì xảy ra,
tôi cũng vẫn sẽ là một người
sống trong thân xác mình sự sống mới
của những người từ cõi chết phục sinh.”

Xin gửi đến bạn một câu hỏi: Chúa Giêsu của bạn có chết đi vô ích không?

Tiffany Fate

*****************************************

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai
Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.
Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,
Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy
Thì con lại chưa làm gì cả.
Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,
Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.
Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình
Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?
Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa
Không biết Chúa có nhận ra con hay không,
Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,
Con xin Chúa sự khôn ngoan
Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại
Trong ân nghĩa của Chúa
Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,
Sẽ không như hai người xa lạ
Nhưng là hai người rất thân quen.
Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến
Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!