GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

Một trong những người tiền phong vận động chính phủ cải cách hệ thống nhà tù ở Hoa Kỳ là một tội phạm đã hối cải, tên Starr Daily. Câu chuyện ông hoán cải thật lạ lùng nhưng thật tuyệt vời như sau:

Khi Daily bị kết án tù lần thứ ba trong đời, quan toà nói với ông:

– Có phạt thêm nữa thì ông ấy cũng vậy, và tôi không biết phải làm gì khác trong vụ xử ông.  Sự bất lực của chúng tôi là sự tuyệt vọng của ông.

Trong thời gian ở tù, lối sống của Daily thật tệ hại đến nỗi người ta phải giam ông vào một cái “hố” biệt lập. Thông thường một tù nhân chỉ có thể chịu nổi cảnh giam cầm đó hai tuần lễ. Sau đó có bác sĩ đến thăm và ra lệnh đưa về nhà giam bình thường.

Nhưng trường hợp của Daily thì đã hơn hai tuần lễ và vẫn tiếp tục. Rồi một ngày kia, một sự kiện khác thường xẩy đến. Khi Daily nằm trên sàn lạnh lẽo của cái “hố”, một tư tưởng kỳ lạ nảy ra trong đầu. Ông thường có một sức mạnh và năng lực đáng kể. Bỗng dưng ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho ông nếu ông dùng sức mạnh và năng lực ấy để làm việc thiện hơn là làm điều xấu. Ý tưởng ấy tràn ngập tâm trí ông. Và trong một thời gian thật lâu, ông nằm suy nghĩ về điều đó.

Điều kế tiếp xẩy đến thì thật khó để diễn tả. Daily bắt đầu có những giấc mơ đứt đoạn về Đức Giêsu Kitô, là người mà từ lâu ông cố gạt ra khỏi cuộc đời mình. Trong giấc mơ, ông thấy Đức Giêsu đứng bên cạnh ông và nhìn vào mắt ông. Tất cả những người mà Daily đã làm họ đau khổ dường như lướt qua trong tâm trí ông. Và khi đó, Daily đã tỏ lòng thương mến họ,

Cảm nghiệm đó đã thay đổi hoàn toàn con người Daily. Trước đó, ông là một tội phạm cứng cỏi, đầy căm thù. Sau đó, ông là một con người mới, đầy tình yêu.

Sau cùng, Daily được phóng thích và bắt đầu một sự nghiệp mới để nói chuyện và viết lách hỗ trợ việc cải cách nhà tù.

Nhận định về sự hoán cải lạ lùng của ông Daily, ông Peter Marshall, một tuyên uý nổi tiếng của Quốc Hội, nói rằng: “Starr Daily là một bằng chứng sống động tốt nhất mà tôi chưa từng thấy, đó là ‘một tạo vật mới trong Đức Giêsu Kitô’. Ông không chỉ là một con người cũ được chắp vá, nhưng là một con người hoàn toàn mới

(Catherine Marshall, A Man Called Peter.)

* * * * *

Câu chuyện của ông Starr Daily có sự tương đồng kỳ lạ với câu chuyện của ông Giakêu trong bài Phúc Âm hôm nay.

Cả hai đều có đời sống tệ hại. Cả hai đều gặp gỡ Chúa Giêsu. Cả hai đều thay đổi nhờ sự gặp gỡ đó. Và cả hai đều đền bù cho quá khứ.

Daily tuôn đổ tình yêu trên những người mà ông đã làm tổn thương họ. Ông dành trọn cuộc đời còn lại để vận động cải cách hệ thống nhà tù.

Giakêu phân phát nửa gia tài cho người nghèo. Và những ai bị ông lường gạt đều được bồi thường gấp bốn. Số tiền bồi thường này nhiều hơn luật buộc gấp đôi. (Xh 22:3)

Bạn và tôi, chúng ta áp dụng câu chuyện của ông Daily và ông Giakêu vào đời sống của chúng ta như thế nào?

Cả hai câu chuyện đều nhắc nhở chúng ta về một điều mà chúng ta thường hay quên. Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc đời chúng ta và thay đổi chúng ta trở nên tốt hơn, cũng như Người đã thay đổi ông Daily và Giakêu.

* * * * *

Bạn thân mến, Chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ hôm nay với những lời thật tuyệt vời của Chúa Giêsu nói với chúng ta qua sách Khải Huyền (3:20):

“Hãy lắng nghe! Ta đứng ở ngoài cửa và gõ; nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ đi vào nhà của họ và ăn với họ, và họ sẽ ăn với Ta” 

Trích R. Veritas

RESUME (BẢN LÝ LỊCH) CỦA GIÊSU

Gửi kèm ảnh  của Ta

Bạn hãy tưởng như mình làm chủ một công ty.  Công ty đó chẳng gì khác hơn là chính trái tim lòng bạn.  Bạn đang tìm một viên quản lý cho công ty này, và tình cờ gặp được một resume (bản lý lịch) của người tên là Giêsu Nadarét.   Bạn sẽ nghĩ gì về quản lý viên này?  Lý do gì cản trở bạn để phó thác cho Đức Giêsu quản thúc trái tim bạn?

Địa Chỉ:  Nhà Tạm (Bí Tích Thánh Thể)
Điện Thoại:  Rôma 10:13
Mạng Lưới:  Kinh Thánh
Các khóa từ: Giêsu Kitô, Thầy Chí Thánh & Đấng Cứu Độ

Bối Cảnh

Ta là Giêsu – Chúa Kitô.  Rất nhiều người gọi Ta là Thầy Chí Thánh.  Ta gởi resume (bản lý lịch) cho con vì Ta muốn tìm chức quản lý tối cao trong trái tim con.  Con hãy cân nhắc kỹ các thành tích của Ta được trình bày trong resume (bản lý lịch) này.

Khả Năng

  • Ta dựng nên trời đất thiên địa (Sách Cách Ngôn 3:19).
  • Ta tạo nên con người từ đất đai (Sách Khởi Nguyên 2:7).
  • Ta thở hơi cho con người có mạng sống (Sách Khởi Nguyên 2:7).
  • Ta đã cứu chuộc nhân loại khỏi án chúc dữ của Lề Luật (Galatô 3:13).
  • Phúc lành của giao ước với Abraham trong cuộc sống nhân loại có được là qua Ta (Galatô 3:14).

Kinh Nghiệm Nghề Nghiệp

  • Ta chỉ có một Chủ duy nhất (Luca 2:49).
  • Ta chưa bao giờ bị trễ nãi, vắng mặt, không vâng lời, lười biếng hay bất kính.
  • Chủ Ta không có lời nào khác ngoài những lời say sưa khen ngợi Ta (Matthêo 3:15-17).

Kỹ Năng & Kinh Nghiệm Công Tác

  • Một số kỹ năng và kinh nghiệm công tác của Ta gồm có: làm cho những kẻ nghèo khó không còn nghèo khó nữa, chữa lành những tâm hồn tan nát, đập tan xiềng xích cho những kẻ tù đày, chữa lành những ai đau yếu, hồi phục nhãn lực cho những kẻ mù lòa, và cho kẻ áp bức được giải oan (Luca 4:18)
  • Ta là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình.
    (Isaia 9:5). Những ai lắng nghe ta sẽ được sống trong bình an và chẳng sợ tai họa (Cách Ngôn 1:33).
  • Quan trọng nhất là Ta có quyền lực, tài năng và sức mạnh để xóa tẩy tội của con (Gioan 1:7-9).

Quá Trình Học Vấn

  • Ta bao gồm tất cả chiều ngang và chiều dọc của tất cả mọi hiểu biết (Cách Ngôn 2:6).
  • Trong ta giấu ẩn cả kho tàng về hiểu biết và khôn ngoan (Côlôsê 2:3).
  • Lời Ta có uy quyền dũng mạnh được diễn giải như cây đèn rọi soi bước chân ngươi và là ánh sáng cho nẻo đường ngươi đi (Thánh Vịnh 119:105).
  • Ta cũng có thể nói cho ngươi biết được tất cả những điều bí ẩn nhất của trái tim ngươi (Tv 44:21).

