NỮ TỲ MARIA

Hiện nay, sống đạo đang được đặt thành vấn đề thời sự quan trọng.  Ít là trong Giáo Hội Việt Nam.  Vấn đề này đã và đang được suy nghĩ, bàn bạc và dẫn tới những chọn lựa để thực hành.  Sao cho đạo Công giáo tại đất nước này được trở về nguồn và phát triển theo đúng Phúc Âm.

Với mục đích đó, tôi xin vắn tắt trình bày suy nghĩ của tôi về cách sống đạo của ĐứcMẹ Maria.

Theo tôi, điểm nổi bật nhất trong đời sống đạo củaMẹ Maria là vâng phục ý Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường.

Xin phép nêu lên vài chi tiết mà thôi.

Nhậm chức và khấn hứa một cách đơn sơ khiêm nhường:

Việc Thiên Chúa sai Tổng lãnh thiên thần Gabriel đến báo cho Đức Maria tin Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế là một biến cố kỳ diệu cao cả.  Có thể coi đây là một “lễ truyền chức”.

Nếu gọi đó là một lễ truyền chức, thì lễ truyền chức này cao trọng hơn mọi lễ truyền chức khác. Thế mà, “lễ truyền chức“ này đã được thực hiện một cách hết sức âm thầm.  Vẻ đẹp của nó được nhận ra ở thái độ Đức Mẹ tỏ ra bối rối ngỡ ngàng sợ hãi.  Mẹ nhận mình chỉ là người đầy tớ Chúa (x Lc 1, 38).  Chức cao quyền trọng Chúa trao là ơn hoàn toàn nhưng không.  Mẹ chẳng bao giờ dám nghĩ tới.  Tâm hồn Mẹ đơn sơ khiêm tốn như một đoá hoa quý ẩn mình trong một đời thường bình dị.

Mẹ đón nhận lời truyền tin với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn.  Rồi Mẹ trả lời Tổng lãnh thiên thần cũng với tâm hồn khiêm tốn đơn sơ trong sáng : “Xin vâng”. “Xin vâng” là một lời khấn hứa.  Mẹ “xin vâng” với tất cả tâm tình phó thác, hoàn toàn sẵn sàng để Chúa dùng mình vào bất cứ chương trình nào.

Thế là “lễ truyền chức” và khấn hứa đã xong.  Rất đơn sơ, rất khiêm nhường.  Nhưng lại rất đẹp lòng Chúa.  Từ đây một kỷ nguyên mới đã mở ra.

Tạ ơn Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường:

Sau khi được mang chức làm mẹ Đấng Cứu thế, Đức Mẹ đã đi thăm viếng bà Isave.  Mẹ lên đường một mình cách đơn sơ khiêm tốn.

Vừa thấy Đức Mẹ, bà Isave được ơn Chúa soi sáng, đã cất tiếng chào Đức Mẹ và khen ngợi Đức Mẹ vì ơn đặc biệt Chúa đã ban cho Đức Mẹ.  Đức Mẹ rất xúc động.  Đức Mẹ đã tạ ơn Chúa bằng những lời tán tụng rất đơn sơ khiêm nhường.

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng,
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới…” ( Lc 1, 46-48)

Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.  Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ chỉ biết vâng phục, chỉ biết làm những gì Chúa sai bảo, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa.  Với thái độ trút bỏ tuyệt đối cái tôi hẹp hòi của mình, Đức Mẹ tạ ơn Chúa vì được Chúa đoái thương nhìn đến, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn.

Nếu gọi biến cố Đức Mẹ đi viếng bà Isave là một dịp Đức Mẹ tạ ơn Chúa, thì lễ tạ ơn này đã rất đơn sơ, khiêm nhường.

Sau việc tạ ơn này, Đức Mẹ lại tiếp tục sống ơn gọi một cách đơn sơ khiêm nhường với một cuộc sống ẩn dật giữa các phong trào đời đạo đầy ồn ào và phức tạp.

Đi đàng thánh giá một cách đơn sơ khiêm nhường:

Khi Đức Mẹ dâng Chúa Hài Đồng trong đền thờ, tiên tri Simêon đã nói : “Thiên Chúa đã đặt hài nhi này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy.  Hài nhi này còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.  Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2, 34-35).

Những lời tiên tri trên đây đã ứng nghiệm, Chúa Giêsu, con Mẹ đã chịu bao đau khổ xác hồn. Đau khổ của con cũng là khổ đau của mẹ.  Ba mươi năm hoà mình vào đời sống nghèo ở Nagiarét.  Ba năm công khai giảng dạy bị công kích bởi chính nội bộ.  Sau cùng là con đường vác thập giá lên núi Sọ và bị đóng đinh vào nhục hình cho đến tắt thở.

Nếu đời Chúa Giêsu là một đời thánh giá, thì Đức Mẹ đã chia sẻ cuộc đời ấy một cách rất đơn sơ khiêm nhường.  Đức Mẹ ý thức thánh giá là một chọn lựa, mà Chúa muốn.  Chúa chọn để chứng tỏ tình yêu vô biên của Người muốn đi tới cùng để cứu nhân loại.  Vì thế, Đức Mẹ coi lựa chọn của Chúa cũng là chọn lựa của Mẹ.  Đã chọn lựa, thì không kêu ca, trách móc, phản kháng om sòm.  Đã chọn lựa thánh giá để cùng với Chúa cứu đời, thì coi thánh giá là một ân huệ.  Đơn sơ khiêm nhường là như thế.

Trên đây là mấy suy nghĩ của tôi về cách sống đạo của Đức Mẹ.

Thiết tưởng sống đạo của Đức Mẹ Maria vẫn là một mời gọi gởi tới mỗi người chúng ta.  Tất nhiên, thời này xã hội đã thay đổi nhiều.  Nhưng chính vì những thay đổi đó đang đẩy rất nhiều người xa rời Phúc Âm, nên việc trở về với gương mẫu đơn sơ khiêm nhường, vâng phục ý Chúa nơi Đức Mẹ phải kể như một giải pháp đúng đắn cần noi theo.  Hợp thời nhưng vẫn noi theo tinh thần Mẹ Maria.

Nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thăm Nam Mỹ, báo chí khắp thế giới loan báo về tình hình Công giáo tại đây.  Số người Công giáo bỏ Hội thánh Công giáo để sang các giáo phái mỗi năm mỗi nhiều.  Đang khi ở Châu Âu, số người dửng dưng với đức tin càng ngày càng tăng.  Cảnh hướng ngoại và băng hoại không còn hiếm trong Giáo hội.

Thói quen sống theo ý mình hơn theo ý Chúa là một cách hưởng thụ.  Nó đang trở nên bình thường.  Truyền bá cách sống đó là một cách phá đạo, nhưng xem ra rất phổ biến.

Nhìn người mà nghĩ đến mình.  Mỗi người chúng ta nên hết sức lo cho đời sống đức tin của mình.  Đức Mẹ ở Fatima đã thiết tha nhắc nhở.  Sống theo gương Đức Mẹ được có Chúa ở cùng, chúng ta hy vọng chắc chắn sẽ được lên trời với Chúa.

ĐGM. GB Bùi Tuần.

***************

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời và cũng là  Mẹ chúng con, xin dạy con hai tiếng Xin Vâng với Thánh ý Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường như hai tiếng Xin Vâng với sứ thần Gabriel của Mẹ năm xưa .  Xin dạy con biết tạ ơn Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường vì tất cả những gì con đã nhận được và những gì con chưa nhận được trong cuộc sống này.  Xin cho chon biết vui vẻ chấp nhận thánh giá mà Chúa trao ban cho mỗi người chúng con để biết vác thánh giá theo bước chân con Mẹ và của Mẹ một cách đơn sơ và khiêm nhường.  Amen!

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Vào tháng 4 năm 2000 trong dịp phong thánh cho nữ tu người Ba Lan, Sơ Maria Faustina Kowalska,  ĐTC Gioan-Phaolô II đã ấn định Chủ Nhật thứ II mùa Phục Sinh là lễ tôn kính lòng Thương Xót Chúa.  Khi thiết lập lễ này, ĐTC đã thực hiện lời yêu cầu của chính Chúa Kitô được mạc khải qua Sơ Faustina là quảng bá về lòng thương xót vô lượng của Thiên Chúa.

***************

Lòng từ bi thương xót được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với các môn đệ khi Ngài đến với họ.  Trong giờ phút khó khăn nhất ở Vườn Dầu, họ đã bỏ Ngài chạy thoát thân, nhưng Ngài không bỏ họ trong tăm tối tuyệt vọng.  Khi họ sống trong cô đơn, sợ hãi, dày vò, mặc cảm, khép kín, Ngài hiện đến an ủi họ, ban cho họ bình an và niềm vui.  Khi họ thất bại và bỏ cuộc, Ngài vẫn đặt niềm tin nơi họ.  Ngài trao quyền năng tha tội và củng cố sứ mạng rao giảng và chữa lành của họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”  [Ga 20:21].

Lòng từ bi thương xót đó cũng được diễn tả trong cách Chúa Kitô đối xử với những người bắt bớ bách hại Ngài.  Ngài sẽ trả thù những kẻ tố cáo lên án Ngài ư?  Không! Trả thù những kẻ tra tấn, sỉ nhục đóng đinh Ngài ư?  Cũng không!  Trên thập giá, Ngài đã tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả.  Và giờ đây, Ngài gửi các môn đệ đến với họ, nói cho họ và cả thế giới biết người mà họ đã đóng đinh chính là Con Thiên Chúa, Đấng gánh tội cho họ.

Trong số các môn đệ, có lẽ Tôma cảm nghiệm được lòng thương xót này cách mạnh mẽ nhất.  Theo Tin Mừng Gioan, ngay vào buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ đang co rúm vì lo sợ cho số phận mình.  Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, Tôma đã không có mặt.  Ngoài phố chợ, người ta đang đồn là xác Đức Giêsu bị các môn đồ đánh cắp.  Ông đau xót quá, nhục nhã quá. Bây giờ lại nghe đồn Thầy sống lại.  Chết rồi cũng chưa được yên.  Tôma không dễ bị thuyết phục bởi những tin đồn.  Vừa rối trí vừa bực mình, ông nhất quyết phải tìm ra sự thật.

Lý trí của ông không dễ dàng chấp nhận chuyện kẻ chết sống lại.  Thật ra, ông đã từng thấy kẻ chết được sống lại: cô bé con ông Giairô, con trai bà goá ở Naim, anh Lazarô ở Bêtania.  Nhưng đó là những ngưòi đã qua đời vì đau ốm bệnh tật; còn đây lại là chuyện khác.  Làm sao một người bị đánh đòn, bị đóng đinh, bị đâm thủng ngực, có thể sống lại được chứ?  Phải chăng các môn đệ chỉ gặp người chết hiện hồn?  Phải chăng họ thương nhớ Thầy mình quá, nên đã nhận diện lộn người?  Phải chăng họ đang sống trong ảo tưởng, chưa dám chấp nhận sự thật phũ phàng là Thầy không còn nữa?

Lý trí và tình cảm xung đột nhau.  Ông muốn tin lắm, nhưng không thể dễ dàng như thế.  Ông phải đi tìm sự thật, phải tìm ra xác của Thầy.  Ít ra cũng phải đưa về quê chôn cất đàng hoàng, như vậy mới vẹn nghĩa thầy trò.

Nhưng trước khi ông đi tìm Chúa, thì Chúa đã tìm ông.  Ngài đi tìm Tô-ma, con chiên lạc trong mâu thuẫn của lý trí và tình cảm.  Ngài mời Tô-ma đến với Ngài, nhìn tận mắt, sờ tận tay.  Ngài muốn ôm Tôma vào lòng, muốn củng cố đức tin của ông.  Nhưng Tô-ma đã không cần nhìn, không cần sờ.  Chỉ một lời của Chúa cũng đủ xoá tan bao thắc mắc ưu tư của ông.  Lời Hằng Sống đó là lời an ủi, lời cảm thông, lời khích lệ, lời tha thứ.  Ông quỳ xuống ngỡ ngàng tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của  tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” [Ga 20:28]

***************

Bạn thân mến,

Bạn thấy điều gì trong ánh mắt của Chúa Kitô nhìn Tôma?  Phải chăng Ngài đang mỉm cười với Tôma?  Ngài thông cảm với cái cứng đầu của ông, với sự dè dặt của ông.  Ngài khoan dung, hạ mình làm theo yêu cầu của Tôma.  Và qua đó, Tôma đã gặp Ngài.

Chúng ta cũng là những Tôma cứng đầu.  Bạn và tôi, chúng ta cũng đã từng kháng cự Chúa Kitô trong đời sống của mình. Cách này hay cách khác, chúng ta cũng đã bỏ rơi Ngài, từ chối Ngài, không tin vào Ngài.  Nhưng chính trong những lúc đó, Chúa Kitô muốn ôm chúng ta vào lòng để củng cố đức tin của chúng ta, Chính những lúc đó, lòng thương xót của Ngài được dịp loan toả.

Lòng từ bi thương xót của Chúa được thể hiện thế nào trong cuộc sống bận rộn vất vả của chúng ta hôm nay?  Khi tôn sùng Lòng Thương Xót của Ngài, chúng ta được những ơn ích gì?

Trước hết, việc tôn sùng này cho chúng ta bình an nội tâm.  Khi ta thống khổ dằn vặt với lo lắng, bực dọc và căng thẳng, ta đang bị “Hội Chứng Tôma” hành hạ.  Phần lớn những lo toan nhọc nhằn, áp lực căng thẳng của cuộc sống hiện đại đến từ sự nghi ngờ cứng tin.

Chúng ta nghi ngờ vào giá trị thật của con người mình.  Dùng thước đo của thành công, danh vọng, quyền lực, của cải, để đánh giá mình và người khác, chúng ta không còn tin vào mình là một thọ tạo đáng yêu, được Thiên Chúa chăm sóc chu đáo.

Hoặc chúng ta nghi ngờ vào quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa.  Chúng ta không còn tin Chúa mong muốn hoặc có thể tha thứ cho chúng ta, sửa chữa những lỗi lầm, đem lại thành công trong sự thất bại, điều tốt trong sự dữ, sự sống trong cái chết.   Vì thế chúng ta phải bương chải tự lo cho mình.

Mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa xoá tan mọi nghi ngờ.  Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xác quyết rằng chúng ta có giá trị, chúng ta được tha thứ, và Thiên Chúa luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta.  Chúng ta hãy xác quyết một lần nữa vào lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của thánh nữ Faustina: “Giêsu ơi, con tín thác nơi Ngài”.

***************

Lạy Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết của Ngài trên thánh giá và qua bao thời đại, dấu hiệu, nhân chứng, mạc khải… Ngài chỉ muốn tỏ lộ cho thế gian biết về lòng thương xót vô biên của một Thiên Chúa nhân lành đối với chúng nhân tội lỗi.  Xin cho con cảm nghiệm được lòng thương xót vô điều kiện của Chúa để không bao giờ ngã lòng vì những yếu đuối bất toàn của mình.  Giêsu ơi, xin cho con biết noi gương thánh nữ Faustina mà phó thác cuộc đời gian truân nơi Ngài.  Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa là Thiên Chúa Hằng Sống của muôn loài và của chính con.  Amen!

Bảo Lộc

LẠY CHÚA CỦA CON! LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON!

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư.  Ông ta hỏi một đệ tử:

– Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?

– Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người làm theo ý muốn của Thượng Đế .

(Anthony de Mello – Trích trong “ One Minute Wisdom”)

* * * * *

Bạn thân mến,

Trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng thuật lại phép lạ Đức Giêsu đã làm khi Ngài từ cõi chết sống lại và đi thăm các môn đệ: Ngài đến giữa các ông trong khi cửa phòng đều đóng kín. (Ga:20.19).  Ngài đến giữa các ông và ban bình an cho các ông (Ga:20.19,21,26); thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động . Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, đưa các ông ra khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.  Ngài cho các ông xem các vết thương (Ga:20.21). Qùa tặng mà Ngài mang đến cho các ông là: ”Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, và Ngài mời gọi các ông tham dự vào sứ mạng của Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga:20.21)

Các môn đệ vui mừng vì được xum họp với Thầy mình, nhưng chỉ có một người không vui, đó là Tôma.  Ông vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5).  Chẳng rõ vì sao ông bị hụt không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.  Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách.  Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: “Chúng tôi đã thấy Chúa.”  Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan của mình.  ” Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin đâu.” (Ga:20.25).  Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Chúa Giêsu Phục Sinh đến với nhóm, nhưng Ngài không quên một ai.  Ngài muốn gặp Toma và cho Tôma được toại nguyện. Tám ngày sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài lại hiện đến.  Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em: ”Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga:20.27).  Trước lời nói đầy yêu thương và chân thật của Thầy mình, sự cứng lòng của Toma đã trở nên mềm nhũn, ông đã không nói thêm được điều gì khác ngoài việc tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga:20.28).

Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga:20.29).  Đó là lời nói mà Chúa Giêsu Phuc Sinh đã nói với Tôma xưa kia.  Lời nói ấy cũng là lời nói mà Chúa Giêsu Phục Sinh nói với mỗi người chúng ta hôm nay.  Ðức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống của mình để rao truyền về Chúa Giêsu Phục Sinh

Chúa Giêsu đã cho Tôma được “thấy và chạm” đến Ngài và ông đã tin. Tôi và bạn cũng được mời gọi cộng tác với Chúa Giêsu, với các môn đệ của Ngài để rao truyền về Chúa Giêsu Phục sinh, để đức tin của những người chung quanh ta cũng được thay đổi và kiên vững như Tôma xưa kia.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.  Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).  Chúng ta cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao, cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống trọn vẹn cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc “vượt qua” mỗi ngày trong đời con:

  • Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
  • Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
  • Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhọc nhằn của thân xác.
  • Vượt qua đêm tăm tối cô đơn trong đời sống thiêng liêng.
  • Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
  • Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh, xin ban cho con sức mạnh và ơn can đảm để “vượt qua”, dù phải chịu mất mát và  thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Amen

(Trích từ R. Veritas)

MỘ TRỐNG

Vào Chúa Nhật Phục Sinh chúng ta được nghe công bố Tin Mừng Gioan 20:1-9, Ngôi Mộ Trống.  Nếu thấy ngôi mộ trống là tin Thầy mình, Đức Giêsu thành Nazarét, đã sống lại thì chưa đủ yếu tố để tin.  Giả thuyết xác bị trộm thì không đúng vì chẳng có ai đi ăn trộm xác chết đã bắt đầu sình thối mà lại bỏ giờ tháo các băng vải đầy máu me của xác chết ra, rồi xếp lại gọn gàng.  Chỉ có mấy tên điên mới làm điều đó.  Nhìn theo nghĩa đen thì chúng ta chỉ có thể chứng minh được như vậy, chúng ta được mời gọi nhìn biến cố này bằng một ánh mắt khác.  Mời anh chị em cùng tôi đi với Thánh Phêrô đến mồ sáng hôm đó.

Thánh sử Gioan kể rằng các phụ nữ sáng sớm ra mộ và thấy mộ trống thì hốt hoảng chạy về báo tin cho Thánh Phêrô và “người môn đệ Chúa yêu,” mà chúng ta thường liên tưởng đến Thánh Gioan Tông Đồ.  Lúc đó các môn đệ của Đức Giêsu đang hoang mang vì biến cố tang thương của Thầy mình và sợ hãi vì cuộc lùng bắt của các Thượng tế.  Khi nghe các phụ nữ báo tin, các Ngài càng thêm hoảng sợ.  Thử hình dung tâm trạng của Thánh Phêrô lúc đó, đang đau buồn vì chối Thầy mình và tức giận vì chúng nó giết Thầy mình.  Khi nghe tin các phụ nữ báo, Ngài nghĩ ngay đến đám Thượng tế và Pharisêu thế nào cũng là những kẻ chủ mưu trong vụ này.  Tức giận đến độ muốn phát điên, Ngài đã mở toang cửa bước ra.  Chúng nó “chơi bẩn” quá độ, chúng đã giết Thầy mình rồi mà nay cái xác của Thầy mình mà chúng cũng chẳng tha.  Tao sẽ “chơi” đủ với chúng.  Tao mà bắt được thằng nào làm chuyện này thì tới đâu tao cũng “chơi” hết.  Đi theo Thầy đã nhiều năm mà Ngài còn dám vác dao chém người ta thì thử nghĩ trước khi gặp Thầy Giêsu cuộc sống của ông Simon Phêrô này dữ tợn cỡ nào.  Khi mà ông ta đang tức giận và nổi khùng lên thì chắc chẳng ai dám bén mảng đến gần hay can gián Simon đâu.

Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu đi ra mộ.  Ngài quên mình là kẻ đang bị lùng bắt, ngài quên cả nỗi sợ hãi của mình, trong tâm trí Ngài lúc đó chỉ còn hình ảnh Thầy mình mà thôi.  Và Thánh sử viết: “Cả hai cùng chạy.”  Văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị của Do Thái thì không có chạy, vì khi chạy là có chuyện náo động, ai chạy thì lính Roma bắt và đánh đập vì làm huyên náo.  Khi chạy, các Ngài đã thoát ra ngoài và vượt lên trên tất cả những lề luật của văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị.  Người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ trước nhưng chờ Thánh Phêrô vào trước rồi mới theo vào sau.  Thánh Phêrô được Đức Giêsu chọn làm đầu Giáo Hội, là người đại diện Giáo Hội.  Người môn đệ Chúa yêu đi vào theo sau Thánh Phêrô là hình ảnh Người Môn Đệ của Chúa đi vào mồ với Giáo Hội và trong Giáo Hội.

Thánh Phêrô và Người Môn Đệ thấy ngôi mộ trống với các băng vải và khăn che mặt được xếp riêng một nơi.  Họ đi vào mồ với tâm trạng hoang mang, tức giận, hận thù và đau đớn… một tâm hồn đầy thương tích.  Thầy của họ, Đức Giêsu thành Nazarét, là Thiên Chúa và là một con người bằng xương bằng thịt, cũng đã vào mộ với những vết thương tích của trần thế và băng vải cột chặt theo văn hoá và tôn giáo của người Do Thái.  Đức Giêsu đã tháo gỡ tất cả những băng vải đã cột chặt, bó buộc Ngài với một văn hoá; một tôn giáo và một thân xác con người.  Đức Giêsu đã sống lại và trở lại với hình ảnh nguyên thủy của Ngài là một Chúa Giêsu, một Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã để lại tất cả những đau thương ràng buộc của đau khổ và Bóng Tối ở trong mồ, Ngài bước ra với một thân xác mới và một sự sống mới.  Với khả năng hạn hẹp của con người, chúng ta chưa ai có được sự cảm nghiệm thân xác Phục Sinh của Chúa Giêsu như thế nào, vì Ngài có thân xác để có thể ăn uống và đụng chạm được như chúng ta, nhưng lại có thể đi xuyên qua tường và có thể thay hình đổi dạng như bóng ma. (Mc 16:12).

Thánh Phêrô và Người môn đệ Chúa yêu cũng đã đi vào mồ với những ràng buộc của thân xác con người: hoang mang, đau đớn, tức tưởi, hận thù, v.v… là những băng vải đã ràng buộc họ trong lề luật, văn hoá, tôn giáo, để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải đó.  Họ đã vào và đã tin, đã đi ra khỏi mồ với một thân xác mới, con người mới, một trái tim mới và một đức tin mới.  Họ ra khỏi mồ với một tâm hồn đầy Thần Khí Yêu Thương, Tha Thứ, Nhân Từ và xác tín vào Thiên Chúa.

Mỗi Người Môn Đệ của Chúa cũng được mời bước vào mồ với Thánh Phêrô và với Giáo Hội trong Tin Yêu để được chính Chúa Giêsu tháo gỡ những băng vải của tất cả những nỗi lo lắng, hoang mang, thành kiến, vết thương tâm hồn, hiểu lầm, uất ức, hận thù, ganh ghét, đam mê, v.v… để có thể bước ra khỏi mồ cùng với Thánh Phêrô và Giáo Hội với một thân xác mới, con người mới, một trái tim mới đầy tràn Thần Khí và Yêu Thương.  Nhờ vào ân sủng, lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa, Người Môn Đệ bước vào mồ để được bỏ lại trong mồ những gì thuộc về Bóng Tối của Sự Dữ để bước ra khỏi mồ với một sự sống mới trong Ánh Sáng Tin Yêu của Thiên Chúa và được sống sung mãn trong Ngài.  Người Môn Đệ đã sống lại với Chúa Giêsu.  Người Môn Đệ đã bước ra khỏi mồ với dấu ấn từ tấm khăn che mặt của Đức Giêsu được in lên trọn thân xác và tâm hồn mình để thân xác mới này chỉ còn mang một khuôn mặt: Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Người môn đệ Chúa yêu này là ai?  Là Người Môn Đệ yêu Chúa và muốn dấn thân theo Chúa.

Người Môn Đệ là ai?  Là những người đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành.

Những người này là ai?  Họ không phải là các môn đệ của Đức Giêsu thành Nazarét năm xưa, mà họ là những Môn Đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay. Chính Thiên Chúa đã thương mời gọi họ làm nghĩa tử và làm môn đệ, để thay Chúa ; hợp tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.  Họ là những anh chị em đã và đang đón nhận Ngài ; làm chứng nhân cho Ngài trong lời nói, cử chỉ và hành động trong cuộc sống mỗi ngày của họ.

