TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ

Mùng 3 Tết, ghé Trung Tâm thăm cộng đoàn và bệnh nhân.  Lần đầu tiên gặp em, em trong mắt tôi là một người tri thức, xinh gái.  Hỏi thăm thì em nói rằng em đến Trung Tâm để giúp các em nhỏ học hành.  Tôi ngạc nhiên trước sự hy sinh lớn lao cao cả này vì lẽ giữa nhịp sống “kinh tế thị trường mà có người quảng đại như thế !

Trên đường về, anh bạn mới cho tôi biết sự thật về em: em bị nhiễm vi khuẩn AIDS!!!

Tôi hụt hẫng vì thật sự mà nói em có khuôn mặt khả ái, dễ nhìn, tri thức, trình độ ngoại ngữ thuộc loại khá, đi nước ngoài cũng nhiều … vậy mà !

Lần sau gặp lại em, tôi mạo muội hỏi thăm em và em bắt đầu kể cho tôi nghe :

“… Em quen anh cách đây 5 năm. Và rồi em chợt nhận ra giữa anh và em có một khoảng cách quá lớn.  Khoảng cách đó chính là lập trường sống.  Em từ bé theo gia đình bước vào đời với công việc kinh doanh và rồi em điều khiển cuộc sống của em bằng kinh doanh và kinh doanh chi phối đời em.  Còn anh thì ngược lại.  Gia đình anh thuộc gia đình công chức và lập trường của anh là chính trị.  Anh muốn điều khiển con người theo chính trị và chính trị chi phối đời anh.

Nhận ra sự bất đồng ấy và rồi em chủ động chia tay …

… Tưởng chừng cuộc chia tay ấy đơn giản nhưng chẳng đơn giản chút nào cả.

Anh đã đến nhà em, anh đã van xin, anh đã quỵ luỵ để được đến với em như ngày nào.
Lý trí em đã quyết định đường ai nấy đi cho thanh thản nhưng rồi con tim lại kéo em về bên anh.

… Và tưởng chừng sự quay lại ấy bình yên nhưng nào ngờ lại có sóng gió.

Bỗng nhiên anh nghĩ lại anh là một người đàn ông, một người cứng rắn với lập trường chính trị của mình mà phải yếu đuối, phải van xin tình cảm của một cô con gái….  Anh trút nỗi buồn ấy với một người hàng xóm bằng những mũi tiêm oan nghiệt.

Một thời gian sau, người hàng xóm của anh qua đời.  Người hàng xóm ấy qua đời vì bị sốc thuốc.  Sau đó anh đi khám nghiệm AIDS và rồi anh cùng gia đình suy sụp.

Em cũng chẳng thoát được căn bệnh thế kỷ khi tình yêu em đã dành hết cho anh.

… Ngày còn học cấp III, em có nghe nói về căn bệnh này nhưng em chẳng hiểu tại sao em bị như vậy … em xem như đây là điều không may trong cuộc đời.

Em đã bỏ quê hương để vào đây tá túc trong những ngày còn lại của cuộc đời.  Bố mẹ của anh ấy cũng đã vào đây đón em về để chăm sóc nhưng em không chịu.  Anh có ngỏ ý cưới em nhưng em không đồng ý vì em không muốn lấy một “em bé” về làm chồng.  Sở dĩ em nói anh là “em bé” vì từ bé đến giờ anh chỉ sống trong sự cung phụng của gia đình, anh chẳng có một chút trách nhiệm gì cả thì lấy về làm gì.  Lấy về chỉ thêm khổ …”

Nghe em tâm sự về cuộc đời của em tôi mới hiểu được căn bệnh từ đâu.  Chỉ từ một chút tự ái, một chút nông nỗi mà người tình đã đi tìm đến mũi thuốc oan nghiệt để giải sầu.  Tưởng chừng giải được sầu nhưng nào ngờ đâu cái sầu đó lại ngày càng chồng chất lên anh bạn và lên đời của em.

Nghe chuyện của em lòng tôi quặn lại.  Đau cho em quá!  Đau cho cuộc đời quá!  Thế nhưng trong nỗi đau của mình, sự tàn phế của em đã làm cho tôi cũng như em và mọi người loé lên một tia hy vọng.

Tâm nguyện của em là sẽ dành quãng đời còn lại của mình để giúp cho những người đồng cảnh ngộ.

Em tàn nhưng em không phế.  Cuộc đời và mọi người vẫn trân trọng nhân cách của em.  Ước gì tâm nguyện của em sẽ mãi mãi ở trong em và rồi em tận dụng tất cả những gì trời ban cho em để em phục vụ cho những người em gặp gỡ.

Anmai.CSsR

NGƯỜI KHÔNG NHÌN LẠI

Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh.  Ai ai cũng tin rằng ông sẽ giựt huy chương vàng Thế Vận Hội ở Balê vào năm đó.  Nhưng đột nhiên có vấn đề làm xôn xao dư luận.

Khi chương trình Thế Vận Hội được quảng bá, cuộc chạy đua 100 thước lại xảy ra vào ngày Chúa Nhật.  Với ông Eric, giới răn “giữ ngày Chúa Nhật thánh thiện” có nghĩa ông không được chạy đua vào ngày Chúa Nhật.  Ông thật buồn.

Khi tin đồn khắp nơi là ông Eric sẽ không dự cuộc đua 100 thước, bao nhiêu áp lực đổ lên ông. Ngay cả Hoàng Tử xứ Wales cũng cố can thiệp vào lương tâm của ông.  Khi ông quyết định từ chối tham dự cuộc đua, báo chí Anh quốc gọi ông là kẻ phản quốc.  Nhưng ông Eric vẫn từ chối không muốn đi ngược với điều ông tin tưởng.

Ông gặp các huấn luyện viên và đề nghị một toán lực sĩ sẽ thay ông chạy đua 100 thước. Còn ông sẽ tham dự cuộc đua 400 thước, dù rằng chưa bao giờ trong đời ông tham dự loại này.

Kết quả không những ông Eric đã đoạt huy chương vàng cuộc đua 400 thước mà toàn đội của ông cũng đoạt huy chương vàng cuộc đua 100 thước.  Thay vì chỉ được một huy chương vàng, các lực sĩ chạy đua của nước Anh đã đoạt được hai huy chương vàng.