Những Thành Tích Trọng Đại

  • Ta đã tích cực tham gia vào Hội Nghị Sáng thế (Khởi Nguyên 1:26).
  • Ta đã bỏ mạng sống mình để con được sống (2 Côrinthô 5:15).
  • Ta đã đánh gục quỷ Sa-tan và loài người và đã công nhiên bêu nhục chúng (Côlôsê 2:15).
  • Ta đã dùng phép lạ để nuôi sống người nghèo khó, chữa lành các bệnh nhân và phục hồi mạng sống cho kẻ đã chết.
  • Còn nhiều những thành tích trọng đại khác không thể kể hết ra đây được. Con có thể đọc nó ở mạng lưới của Ta tại www.KinhThanh. Con không cần phải có móc nối mạng lưới điện toán hoặc máy điện toán mới tới mạng lưới của Ta được.

Lý Lịch Người Chứng

Tất cả những ai tin và theo Ta trên khắp thế giới sẽ chứng minh quyền năng chữa lành, ơn cứu độ, ơn giải thoát, các phép lạ, sự khôi phục và sự hướng dẫn siêu nhiên của Ta.

Tóm Lược

Bây giờ con đã đọc resume (bản lý lịch) của Ta xong, Ta rất tự tin là chỉ duy Ta là ứng viên độc nhất và duy nhất xứng đáng để đáp ứng địa vị quan trọng này trong trái tim con.  Ta sẽ cẩn thận dẫn dắt con trong bước đi (Cách Ngôn 3:5-6) và dẫn con đến sự sống vĩnh cửu (Gioan 6:47).  Khi nào thì Ta có thể bắt đầu?  Thời gian rất là quí báu (Dothái 3:15).

Ánh Nhiệm chuyển ngữ

XIN THƯƠNG XÓT CON LÀ KẺ CÓ TỘI…

Theo một truyền thuyết về thánh Gio-an, tác giả sách Tin Mừng, sau 3 năm ngài bị lưu đầy ở đảo Patmos, khi trở về Ê-phê-sô, Ngài được biết chuyện về một chàng trai mà Ngài đã từng kỳ vọng rất nhiều tại cộng đoàn Ê-phê-sô.  Hiện anh ta đã sa ngã và trở thành một thủ lãnh trộm cướp khét tiếng.  Thánh Gio-an tuy đã già yếu gần 100 tuổi nhưng vẫn một mình chống gậy tìm lên ngọn núi sào huyệt của anh ta.  Mới đến lưng chừng núi thì cụ già bị bọn lâu la bắt trói dẫn về cho thủ lãnh.

Vừa gặp mặt, chàng trai đã giật mình kinh sợ vì nhận ra thầy cũ của mình.  Thánh Gio-an sau khi được cởi trói, ôn tồn khuyên nhủ:

– Này con yêu của thầy, sao con lại tránh nhìn vào mắt thầy ? Bây giờ đứng trước mặt con, thầy chỉ là một con người già yếu, không thể tự vệ được cơ mà…

Ngài thinh lặng một chút rồi lấy hơi nói tiếp:

–  Con đừng ngại, tội lỗi của con chắc chắn đã được Thiên Chúa tha thứ.  Chính thầy đã xin điều ấy cùng Chúa Giê-su đầy lòng thương xót cho con rồi.  Thôi, con hãy cùng với các bạn con rời bỏ ngọn núi này mà theo về với thầy nhé…

Chàng trai nghe đến đây thì quỳ xụp xuống, xấp mình khóc lóc trong niềm vui được hoán cải và tha thứ.  Sau đó, mọi người được chứng kiến một cảnh tượng thật lạ lùng: một ông lão dìu một chàng trai xuống núi, theo sau là tất cả thủ hạ trong băng cướp của anh…

* * * * *

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến lời van xin của người thu thuế kêu cầu lòng thương xót của Chúa và lời cầu nguyện đầy tự mãn của người Pharisêu.  Ðức Giêsu đưa ra kết luận: “người thu thuế được nên công chính, còn người Pharisêu thì không”.  Những người nghe Ngài nói chắc hẳn đã ngỡ ngàng chưng hửng.  Người Pharisêu là mẫu mực trong việc giữ luật. Những điều xấu xa tiêu cực, ông không làm.  Những điều luật đòi hỏi, ông còn làm nhiều hơn thế nữa.

Lời cầu nguyện của ông thật rõ ràng và trung thực, một lời nguyện mà nhiều người đạo đức thời bấy giờ thèm muốn.  Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không nhìn đến ông?  Tại sao Thiên Chúa lại thương người thu thuế tội lỗi? Tại sao Thiên Chúa lại cho người thu thuế được trở nên công chính ?

Tình thương của Thiên Chúa đôi khi xem ra nghịch lý, nhưng không vô lý. Chúng ta cần nhìn cách người Pharisêu cầu nguyện:  Ông đứng trên cao trong đền thờ và tách biệt với những người khác. Mắt ông vẫn nhìn thấy người thu thuế đứng xa xa phía dưới.  Chúng ta cần nghe lời ông cầu nguyện: Ông muốn dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn, nhưng lời tạ ơn của ông lại trở thành sự so sánh ông với người khác, tràn đầy cái tôi tự mãn và kiêu căng. Ông liệt kê những tội ông không hề phạm, những việc đạo đức ông quen làm, vượt quá điều luật đòi hỏi: “tôi không như bao kẻ khác… tôi ăn chay… tôi nộp thuế…”

Cái tôi của ông thật cao vời vợi, hơn hẳn người khác. Cái tôi của ông quá ngon lành, quá bảo đảm, nên ông không cần xin Chúa thêm điều gì. Ông chỉ khoe với Chúa những thành tích đạo đức của ông, hay đúng hơn ông đang đề cao “cái tôi” của chính mình.

Ðời sống của ông Pharisêu đầy đặn quá, tròn trịa quá đến nỗi Thiên Chúa trở nên thừa. Ngài chẳng tìm ra được một kẽ hở nào, một khoảng trống nào để có thể đi vào đời ông nên Ngài phải chịu đứng bên ngoài.

Ngược lại anh thu thuế thì run rẩy xấu hổ, chẳng dám ngước nhìn Chúa, chẳng dám lại gần tha nhân. Anh nhìn thấy rõ các tội lỗi của mình, anh muốn làm lại cuộc đời, nhưng hầu như tự sức mình, anh không sao làm nổi. Anh thấy mình bị kẹt cứng, chỉ còn biết cậy dựa và phó thác vào tình thương của Thiên Chúa. Anh đứng xa xa dưới cuối đền thờ, nhắm mắt cúi đầu cất tiếng cầu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin thương cót con là kẻ tội lỗi”.

Người thu thuế thật là con người tội lỗi, nhưng sự nhìn nhận tội lỗi của anh đã trở nên một kẽ hở, một sự trống rỗng để Thiên Chúa có thể đi vào đời anh. Anh không cậy dựa vào công sức của mình nhưng vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Bạn thân mến! Công việc đạo đức là một điều tốt đẹp, là một việc đẹp lòng Chúa, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ.  Làm việc lành cũng là một điều tốt cần được khuyến khích, nhưng nếu việc lành khiến tôi khinh miệt tha nhân thì thật là nguy hiểm.

Làm sao tôi có được sự khiêm nhường tự hạ của người thu thuế? Làm sao tôi có thể hoàn toàn cậy trông phó thác vào Chúa như người thu thuế ? Ước gì cuộc đời của bạn và tôi có thật nhiều kẽ hở, có thật nhiều khoảng trống để cho Chúa bước vào.

R. Veritas

* * * * *

Lạy Chúa,  khi đến với Chúa
Cho con tháo bỏ đôi giày những tham vọng của con
Cho con cởi bỏ đồng hồ thời khóa biểu của con,
Cho con đóng lại bút viết các quan điểm của con,
Cho con bỏ xuống chìa khóa sự an toàn của con,
Để con được ở một mình với Ngài.

Lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật,
Sau khi được ở với Ngài,
Cho con xỏ giày vào để đi theo con đường của Chúa,
Cho con đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa,
Cho con đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa,
Cho con mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa,
Cho con cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.
Amen.

