Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi

Trong một xứ đạo miền quê xa xôi hẻo lánh, đa số dân chúng là người ít học và  nghèo khổ.  Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, cha xứ giảng một bài giảng rất hùng hồn về Chúa Ba Ngôi. Trước khi kết thúc bài giảng, cha xứ hỏi:

-Ông bà anh chị em có hiểu được gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không?

Cả nhà thờ im lặng, nhưng có một bà cụ già đứng lên nói:

– Thưa cha, cha giảng rất hay, con không hiểu gì hết nhưng con cũng xin nói lên những việc làm của con về việc tôn kính Chúa Ba Ngôi. Lúc nhỏ, con cũng được học giáo lý, được nghe các dì phước dạy về Chúa Ba Ngôi và con đã làm trong cuộc sống của con là:  Mỗi ngày trước khi đi ngủ con dành ra chỉ ba phút, chỉ ba phút ngắn ngủi thôi vì suốt ngày con phải làm việc cực nhọc, tối về mệt mỏi, con không còn đọc kinh nhiều được nữa, vì thế con chỉ có ba phút thôi rồi ngủ ngon lành.

Phút đầu tiên con nhìn lại những khuyết điểm: nào là con gây lộn với người hàng xóm, nào là con tức giận với chồng với con trong gia đình …con nhìn lại những sự thiếu sót lỗi lầm đó và con dâng điều đó lên cho Chúa Cha.

Phút thứ hai con nhìn lại xem con có làm điều gì tốt trong ngày hôm đó không: những việc tốt như con cho người hàng xóm một cộng hành, cho một em bé một cái bánh, dỗ một đứa bé khóc vì nhớ mẹ đi ruộng chưa về … những việc tốt nhỏ nhặt đó con cũng xin dâng lên cho Chúa Giêsu và con nói với Chúa, mặc dầu con có nhiều tật xấu, nhưng con cũng có những việc lành nho nhỏ, con xin góp những việc lành nho nhỏ đó để cộng tác với việc cứu chuộc của Chúa, để đền bù một chút tội lỗi con.

Phút thứ ba con so sánh xem việc tốt, việc xấu con đã làm trong ngày, con lại thấy việc xấu nhiều hơn việc tốt, nhưng con cũng dâng hết lên cho Chúa và con nói: Lạy Chúa Thánh Thần, xin  thánh hoá và biến đổi cuộc sống của con mỗi ngày một tốt hơn.

– Như thế đó, con chỉ có làm bấy nhiêu đó thôi để sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Trích bài giảng của một linh mục

* * * * *

Bạn thân mến! Làm sao giải thích được mầu nhiệm Chúa Ba ngôi ? Một Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh thần. Ba Ngôi phân biệt, tách biệt, khác biệt đến nỗi không hề lẫn lộn, không bao giờ hòa trộn, nhưng lại chỉ là một Thiên Chúa. Làm sao giải thích ? làm sao để hiểu cho được? Nhưng dù cho có khó khăn đến đâu đi nữa, dù cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp, với suy nghĩ non nớt của con người , thì không phải vì thế mà ta không thể biết gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy lần theo dấu chân ngược xuôi rao giảng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng để hiểu thêm về mầu nhiệm cao cả này .

Qua Chúa Giêsu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được diễn tả qua sự hiệp thông trong tình yêu “Cha Con”. Tình yêu đó là keo sơn gắn bó Chúa Cha và Chúa Con trở nên một. “Ta và Chúa Cha là một” (Ga.10:30) . Đó là lời giảng dạy của Chúa Giêsu nơi hành lang Solomon của đền thờ Giêrusalem ngày xưa. Cũng tại nơi đây, Chúa Giêsu cũng đã hé mở cho chúng ta biết một sự hiệp thông trọn vẹn: Chúa Cha ở trong Ta và Ta ở trong Chúa Cha” (Ga. 10:38). Đó phải là sự hiệp thông trọn vẹn trong tư tưởng, trong lời nói và trong cả việc làm .

Qua Chúa Giêsu, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được diễn tả cụ thể hơn và dễ hiểu hơn qua công cuộc cứu chuộc. Qua Ðấng hóa thân làm người, Thiên Chúa Cha được diễn tả là đấng yêu thương và nhân hậu, bao dung và tha thứ. Ngài đau khổ vì tội lỗi con người vấp phạm, Ngài đau khổ khi con người đau khổ… chính vì thế : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời…” (Ga 3, 16).

Qua Chúa Giê-su, chúng ta được biết về Thánh Thần của Ngài. Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần là “Ðấng Bảo Trợ” từ Chúa Cha cho các môn đệ  (Ga.14: 26). Sau khi chết và sống lại, Ngài hiện ra nhiều lần với các môn đệ, thổi hơi vào các ông để ban Thánh Thần và sai các ông đi làm nhân chứng cho Ngài (Ga.20:22). Và trong ngày Lễ Ngũ Tuần,  các môn đệ đang ở trong tình trạng hoang mang sợ sệt, Chúa Thánh Thần đã đến bên các ông, biến các ông từ những kẻ nhút nhát trở nên những người mạnh dạn loan báo Tin Mừng.

Bạn thân mến, đối diện với Thiên Chúa, con người quá bé nhỏ. Mầu nhiệm về Thiên Chúa như một bầu trời mênh mông cao cả, trí tuệ con người như một cánh chim tung mình trong bầu trời mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ cả bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng cả bầu trời…

* * * * *

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho cuộc sống của con mỗi ngày được trở nên giống hình ảnh của Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi,  hình ảnh của hiệp nhất; của yêu thương và nhân hậu; của bao dung và tha thứ. Amen.

