CÂY KẸO  

Một hôm có một người  đến thăm bạn, ông ta  mang theo một cây kẹo to có hình dáng và màu sắc trông rất hấp dẫn để  làm quà cho cậu bé Út trong nhà.  Cậu bé thích thú cầm mãi trong tay…  Khi khách ra về, mẹ cậu bé lại gần và nhỏ to với cậu :

– Út cho mẹ cục kẹo này nhé !

Ngẫm nghĩ một chút, cậu biết mẹ rất sợ cay nên cậu bé nói :

– Kẹo này cay lắm, mẹ ăn không đươc đâu ! 

Bà của cậu bé cầm cây kẹo :

– Kẹo ngon quá, bà không sợ cay cháu cho bà nhé !

Suy nghĩ một chút, bà của cậu bị huyết áp cao nên kiêng không ăn mặn nên cậu bé trả lời

– Kẹo này mặn lắm, bà không ăn đươc đâu

Ông của cậu bé từ ngoài vườn vào cười cười :

– Ông không sợ cay cũng không sợ mặn, cháu cho ông nhé!

Cậu bé nắm chặt cây kẹo hơn một tí và nghĩ thầm:  răng của ông đã rụng gần hết  cả rồi, thế là cậu bé nói:

– Kẹo cứng lắm ông không ăn đươc đâu!

Cha của cậu bé nói nhỏ vào tai cậu:

– Vậy thì chỉ có ba mới ăn được cây kẹo này rồi: vì ba không sợ cay cũng không kiêng mặn, ba vừa gặp nha sĩ xong hàm răng của ba rất tốt .

Lần này cậu bé giữ thật chặt cây kẹo trong hai bàn tay của mình, cậu ngẫm nghĩ một lúc lâu, rồi mắt cậu sáng lên và nói :

– Ba không ăn đươc đâu vì kẹo này dành cho… con nít !

Trong đời sống của bạn và tôi , có bao lần chúng ta giống như cậu bé, đã đưa ra rất nhiều lý do để khước từ sự chia xẻ với người khác???!

*******

Khi xưa ở Biển Hồ Ga-Li-Lê, trước đám đông theo Người để nghe giảng dạy,  họ không có gì để ăn, ông An Rê thưa cùng Người :” Ở đây có một em bé có năm cái bánh lúa mạch  và hai con cá nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !”(Ga 6 ,9)

Với quyền năng của Thiên Chúa, như trong tiệc cưới Cana, Người đã hóa nước thành rượu.  Chúa Giêsu có thể biến đá thành bánh là điều thật dễ dàng với Người, nhưng Người đã dùng năm cái bánh và hai con cá của một em bé, phần ăn mà em mang theo bên  mình, phần ăn mà em đã sẵn lòng chia xẻ với mọi người, dù em biết là không thấm vào đâu so với đám đông.

Thiên Chúa có thể làm mọi điều tốt đẹp cho chúng ta vì Ngài rất yêu thương chúng ta, nhưng Người mong muốn sự cộng tác của chúng ta, như em bé khi xưa đã trao ra không chỉ là năm cái bánh  và hai con cá, mà là tình yêu thương của em với những người xung quanh: vì chính trong tình yêu thương nhau, chúng ta kết hợp với nhau và nên một cùng với Thiên Chúa .

”Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại  trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa”( 1Ga 4,16)

*******

Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa về những khi con dửng dưng trước những khó khăn, thiếu thốn, tuyệt vọng của người khác.
Xin cho mắt con biết thương yêu để con nhận biết và giúp đỡ người khác.
Xin cho tai con biết thương yêu để con biết lắng nghe trước những đau khổ, khó khăn của người khác.
Xin cho miệng con biết thương yêu để con biết an ủi người khác.
Xin cho tay chân con biết thương yêu để con biết tìm đến làm việc lành, phục vụ cho người khác.
Xin cho tim con biết thương yêu để con chân thành, cảm thông và không khước từ bất cứ một ai như tình yêu Thiên Chúa đã dành con.  Amen!