Graham Kings

NGUỒN GỐC CỦA KINH MÂN CÔI

Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong cuốn “De Dignitate Psalteri”, và một của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, trong cuốn “Bí Mật Kinh Mân Côi”, thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh.  Đức Thánh Cha Gregory XII cũng cho rằng: “Kinh Mân Côi được chính Thánh Đaminh thiết lập để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và để cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ bầu cử.”

Vào thế kỷ 11 và 12, tại tỉnh Albi thuộc miền nam nước Pháp, có một lạc thuyết do bè rối Albigensê chủ trương là nhị nguyên.  Thuyết này cho rằng Chúa Giêsu là một tạo vật được thần sai đến để giải thoát linh hồn con người bị giam cầm trong thể xác.  Theo thuyết nhị nguyên thì Linh hồn con người cũng được thần lành dựng nên và xác thịt được thần dữ dựng nên để giam cầm Linh hồn.  Sau bao nhiêu nỗ lực mà vẫn thảm bại để chinh phục bè Albigensê rối này, thánh Đaminh rút vào một khu rừng gần thành phố Toulouse nước Pháp để cầu nguyện.  Trong thời gian này Thánh nhân khóc lóc, ăn chay và phạt xác mong làm nguôi cơn giận của Chúa.  Ngài đã thực hành việc khổ hạnh thân xác cho đến nỗi bị ngất lịm đi.  Chính lúc đó Đức Mẹ cùng ba Thiên Thần theo hầu đã hiện ra với Thánh Nhân mà nói:

– Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?

Thánh Đaminh đáp:

– Ôi lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi của chúng con.

Bấy giờ Đức Mẹ nói:

– Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng của Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ.

Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.

Cho dù chúng ta không biết chắc có thật Đức Mẹ đã ban và dạy thánh Đaminh Kinh Mân Côi hay không, song chúng ta cũng có thể tin được sự kiện này thật đã xảy ra.  Ở nơi, chính Đức Mẹ trong hai lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917 đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi, như để xác nhận là chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy lần hạt Mân Côi, một kinh mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong Thông Điệp “Trong Tháng Năm (Mense Maio)” rằng: “Rất đẹp lòng Đức Mẹ và được Đức Giáo Hoàng khuyến giục nhiều nhất”.

Lần hiện ra tại Lộ Đức, Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Thánh Bernadette bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi Kinh Kính Mừng chị đọc.  Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh.

Trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày.  Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”.  Trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: “Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục.  Xin dẫn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần hơn hết.”

Trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói về Kinh Mân Côi đối với Đức Mẹ như sau: “Lời kêu gọi thống hối bao giờ cũng được gắn liền với cầu nguyện. Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp này đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là Kinh của Mẹ Maria, một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta.”

Thực ra, theo cuốn Ciudad de Dios của đấng đáng kính Maria D’Agreda viết trong thế kỷ 17 về cuộc đời của Đức Mẹ, như được Đức Mẹ tỏ cho biết, thì Kinh Mân Côi được bắt đầu nhen nhúm từ lúc Đức Mẹ tạ thế, qua lời xướng họa của các Thiên Thần từ trời xuống.

Xướng:

– Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ.

Đáp

– Một Trinh Nữ trước khi sinh Con, đang khi sinh Con và sau khi sinh Con.

Thế là từ đó người ta bắt đầu bắt chước lời xướng họa này cho đến khi Đức Mẹ truyền dậy Kinh Mân Côi cho Thánh Đaminh.

Năm 1569, Thánh Giáo Hoàng Piô V đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi với kết cấu của kinh như hiện dụng, sau khi thêm lời nguyện “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen” vào phần cuối của kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh vào sau mỗi chục kinh.

Sưu tầm

CHUỖI NGỌC VÀNG KINH

Ave Maria

Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng, thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Bạn thân mến, đó là tứ thơ tuyệt mỹ dẫn vào bài AVE MARIA bất hủ của Hàn Mặc Tử khi thi sĩ chiêm ngắm kinh Mân Côi, một lời kinh có chỗ đứng chiếm hàng thứ nhất trong lòng tín hữu và đứng thứ hai sau kinh Lạy Cha, xét về mặt giáo lý, thần học.

Lịch sử của Lễ Mân Côi được đóng ấn bằng ngày 1-10-1571.  Khi ấy, sau đỉnh điểm của cơn sốt sợ hãi, cả Châu Âu Kitô giáo thở phào nhẹ nhõm, hết sức mừng vui vì được bình an, tai qua nạn khỏi.  Một Châu Âu của quyền lực, của ngạo mạn, của vinh hoa phú quý đã phải run rẩy và tưởng chừng như bị nuốt trửng bởi đạo quân dũng mãnh của Hồi giáo.  Thế nhưng chiến thắng lại ưu ái thuộc về đạo quân ô hợp Công Giáo, sau khi toàn thể tín hữu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Pio 5, sốt sắng đọc kinh Mân Côi xin ơn bình an.  Để ghi nhớ và tỏ lòng tri ân Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Pio 5 đã lập lễ này vào ngày 1-10-1572.

1. Sức mạnh của lời kinh đơn sơ: làm chơi ăn thật:

Chiến thắng của người Công Giáo Châu Âu năm 1571 là một sự can thiệp tỏ tường của Mẹ Maria và cho thấy sức mạnh của lời kinh Mân Côi, một lời kinh hết sức đơn sơ, chan chứa tình yêu. Trong cuộc sống, nếu có một công việc làm chơi ăn thật nào chắc chắn người ta sẽ dành giựt nhau, hầu có thể ngẩng cao đầu nghêu ngao “ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng ngày nào thất mánh ngày đó điêu tàn”!  Thế nhưng nhiều người trẻ không thích đọc kinh Mân Côi chỉ vì kinh này đơn giản quá! Làm như thế là tự chúng ta chối từ một phương tiện nhẹ nhàng và hữu hiệu để nên thánh.

Đầu thế kỷ XII khi bè rối Albigense nổi lên làm điêu đứng dân nước Pháp.  Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đaminh, dạy ngài cách đọc kinh Mân côi và truyền cho Ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc.  Nơi khác Mẹ phán dạy chân phước Alanô: “Bất cứ ai trung thành đọc kinh mân côi và suy ngắm những Mầu nhiệm sẽ được ân thưởng”.  Tại Lộ Đức Mẹ hiện ra  với tràng chuỗi và đọc kinh Mân côi với Bernadetta.  Tại Fatima cũng vậy:  “Các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi”.  Và như chúng ta đã đề cập lúc đầu, chính kinh Mân Côi đã cứu Châu Âu thoát hiểm họa.  Tôi cũng tin rằng, rất nhiều người trong chúng ta đây được ơn trở lại hoặc gia đình được bình an nhờ sức mạnh của kinh Mân côi.  Như thế, ta thấy kinh Mân côi rất đơn sơ mà linh nghiệm.  Đúng là làm chơi mà ăn thật vậy.

2. Phương cách thực hiện:

Kinh Mân Côi là tiếng trẻ thơ gọi “mẹ ơi”, và chỉ vì hai tiếng ngọt ngào đó mà người mẹ có thể làm bất cứ điều gì cho con cái mình.  Do vậy xin hãy đọc kinh kính mừng cách khoan thai, đừng đọc cho xong, cho nhiều.  Mẹ Têrêxa Calcuta rất siêng lần chuỗi nhưng cho biết:  tôi chẳng bao giờ đếm cả.  Tâm trí mẹ Têrêxa dành trọn cả vào việc suy niệm các mầu nhiệm thánh kinh.  Đọc mà không suy niệm sẽ trở thành lải nhải, điều mà Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ phải tránh.  Cũng không nên bắt Mẹ xài điện thoại di động hay chơi xổ số.  Xin đừng ngạc nhiên khi nghe điều này, vì đã từng có người ra tới Lavang rồi mở điện thoại di dộng để trên bàn thờ cho người quen ở nhà, Sài Gòn chẳng hạn, để xin ơn! Cũng có cặp vợ chồng lặn lội đến trung tâm hành hương với hai tờ vé số trên tay!  Hãy nhớ rằng Mẹ Maria là thôn nữ, một người mẹ quê, do vậy chỉ cần hai tiếng “mẹ ơi” là đủ rồi, mẹ hiểu rồi.

