CÂY TRE

Một buổi sáng mùa hè, khi đang dạo bước quanh vương quốc mênh mông của mình như thông lệ vào giờ nóng rát nhất, Chúa chợt dừng lại để ngắm, giữa đám hoa xinh xắn, một cây tre quí phái vươn mình đường bệ trong một nơi tuyệt đẹp của khu vườn.

Ngài nhìn kỹ và để ý thấy đó là một cây tre có rễ bám sâu, thân vươn cao mạnh mẽ, với những cành lá xum suê xanh biếc la đà; gió thổi mơn man trên tán lá và một vài con chim đang xây tổ trên cành.  Ngài thích nó hơn những loại cây khác và vừa vuốt chòm râu trắng, Ngài vừa tiến lại bên cây tre đang cúi mình hết sức cung kính: “Này tre thân mến, Ta hỏi con một điều, con có giúp ta thực hiện một dự định tốt đẹp không?”

“Xin hãy nói, lạy Chúa, Ngài là chủ tể duy nhất của tất thảy những gì tuyệt diệu ở nơi đây và Ngài có thể dùng con như ý Ngài muốn…”

“Nhưng, này tre thân mến ơi – Chúa tiếp lời trong lòng nó – Ta phải bứng con khỏi đây để con phục vụ ta ở một nơi khác …”

“Ôi ! Rễ của con đã ăn quá sâu và con không biết chúng có sống sót được nữa không khi phải chịu đau đớn như thế; tuy nhiên, xin hãy cứ làm nếu Ngài cho là đã đến lúc!”

Chúa hiểu cây tre ấy tốt bụng và sẵn lòng và Ngài biết rằng hẳn là nó rất đau khổ, nhưng yên tâm bởi sự sẵn sàng đã được bày tỏ, Ngài đến gần hơn nữa rồi nói vào lòng nó: “Ta sẽ phải đốn con xuống, tỉa hết cành của con, chẻ con ra làm đôi … róc hết ruột con ra …”

Nghe những trù tính ấy, chân tre run lẩy bẩy …(hay nói đúng hơn là các cành lá của nó).  Một sự im ắng hoàn toàn bao trùm lên khu vườn, gió ngừng thổi, chim chóc thôi hát … tre đứng bất động một lúc, rồi chậm rãi cúi chiếc đầu tuyệt đẹp của nó xuống, đánh bạo hỏi nhỏ: “tại sao?” –  “Bởi nếu Ta không đốn con xuống thì con không thể phục vụ cho công việc của Ta được.”

Thế là mặt trời vội giấu mình đi, gió vươn lên cao hơn còn chim chóc thì bay lảng ra nơi khác…  Tre không hiểu gì mấy trước câu trả lời ấy, nhưng nó tin tưởng và sẵn sàng theo ý Chúa đang hết sức thân tình giải thích riêng cho nó: “Này nhé, dưới kia còn có một khu vườn khác, khu vườn ấy không làm sao hưởng được dòng nước trong lành và reo vui tuôn chảy từ Nguồn Suối Vĩ Đại ở ngay đằng sau con kia, đang tưới cho cả khu vườn này, trong đó có cả con nữa… thế là Ta nghĩ đến việc chẻ thân con ra thành hai phần để làm mương dẫn nối Nguồn Suối Vĩ Đại cho chảy đến khu vườn đáng thương ấy…”

Cây tre rạng rỡ một nụ cười vui sướng, nhưng nó chợt hiểu ra rằng, sau thời gian quá dài, nay giờ của nó đã điểm, nhưng kết thúc cuộc đời nó cũng là khởi đầu cho những sự sống mới… Và với cả tâm tình của mình, nó gập người xuống sát đất, rồi bằng một giọng nói mạnh mẽ nó kiên định một lần nữa: “Lạy Chúa, này con đây.”

Chúa xắn tay áo và “không cần phải đến nhát thứ hai” đã đốn hạ cây tre, đẽo gọt thân nó, chẻ ra làm hai, khoét sạch ruột bên trong, nối cả hai phần đã được chẻ làm thành một chiếc máng dài rồi tì một đầu vào lối dẫn ra của Nguồn Suối Vĩ Đại còn đầu kia thì đến lối dẫn vào cánh đồng đang nằm giữa những đám cây gai, đá sỏi và đủ thứ bụi rậm.

Cây tre đáng thương bị đưa vào tình cảnh đó cảm thấy hốt hoảng và bấn loạn, nó cảm thấy những cơn rùng mình khi tiếp xúc với dòng nước mát lạnh đang chảy qua thân nó, giật bắn người vì cái lạnh giá đầu tiên của ban đêm, đau đớn vì cái nóng cháy da của ngày tiếp theo, nhưng vẫn ở đó ngày này qua ngày khác… tháng này qua tháng khác và có thể cả năm này đến năm khác.

Nó đã trở nên già cỗi và mệt mỏi, dòng nước mát lành đã bào mòn gần như hoàn toàn phần ruột bên trong và cả những bờ cạnh của nó cũng thế và đã có những giọt nước làm thành, ngay bên dưới, một dòng suối nhỏ chảy dọc theo thân nó, từ Nguồn Suối Vĩ Đại đến khu vườn đáng thương.

Nhưng khu vườn ấy không còn xấu xí nữa bởi vì giờ đây cỏ cây đã được tưới gội tràn trề, hoa đã nở khắp chốn, cây cối đủ loại đã mọc nhiều và tất cả khu vườn đã trở nên giống như khu vườn kia một cách kỳ diệu…

Bấy giờ, và chỉ đến lúc bấy giờ thôi, cây tre bất chợt gãy sụp xuống và tất cả những gì còn lại của nó rơi vào lòng con thác nhỏ mà chính nó đã tạo nên, được dòng nước cuốn đi, nó trôi đến giữa khu vườn mà từ giờ trở đi rực rỡ muôn hoa và sống động…

Nó nhìn thấy ngay chính giữa khu vườn, đã mọc lên một cây tre xanh mềm mại tuyệt đẹp với đám rễ bám sâu, thân vươn cao mạnh mẽ, cành lá sum suê xanh biếc la đà, gió nhẹ mơn man tán lá và một vài con chim đã sẵn sàng xây tổ trên cành. Mải quan sát cây tre ấy một cách âu yếm và đầy thương yêu, một ngọn gió từ đằng sau chợt thổi đến khiến nó giật mình, nó chỉ nhìn thấy phía lưng Chúa khi Người dừng lại dưới bóng cây tre kia.

“Tre thân mến, …” hình như nó nhận ra những lời ấy… nó không nhớ rõ lắm bởi chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, thính giác giờ đây không còn bén nhạy, thị giác cũng không còn tinh anh như trước, rồi… rồi… Chúa cúi xuống nói nhỏ vào lòng cây tre ấy.

Và nó nghe thấy một tiếng nói vừa trẻ trung vừa dứt khoát đáp lại một cách mạnh mẽ : “Này con đây, Ôi lạy Chúa…”

Thái Văn Hiến sưu tầm – dịch

**********************************

Con thưa cùng Chúa, Này con xin đến để thi hành, thi hành thánh ý Cha.
Giữa đêm trường trong đền thánh Chúa, đèn khuya ánh lên bao niềm hy vọng. 
Có tiếng người gọi con dặt dìu hối thúc tâm tư.  Vâng! Lạy Chúa con đây.
Chúa đã mở cửa trời cho con và thánh hóa môi con bằng than hồng. 
Chúa muốn chọn Đại ngôn của Người giữa đám dân riêng.  Vâng! Lạy Chúa con đây.
Phút ngỡ ngàng của lời ân phúc Giờ loan báo tin vui đã khởi đầu. 
Đấng cứu độ toàn dân đợi chờ muôn tiếng xin vâng.  Vâng! Lạy Chúa con đây.

