CUỘC LỮ HÀNH TRIỀN MIÊN

Thomas Merton là một trong những tác giả tu đức nổi tiếng nhất trong thế kỷ hai mươi.  Năm lên mười sáu tuổi, Thomas Merton mồ côi.  Năm lên hai mươi tuổi, anh gia nhập đảng cộng hòa Mỹ. Năm hai mươi ba tuổi, anh trở lại công giáo.  Năm hai mươi bốn tuổi, anh trở thành ký giả của báo New York Thời Báo.  Năm hai mươi sáu tuổi, anh thu góp tất cả tài sản vào một cái túi nhỏ lên đường tìm kiếm đến bang Kentucky và trở thành một tu sĩ Trappis tại đan viện Giếtsêmani.  Trong cuốn sách tự thuật có tựa đề “Ngọn Núi Bảy Tầng” Thomas Merton đã kể lại những bước đầu tiên trong cuộc trở lại của anh.  Thomas Merton ghi lại rằng vừa tốt nghiệp trung học anh đã một mình du lịch sang Âu Châu và tại đây anh đã lao vào cuộc sống trụy lạc.  Nhưng một đêm nọ, ngồi một mình trong phòng, anh bỗng nhận ra con người tội lỗi của mình.

zzThomas Merton viết như sau:

“Trong một thoáng, mọi sự hiện ra trước mắt tôi.  Tôi bỗng nhận ra một cách sâu sắc nỗi khốn khổ và sự đồi bại của tâm hồn tôi.  Tôi sợ hãi trước điều tôi vừa thấy và linh hồn tôi tự nhiên khao khát muốn thoát ra khỏi tình trạng ấy một cách mãnh liệt và cấp bách hơn bao giờ hết”.

Thomas Merton cho biết lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã cầu nguyện và cầu nguyện thật sự.  Anh cầu nguyện với một Thiên Chúa mà anh chưa từng biết.  Anh xin Ngài từ trời cao hãy đoái nhìn đến anh và giải thoát anh khỏi sức mạnh của sự dữ đang giam hãm linh hồn và thể xác anh trong vòng nô lệ.

*******************************

Câu chuyện của Thomas Merton trên đây minh họa cho sự đổi đời mà chúng ta thường nghe đọc và suy niệm trong mùa Chay này, đó là sự đổi đời của người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca.

Ðiều gì đã khiến cho con người đổi đời?

Nhiều năm trước đây, các lý thuyết gia về chính trị chú ý đến những bước chân cần thiết để làm một cuộc cách mạng.  Bước đầu tiên là phải tạo ra tâm lý bất mãn trong quần chúng, bởi vì quần chúng sẽ chỉ chấp nhận thái độ khi nào họ bất mãn với tình trạng hiện tại.  Ðiều này cũng đúng cho các cá nhân. Con người chỉ nghĩ đến chuyện đổi đời khi họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại.  Ðây là trường hợp của người con hoang đàng và Thomas Merton.

Nói cách khác, bước đầu tiên trong sự hoán cải là cần phải bất mãn với cuộc sống hiện tại của mình. Bất mãn ở đây có nghĩa là khao khát muốn sống tốt đẹp hơn.

Bước thứ hai trong tiến trình đổi đời là một biến cố có sức bật mạnh.  Với Thomas Merton biến cố ấy chính là kinh nghiệm trải qua trong phòng khách sạn khi anh ngồi đối diện với chính mình.

Bước thứ ba trong tiến trình đổi đời là cần phải làm một bước cụ thể trong cuộc sống mới. Thomas Merton đã làm được điều đó. Tuy không phải là một người công giáo, anh đã đi tới nhà thờ, quì gối và đọc kinh lạy Cha.  Sau khi cầu nguyện, anh ra khỏi nhà thờ và đến ngồi trên một ghế đá.  Anh cảm nhận được một sự bình an mà anh chưa từng biết đến.  Nhưng dĩ nhiên, cuộc trở lại của anh đã không dừng lại ở đó.  Từ một con người ngoại đạo trở thành một tín hữu, từ một tín hữu trở thành một tu sĩ chiêm niệm, cuộc sống đối với anh từ nay đã trở thành một cuộc hành trình triền miên.

Sống đạo là một cuộc lữ hành không bao giờ chấm dứt.  Ðây là cảm nghiệm mà cuộc hành trình mùa Chay gợi lên cho chúng ta.  Sống lại kinh nghiệm bốn mươi năm lang thang trong sa mạc của người Do Thái, chúng ta được mời gọi tiến bước từ nguội lạnh đến nhiệt thành, tiến bước từ tầm thường đến mẫu mực.  Không ai làm tín hữu một lần cho tất cả mà phải không ngừng trở thành một tín hữu.

*******************************

Lạy Chúa, với tâm tình hoán cải của người con hoang đàng, chúng con quyết tâm trở về với Chúa. Xin Chúa đừng để chúng con tự mãn với một ít việc lành phúc đức mà chúng con đã có thể thực hành trong mùa Chay này.  Xin cho chúng con luôn được ra khỏi bản thân để mỗi ngày một tiến tới bước đường theo Chúa.

R. Veritas

 

LỜI CỦA CHIẾC DÂY THỪNG

zzTôi thắt cổ Giuđa.  Tôi nghe rõ tiếng khò khè nơi cuống họng nhân vật này.

Nhớ lại đi, ngày Ðức Kitô vào đền thờ Jêrusalem, tôi cũng là chiếc dây thừng.

Ngài lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ. Tôi nghe rõ những gì xảy ra ở đền thờ ngày hôm đó. Chuyện không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Mọi người cứ nghĩ như thế là xong, cứ nghĩ Ðức Kitô ra khỏi đền thờ là xong.  Ai là người buôn bán trong đền thờ?  Còn ai nữa, nếu không được phép của các thầy tư tế.  Ai lọt được vào đền thờ, nếu không có thế lực bảo chứng?  Còn chỗ nào kiếm tiền tốt nhất trong những ngày đại lễ, nếu không là đền thờ?

Tiền bạc là thế lực âm thầm mà cuồn cuộn như dòng sông.  Tôi là chiếc dây thừng trong ngày đó.  Tôi nghe rõ những gì xảy ra:

–  Nhóm tư tế ít thế lực ghen tức với nhóm thày cả có đông tín đồ.

–  Nhóm tư tế quyên tiền gây quỹ được ít, nói xấu nhóm đổi tiền.

–  Các tiền tiêu ngoài chợ phải đổi thành tiền riêng mới được bỏ vào hòm thánh.  Vì thế, nhóm đổi tiền cho công việc của mình mới là chính đáng.

–  Nhóm bán chiên cừu tố cáo nhóm đổi tiền là giả hình.

–  Nhóm tư tế phục vụ bàn thánh bất mãn vì đền thánh chỉ là đền thánh, gây chiến với nhóm chủ trương phải kinh tài.

–  Nhóm nào cũng cho mình mới là đáng tin, họ cạnh tranh nhau.

–  Nhóm tín đồ từ vùng Galilê chủ trương vai trò ngôn sứ là công bố Lời Thánh, tư tế phải trở về bục giảng.  Tín đồ chống đối tư tế.

Giữa lúc xôi đậu như thế Ðức Kitô xuất hiện.

Ngài chẳng thuộc nhóm nào.

Vì không thuộc nhóm nào nên càng dễ chết.

*******************************

Tôi là chiếc dây thừng.

Tôi nghe nhiều bí mật của cuộc đời.  Tôi theo những người nghèo không có tiền.  Họ dắt con bê từ mấy mùa mưa nắng, cắt cỏ chăn nuôi.  Họ vất vả kiếm nước cho nó uống dọc đường dài.  Nắng sa mạc hiếm cỏ.  Những của lễ như thế, quý lắm.  Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ lắm về lòng chân thành.  Họ nuôi chúng cả năm trời.

