NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH: 5 XU

Tình thế thật tuyệt vọng.  Ngay ngày đầu tiên vào lớp bảy, Willard P. Franklin đã thu mình trong một thế giới riêng.  Nó đóng sập cánh cửa tình cảm đối với các bạn trong lớp, và cả với tôi, thầy giáo của nó.  Nỗ lực tạo ra một mối quan hệ thân thiện của tôi chỉ gặp phải sự thờ ơ lạnh nhạt.

Ngay cả mỗi khi tôi chào buổi sáng cũng chỉ được đáp lại bằng những tiếng ừ hử.  Bạn bè thì hoảng sợ. Willard cô đơn tuyệt đối, nó không thấy cần thiết phải hạ thấp cái rào cản của sự im lặng mà nó đã dựng lên – nhưng tôi biết chắc chắn không phải đó là cách nó muốn chơi nổi hay gây sự chú ý.

Sau dịp lễ Tạ ơn vài ngày, chúng tôi nhận được thông báo về sự quyên góp cho lễ Giáng Sinh.

“Giáng Sinh là dịp lễ để chúng ta trao tặng,” tôi nói với lũ trẻ trong lớp.  “Có thể có ai đó đang học ở đây không được hưởng một mùa Giáng Sinh hạnh phúc.  Bằng việc đóng góp, chúng ta sẽ giúp mua thức ăn, quần áo và đồ chơi cho những người thiếu thốn đó.  Các em có thể mang phần của mình đến vào ngày mai.”

Vào ngày hôm sau, khi tôi hỏi về chuyện quyên góp, tôi phát hiện ra rằng tất cả mọi người đều quên béng đi mất – tất cả mọi người, trừ Willard P. Franklin.  Thằng bé thọc tay rất sâu trong túi quần trong lúc chậm chạp bước lên bàn tôi.  Nó cẩn thận bỏ vào lọ một đồng năm xu.

“Em không cần uống sữa vào giờ ăn trưa,” nó lầm bầm. Trong một khoảnh khắc, chỉ một giây ngắn ngủi, nó mỉm cười.  Tôi đứng nhìn nó quay về chỗ.

Chiều tối hôm đó, sau giờ học, tôi lấy chỗ tiền quyên góp ra – một đồng năm xu – và đưa cho thầy hiệu trưởng.  Tôi không thể không kể cho thầy nghe về cá tính của người đã đóng góp số tiền ít ỏi đó.

“Không biết đúng không, nhưng tôi tin rằng Willard đã sẵn sàng hội nhập với thế giới xung quanh,” tôi nói với thầy hiệu trưởng.

“Vâng, tôi cũng hy vọng vào điều đó,” ông gật đầu. “Và tôi còn có linh cảm rằng chúng ta cũng thấy hài lòng khi cậu bé cho chúng ta được chia sẻ chút đỉnh vào cái thế giới riêng của nó.  Tôi cũng vừa nhận được danh sách của những gia đình nghèo trong trường đang cần giúp đỡ trong mùa Giáng Sinh. Xem thử đi.”

Và khi liếc qua, tôi nhận thấy rằng Willard P. Franklin và gia đình của mình được xếp đầu danh sách.

Không có ai quá khó khăn đến nổi không thể giúp người khác.  “Hãy yêu mến người thân cận như chính mình” ngay từ Giáng Sinh năm nay bạn nhé.

Sưu tầm

Ý NGHĨA SÂU XA CỦA HANG ĐÁ BÊ-LEM

Biến cố lịch sử Chúa Giáng Sinh và Hang đá Bê-lem là hai sự kiện luôn gắn chặt với nhau bất khả tách rời, đến nỗi người ta không thể tưởng tượng được một Lễ Giáng Sinh mà lại thiếu sự hiện diện một Hang đá tại các Giáo đường cũng như tại đa số các gia đình.  Nhưng một điều mà nhiều người chưa hiểu rõ được về Hang đá Bê-lem, nơi Chúa giáng sinh, đó là ý nghĩa đặc trưng của những hình tượng được trình bày trong đó.

Trước hết các kiểu cách và hình thức trưng bày Hang đá trên thế giới rất đa dạng và phong phú, tùy thuộc vào quan niệm và truyền thống văn hóa của các dân tộc.  Nhưng tất cả mọi trưng bày về Hang đá đều mang một nội dung đồng nhất:  Trình bày quang cảnh mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh!

Về nguồn gốc sự trưng bày Hang đá Bê-lem người ta có thể nói được rằng, đó là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi.  Vào năm 1223 trước khi thuyết giảng ở Greccio về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nghèo hèn, thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một Hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa.  Từ thế kỷ XV, các hình tượng bằng nhựa được tưng bày đầy đủ để mọi người có thể chiêm ngắm.  Nhưng một điều mà nhiều người chưa biết rõ được là những hình tượng được trưng bày trong Hang đá Giáng Sinh còn mang những ý nghĩa rất sâu xa, chứ không chỉ dừng lại nơi hình thức trình diễn nghệ thuật mà thôi.  Mỗi hình tượng có một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt.

1) Chúa Hài Đồng

Hình tượng nhỏ nhất trong Hang đá phải kể là tượng Chúa Hài Đồng, và tuy nhỏ nhất nhưng lại là trọng tâm của Hang đá, được đặt nằm trong một chiếc máng ăn của loài vật lót đầy cỏ khô và được bọc một chiếc khăn trắng.  Chiếc máng ăn của chiên bò và nắm cỏ khô lót trên đó là tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ, đến trở thành vô sản đúng nghĩa.  Còn chiếc khăn trắng bọc lấy Hài Nhi Giêsu là dấu hiệu báo trước chiếc khăn trắng liệm xác Người sau cái chết thảm thương trên núi sọ vì tội lỗi nhân loại.

2) Mẹ Maria

Từ năm 1400 trở đi, tượng Mẹ Maria được trưng bày trong Hang đá như một người Mẹ đang chìm sâu vào trong sự thờ lạy và suy ngắm mầu Giáng sinh của Chúa Cứu Thế mà Mẹ đã từng được diễm phúc cưu mang và sinh hạ.  Nhưng lòng Mẹ Maria cũng không tránh được những băn khoăn lo âu như bao người mẹ khác khi sinh con đầu lòng, với những tư tưởng buồn vui lẫn lộn, chẳng hạn như: rồi đây Con Mẹ sẽ lớn lên thế nào trong một gia đình vô sản như gia đình Mẹ và Thánh Giuse, trăm bề thiếu thốn nghèo nàn?  Hay: Con Mẹ sẽ sống ra sao trong một thế giới thiếu tình người và chỉ biết ích kỷ, hận thù và ghen ghét?  Đó là tất cả những điều được trình bày trên nét mặt đầy suy tư của tượng Mẹ Maria.  Dĩ nhiên, tuy Mẹ băn khoăn suy nghĩ, nhưng Mẹ không buồn phiền thất vọng, vì Mẹ tín thác tất cả cho sự quan phòng của Thiên Chúa tình thương.

3) Thánh Giuse

Thánh Giuse mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho thánh nhân.  Đó là bảo vệ Con Một của Người, Ấu Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của cả nhân loại cùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thánh của Người. Chiếc đèn thắp sáng mà thánh nhân cầm trong tay muốn nói lên sứ mệnh săn sóc gìn giữ Chúa Hài Đồng Giêsu, ánh sáng vĩnh cửu “chiếu soi mọi người đang ngồi trong bóng tối sự chết”. Tượng Thánh nhân được đặt đứng ở phía phải, bên cạnh các con bò và đang chiêm ngắm Chúa Hài Đồng với vẻ mặt vui sướng và tin tưởng.

4) Các Thiên thần

Trong đêm Thiên Chúa giáng sinh trong hang chiên lừa xa xôi hẻo lánh, thiếu bóng người qua lại thăm viếng, nhưng ca đoàn các Thiên Thần từ trời cao hiện đến thờ lạy và ca hát mừng Chúa Hài Đồng với những điệu nhạc thiên đàng du dương huyền diệu: “Gloria in excelsis Deo”: Vinh Thiên Chúa trên chốn trời cao thẳm!  Chính các Thiên thần là những vị đã báo tin cho các chú mục đồng đang ngủ vùi trong đêm đông về tin vui hồng ơn cứu độ của nhân loại.

5) Các Mục đồng

Các chú mục đồng với nét mặt vô cùng vui mừng và ngạc nhiên chiêm ngắm Ấu Chúa Giêsu mới giáng sinh, họ là biểu tượng cho từng lớp nhân loại nghèo hèn mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Chính họ là đối tượng được Chúa Cứu Thế sau này yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì “họ sẽ chiếm hữu được Nước Thiên Chúa làm của mình”.  Chính Người đã muốn trở nên một người trong họ và hoàn toàn đứng vào hàng ngũ của họ qua sự sinh hạ trong cảnh cực kỳ thiếu thốn nghèo hèn.  Hơn thế nữa, Người đã tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: “Những gì các ngươi làm hay không làm cho một kẻ nghèo hèn bé mọn nhất, là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta vậy.”

6) Các con bò và lừa

Các con loài vật thực sự là “các bầy tôi” dễ thương phục dịch cho Ấu Chúa Giêsu, Vua của các vua, ngay từ giờ phút đầu tiên khi Người cất tiếng chào đời.  Những con bò tượng trưng cho Do-thái giáo đang phải gồng mình dưới sức nặng của Luật pháp, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực.  Còn những con lừa tượng trưng cho dân ngoại đang phải mang kiếp con vật chuyên chở trên mình bao gánh nặng tội lỗi, trong đó có gánh nặng nề nhất là tội không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất và Tạo Hoá muôn loài.  Nhưng những con lừa cũng tượng trưng cho sự lao công và sự thờ tự.  Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn nói lên rằng Đức Kitô gánh vác mọi tội lỗi nhân loại và sau cùng sẽ hiến tế thân mình làm lễ đền tội cho họ.

7) Ba Vua

• Melchior quì gối dâng lên Ấu Chúa Giêsu vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang.  Ông là một người Âu Châu.
• Balthasar đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện.  Ông là người Á Châu.
• Caspar là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết.  Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.
• Một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ít khi được nhắc đến và được trưng bày trong Hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.

Ở Đức quốc, hằng năm vào dịp Lễ Chúa Hiển Linh hay cũng được gọi là Lễ Ba Vua, tất cả các thiếu niên Công Giáo trong các Giáo Xứ và Giáo Họ trên toàn quốc tổ chức thành các nhóm nhỏ – gồm có ba em đóng vai ba vị vua, một em cầm ngôi sao lạ đi đầu và một em cầm bị đựng tiền – để đi thăm viếng tất cả mọi gia đình trong Giáo xứ, mang đến cho họ sứ điệp Giáng Sinh và đồng thời lạc quyên tiền bạc cho các trẻ em ở các nước nghèo, mỗi năm số tiền lên tới từ 40 đến 50 triệu Euro.  Khi đến thăm các gia đình như thế, các em đã viết lên cửa nhà các gia đình dấu hiệu: 20+C+M+B +08.  Đó là tên Ba Vua như đã nói trên.  Nhưng ý nghĩa thực sự của ba chữ viết tắt đó là câu chúc lành bằng tiếng La-tinh: “Christus mansionem benedictat”-2008: xin Chúa Kitô chúc lành cho nhà này trong năm 2008.

8) Các hình tượng khác

Tùy theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền, người ta còn trưng bày trong Hang đá những hình tượng khác nữa, mặc dù trên thực tế những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong số các hình tượng của Hang đá, nhưng mỗi hình tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc.  Ví dụ: tượng bác nông phu đang cầm cày, tượng trưng cảnh thiên nhiên chốn thiên đàng trong Đêm Giáng Sinh.  Bác tiều phu, tượng trưng cho người quản trị những mầu nhiệm nguyên thuỷ của nhân loại, mà ngày nay trong thời đại kỹ thuật đã bị đào thải.  Bác ngư phủ tượng trưng cho sự cứu thoát đã được thực hiện.  Và sau cùng là các nhạc công tượng trưng cho sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Nguyện xin Chúa Hài Đồng, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, ban cho quý vị và các bạn một Lễ Giáng Sinh đầy ơn phúc Thiên đàng và niềm vui tâm hồn.

Lm Nguyễn Hữu Thy – VietCatholic News

TRUYỀN TIN

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc.1:38)

Bạn thân mến ! Trên đây là lời nói “Xin Vâng” mà Đức Maria đã thân thưa lên cùng Thiên Chúa trong ngày xứ thần Gabrien truyền tin cho Đức Maria cách đây hơn hai ngàn năm về trước, ngày mà mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria đã thực sự bắt đầu.

Khi suy gẫm về Mầu Nhiệm Nhập Thể,  ta thường nghĩ ngay tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem.  Thật ra mầu nhiệm Nhập Thể đã bắt đầu ngay từ giây phút Truyền Tin,  giây phút mà  Đức Maria nói lên hai tiếng xin vâng trước Thánh Ý Thiên Chúa.

Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác. Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới, đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi, đã đem lại cho muôn dân muôn nước niềm hy vọng và bình an.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hủy thân phận mình là Thiên Chúa, là  đấng “tạo hoá” đầy quyền năng để trở thành một “tạo vật” với một hai tế bào nhỏ bé trong cung lòng Trinh Nữ Maria.  Với hai tiếng “Xin Vâng”, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi, lớn lên trong lòng Đức Mẹ như bao nhiêu con người bình thường khác.

