BIẾT CHẾT ĐỂ BIẾT SỐNG

Trong đời sống của Đức Phật, người ta có kể lại mẩu chuyện này: Một hôm Đức Phật đang ngồi với các môn đệ, bỗng chốc có một thiên thần hiện đến và bảo:

– Người còn muốn sống đến bao lâu nữa? Hãy xin một ngàn năm và một ngàn năm sẽ ban cho ngươi.

Đức Phật trả lời một cách ngượng nghịu:

– Tôi chỉ xin 8 năm nữa thôi.

Khi thiên thần biến đi rồi, các môn đệ buồn rầu trách Đức Phật:

– Thưa thày, sao thày không xin cho sống thêm một ngàn năm nữa? Thày thử nghĩ xem, thày sẽ giúp ích cho biết bao thế hệ nữa.

Đức Phật mỉm cười trả lời:

– Nếu ta sống thêm một ngàn năm nữa, thì ta sẽ chỉ lo lắng đến việc kéo dài đời sống mình hơn là đi tìm sự khôn ngoan của cuộc sống.

***************

Ai không sợ chết?

Ai trong chúng ta chẳng một lần nghe nói về sự chết?  Có điều là người ta thường không thích nghĩ về cái chết.  Nhiều người cho rằng không nói, không bàn về cái chết, thì nó sẽ không xảy ra.  Chẳng hạn như nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood trước thế chiến thứ hai, đã cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông.  Những ai lỡ miệng nói ra thì bị đuổi việc.  Ông thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó!  Rồi cuối cùng Hearst cũng chết và để lại một toà lâu đài rộng lớn, bây giờ trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở California.

Ngược lại, người Việt thời xưa có thói quen lo hậu sự cho mình.  Tôi nhớ hồi bà ngoại tôi còn sống, bà luôn nói với tôi rằng “sinh ký tử quy”, sống là gửi thác là về.  Tuy bà ngoại tôi là một Phật tử, nhưng xem ra bà không thích thuyết luân hồi cho lắm, bà thích được “về với tổ tiên” hơn là tái sinh vào cõi này cõi nọ.  Năm 65 tuổi bà đã bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của mình, mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, lại còn viết trên giấy rành mạch những điều cần phải làm khi lo ma chay, từ việc mua quan tài cho đến nghi thức tẩm liệm tống táng.  Bà muốn mặc chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ.  Lại còn dặn bỏ vào quan tài cái này cái kia, như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa về gặp tổ tiên.  Coi vẻ bà chẳng sợ chết tí nào.  Bà cứ sống như thế thêm 20 năm nữa, vui vẻ bình an…và bà cũng đi cái rụp sau một cơn đột quỵ tim, hưởng thọ 86 tuổi.  Con cháu bàng hoàng bối rối, nhưng vì bà ngoại tôi đã chuẩn bị tất cả, nên mọi việc xảy ra rất êm xuôi.

Chết rồi đi về đâu?

Đối với những kẻ không tin thì chết là hết!  Là cái chung cuộc chẳng ai muốn đi tới.  Nếu thế thì cái chết đáng sợ lắm, vì nó chấm dứt tất cả những ước mơ của đời này. Cát bụi trở về cát bụi, không còn gì để đi tiếp.

Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết.  Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu.  Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình.  Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa.  Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình.  Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Dầu vậy trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa.  Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của thế giới này làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi.  Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi.  Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa.  “Lửa” luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.

Còn một thực tế khác là sự xa cách đời đời với Thiên Chúa, mà trong giáo lý gọi là Hoả Ngục. Nếu lúc còn sống, tôi đã chọn một lối sống đứng ngoài Thiên Chúa, một lối sống mà Ngài hoàn toàn không có ý nghĩa gì hoặc đóng một vai trò gì trong đó, thì chẳng có lý do gì tôi lại đến gần Ngài sau khi chết. Bóng tối không thể sống chung với ánh sáng.  Cũng giống như người sống trong phòng tối quá lâu thì thấy khó chịu xốn xang khi phải ra ánh nắng, trong khi người bình thường khoẻ mạnh thì thích đến cùng ánh sáng. Hiểu như thế, chúng ta thấy rõ Hoả Ngục là con đường mình tự chọn, chẳng phải Thiên Chúa trách phạt tôi.

Vì chúng ta không thật sự biết những người thân yêu đã qua đời của mình, lúc còn sống họ đã ngoan cố khước từ Thiên Chúa, hay họ đã lầm chẳng biết, nên chúng ta cần cầu nguyện cho họ.  Đó là ý nghĩa của ngày lễ các đẳng linh hồn chúng ta mừng kính hôm nay.  Cũng như ngày lễ các thánh, chúng ta nhớ đến những người đã khuất và bày tỏ sự hiệp thông với họ.  Khi còn sống họ đã ít nhiều mang những vết thương trong linh hồn vì hậu quả của tội lỗi.  Giờ đây, chúng ta xin cho họ được Thiên Chúa giầu lòng thương xót chữa lành các thương tích vì tội lỗi, để họ trở thành những tạo vật mới, đi vào cõi bất diệt với Đấng Tạo Hoá từ nhân.

Trong mỗi thánh lễ chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn của ông bà cha mẹ, thân nhân bạn hữu, và kể cả những linh hồn mồ côi được chóng hưởng thánh nhan Chúa, nhưng hôm nay chúng ta nhớ đến họ một cách đặc biệt, vì đó cũng là số phận của phần lớn chúng ta.

Biết Chết Để Biết Sống

Nhớ đến người chết để cầu nguyện cho kẻ sống.  Có lần tôi đọc được đâu đó một câu: “Hôm nay là ngày đầu tiên của những ngày còn lại của đời bạn.”  Lúc đó tôi chẳng quan tâm nhiều lắm! Ôi, đời còn dài mà, suy nghĩ chi cho mệt!  Nhưng càng ngày tôi càng ý thức được điều này.  Ai mà chẳng một lần phải chết thì tại sao mình không để ý đến làm sao để sống cho trọn vẹn nhỉ?

Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã Loyola khuyên ta nên tưởng tượng mình trong giờ phút hấp hối, nhìn lại cuộc đời mình, và lượng giá mọi quyết định của đời mình theo nhãn quan đó.  Có lẽ khi nhìn từ nhãn quan của một người sắp chết, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những điều gì thật sự quan trọng và cần thiết cho cuộc đời mình.  Những gì hào nhoáng giả dối sẽ bộc lộ.