Dao Kim – “Lạy Chúa Con Đây”

CÁI CHẠM CỦA TÌNH YÊU

“Nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ tin; 
nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ yêu thương; 
nếu chúng ta yêu thương, chúng ta sẽ phục vụ.”
Mẹ Teresa

Tôi đã từng làm một cuộc nghiên cứu tự nguyện ở Ấn Độ suốt một năm khi tôi quyết định đi làm tình nguyện tại “Ngôi nhà của Mẹ Teresa cho những người bệnh tật, nghèo khó và sắp chết” ở Calcutta.  Tôi biết cuộc nghiên cứu đã rất có ích, nhưng tôi không thể cưỡng lại được cảm giác đất nước Ấn Độ đang gọi tôi để làm một việc gì khác nữa.  Tôi cảm thấy chỗ của tôi là ở Calcutta, giữa những người “nghèo nhất của những người nghèo”.  Và cuối cùng vào một ngày nọ, tôi đã đủ dũng cảm để nghe theo trái tim mình và đáp chuyến tàu đi Calcutta.

Có những điều về Calcutta mà tôi sẽ mãi yêu thương.  Tuy còn những lề đường rạn nứt, dơ bẩn, những hàng cây đầy bụi và khói bụi của xe cộ, nhưng có một sự tràn ngập tình cảm con người nơi đây khiến tôi vẫn đi dạo trên đường với niềm vui.  Thế nhưng, ngày mà tôi đến trên con đường bụi bặm này bên ngoài ngôi nhà, tôi đã bị sốc.

Tôi đã sốc khi đối diện với nơi mà trái tim minh đã dẫn đến, tôi đã không thể đi theo vào cùng những tình nguyện viên đang tiến vào trong.  Tôi thấy sợ hãi với những gì xảy ra ở trong kia mà mình không thể giúp gì được.  Tôi đứng ở bên ngoài một mình cho đến khi không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Tôi đi đến cánh cửa hẹp bằng gỗ và bước vào trong.

Điều đầu tiên tôi thấy là một người chết, được bọc trong một tấm chăn để chờ được mang đi. Tôi chưa từng bao giờ thấy cảnh tượng như vậy; mà chỉ chứng kiến người thân mình qua đời trong quan tài.  Tôi dừng lại trước cơ thể gầy còm, quặt quẹo của ông ta.  Một bà Sơ tiến lại và hỏi tôi cần gì. Khi nhìn chiếc áo khoác đơn giản và đôi bàn tay chai sần của bà, tôi nhận ra bà đã tiếp xúc với người chết mỗi ngày.  Chắc bà ta không muốn tôi làm mất thời gian của bà, nên tôi tự hứa rằng mình sẽ mạnh mẽ và không làm bà thất vọng.  “Tôi đến đây để phụ giúp”, tôi nói.  “Tôi có thể làm được gì?”

Ngay lập tức bà Sơ kéo tôi vào một căn phòng với cái tủ thuốc gần như rỗng và mở tung một cái tủ lớn hơn chứa chăn và tã lót.  Không một lời chỉ dẫn, bà chỉ tôi tới cánh tay bị thương của một người phụ nữ và giục tôi làm.  Ngay khi tôi đang tìm cái tạp dề, một đứa bé chừng hai tuổi thét lên sau lưng khi một người tình nguyện lau rửa những vết bỏng trên gần nửa cơ thể của em.  Hai người khác thì đang lau rửa một cái lỗ ở chân một người phụ nữ.  Tôi có thể thấy xương nhô lên từ miếng thịt đầy máu.  Không thể tin được sự dũng cảm và sự khéo léo của những người tình nguyện ở đây!  Một người chết, một đứa trẻ bị bỏng, một vết cắt thấy tận xương – tôi có thể giúp được gì đây?  Tôi không phải là bác sĩ, mà chỉ là một nhà nghiên cứu.

Một tình nguyện viên người Mỹ gọi tôi:  “Bạn lại đây và giúp tôi chứ?”  Cô ta đang cố làm vệ sinh cho một bà cụ đang quằn quại trong đau đớn.  Tôi giúp nâng bà ta lên và lau khô người bà.  Nhưng ngay khi bà ta ra, một người khác lại được mang vào.  Và tôi nhận ra công việc cứ như vậy trong những phút tiếp theo.

Trước tôi là hai hàng võng với những phụ nữ đang nằm trên đó.  Những tình nguyện viên hối hả chạy tới lui, tắm rửa, lau chùi, cho ăn và thay tã.  Họ dường như là làm việc theo cặp.  Mỗi người đều đặn tới và đi.  Tôi cảm thấy lạc lõng.  Người Mỹ kia không còn cần tôi nữa, và tôi chẳng còn biết chỗ nào để bắt đầu.  Mọi người đều thân thiện nhưng họ lại quá bận để có thể giải thích nhiều cho một người mới đến trễ như tôi.  Và khi tôi tự nhủ mình có nên đi ra hay không thì một cô người Đức ném cho tôi một bộ đồ.

Trong hai giờ tiếp theo, tôi giặt, phơi và cố gắng nhẹ nhàng thay tã cho bệnh nhân, hết người này đến người khác.  Một vài người khóc lên đau đớn bằng tiếng Hindi; những người khác nhìn trừng trừng nhưng im lặng.  Rõ ràng là họ đang bực tức với cô gái phương Tây trẻ đang đụng vào họ một cách vụng về, và tôi không hề trách họ.

Vào giữa trưa, những người tình nguyện ăn bánh và uống trà trên nóc nhà.  Thật là tuyệt với khi được gặp những người đã làm việc với tốc độ gấp ba lần mà tôi có thể xoay sở được.  Thế nhưng, tôi cảm thấy xấu hổ và thất vọng bởi tôi đã không thể làm gì để trông khác với những người phụ nữ dưới kia.  Một lần nữa, lý trí nói rằng tôi đã làm được việc có ích, nhưng trái tim và tinh thần tôi lại thấy trống rỗng.  Khi nhìn xuống những người bán hoa và trái cây ngồi cả ngày bên đường, tôi quyết định rằng mình phải tìm ý nghĩa của những việc mình làm ngày hôm đó.

Tôi chạy xuống lầu dưới, cảm thấy đầy đủ năng lượng cho việc cọ rửa tiếp tục.  Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, một tình nguyện viên bảo rằng bây giờ không phải là lúc cọ rửa mà là thời gian yên tĩnh, khi tôi có thể bỏ hàng giờ với một người phụ nữ.  Tôi có thể chải tóc cho bà ta, nói chuyện với bà ta, hoặc nắm tay bà ta.  Tôi bắt đầu đi dọc những chiếc giường và nhờ Thượng Đế hãy chỉ tôi đến với một ai đó.  Một vài người đang ngủ, và hầu hết những người còn thức thì quay lưng lại với tôi.  Nhưng có một người nhìn thẳng vào tôi và gọi tôi bằng tiếng của bà ấy.

Ngồi trên giường, tôi tìm tay người phụ nữ, nhưng bà đã nắm thật chặt lấy cổ tay tôi trước.  Mái tóc rối và xơ xác của bà được bôi bóng bởi thuốc mỡ, và làn da nhăn nheo thì xệ xuống tới cằm. Bà nhìn vào mắt tôi một cách dữ tợn trong một phút, hai phút – có lẽ là lâu hơn nữa.  Tôi cảm thấy bối rối và định quay lại tìm hỏi một tình nguyện viên nào đó.  Đột nhiên bà nắm lấy cổ tay tôi chặt hơn nữa, như muốn nói: không, cô không thể đi.  Thời gian của cô vẫn chưa hết ở đây.