Mẹ Maria đã nói lời xin vâng để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa trong ngày truyền tin.  Mẹ Maria không chỉ nói lời xin vâng một lần với Thiên Chúa, không chỉ thốt lên một lần để thay cho tất cả, nhưng lời xin vâng đã đi theo suốt cuộc đời của Mẹ, đã liên lỉ gắn bó trong trọn một kiếp người.

Với hai tiếng xin vâng, Mẹ Maria đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đã cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc.  Từ tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “Xin vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá Đức Giêsu.  Mẹ đã chấp nhận đứng dưới chân Thập Giá để dâng hiến Người Con Duy Nhất của Mẹ lên cho Thiên Chúa Cha.

Không phải chỉ có Đức Maria được mời gọi, mà mỗi người chúng ta cũng đều được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hôm nay cũng đều được Thiên Chúa viếng thăm và truyền tin trong từng ngày, từng biến cố của cuộc sống.  Ước chi ta có trái tim rộng mở của Đức Maria, có tâm hồn vâng phục trong khiêm nhường của người trinh nữ nơi thôn làng Nadarét để luôn biết “Xin Vâng” trước những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Mùa vọng với biến cố Truyền Tin được nhắc đến trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, phải chăng đó lại là một “cơ hội thuận tiện” để tất cả chúng ta hăng hái lên đường đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng : ăn năn sám hối, chay tịnh và chia sẻ.

Sống mầu nhiệm “Truyền Tin” phải chăng đó là biết can đảm  để “xin vâng” trước lời mời gọi của Tin Mừng, “xin vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, “xin vâng” trước bệnh tật đói nghèo mà vẫn bình an thanh thản, “xin vâng” trước những đòi hỏi phải hy sinh, chối từ để giữ tâm hồn trong sạch, lương tâm công chính, “xin vâng” trước những bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi phải đầu tắt mặt tối, tất bật vất vả với nước mắt mồ hôi, “xin vâng” khi phải cúi xuống để rửa chân cho anh em, hay phải đứng lên để can đảm bênh vực cho công bằng và chân lý, cho hòa bình và bác ái, cho dù phải mất mát thiệt thòi hay ngục tù tử đạo. 

***************

Lạy Mẹ Maria!  xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương bắt chước Mẹ nói lời “xin vâng” trong suốt cuộc lữ hành trần thế này.  Xin Mẹ cho con biết mở lòng và cộng tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen

Trích từ R. Veritas

SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH CỦA VỢ HIỀN QUÁ CỐ

… Tôi trở lại Paris sau thời gian dài vắng nhà.  Trên xấp thư để nơi bàn, tôi chú ý ngay tấm thiệp với chữ “khẩn”, được gạch dưới hai lần.  Tấm thiệp của Marco.  Chàng có dịp đến thủ đô Paris và ngỏ ý muốn gặp tôi.  Từ mấy chục năm qua, chúng tôi bặt tin nhau.  Marco là chồng của Isabella, bạn gái tôi.  Nàng bị mật vụ đức quốc xã giết tại Varsava, thủ đô Ba Lan, vào đầu năm 1944.  Giờ đây nhìn nét chữ Marco, lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ lại bao kỷ niệm thời xuân trẻ.

Marco và Isabella là cặp tình đặc biệt.  Isabella vừa đẹp vừa đoan trang.  Nàng sống trọn vẹn niềm tin Kitô.  Marco là thanh niên vô thần.  Khi đôi bạn tuyên bố lấy nhau, nhóm sinh viên Công Giáo chúng tôi hết sức ngạc nhiên.  Marco dõng dạc tuyên bố:

– Chúng tôi tôn trọng quan điểm riêng của mỗi người.

Lễ thành hôn diễn ra vào tháng 5 năm 1939.  Bốn tháng sau, thế chiến thứ hai bùng nổ.  Chúng tôi tản mác mỗi người một phương.  Mãi đến năm 1945, tôi mới biết Isabella bị giết.

***************

…Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau.  Tôi hồi hộp muốn biết rõ về cái chết của Isabella, và về cuộc sống hiện tại của Marco.  Sau khi nghe tôi kể chuyện, Marco bắt đầu nói về người vợ hiền quá cố như sau.

Khi chiến tranh xảy ra, ngôi biệt thự chúng tôi ở thủ đô Varsava trở thành nơi gặp gỡ lén lút của nhóm kháng chiến.  Tiếp đến là trung tâm in lậu các tờ báo chống Đức.  Isabella là con tim của tất cả các hoạt động này.  Tôi bận việc nơi công xưởng.  Nàng ở nhà và lao mình vào việc phổ biến sách báo in lậu.  Tôi biết rõ việc nàng làm, nhưng không dám ngăn cản.  Một ngày tháng 12 năm 1943, tôi nói cho nàng biết nỗi lo sợ của mình:

– Anh sẽ ra sao nếu người ta giết em?

Nhìn thẳng vào mắt tôi, nàng âu yếm trả lời:

– Nếu em chết, em sẽ trở lại nói cho anh biết là có đời sau!

Tôi chỉ im lặng nhún vai nghi ngờ.  Đối với tôi lúc đó, chết là hết! Vài ngày sau, nàng bị bắt lúc đang phân phát các sách báo kháng chiến.  Nàng bị đưa đến nhà tù khủng khiếp nhất của Đức quốc xã ở thủ đô Varsava và bị tra tấn dã man.  Sau đó xác nàng bị vứt ra nơi bãi xác công cộng.  Khi đứng trước thân xác – trước đó tuyệt đẹp – giờ chỉ còn là đống thịt nhầy nhụa, tôi bỗng như người bị rơi xuống vực sâu.  Có điều lạ lùng, cho đến lúc đó, tôi hoàn toàn không tin linh hồn bất tử, tôi bỗng tin nhận rằng, chết không phải là hết!.

***************

Sau cái chết của vợ hiền, tôi mất trí và được đưa vào nhà thương điên.  Chỉ một tư tưởng duy nhất ngày đêm ám ảnh tôi:  “Nàng hứa sẽ tỏ dấu cho tôi biết.  Nếu linh hồn nàng bất tử, nàng sẽ giữ lời hứa!”

Tôi được chữa trị trong vòng hai năm.  Ngày 15-12-1945, tôi rời bệnh viện tâm thần.  Mấy người bạn thân có nhã ý mời tôi đến Gorbi, gần thành phố Kielce, nơi chúng tôi hưởng tuần trăng mật lúc vừa lấy nhau.  Bao kỷ niệm êm đềm hiện về xâu xé lòng trí tôi.

Ngày vọng Lễ Giáng Sinh năm đó, 24 tháng 12, khoảng 10 giờ sáng, tôi rời nhà đi lang thang trong cánh đồng phủ tuyết trắng tinh.  Tôi buồn vô cùng và lẩn quẩn ý muốn tự tử.  Bỗng phép lạ xảy ra.

Một người đàn ông đang khó nhọc bước về hướng tôi.  Khi chạm mặt tôi ông hỏi:

– Không rõ ông có biết một người ở đây tên là Marco .. không?

Tôi đáp ngay:

– Chính tôi.

Ông ta mừng rỡ nói:

– May quá! Tôi mang đến cho ông sứ điệp của vợ ông!

Ông ta không để ý phản ứng “chết đứng” của tôi lúc bấy giờ.  Ông đút tay vào túi áo trong, rút ra một phong thư, đưa cho tôi và nói:

– Nàng trao cho tôi hôm trước ngày bị hành quyết. Lúc đó tôi là y sĩ được gọi đến dãy nhà giam phụ nữ.  Nàng nói với tôi:  “Bằng mọi giá, xin ông làm ơn trao thư này tận tay chồng tôi.  Tôi sẽ cầu nguyện để ông không gặp chuyện chẳng lành”.  Lúc đó tôi còn là đảng viên cộng sản.  Vậy mà tôi đã hứa với nàng và tôi đã giữ lời hứa.  Tôi cẩn thận mang lá thư trong mình như chiếc bùa hộ mệnh.  Và suốt hai năm qua, tôi gặp không biết bao khốn cực, nhưng tôi đã thoát qua hết!  Tôi không biết diễn tả như thế nào.  Nhưng hiền thê ông đúng là người đàn bà đức hạnh và phi thường.  Bà đã làm vẻ vang cho giống nòi và cho dân tộc Ba Lan.  Từ ngày hân hạnh biết bà, tôi mới tin rằng, chết không phải là hết!

Tôi mời vị ân nhân đến nhà nhưng ông lễ độ từ chối và nói:

– Rất may tôi gặp ông ở đây. Ông thấy không, tôi nhất định trao cho ông bức thư này, chính ngày hôm nay.  Đó là món quà Giáng Sinh của vợ ông. Thôi, chào ông.

***************

Kể đến đây, Marco rút trong túi áo tờ thư đã cũ và trao cho tôi.  Tôi cảm động đọc những hàng chữ sau đây:

“Marco, ngày mai mọi sự sẽ hết.  Hay nói cho đúng, mọi sự sẽ bắt đầu.  Tha thứ cho em vì đã đột ngột từ biệt anh như thế.  Em nghĩ đến nỗi cô đơn vô bờ của anh sau khi em chết.  Nhưng em sẽ cầu nguyện thật nhiều cho anh để anh hiểu và đón nhận Đức Tin.  Điều người ta gọi là CHẾT, thật ra là cuộc SINH RA mới.  Em sẽ ở trong Tình Yêu của Chúa.  Và với tình yêu, không gì không thể làm được!  Em yêu anh: Không phải chỉ ở trần gian này, mà còn hơn thế nữa, trong thế giới bên kia.  Bắt đầu từ ngày mai, sẽ là hiện tại vĩnh cửu.  Em biết rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời em cầu xin.  Chúa đã hứa, bởi vì em cầu xin ơn cứu độ cho anh nhân danh Người…  Marco anh à, điều gì em không làm được nơi trần gian, em sẽ làm trên Thiên Quốc.  Với Chúa, anh sẽ tìm thấy An Bình và Niềm Vui…

Xin anh tha thứ vì em đã không sinh đứa con nào cho anh.  Nhưng anh biết đó, sau cuộc chiến này, sẽ có nhiều đứa trẻ không cha không mẹ… Em trìu mến hôn anh.  TẠM BIỆT ANH!”.

Đọc xong thư, tôi nghẹn ngào, không thốt được lời nào. Marco mỉm cười nhìn tôi và nói:

– Bạn biết không, bức thư của vợ hiền quá cố nhận được vào buổi sáng Vọng Lễ Giáng Sinh, đã biến đổi hẳn con người tôi. Bây giờ tôi mong ngày hội ngộ trên Thiên quốc và cố gắng sống xứng đáng với người phụ nữ, mãi mãi là hiền thê đức hạnh của tôi!

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

HOA HỒNG TRONG ĐÊM GIÁNG SINH

Tuyết đang rơi.  Bobby đang ngồi ở khoảng sân sau nhà, nó thấy lạnh hơn.  Bobby không mang giày ống cao.  Nó không thích, mà nó cũng chẳng có đôi nào.  Chiếc áo khoác mỏng tanh không đủ giữ ấm cho Bobby.  Nó lạnh lắm.

Tuyết vẫn không ngừng rơi.  Hơn một giờ trôi qua, nó nghĩ mãi chưa ra món quà Giáng sinh tặng mẹ.  “Ôi, thật là chán. Giờ đây nếu có nghĩ ra mua gì thì mình cũng đâu có tiền mà mua.”  Nó lắc đầu, mặt buồn rười rượi.

Đã ba năm kể từ khi bố nó qua đời.  Ba năm qua, cả nhà năm miệng ăn đánh vật từng ngày với cuộc sống.  Không phải vì mẹ nó không quan tâm, mà chỉ vì không biết bao nhiêu mới đủ.  Mẹ làm cả ca đêm ở bệnh viện, nhưng đồng lương nhỏ bé cũng chỉ đủ chống chọi qua ngày.

Càng thiếu tiền và những thứ khác, cả nhà càng thương yêu và bảo bọc nhau hơn.  Cùng với anh chị và một đứa em, Bobby đảm trách mọi việc nhà khi mẹ vắng.  Ba chị em gái của nó đã chuẩn bị những món quà Giáng sinh rất dễ thương cho mẹ rồi.  Còn Bobby thì vẫn tay trắng, dù bây giờ đã là đêm Giáng sinh.

Lau vội dòng nước mắt, nó đá chân vào tuyết và đi xuống phố, nơi các cửa hiệu đang lấp lánh ánh đèn màu và nhộn nhịp tiếng nhạc Giáng sinh.  Một thằng bé sáu tuổi mồ côi cha, sao giờ đây nó thấy rất cần một người đàn ông để chuyện trò.  Nhưng sao khó quá!

Bobby đi dọc theo các cửa hiệu, nhìn đăm đắm vào những tủ kính được trang trí thật lộng lẫy. Mọi thứ sao mà đẹp đến thế, mà cũng xa tầm tay nó đến thế!  Trời tối dần. Bobby đành phải quay về nhà.  Bỗng mắt nó bắt gặp một tia sáng nhỏ từ phía chân tường.  Nó cúi xuống và phát hiện ra đó là một đồng tiền sáng chói.

Giây phút đó, Bobby như thấy mình là kẻ giàu có hạnh phúc nhất thế gian . Một làn hơi ấm chạy dọc cơ thể.  Nó chạy nhanh về phía cửa hiệu đầu tiên nó nhìn thấy.  Nhưng rồi lòng phấn khích bỗng tan thành mây khói khi người chủ hiệu bảo rằng nó sẽ chẳng mua được thứ gì với đồng tiền này.

