BẤT KHẢ PHÂN LY

“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… Nàng sẽ được gọi là đàn bà vì đã được rút ra từ đàn ông.  Bởi thế người đàn ông đã lìa xa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St.2:23-24)

*****

Bạn thân mến!  Trên đây là đoạn văn cuối cùng trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ Chúa Nhật hôm nay.  Phụng vụ Tin Mừng cũng nhắc đến sự bất khả phân ly trong đời sống vợ chồng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc.10:9)

Lời Chúa trên đây đã vang vọng qua hơn hai mươi thế kỷ và ngày nay vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.  Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng?  Tiếc thay số ly dị nơi các kitô hữu mỗi ngày mỗi tăng.  Sống với nhau một vợ một chồng suốt một đời người đã trở thành một ước mơ khó đạt.

Trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu, người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.  Người vợ là một thứ tài sản của người chồng, nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi ly dị chỉ vì một lý do cỏn con.

Trước câu hỏi “Chồng có được rẫy vợ không?” (Mc.10:2).  Đức Giêsu cương quyết nói KHÔNG.  Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.  Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần.  Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo của thời xa xưa đó, cũng như thời đại của chúng ta hôm nay.

Khi người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê, Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế, để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng: “Họ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt” (St.2:24).  Điều này nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.  Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời.  Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

Không còn là hai, nhưng là một” (St.2:24).  Làm sao hai người lại có thể “trở nên một” nếu mỗi người không “cắt bỏ” đi phân nửa ? Cắt bỏ là việc làm đau thương lắm, chịu nhiều hy sinh lắm.  Nhưng tình yêu là sức mạnh sẽ biến đau thương thành hạnh phúc, biến hy sinh thành hy vọng ngọt ngào. Chính tình yêu sẽ mang ta đến với nhau, sẽ giúp ta chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả và vượt qua tất cả. Và Thiên Chúa, Ngài cũng chính là Tình Yêu (1Ga.4:16)

Trong Lễ Cưới, không phải chỉ có hai người yêu nhau, lấy nhau và cam kết suốt đời sống cho nhau.  Hôn nhân không chỉ là bản hợp đồng giữa hai bên. Còn cần một bên thứ ba nữa, đó là Thiên Chúa: Đấng phối hợp và làm cho hai bên trở nên vợ nên chồng.  Thiên Chúa có mặt trong mỗi Lễ Cưới để ban ơn chúc phúc cho ta. Ngài cũng có mặt trong cuộc sống của mỗi gia đình để tiếp tục bảo vệ tình yêu, để ban ơn giúp sức cho ta duy trì  hạnh phúc … ngay cả khi ta muốn bỏ cuộc.

Hãy cầu nguyện cho những cặp hôn nhân gia đình. Xin cho họ bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ… Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ và tưới bón tình yêu hạnh phúc gia đình.

Hãy mở lòng để đón nhận ơn Chúa.  Hãy dành cho Chúa một chỗ trong gia đình của ta, bạn nhé

*****

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay trong những biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu… những gia đình buồn bã vì hiếm muộn vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Xin cho mỗi gia đình chúng con biết cố gắng gìn giữ tình yêu, biết nỗ lực xây dựng hạnh phúc và nhất là biết kết hiệp mật thiết với Chúa vì chỉ có Chúa mới mang lại tình yêu và hạnh phúc cho chúng con trong cuộc sống hôm nay và ngay cả trong cuộc sống đời đời mai sau. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

NHỮNG ĐIỀU MUỐN NHỚ, NHỮNG ĐIỀU MUỐN QUÊN

Khi bạn nhớ một người thân đã chết, bạn cảm thấy lòng mình bao mối ngổn ngang, muôn vàn kỷ niệm. Có những kỷ niệm làm bạn vui, có những kỷ niệm khiến bạn buồn và cũng có những điều khi nhớ lại bạn tiếc xót ngẩn ngơ, như kẻ bất ngờ phải đi xa tiếc không được hôn người yêu lần cuối, hay tiếc đã bỏ lỡ một lần âu yếm bên nhau.  Có kỷ niệm làm bạn hối hận vì đã làm buồn làm khổ người thân.  Có nỗi nhớ làm bạn tiếc hùi hụi vì đã chẳng chiều ý người, chẳng làm người vui một lần nào đó. Có những hình ảnh thân thương bạn cứ muốn nhớ hoài, và có những cảnh huống bạn muốn quên đi mãi mãi.  Nhưng dù vui dù buồn, dù thích dù không thì bạn cũng chẳng bao giờ tách rời những kỷ niệm với hình ảnh và nỗi nhớ người thân.  Bởi lẽ hình ảnh người thân còn lại trong bạn không bao giờ là một bức chân dung trừu tượng, mà luôn là một hình ảnh sống động trong một giây phút nào đó.  Bạn không thể hình dung người cha đã chết tách khỏi một nét mặt, một cử chỉ, một dáng điệu, một hành động, một bước chân nhất định nào đó.  Bạn chỉ có thể hình dung thấy cha đang nhìn bạn, đang cười với bạn hay đang sửa dạy bạn, đang vui về bạn hay đang buồn về bạn; cha đang lo lắng hay đang hạnh phúc, đang khỏe hay đang đau… kỷ niệm, hình ảnh của người thân còn lại trong ta bao giờ cũng là trong tương quan với ta.  Những hình ảnh ấy được ghi vào tâm hồn và cuộc sống của ta từng giây từng phút sống với người.  Khi người vĩnh viễn đi vào dĩ vãng thì chuỗi kỷ niệm về người đã kết thúc trong ta như hình ảnh cuối cùng của một cuốn phim.  Bác sĩ Paul Nagai trong cuốn “Hồi chuông Quang đảo” kể lại kinh nghiệm bản thân ông với cái nhìn của mẹ trước khi chết.  Ông đã mất niềm tin và sống sa đọa từ khi vào trường Y, sự tiếp xúc với xác chết và bạn bè cùng lứa đã xô ông vào đó.  Nhưng chính đôi mắt mẹ nhìn ông trước khi chết đã làm cho ông không thể nào tin rằng khi đôi mắt ấy khép lại thì mẹ ông thành hư vô.  Ông tin rằng đằng sau đôi mắt ấy phải có cái gì bất tử.  Và từ lúc đó ông khám phá trở lại lòng tin vào Thiên Chúa và Sự Sống.

