LINH MỤC

“Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng.  Rầy về sau khắp nơi khen con thật vinh phúc.”

Lời ca trên đây vẫn rất ấm trong lòng người.  Tiếng nhạc vẫn rạo rực trong giáo đường ngày thụ phong linh mục.  Lời đẹp, ý cao sang.  Làm sao mà qua lời kinh truyền phép, có Chúa hiện diện nơi bánh miến?  Tôi chỉ có thể sống đời linh mục chứ chẳng hiểu được ơn gọi linh mục bằng phân tích của trí tuệ.  Ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm.

Chức vụ tư tế chỉ ai được chọn mới được lãnh nhận (1Sam 16:1-13, Yn 15:16). “Không ai được tự hãnh hướng về vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron thưở xưa” (Heb 5:4). Chẳng có ý muốn trần thế nào ban tặng được thiên chức linh mục.  Bởi đó, bài hát đã gọi ơn linh mục là rất quý.  Lời ca thật đẹp và cũng thật đúng.  Ngày tôi bước lên lãnh nhận thiên chức đó, hồn tôi cũng hân hoan vô lượng.  Đức mến gọi tôi tới nhủ rằng tôi là người được chọn.  Đức tin bảo rằng lối tôi vào đời rất huyền diệu.

Ngày thụ phong linh mục không phải chỉ là mơ ước trong hồn người lãnh nhận đã kết trái, mà là kết trái của mơ ước nơi bao nhiêu con tim.  Những con tim nhìn về tương lai đợi trông mùa hoa thơm quý sẽ nở trên đường linh mục.  Lời ca nói đến kẻ được chọn là một hồng ân.  Thế nhưng, trong hai lời ca, chỉ có lời ca thứ nhất:  “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng” là lúc nào cũng đúng.  Chúa không lấy lại ơn gọi Chúa đã ban tặng.

Lời ca thứ hai: “Rầy về sau khắp nơi khen con thật vinh phúc” không phải lúc nào cũng đúng. Có linh mục chỉ sau một bình minh không dài, màu áo dòng bạc phai. Và lời ca kia trở thành sầu muộn.  Có đời linh mục là tiếng thở dài của người bên cạnh và của chính mình.  Giáo dân không còn bảo tôi là người vinh phúc nữa.  Nơi họ là nỗi chán.  Tôi đi vào chiều tắt nắng.

Ngày Hạnh Phúc Nhất?

Ngày đứng trước bàn thánh có phải là ngày hạnh phúc nhất trong đời một linh mục?  Một trời mới, một đất mới mở ra, vì thế, người ta thường bảo ngày thụ phong linh mục là ngày hạnh phúc nhất, đẹp nhất.

Nhưng thời gian trôi.  Những bó hoa “Ngày vui nhất” đó tàn theo một chiều ngắn.  Căn phòng trở lại êm vắng.  Và rồi, cũng với thời gian, căn phòng từ êm vắng có thể trở thành vắng mà không còn êm đềm.  Người ta cũng thường lấy ngày cưới của hôn nhân mà so sánh với ngày linh mục. Trong ngày cưới, không phải chỉ có tình yêu giữa hai người yêu nhau, mà tiếng pháo của bao nhiêu thân thương khác chung quanh họ, anh em, bạn bè cũng nổ vang chung vui với họ.  Nhưng tiếng pháo cũng sẽ im.  Người sẽ xa.  Tà áo cưới lãng quên trong bận rộn.  Hình kỷ niệm mờ phai dần với tuổi đời.  Một ngày nào đó nhìn lại tấm hình xa xưa mà ngỡ như chuyện thần tiên.  Có khi những khắc khoải muộn phiền trong đời sống hôn nhân làm họ nhìn những kỷ niệm cũ mà mơ hồ như chuyện không thực.  Vì thế, họ thường gọi chỉ có ngày hôn lễ là đẹp nhất trong đời.

Ngày hôn nhân hay ngày linh mục cũng có những giống nhau.  Lãnh ơn gọi cho một giao ước thì hôn nhân hay linh mục cũng thế.  Ngày khởi hành lời đoan hứa thì hôn nhân hay linh mục cũng là khởi hành bằng tình yêu.

Rồi lại cũng ngày nào đó, mười lăm năm sau, hai mươi năm sau, có thể là cánh thư, có thể là tấm thiệp gởi đến chúc mừng. “Cầu chúc tình yêu của hai người nồng nàn như ngày mới cưới nhau.” Họ nhắc nhau nhớ kỷ niệm năm xưa và chúc cho nhau một hành trình thật dài, tình yêu vẫn đẹp như ngày ban đầu.  Ngày xưa dấu ái ấy đẹp quá.  Họ nhớ mãi ngày mà không có lần thứ hai trong đời.  Linh mục cũng vậy thôi: “Xin cho Cha dâng lễ sốt sắng như ngày Cha dâng lễ mở tay.”  Một lời chúc mừng mà trong đó vô tình có nuối tiếc.

Vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục, tôi nhận được cánh thiệp chúc mừng.  Từ xa có người nhắc nhở cho ngày trọng đại thưở xưa.  Cái ngày đẹp ấy còn ghi dấu trong hồn người thân.  Và hôm nay, người ấy nguyện xin cho đời linh mục của tôi mãi mãi “đẹp như ngày ban đầu”.

Trong lời chúc ấy có lo âu nếu hôm nay tôi không còn thiết tha như thưở đầu tiên.  Lời chúc ấy đến từ cảm nghiệm của cuộc sống thực, vì trong cuộc sống cho thấy với thời gian, cung đàn nào rồi cũng có thể phôi pha.

Sau bao năm sống đời linh mục, bao nhiêu lần dâng lễ, mà nay chỉ mong sao cho được như ngày ban đầu thôi.  Trong hôn nhân, tình yêu những ngỡ rằng như dòng sông sau bao nhiêu khúc quanh, ngang miền gian khổ mà đi thì nay vận điệu phải là trường ca, ấy thế mà lời cầu chúc cũng chỉ mong sao cho hôn nhân của họ được đẹp ngày đầu thôi.

Những lời chúc mừng ấy là phản xạ rất trung thực của đời sống thực tế hôm nay.  Ước mơ được như ngày đầu có nghĩa là sợ rằng đã xa hạnh phúc ban đầu ấy rồi.  Ngày xưa dâng lễ sốt sắng, bây giờ phôi pha.  Ngày xưa hôn nhân hạnh phúc, bây giờ chán chường.

Linh mục hay hôn nhân mà nhìn những ngày tương lai không thể hạnh phúc như ngày đầu được thì trong hạnh phúc của những ngày đầu ấy đã là hàm số chứa đựng nuối tiếc đang đến rồi.

Ngày hôn lễ chỉ là khởi điểm của những ngày hạnh phúc hơn về sau.  Họ không mừng ngày hôn lễ như ngày đích điểm tận cùng đã tới.  Ngày ấy chỉ là vết than hồng cho ngọn pháo bông ngày mai.  Ngày thụ phong linh mục cũng vậy.  Những nghi lễ, chúc mừng chỉ là phụ thuộc cho một hành trình nội tâm mà hôm nay lối ngõ mới chợt mở.  Nếu không săn sóc sự thật này, chao đảo dưới chân ngày thụ phong linh mục và hôn nhân sẽ đưa những hoang vắng đến.

Ngày thụ phong linh mục hay hôn lễ là ngày tình yêu lên đường.  Tình yêu như những hạt lúa, đi tới đâu làm thửa đất thành ruộng mạ tới đó.  Hành trình tình yêu ấy càng dài thì người mang tình yêu ấy càng hạnh phúc.

Lúa vàng không có ở chân bàn thờ trong ngày thụ phong linh mục.  Cánh đồng lên màu, mùa gặt chỉ đến sau những ngày lao tác.  Ngày thụ phong linh mục là tấm phên cửa sổ mở ra cho thấy những huyền nhiệm hạnh phúc khác đang đến.  Huyền nhiệm hạnh phúc ấy là những ngày truyền giáo, có thể là xuôi ngược như Phanxicô, có thể là trong chiêm niệm trầm lắng mà tha thiết như Têrêsa.  Đó là những chiều mỏi mệt mà không từ chối ban bí tích giải tội cho một linh hồn đang gõ cửa.  Đó là những ngày hối hả mà vẫn tha thiết với bí tích Thánh Thể, sốt sắng cho giờ dâng lễ.

Ngày làm linh mục là ngày dâng lễ thứ nhất.  Như thế, sẽ có hàng ngàn thánh lễ sắp xếp theo thời gian.  Nhưng thánh lễ nào cũng phải là thánh lễ “mở tay”. Tân linh mục không chỉ dâng lễ “mở tay” một lần.  Thánh lễ nào cũng mới.  Thánh lễ nào cũng linh thiêng mầu nhiệm.  Trên thập giá, tay Đức Kitô lúc nào cũng giang rộng.  Mở tay để nắm lấy tay người, và để người nắm tay mình.  Đường về nhà Chúa là đường Hiệp Nhất.  Khi bàn tay nắm lại là dấu chỉ của thách đố, tranh đấu, chỉ thị, ra lệnh quyền uy.  Những thánh lễ không “mở tay” là thánh lễ không có ơn cứu độ.

Nếu linh mục không thể chỉ có một thánh lễ “mở tay”, mà là suốt đời, thì có phải đường hôn nhân cũng là như thế, không thể chỉ có một ngày cưới mà sáng nào cũng là hôn lễ.

Lạy Chúa, sáng mai con dâng lễ trong nhà nguyện nhỏ không trang trọng như ngày con dâng lễ “mở tay”.  Nhưng giữa con và Chúa vẫn là thánh lễ rất đặc biệt.

Bánh thánh không bao giờ cũ.

Xin cho con chút linh hồn nghệ sĩ để thấy không buổi chiều nào có hai màu mây giống nhau. Mỗi bình minh là một độc đáo.  Thì, mỗi thánh lễ là một ơn cứu độ khác biệt quý giá.

Xin cho con ngày thụ phong linh mục cuả con, trước mặt Chúa và trước mơ ước của con sẽ không phải là ngày đẹp nhất để rồi xuống dần.  Những ngày con đang sống, những ngày đang tới với con phải là những ngày đẹp hơn và hạnh phúc hơn, vì lòng thương xót của Chúa cứ theo thời gian mà ban xuống cho con cơ mà.

Nguyễn Tầm Thường, sj.

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Có một vị ẩn sĩ, vào sa mạc tìm đời sống cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Nhưng sau một thời gian dài, ông cảm thấy dường như Chúa không còn yêu thương mình nữa, vì ông thấy mình buồn chán thất vọng.

Qua bao nhiêu cố gắng nhưng không thể nào tìm được sự an bình thư thái. Ông ngỡ rằng Chúa đã rời xa mình nên ông mới gặp tình trạng như thế. Ông lang thang buồn chán.  Bỗng có tiếng gọi, ông biết đó là tiếng của Chúa, ông lên tiếng gắt gỏng trả lời: “Chúa đã bỏ con, tại sao còn gọi con làm gì?”. Chúa nhỏ nhẹ trả lời :”Ta đâu có bỏ con, con hãy nhìn lại đoạn đường con đã đi, con thấy được điều gì?”. Ông vội nhìn lại phía sau và nhìn thấy, không phải chỉ có hai dấu chân của ông in trên cát, nhưng bên cạnh còn có những dấu chân của một người khác, đi theo từng bước chân của ông.  Chúa bảo ông: “Đấy là những dấu chân của Ta luôn theo sát bên con. ” Ông vui mừng bước đi với tâm hồn phấn khởi.

Đến trưa, mặt trời chiếu những tia nắng nóng như thiêu đốt, ông mệt lã người, ông vội nhìn ra sau, thì hỡi ôi ! chỉ còn có những bước chân mệt mỏi của ông kéo lê lết trên đường. Ông vội la lên: “Đó Ngài lại bỏ con nữa rồi, nên con mới mệt lã như thế nầy“. Chúa lên tiếng vỗ về và giải thích cho ông: “Ta đâu có bỏ con, con hãy nhìn kỹ xem, những dấu chân đó là những dấu chân của Ta chứ đâu phải của con, vì Ta đã bế con trên đôi tay của Ta“.

Vị ẩn sĩ nhìn lại, quỳ gối xuống và tạ ơn Chúa. Ông tiếp tục cuộc hành trình của mình, và từ đó không còn kêu trách Chúa nữa. Ông đã nhận ra rằng: Thiên Chúa luôn ở bên cạnh ông từng giây từng phút và luôn nâng đỡ từng bước chân của ông. Và ông nhớ lại lời hứa của Chúa: Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế. (Mt. 28:20)

***

Bạn thân mến! Lời hứa của Chúa trên đây được ghi lại trong đoạn cuối của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Đó là lời hứa của Người Thầy kính yêu đối với các môn sinh của mình. Trong suốt hành trình rao giảng và làm chứng về Tin Mừng, các Tông Đồ đã cảm nhận được những gì mà Thầy đã hứa. Trong lúc thi hành sứ mạng được trao phó, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, các Ngài luôn thấy Người Thầy kính yêu của mình vẫn hiện diện và không bao giờ rời xa. Lời hứa của Thầy năm xưa không đi vào dĩ vãng, nhưng vẫn còn sống động và vang vọng cho đến ngày nay.  Bạn và tôi, chúng ta có cảm nhận được lời hứa của Ngài không ?

Nếu bạn đi khắp cùng trời đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.  Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng của mình, bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.

Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.  Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa, cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài. Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thật của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa, Ðấng ấy chính là Ðức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể.  Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được vén mở, nhờ Ngài mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài duy nhất nhưng không đơn độc. “Ta và Cha là một” (Ga.14:10). “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga.16:15). Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần. Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa. “Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần“: đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.

Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga.14:23). “Cha sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi” (Ga.14:16).

Chúng ta cần hiểu rõ mối tương quan của từng Ngôi: Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ và con người. Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống của chính mình. Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu vì “Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga.4:16).

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mỗi ngày chúng ta làm dấu Thánh Giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng làm Phép Rửa cho người anh em thân cận với ta vẫn còn là ước mơ mà Ðức Giêsu đã và đang chờ đợi ta thực hiện.

***

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi! Xin soi sáng tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

NỖI LÒNG CỦA NGƯỜI NHẬN

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có lúc cho và nhận.  Cho về mặt vật chất và cho về mặt tinh thần.  Người cho và người nhận đều có nỗi niềm tâm sự riêng.  Nỗi lòng của người cho là sợ người nhận không thích.  Nỗi lòng của người nhận là ở vào thế bị nhận, phải nhận.  Tuy nhiên người cho vẫn là người chủ động, thường thì ai cũng thích mình trong vai “cho” hơn là “nhận”.

Người nhận là người không có, người “nghèo” về một phương diện nào đó. Người nghèo nói chung có sự mặc cảm, sự mặc cảm đó được giấu sâu kín trong lòng, và được thể hiện bằng nhiều cách có khi là khiêm tốn, nhưng có khi lại kiêu căng, có khi lố bịch kỳ quặc và bệnh hoạn…. không loại trừ ai.  Chúng ta đề cao rất nhiều về sự cho đi, nhưng người cho có bù đắp hoặc chữa lành sự mặc cảm của người nhận không?  Hay có khi lại “cho” thêm mặc cảm nơi người nhận.

Người có cái gì đó để cho đi là người hạnh phúc hơn kẻ nhận.  Người cho ít ra có được niềm vui và hạnh phúc là được cho, hãnh diện vì được ban phát.  Tôi cũng thích có nhiều tiền để cho hơn là làm người nghèo để phải nhận sự giúp đỡ.  Tôi thích đi làm từ thiện hơn là người bị nạn.  Tôi thích có gương mặt thanh tú để nở nụ cười với tha nhân hơn là có gương mặt xấu xí, dữ dằn khó ưa.  Tôi thích là người thông minh, có tài để làm gì đó giúp ai…. hơn là làm người tầm thường nhờ vả người khác.

Là người nhận, để che giấu sự “nghèo” nên trong thâm tâm tôi cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ, đôi khi có cảm giác bị nhục, mang ơn người cho.  Nhiều khi người cho vô tình khoe khoang nên làm người nhận càng thêm đau.  Trong tâm tình của người nhận, nhiều khi tôi tự nhủ thà chịu đựng thiếu thốn, hoặc từ nay không muốn nhận cái gì nữa, trừ khi bất đắc dĩ.  Là con người nên lòng kiêu ngạo giống nhau, người cho cũng kiêu ngạo mà người nhận cũng kiêu ngạo.

Trước mặt Chúa, người cho và kẻ nhận cũng như nhau: trần trụi và chẳng có gì.  Tất cả đều trở về cát bụi, với con số 0 của thưở ban đầu.  Một ít trí khôn, sự thông minh, tài năng khéo léo, lanh lợi, sắc đẹp, sức khỏe, hoàn cảnh… tất cả là của Chúa ban nhưng không, nào ai mà chọn được!  Từ các điều kiện, hoàn cảnh đó để chúng ta sử dụng làm ra tiền tài, địa vị, danh vọng, tình yêu, lòng quảng đại, vị tha… Người cho bị kiêu ngạo tưởng tự sức mình nỗ lực làm ra để trở thành người có.  Người nhận thì tự cao không nhận ra mình nghèo để sẵn sàng nhận từ người cho.

Đẹp biết bao kẻ cho và người nhận, khi cho và nhận xong, cả hai đều trở về con số 0 và tạ ơn Chúa vì đã “cho” hoặc đã “nhận” xong!  Thiên Chúa đã Nhập Thể làm người để dạy chúng ta khi cho hãy trở nên nghèo để cho, vì mình cũng không hơn họ, và Thiên Chúa tự nguyện trở thành người nghèo để sẵn sàng đón nhận những cái chúng ta cho Ngài:  một ly nước lã, một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay chào hỏi, một manh áo, một đồng xu lẻ…

Nguyễn Thị Thu