THAY ĐỔI TÂM HỒN

 

Có một người kia đến gặp một vị linh mục và nói: “Thưa cha, hôm nay con đến xin cha giúp con.  Con bê bối lắm: Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội Thánh, Bảy mối tội đầu, điều nào con cũng phạm hết.  Con xưng tội rồi, lại cứ phạm hoài.  Con muốn thay đổi nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả.  Con nản quá, muốn buông xuôi cho rồi.  Đằng nào cũng phạm tội thì phạm thêm tí nữa có sao đâu!  Nói thì nói vậy nhưng con vẫn thấy nó làm sao sao ấy.”

Vị linh mục cười và nói: “Cha kể cho con một câu chuyện nhé: Một người kia đi làm trên thành phố.  Sau Tết anh bị thất nghiệp, trở về quê buồn bã.  Nguời cha an ủi: Thôi con ạ, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ.  Con trở lại với miếng ruộng của gia đình mình đi.  Sáng mai con hãy ra làm cỏ năm sào ruộng để tháng tới chúng ta sẽ gieo mạ xạ lúa. Người con nghe lời, sớm mai vác cuốc ra đồng.  Nhưng khi nhìn thấy đám ruộng mênh mông chỉ toàn cỏ với cỏ, anh ngán ngẩm, tìm một gốc cây nằm ngủ.

Người cha biết chuyện, không la rầy, ôn tồn nói với con: “Mỗi ngày con làm cho cha một ít, 20 mét vuông thôi, con làm được không ?”  “Dạ, ít vậy thì được.”  Và cứ như thế, chẳng bao lâu đám ruộng đã sạch cỏ.

Vị linh mục tiếp lời: “Tâm hồn con bây giờ cũng như đám ruộng kia, đầy cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu đi rồi con sẽ thấy kết quả.  Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng điều quan trọng là luôn biết bắt đầu lại.  Tội con Chúa đã tha rồi, Chúa chỉ đòi hỏi con cố gắng mà thôi.”

Nhiều năm sau đó, vị linh mục nhận được một thiệp mời đi dự lễ khấn trọn đời của một tu sĩ ngài không hề quen biết.  Trong thiệp có ghi một hàng chữ sau: “Cám ơn cha đã chỉ cho con cách làm cỏ 15 năm trước đây.”

************************************

Bạn thân mến,

Thế là Mùa Chay lại về.  Một mầu tím bao trùm cả không gian cung thánh.  Mầu tím của thống hối.  Mầu tím của hy sinh.  Bước vào Mùa Chay, bước vào cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc với Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để duyệt lại cuộc sống của mình.

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Lời Chúa trong nghi thức xức tro hôm Thứ Tư Lễ Tro vừa qua cũng là chủ đề chính của bài Tin Mừng Chủ Nhật tuần này.

Câu chuyện trên đây cho thấy sám hối là một tiến trình dài hạn.  Nhưng sám hối là gì?  Sám hối như thế nào và tại sao phải cần sám hối?

SÁM HỐI

zzSám hối, nói theo kiểu văn chương hoa mỹ là “cải tà quy chánh” hay nói theo kiểu đạo đức bình dân là “ăn năn trở về”.  Sám hối là làm một bước ngoặc trong cuộc sống, là “thay đổi tâm hồn” – theo đúng nghĩa của danh từ “metanôia” được dùng trong Tân Ước.  Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu theo Tin Mừng Marcô là lời mời gọi con người làm một vòng xoay, làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn.  Giờ đã điểm.  Nước Trời đang gần đến.  Hãy quay lưng với tội lỗi.  Hãy quay về với Thiên Chúa Yêu Thương.

Lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng của Ngài, Đức Giêsu đã vào hoang địa 40 đêm ngày để ăn chay cầu nguyện và tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.  Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa nhắc nhớ 40 năm dân Israel chịu thử thách trước khi được vào Đất Hứa.  Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, Đức Giêsu đi vào hành trình tâm linh của dân tộc Ngài.  Hành trình của thử thách và cạm bẫy, nhưng đồng thời cũng là lúc rèn luyện tâm linh.

Trong Mùa Chay chúng ta sống lại kinh nghiệm này của Đức Giêsu để liên kết thâm sâu hơn với Ngài và với Chúa Cha.  Tôi đi vào sa mạc của tâm hồn để thấy rõ hơn những nhu cầu tâm linh mà bấy lâu nay tôi đã để thế giới vật chất làm lu mờ.  Nếu những cỗ máy, những chiếc xe cần được bảo trì hằng năm hầu có thể chạy tốt hơn, thì tâm hồn chúng ta cũng cần được bảo dưỡng như thế.  Mùa Chay là dịp để đổi mới tâm hồn.  Hàng năm, chúng ta có cơ hội để chùi rửa, lau sạch những vẩn đục trong tâm hồn qua việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí.  Đó là những phương cách để từ bỏ tội lỗi và trở về với Người Cha nhân lành đang chờ đợi ta.

Đối với một số người, việc hãm mình mùa Chay có nghĩa là kiêng cữ một điều gì đó.  Cụ thể là nhịn rượu, thịt, thuốc lá, hay một thứ gì đó mình ưa thích.  Người khác thì xem mùa Chay là dịp để thực thi bác ái, để đến nhà thờ dự tĩnh tâm.  Dù dùng phương thế nào để tu sửa tâm hồn, điều quan trọng không phải là hình thức, nhưng là động cơ.  Nếu tôi kiêng ăn để thân hình được thon thả gọn gàng hơn, hoặc nếu tôi rộng rãi bố thí để được khen là người hào phóng, nếu tôi dự tĩnh tâm để tỏ ra là mình đạo đức, thì tất cả đều vô nghĩa.  Tôi được tiếng khen của người đời nhưng sẽ được công trạng gì trước mặt Thiên Chúa?

Trọng tâm của Mùa Chay không phải là việc đánh tội hành xác.  Việc hãm mình khổ chế chỉ là phương tiện để gạn lọc những vẩn đục của tâm hồn, ngõ hầu con người có thể chú tâm đến những thực tại cao siêu hơn.  Cũng như thửa ruộng cần phải được cầy xới tưới nước, làm cỏ bón phân, trước khi gieo hạt để đạt được năng xuất cao, tâm hồn chúng ta cần được thanh tẩy để hạt giống tin mừng có thể sinh hoa kết quả.

TIN VÀO TIN MỪNG

“Sám hối” chỉ là vế đầu của lời Đức Giêsu kêu gọi, còn vế sau là “tin vào Tin Mừng.”  Trong Tân Ước, động từ “tin” (pisteuein) không chỉ là gật đầu đồng ý, nhưng tin còn có nghĩa là chấp nhận thay đổi với một sự tín thác và dấn thân.  Vì thế, tin vào Tin Mừng không chỉ đơn thuần là đón nhận chân lý của Tin Mừng, nhưng còn là đặt trọn cuộc đời sống theo những giá trị của Tin Mừng.  Những giá trị này là tinh thần nghèo khó, hiền lành khiêm nhường, khát khao sự công chính, từ bi thương xót, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, không giận ghét xét đoán, chung thuỷ trong hôn nhân, tha thứ không báo oán, yêu thương kẻ thù, và những giá trị khác được nhắc đến trong các huấn từ của Đức Giêsu.

Tin vào Tin Mừng là ký thác đời mình vào tình yêu bất diệt của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người vì chúng ta.  Khi tin vào Tin Mừng, chúng ta chấp nhận một lối sống như Con Thiên Chúa đã sống.  Chấp nhận yêu thương mà không đòi hỏi.  Chấp nhận cho đi mà không tính toán.  Chấp nhận quên mình vì người khác.  Khi tin vào Tin Mừng, chúng ta chấp nhận đoạn tuyệt với tội lỗi, đoạn tuyệt với nếp sống chạy theo những gì mà thế gian mời mọc quyến rũ.