Một vài năm sau Thế Vận Hội, ông Eric làm thế giới ngạc nhiên khi ông tình nguyện sang Trung Quốc truyền giáo.  Sau đó, người yêu của ông cùng tham gia với ông.  Họ kết hôn và có được ba người con xinh đẹp.

Sau đó Thế Chiến II xảy ra, khi nước Nhật tham dự cuộc chiến, ông Eric đưa gia đình sang Gia Nã Đại.  Sau đó không lâu, Nhật xâm lăng Trung Quốc.  Ông Eric bị bắt và bị đưa vào trại tập trung của Nhật.  Ở đây ông tiếp tục sứ vụ, làm việc với các tù binh khác.

Một vài năm sau, ông từ trần một cách anh hùng trong trại tù.

Sau cái chết của ông, vợ ông nhận được rất nhiều lá thư nói về cử chỉ anh hùng của ông Eric khi ở trong trại. Trong các thư khác, có hai người viết là nhờ ông Eric mà họ đã không tự tử.

Vào năm 1980 có người muốn thực hiện cuốn phim về ông Eric và Thế Vận Hội 1924. Khi vợ ông nghe được, lúc ấy bà đang sống ở Toronto, bà nói, “Có ai để ý đến một biến cố xảy ra đã quá lâu về một người không muốn chạy đua vào ngày Chúa Nhật chỉ vì đức tin Kitô Giáo?”

Kết quả không ngờ là cả hàng triệu người muốn lưu ý.  Cuốn phim, được gọi là Chariots of Fire, không chỉ phá kỷ lục số vé bán mà còn chiếm Giải Academy năm 1982.

**********************************

Câu chuyện của ông Eric Liddell cho thấy khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu nói:

“Ai bắt đầu cầy cấy mà còn nhìn lại thì không phục vụ cho Nước Trời.”

Ông Eric Liddell không bao giờ nhìn lại.  Một khi ông đã quyết định theo Chúa Giêsu, ông luôn nhìn tới trước.  Ông không bao giờ nhìn lại, ngay cả khi phải đương đầu với áp lực của quần chúng. Ông không bao giờ nhìn lại ngay cả khi bị gọi là kẻ phản quốc.

Bí quyết nào giúp ông Eric can đảm không bao giờ nhìn lại?

Bí quyết nào giúp ông trung thành với Chúa Giêsu, ngay cả khi phải đương đầu với sự chống đối trùm lấp?

Bí quyết này nằm trong sự nhận xét của bà quả phụ Eric khi được tờ Toronto Star phỏng vấn. Nói về ông Eric, bà cho biết, “Ông ta luôn luôn dùng giờ phút đầu tiên, thật sớm của một ngày để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hoạch định chương trình trong ngày.”

Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự can đảm của ông Eric. Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự trung thành của ông đối với Chúa Giêsu. Ông Eric Liddell là một người siêng cầu nguyện.  Ông đã có thể luôn cầm lấy cái cầy và không nhìn lại đằng sau vì mỗi sáng ông đều gặp Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện.

Câu chuyện của ông Eric Liddell đã thách đố chúng ta.  Chúng ta không thể chỉ nghe qua những câu chuyện này và không cảm thấy một tiếng nói bên trong mời gọi chúng ta thi hành điều gì đó tương tự trong đời sống chúng ta.

Nếu chúng ta có khó khăn khi phải để ý đến Chúa Giêsu, nếu chúng ta có khó khăn nắm chặt cái cầy và đừng nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng, có lẽ chúng ta phải nghĩ đến lời hứa hằng ngày với Chúa Giêsu.

Lời hứa đó phải là gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời. Nhưng chúng ta phải thi hành điều gì đó.  “Điều quan trọng là lời hứa.”

**********************************

“Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại.
Xin dạy con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng;
biết cho đi mà không quan tâm đến giá cả;
biết tranh đấu mà không để ý đến thương tích;
biết cần cù mà không tìm sự an nhàn;
biết lao nhọc và không tìm phần thưởng,
ngoại trừ được biết là con đang thi hành thánh ý Chúa.”

Tóm lược theo LM Mark Link, S.J.

ĂN CƠM “CHÙA”

Hai cha con bé Việt ngồi nói chuyện bên nhau :

-Ba ơi ! Chiều nay Ba cho con mời thằng Nam về nhà ăn cơm chung với nhà mình được không ?

-Được. Con cứ mời.

Sau bữa cơm chiều, Việt chạy đến bên Ba và xin :

-Ba ơi! Ba cho phép thằng Nam ngủ lại nhà mình tối nay được không?

-Được. Nhưng con phải nói  bạn con  xin phép bố mẹ nó nghe chưa .

Qua ngày hôm sau, Việt lại xin phép ba đem thêm ba người bạn nữa: Quốc, Bình, Hương, về  nhà ăn cơm chung. Rồi cũng như Nam, cả ba đứa đều xin ngủ lại nhà Việt sau cơm tối. Những ngày sau đó, Việt lại đến xin Ba cho phép đem Hưng, Yến, Vân, Kiều về ăn cơm chung, và cũng như hai đêm trước, tất cả các em đều xin ngủ lại nhà Việt .

Bạn sẽ phản ứng làm sao, nếu bạn chính là ba của bé Việt ? Bạn sẽ nghĩ  sao nếu bé Việt cứ tiếp tục mời không những hai hay ba đứa bạn, mà cả chục đứa bạn về nhà ăn cơm “chùa” mỗi ngày, và rồi bọn trẻ lại đòi ở luôn không chịu về ?

* * * * *

Bạn thân mến, trên thế gian này cũng có một người đã làm giống như bé Việt. Đó chính là bé Giêsu.  Không những Bé Giê-su mời một chục, một trăm, mà cả triệu triệu bạn về nhà Ba ăn chung, ăn “chùa”.

“Hỡi những ai khát, hết thảy hãy đến, có nước đây ! Cả những ai không có tiền, cũng hãy đến ! Hãy mua mà ăn ! Hãy mua rượu, mua sữa, mà không cần trả đồng xu nào !” (I-sa-ia-a 55:1)

Ngày hôm nay, Bé Giêsu cũng đang mời chính bạn đó. Bé mời bạn vào ăn chung bàn, chung bữa trong nhà “Ba”. Tự bạn, bạn không thể vào nhà Ba một mình, ngồi ăn chung với Ba một mình, nhưng nếu bạn theo Bé Giêsu, “dựa hơi” Bé Giêsu, núp sau lưng Bé Giêsu, bạn sẽ được ăn chung bàn với Bé, và với Ba.  Ăn xong, bạn hãy nhờ Bé Giêsu xin phép Ba cho bạn ở luôn trong nhà Ba. Được như vậy, chắc hẳn Bé Giêsu, các bạn của Bé và cả bạn nữa sẽ vui sướng lắm.