MEMORIAL DAY: NGÀY TƯỞNG NHỚ CÁC CHIẾN SĨ TRẬN VONG

Một bà mẹ vô cùng đau khổ trước cái chết của con mình ngoài chiến trận.  Bà đã tìm tới Minh Sư để được an ủi.  Ngài kiên nhẫn ngồi nghe, trong khi bà kể về câu chuyện thương tâm của mình.

Sau cùng Minh sư nói bằng một giọng cảm thông dịu dàng:

“Tôi không thể lau khô được nước mắt của bà. Tôi chỉ có thể chỉ vẽ cho bà cách thánh hóa những giọt nước mắt đó.”

(Anthony de Mello, S.J. – Trích trong “One Minute Wisdom”)

* * * * *

Bạn thân mến, hằng năm cứ vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm, người dân nước Mỹ lại tưởng nhớ đến sự hy sinh cao cả của những người lính đã nằm xuống trong tất cả các cuộc chiến của quê hương đất nước. Bao nhiêu giọt nước mắt đã chảy xuống khóc thương cho những người đã hy sinh tính mạng của mình vì tự do, vì trách nhiệm danh dự và vì an nguy và thịnh vượng của quê hương xứ sở này.

Ngày hôm nay, cả nước nghiêng mình nhớ về những người con, những bậc cha ông và tổ tiên của quê hương đất nước đã ra đi trong suốt mấy mùa chinh chiến.  Chắc hẳn không ai trong chúng ta mà không ngậm ngùi tiếc thương những bạn trẻ nam nữ đã khoác trên mình bộ quân phục, đã sống những giây phút oai hùng nhất và đã hy sinh gục ngã trên chiến trường, để lại cha mẹ vợ con côi cút trong thương nhớ không nguôi …

Ngày hôm nay, người dân nước Mỹ cùng nhau tụ tập quây quần bên những nấm mộ thiêng liêng của các tử sĩ, đã lặng lẽ đặt vòng hoa trên những cụm đất khô lạnh, đã thay thế những bông hoa  khô héo bằng những bình hoa rực rỡ nhất của mùa xuân, và quan trọng hơn cả,  đã  tham dự các nghi thức, các  thánh lễ ngoài nghĩa trang để tưởng nhớ và tri ân, để mặc niệm và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên và cha ông, cho các thế hệ đàn anh, cho các bạn đồng ngũ, và cho những người bạn trẻ nam nữ đã gục ngã ngoài mặt trận vì quê hương đất nước, và vì một ngày thái bình và hoan ca trên khắp thế giới….

Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã thí mạng mình vì bằng hữu.” (Ga.15:13). Đó là tình yêu cao cả nhất mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, đã nêu gương và đã trao ban tình yêu đó cho con người.  Đó cũng là tình yêu thương và sự hy sinh cao cả mà những tử sĩ đã thực hiện cho sự an nguy và thịnh vượng của mỗi người dân trên quê hương xứ sở này, trong đó có bạn và tôi đang được thụ hưởng . Có lẽ, giờ đây đã quá muộn màng để nói lên lời cám ơn đối với những người tử sĩ đã nằm sâu trong lòng đất, nhưng sẽ không bao giờ quá trễ để ghi ơn và tưởng nhớ đến họ.

Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy đốt lên nén hương lòng để ghi nhớ công ơn và sự hy sinh cao cả của các tử sĩ tổ tiên, các bậc cha anh và các bạn trẻ đã hy sinh mạng sống của mình cho sự an nguy của bạn và tôi trên quê hương đất nước này.

* * * * *

Lạy Chúa, Xin hãy thánh hóa những giọt nước mắt đang tuôn chảy trên khuôn mặt thơ ngây của những người con đã mất cha mất mẹ trong cuộc chiến. Xin hãy lau khô những giọt nước mắt của những người vợ góa bụa và của những bậc cha mẹ đã mất đi những người con thân yêu trong gia đình.  Và xin hãy đoái thương che chở và dẫn đưa hương hồn của các tử sĩ tổ tiên, các bậc cha anh và các bạn trẻ về nơi an nghỉ đời đời bên Chúa! Amen.

Linh Xuân Thôn

CĂN NHÀ SAU LƯNG HỒ THAN THỞ

Trong cái lạnh của  tháng ba Đà Lạt, tôi mon men theo con dốc nhỏ tìm đến nhà Sen, cô bạn học chung khoa báo chí trường Đại học Tổng Hợp Đà Lạt năm xưa.  Căn nhà của ba mẹ con Sen nằm côi cút trong một con đường nhỏ sau lưng Hồ Than Thở.  Sen ly dị được một năm nay, một mình gồng gánh đi làm ở Đài để nuôi hai bé: Thanh, 8 tuổi và Khoa, 5 tuổi.  Chồng Sen mê rượu và hay đánh đập mấy mẹ con.  Cứ nghĩ thương hai con lớn lên trong cảnh không cha, nên Sen cố sống và nhịn nhục.  Nhưng rồi chồng Sen lại có người đàn bà khác.  Anh ta hối thúc Sen làm thủ tục ly dị, chia nhà, chia con… Sen lặng lẽ chấp nhận mọi yêu cầu, và thầm mong mỏi một điều: được nuôi nấng hai con…

Đang miên man suy nghĩ về hoàn cảnh của Sen và chuẩn bị sẽ nói gì, kể chuyện gì vui cho bạn nghe, tôi chợt nghe tiếng trẻ nhỏ cười giòn tan.  Thanh va Khoa đang phơi cơm nguội ngoài hiên, thấy tôi, Thanh cười giòn và gọi lớn:

– Cô My, Cô My, lâu quá!  Mẹ ơi, cô My !