Nó trông thấy một hàng hoa và quyết định bước vào trong chờ tới lượt mình.

“Gì vậy cháu?”, người bán hoa hỏi.

Bobby chìa đồng xu ra và nói rằng liệu nó có thể mua một bông hoa làm quà Giáng sinh cho mẹ không.

Người bán hoa nhìn vào đồng 10 xu.  Đặt tay lên vai thằng bé, ông trả lời: “Hãy đợi ở đây.  Để chú xem chú có thể giúp cháu được gì nhé!”.

Đứng đợi, Bobby nhìn những bông hoa đầy màu sắc xung quanh.  Dù là một thằng con trai nhưng nó có thể tưởng tượng được rằng mẹ và các chị em gái nó yêu những bông hoa như thế nào.

Tiếng cánh cửa đóng lại của người khách cuối cùng đưa Bobby trở về với hiện tại.  Chỉ còn một mình trong cửa hiệu, nó cảm thấy cô đơn và hơi chút lo sợ.

Bỗng người bán hoa xuất hiện, đi tới quầy.  Ông lấy lên mười hai bông hồng đỏ thắm, với những cành lá xanh điểm xuyến những chấm hoa trắng li ti, được bó lại với một chiếc nơ bạc thật xinh.  Tim Bobby như lặng đi khi người chủ hiệu đặt bó hoa vào một chiếc hộp màu trắng trong.

“Đây, của cháu đây.  Tất cả là 10 xu.” Ông nói rồi chìa tay ra.  Bobby đưa đồng xu một cách rụt rè.  Ôi, không biết mình có nằm mơ không đây?  Ai lại bán cả một bó hoa tuyệt đẹp thế kia với chỉ 10 xu cơ chứ!  Dường như cảm nhận được vẻ lưỡng lự của thằng bé, người chủ hàng hoa nói: “Chú đang bán giảm giá mười hai bông 10 xu, cháu có thích chúng không nào?”.

Nghe vậy, Bobby không còn ngần ngại nữa.  Khi chạm tay vào chiếc hộp dài xinh xắn, nó mới tin rằng đó là sự thật.  Bước ra khỏi hàng hoa, nó còn nghe giọng người bán hoa gọi với theo, “Giáng sinh vui vẻ nhé, con trai!”.

Người bán hoa quay vào, cùng lúc vợ ông đi ra. “Chuyện gì vậy anh?”

Nhìn ra ngoài cửa sổ, cố ngăn dòng nước mắt, ông nói: “Một điều kỳ lạ vừa mới xảy ra sáng nay. Em biết không, trong lúc anh sửa soạn mở hàng, anh nghe một giọng nói bảo rằng hãy dành ra một tá hoa hồng để làm một món quà đặc biệt.  Rồi mải mê với công việc anh cũng không nhớ tới nó lắm; nhưng vừa rồi không biết sao anh lại để mười hai bông hoa sang một bên.  Chỉ một vài phút sau, một thằng bé bước vào và hỏi mua một bông hoa tặng mẹ chỉ với một đồng mười xu.  Anh bỗng nhớ lại…..

Đã lâu lắm, khi ấy anh là một thằng bé rất nghèo, không có lấy một đồng mua quà Giáng sinh cho mẹ.  Đêm Giáng sinh năm ấy, khi đang lang thang một mình trên đường, anh gặp một người đàn ông xa lạ.  Ông ấy ngỏ lời cho anh mười đôla.  Đêm nay, khi gặp thằng bé, anh đã biết giọng nói ban sáng là của ai.  Và anh đã để lại mười hai bông hoa đẹp nhất.”

Hai người ôm nhau thật lâu.  Rồi họ bước ra khỏi nhà trong cái giá rét đêm Giáng sinh.  Trời lạnh lắm, nhưng trong lòng họ ấm áp hơn bao giờ.

Dạ Thư

***************

Chúa ơi, Một mùa Giáng Sinh lại về với vạn vật đất trời, một mùa để “cho” và “nhận”.  Xin cho con nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn như người đàn ông bán hoa trong câu chuyện trên để con biết Chúa Hài Đồng Giêsu đang thực sự cần những món quà gì.  Xin cho con biết trao tặng những món quà ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh này mà không tính toán thiệt hơn, và cho những nơi mà con không mong được nhận lãnh lại.  Amen!

CHỨNG NHÂN TUYỆT VỜI

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (Gn.1:6)

***************

Bạn thân mến!  Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Cuộc đời của Gioan là cuộc đời làm chứng, vì Ông được sai đến để làm chứng. Ông là nhân chứng đầu tiên và cũng là nhân chứng tuyệt vời nhất của Đức Giêsu.  Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng nhưng chỉ là ngọn đèn (Ga.5:35). Ông làm chứng để giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.

Thời gian ấy, sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã sai đến một nhóm người để tìm hiểu con người của ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai ? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: “Tôi không phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – “Không”. Những tiếng không dứt khoát và trung thực. Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai ? Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô. Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga.1:30). “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”  Ông nhận mình không xứng đáng làm đầy tớ cho Ðức Kitô.  Gioan tự  xóa mình trước Ðức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.  Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.  Gioan không ngần ngại giới thiệu môn đệ của mình đi theo Ðức Giêsu, và ông bình an và vui mừng khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga.3:26).

Gioan không tìm mình, ông vượt lên trên cái vòng danh lợi. Có ai siêu thoát như Gioan không?  Ông từ bỏ mọi sự trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga.3:30). Sự khiêm hạ đã làm cho lời chứng của Gioan đáng tin tưởng hơn.

Gioan không chỉ là một người chứng.  Ông còn là người dọn đường.  Ông đã đóng vai trò người dọn đường cách tuyệt vời nhất.  Cả cuộc đời ông là một lời kêu gọi. Tiếng kêu vang lên ngay từ khi còn trong bụng mẹ để hướng lòng con người lên cùng Thiên Chúa. Tiếng kêu lớn dần qua cuộc sống từ bỏ, để nhắc nhở con người hãy canh tân dọn đường cho Chúa đến. Tiếng kêu càng cấp bách hơn bằng chính cái chết của ông, hầu thức tỉnh con người mau mau sám hối trở về.

Thời nào Thiên Chúa cũng cần có những người dọn đường, những Gioan thời đại dám vang lên tiếng kêu để thức tỉnh nhân loại, để chỉ dạy cho con người nhận ra Ơn Cứu Độ.  Dọn đường là lội ngược dòng, là chấp nhận bị thua thiệt, bị khước từ.  Người dọn đường không chọn lối sống lập dị, nhưng dám sống một cách khác thường trong chính cuộc sống bình thường của mình.

Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”(Gn.1:26)  Hôm nay Ðức Giêsu vẫn còn là Ðấng xa lạ với nhiều người. Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm trước. Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy xin được làm người chứng như Gioan, để giới thiệu cho bạn bè Ðấng Cứu Độ mà họ đang tìm kiếm.  Và cũng xin được làm người dọn đường như Gioan, để vang lên tiếng kêu mời làm thức tỉnh con người, để con người nhận ra Ơn Cứu Độ đến từ trời cao.