Ðiều tôi muốn cùng bạn suy nghĩ là “cuốn phim” ấy có thể kết thúc bất cứ lúc nào, và mỗi hình ảnh đều chỉ ghi một lần, ta không thể xóa đi để ghi lại, làm lại một giây phút, một hành động nào.  Cái khắt khe của cuộc sống là thế bạn ạ.  Ở phim trường hay ngoài trời, khi một cảnh diễn không đạt, đạo diễn cho làm lại, thu hình lại, và cuối cùng bàn tay của người ráp nối mới cố định vị trí của mỗi hình ảnh trong cuốn phim.  Còn trong cuộc sống thì mỗi giây phút đều được ghi một lần duy nhất vào tâm hồn ta, và người ráp nối cuối cùng chính là mức độ quan hệ của ta với người thân.  Càng thân thì sự ghi nhớ càng trọn vẹn.  Mẹ có thể kể từng chi tiết về con mình từ khi mang thai cho đến ngày cuối cùng, bởi vì mẹ bao giờ cũng yêu con hơn hết và luôn “ghi nhớ và suy gẫm trong lòng” mọi chuyện liên can tới con của mình.

Dù thân hay sơ, thì mỗi người ta đã đích thân gặp gỡ, có khi là vui, có khi là buồn bực… nhưng dù sao cũng để lại một hình ảnh nào đó khiến mỗi lần nhớ đến phải vui hay buồn, mừng hay tủi, hãnh diện hay hối tiếc.

Bạn ơi, những điều muốn nhớ và những điều muốn quên về mỗi người thân hoặc bất kỳ ai ta đã gặp gỡ một lần, tùy ý ta khi sự gặp gỡ chưa diễn ra và đang diễn ra.  Còn khi đã diễn ra rồi thì không thể tùy ý ta nữa.  Những điều muốn nhớ và những điều muốn quên, ta đều phải nhớ như nhau.  Mỗi giây phút của cuộc sống, mỗi lần thể hiện quan hệ với một người, ta đều có tự do chọn giữa những gì ta muốn nhớ và những gì ta muốn quên.  Muốn quên tức là muốn không bao giờ xảy ra điều ấy, muốn không có nó trong cuốn phim đời mình sống với mọi người.

Ðừng sợ bạn ạ.  Sự khắt khe này của cuộc sống không đè bẹp chúng ta nhưng thôi thúc chúng ta.  Đừng làm những gì mà khi nhớ lại ta muốn quên đi.

Có bao giờ bạn cầm chắc được là sẽ gặp lại người thân, người bạn, người lạ mà bạn đang gặp bây giờ đâu.  Giây phút cuối cùng có thể đến với người kia hoặc với bạn bất cứ lúc nào.  Có khi người bạn, người thân bạn gặp đó hoặc chính bạn sẽ không còn đứng trên mặt đất chiều nay hay ngày mai.  Vậy thì tại sao ta không sống mỗi giây phút như thể đó là giây phút cuối cùng, đối xử với mỗi người mỗi lần như thể đó là lần cuối cùng gặp nhau!

Bạn đã từng chia tay với người thân, với bạn bè đi xa.  Bạn có để ý là lúc đó ai cũng rộng lượng hơn, ân cần hơn, sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng để lại hình ảnh đẹp nhất trong lòng kẻ ở lẫn người đi?

Bạn ơi, giá mình có thể sống với mọi người cũng như với chính mình từng giây phút, từng lần gặp gỡ như thể đó là lần cuối thì sẽ đẹp, sẽ vui biết mấy phải không?

Liệu bạn có sợ hụt hơi vì tính cách khẩn trương của giây phút cuối tràn lên suốt cuộc đời?

Bạn ơi hãy sống hãy yêu, hãy nói hãy cười như thể đây là phút cuối, và hãy làm như thể đây là việc sau cùng.  Mà đúng là như thế bạn ạ, vì có bao giờ giây phút này lặp lại nữa đâu và bao giờ nó cũng có thể là giây phút cuối, sau đó thì cuộc đời bạn kết thúc mất rồi.

Bạn hãy nhìn người võ sĩ trên vũ đài.  Họ biết chỉ có quyền thi thố tài năng giữa hai lần tiếng cồng vang lên, nên họ hối hả chừng nào.  Bạn hãy nhìn cầu thủ trên sân bóng đá, khi đồng hồ trên bảng điện càng gần phút 90 thì họ càng ráo riết tấn công.  Bạn hãy nhìn các bác sĩ và y tá trong phòng cấp cứu chạy đua với tử thần dành giựt mạng sống bệnh nhân.

Tính vắn vỏi, cấp bách của giây phút hiện tại đối với người không có niềm hy vọng nào ngoài sự hưởng thụ vật chất, là động lực thúc đẩy họ yêu cuồng sống vội:  mau hái bông hoa kẻo nó tàn.  Còn đối với người có niềm hy vọng ở tương lai vĩnh cửu thì nó lại là sự thúc đẩy sống thanh thoát và quảng đại, trong trắng và yêu thương, không để lòng mình vướng mắc với những gì phải qua đi nhưng luôn biết vươn cao (coi 1 Cor 7,29-31), là lời mời gọi đứng vững trong cuộc chiến đấu cho công bình và lẽ phải, cho yêu thương và hạnh phúc.

Mỗi lời bạn nói là lời cuối cùng
Mỗi việc bạn làm là việc sau hết
Mỗi người bạn gặp là người duy nhất
Từng giây phút trong đó,
bạn hãy sống như mình chỉ có phút ấy mà thôi.

Lm Nguyễn Công Ðoan, SJ

 

KỶ NIỆM MỪNG SINH NHẬT

Hôm nay anh chị em tổ chức mừng sinh nhật ba, mọi người tự nhủ phải có mặt để ba vui, má chồng tôi không còn.  Bà mất đi, nên trật tự trong nhà phần nào cũng thiếu kỷ cương.  Tôi muốn xua đi cái cảm giác ngại gặp lại mọi người, ngại cười nói không thật lòng, ngại vì một việc làm bề ngoài.  Tôi không muốn sống lại những ngày tháng ở nhà chồng, khi đó tôi hay tủi thân, chỉ nghĩ về mình, nên có cảm giác xa lạ, lạc lõng, nghĩ ngợi: “Mình đang có cha mẹ, có anh chị em, mà lại về nhà người ta, nhận người xa lạ làm cha mẹ, anh chị em.”  Thật lòng, tôi chỉ muốn sống với chồng của tôi, chứ không thể yêu thương gia đình họ, như những lời tôi xưng hô được….  Những nhân sinh quan trong cuộc sống, những phong tục tập quán cũng có nhiều điểm khác biệt và cả những niềm tự hào riêng của gia đình dòng tộc họ nữa.  Tôi chẳng cảm nhận được điều gì, chỉ thấy bực bội và muốn thoát ra.  Những ngày tháng xa lạ ấy, tôi dè dặt, đối phó, tiêu cực và ít dấn thân, vì thế họ cũng ít thân thiện, cởi mở với tôi. Thời gian trôi qua, các anh chị em trong nhà cũng đi lấy chồng, lấy vợ, cuộc sống của đại gia đình co dần lại.

