THƯA THẦY, CON PHẢI THEO AI?

Một khách hành hương, sau những ngày thinh lặng tĩnh tâm tại tu viện, ông đến nói với vị Minh Sư rằng:

– Thưa Thầy ! Con muốn “theo thầy” để tu tập, xin thầy nhận con làm học trò của thầy.

Vị Minh Sư đáp lại rằng:

– Này bạn! Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng bao giờ trở thành người theo tôi.

– Thưa thầy ! Như vậy, con sẽ theo ai?

– Bạn không theo ai hết… Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn không còn theo Chân Lý nữa.

(Anthony de Mello, trích trong The Song Of Bird)

* * * * *

Bạn thân mến,

Trong xã hội mà chúng ta đang sống, con người đã tự tạo cho mình qúa nhiều thần tượng, đã nhận qúa nhiều người làm lý tưởng, làm mẫu mực để sống; để noi theo. Nào là ca sĩ hoặc diễn viên điện ảnh nổi tiếng, nào là nhà thể thao tài ba, nào là nhà cách mạng xuất chúng .v.v… Con người đã ao ước được trở nên giống họ trong phong cách ăn mặc đi đứng, trong lối sống hằng ngày và ngay cả trong cách suy nghĩ nữa … Con người đã coi họ như thần tượng, nhiều khi đã đặt họ ngang hàng với thần thánh trong khi họ chỉ là một con người, một tạo vật .

Nếu chúng ta lấy tạo vật làm thần tượng, làm lý tưởng và làm mẫu mực cho cuộc sống là chúng ta đã tự hạ thấp phẩm giá con người của mình, là chúng ta đã không nhận ra hoặc quên đi một Đấng vì yêu thương đã tự hy sinh thân phận của mình là Tạo Hóa để trở thành tạo vật như con người, mang thân phận mỏng dòn như con người, sống kiếp con người để mang con người về với chân lý vĩnh phúc đời đời. Đấng ấy phải là lý tưởng của cuộc sống chúng ta, phải là mẫu mực cho đời sống chúng ta noi theo. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, ngài là chân lý, là đường và là sự thật cho cuộc lữ hành trần gian này của mỗi người chúng ta.

Để trả lời Philatô khi ông tra hỏi Ngài, Chúa Giêsu đã quả quyết về sứ mệnh của chính mình: “Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì mục đích này. Ðó là để làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga.18:37).

Tiếng của Chúa, Lời của Chúa là chân lý ngàn đời không thay đổi. Chân lý ấy là ánh sáng, là hy vọng và là con đường dẫn đến trường sinh vĩnh phúc cho những ai lắng nghe và mang ra thực hành. ”Không phải những ai nói với Ta : lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời nhưng chỉ người nào thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào” (Mt 7:21).

Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người. Chúa mạc khải những chân lý đôi khi vượt trên sự hiểu biết tự nhiên của chúng ta. Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô đơn lạc lõng. Chính vì điều này mà người Kitô đôi khi phải đi ngược dòng đời. Đôi khi điều người đời cho là bất bình thường, lại là cái bình thường đối với người Kitô, điều người đời cho là yếu nhược, đôi khi lại là sức mạnh của người Kitô, và điều người đời cho là điên dại, có khi lại là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, Lời Ngài là chân lý, là ánh sáng soi dẫn đường đời con đi. Lời Ngài là sức sống, là hạnh phúc, là chứa chan hy vọng cho cuộc đời. Xin cho con biết lắng nghe và mang Lời Ngài ra thực hành. Amen

Linh Xuân Thôn

NỖI ĐAU TỘT CÙNG

Mỗi một phận người đều có cái riêng của mình và rồi mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một nỗi niềm riêng chẳng ai giống ai cả. Với thân phận của căn bệnh AIDS cũng thế, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi đau chẳng ai giống ai : người thì lây qua người tình, người thì lây qua tiêm chích, người thì rủi ro do nghề nghiệp … Để rồi mỗi một trường hợp ấy khi ta tiếp xúc, ta nghe họ tâm sự ta mới thấu hiểu được hoàn cảnh mà họ nhiễm bệnh. Khi ta lắng nghe thì ta mới thấu hiểu được nỗi đau của họ. Đừng vội kết án những người đã cầm án tử trong tay. Phải tìm hiểu để thấu hiểu nỗi đau của từng người.

Vội vã:

… Em là người miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp. Mới quen nhau được 3 tháng, em vội vã tiến đến hôn nhân. Chồng em là tài xế xe tải đường dài. Sau khi cưới nhau được hơn năm, chồng em đã vội vã “ra đi”. Gia đình chồng hoàn toàn bưng bít nguyên nhân mà anh qua đời, gia đình chồng đã giấu hồ sơ bệnh án của chồng em. Sau đó một thời gian thấy sức khoẻ sa sút, em đi xét nghiệm mới biết mình nhiễm căn bệnh của thế kỷ !!!

Em trần tình với tôi một lời muộn màng : Vì em vội vã quá ! mới quen 3 tháng mà em đã quyết định.

Em trách gia đình sao không báo cho em biết mà lại cứ giấu em mãi. Tôi chỉ kịp khuyên em hãy bỏ qua tất cả ngay cả người chồng vắn số của mình, hãy đón nhận nỗi đau và hãy cố vươn vai lên mà sống. Chợt nhìn câu danh ngôn treo trên tường “Khi đời xô bạn xuống thì bạn hãy ngẩng đầu lên”. Và tôi đọc lại cho em câu danh ngôn ấy. Hãy cố lên em !

Vâng ! Đời, người có xô bạn xuống đi chăng nữa nhưng vẫn còn ai đó, vẫn còn một tấm lòng nào đó kéo bạn lên qua bàn tay của các nữ tu, của những tình nguyện viên.