Uớc mong, mỗi khi tham dự  Bàn Tiệc Thánh, và nhất là vào giây phút cuối của cuộc đời, bạn và tôi có thể thưa với Ba : “Ba ơi ! Ba nhìn kìa, Giêsu con yêu dấu của Ba, Ngài đang đến cùng Ba dẫn theo những con cái Ba đã trao cho Ngài! ” (Dt. 2:13) rồi nương theo Giêsu mà vào dự Bàn Tiệc Thánh, vào dự tiệc thiên quốc, vào thiên đàng, vào Nhà Cha.

Hãy quyết tâm, cầu nguyện và dấn thân … bạn nhé …

Trích Daily Bread

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Một cậu bé 15 tuổi đang cùng bố mình lái xe đi ngang qua một phi trường bé xíu tại một thị trấn nhỏ vùng Ohio, thình lình một chiếc phi cơ đang bay rất thấp mà người lái không còn kiểm soát được nữa nên chúi mũi xuống đường.  Thấy thế cậu bé liền hét lên:

– Bố ơi, bố ơi! dừng lại ngay!

Vài phút sau, cậu ta lôi chàng phi công ra khỏi chiếc phi cơ.  Đó là một chàng sinh viên tập lái, 20 tuổi, đang thực tập cất cánh và hạ cánh phi cơ. Chàng thanh niên ấy đã chết trong tay cậu bé.  Ngay khi về đến nhà cậu bé vừa nhảy đến ôm mẹ vừa khóc vừa nói:

– Mẹ ơi! Anh ấy là bạn con! Anh ấy mới chỉ hai mươi tuổi thôi!

Đêm đó cậu bé vẫn còn bị khủng hoảng tinh thần nên không ăn uống gì được.  Cậu liền về phòng, đóng cửa và leo lên giường nằm.  Lúc đó cậu đang làm việc ngoài giờ trong một tiệm bán tạp hoá. Kiếm được đồng nào cậu liền dành dụm để học lái máy bay.  Mục đích cậu nhắm là lấy cho được bằng lái máy bay vào năm 16 tuổi.  Bố mẹ cậu lo lắng không hiểu thảm kịch trên có ảnh hưởng gì đến đứa con mình không.  Cậu ta sẽ nghỉ học bay hay vẫn cứ tiếp tục?  Họ đồng ý để cho cậu bé hoàn toàn quyết định.  Hai ngày sau mẹ cậu mang bánh buýt qui lên phòng cho cậu.  Nhìn vào ngăn kéo tủ bà thấy có một quyển vở mở trang.  Đó là quyển vở cậu bé còn giữ lại từ hồi thơ bé.  Ngay trang đầu bà đọc thấy hàng chữ hoa: “ĐỨC TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU”.  Và phía bên dưới cậu liệt kê một lô những đức tính sau đây:

“Chúa Giêsu không hề phạm tội.

Ngài sống khiêm nhường và nâng đỡ người nghèo khổ;

Ngài không ích kỷ, Ngài gần gũi Thiên Chúa….”

Bà mẹ nhìn thấy trong giờ phút quyết định, cậu bé đã biết cầu xin Chúa Giêsu hướng dẫn.  Thế là bà quay về cậu bé và nói:

– Con quyết  định thế nào về vấn đề học bay?

Cậu bé liền nhìn vào mắt mẹ trả lời:

– Thưa mẹ, con hy vọng rằng mẹ và bố sẽ hiểu cho con, nhưng với ơn Chúa giúp, con sẽ phải tiếp tục học bay.

Cậu bé đó chính là Neil Amstrong.  Vào ngày 20-7-1969, Amstrong đã trở thành người đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng.  Đó chính là nhờ ơn Chúa giúp cậu tiếp tục học bay, mặc dù thấy anh bạn mình đã chết vì việc học đó.

*************************

Câu chuyện trên đã trả lời một cách sống động khác thường câu hỏi mà Chúa Giêsu nêu ra trong bài Phúc Âm hôm nay: “Các ngươi cho Ta là ai?” Cậu thiếu niên Neil Amstrong đã không trả lời Chúa Giêsu bằng câu nói: “Ngài là Con Thiên Chúa” hay “Ngài là Đấng Mêsia” hoặc “Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Amstrong đã trả lời đơn giản hơn nhiều: “Ngài là người biết chăm sóc kẻ khác, là người gần gũi Thiên Chúa”.  Nói rõ hơn, Neil Amstrong đã không trả lời một cách thần học cho câu hỏi: “Các ngươi cho Ta là ai?” Amstrong đã đưa ra câu trả lời của riêng mình.  Cậu đã nhìn sâu vào tâm hồn mình và mô tả cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong cuộc sống riêng tư của cậu.

Mỗi người trong chúng ta cũng phải làm giống như cậu bé Amstrong.  Chúng ta cũng phải nhìn sâu trong tâm hồn mình để mô tả cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong chính cuộc sống của mình, tức là phải nhìn sâu vào tâm hồn mình trước khi trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Các ngươi cho Ta là ai?”.  Và cảm nghiệm này mang tính riêng tư không giống ai.  Chẳng hạn đối với một số người trong chúng ta, Chúa Giêsu là Đấng chúng ta có thể chạy đến cầu xin hướng dẫn mỗi khi chúng ta gặp bối rối.  Đối với một số khác, Chúa Giêsu là Đấng ban sức mạnh mỗi khi gặp thử thách; đối với số người kia, Chúa Giêsu là Đấng an ủi khi buồn phiền.