Tan sở, tôi chạy xe ngó qua mấy cái shop, miên man suy nghĩ nên mua món quà gì cho ông, nhưng tâm trạng thì vẫn khó chịu, lại còn nảy sinh ý nghĩ “kiếm lý do bận rộn gì đó, để không tham dự”.  Dòng xe qua lại, có chiếc xe khách dừng lại trước tôi một khoảng.  Bất ngờ, tôi nhìn thấy ông cha xứ bước xuống, với một chiếc xách cá nhân, hơi ngơ ngác, rồi ngoắc xe thồ để về.  Có lẽ cha lên thành phố công chuyện rồi bây giờ trở về cái nhà xây cấp 4 cũ kỹ đã gần 30 năm, cái mà người ta gọi là nhà cha xứ.  Ôi! chán chết được!  Tôi nhìn theo, mà lòng cảm thấy bị đánh động.  Hình ảnh một người dấn thân, bỏ lại hết mọi quyền lợi, niềm vui, những toan tính cá nhân, bỏ lại một cuộc sống văn minh ở thành phố để vội vã trở về với họ đạo nghèo, nơi cha ở chỉ có một mình, chẳng có ai là cha mẹ, anh chị em.  Người thân yêu  của cha bây giờ là giáo dân, mà chắc gì giáo dân đã thông cảm và yêu thương cha, như cái giá cha đã trả, để đến với họ.  Tôi tự nhủ, tôi còn nhiều niềm vui bên chồng con, vậy mà lòng tôi sao chật hẹp quá.  Như vừa được một trợ lực, tôi vui vẻ chọn mua một món quà, hăng hái trở về nhà chồng, mừng sinh nhật bố chồng với anh chị em cho trọn vẹn.

Về đến nhà với lòng hân hoan, tôi xuống bếp phụ giúp và hòa với niềm vui họp mặt, cùng nhau chia sẻ những lo toan, chật vật trong cuộc sống của mỗi gia đình.  Đang cười nói vui vẻ với mọi người thì cô em chồng đến bên tôi lên tiếng trách móc như đã mang nỗi bực dọc ấm ức này lâu rồi.  Tôi nhớ ra có một lần tôi đã cố gắng giúp cô, nhưng kết quả không được như ý.  Cô tỏ thái độ gây gỗ, còn tôi, tâm trạng đã không thích, nhìn xung quanh toàn là anh chị em nhà họ, tôi không nhịn được, đúng là làm ơn mà mắc oán, đứng trước sự vô ơn tôi thấy uất ức quyết đối mặt cho ra lẽ.  Lời qua tiếng lại, rồi mọi người can ngăn: “Hôm nay là ngày vui của Ba, đừng làm to chuyện.”  “Tôi đâu có muốn như vậy, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”.   Cái động lực hăng hái vừa mới nhen nhúm một chút lửa trong tôi đã vụt tắt rồi, làm sao mà chấp nhận nổi, những người chỉ biết đòi hỏi lợi lộc về cho mình. “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” không được minh oan tỏ tường, nên nỗi uất ức lại tăng lên, còn mang danh là anh chị em một nhà, tâm trạng ấy cay đắng lắm…..

Trở về nhà, tôi hồi tưởng lại sự việc vừa qua, những gì tôi vừa mới quyết tâm, tại sao lại nhận được một gáo nước lạnh như vậy?  Động lực này, không phải bắt nguồn từ hình ảnh của ông cha xứ vội vã trở về với họ đạo nghèo hay sao???   Tôi đã cố gắng lắm rồi mà???   Không! hình như Chúa còn muốn tôi nhìn ra cuộc sống ngày thường của cha xứ, cũng có biết bao cay đắng khi đối diện với mặt trái của lòng người, với những hiểu lầm, lợi dụng, bạc bẽo, vô ơn, tráo trở, mà nào có được sự thanh minh cho tỏ tường…..  Chẳng lẽ trái tim tôi bây giờ phải mở ra nữa, bao dung hơn nữa với cô em chồng ích kỷ hay đòi hỏi, lại còn xúc phạm tôi trước đám đông nhà họ???  Mắt tôi tự nhiên ứa lệ, tôi lờ mờ hiểu được trái tim của người phải rướm máu, để yêu thương giáo dân bằng trái tim của Chúa.  Tôi hiểu ra những dao sắc của lòng người, tôi hiểu ra sự chết đi hàng ngày với mọi quyền lợi, mọi niềm vui, mọi toan tính cho cá nhân của cha, của cả nhân loại mà cha tế lễ mỗi ngày.  Tôi thấy dường như bóng dáng Chúa, đang đi giữa thế gian qua vị Linh mục của Chúa.

Cuối cùng, tôi đã đến gặp cô em chồng và nói: “Mình là chị em với nhau, mọi chuyện bỏ qua nhé, mình sẽ có nhiều cơ hội để giúp nhau hơn”

Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ trái tim Chúa, như suối nguồn thương xót chúng con. Con tín thác vào Chúa.

Chiều Thu

QUYẾT LIỆT DỨT KHOÁT VỚI TỘI LỖI

Nếu mỗi chi thể phạm tội đều phải bị cắt bỏ, chắc chắn không một ai lành lặn. Không thể hiểu theo nghĩa đen những lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Tuy nhiên cũng không được loại trừ tính chất quyết liệt của những lời khuyên dạy của Ngài.  Đức Giêsu bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi những chi thể này phạm tội, có nghĩa là phải quyết liệt với sự xấu.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như căn bệnh hay lây.  Đã nhiễm vào một phần thân thể, sẽ nhanh chóng lây lan tới cả cơ thể.  Lây lan đến đâu làm độc đến đấy. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như nọc độc của loài thú dữ. Đã vào mạch máu sẽ mau chóng lan tràn vào tim.  Khi chất độc đã ngấm đến tim, sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của cơ thể, sẽ cướp đi mạng sống con người.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như loại thuốc mê. Một khi để sự xấu nhiễm vào, ta sẽ mất khả năng chống cự. Sự xấu làm cho ta ra nhu nhược yếu hèn, làm tê liệt ý chí phấn đấu.  Để cho sự xấu xâm nhập, nó sẽ thống trị ta, sẽ bắt ta làm nô lệ.  Một khi đã rơi vào ách nô lệ sự xấu, ta khó lòng mà thoát ra.

Quyết liệt dứt khoát với sự xấu cũng giống như chặt tay, chặt chân, móc mắt… nghĩa là phải sẵn sàng chịu đau khổ.  Dứt khoát với tội lỗi không dễ. Tội lỗi khi đã thấm vào người, nó trở nên như một phần bản thân, gắn bó với bản thân. Dứt bỏ cũng đau đớn như chính cơ thể bị chặt bỏ, xé lìa. Ta hãy xem người cai nghiện. Cơn nghiện vật vã dày vò tưởng chết đi được. Vì đối với người nghiện, ma túy trở thành một phần thiết thân của đời sống đến nỗi khi phải dứt lìa, họ đau đớn khổ sở như phải tách lìa một phần thân thể, như đánh mất chính sự sống của họ.

