BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

Tôi từ Lào về lại Việt Nam với cơn bệnh cảm ho.  Chị y tá Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Bến Tre, khám cho tôi và bảo tôi bị suy dinh dưỡng vì cơ thể ăn uống thiếu chất.  Tôi không ngạc nhiên gì cả.  Một tháng rưỡi vừa qua tôi sống với các em nghèo ở bên Lào.  Buổi sáng chúng tôi ăn xôi chấm với mắm Pa Đẹt, buổi trưa ăn mắm với xôi, và buổi tối thì… lại xôi với mắm.  Xôi và mắm Pa Đẹt là hai món ăn truyền thống của người Lào.  Mắm Pa Đẹt hơi giống như mắm nêm của Việt Nam nhưng không nặng mùi bằng mắm nêm.  Người giàu ăn xôi, mắm Pa Đẹt, cùng với thịt cá và rau, còn người nghèo thì ăn xôi, mắm và rau.  Nhà của mấy em này có một mảnh vườn nho nhỏ, mỗi ngày họ cứ ra ngoài sân, ngoài vườn cắt rau vào để ăn, lúc thì ăn sống, lúc thì ăn chín.  Nhưng rau không đủ vì vườn nhỏ xíu mà đến hai mươi miệng ăn, nên họ hái luôn tất cả các loại đọt cây trong vườn để ăn cho no bụng.  Đọt cây gì ở ngoài vườn cũng ăn, như đọt cây xoài, ổi, me, v.v…  Có nhiều đọt cây mà tôi chẳng biết là cây gì, nhưng họ ăn thì tôi cũng ăn.  Có bữa họ đem lên bàn ăn một bắp chuối sẻ dọc làm tư để ăn sống.  Những rau cỏ này ăn không thì rất chát nhưng chấm với mắm thì vừa miệng.  Mỗi ngày họ mua khoảng một ký cá nhỏ rồi dằm nát ra, trộn lẫn với mắm Pa Đẹt, dằm thêm vài củ hành tây hoặc khóm vào để cho được nhiều, đổ nước nhiều vào để đủ cho nhiều miệng ăn rồi bắc lên lò khuấy cho đều là đã chuẩn bị xong cho bữa ăn.  Mỗi bữa có thêm một tô canh rau đi kèm với xôi, mắm và rau.  Sáng, trưa hay chiều thì cũng chỉ ăn có chừng đó món nên sau một tháng rưỡi tôi bị suy dinh dưỡng là chuyện không ngạc nhiên.

Thức ăn của họ đơn sơ thế nào thì đời sống của họ cũng đơn sơ như vậy.  Tuy thức ăn dọn lên bàn đơn giản thiếu thốn nhưng họ ăn uống trò chuyện vui vẻ.  Ngưòi dân Lào rất đơn sơ và hiền hòa, đến độ trước 1975 người dân đi chợ ngay ở thủ đô Viên Chăn quên không tắt máy xe honda mà cũng chẳng bao giờ bị mất.  Người dân đi mua đồ không hề trả giá vì tin người bán hàng không bao giờ nói thách, nên nói giá nào là mua giá đó.  Nghe như chuyện thần thoại vậy.  Tôi nhờ các em dẫn tôi đi chợ, và quả thật người bán nói giá nào là họ cứ mua như vậy.  Tôi nói với các em là phải trả giá thì các em chỉ cười lắc đầu.

Bây giờ thì nhiều người Việt qua định cư ở Lào đã nhiều đời và trong mười lăm năm nay người Việt qua làm ăn cũng đầy dẫy.  Người Việt lanh lợi và nhanh nhẹn hơn người Lào nhiều.  Một  anh cu li ở Việt, khi qua Lào thì lên làm thợ phụ và làm còn hay hơn, nhanh hơn mà tiền công lại rẻ hơn thợ phụ Lào.  Còn anh thợ phụ ở Việt khi qua Lào thì làm thợ chính.  Anh thợ chính ở Việt, khi qua Lào thì làm thầu khoán.  Vì làm rẻ hơn, đẹp hơn và nhanh hơn nên ai cũng muốn mướn, thế là dân Việt tràn qua ào ạt để làm việc.  Tôi thường đến nhà thờ sớm một tiếng để gần gũi và nghe chuyện của các nhóm thợ thầy Công Giáo đến đi Lễ Chúa Nhật.  Hỏi ra thì hầu hết các anh là nông dân làm ruộng.  Mấy anh này mà đến thành phố Sàigòn làm việc thì chắc chắn chỉ được mướn làm cu li mà thôi, nhưng qua Lào thì nghiễm nhiên lên chức thợ phụ hay thợ chính ngon lành.  Nhiều nông dân Việt, sau khi dọn đất và cấy lúa xong thì phải chờ cho lúa mọc, nên rất rảnh rỗi đến mấy tháng liền, hoặc là những tháng khô không trồng trọt canh tác gì được, thì lại rủ nhau từng nhóm kéo qua Lào.  Tôi đã đi xe buýt qua Lào ba lần, lần nào xe cũng đầy các công nhân, nông dân Việt qua Lào làm việc.

Người Việt tháo vát lanh lợi hơn người Lào, mà mánh mung thì cũng quá tải nên dần dần có khuynh hướng lấn át người Lào.  Người Việt qua Lào cũng có người tốt kẻ xấu.  Đáng tiếc là một số nhỏ “con sâu làm rầu nồi canh” hay tụ tập nhậu nhẹt, cờ bạc, đánh lộn, trộm cướp, nên dần dần người Lào có vẻ sợ người Việt.  Bây giờ ai đi đâu cũng phải khóa xe cẩn thận, mua đồ thì phải cố trả giá như người Việt vậy.  Người Việt tràn qua Lào làm ăn sinh sống nhiều cũng giúp đóng góp cho kinh tế Lào phát triển khá hơn, nhưng đồng thời cũng là mối bận tâm cho người Lào trong những năm gần đây vì công nhân Việt tràn qua nhiều quá nên công nhân Lào khó tìm được việc vì đời sống văn hóa xã hội Lào là vui vẻ và từ tốn làm việc.  Ngay cả chạy xe ngoài đường cũng vậy, đường rộng và vắng mà tôi thấy người Lào cứ tàn tàn chạy chứ không rồ ga phóng cho nhanh như người Việt.

Tôi đã thăm nước Lào hai lần trong những mùa hè năm trước nhưng thật sự tôi chưa biết gì về người Lào.  Tôi chỉ có một khái niệm chung chung nước Lào là một nước chậm tiến và nghèo hơn Việt Nam.  Vì thế năm nay tôi qua Lào với một não trạng giúp cho người nghèo.  Hơn một tháng trời sống ở Lào, não trạng này được Chúa biến đổi.  Tôi đến Lào với ánh mắt coi thấp người Lào.  Họ nghèo hơn tôi, chậm chạp hơn, học vấn kém hơn và kiến thức cũng thua tôi, nên tôi có khuynh hướng hơn họ và có thái độ “đến để ban phát”.  Và đây là bài học đầu tiên Chúa dạy tôi tại Lào:  Tôi đến không phải để ban phát mà để nhận lãnh.  Người Lào đã dạy tôi cách sống.

Tôi đã sống ở Mỹ 26 năm và có khuynh hướng làm cái gì cũng phải cho thật nhanh như Mỹ với não trạng thời giờ là vàng bạc nên đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, lái xe cũng nhanh, v.v…  Dần dà tôi quen với lối sống của dân Mỹ là cái gì cũng phải nhanh để đỡ mất thì giờ.  Lâu dần tôi đánh mất đi văn hóa Việt Nam trong dòng máu mình mà sự từ tốn ôn hòa được trân trọng.  Nhiều lần tôi về Việt Nam chơi, hẹn với những người bạn ở Việt Nam đi chơi nhưng họ toàn xài “giờ dây thung” gây cho tôi sự khó chịu bực mình.  Năm nay, tôi ngỡ ngàng khi Chúa tỏ lộ cho tôi điều này trên đất Lào.  Người Lào còn chậm hơn cả người Việt, ngồi chờ nhau một tiếng hai tiếng cũng chẳng có gì bực dọc cả.  Tôi đã sống với họ hơn một tháng và bắt đầu biết tập chờ đợi như họ, tập bỏ chương trình riêng của mình để đón nhận những gì đưa đến, tập để cho người khác dẫn tôi đến những chỗ tôi không thích hay không dự tính trước.

Ở trước nhà của các em có một cái sân chơi đá banh khoảng bằng sân bóng chuyền.  Với phạm vi này khoảng tám người chơi đá banh thì vừa, nhưng thường có tới 10, 12, hoặc 14 người chơi, và cái sân chỉ ngập toàn người với người, nên không có chỗ để chạy, trái banh cũng khó thấy vì bị đám đông che mất.  Mới đầu tôi bực bội lắm vì không có chỗ để chạy hoặc lừa banh còn mọi người vẫn chơi vui vẻ.  Dần dần tôi khám phá một chân trời mới, đó là không phải chỉ chơi với trái banh mà chơi với con người.  Hơn thế nữa, tôi bắt đầu học bài học mới và một lối nhìn mới là nhìn ngắm những tâm hồn của những người chơi banh.  Bắt đầu từ đó, tôi ra chơi banh chung với những tâm hồn, bất kể ít hay nhiều người cũng không phải là mối quan tâm.  Tôi bắt đầu thấy những tâm hồn rộn ràng, tiếng vui chơi nhảy múa, tôi có cảm tưởng như các Thiên Thần đang cười đùa nhảy múa vậy.

Tôi cảm nhận hình ảnh Thiên Chúa đã nhập thể làm người sống với những người cùng khổ thiếu thốn qua kinh nghiệm sống với mấy em này.  Tự bản chất là Thiên Chúa mà Ngài đã hạ mình xuống trần gian mặc lấy thân xác con người để sống chung, ăn chung, chơi chung, học chung với con người ba mươi năm để được con người dạy cho cách sống trước khi giới thiệu khuôn mặt Đức Chúa Cha.  Không phải chuyện ngẫu nhiên tôi đến Lào, tôi xác tín rằng Chúa đưa tôi đến đây để dùng những người này dạy dỗ tôi.  Tôi tưởng tôi đến để cho và ban phát, nay tôi hiểu rằng tôi được Chúa gởi đến để được lãnh nhận ân sủng, tình thương và học hỏi cách sống.  Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã mở mắt lòng con để học bài học đầu tiên.  Xin cho con biết hạ mình để tiếp tục học những bài học kế tiếp.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
October 2, 2007

Vài hàng về tác giả:  Linh mục Ngô Văn Chữ dòng Tên ở Mỹ 26 năm, mới được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2007.  Ngài tình nguyện xin về làm việc với người nghèo ở Lào và Việt Nam trong hoàn cảnh thiếu thốn của họ để được phục vụ họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *