HÃY LÀM NẢY SINH NHIỀU HOA LỢI

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại dụ ngôn “Người tá điền sát nhân”  (Mt. 21:33-43).  Tại sao những tá điền lại nhẫn tâm bắt các đầy tớ của ông chủ: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ… và chúng bắt cả con trai của ông chủ, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi… Tại sao những tá điền này lại trở thành những tên sát nhân độc ác như vậy?  Chắc có nhiều lý do lắm.  Thế nhưng có lẽ lý do chính khiến cho những người tá điền chất phác này trở thành những tên sát nhân độc ác như vậy là bởi vì họ không có HOA LỢI để nộp cho chủ.

***************

Bạn thân mến! Tôi và bạn, chúng ta đều là những tá điền, là những người quản lý trong vườn nho của ông chủ tốt lành là Thiên Chúa.  Nhiệm vụ của ta là phải làm sinh sản ra nhiều HOA LỢI cho Ngài.  Tôi hỏi thật bạn nhé! Bạn đã làm ra nhiều HOA LỢI cho ông chủ của bạn hay chưa?

Sống trong ơn gọi hôn nhân, bạn được ông chủ trao cho công việc quản lý một vườn nho trong đó toàn là những giống nho tốt, đó là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái  cháu chắt của bạn.. . Nhiệm vụ của bạn là phải làm cho những cây nho này trổ sinh hoa trái ngon ngọt và sinh thật nhiều HOA LỢI cho Ngài.

Nếu cha mẹ, vợ chồng biết hy sinh và lắng ghe, biết dành thời gian để chăm sóc và gần gũi với nhau … và khi con cái biết kính trọng, vâng lời và thảo hiếu với cha mẹ… thì lúc đó bạn đang tạo cho những cây nho trong vườn một sức đề kháng rất mạnh.  Sức đề kháng này còn mạnh hơn là những loại thuốc trừ sâu.  Khi có được sức đề kháng tốt như vậy, những cây nho này chắc chắn sẽ không bị sâu rầy tấn công.  Chắc chắn chúng sẽ mang lại thật nhiều HOA LỢI cho chủ.

Nếu vợ chồng sống hòa thuận, yêu thương, kiên nhẫn, tha thứ, giúp đỡ nhau, trung tín với lời thề hứa… Lúc đó bạn đang tạo ra những luồng gió mát và ấm áp kích thích những cây nho đơm bông kết trái thật xum xuê.  Như thế là ông chủ sẽ thu được nhiều HOA LỢI!

Nếu bạn tham dự các lớp học hỏi giáo lý, học hỏi Kinh Thánh, tham gia vào những sinh hoạt của các hội đoàn trong giáo xứ, đến giúp đỡ và thăm viếng những người già nua, cô đơn, bệnh tật…là bạn đem thứ phân bón tốt nhất bón cho những cây nho trong vườn của ông chủ.  Nhờ những thứ phân bón của yêu thương và bác ái này, những cây nho sẽ đem lại nhiều HOA LỢI cho chủ hơn!

Nếu bạn đang sống trong ơn gọi tu trì thì bạn đang được ông chủ trao cho công việc khá nặng nề đấy!  Bạn phải đứng trên những tháp canh, làm công tác bảo vệ vườn nho, trông coi những bồn đạp nho và đốc thúc công nhân làm việc để nhờ vậy HOA LỢI của ông chủ càng ngày càng gia tăng.

Nếu bạn trung tín trong ơn gọi tận hiến, cố gắng phấn đấu sống thánh thiện “không ngạo mạn, không nóng nảy nghiện ngập, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn… biết hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ.. .” (Ti. 1:7-8) thì lúc đó ta đang làm cho bầu không khí trong công xưởng làm nho của chủ vui tươi hơn, làm cho công nhân phấn khởi hơn, và nhờ thế số lượng rượu sẽ gia tăng đáng kể.  Như vậy ông chủ chắc chắn sẽ thu được nhiều HOA LỢI.

***************

Bạn thân mến, nếu tôi và bạn, chúng ta không biết làm sinh HOA LỢI cho ông chủ thì … căng đấy!

Bạn có tin rằng khi không có hoa lợi nộp cho chủ, ta sẽ lâm vào cảnh “đói ăn vụng túng làm liều”.  Lúc đó tôi và bạn không chừng sẽ trở thành những tên sát nhân còn nhẫn tâm và ác ôn hơn là những tên tá điền trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay!

Nếu ta thấy chưa có HOA LỢI để nộp cho ông chủ thì hãy nhanh tay lên, phải khẩn trương lên, bạn và tôi vẫn còn thời gian để làm cho HOA LỢI của ông chủ nảy sinh thêm.  Đừng để cho ông chủ nổi giận và “tru diệt bọn chúng mình, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho” (Mt. 25:41).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để bạn và tôi sẽ trở thành những người quản lý thông minh và khôn khéo, biết làm cho hoa lợi của ông chủ nảy sinh gấp bội. Làm được như vậy chắc chắn ông chủ sẽ rất hài lòng!

Nếu ta làm nảy sinh nhiều HOA LỢI cho vườn nho của Chúa thì Ngài sẽ tươi cười và nói với ta trong ngày sau hết: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! … Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt. 25:21).

LM .  Ansgar Pham Tĩnh

DẤU CHỈ CỦA TÌNH YÊU

Trong vở kịch có tựa đề “Một con người của bốn mùa”, tác giả đã mô tả cảnh vua Henri VIII cố gắng thuyết phục thủ tướng của ông là thánh Thomas Moore hãy đồng ý với quyết định ly dị của ông và cưới nàng Pauline làm vợ.  Vua Henri nói như sau:

– Thomas, khanh hãy hiểu cho rằng trẫm đang có nguy cơ mất linh hồn. Thật ra, giữa trẫm và vợ trẫm chẳng bao giờ có hôn phối cả, bởi vì nàng là quả phụ của anh trẫm.