Tôi chẳng trách em, tôi chỉ thầm trách những mối tình chóng vánh mà ngày nay nhiều và nhiều bạn trẻ đã quá vội vã để rồi phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Không chỉ có em mà còn rất nhiều bạn trẻ vội vã quyết định đời mình một cách chóng vánh không ngờ. Ước gì em là vết xe đổ cho các bạn trẻ “yêu cuồng sống vội”, ước gì em là bài học quý giá cho các bạn đồng trang lứa về quyết định đời mình.

Thiếu hiểu biết:

Em nằm ở Trung tâm AIDS giai đoạn cuối với thân hình tiều tuỵ, mắt em thâm lại vì chẳng hiểu tại sao hai hàng lệ cứ mãi tràn mi …

Hỏi ra thì em nói gia đình ở Kiên Giang, hai vợ chồng cưới nhau được 8 năm.  Chồng lên Sài Gòn phụ hồ… em ở nhà quê làm việc đồng áng đắp đổi qua ngày…  Đến nay được tất cả 3 người con: đứa lớn 7 tuổi, đứa kế 5 tuổi, đứa nhỏ một tuổi rưỡi.

Chẳng hiểu sao chúng cứ gầy còm, ốm yếu. Em mới mang chúng đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đã làm suy sụp gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại.  Ba đứa trẻ bị nhiễm AIDS cả.  Ba đứa trẻ nhiễm thì chắc chắn cha mẹ chúng cũng nhiễm thôi. Và rồi em cùng chồng đi xét nghiệm thì cũng phát hiện ra bị nhiễm!!!

Thế là gia đình của em có 5 thành viên thì 5 thành viên là nạn nhân của AIDS.

Em kể xong thì hai hàng nước mắt lại cứ trào ra.

Đau quá!  Lòng dạ chẳng còn lời nào để an ủi nỗi đau của em.

Tôi cũng chẳng dám trách em, trách chồng em.  Chỉ cảm thấy đau cho sự thiếu hiểu biết của em và chồng. Ngày nay trước khi đi đến hôn nhân thường hay kiểm tra sức khoẻ thì sẽ biết được sức khoẻ. Nếu như chồng em và em kiểm tra thì đâu có xảy ra cớ sự như ngày hôm nay. Năm người đã cầm án tử quá sớm.

Và dường như không chỉ có em, hiện giờ còn nhiều và nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết để rồi nhìn đời mình trôi xuống vực thẳm mà đôi bàn tay phải buông xuôi.

Trách đời, trách người hay trách em.  Tôi chẳng dám trách ai cả, có chăng thì thương nhiều hơn là trách.

Chia tay em mà lòng cứ mãi ngậm ngùi, chẳng còn nỗi đau nào tột cùng bằng nỗi đau của em và gia đình đang gánh chịu.

Trả thù đời:

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình bất hạnh.  Em bước vào đời cũng trong tủi nhục và bất hạnh.  Người tình ăn chơi trác táng đã để lại cho em di chứng của căn bệnh thế kỷ.  Lẽ ra em đón nhận nó như một biến cố không may cho cuộc đời.  Vậy mà em đã trả thù, em đã trả thù cánh đàn ông bạc tình bạc nghĩa.

Kết quả là hơn ba chục thanh niên đã lây bệnh do em truyền sang.  Hơn ba chục ấy đau đớn thay thì hơn một nửa là học sinh cấp II của một trường Trung Học Cao Su nọ…

Em đã ra đi khỏi đời này nhưng em đã để lại cho cuộc đời này quá nhiều đau thương và tổn thất.

Tại sao em lại trả thù như thế?

Tại sao hơn ba chục con người đã liều mình đánh đổi cuộc chơi chóng vánh để mang trong mình án tử.

.……………..

Tất cả là nỗi đau, nỗi đau tột cùng của tôi, của bạn và của người.

Ước gì ta bớt vội vã, đừng thiếu hiểu biết và không trả thù đời để đời bớt đau hơn.

Anmai, C.Ss.R.

TẤM BÁNH TÌNH YÊU

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ.  Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người.  Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.  Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng.  Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại.  Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại.  Chúa chịu chết cho ta được sống.  Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.  Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hòa vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa.  Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình.  Không còn gì đẹp hơn.  Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

TGM. Ngô Quang Kiệt

***************

Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời gọi con dừng bước chân, nhắc nhở con về sự hiện diện của Chúa.  Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy bóng dáng những ngọn đèn đỏ.

Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho cuộc đời con là một ngọn đèn đỏ, luôn kêu mời những người xung quanh con biết dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa. Amen

SỰ THẬT MẤT…ĐẦU

Người ta thường nói SỰ THẬT THÌ MẤT LÒNG.  Vâng!  Nói lên SỰ THẬT là chuyện rất khó nói bởi vì nó chỉ đem lại cho chúng mình những phiền toái, mích lòng và trong trường hợp của Gioan Tẩy Giả thì tệ hại hơn … NÓI THẬT THÌ MẤT ĐẦU, mất cả chỗ đeo giây chuyền!  Nhiều người, rất nhiều người, đã, đang và sẽ bị trảm quyết vì dám nói lên SỰ THẬT.  Tôi xin đơn cử một vài ví dụ minh họa có thật 100%.

Trường hợp thứ nhất:  Cách đây vài năm, được Thần Khí linh hứng trong ngày lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết linh mục P. lên bục giảng với tất cả can đảm, ngài noi gương thánh Gioan Tẩy Giả dám nói lên SỰ THẬT.  Ngài phân tích những tai hại và hậu quả xấu của những việc như lãnh welfare đi làm tiền mặt, khai thuế gian lận, những vụ li dị giả để qua mặt chính phủ, đi bác sĩ khai bịnh ăn tiền của hãng bảo hiểm, về Việt Nam làm hôn thú giả…  Không khí trong nhà thờ hôm đó nặng nề như ngậm hơi nước!