Tôi hít một hơi sâu, nhìn vào mắt bà và chợt nhận ra rằng thử thách của tôi là yêu thương mà không được sợ hãi.  Tôi bắt đầu làm cái việc duy nhất mà tôi có thể nghĩ tới – xoa bóp cánh tay của bà. Tôi lại tiếp tục xoa bóp cánh tay kia khi đặt bà ta nằm lên gối.  Bà nhắm mắt lại.  Tôi tìm một ít nước và bóp vai cho bà.  Đột nhiên bà kéo áo lên và chỉ vào cái bụng nhăn nheo như gương mặt của bà ít phút trước; tôi cũng mát xa chỗ đó cho bà.  Cơ thể bà thả lỏng ra theo đôi tay tôi chạm vào người bà, và gương mặt bà cũng bắt đầu giãn ra.  Trong vòng hơn một giờ, tôi đã xoa bóp hai chân, lưng, đầu và cuối cùng là mặt bà.

Trong khoảng thời gian ấy, dấu vết của năm tháng như tan chảy trên khuôn mặt bà.  Cuối cùng, khi bà mở mắt ra, đôi mắt ấy tràn ngập sự thanh bình đến nỗi tôi bật khóc.  Thật kỳ diệu khi chỉ vài giờ trước đây tôi còn cảm thấy mình vô dụng.  Tôi đã quên mất tôi muốn chia sẻ sức mạnh hàn gắn của sự tiếp xúc như thế nào.  Nhưng bà đã nhìn thấu qua nỗi sợ hãi của tôi và cho tôi món quà tuyệt vời nhất – cơ hội để yêu một người khác trọn vẹn đến nỗi có thể biến đổi cả hai người.  Tôi sẽ luôn nhớ cái thời điểm ấy như những giây phút đẹp và quý nhất trong đời, và sẽ kính trọng bà như một trong những nguời thầy tuyệt vời nhất của tôi.

Kayte Fairfax

ĐỤNG CHẠM

Giữa đám đông chen lấn và sô đẩy chung quanh Ðức Giêsu, có người đã đụng vào áo Ngài. Chiếc áo của Đức Giêsu đã chạm vào bàn tay người ấy.  Đây là một cái đụng chạm cố ý, đụng chạm lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng chạm của một người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị xã hội coi như người ô uế tội lỗi: không được tiếp xúc với người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.

Người phụ nữ đã đụng chạm vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin của mình, một lòng tin tuy đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ. “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc.5:28). Cái sờ của bàn tay đã giúp bà khỏi bệnh, cái đụng chạm của lòng tin đã cứu chữa bà.

Trong đời sống thiêng liêng, đã nhiều lần ta đụng chạm vào Đức Giêsu. Ðụng đến Lời Ngài, chạm đến Mình Máu Thánh của Ngài. Ðụng bằng tay, chạm bằng miệng, bằng rung động của con tim.

Có những lần ta đụng chạm đến Ngài một cách hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình bất xứng, dù biết mình nhơ nhớp tội lỗi. Chính vì nhận biết mình nhơ nhớp tội lỗi mà ta “cả dám” đụng vào Ngài. Ðụng vào Ðấng Thánh để được Ngài thanh tẩy cho trong sạch, để được Ngài cứu chữa bệnh tật linh hồn và nhất là để được Ngài cho ta được thông phần tham dự vào bản tính thiêng liêng của Ngài, cho ta được trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

Ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày và ta cũng cần được Ngài chạm đến mỗi ngày. Như ông trưởng hội đường xưa kia đã van xin Ngài đặt tay trên con gái của mình. Ngài đã đến nhà ông và đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết. Hôm nay, ta cũng cần được Chúa cầm tay ta và bảo: “Talithakum – Hãy chỗi dậy.” (Mc.5:41). Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết. Chỗi dậy khỏi nhơ nhớp tội lỗi của tâm hồn. Chỗi dậy khỏi những đam mê yếu đuối của thân phận con người. Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật hai phép lạ xảy ra nhờ lòng tin. Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc.5:34). Ngài cũng nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc.5:36). Cần có lòng tin khi đụng chạm đến Đức Giêsu. Đụng chạm vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể giúp ta thêm sức mạnh để bước đi trên đường đời. Đụng chạm đến Lời của Ngài nơi những trang Tin Mừng giúp ta tìm gặp chân lý, bắt gặp an bình và hy vọng…Chỉ cần để Chúa đụng chạm đến ta một lần thôi, đời ta sẽ hoàn toàn biến đổi; sẽ tràn đầy ân phúc và bình an.

***

Lạy Chúa Giêsu! Xin cứu giúp con, vì con là kẻ có tội…

Như người đàn bà bị bệnh băng huyết xưa kia, xin cho con được đụng chạm đến áo của Ngài.  Xin cứu chữa con khỏi đam mê yếu hèn của kiếp người.

Như em bé con ông trưởng hội đường xưa kia, xin Ngài cầm lấy tay con, nâng đỡ con và kéo con đứng dậy…Đứng dậy để giã từ con người yếu đuối tội lỗi; đứng dậy để bước đi trong tình yêu và ân sủng Ngài ban. Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas

XUỐNG NÚI

Hiện giờ cảm giác xuống núi của tôi là “sốc”! Sốc như con nghiện sốc thuốc.  Tôi nhận ra mình đã nghiện, nghiện thinh không.

Tôi chán ghét cuộc sống bon chen, ồn ào của đất Sài thành!

Lên núi như sống trong một thế giới tiên thánh, thì xuống núi là trở về với những cám dỗ và cạm bẫy của ma quỉ.  Lên núi để gạt bỏ những sân si của cuộc sống thường nhật, thì xuống núi lại cáng đáng những chuyện lo-nay-chưa-xong-lại-lo-ngày-mai.  Lên núi để cảm thấy những tình cảm đời thường đều là thứ phù du, thì xuống núi lại trở về với cảm giác tạm bợ đó.

Xuống núi thì trước sau gì cũng xuống vì thế tôi đã quyết định về sớm hơn dự định, mặc dù trong thâm tâm luôn muốn ở lại.  Ở lại để học cách phục vụ trong âm thầm như cậu bé Khoan khiếm thính, để học cách ân cần giúp đỡ người lạ như bác bảo vệ mà tôi quên hỏi tên và quên một lời từ biệt.  Bác cũng là người dạy cho tôi biết có ơn gọi độc thân nhưng không nhất thiết phải là thầy tu, một huyền nhiệm mà không có người thứ ba, chỉ có bác và Đấng đã chọn bác, mới hiểu rõ.  Và trên hết, ở lại để tâm tịnh, lòng ngay mà hướng về Nguồn như các đan sĩ khiêm cung, hèn mọn nhốt mình trong những hốc ghế của nhà nguyện lạnh lẽo mà kinh kệ, “thần tụng” – ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhân loại bê tha.

Xuống núi vì nhận ra sứ vụ của tôi nơi tôi đã thuộc về và phải thuộc về. Nhờ Thánh Thần soi sáng, tôi nghiệm ra Cha muốn tôi thực hiện những kế hoạch mà Lời hằng chỉ bảo: “Hãy sửa đường cho thẳng”.

Có những con người…

Có những con đường…

Có những con đường phải đi một mình

Có những con đường không thể một mình đi (Nguyễn Tầm Thường, SJ.)

Tôi đi con đường nào?  Đường phải đi một mình?  Đường không thể một mình đi?

Quyết định tại thời điểm này, nên đi con đường nào, không còn là ưu tư của tôi nữa.  Bạn cũng đừng hỏi tôi “theo Chúa hay theo ai”.  Chuyện đó đã được Đấng Thấu Suốt đả thông cho tôi trong hai ngày sống đời ẩn sĩ.  Thật ra chọn con đường nào không quan trọng.  Điều cần lưu tâm là con đường đó có phải mang tên Giêsu hay không.  Tôi không thể bước đi trên con đường nào khác ngoài đường Giêsu, dẫu rằng con đường đó là Đường-Thập-Giá, lắm chông gai và thử thách, nhưng chắc rằng đường đó sẽ dẫn về Nguồn.  Vì “chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến với Cha mà không qua Thầy”.