Từ đó, chúng ta bước sang phần sau của bài Phúc Âm hôm nay. Nếu phần đầu bài Phúc Âm nêu câu hỏi: “Chúng ta cho Chúa Giêsu là ai?” thì phần sau lại nêu câu hỏi ngược lại: “Chúa Giêsu thấy chúng ta là người như thế nào? Ngài xếp chúng ta vào loại người nào?” Ngài đã từng tuyên bố: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy vác thánh giá mỗi ngày mà theo Ta” những lời này đòi buộc chúng ta tự vấn chính mình. “Chúa Giêsu nghĩ gì về chúng ta?  Ngài có xếp chúng ta vào số các môn đệ Ngài không?”  Nói cách khác, chúng ta có vác thánh giá hàng ngày bước theo Chúa Giêsu không?  Chúng ta có sẵn sàng phục vụ kẻ khác như Chúa đã phục vụ chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng  nâng đỡ tha nhân khi họ gặp thử thách không? Và khi gặp bối rối, âu lo, kẻ khác có thể nhờ chúng ta chỉ đường dẫn lối cho không?

Tóm lại, bài Phúc Âm hôm nay đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi quan trọng. Chúa Giêsu là ai trong đời chúng ta?  Và chúng ta là ai dưới con mắt của Chúa Giêsu?  Mỗi người chúng ta phải tự mình trả lời cho hai câu hỏi trên.

*********************************

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện sau đây lên Chúa Giêsu.  Lời nguyện này do một Kitô hữu vô danh viết ra cách đây gần 1500 năm.:

Lạy Chúa!

Xin hãy là ngọn lửa bừng sáng trước mắt con,
Xin hãy là vì sao dẫn lối  trên đầu con,
Xin hãy là lối đi êm ái dưới chân con,
Xin hãy là mục tử nhân từ đằng sau con,
Xin mãi mãi là như thế đối với con:
Hôm nay – đêm nay – và muôn đời muôn kiếp.

Theo Lm Mark Link S.J.

GIỌT NƯỚC MẮT CỦA TÌNH YÊU

Hai giọt nước mắt đang nổi trôi trên dòng đời.  Giọt nước mắt thứ nhất nói với giọt nước mắt thứ hai rằng:

– Tôi là giọt nước mắt của người thiếu nữ rơi trên gò má khi khóc thương người yêu đã lìa trần.  Còn bạn là ai?

Giọt nước mắt thứ hai trả lời:

– Tôi cũng là giọt nước mắt của cô gái ấy, nhưng rơi xuống trong niềm vui sung sướng hạnh phúc khi đón chào người yêu từ xa trở về.  Cả hai chúng ta đều là những giọt nước mắt của tình yêu…

* * * * *

Bạn thân mến! Trong cuộc đời của một con người, chắc hẳn đã có biết bao lần nước mắt đã chảy dài trên gò má: Có giọt nước mắt của đau khổ tủi nhục nhưng cũng có giọt nước mắt của vui sướng hạnh phúc. Có giọt nước mắt của mất mát chia lìa và cũng có những giọt nước mắt của vui mừng xum họp. Và còn có những giọt nước mắt của tình yêu, giọt nước mắt ấy đã đổ ra vì được yêu hoặc vì thiếu tình yêu.  Nhưng tình yêu là gì nhỉ ? Tình yêu quan trọng và gắn bó với đời sống con người như thế nào nhỉ?  Đó là một trong muôn ngàn câu hỏi về tình yêu mà con người đã đặt ra từ ngàn xưa cho đến ngàn sau…

Phải chăng tình yêu là một điều gì đó rất kỳ diệu trong đời sống của con người.  Phải chăng tình yêu là một sự dâng hiến vô điều kiện của một người trao cho một người. Phải chăng khi yêu người ta tự biến mình trở thành nô lệ cho người mình yêu.  Và phải chăng khi yêu người ta không còn sợ hãi nữa, nhưng trở nên can trường mạnh mẽ, dám cho đi tất cả, hy sinh tất cả, chấp nhận tất cả vì người mình yêu… Chính vì thế, trong thư thứ nhất của thánh Gio-an, Ngài đã khuyên nhủ các tín hữu rằng: “Trong tình yêu không có sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga.4:18)

Tình yêu hoàn hảo là tình yêu như thế nào nhỉ? Phải chăng tình yêu hoàn hảo là tình yêu cho đi vô điều kiện, cho đi tất cả những gì mình đang có, ngay cả chính mạng sống của mình.  Tình yêu hoàn hảo đó chính là tình yêu cao qúy nhất mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, đã trao ban cho con người, vì“Không có tình yêu nào to lớn cho bằng tình yêu của người đã thí mạng vì người mình yêu” (Ga.15:13)

Càng yêu nhiều thì càng đau khổ nhiều…Thiên Chúa đau khổ nhiều vì Ngài yêu nhiều, và vì con người đã không chấp nhận tình yêu của Ngài, đã phản bội tình yêu của Ngài. Và Thiên Chúa cũng đau khổ khi nhìn thấy con người chịu đau khổ trong cảnh trầm luân đời đời … Và những giọt nước mắt của tình yêu lại chảy dài trên gò má của một Thiên Chúa Đau Khổ vì người mình yêu.

* * * * *

Lạy Chúa Giêsu! Chỉ vì yêu thương, Chúa đã tự hủy thân phận của mình là Thiên Chúa để đến trong thế gian, mặc lấy thân phận mỏng giòn yếu đuối của con người, đã sống với con người và đã chết cho con người được sống… Xin cho con cảm nhận được tình yêu thương cao qúy này và biết sống xứng đáng với ơn nghĩa của Chúa để đáp trả phần nào tình yêu thương vô bờ bến của Ngài.  Amen   

LÁ THƯ TÌNH YÊU CỦA CHA TRÊN TRỜI

Con yêu dấu

Có thể con không biết Cha, nhưng Cha biết rõ mọi điều về con (Tv 139, 1)
Biết cả khi con đứng con ngồi (Tv 139, 2)
Mọi nẻo con đi, Cha đều quen thuộc (Tv 139,3)
Từng sợi tóc trên đầu con, Cha cũng đều biết rõ (Mt 10, 29-31)
Vì con được dựng nên theo hình ảnh Cha. (St 1, 27)