Chặt tay, chặt chân, móc mắt cũng có nghĩa là dứt lìa với những người, những nơi, những đồ vật khiến ta phạm tội.  Những con người, những đồ vật, những nơi chốn đó trở thành một phần đời của ta.  Để dứt bỏ, trái tim ta đau đớn đến rướm máu.  Cuộc dứt bỏ làm tâm hồn ta như bị thương tích đau đớn vô cùng.

Cũng như người bệnh phải chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo ta phải quyết liệt với tội lỗi, phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải vì muốn hành hạ ta, muốn ta phải đau khổ. Trái lại chính vì yêu thương ta, muốn ta được hạnh phúc mà Chúa dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi.

Dứt bỏ tội lỗi là dứt bỏ những phần hư hỏng xấu xa, nhiễm bệnh trong cơ thể.  Dứt bỏ tội lỗi là ngăn ngừa không cho sự xấu xâm nhập vào linh hồn. Dứt bỏ sự xấu là ngăn chặn sự độc hại tàn phá linh hồn. Dứt bỏ tội lỗi là giúp linh hồn có cơ hội được lớn mạnh, được phát triển.

Ham vui một chốc lát để rồi chịu kết án suốt đời khổ sở. Hay là chịu đau khổ một chốc lát để suốt đời được tự do hạnh phúc. Ta chọn đàng nào? Chắc chắn ta phải chọn con đường hạnh phúc lâu dài. Chính Chúa muốn hạnh phúc cho ta, nên đã truyền dạy cho ta phải dứt khoát với tội lỗi để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời đời với Chúa.

***

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe lời Chúa dạy, biết dứt khoát với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

BÓNG MÁT

Bóng mát cần thiết để dừng nghỉ.  Thiếu bóng mát cuộc hành trình sẽ mệt lắm.  Vì bóng mát chỉ để dừng nghỉ, nên nếu ngày nào bóng mát giữ chân tôi lại không muốn tôi lên đường thì lúc đó bóng mát trở thành đánh lừa tôi.  Thiếu bóng mát cuộc hành trình sẽ mệt nên tôi cần bóng mát.  Trong cái cần bóng mát ấy, dễ đưa tôi đến chỗ ôm giữ bóng mát như một nuối tiếc không muốn rời bỏ.

Có những bóng mát của một ngày hành trình dài trên đường đi bộ.  Nhất là, khi mồ hôi đong vào những sợi nắng chẻ tóc. Nhất là, khi gặp một trời hạ hực nắng và gió không hiền hòa.  Lúc đó, tôi cần một bóng mát làm sao!

Dù là bóng mát của một quán trọ hay bóng mát của một tàng cây, bóng mát vẫn chỉ là “bóng” chứ không phải là “thực”.  Vì là bóng, nên bóng mát không thể là nơi tôi nương trú.  Tôi chỉ dừng chân rồi đi.  Cái nguy hiểm của bóng mát là có thể làm chậm trễ hành trình tôi đi tới, có thể đánh mất đường về của tôi.

Từ bóng mát trên đường đi dẫn tôi đến “bóng mát cuộc đời”.

Bóng mát cuộc đời

Có nhiều thứ bóng mát trong cuộc đời.  Một ngày nào đó với lo âu trĩu nặng, rồi có một tình thân đến chia sẻ.  Một ngày nào đó bơ vơ, rồi có một tâm hồn đến cho nương tựa.  Ðấy đều là những bóng mát. Trong lúc cơ cực, một tấm lòng rộng lượng đến nâng đỡ.  Những bóng mát như vậy cần thiết biết bao. Trong đời ai cũng cần những bóng mát như thế.  Cuộc sống không giản dị êm đềm, có những quãng vắng lặng lẽ, có những khúc đi gian nan, để rồi cuộc sống cần những bóng mát cuộc đời.

Trong những bóng mát cuộc đời ấy có những bóng mát nguy hiểm, bóng mát lừa dối.  Giữa những bóng mát cần thiết có những bóng mát bất chính.  Người ta lẫn lộn những bóng mát ấy với nhau. Vì đặc tính của bóng mát là cho người ta “chất mát”.  Ðam mê và tội lỗi cũng là một thứ bóng mát.  Nhiều khi tội lỗi và đam mê càng cho người ta nhiều “chất mát” hơn.

Thí dụ trong hôn nhân, thí dụ trong đời tu, vì một lúc yếu lòng, vào một mùa thu ảm đạm.  Rồi, ở một nơi nào đó trong tâm hồn mình, thấy bâng khuâng gợi nhớ, thấy man mác một nỗi sầu trống vắng thiếu thốn.  Người ta dễ đi tìm “bóng mát cuộc đời” bằng lỗi chung thủy.

Ðời là con đường dài.  Những lúc chớm sáng bình minh, người ta hăng hái lên đường, nhưng vào trưa oi bức, người ta muốn dừng nghỉ.  Những ngày hạnh phúc êm ả người ta không cần bóng mát cuộc đời. Những ngày chán nản, bơ vơ, người ta không muốn lên đường, lúc ấy, những quán hạnh phúc bên đường dễ cám dỗ mời mọc làm sao.

Bóng mát và người chăn chiên

Người chăn chiên nhìn về cuối chân trời.  Nắng vẫn hanh, nhưng trong lòng người chăn chiên, chiều đang đổ xuống rất mau.  Ðường vẫn còn dài.  Người chăn chiên nhủ lòng:  Phải ra khỏi cánh rừng khi chiều về!

Chúa Kitô cũng vậy, thời gian đối với Ngài là mùa màng cứu rỗi.  Ngài nhìn cuộc sống của tôi với chiều đi mà nôn nao, hối hả: “Bao lâu còn sáng ngày, Ta phải làm việc của Ðấng đã sai Ta.  Ðêm tối đến không ai còn làm việc được nữa” (Jn. 11:10).

Người chăn chiên tính toán kỹ lưỡng.  Trời còn hanh nắng đó, nhưng phải lên đường cho kịp tránh hoàng hôn.  Bầy chiên nào có biết, chúng chỉ thích an nghỉ dưới tàng cây rợp bóng.  Cái êm dịu của bóng mát làm chúng ngại lên đường.  Chúng muốn thiu thiu ngủ hơn ra đi.  Chiều cứ xuống, chầm chậm không lời báo động.  “Trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, lấy vợ lấy chồng cho đến ngày ông Noe vào tầu.  Và lúc chẳng ai để ý gì, thì lụt đến và cuốn trôi đi tất cả” (Mt. 24: 38-39).  Khi giấc ngủ vừa tỉnh, muốn lên đường thì đã muộn.  Hoàng hôn xuống mà chưa ra khỏi cánh rừng là bóng tối bủa vây, là nguy hiểm rình chờ, sói rừng sẽ xuất hiện.  Những bóng mát ấy là cõi chết rất êm.  Những bóng mát đánh lừa.