Xác quyết như vậy thì mọi hoang mang trong khi chọn con đường để đi chẳng nghĩa lý gì.

http://blog.360.yahoo.com/blog-O1LhLLU8eq8jawkcsdu87ho-?cq=1&p=447

 

 

TRỞ VỀ 

Có kiến thức và học vị cao tôi may mắn “gặp thời” để làm ăn và cơ hội làm giám đốc một công ty tư nhân vốn nước ngoài, xã hội đã ưu đãi tôi với nhiều tiền tài, địa vị và danh giá.  Đi đến đâu tôi cũng được đón tiếp trang trọng, tôi hay có khách đến thăm, nhờ vả và tất nhiên quà biếu, bổng lộc cũng phát sinh từ những việc giúp đỡ.  Thời gian đối với tôi là vàng ngọc, ngoài công việc chính ở công ty, tôi còn được mời giảng trong khóa, ngoại khóa cho sinh viên, giảng chuyên đề cho một số công ty, tham gia làm ủy viên cho một số tổ chức có liên quan đến công việc.  Trong vị thế giám đốc, tôi luôn được mời tham dự hội thảo, hội nghị, tổng kết… và cả những chuyến du lịch, những buổi tiệc lớn, bé sang trọng với rượu ngoại, đặc sản bổ dưỡng đắt tiền…

Trước đây, trong thời kỳ còn khó khăn, vợ chồng chúng tôi cũng an phận với cuộc sống thu nhập qua ngày.  Sau này do công việc của tôi ngày càng có vị thế, hơn nữa thu nhập của tôi cũng trang trải đầy đủ cho gia đình, nên bà xã đã nghỉ ở nhà lo nội trợ, phục vụ chăm sóc chồng con, phục vụ những buổi tiệc của gia đình với cả khách nước ngoài và nhất là vai trò ông lớn của tôi trong xã hội.

Bước sang tuổi 45, có đôi lần sau khi dự tiệc về hơi chếnh choáng men rượu, tôi cảm thấy nhức đầu hơn mọi khi.  Một vài lần cảm cúm, viêm họng kéo dài, có những lần bụng lình sình, bao tử khó tiêu, huyết áp hơi thất thường.  Tôi giật mình nghĩ đến sức khỏe, nghĩ đến thời gian, nghĩ đến những hạn hẹp của con người…  Nhiều lần vợ và con gái lo lắng, phiền trách tôi uống rượu bia hơi nhiều, nhưng tôi thanh minh….  Tôi đâu có thích uống, vì công việc mà!….  Thời gian trôi qua, các con cũng đã khôn lớn và thành đạt ngoài xã hội.  Dưới mắt thế gian, gia đình tôi vào tầm trí thức danh giá, là niềm mơ ước ganh tị cho bao người.

Nhưng vào một buổi sáng định mệnh ở tuổi 59, khi thức dậy tôi thấy trong người mệt hơn.  Như mọi khi vợ tôi giục đi bộ tập thể dục, hôm nay sau khi đi được một quãng đường, tôi thấy bước chân mình cứ hụt hẫng, bước thấp, bước cao, cảm giác lâng lâng khó tả.  Hít thở mãi mà cái mệt lúc thức dậy cũng không tan đi, tôi cố đi thêm một quãng và giục vợ đi về.  Sau đó tôi vẫn ăn sáng và đi làm.  Vào bàn làm việc, cái mệt ấy vẫn đeo đuổi cho đến 11giờ trưa.  Có cảm giác chẳng lành, tôi quyết định gọi thư ký đưa đi bệnh viện, chẳng biết các bác sĩ cao cấp của bệnh viện đã làm gì, nhưng tôi thì cứ lịm dần, lịm dần mọi cảm giác….  Ôi, Tai biến rồi!  Mọi người vào thăm tôi ở bệnh viện lo lắng, xôn xao, rộn ràng, nào quà, nào bì thư, nào sữa, trái cây… tôi bàng hoàng, mê man chìm vào cõi hư vô.  Rồi một tuần, hai tuần, một tháng trôi qua…, ông giáo sư cao cấp âm thầm trở về nhà không bằng một đứa trẻ lên 2 tuổi.

 *************************

Nhìn vợ đã chăm sóc tôi cả tuổi xuân, nay lại hằng ngày chăm sóc tôi với lau mặt, thay đồ, đút ăn, và những câu dỗ dành “Nào ngoan nhé há miệng ra… thôi đừng khóc nhè nữa…. giỏi nào giơ tay trái lên… đúng rồi, đưa chân phải lên”….  Ôi còn gì là Ông lớn danh giá cho bà xã tôi sánh vai làm Bà lớn nữa.  Đứa con gái út sắp lấy chồng nhìn tôi mà thất vọng, đám cưới của nó sẽ bị mất đi cái danh giá sang trọng của gia đình.  Nhìn đứa em trai giờ cũng già rồi, lo lắng đến thăm tôi, cùng một mẹ sinh ra nhưng nó lại chậm chạp, thật thà, nên nghèo, thấy thương nó quá.  Trong thâm tâm đã bao lần cứ hẹn sẽ làm gì đó cho nó, nhưng….. nước mắt tôi lại ứa ra.  Nhớ lại lúc chưa xây nhà ở riêng, mỗi lần phường khóm có yêu cầu làm vệ sinh đường phố, thì nó là đứa phải thay mặt đi làm, và cả những việc tầm thường khác, chứ danh giá bận rộn như tôi sao lại đi làm vệ sinh đường phố được.  Một số bà con trong khu phố đến thăm, những khuôn mặt mà hàng năm vào tháng 10, bất đắc dĩ tôi phải mở cổng đón họ đến đọc kinh Mân Côi liên gia, còn tôi ông giáo sư danh giá bận rộn “xin kiếu” với bà con, giờ đâu mà đến nhà họ đọc kinh… còn bao người lao động phục vụ kính nể tôi nữa.  Ngẫm nghĩ lại, hình như trong địa vị danh giá của mình, tôi chẳng làm gì không công cho ai cả, có khi còn tận dụng sức lao động của họ.  Tôi nợ nhiều người quá, từ kinh Kính Mừng của các em nhỏ, đến bao người kính nể phục vụ tôi.

Ôi! thời gian là vàng ngọc của tôi, tôi đã sử dụng thời gian cho những giá trị nào rồi???  Giật mình ngẫm nghĩ: Tôi có đạo mà như bị bỏ bùa mê, vô tình mà đắm đuối, trung thành dành mọi thời gian công sức cho những giá trị trần thế, cho danh giá, địa vị, tiền tài.  Đối mặt với ông chủ trần thế ông nói rằng “sòng phẳng” nhé, có khi thế gian còn cho nhiều tiền hơn công sức mi bỏ ra.  Mi đã được người ta phục vụ kính nể trong địa vị ông giáo sư, ông giám đốc, mọi việc mi làm đã được người ta trả dư, nào lương cao, nào bổng lộc, nào là quà biếu đắt tiền, nào là những bữa tiệc sang trọng, nào là biệt thư, xe hơi…. và cả những cơ hội làm ăn béo bở.  Nhớ lại những khuôn mặt đến thăm tôi ở bệnh viện, nhờ tôi giúp đỡ mà được lên chức ông này bà nọ, vẻ mặt họ toát lên sự hài lòng, một số chị em đến thăm an ủi tâm sự với vợ tôi rằng cái tuổi của chị phải hai lần đò….

*********************************

Chúa ơi, phũ phàng quá, thân xác con còn nguyên đây, chỉ đứt cái mạch máu bằng sợi tóc thôi, mà thân con đã ra thừa thãi, vô dụng.  Danh giá gì nữa, con vốn là bụi cát hư vô, mà lâu nay cái mác ông Giáo sư, ông Giám đốc đã tâng bốc con lên, chiếm hết thời gian, tâm trí, linh hồn của con và làm con xa dần Chúa.  Bây giờ con trở về với Chúa bằng hai bàn tay trắng, thông minh, lanh lợi, tài khéo Chúa ban, con đã sử dụng hết cho mộng ước tương lai, cho tiền tài và danh giá cả rồi.