Xin Thiên Chúa thương đón nhận mỗi người chúng con, dù rằng chúng con là những kẻ bất trung và bội ước, hay yếu đuối và mỏng dòn, được vào Ngôi Mộ của Chúa để chính Chúa tháo gỡ những băng vải ràng buộc chúng con trong Bóng Tối mà chúng con không có khả năng tự tháo gỡ, để chúng con được bước ra khỏi mồ với lòng đầy Tin Yêu và được sống Tự Do như Con Thiên Chúa, để thân xác và tâm hồn chúng con chỉ còn mang một hình ảnh là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.  Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 21, 2008

ĐỒI THẬP TỰ

Năm nào vào Tuần Thánh chúng ta cũng suy ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Mời anh chị em cùng tôi lên lại đồi Golgotha năm xưa để cùng suy ngắm biến cố đau thương, đầy ân sủng và trọng đại này.

Trên cây thập tự, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Chúa Giêsu đã nhìn thấy gì để rồi Ngài thốt lên lời này?  Ngài thấy các nạn nhân của Lề Luật và của cơ chế xã hội chính trị Roma mà người dân đang bị làm nô lệ.  Chúa Giêsu cũng thấy các tội nhân, vua Roma, quan Philatô, thượng tế, Pharisêu, kinh sư và luật sĩ, là những người dùng danh, quyền và tiền của mình để làm khổ các dân nghèo.  Nhưng trong ánh mắt của Chúa Giêsu, Ngài thấy các tội nhân này cũng là các nạn nhân.  Họ là nạn nhân của Bóng Tối.  Họ đang làm nô lệ cho Sự Dữ mà chính họ cũng không biết.  Khi Chúa Giêsu trên thập tự cầu nguyện: “Xin tha cho họ,” Ngài muốn ám chỉ đến những tội nhân này.

Lúc đó chắc Quỷ Vương và các Quỷ Con cũng đang hiện diện trên ngọn đồi ấy.  Chúng đang vui mừng lắm vì kế hoạch mà chúng đã dồn hết mọi nỗ lực vào nay sắp hoàn tất.  Chương trình của chúng là dụ dỗ con người chối bỏ Thiên Chúa, và hơn thế nữa, giết Con Thiên Chúa.  Chúng trông chờ giây phút Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn, nhục nhã, ê chề, để bắt đầu cuộc liên hoan vì con người đã từ chối Ánh Sáng để chấp nhận sống kiếp nô lệ trong Bóng Tối Sự Dữ.  Họ trước là con cái của Thiên Chúa nhưng nay sẽ là con cái, nạn nhân và nô lệ dưới sự cai trị của Bóng Tối.

Thiên Chúa Cha cùng với triều thần Thiên Quốc lúc đó cũng đang chứng kiến cảnh này.  Bọn Quỷ vui mừng bao nhiêu thì Chúa Cha và các Thần Thánh trên Trời đau đớn bấy nhiêu.  Chúa Cha đau đớn vì nhìn thấy con mình đang vất vưởng, quằn quại trên cây thập tự; Ngài thấy các con cái của Ngài, các nạn nhân và tội nhân, đang từ chối lời mời gọi sống trong Ánh Sáng Yêu Thương, và chấp nhận làm tôi cho Bóng Tối Hận Thù.  Và Cha khóc trong im lặng.

Giây phút cuối cùng rồi cũng phải đến.  Chúa Giêsu gục đầu tắt thở.

Quỷ Vương, Quỷ Con vui mừng hớn hở vì cái bẫy chúng giăng ra nay đã thành công mỹ mãn.  Chúng reo mừng trong chiến thắng và chuẩn bị rút quân về để liên hoan.  Chúng nay không cần phải lo làm gì nữa vì tất cả con người đã thuộc về chúng, chúng không cần phải lo đi dụ dỗ con người nữa vì họ đã chấp nhận sống trong tội lỗi, hận thù, ganh ghét và chà đạp nhau.

Cả Triều Thần Thiên Quốc đau đớn và sững sờ chứng kiến cảnh Con Thiên Chúa gục ngã trên thập tự.  Chúa Cha vẫn im lặng, chờ đợi.  Chúa Cha đau khổ vì thấy con cái của Ngài đang ngụp lặn trong vũng bùn Tội Lỗi mà tưởng chừng như không có lối thoát.  Giây phút Chúa Giêsu tắt thở cũng là lúc Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình của Chúa Cha.  Chúa Giêsu không còn đau khổ vì thể xác con người nữa, nhưng Chúa Cha vẫn đau khổ vì các con cái của Ngài.

Khi có những người, như anh đại đội trưởng, nhìn cảnh thập tự hành hình ghê rợn nhất và tội lỗi nhất mà con người có thể làm ra, mà người tử tội tên Giêsu vẫn có thể can đảm tha thứ được cho con người, thay vì chửi rủa như các nạn nhân khác, thì anh ta đã tin: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54).  Đang ngụp lặn trong Bóng Tối mà anh đại đội trưởng nhìn ngắm lên thập tự và nhận lãnh được ân sủng như một tia Ánh Sáng kéo anh ta ra khỏi Bóng Tối Tội Lỗi.  Và từng người một, từng người ngắm thập tự và bước ra khỏi vùng Nô Lệ.

Quỷ Vương đang vui, nay sững sờ.  Chương trình của hắn đã dầy công sắp đặt đến độ hoàn chỉnh mà nay lại thấy từng người một đã từng là nô lệ của nó, mà lại có thể thoát ra khỏi quỹ đạo đó để quay trở về.  Nó tìm cách kéo lại, nhưng những tâm hồn này nay đang chìm ngập trong Thần Khí và tiếp tục đi về vùng Ánh Sáng.

Các Thần Thánh trên Trời cũng ngạc nhiên không kém.  Từ khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, tưởng rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã đổ vỡ.  Ngờ đâu, nhờ thập tự đó mà lại có nhiều tâm hồn được lãnh nhận ơn cứu độ.  Cứ mỗi lần có một tâm hồn từ vùng Bóng Tối quay trở về vùng Ánh Sáng là lại một lần cả Triều Thần Thiên Quốc vui mừng rơi lệ trong sung sướng vì thấy anh chị em của họ đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Lc 15:24).

Chương trình cứu độ của Chúa Giêsu mà Chúa Cha giao phó đã hoàn tất và Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì vẫn chưa hoàn tất vì ngày hôm nay còn nhiều tâm hồn vẫn còn đang ngụp lặn trong Tội Lỗi và làm nô lệ cho Bóng Tối.  Ngày hôm nay, ngay giây phút này đây, Chúa Cha vẫn nhìn các con cái Ngài đang ngụp lặn trong Vũng Bùn mà lòng quặn đau.

Thử hình dung cu Tèo chạy về nhà thấy mẹ nó đang khóc, hỏi ra thì được biết ba nó vừa bị tai nạn xe cộ và đang chở đi cấp cứu, anh nó đi bắt cá bị lật ghe bây giờ chưa biết sống chết thế nào, người anh khác vừa bị đuổi việc… Nghe xong, nó nói với mẹ: “Mẹ cho con xin vài chục để … đi chơi game!”  Bạn nghĩ sẽ cho cu Tèo mấy điểm từ 1 đến 10?

Cha chúng ta đang đau khổ vì thấy nhiều con cái của Ngài đang sống trong cảnh nô lệ của Bóng Tối và Tội Lỗi, Ngài cũng có được những người con khác đang sống trong Ánh Sáng và Sự Thật, nhưng những đứa này cứ mỗi lần chạy đến là xin Cha cho con cái này, xin Cha cho con cái nọ, còn Cha nó đang vui hay buồn hay đau khổ thì hình như chúng chẳng quan tâm.

Nhiều người đã nhìn ngắm thập tự, được ơn cảm nghiệm Trở Về, và thấy khuôn mặt của Cha.  Họ không muốn rời Cha nữa.  Họ thấy Cha đau khổ quá và không muốn xin Cha cho họ cái gì nữa.  Họ chỉ muốn làm cái gì đó để giải khuây nỗi đau khổ của Cha.  Có người đã hiến mình để cả đời chỉ lủi thủi trong bốn bức tường của một tu viện để ngồi bên Cha như cô Maria (Lc 10:38-42), để “Con hát cho Cha nghe nhe, con quạt cho Cha mát nhe,” và để cầu nguyện cho những tâm hồn đang còn chìm đắm trong Bóng Tối được ơn trở lại.  Những lời cầu nguyện của những người này như những tia Ánh Sáng đi vào trong vùng Bóng Tối để kéo những tâm hồn đang ngụp lặn trong đó ra vùng Tự Do.  Những tâm hồn đón nhận Ánh Sáng thì được Thần Khí dẫn ra khỏi vùng Bóng Tối Tội Lỗi và được ngập lặn trong Thần Khí Yêu Thương.  Mỗi lần có một tâm hồn trở về là Cha vui mừng lắm.