Nhưng cuộc thanh luyện không nhất thiết phải bắt đầu lúc hấp hối hoặc sau khi chết.  Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những đau khổ mà tôi đang gánh chịu, phải chăng cũng là một thứ luyện tội ngay tại thế gian này?  Ai từng bị bệnh nan y đều có cảm nghiệm này.  Từ lúc khám phá ra họ có tên trong sổ đen của thần Chết, nhất là sau khi bị bác sĩ nhà thương “chê”, cách nhìn của họ về cuộc sống thay đổi rất nhiều.

Ai mà chẳng phải chết, nhưng liệu chúng ta muốn chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, nuối tiếc.  Phải chăng những người dám đối diện với cái chết thì biết cách sống?  Có lẽ muốn sống tốt hơn, phải hiểu cái chết.  Nhưng xin chúng ta đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.

***************

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai
Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.
Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,
Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy
Thì con lại chưa làm gì cả.
Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,
Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.
Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình
Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?
Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa
Không biết Chúa có nhận ra con hay không,
Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,
Con xin Chúa sự khôn ngoan
Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại
Trong ân nghĩa của Chúa
Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,
Sẽ không như hai người xa lạ
Nhưng là hai người rất thân quen.
Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến
Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!

Bảo Lộc

CHẾT

Khi biết rằng Minh Sư của mình sắp lìa xa cõi trần, các đệ tử vô cùng thất vọng. Minh Sư nhìn họ và tươi cười bảo :

– Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống của ta đáng yêu, đáng qúy hơn sao?

– Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ chết thì hơn.

– Các con ơi! Bất cứ cái gì thực sự sống thì đều phải chết. Các con hãy nhìn xem những bông hoa ngoài kia: chỉ những bông hoa giả, làm bằng giấy, bằng nhựa mới không bao giờ chết.

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

***************

Bạn thân mến!  Chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến cho mỗi người chúng ta, không ai trên cõi đời này mà không có ngày phải đi qua sự chết.  Chết là một kết thúc của cuộc sống này và là một khởi đầu cho một cuộc sống khác.  Ðó là một chân lý hết sức rõ ràng và chắc chắn. Nó nhắc nhở chúng ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế này.

Hằng năm, cứ vào tháng 11, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy nghĩ đến những người đã chết, đã ra đi trước chúng ta, trong đó có thể có những người thân yêu trong gia đình, có ông bà tổ tiên, có cha mẹ anh em bạn bè … “Hãy cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ”, đó là điều mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau thực hiện trong tháng 11 này.

Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Có những điều chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

– Tôi là một con người nên tôi phải chết

– Khi chết tôi không mang theo được điều gì ngoại trừ tội lỗi và công phúc.

– Chết không phải là hết, mà là còn…còn đời sau, còn ra trước tòa Chúa.

Cũng có những điều không chắc chắn về cái chết của cuộc đời mình, đó là:

– Cái chết sẽ đến với tôi vào lúc nào ? Ngay bây giờ ? Ngày mai hay vài ba năm sau?

– Cái chết đến với tôi ở đâu? chỗ nào? Trong bệnh viện ? Ngoài xa lộ ? Trên biển cả ? Trên máy bay ?

– Cái chết đến với tôi bằng cách nào? Chết vì bệnh? Vì tuổi già? vì tai nạn ?

– Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Đi về cõi trường sinh vĩnh phúc hay nơi trầm luân đời đời?

Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Nhất định nó phải xảy ra.

Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, hoặc một chuyến đi nghỉ hè đôi ba bữa…Tôi đã phải xắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi?  Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

***************

Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga.12: 24).

Lạy Chúa! Xin cho con chịu mất bản thân mình để được chính Chúa, chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả, chịu mất trần gian tạm bợ này để được thiên đàng vĩnh cửu đời đời.

Xin cho cuộc sống của con hôm nay luôn mang đậm dấu ấn cầu nguyện sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.  Xin cho con biết “tránh tội lập công”, biết ”từ bỏ để sẵn sàng ra đi”, không bám dính vào những điều tạm bợ của cuộc đời này. Xin cho con biết nỗ lực chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng và tối quan trọng của cuộc đời con, để con không bị rơi vào chốn trầm luân đời đời mà nhất định đi về cõi trường sinh vĩnh phúc.  Amen

Linh Xuân Thôn

MỘT NGÀY ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦN DỮ

Hôm nay ngày cuối tháng 10.  Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.

Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.

Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị.  Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị.  Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát xin kẹo và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.

***************

Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ?  Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động của thần dữ không?

Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.

Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân.  Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại.  Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau.  Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn làm, thì tôi lại làm”.  Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác…  Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”.  Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn.  Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin”.

Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”.  Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta.  Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”.

R. Veritas

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ.  Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.  Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật.  Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.

***************

Yêu thương là đặc điểm của con người.  Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương.  Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người.  Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người.  Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật.  Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu.  Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân.  Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa.  Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.

Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo.  Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn.  Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy”.

Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Ðạo là Yêu Thương.

Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Văn Tài

***************

Lạy Chúa,
Ước gì con có thể yêu Chúa
Bằng một trái tim sốt mến,
Dứt khoát hiến dâng!
Ước gì con biết yêu Chúa vì Chúa
Và ở lại trong tình yêu Chúa
Như những nhà thần bí lớn đã biết yêu Chúa…
 
Chớ gì con có thể đồng thời yêu anh em
Bằng một trái tim nhân từ, niềm nở thủy chung,
Vì Chúa, vì anh em,
Mà vẫn đơn sơ, chân thành,
Ân cần săn sóc, hoà mình với họ,
Luôn sẵn sàng yêu mỗi người,
Yêu mọi người, xem tất cả là Dân Chúa.
 
Chớ gì con biết yêu anh em
Như Chúa yêu họ, như Chúa yêu con….
Song lạy Chúa, đâu có dễ như vậy
Đối với trái tim phàm hèn con,
Bao giờ cũng chứa đầy tự ái,
Có lúc lạnh lùng như sắt đá,
Có lúc quá trớn bồng bột…

Jean Dozolme

YÊU

Minh Sư  rất thích thú với những phát minh mới mẻ.  Khi nhìn thấy một chiếc máy tính nhỏ nằm gọn trong túi áo, ngài rất đỗi ngạc nhiên.

