ÔNG BẠN TRỘM LÀNH

Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai người trộm cướp.  Hai người này cũng bị đóng đinh.  Người bên hữu Chúa Giêsu thường được gọi là kẻ trộm lành.  Bởi vì ông đã trở lại, và Chúa Giêsu đã hứa ban phúc thiên đàng cho ông ngày hôm đó.

Tất nhiên, hiện nay ông đang hưởng hạnh phúc trường sinh trong Nước Chúa.  Tôi nghĩ là ông có nhiều kinh nghiệm về sự ông gặp được Chúa Cứu thế.  Nên tôi hay cầu nguyện và tâm sự với ông. Trong tình nghĩa, tôi gọi ông là ông bạn trộm lành.

Tâm sự giữa tôi và ông bạn trộm lành bao giờ cũng diễn ra một cách âm thầm thanh thản, bên cạnh Chúa Giêsu.

Ông bạn cho biết: Những gì đã xảy ra cho ông trên thánh giá và đã đưa ông về với Chúa đều làm chứng cho Tin Mừng.  Sau này ông mới biết những điều đó đã được Chúa Giêsu giảng dạy trước đây cho công chúng.

Tin Mừng theo ông trộm lành được tóm tắt ở những điểm sau đây:

Cảm nghiệm kết quả lạ lùng của ba việc đạo đức.

Ông bạn trộm lành cho tôi biết là: Trên thánh giá, ông đã thực hiện ba việc đạo đức đơn sơ: Chay tịnh, bố thí và cầu nguyện.

zzViệc chay tịnh của ông là việc ông phấn đấu dẹp tính kiêu căng, hận thù lúc đó đang bừng bừng nổi dậy trong ông.  Để rồi ông đã chọn thái độ khiêm nhường, nhận mình là kẻ phạm pháp, phải chịu phạt là đáng tội.

Việc bố thí của ông là việc ông đã cảm thương lên tiếng bênh vực người bị đóng đinh bên cạnh ông, mà sau này ông đã được biết, Ngài là Đấng Thánh và là Đấng cứu thế.

Việc cầu nguyện của ông là việc ông xin Chúa Giêsu nhớ đến ông, khi Chúa đã về trời.

Tất cả ba việc trên đây đã được ông thực hiện một cách chân thành, kín đáo, khiêm nhường.

Kết quả thực lạ lùng, Cha trên trời đã thấy, đã đón nhận và đã trọng thưởng.  Sau này, ông bạn mới biết là tất cả những sự đó đều đã được Chúa Giêsu nói trước trong các bài giảng của Người. “Khi làm việc lành phúc đức, anh em hãy coi chừng, chớ có phô trương.  Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1).

Vì thế, khi chay tịnh thì đừng phô trương, nhưng hãy làm kín đáo “Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,16-16),

Khi bố thí, thì đừng phô trương, nhưng hãy làm kín đáo “Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,4).

Khi cầu nguyện, thì cũng đừng phô trương, nhưng hãy làm kín đáo “Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,6).

Thực sự, Cha trên trời đã thưởng cho ông.  Phần thưởng đó là cho ông gặp được Đấng cứu thế.

Cảm nghiệm sự gặp gỡ Đức Kitô là một hồng ân quí giá.

Ông bạn trộm lành tâm sự với tôi là: Khi được ơn nhận ra người bị đóng đinh bên cạnh mình là một Đấng rất thánh, thì dần dần tất cả gánh nặng đang đè nặng trên ông đều nhẹ dần.

Gánh nặng là biết bao tội lỗi.  Gánh năng là những mặc cảm, nhục nhã.  Gánh nặng là những thất vọng, những bế tắc.  Gánh nặng là những khổ đau thân xác, những buồn bực trong lòng.  Tất cả đều hết sức nặng nề.  Nhưng tất cả bỗng nhẹ dần, khi gặp được Đức Kitô.  Thay vào những gánh nặng là những hạnh phúc.  Tâm hồn được bình an, được tràn đầy hy vọng, được chan chứa tình thương.  Ông như được bước vào cuộc sống mới, dẫn tới phục sinh.

Sau này, ông bạn mới thấy là những gì ông cảm nghiệm lúc đó đã ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã hứa trước với dân chúng “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng nhân hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Thầy thì êm ái, và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Cảm nghiệm được Đức Kitô là Mục tử rất tốt lành.