Tôi cũng là chiếc dây thừng người ta vừa mua tôi về cột vào con bê bệnh.  Rất nhiều con vật bệnh hoạn, họ mua về tắm rửa, đem vào đền thờ bán vội cho những người lười không muốn vất vả dắt chiên theo đường dài.  Nhiều kẻ hành hương mua lầm của lễ.  Họ dâng hiến Giavê những chiên cừu bệnh hoạn.  Trong đền thờ ngày đó, đủ thứ của lễ, trong sạch có, què quặt có, lười biếng có, thánh thiện có.

Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ về của lễ.  Những ai múc nước, đem cỏ, dắt của lễ theo thì biết rõ của lễ của mình trong sạch.  Còn những người đến đền thờ mới mua, ôi, nhiều của lễ quá bệnh hoạn.  Làm thân dây thừng, tôi khám phá nhiều chân lý về cuộc đời và của lễ.  Tôi thấy rất nhiều của lễ được bao bọc bằng lòng lười biếng.  Những của lễ trong sạch bao giờ cũng phải trả một giá về sự thanh tẩy, lòng cố gắng và nhiệt thành.

*******************************

Không phải Ðức Kitô vào đền thờ đơn giản đâu.  Ngài cũng thấy quyết định này có thể đưa Ngài đến cái chết.  Quả thật, sau này, cái chết của Ngài đã chứng minh điều đó.  Cái chiều nắng quái kinh hồn đó, lũ người này có mặt trên đường Núi Sọ.  Làm sao mà họ không reo mừng, nhớ lại cái ngày bị đuổi khỏi đền thờ, mất chỗ làm ăn.

–  Thưa Thầy, chuyện Thầy tính làm nguy hiểm quá.

Phêrô, người môn đệ thân cận lại can ngăn Thầy mình như mọi khi.

–  Thưa Thầy, con đã thăm dò tình hình. Có cả một ủy ban gây quỹ.  Bao nhiêu năm nay, truyền thống này như lời kinh rồi.

Những ngọn ô liu không gió, đứng im lặng, không thản nhiên vô tư, nhưng chúng cũng không biết phải phản ứng thế nào.  Thỉnh thoảng dăm ba chiếc lá già lìa đời.  Một chút xào xạc bước chân con chồn nhỏ chạy qua.  Ðức Kitô nhìn người môn đệ thân cận.  Không trả lời.  Trong tâm tư Ðức Kitô cũng biết, đó là sự thật.  Người môn đệ này thương mình.  Ðã qua mấy đêm rồi, Thầy trò nói với nhau về đền thờ.

Ðức Kitô hỏi người môn đệ:

–  Bây giờ phải làm sao?

Người môn đệ ấy trả lời:

–  Thưa Thầy, cứ kệ họ.

Ðức Kitô nói tiếp:

–  Nhưng đây là đền thờ.

Người môn đệ đáp trả:

–  Mình cứ lên đền thờ tế lễ theo luật là đủ rồi.

Ðức Kitô không nói gì thêm, nhìn bầu trời đêm không ánh sao.  Những tàng ôliu không gió phẳng lì như những tấm chiếu dán trên khung trời.  Phêrô tựa lưng, ngả đầu vào thân già của cây ôliu đã gẫy, cũng thinh lặng.

Tôi là chiếc dây thừng trong ngày kinh hoàng đó.  Lúc Ðức Kitô cầm tôi quật xuống chiếc bàn của thầy tư tế đang đổi tiền, không ai ngờ, họ hét lên.  Toàn thể kinh hoàng.  Họ không thể ngờ, có người điên mới dám hành động như vậy.  Nhưng điên làm sao được, họ biết rõ người này là ai.  Họ không tin sự việc có thể xảy ra.  Nơi này, người ta đã được phép buôn bán từ xa xưa rồi.  Ai là người dám thay đổi cục diện.  Nhưng Ðức Kitô nói: “Ðừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” Khi Người lật nhào bàn ghế, đổ tung hòm tiền thì người ta biết đây không phải chuyện nói cho qua.

Các kẻ thuê đất, các hội trưởng nhốn nháo chạy báo tin cho các thầy thượng phẩm.  Không phải họ xách bàn chạy dễ dàng đâu.  Tôi là chiếc dây thừng.  Tôi bị bọn họ chặt tôi đứt nhiều khúc.  Thân tôi bị giật xé cũng đau đớn tan tác.

–  Giết nó đi.  Ðóng đinh nó đi.

Tiếng kèn báo động như tù và rú trên tháp canh. Ðám đông xúm lại hét to:

–  Ai cho ông có quyền làm như thế?

Họ không dám đến gần Ðức Kitô. Tôi là chiếc dây thừng trong tay Ngài.  Họ nhìn tôi chằm chằm.

*******************************

Làm thân dây thừng, tôi ở trong tay Chúa, cũng như thắt cổ Giuđa.  Tôi dắt những con chiên trong sạch từ vườn nhà, vượt qua đồi, qua suối lên đền thờ.  Tôi cũng bị người ta mua vội thắt vào cổ con bê bệnh hoạn bán cho nhau làm của lễ.  Họ lấy của lễ lừa dối nhau, họ lầm lẫn về của dâng cúng. Tôi nghe những tay lưu manh đứng rình mò trong đền thờ.  Tôi nghe bày thú tranh nhau ăn, cắn nhau đổ máu dính lên người tôi.  Chúng là tiếng sủa thương đau của nhiều loài thú khác nhau.  Những vết máu dính lên người tôi cũng chẳng khác gì những vết thương mà con người mang trong hồn do chính họ tạo nên bởi đam mê tội lụy.  Nơi nào có súc vật mà không có mùi hôi.  Vậy mà tôi thấy những con buôn ngồi thản nhiên hít thở hàng ngày.  Tôi thấy không biết bao nhiêu ý nghĩ về con đường lên đền thờ.

Khi thầy tư tế bán của lễ thì thiên thần đứng khóc.

Khi tín đồ mua của lễ thì quỷ dữ đứng cười.

Khi linh hồn không được thanh tẩy thì của lễ là lười biếng.

Khi của lễ thành buôn bán thì tình nghĩa anh em, bạn hữu chỉ là tính toán.

Khi tâm hồn không siêu thoát thì của lễ thành cạnh tranh.

Khi của lễ là đơn vị kinh tế thì lòng thật thà thành rình mò.

Khi lười biếng che đậy thì của lễ thành trình diễn.

Làm thân dây thừng tôi mới hiểu hơn về con đường tu đức thiêng liêng.  Tôi chỉ kể chuyện đời tôi hai nghìn năm trước.  Hai nghìn năm trước, kể chuyện đời mình cho hai nghìn năm sau.  Thời gian nào cũng có những của lễ, có những chiếc dây thừng.

Chuyện đời tôi hai nghìn năm trước đã qua.  Tháng ngày còn lại, tâm sự tôi đang dang dở.  Hôm nay, tôi cũng vẫn là chiếc dây thừng.  Nhưng Ðức Kitô không có mặt ở đây, nên tôi không rõ có gì đang xảy ra ở đền thờ không.

Nguyễn Tầm Thường, sj – Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH

 

HẠT LÚA MÌ

Các đệ tử thường mải mê bàn cãi về những câu hỏi đúng hay sai.  Đôi khi câu giải đáp khá minh bạch.  Đôi khi rất là vu vơ.  Nếu Minh Sư tình cờ có mặt trong các buổi thảo luận đó, ngài không can dự vào.

Một ngày kia các đệ tử hỏi ngài câu này: “Giết kẻ tìm cách giết mình; điều đó đúng hay sai?”

Minh Sư đáp: “Làm sao thầy biết được.”  Các đệ tử sửng sốt trả lời: “Vậy làm thế nào để phân biệt đúng hay sai?”

Minh Sư ôn tồn giải thích: “Bao lâu các con còn sống, hãy giết chết cái tôi của mình, cho nó chết thật.  Rồi hãy hành động như các con muốn và hành động của các con sẽ đúng.”

(Anthony de Mello, Trích từ “One Minute Wisdom”)

***

Bạn thân mến!  Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến sự chết, nhưng lại là sự chết của hạt lúa mì : “Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình.  Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt” (Ga.3:24).

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu nói trên đây.  Ðó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ, nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Chết để sinh nhiều bông hạt ư ?  Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ ?  Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.  Tôi chấp nhận trơ trọi một mình. Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn.  Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau, nên tôi tìm đủ mọi cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là.

Tiếc thay, lúc giữ được tất cả, tôi lại thấy mình mất tất cả: mất ý nghĩa của cuộc sống. Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình. Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương, tôi mới nhận ra rằng: chỉ có một cách giữ chặt, đó là buông ra và tận hiến trao ban.  Tôi bắt đầu “được” khi chấp nhận “mất”.  Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ ngay lúc này, ngay ở đây, cho cuộc đời của tôi.

Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt khi quảng đại đi ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.  Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh,chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”

Ðã có những giây phút giằng co, ngần ngại, đã có những cuộc chiến quyết liệt ở trong tôi.  Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện, tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, bị mất mát.  Sau nhiều lần dám liều mất tất cả để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều, tôi sẽ dễ dàng chọn “cái mất trước mắt” như con đường dẫn đến “cái được vĩnh hằng”.

Rõ ràng tiến trình từ khi “hạt giống” được gieo xuống cho đến khi đem lại mùa màng, hay từ khi là “hạt bụi” cho đến lúc trở thành “cát bụi tuyệt vời“, tôi phải trải qua rất nhiều hy sinh, từ bỏ và cả chết đi nữa.  Nhưng hiến thân quên mình, những hy sinh từ bỏ để đón lấy cái chết như hạt lúa mì vùi sâu vào lòng đất… những điều đó đã thực sự làm tôi phải dao động sợ hãi.  Trong hoàn cảnh ấy, Đức Giêsu với bản tính con người đã phải thốt lên:  “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến, Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này.  Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (Ga.3:27) .

Và Đức Giêsu đã vạch ra cho ta con đường sống, sống viên mãn, qua việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha. Đó là con đường tỉnh thức và kiên trì cầu nguyện. Việc kết hợp cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện sẽ đem lại cho ta một sức mạnh phi thường để lướt thắng những nỗi sợ hãi bị thua thiệt mất mát.  Kinh Lạy Cha mà Ðức Giêsu dạy chính là kim chỉ nam cho người kitô, là nhịp cầu giữa “mất” và “được”, giữa “xao xuyến” và “tôn vinh”.

***

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng , con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu thối rữa, mục nát và tan biến đi để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có quá nhiều điều tốt đẹp con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của những người đi trước, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống để trao cho con niềm tin.  Ðã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho con hôm nay.

Nhờ công ơn bao người, con được làm hạt lúa. Xin cho con đừng tự khép kín lòng mình trong lớp vỏ để cố giữ gìn sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám quên mình và tan biến đi để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Nguyện xin Ðức Giêsu bị đóng đinh kéo con lên với Ngài, kéo con lên khỏi đất, kéo con ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình.  Ước gì con dám sống mầu nhiệm vượt qua để đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước tha nhân và trước Ðấng Nhân Từ hằng yêu thương con từ thuở đời đời. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

 

NGƯỜI HÀNG XÓM

zzGia đình anh chị dọn về chung cư này đã gần sáu năm, tòa nhà chung cư này đã được xây cất gần 50-60 năm, tòa  nhà có bốn tầng, mỗi tầng có bốn căn hộ.  Dĩ nhiên khi ở chung với nhau sẽ có những va chạm, nhất là người dọn đi kẻ dọn vào thay đổi hoài, ngoài hành lang thì mùi thuốc nồng nặc.  Lại thêm vì nhà quá cũ nên không có cách âm tốt, nên mỗi khi nhà bên cạnh hay lầu dưới, lầu trên mở nhạc, tiếng nhạc làm rung chuyển cả căn hộ, có khi cả tòa nhà cũng bị ảnh hưởng nếu nhạc quá lớn. Thôi thì nhịn nhau, xí xóa mà sống vì cùng sống chung với nhau chuyện thường là như vậy.

Một gia đình mới đến ở ngay dưới căn hộ của anh chị, hai vợ chồng và một cậu con trai khoảng 13 tuổi. Và chiến tranh bắt đầu bùng nổ…

Vào một buổi tối có tiếng gõ cửa dồn dập… chị mở cửa và nghe phàn nàn là mình đã làm ồn, chị rất ngạc nhiên vì gia đình  mình vẫn sinh hoạt bình thường không mở nhạc, TV quá to.  Anh chị chỉ có  duy nhất một con trai 10 tuổi rất hiền ngoan nên dù nó muốn nô đùa, chạy trong nhà cũng chẳng biết đuổi bắt với ai!  Họ phàn nàn là bước đi quá mạnh, chạy làm ồn.  Anh chị giải thích sống chung với nhau dĩ nhiên có những điều tối thiểu phải có, nhưng họ vẫn không hiểu và  thông cảm.

Có những bữa cả nhà đang ăn cơm, con trai chị vô tình kéo chiếc ghế ra để ngồi nhưng lập tức bên dưới họ nện đồ lên trần, ý muốn nói là làm quá ồn mà giờ đó là vào khoảng 5 giờ chiều.  Cứ như vậy không khí thật khó thở khi về nhà, cả nhà cố gắng đi từng bước rón rén nhưng vẫn cứ bị chặn lại ở cầu thang hay đấm cửa để mắng vốn.

Nhà là nơi cho mình về để nghỉ ngơi nhưng cứ  nghĩ tới về nhà mà trong lòng lại cứ khó chịu, cảm thấy không được tự do.  Chiến tranh giữa hai bên vẫn cứ âm ỉ…

Cho đến một hôm trời bên ngoài rất lạnh, xe của  người hàng xóm này không thể nổ máy, anh ta loay hoay mãi nhưng không ai giúp đỡ cho anh cả.  Vừa nhìn thấy anh chị, anh vội chạy lại nhờ giúp, chị nhíu mày khi nghĩ tới cảnh hai vợ chồng họ đập cửa nhà mình cằn nhằn.  Chị muốn nói  tiếng không khi chị nghĩ đến khuôn mặt giận dữ của họ:

–  Họ không tốt với mình tại sao mình phải giúp họ?

Nhưng chồng chị nói:

–  Người ta đang cần, mình nên giúp cho họ.

Chị im lặng vài giây và nghĩ: nếu như mình giúp cho người giúp cho mình thì dễ biết bao, nhưng lúc này đây mình giúp cho người mà thường gây chiến với mình thật không dễ dàng chút nào, trong lòng chị vẫn như có cây gai chích nhè nhẹ… nhưng hãy quên đi những chuyện không vui đó đi vì người ta đang cần mình.  Lòng chị dịu lại…

Vài lần sau đó, thỉnh thoảng anh thấy người hàng xóm cần giúp cho xe nổ máy, anh tự ý chạy đến giúp.

Đã mấy tháng rồi anh chị không còn nghe tiếng phàn nàn và đập cửa của họ nữa.  Và chiến tranh được dập tắt từ lúc nào không ai hay…

**********************************

Lạy Chúa , con cảm ơn Chúa đã dạy cho con thế nào là biết yêu thương người khác:

“Anh em hãy nghe luật dạy rằng: Hãy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em , Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt.  Và  cho mưa xuống trên người công chính cũng như người kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi?  Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?  Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em thôi thì anh em có làm gì lạ thường đâu?  Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm được như thế sao?  Vậy anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện”. (Mt 5, 43-48)

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng  ra tha thứ cho người làm hại con, yêu mến những người ghét bỏ con, cho đi những gì con có  vì đó mới chính  là tình yêu thương thật sự mà Chúa muốn con làm vì Danh Chúa.  Amen!