Về sau ngài nói như mỉa mai : “Nhiều người xem ra rất thích thú khi sở hữu những chiếc máy tính cỏn con đó, nhưng trong túi của họ không có gì đáng để tính cả! ”

Thời gian sau, một khách hành hương hỏi ngài đã dạy cho đệ tử điều gì, Minh Sư trả lời: “Phải biết đặt đúng những ưu tiên: thà có tiền hơn là được đếm tiền; thà có kinh nghiệm hơn là biết định nghĩa về kinh nghiệm;  thà được yêu hơn là được hiểu biết về tình yêu

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom” )

***************

Bạn thân mến!  Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chữ YÊU: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (Mt.22:37).  Và đó cũng là câu trả lời cho những người Pharisêu khi họ hỏi thử Đức Giêsu:  “Trong sách luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất” ( Mt. 22:36)

Tất cả điều răn của Kitô giáo được tóm gọn trong một chữ YÊU. Tình yêu là cốt lõi của đời sống Kitô, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4:8).  Chính vì tình yêu mà Ngôi Hai con một Thiên Chúa đã đến thế gian, mặc lấy thân phận con người, sống như con người và chết cho con người được sống… Tất cả chỉ vì một chữ YÊU

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu.  Hãy yêu mến Thiên Chúa , không phải với một tình yêu hời hợt nửa vời, nhưng là tình yêu với cả con tim của ta, với cả linh hồn và thân xác của ta …Khi yêu là lúc ta mạnh dạn bước vào một đại dương mênh mông, là dấn thân trên một con đường dài hun hút. Tình yêu cứ vẫy gọi trước mặt.  Tình yêu giúp ta mạnh dạn bước đi mà không biết mệt mỏi, không còn sợ hãi nữa … Và nếu một khi ta giới hạn tình yêu cũng là lúc ta bóp chết tình yêu.

Lời Chúa hôm nay đã liên kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt.22:39).  Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai điều răn lớn nhất, quan trọng nhất và không thể tách rời nhau. Tình yêu tha nhân là thước đo tình yêu Thiên Chúa.  Vì nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga.4:20)

Lời Chúa hôm nay cũng là một nhắc nhở cho tôi phải suy xét về lối sống của mình.  Như ánh sáng của ngọn đèn luôn luôn có đó, khi tôi đến gần ngọn đèn, tôi được ánh sáng chiếu soi.  Hơi ấm của ngọn lửa cũng luôn luôn có đó,  khi tôi đến gần ngọn lửa, tôi được sưởi ấm. Tương tự như vậy, khi tôi đến gần Thiên Chúa, tôi được tình yêu của Ngài bao bọc che chở. Vì Ngài là tình yêu nên tình yêu của Ngài luôn luôn có đó cho tôi hưởng nhờ.  Gần Ngài tôi được hạnh phúc vì tôi được sống và được bao bọc bởi tình yêu.  Xa Ngài, tôi sẽ phải sống trong u sầu thất vọng và  đen tối vì thiếu vắng tình yêu.

Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi cùng nhau đi vào lòng mình để tìm gặp khuôn mặt của Thiên Chúa.  Ngài ở nơi đâu trong cuộc sống của tôi ? Ngài là ưu tiên thứ mấy trong những ưu tiên cần thiết của cuộc đời tôi ? Và tôi có thực sự yêu mến Ngài không?  Còn người anh em thân cận với tôi nữa … Lời nói nào tôi đã nói với họ ? Cung cách và lối cư xử nào tôi đã dành cho họ ? Tôi có nhìn thấy khuôn mặt của Chúa nơi người anh em thân cận với tôi không ? Ngài ở đâu ? Ngài ở nơi đâu ?

***************

Lạy Chúa, đã nhiều lúc con nghĩ rằng: ”Con phải yêu mến Chúa để cho Chúa được vui, cho Chúa được hạnh phúc”.  Nhưng không phải thế, con đã nghĩ sai vì nếu con không yêu mến Chúa là con bị thiệt thòi và mất mát: thiệt thòi cho niềm vui trong cuộc sống hôm nay và mất mát hạnh phúc trong cuộc sống đời đời mai sau … Xin cho con luôn khắc ghi trong lòng để thực thi lời nhắn nhủ mời gọi của Chúa trong Tin Mừng hôm nay: Yêu Chúa và mến thương tha nhân như chính mình,  Amen.

Linh Xuân Thôn

TRUYỀN ĐẠT

Một lần tôi được mời dâng Lễ Trọng ở cộng đoàn các soeur có các em nội trú người Dân Tộc. Vì không biết cộng đoàn thường đọc hay hát các Bộ Lễ nào (Kinh thương xót, Vinh Danh, Tin Kính, Amen, Lạy Cha) nên tôi nói một em giúp Lễ người Dân Tộc ra hỏi soeur đánh đàn cho biết bài nào hát, bài nào đọc, để tôi biết đường mà xướng.  Em đi ra một lúc rồi vào nói: “Dạ”.  Tôi không hiểu chữ “dạ” có nghĩa gì, nhưng vì ca đoàn đã bắt đầu hát Ca Nhập Lễ nên tôi thấy không tiện để hỏi thêm nên đánh liều dâng Lễ.  Tôi thầm nhủ cứ khi nào mà soeur dạo đàn thì tôi xướng theo, còn không dạo đàn thì đọc.

Thông thường trong các Thánh Lễ Trọng, Kinh Vinh Danh thì được hát.  Nhưng sau khi hát Kinh Thương Xót, tôi chẳng nghe tiếng dạo đàn nhưng tôi vẫn cứ xướng hát Kinh Vinh Danh và cộng đoàn cùng hát, nhưng không có đàn đệm.  Tôi ngó xuống thấy soeur phụ trách và soeur đánh đàn nói chuyện gì với nhau và một lúc sau thì có tiếng đàn đệm.  Kinh Tin Kính thì đọc, và Kinh Lạy Cha thì cộng đoàn hát.  Quả thật tôi bị lọng cọng trong Thánh Lễ đó.

Cuối Lễ tôi ra gặp soeur đánh đàn để xin lỗi soeur vì chưa biết các tục lệ riêng của cộng đoàn làm cộng đoàn bị chia trí trong Thánh Lễ này.  Tiện tôi hỏi soeur em giúp lễ nói gì với soeur.  Ánh mắt soeur lúc đó không vui lắm.  Soeur nói em giúp lễ nói tôi muốn đọc các Kinh trong Bộ Lễ…  Tôi giải thích lại cho soeur hiểu là tôi nhờ em ra hỏi soeur muốn tôi xướng đọc hay hát… cả hai cùng cười phì.  Tôi bắt gặp ánh mắt thân thiện của soeur và hai người trò chuyện hồi lâu.  “Các em người Dân Tộc là vậy đó,” soeur chia sẻ, “mình nói với em và tưởng em hiểu, té ra nó chẳng hiểu chi hết, nên nhiều lúc cần lắm nhưng mình cứ làm cho xong, chứ nhờ các em mình lại phải sửa lại nữa.”

