HÃY CHO NHAU NỤ CƯỜI

Có lần mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện như sau:

Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: “Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn”.

Tôi liền bảo họ: “Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông.  Một nụ cười cho chồng của bà.  Một nụ cười cho con cái của ông bà.  Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai.  Với những nụ cười tươi như thế quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.”

Nghe vậy một người trong nhóm hỏi tôi:

– Bà có lập gia đình không?

Tôi gật đầu và nói:

– Ðôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi.

Và mẹ Têrêsa kết luận:

– Ðúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều.  Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài.

* * * * *

Bạn thân mến! Các sách Phúc Âm không ghi lại một nụ cười nào của Chúa Giêsu mà chỉ đôi ba lần nhắc đến những thổn thức và tiếng khóc nức nở của Ngài.  Vậy mà cả cuộc đời, những lời rao giảng, những việc làm và nhất là cái chết của Ngài được gọi là Tin Mừng !!!

Chúa Giêsu mang đến cho con người một Tin Mừng, bởi vì qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình, Ngài đã mang đến cho mọi người con đường hy vọng.  Ðau khổ và sự chết đã bị khắc phục, bởi vì hy vọng, niềm vui, sự sống đã bừng dậy từ đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chính là nụ cười của Thiên Chúa gửi tặng chúng ta.  Trong Ngài con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, ngay cả khi gặp thất bại, khổ đau.  Trong Ngài con người tìm được niềm vui, ngay cả khi thua thiệt mất mát.  Trong Ngài, con người tiếp tục hy vọng, ngay cả giữa những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời.

Nụ cười lôi cuốn nụ cười.  Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi con người một nụ cười đáp từ:

  • Cười vui với Ngài là biết đón nhận từng phút giây trong cuộc sống và mọi biến cố với tất cả tin yêu, hy vọng và phó thác.
  • Cười vui với Ngài là luôn sẵn sàng nhận ra Ngài với khuôn mặt của mỗi người anh em.
  • Cười vui với Ngài cũng có nghĩa là biết trao ban một ánh mắt cảm thông, một nụ cười thân thiện, một lời nói ủi an tha thứ với tất cả mọi người.

(R. Veritas)

* * * * *

Lạy Chúa! Nụ cười không mất tiền mua, không phải vất vả cực nhọc để đi xa mang về … Nụ cười thật dễ dàng để xuất hiện trên môi miệng và trên khuôn mặt nhưng sao con lại thấy thật khó khăn vất vả để trao tặng nụ cười trên khuôn mặt của con cho những người xung quanh …Con đã thay thế nụ cười bằng những cái nhăn mặt méo mó, bằng  những ánh mắt giận dữ, bằng những cái lắc đầu xua tay và đôi khi bằng những lời nói làm đau lòng người khác.  Xin cho con luôn ý thức rằng : mỗi khi con mang nụ cười đến cho những người xung quanh chính là lúc con dâng lên Thiên Chúa  tình yêu và nụ cười, sức sống và hy vọng của đời con . Amen

LINH THAO LÀ GÌ?

Một huyền thoại kể rằng, lúc Chúa Giêu Hài Đồng được sinh ra, ba vị vua tới thăm viếng Chúa là ba vị tu sĩ đại diện cho ba Dòng lớn trên thế giới: Dòng Tên, Dòng Phan Sinh (do Thánh Francis of Assisi sáng lập), và Dòng Chúa Cứu Thế (do Thánh An Phong Ligouri sáng lập)

Ba vị tu sĩ lần lượt cầu nguyện như sau:

Vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thốt lên:

– Ôi Lạy Chúa, con ngợi khen Thiên Chúa và Tình Yêu bao la của Ngài đã cho Người Con Một xuống thế để chuộc tội trần gian.

Còn vị tu sĩ dòng Phan Sinh khó nghèo xấp mặt xuống đất nghẹn ngào cầu nguyện:

– Ôi lạy Chúa! xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con trở nên bé nhỏ và có lòng khó nghèo như Chúa vậy.

Lúc đó vị tu sĩ Dòng Tên chỉ đứng lẩm bẩm và lắc đầu nói:

– Hừm, đứa nhỏ này cần phải được cho vô trường học đàng hoàng và cần phải  đi tĩnh tâm Linh Thao trước khi bước vào cuộc đời công khai!

***************************

Mẩu chuyện vui trên đây nhắc chúng ta nhớ đến hai đặc sủng của Dòng Tên, ngoài sứ mạng giáo dục họ còn gắn liền với sứ mạng hướng dẫn tĩnh tâm Linh Thao.  Vậy Linh Thao là gì mà lại gắn bó với cuộc đời tu sĩ Dòng Tên?  Linh Thao có liên hệ gì với người giáo dân không?

Ngày nay, ai cũng biết thánh I-nhã là một vị linh mục, Đấng sáng lập Dòng Chúa Giêsu mà ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, một vị thánh lớn của Giáo hội mà người ta quên rằng khi soạn thảo phương pháp tĩnh tâm Linh Thao, tâm điểm của linh đạo I-nhã, ngài chỉ là một người giáo dân bình thường.  Từ thưở ban sơ, mục đích của Linh Thao là giúp người giáo dân ở bất cứ giai đoạn nào trong đời sống đức tin, sống trong bất cứ ơn gọi nào có thể đáp trả lại lời mời gọi thiêng liêng của người Kitô tiến đến đời sống thân mật thâm sâu với Chúa hơn.

Ngược xuôi giữa dòng đời bon chen bận rộn, không phải là một chuyện đơn giản để nhận biết đời sống mình đang quy hướng về phía Thiên Chúa hay bị kéo ngược về thế gian.  Làm thế nào để tôi có thể giữ mình bình tâm trong thế giới vật chất này?  Làm thế nào để nhìn ra thánh ý Chúa?  Làm sao để có một chọn lựa đúng đắn nhất?  Như một thân thể cường tráng dẻo dai phải cần đến sự siêng năng tập thể dục thì linh hồn cũng có một nhu cầu cần đến sự luyện tập để đời sống thiêng liêng ngày càng triển nở hơn, để có thể sống trong sự bình an hoan lạc ngay từ đời này.  Linh Thao là phương pháp rèn luyện nội tâm trong thinh lặng và qua cầu nguyện, dựa trên những kinh nghiệm của thánh I-nhã.  Linh Thao bao gồm cầu nguyện, chiêm niệm, và những hoạt động thiêng liêng khác nhằm“chuẩn bị và dọn dẹp linh hồn, để dẹp bỏ mọi quyến luyến lệch lạc, và sau đó  tìm kiếm ý Thiên Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình’ [Linh Thao 1].  Đi Linh Thao giúp người tín hữu nhìn ra thánh ý Chúa, mạnh dạn rũ bỏ những quyến luyến lệch lạc để sắp xếp lại trật tự đời mình, biết kết hiệp với Chúa trong đời sống thường, biết nhận định để có những quyết định phù hợp với chương trình của Chúa trong cuộc sống mình.  Linh Thao không chỉ để nghe, để học hỏi, thảo luận hay tìm tòi nghiên cứu một cái gì mới lạ mà Linh Thao đơn giản là “sống”.  “Sống” với Chúa trong một thời gian nhất định, “sống” lại mầu nhiệm Cứu Chuộc và sau đó trở lại đời thường với một sức sống mới mạnh mẽ hơn, với những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của riêng mình.