Thanh năm nay 8 tuổi.  Tôi nghe Sen kể tuy nhỏ tuổi như vậy nhưng con bé rất ư “người lớn”.  Hồi tòa còn đang xử ai sẽ được quyền nuôi con khi hai vợ chồng Sen ly dị, Sen đã khóc lên khóc xuống khi chồng Sen muốn mỗi người nuôi một đứa.  Cực khổ mấy Sen cũng không ngại, chỉ ngại hai con lớn lên không có tình anh chị em, sợ con ở với dì ghẻ sẽ khổ… Thế rồi, tòa xử cho Sen được nuôi cả hai.  Sen vui không tả siết và thật bất ngờ khi bà chánh án đến và đưa cho Sen coi một lá thư viết trên giấy học trò với những chữ to như gà mái.  Đó là thư bé Thanh viết gởi cho bà chánh án, trong thư em kể cho bà nghe ba em hay đánh đập mẹ và tụi em thế nào, bỏ tụi em ở trường không đón về hoài, và rằng em chỉ có thể sống với mẹ và bé Khoa.  Cuối thư em lấy mực lăn hai dấu tay nhỏ xíu của mình và của bé Khoa để làm ấn tín.  Nhìn lá thư và chữ ký có một không hai của con, Sen bật khóc thành tiếng.  Khóc cho tâm tình của con, khóc cho những khó khăn sắp tới của ba người và khóc cho phận mình.

Căn nhà của ba mẹ con Sen thật nhỏ, thật trống, nhưng ấm áp lạ thường.  Khói bốc lên từ bình trà arteso mà bé Thanh pha để mẹ đãi khách, tiếng cười nói của Khoa làm tan đi cái thương cảm ảm đạm trong lòng mà tôi dành sẵn cho mẹ con Sen khi đặt chân đến cửa.  Thanh mời tôi ăn cơm nguội, một món ăn chơi sang trọng của hai chị em nó.  Cơm nguội Thanh làm thật ngon, vừa ăn, giòn tan, và không dầu mỡ.   Không chờ tôi hỏi bí quyết, con bé sung sướng kể từng giai đoạn làm cơm nguội:

– Cơm nguội bỏ đi, cô phơi nắng nhé, xong thì bỏ lên chảo, cho chút dầu, chiên qua giống như cơm chiên, cho nước mắm, đường, và ớt vào, nêm vừa ăn.

Tôi khen con bé giỏi và đảm đang.  Thanh cười nheo mắt, lém lỉnh đáp lại với giọng Bắc kì tếu táo:

– Thì cứ vất ra đấy thì nó phải tự thôi!

Nói xong, con bé quay sang dòm mẹ, dường như nó sợ trong lời nói đó có gì khiến Sen buồn và suy nghĩ nên vội nắm lấy tay Sen, nó đỡ lời ngay:

– Nhưng cũng phải có sự hổ trợ nữa Cô ạ !

Sen kể cho tôi nghe đôi lúc Sen có cảm tưởng bé Thanh giống như mẹ của Sen vậy.  Nó lo cơm nước cho Sen khi Sen đi làm về, nó trông và dạy dỗ em Khoa những lúc Sen bận việc, thậm chí nó còn vun vén cho Sen, mong Sen tìm được một chỗ dựa tốt hơn.  Tôi thấy vui và an tâm phần nào cho Sen vì thấy hai con của bạn quá ngoan, quá hiểu biết và hiếu thảo.  Dường như Chúa luôn là một người ngộ nghĩnh trong việc sắp đặt cuộc sống con người, Chúa lấy đi của Sen hạnh phúc của một người vợ được chồng yêu thương chiều chuộng nhưng bù lại, Ngài cho Sen hai kho tàng quý giá, đó là bé Thanh và bé Khoa.

Sen không có Đạo, cả dòng họ bên Sen lẫn bên chồng cũ đều là cán bộ nhà nước, không ai biết Chúa.  Nhưng thật lạ lùng, bé Thanh con Sen lại có một niềm ao ước kì quặc.  Con bé ao ước được đi nhà thờ.  Lần nào lên Đà Lạt chơi, tôi cũng rủ bé Thanh đi chơi loanh quanh, nhưng con bé lúc nào cũng từ chối.  Vậy mà lần này khi đang nói chuyện và tỏ ý muốn đi dâng hoa cho Đức Mẹ để cầu nguyện cho người thân vừa bị tai nạn giao thông, con bé liền năn nỉ xin đi theo.  Sen nói:

– Con bé lạ kì! Cứ đòi Sen dắt đi nhà thờ.  Sen đâu có biết ai trong đó đâu.

Bé Thanh nhìn mẹ, nói lớn:

– Con thích đi nhà thờ. Con muốn đi lễ.  Con muốn biết Chúa.

Tôi nổi da gà vì câu nói ngây thơ gọn lỏn của con bé.  Là người theo Đạo bốn mươi mấy năm trời nhưng chưa khi nào tôi lại dám nói lớn tiếng, về Chúa, về nhà thờ như con bé.  Tôi thấy khóe mắt mình cay xè, trong cái căn nhà nhỏ bé, nghèo nàn và đơn chiếc, trong cái lạnh và u buồn của một cuộc hôn nhân đổ vỡ, trong cái mất mát tình cha con của một cô bé 8 tuổi, tôi lại tìm thấy ánh sáng đức tin mạnh mẽ và hồng ân Chúa đang tuôn đổ cho tất cả.

Tiễn tôi ra bến xe Đà Lạt, Sen đưa vội bịch nylon đựng cơm nguội và nói với theo:

– Thanh nó biếu cô My. Nó bảo trời mùa này hay mưa, sẽ không có nắng để phơi cơm nguội.

Chúa ơi, xin cho con là một tia nắng sưởi ấm những hạt cơm nguội đơn sơ thanh khiết nơi hiên nhà bé Thanh.  Xin cho con biết không ngừng nỗ lực để mang Chúa đến với những tâm hồn đang khao khát Chúa lạ thường .  Amen!

