MẮT NHẮM, MẮT MỞ

Anh Calcio và cô Maria quen nhau đã lâu. Một đôi trai tài gái sắc. Được phép của cha mẹ, hai người đã làm lễ đính hôn với nhau. Gia đình Calcio làm nghề kinh doanh địa ốc. Còn cha của Maria là một thẩm phán của thành phố Milan, nước Ý. Bọn Mafia rất ghét vị thẩm phán này. Bọn chúng đã lên một kế hoạch để hãm hại gia đình nhà Maria. Khi Maria và cha của cô vừa bước lên xe để đi làm vào buổi sáng.  Năm tên Mafia đã phục sẳn. Hàng loạt tiếng nổ. Maria và cha cô đã chết.

Tin sét đánh ấy đến tai Calcio. Anh ta đã khóc rất nhiều và quyết định đến xin cha xứ để tổ chức đám cưới. Chú rể Calcio trong bộ Veste đen trang trọng và cô dâu Maria rực rỡ trong trang phục lễ cưới trắng tinh, đầu đội chiếc lúp đính hoa sang trọng, nhưng chỉ có một điều đặc biệt là chú rể thì đứng còn cô dâu thì nằm yên nghỉ trong quan tài.

Rồi đến phần cử hành nghi thức hôn phối. Calcio cúi xuống, đọc lời trao nhẫn, trong tiếng nức nở nghẹn ngào, anh xỏ nhẫn vào tay cho cô dâu.  Hết phần nghi thức hôn phối, cha xứ đổi sách và cử hành nghi thức an táng.

* * * * *

Chuyện tình lãng mạn và tuyệt vời quá. Nhưng mà chỉ cảm động thôi, chứ bí tích không thành. Bởi hôn nhân là một giao ước giữa hai người : một nam một nữ, nhưng còn sống.  Như lời Thánh Kinh: Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ, để luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ nên một.  Để có thể nên một, hưởng đuợc hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, người ta phải làm hai điều :

Điều thứ nhất : Là phải từ bỏ.

Từ bỏ là một điều cần thiết. Một đứa bé, nếu muốn thành người, thì việc đầu tiên phải làm là phải là bỏ cha mẹ  bằng một hành động “cắt rốn”. Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, người ta phải lìa bỏ rất nhiều thứ:

Người ta phải bỏ sự vô tư, và nhất là sự ngông nghênh của tuổi trẻ. Hết rồi những tháng ngày rong chơi, bay bướm.

Người ta phải từ bỏ cả những kỷ niệm ngày xưa, những mối tình vướng lối, những người xưa thân ái, và ngay cả cái tính  hào hoa, bay bớm.

Người ta phải lìa bỏ sự lười biếng và bê bối của mình. Ngày xưa, thế nào cũng được, bây giờ khác rồi, phải tôn trọng lẫn nhau và phải có một trách nhiệm trên vai.

Và nhất là phải từ bỏ cả sự tự do của mình nữa. Ca dao Việt Nam có câu : “Có vợ như rợ buộc chân”. Chẳng phải ai buộc mình, mà chính ý thức, chính tình yêu của mình buộc mình. Mình buộc mình, đánh mất tự do của mình một chút, nhưng trong chiều sâu của cõi lòng, mình sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của hạnh phúc. Đừng vì tự ái và sợ thiên hạ mai mỉa :

– Thôi, để ông ấy về xin phép bà xã đã,

Ngày xưa, lúc chưa cưới nhau, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ngày nay có khác, không như thế đuợc nữa, làm gì và đi đâu cũng còn phải nghĩ đến vợ, đến con.

Điều thứ hai : Là yêu thương nhau.

Điều ấy có nghĩa là chúng ta trở thành một món quà tặng cao quí nhất, giá trị nhất, dễ thương nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Người ấy là vợ, người ấy là chồng … bởi người ấy đã nên một với mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. Món quà tặng này, người vợ này, người chồng này… là một nửa đời của mình. Nếu mình luôn bênh vực cho nửa đời này, thông cảm cho nửa đời này, tha thứ cho nửa đời này, và luôn chăm nom săn sóc, trang điểm cho nửa đời này, thì cũng hãy làm như thế với nửa đời kia.