Có những đứa con được ơn cảm nghiệm Trở Về nhờ lòng nhân từ của Cha, và họ muốn thét lên cho cả thế giới biết tình thương của Cha.  Họ đã chạy bôn ba khắp phố phường để đi tìm các con chiên lạc về cho Cha để làm Cha vui hơn.  Họ đi vào vùng Bóng Tối để tìm anh em họ, mỗi lần quay về là áo họ dính đầy “Bụi Bóng Tối,” nhưng họ quyết chí tiếp tục lên đường dù rằng sẽ tiếp tục bị dính “Bụi,” họ đi và dẫn về những tâm hồn cho Cha.

Anh chị em thân mến, Cha chúng ta vẫn đau khổ vì còn nhiều con cái của Ngài, là anh chị em của chúng ta, còn đang ngụp lặn trong vũng bùn Tội Lỗi.  Xin anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho các tâm hồn đang còn sống xa Tình Yêu Thương.  Mến chúc anh chị em một Tuần Thánh đầy ơn cảm nghiệm Trở Về nhờ vào lòng nhân từ của Chúa.  Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con được ơn cảm nghiệm khuôn mặt của Chúa, để chúng con hiểu và cảm thông với Chúa hơn, yêu Chúa hơn, và chọn Chúa là đối tượng duy nhất của chúng con.  Amen.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
March 19, 2008

CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

Chúa Giêsu Ki-tô đã Phục Sinh…. Thánh Gioan đã tường thuật trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một nhân chứng mắt thấy tai nghe.  Ngài diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là Maria Macđala, Phêrô và Gioan đã trải qua để tiến đến niềm tin ”Chúa đã Phục Sinh”.

Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích,… chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền” (1Cr 15,12-19).

Vậy Phục Sinh là gì ? Đâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh ?

Ðể hiểu thấu mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa.  Một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai (Ga 19,41). Ngôi mộ này của ông Giô-xép, người trong Thượng Hội Ðồng, và cũng là một môn đệ âm thầm của Ðức Giêsu. Ông đã đến gặp chính quyền để xin xác của Thầy mình và tẩm liệm cẩn thận.  Hãy đến thăm mộ Chúa vào ngày thứ Bảy, thật vắng lặng, không có ai. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác.  Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mồ.  Kẻ thù Chúa đã hả hê vui sướng vì đã nhổ được một cái gai. Tử thần đắc ý vỗ tay reo vui vì Ðấng là Sự Sống đã bị thất bại.  Xác Ðức Giêsu nằm trong mộ tối tăm, như hạt lúa ủ trong lòng đất. Có ai nghe được tiếng hạt giống cựa mình không?  Có ai thấy được một mầm non đang nhú không?

Ðêm dài quá! Ba phụ nữ chỉ mong cho chóng sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được, chỉ nghĩ đến ngôi mộ với xác của Thầy nằm trong đó. Và khi lóe lên những tia nắng đầu tiên của mặt trời, thì cả ba bà đã sẵn sàng ra thăm mộ, với dầu thơm vừa mua được để ướp xác.  Khi đi đường, họ chỉ có một nỗi bận tâm: “Ai sẽ lăn giùm tảng đá ra cho chúng ta?” Tảng đá to thật là một trở ngại… Nhưng lạ thay, khi đến nơi, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra một bên, và xác của Thầy cũng không còn ở trong mồ.

Từ ngôi mộ, từ tối tăm chết chóc và rữa nát, sự sống đã bật dậy, làm bàng hoàng sửng sốt. Không cần phải lăn tảng đá. Không cần phải xức dầu thơm.  Cửa mộ đã mở toang, vì ngôi mộ không thể chứa được Ðấng đã phục sinh …

Phục Sinh của Đức Giêsu không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), như con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt như ông La-za-rô (Ga 11,1-45).  Cả ba trường hợp này người chết đã sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, và một ngày nào đó họ cũng phải theo số phận chung của loài người là phải chết một lần nữa, phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của sự chết.

Phục Sinh của Đức Giêsu là Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài

Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và sự sống lại của mỗi người chúng ta. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24)

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,

Vẫn có những ngôi mộ trong đời con.  Những ngôi mộ chôn vùi bao ước mơ, hy vọng, bao điều con yêu mến và ấp ủ.  Chúng như dấu hiệu của mất mát, đổ vỡ, khổ đau, thất bại …  Nhưng sự Phục Sinh của Chúa làm con tin rằng chẳng có mất mát, khổ đau, thất bại nào lại không thể làm con bừng tỉnh, lớn lên và trưởng thành.  Ước gì giữa nước mắt, con cảm nghiệm được niềm vui, dám chôn đi điều phải chôn, mất đi điều phải mất.

Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống,

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen

(Trích từ  R. Veritas)

MẸ SẦU BI DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

Hỡi Bà!  Đây là con bà.  Hỡi con!  Đây là Mẹ con.

Hỡi Bà!  Hỡi người đàn bà!  Mẹ Maria tượng trưng cho dân mới, cho những người nghèo, những người đang sống trong hy vọng được giải thoát và tự do.

Đối với Thánh sử Gioan, Mẹ của Chúa Giêsu là người tin và kêu gọi người khác vâng phục lời Chúa.  Mẹ biết tất cả nhu cầu của dân Chúa và trình lên với con Mẹ.  Và Mẹ cũng biết rằng, chỉ có thái độ vâng phục lời Chúa mới có thể mang lại những đổi thay.  Mẹ là mẫu mực của sự vâng phục, Mẹ đã đi theo Chúa Giêsu trong suốt cuộc hành trình và sứ vụ công khai của Ngài.  Từ lúc khởi đầu cho đến lúc Ngài chịu treo trên thập giá.

Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu.  Nơi Mẹ cũng như Chúa Giêsu, họ hiểu được ý nghĩa của nghèo khó, khiêm hạ, vâng phục, cảm thông và xót thương.  Sau Thánh Thần là ơn ban đầu tiên, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ cho Giáo Hội, cho những người anh em của Ngài.

Dưới chân thập giá Chúa Giêsu, hình ảnh này của Mẹ vẫn được tiếp nối bởi không biết bao nhiêu người phụ nữ, những người mẹ can đảm trong lịch sử nhân loại.

***************

Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại các nước châu Mỹ La-tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu:  các phụ nữ tập trung lại dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.

Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là “chia buồn”.  Truyền thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo Hội vào chiều thứ sáu Tuần Thánh:  mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ sầu bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ.

Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.  Người phụ nữ mặc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của người con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của con.  Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu.  Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người.

Sự hiện diện của Mẹ là một nhắc nhở cho dân chúng rằng:  Chúa Giêsu không hoàn toàn bị bỏ rơi trên thập giá, vẫn có một người đứng bên cạnh Ngài trong cơn hấp hối của Ngài.  Chính nhờ sự hiện diện này mà Mẹ đã trở thành Mẹ mẫu mực của chúng ta.  Sự hiện diện của Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu cũng gợi lên cho chúng ta không biết bao nhiêu khổ đau của con người.  Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn thứ bất cứ một người nào.

Dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ Maria ôm lấy tất cả mọi con cái Ngài, tất cả đều được ủy thác cho Mẹ.  Mẹ đứng bên cạnh tất cả những ai đang đau khổ.  Mẹ âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi khổ đau của từng người như thể của riêng Mẹ.  Con người dễ dàng liên đới và cảm thông trong đau khổ.

Đó là tư tưởng cần được nuôi dưỡng khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu.  Bên Mẹ chúng ta cảm nhận được không biết bao nỗi khổ đau của những người xung quanh chúng ta.  Bên Mẹ, với tước hiệu Mẹ Sầu Bi, chúng ta được mời gọi chia sẻ, san sớt nỗi khổ đau của mọi người.

R. Veritas

***************

Lạy Mẹ Sầu Bi, xin cho con biết noi gương Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu để chấp nhận những khó khăn sầu khổ, những mất mát chia lìa, những phản bội đớn đau trong cuộc sống.  Xin luôn nhắc con nhớ rằng Mẹ luôn đồng hành bên con như xưa Mẹ đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con Mẹ lên đồi Golgotha.  Amen!