Ngạo, San Jose

LỄ HIỆN XUỐNG

Một thanh niên đến gặp cha sở và phàn nàn:  “Cha có tấm hình nào của Chúa Thánh Thần không.  Mấy bức tranh vẽ Chúa Thánh Thần như chim bồ câu hoặc lưỡi lửa chẳng có ý nghĩa gì với con cả.  Con muốn có một tấm hình của Chúa Thánh Thần để treo trong phòng và cầu nguyện với Ngài.”

Cha sở ngẫm nghĩ một lát và nói với anh ta: “Con có tấm hình nào của Chúa Giêsu không?”  Anh mau mắn “Có chứ cha!  Nhiều lắm, nào là Thánh Tâm Chúa, Chúa Chăn Chiên, Chúa Thương Xót, Chúa Chịu Nạn, con đều có đủ cả.”  Cha sở gật gù: “Con cứ về chiêm ngắm mấy hình đó cũng được. Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói ‘ai thấy Thầy thì thấy Cha Thầy sao?’  Nếu ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha, thì ai chiêm ngắm Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Thánh Thần.  Không phải là Ba Ngôi chỉ có một bản tính thôi sao?”  Nhưng anh ta có vẻ chưa được thuyết phục.

Thấy thế, cha sở hẹn anh tuần sau gặp lại.  Đúng hẹn, anh ta đến và cha sở trao cho anh một khung hình bọc kín, ở ngoài có ghi hàng chữ:  “Mỗi lần nhìn vào đây con phải nở nụ cười.”  Mở ra, anh ta thấy có một tấm gương, trên khung có ghi: “Gặp gỡ Chúa Thánh Thần là gặp gỡ Chúa Kitô nội tại.   Con chính là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.  Hãy nhìn vào khuôn mặt tươi vui của mình và ý thức rằng Ngài đang hiện diện trong con.  Rồi con cố gắng sống thế nào để tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong con.”

****************************

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Đấng trừu tượng nhất, khó hình dung nhất, tuy gần nhưng thật xa.  Tuy cụ thể như gió, như lửa, như hơi thở…. như những thứ gì đó thật gần gũi trong đời sống con người nhưng lại khó mà nắm bắt trong thế giới hiện thực này.  Giáo lý Kitô giáo dạy chúng ta rằng Ngôi Ba Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, được che giấu ở nơi xa xôi nào đó trên thiên đàng.  Nhưng Ngôi Ba Thiên Chúa chính là Đấng ngự ở ngay trong tấm lòng, trong nhân cách của mỗi người chúng ta, là Đấng đang làm việc ngày đêm nơi tâm hồn mỗi người để thánh hoá chúng ta trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn.

Mầu nhiệm Hiện Xuống mời gọi chúng ta đáp trả lại sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn bằng cách mở rộng lòng ra để Ngài canh tân thửa đất cằn cỗi.  Dù tin hay không, dù tìm kiếm hay không, Chúa Thánh Thần vẫn đang, đã và sẽ tiếp tục hiện diện và làm việc trong đời sống người Kitô.  Như chàng thanh niên trong câu chuyện trên, vấn đề không phải là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà là sự đáp ứng của anh mỗi khi nhìn vào khuôn mặt trong gương..

Mừng lễ Hiện Xuống, chúng ta không chỉ mừng một biến cố xảy ra cho các môn đệ của Chúa Kitô 2000 năm trước.  Đó còn là dịp chúng ta tỉnh thức về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.  Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Không ai có thể tuyên xưng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí.  Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm nên mọi sự trong mọi người. Thần Khí Thiên Chúa tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì  ích chung” (1 Cor 12:3-7).

Lễ Hiện Xuống đem đến cho chúng ta linh đạo của mỗi ngày và ở bất cứ đâu.  Lễ Hiện Xuống có thể biến đổi đời sống chúng ta và làm cho chúng ta có thể vượt bất cứ con sông nào ở trước mặt chúng ta, nhìn vào mặt bất cứ đám đông nào và cứ tiến tới, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào vì lợi ích của Tin Mừng.

************************************

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.                                  
Xin cho cuộc đời kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,

nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.

Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Ðức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.

Lạy Chúa Thánh Thần là Ðấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ;
mạng sống con người bị coi rẻ.

Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.

Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương

(Trích Manna năm C)
Bảo Lộc

AI LÀ THÁNH?

Minh Sư rất yêu thích những người tầm thường chất phát và hay nghi ngờ những người nổi tiếng đạo đức thánh thiện. Một ngày kia có một đệ tử đến hỏi ý Minh Sư về vấn đề hôn nhân, Ngài bảo:

– “Con phải cầm chắc là đừng bao giờ cưới một bà thánh.”

Người đệ tử ngạc nhiên hỏi lại:

– “Thưa Thầy! Tại sao không bao giờ?”

Minh Sư vui vẻ trả lời:

– “Bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để biến con thành một người tử đạo.”

( Anthony de Mello, trích trong One Minute of Wisdom)

* * * * *

Bạn thân mến! Qua câu chuyện vui trên đây, chúng ta tự hỏi:

– Các thánh là ai ? Họ là những người nào?

– Đó là những người đã sống một đời sống gương mẫu, đã “yêu mến” nhiều và đã hy sinh nhiều đến quên mình, đã được Giáo Hội chính thức nhìn nhận và tôn phong để làm gương sáng cho các tín hữu noi theo.

Chắc hẳn các thánh không phải là những con người hoàn hảo, toàn thiện, tinh tuyền không vướng mắc lỗi lầm, thiếu sót hay tật xấu nào. Các thánh không phải là những người bất thường, kỳ dị, cũng không phải là những siêu nhân, những con người phi thường vượt lên trên đám đông nhân loại… Nhưng các thánh là những người bình thường như mọi người, có tất cả những yếu đuối và vấp ngã như mọi người, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, họ đã chiến đấu không ngừng nghỉ để tiến tới mẫu mực của sự thánh thiện là chính Ðức Giêsu Kitô.

Không thể nghi ngờ: chỉ một mình Thiên Chúa là thánh và Ðức Giêsu Kitô là tấm gương phản chiếu trọn vẹn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Người kitô sẽ là thánh nếu biết liên kết với Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô. Và người kitô cũng được mời gọi để được trở nên hoàn thiện giống như Cha trên trời, trở nên thánh thiện như Đấng Thánh ở trên trời

* * * * *

Lạy Chúa, Đời sống đạo đức thánh thiện không phải là đời sống chỉ dành riêng cho những linh mục, tu sĩ mà dành cho tất cả mọi người chúng con. Xin giúp con biết nhận ra “ơn gọi trở nên thánh” của mình, biết ý thức được mình là men cho bột, là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian, là môi miệng, là tay chân, là trái tim của Chúa Giêsu ở trần gian này, để qua đó khắp nơi trên mặt đất vang lên lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là cha chúng con ở trên trời.  Amen.

BƯỚC CHÂN CỦA KIẾN

Này em,
có bao giờ em để ý
bước chân của loài kiến không nhỉ?

Loài kiến ấy
nhỏ bé
tầm thường
tưởng chừng như vô dụng
trong vũ trụ bao la.

Thế mà,
bước chân của kiến
lại là những bước chân
vĩ đại
và đẹp đẽ
vô cùng!

Ấy là
những bước chân
tìm đến nhau;
những bước chân
đem lại hòa bình;
những bước chân
tìm về hiệp nhất.

Dù ngược, dù xuôi
kiến tìm về gặp gỡ đồng loại
ôm hôn chào nhau
bằng nụ hôn thánh thiện (1Tx 5:26).

Này em,
có bao giờ em để ý
tình thương của loài kiến không nhỉ?

Vâng,
đã có đôi lần
em băn khoăn tự hỏi:
“Loài kiến có biết yêu thương không?”

Nhưng,
thật bất ngờ!
Có ngày Chúa đã cho em thấy
và nhận ra rằng:
Kiến cũng biết yêu thương!

Tình thương kiến vô lường
Ai có ngờ đâu được
Kiến tha xác anh em
Về nơi nao ai biết?
Anh em đã chết rồi
Tha về chi hả kiến?
Xác kia không sống nữa
Sao kiến không thấy “sợ?”
Sao không bảo là “ma?”
Sao kiến không tránh xa?
Sao lại mang về “nhà?”

Kiến tha xác anh em
Với dáng điệu trang trọng
Trong ôm ấp, yêu thương
Kiến tha ở trước đầu.

Em nào có ngờ đâu
Loài kiến nhỏ như thế
Lại có tình, có nghĩa
Với anh em đồng loại.
Thật đáng phục lắm thay!
Thật khâm phục lắm thay!

*********************************

Bạn thân mến,

Bước chân bạn là bước chân nào?

Bước chân vội vã của Maria Mađalêna đem dầu thơm đến viếng mồ vào rạng đông ngày thứ nhất trong tuần?  Hay bước chân hối hả, vui mừng về báo tin cho các môn đệ rằng: Ðức Kitô Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết?

Hay bước chân chạy vội vã đến mồ của Phêrô và Gioan để rồi hăng say đi loan báo tin mừng Chúa sống lại?

Hay bước chân mệt nhọc, thất vọng như hai môn đệ trên đường Emmau và rồi hăng hái lên đường trở lại Giêrusalem loan tin vui Phục sinh ngay sau khi nhận ra Ðức Kitô lúc Người bẻ bánh?

Hay bước chân nhiệt thành của Phaolô đem tin mừng cứu chuộc đến cho dân ngoại?

Bạn ạ,

Bạn và tôi tất cả đều được mời gọi đưa bước để gieo rắc tin mừng Chúa Kitô Giêsu phục sinh.  Thế bước chân chúng ta là bước chân nào?

“Ðẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” (Isaia 52:7)

NYKT

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

Một truyền thuyết kể lại rằng:  Khi Chúa Giêsu về đến trời, thân thể Người vẫn còn đầy thương tích, không chỗ nào lành lặn.  Các thiên thần vừa thấy thì quỳ xuống trước mặt Người tỏ lòng thương kính Người, vì không ngờ Người phải mang thương tích trầm trọng đến thế.

Một lúc sau, thiên sứ Gáp-ri-en tâu:

– Lạy Chúa, Chúa chịu thương tích đau khổ như vậy mà thiên hạ có biết sự hy sinh và tình thương hải hà của Chúa không?

– Chỉ một ít thôi, phần đông họ chưa biết Ta là ai, làm gì cho họ.

Thiên sứ ngạc nhiên tâu tiếp:

– Thế Chúa về trời, làm sao họ biết Chúa hy sinh chịu chết cho họ?

– Ta có bảo Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu đi nói họ biết, rôì đến lượt họ một khi đã biết được thì đi nói với người khác nữa. Nhờ đó, cả thế gian sẽ biết tình yêu Ta dành cho họ.

Thiên sứ nghe thế càng bối rối, vì qúa rõ loài người yếu đuối hèn nhát:

– Lạy Chúa, nếu lỡ Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu mệt mỏi thất bại ngã lòng, rồi số người mới được nghe nói về Chúa lần hồi quên mất rồi sao? Chúa không dự bị kế hoạch nào à?