Ông bạn trộm lành cũng cho tôi thấy là ông đã được Chúa đưa về đàng lành một cách nhẹ nhàng. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Ông tưởng là ông bị Chúa từ bỏ, kết án.  Nhưng Chúa lại đã rất thương ông.  Thương nhất là ở chỗ chính Chúa chọn đi con đường khổ đau nhất, để cùng chịu đóng đinh như ông, nhờ vậy mà ông đã gặp được Chúa.

Ông tưởng là có thể Chúa sẽ tha tội cho ông, với điều kiện là ông sẽ bị trách mắng, hạch hỏi.  Thế nhưng, ông đã không hề bị như thế. Chúa không có một lời nào nhắc tới những tội lỗi xưa ông đã phạm.

Ông tưởng là may ra Chúa sẽ cho ông được lên thiên đàng, nhưng phải đợi sau một thời gian đền tội.  Thế nhưng, ông được Chúa hứa là sẽ hưởng phúc thiên đàng với Chúa ngay hôm đó.

Cảm nghiệm những hạnh phúc bất ngờ này đã làm chứng rằng: Đức Kitô là mục tử rất nhân lành.  Sau này, ông mới biết những gì Đức Kitô đã nói về mình Ngài là Mục tử nhân lành đều đã được ứng nghiệm. “Thầy chính là Mục tử nhân lành. … Thầy hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên.  Thầy còn có những chiên khác không thuộc đàn này.  Thầy cũng phải đưa chúng về”

********************************

Tâm sự giữa ông bạn trộm lành và tôi thường xoay quanh mấy chia sẻ trên đây.  Nhờ những tâm sự đơn sơ này, tôi cảm thấy mình được an ủi.  Bởi vì tôi coi mình cũng là một thứ tội nhân.  Có thể còn tệ hơn ông bạn trộm lành.

Nhưng qua chia sẻ của ông bạn, tôi nhận ra tình thương xót Chúa là vô cùng lớn lao.  Tôi tin là Chúa thương tôi, và đi tìm tôi, vì tôi yếu đuối, hèn mọn.

Tin Mừng mà ông bạn trộm lành chia sẻ cho tôi, cũng là Tin Mừng gởi tới tất cả những người tội lỗi, yếu đuối như tôi.

Xin hết lòng tạ ơn Chúa đã gởi đến cho tôi một chứng nhân của Tin Mừng đang rất cần cho tôi. Xin ông bạn trộm lành thân thiết của tôi đừng quên cầu nguyện cho tôi mỗi ngày và mọi ngày.

ĐGM. G.B Bùi Tuần

 

 

BIẾN HÌNH

Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau:

Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này

Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”

Giờ đây tôi đã già nua và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con.”

Và ông kết luận :” Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời .“

(Anthony de Mello, Trích trong “The Song of the Bird”)

***

zzBạn thân mến! Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thuật lại một cuộc biến đổi hình dạng.  Đó là cuộc biến hình của Đức Giêsu trên núi Taboo.  Trong ngày hôm đó, Ðức Giêsu đã mang theo các môn đệ thân tín của mình là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan.  Ngài đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông (Mc.9:2).  Trong cuộc biến hình đổi dạng đó, Ngài đã cởi bỏ thân phận con người để mặc lấy Thiên Tính của Thiên Chúa.  Ngài cho các ông được nhìn thấy vinh quang của Con Một Thiên Chúa, để thêm lòng tin cho các ông.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã biến hình trên núi Taboo. Cuộc biến hình của Ngài vẫn còn tiếp tục diễn ra hằng ngày cho đến ngày nay.  Ngài vẫn biến hình trên bàn tay của Linh mục trong các Thánh lễ, Ngài biến hình từ tấm bánh nhỏ bé để trở thành xương thịt của Ngài.  Ngài biến hình từ những giọt rượu nho để trở thành những giọt máu đào đã đổ ra trên đồi Golgotha năm nào để cứu chuộc con người.

Ngày nay Đức Giêsu cũng mang tôi và bạn đi riêng ra một chỗ.  Ngài không mang tôi và bạn lên núi Taboo như mang Phêrô, Giacôbê và Gioan xưa kia, nhưng Ngài mang tôi và bạn đến trong các Thánh lễ, đến trong các giờ chầu Thánh Thể, đến trong các bí tích mà ta lãnh nhận… nơi đó Ngài dành cho ta những giây phút thinh lặng thánh thiêng mà chỉ có một mình ta với Ngài, nơi đó Ngài cũng biến đổi hình dạng để thêm lòng tin cho ta, và cũng nơi đó, Ngài ban cho ta lòng mến, sự tin yêu cậy trông phó thác và nhất là sức mạnh để ta bước đi theo Ngài trên bước đường lữ thứ trần gian này .