3. Mục đích của kinh Mân Côi:

Cải thiện đời sống, siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội, đó là nội dung của sứ điệp Fatima.  Ở đây tôi chỉ đưa ra vài trường hợp điển hình về tội thời nay để chúng ta ý thức hơn mà sám hối và cầu nguyện cho thế giới.  Hẳn có người còn nhớ câu chuyện tướng về hưu của Trần Huy Thiệp? Câu chuyện xoay quanh lối sống của một bác sĩ, con dâu của một vị tướng về hưu.  Gia đình cô này khá giả không phải vì nghề y nhưng là nghề nuôi chó Bergie.  Cuối cùng người ta mới khám phá ra rằng cô này hàng ngày đem cả một phích các bào thai bị phá về để làm thức ăn cho chó.  Hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có chém giết nhau, cũng có khủng bố.  Ngoài chuyện chém giết thoải mái, chuyện kinh doanh thân xác phụ nữ, các cô gái Việt Nam chen chúc nhau đứng sắp hàng dài để cho người nuớc ngoài chọn làm vợ.  Sống trong một thế giới như thế, sao chúng ta không dùng Mân Côi như một vũ khí lợi hại để đền bù tội lỗi như Mẹ Maria đã dạy?  Sứ điệp Fatima vẫn còn là lời mời gọi da diết của người Mẹ đối với con cái:  Hãy siêng năng cầu nguyện, cải thiện đời sống, hãm mình đền tội và lần chuỗi Mân Côi.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, chia sẻ với các bạn ba điều trên (sức mạnh, mục đích và cách thực hiện kinh Mân Côi) chính là để ta ý thức tội lỗi nhân loại, đồng thời mời gọi mỗi người hãy canh tân đền tội bằng kinh Mân Côi với lòng yêu mến Đức Mẹ.  Nếu ai thấy kinh Kính Mừng quá tầm thường, thì xin được nhắc lại lời tớ gái của quan Naaman người Syria trong câu chuyện ông được tiên tri Eliseo chữa phong hủi: tưởng tiên tri nói điều chi khó làm, chứ như xuống sông Giordan tắm 7 lần mà hết phong thì sao ngài không thực hiện?  Ông đã tắm và da ông trở nên mịn màng như da con trẻ. Tương tự như thế, tưởng điều chi khó lắm chứ dễ như kinh Kính mừng, tại sao chúng ta không đọc hàng ngày…?  Xin dành những câu hỏi này lại để mỗi người suy nghĩ, rồi một lúc nào đó diện đối diện, lòng kề lòng trả lời trước Mẹ.

Cuối cùng xin mượn tiếp những lời thơ của bài Ave Maria trên để kết thúc những chia sẻ này :

Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là nguồn đau chầu lạy Nữ Đồng Trinh .

Lm Nguyễn Đức Thắng, Tòa Giám Mục Long Xuyên

CẦU THAY NGUYỆN GIÚP

Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ gởi tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng : “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé”.

Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và đưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.

Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau : “Lần tới, xin Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng !”

* * * * *

Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé : Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ “chỉ tiêu” chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.

Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).  Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.

Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người chúng ta.

Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phaolô dạy : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết : “Pytago đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ của ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích cho mình.  Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.

Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.

* * * * *

Tóm lại, lời cầu nguyện có năng lực rất to lớn nhưng muốn nhận được năng lực ấy, chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, không nên trông mong kết quả lời cầu xảy đến tức khắc, bởi vì kết quả ấy sẽ đến theo cách thế và theo thời gian tùy Chúa muốn.

Chúng ta hãy kết thúc bằng một suy tư về cầu nguyện:

“Tôi cầu nguyện vì tôi là một Kitô hữu, và để làm tròn bổn phận người Kitô hữu, tôi cần Chúa giúp đỡ.
Tôi cầu nguyện vì trong đời sống tôi có sự hỗn loạn, và để làm điều hay lẽ phải, tôi cần ánh sáng Ngài soi dẫn.
Tôi cầu nguyện vì tôi cần phải đưa ra những quyết  định, mà không phải lúc nào tôi cũng sáng suốt để chọn lựa, vì thế tôi cần được Ngài hướng dẫn.
Tôi cầu nguyện vì tôi có những nỗi hoài nghi, và để lớn mạnh trong đức tin, tôi cần Ngài trợ giúp.
Tôi cầu nguyện vì đa số những gì tôi có là do Ngài ban cho, vì thế tôi phải dâng lời cảm tạ.
Tôi cầu nguyện là vì Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cùng Cha Ngài và nếu Chúa Giêsu cho rằng điều đó là quan trọng thì tôi cũng bắt chước Ngài làm theo như thế.  Amen

Trích trong  R. Veritas

THƯ CHỊ LUCIA KHUYÊN LẦN CHUỖI MÂN CÔI

Chúa Nhật 13-2-2005 Chị Lucia Dos Santos êm ái trút hơi thở cuối cùng nơi Đan Viện Kín Cát-Minh Coimbra bên nước Bồ-Đào-Nha hưởng thọ 98 tuổi.

Chị Lucia sinh ngày 22-3-1907 tại làng Fatima nước Bồ-Đào-Nha.  Chị Lucia cùng với 2 em họ Phanxicô và Giaxinta Marto được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ MARIA hiện ra lần đầu tiên tại Fatima ngày 13-5-1917 và lần cuối ngày 13-10-1917, cách đây đúng 90 năm.  Phanxicô Marto qua đời năm 1919 hưởng dương 11 tuổi và Giaxinta Marto qua đời năm 1920 hưởng dương 10 tuổi.  Hai anh em Phanxicô và Giaxinta Marto được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) tôn phong chân phước ngày 13-5-2000 trong Thánh Lễ trọng thể cử hành tại đền thánh Đức Mẹ ở Fatima.

***********************

Lúc sinh thời, Chị Lucia Dos Santos viết một bức thư gởi các Cộng Đoàn Thánh Mẫu về tầm quan trọng, quyền lực và sức hữu hiệu của việc lần hạt Mân Côi.

Anh chị em rất thân mến.  Tôi khuyến khích anh chị em đọc lại và suy gẫm sứ điệp Đức Mẹ MARIA gởi đến chúng ta trong đó Đức Mẹ nhấn mạnh quyền lực và sức hữu hiệu của Kinh Mân Côi.  Kinh Mân Côi đạt mức thành công rất lớn trên Trái Tim THIÊN CHÚA và Trái Tim Con Chí Thánh của Ngài.

Vì vậy mà trong những lần hiện ra, chính Đức Mẹ MARIA cũng dự phần vào việc lần hạt Mân Côi như nơi Hang Đá Lộ-Đức với thánh nữ Bernadette Soubirous (1844-1879) vào năm 1858, và tại Fatima khi hiện ra với tôi và Phanxicô cùng Giaxinta vào năm 1917.

Và chính trong lúc lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ MARIA xuất hiện nơi đám mây rồi đứng trên cây sồi xanh và nói chuyện với chúng tôi từ trong ánh sáng của Đức Mẹ.  Về phần tôi, từ Đan Viện Kín Cát-Minh ở Coimbra này, tôi hiệp ý với tất cả anh chị em để chúng ta cùng nhau tạo thành một mặt trận hùng mạnh đại đồng của kinh nguyện và của lời cầu xin.

Tuy nhiên xin anh chị em ghi nhớ rằng không phải chỉ riêng tôi góp lời cầu nguyện với anh chị em mà còn có toàn thể triều thần thiên quốc cùng hợp chung tiếng hát hòa điệu với các tràng kinh Mân Côi nhịp nhàng anh chị em đọc.  Thêm vào đó cũng có các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội kết hợp lời nguyện xin tha thiết của các vị với lời khẩn cầu của anh chị em.

Ngoài ra ngay mỗi khi bàn tay anh chị em mân mê tràng chuỗi Mân Côi và bắt đầu lần hạt Mân Côi thì tức khắc các Thánh Thiên Thần và Các Thánh Nam Nữ cũng hòa nhịp với anh chị em trong lời Kinh.

Chính vì các lý do trên đây mà tôi khuyến khích anh chị em hãy sốt sắng lần hạt Mân Côi. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm tình với Đức Tin và cùng lúc hãy suy gẫm ý nghĩa các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.

