SỰ BẤT LỰC CỦA CHÚA

Em gọi tôi với giọng nghẹn ngào.  Con em mất rồi.  Tôi bàng hoàng sửng sốt.  Một ánh sao vụt tắt.  Một hy vọng tàn phai.  Lặng người đi, tôi biết nói gì với em bây giờ…

Sáu tháng trước em gọi báo tin vui.  Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu.  Mong mãi một đứa con, mà bây giờ mới được.  Nhìn mặt em rạng rỡ, tôi vui lây.  Mong em được mẹ tròn con vuông.   Mong em được nghe tiếng trẻ thơ, vui cửa vui nhà.

Thế nhưng, Trời chẳng chiều lòng người.  Bao nhiêu niềm mơ ước vụt tan như mây khói.  Em lặng lẽ thu mình trong nước mắt.  Đau khổ đang gặm nhắm trái tim em.  Tại sao?  Và tại sao?  Chẳng ai có thể cho em câu trả lời xác đáng… Bác sĩ cũng chẳng biết nguyên do.  Chỉ biết rằng con em đã mất.  Nó mất đi khi chưa được thấy mặt trời.  Nó mất đi khi chưa nếm được dòng sữa mẹ.

Tại sao Chúa bỏ con?  Tiếng kêu xé lòng của em cũng là tiếng kêu của Đấng bị đóng đinh trên thập giá.  Tiếng nghẹn ngào cũng là tiếng lòng của một bà Mẹ bất lực đứng nhìn con dưới chân thập tự.  Đau đớn.  Mất mát.  Phải chăng đời chỉ toàn là bất hạnh khổ đau?

********************************

Tôi mời em hãy đến với thập giá của Chúa Giêsu.  Đứng dưới thập giá, em và tôi, chúng ta nhìn thấy gì?  Tại sao Chúa lại chấp nhận sự yếu hèn, bất lực này?  Tại sao Chúa lại phải chết tất tưởi thế kia?  Không lẽ nào một người đã từng làm biết bao phép lạ lại không cứu nổi chính mình?  Không lẽ một con người đầy quyền năng lại bất lực trước sự dữ?  Tại sao thế?

Không, Đức Giêsu không chạy trốn sự chết, dù rằng đã có lần phải run sợ trước chén đắng của cuộc đời.  Không, Ngài đã không khước từ thập giá cho dù thập giá là biểu tượng của khổ đau, của thất bại, của nhục nhã.  Ngài không bỏ thập giá vì Ngài muốn gánh lấy những thương tích của biết bao người bị đau khổ và bỏ rơi.  Ngài đã chấp nhận cái chung cuộc tồi tàn nhất của một con người vì Ngài muốn đồng hành với con người ngay trong sự tận cùng của cái chết.  

Vâng, Chúa Giêsu vẫn nằm đó trên thập giá!  Chẳng nói năng chi.  Chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả.  Một Đấng thật quyền năng, nhưng cũng rất là bất lực!

Em có tin vào Chúa Giêsu này không?  Tin vào một Thiên Chúa cũng đã chết, cũng đã chạm đến sự tận cùng nhất của cuộc đời?  Một Thiên Chúa cũng chia sẻ sự hẩm hiu, bội phản, ruồng bỏ và thất bại của con người?

Trong cái chết, Chúa Giêsu đã hiệp thông với nỗi đau của em, nỗi khổ của gia đình em, cũng như biết bao nhiêu lao nhọc, bệnh tật, đau đớn, thất bại, mất mát của mỗi một người chúng ta.  Ngài đã mặc xác phàm để thông phần vào để gánh lấy sự yếu đuối mỏng dòn của kiếp con người.  Ngài đã đi qua cái chết để rồi chúng ta được về cõi vĩnh hằng.  Ước gì chúng ta nhận ra được một Thiên Chúa quyền năng trong một thân xác mỏng dòn yếu đuối, một thân xác đang bị treo lơ lửng trên thập tự.

********************************

Lạy Chúa Giêsu trên thập tự, xin ở với con trong giờ phút đen tối này.  Xin để con ẩn náu mình trong vết thương của Chúa.  Xin cho con lòng bình thản để đối diện với mất mát và đau khổ của cuộc đời. Và qua đó, xin cho con biết nhận ra được tình yêu vô biên trong sự bất lực của Chúa.  Amen

 Antôn Bảo Lộc

YÊSU, TÌNH YÊU KHỔ NẠN

                   +
Christ Jesus is all…

Hỡi YÊSU, hỡi Người yêu dấu
Con yêu Người, Đấng cam chịu khổ đau
Tình thương Người thật quá nhiệm mầu!
Thương con quá chịu khổ hình thập giá!

Chiều thứ sáu, chiều thương đau khổ nạn
Tội lỗi con, Người tự nguyện cưu mang
Tâm tư Người chua xót, bàng hoàng
Phản bội, chối từ, con nỡ tâm đành đoạn!

YÊSU hỡi,
Tội đời con chất chồng theo năm tháng
Để kết thành án tử cho YÊSU
Thành gai nhọn đâm thấu lòng nhân ái
Thành roi đòn,
lời xỉ nhục,
rẻ khinh
YÊSU vẫn thanh thản chịu khổ hình!

YÊSU hỡi,
Con nhớ mãi chiều đau thương khổ nạn
Thân nát tan, máu tuôn tràn lai láng
Đớn đau nào xé nát tâm can
Để lộ ra tim rực lửa tình ái?

YÊSU hỡi,
Tiếng đinh đóng, tiếng hồn con ai oán
Tiếng thét gào kết án tử YÊSU
Vẫn lặng thinh, sự thinh lặng tha thứ
Chẳng lời trách cứ,
Chẳng tiếng than van
Trung thành tiến bước
Lòng từ bi vô hạn
Người tiến đến
tột đỉnh của yêu thương.

YÊSU hỡi,
Con quá đỗi tầm thường
Sao Người thương, thương con quá bội?
Tình thương Người
Ôi tình thương vời vợi!
Con lấy gì đáp đền Người,  Người ơi?

Tình YÊSU, một mối tình tự hiến
Như hạt miến được gieo vào lòng đời
chịu nghiền nát,
thối mục,
chịu chết đi
để hạt giống đâm mầm
và nảy hạt.

NYKT

PHÉP LẠ THÁNH THỂ Ở SIENA,  Ý NĂM 1330

Thành phố Siena của nước Ý  từ trước tới nay vẫn đã nổi tiếng vì có thánh Catarina và thánh Bênadinô Albizesca lừng danh, mà còn nổi tiếng vì còn có hai phép lạ về Thánh Thể Chúa Giêsu. Phép lạ Thánh Thể thứ nhất xẩy ra vào năm 1330, rồi đúng 400 năm sau là năm 1730, phép lạ Thánh Thể lần thứ hai lại diễn ra. Cả hai phép lạ Thánh Thể tại thành phố này hiện nay người ta còn lưu giữ cả một sưu tập lớn lao chứng minh, gồm đầy đủ các chi tiết sự việc đã xẩy ra.

1- Phép lạ thứ nhất:  liên quan đến vị linh mục có nhiệm vụ săn sóc cho một bệnh nhân trong giáo xứ thuộc vùng ngoại ô thành phố. Câu chuyện được ghi lại rằng có một nông dân đau nặng, người trong gia đình đến mời vị linh mục tới cho bệnh nhân được lãnh nhận các bí tích thánh, nhất là bí tích Cáo Giải và Xức Dầu. Vị linh mục mau mắn tới Nhà Tạm lấy Mình Thánh Chúa, nhưng vì vội vã, thay vì đặt Minh Thánh Chúa vào trong hộp bạc thì vị linh mục lại kẹp vào trong trang sách nguyện. Rồi ngài cặp vội cuốn sách nguyện dưới nách đi thẳng tới nhà bệnh nhân.