Trích từ R. Veritas

***************

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của đời tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

R. Tagore

MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Từ những thế kỷ đầu tiên, đặc biệt là tại Cộng Đồng Ê-phê-sô vào năm 431, Giáo Hội đã bày tỏ và lưu truyền niềm tin cao cả về Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Giêsu là đấng không vương tội tổ tông.

Và Giáo Hội đã phải chờ đợi suốt một thời gian lâu dài để chứng nghiệm “những mầu nhiệm ân sủng” về Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thánh Irênê đã cảm nhận rằng Đức Mẹ Maria là Vô Nhiễm nguyên tội và tuyên dương Mẹ là bà Eva mới.  Nhưng phải chờ mãi đến thế kỷ XV Giáo Hội mới bắt đầu công bố: “ Thiên Chúa đã sửa soạn cho Con Thiên Chúa một cung lòng xứng đáng cho Ngài và làm cho Mẹ Người là một người Trinh nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Với mục đích đó, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Mẹ tinh tuyền khỏi mọi tội lỗi, nhờ vào ân sủng đặc biệt được hưởng trước sự thương khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.”

Nhưng đúng vào năm 1854, Đức Giáo Hoàng Pius IX mới công bố thành tín điều: “Đức Mẹ là Vô Nhiễm Nguyên Tội”.  Bốn năm sau vào năm 1858, tín điều này được chứng minh trên toàn thế giới một cách bất ngờ, khi một em bé gái 14 tuổi tên là Bernadette Soubirous không biết đọc biết viết được Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle ở Lộ Đức đã nói với em: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyện Tội” (Que soy era Imacula Conception)

Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria không chỉ là được bảo toàn khỏi sự xấu, vết nhơ của tội tổ tông và mọi thứ tội lỗi khác, mà còn là sự viên mãn của ân sủng.  Ân sủng đó không phải là Đức Mẹ được đón nhận một cách thụ động mà chính là một công trình thâu nhận được bằng một đời sống đức tin anh hùng.

Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là đấng hoàn toàn phó thác tin cậy vào Lời Thiên Chúa, đón nhận một trọng trách nặng nề và một sứ mệnh cao cả là làm Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

Mẹ Maria chính là người nữ đã thốt lên lời “Xin Vâng” với Thiên Chúa của Mẹ và tuyệt đối trung thành: hoàn toàn liên kết mật thiết với Chúa Con vô điều kiện… dù khi bà con thân thuộc ở Nazaret cho là điên rồ và ruồng bỏ và cho đến khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thánh gía trên đồi Can-vê: “Bà đã đứng cạnh thánh gía của Chúa Giêsu”

Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác

***************

Nơi ngưỡng cửa những buổi chiều
Lạy mẹ, con đến bên Mẹ với con tim đầy phiền muộn
Mẹ đã thấy điều làm con đau khổ trên đường con đi
Mẹ ơi, con biết rõ đôi tay mẹ đã ứ đầy
Những bó hoa của khổ đau mà mọi người đến để dâng lên Mẹ hiền.
Nơi ngưỡng cửa của những buổi chiều, Mẹ thật để ý,
Vì đó là giờ mà tâm hồn con luôn quay về với Mẹ.
Mẹ ơi, những lời nói của con thật nặng nề.
Lời nguyện cầu của con còn nhút nhát.
Ðể nói chuyện với Chúa của con, con cần đến tiếng nói của Mẹ hiền.
Ngôi sao luôn tỏa sáng trong đêm tối của những nghi nan nơi con,
Mẹ hướng cái nhìn của con về bình minh của tình yêu mến .
Mẹ ơi, khi con do dự trước những giao điểm đường đời,
Con lập lại tên Mẹ và con lại luôn luôn bước tới.
Cho tới giờ được chúc phúc, giờ được nhìn ngắm dung nhan Mẹ,
Con sẽ không còn nghĩ tới những đá cản trên đường!
Mẹ ơi, khi con đợi chờ kết thúc của cuộc lữ hành,
Con sẽ đi về nhà Cha khi cầm tay Mẹ hiền….

Jeannine Perrier

MỞ CỬA TÂM HỒN

Hàng năm cứ đến mùa bão vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 là người dân đất Việt phải hứng chịu một chục trận cuồng phong từ Biển Đông thổi vào.  Bão hay đi kèm với lũ lụt.  Nước dâng, hoa mầu thiệt hại đường xá hư hỏng.  Nước rút, bùn lầy ứ đọng rác rưởi lan tràn.  Sau cơn lũ lụt mọi người cùng nhau bắt tay vào việc quét dọn nhà cửa, sửa sang đường xá.  Chỗ nào rác rưởi ứ đọng thì phải khai thông.  Chỗ nào ổ gà ổ vịt thì phải lấp cho bằng phẳng.  Việc dọn dẹp này không những quan trọng mà còn phải nhanh chóng thực hiện để vãn hồi sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

***************

Trong hoang địa, Gioan Tẩy Giả cũng đã lên tiếng kêu gọi mọi người làm một việc tương tự là hãy gấp rút mở đường cho Chúa Cứu Thế, mở cho Ngài một con đường thoáng đãng để Ngài đến với tâm hồn mình: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1:3).  Lời kêu gọi của Gioan nhắc lại lời ngôn sứ Isaia sáu thế kỷ trước đó: “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.  Mọi thung lũng cần được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống.” (Is 40:3-4).

Sứ điệp của các ngôn sứ khá đơn giản: Hãy cải thiện đời sống! Hãy làm cho nó tốt hơn!  Nhưng làm được việc này không phải dễ.  Nó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.  Sống trong xã hội tiêu thụ ở thành thị, chúng ta đã quá quen thuộc với mì ăn liền, điện thoại viễn liên, rửa hình trong một tiếng, gửi hàng trong một ngày, và những dịch vụ nhanh khác. Cuộc sống hiện đại dễ làm cho chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ phải nhanh chóng và dễ dàng.

Ngay cả trong đời sống tâm linh cũng vậy.  Chúng ta ham chuộng những món ăn tinh thần dọn sẵn, những bài giảng hùng hồn, những bản thánh ca thánh thót.  Có người nghĩ rằng Mùa Vọng chỉ cần nghe giảng, xưng tội theo thói quen là đủ rồi.  Làm xong bổn phận rồi quay về lại với những tất bật của việc mua sắm quà cáp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng tiệc tùng.  Việc thay đổi cuộc sống như tin mừng đòi hỏi dường như không được mấy ai đưa vào chương trình chuẩn bị cho Giáng Sinh.