Tôi xin nhắc nhở anh chị em rằng đừng đợi đến khuya-lắc khuya-lơ mới lẩm nhẩm lời Kinh Kính Mừng. Đừng lần hạt Mân Côi khi anh chị em đã mệt-nhừ sau một ngày lao công vất vả! Xin anh chị em hãy lần hạt Mân Côi riêng hoặc lần hạt chung nơi cộng đoàn, lần hạt trong gia đình hay ngoài gia đình, lần hạt trong nhà thờ cũng như khi đi lại trên đường phố. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với tâm tình đơn sơ như bước theo từng bước đi của Đức Mẹ MARIA và của Đức Chúa GIÊSU Con Dấu Ái của Đức Mẹ.

Anh chị em hãy lần hạt với trọn Đức Tin để cầu cho các trẻ em sắp sinh ra, cho người đau khổ, cho người đang làm việc cũng như xin cho người hấp hối được ơn chết lành.

Mỗi khi lần hạt Mân Côi anh chị em hãy hiệp ý với mọi người công chính trên toàn cõi địa cầu cũng như với tất cả các Cộng Đoàn Thánh Mẫu, nhưng nhất là anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm lòng đơn sơ con trẻ, bởi vì, tiếng nói trẻ thơ thường hòa nhịp êm ái với tiếng hát du dương của các Thánh Thiên Thần.

Đã có không biết bao nhiêu lần, chỉ một tràng hạt Mân Côi thôi, đủ để làm nguôi cơn thịnh nộ của THIÊN CHÚA Chí Công khiến THIÊN CHÚA tuôn đổ Tình Yêu từ bi thương xót của Ngài trên thế giới và cứu được nhiều linh hồn khỏi hư mất và bị trầm luân đời đời trong Lửa Hỏa Ngục.  Chính với tràng chuỗi Mân Côi, với việc sốt sắng lần hạt Mân Côi mà chúng ta sớm được trông thấy ngày Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ MARIA chiến thắng trên thế giới.

Tôi xin ưu ái ôm hôn tất cả anh chị em.
Ký tên: Nữ Tu Lucia Dos Santos.

***********************

… ”Có điềm lớn xuất hiện trên Trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao .. Lại có điềm khác xuất hiện trên Trời: đó là một con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất .. Bấy giờ có giao chiến trên Trời: Thiên Thần Micae và các Thiên Thần của Người giao chiến với con Mãng Xà.  Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên Trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị tống xuống đất và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó… Khi con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai… Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng con Mãng Xà phun ra. Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của THIÊN CHÚA và giữ lời chứng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (Sách Khải Huyền 12,1-17).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
http://www.radiovaticana.org/vie/index.asp

CÁI MƠN

Hôm nay lưng quần của tôi vừa lại với cái bụng nhờ các chị Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn tẩm bổ.  Tôi đến Cái Mơn, Bến Tre, giảng khóa tĩnh tâm Linh Thao với cơn cảm lạnh, ho sặc sụa và ho ra cả đờm xanh, còn cái lưng quần rộng khoảng bốn phân (2 inches), phải xiết chặt dây nịt cho khỏi tuột.  Chị y tá của Hội Dòng khám xong bảo tôi bị suy dinh dưỡng vì cơ thể ăn uống thiếu chất.  Chị cho thuốc và chích calcium cho tôi cùng với chị nhà bếp tẩm bổ liên miên nên sau bốn ngày tôi khỏe hẳn ra.  Cám ơn Chúa đã đưa tôi đến vùng Bến Tre đầy tràn tình thương và ưu ái này để được “đổ xăng” sau những ngày lam lũ ở Lào.

Chúa dẫn tôi đến đây để hướng dẫn Linh Thao cho các em tập sinh năm thứ nhất và các ứng sinh của Hội Dòng.  Con số lên đến 93 em làm tôi hơi ngộp, chưa kể mười mấy chị đã khấn rồi cũng tham gia “ké” vào ở những hàng ghế cuối.  Cũng may Dì Bảy Phụng, Bề Trên Hội Dòng, đề nghị tôi dành thời giờ ưu tiên gặp riêng 24 em tập sinh năm thứ nhất, còn những em khác khi nào có chỗ trống thì gặp.  Mỗi ngày tôi dâng Lễ, cho ba đề tài và gặp riêng 9 em, nên cũng còn được ít thời gian nghỉ ngơi.  Thông thường ngày đầu của các khóa rất ít người đến gặp, khóa này ngày nào cũng đầy, ngày đầu tiên cũng vậy, chẳng có chỗ nào trống, đã vậy đôi khi có vài em xin “ké” vào dăm mười phút.  Sáng cuối cùng ra khóa không có chương trình gặp ai mà vẫn có thêm năm em xin gặp riêng.  Cám ơn Chúa đã dùng tôi như một khí cụ của Chúa để giúp nhiều tâm hồn quay trở về với Chúa.

Tôi được diễm phúc chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm trong các khóa Linh Thao.  Tôi thấy những xác chết được Chúa ban ân sủng cho sống lại.  Tôi thấy những người bệnh tật, mù, què, câm điếc được Chúa thương chữa lành.  “Em mang vết thương lòng này bao lâu rồi?”  Tôi hỏi, và em trả lời: “Dạ đã nhiều năm rồi, em bị vết tổn thương này quá đau đớn và oan ức nên hận lắm, mà không biết và cũng không dám nói với ai vì xấu hổ, và mặc cảm tội lỗi.”  Vết thương này làm tâm hồn em chết lịm, chai lì, và chìm ngập trong bóng tối của Sự Dữ.  Em tự an ủi mình vết thương này lâu ngày sẽ quên đi và sẽ lành, nhưng thực tế là mỗi lần nhớ đến là mỗi lần đau nhói lên, mỗi lần nhắc lại là ràn rụa nước mắt đau đớn.  Vết thương chẳng bao giờ lành.  Em không có khả năng tự cứu rỗi lấy em.  Bóng tối của Sự Dữ như vết dầu loang, và ngày càng tràn ngập tâm hồn em với một bóng đêm ghê rợn như đi vào một hang tối đen không có lối thoát.  Em tuyệt vọng.  Và trời đã tối.  Em nghĩ chỉ còn một cách là chôn vùi vết thương này tận sâu kín trong cõi lòng.  Em đi dần vào ngõ cụt, lạc lối đi và mất cả lối về.  Em bắt đầu mất bình an và trở nên khô khan, hay gắt gỏng, khó chịu, khó tha thứ, khó cảm thông, nhìn đời chỉ thấy u ám, nhìn người với ánh mắt ngờ vực và thành kiến.  Trong ánh mắt em chỉ còn thấy một màu sám ảm đạm của màn đêm.

Em mở lòng kể cho tôi nghe trong nước mắt và đau đớn vì những vết thương nặng nề trong tâm hồn, một tâm hồn đã chìm ngập và bị giam cầm trong vũng lầy tối tăm đã bao nhiêu năm mà không có lối thoát.  Em khóc cho thân phận hẩm hiu của em.  Chúa đến.  Và Chúa đã khóc với em.  Khi em can đảm mở lòng, em đã cho phép lăn tảng đá chai lì che lấp hầm mộ vết thương này đi.  Nhìn phiến đá chai lì bên ngoài, em tưởng đã lành, em tưởng “nó” đã chết và đã hết, nhưng khi phiến đá được mở ra, vết thương còn đầy máu mủ, hôi tanh vì đã lâu ngày rồi.  Phiến đá lòng hé mở và ánh sáng ân sủng tràn vào ngập cả tâm hồn.  Ánh sáng tình yêu bao trùm tâm hồn em, xóa tan mọi bóng đêm của Sự Dữ.  Em vẫn khóc, nhưng từ những giọt nước mắt đau đớn xót xa trở thành những giọt nước mắt ân sủng, những giọt nước mắt của niềm vui sống lại, nước mắt của hy vọng, và tâm hồn em tràn ngập sự sống của Thiên Chúa.  Em gào lên trong sung sướng vì quá hạnh phúc tung tăng trước nhan Chúa.  Em như một xác chết biết đi nay đã sống lại.  Em đã chết mà nay đã sống lại.  Cả triều thần thiên quốc cùng vui mừng hoan hỷ mở tiệc ăn mừng vì một người con của Thiên Chúa đã chết, đã bị giam cầm trong ngục tù tối tăm của Sự Dữ đã bao nhiêu năm, nay được ân sủng của Chúa đưa về vùng trời ánh sáng của tình thương và hy vọng.

Ngắm nhìn em đi từ bóng tối tuyệt vọng đến ánh sáng hy vọng, từ đau khổ tuyệt vọng đến niềm vui tràn đầy hạnh phúc, từ một tâm hồn đã chết mà nay sống lại và tràn ngập sự sống, làm tôi được vui lây.  Tôi được ăn “ké” niềm vui của em và niềm vui sướng của cả triều thần thiên quốc.  Tôi như anh tài xế taxi chở em đi gặp vị bác sĩ đại tài tên là Giêsu.  Em cứ đòi tôi chữa bệnh và cho em lời khuyên phương thuốc cứu chữa, tôi nói tôi không có khả năng đó vì tôi chỉ là người tài xế taxi nhưng em không tin và em thất vọng lắm, tôi chỉ có thể giúp đưa em gặp bác sĩ mà thôi.  Đến khi em gặp Chúa Giêsu Đấng chữa lành thì em mới hiểu lời tôi nói.  Em đã gặp Ngài.  Em tung tăng vui sướng trong hạnh phúc ân sủng.  Em muốn gào thét lên cho tất cả thế giới biết Thiên Chúa Tình Yêu mà em được cảm nhận chữa lành.  Nhìn Chúa, em chỉ biết cảm tạ muôn hồng ân.

Tôi cũng ngỡ ngàng như em trước những kỳ công, ân sủng và phép lạ Chúa làm.  Tôi cũng đã cùng em cảm tạ, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót.  Tôi ngỡ ngàng vì Chúa đã thương chọn tôi làm môn đệ cho Ngài.  Tôi kinh ngạc khi được Chúa mời hợp tác trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.  Nhìn lại bản thân mình, tôi thấy mình vẫn là một kẻ tội lỗi, yếu đuối, bất tài và vẫn cứ cà lăm như xưa, mà Chúa lại sử dụng một cách lạ lùng.  Ngày nào tôi cũng yếu đuối.  Và rồi ngày nào tôi cũng thân thưa cùng Chúa: “Bố ơi, con lại té nữa rồi, con lại làm Bố buồn nữa rồi, ngày mai con hứa sẽ làm cho Bố vui nghe.”  Và Chúa nhìn tôi mỉm cười, ôm tôi vào lòng và hôn tôi.  Ngày mai Chúa biết tôi vẫn cứ té và Chúa vẫn tiếp tục tha thứ.  Chúa hiền quá và tôi vẫn cứ “ăn hiếp” Chúa hoài.  Quỷ không nghỉ ngơi đâu, ngày nào chúng nó cũng dụ dỗ, dọa dẫm tôi.  “Mày yếu đuối quá, tội lỗi quá, mày bất xứng mà không biết thân phận, không biết xấu hổ à!”  Nó tìm đủ mọi cách làm cho mặc cảm tội lỗi của tôi lớn dần lên để rồi lánh xa Chúa.  Tôi xấu hổ vì những yếu đuối của tôi nhưng tôi không mặc cảm.  Tôi đón nhận tôi là một con người, là một kẻ yếu đuối tội lỗi, và vẫn yếu đuối mỗi ngày, nhưng tình thương của Chúa to lớn hơn tất cả những tội lỗi yếu đuối của tôi.  Càng yếu đuối bao nhiêu thì tôi lại chạy đến Chúa bấy nhiêu.  Càng thấy tôi yếu đuối tội lỗi thì tôi lại thấy tình yêu cao cả của Chúa bấy nhiêu – một tình yêu vô điều kiện.

Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa của lòng con.  Con cảm tạ tình Chúa yêu con và tin tưởng chọn con, trao cho con sứ mạng được làm ngôn sứ, tư tế và vương đế, dù rằng con vẫn tội lỗi và bất xứng.  Con đang mang trên người một chức Thánh nhưng con người con thì không, con được đặc ân mang một dấu ấn của Chúa, nhưng con vẫn bất toàn, tội lỗi và yếu đuối.  Con cảm tạ Chúa vì đã thương dùng con và tin tưởng trao ban sứ mạng cao cả này.  Xin Chúa tiếp tục đồng hành với con và dạy dỗ con, để con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.  Cám ơn Chúa đã hạ mình mang thân phận con người chia sẻ cuộc sống với con để con hiểu và cảm thông với Chúa, để con yêu Chúa hơn, và để con can đảm quyết chí bước theo Ngài.  Lạy Chúa, con sung sướng và ngỡ ngàng thấy cách Chúa sử dụng con.  Xin Chúa thương tiếp tục sử dụng con dù rằng con bất xứng.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 6, 2007

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

Cám ơn Người luôn nhớ đến con
Cho con biến đổi từ thân xác
Cho con niềm trung trinh tín thác
Dù biết tình con đã nhạt nhòa.
Cám ơn Người vẫn chưa quên
Một gã phong cùi mất tuổi tên
Mất luôn tất cả tình xưa cũ
Đời con phiêu bạt sống bên đường.

* * * * *

Bạn thân mến! Hơn hai ngàn năm trước đây, tôi đã sinh ra và lớn lên trong vùng Samari bên miền đất Do Thái ngày nay. Từ ngày khôn lớn, vì cuộc sống lam lũ nghèo đói, tôi đã phải bôn ba vất vả hàng ngày để kiếm sống, và cũng từ ngày đó, tôi đã mang trong người căn bệnh hiểm nghèo: bệnh phong cùi.  Ngày tháng trôi qua, căn bệnh không có thuốc chữa này đã lấy đi những ngón tay ngón chân của tôi, nó cũng làm cho khuôn mặt của tôi biến đổi thành dị hợm khó coi.

Vào thời đó, luật lệ và quan niệm của con người cho rằng người mắc bệnh phong là người tội lỗi, là hiện thân của hình phạt mà Thiên Chúa đã giáng xuống. Người mắc bệnh phong cũng bị thân nhân và người đời ruồng bỏ, bị gạt ra khỏi cộng đoàn xã hội.  Hàng rào ngăn cách bởi luật lệ ngăn cấm tôi không được tiếp xúc với những người không mắc bệnh.  Chính vì điều này mà những người mắc bệnh phong như tôi đã phải liên kết với nhau để nâng đỡ nhau, sống quây quần bên nhau làm thành một xã hội của những người phong cùi.

Một ngày kia, tôi nhìn thấy Giêsu trên đường đi. Tôi đã nghe người ta nói nhiều về Giêsu, về quyền năng mà Giêsu đã chữa lành cho các bệnh nhân, về tình yêu thương an ủi nâng đỡ mà Giêsu đã trao ban cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo khó và cùng khốn như tôi. Khi nhìn thấy Giêsu trên đường đi, nỗi vui mừng đã tràn ngập lòng tôi, với niềm tin tưởng dâng cao, tôi tự nhủ:

– Phen này chắn hẳn tôi sẽ được cứu, sẽ được chữa lành !!!

Nhưng luật lệ đã ngăn cấm không cho phép tôi đến gần Giêsu.  Biết làm sao đây?  Tôi cùng với những người bạn cùi, chúng tôi phải đứng xa xa và mạnh dạn cất tiếng kêu xin lòng thương xót của Giêsu:

– Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi (Lc.17:13)

Giêsu đã vượt qua luật lệ, Ngài đã phá tan bức tường ngăn cách kỳ thị, Giêsu đã đến đứng bên cạnh tôi.  Trước mặt tôi là một Giêsu với gương mặt phúc hậu, với đôi mắt rưng rưng ngấn lệ …Giêsu giơ tay đụng đến thân xác tàn tạ bệnh hoạn của mỗi người chúng tôi.  Cuối cùng Ngài lên tiếng nói :

– “Hãy đi trình diện với các Tư Tế” (Lc.17:14)

Tôi giơ bàn tay lên cao để nhìn.  Bàn tay vẫn như cũ, ngón tay vẫn còn bị mất, vết thương lở lói với máu mủ vẫn còn nguyên vẹn.  Căn bệnh vẫn còn đó trên thân xác này, thế mà Giêsu lại bảo tôi đi trình diện với các tư tế để được khám xét, để được chứng thực là đã sạch bệnh.  Lạ quá nhỉ?  Tôi hoang mang phân vân không biết phải làm gì. Chẳng lẽ tôi không được Giêsu chữa lành hay sao?  Ngài không nghe tiếng tôi van xin; không dủ lòng thương xót cho con người cùng khốn của tôi hay sao?  Nhưng với niềm tin tưởng phó thác nhỏ bé trong tôi, tôi bước đi và làm theo lời Ngài chỉ dạy.  Nhưng lạ thay, trên đường đi đến trình diện các tư tế, tất cả mười người chúng tôi đều được khỏi bệnh.  Niềm vui mừng hân hoan trào dâng trong lòng tôi. Giêsu đã nghe tiếng tôi nài xin.  Ngài đã dủ lòng thương tôi, đã chữa lành cho tôi. Giờ đây tôi mới hiểu ra là Ngài muốn có sự cộng tác của tôi để việc cứu chữa mà Ngài thực hiện nơi tôi trở nên trọn vẹn hơn, hoàn hảo hơn và nhiều ý nghĩa hơn… Giêsu ơi! Tình thương của Ngài sao quá bao la!!!