Khi tới nhà bệnh nhân, vị linh mục gặp gỡ bệnh nhân, giải tội cho bệnh nhân, cho bệnh nhân chịu các Phép Bí Tích. Sau đó đọc các kinh như thường lệ rồi ngài mở sách nguyện lấy Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân rước lễ, thì lạ lùng quá sức! Mình Thánh Chúa đã chảy máu và hầu như đã tan! Vị linh mục bồi hồi xúc động và sợ hãi, ngài vội gấp sách lại và vội vã trở về thành Siêna. Trong khi đó, cả bệnh nhân cũng như những người trong gia đình bệnh nhân không ai  hay biết sự việc lạ lùng vừa xẩy ra.

Hối hận vì sự cẩu thả vội vã của mình và lương tâm cắn rứt, vị linh mục đã đi thẳng tới Tu Viện các Cha Dòng thánh Augustinô để trình bày mọi chi tiết cho Cha Fidati, một nhà Thần Học và cũng là một nhà giảng thuyết nổi tiếng thời đó. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 14 phong thánh. Vị linh mục cũng cho cha Simone xem hai trang sách có dấu máu của Mình Thánh Chúa rồi trao cuốn sách nguyện ấy cho cha Simone giữ.  Sau đó vị linh mục xin xưng tội vì sự cẩu thả của mình. Sau một thời gian cha Simone lấy một trang sách có Máu Thánh Chúa làm quà tặng cho các đồng bạn, là các cha dòng thánh Augustinô ở Perugia. Rất tiếc món quà này bị mất năm 1866, thời kỳ nhà dòng này bị đàn áp. Trang sách thứ hai còn để lại trong một hộp bằng bạc. Trong một thời kỳ bất an khác, hộp di thánh được đem về Cascia quê hương của cha Simone. Nơi đây lòng mộ mến Thánh Thể trổi vượt nơi các linh mục cũng như các người cầm quyền của thành phố. Tài liệu lưu trữ của thành phố vào năm 1387 còn được lưu  giữ tại tòa Thị Sảnh Cascia, cho chúng ta nhiều tài liệu về lễ Mình Thánh Chúa hằng năm. Trong ngày lễ, Thị Trưởng, các Thành Viên Hội Đồng thành phố và đông đảo dân chúng đã tập họp lại nơi nhà thờ, kiệu và dâng thánh lễ tôn vinh Thánh Thể Chúa Giêsu và Thánh Tích. Thành phố đã cung cấp 10 cân nến dùng cho ngày lễ được tổ chức hàng năm.

Phép lạ cũng được Đức Thánh Cha Bôniphaxiô thứ 9 tôn vinh. Ngài đã chấp thuận việc tôn kính Thánh Tích trong sắc đề ngày 10.1.1401. Đức Giáo Hoàng đã rộng rãi ban nhiều ân xá cho những ai viếng nhà thờ thánh Augustinô trong ngày lễ Mình Thánh Chúa. Ngày 7.6.1408, Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 12 chấp thuận lòng tôn kính Thánh Tích và ban thêm các ân xá cho những ai đến viếng nhà thờ đặt Thánh Tích này. Thánh Tích cũng còn được các Đức Giáo Hoàng Sixtô thứ 9, Innôxentê thứ 13, Clêmentê thứ 11 và Piô thứ 7 tôn vinh.

Năm 1962, một cuộc khám nghiệm toàn bộ Thánh Tích cho chúng ta biết thêm những chi tiết sau đây: Kích thước trang sách là 52x 44mm, đường kính vết máu là 40mm. Mầu vết máu đỏ hơi nâu. Qua kính hiển vi thì máu đỏ hơn. Các phân tử máu được xác định rõ ràng. Tình trạng vẫn nguyên vẹn. Một hiện tượng khác có trong vết máu là khi coi bằng kính hiển vi nhỏ hơn, thì thấy hình một người đàn ông nét mặt âu sầu. Hình ảnh này cũng được nhìn thấy trong các ảnh chụp.