Linh Thao trọn vẹn được soạn thảo bởi thánh I-nhã kéo dài ba mươi ngày, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài và được làm ở một nơi thanh vắng.  Và một dạng Linh Thao dài ngày khác phù hợp với giáo dân được thực hiện ngay trong đời sống thường với thời gian lâu dài hơn một tháng [Linh Thao 19].  Vì đối tượng của Linh Thao là cho giáo dân, vì giáo dân nên trải qua hơn bốn thế kỷ, Linh Thao đã được các tu sĩ Dòng Tên soạn thảo thành nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, hoàn cảnh sống khác nhau của mỗi người như Linh Thao vài tuần, Linh Thao bảy-chín ngày, Linh Thao hai-ba ngày, Linh Thao Hôn Nhân Gia Đình, Linh Thao qua Internet, Linh Thao tại gia, chương trình Thao Luyện Nhẹ Nhàng, v.v…..  Linh Thao lý tưởng nhất là làm tại một nhà tĩnh tâm, tuy nhiên vì hoàn cảnh khác biệt của mỗi giáo dân, Linh Thao có thể làm tại nhà với một chương trình dài hơn.

Ngày nay ai cũng biết tập thể dục không chỉ dành riêng cho các vận động viên Olympic hay các huấn luyện viên thể thao các cấp, thì Thao Luyện Thiêng Liêng cũng không chỉ dành riêng cho các bậc tu sĩ hay các thần học gia lỗi lạc.  Ai cảm thấy mình có linh hồn, ai cảm nhận được nhu cầu khát khao cần được luyện tập của linh hồn thì hãy lên đường tìm cho mình một phương pháp luyện tập thích hợp.  Cũng như tập thể dục, người mới bắt đầu nên đi từ dễ đến khó, từ nhẹ đến nặng, từ những khoá ngắn ngày trước rồi mới lên khóa dài ngày.

Muốn biết rõ thêm về Linh Thao, trăm nghe không bằng mắt thấy, mời bạn ghi danh tham dự một khoá tĩnh tâm Linh Thao để có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của chính mình.

Các khoá Linh Thao:  http://www.donghanh.org/main/3LTLT.htm

Các khoá Linh Thao tại San Jose, North California:  http://www.linhthao.org/ltrinh.php

Linh Thao trong cuộc sống qua Internet: http://www.linhthaotrongcuocsong.net

***************************

Kết thúc khoá Linh Thao, một linh hồn tràn đầy tình yêu với bầu nhiệt huyết đầy sự sống siêu nhiên có thể mạnh dạn thân thưa với Chúa bằng lời cầu nguyện của Đấng sáng lập ra phương pháp Thao Luyện Thiêng Liêng:

Lạy Chúa ! Xin hãy nhận lấy,
Tất cả tự do, trí khôn, và cả ý chí của con,
Tất cả những gì con có và đang làm chủ,
Chúa đã ban cho con, 
Nay con xin dâng lại Chúa,
Vì tất cả là của Chúa,
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa,
Lạy Chúa! xin ban cho con,
Tình yêu và ân sủng Chúa,
Đối với con, thế là đủ.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

HÃY XIN SẼ ĐƯỢC

Một người giầu có Millwankee có một đứa con trai duy nhất mười hai tuổi.  Thường ông cho con mọi cái nó muốn.  Có một điều người con ao ước hơn hết, là có một người anh em cùng lứa tuổi để chia sẻ, để cùng chơi.  Người cha quyết định nuôi một bé trai nghèo nhỏ hơn con trai ông sáu tháng.  Cả hai đứa trẻ đều sung sướng.  Đứa con trai có bạn, đứa con nuôi có những món đồ chơi mà nó chưa bao giờ biết đến.

Một bữa nọ, hai đứa trẻ đang thảy banh qua lại trong sân.  Đứa con nuôi ngỏ ý: “Gee, em ước mong Kenny có một trái banh như thế này.  Nó thích đá banh lắm, nhưng cha mẹ nó không thể mua cho nó một trái banh như thế này” và em tiếp tục nói về Kenny, một người bạn lối xóm cũ.  Người con ruột nói: “Sao em không xin ba cho nó một trái banh?”  Người con nuôi trả lời:  “Ba đã quá tốt với em rồi, em không dám làm phiền người nữa”.  Nhưng người con ruột nài nỉ:  “Em đừng quên ba anh là ba em.  Người cho anh mọi cái anh xin.  Người cũng làm cho em như vậy.  Nếu người cho rằng cái đó không tốt cho em, người sẽ nói, nhiều khi người cho em những cái tốt hơn nữa.  Hãy xin đi, Kenny sẽ có trái banh”.

*************************

Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như vậy trong bài Tin Mừng hôm nay:  “Hãy xin, thì sẽ được”.  Bạn và tôi, chúng ta là những đứa con nuôi, là anh em, chị em với Chúa Giêsu, Cha chúng ta, như Chúa Giêsu đã gọi, muốn tất cả chúng ta chia sẻ  hạnh phúc và hồng ân với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu muốn anh chị em của Người chia sẻ lòng nhân từ của Cha Người.

Cha trên trời đã sắp đặt nhận bạn và tôi làm con.  Người còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của Người – sự sống của Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong bí tích rửa tội.  Như người con nuôi trong câu chuyện chúng ta  hạnh phúc không lời nào diễn tả vì  cuộc sống cao vời của người con Chúa.  Anh chị em với Chúa Kitô.  Nhưng chưa hết, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta còn nhận được nhiều hồng ân khác nữa của Cha chúng ta, cho chúng ta và cho nhiều người khác nữa.  “Hãy xin thì sẽ được”.  Bạn để ý, nhiều lần Chúa chúng ta cầu nguyện cùng Cha Người hầu như luôn luôn cầu nguyện cho chúng ta.

Ý tưởng này là chủ đề của thánh lễ hôm nay.  Trong bài đọc thứ nhất Abraham nài nỉ với Chúa khoan nhân cho những người tội lỗi thành Sôđôma và Grômôna.  Trong bài đáp ca chúng ta kêu cầu: “Lạy Chúa, đêm ngày con kêu cứu Chúa đã đáp lời con.  Chúa đã nghe tiếng miệng con kêu xin”.  Bài đọc thứ hai khích lệ chúng ta “Thiên Chúa ban cho anh em đời sống mới trong Đức Kitô”

Lời cầu nguyện của cộng đoàn hay cá nhân sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta ý thức rằng như một người con chúng ta thân thưa cùng người cha đang lắng nghe và yêu thương, chúng ta nên thường cầu nguyện bằng những lời nguyện tự phát, bạn nhớ cách thức của đứa con thân thưa với cha mình và kiên trì nài xin.  Đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta làm khi Người dạy chúng ta cầu xin.  Bạn nhớ kêu xin những điều người khác cần và ước mong cũng như những điều bạn cần và ước muốn, và đừng quên lời cảm tạ.  Cầu nguyện cá nhân và riêng tư giúp chúng ta tham dự đầy đủ hơn việc phụng tự cộng đoàn như Thánh lễ hôm nay.