Và trong sự yêu thương luyến ái ấy, để đạt đuợc hạnh phúc, chúng ta phải nhắm một mắt và mở một mắt: Mở một mắt, để chú ý đến những điều tốt của nhau, thiện chí của nhau. Mắt kia nhắm lại, để thông cảm trước những lỗi lầm của người kia, trong một thái độ quảng đại và bao dung.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm
(ngonnennho.co.nr)

* * * * *

Lạy Chúa! Đời sống hôn nhân gia đình là quà tặng cao qúy Chúa ban; là những hy sinh chia sẻ ngọt ngào trong cuộc đời …Nhưng cũng có đôi lúc con không nhìn thấy đời sống hôn nhân là quà tặng, là hy sinh chia sẻ ngọt ngào. Con chỉ nhìn thấy một màu tím buồn, chỉ nhìn thấy những khó khăn trắc trở, chỉ nhìn thấy thập giá đang đè nặng trên đôi vai….

Xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết “từ bỏ“ và biết “mở mắt” để nhìn thấy những điều tốt đẹp, những hy sinh chia sẻ ngọt ngào mà con đang lãnh nhận trong đời sống hôn nhân vợ chồng…Xin cho con luôn xác tín rằng : Những khó khăn trắc trở trong cuộc sống hôn nhân hôm nay chính là Thánh Giá Chúa mời gọi con chấp nhận và vác đi theo Ngài. Mỗi bước con vác đi hôm nay là mỗi bước con tiến gần đến  “hạnh phúc đời đời” trong cuộc sống mai sau . Amen .     

CHÚA ĐÃ CỨU TÔI!

Chúa Giêsu là Cứu Chúa của nhận loại, mọi người đều biết, tôi cũng biết từ lâu rồi!  Và điều này làm tôi yên tâm trong một thời gian dài cho đến ngày tôi chạm được cái chân lý đầy ngỡ ngàng này: Chúa Giêsu là Cứu Chúa của tôi!  Hay nói rõ hơn: Ngài đã cứu tôi.  Câu chuyện xảy ra mấy năm rồi, nhưng nó vẫn còn rõ mồn một trong tôi mỗi ngày, và mỗi ngày các hình ảnh ấy sống trở lại để cho tôi trình lên Chúa với hết tâm tình:  Halleluia!

Những ngày qua con gái tôi buồn hơn thường lệ.  Cháu mới 15 tuổi nhưng bỗng trở nên ít nói và ưu tư. Vẻ nhí nhảnh của một đứa nhỏ vừa bước vào tuổi teen hầu như đã biến mất. Tôi không quan sát chi li con mình đến nỗi làm cho nó mất tự do, nhưng vẫn cố gắng làm một người mẹ với tâm tình của một người chị và một người bạn của con mình. Tôi không tra hỏi con tôi vì tôi tôn trọng những suy nghĩ của nó, và biết rằng nếu có một tâm sự nào quá nặng nề thì nó sẽ thổ lộ cho tôi. Tuy nhiên thời gian kéo dài, và tôi bắt đầu thấy bất an vì sự thay đổi tính tình đột ngột của con gái mình… Thế nhưng tôi im lặng tự trấn an rằng không thể nào có một chuyện gì quá bi đát xảy ra, vì dù sao con tôi cũng sống trong một gia đình có truyền thống đức tin.

Dù vợ chồng tôi không phải là những con cái Chúa nổi bật, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa đã đi vào nếp sống gia đình tôi từ thuở tôi còn chưa biết nói.  Gia đình tôi có hai người dâng mình cho Chúa, và trong đại gia đình thì còn vài người nữa cũng dâng mình cho Chúa.  Vợ chồng tôi cũng được đón nhận rất niềm nở giữa những tín hữu trong nhà thờ… Và trong cộng đồng cũng như giữa đoàn chiên Chúa, chúng tôi không có gì phải gục mặt, trái lại đội ơn Chúa, chúng tôi còn được anh chị em xem là những người con Chúa tốt lành.  Vì thế, tôi nghĩ rằng không có gì xảy ra cho con tôi đến độ làm xáo trộn cuộc đời mình.

Rồi đến một hôm, con tôi mang gương mặt đầm đìa nước mắt thổ lộ cho tôi nỗi đau của mình. Con tôi nói nhiều nhưng tôi chỉ còn nhớ có một điều: nó đã có mang được hai tháng, và người cha của bào thai trong lòng nó là một cậu bé không phải là người Việt, chưa bao giờ nghĩ đến hôn nhân, con cái hay gia đình là gì cả!!!  Tôi nghe tin ấy mà điếng người. Tất cả cuộc đời tôi cố gắng thờ phượng Chúa, và dạy con kính sợ Người, bỗng sụp đổ tan tành. Tôi không còn nhớ lúc ấy tôi nghĩ gì, cảm gì nữa… Vừa giận, vừa lo, vừa buồn, vừa thương con, vừa ghét nó, vừa muốn hét thật to, vừa muốn trách móc Thiên Chúa, vừa muốn sụp xuống cầu nguyện.  Và điều đầu tiên tôi thấy hiện ra, đó là tai họa đã giáng xuống cho bản thân tôi!!!  Cộng đồng tín hữu sẽ nghĩ gì về chúng tôi! Chồng tôi sẽ đón nhận tin này như thế nào? Đại gia đình của tôi, một gia đình đạo đức mẫu mực, mà cha mẹ con cái luôn luôn vâng phục Thiên Chúa và sống rất đàng hoàng; mẹ tôi, anh em tôi, bà con tôi sẽ đón nhận tin này như thế nào?..  Nỗi bàng hoàng của tôi khi xem tháp đôi ở New York sụp đổ với hàng ngàn người chết thì không là gì cả so với nỗi kinh hoàng trước cái tin về đứa con gái 15 tuổi của mình mang thai!!!

Nói với Chúa ư? Nói gì đây! Tôi không biết phải cầu nguyện thế nào! Nói với chồng tôi ư? Không bao giờ!  Sẽ là một mũi dao đâm vào tim anh và hạnh phúc gia đình của tôi có nguy cơ đổ vỡ… vì thế tôi phải giấu anh bằng mọi giá.  Những ngày tiếp theo tôi không còn đủ sức đế nói với con gái mình một lời nào dù là một lời nói bình thường huống hồ là lời yên ủi.  Tôi biết rằng nó đau, nhưng tôi cũng đau đến tê liệt và nhiều khi xem nó là thủ phạm cho nỗi đau của mình, vì thế tôi không còn đầu óc nào để nghĩ đến nỗi đau của nó; thậm chí tình mẫu tử dường như cũng vơi đi nhiều, nếu không nói là cạn hẳn trong trái tim tôi.  Mỗi ngày trôi qua là một ngày tôi đi sâu vào bóng tối, và nỗi sợ cứ gia tăng vì bào thai sẽ không chịu nằm yên mà cứ tiếp tục triển nở.

Phải tìm một giải pháp cho ổn thỏa! Tôi đành phải về nhà trình bày với mẹ tôi và các chị em mình… Mọi người đều khuyên là nên đem cháu đi phá thai, và phải phá nhanh lên.  Vâng, sẽ là phạm tội đấy, vì không thể nào nói dối rằng ‘giết’ một thai nhi là một hành động vô thưởng vô phạt.  Nhưng đứa trẻ ra đời khi mẹ nó chưa tròn 16 tuổi thì tương lai sẽ về đâu?  Vả lại, một đứa bé khi ra đời mà tạo vấn đề cho mẹ và cho thân nhân mình, thì lớn lên sẽ trở thành một thiếu niên có vấn đề… Còn tương lai con tôi?  Còn thế giá của vợ chồng tôi?  Còn lòng tôn trọng mà cộng đồng đã dành cho các thành viên trong gia đình tôi?  Tôi đem đề nghị ấy hỏi ý kiến của anh và em trai tôi đang thi hành nhiệm vụ mục tử.  Họ thông cảm nỗi đau của tôi, nhưng họ chỉ hứa rằng sẽ cầu nguyện mà không đưa ra một đề xuất nào.  Mà làm sao đưa ra một đề xuất?  Chẳng lẽ họ bảo tôi đi sai luật Chúa mà giết cháu ngoại mình?  Chẳng lẽ họ bất cần đến lòng thương xót của Chúa để bảo vợ chồng tôi và con gái tôi, và những người khác trong gia đình tôi (trong đó có họ) phải gánh chịu nỗi đau kinh tởm, ấy là trở thành những người mà ai ai cũng có quyền phỉ nhổ hay tránh xa?