Năm 1930 Hội Nghị Thánh Thể đã được tổ chức tại Cascia vào dịp kỷ niệm 600 năm phép lạ. Trong biến cố này, người ta dùng một mặt nhật mới để lưu giữ Thánh Tích. Như vậy cung thánh của Vương Cung thánh đường thánh Rita ở Assisi được phúc lưu giữ 3 thánh tích:

– Thi thể không hư hoại của thánh Rita.

– Hài cốt của thánh Simone Fidati.

– Thánh Thể phép lạ năm 1330.  Riêng thánh tích phép lạ đã được lưu giữ hơn 650 năm.

**************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay :
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm biết đi,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen!

Trích RABBOUNI

CÂU CHUYỆN RỬA CHÂN

Năm nay, những ngày cuối Mùa Chay và Tuần Thánh, mấy anh em Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi ở miền Nam được gọi đi giúp Đại Phúc (một tuần ) hoặc Tiểu Phúc ( 3 ngày ) ở các tỉnh miền Bắc. Các anh em ở ngay tại miền Bắc thì đã rong ruổi từ giữa Mùa Chay lên các tỉnh vùng Tây Bắc xa xôi cách trở. Có lúc cụm lại làm việc chung, có lúc tản ra mỗi người lo một xứ, rồi lại hẹn gặp nhau về chung một Giáo Xứ khác tại một Giáo Phận khác. Được gọi được mời đi giúp khắp nơi như thế này anh em chúng tôi mừng lắm, vì được sống đúng với đặc sủng của Nhà Dòng từ Thánh Tổ An Phong truyền lại cho đến ngày nay.

Thế rồi, trong những lúc ngồi trò chuyện với các cha Xứ, chúng tôi nghe được lắm điều hay. Ví như chuyện tại nhiều xứ đạo miền Bắc gốc gác do các cha Dòng Tây Ban Nha khai mở bao đời nay, khó khăn thế nào, o ép ra sao thì vẫn cứ cố mà giữ cho được cái nếp xưa, những thói tục đạo đức bình dân. Tuy nhiên cũng đã đến lúc phải mạnh dạn xem xét lại và đổi mới nhiều chuyện, bình dân đến đâu thì cũng phải lo sao cho sát với Kinh Thánh, đúng với Thần Học, giá trị nghệ thuật cũng phải kha khá và từ đó khơi lên được những tâm tình tôn giáo sâu sắc mà chừng mực, đạt được cả mục tiêu giới thiệu Đạo mình với mọi người chung quanh.

Có cha chép miệng than:

-“Ai đời chúng nó bôi mày vẽ mặt làm quân dữ, chạy rầm rầm đi bắt Chúa, hô hoán quát tháo, xô tượng đứng lên trong Nhà Thờ xong, thành công rồi là kéo nhau đi đánh chén be bét suốt đêm, lễ lạc Tuần Thánh chẳng coi ra gì. Con thì… cấm hết, dẹp hết !”

Nhưng cũng có cha lý luận rằng đó là một truyền thống cổ xưa cần bảo tồn, và ngài đưa ra sáng kiến sẽ canh tân bằng cách làm kịch bản sân khấu hóa đàng hoàng, rà soát lại nội dung, tạo bầu khí cầu nguyện trang nghiêm mà sống động, đưa thêm âm nhạc, thêm Thánh Ca vào, dạng như hoạt cảnh. Và quan trọng nhất là dứt khoát nghiêm cấm cái khâu nhậu nhẹt thịt chó.

Lại bàn đến chuyện rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh. Các cha mình lâu nay vẫn làm theo thói quen, nay thì đang có khuynh hướng muốn đột phá cách tân. Nghe đâu có một cha bên hải ngoại đặt vấn đề sao không rửa chân cho các bà mà lại chỉ chọn các ông ? Thế là có cha chịu khó tìm đọc lại phần chữ đỏ trong Sách Lễ Rô-ma xem sao, thì thấy có ghi rất rõ về nghi thức Rửa Chân như thế này: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó Linh Mục (cởi áo lễ nếu cần ), với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau…”