KINH TIN KÍNH CỦA TÊN TRỘM

Nhiều người thường nghĩ, trước giờ chết, xưng tội xong thì chết lên thiên đàng ngay.  Họ lý luận đơn giản là Chúa tha tội, hết tội là ta được lên thiên đàng.  Tôi đã đặt vấn đề trong bài suy niệm về nhân quả.  Thí dụ, tôi xưng tội nói xấu, tội tôi được tha.  Nhưng hậu quả của việc nói xấu là cả cộng đoàn cứ đinh ninh người đó xấu, họ dè bỉu, họ coi thường, khinh chê, tránh xa người ấy.  Bí tích Giải Tội tha tội cho tôi nhưng không có năng lực thay đổi lối suy nghĩ của cộng đoàn về người tôi gây bất công.  Như thế hậu quả tội tôi gây ra vẫn còn.

Nếu Chúa nhận việc đền tội bằng mấy kinh tôi đọc, cho tôi lên thiên đàng rồi cứ để người khác chịu oan ức thì đâu là vẻ đẹp của bí tích Giải Tội.  Tội thì giải mà không giải được hậu quả của tội thì tôi định nghĩa thế nào về cách tôi nhận ơn sủng của bí tích này.  Một lý luận đơn sơ, một người ăn cắp của tôi hàng trăm ngàn, chỉ cần xưng tội, Chúa tha!  Rồi tôi lại đi lấy cắp của người khác hàng trăm ngàn, chỉ cần xưng tội, Chúa tha!  Ai dám khẳng định giáo lý của Chúa là như thế?

Tôi đã đưa thí dụ.  Một người không chịu học hành, ăn gian nói dối, trộm cắp, xì ke ma túy, bệnh hoạn, vào tù.  Khi được tha tù, họ sám hối, mọi người tha tội cho anh ta.  Tội anh ta không còn.  Nhưng vì không học nên vẫn dốt, hết tội không có nghĩa là tự động thông minh.  Hậu quả vẫn còn.  Anh ta phải đi học lại.  Tha tội không có nghĩa là anh ta hết bệnh hoạn.  Anh ta phải uống thuốc, phải tập thể thao. Tội thì hết nhưng hậu quả không hết.

Tôi được tha tội, nhưng tôi phải “học” mới lấy lại được kiến thức nơi học đường.  Tôi được tha tội, nhưng tôi phải “tập dượt” mới lấy lại được sức khỏe.  Vì có như vậy thì các “việc lành” mới có giá trị hiện hữu.

Người trộm lành

Có thể có người đặt vấn đề.  Thế còn người trộm chết bên Chúa thì sao.  Anh ta đâu có đền tội mà cũng được tha, chết lên thiên đàng ngay!  Trong lối suy nghĩ ấy, nhiều người cổ súy một nền tu đức “mì ăn liền”.  Chỉ cần tích tắc xưng tội là Chúa cho lên thiên đàng ngay.  Ta hãy nghe lại những gì xảy ra ở vùng đất Jerusalem hai nghìn năm xưa theo Phúc Âm:

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người.  Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Ðây là vua người Do Thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao?  Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!  Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.  Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”  Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng” (Lc. 23:34-43).

Phúc Âm cho thấy toàn cảnh bấy giờ như sau:

  • Dân chúng đứng nhìn.
  • Thủ lãnh buông lời cười nhạo.
  • Lính tráng chế giễu.
  • Một tên trộm nhục mạ.

Trong ba năm, Chúa chữa biết bao nhiêu người bệnh tật. Những người này bây giờ ở đâu.

Không ai lên tiếng bênh vực Chúa.

Tôi xin đặt vấn đề.  Anh ta là tên trộm, tại sao không nói như người trộm bên cạnh: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Trái lại anh ta mắng ngược lại tên trộm kia: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!  Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.  Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”

Qua cuộc đối thoại này ta thấy hai tên trộm không nói cùng một ngôn ngữ của kẻ trộm:

  • Một người biết kính sợ Thiên Chúa, một người không.
  • Một người biết chịu hình phạt là đích đáng, một người không.
  • Một người biết cuộc đời của Chúa không làm gì sai trái, một người không.
  • Một người biết Chúa Giêsu bị đóng đinh là sự bất công, một người không.
  • Một người lội ngược dòng với đám đông, một người ùa theo.

Tâm đức người trộm lành

Sự khác biệt lớn lao là một người trộm có “tâm đức”, một người không.  Cái tâm đức này không phải bây giờ anh ta mới có.  Nó phải là lòng thao thức từ lâu.  Những ngày đi ăn trộm anh ta phải biết về Ðức Kitô rồi, nên mới xác định được là “Ông này đâu có làm điều gì trái.”  Ăn trộm mà biết về Chúa rõ như thế sao?  Ăn trộm mà còn lương tâm nhận là mình đáng tội, có nghĩa là lúc ăn trộm, lương tâm anh ta cũng đã ngời sáng rất rõ ràng.  Một người như thế không có “tâm” sao.  Bởi đó, ta mới có truyền thống gọi anh ta là người “trộm lành”.  Trong lối sống “trộm lành” này rất có thể anh ta không ăn trộm chuyên nghiệp.  Biết đâu bị bắt ăn trộm trong lúc quá túng nghèo của một sa cơ?  Và biết đâu trong lối sống đó anh ta đã làm nhiều việc lành đền tội rồi.

Lời chứng trong bão tố

Nguyên việc trước công chúng mà anh ta dám xác nhận Ðức Kitô vô tội thì anh cũng đáng bị người Do Thái đánh gẫy ống chân.  Trong khi Phêrô chạy trốn, bao nhiêu người được Chúa chữa lành, được Chúa thi ơn không dám bênh Chúa còn anh ta có được hưởng ơn gì của Chúa đâu mà dám bênh Chúa?  Việc tuyên xưng Chúa vô tội trên thập giá của một tên trộm lại là lời tuyên xưng duy nhất của nhân loại.  Toàn thể bấy giờ im lặng.  Tất cả thế lực tôn giáo, chính quyền đều chảy xuôi một chiều là nhạo báng Chúa.

Người tuyên xưng Chúa duy nhất lại là tên trộm. Sự tuyên xưng này mang một ý nghĩa rất sâu là anh xác tín vào đời sau.  Như thế có nghĩa là tất cả xã hội kia đang đánh mất ân sủng của mình.  Toàn thể đám đông kết án Chúa là sai.  Anh ta đi ngược lại đám đông, người trộm này dám xưng mình tin Chúa là Ðấng vô tội.  Một người bình thường không thể tuyên xưng như thế.  Chúa đang chết rất nhục nhã, bởi đó người ta mới cười. “Nó đã cứu người khác thì tự cứu mình đi.”  Lời đó đối với con mắt người thường là đúng thôi.  Vậy tại sao tên trộm lại không tin như thế.  Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sẽ vào Nước Thiên Chúa?  Làm cách nào tên trộm này tin Chúa sống lại?  Ai dạy anh ta có sự sống đời sau?  Ai dạy anh ta tin rằng Chúa đang chết kia là Thiên Chúa thật?  Người khôn ngoan thì đến với kẻ quyền năng chứ đến với một người cũng chết như mình thì được gì?

Cái sám hối của anh không đến từ một “tâm đức nhất thời” mà nó phải có căn tính bằng cả một cuộc sống của quá khứ. Anh phải biết về lời rao giảng của Chúa lúc đương thời.  Anh phải theo Chúa trong tâm đức của anh từ lâu lắm rồi.  Giáo lý và niềm tin không thể đến bất ưng không vun trồng. Cuộc trở về của tên trộm tương tự như quá khứ tìm kiếm lề luật của người thu thuế Dakêu.

Tư cách thay cả nhân loại tuyên xưng Chúa vô tội.  Tư cách xin chấp nhận bị đóng đinh vì xứng với tội của mình để làm tương phản đảo lộn việc đóng đinh Chúa là sai trái, không là bài giảng hùng hồn nhất giữa trời đất trước mặt toàn quyền thượng tế và chính quyền hay sao?  Ðấy không phải là cách đền trả công lý của anh sao?