–  Ta đã dự liệu tất cả.  Nhưng Ta tin chắc Phêrô, Giacôbê, Gioan sẽ không làm Ta thất vọng, và những người được họ loan báo cũng sẽ không làm Ta thất vọng.

**************************

Đúng như Lời Chúa tiên đoán:  Phêrô, Giacôbê, Gioan và những kẻ được nghe các ông loan báo Tin mừng đều không phụ lòng Người .  Họ đã đi khắp thế giới rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin.  Tiếp nối bước chân họ là những bước chân các vị thừa sai, bỏ quê cha đất tổ đến những miền đất xa lạ để tiếp tục mang Tin Mừng đến cho mọi người.  Máu họ đã đổ xuống trên quê hương Việt Nam, máu những người bản xứ được tiếp nhận Tin Mừng cũng đổ xuống để minh chứng cho điều họ tin.  Còn con cháu của những vị thánh Tử Đạo thì sao?  Họ đang sống cuộc đời như thế nào?  Họ có tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình không?  Họ có làm cho Chúa Giêsu Thăng Thiên thất vọng hay không?

Làm chứng cho tình yêu Chúa, đó không chỉ là bổn phận của riêng Phêrô, Giacôbê, Gioan, của hàng linh mục, giáo sĩ, tu sĩ… nhưng là nhiệm vụ của tất cả những người tin vào Chúa qua phép rửa.  Ai cũng có thể làm chứng cho Chúa qua cuộc sống hiện tại của mình, đó là ơn gọi nên thánh giữa đời.  Chẳng cần phải bỏ gia đình, bỏ công ăn việc làm đi vào một vùng đất xa xôi mới gọi là rao truyền Tin Mừng.  Lời Chúa được rao giảng hữu hiệu nhất qua cuộc sống của chính mình, từ trong gia đình, bạn bè, cộng đoàn, hãng xưởng….  Người Samaria tốt lành chẳng hề có ý định rao giảng điều chi, nhưng qua hành động nhân ái của ông với đồng loại mà ông đã trở thành nhân chứng sống của tình yêu.

Chúa Giêsu về trời dù biết rằng các môn đệ đang rất cần Ngài, Ngài về Trời mang theo một niềm tin mãnh liệt vào loài người yếu đuối.  Ngài biết nếu họ có tình yêu, tin vào tình yêu và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần thì họ sẽ làm được.  Hơn 2000 năm qua, hạt giống Tin Mừng, hạt giống Tình Yêu của Giêsu đã được gieo vãi khắp nơi và sẽ được tiếp tục gieo rắc khắp chân trời góc bể, nhưng Chúa vẫn tiếp tục chờ đợi trên trời cao!  Chờ đợi sự góp tay của những người con thụ động đang nhắm mắt, bịt tai lặng im trước lời mời gọi yêu thương.

Sưu Tầm

**************************

Lạy Chúa Giêsu Thăng Thiên, Ngài biết con cần Ngài biết bao trong cuộc sống trăm nghìn thử thách này, thế mà Chúa vẫn về Trời để lại sứ mạng lớn lao lên đôi vai nhỏ bé.  Chúa ơi, con tin vào Lời Chúa hứa, tin vào sức mạnh Chúa Thánh Thần Ngài sẽ ban cho con.  Xin cho con được trở thành nhân chứng tình yêu qua cuộc sống mà con đang phải cố gắng vươn lên từng giây, từng phút.  Dù là một ánh sáng leo lét, nhưng xin cho ánh sáng đó được thắp lên giữa lòng cuộc đời.   Amen!

Lang Thang Chiều Tím

MẸ ƠI, CON THƯƠNG MẸ…

Một cậu bé chạy đến bên bà mẹ đang chuẩn bị bữa ăn tối, cậu đưa cho bà một tờ giấy với hàng chữ cậu mới viết. Sau khi lau tay, bà mẹ cầm tờ giấy lên đọc :

  • Cắt cỏ: $ 5.00
  • Dọn dẹp phòng của con trong tuần: $ 1.00
  • Ra tiệm mua đồ cho mẹ: $ 2.00
  • Đổ rác: $ 1.00
  • Dọn dẹp ngoài sân: $ 2.00
  • Rửa chén bát: $ 2.00
  • Tổng cộng : $ 13.00

Bà mẹ liếc nhìn đứa con đứng bên cạnh. Bà lấy cây viết, lật ngược tờ giấy lại và viết:

  • Chín tháng mười ngày cưu mang trong bụng: Không tính tiền.
  • Lúc con bệnh, mẹ lo lắng săn sóc cho con: Không tính tiền.
  • Những đêm mẹ thức khuya chăm sóc và cầu nguyện cho con: Không tính tiền.
  • Những đồ chơi, quần áo, thức ăn, nước uống mẹ cho con: Không tính tiền.
  • Mẹ chỉ dạy và lo cho con học hành : Không tính tiền.
  • Và Tình yêu của mẹ dành cho con: Không tính tiền.

Cậu bé đọc xong, nước mắt rơi trên má, cậu nhìn vào mắt mẹ và nói : “Mẹ ơi, Con thương mẹ…”

* * * * *

Bạn thân mến, Hằng năm cứ vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5, người dân nước Mỹ lại kỷ niệm ngày Hiền Mẫu, ngày nhớ ơn mẹ: nhớ về ơn cưu mang sinh thành dưỡng dục; nhớ về tình yêu thương bao la, sự hy sinh cao cả của các bà mẹ dành cho con cái….