Người chăn chiên lành nghề thì biết khúc đường còn bao lâu, quãng dài cần thiết bao nhiêu thời giờ để ra khỏi cánh rừng.  Cho dù trời có nắng, mồ hôi có chảy, người chăn chiên vẫn cứ hối hả thúc chiên lên đường, không cho nó nằm nghỉ dưới bóng mát tàng cây.  Nỗi tâm tư của người chăn là chiên chẳng hiểu mình.  Chúng trách cứ, oán than.  Trong bóng mát ấy, bầy chiên than thở, tại sao một chút hạnh phúc mà Ngài cũng lấy đi.  Bao lần trong đời, con người đã nhìn hình ảnh người chăn chiên như kẻ khó tính, không cảm thông.  Một chút hạnh phúc mà Ngài cũng không cho.  Một chút an ủi mà Ngài ngăn cấm.  Người chăn chiên biết cái rình mò của bóng đêm.  Nhìn đường còn xa mà lo âu thương bầy chiên, nếu trời đổ tối mà chưa ra khỏi cánh rừng thì sao.  Sói đến.  Chết chóc.  Ðổ vỡ.  Dù chiên muốn hay không, người chăn chiên vẫn nhủ lòng: Nhất định phải bắt chúng lên đường!

Chúa Kitô cũng thế.  Ngài thấy những “bóng mát cuộc đời” giả tạo của tôi mà lo âu.  Ngài biết bóng mát ấy đang đánh lừa tôi.  Bóng mát ấy có thể là tình cảm bất chính, là tiền bạc tôi không rõ ràng trong khi có trách nhiệm cầm giữ.  Bóng mát ấy có thể là quyền hành tôi được trao phó, nhưng mà để thoả mãn hơn là phục vụ.  Bóng mát ấy cũng có thể là giấc ngủ dài vì ngại ngùng khi thấy hành trình xám hối đòi nhiều cố gắng.  Bóng mát ấy có thể là một thứ đam mê.

Những thứ bóng mát này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cùng một địa chỉ là lừa gạt tôi.

Khi nói về bóng mát (shadow), cả bốn Phúc Âm chỉ nói đến 2 lần.  Và cả hai lần tiếng bóng mát đều liên quan đến sự chết.  Lần thứ 1 trong Matthêu: “Kẻ ngồi trong bóng tối sự chết” (Mt. 4: 16).  Lần thứ 2 trong Luca: “Kẻ ngồi trong tối tăm bóng chết” (Lc. 1: 79).

Trong khi những lời giảng dạy, nhiều biến cố quan trọng giữa Chúa và con người hầu hết đều xẩy ra trên đường đi đổ nắng chứ không ở trong bóng mát.  Thí dụ:

  • Trên đường đi Ngài hỏi họ: Người ta nói Thầy là ai?  Và Phêrô tuyên tín Thầy là Ðức Kitô (Mt. 8: 27-27).
  • Khi bắt đầu lên đường.  Một người đến hỏi: Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời (Mt. 10: 17).
  • Dọc đường lên Jerusalem, Ngài nói: Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời, các ký lục và thượng tế… (Mc. 10: 32-34).
  • Trên đường đi, họ bắt ông Simon vác thánh giá đỡ cho Ðức Kitô (Lc. 23: 26).
  • Trên đường đi đến một làng nọ. Mười người phong cùi đến gặp Ngài (Lc. 17: 11).
  • Cuộc gặp gỡ sau biến cố Phục sinh cũng xẩy ra trên đường Emmaus. Hai ông kể lại chuyện xẩy ra khi các ông đi đường và các ông đã nhận ra Chúa lúc Ngài bẻ bánh (Lc. 24: 35).
  • Giakêu gặp Chúa cũng là gặp trong lúc đi đường (Lc. 19: 4).

Khi người chăn chiên dùng gậy đánh để bầy chiên khỏi ươn lười ngủ vùi trong bóng mát, cũng là lúc, để thức tỉnh tôi, Chúa trao cho tôi “chút bánh đau thương và ít nước khốn cùng.  Nhưng Ðấng dạy dỗ tôi sẽ không bao giờ rời bỏ tôi.  Khi chân tôi xiêu bên phải, vẹo bên trái, chính tai tôi nghe tiếng từ đàng sau phán:  Ðây là đường hãy đi theo đó” (Isaia 30: 18-21).  Chúa biết ngày nào tôi còn nằm trong “bóng mát” giả tạo ấy, tôi chỉ ôm mơ một bóng hình hạnh phúc ảo ảnh.  Những êm đềm ấy chỉ lừa dối tôi thôi.

Bóng cây mát ven đường đánh lừa bầy chiên để đêm tối ập xuống thế nào thì “bóng mát cuộc đời” đam mê cũng đánh lừa tôi để tôi mất mùa ơn sủng như thế.

*******

Lạy Chúa,
Bao lần tâm tư Chúa buồn phiền khi thấy con dại dột nằm ẩn mình trong bóng mát.  Những cảm xúc ngọt ngào của bóng mát chỉ cho con hạnh phúc giả mà thôi.  Nó cản đường con về đồng cỏ quê trời.  Nó làm chậm chân con ra khỏi cánh rừng nguy hiểm cho linh hồn.  Những ngày con sống như thế, Chúa thấy thời gian đổ vỡ đã gần kề mà con vẫn ngủ, thì con xin Chúa, như người chăn chiên tốt lành, hãy dùng gậy mà đánh, mà lùa chiên ra khỏi bóng mát.

Xin cho con nhớ lời thánh Phaolô nhắn gởi: “Hỡi con chớ khinh chê lời sửa phạt của Chúa, chớ ngã lòng khi Chúa trách mắng con.  Vì Chúa sửa trị kẻ Chúa yêu và đánh phạt kẻ Chúa nhận làm con.  Chúa dùng đau khổ để dạy anh chị em.  Thiên Chúa đối xử với anh chị em như đối xử với con cái.  Có con nào mà cha không phải sửa phạt ư?  Nếu anh chị em không nhận lời răn dạy như mọi người, anh chị em là con ngoại tình chứ không phải con thật nữa.  Ðàng khác cha phần xác sửa dạy ta mà ta còn tôn kính, phương chi ta càng phải vâng phục cha phần hồn là Ðấng ban sự sống cho ta.  Cha phần xác sửa trị ta theo ý riêng mình và vì lợi ích tạm thời, còn cha phần hồn thì vì lợi ích thực sự là để ta được thông phần vào sự thánh thiện của cha.  Thật vậy, mọi sự sửa phạt lúc đầu chỉ gây buồn tủi, chẳng có đem lại an ủi đâu, song về sau, những kẻ vui lòng chịu thử thách như vậy, sẽ được sự bằng an và sự công chính làm phần thưởng (Hipri 12: 4-11).