************************************

Nói thì dễ làm thì khó.  Sám hối không chỉ xảy ra một lần là xong.  Ăn năn trở về là một tiến trình kéo dài từ ngày này qua ngày khác, có khi cả đời.  Tuy khó khăn và trắc trở, chúng ta vẫn không được bỏ cuộc.  Như chí sĩ Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi.  Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.”  Trên đường đi đến Golgotha, Đức Giêsu đã té ngã ba lần.  Ngài biết những yếu đuối của xác phàm.  Ngài biết chúng ta dễ vấp ngã.  Nhưng điều quan trọng là ngã xuống rồi, có thể đứng lên được không?  Nói cách khác, hôm nay chúng ta có thể bắt đầu lại được không?

Mùa Chay, mùa của ân sủng, mùa mời gọi canh tân đời sống.  Chúng ta có thể thử bắt đầu lại với việc cầu nguyện, ăn chay, bố thí.  Trong 40 ngày của Mùa Chay, chúng ta có thể cầu nguyện nhiều hơn và sốt sắng hơn một tí xíu.  Có thể hãm mình, khổ chế hơn một tí.  Và có thể sống bác ái, quảng đại, tha thứ hơn một tí.  Mỗi ngày chỉ hơn một tí thôi là con đường thanh tẩy nội tâm, sống triệt để theo Tin Mừng chẳng còn bao xa.

Xin cầu chúc bạn một Mùa Chay thánh thiện, được canh tân trong ân sủng của Chúa.

Antôn-Phaolô

CHAY TỊNH VÀ SÁM HỐI

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (MC.1:15)

***

Bạn thân mến! Trên đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Mỗi khi bắt đầu mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta cùng đi vào hoang địa với Ðức Giêsu, cùng chay tịnh và cầu nguyện với Ngài.  Ngay sau khi Ngài chịu phép rửa bởi tay của Gioan và nhận được Thánh Thần để lên đường.  Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài vào hoang địa.  Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện.  Bốn mươi ngày liên kết thân mật với Thiên Chúa Cha, để làm cuộc tĩnh tâm trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời

Mùa Chay là thời gian trở về với Chúa, là thời gian đi vào mầu nhiệm của sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu .  Mùa chay là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cách đặc biệt, nhưng đồng thời mùa chay cũng mời gọi chúng ta sám hối, cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn, thay đổi lối sống cho tốt hơn, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới của Đức Kitô.

Mùa Chay là thời gian quay trở về, là thời gian hồi tâm để nhìn vào Chúa và nhìn vào chính mình.  Nhìn vào Chúa để thấy tình Chúa yêu ta, để thấy ta còn quá khiếm khuyết nên phải cố gắng vươn lên, phải trông nhờ cậy dựa vào sức mạnh và quyền năng của Ngài để biến đổi.  Nhìn vào chính mình để nhận ra những yếu hèn sơ sót của thân phận con người .

Mùa Chay cũng là thời gian của tỉnh thức và cầu nguyện: Tỉnh thức để tránh xa những cám dỗ mời gọi, những “tham xân si” đang níu kéo và những cạm bẫy thử thách đang bủa vây .  Cầu nguyện để liên kết với Thiên Chúa, để có sức của Chúa hầu chống trả với ba thù.

Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa.  Nhưng có lẽ bị cám dỗ nhiều hơn xưa, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín, chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình.  Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy.  Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành.  Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân. Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả.  Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng.  Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác cần có một sự tự chủ lớn lao. Thắng được những đam mê mù quáng của con tim cần có một thái độ anh hùng từ bỏ. Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.

Nói cho cùng, đời người là một cuộc chiến đấu liên lỉ, có Chúa  bên cạnh ta sẽ an tâm đứng vững.  Ước gì ta có bản lãnh của Ðức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của chính mình.  Nhưng trước hết, ta cần  ăn chay và cầu nguyện, cần ”sám hối và tin vào Tin Mừng” như lời Chúa mời gọi hôm nay:

 ***

Lạy Chúa Giêsu!  Chúa đã chiến thắng ma quỷ, chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan.   Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa nhờ đó, chúng cũng vượt thắng những cơn cám dỗ đang bủa vây chúng con ở trần gian này. Amen.

Trích từ R. Veritas

MỘT MAI SẼ KHÔNG LÀM CÁT BỤI

Tin tưởng, khắc khoải và hy vọng về một cuộc sống mai sau phải chăng đó là “câu chuyện chung muôn thuở của loài người”.

Trước hết, các tôn giáo đều dạy các tín hữu của mình niềm tin về sự sống mai sau. Cõi “Niết bàn” của Phật giáo hay “Thiên đàng” của Do thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo đều là những chân lý khẳng định niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng bên kia ngưỡng cửa sự chết.

Cho dẫu có những người không theo một tôn giáo chính thức nào thì vẫn cho rằng : chết là đi về với ông bà, là đi xuống suối vàng. Chính vì thế, trong nghi thức tiển đưa người quá cố, người ta thường “đơm xôi, cúng quả, đốt giấy vàng bạc…để mong người chết còn có đường tồn sinh, còn có phương an dưỡng.

Thậm chí đến những người vô thần và thấm nhuần triết lý duy vật của Marx – Engel như ông Hồ, thì trước khi lìa đời vẫn tuyên bố nghiêm chỉnh rằng : “Tôi đi gặp các ông Marx, Lênin…”

Trong khi đó, ngôn ngữ đời thường trong giới bình dân hay văn chương đài các của các danh gia bác học, âm hưởng về một cuộc sống mai sau gần như thời nào cũng có, lúc nào cũng vang vọng với thời gian.

zzNếu không mông lung, hư ảo như Nguyễn Công Trứ:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

hoặc bấp bênh vô định Trịnh Công Sơn :
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.  Ôi cát bụi mệt nhoài…

hay một thoáng khinh bạc, hững hờ như Lê Dinh :
Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau.  Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau.  Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao… “

thì cũng thấp thoáng ưu tư phiền muộn như kiểu nàng Kiều xót thương Đạm Tiên của Nguyễn Du :
Đã không kẻ đoái người hoài
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương,
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.

****************************************

Sứ điệp phung vụ hôm nay cũng mang âm hưởng về cõi vĩnh hằng, về một ngày mai bên kia cái chết nhưng hoàn toàn khác hẳn.  Đúng hơn, không phải là âm hưởng mà là một lời gọi mời hướng tầm nhìn đức tin về cõi vĩnh hằng, hướng cuộc sống về một chân trời hy vọng của ngày mai, hướng tâm tư đến một niềm trông cậy vững vàng vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa sẽ ân ban.

Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay gần như xoay quanh nội dung nầy.  Trước hết,

Bài đọc 1 : Trích sách Ma-ca-bê-ô quyển II : Kể lại lòng dũng cảm của 7 anh em người Do Thái đối diện với cuộc tra tấn dữ tợn trong cuộc bách hại thời vua An-ti-ô-khô, cùng với lòng trông cậy vững vàng của họ vào cuộc sống vĩnh hằng mai hậu dành cho những ai trung tín với lề luật của Thiên Chúa, như lời tuyên xưng dõng dạc của người con thứ tư:

“Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (BĐ 1)

Phải chăng đây là điểm mới mẻ sau cùng của mặc khải cựu ước để hướng đến chân lý về sự phục sinh mà Đức Ki-tô sẽ công bố trong thời Giao ước mới.  Thật vậy, cho dù chưa được hồng phúc đón nhận mạc khải về sự sống lại, sự phục sinh vinh quang trong Vương quốc của Thiên Chúa do Đức Kitô mang đến, các tín hữu Do Thái, nhờ ánh sáng Lời Chúa, vẫn tin tưởng mãnh liệt vào cuộc sống mai sau, một cuộc sống có lành có dữ, có thưởng có phạt.  Sứ điệp của sách Macabêô cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị sư phạm trong trường dạy đức tin.  Thật vậy, trong cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu, có ai trong chúng ta lại không đối diện với những thử thách đau thương, với những bách hại cách nầy hay cách khác.  Sợ rằng, với những cuộc bách hại tinh vi của thời đại hôm nay, không phải là “dầu sôi lửa bỏng, là gươm giáo ngục tù”, mà là danh vọng tiền tài, sắc dục, đam mê, thành công hưởng thụ… liệu chúng ta có còn đủ can đảm và trung thành để nói lên một lời xác tín như lời của Thánh vịnh 16 trong đáp vịnh ca hôm nay :

“Về phần con sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan”

Thế nhưng, đích điểm của niềm trông cậy vĩnh hằng của chúng ta, hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu mà chúng ta đang tiến về, quê hương Nước Trời mà chúng ta đang nỗ lực dựng xây lại không bao giờ là một cõi vu vơ, hão huyền một lời ca dao của người xứ Huế :

“Trăm năm trước thì ta chưa có.
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”

Hay lãng đãng mơ màng như “Một cõi đi về “của Trịnh Công Sơn :

“Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ.  Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”

Trái lại, ở cuối chân trời hy vọng, ở đích điểm vĩnh hằng, ở cội nguồn hạnh phúc của chúng ta lại là một CON NGƯỜI, MỘT NGÔI VỊ:  Một Thiên Chúa tình yêu, Một Mục Tử tốt lành dẫn chiên về bên suối mát, một Người Cha thương yêu đang ngóng đợi con về, một bạn đồng hành đang thân thương sánh bước Emmau, một “Thầy đây đừng sợ” đang dẹp tan cuồng phong bão táp để đưa thuyền về bến đỗ bình yên…  Vâng Thiên Chúa của chúng ta, Đức Kitô của chúng ta không phải chỉ đứng đợi mà là đang đi tới, đang trở về, đang tuôn tràn ân sủng như tư tưởng của thư thứ 2 Thánh Phao lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca :

“Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (BĐ 2)

Lời động viên của Thánh Phao-lô dành tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy vững lòng trông cậy đợi chờ ngày Chúa đến vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi người chúng ta hôm nay, những kẻ đang đánh cuộc đời mình trong niềm tin vào Đức Kitô phục sinh..

Tuy nhiên, sống chiều kích vĩnh cửu trong giữa đời thường ô trọc hôm nay không phải lúc nào cũng dễ dàng, cũng êm trôi.  Bởi vì, khi đối diện với những vấn nạn mang chiều kích vĩnh cửu của phận người như: có không thiên đàng, hỏa ngục, có không hạnh phúc vĩnh hằng, có không thế giới bên kia… và những thực tại đó nó như thế nào?  Thì đã có không ít người hoặc đã quay lưng chạy trốn hoặc bực bội khước từ.  Quả thực, đối với nhiều người: cuộc sống đời thường là trên hết, hưởng thụ là cần thiết nhất, thành công phương tiện là ưu tiên số một.  Mọi thứ khác chẳng đáng quan tâm.  Ngay vào thời Chúa Giêsu cũng đã có cả một phong trào, một cộng đoàn Do Thái chủ trương như thế.  Họ chính là nhóm Sa-đu-kê-ô mà hôm nay trong trích đoạn Tin mừng Lu-ca bày đặt ra câu chuyện “một vợ bảy chồng” để bắt bí Chúa Giêsu về niềm tin sống lại. Và Ngài đã đập tan những luận điệu xuyên tạc sự sống lại ở đời sau của họ.  Ngài khẳng định chân lý về cuộc sống vĩnh hằng, một cuộc sống được thăng hoa, biến đổi để trở nên “con cái của Thiên Chúa”, con cái của sự sống lại.

Quả thật nếu không có sự sống lại thì thế giới nầy quả là vô nghĩa, cuộc sống nầy chẳng có chút giá trị gì.  Bởi vì nếu  không có đời sau, không có vĩnh hằng, không có thưởng phạt thì “thiện ác đáo đầu cũng như nhau” chứ làm gì có chuyện “chung hữu báo”, bậc công chính hiền nhân hay tên tàn ác giết hại sinh linh cũng chỉ là hai chiếc đầu lâu mục nát.  Và như thế, người ta có thể nói với nhau “ta ăn đi, ta uống đi, vì ngày mai ta sẽ chết” (Is 22,13).   Hay như lời Thánh Phaolô: nếu không có sự sống lại “thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không… và việc anh em tin cũng thật hảo huyền” (1 Cr 15,12-17).  Hư ảo hão huyền như “vết mực xóa bỏ không hay”

“Ôi cát bụi phận nầy, vết mực nào xóa bỏ không hay” (Cát bụi của TCS).

Không, người kitô hữu chúng ta “một mai sẽ không làm cát bụi” mà sẽ sống lại vinh quang. Chúng ta tin “xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.

Tóm lại, vào những ngày gần kết thúc năm phụng vụ, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta sống đức “Trông cậy” một cách vững vàng, sống niềm hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc bất diệt trong vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của sự phục sinh.  Đó chính là tiêu đích cho cuộc sống hôm nay: sống là để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đời đời.  Sống chính là cuộc hành hương đi về vĩnh cửu.  Sứ điệp nầy lại được vang lên trong những ngày của tháng “Các đẳng linh hồn” sẽ là một nhắc nhớ mỗi người chúng ta đừng quên số phận của những anh chị em đang được thanh luyện trong luyện ngục, và sốt sắng cầu nguyện cho họ để họ sớm được hưởng phúc thiên đàng.  Và chúng ta cũng đừng quên, chút nữa đây, Tấm bánh là Thân mình Đức Kitô được bẻ ra để trao ban cho chúng ta như quà tặng tuyệt vời nhất, như lương thực trường sinh cao quí nhất để dẫn chúng ta tiến bước về quê hương bất diệt.  Vì chính Ngài đã dạy : “Ai ăn và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

LM. Giuse Trương Đình Hiền

ƠN GỌI NÊN THÁNH

Một bà thánh không làm gì cả?

Sáng ngày 21-04-1962, cô bé Jeanne Emmanuelle Molla ra đời, và bảy ngày sau, ngày 28-04-1962, mẹ của cô đã qua đời. Bảy tháng trước đó, người mẹ của cô đã bị u xơ tử cung, nhưng với tư cách là một bác sĩ, bà yêu cầu giữ con mình lại. Trước ngày sinh nở, bà biết rằng sinh mạng mình có thể bị đe dọa nếu tập trung vào mạng sống đứa con. Bà nói với các bác sĩ: «Nếu quí vị phải lựa chọn giữa con tôi và tôi, thì hãy chọn con tôi, tôi đòi hỏi như thế. Hãy cứu lấy nó». Người phụ nữ ấy chết năm 39 tuổi. Bà không làm gì cả ngoại trừ chết đi để bảo vệ mạng sống của con ruột mình. Ngày 15-05-2004, bà đã được phong thánh: thánh Gioanna Baretta Molla. Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 23-12-1973, Đức Phaolô VI đã nói như sau: «Một người mẹ còn trẻ thuộc giáo phận Milan, vì muốn cứu mạng sống con gái mình, đã hy sinh mạng sống mình trong một cuộc hiến tế có tính toán trước». Thế đấy, chỉ cần là một người mẹ trọn vẹn ý nghĩa cũng đủ được phong thánh.  Thậm chí, một tay sát nhân cũng có thể làm thánh.

Một ông thánh sát nhân?