Giờ đây, Chúa vẫn cho con còn cơ hội sống đúng nghĩa một thân xác phàm hèn của con, nhưng biết ăn năn, biết bằng lòng đáng chịu những đau khổ và được biết rằng mọi đau khổ của con khi kết hợp với đau đớn của Chúa trên thập giá, có giá trị cầu xin cho những người yêu mến mà con đã thiếu sót, cho những người đau khổ, cho những người lầm đường, mê đắm…

Con vẫn còn có ích cho người khác được sao???    Lạy Chúa nhân từ, xin xót thương con, vì bao tháng năm qua, trần thế hão huyền đã nhận chìm con trong bể đắm phù hoa.

Chiều Thu

 

VƯỢT QUA THỬ THÁCH

John Newton là con trai một đại uý hải quân người Anh. Khi John lên 10 tuổi, mẹ cậu qua đời. Từ đó cậu bé thường theo bố đi biển. Nhờ vậy mà cậu rành rẽ đường lối ngoài biển khơi. Tuy nhiên vào năm cậu 17 tuổi, cậu bé bất mãn với bố. Cậu bỏ thuyền ra đi lao vào cuộc đời gió bụi. Cuối cùng cậu nhận được việc làm trên chiếc tàu hàng buôn nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu. Cậu thăng quan tiến chức rất lẹ và chẳng bao lâu đã trở thành thuyền trưởng. Chẳng bao giờ Newton bận tâm suy nghĩ đến việc buôn nô lệ là đúng hay sai. Cậu chỉ làm công việc của mình nhằm mục đích kiếm tiền mà thôi. Thế nhưng một biến cố quan trọng đã xẩy đến thay đổi tất cả cuộc đời cậu.

Trong một đêm tối, một cơn bão dữ dội xuất hiện trên mặt biển. Sóng dâng cao như thác núi xô đẩy và quay vòng chiếc thuyền của Newton như món đồ chơi trẻ con. Mọi người trên thuyền vô cùng kinh khiếp. Lúc bấy giờ bỗng dưng Newton buột lời cầu nguyện. Đây là điều cậu không hề làm kể từ khi rời khỏi thuyền của bố cậu, cậu kêu to: “Lạy Chúa, Xin cứu vớt con, con nguyện sẽ mãi mãi làm nô lệ cho Ngài”.

Chúa nhận lời cầu xin của cậu và cứu vớt con thuyền. Thế rồi sau khi vào được bờ, Newton đã giữ lời hứa và bỏ nghề buôn nô lệ.  Sau đó cậu đi tu, và một thời gian sau trở thành mục sư coi sóc một nhà thờ nhỏ ở vùng Olney, nước Anh. Ở đây vị mục sư trở nên một nhà giảng thuyết kiêm nhà soạn thánh ca lừng danh. Một trong những bản thánh ca cảm động nhất mà Newton đã sáng tác là bản nhạc ca ngợi Hồng Ân Bao la của Chúa. Đó là bài “Amazing grace – Hồng Ân Tuyệt Vời”

***

Bạn thân mến! Giống như Newton, các Tông đồ trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng gặp phải giông bão dữ dội ngoài biển khơi. Giống như Newton, các ông đã kêu cầu cùng Chúa: “Xin cứu chúng con”.(Mc.4:38) Giống như Newton, các ông cũng đã được biến đổi hoàn toàn sau khi Chúa nhận lời các ông cầu xin. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Ông này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?”. (Mc.4:41)

Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Vì yêu thương ta, vì muốn rèn luyện ta nên Chúa gửi những thử thách tới cho ta.

Thử thách giúp ta biết yêu mến và cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải hơn, vững vàng hơn.

Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách  xảy ra vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh.

Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng tin, lòng cậy và lòng mến Chúa nhiêu hơn.

***

Lạy Chúa!  Xin giúp con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của đời con . Xin ban ơn giúp sức cho con để con vượt thắng mọi thử thách trên đường đời.  Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an tâm (Tv.23:4). Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

KINH VỰC SÂU

Ngày xưa còn bé, khi đọc kinh chung với gia đình, tôi ghét nhất là Kinh Vực Sâu.  Sau khi đã lần chuỗi năm mươi kinh xong, tới Kinh Cám Ơn là tôi đã mừng rồi, vậy mà ba mẹ lại bắt tiếp Kinh Vực Sâu nữa.  Buồn ngủ lắm rồi mà kinh ấy thì cứ lặp đi lặp lại vài từ khó hiểu, giọng đọc thì lên xuống như rên rỉ, chẳng bao giờ tôi thuộc nổi.  Đến khi trưởng thành, tôi cũng chẳng thể nào hiểu và có cảm tình với kinh ấy.

Và rồi, một buổi sáng đi làm, khi mới đến cơ quan, tôi nghe tin đứa bạn cùng đạo với tôi bị tông xe từ chiều qua đến giờ chưa tỉnh.  Nghe nói là chết lâm sàng rồi.  Mọi người xôn xao thắc mắc chết lâm sàng là thế nào?  Sau 24 tiếng nằm ở bệnh viện, người ta trả về nhà và nó đã chết thật rồi.  Tôi rà lại trong trí nhớ lần gặp nó mới nhất, trông nó tươi tắn như trẻ lại và diện hơn.  Nhanh quá, tội nghiệp nó, hình ảnh nó vẫn còn sống quanh đây, không thể nghĩ là nó đã chết được.

Sự việc xảy ra tai nạn cũng thật lạ.  Chiều hôm ấy đang làm việc bình thường, nó điện cho ông xã nhờ chở đi xem kết quả thi (nó không biết lái xe) và còn hô lên ở trong phòng đứa nào muốn thì nó xem giúp luôn.  Nghe chồng nó kể lại, chạy gần đến cổng trường, nên xe đi chậm hơn để qua đường, bất ngờ bị xe của hai thanh niên chạy sau, hình như muốn vượt, nhưng sao lại tông mạnh vào ngang xe, hất bạn tôi té ngửa, đầu đập xuống đường, trong khi đó ông chồng còn ngồi trên xe và chẳng bị sao!  Tôi hình dung về cuộc đời nó, nó cũng lớn tuổi rồi, nhưng mới lấy chồng được gần hai năm thôi, cũng do không gặp được người cùng đạo.  Rốt cuộc ông chồng của nó cũng không có đạo, đạo ai nấy giữ.

Thương nó, tôi cứ bị ám ảnh tưởng tượng như chính mình trong tình huống đó.  Bất ngờ quá!  Mọi việc còn đang dở dang, trên bàn làm việc sổ sách bày bừa, máy vi tính còn đang hoạt động, mọi công việc đã, đang hay chưa giải quyết chỉ có tôi biết.  Mọi thứ linh tinh của riêng tôi để trong hộc bàn cá nhân, chồng con tôi cũng không bao giờ biết.  Còn bao mối quan hệ xa gần, nào là chồng con, cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, khách hàng và nhiều nhiều thứ riêng tư nữa, tôi chưa kịp dặn dò ai điều gì cả….

Tham dự đám tang của nó, tôi mới để ý thấm thía từng lời Kinh Cầu Hồn, khi đó Kinh Vực Sâu là kinh tôi đọc với cả tâm tình van xin với Chúa như cho chính tôi vậy.  Tôi mới bừng tỉnh ra, lâu nay tham dự đám tang hay đọc kinh dự lễ cầu cho các đẳng linh hồn, hình như tôi chỉ thương họ, thương cho những người thân còn sống, thương cho thân phận con người và tình thương đó thật hời hợt khách quan… vì người khác chết chứ tôi đâu có chết.  Tôi ngẫm nghĩ nếu tôi chết, sau những ngày đưa đám ma xong, những lời cầu xin cho tôi sẽ thưa dần, mỗi năm người thân sẽ xin cho tôi một thánh lễ cầu hồn, rồi… ai còn nhớ đến tôi nữa?  Lệ thuộc vào lòng thương nhớ của con người để đọc kinh cho tôi thì được bao lâu?   Vậy ngay từ bây giờ và bao lâu tôi còn sống trên trần gian này, tôi sẽ đọc Kinh Cầu Hồn cho tôi, đọc Kinh Vực Sâu cho chính mình và trong tâm tình đó tôi cầu xin cho những linh hồn còn ở nơi luyện ngục vì họ không thể làm gì được để cứu họ.  Và tôi sẽ sống chuẩn bị hơn, biết đâu bất ngờ tôi cũng ra đi như bạn tôi.  Nào ai biết được?