***************

Biến cố này làm tôi liên tưởng đến kinh nghiệm của người Việt tị nạn khi mới qua xứ Mỹ.  Tiếng Anh tiếng em còn ú ớ, mù mờ, chỉ biết có mấy chữ lõm bõm, nhiều lúc nghe người Mỹ hỏi chữ được chữ không.  Không hiểu nhưng không dám hỏi lại mà cứ trả lời “yes, yes” đại.  Thường thì không sao, nhưng khi đụng chuyện thì hỡi ôi… nhiều lúc cười ra nước mắt, và nhiều lúc đau mắc nghẹn.  Nhờ những kinh nghiệm đau thương này nên tôi dễ thông cảm hơn cho các em Dân Tộc khi sống với người Kinh.  Cả đời các em sống trong buôn làng, nói chuyện với nhau chỉ bằng tiếng Dân Tộc, lâu lâu mới nói vài ba tiếng Kinh.  Đi học thì học bằng tiếng Kinh và đâu có hiểu hết như các em người Kinh, nên điểm của các em Dân Tộc lúc nào cũng thấp hơn các em người Kinh.  Chính phủ hiểu điều này và dùng nhiều cách để nâng đỡ các em Dân Tộc, thí dụ như điểm để vào đại học của các em Dân Tộc thấp hơn so với người Kinh.  Dù được nâng đỡ điểm, các em Dân Tộc thi đậu vào Đại Học cũng rất ít.  Một trong những thách đố lớn nhất của các em Dân Tộc là dù có học khá nhưng gia đình làm nương rẫy còn chưa đủ ăn thì làm sao các em có môi trường tiến xa hơn trên đường học vấn.

Quan sát các em nội trú do các soeur giúp nuôi ăn học thì mới thấy công sức của các soeur rất đáng trân trọng.  Tôi thiết nghĩ một trong những điều khó nhất để sống với các em Dân Tộc là sự kiên nhẫn chịu đựng.  Lối sống của các em quê mùa trong khi các soeur là “ông tổ” của sự ngăn nắp.  Các soeur ham học hỏi nghiên cứu trong khi các em chỉ ham vui.  Ngắm nhìn sự kiên nhẫn, chịu đựng, dạy dỗ của các soeur tôi thấy hình bóng của Thiên Chúa phảng phất đâu đó.  Có một soeur kể rằng, một lần các em rửa xe đạp ở sân trên thì nước chảy xuống sân duới, ngay chỗ một nhóm các soeur khác đang phơi cá khô và măng khô ở dưới đất.  Nước tràn xuống ướt ngập cả măng lẫn cá.  Các em thấy nhưng vẫn cứ tiếp tục rửa xe.  Đến khi phát giác thì cá, măng đã ướt đẫm.  Hỏi các em sao không báo, các em nói nước chảy xong thì có nắng nên măng, cá lại khô… có chi mà phải lo!  Một lần khác mưa sắp đến, các soeur nói các em phụ đem cá phơi ngoài sân vào, các em đang phụ mang cá khô vào thì mưa lớn ào đến và… các em chạy vào hết … để cá khô tắm mưa!  Các em Dân Tộc là vậy đó.  Sống với các em mà thiếu tình thương như người mẹ hiền thì khó đến được với các em.  Chỉ có tình mẹ hiền thương con như các soeur mới có thể chịu đựng những cái khờ khạo của các em.

Một thầy Dòng trông coi nội trú các em Dân Tộc nam chia sẻ với tôi, lâu lâu thầy bị nhà trường gọi lên: “Em đó đã không làm bài tập ở nhà mà giáo viên hỏi tại sao, em còn trả lời ‘đếch làm’.  Thầy là người trông coi các em phải nhắc nhở các em làm bài và dạy bảo các em lễ nghĩa.  Giá như học sinh người Kinh thì tôi đã đánh cho mấy roi rồi.”  Thầy về nhà vừa la vừa khuyên để các em biết thay đổi.  Sống với các em và hướng dẫn các em ở nhà còn khó hơn các giáo viên đến mấy bậc.  Nếu không có tình thương để kiên nhẫn và chịu đựng với các em, đặc biết là trong tuổi dậy thì mới lớn, thì không thể cảm hóa được các em.

Nhìn ngắm các soeur các thầy ở với các em làm tôi liên tưởng đến hình ảnh Đức Giêsu.  Là Thiên Chúa nhưng chấp nhận mặc lấy thân phận con người yếu hèn để chung sống với con người và cảm hóa con người.  Ngôi Hai đến thế gian để truyền đạt cho con người tình thương và khuôn mặt của Thiên Chúa cho đoàn con lạc lối.  Qua bao nhiêu gian nan thử thách trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã phải kiên nhẫn chịu đựng sự vụng về, quê mùa, dốt nát, bất phục tùng của con người, cộng thêm với tính khoác lác và kiêu hãnh của họ nữa.  Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của loài người để nói với con người nhưng họ vẫn khờ khạo không hiểu.  Càng thấy con người khờ dại bao nhiêu thì lại thấy sự chịu đựng và lòng khoan nhân của Thiên Chúa bấy nhiêu.

Đức Giêsu nói: “Anh chị em hãy ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi để được sống” thì con người nói chướng tai quá (Ga 6:53, 60).  “Anh phải được sinh ra một lần nữa thì mới vào được Nước Trời” mà một nhà thần học gia có tiếng như Nicôđêmô nghe như vịt nghe sấm chẳng hiểu chi cả (Ga 3:3).  Và một lần ở đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi và Cha Tôi là một” và xém chút nữa cả thầy lẫn trò bị ném trong biển đá vì con người nói rằng Đức Giêsu nói phạm thượng (Ga 10:30-31).  Con người ngu dốt đến nỗi không ý thức được những việc mình đang làm.  Khi gần chết, Đức Giêsu vẫn tiếp tục xin Chúa Cha tha cho con người vì chúng không biết việc chúng làm (Lc 23:34).  Càng nhìn lại sự ngu tối của con người thì lại cảm nghiệm sự kiên nhẫn chịu đựng và lòng nhân từ của Thiên Chúa.  Càng thấy các em Dân Tộc lơ đãng ham vui và sống quê mùa như ở buôn làng, càng thấy sự kiên nhẫn và tình thương của các soeur các thầy chăm lo cho các em.