Bạn biết chuyện gì đã xảy ra sau đó không?  Tiền giỏ của những ngày Chúa Nhật (collections) sụt đi một cách thê thảm, cha P phải ở nhà nấu mì gói ăn đều chi, không ai mời ngài đi ăn cơm trưa cơm tối như trước nữa!  Giáo dân của linh mục P đã hành xử y như vua Hêrôđê, họ trảm quyết ngài vì ngài dám bắt chước Gioan Tẩy Giả dám NÓI SỰ THẬT!

Trường hợp thứ hai:  Thầy C sau khi viết thư tường trình với ban cố vấn của hội dòng về những sự thật phũ phàng tại phân viện của thầy, về những sơ xuất và những sự bất cẩn của một vị bề trên cả trong việc quản lý tài chánh thì lập tức sau đó thầy được vị bề trên ấy đặt một cái tên nghe rất kêu: “THẰNG PHẢN ĐỘNG” và tuyên bố là đã hối hận vì đã nuôi ong tay áo!

Kết quả là, thầy C bị cô lập, bị tẩy chay và bị coi y như là một kẻ mang bịnh truyền nhiễm!  Bề trên cả, bề trên út, bề ngang, bề dưới trong dòng đã noi gương vua Hêrôđê, họ ra lệnh trảm quyết thầy C một cách không thương tiếc vì thầy dám nói lên SỰ THẬT.

***************

Bạn thân mến, từ cổ chí kim, từ thời các ngôn sứ, những người được Thiên Chúa trao cho trọng trách loan báo Lời Chúa cho đến nay chẳng có ai thích NÓI SỰ THẬT cả!  Lý do rất đơn giản là khi nói lên SỰ THẬT thì bị thiên hạ ghét, bị người ta hãm hại và bị mất mạng nữa!  Bạn cứ mở Kinh Thánh ra đọc thử xem:

Môisen giẫy lên như đỉa, kiếm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do để từ chối nhiệm vụ đi truyền lại LỜI của Thiên Chúa với Pharaoh (Ex. 3:11, 13; 4:1, 10, 13).  Tiên tri Jeremiah cũng ngán ngẩm khi Thiên Chúa gọi và chọn ông làm ngôn sứ, ông chối phăng viện lý do vẫn còn là con nít, miệng còn hôi sữa mẹ, không xứng đáng (Jr. 1:6).  Ông cảm nghiệm được những nguy hiểm chết người khi phải nói lên SỰ THẬT “Vì LỜI ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Jr. 20:8).

Bạn thân mến, bất kể bạn là linh mục, là tu sĩ, hay là giáo dân, mỗi người chúng ta được kêu mời phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân … [và] làm chứng nhân về [SỰ THẬT] (Luke 24:47-48).  Đây là một thách đố lớn cho chúng mình.  Thế nhưng!

Khi bạn và tôi dám nói lên SỰ THẬT thì khi đó chúng ta đang giới thiệu cho thiên hạ thấy dung mạo của Đức Giêsu Kitô bởi vì Ngài nói Ngài chính là “SỰ THẬT và là SỰ SỐNG” (Jn. 14:6).

Khi nói lên SỰ THẬT, khi làm chứng cho SỰ THẬT thì bạn và tôi chắc chắn sẽ bị thiệt thòi, bị chống đối, bị hãm hại và có thể mất đầu giống như Gioan vậy.  Thế nhưng bạn hãy an tâm vì “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt. 10:32).  Khi chúng ta dám nói lên sự thật, thì [chúng ta] đến cùng ánh sáng (Jn. 3:21) và sự thật sẽ giải phóng chúng mình khỏi những ách nô lệ của ma quỷ!

Bạn có thấy những mối lợi rất lớn khi chúng ta sống và nói SỰ THẬT chưa?

Khi chúng ta ngại ngùng, sợ hãi, không đủ can đảm nói thật và sống thật, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể xin Ngài thêm sức cho, Ngài chắc chắn sẽ giúp.  Chúng ta phải bám lấy Ngài, cậy trông vào ơn của Ngài bởi vì “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Jn. 15:5).  Bạn thử xem nhé!

phamtinh@yahoo.com

BA NGÔI THIÊN CHÚA – CỘNG ĐOÀN CỦA YÊU THƯƠNG

Khi còn là giáo lý viên, mỗi khi phải giảng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho xấp nhỏ, nhất là mấy em không rành tiếng Việt là tôi lắc đầu ngao ngán.  Cái gì là 3 trong 1 rồi lại 1 trong 3?  Tiếng Anh còn rắc rối hơn nữa, 3 persons in one God… 3 persons = 3 người à?  Không phải!  Vậy phải giải thích làm sao đây?  3 persons không phải là 3 người mà là 3 ngôi…  “Ngôi” là cái gì vậy thầy?  Cái này thì tôi chịu… Không biết phải giải thích làm sao để các em hiểu 3 ngôi không phải là 3 người.

Nhớ ngày xưa tôi học bổn đồng ấu, hỏi rằng “Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?”  thì phải thưa cho to:  Dạ, có 3 Ngôi!  Nói năng lạng quạng là ăn mấy roi hoặc nhẹ lắm là bị phạt chép cho đủ 50 lần “Đức Chúa Trời có ba Ngôi.”   Tội nghiệp thằng bé, nói như con vẹt mà chẳng hiểu gì.

Lớn lên chút nữa, tôi biết lờ mờ đâu đó “ngôi” là ngôi vị, là một thực thể tách biệt nhưng lại không độc lập.  Nhà Nho đời xưa gọi mầu nhiệm này là “Tam Vị Nhất Thể”, ba cá nhân trong cùng một bản thể.  Hay nói theo kiểu tiếng Anh: “three whats in one who”.  Ba ngôi tách biệt nhưng lại là một Chúa.  Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Thần.

Gần đây tôi hay uống loại cà phê hoà tan 3 trong 1… Cà phê + sữa + đường.  Một buổi sáng kia cầm tách cà phê sữa nóng trên tay, tôi chợt nghiệm ra mầu nhiệm 3 trong 1.  Cà phê không phải là sữa, sữa không phải là đường, nhưng cả ba quyện lấy nhau hoà tan nên một, làm nên tách cà phê sữa thơm ngon bổ dưỡng!  Cả 3 chất hợp lại, bổ sung, và làm tăng hương vị của nhau.  Trong tách cà phê, không thể tách rời được đâu là cà phê, đâu là sữa, đâu là đường.

Tuy nhiên Thiên Chúa đâu phải là cà phê, sữa, và đường.  Ba thứ này có nguồn gốc khác nhau, có bản chất khác nhau kia mà!  Trái lại, Thiên Chúa chỉ là một gốc, một bản thể.  Từ thưở đời đời Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con cũng là Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa.  Ba Ngôi cùng một bản tính nên Ba Ngôi cũng là Một Chúa mà thôi!

Vì bản chất của các Ngôi là tách biệt chứ không phải là khác biệt, nên đầu óc con người mới phải tìm những hình ảnh cụ thể để diễn tả mầu nhiệm này.  Các nhà khoa học thì ví mầu nhiệm Ba Ngôi như nước dưới 3 dạng thể: hơi nước, nước lỏng, và nước đá.  Mấy người giỏi nhạc thì ví Ba Ngôi như 3 nốt nhạc chủ của một hợp âm: thí dụ các nốt đô-mi-sol làm nên hợp âm đô trưởng.  Nghĩ cho cùng, hơi nước hay nước đá cũng chỉ là nước; nốt đô hay nốt sol cũng chỉ là tầng số khác nhau của cùng một âm thanh.

***************

Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa chẳng dễ hiểu, bởi vậy ta mới gọi là mầu nhiệm!  Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta chẳng có thể khẳng định điều gì về Thiên Chúa.  Nhưng điều quan trọng, thưa bạn, về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là đi tìm lý luận để giải thích cái vấn nạn tại sao lại có “Ba trong Một” hay là “Một trong Ba”, nhưng là xem mầu nhiệm này có ý nghĩa gì cho đời sống con người chúng ta?  Và chúng ta phải sống làm sao để mầu nhiệm này trở nên niềm tin căn bản, để niềm tin này thấm nhập vào đời sống mình?

Kinh thánh mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4:16).  Mà nếu Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình.  Yêu là phải cho đi, phải san sẻ; và yêu cũng phải là đón nhận.  Có nghĩa là trong tình yêu phải có ít nhất hai đối tượng: người yêu và người được yêu. Hay nói cách khác, tình yêu phải có điểm phát xuất và có điểm hội tụ.

Thánh Âu-gus-tin đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu (Lover); Chúa Con là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu (Beloved); và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu (Love).

Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chúa Thánh Thần.  Trong mầu nhiệm tình yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là Tình Yêu ngồi chiêm ngắm nhau trên cõi xa xăm nào đó, nhưng chính là Tình Yêu hiện diện trong con người và với con người.  Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Ngài.  Khi chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Đấng Cứu Chuộc, và cũng là Đấng Thánh Hóa, Đấng đã và đang tái tạo con người từng giờ từng phút.

Chúng ta được nghe trong bài trích sách Xuất Hành rằng bản chất của Thiên Chúa là “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6).  Thật vậy, Thiên Chúa của chúng ta là thế đó!  Khi chúng ta tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là chúng ta tin vào một Thiên Chúa của yêu thương và thành tín.  Khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa là chúng ta tin vào một Đấng Tình Yêu đã và đang sáng tạo, cứu rỗi và thánh hoá con người.

Bài tin mừng theo Gioan 3:16-17 cho chúng ta ba nét về Đấng Tình Yêu này:

1) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đi vào tận hiến, là tình yêu chẳng hề biết giữ lại cho mình. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…” (Ga 3:16a).  Khi yêu ai thì chúng ta muốn cho đi những gì quý nhất của mình. Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nhưng còn trao ban cho chúng ta chính con người của Ngài khi nhập thể mặc lấy xác phàm.  Đó là một sự hiến trao của Tình Yêu Sáng Tạo, đem lại một cơ hội cho con người tiếp cận với sức sống thần thiêng.

2) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu.  Kinh thánh chép rằng: “… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16b).  Khi yêu ai thì mình làm cho người đó trở nên tốt đẹp hơn.  Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa ao ước cho chúng ta được chia sẻ hạnh phúc muôn đời với Ngài.  Đó là mục đích của Tình Yêu Cứu Độ, tình yêu đem lại sự sống cho con người hư nát vì tội lỗi.

3) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đem lại biến đổi. Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3:17).  Tình yêu chứ không phải hình phạt sẽ cảm hoá được người khác.  Vì yêu, Thiên Chúa không muốn ai phải trầm luân. Nhưng nếu có ai đó bị hư mất thì vì họ đã tự khép lòng lại trước tình yêu của Thiên Chúa.  Đó là tình yêu của thăng tiến, Tình Yêu Thánh Hoá, để cuộc sống con người qua yêu thương, tha thứ và hòa giải, nhờ đó mà được thăng hoa.

Làm sao chúng ta biết chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Ba Ngôi?  Nếu mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu thì khi nào chúng ta còn xa lạ với yêu thương là còn xa lạ với Ba Ngôi.  Đúng như Thánh Gioan quả quyết: “Ai không yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa.”(xem 1Ga 4:8,16).

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, uớc gì bạn và tôi, chúng ta cùng sống mãi trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Xin Ngài cho chúng ta “được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa Cha và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (2Cor 13:13) để chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng… Amen.”

Anton-Phaolo, SJ

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những lời ngọt ngào trên môi miệng… Đó là những băn khoăn lo lắng của các bạn trẻ khi đã khôn lớn và muốn chọn người bạn đời để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay gợi lên cho ta một số tiêu chuẩn, mời gọi ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa vì chính Ngài là Tình yêu và là mẫu mực của tình yêu để ta noi theo.

Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao trọn vẹn: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…” Thiên Chúa không phải chỉ trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.  Ðiều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha chính là Ðức Giêsu Kitô, người Con Một của Ngài.  Khi trao Ðức Giêsu Kitô cho chúng ta, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân của Ngài.  Ngài chấp nhận Con Một của Ngài phải chết treo trên thập gía để cho chúng ta được sống. Tình yêu chân thực là thế đó, chẳng hề biết giữ lại cho mình.

Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, là quên mình và mong muốn hạnh phúc cho người mình yêu: “…để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)   Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này, ngay trong cuộc sống hiện tại này.  Ðược sống là được đi vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa, được tham dự vào bản tính thiêng liêng của Ngài và được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Thiên Chúa không muốn cho con người phải chịu cảnh trầm luân đời đời.  Nếu có ai bị hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa khó khăn hay độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Con người có đầy đủ tự do để có thể tin hay không tin, có thể chấp nhận hay từ chối quà tặng của Thiên Chúa, có thể mở ra hay khép lại trước sự sống đã được Thiên Chúa trao ban.

Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4:16) Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa ” (1Ga 4:8) và  “Ai ở lại trong tình yêu thì cũng ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy (1Ga 4:16).  Ước gì đời sống của ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.  Ước gì ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống bác ái, yêu thương và đùm bọc chia sẻ .

***************

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu. Xin dạy con biết yêu như Ngài, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen

(Trích từ R. Veritas)

LỜI CỦA DÒNG SÔNG

Cũng có lúc dòng sông cạn nhưng chẳng vì thế mà dòng sông lo âu, rồi toan tính tích lũy nước cho mình.  Từ quá khứ, xuôi nguồn vào tương lai, nước làm thành dòng sông chứ không phải dòng sông làm nên nước.  Từ ý nghĩ đó, dòng sông vào đời tự do theo ơn gọi của mình.

Đặt cuộc đời trước dòng sông.  Ta xin dòng sông cho cuộc đời một lần nhìn rõ mặt mình trong ý nghĩ ấy.

Vào mùa nước lũ, dòng sông cuồn cuộn đưa nước xuôi đồng bằng.  Mênh mông chân trời khi bình minh rải ánh sáng.  Lấp lánh rừng bạc vào mùa trăng thượng tuần huyền ảo.  Thế nhưng, tháng hạ nắng hanh, dòng sông vơi dần.  Nước cạn cho phơi bờ cát lở.  Trong cuộc đời, có những khúc sông mà ngày tháng sóng nước chơi vơi.  Cũng trong cuộc đời, không vắng những mùa khô cạn nước.  Cuộc sống của ai cũng vậy thôi, hễ có ngày sai mùa trái chín, thì cũng có những ngày khô khan lá rơi.  Có những mảnh đời nghèo khó và cũng có những khúc đường đầy đủ.  Lúc vơi bờ cát lở là khi túng thiếu đưa mùa gian nan chín tới, là lúc buồn bã gọi lòng trống trải đi về.

— Xin Thượng Đế cho con hiểu rằng nếu dòng sông vì âu lo mùa nắng mà dừng lại tích nước mùa mưa thì dòng sông hết là dòng sông mất rồi.  Nó chỉ là dòng sông khi chảy xuôi nguồn.  Ngày nào con băn khoăn bắt dòng sông cuộc đời ngưng trôi chảy trong hồn, ngày đó cuộc đời thành ao tù.  Buồn làm sao những mảnh đời ứ đọng, không còn niềm vui xuôi nguồn nhân gian.  Dòng sông trở nên hoang vu trong cái ứ đầy của mình.  Xin Thượng Đế cho con biết nhận thì cũng biết cho đi.  Chính lúc nghèo túng là lúc con biết rõ tâm hồn mình có độ lượng, bao dung hay không.

Dòng sông không gian tham.  Nó biết nó chỉ là dòng sông khi trời cho nước.  Nó không băn khoăn vào mùa nắng hạn.  Nó chẳng tự phụ khi dòng nước dâng.  Nước làm nên dòng sông.  Biết mình tùy thuộc vào dòng nước, con sông bình an xuôi dọc thời gian.  Như nước đưa dòng sông thành nguồn, ơn sủng trời cao đưa con người vào đời.  Dòng sông không bao giờ gian tham lấy nước của dòng sông khác.  Nó dâng vui khi nước nguồn đổ tới.  Nó thong thả khi nguồn nước nghỉ ngơi.  Nếu con người biết những gì mình có trong đời là do ơn sủng trời cao, như dòng sông biết nước đưa mình vào đời chứ không phải tự mình, thì con người sẽ nhận sự sống từ trời bằng bàn tay an nhiên.  Con người phải vào đời bình an như dòng sông, không so sánh nhỏ nhen, ghen tức.

— Xin Thượng Đế cho con biết con tùy thuộc vào Ngài, con sống bởi ơn sủng của Ngài.  Khi con hiểu ơn sủng Ngài đưa con vào đời như nước làm thành dòng sông thì con hiểu tình yêu là sức mạnh chứ không phải lấy sức mạnh tạo dựng tình yêu.  Vì ngỡ sức mạnh tạo dựng giá trị nên con mới tích lũy để chiếm đoạt.  Có những tích lũy bằng uy thế, bằng sắc đẹp, bằng địa vị, bằng đam mê.  Giá trị đời con là sống như dòng sông, xuôi nguồn mùa nước lớn, thong thả mùa nước khô.  Bởi, con biết giá trị cuộc sống là sống trọn ơn gọi trong hoàn cảnh Ngài ban tặng riêng con.

Dòng sông không ngừng lại nên sự sống của dòng sông chính là từ giã không ngừng.  Cuộc đời cũng thế thôi, là trôi chảy.  Nhưng con người không chấp nhận biệt ly.  Bởi đó, sự bám giữ của con người đã đưa dòng sông cuộc đời mình thành sóng đổ.  Một ngày nào rồi cũng giã từ tuổi thơ vào đời. Bờ đê nhỏ.  Mái nhà xưa.  Rồi cũng bỏ đi xa.  Cho dù tuổi thơ có là êm đềm.  Rồi lớn lên ta cũng buông cánh theo gió mà ra khơi.  Cứ như thế cho đến ngày ta gặp gỡ tình yêu đầu đời.  Thoáng hương có mật ong say, có hơi thở ấm.  Rồi cũng đến ngày hơi thở thì dài và mật ong thì phai.  Sống là chấp nhận chia ly không ngừng.  Ngày nào ta bám víu lại không cho dòng sông chảy xuôi là ngày hồn ta quằn quại.

— Xin Thượng Đế cho con đừng bị ràng buộc vào những bờ đất.  Bởi dòng sông phải buông bờ mà đi.  Ngày nào dòng nước dừng lại, lưu luyến một bến bờ nào đó, nó chỉ tàn phá nhau thôi.  Nước thành sóng và bờ tan hoang.  Chẳng nói chi vật chất, ngay cả những giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn, lòng nhiệt thành, con cũng phải buông cánh cho trôi theo dòng đời.  Những giá trị ấy không phải là cùng đích của cuộc sống, nó phải dẫn con đến cuộc sống cùng đích sau cùng là gặp Chúa.  Vì thế, con phải biết lúc nào buông cánh để đời nhẹ nhàng xuôi dòng.

Dòng sông luân chuyển không bao giờ ngừng nghỉ, nhưng có ngày chấm dứt.  Đó là ngày dòng sông về tới biển cả.  Nó xuôi nguồn để tới cùng đích.  Nó luôn luôn chảy, luôn luôn giã từ để tới nơi không còn từ giã.  Và cuộc đời cũng thế thôi.  Ta vào đời là xuôi dòng về với trùng khơi.  Bởi đó, ta phải chấp nhận sự chết như một chờ mong.  Bất cứ ràng buộc nào cũng gây khổ đau vì nó dồn sóng lại trên đường mà đáng lẽ phải là êm ả buông rơi.  Chết như một định luật tất yếu thì bám víu vào bờ cát trên dòng sông cuộc đời chỉ là cấu chặt vào một hư vô.  Người yêu cũng là từ giã.  Những thành quách ta xây cũng là giã từ.  Bởi đó, như dòng sông ta phải sẵn lòng nói lời ly biệt.

— Xin Thượng Đế cho con can đảm nhìn cuộc đời bao dung để con bao dung với chính mình.  Nếu con không bao dung với đời, lòng thèm muốn bảo con giữ chặt lại cho mình, của cải, quyền bính, danh vọng thì con chẳng bao dung với chính mình đâu.  Con mất tự do mất rồi.

Dòng sông tự nó là chia ly đôi bờ.  Những tình yêu phải xa nhau đã chẳng có tiếng thở dài về dòng sông đó sao.  Ôi! những dòng sông xa cách!  Như dòng sông tự nó là chia ly, là trắc trở, con người cũng thế, ai cũng là gai nhọn cho nhau. Tự mình ai cũng là nghịch cảnh cho nhau.  Bởi trong ta, ai không yếu đuối?  Dòng nước làm chia ly, nhưng bên bờ sông cũng có những bến hẹn, bến mong cho con đò một chiều có nhau.  Chia ly đôi bờ đã có những gặp gỡ.  Cuộc đời cũng vậy thôi.

— Xin Thượng Đế cho đời con là bến hẹn cho người hội ngộ để dòng sông nhìn hạnh phúc gặp nhau trên bến đê.  Người ta nhớ về những bến sông có kỷ niệm ngọt ngào.  Tự con có thể là nghịch cảnh ngăn cách người với người, nhưng như bờ sông, tự con cũng có thể là bến hẹn hòa giải gặp gỡ. Như dòng sông hương hoa biết bao khi nghe tình yêu đi trên bờ đê của mình, thì đời con cũng thế thôi, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi là bến cho niềm vui của thế nhân đỗ chân.

Khi dòng sông có cây cầu nối xa về gần thì bến sông có tình yêu về trên lối cỏ.  Khi cây cầu đưa vắng mặt về xum họp thì bến sông có kỷ niệm hương hoa.  Đời người cũng thế thôi. Và cây cầu ấy chính là Thượng Đế.  Xin dòng sông dạy tôi biết không có cây cầu Thượng Đế thì đời tôi có thể là chia ly cách biệt người với người.  Nhưng có Ngài, ôi! dòng sông đời sống sẽ đẹp biết bao.

Dòng sông đời ai có bến đỗ đem kỷ niệm êm đềm cho người khác, thì bến đỗ ấy cũng được ban tặng lại hạnh phúc do kỷ niệm êm đềm kia để lại.  Vì khi hạnh phúc đậu trên bờ sông nào thì dấu thơm hạnh phúc ấy cũng lưu lại với chính bờ sông đó nữa.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J

HOA HỒNG TẶNG MẸ

Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện.  Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km.  Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè.  Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

– Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.