Trong Cha, con sống, chuyển động và hiện hữu (Cv 17, 28)
Vì con thuộc dòng tộc của Cha. (Cv 17,28)
Cha biết con trước khi con thành hình trong dạ mẹ (Gr 1,4-5)
Cha đã chọn con khi thiết lập kế hoạch muôn đời. (Ep 1, 11-12)
Sự hiện hữu của con không phải là chuyện tình cờ,

vì mọi ngày của con đều được ghi trong sách của Cha (Tv 139, 15-16)
Cha xác định lúc con sinh ra và nơi con sẽ sống (Cv 17, 26)
Con được dựng nên lạ lùng và kỳ diệu. (Tv 139, 14)
Cha dệt hình hài con trong dạ mẫu thân con (Tv 139, 13)
Và đã kéo con ra khỏi lòng mẹ. (Tv 71,6)
Cha đã bị những người không biết Cha vẽ thành biếm họa (Ga 8, 41-44)
Nhưng Cha không xa cách hay cuồng nộ, mà chỉ là Tình Yêu, (1Ga 4,16)
Và điều Cha ước mong là tuôn đổ tình yêu ấy trên con (1Ga 3,1)

Chỉ vì con là con của Cha và Cha là Cha của con. (1Ga 3,1)

Cha ban tặng cho con nhiều hơn người cha dưới đất của mình (Mt 7,11)
Bởi vì Cha là người cha trọn hảo. (Mt 5,18)
Mọi ân huệ con nhận đều xuất phát từ tay Cha (Gc 1,17)
Vì Cha cung cấp và đáp ứng mọi nhu cầu của con. (Mt 6, 31-33)
Kế hoạch của Cha dành cho tương lai con luôn được hoàn thành trong hy vọng (Gr 29,11)
Vì Cha yêu thương con với một tình yêu muôn đời. (Gr 31,3)
Tư tưởng Cha dành cho con thì nhiều vô kể như cát trên bãi biển (Tv 139, 17-18)
Và Ta vui mừng vì con bằng tiếng hát. (Xp 3,17)
Cha không bao giờ ngưng làm điều lành cho con (Gr 32,40)
Vì con là sở hữu của riêng Cha. (Xh 19,5)
Cha lấy làm vui mà thi ân cho con (Gr 32,41)
và muốn tỏ cho con biết những điều lớn lao và diệu kỳ. (Gr 33, 3)

Nếu con tìm kiếm Cha hết lòng, thì con sẽ tìm thấy Cha (Tl 4, 29)

Hãy lấy Cha làm niềm vui của con và Cha sẽ cho con được phỉ chí toại nguyện (Tv 37, 4)
Vì chính Cha ban cho con những ý nguyện đó. (Pl 2, 13)
Cha có thể làm cho con nhiều điều hơn con có thể tưởng tượng (Ep 3, 20)
Vì Cha là Đấng khuyến khích con không ngừng. (2 Tx 2, 16-17)
Cha còn là người Cha từ bi lân ái và sẵn sàng nâng đỡ ủi an (2 Cr 1, 3-4)

Khi con gặp ưu phiền, Cha luôn ở cạnh con. (Tv 32, 18)
Như người mục tử ẳm bồng con chiên, Cha cũng bồng con cạnh lòng Cha (Is 40, 11)
Rồi đến ngày Cha sẽ lau sạch mọi giọt nước mắt con (Kh 21, 3-4)
Và sẽ xóa đi mọi đau khổ con đã chịu dưới đất này. (Kh 21, 3-4)
Cha là Cha của con, và Cha yêu con như Cha yêu người con Giêsu của Cha (Ga 17, 23)
Vì trong Giêsu, tình yêu Cha đã được mặc khải. (Ga 17, 26)
Ngài là hình ảnh trung thực về Cha (Dt 1, 13)
Ngài đến để làm chứng rằng Cha ở bên con, chứ không chống lại con (Rm 8, 31)
Và để nói với con rằng Cha không xét đến tội lỗi con. (2 Cr 5, 18-19)
Giêsu đã chết đế hòa giải Cha với con (2 Cr 1, 18-19)
Cái chết của Ngài là lời tỏ tình tối hậu của Cha đối với con. (1 Ga 4,10)
Cha đã hy sinh mọi sự để dành lại tình yêu của con (Rm 8, 31-32)
Nếu các con đón nhận Giêsu con Cha, thì con đón nhận Cha (1 Ga 2, 23)
Và không gì có thể tách con ra khỏi tình yêu của Cha. (Rm 8, 38-19)
Con hãy trở về và Cha sẽ tổ chức bữa tiệc Nước Trời lớn chưa từng thấy. (Lc 15,7)
Cha từng là Cha và sẽ mãi là Cha. (Ep 3, 14-15)
Và đây là câu hỏi của Cha: Con sẽ là con của Cha không? (Ga 1, 12-13)
Cha đang chờ đợi con. (Lc 15, 11-32)

Yêu con,
Cha của Con: Thiên Chúa Tối Cao

ĐỨA BÉ LƯỢM VE CHAI

(Câu chuyện đứa trẻ ăn xin cho cuộc sống của những mẹ mìn)

Thường  thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên… tối 28 tết, tôi hoà mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất Thành Phố cấm không cho xe lưu thông chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”), mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hoà lẫn trong dòng người – họ nhảy múa theo tiếng nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường. Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước đám đông – họ chất phác hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào tai nhau khi có chuyện cần.  Đối lập với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên! À, cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình – những kẻ không có bồ hay gia đình – những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân có điều kiện.

Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không lòe loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt.  Chỉ khác lạ. Một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những chai nước suối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt.

– Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra.

Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ?  Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì xảy ra.

Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên mà tính toan bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi nylong thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa và lon coca vào đó – sau đó tôi còn thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.

Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ – Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ. Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé…

– Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không?

Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại và nói:

– Nãy giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không?

Thằng bé có vẻ vẫn còn bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp:

– Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ đêm Bến Thành ăn nhé.

Thằng bé vẫn không nói gì.  Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi:

– Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không?

– Dạ không.

Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi).

Cứ mỗi tối tôi ra chợ Bến Thành ăn đêm thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết). Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lấm lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả đều vô hiệu…

– (Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả…

Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì…

– Đóng kịch rồi chạy hả.

Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên. Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán. Thấy tôi chạy sau người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to.

– Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó.

Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót.  Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi nãy, ngồi xuống bàn, thở dài, miên man suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay.  Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên.

– Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn.  Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi.

– Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi.

– Trời, cậu này thiệt á. Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn.

Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự thật? Vâng nó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra…

* * * * *

Bạn thân mến, không biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối với tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong… Vâng! tôi chỉ ước mong một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu” mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều.

Ước gì! Vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40.

(LM. Martino Nguyễn Bá Thông – www.hayyeuthuongnhau.org) 

THẾ NÀO LÀ KHIÊM NHƯỜNG

Trong một tu viện nọ, luật dòng đòi buộc các tu sĩ hằng ngày phải luyện tập đức khiêm nhường.  Sống thoát ly, diệt trừ tự ái, chết cho chính mình để sống cho Chúa Giêsu là lối tu hành của Dòng Thánh.  Số là có một tập sinh hằng ngày ước ao luyện tập đức khiêm nhường, nhưng không biết làm thế nào cho phải cách.  Thầy đến hỏi một vị linh mục khôn ngoan lão thành trong Dòng về cách thức tập luyện đức khiêm nhường.  Thầy nài xin cha chỉ giáo cách từ bỏ cái tôi tự ái.  Vị linh mục thánh thiện hỏi:

– Này con, con có hứa sẽ tuyệt đối vâng lời cha hay không?  Nếu con vâng lời, cha sẽ dạy cho con biết thế nào là từ bỏ chính mình.

Thầy đáp:

– Thưa cha, con xin hứa vâng lời cha tuyệt đối.

– Thế thì tối nay con hãy làm một việc này cho cha.

– Vâng thưa cha, bất cứ điều gì cha dạy bảo, con cũng sẽ cố gắng làm hết sức.

– Này con, đằng sau tu viện của chúng ta có một cái nghĩa địa.  Tuần qua, thầy An-tôn Dòng ta được Chúa gọi về, vừa mới được chôn cất ở đó.  Đêm nay, con hãy ra ngoài đất thánh đến quỳ trước mộ thầy, suy niệm về cái chết.  Con hãy làm như thế này.  Trong lúc suy niệm về cái chết của thầy An-tôn, con hãy nhớ lại mọi điều tốt lành nhất của thầy để khen ngợi.  Con hãy khen ngợi thầy trước nấm mộ ấy.  Đến khi nào con không còn lời để khen, con hãy tưởng tượng ra những điều hay điều tốt mà thầy không có để ca tụng thầy.  Cha cho phép con tâng bốc, kể cả nịnh hót thầy nữa.  Xong sáng mai, con hãy trở lại gặp cha.

– Vâng, thưa cha, con sẽ làm theo ý cha.

Rồi tối hôm ấy, thầy tập sinh vâng lời bề trên ra ngoài nghĩa địa quỳ trước nấm mộ của thầy An-tôn quá cố suy niệm về cái chết.  Thầy làm y như lời của cha linh hướng.  Tìm mọi lời hay ý đẹp, kiếm những gương lành gương sáng của thầy An-tôn mà khen ngợi.  Cuối cùng, không  còn tìm được lời khen, thầy bịa đặt ra những điều hay điều tốt mà thầy An-tôn không có để tâng bốc.  Đêm tàn, bình minh đến, người tập sinh trở về lại tu viện, đến trình diện cha linh hướng.  Lúc ấy, cha hỏi:

– Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?

Thầy đáp:

– Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy.  Con đã tìm tất cả những điều hay nhất, tốt nhất của thầy An-tôn để mà ca tụng thầy.  Rồi đến khi hết những điều hay để nói thì con đã bịa đặt ra những gương lành gương sáng thầy không có để khen ngợi thầy.

– Thế thì con tâng bốc ca tụng thầy An-tôn, con thấy thầy có phản ứng gì không? Thầy có vui mừng thích chí không?  Hay thầy có nói gì không con?

– Thưa cha, phản ứng làm sao được?  Thầy An-tôn đã chết rồi mà!

– Tốt lắm! Vậy con hãy làm theo ý cha một lần nữa.  Đêm nay, con hãy trở lại nghĩa địa, đến trước nấm mộ thầy mà suy niệm về cái chết.  Nhưng lần này con hãy nhớ lại những điều xấu xa tồi tệ nhất của thầy.  Con hãy cho thầy An-tôn biết những điều con ghê tởm gớm ghét nhất về thầy.  Nếu con không tìm ra những điều xấu về thầy, con hãy dùng trí tưởng tượng mà bày ra những chuyện xấu xa của thầy mà nói với thầy.  Thậm chí, cha cho phép con nguyền rủa thầy!

Thế rồi, đêm hôm ấy, người tập sinh trẻ lại ra thăm mộ thầy An-tôn một lần nữa.  Lần này, trong khi suy niệm về cái chết, thay vì nói những điều tốt lành của thầy An-tôn, người tập sinh kia lại suy về những tội lỗi, những điều tồi tệ của thầy.  Rồi buông lời mắng chửi thậm tệ.  Đến khi hết lời chửi mắng, người tập sinh kia phải phịa ra những điều xấu xa tội lỗi nhất để mà nguyền rủa thầy.  Suốt cả đêm mặc sức mà mạt sát chửi rủa cho đến tảng sáng.  Tiếng gà vừa gáy, người tập sinh chỗi dậy trở về nhà dòng tìm gặp cha linh hướng trình bày đầu đuôi sự việc.  Thấy thầy, cha linh hướng hỏi:

– Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?

Người tập sinh đáp:

– Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy.  Con đã tìm những lời độc địa xấu xa nhất thiên hạ để hạ nhục thầy An-tôn trước nấm mộ của thầy.  Con còn bịa thêm nhiều chuyện để mắng nhiếc thầy như cha đã dạy con.

– Thế thì khi nghe con buông lời mắng nhiếc, thầy An-tôn có phản ứng gì không con?  Thầy có buồn, có giận không con? Hay thầy có nói gì không?

– Thưa cha, lam sao thầy An-tôn buồn giận mà đáp lại được? Thầy ấy đã chết rồi mà!

– Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy.  Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi.  Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận.  Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.

LM Michael Joshep Trường Luân
Trích “Lời cầu động lòng Thiên Chúa”

******************************

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng là gì,
Nhờ thế cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi,
đến với Người trong mọi thứ, mọi điều
và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế không bao giờ tôi lẩn tránh được Người!

Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế trói được thân mình vào ý Người muốn,
Nhờ thế thực hiện ý Người trong suốt đời tôi
Ý ấy là tình yêu Người ràng buộc thân tôi.