Ngày 25-02-1954, Jacques Fesch cầm súng bước vào một chi nhánh ngân hàng để cướp hơn hai triệu franc Pháp.  Vụ cuớp bất thành. Một cảnh sát rượt đuổi anh, anh bắn chết viên cảnh sát ấy. Anh bị bắt giam vào nhà tù Santé ở Paris, và ở đấy trong ba năm trước khi bị kết án tử hình.  Ngày 01- 10- 1957 anh bước lên ghế điện để đền tội khi mới được 27 tuổi.

zzThế nhưng thời gian ngồi tù đã giúp anh hoán cải.  Ngày 01-05-1955, anh viết vào nhật ký trong tù của mình : « Tôi đã nghe một tiếng nói không xuất phát từ mặt đất nói với tôi rằng : Jacques, con nhận được ân sủng để chết. »  Đấy là biến cố đã giúp anh hoán cải, và kể từ đấy anh sống một đời sống thiêng liêng kết hiệp với Thiên Chúa.  Sau này, anh công bố : « Tôi được ban đầy dẫy ơn lành. Người ta đã cứu thoát tôi ngoài ý muốn của mình, người ta đưa tôi thoát khỏi cái thế gian chực làm cho tôi hư mất ». Sau khi qua đời, anh đã để lại 4 tác phẩm phản ảnh đức tin sống động của mình : Journal spirituel (Nhật ký thiêng liêng), Lumière sur l’échafaud (Ánh sáng trên đoạn đầu đài), Cellule 18 (Xà lim 18), Dans cinq heures je verrai Jésus (Năm giờ nữa tôi sẽ gặp Chúa Giêsu).  Các tác phẩm này đã khiến cho Giáo hội tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi nhằm phong thánh cho anh, một người mà Đức Hồng Y Lustiger hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ được Kitô hữu tôn kính như một «điển hình cho sự thánh thiện».  Ta có nên giam cầm mãi một tên tội phạm trong tội ác của mình, dù cho sau đó người ấy có làm gì đi nữa, hay ngược lại, ta phải khẳng định rằng một người đã phạm tội ác có thể trở được biến đổi sau khi ý thức việc mình làm và hoán cải thâm sâu ?

Con đường nên thánh

Hẳn là điều nghịch lý khi suy nghĩ về con đường nên thánh mà lại minh họa bằng một kẻ sát nhân.  Dù cho người ta đang tiến hành hồ sơ phong thánh cho anh, thì hàng loạt vấn đề đã được đặt ra. Các công đoàn của giới cảnh sát chống lại đề nghị của đức Hồng Y Lustiger, vì họ muốn bảo vệ danh dự và vinh quang cho người đồng nghiệp đã bị Jacques Fesch giết… Phải tin tưởng vào ơn tha thứ, nhất là khi hiểu rằng sự tha thứ chỉ thực sự trọn vẹn khi phải tha thứ những gì không thể nào tha thứ được. Và khi chúng ta nêu lên một ví dụ đi ngược lại với mọi lôgíc con người như thế, thì mới thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa và hiểu được sự thánh thiện mà Chúa đã dành cho mỗi một con người, dù cho người ấy được xem như là anh «trộm lành» trong thời đại hôm nay. Và điều này có thể cũng giải thích được phần nào một khía cạnh cũng không kém phần nghịch lý của Giáo Hội, ấy là Giáo Hội được mời gọi nên thánh, dù cho Giáo Hội bao gồm những chi thể tội lỗi.

Đấy là điều mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn nói lên trong tông thư «Đầu thiên niên kỷ mới»: «Đừng hiểu lầm về lý tưởng trọn lành này như thể đời sống thánh thiên đòi hỏi phải có một cuộc sống phi thường mà chỉ vài người xuất chúng mới đạt được. Đường nên thánh thì có nhiều và thích hợp với ơn gọi của từng người. Tiến trình nên thánh là một tiến trình cá nhân, đã đòi hỏi phải có một sư phạm đúng đắn về sự thánh thiện, để có thể thích nghi với nhịp sống của từng người».

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh dù ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời: vào mùa xuân của tuổi thanh niên, mùa hè của tuổi trưởng thành, mùa thu và mùa đông của tuổi già yếu, vào giờ chết và cuối cùng, sau cái chết nữa. Ngài tuyên bố: «Ơn gọi của Kitô hữu là nên thánh. Ơn gọi ấy bắt nguồn từ Phép Rửa và được canh tân nhờ các bí tích khác, đặc biệt là bí tích Thánh Thể».

Trần Duy Nhiên

 

BẠI LIỆT

Bệnh bại liệt còn gọi là bệnh viêm tủy xám hay còn gọi là bệnh Polio (Poliomyelitis).  Chứng bệnh này do siêu vi trùng poliovirus gây ra.  Khi nhiễm vào cơ thể,  siêu vi trùng poliovirus đi vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ bắp và lâu dần làm bại liệt.

Trước đây, bệnh bại liệt xảy ra rất nhiều nơi con người, đặc biệt là nơi trẻ em.  Nhưng vào năm 1840, bác sĩ Jakob Heine đã nghiên cứu ra nguyên nhân gây bệnh và đã bào chế ra vắc-xin để phòng ngừa. Từ đó số nạn nhân của bệnh bại liệt đã giảm đi rất nhiều trong những thập niên gần đây.

(Nguồn: Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia)

***

Bạn thân mến! Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Họ không thể làm được những việc cần làm.  Không thể đến được những nơi muốn đến.  Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thế. Anh được nghe biết Ðức Giêsu đã làm phép lạ chữa nhiều bệnh tật, anh muốn đến xin Ngài chữa lành bệnh tật, nhưng anh không có khả năng một mình đi đến gặp Ngài.  Trong đời sống thiêng liêng, đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt.  Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Ngài, nhưng đối với những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận ân phúc của Ngài được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được.  Ðam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ.  Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mình mong muốn. Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá.  Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức.  Ðây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới.  Khi người bại liệt được đưa xuống trước mặt Ðức Giêsu, Ngài cảm nhận ngay Đức Tin mạnh mẽ của họ.

Đức tin không chịu lùi bước trước khó khăn: phải vượt qua đám đông chật cứng trước cửa. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Ðức Giê-su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn.  Ðã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Ðức Giê-su. Ðức Tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Ðức Tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Đức tin tìm ra con đường khác thường để đến với Ðức Giêsu: không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.  Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo.  Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ Ðức Tin mãnh liệt của họ.

Đức Tin mang tính tập thể, đồng tâm nhất trí: người bại liệt cần bốn người bạn khiêng mình, bốn người khiêng đồng ý cùng nhau giúp người bại liệt. Ðức Tin giúp ta đồng tâm nhất trí với nhau.  Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Ðức Tin  giúp ta không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm, không chịu ngồi lì một chỗ.  Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không e dè vì gánh nặng, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm.  Biết người bệnh cần gặp Ðức Giê-su, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Nhìn vào Ðức Tin trong sáng của bốn người khiêng, ta thấy Ðức Tin của mình ra sao?  Đức Tin của ta có còn hoạt động không?  Có bị tê liệt không?  Tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc.  Tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng.  Tê liệt vì những ước muốn nửa vời.  Tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng…

Hôm nay, ta hãy noi gương bốn người khiêng bệnh nhân.  Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn.  Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự.  Hãy biến Ðức Tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái.  Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn.  Hãy sống Ðức Tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết.  Một Ðức Tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường dẫn lối cho ta đi đến với Chúa.

***

Lạy Chúa Giêsu!  Xin thêm Ðức Tin cho con.  Xin cho con nhận ra những bại liệt trong tâm hồn, biết chạy đến với Chúa để cầu xin ơn chữa lành Chúa ban. Amen.

Trích R. Veritas

THẦY CŨNG LÀ CHA

Có lẽ Thầy không đẹp bằng cha nó.  Nhưng mà, điều đó có hề gì.  Nó thương Thầy hơn thưong cha nó.  Nó là đứa bất hiếu?  Nhưng liệu nó có yêu thương được cha nó, người đã ngoảnh đầu bỏ mặc năm đứa con và một người vợ “tay yếu chân mềm” đúng nghĩa, là má nó.  Cha đi.  Má con nó lênh đênh, chao đảo giữa cuộc đời chỉ để được tồn tại.  Những ngày tháng đó, nó không quên.

Nó gặp Thầy vào những năm đầu vào đại học.  Thầy dạy tiếng Pháp cho lũ học trò rành tiếng Anh nhưng không biết chữ tiếng Pháp nào.  Mỗi lần chúng nó cất giọng đọc, người bình thường chỉ muốn bịt tai.  Thầy thì không.  Thầy nghe kỹ, để sau đó Thầy chỉnh, rất từ tốn nhưng nội dung thì đại loại theo kiểu này ”Ngu như con bò, mà so sánh vậy thì tội nghiệp con bò quá!”.  Mỗi lần nghe vậy, đứa hiếu thắng như nó thấy lùng bùng lỗ tai!  Nó muốn thắng con bò!  Và nó học, học cái mớ tiếng của thi ca và nhạc họa nhưng khó nuốt ấy.