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi bạn và tôi cùng “biến hình” với Ngài.  Biến hình không phải là trở thành cái gì xa lạ khác thường, nhưng biến hình là để trở lại với cái tôi sâu thẳm của chính mình: “tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa” (Mc.9:7).  Đó là ơn được làm con cái Thiên Chúa, là ơn Thánh Sủng, là ơn cao trọng nhất của người Kitô.

Biến hình với Đức Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn ta, là mang vào lòng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông phó thác.

Biến hình với Đức Giêsu là vất bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban.

Biến hình với Đức Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

 ***

Lạy Chúa Giêsu!  Xin ban ơn giúp sức cho con để con cũng được “biến hình” với Chúa trong Mùa Chay thánh này, để con được trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn, và để con cũng được Chúa Cha nói với con rằng:  “Đây là con ta yêu dấu, Ta hài lòng về con…” (Mc.9:7). Amen

Linh Xuân Thôn

TRỞ VỀ

Nói trở về là nói tới mình đang ở xa.  Xa nhà, nay tôi trở về.  Cái khoảng cách không gian cho ta cảm tưởng rõ ràng một sự cách biệt.

Khi định nghĩa trở về trong ý nghĩa thiêng liêng, ta thấy khó hơn.  Thí dụ, nói tôi trở về với Chúa.  Cái khoảng cách giữa tôi và Chúa không biết ngắn hay dài.  Lấy gì để mà đo.  Nếu xét rằng tôi không phạm tội nặng, tôi vẫn đi lễ thì dường như tôi không xa Chúa. Tôi không cần đặt vấn đề trở về.

Ðọc dụ ngôn con chiên lạc, ta thấy ngay là con chiên đó xa đàn.  Hình ảnh Chúa đi tìm làm ta thấy con chiên này cần trở về.  So sánh mình với người khác, ta thấy có người bỏ nhà thờ, có người có đời sống tội lỗi công khai.  Như thế, họ cần trở về hơn mình.  Tuy nhiên, đọc kỹ đoạn Tin Mừng, ta thấy sự trở về có thể là cần thiết cho chính những con chiên không bỏ đàn đi, không bỏ nhà thờ, vẫn ở trong nhà thờ.

zzBản văn không nói rõ lý do nào làm con chiên đã lạc đàn. Dụ ngôn chỉ nói “Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con” (Lc. 15: 4).  Nguyên do nào làm nó lạc?  Ta thấy có hai nguyên nhân.  Một là nó bỏ đàn đi vì lầm lỡ đồi cỏ dại là hạnh phúc.  Có thể nó bỏ đàn đi vì theo chủ thì dài và vắng vẻ, nó thích tiếng ca của bầy chồn hơn.  Có thể trên những quãng đời nắng khát hạnh phúc nó đã bị giọng nói tinh vi của Satan lừa gạt.  Lý do thứ nhất này nó sa ngã vì những cám dỗ.

Giữa những nguyên nhân lạc xa đàn, có khi nào nó bỏ đàn vì những con chiên khác trong đàn?  Nghĩa là vì sự kết án, chia rẽ, phe nhóm ngay trong xứ đạo.  Từ những nguyên nhân này làm con chiên tách xa đàn, rồi mới đi tới lạc đàn.  Lý do thứ hai này là điều ta thử tìm hiểu.

Nhìn vào lịch sử, vết thương buồn vẫn còn là dấu chứng:  Ðã bao lần chúng ta kết án nhau! Trong tiến trình ý thức về tội, Adam bảo tại Evà mà ông ta phạm tội.  Evà bảo tại con rắn mà bà sa ngã (Stk. 3: 12-13).  Không ai có nước mắt ăn năn.  Không ai nhận rằng tôi phải trở về.  Chỉ có kẻ khác phải trở về.

Hôm nay, trong đời sống thiêng liêng, có những linh hồn cũng đã phải xa xứ đạo của mình vì sự mất bình an giữa cộng đoàn tín hữu của họ.  Nơi đây không phải là nhà.  Nơi đây chẳng có lý tưởng. Có người phải sống mặc cảm dưới cái nhìn rẻ rúng của những kẻ chung quanh.  Những tiếng xầm xì về một lỗi lầm của quá khứ.  Những nghi kỵ về một xét đoán mù mờ, những thêu dệt về một sự thật không đúng sự thật.  Có những góp ý xây dựng những đổ vỡ, nhưng lại đề cập đến khuyết điểm của kẻ khác để vì cái khuyết điểm ấy mà mình được nổi hơn.  Có những cạnh tranh vì tháp nhà thờ mình phải cao hơn tháp nhà thờ bên cạnh.  Có nhiều cuộc phải lên đường trở về vì có nhiều thứ xa Chúa.  Mà xa Chúa nhất là xa Chúa ở trong đền thờ.