***************

Lạy Chúa, càng suy gẫm về sự chịu đựng và lòng nhân hậu của Chúa, chúng con càng thấm thía tình thương Chúa dành cho loài người.  Con người bất tài đam mê yếu hèn mà Chúa lại tin tưởng trao cho sứ mạng đại diện Chúa để truyền đạt tình thương của Chúa.  Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được sâu xa tình thương của Chúa để mỗi người chúng con mạnh dạn dấn thân lên đường truyền đạt lại Tình Yêu Thương nhiệm mầu đó.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 19, 2008

TINH THẦN KHÓ NGHÈO

Cứ nói đến ba lời khấn, tâm lý thông thường ai cũng nghĩ chuyện của những người tu hành.  Mùa hè là mùa khấn tại Việt Nam.  Hết Hội Dòng này được Tiên Khấn, đến Tu Hội kia được Khấn Trọn, còn giáo dân thì chẳng nghe ai được khấn.  Tôi thiết tưởng ba lời khấn chẳng phải chỉ dành riêng cho tu sĩ nhưng là lời mời gọi của Thiên Chúa, qua Giáo Hội, áp dụng cho tất cả những ai đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành.  Đó là tất cả những Kitô Hữu, những người môn đệ muốn sống theo tinh thần Đức Giêsu Kitô.

Lời khấn đầu tiên là Khó Nghèo.  Mỗi lần đến giảng tĩnh tâm Linh Thao cho các Dòng tại Việt Nam, là mỗi lần tôi được Bề Trên Hội Dòng nhắc nhở: “Xin cha giúp các anh chị em chúng con chuẩn bị khấn.”  Câu nhắn nhủ đó ngụ ý giúp anh chị em hiểu rõ hơn về ba Lời Khấn để tuyên thệ.  Khi hỏi về lời khấn khó nghèo, tôi thường được nghe trả lời: “Là không dính bén đến vật chất, tiền của.”  Tôi thiết nghĩ tiền của, vật chất chỉ là một phần nhỏ của lời khấn này.  Có khi tôi chẳng có đồng xu dính túi nhưng chẳng sống khó nghèo tí nào.  Có khi tiền đầy túi mà vẫn sống đúng với tinh thần Khó Nghèo.

***************

Sau vài năm làm thiện nguyện ở các trại tị nạn, tôi về lại Mỹ và gia nhập vào Dòng Tên, trong tay không một xu dính túi.  Vì tôi quen sống với người nghèo nên tôi thích sống nghèo theo nghĩa đen mà thôi.  Vào Tập Viện, đã bao lần tôi bị bề trên quở trách vì não trạng này.  Một lần tôi mua được một đôi giày Nike $9.99, giảm giá 70%, tôi háo hức đem về khoe với anh em.  John Chandler, cha quản lý, không những không khen mà còn mắng:  “Anh tiếc tiền mua đôi giày xấu và rẻ tiền này để sau này chân bị đau thì Nhà Dòng còn tốn tiền gấp mấy trăm lần để chữa trị cho anh.  Sau này xương cốt anh bị đau nhức làm sao mà phục vụ lâu dài được.”  Tiền xài vặt mỗi tháng tôi được $20 và chẳng khi nào xài hết.  Tôi có khuynh hướng tự hào là sống khó nghèo, dù không nói ra, tôi thầm chê và xét đoán các anh em khác.

Tôi sống nghèo theo nghĩa đen nhưng chẳng sống tinh thần Lời Khấn Khó Nghèo tí nào.  Anh bạn nhờ tôi sửa dùm cái chốt cửa vì nó bị kẹt, mà tôi rất khéo léo trong việc sửa chữa mấy thứ lặt vặt này, nhưng tôi nhanh nhẩu từ chối vì tiếc thời giờ của mình.  Tất cả thời giờ tôi có thì tôi cất đi, để dành riêng cho tôi.  Bởi vì không chia sẻ với ai, nên tôi giàu có thời giờ lắm.  Ai nhờ tôi khiêng đồ phụ một chút thì tôi nại đủ lý do để từ chối vì tiếc công sức.  Ai nói xấu về một người mà tôi không ưa thì tôi cũng mau miệng thêm dầu vào lửa, cho nên tôi nghèo nàn về những lời bác ái.  Tôi sống lời khấn Khó Nghèo theo nghĩa đen, mà tai hại hơn nữa là tôi dùng nó để xét đoán vẻ bên ngoài của người khác.  Sống tinh thần Khó Nghèo là chuyện còn xa vời hơn nữa.

Khi Đức Giêsu ở trên núi giảng dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3), lời chúc phúc này dành cho tất cả các môn đệ theo Chúa, đâu phải chỉ dành riêng cho mấy đấng bậc tu hành.  Mà thời đó làm gì có các Hội Dòng để Chúa Giêsu chúc phúc.  Như vậy, lời chúc lành của Chúa Giêsu là cho những tâm hồn nghèo khó, những người mang lấy tinh thần khó nghèo.  Bạn và tôi có tâm hồn hay tinh thần nghèo khó chưa để đón nhận lời chúc phúc của Thiên Chúa Hằng Sống?

Tôi có nghèo nàn những ánh mắt cảm thông và tha thứ?
Tôi có nghèo nàn những lời nói ủi an, khuyến khích và bác ái?
Tôi có nghèo nàn những bàn tay dang rộng đón nhận kẻ hối nhân trở về và ban phát tình thương?
Trái tim tôi có nghèo nàn chẳng biết rung cảm khi thấy anh chị em gặp nạn?
Tâm hồn tôi có nghèo nàn vì không cảm thấy thèm khát Lời và Mình Máu Thánh Chúa?

Ơn gọi của người Kitô hữu là theo chân Chúa Giêsu Kitô, được mời gọi sống theo tinh thần của Ngài.  Tinh thần nghèo khó của Thiên Chúa là tâm hồn từ bỏ mọi sự, không dính bén, bám víu vào các tạo vật.  Tôi cầm một món tiền lớn trong tay để sử dụng cho một nhu cầu cần thiết mà tôi chẳng hề dính bén gì tới số tiền ấy thì tôi đang sống với tinh thần nghèo khó.  Tôi sống đúng với tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu khi tôi dành nửa giờ nói chuyện với cha mẹ, ông ngoại bà nội, hay chơi với các em của tôi.  Tôi mang một tâm hồn nghèo khó khi tôi thèm khát tình thương của Thiên Chúa, khi tôi đói Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.  Tâm hồn nghèo khó thì muốn ban phát thời gian, công sức cho người chung quanh, biết nhìn bằng ánh mắt cảm thông và tha thứ, biết trao tặng những lời ủi an, khuyến khích và bác ái, biết nới rộng tay nối lại tình Chúa, tình con, và mối tương quan với anh chị em.