R. Tagore

ĐÓI TÌNH THƯƠNG

Nước Êthiôpia phải chịu một nạn đói khủng khiếp trong những năm 1984 đến 1986. Đức Hồng Y Hume của giáo phận Wesminster kể về một câu chuyện xảy ra lúc ngài đến thăm xứ này giữa thời gian đó. Người ta đã dùng một chiếc trực thăng chở ngài đến một ngọn đồi nơi dân chúng đang tập trung chờ cứu trợ.

Khi ngài vừa bước xuống chiếc trực thăng thì một cậu bé khoảng 10 tuổi chạy đến níu lấy cánh tay của Ngài. Em chẳng mặc gì ngoài một chiếc khố. Em cũng chẳng biết ngoại ngữ nên chỉ làm cử điệu tay chân : tay trái em chỉ vào miệng, và tay phải em cầm lấy tay ngài đặt lên má em.

Đức Hồng Y hiểu: chỉ vào miệng nghĩa là em đói thức ăn, và đặt lên má nghĩa là em đói tình thương.

******************************

Mỗi khi một nơi nào đó xảy ra nạn đói thì hầu như cả thế giới xúc động gởi thực phẩm đến tới tấp để cứu đói.  Nhưng có mấy ai quan tâm đến những cái đói tinh thần: đói yêu thương, đói công bình, đói chân lý, đói tha thứ, đói cảm thông…, ai có thể lấp đầy những cơn đói khát đó của nhân loại?   Ai có thể cho những của ăn mà ăn rồi sẽ không bao giờ đói nữa?

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã cảm thông cơn đói của những người đã lặn lội vạm dặm đường xa đi nghe giảng nên Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Dân chúng được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ, bánh ăn rồi lại đói, đói rồi lại đi tìm của ăn.  Bây giờ Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài : “Tôi là bánh trường sinh… Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống…Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.

Như em bé xứ Êthiôpia trong câu chuyện trên, em không chỉ đói lương thực mà còn đói những thứ khác nữa.  Giả sử em được thoả mãn đầy đủ, được cho ăn ngon mặc đẹp, được một gia đình khá giả nhận làm con nuôi với đầy đủ tình thương, em có còn tiếp tục đói khát một cái gì khác nữa không?  Em có tiếp tục chạy đến vị cứu tinh để tiếp tục chỉ chỏ nữa không?

Như một người cha thấu hiểu tâm sự con mình, nhìn nó ú ớ vụng về đưa tay chỉ chỏ lung tung, Ngài biết cái nó đang khao khát tìm kiếm nhưng chưa biết thể hiện ra sao.  Ngài biết cái nó đang vẫy vùng vươn tay kiếm tìm nằm ngoài tầm tay nó.  Ngài hiểu linh hồn nó đang sống trong thao thức.  Nó chưa xin, Ngài đã cho!  Cho đi chính Thịt và Máu mình.  Cho đi cái mà đứa con không dám xin, không dám nghĩ đến.

Vì món quà lớn quá nên đứa con ngỡ ngàng….
Vì món quà tuyệt vời quá, ngoài sự hiểu biết nên có đứa nhắm mắt chối bỏ không tin….

******************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,  nếu con cảm thấy đủ, sẽ không bao giờ con cất bước đi tìm của ăn.  Nếu con cảm thấy thỏa mãn, không bao giờ biết đói khát thì con sẽ không bao giờ cảm thông được cái đói của những người xung quanh.  Xin cho con biết đói: đói Lời Chúa, đói của ăn cho linh hồn, đói sự sống vĩnh cửu.  Trong cái đói, xin cho con biết chạy đến Chúa để tận hưởng món quà tình yêu Chúa đã trao ban cho nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể.  Sống trong cái đói, con sẽ dễ dàng chia sẻ và cảm thông với những cơn đói khát của anh em mình.

NGƯỜI PHU QUÉT RÁC

Cứ tối đến là Sài Gòn se se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng của mùa xuân cũng không làm cho một số người mát hơn chút nào. Mồ hôi họ vẫn chảy, tuy vậy họ vẫn bịt kín từ trên xuống dưới, ngay cả chân tay họ cũng không có chỗ nào hở.

Họ là ai? Thưa họ là những Người Phu Quét Rác. Họ che kín thân người, chắc là để cho cát bụi không bám vào các lỗ chân lông lúc nào cũng “rộng mở” cho mồ hôi chảy ra; họ bịt kín mặt mũi là để cho bụi đất, bụi đời, và bụi thời gian không thể len lỏi vào bên trong thân xác và cuộc sống của họ được; và cũng có thể để cho những kẻ qua đường, như chúng ta, không nhận ra họ là ai. Nhưng cuộc sống của họ giống cuộc sống Linh Mục của tôi một điểm (theo ý của riêng tôi – không phải là ý kiến chung của các Linh Mục) đó là: dẫu biết rằng hôm nay có quét sạch bụi đời, thì ngày mai mình cũng phải quét lại; dẫu có làm sạch bây giờ thì trong giây lát sẽ có người làm dơ bẩn. Nhưng mặc kệ, ai xả cứ xả, còn chúng tôi quét dọn vẫn cứ quét dọn! Họ dọn sạch đường cho tôi và bạn đi! Tôi dọn sạch tâm hồn cho bạn thênh thang!!! Tuy vậy giữa hai cuộc sống tưởng chừng như khá giống nhau đó, lại có một điều vô cùng khác nhau: Tôi được tôn trọng (ít ra cũng được người khác gọi bằng cha), còn họ bị người khác nhìn khinh khi. Cho nên tối hôm nay trước khi đi tìm trẻ bụi đời, tôi tìm đến họ.

Tôi bao một chiếc honda ôm cho 2 tiếng đồng hồ với giá 150 ngàn đồng và lên đường tìm những người phu quét rác. Cứ gặp ai thì tôi bảo anh lái xe Honda dừng lại, tôi đến cạnh họ, nói chuyện và chúc mừng năm mới rồi lì xì cho họ 50 ngàn đồng.

– Chào chị!

Tôi tiến lại và nói to để chị có thể nghe. Chị dừng đôi tay đang thoăn thoắt đưa cái chổi trên mặt đường nhìn tôi có ý thăm dò nhưng không nói gì. Tôi liền nhắc lại vẫn một câu nói đã thuộc nằm lòng từ nãy tới giờ, và đã được lặp đi lặp lại cho bao nhiêu người:

– Em cám ơn chị đã dọn sạch đường phố cho mọi người trong những ngày giáp tết. Cám ơn chị vẫn âm thầm làm việc không kể nắng mưa. Em muốn tặng chị một chút quà để thay lời cám ơn.