Thầy đã “truyền lửa” cho chúng nó bằng sự nhiệt tình không mệt mỏi của Thầy.  Có lẽ không đứa nào trong chúng nó quên được hình ảnh Thầy lúc đó.  Thầy ốm nhom, nhưng giọng khỏe, đầy lửa.  Lúc đó cả lũ chúng nó say mê học tiếng Pháp. Những giờ học với Thầy là những giây phút thú vị nhất.

Nhưng lúc ấy nó gắn bó với Thầy hơn các bạn.  Chẳng biết thế nào mà Thầy biết cảnh ngộ của nó.  Thầy chú ý đến nó hơn vì Thầy bảo Thầy cũng đã từng trong trại trẻ mồ côi.  Thầy gieo yêu thương vào tâm trí nó.  Thứ tình yêu mà nó đã khóc đòi trong những trang nhật ký khi đến nhà các bạn có đầy đủ mẹ cha.

Thầy tập cho nó nói những điều nó suy nghĩ, vưóng bận nhưng không biết chia sẻ.  Thầy tập cho nó thoát khỏi tâm trạng sống trên ốc đảo ngay cả khi xung quanh nó đầy người.  Thầy dạy nó cách nhìn cuộc sống và con người một cách đúng đắn hơn.  Thầy dạy cho nó cách làm NGƯỜI xứng đáng !

Nó thích nhìn tấm hình Thầy chụp với Mẹ Thérésa, khuôn mặt hai người đầy vết chân chim, nhưng đầy tình yêu thương.  Nó thấy Mẹ Thérésa đẹp và Thầy nó cũng đẹp.

Giờ đây, nó sống xa Thầy, nhưng có điều gì, nó lại bấm số gọi: Thầy sẽ dẫn bước để nó tìm đường.

Nó chưa bao giờ gọi Thầy bằng Ba. Tiếng Ba đó, nó vẫn dành riêng cho một người, dù có hay là không xứng đáng.  Nhưng khi con nó chào đời, nó đã gọi Thầy và xin “Thầy cho con bé gọi Thầy là ông ngoại !”

Thầy tên Trần Duy Nhiên, dạy tiếng Pháp ở trường Đại Học Luật TPHCM

(Nguồn:  Blog 228)

*************************************

THƯ GỞI EM 07

Vâng, em và tôi sẽ không làm được gì nhiều cả, nhưng chắc chắn là chúng ta có thể đốt lên một ngọn nến, và mồi lửa cho nhau để ánh lửa ấy lan ra.  Tôi biết rằng ánh lửa của một ngọn nến mong manh lắm, chỉ cần một làn gió thoảng của cuộc đời là sẽ tắt ngúm ngay, nhưng nếu chúng ta đốt cho những ngọn nến chung quanh, thì đến ngày nào đó, chẳng may ánh lửa của mình tắt đi, những ngọn nến chung quanh ấy sẽ sẵn sàng châm lại cho mình.  Em cũng hãy nhớ rằng, một ngọn nến có thể bị gió thổi tắt, nhưng khi nó truyền cho nhau để trở thành một đám cháy to, bấy giờ gió càng mạnh thì lửa càng cao.  Không biết đến bao giờ ngọn nến của em và tôi sẽ biến thành đám cháy, nhưng nếu ta không khởi đầu thì chắc chắn sẽ không bao giờ có một ánh sáng đủ mạnh để xua đuổi bóng đêm.

zzThà thắp lên một ngọn đèn leo lét
Còn hơn ngồi mà nguyền rủa bóng đêm.  (tâm niệmTrần Duy Nhiên) 
blog duynhien

 *************************************

MẤT….

……Tôi không nhớ ra được kỷ niệm nào buồn về Thầy … Nghe tin Thầy mất, ngẫm cho cùng cũng hơi bất bình, vì Thầy đâu có mất gì đâu, tôi biết giờ này Thầy đã thanh thản bình yên, những người thân, bạn bè, học trò của Thầy, như bạn, như tôi … mới mất mát… Tôi cũng chưa kịp suy nghiệm rõ xem mình mất mát những gì, chỉ biết là mất mát rất lớn … mà ngay thời điểm bây giờ mình chưa nhận ra hết …

Cho nên tôi viết những dòng này, không phải viết cho Thầy nữa, mà mong an ủi, chia sẻ cùng các bạn … Tôi không học với Thầy một tiết học nào trong trường, nhưng tôi đã học rất nhiều từ Thầy từ khi biết Thầy qua Mái Trường Xưa. Đến giờ tôi vẫn không thể tin là sẽ không bao giờ còn trông thấy nickname duynhien trên Mái Trường Xưa nữa…

Tôi cầu mong chính mình được sống như Thầy đã sống, sống trọn vẹn, và sống cho đi … như Thầy đã có lần nói “sống để chết” … Cám ơn cuộc đời cho tôi có diễm hạnh biết đến Thầy…

Trích từ forum Mái Trường Xưa

*************************************

TRÍCH….

…….Và thày đã trở thành một con người hoạt động thiện nguyện không hề biết mệt mỏi cho cộng đồng những người nghèo khổ, cô đơn, cơ nhỡ, một nhà giáo tâm huyết với bao thế hệ trẻ, một người chỉ cho (và biết cách cho nữa) mà không bao giờ chờ được nhận lại (vì thế người được thày cho không cảm thấy bị nợ bao giờ).

Vòng hoa đưa tiễn thày thật nhiều, của biết bao lớp học trò trong suốt hơn 30 năm, của các diễn đàn trong nước, các nhóm thiện nguyện, các cộng đoàn… xếp quanh lối vào nhà thờ… còn thày nằm đó, trong khi bao nhiêu người khóc… nhưng mình tin chắc thày đang mỉm cười.

……..Với tôi, anh Nhiên chết trẻ quá, mặc dù tuổi của anh đã xấp xỉ 70, vì anh vẫn còn tràn trề nhiệt huyết, anh vẫn còn sung sức, còn cống hiến được cho cuộc đời, cho mọi người những ý tưởng mới mẻ, những năng lực dồi dào của mình.

Anh Nhiên là người thích kết nối, anh đã sử dụng hầu hết các phương tiện Internet như tham gia các diễn đàn, viết Blog, tham gia hầu hết các nhóm làm việc…. để kết nối mọi người lại với nhau, bằng tình thân chan hoà, vui vẻ.

ĐC Phaolo Bùi Văn Đọc

………Và còn nhiều nữa…  Qua các bài tâm tình của mọi người, các bloggers, mình hiểu thêm nhiều, nhiều lắm, về ý nghĩa của cuộc sống mà chính thày đã là ngọn đuốc, là tấm gương sáng cho mọi người…….

*************************************

Lạy Chúa Giêsu là Đấng làm chủ sự chết, một ngọn đuốc sáng vừa bị thổi tắt đi giữa chúng con, ngọn nến Trần Duy Nhiên.  Xin cho chúng con tiếp tục truyền nhau ngọn lửa tin yêu, hy vọng đầy nhiệt huyết  mà người anh em chúng con đã thắp lên giữa bóng đêm của thế gian u tối.  Xin cho con biết cách sống sao để khi con về với Chúa, mọi người khóc mà con lại mỉm cười, mọi người tiếc nuối mà con lại thanh thản, mọi người cảm thấy “mất” mà con lại cảm thấy “được”.  “Được” những gì Chúa đã hứa với con mà cả một đời con đã theo đuổi, hiến dâng và phục vụ.  “Được” những gì mà Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống mình để chuộc lại cho con được hưởng.  Amen!

