THIÊN CHÚA: ĐẤNG ƯU TIÊN VÀ TỐI HẬU

Người Ba Tư có câu chuyện ngụ ngôn như sau:  Có một nhà hiền triết xuất hiện giữa phố chợ và nói sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của bất cứ ai.  Một anh chăn chiên muốn hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông, anh cầm trong tay một con chim sẻ và đặt câu hỏi: “Thưa ngài, trong tay tôi có một con chim. Ngài là người thông thái giải đáp mọi vấn nạn, vậy xin hỏi ngài, con chim trong tay tôi còn sống hay chết”.  Biết đây là cái bẫy, vì nếu nói chim sống thì tức khắc anh chăn chiên bóp nó chết trước khi mở bàn tay.  Nếu nói chim chết thì anh ta mở bàn tay cho chim bay đi.  Trước sự chờ đợi của đám đông, nhà hiền triết từ tốn trả lời như sau: Con chim trong tay ngươi sống hay chết là tùy ở ngươi.  Nếu ngươi cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn nó chết thì nó chết.

***************

Bạn thân mến ! Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc, đó là niềm khao khát thâm sâu nhất của con người, nhưng chúng ta được hạnh phúc hay không là tùy ở chúng ta, giống như con chim sống hay chết là tùy ở anh chăn chiên.  Hạnh phúc đích thực của mỗi người chúng ta là Thiên Chúa, là Nước Trời. Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật: Thiên Chúa mời gọi con người tới dự tiệc cưới. Tiệc cưới đó là hình ảnh Nước Trời, là nơi đem lại hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu.  Thế nhưng người ta không đáp lại, viện cớ đi thăm trại, viện cớ đi buôn bán. Đi thăm trại, đi buôn bán tự nó không phải là việc xấu, nhưng họ đã làm một việc khờ dại là chỉ chú ý tới đời này mà quên đi đời sau.  Đi thăm trại, đi buôn bán tựu trung là lo làm giàu.  Họ đã lầm lẫn khi nghĩ rằng giàu sang sẽ đem lại hạnh phúc. Nhưng cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua thì đó là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn.

Đừng lấy lý do tôi quá bận rội với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo cho linh hồn mình. Bận rộn chỉ là tấm ảnh dựng nên để che đậy những lười biếng, những tiêu cực của mình.  Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi bận rộn.

Thiên Chúa không phải là bông hoa để trang trí cuộc đời. Thiên Chúa là một Đấng tối cần không thể thiếu vắng trong cuộc đời chúng ta.  Hạnh phúc Nước Trời không phải là một con bài trong Casino, thua con bài này ta đánh con bài khác.  Hạnh phúc Nước Trời là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và can hệ vì chỉ có một lần mà  thôi:  Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa thì tôi được hạnh phúc đời đời , trái lại từ chối thì tôi đánh mất hạnh phúc đời đời.

Vậy thì Thiên Chúa phải là Đấng ưu tiên  số một và tối hậu trong cuộc đời chúng ta.  Ngài phải ở trên mọi lý do bận rộn, trên mọi của cải đời này. Và hạnh phúc Nước Trời là một thứ suốt đời tôi chuyên tâm tìm kiếm..

LM. Luy Hữu Độ, CMC

***************

Lạy Chúa ! Xin cho con biết chọn Chúa là ưu tiên số một của cuộc đời , vì Ngài là Đấng cứu độ và là cùng đích mà con phải nhắm đến,  Amen 

ĐỨC MARIA,  BÔNG HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM

Nói đến lễ Mân côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ.  Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ.  Những bông hoa hy sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ.

Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ.

Thật vậy, giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất.  Đẹp đến độ “đẹp lòng Thiên Chúa“.  Trình thuật Truyền tin cho ta thoáng thấy vài nét đẹp của Người.

Người có nét đẹp đơn sơ. Đơn sơ trong khung cảnh làng quê Nazareth.  Đơn sơ trong nếp sống thôn nữ đạm bạc.  Nhất là đơn sơ trong tâm hồn giản dị.  Sự đơn sơ trong tâm hồn được bộc lộ qua những suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Đơn sơ trong vâng phục. Khi đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa chỉ đơn sơ thưa : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền“. Tâm hồn đơn sơ của Người chiếu toả như viên ngọc trong suốt không một tì ố.