MT

SỰ KIỆN NICÔĐÊMÔ

zzThầy kính mến,

Ông Nicôđêmô, một người trí thức có địa vị và có thiện chí.  Ông len lén đến gặp Thầy vào một buổi tối.

Lần đầu tiên con được thấy Thầy ngồi tâm sự rỉ rả với một người trí thức.  Từ ngoài nhìn vô, người ta tưởng đó là một đôi bạn tri kỷ, hiểu thấu được tâm sự của nhau.  Ai ngờ… ông chẳng hiểu gì hết, khiến Thầy phải thở dài thất vọng: “Ông là bậc thầy trong dân Israen mà không hiểu những chuyện ấy sao?”

Con coi đây là một sự kiện, sự kiện Nicôđêmô.  Sự kiện này làm con phải sửng sốt bỡ ngỡ và bắt con phải suy nghĩ mông lung.

  1. Chắc hẳn Nicôđêmô phải thuộc lòng bộ Cựu ước. Và chắc chắn ông cũng trung thành với luật Môsê một cách tỉ mỉ, vì ông là người đáng kính và là bậc thầy của dân gian.  Cựu ước là con đường dẫn tới Thầy.  Nicôđêmô là hướng dẫn viên đưa dân Do Thái đến với Thầy.  Thế mà khi gặp Thầy và nghe Thầy thuyết giáo về ơn tái sinh, ông lại tỏ ra ngớ ngẩn đến độ buồn cười: “Không lẽ một người đã già rồi mà phải chui vào lòng mẹ để được tái sinh ư?” Ông đã ngớ ngẩn như thế.  Các kinh sư, các Pharisêu khác cũng ngớ ngẩn như thế và hơn thế.  Tại sao vậy?
  • Vì họ tưởng rằng Cựu ước là chân lý trọn vẹn.  Đâu phải vậy.  Chân lý chỉ được mạc khải trọn vẹn trong một mình Thầy mà thôi.
  • Chẳng ai biết được Chúa Cha, trừ ra Chúa Con và những người được Chúa Con mạc khải cho. Thế nhưng họ lại tưởng rằng Môsê và các Sứ ngôn cũng được ơn mạc khải ấy.
  • Họ tin vào truyền thống của cha ông để lại.  Những giá trị của truyền thống chỉ là tương đối mà họ cứ tưởng là tuyệt đối.
  • Họ tưởng họ có chân lý tuyệt đối mà thực ra nó chỉ là tương đối và thay đổi theo không gian và thời gian.
  • Cựu ước và Thầy khác xa nhau vời vợi, thậm chí có khi còn nghịch nhau nữa.  Thánh vịnh 100 đòi tiêu diệt bọn làm ác không sót một tên.  Còn Thầy thì đi tìm con chiên lạc, vác lên vai đem về chuồng, lại còn mời láng giềng đến chung vui (Lc 15).  Thánh vịnh 3 và 11 xin Chúa đánh vỡ mặt, đánh gãy răng, xẻo môi và cắt lưỡi kẻ thù.  Còn Thầy thì dạy phải cầu nguyện và chúc lành cho kẻ thù.  Môsê truyền ném đá người ngoại tình.  Còn Thầy thì thách thức: “Ai trong các ông vô tội, thì lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7)

***********************************

Thầy kính mến,

Thấy Nicôđêmô, một đứa con ưu tú được đào tạo bởi nền đạo đức Cựu ước, con thấy lo âu quá. Khi đọc Cựu ước, đặc biệt là Thánh vịnh, con không dám thả hồn theo tư tưởng đang đọc.  Con thận trọng bước đi.  Vừa đi vừa phát giác những điểm dị đồng với Thầy.  Thành thật mà nói, đọc Thánh vịnh con cảm thấy mình như người đi tìm vàng trên mảnh đất có gài mìn.  Sợ quá! Những tư tưởng như “nhờ danh Chúa, tôi sẽ trừ diệt chúng” nếu không được thanh tẩy trong Tin Mừng thì có thể dẫn đến “khủng bố”.

  1. Nicôđêmô, một thủ lãnh trong Do Thái giáo, mà không dám công khai đến gặp Thầy. Ông phải lén lút đến với Thầy trong bóng đêm. Tại sao?
  • Ông sợ mất quyền lợi.  Quyền thì cao, lợi thì lớn.  Tất  cả đều được xây dựng và củng cố bởi cơ chế Do Thái giáo.  Cơ chế ấy nghiệt ngã vô cùng.  Nó loại trừ để củng cố.  Vạ tuyệt thông là cao điểm của đường lối mục vụ “loại trừ để củng cố” ấy.  Người thu thuế bị loại trừ, thì giữ được lợi.  Còn ông bị loại trừ thì quyền và lợi bay theo mây khói.  Ôi, quyền và lợi!  Đáng sợ vô cùng!
  • Ông không muốn theo Thầy vì ông đã có Thầy là Môsê.  Luật Môsê đã un đúc nên con người của ông.  Ông nghĩ rằng ông đang đi trên chính lộ, ông đang có chân lý: không nên đổi mới, không thể đổi mới.  Nhưng người tin rằng mình đã có chân lý, thì khó mà “có” được Thầy là CHÂN LÝ vĩnh cữu.
  • Ông chỉ mới mến Thầy, chứ chưa yêu.  Ông mới chỉ tin Thầy là một tôn sư được Thiên Chúa sai đến, chứ chưa biết Thầy là Thiên Chúa làm người.  Ông chỉ mới biết việc kỳ diệu Thầy đã thực hiện, chứ  chưa nghe và thấm lời giáo huấn của Thầy.  Lời của Thầy mới là sự sống.
  1. Dù Nicôđêmô không bỏ mọi sự mà theo Thầy, nhưng ông vẫn âm thầm bênh vực Thầy khi có thể. Ông dùng luật Môsê để chống lại những người kết án Thầy mà không theo Luật (Ga 7,50). Ông là người của Thầy âm thầm sống trong nội bộ những người chống Thầy.  Người có thiện chí, thiện tâm thì, ở trong cơ chế nào, cũng là môn đệ của Thầy.

Thầy kính mến,

Trong thời đại của chúng con, con vẫn thấy Nicôđêmô hiện diện ở khắp mọi nơi: Trong những lúc chúng con gặp khó khăn nhất trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng, thì ở ngay trong tổ chức “thế gian”, chúng con vẫn thấy “ông Nicôđêmô”.  Rất lặng lẽ.  Rất âm thầm.  Nhưng rất tích cực che mưa che nắng để hạt giống nảy mầm và lớn lên.

  1. Nicôđêmô không còn sợ hãi nữa. Ông đã mang đến một trăm cân mộc dược, trộn với lô hội, để tẩm liệm xác của Thầy. Ông công khai đứng về phía Thầy, chấp nhận mọi mất mát vì:
  • Ông thấy rõ mọi âm mưu đen tối và bẩn thỉu của Thượng tế và Công nghị.  Lố bịch quá!
  • Ông thương cảm cái chết oan khiên và đau đớn quá đỗi của Thầy.  Chịu không nổi!
  • Lương tâm ngay thẳng của một người trí thức chân chính không cho phép ông sống hèn hơn nữa. Ông phải đến với Thầy trong giờ phút này để tạ tội vì đã hơi hèn.

***********************************

Thầy kính mến,

Chết là một cái giá cao nhất mà một người truyền giáo phải trả.  Chính Thầy đã tâm sự như thế với ông Nicôđêmô trong buổi tối hôm ấy: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15)

Hôm ấy Nicôđêmô không hiểu.  Bây giờ ông mới thấm.  Thầy đã chết cho mọi người và cho riêng ông ấy. Cảm động quá chừng!  Tức tưởi quá lẽ …

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu – Dấu Chân Của Thày

ÁNH SÁNG VÀ CÁC MÓN QUÀ

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  (Ga.3:16)

***

Bạn thân mến!  Trên đây là lời nói của Đức Giêsu trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô đã được ghi lại trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Trong cuộc đàm đạo đó Ngài nhắc đến một món qùaMón quà cao qúy nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người chính là Người Con Một của Ngài . Và món quà cao trọng nhất mà Người Con Một là Đức Giêsu đã ban tặng cho con người chính là mạng sống của Ngài .