***************

Lạy Chúa, nếu con chỉ biết sống theo nghĩa đen của lời khấn, thì chắc con không khá gì hơn các Pharisêu thời xưa vì họ sống rất nghiêm ngặt, sát với nghĩa đen của Lề Luật hơn con nhiều.  Xin thức tỉnh con để con biết ý thức sống tinh thần Khó Nghèo, để tâm hồn không còn dính bén vào một tạo vật nào ngoài Chúa.  Con không thể làm tôi hai chủ, xin luôn nhắc nhở để con biết sử dụng những thứ mau qua này như một phương tiện sinh lời cho Chúa, cho Giáo Hội, cho anh chị em chung quanh, và cho chính bản thân con.

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm dọn dẹp những túi hành trang lỉnh kỉnh trong tâm hồn mình để lòng con trở nên nghèo nàn và thèm khát sức sống của Chúa.  Chỉ khi nào con đói khát Chúa như người ở dưới nước đói khát không khí thì con mới biết bám vào Chúa trọn vẹn.   Mang thân phận con người yếu đuối mỏng dòn và đầy những đam mê, con chất vào tâm hồn mình những “muồng heo” dơ bẩn ô uế của Tivi, phim ảnh, nhạc kích động, chat, game, email, quảng cáo, nên chẳng còn chỗ trống, giờ trống nào cho Chúa ngự trị.  Xin cho con được cảm nghiệm Tình Yêu và Ân Sủng Chúa để con trọn vẹn thuộc về Chúa. Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 10, 2008

TRẢ LẠI CHO CHÚA

Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mt.22:17)

Bạn thân mến !  Đó là câu  hỏi sắc như một con dao hai lưỡi mà người Pharisêu đã nêu lên để lập mưu gài bẫy Đức Giêsu.  Nếu Ðức Giêsu bảo phải nộp thuế, chắc hẳn Ngài chẳng yêu nước yêu dân tí nào.  Thứ thuế thân nộp cho đế quốc Rôma thật là điều ô nhục.  Nhưng nếu Ngài bảo đừng nộp, chắc chắn Ngài sẽ bị tố cáo.  “Hãy cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế ” (Mt.22:19). Khi đưa cho Ðức Giêsu đồng bạc có hình Xê-da, những kẻ lập mưu gài bẫy Đức Giêsu đã thú nhận họ đã dùng thứ tiền này, và như thế họ đã mặc nhiên nhìn nhận quyền bính của Xê-da.

Khi biết hình và dòng chữ trên đồng bạc là của Xê-da, Ðức Giêsu đã nói một câu không dễ hiểu: “Vậy hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da“.

Khi trả lời người Pharisêu như vậy, chẳng những Ðức Giêsu không bị mắc bẫy mà Ngài còn nhân cơ hội này để đi lên một bình diện cao hơn: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt.22:21).   Ðây mới thật là vấn đề Ngài hết sức quan tâm.  Chúng ta tự hỏi: có cái gì xung quanh ta mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?  Phải trả lại cho Xê-da đồng tiền mang hình và tên ông, và cũng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình ảnh của Ngài, những gì đã được ghi khắc tên Ngài trên đó.

Hình ảnh nổi bật nhất là con người (St. 1:26).  Toàn bộ con người mang dấu ấn của Thiên Chúa.  Xúc phạm con người là phạm đến nơi sâu thẳm của Thiên Chúa.  Mọi quyền bính đạo đời đều nhằm phục vụ con người, đều nhằm làm sáng lên hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.

Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng con người cho Ngài, là nhìn nhận quyền bính của Ngài trên đời ta.  Cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa:  đất, rừng, sông biển, không khí, tài nguyên và muôn sinh vật.  Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ trong lành, hiền hậu, nghĩa là trả lại cho con người món quà Ngài đã ban tặng.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi suy tư về hình ảnh của Thiên Chúa nơi  con người và cuộc sống của tôi, hình ảnh đó có rõ ràng hay đã mờ nhạt?  Có lớp bụi nào che khuất khuôn mặt của Chúa nơi con người và cuộc sống của tôi không?  Tôi phải làm gì, phải sống ra sao để hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện sống động nơi con người và cuôc sống của tôi .

Thiên Chúa hằng yêu thương tôi, Ngài dựng nên tôi giống hình ảnh của Ngài… Về phần của tôi, tôi đã cảm nghiệm như thế nào về tình yêu sâu xa đó?

***************

Lạy Cha, có những người bạn trẻ thích xăm hình lên người, hay muốn ăn mặc, đi đứng theo kiểu một ngôi sao thể thao hay điện ảnh.  Họ vui khi thấy mình giống hệt những thần tượng mà mình yêu thích.

Xin Cha giúp chúng con biết hãnh diện vì mang nơi mình hình ảnh cao quý của Cha và sống theo phong cách của Cha:   Cha quảng đại mở ra để chia sẻ hạnh phúc thần linh, Cha khiêm tốn tôn trọng tự do của con người, Cha yêu thương đến nỗi dám trao hiến Người Con Một chí ái, Cha bao dung tha thứ trước những tâm hồn hoán cải, Cha luôn tận tụy làm việc để nâng đỡ cả thế giới…

Ước gì người ta nhận biết Cha trên trời, khi gặp chúng con ở dưới đất. Ước gì người ta đọc thấy tên Cha trong tim của chúng con, và nhận ra chúng con là con cái của Cha.  Amen.

Trích R. Veritas

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có những ký ức, những hoài niệm về người mẹ.  Và khi được hỏi đến những kỷ niệm đẹp nhất mà mình có về người mẹ thân yêu, tác giả Marie Martin có tâm sự như sau:

“Các bạn có nhớ lúc các bạn còn nhỏ thì hay té, và mỗi lần như vậy thường là khóc tức tưởi bởi cảm thấy đau hay không.  Và khi trường hợp đó xảy ra thì bạn có nhớ rằng người khác thường có những cử chỉ, biện pháp gì giúp đỡ bạn bớt đau hay không.  Còn với tôi thì tôi nhớ rất rõ là mỗi khi tôi bị té là mẹ tôi thường ôm tôi và bế tôi về giường, hôn thật sâu vào chỗ đau của tôi và xuýt xoa như thể bà cũng đang cảm thấy đau như tôi vậy.  Sau đó, mẹ tôi ngồi cạnh tôi, cầm  lấy tay tôi và bảo: “Khi nào thấy đau, con hãy nắm chặt tay mẹ, mẹ sẽ nói với con rằng mẹ yêu con”.  Và cứ như thế, mỗi lần tôi cảm thấy đau là tôi lại nắm chặt tay mẹ và mẹ tôi lại nói với tôi rằng: “Marie, mẹ yêu con”.  Nhiều khi tôi làm nũng và giả bộ đau để được nghe mẹ nói những lời yêu thương đó.