Người có nét đẹp khiêm nhường. Khiêm nhường trong nếp sống ẩn dật nơi làng quê nhỏ bé.  Khiêm nhường trong nhận thức về bản thân.  Thật vậy, khi nghe thiên thần chúc tụng Người “Đầy Ơn Phúc“, Đức Maria thật sự ngạc nhiên.  Bản thân Người không dám nhận danh hiệu cao đẹp ấy.  Khiêm nhường trong tâm hồn biểu lộ trong lời nói.  Khi đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Đức Maria vẫn khiêm tốn xưng mình là “Nữ tỳ của Thiên Chúa“. Thật khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường càng tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời nơi Người.

Người có nét đẹp từ bỏ.  Từ bỏ là vượt lên trên. Từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát. Từ bỏ của cải đã khó. Từ bỏ bản thân khó hơn. Từ bỏ ý riêng mới thật cam go khốc liệt.

Đức Maria đã có chương trình riêng: sống đời trinh nữ.  Đó là một chương trình đẹp.  Nhưng khi biết chương trình của Thiên Chúa, Người đã sẵn sàng từ bỏ chương trình riêng.  Nhờ từ bỏ chương trình riêng mà chương trình của Chúa được thực hiện.  Nhờ từ bỏ bản thân mà Người đón nhận được chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa rất lớn lao, chẳng trời đất nào dung chứa cho đủ.  Bao lâu cái tôi còn cồng kềnh, bấy lâu tâm hồn chưa thể đón nhận được Thiên Chúa.  Chỉ khi từ bỏ mình đến tận cùng, đến không còn một chút gì riêng tư dành cho bản thân, tâm hồn mới có thể đón nhận được Thiên Chúa.

Khi trút bỏ chính mình, Đức Maria được đầy tràn Thiên Chúa.  Không còn thuộc về mình, Người trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa.  Người là chiếc bình rỗng không, nên Người đón nhận được “đầy ơn phúc“của Chúa.

Người diễn tả nét đẹp của Thiên Chúa.  Lời “xin vâng” Đức Maria thốt lên nơi làng quê Nazareth vang vọng lời xin vâng của Ngôi Hai nhập thể làm người.  Sự khiêm nhường của Người diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa xuống thế làm người.  Sự từ bỏ của Người phần nào phản ánh sự từ bỏ của Đức Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Phil 2, 6-7).

Đức Maria là bông hoa phần nào diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Người là tác phẩm của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần “rợp bóng trên Mẹ” nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi xin cầu cho chúng con biết noi gương Mẹ.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

HOA LỢI VƯỜN NHO

Câu chuyện hôm xưa:  Có một người chủ vườn nho kia giao vườn của ông ta cho các tá điền chăm sóc quản lý.  Đến mùa thu hoạch, người chủ sai nhân viên của mình đi thu hoa lợi theo như hạn kỳ.  Nhưng hỡi ôi, các tá điền trở mặt, đã không nộp hoa lợi thì chớ, lại còn hành hung, đánh đuổi, thậm chí giết cả các nhân viên được sai đến.  Nếu có bị thất mùa gặp khó khăn không đủ hoa lợi, thì các tá điền có thể thương lượng trả góp hay xin khất.  Đằng này họ rắp tâm muốn chiếm đoạt tài sản.  Quản lý trở thành ăn cướp.

Thế mà người chủ này vẫn cho những tá điền bất nhân này nhiều cơ hội.  Ông lại tiếp tục sai người đến thương lượng với họ, nhưng không thành công.   Cuối cùng ông sai con của mình đến gặp họ, mong rằng họ sẽ nghĩ lại.  Nhưng bọn tá điền này không kể  luân thường đạo lý, ngang nhiên giết người con duy nhất này và vất xác ra ngoài vườn nho, lại còn huyênh hoang: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi và đoạt gia tài của nó” (Mt 21:38).

***************

Câu chuyện hôm nay:  Nghe Lời Chúa hôm nay, tôi bất giác giật mình.  Câu chuyện 2000 năm trước sao có lại những điểm trùng hợp với thời sự như thê’?  Ở đất nước ta ngày nay, không thiếu những chuyện bất công, cướp đoạt đất đai của các tá điền thời đại.  Với công thức “đất đai là của toàn dân” nhưng lại do các “đầy tớ nhân dân” quản lý, các tá điền thời đại tha hồ làm mưa làm gió trên việc quản lý đất đai.  Miếng đất nào đẹp, miếng nào nằm trong tầm ngắm của các tá điền thời đại, những kẻ mang danh đầy tớ nhân dân, thì miếng đất ấy sẽ bị mượn dài hạn.