Gm. Arthur Tonne

************************

Con gởi ước Mơ
Vào Thơ cầu Nguyện
Mong lòng tan biến
Bao chuyện buồn đau
Chấp tay khẩn cầu
Chúa mau tuôn dổ
Để ngàn bão tố
Mãi mãi lìa xa
Cho những mái nhà
Ấm êm hạnh phúc
Dẫu đời lắm lúc
Tủi nhục ùa vây
Xin Cha từng ngày
Dang tay nâng đỡ
Phần con xin nhớ
Nguyện cầu Ngài luôn.

BẢY VỊ TIÊN TỔ DÒNG TÊN

(Xin gởi đến qúy vị và các bạn bài viết dưới đây nhân dịp kỷ niệm 50 năm Dòng Tên trở lại hoạt động tại Việt Nam lần thứ hai, và cũng để kỷ niệm  ngày lễ kính thánh Inhaxiô – 31/7 )

Tháng 10 năm 1525, hai sinh viên trẻ cùng tuổi 19, ghi tên tại trường đại học Saint-Barbe ở thủ đô Paris, nước Pháp.  Cả hai cùng ở chung một phòng, cùng quý mến nhau và cùng trao đổi tình bạn chân thành với nhau.  Một người tên Phêrô Favre, quê quán vùng Savoie – nước Pháp.  Người kia tên là Phanxicô Xavier, đến từ vùng Basque – Tây-Ban-Nha.  Phêrô Favre tính tình dễ thương và chuyên cần học hỏi.  Trái lại Phanxicô Xavier thì nhanh nhẹn, ưa thích thể thao và có nhiều cao vọng.

Bốn năm sau, ngày 1-10-1529, sinh viên thứ ba đến trọ cùng phòng với Phêrô và Phanxicô.  Sinh viên này khoảng 38 tuổi và có dáng đi khập khiễng.  Anh ăn mặc nghèo nàn, hành lý ít ỏi, nhưng toàn thân anh toát ra sức hấp dẫn diệu kỳ.  Anh tỏ ra chững chạc, ăn nói khiêm tốn dịu hiền và sẵn sàng giúp đỡ người khác.  Đặc biệt anh có đôi mắt tươi vui hóm hỉnh.  Sinh viên lớn tuổi ấy tên là Inhaxiô (I-Nhã).  Anh đến từ vùng Loyola – Tây-Ban Nha.  Sự có mặt của sinh viên Inhaxiô đã đưa hai sinh viên trẻ tuổi Phêrô và Phanxicô vào khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời của họ.

Inhaxiô đã từng đi lính, ra trận và bị thương ở chân.  Trong thời gian chữa trị, để giết giờ, anh đã đọc sách “Hạnh Các Thánh”.  Thiên Chúa đã hoán cải tâm lòng anh, khiến anh quay về với Ngài. Anh đặc biệt suy gẫm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và nhất quyết bước theo chân Ngài.  Sau khi lành bệnh, anh tìm nơi thanh vắng để sống ẩn dật và cầu nguyện trong vòng một năm.  Sau đó anh đi hành hương đất thánh Giêrusalem.

Sau chuyến hành hương đất thánh, anh trở lại Tây-Ban-Nha với tâm hồn hoàn toàn đổi mới, Inhaxiô ước ao chia sẻ những khám phá thiêng liêng anh vừa tìm thấy cho nhiều người.  Anh tìm được cách thức phân biệt tác động nội tâm: tác động nào đưa đến niềm vui và tác động nào đưa đến chán nản ê chề.  Nhưng vì anh chưa được huấn luyện về thần học, nên anh bắt đầu dành thời giờ để nghiên cứu học hỏi, và cùng lúc vẫn giảng thuyết về Thiên Chúa.

Xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ đòi buộc các nhà giảng thuyết phải có bằng cấp hẳn hoi mới được phát biểu công khai. Thế là Inhaxiô lên đường sang Paris (Pháp) để ghi tên học tại Saint-Barbe, cùng trường với Phêrô Favre và Phanxicô Xavier.

Nhờ dành nhiều giờ cầu nguyện, suy gẫm và suy tư về chặng đường mà anh đã trải qua, Inhaxiô dần dần thành hình phương pháp mà anh gọi là ”Thao Luyện Thiêng Liêng” (hay còn gọi là Linh Thao)  nhằm giúp người tín hữu tu chỉnh cuộc sống (reform) và định hướng cuộc đời mình (election).

Tất cả khám phá thiêng thiêng trên đây, Inhaxiô thường chia sẻ cho hai người bạn trẻ cùng phòng. Phêrô Favre tỏ ra nhạy cảm trước kinh nghiệm của Inhaxiô nhưng Phanxicô Xavier thì ít chú ý hơn.  Thời gian này có thêm một sinh viên trẻ khác đến từ Bồ-Đào-Nha tên là Simon Rodriguez, anh mới vừa tròn 17 tuổi.

Một ngày kia Simon Rodriguez tình cờ nói chuyện với Inhaxio. Khám phá thiêng liêng của Inhaxiô đã lôi cuốn sự chú ý và khơi dậy lòng đạo đức của Simon.  Anh quyết định chọn con đường phục vụ Thiên Chúa, khởi đầu bằng chuyến hành hương Giêrusalem, rồi dấn thân giúp người khác trên con đường thiêng liêng. Từ đó ba bạn trẻ (Phêrô Favre, Phanxicô Xavier và Simon Rodriguez) trở thành bạn tâm giao của Inhaxiô Loyola.

Thời gian sau có thêm 3 sinh viên nữa đến từ Tây Ban Nha và cùng học tại Saint-Barbe.  Đó là Diego Laynez, Alphonso Salmeron và Nicolas Bobadilla.

Nhờ nghe tiếng đồn về lòng thánh thiện của Inhaxiô và nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, cả ba sinh viên đều gặp Inhaxiô và muốn nhận Inhaxiô làm thầy hướng dẫn thiêng liêng.

Ngày 15-8-1534 là ngày lịch sử. Tất cả bảy sinh viên trên đây cùng leo lên đồi Montmartre ở thủ đô Paris và cùng vào một nhà nguyện nhỏ. Tại đây, một người trong nhóm vừa chịu chức linh mục, đó là cha Phêrô Favre.  Họ đã cử hành Thánh Lễ chung với nhau.  Trước lúc rước Mình Thánh Chúa, cả bảy người bạn, lần lượt đọc lời tuyên khấn giữ đức khó nghèo, khiết tịnh, đi hành hương Giêrusalem và dấn thân làm việc tông đồ bằng việc rao giảng Lời Chúa.  Tuy nhiên nếu lời khấn hứa hành hương Giêrusalem không thực hiện được thì sẽ giao cho Đức Giáo Hoàng quyền quyết định tương lai và những hoạt động của mình.

Sau ngày lịch sử trên đây, tình bạn thiêng liêng giữa bảy người mỗi ngày một đậm đà sâu sắc. Họ rất qúy mến nhau, giúp đỡ và khích lệ nhau tận tình. Cuộc sống chung mang một ý nghĩa siêu nhiên cao thượng.  Và cộng đoàn huynh đệ này đã đề cử Inhaxiô Loyola làm thủ lãnh tinh thần cho mình.

