LỜI HẰNG SỐNG

Ngày tôi tốt nghiệp cấp ba cũng là ngày Đức Tin của tôi bị dao động.  Xin anh biết cho, tôi là một học sinh giỏi và tốt nghiệp với một điểm cao nhưng không được tiếp tục đi học vì gia đình tôi nghèo quá.  Suốt mấy tháng trời không tìm được một công việc gì, tôi đâm ra oán trách Thiên Chúa vì đã để cho tôi cù bơ cù bất như thế.  Tôi bị xua đuổi khắp nơi; cô đơn đến cùng cực và chán nản, tôi tìm quên bằng cách uống rượu.  Dần dần, tôi trở nên một cái gì gớm ghiếc cho gia đình. Trong nhà có cái gì vừa tầm với một bữa nhậu là tôi đem bán.  Tôi chỉ còn có mẹ, mẹ tôi chỉ biết khóc thật nhiều……

Cho đến ngày tôi bị nhốt vì liên can đến một vụ đánh nhau.  Suốt thời gian bị nhốt, tôi căm thù Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra tôi trên thế gian này để chịu những bất công.  Anh là một người thành công, chắc anh không bao giờ hiểu được nỗi cô đơn của một người thất bại.  Sau khi được khoan hồng với giấy cam kết không rượu chè nữa, tôi về nhà, nhưng không biết làm thế nào để trốn sự cô đơn mà không phạm pháp……

Thế là tôi đến với anh em thanh niên công giáo… để giải trí.  Nhập gia tùy tục, tôi cũng tập hát, cũng vờ nghe đọc Kinh Thánh, đôi khi dự lễ tôi cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội… Chúa đối với tôi là một trò đùa……

Cho đến mùa Chay vừa qua, hôm ấy là một ngày thứ sáu thì phải, tôi được nghe bài Thương Khó Chúa Giê-su… Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”, tôi bỗng rùng mình.  Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài:  Đêm cô đơn ở Ghết-sê-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với Thập Giá, tiếng búa, mũi đinh… tất cả.  Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.

***************************

Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc Âm ra đọc lại sau ba năm không chạm đến.  Anh đừng tưởng tôi đến với Lời Chúa đâu nhé, tôi muốn đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình.  Nhưng khi đọc Lu-ca về giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa.  Lu-ca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”.  Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.

Tôi đến trao đổi với một vị Linh Mục trẻ mà tôi rất có cảm tình.  Ông lắng nghe thật lâu và không nói tiếng nào.  Cuối cùng ông đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Lu-ca: đoạn đứa con hoang đàng.  Tôi hiểu ý ông và bảo rằng tôi không muốn xưng tội vì không biết phải xưng thế nào… tội tôi nhiều quá.  Ông bảo: Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ.  Rồi ông quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu Thánh giá.  Không biết có một mãnh lực nào đã khiến tôi cũng quỳ xuống bên ông và nói: “Lạy Cha xin Cha tha tội cho con…”  Tôi chỉ nói được có thế rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào.  Thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con….” và tôi oà lên khóc… Kể từ ngày có trí khôn không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn!  Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít…..

Và quả thật từ ngày đó tôi là một đứa con nít trong tay Cha trên trời, Đấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài.  Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi.  Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng đã trở về, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi… Và nếu hôm nay tôi có nói nhiều là chỉ vì để nói với anh điều này: Lời Chúa là Lời-Hằng-Sống vì chính tôi đã được Lời Ngài cứu sống.

Trích kịch bản: Cuốn Phúc Âm Thứ Năm – Trần Duy Nhiên

********************************

Chiều nay lặng lẽ trên đồi
Tôi đi tìm lại đời tôi trong Thầy
Tình tôi một thưở xa bay
Tình Thầy như những áng mây dịu dàng
Trong tôi tình những dở dang
Thầy, nguồn Từ Ái mênh mang vòm trời
Thầy ban cho vạn nụ cười
Sai tôi đem tặng cho đời đắng cay
Dối gian quên hết Lời Ngài
Phù du đeo đuổi tháng ngày trái ngang
Rong chơi một thưở hoang đàng
Tôi đem phung phá tan hoang tình Thầy
Ưu phiền từng phiến trên tay
Tôi về qua những mê say loạn cuồng
Trót làm kẻ mất tình thương
Trong tôi còn lại mù sương cuộc đời
Đường trần một kiếp nổi trôi
Thôi xin trả lại đời tôi cho Thầy
Tình tôi còn một chút này
Gom góp tôi quyết từ đây theo Ngài.