Nhưng thánh Thomas Moore trả lời:

– Tâu bệ hạ, thần không có thẩm quyền để can thiệp vào vấn đề này. Thần nghĩ vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh…

Nhưng vua Henri VIII ngắt lời:

– Thomas ơi, phải chăng người ta cần có một vị giáo hoàng để nói cho mình biết khi nào mình đã phạm tội? Thomas, đây là một tội!  Trẫm nhìn nhận điều đó, trẫm hối hận và Chúa đã trừng phạt trẫm, trẫm không có con trai.  Thomas ơi, hết đứa con trai này đến đứa con trai khác, tất cả đều chết từ lúc mới sinh hay chỉ một tháng sau.  Trẫm không bao giờ thấy bàn tay của Chúa tỏ tường như thế.  Trẫm có một đứa con gái, đây là một đứa con ngoan, nhưng trẫm lại chẳng có con trai.  Nhiệm vụ của trẫm là gạt bỏ hoàng hậu và xin các vị giáo hoàng đừng xen vào giữa trẫm và nhiệm vụ của trẫm.

Rồi ông nài nỉ thánh Thomas Moore một lần nữa như sau:

– Tại sao khanh không thấy điều đó trong khi mọi người đều thấy?

Một cách bình tĩnh, thánh nhân trả lời:

– Thế thì tại sao bệ hạ lại cần sự ủng hộ của hạ thần?

Vua Henri VIII nói từng tiếng như sau:

– Bởi vì khanh là một con người lương thiện và ai cũng biết rõ sự lương thiện của khanh. Khanh nhìn xem, có những người phò trẫm là bởi vì trẫm đang đội triều thiên trên đầu.  Có những người đi theo trẫm chỉ vì họ là những con gấu với răng nhọn, còn trẫm là một con sư tử.  Có cả một đám đông đi theo trẫm, chỉ vì họ để cho đám đông lôi cuốn, nhưng khanh thì khác.

Những lời trên đây của một người nắm quyền sinh sát trên tay không chỉ là những lời đường mật mà đã vẽ ra cho thánh Thomas Moore một thập giá đang chờ đợi ở phía trước.  Thánh nhân có thể khước từ thập giá ấy và sống trong phú quí và danh vọng, hoặc là thách thức nhà vua và chọn lấy cái chết.  Nhưng cuối cùng ngài đã ôm lấy thập giá, ngài đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu.

***************

Cũng giống như chiếc ghế điện tại những nơi còn duy trì án tử hình, thập giá quả là một điều chướng kỳ.  Chúa Giêsu đã bị treo lên trên ấy và chúng ta được kêu mời ôm lấy nó.  Thật không gì ngu xuẩn bằng khi đặt trọng tâm của cuộc sống vào thập giá ấy, nhưng Chúa Giêsu lại dùng biểu tượng của nhục nhã khủng khiếp đó để nói lên tư cách của người môn đệ của Ngài: “Ai không vác thập giá và đi theo Ta không đáng làm môn đệ Ta”.

Thập giá không phải là một món đồ trang sức mà là một thách đố giữa sống và chết, giữa tình yêu và hận thù, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa hạnh phúc và khổ đau.

Thập giá là dấu chỉ của tình yêu.  Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu”.  Thập giá là một lời mời gọi sống yêu thương.  Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu thương như chính Thầy đã yêu thương các con”.  Thập giá là một mạc khải về tình yêu đích thực. Yêu là đau khổ, yêu là hy sinh.  Thời đại của chúng ta là thời đại của giảm đau.  Người ta sử dụng thuốc giảm đau để làm bớt cơn đau trong thân xác đã đành, người ta còn tìm đủ mọi cách để tránh hy sinh.  Nhưng thập giá của Chúa Giêsu soi rọi cho chúng ta thấy rằng một cuộc sống không có thập giá là một cuộc sống vô nghĩa và không đáng sống.

***************

Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con biết can đảm bước theo con đường thập giá của Chúa.  Xin cho chúng con biết dâng lên Chúa những hy sinh trong suốt tuần này để được kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn hầu được tham dự vào sự sống lại của Chúa.

R. Veritas

 

MẶT TRÁI CUỘC ĐỜI

Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa.

Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:

–  Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào.  Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.

Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:

– Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.

Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại.  Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác.  Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vén lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.

***************

Cuộc đời của mỗi người chúng ta có lẽ cũng giống như một tấm thảm nhìn từ mặt trái.  Những cái độc điệu nhàm chán dệt nên cuộc sống của mỗi người, đôi khi che khuất hướng đi và ý nghĩa cuộc đời.

Những mất mát, thất bại và khổ đau càng làm chúng ta choáng ngợp hụt hẫng giữa dòng đời.

Chúa Giêsu đến, mang lại cho con người một cái nhìn mới về cuộc đời. Ngài: “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.  Qua Ngài, chúng ta biết đường để đi, sự thật để theo và sự sống để trường tồn. Ngài chính là ánh sáng trong đó chúng ta nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời từ mặt trái của nó.

Với ba mươi năm sống âm thầm như một người thợ mộc, trong một ngôi làng hẻo lánh, Chúa Giêsu đã mặc cho cái độc điệu âm thầm của cuộc sống một giá trị cao cả, cái bé nhỏ và hèn mọn lại được nâng cao.

Những trẻ em bị xã hội xem là tầm thường nhỏ bé.  Chúa Giêsu lại đưa ra như một điển hình của nhân đức.

Một bà goá dâng cúng hai đồng xu nhỏ Chúa Giêsu lại đề cao như người quảng đại nhất giữa đám đông.

Những kẻ tội lỗi, phường thu thuế, bọn đĩ điếm lại được ngồi đồng bàn với Đấng Cứu Thế.

Đám dân chài dốt nát lại được Ngài chọn làm môn đệ ưu tú.  Cũng cái nhìn từ mặt trái cuộc đời ấy được Chúa Giêsu áp dụng triệt để vào cái chết của Ngài: “Viên đá mà người thợ xây loại bỏ đã biến nên tảng đá gọc tường”.  Cái chết mà mọi người xem như một thất bại ê chề đã được Ngài nâng lên nguyên nhân cứu rỗi.

Là môn đệ Ngài, chúng ta được mời gọi nhìn vào cuộc đời và con người bằng chính cái nhìn ấy.

***************

Lạy Chúa, xin ban thêm ánh sáng Đức tin cho con, để con biết nhìn cuộc đời bằng cái nhìn lạc quan và yêu thương của Chúa.  Xuyên qua muôn thử thách và âm thầm hy sinh, xin cho con luôn thấy được ý nghĩa cao đẹp của thập giá.  Xuyên qua những khuôn mặt tiều tụy, khốn khổ, ngay cả những con người bỉ ổi và đáng ghét, xin cho con vẫn nhận ra được hình ảnh cao đẹp của Chúa trong họ.  Amen!

Thiên Phúc

LẮNG NGHE VÀ ĐÁP TRẢ?

Người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời trước các ông“.  (Mt. 21:31)

Bạn thân mến! Trên đây là lời nói của Ðức Giêsu với các Thượng tế, Kinh sư và Pharisêu… Họ là những người đáng kính vì đạo đức và học thức. Họ là những người đáng trọng vì chức vụ và uy quyền.  Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi như gái điếm và người thu thuế lại có thể qua mặt các đấng, các bậc đáng kính như vậy?

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa  Giêsu đã dùng dụ ngôn để giải thích  cho ta biết rõ hơn:  Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho.  Ðứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm.  Ðứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi. Và Chúa hỏi: “Ai là người đã thi hành ý muốn của người cha ?”

Đứa con thứ nói vâng mà không làm là ai?  Phải chăng đó là giới tu sĩ và lãnh đạo Do Thái Giáo ngày xưa đang chất vấn Chúa.  Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật. Tiếc thay chính sự đạo đức của họ lại làm cho họ tự mãn và khép kín đến nỗi không thể tin vào Ðức Giêsu và đón nhận Ngài như quà tặng Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa.  Họ còn là ai nữa ? Họ  là dân Do Thái,  dân Chúa nhưng không nhận biết Chúa.  Và ngày hôm nay, có thể  họ còn là các nhà lãnh đạo tôn giáo nhưng không sống theo luật tình yêu của Chúa;  là các nhà chính trị nói rất hay nhưng không nghe theo các giáo huấn của Giáo hội .

Đứa con lớn ăn nói ngang tàng , nói “không làm”  nhưng rồi hối hận và “đi làm” là hình ảnh của ai?  Phải chăng đó là hình ảnh của kẻ có tội, những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo như giới thu thuế và đĩ điếm.  Ðời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn.  Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ trở nên khiêm tốn và dễ dàng hoán cải.  Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Ðức Giêsu và lãnh nhận Ơn Cứu Độ trước nhiều người khác.

Tin Mừng chỉ nói đứa con lớn hối hận và ra đi làm vườn nho cho cha, chứ không nói anh làm hay hoặc  làm dở như thế nào.  Vậy điểm chính là anh ăn năn, thay đổi thái độ và đi làm, chứ không tùy thuộc vào kết quả của việc làm.

Ði làm hay không đi làm vườn nho trong bài Tin Mừng đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu.  Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.  Niềm tin thực sự đã biến đổi  thành hành  động.  Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.  Niềm tin vào Ðức Giêsu đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ. Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Ðức Giêsu.  Họ sợ mất chỗ đứng và mất quyền lợi, sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.

Kitô giáo là tôn giáo của niềm tin.  Niềm tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài:  “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc. 2:17).  Niềm tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng nhưng là một tuyên xưng bằng chính cuộc sống: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt. 7:21).

Tôi phải tránh lối giữ đạo hình thức: có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Ðức Kitô, bởi có một khoảng cách rất xa giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.

Các ông nghĩ sao ?”  Đó là câu hỏi mà ngày xưa Chúa hỏi những người Biệt Phái, Thượng Tế, Kỳ Lão.  Hôm nay Chúa cũng hỏi bạn và tôi :  “Các con nghĩ sao ? Nghĩ sao về cách sống đạo của mình ? Nghĩ sao về cách thể hiện Ðức Tin của mình ? Nghĩ sao về lòng yêu mến Chúa mà mình phải có ? Nghĩ sao về Thánh Ý Chúa mà mình phải thực hiện ?”

***************

Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho Cha“…Đó là lời mời gọi của người cha trong bài Tin Mừng và cũng là lời mời gọi của Chúa dành cho tôi hôm nay.  Tôi có nghe được lời mời gọi của Chúa không ? Tôi sẽ đáp trả lời mời gọi của Ngài ra sao ?

Lạy Chúa ! Xin cho con biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Ngài.  Amen

Trích từ R. Veritas

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Tác giả Tú Gàn có kể câu chuyện như sau:

Trong cuốn “Những hiểu biết về cuộc đời”, tác giả Trịnh Hiểu San, một nhà tư tưởng hiện đại của Trung Quốc, có trích dẫn một câu chuyện trong sách Uất Ly Tử như sau:

Một hôm, khi thấy chú cọp xuất hiện, các chim chóc trong rừng đều kêu hét om sòm.  Con cóc đang nằm trong hang thấy thế cũng rít lên.  Thấy vậy, chú quạ liền hỏi các bầy chim:

– Con cọp đi dưới đất, các chú ở trên cao, nó làm gì được các chú mà các chú la ầm lên thế?

Một vài chú chim trả lời:

– Chúng tôi nghe nói khi loài cọp gầm rống lên thì bão tố có thể kéo tới làm hư những cái tổ của chúng tôi nên chúng tôi phải la hét như thế để đuổi nó đi.

Chú quạ nói:

– Thôi cũng được đi.

Rồi chú quạ quay lại hỏi chú sóc:

– Chú ở trong hang, bão tố làm gì được chú mà chú phải la?

Chú sóc trả lời:

–  Tôi biết gì đâu, tôi nghe bầy chim la thì tôi cũng la, chỉ có thế thôi.

***************

Trong thời đại chúng ta hiện nay, có những phương tiện truyền thông đại chúng tối tân, nhanh nhẹn, lượng thông tin được truyền đi mỗi ngày thật khổng lồ.  Vì thế, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành những nạn nhân của thông tin, những lời bình luận, những quảng cáo phô trương khuếch đại, những định hướng xu thời dẫn tới tình trạng vong thân.  Ai nói gì thì tôi tin nấy, ai bảo gì thì tôi cũng làm theo, cách suy nghĩ của tôi cũng là những khuôn đúc sẵn của những người khác.  Như thế, chúng ta cũng rơi vào tình trạng chẳng khác nào như con sóc trong câu chuyện trên:  “Tôi nghe bầy chim la thì tôi cũng la”.

Ðiều tệ hại đáng chúng ta quan tâm là có những kẻ yếu khi nhận ra những thông tin không đúng sự thật họ cũng không dám nói ra và giả như họ có công bố thì tiếng nói của họ quá yếu ớt nên bị những thế lực khác đè bẹp, rồi có thể họ sẽ lãnh lấy những hậu quả tai hại của những kẻ bất đồng ý kiến, những bè phái độc tài cực đoan.  Nếu tiến trình đó cứ tiếp diễn thì e rằng chẳng còn ai màng đến việc phân định thế nào là phải trái và thế thái nhân tình sẽ ra sao?  Khi ấy, công lý còn được người ta quan tâm và bảo vệ hay không và thế giới sẽ đi về đâu?

Ðể đi đến cùng như vậy, để mỗi chúng ta cũng cần phải luôn nhìn lại mình, để biết nhận định những lẽ thật của cuộc sống mà người Kitô chúng ta đã có một kho tàng vững chắc là những giá trị chân thực và trường cửu của Tin Mừng, để chúng ta cứ nương theo đó mà phân định những sự vật và hiện tượng, những thực tại đang diễn ra trước mắt chúng ta.  Hơn nữa, chúng ta cũng có một người dẫn đường khác luôn đồng hành với chúng ta và với toàn thể nhân loại là Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu.  Có lẽ chúng ta cũng không quên những lời chỉ dẫn của Mẹ đã nói với ba em thiếu nhi là Lucia, Giaxinta và Phanxicô.  Những lời ấy đã đưa thế giới tiến sang một bước ngoặt mới.  Dù rằng có những lúc tưởng chừng những lời ấy không thể được công bố ra bởi sức ép tàn bạo của các thế lực bên ngoài.  Nhưng đúng như lời Mẹ đã khẳng định, cuối cùng Mẹ đã thắng.  Mẹ đã thắng cũng có nghĩa là chúng ta sẽ thắng nếu chúng ta thực hành những lời căn dặn của Mẹ.  Ðiều đó không phải là dễ, bởi chúng ta biết rằng ba em bé đó cũng đã phải đau khổ nhiều và hy snh gian khổ, phải chấp nhận những tủi hổ và những hiểu lầm với lý do bằng mọi cách để cho những sứ điệp của Mẹ được công bố cho mọi người. Và có những lúc ba trẻ em đó đã lung lạc đức tin, nghi ngờ về sự hiện ra của Ðức Mẹ.

Và chúng ta cũng thế.  Ðể cho sứ điệp của niềm tin và tình yêu của Thiên Chúa được công bố và triển nở, thì trên hành trình đức tin thế nào cũng có lúc chúng ta phải trải qua giai đoạn thử thách, thử thách có tác dụng thanh luyện đức tin của chúng ta mỗi ngày một tinh tuyền hơn và triển nở hơn. Chỉ trong thử thách và qua thử thách, chúng ta mới nhận ra đức tin của chúng ta có phải là sức sống, là nguồn sinh lực bắt nguồn từ Thiên Chúa, lan tỏa và điều khiển mọi thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi và củng cố các tương quan của chúng ta, hay chỉ là những lời tuyên bố trống rỗng, hời hợt, những tuyên xưng không có cơ sở, những lời nói bị điều khiển bởi một ai khác hay một thế lực bất chính nào đó.

***************

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra hiện trạng thực của đời sống đức tin mình, để chúng con luôn biết so dây cuộc sống, nhờ đó những bài ca của cuộc đời chúng con được tấu lên mỗi ngày một tha thiết và du dương hơn theo cung bậc nghiêm trang của tình yêu, niềm tin, khởi đi từ chính Ngài là nguồn mạch của mọi sự.

R. Veritas

MÓN QÙA KHÔNG ĐƯỢC NHẬN

Ngày qua ngày, danh tiếng Phật Thích Ca lan tràn khắp nơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi và mong có dịp để gặp mặt Ngài.  Phần Ngài, đời sống vẫn bình thường, vẫn tụng niệm và phục vụ tha nhân.

Một hôm trên quãng đường vắng, Ngài thấy mình cùng đồng hành với một người đàn ông, dáng vẻ không mấy bình thường.  Nhận ra Ngài, ông ta như nổi sùng và bắt đầu sỉ vả Ngài với tất cả những danh từ xấu xa mà trí tưởng tượng có thể bày ra.  Đức Phật không hề bực bội, Ngài thản nhiên lắng nghe tất cả.  Khi người đàn ông kia ngừng nghỉ mệt và có vẻ hết hứng, Đức Phật mới nhỏ nhẹ đặt câu hỏi:

– Tôi xin phép hỏi ông: Khi một người muốn tặng một món quà cho bạn mình, nhưng bị bạn từ chối, món quà đó thuộc về ai?

Người đàn ông nhìn Đức Phật vẻ mỉa mai rồi xẳng giọng:

– Dĩ nhiên là món quà đó thuộc về người muốn cho.

Nghe thế Đức Phật chậm rãi cắt nghĩa:

– Vừa rồi ông muốn tặng tôi nhiều tên xấu, tôi xin từ chối tất cả.

Người đàn ông chưng hửng há miệng lớn không nói được lời nào. 