Và từ đây, những người trong cộng đoàn huynh đệ này đã trở thành những vị tiên tổ của Dòng Tên, đó là  Inhaxiô Loyola (1491-1556), Phêrô Favre (1506-1546), Phanxicô Xavier (1506-1552), Simon Rodriguez, Diego Laynez, Alphonso Salmeron và Nicolas Bodadilla.

(Sr. Minh Nguyệt –  radiovaticana.org ,  21/04/2006 )

* * * * *

Lạy Chúa! “Thao Luyện Thiêng Liêng” giúp chúng con gặp gỡ Chúa và gặp gỡ chính mình … Thao Luyện Thiêng Liêng giúp chúng con biết “phân biệt thần loại”, biết  “tu chỉnh” cuộc sống và “định hướng” cuộc đời theo Thánh Ý Chúa …và Thao Luyện Thiêng Liêng là món quà cao qúy mà Chúa đã ban cho chúng con  qua thánh Inhaxiô.  Xin cho chúng con luôn biết noi gương bắt chước Thánh nhân biết sống kết hợp với Chúa, biết “yêu mến Chúa trong mọi sự”, biết luôn quy hướng về Chúa để mỗi ngày trong cuộc sống là mỗi ngày chúng con làm “vinh danh Chúa hơn”. Amen

NHẶT CÁ

Trong mẻ lưới cuộc đời, tôi bắt được nhiều thứ cá. Tôi buông lưới kéo lên. Rác rưởi, cá, đất sỏi, vỏ dừa. Người ngư phủ nào cũng cần ngồi nhặt cá. Ðời tôi quá bận rộn, tôi không có giờ. Tôi cần gấp gáp thả lưới. Tôi chỉ muốn kéo lên. Ðổ cá đó, xuống chợ đời tiếp tục thả. Vì đời quá nhiều người thả lưới. Tôi sợ sẽ đi về đâu cuối ngày khi chung quanh tôi có kẻ thả lưới suốt đêm.

Tôi phải hối hả. Tôi cần gấp gáp. Tôi không có giờ ngồi bên bờ nhặt cá. Tôi để đó, lẫn lộn những gì kéo lên từ cuộc đời.

“Con thương, má phải về trễ đêm nay. Thức ăn má để trong tủ. Con hấp nóng rồi mấy chị em ăn trước nhé.”

Tôi vẫn thường để lại những lời yêu thương như thế. Rồi con tôi lớn dần. Chúng lớn không ngờ. Những đêm về trễ, tôi nhìn con ngủ. Cúi xuống hôn con. Mẹ ước ao có giờ cho con, nhưng mẹ quá bận rộn. Lòng tôi chùng xuống một chút se sắt. Con ngủ, con không biết mẹ mình sau một ngày thả lưới quá mệt, đang hôn con trong khoảnh thời gian, mà đối với con chẳng ý nghĩa gì, vì con đang ngủ. Tôi gắn lên cửa tủ lạnh, tôi gài trên tay cầm phôn những lời căn dặn yêu thương. “Con thương, má phải về trễ đêm nay. Thức ăn má để trong tủ. Con hấp nóng rồi mấy chị em ăn trước nhé.”

Rồi con tôi cứ lớn lên, không ngờ.

* * * * *

Chồng tôi cũng thế. Anh phải thả lưới cuộc đời. Như tâm sự của anh viết trong ánh mắt, một lần tôi đọc. Tôi thấy trong ánh mắt anh, như nói trong tâm trạng băn khoăn. Cũng chùng xuống một chút se sắt như tôi đối với con.

Em yêu dấu. Ngày sinh nhật em. Em yêu dấu. Ngày chúng ta thành hôn. Em yêu dấu. Ðáng nhẽ anh phải đưa em đi nghỉ hè, đáng nhẽ… Nhưng anh quá bận. Cuối tuần này vắng anh nhé. Công việc quá nhiều. Một project đang dang dở. Em yêu dấu.

Ai cũng bận rộn, hối hả thả lưới cuộc đời. Tôi chỉ hơi buồn mỗi khi vắng anh như thế. Có buồn, nhưng tôi im lặng chịu đựng vì tôi cũng bận rộn như anh. Cuộc đời là những rượt bắt không ngừng. Chung quanh tôi là những bàn chân hối hả.

* * * * *

“Con của ba! Ba tặng con món quà ngày sinh nhật.”

Ðã có lần chúng tôi nói với nhau. Mình chẳng có thời giờ cho con. Thôi thì bù trừ cho chúng, chúng muốn gì em cứ mua. Chúng tôi mua quà cho con như một yêu thương đền bù. Chúng tôi lấy đồ chơi thay cho nụ hôn ôm con, lúc chúng còn bé. Chúng tôi lấy tiền bạc, quà tặng thay cho những bữa cơm chiều vắng bố, vắng mẹ, khi chúng đã lớn. Chúng tôi cũng đối xử với nhau như thế. Anh vội vã tạt vào shop mua cho tôi chiếc ví da, thay vì những phút phải đi bên nhau tâm sự. Thời gian cứ trôi xuôi lạnh lùng. Tôi cứ thả lưới và nặng nề kéo lên.

Người ngư phủ ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ. Sau mỗi mẻ lưới kéo lên, ông ngồi kiên nhẫn, chậm rãi vứt cá xấu đi.

Tôi không giống người ngư phủ. Tôi có nghe mùi tanh của một loài cá ươn. Tôi biết có rác, có đỉa, có củi mục trong mẻ cá vừa kéo. Nhưng tôi không có giờ.

* * * * *

Năm tháng qua đi không ngờ. Con tôi bây giờ cũng như bày cá đến tuổi lớn. Chúng dần dần bỏ bến ao, tìm đường ra sông cái. Vào đại học rồi đi xa. Ðôi khi tôi thẫn thờ lần về quá khứ. Những tấm ảnh con tôi lúc lên năm, lên ba. Chỉ nhớ và thương.

Rồi một ngày chồng tôi cũng như tôi, không biết những tấm hình năm xưa chụp chung bây giờ ở đâu. Trong mẻ lưới cuộc đời, anh cũng chẳng có giờ ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu quăng đi. Ðến một ngày tôi linh cảm bơ vơ một nỗi lo âu, mệt mỏi và chán nản. Ðó là ngày tôi vô tình nghe mẩu đối thoại:

– I love you.

– I love you too.

Chồng tôi bảo em không nên lo. Không phải chuyện tình cảm. Chỉ là công việc làm ăn của anh. Anh tiếp tục thả lưới và cứ hì hục kéo lên. Tất cả, cá tốt lẫn cá xấu. Tôi không biết rõ mình. Nhưng trong tôi dường như thấy một chút hoang vu nào đó đi về. Nỗi hoang vu khó định nghĩa. Về phía mẻ lưới của tôi, lần cuối tôi nói với người đàn ông không phải chồng tôi:

– Anh gởi cho em về hộp thư này.

Tôi không muốn chuyện gì xảy ra cho gia đình. Tôi muốn gìn giữ hạnh phúc. Không muốn chồng tôi hiểu lầm. Tôi có hộp thư riêng, một P.O. Box. Tất cả chỉ là công việc làm ăn. Những gì tôi lý luận cũng giống chồng tôi. Và tôi tiếp tục thả lưới. Tiếp tục kéo lên tất cả. Chúng tôi giống nhau là không ai có giờ ngồi bên bờ nhặt cá xấu vứt đi. Mơ hồ lãng đãng, tôi không phân biệt được cá nào lành. Tôi yêu mầu sắc của những con cá độc. Tôi không hiểu tình yêu hôn nhân chúng tôi có tiếng thở dài từ bao giờ. Chỉ biết hôm nay, tiếng thở dài quá mệt mỏi.

* * * * *

Thời gian cứ trôi, rồi đến một ngày. Những con cá ươn sình lên mùi hôi. Rác chung với cá. Mảnh chai, vỏ dừa. Những con đỉa và những càng cua gẫy nát. Tốt và xấu lẫn lộn. Những con cá lành bị nhiễm độc.

Khi chiều tàn mệt mỏi. Lúc hoàng hôn rủ nắng xuôi mùa. Những cơn mưa lộp độp kéo về, cũng là lúc chúng tôi mất nhau.

Chồng tôi ra đi với người ấy.

Tôi quay về tấm lưới cuộc đời xuôi theo loài cá khác.

Nhìn lại những bến bờ. Lời Kinh Thánh như một nốt nhạc than trầm:

“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng xảy ra như vậy. Các thiên thần cũng sẽ xuất hiện, và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt. 13: 47-50).

Hạnh phúc không chỉ giống như chiếc lưới thả xuống biển rồi kéo lên tất cả. Hạnh phúc hệ tại ngồi bên bờ, nhặt cá xấu vứt đi. Tôi để con tôi vào đời giống tôi. Chúng đã lớn lên, học nơi tôi những mẻ lưới hối hả. Tôi đã từng dạy chúng phải nhanh chân kẻo thua trễ người ta. Tôi không chỉ cho chúng ngồi bên bờ, sau mỗi mẻ lưới, nhìn kỹ, nhặt cá xấu vất đi.

Chúng đang thả lưới. Ðời đang hối hả. Con tôi có sẽ tự ngồi bên bờ lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu thì vất đi? Hay chúng cũng sẽ như tôi, hối hả kéo lưới, tiếp tục gắn trên cửa tủ lời nhắn với các con của chúng: “Con ơi, má thương con thật nhiều. Má phải về trễ đêm nay.”

Người ta bận rộn thả lưới.

Chẳng mấy ai có giờ ngồi bên bờ xem mẻ lưới đời mình.

Biết đâu ngày nào, người chồng của con gái tôi cũng có những lời tương tự với nó: Em yêu dấu. Ngày sinh nhật em. Em yêu dấu. Ngày chúng ta thành hôn. Em yêu dấu. Ðáng nhẽ anh phải đưa em đi nghỉ hè, đáng nhẽ… Nhưng anh quá bận. Cuối tuần này vắng anh nhé. Công việc quá nhiều. Một project anh đang dang dở.

* * * * *

Bạn thân mến,

Ðoản khúc trên đây thật buồn. Nhưng dường như đang xảy ra. Bạn cứ ngồi bên bờ, với Chúa trong những ngày tĩnh tâm, bạn sẽ thấy những gì bạn đang không thấy. Và rồi, biết đâu bạn lại chẳng hạnh phúc nuối tiếc vì đã không sớm ngồi bên bờ cuộc đời nhặt cá.

NGUYỄN TẦM THƯỜNG, S.J.
(Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH)

CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ

Có hai thầy Dòng thường hay đến gốc cây trong tu viện để phì phèo điếu thuốc. Một hôm họ bàn với nhau là sẽ đi gặp cha linh hướng để hỏi ý kiến ngài về việc hút thuốc và cầu nguyện.  Họ quyết định sẽ nghe theo lời khuyên bảo của cha linh hướng.  Một thời gian sau, một người đã bỏ hút thuốc, còn người kia thì vẫn còn ung dung phì phèo điếu hút thuốc như trước.  Lấy làm lạ người đã bỏ thuốc hỏi anh bạn mình:

– Này anh! Anh đã nói làm sao với cha linh hướng mà nay anh vẫn còn hút thuốc vậy?

Người bạn trả lời:

– Có gì lạ đâu, tôi đã hỏi cha linh hướng: “Thưa cha, Trong khi con hút thuốc, con có được phép cầu nguyện không?”  và cha linh hướng trả lời: “Trong khi con hút thuốc thì con vẫn được phép cầu nguyện”. Thế là tôi cứ hút, và trong khi tôi hút thuốc, tôi cầu nguyện.  Còn anh, anh đã hỏi cha linh hướng làm sao mà bây giờ anh không còn hút thuốc nữa?

Người bạn bỏ thuốc trả lời:

– Tôi hỏi cha linh hướng như thế này: “Trong khi con cầu nguyện thì con có được phép hút thuốc không?”  Cha linh hướng đã trả lời: “Trong khi cầu nguyện thì con không được phép hút thuốc”.  Chính vì thế mà tôi đã bỏ thuốc để cầu nguyện.

* * * * *

Bạn thân mến! Câu chuyện vui trên đây cho ta thấy hai con người, hai cách ứng xử khác nhau nhưng cùng chung một hướng đi, cùng chung một mục đích là cầu nguyện.

Phúc âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 10:38-42) cũng nói lên hai khuôn mặt với hai lối ứng xử khác nhau, hai lối biểu hiện lòng kính trọng và tình yêu mến khác nhau đối với Chúa Giêsu.

Phúc âm thuật lại rằng: Khi được Chúa đến nhà ghé thăm. Martha đã bận rộn với công việc, chị lo lắng chuyện ăn uống bếp núc, chuyện phục vụ đón tiếp sao cho chu đáo.  Nhưng Maria có vẻ bình an và hạnh phúc, trong tư thế gần gũi và gắn bó, chị khiêm tốn ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Chúa nói chuyện. Thấy thế Chúa Giêsu đã lên tiếng nói với Martha:

– Martha! Martha ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi. (Lc 10:41-42)

Phải chăng trong những điều tốt đẹp, ta phải chọn điều tốt nhất, đẹp lòng Chúa nhất…Đó là lời nhắc nhở khuyên bảo của Chúa Giêsu cho Martha ngày xưa và cho mỗi người chúng ta ngày nay về bậc thang giá trị giữa hoạt động phục vụ và cầu nguyện; giữa công việc của Chúa và chính Chúa.

Phải chăng điều tốt nhất, đẹp lòng Chúa nhất là chính Chúa; là gần gũi gắn bó với Chúa để nghe Lời Ngài giảng dạy khuyên bảo; là tâm tình cầu nguyện với Chúa để biết ý Ngài và làm theo ý Ngài muốn; là ở bên Ngài, nói chuyện với Ngài và mời Ngài cùng hiện diện và cùng góp công sức trong công việc phục vụ và hoạt động … Lúc đó công việc phục vụ và hoạt động không còn được làm bằng sức của ta, nhưng bằng sức của Chúa.  Thành công hay thấy bại trong công việc phục vụ không còn là của ta và do ta nữa, mà là của Chúa và do Chúa.

Phải chăng phục vụ mà không có cầu nguyện là phục vụ cho mình và theo ý mình?  Phải chăng hoạt động mà không có cầu nguyện thì “nhiều lúc” đồng nghĩa với phá hoại, đi ngược với chương trình kế hoạch của Chúa?

Phải chăng đời sống của người Kitô là kết hợp hài hòa giữa Martha và Maria? Giữa tất bật và an bình? Giữa lăng xăng và yên tĩnh? Giữa hoạt động phục vụ và cầu nguyện chiêm niệm?  Ðể rồi giữa tất bật ta tìm thấy an bình, giữa lăng xăng ta thấy mình yên tĩnh, giữa hoạt động phục vụ ta thấy mình chiêm niệm cầu nguyện.

Một tấm gương sáng về đời sống “phục vụ và cầu nguyện” mà chúng ta phải luôn ghi nhớ, luôn nỗ lực để noi gương bắt chước.  Đó là đời sống của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong suốt 30 năm Giáo Hoàng của Ngài là 30 năm cầu nguyện và phục vụ không ngơi nghỉ.  Đời sống của Ngài là một sự phối hợp hài hòa giữa phục vụ và cầu nguyện; là một đời phục vụ với cầu nguyện liên lỉ và một đời cầu nguyện với phục vụ không mệt mỏi.

* * * * *

Lạy Chúa! Khi bị bao vây bởi muôn vàn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những giây phút thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những giây phút thinh lặng nghỉ ngơi bên Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài.
Khi những đam mê dục vọng bủa vây con,
xin cho con được thoát ra khỏi, nhờ sức mạnh của cầu nguyện.
Lạy Chúa! Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cuộc sống của con.
Vì nhờ cầu nguyện, con gặp được chính con người thật của con và khuôn mặt của Chúa.

Amen

CON TIN CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG CON

Nhà tôi đông anh chị em, tôi là đứa con đầu tiên của gia đình được lên thành phố học đại học. Đằng sau niềm tự hào, phấn khởi của gia đình, tôi biết đó còn là nỗi lo toan vất vả cho ba mẹ.  Bởi thế, mới bắt đầu vào năm thứ nhất được hai tháng, tôi quyết định đi làm thêm.  Mong sao phần nào giúp đỡ được cho ba mẹ.

Theo kinh nghiệm của các anh chị khóa trên truyền lại thì nghề gia sư (kèm trẻ tại gia) là “ngon ăn” hơn cả.  Vừa nhẹ nhàng vừa tốn ít thời gian (4- 6 tiếng / tuần) mà không ảnh hưởng đến việc học nhiều lắm.  Vậy là tôi quyết định đến trung tâm gia sư xin việc.  Tôi nhận dạy toán cho một cô bé lớp 11 vào buổi tối, từ 19 giờ đến 21 giờ các ngày thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần.   Sau khi nộp lệ phí cho trung tâm và ký hợp đồng, họ đưa giấy giới thiệu cùng địa chỉ của gia đình học sinh cho tôi rồi nói:

– Bây giờ, em đến gặp gia đình họ và làm quen với học sinh của mình đi.  Nếu không có gì thay đổi thì thứ Năm này, em dạy luôn nhé!

Tôi ra về, lòng vừa thấy vui lại vừa thấy hơi lo lo.  Vui vì mình sẽ đi làm và sẽ có lương.  Còn lo là lo không biết gia đình họ có “hắc xì dầu” không, học sinh có ngoan không?  Bởi nghe có người kể, có nhiều gia đình rất ghê gớm.  Còn có gia đình thì học sinh láo lắm, cãi và thậm chí còn chửi cả người dạy…. Vừa đứng chờ xe Bus, tôi vừa cầu xin Chúa chúc lành cho tôi.

Hỏi thăm, tôi biết chỉ có duy nhất xe bus số 33 là đi qua nơi tôi sẽ dạy.  Sau 15 phút đợi, tôi đã ngồi yên vị trên xe 33 để tới nơi mình cần tới.   Chiếc xe ậm ạch lăn bánh trên con đường đầy ổ trâu, ổ gà khiến tôi thấy… choáng!  Đâu chỉ vậy, còn quang cảnh xung quanh nữa chứ.  Hai bên đường chạy dài chỉ có cây và cây, um tùm và cao lừng lững.  Xa hơn chút nữa thì có hai hay ba khu đất là công trường đang thi công dở dang.  Nhà dân thì thưa thớt, nhìn kỹ mới thấy lẻ tẻ vài căn nhà.  Có lẽ đây là khu đất mới đang thi công.

Mười tám tuổi, chân ướt chân ráo lên thành phố, nhìn cảnh tượng nơi  này như thế, tôi thấy rờn rợn người… Và tôi muốn bỏ cuộc, không muốn tới đây gia sư nữa.  Nhưng nếu rút hợp đồng, tôi sẽ mất 60% tiền đã đóng.  Thế sẽ ra sao đây?  Đó là số tiền ăn tháng này mẹ vừa gửi lên cho tôi. Còn nếu đồng ý đi dạy ở đây ư?  Liệu tôi có can đảm không khi mà ở đây hoang vắng lại chỉ có duy nhất xe bus 33 chạy qua.  Mà khi tôi kết thúc giờ dạy cũng là lúc hết giờ xe bus hoạt động. Hay là đi xe đạp? Sẽ ra sao khi tôi là con gái, 9 giờ tối mới lóc cóc đạp xe về nhà trên con đường đậm chất “rừng núi” này?  Tôi thấy tâm trí mình cứ rối tung rối mù hết cả lên.  Tôi đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, lùi cũng khổ mà tiến cũng không xong.

Suy nghĩ miên man, cộng thêm cái nắng nóng bỏng của mùa hè khiến mồ hôi cứ túa ra trên áo làm tôi chuếnh choáng.  Thật sự, lúc ấy tôi thấy mình bị bỏ rơi!  Cái cảm giác đó khó mà dứt trong tôi khi không có một chuyện xảy ra…

Ngồi như bị thôi miên trên xe, bất chợt tôi bừng tỉnh bởi tiếng chuông nhà thờ!  “W…o…a! Ở đây có nhà thờ, có nhà thờ!”  Suýt nữa thì tôi hét to lên câu ấy.  Chính tiếng chuông ấy đã nói cho tôi biết: “Chúa luôn ở bên tôi, đồng hành cùng tôi.”   Cảm giác an lành, sung sướng tràn ngập trong tôi.

Điểm xe bus ngay nhà thờ chính là điểm tôi xuống.  Tôi dừng lại dành một phút để cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin phó thác tất cả nơi Người.” Vừa làm dấu xong thì có tiếng nói:

– Ồ, cháu cũng theo đạo à?  Bác cũng là người công giáo đây.

Câu nói thân thiện của một bác gái làm tôi thấy ấm lòng.  Thế là tự nhiên hai bác  cháu  tôi  nói  chuyện rất cởi mở với nhau.  Sau mãi tôi mới ngớ người ra là quên chưa hỏi địa chỉ mình cần tìm.  Và không thể tả nổi cái cảm giác hạnh phúc ngày hôm đó khi biết cô bé học sinh tôi sẽ dạy lại là con gái của bác.  Khi nghe tôi trình bày điều kiện đi lại không thuận lợi, bác đã đồng ý cho tôi chuyển dạy vào các buổi sáng thứ Bảy và Chủ Nhật.  Và sáng Chủ Nhật, khi dạy xong, tôi sẽ cùng gia đình bác đi tham dự Thánh lễ.

Nhờ hồng ân của Chúa mà tôi mới được như vậy đấy. Tôi luôn tin tưởng vào Chúa, tin là Người luôn đồng hành cùng tôi dù đó là bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

Thật hạnh phúc khi bạn sống có niềm tin!  Và hạnh phúc hơn nữa khi bạn đặt niềm tin vào Chúa Kitô!

( giaophanhanoi.org – Trang “Sinh Viên & Giới Trẻ” )

 ĐIỀU KHÁC THƯỜNG TRONG NHỮNG CÁI BÌNH THƯỜNG

Tôi vẫn nhớ câu chuyện thầy Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương kể cho chúng tôi nghe trong một buổi học: Lúc thầy còn trẻ ở quê miền Trung, trong một lần dạo chơi ngoài đồng vắng, chú “tiểu đồng” đi theo đã hỏi thầy: “Cậu ơi, bông hoa nở trong kẹt đá để làm chi, không có ai thấy cả!”.

Câu hỏi của chú bé nọ đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi.  Nhiều lần tôi đã suy nghĩ đề tìm câu trả lời, nhưng tôi chỉ tự trả lời được bằng một câu “kinh điển” chung chung: Vì Thiên Chúa yêu thương loài người nên Ngài dựng nên muôn loài muôn vật cho loài người hưởng dùng mà ca ngợi Ngài! Tôi đã “ví von” câu chuyện này qua bài thơ “Ngẫm Nghĩ” sau đây:

Đoá hoa nở giữa đồng không.
Con chim hót giữa mênh mông đất trời.
Sao lấp lánh giữa chơi vơi.
Cá tôm bơi lội giữa khơi nước ngàn.
Vô thường mà lại đa mang,
Thân con giữa chốn trần gian đông người.
Sinh ra để khóc hay cười?

****************

Hôm nay, sau một cuộc nói chuyện với hai bạn trẻ đến thăm và sau khi tình cờ đọc xong một đoạn trong cuốn “Hoàng Tử Bé” của Saint-Exupéry, tôi đột nhiên “thấy” được một câu trả lời có vẻ cụ thể và “sát sườn” hơn cho mình: “Bông hoa ấy nở trong kẹt đá là để chú bé kia thấy nó và đặt ra câu hỏi nọ”.  Bông hoa ấy không nở ra một cách “vô nghĩa lý” trong cuộc đời!

Tôi thử suy nghĩ thêm và thấy có điểm tương đồng giữa bông hoa nọ và một con người nào đó đang hiện diện trên cuộc đời này:  Không ai có mặt trên cuộc đời một cách “vô nghĩa lý” cả.  Nếu Thiên Chúa dựng nên một người thì chắc chắn người ấy đã được Ngài trao cho một sứ mạng để hoàn thành.

Tôi trở lại suy nghĩ về những bông hoa và thấy Thiên Chúa đã dựng nên quá nhiều bông hoa, hình như nhiều hơn cả mức cần thiết, như chú bé nọ đã nhận xét.  Nhưng nghĩ cho kỹ, tôi thấy bất kỳ bông hoa nào – dù là bông hoa dại – cũng có một “sứ mạng”: hoặc là để cho con người ngắm nhìn, hoặc là để cho ong bướm hút mật, hay thậm chí để cho chim chóc côn trùng nhấm nháp cho no bụng…  Không bông hoa nào nở ra một cách vô ích cả.

Con người cũng vậy.  Hình như Thiên Chúa dựng nên nhiều người quá, có lẽ nhiều hơn cả mức cần thiết?  Thầy Dương đã đưa ra nhận xét như thế khi đi giữa đường phố Sài Gòn đông nghẹt người.

****************

Trong hàng tỷ người đang có mặt trên trái đất này, thoạt nhìn, có rất nhiều cuộc đời xem ra vô nghĩa lý vì “ẩn khuất trong những kẹt đá” như bông hoa mà chú bé nọ đã tình cờ nhìn thấy.  Họ âm thầm được sinh ra và âm thầm chết đi mà chẳng để lại dấu tích gì trên trần gian.  Thậm chí nhiều khi cuộc đời họ chỉ toàn là đắng cay bất hạnh phải âm thầm gánh chịu một mình.  Thế thì họ được sinh ra làm gì nhỉ?

Chú bé nọ “tình cờ” gặp được bông hoa và đặt ra được một câu hỏi.  Khi ấy chú còn quá nhỏ để biết rằng câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi mà chú đặt ra.  Tôi hy vọng rằng khi lớn lên chú đã tìm ra câu trả lời cho mình.  Nếu còn sống, bây giờ chắc “chú” cũng đã bước qua tuổi 70!

Riêng tôi, nhờ câu hỏi ấy mà tôi tìm ra được một câu trả lời về cuộc nhân sinh cho chính mình: Mỗi một con người được sinh ra trên mặt đất này là để hạnh ngộ với một-ai-đó.

Rất nhiều lần và rất tình cờ, tôi đã được soi sáng bởi những con người “vô danh”:  những người hành khất, những người tàn phế, những đứa trẻ con, những người nhà quê bình dị…  Nếu được phép, tôi xin ví họ như những bông hoa nở trong kẹt đá.  Họ âm thầm sống giữa cuộc đời, không kỳ vọng có một ai đó “ngắm nhìn” mình, “trưng bày” mình cho những người khác chiêm ngưỡng.  Họ sống một cuộc đời bình dị.  Họ được sinh ra trong bình dị và sẽ chết đi trong bình dị, hầu như không để lại một dấu ấn nào cho những người chung quanh.  Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, họ đang âm thầm thực hiện sứ mạng cao cả của mình dù họ không hay biết.  Nếu họ sống đúng với ơn gọi làm người, chắc chắn họ đang soi sáng cho ít là một-ai-đó đã may mắn tình cờ gặp được họ.  Là người, họ đang thực hiện sứ mạng cao cả của một con người trong cuộc đời này.

****************

Là Kitô hữu, là con cái “gần gũi” của Thiên Chúa, chắc chắn tôi đang mang trong mình một sứ mạng trọng đại mà Thiên Chúa trao phó.  Sứ mạng ấy trọng đại không phải vì tôi sẽ làm những việc lớn lao mang lại những thành công vang dội khiến nhiều người trầm trồ thán phục.  Không, như một bông hoa dại nở trong kẹt đá, sứ mạng trọng đại của tôi là hãy nỗ lực làm triển nở toàn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong chính hoàn cảnh sống hiện tại của mình.  Rồi đến một lúc bất ngờ nào đó, phút giây hạnh ngộ giữa tôi và một-ai-đó sẽ đến.  Nếu cuộc gặp gỡ này có thể giúp cho người đó đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của cuộc nhân sinh, thì tôi đã thực hiện được sứ mạng mà Thiên Chúa uỷ thác khi Ngài cho tôi được diễm phúc sinh ra trong cuộc đời này.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sống một cách “khác thường” giữa những điều “bình thường” trong mọi giây phút của cuộc đời con. Amen.

– Trầm Tĩnh Nguyện –

YÊU RỒI LÀM

Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái làng chơi đến cám dỗ.  Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:

– Thầy không biết yêu sao?

Vị ẩn sĩ trả lời:

– Chưa đến giờ đó thôi.

Câu chuyện bỏ lửng tại đó.  Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường.  Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị.

Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:

– Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!

***********************************

Người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay hỏi Đức Giêsu:  “Ai là người thân cận của tôi?”  Thay vì trả lời, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường.  Trong khi hai thầy tư tế và Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.

Đức Giêsu hỏi lại người thông luật:  “Vậy ai là người thân của kẻ bị cướp?”.  Hỏi tức là trả lời.  Và người thông luật đáp:  “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”.  Đức Giêsu bảo:  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).

Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samari nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.  Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”, làm thực sự với hết khả năng của mình.  Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông.  Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay.  Đức Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó:  “Hãy đi và làm như vậy”.  Pascal đã nói:  “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương”.

Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.

Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.

Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình.  Chúng ta muốn được yên thân!  Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi:  “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?”.  Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi:  Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại săn sóc người ấy?”  Người Samari tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.

Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân.  Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân.  Kahil Gibram có một câu nói chí tình:  “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải.  Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”.  Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình.  Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn.  Càng muốn được yên thân, con nguời càng vong thân..

Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.

Con người chỉ thành đạt đúng nghĩa, chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.

Người Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác.  Mẹ Têrêsa Calcutta nói:  “Kitô hữu là người dám trao ban chính bản thân mình”.

Yêu rồi làm.  Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em.  Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn, đau khổ.  Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.

***********************************

Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc.  Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ, chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em.  Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con.  Amen!

Thiên Phúc

Kinh LẠy Cha

Một bạn trẻ cầu nguyện:

– Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Thiên Chúa:

– Con gọi gì vậy?

– Đừng có ngắt ngang, con đang cầu nguyện.

– Nhưng mà con đang gọi đến Ta.

– Con gọi đến Ngài? Không, đâu phải vậy, chúng con luôn cầu nguyện như thế: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

– Đó, thêm một lần nữa con lại gọi Ta đến, muốn thưa một chuyện gì? Nào hãy bắt đầu đi!

– Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng…

– Con có nói thiệt không đấy?

– Con nói thiệt cái gì?

– Nói thiệt là nguyện cho Danh Ta cả sáng. Ý nghĩa của câu này là gì con biết không?

– Nó có nghĩa là … là… Trời ơi, làm sao con biết được nghĩa là gì?

– Nó có nghĩa là con tôn thờ Ta và Ta là người quan trọng duy nhất, với một danh xưng luôn được tôn kính.

– Vậy à, con hiểu rồi.  Thôi để con cầu nguyện tiếp: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…

– Con có làm như vậy thật không ?

– Làm như ý Cha hả, đương nhiên rồi. Con đi tham dự thánh lễ Chúa nhật đều đặn, con giúp cho  nhà thờ và luôn đóng góp cho những việc từ thiện.

– Ta muốn con làm thêm hơn nữa. Ta muốn con ổn định lại cuộc sống của con. Muốn con bỏ đi những thói quen tật xấu để khỏi làm phiền đến người khác, muốn con nhìn thấy suy nghĩ của người khác và biết suy nghĩ cho người khác, để mọi người chung quanh con được giúp đỡ, và để mọi người nhận biết được chân lý.  Ta muốn con chữa lành cho những người bệnh tật, muốn con làm cho những người đói được no đầy, những người đau khổ được an ủi, những kẻ tù đầy được tự do.  Vì tất cả những gì con làm cho họ, là con làm cho chính Ta.

– Tại sao Ngài lại trách móc những điều này nơi con? Ngài thử nghĩ xem, trong nhà thờ còn bao nhiêu kẻ giả hình đang ngồi đó? Ngài hãy nhìn kỹ đi kìa!

– Xin lỗi nhá! Ta cứ tưởng con cầu nguyện cho vương quốc của Ta trị đến và ý của Ta được thể hiện.  Vậy hãy bắt đầu từ nơi bản thân mình, là người cầu nguyện những điều ấy.  Khi nào ý của con giống như ý của Ta thì lúc đó con mới xứng đáng là người rao giảng Tin Mừng về vương quốc của Ta.

– Con thông hiểu rồi, vậy Ngài hãy để cho con cầu nguyện tiếp tục: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày.

– Nhưng con đang nặng cân quá rồi. Điều con đang cầu nguyện nói lên trách nhiệm của con đối với hàng triệu người đang đói khổ trên thế giới, hãy lo cho họ thức ăn đầy đủ hằng ngày.

– Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con!

– Vậy đối với người đồng nghiệp của con thì sao?

– Ngài đừng có nhắc đến cái thằng khốn nạn ấy! Ngài biết mà, nó đã nhục mạ con trước mặt mọi người. Nó kiêu căng phách lối, mỗi khi thấy mặt nó là đã làm cho con bực tức.  Nó cũng biết điều đó nhưng nó không tôn trọng con. Nó chỉ chọc giận con thôi, nó là cái thằng đáng ghét.

– Ta biết! Ta biết! Nhưng mà lời cầu nguyện của con?

– Thật ra con đâu nghĩ như vậy.

– Ít ra thì con đã thật lòng.  Con có vui không khi luôn mang theo trong lòng của mình nhiều cay đắng và sự ác cảm?

– Không… Nhưng thằng đồng nghiệp làm cho con muốn bệnh luôn.

– Ta muốn chữa cho con. Hãy tha cho nó và cho chính con. Có thể Ta đã tha cho con trước rồi. Sự kiêu căng và hận thù là tội của hắn không phải của con. Có thể con sẽ mất tiền, mất danh dự tiếng tăm, nhưng trong trái tim của con tràn đầy an bình.

– Không biết con có thể  vượt qua được thử thách này không?

– Ta sẽ giúp con.

– Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

– Không có điều gì tốt hơn điều đó. Hãy nêu lên những con người hoặc sự việc làm cho con bị cám dỗ.

– Ý Ngài muốn nói gì?

– Con biết những khuyết điểm của con mà: sự ngang tàng, cách xài tiền, tính dục, sự tức giận, cách giáo dục … Đừng để cho bị cám dỗ.

– Con nghĩ đây là Kinh Lạy Cha khó nhất mà từ hồi nào đến giờ con đã đọc.  Nhưng kinh này có liên quan đến cuộc sống của con.

– Rất tốt, chúng ta đang có đà tiến.  Con hãy cầu nguyện cho xong đi!

– Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời. Amen!

– Con biết điều gì làm cho Ta vui không? Khi mọi người và ngay chính con bắt đầu ý thức tôn trọng Ta và nghiêm túc khi đọc Kinh Lạy Cha, làm theo lời Ta dạy và làm theo ý Ta.  Nếu mọi người nhận ra được sứ mạng của mình là sự chuẩn bị cho nước Ta trị đến ngay giữa thế gian thì chính đó cũng là điều sẽ làm cho mọi người được hạnh phúc và bình an.

* * * * *

Lạy Chúa! Xin giúp con … Xin giúp con luôn quyết tâm cầu nguyện và dấn thân phục vụ trong yêu thương tha thứ. Amen

Sưu tầm