Trong ngày Hiền mẫu, chắc hẳn đã có những cuộc sum họp vui chơi ăn uống trong gia đình bên cạnh người mẹ thân yêu. Chắc hẳn đã có những cú phone của những người con xa nhà gọi về cho mẹ với những lời yêu thương thăm hỏi. Chắc hẳn đã có những cuộc thăm viếng, những bông hoa, những gói quà gởi đến mẹ để nói lên lòng tri ân, tình yêu thương đáp trả và sự quan tâm săn sóc của những người con dành cho mẹ …

Trong số những người mẹ hạnh phúc đó, cũng còn có biết bao các bà mẹ bất hạnh bị bỏ quên trong cuộc đời ….Có bà mẹ đang sống những ngày cuối đời trong cô đơn u buồn ở các viện dưỡng lão, có bà mẹ đang lê lết cuộc sống trong thân xác bệnh hoạn ở các nursing home. Các bà mẹ này sau 1 đời hy sinh cho con cái, họ vẫn còn tiếp tục hy sinh trong tuổi già sức yếu, họ vẫn còn đang sống nhưng dường như đối với con cái, họ có vẻ như là người đã chết rồi …. Trong nỗi cô đơn bất hạnh đó, họ thèm 1 lời thăm hỏi, họ thèm 1 câu nói yêu thương :

Thương mẹ đi
Lúc nầy đây mẹ còn đang sống
Đừng đợi chờ ngày mẹ khuất bóng
Khắc lời ngọt ngào trên đá vô tri
Lời thật ngọt nhưng đá thì lạnh lắm !!!
Nếu đang nghĩ đến mẹ : những lời dịu dàng đầm ấm,
Nói đi con, đừng đợi khi mẹ ngủ yên
Giấc ngủ ngàn năm cõi chết vô miên
Mẹ sẽ chẳng còn được nghe con nữa!
Và con ơi ! chút tình yêu nhỏ bé
Cho mẹ đi, lúc còn ở thế gian
Biết không con, dù một chút muộn màng
Đối với mẹ, ôi vô vàn trân qúy …
(Người mẹ vô danh)

Khi nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ trần thế, chúng ta cũng không thể không nhắc đến người mẹ trên trời: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ của mỗi người tín hữu.

Ngày 13 tháng 5 năm nay là ngày kỷ niệm 90 năm (13/5/1917 – 13/5/2007) ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với 3 trẻ chăn chiên tại một làng quê nghèo Fatima trong nước Bồ-Đào-Nha. Mẹ đã nhắn nhủ mời gọi mỗi người chúng ta “Hãy cải thiện đời sống” và “Hãy siêng năng lần hạt mân côi

Vào năm 1981, cũng vào ngày 13 tháng 5 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II  bị mưu sát bởi 1 tay súng chuyên nghiệp có tên là Ali Agca. Ngày và giờ  của cuộc mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô trùng hợp với ngày và giờ của cuộc hiện ra tại Fatima. Quả là sự trùng hợp bí ẩn nhiệm mầu. Cuộc mưu sát đã được chuẩn bị rất chu đáo bởi 1 tay súng chuyên nghiệp, nhưng cuộc mưu sát đã không làm hại được giáo hoàng. Viên đạn đã đâm vào ngực của ngài, nhưng nằm cách quả tim vài centimét.

“Trong tất cả những gì xảy ra cho cha vào ngày hôm ấy, cha cảm nghiệm rõ ràng có bàn tay che chở, có sự lưu tâm đặc biệt của Hiền Mẫu Thiên Quốc. Đức Mẹ minh chứng rõ ràng rằng Đức Mẹ mạnh hơn viên đạn có sức giết người!”

Đó là 1 câu ngắn trong tâm tình cảm nghiệm của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II khi nói về cuộc mưu sát. Còn tay súng giết mướn thì nghĩ gì? Chắc hẳn anh ta đã hiểu được rằng: Vượt lên trên khả năng giết người của mình, còn có một quyền lực khác lớn mạnh hơn nhiều!!!

* * * * *

Lạy Chúa, Năm tháng hạnh phúc nhất đời con là những năm tháng con được nằm trong vòng tay yêu thương ấp ủ của người mẹ. Xin cho con luôn biết trân trọng và mang trong lòng tâm tình biết ơn là con có mẹ : Mẹ trần thế và Mẹ Thiên Quốc. Amen

Linh Xuân Thôn

TÌNH MẪU TỬ BAO LA

Trước đệ nhất thế chiến 1914-1918, các xứ đạo tại Đức mở Tuần Đại Phúc.

Năm đó, một giáo xứ của giáo phận Aachen (Tây Đức), cũng mở Tuần Đại Phúc.  Dịp này, Cha Sở mời Linh Mục Thừa Sai đến nói chuyện với giáo dân.  Thánh đường chật ních tín hữu.  Bổn đạo im lặng hướng mắt về tòa giảng.  Vị Linh Mục Thừa Sai trạc ngũ tuần.  Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Một bà mẹ đau nặng gần chết.  Tất cả con cái tề tựu quanh giường người hấp hối.  Chỉ thiếu mặt người con út, đứa con trai hoang đàng.  Đây là đứa con nhận lãnh nhiều tình thương nhất.  Đáp lại, anh gây cho mẹ nhiều sầu khổ và đổ không biết bao giọt nước mắt.  Giờ sau cùng đến, nhưng quí tử của bà đang bị giam tù, vì các tội ác của chàng.  Dầu vậy người mẹ vẫn không quên đứa con út. Bà ao ước nhìn mặt con lần cuối.  Các người con khác cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ.  Họ xin phép đặc biệt cho người em về thăm mẹ.