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ – Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

TÔI ĐI ĐÂU… ĐÂU TÔI ĐI

Thân tặng bài viết này đến các bạn trẻ, những người đang thao thức tìm một hướng đi cho đời mình có ý nghĩa và giá trị.

Bạn thân mến, nếu tôi mời bạn đến gia đình của tôi dự tiệc cuối tuần, chắc chắn bạn sẽ hỏi tôi: and ở đâu, khu nào?  Còn nếu bạn đang sống ở Mỹ thì sẽ hỏi số nhà, tên đường, thành phố và mã số vùng.  Trước khi đi, bạn sẽ vào Mapquest, Yahoo map, hoặc Google map để tìm đường chỉ dẫn.  Nếu bạn có máy navigator, bạn cũng làm tương tự: nhập dữ liệu vào máy, và nhờ máy tìm đường giúp mình để đến nơi mà mình muốn.  Với tấm bản đồ trên tay bạn hoàn toàn tự tin để đi đến nơi mà bạn muốn đến.

Dù cầm tấm bản đồ trên tay, thực tế thỉnh thoảng bạn cũng phải liếc nhìn xem thử lộ trình mình đang đi đã tới đâu, chỗ nào.  Nhất là tại những ngã tư đường, bạn lại càng phải chú ý vào tấm bản đồ chỉ đường một cách cẩn thận, nếu không bạn sẽ rẽ lạc hướng, mất thời gian quay lại, và có khi còn bị tai nạn.  Có bản đồ mà không nhìn vào nó và không theo sự hướng dẫn của nó thì cũng coi như không.

Ngoài ra, bạn cũng cần tỉnh táo để đọc các tên đường, nhìn rõ những dấu chỉ đường và lưu lượng giao thông trên con đường bạn đang đi.  Không tỉnh táo đủ, bạn có thể sẽ đi quá điểm đến của  mình lúc nào không biết.

Nói tóm lại, để đến nơi mà mình muốn, bạn cần phải có sự chuẩn bị và kiểm tra dọc theo lộ trình của bạn.  Không có sự chuẩn bị, bạn sẽ không biết phương cách để đi tới đích.  Không có sự kiểm tra, quan sát, có lẽ bạn cũng sẽ không bao giờ đến nơi bạn đã hoạch định.

*******

Bạn thân mến, dù chỉ là một cuộc “đi ăn cho vui” mà bạn cũng sẵn sàng đầu tư vào việc ấy một cách chu đáo, phương chi một hành trình cho đời của bạn mà bạn lại không đầu tư vào hành trình ấy một cách cẩn trọng sao?

Bạn đi đâu trong cuộc đời này?  Đâu là điểm đến của đời bạn?  Trên tay bạn có tấm bản đồ nào không?  Nếu có, nó là loại gì?  Trên con đường dẫn tới chỗ “ăn cho vui” mà bạn còn biết đặt niềm tin vào bản đồ do con người làm ra, kinh nghiệm cho thấy – nó không luôn luôn chính xác; vậy phương chi trên con đường đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc thật cho đời bạn, chẳng lẽ bạn lại đặt niềm tin vào những loại “bản đồ” do con người chế tạo hay sao?  Bản đồ dỏm sẽ dẫn bạn đi lạc hướng mà bạn không hề hay biết.  Khi khám phá ra, bạn đã quá trễ vì trời đã tối, cửa đã đóng, khách đã ra về.  Thực tế, có những nhiều người đi lạc đường và đã gặp bao nhiêu nguy khó, mất tích, vô định… chỉ vì bản đồ trên tay là bản đồ giả.

Bạn có dừng lại để “kiểm tra” đời bạn để biết bạn đang ở trên đoạn đường nào không?  Nếu bạn biết “liếc” nhìn tấm bản đồ trên con đường “đi ăn cho vui” ở mỗi ngã tư, thì việc dừng lại để kiểm tra hành trình đời mình còn quan trọng hơn gấp ngàn lần bạn ạ.  Chắc chắn một điều, hành trình đời bạn đã và sẽ còn đối diện nhiều ngã tư lắm.  Cũng như bạn cần phải rẽ hướng trái hay phải thật chính xác, và chỉ có một lằn trên con đường giao thông xe cộ, thì mỗi ngã tư của đời bạn cũng sẽ phải đối diện với sự chọn lựa một mất một còn như vậy.  Rẽ đúng hướng sẽ đi về đích; rẽ sai hướng, bạn sẽ lạc mất hướng đi đời mình.  Nếu bạn không dừng lại kiểm tra hành trình đời mình, thì ai sẽ làm việc đó cho bạn?  Nhờ những lần bạn “liếc mắt” nhìn lại chính hành trình đời mình, hy vọng bạn sẽ vẫn còn thời gian quay lại đúng đường nếu mình đã lỡ đi lạc.

*******

Bạn thân, bạn hãy xác định hướng đi cho mình đi!  Bạn sẽ đi đâu?  Bản đồ ấy là gì?  Và đừng quên bạn cần dừng lại để “liếc mắt” đến cuộc hành trình của mình mỗi ngày.

Chúc bạn thành công tìm ra mục đích, lý tưởng đời bạn, phương tiện giúp bạn đạt được mục đích, lý tưởng ấy, và bạn thực sự chiếm đoạt được mục đích, lý tưởng của đời bạn.

Br. Huynhquảng

ĐẦY TỚ CỦA MỌI NGƯỜI

Bác sĩ Charles Mayo cùng với cha và người em xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại Rochester thuộc bang Minnnesota.  Một lần có phái đoàn chuyên viên y khoa từ Âu Châu được mời đến nhà bác sĩ Charles Mayo. Theo tục lệ ở đó, khách sẽ để giầy ở ngoài cửa phòng ngủ để ban đêm sẽ có người đánh bóng các đôi giầy ấy.

Nhưng bác sĩ Charles Mayo là người về nhà sau cùng. Khi về phòng, ông thấy các đôi giầy để đó và đã quá khuya, ông không muốn đánh thức người giúp việc . Ông thở dài, rồi đem các đôi giầy xuống bếp, tự tay ông, thức đến nửa đêm để đánh bóng các đôi giầy của khách.

*****

Bạn thân mến! Câu chuyện của bác sĩ  Charles Mayo trên đây cũng là một tấm gương mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ bạn và tôi trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Nếu Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người ”(Mc.9:35).

Cũng như các Tông đồ chúng ta thường tranh luận ai trong chúng ta là người lớn nhất. Đức Kitô trả lời ta: “Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người”.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Dĩ nhiên một tổ chức ở trần gian thì phải có người trên kẻ trước, phải có người lãnh đạo, chỉ huy.  Nhưng trong tổ chức của Chúa, thì những người giữ địa vị cao phải ý thức mình là rốt hết, ở thứ hạng sau cùng.  Người lãnh đạo phải trở nên tôi tớ cho mọi người: “Ai muốn làm đầu thì hãy ở cuối hết và hầu hạ mọi người”. Chúa nói thế và Người đã làm thế. Người đã dạy cho các môn đệ bài học khiêm nhường và phục vụ bằng chính việc làm của Ngài:  Người đã qùy gối rửa chân cho các môn đệ và mời gọi các ông cũng rửa chân phục vụ cho nhau:  “Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa thì đúng lắm. Vậy mà Thầy đã rửa chân cho các con. Các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga.13:13).