***************

Vì không ai là một hòn đảo, đời sống chung đụng thường được dệt bằng những hành động trao đổi.  Người ta trao đổi lý tưởng, văn hóa, tình yêu, khả năng và tiền tài.  Có trao đổi nghĩa là có giao thông, có chấp nhận sự hiện hữu của một người khác.  Trao đổi nâng cao tình tương thân tương ái.  Trao đổi được thực hiện qua nhiều hình thức.  Người ta có thể đổi chác, mua bán hay trao tặng.  Người mua cần người bán, người cho cần người nhận, người nào cũng quan trọng.  Nếu việc trao đổi là quan trọng thì vật trao đổi cũng không kém phần cần thiết, nó tượng trưng cho tấm lòng của mỗi người.  Nếu chúng ta trao ban cho người khác tấm lòng quảng đại, tinh thần phục vụ, lòng cảm thông và tha thứ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ được cảm thấy thoải mái an bình.  Nhưng nếu chúng ta chỉ tìm cách nuôi dưỡng ích kỷ, gây đố kỵ chia rẽ, chúng ta cũng không thoát khỏi lương tâm áy náy.  Chính Chúa Giêsu đã phán:  “Sự gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm sự ấy cho người ta”.

Người đàn ông trong câu chuyện trên đã mang họa vào mình vì ông đã tham hiểm mưu xấu cho người khác, ông muốn nhục mạ Đức Phật nên đã không tiếc danh từ xấu xa, không ngờ món quà đê tiện đó bị từ chối và nó vẫn thuộc quyền sở hữu của ông, chính ông phải đeo mang những cái tên hèn hạ đó.

***************

Lạy Thiên Chúa suối nguồn tình yêu, Chúa đã dạy chúng con yêu người như chính mình, không ai ước muốn sự xấu cho mình, nghĩa là chúng con không có lý do nào để làm những điều tệ hại cho tha nhân.  Chúng con muốn được yêu thương, được tiếp đãi ân cần, được thân thiết săn đón và được mọi người kính nể.  Xin giúp chúng con biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng con đang mong đợi nhận lãnh.  Xin Chúa luôn là ánh sáng soi đường cho chúng con, xin hãy đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con để chúng con biết chia sẻ cùng người xung quanh.  Amen

R. Veritas

CHÚA QÚA NHÂN TỪ

Một buổi sáng đi ngang qua con đường Euclid vùng Nam California, thấy đầy dẫy những người Mễ đứng dọc hai bên lề đường, tôi thắc mắc hỏi bác tài xế, và được biết là họ đang đứng chờ người thuê đi làm.  Bác tài xế còn nói thêm: “Ở đây thuê Mễ rẻ lắm“. Tôi hỏi tiếp:  “Vậy rẻ là bao nhiêu vậy bác?” Bác trả lời: “Có người trả họ hai đồng một giờ, có người thuê ba đồng, có người bốn hoặc năm đồng. Nhưng mà bốn năm đồng thì hiếm lắm. Tụi nó… hả… trả bao nhiêu nó cũng làm hết”.

Thấy cảnh tượng nhân công nhiều mà người thuê nhân công thì ít, tôi chợt nghĩ : Sẽ có người sẽ được thuê đi làm và được năm ba đồng nuôi sống gia đình, cũng có người sẽ đợi, đợi mãi rồi lủi thủi trở về nhà chờ sáng mai ra đứng đợi tiếp. Cuộc sống của họ thật bấp bênh. Nghĩ thật đáng thương!

***************

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả Nước trời qua hình ảnh một gia chủ gọi các người thợ vào làm vườn nho cho ông. Nhưng khác với những người nhân công Mễ trong câu chuyện trên, những người thợ làm vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay đều được chủ vườn nho gọi đi làm và được trả công cân xứng: có người được gọi đi làm ngay từ tảng sáng, có người từ trưa, và có người mãi đến chiều; và tất cả đều được một đồng tiền lương.

Tương tự như vậy. Thiên Chúa mời gọi người ta gia nhập Hội Thánh vào nhiều thời điểm khác nhau : Có người ngay từ khi mới sinh, người khác ở tuổi mới lớn, có người ở tuổi trưởng thành, có người khi về già và thậm chí có người ngay trước khi chết nữa.  Bất cứ ai, dù theo đạo từ khi mới sinh hay trước khi chết, nếu thành tâm tin yêu phụng sự Thiên Chúa, tuân giữ các giới răn mà Ngài đã truyền dạy, thì đều được Ngài cho hưởng ơn cứu độ.  Đó là tình thương yêu, lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con người,  đặc biệt đối với những kẻ gia nhập Hội Thánh sau này.

Mỗi người chúng ta, sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hằng ngày đón nhận biết bao ơn phúc và tình thương của Chúa.  Hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại ơn gọi cao quý mà Chúa đã kêu gọi mỗi người chúng ta vào làm vườn nho Chúa. Chúng ta tin rằng cho dầu chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong gia đình đạo hạnh ngay từ tấm bé, hay cho dầu suốt cả đời sống xa tình Chúa và nay được ơn nhận biết Chúa trong những ngày tháng cuối đời, chúng ta đều có quyền tin chắc rằng Chúa luôn yêu thương chúng ta, và Ơn Cứu Độ của Ngài luôn dành cho những ai lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Ngài

***************

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã gọi, đã chọn, và đã trao cho chúng con mỗi người mỗi việc trong vườn nho Chúa.  Xin Chúa ban cho chúng con được luôn rộng mở cõi lòng đón nhận ơn Chúa.  Chúng con muôn đời cảm tạ ơn Chúa. Xin Chúa thương đến những người vẫn còn “vô công rỗi nghề đứng nơi đầu chợ”, ban cho họ được nhận ra tiếng Chúa mời gọi và sẵn sàng quảng đại thưa tiếng Xin Vâng. Amen

Br. Minh Trân, CMC

MẸ ÔM XÁC CON

Trưa 23-4-1995, ông Gregory Floyd đang nghỉ tại nhà riêng ở thành phố Nashville, thủ phủ bang Tennessee, Hoa Kỳ.  Bỗng chuông cửa reo vang.  Ông càu nhàu khó chịu, không muốn bị quấy rối trong giờ nghỉ trưa..

Chuông cửa như không buông tha.  Nó reo lâu hơn, dài hơn, như nài nỉ, như thúc giục chủ nhân mau mau ra mở cửa.  Ông Gregory đành chỗi dậy.  Cánh cửa vừa mở ra, người khách lạ dàn dụa nước mắt nói nhanh:

– Chúa ơi, xin ông ra mau, ra mau.  Tôi nghĩ đã cán trúng mấy đứa con của ông!