Anh mỉm cười và nói với nó:

– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh.  Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không.  Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:

– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp.  Nó chỉ ngôi mộ và nói:

– Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.

***************

Nếu có bao giờ con yêu mẹ
Hãy yêu đi khi mẹ còn đây
Còn biết được những giòng tình cảm
Ngọt ngào, êm dịu lẫn nồng say
Nếu có bao giờ con yêu mẹ

Hãy yêu đi khi mẹ còn biết
Ðừng chờ đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu qúy lên bia đá
Mỹ từ trên phiến đá vô tri

Hãy nói lên điều con muốn nói
Ðừng chờ đến lúc mẹ ngủ say
Một giấc ngủ không bao giờ dậy
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai

Ðó là chia ly, là tử biệt
Chẳng bao giờ nghe được tiếng con
Nếu yêu mẹ, dù là một chút
Hãy nói đi, khi mẹ sống còn

Nói đi con, lời nào yêu dấu
Cả tấm lòng hiếu thảo của con
Ðể mẹ nâng niu như bảo vật
Cho tình mẫu tử thắm như son.

Sưu tầm

***************

Mẹ ơi, xin tha thứ cho những lúc con vô tình bỏ quên mẹ ở trong  xó nhà cô đơn hay nơi viện dưỡng lão lạnh lẽo xa lạ!  Xin bỏ qua  những lúc đứa con khờ dại nặng lời với mẹ, những hành động xuẩn ngốc làm mẹ buồn. 

Lạy Chúa, kính dâng lên Ngài cha mẹ của chúng con, xin cho chúng con biết sống hiếu thảo trọn tình làm con khi cha mẹ còn sống, biết siêng năng cầu nguyện cho cha mẹ khi họ đã qua đời.  Lạy Mẹ Maria, Xin cho chúng con biết làm vui lòng người mẹ trần thế, người đã thay mặt Mẹ cưu mang và dạy dỗ chúng con ngay khi mẹ còn ở với chúng con.  Xin soi sáng đừng bao giờ để chúng con phải hối hận ăn năn vì những bận rộn cuộc sống, mà quên đi sự hiện diện của bà mẹ trên cuộc đời này khi mọi sự không quá muộn màng. 

Download (PDF, 48KB)

LỄ HIỆN XUỐNG

Một thanh niên đến gặp cha sở và phàn nàn:  “Cha có tấm hình nào của Chúa Thánh Thần không.  Mấy bức tranh vẽ Chúa Thánh Thần như chim bồ câu hoặc lưỡi lửa chẳng có ý nghĩa gì với con cả.  Con muốn có một tấm hình của Chúa Thánh Thần để treo trong phòng và cầu nguyện với Ngài.”

Cha sở ngẫm nghĩ một lát và nói với anh ta: “Con có tấm hình nào của Chúa Giêsu không?”  Anh mau mắn “Có chứ cha!  Nhiều lắm, nào là Thánh Tâm Chúa, Chúa Chăn Chiên, Chúa Thương Xót, Chúa Chịu Nạn, con đều có đủ cả.”  Cha sở gật gù: “Con cứ về chiêm ngắm mấy hình đó cũng được. Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói ‘ai thấy Thầy thì thấy Cha Thầy sao?’  Nếu ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha, thì ai chiêm ngắm Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Thánh Thần.  Không phải là Ba Ngôi chỉ có một bản tính thôi sao?”  Nhưng anh ta có vẻ chưa được thuyết phục.

Thấy thế, cha sở hẹn anh tuần sau gặp lại.  Đúng hẹn, anh ta đến và cha sở trao cho anh một khung hình bọc kín, ở ngoài có ghi hàng chữ:  “Mỗi lần nhìn vào đây con phải nở nụ cười.”  Mở ra, anh ta thấy có một tấm gương, trên khung có ghi: “Gặp gỡ Chúa Thánh Thần là gặp gỡ Chúa Kitô nội tại.   Con chính là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.  Hãy nhìn vào khuôn mặt tươi vui của mình và ý thức rằng Ngài đang hiện diện trong con.  Rồi con cố gắng sống thế nào để tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong con.”

***************

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Đấng trừu tượng nhất, khó hình dung nhất, tuy gần nhưng thật xa.  Tuy cụ thể như gió, như lửa, như hơi thở…. như những thứ gì đó thật gần gũi trong đời sống con người nhưng lại khó mà nắm bắt trong thế giới hiện thực này.  Giáo lý Kitô giáo dạy chúng ta rằng Ngôi Ba Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, được che giấu ở nơi xa xôi nào đó trên thiên đàng.  Nhưng Ngôi Ba Thiên Chúa chính là Đấng ngự ở ngay trong tấm lòng, trong nhân cách của mỗi người chúng ta, là Đấng đang làm việc ngày đêm nơi tâm hồn mỗi người để thánh hoá chúng ta trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn.

Mầu nhiệm Hiện Xuống mời gọi chúng ta đáp trả lại sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn bằng cách mở rộng lòng ra để Ngài canh tân thửa đất cằn cỗi.  Dù tin hay không, dù tìm kiếm hay không, Chúa Thánh Thần vẫn đang, đã và sẽ tiếp tục hiện diện và làm việc trong đời sống người Kitô.  Như chàng thanh niên trong câu chuyện trên, vấn đề không phải là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà là sự đáp ứng của anh mỗi khi nhìn vào khuôn mặt trong gương..

Mừng lễ Hiện Xuống, chúng ta không chỉ mừng một biến cố xảy ra cho các môn đệ của Chúa Kitô 2000 năm trước.  Đó còn là dịp chúng ta tỉnh thức về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.  Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Không ai có thể tuyên xưng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí.  Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm nên mọi sự trong mọi người. Thần Khí Thiên Chúa tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì  ích chung” (1 Cor 12:3-7).