Tôi cầu nguyện, tôi thiết tha cầu nguyện… nhưng hầu như tôi không thấy một ơn nào của Chúa tuôn xuống để tôi cảm thấy bình an…  Tôi phải đổi cộng đoàn để cầu nguyện. Cộng đoàn mới giúp tôi tiếp cận với nhiều ánh sáng hơn, đặc biệt là ánh sáng của Thánh Linh, nhưng vấn đề của tôi vẫn chưa tìm được giải đáp.  Sau một tháng dằn vặt, tôi vẫn giấu chồng tôi và một mình thuyết phục con gái tôi phá thai: tôi sẽ giúp cho nó tránh những ngày đau đớn sau này khi sống giữa những người không chấp nhận mình, tôi tự cứu mình và tránh được sự đay nghiến của chồng, tôi giữ được thế giá cho gia đình tôi, cho những người mà tôi không có quyền bôi nhọ uy tín với bất cứ giá nào. Vâng, tôi sẽ phạm tội!  Nhưng lòng tha thứ của Chúa thì vô giới hạn, nên tôi cậy trông rằng Ngài sẽ thông cảm và tha thứ cho mẹ con tôi!  Dù sao đi nữa, việc đền tội nào với Ngài thì tôi cũng cảm thấy có thể chịu đựng nổi, còn cái bào thai trong lòng con gái tôi thì quá sức chịu đựng của tôi; và không chỉ là chịu đựng thôi, mà còn là vấn đề trách nhiệm của tôi đối với mẹ, với chồng, với anh chị em, với bà con của mình, một trách nhiệm mà sức nặng vượt quá tầm vai bé bỏng của tôi!

Sau khi thăm dò mọi thông tin, tôi đưa con tôi đến bệnh viện.  Suốt đường đi, mặc cảm tội lỗi đè nặng trên quả tim, tôi không ngớt cầu nguyện… Tôi cầu nguyện liên hồi mà không biết phải cầu nguyện thế nào?  Cầu nguyện Chúa cứu cháu tôi ư?  Nhưng chính tôi đang đem nó đi giết!  Cầu nguyện Chúa tha thứ cho tôi ư?  Nhưng đến giờ này tôi vẫn còn thời gian để không phạm tội, mà chính tôi lại biết rằng mình không thể nào không phạm tội!!!

Tôi trao con tôi cho y tá rồi bật khóc. Tôi chờ đợi trong âu lo mà không biết chờ đợi gì.  Tôi cầu nguyện luôn miệng mà không biết nói gì ngoài kêu danh Chúa: “Xin Chúa thương xót con!” Tôi ở trong trạng thái như thế không biết là bao lâu, có thể một giờ hay hai giờ, tôi không còn nhớ rõ, nhưng biết rằng lâu như thời gian Chúa cầu nguyện ở Giếtsêmani.  Rồi cánh cửa phòng bệnh viên hé mở, con gái tôi lững thững đi ra!  Tôi chỉ hỏi vắn gọn:

– Xong rồi hả con?

Con tôi lắc đầu.

– Nghĩa là sao?