Trong nháy mắt, ông Gregory tỉnh hẳn.  Ông lao nhanh ra đường.  Bé David 8 tuổi cùng em John-Paul 6 tuổi đang chơi xe đạp trước nhà, nơi con hẻm có ngõ cụt.  Bỗng chiếc xe chạy ngon trớn, húc vào hai bé.  Có lẽ tài xế bị ánh nắng mặt trời chói chang làm loé mắt, không thấy đường.

Bé David nằm trên vũng máu còn John-Paul nằm bất động như ngừng thở.  Môi bé dần dần tím lại.  Ông Gregory vội vàng làm hô hấp nhân tạo cho con.  Ông đưa miệng mình vào miệng của bé, giúp bé thở trở lại.  Vài phút sau, hai xe cứu thương hú còi chạy nhanh tới.  Mỗi xe đưa một bé đến nhà thương khác nhau.

Bà Maureen vợ ông Gregory đi theo xe chở bé David.  Còn ông Gregory đi theo xe chở John-Paul.  Suốt trên quảng đường tới nhà thương, ông Gregory không ngừng nói với bé John-Paul:

– Con tỉnh dậy đi, con thở lại đi.  Con giỏi lắm mà!

Nhưng bé John-Paul không nghe tiếng gọi của cha.  Bé bất tỉnh nhân sự.  Bé không động đậy, không phản ứng gì cho đến khi bé ngừng thở hẳn.  Trong khi đó bé David bị thương nặng, nhưng mạng sống không lâm nguy.

Chỉ vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ sau tai nạn, bé John-Paul vĩnh viễn lìa bỏ cha mẹ, anh chị em yêu dấu.  Biến cố quá bất ngờ, quá đột ngột, quá nhanh chóng khiến ông Gregory và bà Maureen như bị xé nát ruột gan.  Cảnh tượng đau lòng nhất là lúc bà Maureen bồng xác John-Paul bất động trên tay.  Bốn năm sau, nhắc lại biến cố đau thương trong cuốn sách: “Tỏ lộ nỗi buồn”, ông Gregory viết:

– Đây là giây phút thánh thiêng nhất trong cuộc đời vợ tôi.  Đó là hình ảnh của người mẹ và đứa con.  Đức Mẹ MARIA và Đức Chúa GIÊSU.  Maureen và John-Paul.  Giây phút thánh thiêng đến độ mọi người có mặt đều giữ thinh lặng.  Tôi chăm chú nhìn vợ đang bồng xác con trên tay.  Maureen áp đầu vào ngực con và đưa mặt con áp chặt vào mặt mình.  Rồi Maureen thì thào nói với con: ”John-Paul con à, thật là đặc ân được làm mẹ con. Hạnh phúc biết bao cưu mang con trong dạ.  Giờ đây con hãy cầu nguyện cho cha mẹ và anh chị em, con nhé!” Quả không có bài thơ nào, không có bức tranh nào, cũng không có bài ca nào diễn tả hết được những tâm tình giống như tâm tình của người mẹ đối với con trong lúc này.  Thật cảm động!

Sau giây phút bàng hoàng đau đớn, ông bà bằng lòng cho các cơ phận còn nguyên vẹn tốt lành của bé John-Paul 6 tuổi để cứu giúp những ai đang cần đến.

Thời gian tiếp theo là nỗi sầu khổ nơi gia đình Floyd vì nhớ đến cậu bé kháu khỉnh lanh lẹ John-Paul.  Ông bà không che dấu nỗi buồn với các con, trước cái chết bất ngờ của John-Paul.  Ông bà còn 6 con.  Nhưng 6 đứa con vẫn không lấp đầy chỗ trống do John-Paul để lại.  Riêng ông Gregory vô cùng đau khổ vì mất con.

Ban đầu, ông phản loạn chống lại THIÊN CHÚA.  Nhưng từ từ, ý nghĩ ”THIÊN CHÚA CHA cũng có Người Con bị chết treo trên Thập Giá” giúp ông hiểu và chấp nhận thử thách.  Ông nhớ lại hình ảnh Đức Mẹ MARIA Sầu Bi ôm xác Đức Chúa GIÊSU lúc vừa hạ xuống khỏi Thánh Giá.  Hình ảnh này là hình ảnh của bà Maureen ôm xác John-Paul.

Từ đó ông Gregory cảm thấy được an ủi vì biết rằng hơn ai hết, THIÊN CHÚA và Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA hiểu rõ hoàn cảnh đau thương của mình. Ông tìm lại quân bình và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(”Our Sunday Visitor”, August 1, 1999, trang 5).(Radio Vatican)

THA THỨ

Có hai thứ mùa xuân, mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn.  Mùa xuân nào thì cũng cần đổi mới.  Mới của mùa xuân đất trời là mầm non nẩy lộc.  Mới của mùa xuân tâm hồn là sự tha thứ. Tha thứ làm cho mối giây liên hệ đã khô héo hồi sinh, nẩy mầm.  Từ đó, cuộc sống thành tươi mát.

Trong khi đi tìm mùa xuân, tôi nghe chung quanh tôi có nhiều tiếng than.  Khổ cực của nghèo túng. Dằn vặt của hận thù.  Có nhiều loại cay đắng.  Ðắng cay vì thất bại làm ăn, vì chuyện gia đình, vì chuyện tình duyên.  Ai cũng muốn tránh né nghịch cảnh.  Muốn có cuộc sống êm đềm, muốn có một mùa xuân.

Trong các thứ khổ hạnh, giữa những thứ đắng cay, có một thứ rất cay đắng đó là thiếu vắng niềm thông cảm, là một trái tim phải mang hận thù, hận thù người và lo âu người thù hận lại.  Khi tôi ghét ai, tâm hồn tôi không còn phẳng lặng nữa.  Khi tôi bị người khác ghét, tôi sống trong đề phòng sợ hãi.  Cả hai đều là ngục tối.  Cả hai đều đánh mất bình an.  Người ta đã chẳng thường nói: Thà nghèo nhưng yêu thương nhau thì vẫn hạnh phúc.  Vì thế, yêu thương là con đường duy nhất tạo nên bình an và làm cho cuộc sống tươi mát.  “Này đây Ta ban cho các con một giới răn mới: các con hãy thương mến nhau” (Yn 13,33).