Lễ Hiện Xuống đem đến cho chúng ta linh đạo của mỗi ngày và ở bất cứ đâu.  Lễ Hiện Xuống có thể biến đổi đời sống chúng ta và làm cho chúng ta có thể vượt bất cứ con sông nào ở trước mặt chúng ta, nhìn vào mặt bất cứ đám đông nào và cứ tiến tới, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào vì lợi ích của Tin Mừng.

***************

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.                                  
Xin cho cuộc đời kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,

nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.

Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Ðức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.

Lạy Chúa Thánh Thần là Ðấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ;
mạng sống con người bị coi rẻ.

Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.

Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương

(Trích Manna năm C)

Bảo Lộc

ĐƯỢC Ở GẦN BÊN CẠNH

Nhiều năm trước đây, có một câu chuyện kể về một nghệ sĩ trẻ làm việc trong phòng tranh của một họa sĩ vĩ đại tại Roma.  Nhận thấy người nghệ sĩ này có nhiều tài năng, nên bạn bè anh đã hối thúc anh:

–  Bạn nên lập ra một phòng tranh độc lập của riêng bạn.

Họ còn tiên báo là:

–  Nhờ đó, bạn sẽ được giàu có, thành công và nổi tiếng.

Nhưng người nghệ sĩ trẻ này nói:

– Không, tôi đã phát hiện ra bậc thầy của tôi rồi, tôi muốn được vẽ giống như danh họa Raphael, và bằng mọi giá, tôi phải được sống gần bên cạnh vị thầy này, để được học hỏi phương pháp, nắm bắt tư tưởng và lắng nghe những lời giáo huấn của thầy. Tôi không có một tham vọng nào khác ngoài việc được trở nên giống như thầy.

***************

Trong Tin Mừng Đức Giêsu, Chúa đã để lại cho nhân loại một kho tàng quí giá, qua những Lời giáo huấn, những việc làm của Ngài đáng để cho mọi người nhìn vào đó, để cũng được trở nên con cái của Ngài.  Không có gì hạnh phúc hơn là tất cả mọi người đều được trở nên con cái Ngài. Mang thân phận con người yếu hèn, con người không dám mơ ước được trở nên giống như Ngài, mà chỉ cầu mong sao được trở nên là con cái của Ngài.  Chính những lúc có Chúa cùng đồng hành mọi người sẽ cảm thấy đó là những giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc sống.  Bạn cùng tôi sẽ và hãy mời Chúa đến trong cuộc sống để có Chúa cùng đồng hành trên con đường hành trình sống nơi trần gian này.

Giêsu chính là thần tượng của mọi người.  Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, để thực hiện công trình Cứu Độ:

Ngài đã vâng lời Thiên Chúa Cha chấp nhận hoà đồng trong thân phận làm người như mọi người.

Ngài vô tội, nhưng Ngài vẫn đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài.

Ngài là bậc tiên phong cải cách lối sống đạo đức giả hình của các biệt phái, kỳ lão.  Ngài sửa đổi những suy tư, cách sống về việc phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa.

Ngài mạnh dạn lên án những bất công, kỳ thị, nâng đỡ những con người lầm than cơ cực.

Ngài đã nâng đỡ ủi an, chữa bệnh, tha tội để tái tạo thân xác cùng linh hồn trở nên hoàn thiện.

Ngài chính là người cha nhân hậu, sẵn sàng thứ tha mọi lỗi lầm cho đứa con hoang đàng khi biết hối lỗi trở về.

Ngài đã yêu thương tha thứ những việc làm của con người đã kết án Ngài.

***************

Được trở nên giống như Thầy đó chính là điều chàng nghệ sĩ trẻ mong ước.  Vì sao?  Vì danh hoạ Raphael chính là thần tượng của anh, anh đã nhìn ra được các bí quyết phương pháp, và anh đã học hỏi được rất nhiều điều qua người thầy của mình.

Cuộc sống quanh tôi đã có biết bao những danh nhân, những người đã nêu cao ý chí để vượt qua những trở ngại vươn lên với thành công vĩ đại.  Đó chính là những tấm gương sáng ngời, là hiện thân của Đức Kitô, đáng để cho tôi soi vào mà noi gương học hỏi.

Riêng tôi tự hỏi, tôi đã chọn được cho mình được một vĩ nhân, một thần tượng cho riêng mình chưa?  Hay tôi, vẫn cho tôi là số một, là một người chỉ đáng cho người khác noi theo, chứ không bao giờ noi theo người khác.  Đó chính là mấu chốt để tôi nhìn ra được cái tôi.

Tôi có thực sự tôn kính Ngài là Thiên Chúa thật sự chưa?  Hay tôi chỉ mơ mơ màng màng thờ kính Thiên Chúa như chuyện trên mây, trên gió.

Tôi có thực sự ăn năn mỗi khi đến lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải?  Hay tôi chỉ làm như một thủ tục bởi sự ràng buộc của luật buộc. (xưng tội rước lễ trong mùa Phục Sinh)

Tôi có yêu người như mình ta vậy không?  Hay tôi chỉ là một con người chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình.

Tôi có thực sự tha thứ những lỗi lầm khi anh em phạm đến mình?  Hay tôi vẫn cố chấp mắt đền mắt, răng đền răng…………

***************

Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết nhận ra Chúa trong cuộc sống, qua việc làm, qua sinh hoạt với mọi người chung quanh, để con biết học tập noi theo những gương sáng. Xin cho con biết nhận Chúa chính là thần tượng của cuộc đời con, là kim chỉ nam hướng dẫn GIÁO DỤC ĐỨC TIN cho con, để con biết sống Yêu Chúa Thương Người, theo đúng với chủ đề của năm phụng vụ 2008 này. Amen

Phạm Bá Huyến