Y tá cho biết rằng bệnh viện chỉ can thiệp khi bào thai nhỏ hơn 3 tháng. Bào thai của con tôi đã quá thời hạn ấy một vài ngày, nên nó phải trở lại sau để theo một cách thức can thiệp khác phức tạp hơn!  Tôi thấy lồng ngực mình như nhẹ hẳn!  Tất cả hơi thở bị dồn nén từ một tháng qua bỗng toát ra thành một tiếng reo mừng:  Almighty God! Lạy Chúa Toàn Năng!  Đội ơn Chúa!

Chúa đã cứu cháu tôi, mà thực sự Chúa đã cứu tôi. Lý trí tôi bảo rằng đây chỉ là một trùng hợp tình cờ, nhưng con tim mình xác tin rằng Chúa đã can thiệp để cho bào thai trễ hơn mấy ngày so với thời điểm mà mẹ con tôi có quyền giết nó! Chúa đã chứng tỏ quyền năng, tình yêu, và ơn cứu độ của Ngài ngay vào giờ phút mà tôi ‘nhất quyết’ phạm tội, nhất quyết quay lưng lại với Ngài, nhất quyết giết cháu tôi và đồng thời cũng giết linh hồn mình!

Bao nhiêu hình ảnh Kinh Thánh như chạy về trong tích tắc. Chúa đã cản tay Abraham để ông khỏi giết con mình: Abraham hôm nay là tôi, và Isaac chính là cháu tôi! Chúa đã cứu sống con trai bà góa thành Naim: bà góa ấy hôm nay là tôi, và con của bà chính là cháu tôi! Ngài đã để cho quân lính cởi trần và đóng đinh trên thập giá ô nhục mà tỏ hiện tình yêu đối với tôi, con gái của Ngài!  Hôm nay tôi chợt hiểu rằng Ngài cũng cho phép các biến cố cuộc đời lột bỏ cái áo thế giá của mình, để tôi có được một phần trái tim của Ngài mà đón nhận con gái tôi!  Tôi đã được chữa lành.  Tôi và con tôi bỏ ý định phá thai!

Nhờ được chữa lành, tôi đã đủ bình an và ân điển để trình bày cho chồng và thân nhân mình thập giá mà Chúa đã thương ban cho đại gia đình tôi. Chúng tôi đón nhận thập giá ấy như một hồng ân!  Và sự ra đời của cháu ngoại tôi, thay vì gây gãy đổ trong gia đình, thì lại giúp chúng tôi củng cố mối dây yêu thương thông cảm nhau, rồi từ đó chúng tôi mở lòng rộng hơn để đón nhận ân sủng vô bờ của Chúa Giêsu.

Chúa đã cứu tôi! Chúa đã cứu tôi khỏi cái vỏ ‘đạo đức’ mà tôi đã mặc lên mình như một chiếc áo giáp để vênh vang giữa mọi người.  Chúa đã cho tôi cảm được điều mà thánh Gioan đã thốt lên với tất cả con tim mình: “Chúng tôi đã biết được tình yêu Chúa dành cho chúng tôi, và đã tin tưởng vào tình yêu đó. Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,16).  Từ bao nhiêu năm qua, tôi ngỡ rằng mình biết Chúa và tìm kiếm Chúa, nhưng thực ra, dưới những hành vi đạo đức, tôi chỉ tìm kiếm một cái vỏ để tự đánh bóng chính mình, chứ ít khi tôi quên mình mà đi tìm kiếm Ngài. Thế rồi, khi tôi không còn biết bám víu vào đâu thì Ngài đã xuất hiện, cởi bỏ con người cũ của tôi, và mở mắt cho tôi nhìn thấy tình yêu cứu độ của Ngài.  Bây giờ, tôi có thể tuyên xưng bằng từng tế bào của con người mình: Chúa Giêsu là Cứu Chúa của tôi!

Chúa Nhật Phục Sinh này, nhìn cháu ngoại của tôi trong vòng tay thương mến của ông ngoại cháu, tôi vui mừng âm thầm đọc lại cùng nhịp với thánh Gioan, để cảm tạ cho sự ra đời của cháu tôi và cũng là sự tái sinh của bản thân tôi trong ân điển của Chúa Giêsu: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.  Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1, 12.13)

Halleluia! Tạ ơn Chúa Giêsu, Cứu Chúa của con!