*********************************

Lạy Chúa con, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa con.  Xin Chúa con hãy thương nhậm lời con kêu van, hãy lắng nghe tiếng con cầu xin, nếu Chúa con chấp tội nào ai rỗi được.  Bởi Chúa con hằng có lòng lành, cũng vì Lời Chúa con phán hứa, con đã trông cậy Chúa con, linh hồn con cậy vì lời hứa ấy, thì đã trông cậy Chúa con, những kẻ làm dân Ðức Chúa Trời đêm ngày hãy trông cậy người cho liên, vì người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết mọi tội lỗi, kẻ làm dân người thay thảy.  Lạy Chúa con xin ban cho các linh hồn được nghỉ ngơi đời đời và được sáng soi vô cùng.  Lạy Chúa con xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục và được nghỉ yên.  Amen!

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, Chúa con đã phán dạy rằng bay hãy xin thì bay sẽ được vậy con xin chúa con lòng lành vô cùng, thương đến các linh hồn nơi lửa luyện tôi, xin Chúa con nghe lời con cầu xin kêu van cho linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em bạn hữu con,  xin Chúa con mở cửa thiên đàng cho các linh hồn ấy vào, xin cho các linh hồn ấy được sự sáng vô cùng hằng soi cho liên.  Amen!

 Chiều Thu

KỲ CỤC HAY KỲ DIỆU

Một hôm, có người thanh niên đến gặp một vị Linh mục, anh ta nói:

– Thưa cha, con có người bạn gái và chúng con đang có chuyện… không hiểu, xin cha giúp cho con.

Linh mục nghĩ thầm:  “Có lẽ là về chuyện tình cảm đây!”   Ông mỉm cười:

– Con nói cho cha nghe.

– Thưa cha, bạn gái con hỏi con: “Đạo Thiên Chúa của anh, ai nấy không ăn gì khác mà lại  ăn thịt và uống máu Chúa, sao kỳ cục quá vậy?”  Thưa Cha con biết Mình, Máu Thánh của Chúa là một Bí Tích mầu nhiệm  nhưng khi nghe bạn gái hỏi, con giật mình suy nghĩ…

Người thanh niên ấp úng một chút, rồi nói tiếp:

– Và con cũng không biết giải thích như thế nào..

Linh mục nhìn anh, ông không trả lời câu hỏi của anh nhưng ông bắt đầu kể cho anh nghe một câu chuyện.

********************************

Ở một thành phố  kia, một trận động đất đã gây hư hại, làm sụp nhà cửa, đường phố… và có rất nhiều người bị vùi dập trong trận động đất.  Trong đó, có một bà mẹ cùng với một đứa con tám tháng tuổi, bị kẹt trong đất đá vụn, nhờ có chiếc bàn chắn ngang nên hai mẹ con bà đươc an toàn, nhưng họ không thể thoát ra ngoài.  Họ chỉ có một gói nhỏ trong đó có một ít trái cây và bánh.

Ngày đầu tiên: đứa bé  khóc vì đói, bà mẹ  cho con bú sữa tuy không ăn uống gì nhưng lượng sữa cũng tạm đủ no lòng đứa bé.

Ngày thứ hai… ngày thứ ba  thì lương thực đã cạn, sữa cũng không còn, đứa bé lại khóc đòi ăn.  Bà lo lắng, bà quờ quạng trong bóng tối và tay bà đụng vào một mảnh vụn của cửa kính.  Bà quyết định cắt một đường trên ngón tay và đưa vào miệng con thế sữa của mình.  Cứ như vậy, hễ con đói là tay bà có thêm một vết cắt…

…Cho đến tối ngày thứ tư, những người cứu hộ tìm thấy được một bà mẹ rất xanh xao và đang trong tình trạng nguy hiểm với tư thế đang che chở cho con.  Trên tay bà vẫn ôm chặt đứa con mũm mĩm.

Khi bạn  nghe hay nhìn bằng đôi mắt, hình ảnh một em bé mút máu từ ngón tay của mẹ, có lẽ bạn có chút nào đó cảm thấy ghê sợ và… kỳ cục!

Nhưng với đôi mắt của trái tim, bạn  sẽ thấy điều ngọt ngào và… kỳ diệu biết bao trong Tình Yêu của bà mẹ dành cho con, đến nỗi thí cả mạng sống mình vì người mình yêu thương.

Chúa Cha đã ban cho chúng ta người con duy nhất của Người chính là Chúa Giêsu.  Người đã hiến mạng sống của mình cho người mình yêu, đó là chúng ta.  Và Máu, Thân Người chính là của ăn, của uống Tình yêu cho chúng ta, để chúng ta đươc hòa làm một cùng Thiên Chúa, như giọt máu của người mẹ biến thành dòng sữa ngọt ngào cho con uống để nuôi sống con mình.  “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Cũng như em bé đươc nuôi dưỡng bằng  máu  của mẹ để sống, chúng ta cũng cần của ăn Tình Yêu nuôi dưỡng đó chính là:  Mình, Máu Thánh của Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc tội lỗi của chúng ta, cho chúng ta dược hưởng cuộc sống đời đời.  “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54).

Ôi kỳ diệu thay Bí Tích mầu nhiệm của Tình Yêu, bạn hãy đến và nếm thử mà xem Thiên Chúa chính là Tình Yêu của chúng ta  ngọt ngào là dường bao!

********************************

Lạy Chúa, chúng con là những người tội lỗi và luôn bất tuân với Ngài, nhưng Chúa vẫn yêu thương chúng con vô bờ bến, chúng con hết lòng  tri ân vì Tình Yêu của Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng con.  Xin cho chúng con luôn biết chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Hồng Ân của Thiên Chúa đã trao ban chính là Máu Thân mình, để bồi dưỡng cho chúng con thêm sức trong Tình Yêu của Thiên Chúa.  Cho chúng con  luôn ở trong Tình Yêu của Ngài và chúng con biết yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng con.  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” ( Ga 15, 12).  Amen!

MT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NÀY LÀ MÁU TA

Báo Thanh niên ra ngày thứ Hai 19-6 vừa qua đã đăng một bản tin nhỏ nói về “nhà vô địch” hiến máu nhân đạo. Ðó là anh Nguyễn ngọc Tú, ở phường 11, Quận 10, thành phố Hồ chí Minh. Từ 1994 đến nay, anh Tú đã hiến máu nhân đạo 35 lượt. Anh cho biết sẽ tiếp tục công việc tốt đẹp này.

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Ðó là hình ảnh cuộc hiến mình của Ðức Kitô trên thập giá. Trong bữa Tiệc ly, Ðức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi Người cầm chén rượu và nói : “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”.

Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu Ước.

Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt qua. Ðể cứu dân Do thái ra khỏi ách nô lệ Ai cập, Chúa truyền cho người Do thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Ðêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai cập. Nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Ðể tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt qua, Ðức Giê-su trở thành Chiên Vượt qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng : Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.

Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông Mô-sê cử hành dưới chân núi Si-nai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại : “Ông Mô-sê sai các thanh niên trong dân ít-ra-en tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy trên dân và nói : Ðây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Ðó là giao ước cũ hay là Cựu ước.