Phép xin được chấp thuận.  Hai tay bị còng, đứa con út được bốn quân nhân hộ tống đưa đến cạnh giường người mẹ.  Bà đã quá yếu. Bà không còn hơi để nói với con trai lời nào, dù chỉ một lời duy nhất.  Nhưng tâm trí bà vẫn tĩnh táo.  Bà chăm chú nhìn con yêu dấu lần cuối.  Chỉ có thế.  Chàng trai lại được bốn người lính đưa về nhà tù.  Nhưng phép lạ đã xảy ra sau đó.  Ánh mắt vừa sầu khổ, vừa yêu thương trìu mến của mẹ hiền có giá trị hơn ngàn lời sửa dạy trách mắng.

Một mình trong phòng giam chật hẹp, chàng quỳ gối nức nở khóc.  Chàng hồi tâm về tất cả tội lỗi đã phạm.  Chàng cũng bắt đầu cầu nguyện, van xin THIÊN CHÚA đoái thương tha thứ cho chàng.  Sau đó chàng xin gặp Cha Tuyên Úy, vị Linh Mục mà trước đó không bao giờ chàng muốn thấy mặt, hoặc nghe nói đến tên.  Chàng khiêm tốn xưng tội và thật lòng ăn năn thống hối..  Từ đó cuộc đời chàng biến đổi hẳn.  Ơn thánh hoạt động và tìm được thửa đất tốt để nẩy mầm rồi sinh hoa kết trái.

Mãn hạn tù, người con trai hoang đàng trở lại gia đình và trường học.  Xong bậc trung học chàng xin vào chủng viện.  Mấy năm sau chàng được thụ phong Linh Mục.  Nhưng vị tân Linh Mục không ngừng lại ở đó.  Cha tình nguyện đi truyền giáo tại một xứ đạo nghèo bên Phi Châu…

Nói đến đây, vị Thừa Sai ngừng lại.  Cha đưa mắt nhìn mọi người rồi chậm rãi nói:

–  Anh chị em có biết chàng trai hoang đàng trở thành Linh Mục đó là ai không?  Thưa chính tôi đây!

Bài giảng tiếp tục.  Nhưng phần đầu đã gây tác động mạnh trên tâm lòng các anh chị em tín hữu có mặt trong nhà thờ hôm ấy…….

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 90 năm và vị Linh Mục đã là người thiên cổ.  Câu chuyện thứ hai của vị Linh Mục vẫn còn sống:  Cha Mansour Labaky, người Liban.  Cha cộng tác với hai văn phòng chuyên giúp đỡ các trẻ bụi đời ở Paris, thủ đô nước Pháp.  Cha nói về hiền mẫu trong công trình đưa Cha đến thiên chức Linh Mục như sau.

Năm đó tôi vừa xong bậc tiểu học.  Tôi thưa với mẹ về ước muốn trở thành Linh Mục và xin phép mẹ gia nhập chủng viện.  Mẹ vui mừng lắng nghe tôi trình bày. Mẹ tôi cảm động nói:

–  Mẹ sẽ đồng hành với con trong thời gian con chuẩn bị tiến lên chức vụ Linh Mục.

Mẹ tôi chỉ nói có thế.

Thời gian trôi qua.  Một tháng trước ngày tôi thụ phong Linh Mục, mẹ tôi chỉ cho tôi bình lúa mì và nói:

–  Con yêu dấu, kể từ giây phút con chính thức báo tin muốn trở thành Linh Mục, mẹ quyết định sẽ dâng nhiều hy sinh để cầu xin Chúa giữ gìn con trung thành với ơn gọi.  Mỗi lần làm một hy sinh, mẹ bỏ vào bình một hột lúa mì. Tất cả hạt lúa mì sẽ được xay, rồi tán nhuyễn thành bột và đúc thành chiếc bánh lễ, để con thánh hiến, trong ngày con dâng lên THIÊN CHÚA Thánh Lễ đầu tay.  Con hãy nhận các hạt lúa mì này, ghi dấu tình mẹ thương con và cộng tác với con.  Bao lâu Chúa cho mẹ còn sống, mẹ sẽ tiếp tục hợp tác với chức vụ Linh Mục của con, bằng những hy sinh trong cuộc đời khiêm tốn thường ngày của mẹ.

R. Vatican
(”IL SEME”, 12/1990, trang 21)

************************

Lạy Chúa, Chúa đã gởi con đến với đời qua đôi dòng sữa một người mẹ, xin gìn giữ mẹ lúc người còn sống, xin dủ lòng xót thương khi người đã khuất núi.  Xin cho những đứa con còn mẹ hôm nay luôn biết trân quý món quà vô giá đó.  Xin cho những người con mất mẹ biết tìm chỗ tựa nương ủi an bên Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa.  Amen!

TRONG VÀ NGOÀI TÌNH YÊU

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua nhiều thiên tai khốc liệt.  Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần.  Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, hình ảnh các Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân.  Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ.  Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả.  Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn.  Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân.  Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành, cả những anh chị em ở hải ngoại cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn.  Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và ủy lạo các nạn nhân bão lụt.  Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc.  Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang qui tụ lại để khắc phục thảm họa.  Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau.  Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng.  Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái.  Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

***********************************

“Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy.  Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa.  Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng.  Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong bốn bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu.  Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu.  Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa.  Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần.  Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất:  hữu tâm và vô tâm.  Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ.  Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân.  Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa.  Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lớn.  Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo.  Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới.  Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra bốn phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về.  Thành không có đền thờ vì thành được xây bằng yêu thương.  Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị.  Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành.  Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quí tỏa ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em.  Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông.  Người âm thầm, kẻ công khai.  Người góp của, kẻ dâng công.  Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu.  Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Thiên Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

***********************************

Lạy Cha, xin dạy con biết yêu thương, như đã từng được Cha thương yêu.  Biết sống như người có đạo, một đạo yêu thương bác ái.  Biết đối xử với nhau như người có tâm, một trái tim nóng bỏng nhân ái biết san sẻ cho đi, để thế gian không cười chê Cha có những đứa con hữu đạo vô tâm.