Tôi mỗi ngày mỗi lớn lên theo thời gian, và cách thức của mẹ tôi giúp tôi bớt đau đớn cũng thay đổi.  Hơn nữa, mẹ còn giúp tôi tìm thấy niềm vui trong mọi hoàn cảnh.  Những ngày còn ở trường học, mỗi khi đi học về là tôi luôn thấy thanh chocolate hạnh nhân sẵn sàng nằm trên bàn học của tôi. Trong thời gian học đại học ở xa nhà, mẹ tôi thường gọi điện thoại cho tôi và thỉnh thoảng rủ tôi đi ăn và đi dạo ở các công viên.  Khi tôi đã có gia đình, sau mỗi lần về cùng với chồng con thăm cha mẹ, vừa trở về tới nhà là tôi đã thấy cánh thiệp mẹ gửi để cám ơn về chuyến viếng thăm của chúng tôi.  Dù mẹ tôi chẳng nói lời nào nhưng tôi cũng cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho tôi.  Còn mẹ thì luôn tỏ ra cho tôi biết là tôi chiếm vị trí đặc biệt trong tim mẹ biết chừng nào.  Trong tất cả những cách tỏ lộ tình thương của mẹ dành cho tôi, tôi nhớ nhất là câu nói:  “Con hãy nắm chặt tay mẹ, mẹ sẽ nói với con rằng mẹ yêu con”.

Một buổi sáng nọ, bố tôi gọi điện thoại ra công sở cho tôi với giọng đầy lo lắng, ông nói với tôi: “Marie, mẹ con có vẻ bất ổn, bố không biết phải làm sao, con có thể về thăm mẹ ngay bây giờ không?”  Tôi vội vã xin nghỉ việc và lái xe về nhà.  Tôi bồn chồn lo lắng vì không biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ.  Về tới nhà, tôi thấy bố tôi đang đi đi lại lại trong bếp, mẹ nằm trên giường, mắt mẹ nhắm nghiền và hai tay ôm ghì lấy bụng.  Cố giữ giọng bình tĩnh tôi chào mẹ:  “Mẹ ơi, con về thăm mẹ đây”.  Mẹ tôi hỏi lại: “Marie đó hả con?” Tôi thưa: “Dạ con đây, thưa mẹ”.

Tôi không hề chuẩn bị tinh thần để nghe câu nói kế tiếp của mẹ nên khi nghe thấy mẹ nói, tôi lạnh cứng người chẳng biết nói gì nữa.  Khi mẹ tôi hỏi: “Marie, mẹ sắp chết phải không con?”  Tôi cảm thấy bất lực, mắt nhòa lệ và nhìn người mẹ thân yêu của mình nằm đó.  Tôi tự hỏi: “Nếu là mẹ, tôi sẽ nói ra sao?”

Tôi lặng im nhìn mẹ, mỗi khoảnh khắc dài vô tận và tôi cứ lập đi lập lại trong trí tôi câu hỏi đó. Một lúc sau, khi nghe mẹ tôi than: “Marie, mẹ đau quá” tôi liền nói: “Mẹ ơi, khi nào mẹ đau mẹ hãy nắm chặt tay con và con sẽ nói rằng con yêu mẹ”.  Mỗi lần mẹ bóp chặt tay tôi là tôi lại nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”.  Rất nhiều lần mẹ nắm chặt tay tôi và tôi lại nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”.  Và trong suốt hai năm chăm sóc mẹ trên giường bệnh trước khi mẹ qua đời, tôi đã lập lại câu nói ấy nhiều lần.  Tôi không biết khi nào sẽ tới phiên tôi hoặc những người thân khác, nhưng tôi biết đến lúc ấy dù là ai tôi cũng vẫn giữ thói quen ngọt ngào đầy yêu thương mà mẹ tôi đã từng làm.

“Khi nào đau hãy nắm chặt tay ta và ta sẽ nói rằng ta yêu người”.

***************

Phương cách mà người mẹ trong câu chuyện trên đã thực hiện và trao lại cho con bà là những câu nói đầy ắp tình thương của một người mẹ đã giúp cô con gái mình sống vui suốt cả đời.  Và không những thế, cô cũng cảm thấy mình có trách nhiệm để tạo niềm vui cho người khác với cùng một phương thế như mẹ cô đã làm.

Mỗi tín hữu Kitô chúng ta cũng có một người mẹ đầy ơn phước là Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Ngài cũng chỉ cho chúng ta những phương thức để giúp chúng ta cũng được chia sẻ hạnh phúc với Mẹ trong ơn nghĩa Chúa. Với tâm tình của một người con thảo của Mẹ, chúng ta hãy thưa với Mẹ Maria: “Mẹ ơi, con yêu mến Mẹ, xin Mẹ dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu, Con Mẹ”.

Ước chi mỗi chúng ta luôn biết dùng những phương thế Mẹ Maria đã dạy để chúng ta đạt đến bến bờ yêu thương, được trưởng thành trong tình yêu mến Chúa, và vì yêu mến Chúa mà yêu thương và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em nhận ra những niềm vui của cuộc sống và hạnh phúc.

R. Veritas

THÁNG MƯỜI VÀ FATIMA

Trong Giáo Hội Việt Nam, tháng 10 là tháng kính Đức Mẹ cách đặc biệt.  Đặc biệt ở việc lần chuỗi Mân Côi đều khắp.  Đặc biệt còn ở chỗ sốt sắng nhớ về biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.  Đức Mẹ hiện ra ở Fatima nhiều lần.  Lần hiện ra sau cùng là vào ngày 13 tháng 10 năm 1917. Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với Francisco, Jacinta Marto và Lucy dos Santos.

Ở Fatima, Đức Mẹ đã cho con cái Mẹ nhìn thấy một tình hình khủng khiếp.  Nhưng đồng thời cũng đem lại cho đoàn con niềm hy vọng cứu rỗi.  Những gì Đức Mẹ nhắn nhủ ở Fatima chỉ là nhắc lại những điều căn bản của Phúc Âm.  Toà Thánh đã công nhận biến cố Fatima.

Trước tình hình thế giới hiện nay có khả năng bùng nổ nhiều bất ổn bất ngờ, tôi thiết nghĩ sự nhắc lại sứ điệp Fatima là điều hữu ích, cần làm.

Những gì tôi nhắc lại dưới đây về biến cố Fatima đều được rút ra từ tài liệu chính thức phát hành ở Fatima.  Đó là tạp chí nói về hai Á thánh Phanxicô và Giaxinta, số mới nhất tháng 9/2004.  Tất nhiên đây là những thông tin, không buộc phải tin, nhưng nên tiếp thu suy gẫm.