Ðền trả là tuyên xưng đức tin

Hậu quả tội lỗi của anh có đó chứ.  Nhưng anh đã đền.  Không phải một tích tắc ăn năn, Chúa tha tội là lên thiên đàng.  Anh ta đã đền.  Cái đền anh dũng trên thập giá của anh cho tôi tin rằng anh cũng đã nhiều lần đền trong lương tâm của một thời quá khứ băn khoăn thao thức.  Vấn đề đặt ra ở đây không phải là anh ta không đền.  Anh ta đã đền.  Cuộc tuyên xưng này không những là đền trả bây giờ mà thôi nhưng nó là kết quả của những trăn trở trong quá khứ rồi.  Chỉ có vấn nạn là, đền như thế mà đủ sao?  Lỗi đức công bình sao anh không đền trả cho người? “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?  Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục” Tôi bảo cho anh biết: Anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng” (Lc. 12: 58-59).  Phải trả đến đồng kẽm cuối cùng.  Theo mạch văn thì không phải là trả cho Thiên Chúa mà cho đối phương.  Ta cũng nên lưu ý một suy nghĩ, đây là ý tưởng Phúc Âm Luca. Phúc Âm Luca được mệnh danh là Phúc Âm của lòng thương xót.  Luca luôn luôn đề cao lòng thương xót.  Tại sao ở đây Luca viết bằng ngôn ngữ mạnh như thế.

Tất cả hậu quả của tội đều phải đền.  Chỉ có vấn nạn là đền ít hay nhiều, đền bao nhiêu mới đủ, đền không đủ thì sao, làm cách nào đền.  Tôi sẽ đề cập tới đền như thế nào mới đủ trong đề tài Chúa làm phép bánh hóa ra nhiều ở biển hồ Galilê.

Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.”  Lời cầu xin của anh ta là:

  • Anh tin có Nước Thiên Chúa và sự sống đời sau.
  • Anh tin người ta sẽ sống lại.
  • Anh không là người vô thần. Anh kính sợ Thiên Chúa.
  • Anh tin Ðức Kitô là Thiên Chúa, có sự sống nơi Chúa.
  • Anh tin vào Ðấng Cứu Ðộ. Ðức Kitô là Ðấng có thể cứu anh.
  • Anh tin có sự cứu chuộc. Con người cần được cứu chuộc.
  • Anh tin vào luân lý có đúng, có sai.
  • Anh tin những người kết án Chúa, họ là kẻ là sai lầm.
  • Anh tin Thiên Chúa có thể sửa sai. Anh tin một niềm hy vọng.

Sự tuyên xưng này anh phải trả giá vì nó đi ngược lại những người đang kết án Chúa.  Ðây không là lời tuyên xưng dễ dãi biếng nhác.  Sự đền trả của người mù ở đây mang một ý nghĩa khác nữa.  Nó làm trọn Lời rao giảng của Đức Kitô: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt. 10:32).

Hành trình thiêng liêng

“Tên trộm,” mà hôm nay người ta thường gọi danh xưng như thế đã là nhân chứng của niềm tin giữa giờ vô cùng bão tố.  Bão tố nhất.  Ta có thể nói, trước khi có Kinh Tin Kính thì anh trộm đã tuyên xưng trước chúng ta rồi.  Một lời tuyên xưng công khai trước toàn thể quyền thế nhân loại.  Lời tuyên xưng sau cùng trước khi Chúa giã từ trần gian.  Trong lúc cả nhân loại im tiếng thì một người duy nhất tuyên xưng lại là anh.  Hành trình thiêng liêng của người trộm này không là tích tắc được Chúa cho vào Nước Chúa, nhưng là một hành trình đã chuẩn bị từ tháng ngày trong quá khứ.

Ta nên nhìn con đường trưởng thành thiêng liêng của người trộm này không đến từ ngẫu hứng “mì ăn liền.”  Không nên dễ dãi kết luận, chỉ cần tích tắc nói với Chúa vài câu là được lên thiên đàng.  Ta nên nhìn con đường trưởng thành thiêng liêng của người trộm này trong cái nhìn tìm hiểu đoạn Kinh Thánh tường thuật về anh.  Có thể nói cách khác, chính lời tuyên xưng của “tên trộm” viết thành lời đoạn Kinh Thánh này.

Nguyễn Tầm Thường  (Trích tập suy niệm KẺ ÐI TÌM, sẽ xuất bản năm 2010)

CHIÊM NGẮM CUỘC KHỔ NẠN

Lễ Lá là một lễ vui mừng, nhưng lại đượm nét buồn.  Chúng ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ.  Tuần thánh đã bắt đầu.  Ðức Giêsu bước vào những ngày cuối đời.

Hosana! Hosana! Tiếng hò reo vang vọng một góc trời khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Đám đông dân chúng với những cánh tay đưa lên cao để tung hô Ngài là Ðấng Mêsia, là Con vua Ðavít.  Nhưng một tuần sau, chính những cánh tay đó cũng giơ cao để la hét, để chửi rủa chế nhạo và để đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Ôi lòng người sao tráo trở, mau đổi trắng thay đen!

Đức Giêsu, Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là con người, Ngài không xa lạ với khổ đau của phận người. Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội, thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và bị giết chết. Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ với tình yêu to lớn, và lập tức đau khổ mang đầy ý nghĩa to lớn.

Qua bài Thương Khó hôm nay, bạn và tôi, chúng ta hãy đi với Ðức Giêsu qua từng chặng đường của cuộc Khổ Nạn, từ vườn Cây Dầu đến tận Núi Sọ…  Ðừng theo Chúa như một người xa lạ, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và tôi, cho bạn và cho tôi.  Sau khi đã cảm nghiệm được cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, bạn và tôi sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Qua bài Thương Khó hôm nay, Ðức Giêsu đã xuống tận cùng vực thẳm của phận người. Ngài muốn gieo hy vọng cho những ai thất vọng. Ngài đem lại ý nghĩa cho những khổ đau vô lý.  Ngài đã đón nhận tất cả với tình yêu thứ tha, nhờ đó thánh giá nở hoa, vực thẳm tràn trề sức sống.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, tôi không cảm thấy đó là chuyện xa lạ. Vì trên thế giới chúng ta đang sống, mỗi ngày vẫn còn biết bao Giêsu vô tội bị kết án bất công, bị làm nhục, bị khinh khi, bị hành hạ và đối xử tàn tệ cho đến chết.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, và nhất là đi đàng thánh giá với Chúa, giúp tôi bình an hơn với thánh giá của chính mình, nhậy cảm hơn với thánh giá của tha nhân, và nhận ra mình có trách nhiệm trước những cuộc khổ nạn đang diễn ra trên thế giới hôm nay.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, tôi thấy mình chẳng phải là kẻ đứng ngoài cuộc. Tôi thấy mình có nét của Giuđa, một người được chọn, được yêu, được theo Thầy rất gần.  Bao phép lạ đã chứng kiến, bao lời vàng ngọc đã được nghe. Tất cả vỡ tan khi Giuđa bán Thầy bằng nụ hôn giả dối.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, tôi thấy mình có nét giống Phêrô. Ông tự hào về tình yêu của mình đối với Thầy để rồi dễ dàng chối Thầy trước một cô đầy tớ. Tiếng gà nào khiến Phêrô chợt tỉnh.  Ánh mắt tha thứ nào của Thầy khiến Phêrô òa khóc. Vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng gà và ánh mắt của Chúa trong đời tôi…

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, tôi thấy mình có nét giống Philatô.  Ông bị trói chặt bởi nỗi sợ: sợ dân nổi loạn, sợ mất chức. Ông bị mất tự do vì áp lực của đám đông gào thét. Ông không đủ bản lãnh để tha một người vô tội. Tôi cũng thấy mình có nét giống Hêrôđê, tò mò, háo hức, trông chờ Ðức Giêsu làm phép lạ. Nhưng ông mau chóng thất vọng khi thấy Ngài lặng thinh. Ông buồn vì không gặp một Giêsu như ông mong ước.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, tôi nhìn thấy những điểm sáng ngời: Điểm sáng đó từ nơi Simon: ông vác đỡ thập giá Ðức Giêsu trên đường lên núi Sọ.  Điểm sáng đó từ nơi các phụ nữ theo sau Thánh Giá Chúa Giêsu, họ vừa đi vừa than khóc.  Điểm sáng rực rỡ hơn cả từ nơi người trộm lành. Một người bị đóng đinh tin vào một người bị đóng đinh khác. Anh tin Ðức Giêsu vô tội và anh xin Ngài nhớ đến anh.  Lòng tin khiến anh trở nên người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ. “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng“.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu,

Vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con, xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu, xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công, xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng, xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh, xin cho sự hiền hoà thắng được bạo lực.
Vì Chúa giang tay chết trên thập giá, xin cho đất nối lại với trời, con người nối lại mối dây liên kiết với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui oà vỡ, xin cho chúng con biết đón lấy đời thường với tâm hồn thanh thản bình an.  Amen.