MT

HÃY MỞ RA

Nữ văn sĩ Hellen Keller (1880-1968) nổi tiếng của Hoa Kỳ ở thế kỷ XX là một người khuyết tật: vừa mù vừa câm điếc.  Thưở nhỏ vì không thể nhận biết các âm thanh nên cô không phát âm được cho dù thanh quản và miệng lưỡi của cô vẫn hoạt động bình thường.  Cô hay nổi loạn và phá phách, nhất là trong những bữa ăn.  Gia đình mướn gia sư để kềm cặp dậy dỗ, nhưng chẳng ai chịu được tính tình của cô bé này.  Đến năm 7 tuổi, nhờ sự kiên nhẫn của cô giáo Anne Sullivan mà Hellen học nói bằng ngôn ngữ cho người câm điếc, đánh vần trên lòng bàn tay.  Lần đầu tiên Hellen phát âm được chữ “wa” – “ter”  (water: tiếng Anh nghĩa là nước), cô thật sự sung sướng vì có thể giao tiếp được thế giới bên ngoài.  Dần dần cô học đọc học viết bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị.  Sau đó cô tiếp tục học lên đại học, và trở thành nhà văn.

Hellen Keller tâm sự rằng bị câm điếc thì khổ hơn bị mù rất nhiều, vì bị câm điếc không nghe được, không nói được, nên mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình.  Người ta dễ cảm thông với người mù hay người què cụt hơn là với người câm điếc, vì người câm điếc bề ngoài trông không giống người tàn tật.  Chỉ khi nào tiếp xúc với họ, ta mới biết họ cô đơn lẻ loi đến chừng nào.

Những người lần đầu tiên ra nước ngoài sinh sống hay học tập đều có một kinh nghiệm tương tự như bà Hellen Keller.  Vì không quen với ngôn ngữ mới, thì có tai cũng như điếc, có miệng như câm: nghe không hiểu, nói không được.  Không nghe được, không nói được cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông.  Hàng rào ngôn ngữ đã tạo khoảng cách làm ta cảm thấy cô đơn và lẻ loi.

* * * * * * *

Trong câu chuyện tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đi về vùng của dân ngoại, miền Thập Tỉnh, là vùng của mười thị trấn (dekapolis) ở phía đông sông Giođan.  Ở đó Ngài đã chữa lành cho một người điếc và ngọng.  Có lẽ câu chuyện này cũng tương tự như bao câu chuyện khác chúng ta đã từng nghe. Nhưng điểm làm tôi chú ý nhất là cách chữa bệnh của Đức Giêsu.  Có một chút gì đó là lạ trong cách Ngài chữa bệnh lần này.  Thay vì chỉ đơn giản truyền lệnh, như Ngài đã nói với người phung: “Ta muốn, con hãy được sạch!” (Mc 1,41), hoặc với người bại liệt: “Đứng dậy, vác chõng mà đi!” (Mc 2,11), hoặc với người bại tay: “Giơ tay ra!” (Mc 3,5), hoặc với cô bé con ông chủ hội đường: “Ta-li-tha-kum, dậy đi con! (Mc 5,41), thì Ngài lại “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” rồi mới kêu lớn tiếng bằng tiếng Aram: “Ep-pha-ta! hãy mở ra” (Mc 7,33-34).  Chưa hết, sau khi sự kiện xảy ra là người vừa điếc vừa ngọng ấy nghe được, nói được thì Ngài lại “truyền bảo họ không được nói với ai” (Mc 7,36).  Úp úp mở mở, bí bí mật mật, không giống như thái độ của vị tôn sư danh tiếng vang lừng.

Thế thì tôi phải hiểu câu chuyện Maccô ghi lại như thế nào đây?  Đức Giêsu không phải là một pháp sư làm ma thuật, nhưng là một thầy thuốc đến chữa lành.  Có lẽ Đức Giêsu phải kéo người khuyết tật ra riêng để tránh óc hiếu kỳ của đám đông.  Ngài chạm lấy đôi tai, cái lưỡi của người điếc và ngọng ấy để gợi ý cho người anh ta biết rằng anh rất có thể được chữa lành.  Đó là cách duy nhất Ngài tiếp cận được với anh ta, vì nếu Ngài có nói, anh cũng không nghe được, có ra hiệu anh cũng không hiểu.  Nhưng với một cử chỉ thân tình, Ngài chạm đến anh để anh được chữa lành.  Xỏ ngón tay vào lỗ tai để anh hiểu rằng anh sẽ được nghe, chạm tay vào lưỡi để anh biết rằng lưỡi anh sẽ được tháo cởi.  Xỏ tay vào tai và chạm tay vào lưỡi để anh thấy rằng: tình yêu chẳng phải lời nói suông, nhưng được thể hiện qua hành động.  Và tình yêu đó cho đi nhưng không, không cần ghi công, không cần tán tụng.