Đến khi sở hữu chủ muốn dùng lại để làm việc công ích thì phải làm đơn xin xỏ lạy lục để được “quyền sử dụng đất.”  Nếu khổ chủ “biết điều” thì may ra các đầy tớ nhân dân xem xét nhu cầu rồi cấp phát đất đai theo độ dầy của phong bì nhận được.  Đó là trường hợp mảnh đất kia chưa bị sang tay, chưa phân lô để kinh doanh lợi lộc, chưa ký dự án hợp tác với tư bản nước ngoài, hoặc thuộc diện đất chết bỏ hoang.  Còn nếu đất đó đã hóa vàng, thì sở hữu chủ chẳng bao giờ có thể dòm ngó đến. Nếu cứ ngoan cố đòi đất thì nhẹ cũng ghép vào tội gây rối loạn trật tự, nặng thì bị bắt, đánh đập, bị ghép vào đủ thứ tội, kể cả tội chết.

Ngày nay trong xã hội văn minh hơn, các đầy tớ nhân dân không cần trực tiếp ra tay.  Chỉ cần giết người bằng công văn, bằng báo đài ra rả tuyên truyền xuyên tạc, biến khổ chủ thành kẻ gây rối, thành tội phạm, đáng bị luật pháp trừng trị, kích động dư luận quần chúng, ném đá dấu tay để che đậy cho việc làm càn của mình.  Các đầy tớ nhân dân hôm nay mưu mô xảo quyệt hơn các tá điền bất nhân ngày xưa nhiều lắm.

***************

Bạn thân mến,

Phải chăng Chúa Giêsu kể dụ ngôn trên đây để chỉ trích sự sai trái của các thượng tế và biệt phái? Hay Ngài còn muốn nói với chúng ta điều gì?  Dụ ngôn này không chỉ nhắm vào những người lãnh đạo Israel thưở xưa, hoặc các “đầy tớ nhân dân” ngày nay.  Lời Chúa cũng nói trực tiếp với mỗi người chúng ta về ý nghĩa và trách nhiệm của mỗi người về chính cuộc đời của mình.

Cuộc sống của chúng ta cũng như những thửa vườn kia, đã được Thiên Chúa trao ban để chăm sóc và bảo quản. Trong cái nhìn của đức tin, tất cả những gì chúng ta có đều là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.  Tất cả cuộc sống chúng ta là vườn nho được Chúa chăm sóc ân cần đầy đủ.  Thế nhưng nhiều lúc chúng ta xem những ân huệ Chúa ban là của riêng mình.  Như những tá điền trong dụ ngôn, chúng ta đã không quản lý những ân huệ Chúa ban hầu làm giầu cho ông chủ, làm vinh danh cho Thiên Chúa.  Ông chủ vườn ở xa mà, biết khi nào mới trở lại?

Thỉnh thoảng nếu có ai đó nhắc nhở chúng ta về bổn phận với ông chủ, thì chúng ta lại nổi giận, trách móc, hoặc phớt lờ họ.  Ngay cả đối với chính Chúa Kitô cũng thế.  Có khi chúng ta cũng đuổi Ngài ra khỏi vưòn nho – ra khỏi cuộc sống của chúng ta.  Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cơ hội để hoán cải.  Ngài cho chúng ta rất nhiều thời gian để sinh những hoa trái thiêng liêng.  Chúng ta cần làm gì với mảnh vườn đức tin, với cuộc sống của mình?

Như thế Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một lần nữa ý thức về cách chúng ta đang sống đạọ. Chúng ta cần sinh hoa kết quả bằng đức tin và việc làm. Và để kết luận tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô trong bài đọc hai để mời bạn, chúng ta cùng nhau tìm: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh và đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Phil 4:8).

Xin Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta trở nên những tá điền gương mẫu, biết tận tâm chăm sóc cho mảnh vườn đời mình ngõ hầu sinh hoa lợi, làm vinh danh Thiên Chúa.

Antôn Phaolô, SJ