MÊNH MÔNG LÚA ĐỒNG

Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles.  Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói:  “Xin các bạn đừng sợ.  Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc.  Ông John Keller nói tiếp:  “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm.  Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!”  Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên:  “Đã thấy!”

Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích:  “Ánh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt.  Một giọng nói vang lên ra lệnh:  “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”  Bỗng chốc, cả vận động trường rực sáng.

Ông John Keller kết luận:  “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt chúng ta”.

***********************************

Đã qua 2000 năm nhưng lời dạy của Đức Giêsu vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay:  “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2).  Thế giới có trên 6 tỉ người, mà kẻ tin vào Chúa mới chỉ hơn 1 tỉ.  Riêng tại Á Châu, chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng người Công giáo chỉ không tới 3%.

Cánh đồng lúa mênh mông còn bị bỏ hoang không thợ gặt hái.  Thế giới này dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù; rất cần những đốm sáng của tình thương, của khoan dung, tha thứ.  Thế nên, không lạ gì Đức Giêsu đã nói:  “Anh em hãy ra đi.  Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).

Tuy cuộc ra đi có nguy hiểm, bấp bênh, thiếu thốn vì “Không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4) nhưng chúng ta vẫn phải lên đường, vì Thầy đã nói “Anh em hãy ra đi”.

“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, đó là một lệnh truyền.  Cả cuộc đời của Thầy là một hành trình:  Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường.  Thầy luôn lên đường và không ngừng ra đi.  Cộng đồng Vaticano II cũng long trọng khẳng định:  “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2).  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng quả quyết:  “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này:  Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”  (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).

Vậy ơn gọi của người tín hữu Kitô là “Ra đi”.
Ra đi đem “bình an” đến cho các dân tộc, bình an giữa mọi người với nhau, bình an với Chúa.
Ra đi chữa lành bệnh nơi thể xác cũng như trong tâm hồn.
Ra đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an.

Thánh Phalô đã phải thốt lên:  “Khốn cho thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).  Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm.  Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm.  Đúng như L. Moody đã nói:  “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng”.

***********************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai chúng con ra đi không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… là để chúng con được siêu thoát mà lên đường, không cậy dựa vào sức riêng hay trần thế, nhưng chỉ phó thác nơi một mình Chúa mà thôi.  Xin cho chúng con luôn tin tưởng lên đường, dám sống chết cho sứ mạng Chúa đã trao ban.  Amen!

Thiên Phúc

LINH MỤC ĐỜI ĐỜI

Một khách hành hương hỏi một đệ tử:

– Tại sao bạn lại phải cần tới một Minh Sư ?

Người đệ tử trả lời:

– Để được đun nóng, nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.

( Anthony de Mello, trích trong One Minute Wisdom)

* * * * *

Bạn thân mến,

Cái ấm là vật trung gian giữa nước và lửa, giúp cho nước và lửa được tiếp cận gần nhau. Nước cần cái ấm làm trung gian để được đun sôi, để được thăng tiến hóa thân ….

Tương tự như vậy, để được thăng tiến hoá thân, để được hạnh phúc đời đời trong cuộc sống mai hậu, con người cũng cần đến một Đấng Trung Gian để tiếp cận với Thiên Chúa.  Đấng Trung Gian ấy chính là Đức Giêsu (Tm.2:5).  Ngài là Linh Mục Đời Đời, là Linh Mục Tối Cao (Dt 7:17); và là “máng xối“ để thông truyền ân sủng của của Thiên Chúa cho con người.

Để tiếp nối thiên chức linh mục mà Đức Giêsu đã thiết lập và truyền lại cho con người.  Hằng năm Giáo Hội, qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã xức dầu tấn phong cho những người được kêu mời và tuyển chọn, đã khắc ghi dấu ấn “Linh Mục Đời Đời” vào con tim, vào linh hồn và thân xác của những người đã đứng lên đáp trả lời mời gọi.  Trong số những người được kêu mời và tuyển chọn trong năm nay có người bạn thâm giao của tôi, anh Giuse Ngô, người được xức dầu tấn phong trong nhà nguyện của trường đại học Loyola (California,USA) vào tháng Sáu vừa qua.

Tham dự thánh lễ truyền chức linh mục của anh, điều làm tôi cảm động sâu xa nhất là trong khi cộng đoàn qùy gối đọc kinh cầu Các Thánh, anh đã giang tay nằm xuống phủ phục trước bàn thờ, anh nằm giữa cộng đoàn, giữa  những bạn bè và người thân yêu ruột thịt trong gia đình của anh … Anh nằm đó để chấp nhận chết đi cho chính mình và để sống cho Chúa …Anh nằm đó để hy sinh vất bỏ những hạnh phúc riêng tư của đời mình, để đi vào huyền nhiệm của tình yêu với Đấng mà anh đã được kêu mời và tuyển chọn .

Tôi cùng với vợ con, cùng với cộng đoàn qùy gối để hiệp dâng lên Thiên Chúa trong lời kinh, nhưng ánh mắt và lòng trí của tôi cứ hướng về chỗ anh đang nằm phủ phục xa xa. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi hình dung được khuôn mặt của anh, trên khuôn mặt đó đã bắt đầu có những nếp nhăn của người đàn ông gần 50 tuổi đời, và giờ đây trên khuôn mặt gầy gầy xương xương đó dường như có những giọt nước mắt đang chảy dài trên khóe mắt … Chắc hẳn đó phải là giọt nước mắt của hạnh phúc, của yêu thương và vui mừng sung sướng.

Tôi được biết, sau thánh lễ truyền chức, anh sẽ rời bỏ cuộc sống tiện nghi vật chất trên xứ sở này để được “sai đi” đến với những người nghèo khó.  Anh ra đi nối gót các bậc cha anh để tiếp tục công việc của những vị thừa sai trên những cánh đồng truyền giáo mênh mông xa tít tận cuối trời. “Thánh Thần Chúa ngự trên con, Người đã sai con đem Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc. 4:18)   Đó là câu kinh thánh mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần để làm lời nguyện dâng lên Thiên Chúa cho bước đường truyền giáo nơi xứ lạ quê người mà anh đang bước vào.

Anh Giuse thân mến! Linh mục được sai đến với  tất cả mọi người, đặc biệt là những người đau khổ, nhưng chính linh mục cũng mang đầy thương tích của đau khổ.  Linh Mục được sai đi để cứu vớt những người tội lỗi nhưng chính linh mục cũng là người cần được cứu vớt khỏi tội lỗi.  Linh mục thánh hóa người khác, loan báo Tin Mừng cho người khác, nhưng chính linh mục cũng phải được thánh hóa và được Phúc Âm hóa.  Phải chăng “thiên chức” Linh mục quá thánh thiện và cao cả nhưng “con người” linh mục lại chỉ là một tạo vật với tất cả sự yếu hèn và bất xứng của một con người.

Hôm nay anh đã là linh mục của Chúa, khi nhìn vào cuộc sống và quyết định của anh, có người đã lên tiếng thắc mắc rằng : ”Linh mục! ông là ai?. “Trả lời ra sao đây anh nhỉ?  Trả lời ra sao cho những người đang sống trong xã hội vật chất kim tiền hôm nay?  Xin anh cùng với tôi, chúng ta hãy mượn lời thánh Gioan Kim Khẩu để trả lời cho câu hỏi này anh nhé .

“Hỡi linh mục, ông là ai?
Ông không phải bởi ông, vì ông bởi hư vô,
Ông không phải cho ông, vì ông là trung gian dẫn tới Thiên Chúa,
Ông không thuộc về ông, vì ông phải sống cho một mình Thiên Chúa,
Ông không phải là của ông, vì ông là tôi tớ của mọi người,
Ông không phải là ông, vì ông là một “Kitô khác’’.
Thế thì ông là gì vậy?
Chẳng là gì cả, nhưng lại là tất cả!”

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu, trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ , Chúa đã thiết lập thiên chức Linh mục và đã trao ban tác vụ Linh mục cho con người.  Xin Chúa luôn ban ơn giúp sức và gìn giữ các linh mục trong tình yêu và ân sủng của Chúa, để các ngài sống giữa thế gian nhưng không bao giờ thuộc về thế gian… Để các ngài luôn gần gũi và tiếp xúc với bụi trần nhưng không bao giờ vấn vương bụi trần … Để các ngài luôn là gương mẫu cho đoàn chiên Chúa noi theo trên con đường lữ hành trần gian về tới quê trời. Amen

Linh Xuân Thôn