Có nhiều yếu tố để duy trì một mối liên hệ nhưng yếu tố căn bản vẫn là tha thứ.  Người ta chẳng thể yêu nếu không tha thứ, vì tha thứ là ngưỡng cửa mời gọi và tái sinh tình yêu khi mối liên hệ giữa hai người bị sứt mẻ.

Ðã nhiều lần tôi đoan hứa với Chúa, nhưng mỗi lần tôi đoan hứa thì lại như một lời báo trước một sự vấp ngã.  Tôi đoan hứa hoài, tôi lỗi lời thề mãi.  Nhưng cái lạ lùng trong mối liên hệ giữa tôi và Chúa là Chúa chẳng bao giờ nói rằng Ngài quá mệt mỏi vì tha thứ cho tôi.  Nếu Chúa không tha thứ cho tôi được thì tôi cũng chẳng thể yêu Ngài được, bởi tha thứ là lời mời gọi dẫn vào khung trời yêu mến.

Nhìn vào cách đối xử của Chúa, tôi có phải tha thứ cho ai xúc phạm đến tôi không?  Câu trả lời có thể là không.  Tôi lý luận rằng bởi Chúa là tình yêu vô biên nên Ngài mới tha thứ được.  Tôi là con người làm sao có thể tha thứ như Chúa.  Xem ra câu nói có vẻ lý luận.  Nhưng nếu lắng nghe cõi lòng thì câu trả lời chẳng có vẻ lý luận chút nào cả.

Lý do đơn giản mà tôi phải tha thứ là vì tôi cần được thứ tha.

Chính trong tôi cũng có hai con người: một con người lỗi phạm và một con người công chính.  Tôi là một người có nhiều khuyết điểm.  Tôi không thể chối từ được điều đó.  Tôi được cưu mang trong ảnh hưởng của bao khiếm khuyết.  Cuộc đời là nối tiếp những những ý nghĩ bất chính, những hành động sai lạc.  Tôi phải chấp nhận thực tại tôi là thế.  Chối từ thực tại này là từ chối chính tôi.  Chẳng ai có thể từ chối được chính mình, vì sống là nhìn nhận sự hiện hữu của họ.  Sự hiện hữu của tôi là tất cả những gì tôi là: sự yếu đuối cũng như con tim biết yêu mến điều thiện hảo.  Nếu tôi oán ghét tôi tức là tôi hủy diệt mình.  Vì thế, tôi phải tha thứ cho tôi, phải rộng lượng và khoan nhân với mình.  Tôi phải cho tôi có cơ hội để làm lại cuộc đời sau khi đã lầm lỗi, chứ không tạo nên trong tôi một bãi chiến trường.

Từ chính tôi, tôi đã hiểu rằng tôi cần được tha thứ.  Tôi thương tôi mà tôi vẫn xử dụng tự do cách sai lạc để xúc phạm đến chính tôi, để làm tàn úa mùa xuân bình an trong hồn mình.  Như vậy, đối với tha nhân, kẻ mà tôi thường không thông cảm đủ, không hiểu rõ họ thì làm sao tránh xúc phạm đến họ được?

Tôi xúc phạm đến họ thì tôi cần được tha thứ.  Có khi tôi cần được tha thứ hơn là họ cần sự tha thứ của tôi.

Khi chối từ tha thứ cho người khác là bảo rằng tôi không cần sự thứ tha.  Chỉ có kẻ nào không bao giờ lầm lỗi thì mới không cần được tha thứ.  Nếu tôi tự cho mình chẳng bao giờ làm điều sai, khi nào cũng công chính, tôi chẳng cần ai tha thứ, thì tôi đã kiêu ngạo một cách đáng thương hại.

Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên.  Tha thứ là cửa ngõ để cho tôi, cho người tôi ghét có cơ hội làm lại mối giây liên hệ đã dập gẫy.

Không tha thứ là tôi đóng chặt cửa ngõ đó để kẻ tôi giận không còn có cơ hội nói rằng họ cũng cùng thân phận yếu đuối, họ cũng cần sự nâng đỡ của tôi.  Cái gian nan của con người là sự bất toàn của họ. Tôi bất toàn.  Cha mẹ tôi có khuyết điểm.  Người yêu tôi không hoàn hảo.  Cha xứ bất toàn.  Người trong họ đạo bất toàn.  Thầy dạy của tôi bất toàn.  Bởi bất toàn nên mới có lầm lỗi.  Nếu tôi khẳng định chối từ tha thứ cho họ.  Tôi đóng chặt tâm hồn mình thì tôi thiệt thòi bởi vì tôi chối từ một tình mến kẻ khác trao tặng, và tôi lại gây thêm một sứt mẻ vì kẻ muốn làm hòa với tôi phải đau khổ vì bị tôi chối từ.  Lúc đó, tôi chối từ sự kiên kết trong cùng một thân thể Ðức Kitô.  Khi tôi đóng chặt cõi lòng, không chấp nhận tha nhân để họ không đến với tôi được, là tôi tự xây nên một bức tường cao.  Ánh nắng thông cảm chẳng thể lọt qua.  Tôi sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân ấm và hồn tôi sẽ lên rêu ẩm mốc.

Tình thương và mọi mối giây liên hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa cha xứ và giáo dân, giữa những phần tử trong một nhóm, được phong phú hóa bởi tha thứ.  Những tình yêu, những mối giây liên hệ tái sinh sau khi được tha thứ thì thường bao giờ cũng rất khác biệt, cũng rực rỡ vô cùng.  Nếu Chúa Yêsu không tha thứ cho Phêrô thì họ đã chẳng gắn bó với nhau và Phêrô chắc cũng chẳng sống chết với sứ mạng của Chúa.  Sau khi lỗi phạm và được tha thứ, tình yêu của Phêrô đã bừng cháy.  Phaolô cũng thế, bởi vì hận thù tôn giáo của Ðức Kitô quá nhiều nên khi được ơn gọi, được tha thứ, Phaolô đã trở nên điên dại trong sứ vụ rao truyền danh Ðức Kitô cho thế giới.  Mai Ðệ Liên đã là người tình muôn thuở của Yêsu vì nàng đã cảm nghiệm được yêu thương trong khoan dung.

***************

Tôi gặp X một cô bé 15 tuổi học lớp 8 trong lớp giáo lý của tôi.  X qua Mỹ với mẹ cách đây mấy năm về trước.  Ba của X kẹt lại, nhưng bây giờ đã tới trại tỵ nạn Thailand, tuy nhiên ông lại sống với một người đàn bà khác.  Ðiều đó làm X vô cùng đau khổ.  Em nói với tôi là em thấy xấu hổ nếu bạn bè của em biết được.  Trong buổi nói chuyện đó, X đã khóc.  Khi nói với X rằng mùa này là mùa Giáng Sinh, mùa của yêu thương, của biết ơn và tha thứ.  Tôi tiếp tục tâm sự với X.  Tôi càng nói về yêu thương thì X càng khóc.  Chủ nhật sau, X đưa cho tôi một lá thư nhờ tôi xem.  Em hỏi tôi nên viết như thế nào.  Tôi đọc lá thư và tôi không cầm được nước mắt.  Và X cũng khóc theo.  Ðây là một đoạn trong lá thư của em.

… con thương Ba.  Con mong muốn Ba về với con.  Dù Ba đi đâu, nếu Ba bỏ con, thì con cũng vẫn thương Ba.  Xin Ba đừng nghĩ rằng con không thích Ba.  Nếu Ba chẳng bao giờ gặp con nữa thì con cũng vẫn là con của Ba.  Ba đã vất vả để nuôi con từ khi con còn bé.  Nên con muốn biết ơn Ba.  Con đau khổ vì con chưa bao giờ express cho ba biết là how much con care cho Ba…

Trong lá thư đó, X không viết, nhưng X nói với tôi là có thể Ba của X cũng không hạnh phúc gì ở bên trại, có thể Ba của X cũng có những đau khổ dày vò khác, nên nghĩ tới đó X lại càng thương Ba chứ không oán trách Ba.  Ðọc thư, tôi bùi ngùi khôn tả.  Tôi không thể góp ý kiến gì với X được nữa, vì đó là tình yêu tuyệt vời rồi.

Ban tối, khi ngồi trong nhà nguyện một mình với Chúa, tôi thấy Chúa đã cho tôi gặp X, để X chỉ cho tôi con đường về yêu thương. Tình loài người bát ngát quá.  Tôi thấy mình gần gũi với mọi người chung quanh hơn sau khi tôi gặp X.  Bé X đã gặp gỡ Ba của bé trong yêu thương tha thứ, trong nhận thức được sự yếu đuối của con người.

Tôi nghĩ chính trong những yếu đuối, những lầm lỗi của nhau mà tôi gặp gỡ và gần tha nhân hơn là trong sức mạnh, tài năng và ngay cả trong lý tưởng.

Tối hôm đó, trong buổi cầu kinh, tôi nghe như Chúa nói với tôi giống như lời của X viết cho Ba: Cha thương con.  Cha mong muốn con về với Cha.  Cha không cần biết là bao nhiêu tội con đã phạm. Cha không cần biết con đã làm gì.  Dù con bỏ Cha đơn côi một mình trên thập giá, Cha cũng vẫn yêu con.  Dù con đẩy Cha vào góc tường và muốn giết Cha thì Cha cũng đành để con giết, chứ Cha sẽ không chiến đấu chống lại con vì Cha thương con.

Tôi thấy mình hạnh phúc quá vì có một Thiên Chúa nhân từ, luôn tha thứ. Trong tha thứ, tình yêu giữa tôi và Chúa rực rỡ hơn.  Tôi băn khoăn tự hỏi mình: Làm sao tôi có thể chối từ một tình yêu bao la như thế?  Ðây là động lực thúc đẩy tôi đi tới, tôi muốn bước lên cao hơn, muốn thuộc về Ngài nhiều hơn.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
(Trích tập suy niệm NƯỚC MẮT VÀ HẠNH PHÚC)

PHẢI THA THỨ

Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ.  Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời.  Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Ðức Giê-su nói cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp bách của sự tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn.  Có những xúc phạm cố ý.  Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức.  Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất.  Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an.  Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được.  Tôi sẽ mất hết bạn bè.  Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi.  Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền.  Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em.  Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi bị khai trừ khỏi xã hội.  Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều.  Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu.  Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh chị em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần.  Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta.  Ở cuối Kinh Lạy Cha, thánh Mát-thêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” ( Mt.6:14-15 ).

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay không những nhắc lại điều đó,  mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta.  Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên chúa. Thiên chúa là người Cha rất nhân từ và hay tha thứ.  Ðức Giê-su đã phát họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Ðức Giê-su xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha.  Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi.  Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người.  Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ.  Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23, 34 ). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phê-rô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Chúa Giê-su không đến để chối bỏ sự thù hận, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của thù hận và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của ma quỷ, kẻ thù đúng nghĩa nhất.  Chính ma quỷ gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.

Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay trong chính chúng ta.  Chính khi chúng ta cưu mang thù hận là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình.  Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm ơn cho những kẻ chúng ta thù ghét, là chính lúc chúng ta tự giam hãm trong hận thù để rồi tự huỷ hoại chính mình.

Chúa Giê-su đã đánh bại sự thù hận bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài.  Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được thù hận . Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng mời gọi chúng ta: “Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi”.

Nhìn lại  biến cố 11/9 tại New York,  ta càng thấm thía bài học tha thứ và lời Ðức Thánh Cha đã dạy: “Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ”. Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung.  Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người. Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới.  Một thế giới cảm thông, chan hoà.  Một thế giới chứa chan tình huynh đệ.  Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

TGM. Ngô Quang Kiệt

***************

Lạy Chúa!  Xin cho con một qủa tim mới, một tấm lòng quảng đại để  biết cảm thông và tha thứ cho anh chị em của con, và nhất là cho những người xúc phạm đến con. Xin cho con luôn cố gắng nỗ lực thực thi lời Chúa dạy trong Kinh Lạy Cha : ” Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” . Amen