***************

Những Cảnh Khủng Khiếp

Theo tiết lộ của Lucia được viết ra trên giấy, để nộp cho Giáo quyền và đã được Toà Thánh cho phép công bố năm 2000, thì Đức Mẹ hiện ra tại Fatima đã cho ba trẻ thấy hai cảnh khủng khiếp này:

Một cảnh khủng khiếp xảy ra cho Hội Thánh ở thế gian này.

“Một Giám mục mặc y phục trắng (chúng con có cảm tưởng đó là Đức Giáo Hoàng) tiếp theo là nhiều giám mục khác, nhiều linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, trèo lên một ngọn núi hiểm trở.  Trên ngọn núi ấy có một cây thánh giá lớn coi vẻ như làm bằng cây gỗ sến còn nguyên vỏ.  Trước khi tới được thánh giá, Đức Thánh Cha phải đi qua một thành phố nửa hoang tàn, nửa hoảng sợ.  Ngài bước đi thất thểu, mệt mỏi vì khổ đau buồn sầu.  Ngài cầu nguyện cho những hồn người bỏ mạng nằm ngổn ngang trên đường.  Khi tới đỉnh núi, Ngài quì xuống dưới cây thánh giá.  Lập tức Ngài bị một đội lính bắn nhiều phát súng và cung tên vào Ngài.

Cùng chết như Ngài, là một số giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và nhiều giáo dân, đàn ông, đàn bà thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

Dưới hai cánh thánh giá, có hai thiên thần, mỗi vị cầm một chén thuỷ tinh hứng lấy máu các vị tử đạo, và rảy xuống trên các linh hồn đang đến gần Chúa”.

Trên đây là một cảnh khủng khiếp có thể đã, đang và sẽ xảy ra chỗ này nơi nọ, dưới nhiều hình thức độc ác khác nhau, do những động lực không nhất thiết giống nhau.

Thêm vào cảnh khủng khiếp trên đây xảy ra trên cõi đời này, là cảnh khủng khiếp xảy ra trong cõi đời sau.  Đó là hoả ngục.

Trong thư Lucia viết cho Đức Cha giáo phận của chị, theo lệnh của Ngài, chị trình rõ:  Ba trẻ đã được Đức Mẹ cho thấy cảnh hoả ngục.

“Chúng con thấy một biển lửa.  Bị giữ trong đó là những quỷ và những hồn bị kết án.  Những hồn này hình người, màu đen.  Họ lềnh bềnh trong biển lửa.  Các ngọn lửa lúc tung họ lên, lúc ném họ xuống, giống như những tàn lửa giữa đám khói mù.  Họ gào thét, rên xiết với những giọng đau đớn, thất vọng và sợ hãi…

Còn các quỷ thì mang hình những thú vật dữ tợn, ghê tởm, đen như những cục than lửa đỏ”.

Thời gian ba trẻ xem thấy cảnh hoả ngục chỉ rất vắn, nhưng ba trẻ đã quá sợ.  Nếu thị kiến kéo dài thêm, chắc ba trẻ sẽ chết, vì không chịu nổi cảnh khủng khiếp như vậy.

***************

Những Ngả Đường Để Được Cứu

Cùng với sự cho thấy những cảnh khủng khiếp, Đức Mẹ cũng đã cho ba trẻ nhận ra những ngả đường được cứu khỏi những cảnh kinh khủng đó.  Đức Mẹ nhấn mạnh đến ba ngả đường:

Một là sám hối, đền tội.
Hai là tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Ba là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Ở Fatima, Đức Mẹ nói rất vắn về ba ngả đường trên.

Nhưng dần dần, sự thực hành đã được hướng dẫn.  Thí dụ:  Khi sám hối, đền tội, con người cần ý thức về việc phạm tội của mình xúc phạm nặng nề đến Chúa và gây hại vô vàn cho chính mình. Cần dốc lòng sửa mình để đón nhận ơn tha thứ.  Còn đền tạ thì không gì bằng thực thi bác ái hy sinh.

Khi tôn sùng trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, con người cần tựa nương vào tình khiêm tốn “xin vâng” của Mẹ, để phát triển mình theo đúng hướng đi lên những giá trị trong sáng.

Khi cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, con người sẽ nhớ mình cần được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đồng hành với mình.  Và như thế, dù trên những chặng đường khó khăn nhất, họ tin tưởng có ngày sẽ qua được chặng đường thánh giá, để được Phục sinh với Chúa Giêsu, trở về Nhà Cha giàu tình yêu thương xót.

Càng thực hành những gì Đức Mẹ dạy ở Fatima, người ta càng có cảm tưởng Đức Mẹ rất gần gũi mình, dù mình bé mọn, tội lỗi. Một cảm tưởng rất mạnh và rất rõ họ cảm nhận được, đó là mình không thể dửng dưng, quay lưng hoặc chạy trốn Đức Mẹ được.

***************

Kinh Nghiệm Riêng

Đã từ lâu, nhưng nhất là từ mấy năm nay, khi tuổi tác và bệnh tật làm kiệt sức tôi về mọi phương tiện, tôi đã thực hành ba mệnh lệnh Fatima một cách vắn gọn.  Tôi chỉ nhìn ảnh hoặc tượng Đức Mẹ Trái Tim và cầu nguyện vắn tắt:

Xin Mẹ thương xót con.  Xin Mẹ cầu bầu cho con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Con không tự mình đứng dậy được.  Con không tự mình bước đi được.  Xin Mẹ thương dìu con trên đường thánh giá, để được Phục sinh với Chúa Giêsu”.

Thiết tưởng sự khẩn cầu như thế chính là sám hối, là mến yêu, là gắn bó, phó thác và vâng phục.

Sự van nài như thế sẽ cứ mãi được tiếp tục, nhất là trong hoàn cảnh bi đát.  Có những lúc quá tối tăm mệt mỏi.  Có những lúc bị cám dỗ thay thế việc nài xin khẩn cầu bằng những hoạt động theo ý riêng.

Vì thế chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ cho chúng ta luôn biết khẩn cầu Mẹ.  Nhất là khi chúng ta bị rơi vào guồng máy của nếp sống xa Phúc Âm, bị trói chặt vào vòng quay của nó, đồng thời nó lại tạo cho ta một ảo tưởng là mình đang được an toàn trong đạo đức.

Tình hình đang biến chuyển phức tạp.  Xin Mẹ thương ban cho chúng ta ơn luôn biết khẩn cầu với Mẹ, biết luôn sống theo tinh thần sứ điệp mà Mẹ đã thương gởi đến từ Fatima.  Thực ra Mẹ Fatima, một cách nào đó, đang ở bên ta.

GM JB Bùi Tuần