*****************************

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm (Yn. 8:1-11) cũng là câu chuyện của bao nhiêu cánh cửa tâm hồn khắc nghiệt với nhau hôm nay.  Lạc lối buồn bã nhất là ảo tưởng tiên tri thấy mình phải chỉ lối cho người lạc lối.  Vì phải đi tìm chiên lạc nên không thấy mình lạc.  Ðó là thái độ của các Biệt Phái.  Chúa rộng lượng thứ tha.  Ngài nâng lên cây sậy bị dập.  Ngài che đậy ngọn đèn sắp tắt.  Nhưng con người đối với nhau lại khắc nghiệt.  Người thiếu nữ ngoại tình ấy đi tìm một miền đất để sống.  Chẳng còn vùng trời nào khác ngoài sự đau khổ.  Vì gian truân nên muốn đến với Chúa, cửa nhà thờ mở ngõ nhưng cửa tâm hồn người coi nhà thờ khắc nghiệt.

Có những tâm hồn vì yếu đuối đã sa ngã, Chúa thương băng bó vết thương, nhưng người chung quanh không để cho lành.  Người phụ nữ ấy bơ vơ, muốn đến giáo đường tìm Chúa mà phải đến lén sợ người trong Giáo Hội trông thấy.  Câu chuyện của Tin Mừng năm xưa cũng chưa phải là phai nhòa trong đời sống chúng ta hôm nay.

Có cha mẹ hắt hủi con mình, người trong gia tộc miệt thị nhau, giai cấp trong đạo lên án chỉ vì cây sậy đã bị dập, ngọn đèn đã leo lét.  Ra đi tìm một miền đất sống, nhưng im lặng của các tâm hồn đó đã dọn đường trở về với Chúa rồi.  Những đau khổ họ phải chịu vì người anh em mình đã nặng hơn lỗi lầm họ phạm. Vì thế, khi họ phải bỏ xứ đạo ra đi, trốn khỏi gia đình, quãng đường xa ấy biết đâu lại rất gần Chúa.

Vào một giã từ không tiếng nói.  Thất vọng vì bị kết án.  Chán nản trong một họ đạo đố kỵ. Lặng lẽ, một tín hữu nào đó bỏ nhà thờ.  Trong đêm mờ tối ấy, đời họ chìm sâu hơn trong tội lỗi có khi chỉ vì muốn tránh những nhánh gai trong vườn gia đình, xứ đạo mình quá sắc.

Có những lỗi chung thủy đến từ người mà mình đã rất thuỷ chung.  Có những đau khổ mình phải chịu đến từ người mà mình đã chịu khổ đau cho.  Có những hố thẳm mà người cùng một lý tưởng tông đồ đào cho nhau. Có những vực sâu trước nhà thờ.

Khi Ðức Kitô hỏi các Ký Lục và Biệt Phái ai là người trong họ vô tội mà đòi ném đá người phụ nữ. T ất cả họ từ từ rút lui (Yn. 8:7-9).  Kẻ cần phải trở về là chính người không đi xa, đang ở ngay trong đền thờ.

*****************************

Lạy Chúa, nếu con không phải là con chiên lạc, là kẻ trong đàn nhưng đã là nguyên cớ làm cho tâm hồn khác xa đàn, thì, lạy Chúa, sự có mặt của con trong đàn có khi còn nguy hiểm hơn là vắng mặt.  Vì sự có mặt ấy mà bao nhiêu người phải vắng mặt.  Nếu vậy, lạc lối trong hồn con còn xa xôi hơn nữa.  Con cần phải trở về biết bao.  Con đã xa cách Giáo Hội khi con ở trong đền thờ.

Khi con bỏ đền thờ thì con biết mình xa nơi thánh.  Khi con ở trong đền thờ mà làm cho người khác phải ra đi thì khó mà nhận ra là sự thánh thiện đã xa mình.

Khi phạm tội thì có thể con biết mình xa Chúa, nhưng khi làm cho người khác xa Chúa thì khó mà biết mình phạm tội.

Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ trích trong sách “Con Biết Con Cần Chúa”