Vừa nói tôi vừa đưa cho chị một cái phong bì trong đó có 50 ngàn.

– Cám ơn em, chị cầm lấy và nói.

– Cám ơn chị, chúc chị một năm mới bình an trong tâm hồn và xin Thiên Chúa chúc lành cho chị!

Nói xong tôi lên xe Honda tính tiếp tục lên đường. Xe vừa chồm bánh thì tôi nghe tiếng chị gọi.

– Em ơi, em ơi, cho chị hỏi cái.

– Dạ chị gọi em.

Tôi trả lời, bảo anh tài xế dừng xe rồi bước xuống xe quay lại bên chị.

– Em có phải là người Công Giáo không?

– Dạ phải.

Nghe tới đó chị từ từ gỡ đôi găng tay, gỡ cái mũ, gỡ khẩu trang và tôi nhìn thấy nước mắt chị đang rơi trên khuôn mặt mà có lẽ tôi phải gọi là cô mới đúng. Chị nói:

– Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn phần . Một tương lai đang mở ra trước mắt chị…

Nói tới đó chị dừng lại đưa bàn tay đầy bụi bặm lên lau nước mắt. Thấy vậy tôi vội móc túi lấy cái khăn mùi xoa đưa cho chị. Chị cầm lấy cám ơn tôi lau nước mắt rồi nói tiếp.

– Nhưng thế thời thay đổi và chị đã trở thành người phu quét rác 30 năm nay. Chị đã nhận được bao nhiêu lời chế diễu, bao nhiêu lời xúc phạm và bao nhiêu lời có thể nói là chửi mắng từ những đứa trẻ choai choai chỉ đáng tuổi làm con của chị. Có những lúc vô tình, hay cũng có thể là bụi nhiều quá, nên khi chị quét rác thì bụi bay mịt mù nên những người chạy xe qua đường nhìn chị xỉa xói hay nói những câu đại loại như “Quét nhẹ tay một chút” hay “Đui sao không thấy bụi bay ngất trời.”

Chị nói như trút bầu tâm sự với một người mà tưởng chừng đã thân quen. Tự dưng tôi cảm nhận được cái cảm giác mà những ngày đầu tiên qua Mỹ khi không biết một chữ tiếng anh mà đi đâu gặp một người biết nói tiếng Việt thì mừng lắm. Cứ bám chặt vào nói chuyện như đã quen biết từ lâu. Có thể chị chưa tìm được “người công giáo” nào để chia sẻ nên giờ có tôi chị như bắt phải cái phao. Thế là tôi dìu chị vào lề đường, tôi ra hiệu cho anh chạy Honda đi về trước và tôi ngồi xuống bên chị. Chi lại lau nước mắt kể tiếp:

– Chị cũng người công giáo! Nhiều khi chị đi làm về là sáng, chạy vội vào đi lễ không kịp tắm rửa, chị biết là chị không thơm tho nên đâu dám vào trong nhà thờ chỉ dám đứng xa xa, vậy mà cũng không ai dám đứng gần chị. Họ có lỡ đến gần rồi họ cũng bỏ đi. Thôi kệ chị đến với Chúa mà, nếu không thì chị mất Lễ Chủ Nhật. Nhưng chị khổ nhất là chị không dám xếp hàng lên rước Chúa vì những người chung quanh chê chị hôi…

Chị nói tới đây thì tôi cầm lấy tay chị mà nước mắt bắt đầu rơi. Tôi khóc vì hạnh phúc với niềm tin quá ư là lớn lao của chị. Và tôi cũng khóc cho niềm tin mỏng giòn của tôi chưa dám đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Và tôi cũng khóc cho các bạn nữa, thật đấy. Tôi khóc vì chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và đầy đủ nhưng lại có những lý do để từ chối đến với Chúa ngày Chủ Nhật… Ôi tôi thật thấy hổ thẹn với lòng mình, với chị và với Chúa.

– Sao em khóc vậy?

Chị kéo tôi về với thực tại

– Em không sao. Em chỉ phục Đức Tin quá lớn lao của chị vào Thiên Chúa, trong khi đó em được Chúa ban cho rất nhiều mà không tin được như chị. Em thấy mắc cỡ thôi.

– Mỗi người có một hoàn cảnh em à. (Chị an ủi tôi). Niềm tin của chị càng vững hơn khi người khác càng khinh khi chị – vì chị biết Chúa yêu thương chị nhiều lắm khi nhìn thấy người ta khinh con của Chuá như vậy.

Chị dứt lời thì tim tôi đau nhói. Không phải bởi vì cái bệnh tim của tôi mà vì chị đã dạy tôi một bài học thật đến nỗi không thể thật hơn được nữa. Tôi quyết định thú nhận với chị.

– Chị có tin không? Em là một Linh Mục đó!

– Cha… cha… cha… Chị nấc lên từng tiếng trong ngỡ ngàng và nghẹn ngào. Con xin lỗi cha, con không biết cha là cha. Cha tha lỗi cho con.

Vừa nói chị vừa qùy xuống như van nài tôi.

– Không có gì đâu chị. Em phải xin lỗi chị mới đúng chứ!

Vừa nói tôi đỡ chị trở lại vị trí ngồi bên tôi và chúng tôi ôm nhau khóc. Vâng, chị khóc và tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc giữa lòng đời mặc cho bao người qua lại soi mói. Khóc cho nỗi đau khổ của cuộc đời, những trớ trêu của nó, và cho cả hai thân phận lẻ loi trong những đêm gần tết. Nhưng chị cuối cùng cũng phải xác nhận là chị khóc là bởi vì chị đang hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì chị cảm thấy có người hiểu được và cám ơn công việc quét rác của chị, và chị cảm thấy được yêu thương, một tình thương không vụ lợi. Còn tôi khóc vì… tôi khóc và cảm thấy xấu hổ. Đơn giản thế thôi, không thể giải thích được, mà tôi nghĩ là cảm xúc dâng ngập con tim nhỏ bé và tràn ra trên khoé mắt.

LM. Martino Nguyễn Bá Thông
www.hayyeuthuongnhau.org