Việc chữa lành của Đức Giêsu cho người điếc và ngọng ở vùng Thập Tỉnh diễn tả lời ca của ngôn sứ Isaia trong về triều đại của Thiên Chúa (Is 35, 4-6).  Khi mắt người mù được mở, tai kẻ điếc được nghe, khi kẻ què nhảy cẫng lên và người câm cất tiếng hát, là hình ảnh của một thời đại của lòng thương xót, của chữa lành và hoà giải.  Khi Đức Giêsu nói Ep-pha-ta, Hãy mở ra, Ngài đang khai mở một thời đại mới, xoá đi sự phân biệt đối xử, hàng rào ngăn cách giữa Israel và dân ngoại.  Khi đến với kẻ tật nguyền, Ngài lấp đi hố sâu mặc cảm, nối kết lại truyền thông giữa người và người.

Có thể chúng ta và nhiều người khác ngày nay không bị điếc bị ngọng về mặt thể lý, nhưng bị điếc bị ngọng về mặt tinh thần.  Khi tôi bỏ ngoài tai những giáo huấn của Tin Mừng, của giáo hội, khi tôi cố chấp trước những lời khuyên bảo của người khác mà làm những điều xằng bậy không biết hổ thẹn, là tôi đang bị điếc. Khi tôi không dùng miệng lưỡi để nói những lời yêu thương và chân thật, đem lại bình an và hoà thuận, mà lại dùng miệng lưỡi để bỏ vạ cáo gian, nói những lời dối trá xuyên tạc, gây chia rẽ hận thù, là tôi đang bị ngọng.  Khi tôi giả điếc làm ngơ trước những bất công của xã hội, trước những tệ nạn nhan nhản chung quanh, khi tôi im lặng thoả hiệp với sự dữ, an phận với quyền lợi nhỏ nhoi của mình, thì tôi có tai mà chẳng nghe, có lưỡi mà chẳng nói.

Trong một xã hội mà con người vẫn chưa bình đẳng về nhiều mặt, mơ ước bình đẳng là điều chính đáng.  Nghèo đói, kỳ thị, bất công, phân biệt đối xử, dễ làm cớ vấp phạm cho nhiều người.  Trước những nghịch cảnh của cuộc đời, khi người nghèo bị bỏ rơi, phụ nữ bị buôn bán, người khuyết tật bị lợi dụng, người liêm chính bị bịt miệng, những bào thai vô tội bị phá huỷ, đất đai bị cưỡng đoạt, cơ sở thờ tự bị di dời, để cho một thiểu số tham lam trục lợi, thì người Kitô hữu không thể dửng dưng cho rằng đây là chuyện của xã hội, để người khác lo, còn mình, mình chỉ lo phần thiêng liêng của mình.

Chúa Giêsu luôn trân trọng những người bệnh hoạn, tật nguyền và luôn bênh vực những mẹ góa con côi.  Là những người theo Chúa, chúng ta có trách nhiệm phải yêu thương họ và tỏ tình liên đới gắn bó với họ.  Thói thường người ta hay trọng giầu khinh nghèo, tham danh vọng bỏ nhân nghĩa.  Chính thánh Giacôbê đã nhắn nhủ tất cả những người tin vào Chúa Giêsu đừng đối xử thiên vị, đừng tham phú phụ bần, đừng phân biệt giầu nghèo, bởi vì những người xem ra kém may mắn, khó nghèo lại được Chúa hứa ban nước Trời. (Gc 2, 5).

Hôm nay Lời Chúa thách đố chúng ta hãy để Chúa Giêsu mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta.  Nói cụ thể hơn, có một cử chỉ rất quen thuộc mà mỗi lần tham dự thánh lễ chúng ta đều thực hiện.  Đây là lúc nghe công bố Tin Mừng thí dụ như “Bài trích Phúc âm theo thánh Maccô,” và chúng ta đáp lại: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa” và ta làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực.  Đấy chính là dấu chỉ bề ngoài để nói lên ý nghĩa bên trong: “Hãy mở ra.”  Ý muốn nói: Lạy Chúa xin hãy mở trí khôn con, xin mở miệng con, xin mở trái tim con, để con được hiểu, để con cảm nhận, để con có thể nói Lời của Chúa.  Một cử chỉ rất quen thuộc, nhưng vì quá quen nên dễ bị xem thường.  Ước gì mỗi lần làm dấu thánh giá chúng ta ý thức được: Tôi phải mở trí, mở lòng, mở miệng ra để thoát khỏi cảnh câm điếc.

