MỞ CỬA TÂM HỒN

Hàng năm cứ đến mùa bão vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 là người dân đất Việt phải hứng chịu một chục trận cuồng phong từ Biển Đông thổi vào.  Bão hay đi kèm với lũ lụt.  Nước dâng, hoa mầu thiệt hại đường xá hư hỏng.  Nước rút, bùn lầy ứ đọng rác rưởi lan tràn.  Sau cơn lũ lụt mọi người cùng nhau bắt tay vào việc quét dọn nhà cửa, sửa sang đường xá.  Chỗ nào rác rưởi ứ đọng thì phải khai thông.  Chỗ nào ổ gà ổ vịt thì phải lấp cho bằng phẳng.  Việc dọn dẹp này không những quan trọng mà còn phải nhanh chóng thực hiện để vãn hồi sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

***************

Trong hoang địa, Gioan Tẩy Giả cũng đã lên tiếng kêu gọi mọi người làm một việc tương tự là hãy gấp rút mở đường cho Chúa Cứu Thế, mở cho Ngài một con đường thoáng đãng để Ngài đến với tâm hồn mình: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1:3).  Lời kêu gọi của Gioan nhắc lại lời ngôn sứ Isaia sáu thế kỷ trước đó: “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.  Mọi thung lũng cần được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống.” (Is 40:3-4).

Sứ điệp của các ngôn sứ khá đơn giản: Hãy cải thiện đời sống! Hãy làm cho nó tốt hơn!  Nhưng làm được việc này không phải dễ.  Nó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.  Sống trong xã hội tiêu thụ ở thành thị, chúng ta đã quá quen thuộc với mì ăn liền, điện thoại viễn liên, rửa hình trong một tiếng, gửi hàng trong một ngày, và những dịch vụ nhanh khác. Cuộc sống hiện đại dễ làm cho chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ phải nhanh chóng và dễ dàng.

Ngay cả trong đời sống tâm linh cũng vậy.  Chúng ta ham chuộng những món ăn tinh thần dọn sẵn, những bài giảng hùng hồn, những bản thánh ca thánh thót.  Có người nghĩ rằng Mùa Vọng chỉ cần nghe giảng, xưng tội theo thói quen là đủ rồi.  Làm xong bổn phận rồi quay về lại với những tất bật của việc mua sắm quà cáp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng tiệc tùng.  Việc thay đổi cuộc sống như tin mừng đòi hỏi dường như không được mấy ai đưa vào chương trình chuẩn bị cho Giáng Sinh.

Chúng ta muốn có được cảm nghiệm ơn sủng thật nhanh, thật dồi dào, nhưng lại ngại phải thay đổi cuộc sống, phải lấp đầy những hố sâu ngăn cách trong tâm hồn, phải san bằng những thói hư tật xấu.

Những hố sâu cần lấp đầy phải chăng là những bổn phận tôi còn thiếu xót, những điều đáng lẽ tôi phải làm nhưng đã không làm?  Nếu như tôi chưa dành đủ thì giờ cho gia đình, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi đang còn giận hờn ganh ghét với ai đó, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi còn thờ ơ với những đau khổ của người chung quanh, đặc biệt là của những người thân quen, tôi cần lấp đầy hố sâu đó.  Nếu như tôi đã chểnh mảng trong việc nguyện cầu, tôi cũng cần lấp đầy hố sâu đó.

Còn những chốn gồ ghề cần phải bạt cho phẳng phiu, phải chăng là những thói hư tật xấu, những đam mê tội lỗi cần phải sửa đổi?  Nếu tôi hay chỉ trích nói xấu người khác, tôi cần bạt cho phẳng cái tôi to lớn của mình.  Nếu tôi sống một cuộc sống giả hình, nói một đàng làm một nẻo, tôi cần bạt cho phẳng cái tôi giả hình của mình.  Nếu tôi đang coi những người chung quanh, vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, hay bạn bè như là công cụ để tôi sai khiến, để thoả mãn ý riêng của tôi, tôi cũng cần phải bạt cho phẳng cái tôi cao ngạo của chính mình.

Điều lạ lùng là chúng ta sợ thay đổi nhiều hơn là sợ đau khổ.  Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng loài vật sẽ thay đổi tập quán sống hơn là chịu đau. Nhưng con người thì ngược lại, họ sẵn sàng chịu khổ hơn là phải thay đổi những thói quen tập quán của mình.  Nghe thì khó tin, nhưng chúng ta thử nhìn chung quanh xem.  Nhiều người thà chịu đau hơn là đi khám bác sĩ, vì sợ lòi ra bệnh này bệnh nọ.  Nhiều cặp vợ chồng thà sống lạnh nhạt không hạnh phúc hơn là đi trị liệu tâm lý gia đình.  Nhiều người sợ đi tĩnh tâm, sợ vào các nhóm học hỏi lời Chúa, vì không muốn “biết nhiều” để khỏi phải “giữ nhiều.”

Để lấp đầy những hố sâu, san bằng những chỗ gồ ghề, thật không dễ dàng tí nào!  Nhưng nếu không bắt tay vào làm việc đó thì chúng ta không thể cảm nghiệm mầu nhiệm Giáng Sinh một cách trọn vẹn.  Chúa Cứu Thế đến để đem bình an và niềm vui cứu độ.  Nhưng nếu con đường của tâm hồn tôi còn nhiều lồi lõm, nhiều chướng ngại vật thì làm sao tôi có thể đến để gặp gỡ Ngài.

***************

Mùa Vọng là mùa của tỉnh thức, mùa của mong chờ, mùa của hy vọng.  Chúng ta trông chờ Chúa Cứu Thế đến để đem bình an, niềm vui, và hy vọng cho thế gian.  Khi tâm hồn chúng ta được lấp đầy những hố sâu ngăn cách, bạt phẳng những núi đồi ích kỷ kiêu ngạo, chúng ta sẽ gặp được Đấng Cứu Thế.

Hôm nay, thánh Phêrô mời gọi chúng ta: “Trong khi mong đợi ngày Chúa đến, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” (Pt 3:14).  Bạn và tôi, chúng ta sẽ làm gì để lời khuyên này được thực hiện trong đời sống của chính mình?  Chúng ta đang chuẩn bị nhiều điều cho ngày lễ Giáng Sinh.  Nhưng sau ngày 25 tháng 12, điều gì sẽ còn đọng lại trong lòng mỗi người chúng ta?

Bảo Lộc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *