Trong đời sống của Đức Phật, người ta có kể lại mẩu chuyện này: Một hôm Đức Phật đang ngồi với các môn đệ, bỗng chốc có một thiên thần hiện đến và bảo:
– Người còn muốn sống đến bao lâu nữa? Hãy xin một ngàn năm và một ngàn năm sẽ ban cho ngươi.
Đức Phật trả lời một cách ngượng nghịu:
– Tôi chỉ xin 8 năm nữa thôi.
Khi thiên thần biến đi rồi, các môn đệ buồn rầu trách Đức Phật:
– Thưa thày, sao thày không xin cho sống thêm một ngàn năm nữa? Thày thử nghĩ xem, thày sẽ giúp ích cho biết bao thế hệ nữa.
Đức Phật mỉm cười trả lời:
– Nếu ta sống thêm một ngàn năm nữa, thì ta sẽ chỉ lo lắng đến việc kéo dài đời sống mình hơn là đi tìm sự khôn ngoan của cuộc sống.
***************
Ai không sợ chết?
Ai trong chúng ta chẳng một lần nghe nói về sự chết? Có điều là người ta thường không thích nghĩ về cái chết. Nhiều người cho rằng không nói, không bàn về cái chết, thì nó sẽ không xảy ra. Chẳng hạn như nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood trước thế chiến thứ hai, đã cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông. Những ai lỡ miệng nói ra thì bị đuổi việc. Ông thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó! Rồi cuối cùng Hearst cũng chết và để lại một toà lâu đài rộng lớn, bây giờ trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở California.
Ngược lại, người Việt thời xưa có thói quen lo hậu sự cho mình. Tôi nhớ hồi bà ngoại tôi còn sống, bà luôn nói với tôi rằng “sinh ký tử quy”, sống là gửi thác là về. Tuy bà ngoại tôi là một Phật tử, nhưng xem ra bà không thích thuyết luân hồi cho lắm, bà thích được “về với tổ tiên” hơn là tái sinh vào cõi này cõi nọ. Năm 65 tuổi bà đã bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của mình, mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, lại còn viết trên giấy rành mạch những điều cần phải làm khi lo ma chay, từ việc mua quan tài cho đến nghi thức tẩm liệm tống táng. Bà muốn mặc chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ. Lại còn dặn bỏ vào quan tài cái này cái kia, như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa về gặp tổ tiên. Coi vẻ bà chẳng sợ chết tí nào. Bà cứ sống như thế thêm 20 năm nữa, vui vẻ bình an…và bà cũng đi cái rụp sau một cơn đột quỵ tim, hưởng thọ 86 tuổi. Con cháu bàng hoàng bối rối, nhưng vì bà ngoại tôi đã chuẩn bị tất cả, nên mọi việc xảy ra rất êm xuôi.
Chết rồi đi về đâu?
Đối với những kẻ không tin thì chết là hết! Là cái chung cuộc chẳng ai muốn đi tới. Nếu thế thì cái chết đáng sợ lắm, vì nó chấm dứt tất cả những ước mơ của đời này. Cát bụi trở về cát bụi, không còn gì để đi tiếp.
Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Dầu vậy trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của thế giới này làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Lửa” luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.
Còn một thực tế khác là sự xa cách đời đời với Thiên Chúa, mà trong giáo lý gọi là Hoả Ngục. Nếu lúc còn sống, tôi đã chọn một lối sống đứng ngoài Thiên Chúa, một lối sống mà Ngài hoàn toàn không có ý nghĩa gì hoặc đóng một vai trò gì trong đó, thì chẳng có lý do gì tôi lại đến gần Ngài sau khi chết. Bóng tối không thể sống chung với ánh sáng. Cũng giống như người sống trong phòng tối quá lâu thì thấy khó chịu xốn xang khi phải ra ánh nắng, trong khi người bình thường khoẻ mạnh thì thích đến cùng ánh sáng. Hiểu như thế, chúng ta thấy rõ Hoả Ngục là con đường mình tự chọn, chẳng phải Thiên Chúa trách phạt tôi.
Vì chúng ta không thật sự biết những người thân yêu đã qua đời của mình, lúc còn sống họ đã ngoan cố khước từ Thiên Chúa, hay họ đã lầm chẳng biết, nên chúng ta cần cầu nguyện cho họ. Đó là ý nghĩa của ngày lễ các đẳng linh hồn chúng ta mừng kính hôm nay. Cũng như ngày lễ các thánh, chúng ta nhớ đến những người đã khuất và bày tỏ sự hiệp thông với họ. Khi còn sống họ đã ít nhiều mang những vết thương trong linh hồn vì hậu quả của tội lỗi. Giờ đây, chúng ta xin cho họ được Thiên Chúa giầu lòng thương xót chữa lành các thương tích vì tội lỗi, để họ trở thành những tạo vật mới, đi vào cõi bất diệt với Đấng Tạo Hoá từ nhân.
Trong mỗi thánh lễ chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn của ông bà cha mẹ, thân nhân bạn hữu, và kể cả những linh hồn mồ côi được chóng hưởng thánh nhan Chúa, nhưng hôm nay chúng ta nhớ đến họ một cách đặc biệt, vì đó cũng là số phận của phần lớn chúng ta.
Biết Chết Để Biết Sống
Nhớ đến người chết để cầu nguyện cho kẻ sống. Có lần tôi đọc được đâu đó một câu: “Hôm nay là ngày đầu tiên của những ngày còn lại của đời bạn.” Lúc đó tôi chẳng quan tâm nhiều lắm! Ôi, đời còn dài mà, suy nghĩ chi cho mệt! Nhưng càng ngày tôi càng ý thức được điều này. Ai mà chẳng một lần phải chết thì tại sao mình không để ý đến làm sao để sống cho trọn vẹn nhỉ?
Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã Loyola khuyên ta nên tưởng tượng mình trong giờ phút hấp hối, nhìn lại cuộc đời mình, và lượng giá mọi quyết định của đời mình theo nhãn quan đó. Có lẽ khi nhìn từ nhãn quan của một người sắp chết, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những điều gì thật sự quan trọng và cần thiết cho cuộc đời mình. Những gì hào nhoáng giả dối sẽ bộc lộ.
Nhưng cuộc thanh luyện không nhất thiết phải bắt đầu lúc hấp hối hoặc sau khi chết. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những đau khổ mà tôi đang gánh chịu, phải chăng cũng là một thứ luyện tội ngay tại thế gian này? Ai từng bị bệnh nan y đều có cảm nghiệm này. Từ lúc khám phá ra họ có tên trong sổ đen của thần Chết, nhất là sau khi bị bác sĩ nhà thương “chê”, cách nhìn của họ về cuộc sống thay đổi rất nhiều.
Ai mà chẳng phải chết, nhưng liệu chúng ta muốn chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, nuối tiếc. Phải chăng những người dám đối diện với cái chết thì biết cách sống? Có lẽ muốn sống tốt hơn, phải hiểu cái chết. Nhưng xin chúng ta đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.
***************
Lạy Chúa,
Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai
Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.
Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,
Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy
Thì con lại chưa làm gì cả.
Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,
Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.
Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình
Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?
Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa
Không biết Chúa có nhận ra con hay không,
Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”
Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,
Con xin Chúa sự khôn ngoan
Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại
Trong ân nghĩa của Chúa
Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,
Sẽ không như hai người xa lạ
Nhưng là hai người rất thân quen.
Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến
Và giang đôi tay đón con vào lòng. Amen!
Bảo Lộc