(Trích từ R. Veritas)

NGƯỜI CỨU HỘ VÀ NHỮNG CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI

Chiều thứ sáu 15 tháng 2 vừa qua, tôi sang đến Mỹ trong chương trình đi giảng Tĩnh Tâm Mùa Chay cho các cộng đoàn do các cha DCCT Việt Nam phụ trách.

Anh bạn thân trong Nhóm Mai Khôi ngày xưa ra phi trường Los Angeles đón về thành phố Anaheim, dọc đường đang trên Freeway (xa lộ) số 405, tốc độ phải trên 100km/h thì bánh xe bên trái phía trước, ngay chỗ tay lái, bị nổ tung.  Nếu anh bạn không có tay lái thật vững và bình tĩnh, chắc chắn tai nạn đã xảy ra thảm khốc.

Từ đường lane thứ tư, anh giảm vận tốc từ từ chứ không dám dùng đến thắng chân, mắt liếc nhìn kính chiếu hậu, tay kềm vô-lăng tránh lật xe, nhấp nhấp sang phải để vào dần đến đường lane cấp cứu sát lề đường trong khi hàng loạt xe hơi và xe vận tải vẫn lướt qua với tốc độ khủng khiếp.

Xe vào được đến lề đường an toàn, tắt máy, xuống khỏi xe, nhìn chiếc lốp xe tan nát te tua mới rùng mình hú vía, chiếc vành bánh bằng sắt cầy xuống mặt đường nhựa thành những vệt ngoằn ngoèo.

Bất ngờ phía sau có một tiếng kèn xe nhẹ nhẹ, quay lại thì ra một chiếc xe cứu hộ có cần cẩu vừa trờ tới, đậu lại ngay sau đuôi xe mình.  Sao mà nhanh thế không biết ? Mới chưa đầy hai phút.  Anh tài xế người Mễ cũng là nhân viên kiểm tra giao thông hỏi: “May I help you ?” (Tôi có thể giúp gì cho bạn?).  Anh bạn của tôi cám ơn và bảo là xe mình có sẵn lốp sơ-cua và có thể tự thay được.

Tôi loay hoay phụ với anh bạn lôi được trong cốp xe chiếc lốp sơ-cua cùng với cái kích nâng xe, thế thôi, các việc còn lại, anh bạn tháo vát của tôi làm được hết.  Tôi lớ quớ không biết làm gì, đành đứng ngó mông lung ra freeway (xa lộ)….. Và chợt tôi đọc được cho đời mình một nghiệm sinh quý, có một không hai.  Tính đến hôm nay sự cố xảy ra đã hơn hai tuần, thế mà ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy thấm thía quá, phải chia sẻ với mọi người chứ !

Không phải là tiếng vù vù của từng chiếc xe chạy ngang qua như ta thường nghe bên xa lộ Việt Nam, mà rõ ràng là những tiếng… “Wào ! Wào ! Wào !” của bao nhiêu chiếc xe family, xe van, xe truck, cả xe kéo container khổng lồ vụt qua như những cơn sóng dữ vỗ vào ghềnh đá với tốc độ trên 100km/h, gió tạt vào người mình như muốn cuốn tung mình theo.  Lại thêm tiếng rít xé gió của vỏ lốp xe cao-su nghiến xuống mặt đường bê-tông của freeway (xa lộ), cứ như có hàng trăm chiếc Suzuki tháo ống bô của bọn thanh niên hư hỏng con nhà cán bộ giàu có vẫn thường “tra tấn” lỗ tai dân Sài-gòn về đêm.

 

***************

Thì ra cuộc đời tôi, cuộc đời mọi người, chúng ta vẫn đang vụt qua với tốc độ kinh hồn như thế mà chúng ta không biết, không ngờ, cũng không tài nào tưởng tượng nổi.  Những đối phó, những xử lý, những tranh thủ, những bon chen, những khắc phục, những xoay trở không ngừng nghỉ, cái này xô vào cái kia, cái kia va vào cái nọ, tất cả cuốn hút như một cơn lốc, như rất nhiều cơn lốc, như hàng loạt cơn lốc nối tiếp nhau cuồn cuộn.

Thú thật, lúc ngồi trên xe ngoài freeway (xa lộ), xe nào cũng lao nhanh vun vút nên người ngồi trên xe này nhìn sang người xe khác thấy bình thường như không, chẳng ai nhận ra rằng: tất cả, mỗi người và mọi người đều đang đùa với cái chết bằng chính cách sống hiện đại thời đô thị hóa của mình.

Phải đến khi có một trục trặc xảy ra.  Thất nghiệp, thất tình, thất thu, thất lạc một cái gì đấy, tất cả những cái “thất” khốn khổ, nhất là thất bát về tiền bạc hay thất sắc vì một căn bệnh nan y bất ngờ ập đến, nó làm cho ta không thể tiếp tục chay bon bon trên đường đời nữa.  May mà ta còn dạt được vào bên lề cuộc đời chứ không thì đã bị những mảnh đời khác tông phải mà… tan xác!  Ta đứng lại rồi, hoàn hồn vì tai qua nạn khỏi, nhưng sau đó nỗi u sầu, niềm tuyệt vọng, mặc cảm bị đối thủ qua mặt, bị người yêu, bạn bè hoặc gia đình bỏ rơi, bắt đầu tấn công ta, làm cho ta như tê liệt.

Thế rồi, lại một lần nữa, may quá, người cứu hộ đã kịp thời đến với ta.  Anh ấy muốn giúp ta nhưng lại vẫn tôn trọng quyết định hoàn toàn tự do của ta.  Có thể anh ấy vẫn đứng bên cạnh mà nhìn nhưng ta phải hiểu là anh ấy chờ ta đấy, ta chỉ cần đưa ánh mắt xin cầu viện là anh ấy sẽ giúp ngay, và giúp đâu ra đấy, đàng hoàng tử tế.

Cứ xem cái cách anh ấy đậu chiếc xe cứu hộ phía sau mình, nhích ra ngoài con đường cao tốc cuộc đời một chút để che chắn cho ta, những gì nguy hiểm mất mạng muốn đâm xầm vào ta thì phải đâm xầm vào anh ấy trước đã!  Ta bảo ta xử lý vấn đề được, không cần ai cứu hộ, thật ra trước sau gì đều không thể thiếu được người cứu hộ đâu !

Ngược lại, ta cũng không thể ỷ lại tất cả vào người cứu hộ.  Anh ấy đâu có phải là… vú em, mà ta cũng chẳng còn là con nít.  Ta vẫn phải đối mặt, chịu trách nhiệm về ta một cách có… trách nhiệm và “làm” đời ta cho nó ra ngô ra khoai.  Người cứu hộ sẽ chỉ cứu ta và hộ ta khi ta thật sự cần cứu, cần hộ.

Khi việc sửa chữa hoàn tất, ta an tâm nổ máy khởi động lại hành trình đời mình.  Ta dần tăng tốc, lại tiếp tục lao vun vút trên freeway (xa lộ) nhiều hấp dẫn quyến rũ nhưng cũng đầy những nguy hiểm chực chờ.  Có khi ta sẽ quên béng mất cái anh chàng cứu hộ, bởi có thấy anh ấy giúp được ta gì đâu.  Cũng được!  Chẳng sao!  Anh ta vẫn mỉm cười, trở về với nhiệm vụ của mình là cứu hộ trên mọi nẻo đường đời…

***************

Mùa Chay đã qua được hơn nửa thời gian.  Những chuyến xe đời ngoài kia vẫn đang bị cuốn hút vùn vụt về phía trước.  Tại sao ta lại chỉ chờ đến khi nào rủi ro bị “pan”, chết máy, hết xăng, nổ lốp, mới chịu dạt vào bên lề để được cứu hộ hoặc sửa chữa?   Tại sao ta không chịu giảm tốc, tìm một “exit” (lối ra) để ghé vào những khu “rest area” (khu nghỉ ngơi) mà Hội Thánh đã mở sẵn dọc theo cuộc lữ thứ trần gian ?

Rõ ràng Mùa Chay cho ta được nghỉ ngơi và bồi dưỡng, tái tạo và phục hồi, chữa lành và tha thứ.  Vẫn luôn có đó những Linh Mục làm người cứu hộ ở bên ta, cứu ta và hộ ta bằng những lời khuyên và bằng các Bí Tích.  Mà thật ra, phải nói Người Cứu Hộ trên hết là chính Chúa Giê-su!

Chúng ta tin điều ấy không?  Nếu tin, xin hãy rời “freeway” (xa lộ) để sẽ gặp được…… “Freedom” (sự giải thoát)!

LM Lê Quang Uy, DCCT – VietCatholic News
Houston, Mùa Chay 3.2008