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của một đứa trẻ để làm gương mẫu cho người thấp hèn bé nhỏ trong Nước Trời. Thế nhưng Thiên Chúa lại hiện diện trong người thấp hèn bé nhỏ ấy:  “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc.9:37) .

Trong cuộc sống hôm nay, ai là những “đứa trẻ” trong cái nhìn của tôi và bạn?  Có phải là những người thiếu học, những người tội lỗi? Những người lao động lam lũ vất vả vì tìm kiếm miếng ăn ? Làm sao để nhận ra họ?  Tôi và bạn, chúng ta đã tiếp đón họ như thế nào?

*****

Lạy Chúa!  Xin giúp con hiểu lời Chúa dạy, cho con quyết tâm thực thi điều Chúa mời gọi con hôm nay, đó là phục vụ mọi người trong tin yêu và khiêm tốn. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

SUY TÔN THÁNH GIÁ

Sách ghi lại rằng thánh Hélène, mẹ của vua Constantin, đã để lại một tượng thánh giá trong thành thánh Giêrusalem dưới thời hoàng đế Hérachius I.  Người Ba Tư vào thời gian đó đã tiến chiếm Giêrusalem và lấy đi một phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène đã dâng cúng tại thành thánh Giêrusalem.  Vua Hérachius I nhất quyết lấy lại thánh giá này.  Vua ăn chay, cầu nguyện, kêu gọi dân chúng hối cải, ăn năn sám hối, ăn chay, cầu nguyện để xin chúa thương giúp đỡ, bảo vệ, hun đúc tinh thần quả cảm, can đảm để chiến thắng quân Ba Tư, hầu thánh giá thật được dựng lại trong thành thánh Giêrusalem.  Lời cầu nguyện của vua Hérachius I và toàn dân đã được Chúa thương nhậm lời.  Vua và quan quân đã đánh bại, chiến thắng quân Ba Tư và trở về Constantinople trong tiếng reo hò, hoan ca vang dội của toàn dân.  Dân chúng cầm cành ô liu trong tay, và cầm những ngọn đuốc cháy sáng cung nghinh thánh giá thật đã được tái chiếm lại trong tay quân Ba Tư với niềm vui tràn trề.  Hoàng đế Hérachius I sung sướng không kể xiết, muốn trở về Giêrusalem ngay sau 14 năm thánh giá thật bị lưu lạc nơi quân Ba Tư.  Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi bước lên núi Sọ, nhà vua không thể nào bước đi được khiến mọi người âu lo và sợ sệt.  Trước sự lạ ấy, Giáo Trưởng Zacharie hô lớn: “Tâu Ðức Vua, chắc chắn phẩm phục sang trọng mà Ðức Vua đang mặc không xứng với sự khó nghèo và khiêm tốn mà Chúa Giêsu xưa đã thực hiện khi vác thập giá”.  Nhà vua nghe lời vị Giáo Trưởng kêu mời và vội cởi bỏ phẩm phục sang trọng, lộng lẫy mà vua đang mặc để khoác vào người bằng bộ quần áo khó nghèo.  Tức thì, vua bước đi được một cách nhẹ nhàng và dễ dàng trước sự chứng kiến của toàn dân và để chứng tỏ tình thương bao la vô biên của Chúa, Chúa đã làm vô vàn phép lạ trong ngày kỷ niệm đáng ghi nhớ đó.  Giáo Hội đã lập thánh lễ suy tôn thánh giá vào ngày 14/9 hằng năm để cho mọi người kính nhớ biến cố lớn lao, lạ lùng và đáng ghi nhớ này.

*******

Cái chết của Chúa Giêsu theo con mắt người đời, nhất là đối với người Do Thái lúc đó là một sự thất bại, một sự dại dột vì trước thách thức của người Do Thái: “Nếu hắn là Ðấng Kitô, là vua Israen, hắn cứ việc bước xuống khỏi thập giá ngay bây giờ cho ta thấy rồi ta tin” ( Mc 15, 32 ).  Chúa Giêsu vẫn một mực im lặng.  Sự lặng thinh của Chúa thật khó hiểu vì Ngài chấp nhận ý Cha để cứu chuộc nhân loại qua cái chết thập giá.  Chết là lời nói cuối cùng diễn tả tình yêu tuyệt đối của Chúa đối với nhân loại, đối với thế giới, đối với mọi người.  Chết mới nói lên lời: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ).  Thập giá là hình phạt vô cùng bỉ ổi và ác độc của người Do Thái và La Mã đối với con người, đối với tội nhân.  Thập giá theo nhãn giới người thường là một thất bại ê chề, một thảm họa của con người mang nhãn hiệu “tội nhân” bị kết án tử hình.  Nhưng thập giá là mầu nhiệm tình thương, muôn đời con người có lòng tin vẫn suy phục tôn kính thánh giá.  Thánh giá là nguồn suối tuôn trào ơn cứu độ, là cuốn sách giá trị nhất trong mọi cuốn sách vì nơi đó con người tìm được sự an bình và hạnh phúc, con người tìm được niềm vui và ơn giải thoát khỏi tội lỗi.

Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỉ, đã từ chối mưu kế của satan, quỉ dữ.  Ngài đã ngước mắt lên trời, thưa với Chúa cha rằng: “Lạy Cha con xin phó linh hồn trong tay Cha “( Lc 23,45 ). Chúa Giêsu đã tín thác tất cả sinh mạng của Ngài trong tay Chúa Cha để Cha lo toan và định liệu.  Chính Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu sống lại để cai trị, điều khiển mọi sự trên trời dưới đất ( Mt 28, 18 ).  Chúa Giêsu đã phục sinh để làm cho con người có sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.  Thập giá luôn là thách đố cho con người, nhưng ơn cứu độ chỉ có được nơi thập giá vì chính nơi Chúa Giêsu, ơn cứu độ chứa chan cho mọi người.

*******

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mến yêu thánh giá vì cây thánh giá mang lại ơn cứu độ cho chúng con.  Xin cho chúng con ơn can đảm để chúng con luôn làm chứng cho tình thương vô biên của Chúa.  Xin cho chúng con luôn biết giới thiệu thánh giá cho mọi người vì có kinh qua sự đau khổ thập giá như Chúa, chúng con mới được vinh quang.