Gía trị của món qùa nói lên tình yêu thương của người ban tặng : Món quà càng qúy trọng bao nhiêu thì tình thương yêu càng to lớn bấy nhiêu.

Hôm nay, trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu cũng nhắc đến Ánh Sáng : “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga.3:19)

Trong cuộc sống đời thường, khi ở trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu.  Nói chung chẳng ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.  Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối.  Bóng tối của quán bia ôm, của Karaokê, của sàn nhảy… Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối.  Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ.  Những bóng tối ấy không chỉ phủ trên thế giới, nhưng còn phủ kín hồn tôi. Trong tâm hồn tôi vẫn còn những ngõ ngách u tối mà ánh sáng Thiên Chúa không soi thấu.  Ðó là những ngõ ngách chứa đựng sự độc ác. Ðó là nơi sự hận thù rình rập. Ðó là nơi tính kiêu căng, gây gổ, chia rẽ, đố kỵ ẩn núp.

Nếu bóng tối là của ma quỉ thì có nhiều phần trong linh hồn tôi còn sống dưới ách của ma quỉ. Còn nhiều phần trong linh hồn tôi chưa thuộc về Thiên Chúa.

Lắm khi người ta từ chối tin vào Ðức Kitô, từ chối đến với ánh sáng và sự thật, chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá.  Cần thay đổi cuộc sống để tin yêu hơn vào Thiên Chúa, nhưng cũng cần can đảm đến với ánh sáng dù biết mình đang chìm trong bóng tối; hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.

Ðừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà.  Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình, bắt ta đối diện với sự thật, để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui.  Chỉ có một cách duy nhất ra khỏi bóng tối đó là trở lại với ánh sáng bằng cách ngước nhìn lên…

Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ.  Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời là nhờ tin tưởng nhìn lên Ðức Giêsu bị treo trên thập giá.  Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau, nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.  Kitô hữu không phải là người tôn thờ đau khổ, nhưng là người say mê tình yêu:  tình yêu của Người Cha khi trao ban Người Con yêu dấu, tình yêu của Người Con khi hiến tặng chính mạng sống của mình cho người mình yêu.

Hôm nay, tôi phải đón ánh sáng Thiên Chúa đến soi rọi mọi ngõ ngách u tối trong tâm hồn tôi. Xin Chúa giúp tôi tẩy sạch mọi bóng tối tội lỗi, để tôi thực sự được sinh lại cùng với Ðức Giêsu.

Không những cố gắng trở nên con cái sự sáng, tôi còn có nhiệm vụ đem ánh sáng Ðức Kitô soi chiếu tới anh em. Tôi phải đem ánh sáng tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết đến cho anh em và những người xung quanh tôi

***

Trong Mùa Chay Thánh này,  ước gì tôi biết nhìn lên tình yêu đã  bị treo lên và trở về với ánh sáng để ánh sáng dẫn đưa tôi vào trong tình yêu, để nhờ tình yêu tôi được cứu thoát khỏi cảnh trầm luân đời đời.

Lạy Ðức Giêsu là Mặt Trời Công Chính! Xin hãy chiếu sáng tâm hồn con. Amen

Trích từ R. Veritas

 

THÁNH GIUSE VÀ ĐỨC GIÊSU: CHA SAO CON VẬY

Khi gặp một người con trai có những tính nết, cử chỉ, và lời nói tương tự như ông bố, người Việt Nam hay nhoẻn miệng cười và nói, “Đúng là cha sao, con vậy”. Trong trường hợp của thánh Giuse và Đức Giêsu, nhìn dưới lăng kiếng của Kitô học và tâm lý học, câu “cha sao, con vậy” là một câu diễn tả chính xác về mối quan hệ giữa dưỡng phụ Giuse và Đức Giêsu.

Thánh Giuse thợ mộc của thôn làng Bethlehem là một người sống nội tâm.  Ngài không nói nhiều.  Trong toàn bộ bốn bản Phúc Âm, độc giả Tin Mừng không nghe ngài mở miệng nói một câu nào.  Thánh thợ mộc xuất hiện nhiều nhất trong bản Phúc Âm của thánh sử Mátthêu, đặc biệt trong hai chương đầu tiên. Theo như Tin Mừng Mátthêu 1—2, thánh Giuse chính là hậu duệ của Vua Đavít (1:1-17).  Ngài đã đính hôn với cô thôn nữ cùng xóm Maria.  Nhưng trước khi chung sống, anh chàng thợ mộc khám phá ra vị hôn thê của mình đã có thai.  Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt sâu xé với tự ái của một người thanh niên, sứ thần Thiên Chúa hiện ra trong giấc mơ, thông báo cho thánh Giuse biết một kỷ nguyên mới của ơn cứu rỗi đã bắt đầu với thai nhi mà Maria đang cưu mang trong lòng (1:18-25).

zzSau khi Đức Mẹ đã hạ sinh Hài Nhi thánh, sứ thần Thiên Chúa lại hiện ra trong giấc mộng báo cho vị trưởng gia của gia đình thánh biết tin Vua Hêrôđê đang chuẩn bị lên kế hoạch ám hại Hài Nhi (2:13).  Ngay trong đêm đó, Giuse chỗi dậy, mang theo vợ và con, băng ngàn vượt suối, lánh nạn bên đất Ai Cập (2:14).  Thời gian của lang thang nơi đất khách quê người rồi cũng chấm dứt khi sứ thần Thiên Chúa hiện ra một lần nữa trong giấc mộng báo cho Giuse biết Vua Hêrôđê đã băng hà (2:19-20). Nhận được bản tin, thánh Giuse lại khăn gói lên đường, mang vợ cùng con quay về lại cố hương Bethlehem.  Sau cùng, ngài dọn nhà lên Bắc Galilê, định cư tại làng Nazareth (2:23).

Mặc dù thánh Giuse không nói một lời, nhưng qua hai chương đầu tiên của bản Tin Mừng Mátthêu, người tín hữu nhận ra hai cá tính đặc biệt của ông thánh thợ mộc,

(1) Lòng từ tâm,
(2) Niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Bàn về lòng từ tâm, cá tính thứ nhất của thánh Giuse, qua câu truyện anh chàng thợ mộc lúng túng với bào thai của vị hôn thê, người tín hữu nhận ra được tấm lòng nhân hậu của ngài.  Mặc cho tự ái thanh niên réo gọi trong lòng, bởi không muốn máu của vị hôn thê đổ ra lênh láng trước cổng làng, cuối cùng Giuse quyết định yên lặng bỏ đi.