Tại Việt nam cũng như tại các nước á đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hoà chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Ðức Giê-su đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên chúa. Máu Ðức Giê-su giao hoà con người với Thiên chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau. Ðó là Máu Giao ước.

Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Ðức Kitô. Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên chúa và bất hoà với nhau đã được Người giao hoà thành một gia đình thương yêu thuận hoà, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.

Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta. Người đã gánh lấy tội lỗi của ta để ta được trong sạch. Người đã nhận lấy thân phận nô lệ cho ta được tự do. Người đã chịu chết để cho ta được sống.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Ðức Giê-su ngự trong phép Thánh Thể.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại. Người đã trở thành tấm bánh bị bẻ ra để hiến tặng cho ta. Ta cũng phải hiến đời mình như tấm bánh bẻ ra để hiến tặng cho anh em.

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

LỜI CHÚC: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

– Chúa ở cùng anh chị em.

Dừng lại một chút, ta thấy những nghi thức này trong thánh lễ quá kỳ diệu.

Chúa ở cùng anh chị em là gì? Tại sao linh mục cần nhận lại lời cầu chúc:

– Và ở cùng cha.

* * *

Nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều thánh lễ, khi nói lời cầu chúc này, theo cách thế bên ngoài, thì có linh mục không nói bằng tâm hồn. Nói qua cho xong. Vì linh mục vừa nói, nhưng không đối thoại với giáo dân, thiếu chuẩn bị nên đang bận mở sách. Hoặc vì muốn chóng xong, cắt ngắn thời gian. Không có thời gian đón nhận lời giáo dân cầu chúc: Chúa ở cùng cha. Giáo dân đáp lại cho có lệ. Những lời chúc như thế trong thánh lễ nhạt nhẽo làm sao! Khi họ không tha thiết trong lời cầu chúc, thì làm sao dám nói họ thiết tha trong mong ước Chúa thật sự đến với người họ cầu chúc. Nếu vậy, Chúa ở đâu trong mối tương quan họ với Chúa, với nhau? Thiếu tha thiết trong lời cầu chúc, thì khó mà xác định mình thiết tha Chúa đến với người mình chúc. Từ đó, làm sao định nghĩa đấy là một thánh lễ sốt sáng.

Khi họ không nhận định kỹ “Chúa ở cùng anh chị em” là gì, thì làm sao rõ “Chúa ở cùng chúng ta”, và “Chúa ở cùng tôi” quan trọng đến đâu. Họ đánh mất ý nghĩa tên gọi EMMANUEL.

EMMANUEL là tên gọi của Thiên Chúa. Bởi đó, lời cầu chúc trong thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” là lời rất quan trọng. Và, thánh lễ là gì nếu chúng ta để mất vẻ đẹp: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA?

* * *

EMMANUEL

– Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 2:24).

Khởi đầu Phúc Âm, Mátthêu giới thiệu tên của Thiên Chúa là Emmanuel, nghĩa là tên gọi đó được phiên dịch ra: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và rất đẹp, hôm nay chúng ta cụ thể hóa tên gọi đó trong lời chào của thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.”

Kết thúc Phúc Âm, Mátthêu để chính Ðức Kitô tự nói về mình bằng lời chấm dứt như sau: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28:20).

Mở đầu và kết thúc một cuốn sách là dẫn vào và đưa tới cho người đọc toàn thể cuốn sách đó nói gì. Tư tưởng trọn gói ở đây, tên gọi của Thiên Chúa là ở cùng con người.

* * *

TÌNH YÊU VÀ Ở CÙNG

Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống.

Thiên Chúa không cứu chuộc con người bằng cách ở trên cao vớt con người lên.

Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Chúa ở cùng.

Trong cuộc sống nhân loại, con người thường cứu nhau bằng sức mạnh của kẻ hơn. Kẻ có sức mạnh hơn, nhìn xuống kẻ yếu. Tôi giàu có hơn, tôi giúp đỡ anh. Tôi khỏe mạnh hơn, tôi vớt anh lên.

Màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Mà là một tình yêu ở cùng. Kinh Thánh chỉ định, tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng.

Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng mà không phải ở trên thương xuống?

Tại sao tình yêu lại không là nhìn xuống để vớt lên mà lại là cùng xuống để nhìn?

Người môn sinh ưu tư với những băn khoăn.

Nắng trong vườn đã ngả dạt qua bờ dậu. Ráng chiều hoàng hôn rũ xuống lòng người môn sinh trẻ đang tầm thầy học đạo. Anh đã viết về tình yêu, đã nghe về tình yêu. Nhưng tình yêu vẫn là một huyền nhiệm. Tình yêu là gì?

Người môn sinh nhớ câu chuyện xa xưa:

– Bạch thầy, chúng con không chấp nhận nó được, nó ăn cắp, nó láu cá, nó làm biếng. Xin thầy đuổi nó về.

Mấy chú đệ tử nhỏ báo cáo với thầy. Và vị thiền sư đã bảo:

– Nó không biết phải, không biết trái nên mới cần ở với thầy. . .

Phêrô cũng thế, đã có lần Ðức Kitô gọi Phêrô là Satan. Nhưng Ngài không đuổi Phêrô. Ngài bảo: “Lui lại đàng sau Thầy.” Lui lại phía sau, chứ không là đuổi đi xa. Vì Satan đang ở trong con, nên con cần ở cùng Thầy.

Ðời người là những chặng đường kiếm tìm. Huyền nhiệm cuộc sống mở ra như những cánh hoa. Một ngày không tìm kiếm là một ngày chết ủ. Cánh hoa phải mở ra, bật lên thành màu. Bấy giờ mới là cánh hoa. Cuộc sống cũng thế, những ấp ủ băn khoăn kia phải bật lên thành màu mới là cuộc sống. Và ta phải tìm kiếm. Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng? Nhất là tên gọi kia của tình yêu Thiên Chúa. Tại sao lại là Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Ðể giúp người học trò tìm kiếm. Nhà đạo sĩ hỏi người học trò:

– Ngày con đau, mẹ con không là thầy thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh. Sao bà cứ đứng bên giường nhìn con, ngay cả khi con ngủ?

– Bạch thầy, vì thương con.

– Bà có chữa con hết bệnh được không?

– Bạch thầy, không.

– Không chữa được, vậy đứng đó làm gì?

Người học trò ngập ngừng.

– Bạch thầy, vì thương con.

– Thương, nhưng không làm sao chữa bệnh cho con được. Vậy thương là gì?

Người học trò bắt đầu hiểu. Tình yêu không cứ là “doing”, mà là “being.” Nghĩa là ở cùng. Thật ra, ở cùng, không phải là không làm gì. Bởi “ở cùng – being” đúng nghĩa là sự hiện hữu trọn gói. Khi linh mục nói “Chúa ở cùng anh chị em”, mà chỉ nói vì công thức cho qua. Như thế, sẽ là có “doing” đó, nhưng vắng mặt của “being.” Khi bà mẹ nhìn con ngủ trong cơn đau. Cứ chốc chốc, bà đến bên giường nhìn con ngủ. Bà không có năng lực chữa bệnh cho con. Bà không “doing” được điều gì theo nghĩa sản xuất. Bà chỉ hiện diện trọn gói tâm hồn bà ở đó. Ðấy là chiều sâu của ngôn ngữ ở cùng, là “being.”

Trong cuộc sống, tôi cần một người nhìn tôi. Nói với tôi là cuộc sống, có họ ở cùng với tôi. Người vợ dọn cơm chiều, chỉ mong chồng về, đến bên cạnh, thầm nói rằng “anh ở cùng em.” Buổi chiều đó có thể trở thành hương hoa. Họ cần cái ở cùng này. Người ta kinh nghiệm trong cuộc sống thực như thế. Không ai chỉ hạnh phúc bởi tấm pay check, có “doing” mà không có “being”. Trong nỗi đau, con người thường kêu:

– Lạy Chúa, xin cất chén đắng này cho con.