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CUỘC SỐNG VĨNH CỬU

Trong mười một mẫu gương phục vụ nổi tiếng nhất trong Giáo Hội trong năm 2001, tạp chí “Inside Vatican” (Trong Ðiện Vatican), đã đề cao cha Micheal Giorgie, dòng Phanxicô, vị linh mục tuyên úy của Ðội Cứu Hỏa, đã hy sinh trong khi cấp cứu các nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại New York, Hoa Kỳ.

Cha Giorgie sinh ra trong một gia đình di dân gốc Ái Nhĩ Lan.  Là thành viên của đội cứu hỏa New York, cha săn sóc tinh thần cho các nhân viên cứu hỏa.  Một trong những nhiệm vụ của cha là an ủi và nâng đỡ tinh thần cho các gia đình của những nhân viên qua đời.  Mỗi ngày, cha chứng kiến nỗi đau khổ của không biết bao nhiêu người.  Cha không chỉ an ủi và nâng đỡ các nhân viên cứu hỏa, tất cả những ai quen biết cha đều chứng kiến cảnh cha chia sớt tiền của cho những người vô gia cư.  Và các bạn của cha sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của vị linh mục ngồi cạnh giường bệnh của các em bé.  Người ta lại càng thấy rõ tấm gương hy sinh quảng đại ấy chiếu sáng trong khi cấp cứu các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 11/09/2001.  Khi những nhân viên cứu hỏa ùa vào trong tòa nhà thương mại thế giới đang bốc cháy để tìm cứu các nạn nhân, họ biết rõ mình đang đương đầu với chính cái chết, cha Giorgie cũng ý thức được điều đó, nhưng ngài vẫn cùng với họ len lỏi  vào tòa nhà đang sụp đổ.  Cha ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho những người đang hấp hối.  Là người của niềm tin, cha tin ở ơn cứu rỗi muôn đời và cha đã hy sinh mạng sống để mang lại ơn cứu rỗi ấy cho những ai đang đối diện với sự chết.  Vị linh mục đã tháo bỏ chiếc mũ bảo vệ đội trên đầu để cử hành nghi thức cuối cùng cho một người lính cứu hỏa bị một người phụ nữ từ trên một cửa sổ của toà nhà thương mại quốc tế nhảy xuống đè chết.  Trong khi ngài cử hành nghi thức thì một khối gạch rơi xuống trúng đầu, ngài chết tại chỗ.

Cha Micheal Giorgie đã trả giá cuối cùng là chính sự sống của ngài.  Cha hy sinh mạng sống của cha cho các nhân viên mà cha hằng yêu thương và gọi là con cái của cha.  Năm người lính cứu hỏa đã mang cha vào trong một nhà thờ gần bên và đặt cha dưới bàn thờ trong y phục của một người lính cứu hỏa.  Họ khóc cha một lúc rồi trở lại hiện trường để cứu thêm những nạn nhân khác.  Giấy chứng tử của cha mang số 1, bởi vì thi thể của cha là thi thể đầu tiên được mang ra khỏi nơi đổ nát.

Tại New York, người ta nói rằng cha phải là người chết số một, bởi vì cha là người hướng dẫn bao nhiêu người khác vào cổng thiên đàng.

*******

Biến cố ngày 11/09/2001 sẽ mãi mãi được ghi khắc trong tâm khảm của mọi người trên khắp thế giới.  Bên kia bao nhiêu cái chết và bao nhiêu thương tích là hình ảnh của vô số những bậc anh hùng.  Nhiều người sẽ bị lãng quên nhưng một số sẽ mãi mãi tồn tại như những cột trụ của chiến thắng và khải hoàn với sự hy sinh quên mình.  Giữa khối vụn vỡ và cát bụi trổ sinh những bông hoa của hy sinh quên mình.  Trong thân phận bụi tro, con người phải trở về tro bụi.  Nhưng bên kia tro bụi là sự sống mà sự hiến thân vô vị lợi làm cho trở nên vĩnh cửu.

Chúng ta không chỉ suy nghĩ về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người.  Niềm tin hướng cái nhìn của chúng ta về sự sống vĩnh cửu.  Nơi đó, chân lý về con người luôn được ngời sáng.  Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi.

*******

Lạy Chúa,  Trong khi mưu tìm cuộc sống giữa những thực tại chóng qua ở đời này.  Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.

R. Veritas

ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh, trong đó có trưng bày một bức họa tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ”.  Bức hoạ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô, trong một khu phố ở trung tâm thành phố Luân đôn.  Đây là khu đông đúc dân cư nhưng không một ai để ý tới Ngài. Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa. Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa.  Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Chúa.  Một nhà thần học đang hăng say thuyết giảng về Đức Kitô mà không nhìn thấy Ngài.  Duy nhất chỉ có một nữ tu nhìn thấy Chúa, nhưng vẫn dửng dưng bước đi trên con đường của mình.

Ông William Barclay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng trong thành phố Luôn Đôn đã bình luận về bức họa như sau: “ Hoàn cảnh này cũng thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Giêsu tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới Ngài.  Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện cao siêu hơn là việc lưu tâm tới Chúa, chẳng ai thắc mắc “Đức Giêsu là ai ?

***

Bạn thân mến ! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến câu hỏi: ”Đức Giêsu là ai? “.  Phúc âm tường thuật về việc Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi tới các làng xã vùng  .  Dọc đường Ngài đã gây ý thức cho các ông về người Thầy của họ bằng câu hỏi vô thưởng vô phạt: ”Người ta bảo thầy là ai?“. Sau đó Ngài đặt vấn đề cho các ông, bắt các ông phải trả lời câu hỏi quan trọng hơn: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ khi các ông còn đang ở với Ngài, đã thấy việc Ngài làm, đã nghe lời Ngài giảng dạy.

Hôm nay Đức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi và bạn: “Con bảo Thầy là ai?” Ngài nhắm thẳng vào mỗi người trong chúng ta, đòi ta phải trả lời. Và câu trả lời của ta không phải là câu trả lời máy móc, không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở, nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ, phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Đức Giêsu. Nếu không thì chẳng lẽ ta lại đi theo một người mà mình không quen biết và tin tưởng sao ?

Hôm nay chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô“, và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa“.  Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.

Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi, Thầy Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ. Môn đệ chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường Thập Giá của Thầy mình đã đi qua.

Thầy đã sống phận con người với tất cả bấp bênh tăm tối, đã phải chịu đau khổ, chịu hành hạ và sỉ nhục, chịu vác thập giá và chịu chết.  Tôi có dám sống phận con người của tôi trong niềm vui không? Tôi có dám từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ngài không ?

Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật, tôi có dám hiến mạng sống của tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?

Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt, tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?

Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và phong phú. Ta chỉ mon men đến gần, nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy. Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.

***

Lạy Chúa Giêsu! Cuộc đời này có biết bao cạm bẫy mời mọc mà con thì lại yếu đuối mong manh.  Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.  Xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước đi theo Chúa đến cùng. Amen.

(Tổng Hợp từ R. Veritas)