Bàn về niềm tin sắt son của thánh thợ mộc, theo như Mátthêu (1:18-25), sau khi tỉnh cơn mộng, Giuse không hề thắc mắc hay nghi ngờ về tính trung thực của giấc mơ.  Nhưng ngài mang vị hôn thê đang có thai về nhà làm vợ, đúng như lời của sứ thần Thiên Chúa đã truyền dạy (Matt 1:24).  Sau đó, dù là phải bỏ lại đất mẹ, vượt biên sang đất Kim Tự Tháp, tái định cư trên vùng đất lạ, thánh Giuse vẫn không hề quản ngại khó khăn, nhưng nhanh chóng thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

************************************

Thần học gia, đặc biệt thần học gia Kinh Thánh, vẫn cứ hay thắc mắc không biết Đức Giêsu cắp sách đi học ở trường nào, Ngài nhận được bao nhiêu điểm A trong lớp Toán, khả năng viết Luận của Ngài ra sao, Đức Giêsu viết chữ đẹp hay xấu, ai đã dạy Đức Giêsu học trước khi Ngài chính thức cất bước lên đường truyền giáo?  Có thể thần học gia của dòng lịch sử Tân Ước sẽ không bao giờ kiếm ra được câu trả lời cho những nghi vấn có liên quan đến thời thơ ấu cắp sách đến trường của Đức Giêsu.  Nhưng, chắc chắn, không ai có thể từ chối được một điều, đó là, thánh Giuse chính là ông thầy đầu tiên của Đức Giêsu.  Thật vậy, người thầy đã khai tâm và dạy dỗ Đức Giêsu của thời thơ ấu và thời niên thiếu không phải là ai khác mà chính là dưỡng phụ của Ngài, thánh Giuse.  Qua dưỡng phụ Giuse, Đức Giêsu đã học được những lời kinh nguyện, những bài Thánh Vịnh, và nghề thợ mộc.  Qua gương sáng của dưỡng phụ, cậu bé Giêsu đã học được nhiều bài học, đặc biệt bài học của từ tâm và niềm tin, hai cá tính đặc trưng của thánh Giuse.  Bởi thế, khi Đức Giêsu ngẩng mặt lên nói với đám đông đang bừng bừng sát khí đòi ném đá một mạng người trên sân Đền Thờ (Gioan 8:3-11), người tín hữu có thể nhận ra đây là một câu chuyện của “cha sao, con vậy”.  Thật vậy, Đức Giêsu nhân từ trong câu chuyện của người phụ nữ ngoại tình trong Gioan 8:3-11 chính là một bản sao của dưỡng phụ Giuse năm xưa, khi ngài chấp nhận yên lặng bỏ đi, bởi không muốn máu đào của vị hôn thê thấm nhuộm đất đen. Trong Vườn Cây Dầu, một lần nữa, câu chuyện “cha sao con vậy” lại xảy ra.  Mặc cho chén đắng gần kề và mồ hôi máu đang tuôn chảy loang lổ, Đức Giêsu vẫn xin vâng và chấp nhận theo thánh ý của Thiên Chúa (Luca 22:42-44).

Bạn thân,

Bàn về mối liên hệ ruột thịt giữa cha mẹ và con cái, người Việt Nam hay nói, “Nhìn quả biết cây”. Trong trường hợp của thánh Giuse và Đức Giêsu, câu tục ngữ này lại càng thêm chính xác.  Mặc dù thánh Giuse không mở miệng nói một câu nào trong Tân Ước, bạn và tôi vẫn có thể nhận ra được lời ăn tiếng nói và cá tính của ngài qua triết lý sống và ngôn từ của Đức Giêsu.  Nhìn “quả” Đức Giêsu, chúng ta nhận ra “cây” thánh Giuse.  Bởi thánh thợ mộc bố đã dạy dỗ, nuôi dưỡng, và chỉ dẫn từng đường cưa, mũi tiện, không ai ngạc nhiên nếu Đức Giêsu, người thợ mộc con (Máccô 6:3), có những phương thế hành xử với tha nhân, điệu bộ, và lời nói giống y như dưỡng phụ của Ngài.  Thật đúng là “Cha sao, con vậy”!

************************************

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm thương yêu và tâm bác ái để con biết thứ tha, bỏ qua, quên đi, và xóa nhòa.  Xin ban cho con một niềm tin vững vàng để con biết chấp nhận những nghịch cảnh đã xảy đến trong cuộc đời và biết vâng theo thánh ý của Thiên Chúa như gương của thánh thợ mộc Giuse, dưỡng phụ của Con Thiên Chúa hằng sống.

LM Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com

TẠI SAO TÔI ĂN CHAY?

Bạn đã từng nghe những câu bình phẩm sau đây bao giờ chưa?

• Chay tịnh gì tếu vậy?  Buổi sáng chạp một tí, buổi trưa ăn một tị, rồi buổi tối chờ đến đúng 12 giờ 1 phút là đánh tì tì cho căng bụng.  Ăn chay như người Công Giáo các anh thì tếu thật!
• Các anh chỉ kiêng ăn thịt còn những thứ khác như tôm hùm, cá biển, trứng gà, sữa, nước juice, café, thuốc lá … được dùng xả láng như vậy thì ai mà không giữ chay được?  Dễ dàng quá mà!
• Xem những tín hữu Hồi Giáo kìa, họ ăn chay cả tháng Ramada, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn không những nhịn ăn mà còn nhịn uống nữa kìa, ăn chay như mấy anh một năm có hai lần thôi mà mặt cứ nhăn như khỉ, miệng cứ lải nhải than đói, than khổ như vậy thì còn có ích lợi gì nữa chứ?

Bạn thấy những lời phê bình trên có đúng không?  Đúng quá đi chứ!

Bạn có biết tại sao có nhiều người, trong đó có cả tôi nữa, ăn chay hay đến độ người ngoại giáo phải lên tiếng chê bai và bình phẩm như vậy không?  Tại vì tôi không hiểu mục đích của việc giữ chay.  Tôi sợ tội, tôi sợ phạm luật lệ cho nên tôi ăn chay theo đúng như luật dạy theo từng chấm từng phẩy.  Kết quả là miệng tôi ăn chay nhưng trong lòng cảm thấy nặng nề, bực bội và lòng buồn như chấu cắn.

****************************

Bạn thân mến, ông bà ta nói vô tri bất mộ, không biết thì không thể yêu được.  Nếu tôi và bạn muốn có một thái độ đúng đắn trong việc giữ chay thì trưóc tiên, chúng mình phải hiểu, phải biết ăn chay để làm gì cái đã!

Có nhiều mục đích trong việc giữ chay, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả đều quy về ba mục đích sau:

Thứ nhất là để nài xin Thiên Chúa dủ tình thương xót mà thứ tha những lỗi lầm mà chúng ta đã xúc phạm đến Ngài cũng như xúc phạm đến tha nhân.  Bạn mở Kinh Thánh ra mà xem thử!

zz• Khi vua David ăn chay, rắc tro trên đầu, măc ắo vải gai, nài nỉ, khóc lóc thì trái tim của Thiên Chúa đã mềm ra, và Ngài đã “hối tiếc về tai hoạ đó, và Người phán bảo thiên sứ đang tàn phá: “Đủ rồi! Bây giờ rút tay lại! ” (1 Chron 21:15-17)
• Khi tất cả mọi người và súc vật trong thành Nineveh ăn chay, hãm mình, khóc lóc ăn năn sám hối kêu cầu Thiên Chúa.…. bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực thì trái tim của Thiên Chúa đã mềm nhũn ra, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, [và] Người đã không giáng xuống nữa (Jonah 3:7-10).
• Khi vua Ahab, ông Maccabees, tiên tri Daniel… ăn chay, đánh tội, mặc áo nhặm, năn nỉ, ỉ ôi, khóc lóc cầu xin thì trái tim của Thiên Chúa đã mềm ra và Ngài đã tha thứ tất cả tội lỗi và tha cho dân của Ngài những hình phạt mà họ đáng phải chịu (1 King 21:27-29; 2 Macc 10:24-26; Dan 9:1-19).

Thứ hai là để củng cố niềm tin, khấn xin Thiên Chúa nâng đỡ, trợ lực và ban thêm sức mạnh chống lại sự đàn áp và ác tâm của quân thù.  Bạn mở Kinh Thánh ra đọc tiếp đi!
• Khi nghe tin quân địch chuẩn bị tàn sát dân tộc của mình, bà Judith đã ăn chay, mặc áo nhặm, rắc tro trên đầu và cầu xin với Chúa rằng: “Xin cho môi miệng con biết dùng xảo ngôn hoa ngữ … Xin Ngài dùng bàn tay nhi nữ mà bẻ gãy thói kiêu căng của chúng… xin lắng nghe lời con khẩn cầu.  Xin làm cho lời con nói và mưu chước của con gây thương tích và sát hại những kẻ mưu toan làm tội ác chống lại giao ước của Ngài” (Judih 9:1-13).
• Khi cùng đường bí lối, khi không biết phải làm gì trước nguy cơ bị diệt chủng thì hoàng hậu Ét-te “cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào.… bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt…và cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en: “Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con.  Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài…” (Esther 4:17 k,l).