Trần Duy Nhiên,
(Viết theo lời chứng của một bà mẹ.)

Ghi chú: Tôi viết bài này sau khi cảm động nghe một người bạn kể lại chứng từ của chị Phạm Thị Thanh Trang, Santa Ana, CA, mà bạn tôi đã được chia sẻ trong một lần họp mặt.  Sau khi chị Trang đọc lại, chị đã cho phép nêu công khai tên của mình để mọi người có thể kiểm chứng rằng đây là một chuyện thật!  Chị cũng làm rõ một vài chi tiết mà tôi từng ghi không chính xác. Tôi đã điều chỉnh một phần, nhưng không sửa lại toàn bài, bởi vì một hai tiểu tiết khác biệt với câu chuyện thật không phương hại gì đến cái thực tại về ân sủng Chúa mà chị cảm nghiệm trong tâm hồn mình, và muốn chia sẻ với mọi tín hữu để tất cả chúng ta đồng thanh ca ngợi Thiên Chúa.

TDN

NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

Vào năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một thành phố hầu  như đổ xuống thành một đống gạch vụn khổng lồ.  Thiệt hại về người và của không biết cơ man nào mà kể.  Các đội cứu hộ làm việc ngày đêm để lôi ra khỏi những đống gạch vụn vô vàn người chết, người bị thương.

Trong các tai họa vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết sức cảm động mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động đất.

Người ta kể lại rằng, đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm nạn nhân, họ đào lên được dưới toà nhà đổ nát hai mẹ con vẫn còn sống:  Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng tuổi vẫn còn thoi thóp, và người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.

Sau khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng vấn người mẹ:

– Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn ấy?

Chị đáp:

– Tuy bị chôn vùi dưới toà nhà đổ nát, nhưng có một cái đà đã che chắn cho mẹ con tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã uống cạn.  Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén.  Tôi liền vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút giòng máu nóng.  Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào lên khóc.  Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng cháu.  Sau đó, tôi không còn biết gì nữa!

– Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao?

– Tôi không hề nghĩ đến cái chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cách nào cho con tôi được sống.

**********************************

Tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con trong câu chuyện trên đây, là lời chứng minh hùng hồn cho lời dạy của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay:  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu.

Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như “Bạn hữu thân tình”.

Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là “Yêu cho đến cùng”, yêu cho đến chết và chết trên thập giá.

Vâng, kể từ khi con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu “Như Thầy đã yêu”.

Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu sâu nặng mà Người đã dành cho chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta dám quên mình, “bắt chước” Thầy, cúi xuống trước anh em.

Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta dám xả thân, yêu cùng “mức độ” như Thầy, hiến dâng mạng sống cho anh em.

Như vậy, yêu “Như Thầy đã yêu” không phải là tình yêu vị kỷ (Eros) yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác.

Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là một dòng chảy không ngừng.  Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ suống chúng ta, qua Thánh Thần  Tình Yêu của Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại tuôn tràn sang những người anh em khác.

Nếu tình yêu như một dòng chảy liên kết chúng ta lại với Chúa, thì chính tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta lại với nhau.  Và đó cũng chính là dấu chỉ của môn đệ Đức Kitô:  “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy:  Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

*****************************

Lạy Chúa, nếu “đồng phục của người Kitô hữu là yêu thương” thì xin cho chúng con luôn tỏa sáng trong cuộc sống những lời nói yêu thương, những nghĩa cử nhân hậu, những hành động xả thân cho anh em, để xứng đáng làm môn đệ Đấng đã yêu thương chúng con đến cùng.

Xin cho suối nguồn tình yêu của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn chúng con, không đọng lại như nước ao tù, nhưng luôn là dòng chảy tình yêu đến với mọi người, để khắp thế giới tràn đầy tình yêu Chúa.  Amen!

Thiên Phúc