Ước gì hôm nay, bạn cũng như tôi, chúng ta được chính Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi cảnh điếc và ngọng, để có thể lắng nghe những thao thức của con người trong thời đại chúng ta, và cất tiếng nói thay cho những kẻ thấp cổ bé miệng.  Im lặng trước bất công là đồng loã với tội ác.  Cho dù những lời của chúng ta chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, chúng ta vẫn có thể thực hiện lời nói đó bằng những hành động cụ thể để tỏ lòng yêu thương và gắn bó với người nghèo, thất học, bị xâm phạm, bị bỏ rơi.

Để kết luận, mời bạn cùng tôi dùng lời nguyện của linh mục Nguyễn Công Đoan, dòng Tên để cùng cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin hãy dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho những ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lữơi cho những người không nói được,
làm tiếng kêu cho những người bị bất công.

Lạy Chúa xin cứ gởi con ra đồng lúa
để đem cơm cho người đói đang chờ,
đem nước cho những người bị khát,
đem thuốc thang cho những người đau ốm,
đem áo quần cho những người trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đường
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh.
Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng đỡ dậy cho những kẻ bị chà đạp,
đem tự do cho những kiếp đoạ đày.  Amen.

Antôn Phaolô, S.J

EPHATA – HÃY MỞ RA

Một người ở trong nước hỏi một cụ già về thăm quê hương:

–  “Sống ở nước ngoài nhiều năm, điều gì khiến cụ buồn khổ nhất? ”.

Cụ già trả lời:

–  “Khổ nhất là chúng tôi sống như những người câm và điếc. Không biết tiếng Tây tiếng Mỹ nên chúng tôi y như người câm, chẳng nói được điều gì.  Không biết tiếng Tây tiếng Mỹ nên chúng tôi cũng y như người điếc, chẳng hiểu người ta nói điều gì ”

***

Bạn thân mến!  Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến người câm và điếc.  Anh đã được Chúa Giêsu chữa lành bệnh.   Ngài kéo riêng anh ta ra một nơi, đặt ngón tay vào lỗ tai của anh, nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.  Rồi Ngài ngước mắt lên trời và nói : “Ephata! “, nghĩa là “ Hãy mở ra !”  Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi của anh như không còn bị buộc lại.  Anh nghe và nói được rõ ràng .

Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai.  Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh họ, và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với người câm điếc.  Đó là câm điếc thể lý.

Trong nhân gian, còn có nhiều bệnh câm điếc khác nữa:  Câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa. Câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến.  Câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ.  Câm điếc trước sự thật, giả câm giả điếc không dám làm chứng cho chân lý. Câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác. Câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ.

Nhưng còn có một loại câm điếc khác to lớn hơn; nguy hiểm hơn.  Đó là câm điếc tâm linh.  Khi bị câm điếc tâm linh, ta không nghe được Lời Chúa nói với ta trong tâm hồn, hay dạy dỗ ta qua Tin Mừng.  Không dám mở miệng để ngợi khen Chúa và làm chứng cho Ngài.  Đó là lúc ta bỏ ngoài tai lời của Chúa nói với ta về sự thật, về chân lý,  về yêu thương và hòa giải.  Khi bị câm điếc tâm linh, ta ngoan cố ở lỳ trong tội lỗi, ta cố tình ở lỳ trong cái chết của tâm hồn, không thèm nghe lời mời gọi hối cải thúc dục của Chúa Thánh Thần.

Nếu câm điếc thể lý đáng buồn và đáng sợ, thì câm điếc tâm linh còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.  Câm điếc tâm linh làm ta lìa xa Chúa, đánh mất Ơn Thánh Sủng, dẫn đưa ta đến cái chết đời đời.

Hôm nay, Ðức Giê-su cũng đến và mời gọi ta: “Ephata”. Hãy mở ra.

Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa.  Hãy phá đi bức tường định kiến.  Hãy phá đi bức tường ích kỷ.  Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.  Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em.  Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật.  Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương và ân sủng của Chúa.

***

Lạy Chúa!  Khi con không nghe được lời của Ngài dạy dỗ, con là kẻ điếc. Khi con không nói được về Ngài, không làm chứng được cho Ngài, con là người câm.  Đó là một hình thức câm điếc tâm linh.  Xin Chúa chữa trị cho con.  Xin chữa con khỏi câm khỏi điếc.  Xin cho tai và miệng con được mở ra, để con biết lắng nghe và hiểu Lời Ngài, để cuộc đời con luôn là một lời tri ân và cảm tạ tình yêu và ân sủng của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)