VÌ SAO ANH YÊU EM?

zzMột cô gái hỏi bạn trai của mình:
–  Tại sao anh yêu em?
–  Sao em lại hỏi thế, Sao anh tìm được lý do gì chứ? Chàng trai trả lời.
–  Không có lý do gì tức là anh không yêu em!
–  Em không thể suy diễn như vậy được.
–  Nhưng bạn trai của bạn em luôn nói cho cô ấy biết lý do mà anh ta yêu cô ấy
–  Thôi được, anh yêu em vì em xinh đẹp, giỏi giang, nhanh nhẹn.  Anh yêu em vì nụ cười của em, vì em lạc quan.  Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác.

Cô gái cảm thấy rất hài lòng.

Vài tuần sau, cô gái gặp một tai nạn khủng khiếp nhưng thật may, cô ấy vẫn còn sống.  Bỗng nhiên, cô trở nên cáu kỉnh vì cảm thấy mình vô dụng. Vài ngày sau khi bình phục, cô gái nhận được một lá thư từ bạn trai của mình:

“Chào em yêu!

Anh yêu em vì em xinh đẹp. Thế thì với vết sẹo em có trên mặt anh không thể yêu em thêm được nữa.  Anh yêu em vì em giỏi giang, nhưng bây giờ em có làm gì được đâu. Vậy thì anh không thể yêu em được.  Anh yêu em vì em nhanh nhẹn nhưng thực tế em đang ngồi xe lăn.  Đây không phải là lý do giúp anh có thể yêu em.  Anh yêu em vì nụ cười của em, nhưng cả tháng nay rồi anh không thấy em cười.  Anh có nên yêu em nữa không? A nh yêu em vì em lạc quan.  Bây giờ anh không yêu em nữa vì lúc nào em cũng nhăn nhó, than vãn.  Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác nhưng giờ đây mọi người lại phải quan tâm đến em quá nhiều.  Anh không nên yêu em thêm nữa.  Đấy chẳng có gì khiến anh phải yêu em vậy mà anh vẫn yêu em.  Em có cần một lý do nào nữa không, em yêu?”

Cô gái bật khóc và chắc chắn cô không còn cần một lý do nào nữa.

Còn bạn, bạn có bao giờ hỏi những người thân của bạn lý do vì sao họ yêu bạn không?  Tình yêu đôi khi không nhất thiết phải cần có một lý do!

Sưu tầm

************************************

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, con không bao giờ thắc mắc “Vì sao Chúa yêu con” vì tình yêu không nhất thiết phải cần có lý do.  Con hoan hỉ chấp nhận việc Chúa yêu con như một việc đương nhiên, như một chân lý phải xảy ra như thế.  Chúa “phải” yêu con vì Chúa là Chúa, là Cha, là Thiên Chúa Tình Yêu cho dù tình yêu có làm Ngài lỗ lã, bị thiệt thòi và hy sinh tính mạng.  Chúa “phải” yêu con cho dù con ngoảnh mặt đi với Ngài.  Chúa “phải” yêu con cho dù con xấu xa đáng ghét.  Chúa “phải” yêu con vì đó là… bổn phận của Chúa.

Nhân ngày lễ Tình Yêu, nhìn ngắm những người đang yêu, được yêu, hoặc đang mong muốn chinh phục tình yêu, họ tìm nhiều cách để biểu hiện tình yêu của mình với đối tượng.  Con ngồi đây, nhìn Chúa, nhìn lòng mình và thắc mắc tại sao con lại không yêu Chúa như Chúa đáng được yêu?  Tại sao con không thể yêu như Chúa đã yêu con?  Tại sao con lại không yêu Chúa hơn các tạo vật khác?  Tại sao chưa bao giờ con tìm cách để biểu hiện tình yêu của mình với Chúa?  Tình yêu không cần lý do để có, nhưng tình yêu cần có sự nuôi dưỡng để phát triển, cần được chăm sóc tỉ mỉ để có thể tồn tại.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho con được sống, Chúa có cần được yêu lại không?  Chúa có cần quà tặng của tình yêu không?  Xin cho con biết câu trả lời trong Ngày Lễ Tình Yêu này với mỗi người chúng con.  Amen!

PHONG CÙI

Sống trên cao nguyên Di Linh thuộc Giáo phận Đà lạt, không ai lại không biết đến trại phong Di Linh, nơi có phần mộ của Đức Cha Jean Cassaigne, vị Tông Đồ Người Cùi tại Việt Nam.

zzThật vậy, Đức Cha Jean Cassaign đã dành trọn cuộc đời của Ngài để sống cho người phong cùi, mang Tin Mừng Ơn Cứu Độ đến cho họ, săn sóc phục vụ họ và rồi Ngài cũng mang vào người căn bệnh hiểm nghèo như họ.  Thân xác của Ngài đã trở nên lở loét và hôi thối vì căn bệnh hiểm nghèo này. Cuối cùng, Ngài đã chết như một người phong cùi tại trại phong Di Linh. Thân xác của Ngài được vùi chôn bên cạnh nhà nguyện của trại phong theo ước muốn của Ngài là luôn được ở bên cạnh những người con phong cùi yêu dấu của Ngài.

Sao lại yêu người phong ? Thú vị gì ?

Sao lại sống chết với người phong ? Lợi lộc chi ?

Sao lại vui sống với người phong trong rừng vắng âm u, trong nghèo đói đọa đầy ? Ý nghĩa gì ?

Chắc hẳn Đức cha Jean Cassaigne đã sống với người phong và đã chết cho người phong chỉ vì ân sủng từ tình yêu và vinh quang của mầu nhiệm Thập Giá.

(Viết theo Simonhoadalat.com)

***

Bạn thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến người phong cùi.  Khi nhìn thấy Chúa Giêsu, anh đã van xin Ngài chữa cho anh lành bệnh: ” Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch “ (Mc.1:40 ). Lời cầu xin của anh là lời cầu xin đẹp nhất, đẹp ở câu nói  “Nếu Ngài muốn”.  Anh cầu xin Chúa cứu giúp và anh đã đặt trọng tâm của lời cầu xin vào “ý muốn của Chúa”, anh coi ý muốn của Chúa cao trọng hơn ý muốn của anh, và to lớn hơn việc anh được khỏi bệnh hay không. Vâng! Nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho tôi được sạch bệnh.

Bạn và tôi, chúng ta đã cầu xin với Chúa ra sao nhỉ ? Đã có lần nào, tôi và bạn cầu xin Chúa với tâm tình của người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay?  Đã có lần nào khi cầu xin, ta đặt ý zzmuốn của Chúa lên trên ý muốn của ta ? Hay là ta muốn Chúa làm theo ý của ta, thay vì ta phải làm theo ý của Ngài ?

Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại rằng: “Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh, và anh được sạch bệnh” (Mc.1:41-42). Chạnh lòng thương nên Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ trong đạo Do Thái để đến gần người phong cùi.  Chạnh lòng thương nên Ngài đã không sợ bị ô uế mà giơ tay đụng chạm vào các vết thương lở loét của anh để chữa lành cho anh.  Chạnh lòng thương nên Ngài đã mang anh về với gia đình, mang anh gia nhập lại vào cộng đoàn xã hội, nơi mà người ta coi anh như người ô uế tội lỗi; như người đã chết rồi .

Niềm vui quá lớn lao khi được chữa lành đã khiến anh không thể im lặng, anh đã rao truyền khắp nơi về người đã chữa cho anh lành bệnh, đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho anh trong xum họp gia đình, trong tái nhập vào đời sống cộng đoàn xã hội.

Ngày nay, mỗi khi lãnh nhận các bí tích, tôi và bạn cũng được Chúa Giêsu đụng chạm đến, cũng được Ngài chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo của linh hồn và có khi cả thân xác nữa.  Ngài ra tay chữa lành cho tôi vì Ngài “chạnh lòng thương”.  Tôi và bạn , chúng ta cảm nghiệm ra sao về ơn được chữa lành ? Ta phải làm gì để đền đáp ơn phúc lớn lao và cao trọng này ?