Trước khi gặp Giêsu, tôi là một gã phong cùi bị xã hội và con người coi là phường tội lỗi, bị thân nhân và người đời xa lánh ruồng bỏ, phải sống lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ. Sau khi gặp Giêsu, tôi được chữa lành và được biến đổi thành một con người mới, được hòa nhập vào cộng đoàn xã hội, không còn bị khinh chê, bị thân nhân và người đời ruồng bỏ nữa. Giêsu đã cải hóa con người tôi, Ngài đã làm tất cả những điều này vì yêu thương tôi.  Lòng biết ơn đã thôi thúc tôi quay về với Đấng đã cứu chữa tôi.  Tôi phải trở về gặp Ngài, xấp mình dưới chân Ngài để nói lời tạ ơn, để thấy mình được bao bọc bởi tình yêu thương, và cũng để làm mọi sự để đáp lại tình yêu đó.

Gặp lại Giêsu, Ngài trao cho tôi ánh mắt yêu thương trìu mến.  Ngài ân cần nhỏ nhẹ lên tiếng nói với tôi:

-“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc.17:17-18)

Chín người kia đâu?  Họ đi đâu rồi?  Họ là những người Do Thái mà!  Họ là người “trong đạo” và là người dân được Thiên Chúa tuyển chọn.  Ấy vậy mà họ không nhìn ra quyền năng Thiên Chúa đã làm trên cuộc sống và thân xác của họ hay sao?

Chín người kia đâu?  Họ đã cùng tôi đi chung một đoạn đường dài trong những năm tháng đắng cay cuộc đời, họ đã cùng tôi chia sẻ tấm áo miếng cơm trong cuộc sống đầu đường xó chợ, và mới vài giờ trước đây, họ đã đi chung một con đường với tôi để đến trình diện các tư tế.   Nay được khỏi bệnh, có lẽ họ không còn tiếp tục sống chung với tôi, chia sẻ vui buồn sướng khổ với tôi như trước nữa.  Họ tách riêng ra và không thể cùng tôi đi chung một con đường.  Họ đã bị ngăn cản bởi hàng rào ngăn cách của kỳ thị “trong đạo-ngoại đạo” gây ra. Họ được giải thoát khỏi bệnh tật nhưng họ lại bị nô lệ vào luật lệ và quan niệm khắt khe của người đời.

Chín người kia đâu?  Tôi không biết giờ này họ ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là họ đã được khỏi bệnh như tôi, và họ đã quên người đã làm cho họ khỏi bệnh.  Chắc hẳn họ đã có lòng tin nên được khỏi bệnh, nhưng họ lại thiếu lòng biết ơn cần thiết của một con người.  Họ đã khỏi bệnh phần xác nhưng căn bệnh hiểm nghèo trong tâm hồn của họ vẫn còn cần được cứu chữa.

Trong sự kính trọng và vâng phục, tôi xấp mình dưới chân Giêsu để nói lên tâm tình tạ ơn.  Ngay lúc đó, Giêsu đã cúi xuống và nâng tôi lên. Ngài nói nhỏ vào tai tôi:

– “Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. (Lc.17:19)

Tôi đứng dậy bước đi nhưng lòng còn mang nặng ơn nghĩa với Giêsu. Chân tôi bước đi nhưng lòng trí và ánh mắt của tôi cứ hướng về Giêsu. Tiếng Ngài cứ vang vọng trong tâm trí của tôi “ về đi…về đi ”. Ngài muốn tôi về với cuộc sống bình thường ngày xưa, về với gia đình làng xóm, về với cộng đoàn xã hội… “ về đi ” để làm chứng cho Ngài, để nói về Ngài cho những người xung quanh tôi, để rao truyền Tin Mừng và ân sủng mà Ngài đã trao ban cho tôi hôm nay. Tôi vừa bước đi vừa nói với Ngài trong thinh lặng: ”Vâng lời Ngài, con đi về…Nhưng Giêsu ơi! xin ở cùng con luôn mãi…” 

* * * * *

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức để nhận ra những hồng ân mà Chúa đã ban cho con từng giây từng phút, để con cũng biết dâng lời cảm tạ từng phút từng giây.  Xin cho con biết cảm nhận tình thương, sự hy sinh và cử chỉ yêu thương của những người chung quanh, để con biết đáp trả bằng chính tình yêu chân thành và sự hy sinh của con.  Xin cho con luôn sống tâm tình biết ơn; biết ơn Chúa và biết ơn người, để cuộc đời con luôn là một bài trường ca tri ân cảm mến.  Amen.

Linh Xuân Thôn

BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

Tôi từ Lào về lại Việt Nam với cơn bệnh cảm ho.  Chị y tá Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Bến Tre, khám cho tôi và bảo tôi bị suy dinh dưỡng vì cơ thể ăn uống thiếu chất.  Tôi không ngạc nhiên gì cả.  Một tháng rưỡi vừa qua tôi sống với các em nghèo ở bên Lào.  Buổi sáng chúng tôi ăn xôi chấm với mắm Pa Đẹt, buổi trưa ăn mắm với xôi, và buổi tối thì… lại xôi với mắm.  Xôi và mắm Pa Đẹt là hai món ăn truyền thống của người Lào.  Mắm Pa Đẹt hơi giống như mắm nêm của Việt Nam nhưng không nặng mùi bằng mắm nêm.  Người giàu ăn xôi, mắm Pa Đẹt, cùng với thịt cá và rau, còn người nghèo thì ăn xôi, mắm và rau.  Nhà của mấy em này có một mảnh vườn nho nhỏ, mỗi ngày họ cứ ra ngoài sân, ngoài vườn cắt rau vào để ăn, lúc thì ăn sống, lúc thì ăn chín.  Nhưng rau không đủ vì vườn nhỏ xíu mà đến hai mươi miệng ăn, nên họ hái luôn tất cả các loại đọt cây trong vườn để ăn cho no bụng.  Đọt cây gì ở ngoài vườn cũng ăn, như đọt cây xoài, ổi, me, v.v…  Có nhiều đọt cây mà tôi chẳng biết là cây gì, nhưng họ ăn thì tôi cũng ăn.  Có bữa họ đem lên bàn ăn một bắp chuối sẻ dọc làm tư để ăn sống.  Những rau cỏ này ăn không thì rất chát nhưng chấm với mắm thì vừa miệng.  Mỗi ngày họ mua khoảng một ký cá nhỏ rồi dằm nát ra, trộn lẫn với mắm Pa Đẹt, dằm thêm vài củ hành tây hoặc khóm vào để cho được nhiều, đổ nước nhiều vào để đủ cho nhiều miệng ăn rồi bắc lên lò khuấy cho đều là đã chuẩn bị xong cho bữa ăn.  Mỗi bữa có thêm một tô canh rau đi kèm với xôi, mắm và rau.  Sáng, trưa hay chiều thì cũng chỉ ăn có chừng đó món nên sau một tháng rưỡi tôi bị suy dinh dưỡng là chuyện không ngạc nhiên.

Thức ăn của họ đơn sơ thế nào thì đời sống của họ cũng đơn sơ như vậy.  Tuy thức ăn dọn lên bàn đơn giản thiếu thốn nhưng họ ăn uống trò chuyện vui vẻ.  Ngưòi dân Lào rất đơn sơ và hiền hòa, đến độ trước 1975 người dân đi chợ ngay ở thủ đô Viên Chăn quên không tắt máy xe honda mà cũng chẳng bao giờ bị mất.  Người dân đi mua đồ không hề trả giá vì tin người bán hàng không bao giờ nói thách, nên nói giá nào là mua giá đó.  Nghe như chuyện thần thoại vậy.  Tôi nhờ các em dẫn tôi đi chợ, và quả thật người bán nói giá nào là họ cứ mua như vậy.  Tôi nói với các em là phải trả giá thì các em chỉ cười lắc đầu.

Bây giờ thì nhiều người Việt qua định cư ở Lào đã nhiều đời và trong mười lăm năm nay người Việt qua làm ăn cũng đầy dẫy.  Người Việt lanh lợi và nhanh nhẹn hơn người Lào nhiều.  Một  anh cu li ở Việt, khi qua Lào thì lên làm thợ phụ và làm còn hay hơn, nhanh hơn mà tiền công lại rẻ hơn thợ phụ Lào.  Còn anh thợ phụ ở Việt khi qua Lào thì làm thợ chính.  Anh thợ chính ở Việt, khi qua Lào thì làm thầu khoán.  Vì làm rẻ hơn, đẹp hơn và nhanh hơn nên ai cũng muốn mướn, thế là dân Việt tràn qua ào ạt để làm việc.  Tôi thường đến nhà thờ sớm một tiếng để gần gũi và nghe chuyện của các nhóm thợ thầy Công Giáo đến đi Lễ Chúa Nhật.  Hỏi ra thì hầu hết các anh là nông dân làm ruộng.  Mấy anh này mà đến thành phố Sàigòn làm việc thì chắc chắn chỉ được mướn làm cu li mà thôi, nhưng qua Lào thì nghiễm nhiên lên chức thợ phụ hay thợ chính ngon lành.  Nhiều nông dân Việt, sau khi dọn đất và cấy lúa xong thì phải chờ cho lúa mọc, nên rất rảnh rỗi đến mấy tháng liền, hoặc là những tháng khô không trồng trọt canh tác gì được, thì lại rủ nhau từng nhóm kéo qua Lào.  Tôi đã đi xe buýt qua Lào ba lần, lần nào xe cũng đầy các công nhân, nông dân Việt qua Lào làm việc.

Người Việt tháo vát lanh lợi hơn người Lào, mà mánh mung thì cũng quá tải nên dần dần có khuynh hướng lấn át người Lào.  Người Việt qua Lào cũng có người tốt kẻ xấu.  Đáng tiếc là một số nhỏ “con sâu làm rầu nồi canh” hay tụ tập nhậu nhẹt, cờ bạc, đánh lộn, trộm cướp, nên dần dần người Lào có vẻ sợ người Việt.  Bây giờ ai đi đâu cũng phải khóa xe cẩn thận, mua đồ thì phải cố trả giá như người Việt vậy.  Người Việt tràn qua Lào làm ăn sinh sống nhiều cũng giúp đóng góp cho kinh tế Lào phát triển khá hơn, nhưng đồng thời cũng là mối bận tâm cho người Lào trong những năm gần đây vì công nhân Việt tràn qua nhiều quá nên công nhân Lào khó tìm được việc vì đời sống văn hóa xã hội Lào là vui vẻ và từ tốn làm việc.  Ngay cả chạy xe ngoài đường cũng vậy, đường rộng và vắng mà tôi thấy người Lào cứ tàn tàn chạy chứ không rồ ga phóng cho nhanh như người Việt.

Tôi đã thăm nước Lào hai lần trong những mùa hè năm trước nhưng thật sự tôi chưa biết gì về người Lào.  Tôi chỉ có một khái niệm chung chung nước Lào là một nước chậm tiến và nghèo hơn Việt Nam.  Vì thế năm nay tôi qua Lào với một não trạng giúp cho người nghèo.  Hơn một tháng trời sống ở Lào, não trạng này được Chúa biến đổi.  Tôi đến Lào với ánh mắt coi thấp người Lào.  Họ nghèo hơn tôi, chậm chạp hơn, học vấn kém hơn và kiến thức cũng thua tôi, nên tôi có khuynh hướng hơn họ và có thái độ “đến để ban phát”.  Và đây là bài học đầu tiên Chúa dạy tôi tại Lào:  Tôi đến không phải để ban phát mà để nhận lãnh.  Người Lào đã dạy tôi cách sống.

Tôi đã sống ở Mỹ 26 năm và có khuynh hướng làm cái gì cũng phải cho thật nhanh như Mỹ với não trạng thời giờ là vàng bạc nên đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, lái xe cũng nhanh, v.v…  Dần dà tôi quen với lối sống của dân Mỹ là cái gì cũng phải nhanh để đỡ mất thì giờ.  Lâu dần tôi đánh mất đi văn hóa Việt Nam trong dòng máu mình mà sự từ tốn ôn hòa được trân trọng.  Nhiều lần tôi về Việt Nam chơi, hẹn với những người bạn ở Việt Nam đi chơi nhưng họ toàn xài “giờ dây thung” gây cho tôi sự khó chịu bực mình.  Năm nay, tôi ngỡ ngàng khi Chúa tỏ lộ cho tôi điều này trên đất Lào.  Người Lào còn chậm hơn cả người Việt, ngồi chờ nhau một tiếng hai tiếng cũng chẳng có gì bực dọc cả.  Tôi đã sống với họ hơn một tháng và bắt đầu biết tập chờ đợi như họ, tập bỏ chương trình riêng của mình để đón nhận những gì đưa đến, tập để cho người khác dẫn tôi đến những chỗ tôi không thích hay không dự tính trước.

Ở trước nhà của các em có một cái sân chơi đá banh khoảng bằng sân bóng chuyền.  Với phạm vi này khoảng tám người chơi đá banh thì vừa, nhưng thường có tới 10, 12, hoặc 14 người chơi, và cái sân chỉ ngập toàn người với người, nên không có chỗ để chạy, trái banh cũng khó thấy vì bị đám đông che mất.  Mới đầu tôi bực bội lắm vì không có chỗ để chạy hoặc lừa banh còn mọi người vẫn chơi vui vẻ.  Dần dần tôi khám phá một chân trời mới, đó là không phải chỉ chơi với trái banh mà chơi với con người.  Hơn thế nữa, tôi bắt đầu học bài học mới và một lối nhìn mới là nhìn ngắm những tâm hồn của những người chơi banh.  Bắt đầu từ đó, tôi ra chơi banh chung với những tâm hồn, bất kể ít hay nhiều người cũng không phải là mối quan tâm.  Tôi bắt đầu thấy những tâm hồn rộn ràng, tiếng vui chơi nhảy múa, tôi có cảm tưởng như các Thiên Thần đang cười đùa nhảy múa vậy.

Tôi cảm nhận hình ảnh Thiên Chúa đã nhập thể làm người sống với những người cùng khổ thiếu thốn qua kinh nghiệm sống với mấy em này.  Tự bản chất là Thiên Chúa mà Ngài đã hạ mình xuống trần gian mặc lấy thân xác con người để sống chung, ăn chung, chơi chung, học chung với con người ba mươi năm để được con người dạy cho cách sống trước khi giới thiệu khuôn mặt Đức Chúa Cha.  Không phải chuyện ngẫu nhiên tôi đến Lào, tôi xác tín rằng Chúa đưa tôi đến đây để dùng những người này dạy dỗ tôi.  Tôi tưởng tôi đến để cho và ban phát, nay tôi hiểu rằng tôi được Chúa gởi đến để được lãnh nhận ân sủng, tình thương và học hỏi cách sống.  Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã mở mắt lòng con để học bài học đầu tiên.  Xin cho con biết hạ mình để tiếp tục học những bài học kế tiếp.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 2, 2007

Vài hàng về tác giả:  Linh mục Ngô Văn Chữ dòng Tên ở Mỹ 26 năm, mới được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2007.  Ngài tình nguyện xin về làm việc với người nghèo ở Lào và Việt Nam trong hoàn cảnh thiếu thốn của họ để được phục vụ họ.