Thứ ba là để tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa và thực thi thánh ý của Ngài.
• Đa-ni-en, đừng sợ, bởi vì ngay từ hôm đầu, khi ngươi đem hết lòng tìm hiểu và ăn chay hãm mình trước nhan Thiên Chúa của ngươi, thì Thiên Chúa đã nghe những lời ngươi nói, và chính vì những lời ấy mà ta đến (Dan 10:12).
• Chúa Giêsu đã ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai đi rao giảng của Ngài tại Galilee (Mt 4:2).

*******************************

Bạn thân mến, nếu hiểu thấu đáo về ba mục đích của việc chay tịnh như trên thì tôi tin chắc rằng những việc ăn chay, hy sinh và bố thí của tôi và của bạn trong mùa chay này sẽ khác xưa lắm.  Chúng mình sẽ giữ chay với tất cả niềm tin, sự thống hối và trông cậy nơi bàn tay quan phòng của Chúa chứ không như trước nữa đâu!

• Tôi sẽ ăn chay, hy sinh hãm mình, cầu nguyện và bố thí cho người nghèo với tất cả tự do và tin tưởng bởi vì tôi muốn bày tỏ lòng sám hối, ăn năn và trông mong Chúa sẽ thương xót và tha thứ cho những tội lỗi mà tôi đã phạm tới Ngài và tới tha nhân.
• Tôi sẽ ăn chay, hy sinh, cầu nguyện và giúp đỡ cho người nghèo khó với tất cả niềm tin, lòng trông cậy nơi Chúa vì tôi biết chắc rằng Ngài luôn nâng đỡ tôi, Ngài sẽ cứu tôi ra khỏi những cạm bẫy của ma quỷ, kéo tôi ra khỏi những đam mê của rượu chè, cờ bạc, trai gái, phim ảnh dâm ô…
• Và tôi sẽ ăn chay, hy sinh hãm mình trong niềm tin yêu, vui tươi, phấn khởi và xác tín rằng Chúa sẽ soi sáng để tôi biết đi theo con đường mà Chúa muốn, thực thi thánh ý của Ngài.

Để cho việc chay tịnh của chúng mình được đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại những lợi ích thiêng liêng cho phần linh hồn, chúng mình hãy làm việc bố thí (almsgiving)—cầu nguyện (prayer)—và ăn chay (fasting) (Giáo Lý Công Giáo #1969) với tất cả niềm vui, sự cậy trông và hy vọng. Chúng mình hãy:
• Giữ chay với thái độ khiêm tốn và vui vẻ, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6:17-18).
• Mở miệng nói lên một lời xin lỗi, một lời hỏi thăm, nở một nụ cười, mua một món quà, đến thăm hỏi cha mẹ, anh chị em, bạn bè, vợ chồng, con cái …Chính lúc đó bạn và tôi đang mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức [đấy!] (Isa 58:6).
• Làm một hành động rất cụ thể:  ký một hay vài cái checks gửi tặng cho các cơ quan thiện nguyện để nhờ họ chuyển tình yêu của bạn đến cho những người nghèo, các em cô nhi, tàn tật, những người cùi, những trẻ em khiếm thị… Làm như vậy là bạn đang thực thi thánh ý của Thiên Chúa mà Ngài đã phán qua môi miệng ngôn sứ Isaiah: “Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Isa 58:7).

**********************************

Bạn thân mến, Thiên Chúa là Đấng rất từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương (Joe 2:13). Ngài rất giàu lòng thương xót đối với tất cả những ai thực lòng ăn năn sám hối và quyết tâm quay trở về với Ngài.

Chỉ cần bạn và tôi bắt chước Moses, David, dân thành Nineveh, vua Ahab, bà Judih, hoàng hậu Esther, Daniel … hết lòng trở về với [Thiên Chúa, bằng cách] ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van thì bảo đảm với bạn, Ngài sẽ tha thứ cho tất cả mọi tội lỗi, kể cả những tội tày trời nhất của chúng mình! Chính Ngài đã khẳng định rằng dù tội của [chúng mình] có đỏ như son, cũng sẽ hóa ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều đi chăng nữa, [Ngài cũng tẩy xoá cho tâm hồn chúng mình] nên trắng như bông (Isa 1:8).

Chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau để tôi và bạn mỗi ngày mỗi hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc chay tịnh để nhờ đó chúng mình sẽ có được những khuôn mặt vui tươi, phấn khởi và có một niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Thiên Chúa và qua đó chúng ta sẽ thực thi thánh ý của Ngài một cách trọn vẹn nhất.

Cầu chúc bạn một mùa chay thật thánh thiện, tràn đầy ơn Chúa để nhờ vậy bốn mươi ngày của mùa chay năm này sẽ là một mùa hồng ân và cứu độ.

phamtinh@yahoo.co

LM. Ansgar Phạm Tĩnh

THANH TẨY TÂM HỒN

Đọc sách Tin Mừng, rất ít khi ta thấy Ðức Giêsu nổi giận.  Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa.  Ngài lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội.  Chính Ngài đã mời ta học nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhượng. Vậy mà trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ta lại thấy Ðức Giêsu đùng đùng nổi giận:  Ngài dùng roi xua đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò ra khỏi đền thờ.  Ngài còn lật nhào bàn ghế của những người trao đổi tiền bạc! (Ga.2:15)

Khi người ta thắc mắc hỏi Ngài lấy quyền gì mà làm như thế, Ngài cho biết “Cứ phá đền thờ này đi, trong vòng 3 ngày tôi sẽ xây lại” (Ga.2:19).  Qua câu trả lời đó, Ðức Giêsu cho biết chính thân xác Ngài là Ðền thờ.

Khi cho ta biết thân xác Người là đền thờ, Ðức Giêsu cũng cho ta biết rằng : Thiên chúa muốn ngự trong tâm hồn con người hơn là trong những nhà thờ bằng đá bằng gạch, dù là rất sang trọng đẹp đẽ.  Chúa yêu thương con người.  Niềm vui của Chúa là được ở giữa loài người. Tâm hồn con người chính là một cung thánh ấm áp cho Chúa ngự. Chúa đâu muốn ở trong những ngôi nhà thờ to lớn, đồ sộ, sang trọng, lộng lẫy, nhưng lại lạnh lẽo, chẳng có tiếng đọc kinh cầu nguyện, chẳng có lòng sốt mến. Chúa yêu thương và Chúa muốn được đáp lại bằng tình yêu.  Chúa muốn ở trong đền thờ tâm hồn con người. Tâm hồn con người chính là đền thờ, là cung thánh đẹp đẽ nhất mà Chúa yêu thích ngự đến.  Và như thế, Ðức Giêsu là một nhà thờ đẹp đẽ nhất, cao quí nhất, là mẹ của các nhà thờ.

Khi xua đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa cho ta biết rằng : Lễ vật quí giá không phải do giá trị vật chất nhưng do tấm lòng.  Cách cho quí hơn của cho. Khi xua đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Ðức Giêsu cho biết của lễ Chúa vui nhận không phải là thịt bò, thịt dê, nhưng là chính con người của ta, là tâm hồn của ta như lời thánh vịnh : “Máu chiên bò, Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha“.  Hiểu điều đó, nên Ðức Giêsu dâng mình làm của lễ toàn thiêu thay cho của lễ cũ là chiên bò.  Trên thập giá, người trở thành của lễ cao quí, đẹp lòng Ðức Chúa Cha để chuộc tội cho con người.

Khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, Ðức Giêsu cho ta biết : Tâm hồn ta là đền thờ của Chúa, là cung thánh cho Chúa ngự.  Tâm hồn ta là của lễ dâng lên Chúa.  Nhưng để đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.  Ðể của lễ xứng đáng được Chúa chấp nhận, ta phải thanh tẩy tâm hồn ta:  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tính toán mưu mô.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi đam mê dục vọng.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi giận hờn ghen ghét.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi kiêu căng tự mãn.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi gian dối lọc lừa.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi ích kỷ hẹp hòi. Thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công.

Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác vì đó cũng là Ðền Thờ của Chúa . Hãy tu bổ những Ðền Thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ.  Hãy sửa chữa những Ðền Thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích.

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

***

Lạy Chúa!  Xin ban ơn giúp sức cho con để con luôn biết cố gắng  nỗ lực thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng là Ðền Thờ cho Chúa ngự, xứng đáng trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa. Amen

HÃY TRẢ LỜI CHO CHÍNH BẠN…

Cuộc đối chất giữa một giáo dân thế kỷ 21 và nhân vật lịch sử Philatô

zzThanh nữ: Này ông Philatô! Theo tôi, chính hành động trốn trách nhiệm của ông đã giết chết Chúa chúng tôi.

Philatô: Tôi không hề thấy mình trốn trách nhiệm. Sở dĩ tôi rửa tay là vì không muốn liên can đến những vấn đề mà tôi cho là chuyện nội bộ Do Thái giáo.

Thanh nữ:  Ông biết rõ ràng là Đức Giêsu vô tội.  Chính ông đã tuyên bố với mọi người là ông không thấy Người ấy có tội.  Thế mà ông vẫn tuyên án tử hình.

Philatô:  Tôi đã làm đủ mọi cách để trả tự do cho Giêsu.  Tôi cho đánh đập thê thảm để kêu gọi lòng từ tâm của dân chúng.  Nhưng họ không buông tha.  Tôi lợi dụng thông lệ Vượt Qua để họ chọn lựa trả tự do hoặc cho Giêsu hoặc cho Barabas, tên tử tội ghê gớm nhất tôi đang cầm giữ và họ đã chọn Barabas.  Chị còn đòi hỏi tôi làm gì nữa?

Thanh nữ:  Tất cả những việc đó chỉ là mánh khóe.  Điều tôi mong là ông áp dụng luật pháp cho đúng đắn, nghĩa là trả tự do cho một người vô tội mà không cần một điều kiện gì.

Philatô:  Tôi không có quyền đó.

Thanh nữ:  Thế ông không phải là người đại diện La mã để duy trì luật pháp sao?

Philatô:  Chính vì tôi là người đại diện La mã mà tôi không có quyền tha bổng Giêsu.

Thanh nữ:  Tôi không hiểu ông muốn nói gì.

Philatô:  Chị hiểu rõ câu nói của tôi.  Điều chị không hiểu là nhiệm vụ của tôi.  Tôi là một nhà chính trị chứ không phải là một nhà luân lý.  Bổn phận của tôi là duy trì an ninh trật tự một nước thuộc địa của Mẫu quốc La mã.  Chúng tôi để cho người Do Thái thờ Giavê và tiếp tục lễ nghi của họ trong khi chúng tôi thờ thần Jupiter.  Chị tưởng chúng tôi làm thế là vì tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người Do Thái à?  Nghĩ như thế là lầm.  Chúng tôi làm như thế vì lợi ích của chúng tôi, những người La mã.  Nếu cấm đoán, họ có thể nổi dậy làm loạn…

Thanh nữ:  Ông nói những điều đó để đi đến đâu?

Philatô:  Để chị hiểu vì sao tôi không có quyền tha Giêsu.

Thanh nữ:  Nhưng ông biết rằng Đức Giêsu không hề xúi dân làm loạn.  Và trong giờ phút đau đớn đó Ngài không có lấy một người lính, thậm chí một người bạn cũng không cơ mà.

Philatô:  Chính vì thế mà tôi không có quyền chọn lựa.  Nếu dân chúng ủng hộ Giêsu, và cái chết của Giêsu có thể đem đến một sự nổi loạn, thì tôi phải suy nghĩ.  Đàng này mọi người đã bỏ rơi Giêsu. Trong khi đó nhóm biệt phái xúi dục dân chúng lên án Giêsu vì những chuyện riêng tư của tôn giáo họ.  Nếu tôi buông tha Giêsu, họ sẽ bất bình và có thể làm loạn.

Thanh nữ:  Vì thế mà ông đã tuyên án Chúa chúng tôi à?

Philatô:  Tôi đã nói rằng tôi không tuyên án kết án ai cả.  Tôi trao Giêsu lại cho người Do Thái để họ làm gì mặc họ.

Thanh nữ:  Ông là một người vô liêm sỉ.

Philatô:  Đấy chỉ là vấn đề quan điểm.

Thanh nữ:  Quan điểm gì nữa? Ông đã không dùng quyền hạn mình để bảo vệ một người mà ông biết là vô tội.  Không quan điểm nào cho phép một bất công như thế.

Philatô:  Với tư cách cá nhân, tôi thấy rằng người ấy vô tội, nhưng với tư cách là Tổng trấn La mã, tôi không có quyền để những tình cảm cá nhân len vào.  Tôi chỉ có quyền làm những gì có lợi nhất cho Hoàng Đế của tôi mà thôi.

Thanh nữ:  Tôi không cần biết ông nhân danh gì mà hành động. Tôi chỉ biết rằng nếu Chúa Giêsu vô tội thì ông là kẻ có tội.

Philatô:  Sao chị lại buộc tội tôi?  Tôi chỉ là một người bên ngoài giáo hội Do Thái, làm việc theo lập trường của mình.  Những người có tội là những người nhân danh Thiên Chúa của họ để giết Giêsu.  Chính những hạng người như chị đã đặt tôi vào tình trạng không thể buông tha Giêsu.

Thanh nữ:  Ông là một người thủ đoạn. Ông muốn bịt miệng tôi bằng cách buộc tội tôi, dù ông biết rằng ông không có cơ sở.

Philatô:  Có chứ!… Ngày Giêsu vào Giêrusalem thì một số người hăng hái tiếp đón Giêsu, hô to khẩu hiệu. Và một tuần sau thì cũng chính những người đó hét to hơn ai hết: “Hãy thả Barabas. Hãy đóng đinh Giêsu vào thập giá.”  Tôi thấy lợm giọng, chị à!  Hôm nay cũng vậy, giữa những thân hữu của chị, chị cũng ra vẻ bênh vực Giêsu và mạt sát tôi…  Tôi thấy sợ!  Tôi thấy mình trở lại cái ngày hôm ấy.  Ngày xử án Giêsu, khi tôi lên tiếng hỏi, không có một nhân chứng nào bênh vực cho Giêsu! Ngày hôm đó, tôi chỉ thấy những kẻ chứng gian, những người phẫn nộ, những bọn tò mò, còn những người có cảm tình với Giêsu thì trốn biệt tăm tích.  Ngày hôm đó, chỉ có một mình tôi, chị nhớ cho, tôi, Phongxiô Philatô, người mà chị vừa gọi là vô liêm sỉ đấy, chỉ có một mình tôingười duy nhất nói rằng Giêsu vô tội.  Nếu hôm đó chị có mặt, chị sẽ là ai?  Chị sẽ là một người trốn biệt hay một người la hét?  Chị đừng nói rằng chị sẽ bênh vực, vì không có ai bênh vực Giêsu, ngoài tôi.  Nếu chị gọi tôi là vô liêm sỉ thì chị sẽ là gì?  Chị tự xét lấy, đừng trả lời tôi, hãy trả lời cho chính chị!

Trần Duy Nhiên