***

”Nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch”.

Lạy Chúa! Xin cho con biết noi gương bắt chước người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay: Luôn biết chạy đến với Chúa, biết tin tưởng và phó thác vào tình yêu thương của Chúa để con cũng được Ngài chữa lành mọi bệnh tật linh hồn và cả thân xác nữa. Amen .

Linh Xuân Thôn

 

AI YÊU MẾN THẦY…

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật ngày 13 tháng 5, Chúa Giêsu nói những lời tâm huyết nhất với các tông đồ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Một lời ‘tỏ tình’ tha thiết kèm theo một lời hứa ‘trung thành’.

Trên trần gian này, hàng ngày không biết bao nhiêu lần những lời tỏ tình và những lời thề non hẹn biển vẫn xảy ra: “Em là tất cả của anh, anh sẽ yêu em đến trọn đời…” Thế nhưng bao nhiêu mối tình như thế bền vững với thời gian, bao nhiêu người yêu nhau trung thành đến mãn kiếp?  Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy rằng không ít trường hợp mà những lời hứa hẹn tha thiết nhất chỉ là lời nói gió bay.

Tại đại học nọ, có một người con gái mến một cậu trai cùng trường. Ngày đầu tiên gặp anh, chị đã bị thu hút bởi ngoại hình bảnh bao đi đôi với những lời nói dí dỏm duyên dáng.  Tình bạn dẫn đến tình yêu, chị yêu anh tha thiết sau khi nghe những lời tỏ tình và những lời hứa hẹn ngọt bùi.  Vì yêu anh không tính toán nên chị đã hiến dâng cho anh tất cả và mang trong lòng giọt máu của anh trước ngày chị ra trường.  Anh nhận lãnh trách nhiệm làm cha và hai người đã kết hôn với nhau.  Trước tương lai của một gia đình mới không sáng sủa gì, chị trả mọi giá để học cho hết đại học.  Hai người cùng tốt nghiệp, nhưng vì tin tưởng vào tình yêu, chị đã đi làm vất vả để anh tiếp tục học cho đến khi lấy được mảnh bằng luật sư.  Trong những năm tháng sống chung và phục vụ chồng, chị đã sanh thêm một đứa con thứ hai và có mang đứa thứ ba.  Rồi ngày vinh quang đã đến, người chồng thành đạt với tư cách là luật sư có thế giá trong cộng đồng tại Mỹ, nên bận rộn đến độ vắng mặt trong lúc chị đơn độc sanh nở đứa con thứ ba của mình.  Chị vẫn tin vào anh và sẵn sàng đón nhận tất cả vì hạnh phúc của gia đình.

Nhưng sự thật không đẹp như chị tưởng. Từ ngày quen biết chị, anh đã là con người hai mặt.  Những lời đường mật mà anh nói với chị thì anh cũng nói với một người con gái khác, và khi đứa con thứ ba của chị chào đời thì người con gái kia cũng đã có ba đứa con với anh.  Từ lâu chị đã đoán biết được tình trạng bất trung này, nhưng anh vẫn khẳng định rằng chị có một tâm hồn hiền dịu và thông cảm, nên chị là người phụ nữ mà anh không thể thiếu được trên đời.  Chị đã tin vào những lời ngọt ngào ấy, mà chị cho là thành khẩn.  Giờ đây, công thành danh toại, anh không còn lý do gì cần đến cái trái chanh mà anh đã vắt kiệt nước.  Chị đã ‘hết giá trị sử dụng’, nên anh quyết định ly dị cho nhẹ gánh… Những lời nỉ non từ trước đến giờ, chỉ là mánh khoé của một kẻ sở khanh.  Một kết thúc bi đát cho một trong bao nhiêu mối tình bi đát!

***************************************

Những chuyện như trên xảy ra thường xuyên khiến ta dè dặt khi nói đến ‘tình yêu’; nhưng không phải vì thế mà không có những người con gái tin tưởng vào một tình yêu trung thành.

Năm 1944, đúng vào ngày 13 tháng 5 như hôm nay, thành phố Trentô tại Ý bị dội bom khốc liệt. Giữa cảnh tang thương ấy, một nữ sinh viên 24 tuổi, tên là Chiara Lubich, đã vững tin vào lời hứa của ‘người yêu’ mình và thực hiện mọi lời nhắn nhủ.  Người yêu của chị tên là Giêsu Kitô, và lời nhắn nhủ được chị nghe lại ngày hôm ấy là: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy… Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.  Giữ Lời Thầy ư?  Lời Thầy là lời nào?  Chị Chiara lật lại Kinh Thánh và câu đầu tiên chị đọc với một ánh sáng mới, ấy là: “Điều gì con làm cho một anh em bé mọn là con làm cho chính Thầy”.

Sau trận bom, nhà của chị trở thành đống gạch vụn.  Họ hàng thân thích chị trốn lên núi mà trú ẩn, nhưng riêng chị thì ở lại Trentô để giúp đỡ những người ở trong tình trạng quá bi đát.  Giữa thành phố đổ nát, chị gặp một phụ nữ mất trí vì phải chứng kiến cái chết của cả bốn đứa con mình. Chị ôm bà ấy vào lòng để ủi an bà, và qua đó chị nghe được lời kêu gọi phải ôm vào lòng mình trọn vẹn mọi khổ đau của toàn thể nhân loại.  Sau này Chiara Lubich nhiều lần nhắc lại rằng ‘cuộc sống tình yêu của chị với Chúa’ khởi đầu từ giữa những người bất hạnh tại Trentô.

Và ‘Người Tình’ của chị Chiara là một người tình không bao giờ phản bội.  Hơn sáu mươi năm sau, mối tình ấy vẫn còn thắm thiết và trổ sinh không biết bao nhiêu là hoa quả.  Phong trào Focolare (Lửa!) mà chị đã thắp lên từ trong lòng bom đạn, thì giờ đây đã tràn lan khắp thế giới, với hơn hai triệu thân hữu và cảm tình viên.  Làng Loppiano, cái nôi của Focolare, trở thành một đại gia đình mà không biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ và giáo dân đã đến sống một thời gian để cảm nghiệm Tình Yêu Trung Thành của Thầy Chí Thánh thể hiện qua sự hiệp nhất giữa môn đệ Ngài, trước khi tủa đi khắp nơi trên thế gian mà làm chứng cho Tình Yêu này.

Quả thật, Đức Kitô không chỉ là Người Tình tuyệt hảo, mà Ngài chính là Tình Yêu.  Ngài đã đánh đổi cả mạng sống của mình để chứng tỏ tình Yêu Thủy Chung của Ngài đối với nhân loại, và vì ‘yêu thương đến cùng’ nên Ngài đã ‘ở lại’ với các Tông Đồ và những ai ‘yêu mến’ Ngài.  Ngài ‘ở lại cho đến tận thế’ qua Thần Khí của Ngài, và một cách cụ thể là qua Lời Ngài và qua Bí Tích mà Ngài đã trao lại cho Giáo Hội trọng trách giữ gìn từ thế hệ này đến thế hệ kia.

Chị Chiara Lubich đã hiến trọn cuộc đời mình cho Người Yêu thiêng liêng thánh thượng đó, và chị đã được gì?  Hãy nghe lời chị nói:

Vì Chúa Giêsu hiện diện, vì Ngài ở giữa chúng tôi và trong chúng tôi, nên chúng tôi không thể nào không cảm nhận sự hiện diện của Ngài.  Chúng tôi cảm nhận Niềm Vui mà chúng tôi chưa từng bao giờ có được, chúng tôi cảm nghiệm một niềm Bình An và Nhiệt Tình mới; một Ánh Sáng đã bừng lên để soi rọi linh hồn chúng tôi.

Và vì chúng tôi Hiệp Nhất với nhau cùng với Chúa Giêsu ở giữa, nên thế giới chung quanh chúng tôi đã hoán cải.  Chúa đã nguyện cầu với Cha: “Xin cho họ nên một ngỏ hầu thế gian tin”. Nhờ đó, nhiều người khám phá ra Thiên Chúa lần đầu tiên, và nhiều người khác đã trở về với Chúa.”