Họ muốn Thiên Chúa “doing”. Chúa hãy lấy quyền năng mà hành động. Nếu Chúa không cất nỗi đau cho con mà chỉ “being”, nghĩa là chỉ đau với con thôi thì có ích gì. Người ta lý luận tình yêu thì phải cụ thể bằng hành động. Chúa thương tôi, Chúa phải hành động, xin hãy tặng tôi những món quà tôi xin. Tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Thay vì cứu con người khỏi chết thì lại chết với con người. Thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người. Trong nỗi bực dọc, con người oán trách Thiên Chúa. “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! (Lc. 23:39). Con người thách thức Thiên Chúa, cứu tôi đi, nếu thực sự thương tôi. Rồi tôi sẽ tin. Ðức Kitô không lấy quyền năng để cứu những tiếng kêu này. Ngài cũng không lấy quyền năng thoát khỏi cái chết này.

Tại sao tình yêu không là cứu người mình yêu khỏi chết, mà là chết cùng?

Trước khi tiếp tục đề tài. Vị đạo sĩ nhắc người học trò về một kinh nghiệm:

– Nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Làm sao con có năng lực làm cho người chết sống lại? Con không cất được nỗi đau đó. Nhưng nếu con đau cùng, “being” bên cạnh người đang đau. Thì nỗi đau kia nhẹ vơi. Làm sao trong tình yêu mà người ta nói: Anh không cất được nỗi đau của em. Rồi người đàn bà đi sanh con một mình. Người đàn ông rất thực tế. Tôi không sanh con thay vợ tôi được. Tôi không “doing” gì được. Ông ở nhà đi câu.

Hạnh phúc và đau khổ không là cứu, là cho, mà là ở cùng.

Thiên Chúa ở cùng.

Người học trò im lặng suy nghĩ. Anh lắng nghe. Trong cái tĩnh mịch, anh mơ hồ nhìn thấy từ vùng im lặng đó, bật lên màu sắc của cuộc sống. Như những cánh mỏng thức giấc dần, bật màu thành bông hoa. Vị tôn sư như sợ người học trò ngần ngại với lời mình. Ông cắt nghĩa thêm:

– Thầy giả sử một vị tổng thống quyền uy, ông chỉ gật đầu, gia nhân của ông sẽ đem những người tỵ nạn vào nước ông. Ðó là cách nhìn xuống. Ðó là cách vớt lên. Nhưng giả sử, vị tổng thống ấy nghe tin còn mấy trăm người tỵ nạn mười mấy năm bơ vơ không quê hương. Nghe tin, ông tội nghiệp. Ông bỏ văn phòng. Ông đến với người tỵ nạn. Ông hỏi người tỵ nạn làm gì kiếm sống qua ngày. Dạ thưa ngài, tôi làm nghề rửa xe. Ðể hiểu, hiểu để thương, ông tổng thống quyền uy kia, mặt mũi lấm lem, quẹt mồ hôi, tóc bù xù dính dầu nhớt xăng, cũng chầu chực rửa xe, cũng ở bến xe, cũng gặm bánh mì. Con có thể hình dung một tổng thống nào dám làm thế không?

Người học trò im lặng hơn. Trong tâm trí anh. Anh không thể hình dung có chuyện đó. Anh hiểu ý vị tôn sư đang muốn nói, Thiên Chúa đã làm như vậy. Ðó là ý nghĩa EMMANUEL, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi cho một món quà là cho một phần tài sản. Khi cho chính mình là cho hết. Không thể cho hết khi mình không cùng giống thân phận người đó. Bởi thế, vô cùng tuyệt vời khi Phúc Âm tường thuật về người lính canh như sau:

Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15: 37).

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:

Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).

Hai sự kiện đặc biệt trong cụm từ “Tắt Thở” mà ta phải kiếm tìm.

– Thứ nhất, lúc tạo dựng con người. Thiên Chúa thở hơi, cho Ađam sự sống. Bấy giờ Thiên Chúa chỉ cho một chút hơi thở. Nhưng ở đây, Ngài không cho một chút hơi, mà Tắt Thở. Nghĩa là cho hết không còn hơi để thở. Như thế, tên gọi EMMANUEL, càng ngày theo chiều lịch sử cứu độ càng trở nên rực rỡ. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lời tung hô ấy như ngọn pháo bông muôn màu bật tung lên trong thánh lễ.

– Sự kiện thứ hai là viên đội trưởng, lính canh nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài “Tắt Thở”. Tắt thở là giây phút yếu nhất của một đời người. Ðáng nhẽ ông ta phải nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong những việc quyền năng, những phép lạ lớn lao. Tại sao lại nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong giây phút yếu đuối nhất?

Vị tôn sư nói với người học trò:

– Con ạ, hình ảnh người lính canh ở đây cho chúng ta một chiều sâu thiền niệm mà không biết ngọn núi cao nào, không biết vùng thinh lặng nào mới chỉ bảo cho chúng hết ý nghĩa. Trong giây phút yếu nhất ấy của Chúa Kitô, ông ta nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta quá yếu đuối tâm linh nên không nhìn ra sức mạnh trong sự yếu đuối như người lính canh.

Trời đã vào khuya, hai thầy trò, vị tôn sư và người thanh niên tầm thầy học đạo như thả hồn mình về biến cố hai nghìn năm trước, trước mầu nhiệm Tắt Thở của một người. Trong tâm trí anh, anh không thể nào hình dung vị tổng thống kia dám trở nên yếu đuối như một người tỵ nạn được. Anh bắt đầu hiểu hơn, vị tổng thống ấy chỉ có thể thương xót bằng từ trên nhìn xuống, bằng từ trên vớt lên. Ông ta không thể xuống để ở cùng.

Ở cùng là trở nên một thân phận. Ðấy là chiều sâu khó nhất của tình yêu. Khó nhất mà cũng đẹp nhất. Phải trở nên thân phận thì mới hiểu. Hiểu mới có thể thương. Trong ý nghĩa này, thương bao giờ cũng phải là ở cùng.

Người học trò, như vẫn ưu tư. Nếu tình yêu là ở cùng. Tại sao Ðức Kitô lại kêu lên trong giờ sau hết: “Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?”

Vị tôn sư như đọc hết ý nghĩ thầm kín của học trò mình. Ông ôn tồn bảo:

Chiều sâu của tình yêu là ở cùng. Ðêm nay trời đã vào khuya. Con về ngủ đi. Tại sao Chúa Cha không lấy quyền năng như lời Ðức Kitô cầu xin, cất chén đắng này cho con?

Tại sao Chúa Kitô như quá cô đơn vậy?

“Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?” Ðâu là ý nghĩa ở cùng?

Ðây là Tình Yêu và Quyền Năng. Chúng ta sẽ nói tới.

Trời khuya rồi. Ðêm thường nói với chúng ta nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ðêm nói về thân phận mù lòa, vất vả đi tìm. Những giờ phút tăm tối cuộc sống, khổ làm sao. Nhưng nhờ đêm mà ta phải khắc khoải. Nhờ khắc khoải tìm kiếm mà hồn ta mới thức giấc. Và con ạ, không bao giờ đêm dài bất tận. Ngày mai có ánh bình minh.

Vị tôn sư đi về am thất. Người học trò vẫn ngồi lại. Anh đang nhìn vào cõi sáng của bóng đêm. Thứ cõi sáng và bóng đêm của riêng anh.

* * *

Từ lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.” Thánh lễ phải là mầu nhiệm diễn tả tên gọi làm người của Thiên Chúa, EMMANUEL, Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi thánh lễ, nếu ta trân trọng trong lời chào này, thì thánh lễ quá ngọt ngào. Thánh lễ là một diễn giải tuyệt vời mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hạnh phúc nối tiếp bí tích kỳ diệu đó qua những lời chào mang cả một chiều kích thần học rất sâu:

– Chúa ở cùng anh chị em.

– Và ở cùng cha.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích tập suy niệm “KẺ ÐI TÌM”)