Chúng ta muốn có được cảm nghiệm ơn sủng thật nhanh, thật dồi dào, nhưng lại ngại phải thay đổi cuộc sống, phải lấp đầy những hố sâu ngăn cách trong tâm hồn, phải san bằng những thói hư tật xấu.

Những hố sâu cần lấp đầy phải chăng là những bổn phận tôi còn thiếu xót, những điều đáng lẽ tôi phải làm nhưng đã không làm?  Nếu như tôi chưa dành đủ thì giờ cho gia đình, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi đang còn giận hờn ganh ghét với ai đó, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi còn thờ ơ với những đau khổ của người chung quanh, đặc biệt là của những người thân quen, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi đã chểnh mảng trong việc nguyện cầu, tôi cũng cần lấp đầy hố sâu đó.

Còn những chốn gồ ghề cần phải bạt cho phẳng phiu, phải chăng là những thói hư tật xấu, những đam mê tội lỗi cần phải sửa đổi?  Nếu tôi hay chỉ trích nói xấu người khác, tôi cần bạt cho phẳng cái tôi to lớn của mình.  Nếu tôi sống một cuộc sống giả hình, nói một đàng làm một nẻo, tôi cần bạt cho phẳng cái tôi giả hình của mình.  Nếu tôi đang coi những người chung quanh, vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, hay bạn bè như là công cụ để tôi sai khiến, để thoả mãn ý riêng của tôi, tôi cũng cần phải bạt cho phẳng cái tôi cao ngạo của chính mình.

Điều lạ lùng là chúng ta sợ thay đổi nhiều hơn là sợ đau khổ.  Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng loài vật sẽ thay đổi tập quán sống hơn là chịu đau. Nhưng con người thì ngược lại, họ sẵn sàng chịu khổ hơn là phải thay đổi những thói quen tập quán của mình.  Nghe thì khó tin, nhưng chúng ta thử nhìn chung quanh xem.  Nhiều người thà chịu đau hơn là đi khám bác sĩ, vì sợ lòi ra bệnh này bệnh nọ.  Nhiều cặp vợ chồng thà sống lạnh nhạt không hạnh phúc hơn là đi trị liệu tâm lý gia đình.  Nhiều người sợ đi tĩnh tâm, sợ vào các nhóm học hỏi lời Chúa, vì không muốn “biết nhiều” để khỏi phải “giữ nhiều.”

Để lấp đầy những hố sâu, san bằng những chỗ gồ ghề, thật không dễ dàng tí nào!  Nhưng nếu không bắt tay vào làm việc đó thì chúng ta không thể cảm nghiệm mầu nhiệm Giáng Sinh một cách trọn vẹn.  Chúa Cứu Thế đến để đem bình an và niềm vui cứu độ.  Nhưng nếu con đường của tâm hồn tôi còn nhiều lồi lõm, nhiều chướng ngại vật thì làm sao tôi có thể đến để gặp gỡ Ngài.

***************

Mùa Vọng là mùa của tỉnh thức, mùa của mong chờ, mùa của hy vọng.  Chúng ta trông chờ Chúa Cứu Thế đến để đem bình an, niềm vui, và hy vọng cho thế gian.  Khi tâm hồn chúng ta được lấp đầy những hố sâu ngăn cách, bạt phẳng những núi đồi ích kỷ kiêu ngạo, chúng ta sẽ gặp được Đấng Cứu Thế.

Hôm nay, thánh Phêrô mời gọi chúng ta: “Trong khi mong đợi ngày Chúa đến, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” (Pt 3:14).  Bạn và tôi, chúng ta sẽ làm gì để lời khuyên này được thực hiện trong đời sống của chính mình?  Chúng ta đang chuẩn bị nhiều điều cho ngày lễ Giáng Sinh.  Nhưng sau ngày 25 tháng 12, điều gì sẽ còn đọng lại trong lòng mỗi người chúng ta?

Bảo Lộc

HÃY SÁM HỐI

Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” … (Mt. 3:1)

Bạn thân mến!  Trên đây là tiếng hô trong hoang địa;  là lời rao giảng của Gioan hai ngàn năm trước khi ông đi dọn đường cho Chúa.  Đó cũng là lời mời gọi “Sám Hối” mà Gioan gởi đến mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Lời rao giảng của Gioan thật cấp bách.  Ông mời gọi ta phải mau mau sám hối, vì “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt. 3:10)

Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn để Chúa có thể đến và ngự trị:

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.  Nên hôm nay, Gioan mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng.  Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

***************

Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.

Xin ban cho con ơn sám hối, dám mạnh dạn đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để con xứng đáng đón rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ cho cuộc đời của con. Amen.

Trích từ R. Veritas

NGƯỜI MÔN ĐỆ “EM BÉ”

Khi giúp tĩnh tâm ở Dòng Xitô Phước Lộc, Bà Rịa, tôi ngắm hoài những cái bảng “Cầu nguyện cho quý vị ân nhân”.  Ở đâu tôi cũng thấy đầy những cái bảng này, hết bảng lớn đến bảng nhỏ.  Phòng ngủ thì bảng ghi tên một người, còn phòng lớn thì nhiều người. Tòa nhà tĩnh tâm vừa xây được vài năm nhờ các vị ân nhân đóng góp. Vì có công nên Dòng làm những cái bảng để ghi công, biết ơn, đồng thời cũng xin các người đến tĩnh tâm cầu nguyện giúp.

Nhìn những cái bảng này làm tôi liên tưởng thời gian tôi phục vụ tại Giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở San Jose, California.  Khi xây dựng hội trường lớn, cha chánh xứ và các cha phụ tá kêu gọi hết nước miếng mà số tiền đóng góp chẳng thấm vào đâu so với khoản tài chánh cần để có thể xây dựng. Cuối cùng phải nhờ nhóm chuyên viên vận động đến để gây qũy.  Họ đề nghị làm những cái bảng ghi tên của các vị ân nhân đóng góp xây dựng hội trường.  Tối thiểu phải đóng góp bao nhiêu tiền mới được khắc tên mình vào bảng. Và bà con sốt sắng hơn để đóng góp.  Các bảng bằng gạch khắc tên được dán vào đầy tường chung quanh tòa nhà.  Đây là tâm lý tự nhiên vì ai cũng muốn được khen, ai cũng muốn được người khác biết việc công đức của mình.  Thành ra có công thì cần phải được biết ơn.  Giáo xứ đã biết ơn và cũng xin anh chị em cầu nguyện và cám ơn quý vị ân nhân đóng góp.  Đây quả là một phép lạ vì giáo xứ nghèo mà có thể đóng góp được khoản tiền lớn để xây dựng hội trường.

Trong câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Ga 6:1-15), Thánh Gioan thuật lại rằng có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, và nhờ bánh cá, lòng quảng đại và sự hợp tác cho đi của em bé với Đức Giêsu mà mọi người được ăn no nê.  Tôi cảm thấy vai trò của em bé này quan trọng lắm vì không có em bé không biết Đức Giêsu có làm được phép lạ hay không?  Thành ra công ở đây có hai người là chính, Đức Giêsu và em bé, dù rằng công của em bé nhỏ xíu so với công của Đức Giêsu, nhưng em vẫn là người có công.