***************************************

Hai loại tình yêu, hai kết quả trái ngược.  Một tình yêu đem lại sầu khổ, đau đớn, đổ vỡ, rồi chia lìa; một tình yêu đem lại Niềm vui, Bình An, Ánh Sáng và Hiệp Nhất.  Những lời hứa của một ‘người yêu’ ở thế gian có thể là một lời chân thành nhưng cũng có thể là một lời nói cửa miệng; còn lời hứa của Chúa Giêsu thì chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Ngày hôm nay, Chúa lặp lại lời nhắn nhủ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”  Ngài đang hứa với bạn và tôi cũng như từng hứa với chị Chiara Lubich.  Chị đã nghe, chị đáp trả và cuối cùng đã cảm nhận được sự hiện diện của Ba Ngôi trong lòng mình. Còn bạn và tôi thì sao?  Chúng ta có thực lòng tin và mong những gì Ngài hứa để rồi chính chúng ta cũng ‘giữ lời Ngài’ bằng cách thí mạng sống mình mà ‘làm chứng’ cho Ngài trong những biến cố nhỏ nhất hằng ngày không?  Làm sao để lời hứa ‘Ai yêu mến Thầy…’ sẽ không đau đớn trở thành câu hỏi: ‘Ai yêu mến Thầy’?

Trần Duy Nhiên

 *********************************

zzAi yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”  Lạy Thầy Chí Thánh Giêsu, con tin rằng nếu không có lòng yêu mến thì sẽ không thể trải dài tâm tình mến yêu như ở trên đây được.  Hôm nay, Thầy đã gọi người con đáp trả tình yêu mến đó, linh hồn Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên, về với Thầy.  Xin Thầy và Chúa Cha dang rộng trái tim yêu thương để đón nhận người đã từng tin tưởng vào lời hứa của Thầy khi xưa và hăng say rao truyền lời hứa đó cho thế gian.  Thiên Quốc thêm được một bông hoa tô điểm trong vườn ngự uyển, còn chúng con thì mất đi một người thầy, người bạn, một chứng nhân cho Tin Mừng giữa đời thường.  Xin bù đắp cho Giáo Hội Việt Nam trước sự ra đi của một tông đồ đầy nhiệt huyết.  Xin ban ơn an ủi cho gia đình trước nỗi mất mát lớn lao này.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

 

 

CAN ĐẢM VÀ CẢM THÔNG

Có một người thanh niên nọ chán chê cảnh đời, đã tìm đến với vị thiền sư.  Người thanh niên thưa với vị thiền sư như sau:

Thưa ngài, con đang chán đời.  Con muốn được giác ngộ để thoát khỏi cảnh đời lầm than.  Nhưng con không thể sống khắc khổ ngồi thiền lâu giờ được.  Trước sau gì rồi con cũng vấp ngã lại.  Thầy có thể chỉ cho con một con đường nào đó ngắn và đơn giản nhất không?

Vị thiền sư liền quả quyết:

Dĩ nhiên là có, nếu anh thực sự có quyết tâm.  Nhưng trước hết anh hãy cho tôi biết là anh có chuyên môn nào và anh có khả năng tập trung tư tưởng vào khả năng chuyên môn đó không?

Người thanh niên trả lời:

Con chẳng có nghề ngổng gì cả.  Gia đình con giàu có, cho nên con không phải làm gì.  Chỉ có một điều con có thể tập trung tâm trí vào là đánh cờ.  Con đã ngồi hàng giờ trước bàn cờ.

Vị thiền sư suy nghĩ một lúc rồi nói với một vị tu sĩ trong thiền đường như sau:

zzThầy đã hứa tuân phục tôi như là bề trên của thầy.  Và giờ đây tôi yêu cầu thầy hãy thực thi sự vâng lời đó đối với tôi.  Thầy hãy ngồi vào bàn cờ và thi đấu với người thanh niên này.  Nếu thầy thua, tôi sẽ chém đầu thầy với thanh kiếm này.  Dĩ nhiên thầy sẽ được lên Niết Bàn.  Còn nếu thầy thắng, tôi sẽ lấy đầu người thanh niên này.  Ðấu cờ là môn duy nhất mà người thanh niên này đã tập luyện suốt đời.  Nếu anh ta thua, anh ta sẽ phải mất đầu thôi.

Người tu sĩ lẫn người thanh niên đều hiểu rằng vị thiền sư sẽ không đùa cợt trong những lời lẽ vừa rồi.

Cuộc thi đấu bắt đầu.  Cả hai người đều đắn đo từng bước một.  Nhưng chỉ vài nước cờ, người thanh niên đã ở thế thượng phong.  Nhưng lạ lùng thay nhìn sang người tu sĩ, anh không thấy có bất cứ nét bối rối nào hiện lên trên khuôn mặt.  Những năm tháng dài tập luyện và sống khắc khổ đã làm toát lên trên gương mặt của vị tu sĩ sự thanh thản và an bình.

Người thanh niên bỗng nhìn lại quãng đời đã qua của mình.  Anh đã phung phí tiền của và sức lực để chạy theo những phù phiếm.  Cuộc sống của anh quả là một cuộc sống không đáng sống.  Tự nhiên sự kính phục và cảm thông dâng trào trong anh.  Anh liền quyết định nhường bước cho vị tu sĩ.  Từ thế thượng phong, anh dần dần tự đặt mình vào thế bị tấn công.

Theo dõi cuộc thi đấu, vị thiền sư nắm bắt được từng chuyển vận trong tâm tư của người thanh niên. Ông ra lệnh cho ngưng cuộc đấu.  Rồi tuyên bố:

Không có ai thắng ai thua cả.  Cũng chẳng có chiếc đầu nào phải rơi ở đây.  Tôi chỉ xin hai điều…

Nói tới đó, ông liền quay sang người thanh niên và nói tiếp:

Một là tập trung tư tưởng hoàn toàn.  Hai là niềm cảm thông. Hôm nay, anh đã học được cả hai điều đó. Anh đã hoàn toàn tập trung vào trận đấu.  Nhưng trong sự tập trung ấy, anh đã cảm nhận được lòng cảm thông và muốn hy sinh chính mạng sống của anh.  Anh có thể ở lại với chúng tôi vài tháng để tập luyện theo tinh thần ấy.  Chắc chắn anh sẽ được giác ngộ.

*********************************

Quý vị và các bạn thân mến,

Tính hướng thiện, lòng can đảm, sự thanh liêm, lòng cảm thông hẳn luôn luôn có trong đáy thẳm tâm hồn mỗi người.  Ðó có thể là bài học mà chúng ta có thể rút ra được từ câu chuyện trên đây.

Chính từ trong đáy thẳm tâm hồn mà như có tiếng gọi thúc đẩy chúng ta mở ra để chia sẻ san sớt với những người túng cực hay bênh đỡ kẻ cô thế.

Chính từ đáy thẳm ấy mà chúng ta nghe được như thôi thúc để reo vui khi gặp được hạnh phúc và để đau buồn trước nỗi khổ của người đồng loại.  Hẳn không cần phải là một bậc đại thánh mới có thể làm được những hy sinh vĩ đại, sự cảm thông và tình yêu không nhất thiết phải được biểu lộ bằng những việc phi thường.  Những dịp để bày tỏ sự tha thứ đến bất cứ lúc nào trong cuộc sống mỗi người.  Mỗi lần chúng ta làm một nghĩa cử là một lần chúng ta góp phần xây dựng một thế giới đáng sống hơn.

*********************************

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh của Chúa.  Chúa đã đặt để trong chúng con một quả tim biết yêu thương.  Cuộc sống của chúng con chỉ có ý nghĩa khi chúng con biết sống theo ơn gọi ấy.  Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa và không ngừng đáp trả lại bằng những nghĩa cử yêu thương. Amen.

R. Veritas