Mời anh chị em cùng tôi khám phá “em bé” này.  Nếu đã có công thì cần phải biết tên tuổi gia thế của vị ân nhân để cám ơn.  Nhà Dòng, nhà thờ nào quyên góp tiền để xây cất cái gì cũng cần những ân nhân giúp đỡ.  Khi khánh thành phải tuyên dương công trạng và cám ơn những vị ân nhân đó (không cám ơn, biết ơn, ghi ơn họ thì lần sau chớ có sớ rớ tới để mà nhờ với cậy).  Em bé có công thì mình cũng phải biết về em bé chớ.  Em bé thì chắc là phải nhỏ lắm; ba, bốn, năm tuổi thì mới gọi là em bé, chớ lớn khoảng mười tuổi hoặc hơn mà gọi em là em bé thì em giận đấy.  Em trai hay gái thì không ai biết, tên gì cũng chẳng ai hay, giàu nghèo cũng khó đoán.  Em bé làm gì ở đó với phần ăn tối của bé là năm chiếc bánh và hai con cá?  Nếu em chạy chơi thì không lẽ cha mẹ em dự tính rằng em, một đứa trẻ ba bốn tuổi nhỏ xíu của mình, chạy chơi xa và sẽ về trễ nên… gói theo đồ ăn tối cho em bé?  Mà nếu cha mẹ có bới đồ ăn cho bé thì khi em chạy chơi với chúng bạn cùng trang lứa, thông thường bé sẽ để đồ ăn ở một xó xỉnh nào đó rồi chạy chơi, chơi một chặp thì bé chẳng còn nhớ đã để đồ ăn ở đâu, vì bản chất của bé là ham vui và hay quên.

Nếu em bé đi theo cha mẹ thì đâu phải em bé cho năm chiếc bánh và hai con cá, mà là cha mẹ của em bé cho.  Nếu mẹ nói đứa con nhỏ đem một trăm đồng biếu cha xứ thì đâu phải đứa con nhỏ cho, mà là người mẹ cho.  Nếu vậy thì có khả năng người cho bánh là người lớn chớ không phải em bé.  Nhưng Thánh sử lại muốn nói “em bé.”  Vì thế, tôi cảm nghiệm thấy Thánh Gioan muốn nói đến “em bé” theo nghĩa bóng.  “Em bé” ở đây là một người lớn nhưng có tâm hồn như “em bé”.  Tâm hồn em bé thì đơn sơ, không so đo tính toán, dám cho hết những gì mình có, trong khi người lớn thì thường có thái độ “thủ” lại.

“Em bé” có công nên được người ta khen: “Cám ơn em bé nghe, không có bé thì không biết chúng ta có bánh để ăn không.”  “Em bé” nghe khen thì khoái, nghe khen nhiều quá nên lỗ mũi nở ra, ngày càng to thêm ra, “em bé” đứng đón nhận tất cả lời khen tặng và tưởng rằng tất cả là công của nó: “Không có tôi thì chắc quý vị đói hết rồi!  Không nhờ công tôi thì làm gì ca đoàn hát hay được như vậy!  Không có tôi giúp thì làm sao giáo xứ xây được nhà thờ đẹp như vậy v.v…”  Lỗ mũi nó càng ngày càng nở to, khoái chí, tự mãn, và nó không chịu làm “em bé” nữa, nó lớn ra để làm người lớn và đứng phía trước mặt Chúa Giêsu để đón nhận những lời khen tặng.  Nó lớn quá đến nỗi nó che khuất luôn cả Chúa.  Chúa chết và trời lại đi vào bóng đêm.

“Em bé” phải tiếp tục làm “em bé”.  “Em bé” mà đòi to lớn ra thì át mất Chúa thôi.  Trong đám đông mấy ngàn người, “em bé” sẽ bị và được tan biến đi, để công của hai người chỉ còn một vai chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót ban sự sống và ban dư đầy – ban sự sống của chính Ngài để làm của ăn nuôi đoàn con.

Người môn đệ theo Chúa Giêsu phải mang khuôn mặt, tâm hồn “em bé” này, phải và ước muốn mặc lấy tâm hồn bé thơ, tinh thần đơn sơ, không so đo tính toán, dám dẹp bỏ ý riêng và những cái lý luận, những cái “tôi” to lớn của mình, để Chúa Giêsu được lớn lên, để cảm nghiệm Chúa làm những phép lạ cả thể trong tâm hồn và trong đời sống của mình.

Nếu cha mẹ đưa bánh và cá cho em bé và dặn con đưa cho Đức Giêsu, và nếu em bé ích kỷ tính toán: “Đưa hết thì mình ăn cái gì? Chừng này chỉ đủ cho mình con ăn thôi, làm sao mà cho được, mà chừng này thì làm sao nuôi được ngần ấy người, đừng nói năm chiếc bánh và hai con cá, năm trăm chiếc bánh và hai trăm con cá cũng chẳng thấm vào đâu!” Nếu em bé không quảng đại cho, thì chắc Đức Giêsu khó làm phép lạ, hay nói cách khác, Đức Giêsu không thể làm được phép lạ, như khi Đức Giêsu về thăm Nadarét, Thánh Mátcô thuật lại rằng: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.  Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6:5-6).  Sự kiện này nói lên một điều là Thiên Chúa cần con người hợp tác với Thiên Chúa để Ngài làm những phép lạ cả thể trong tâm hồn và trong đời sống mỗi người. Ân sủng của Thiên Chúa sẽ vẫn là ân sủng nếu con người từ chối hợp tác với Ngài.

Anh chị em thân mến, đâu là những chiếc Bánh Ân Sủng và Cá Tình Thương mà bạn và tôi đã nhận nhưng không?  Cái gì cản trở bạn và tôi trao ban những Ân Sủng và Tình Thương đó như lòng Chúa mong ước?

***************

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên “Em Bé” để mỗi người chúng con biết sống quảng đại như em bé, dám cho đi mà không tính toán những món quà Chúa ban nhưng không, biết đón nhận Tình Yêu và Ân Sủng Chúa ban tặng để rồi biết rộng lòng trao ban những món quà của Chúa, cho những anh chị em chung quanh chúng con, đặc biệt những anh chị em đang cần sự giúp đỡ của chúng con.  Xin nhắc nhở chúng con luôn biết rằng công của chúng con thật quá bé nhỏ so với công của Chúa.  Xin ban cho chúng con Thần Khí Chúa để chúng con có thể vượt lên trên bản tính tự nhiên của con người, là thích được kể công trạng, để chúng con sống với luật siêu nhiên mà Chúa trân trọng mời gọi chúng con bước theo.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
November 12, 2008