Trong thực tế, có nhiều nơi không ngờ sinh ra muôn vàn giống tội cũng từ cái chuyện “những người đàn ông đã được tuyển chọn”, lòng dạ con người ta khiếp lắm, giành giựt, gièm pha, đố kỵ, khích bác nhau để “phấn đấu”, “tranh thủ” cho được một chỗ trong hàng ghế các “Tông Đồ” ! Thế là có cha quyết định năm ấy không chọn trước bất cứ người nào nữa. Cả Giáo Xứ đồn đại lao xao xì xào, không khéo có người lại định bụng sẽ đi mách với… Đức Cha. Thế rồi đúng chiều Tiệc Ly, trên cung Thánh quả thật không thấy dọn các ghế ngồi cho các ông “Tông Đồ” như mọi năm, cha Sở cùng một chú giúp lễ bưng một chậu nước, khoác tấm khăn bông trên tay, băng băng đi xuống lối giữa Nhà Thờ, rồi bất ngờ dừng lại ở một người nọ, quỳ xuống rửa chân luôn, mặc cho anh ta cuống quít lọng ngọng. Cứ thế, lại bất ngờ dừng ở một người thứ hai, người thứ ba, cho đến người thứ mười hai, rải rác khắp các nơi trong giáo đường, hầu hết đều là những người đàn ông ngồi ở ngay các đầu ghế. Bất ngờ đến thế thôi chứ cha cũng không dám bất ngờ quay sang các dãy ghế bên kia chọn cả các bà để rửa chân !

Chúng tôi cũng xin tham gia góp chuyện. Tôi kể lại lần mình được dâng Lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà thờ do các chị Dòng Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ phụ trách. Vừa bước ra đầu Lễ, tôi đã thấy hay hay vui vui, cũng hơi lo lo hồi hộp vì các soeurs “chịu chơi” quá, chọn luôn mười hai tông đồ là sáu cậu bé áo sơ-mi trắng và sáu… cô bé áo đầm đồng phục học sinh. Đến lúc bắt đầu nghi thức rửa chân, tôi lại ngẩn ngơ một lần nữa vì phát hiện ra có một số em bị “thông manh”, nhìn thoáng qua không ai nghĩ các em là người khiếm thị ở Mái Ấm Như Nghĩa. Thú thật, tôi quỳ xuống rửa chân mà lòng bàng hoàng xúc động. Tôi bất giác nâng đôi bàn chân nhỏ nhắn xanh xao gầy gò của từng em để đặt lên đó một nụ hôn trân trọng và trìu mến.

Các soeurs sau Thánh Lễ có bảo tôi:

-“Cha ơi, đâu có ai bắt cha phải hôn chân người ta đâu !”

Tôi liền kể lại cho các chị nghe ấn tượng từ gần bốn mươi năm trước, khi còn là một chú thiếu niên, tôi đã gặp được nơi cha Pacifique Nguyễn Bình An, Dòng Phan-xi-cô. Lần ấy, cũng buổi chiều Tiệc Ly, cha Bình An đã tận tụy ân cần quỳ rửa và sau đó cúi gập người xuống để hôn chân từng người, trán cha lấm tấm những hạt mồ hôi, không phải do nóng bức mùa hè mà do cha đã kiệt sức lắm rồi. Không lâu sau đó, cha qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ tôi đi dự đám tang ngài về cứ xót xa tiếc thương:

-“Cha tốt lành quá, ông Thánh sống nên chả trách Chúa cất về sớm !”

Còn bố tôi thì bảo:

-“Cha là người Bình An đến… hai lần đấy !”

Tôi tò mò hỏi tại sao thì mới được bố tôi giải nghĩa cho biết tên thánh của cha cũng là Bình An.

Thế rồi Tam Nhật Thánh năm nay cũng đã đến, tôi xin Đức Cha Bắc Ninh cho hai anh em DCCT chúng tôi được về giúp phụng vụ ở trại phong Quả Cảm thân quen. Cô Xuân và cô Yên, hai chị Tu Hội Thánh Tâm đang phục vụ ở đây mừng lắm, bảo là biến cố lịch sử vì có lẽ phải hơn 50 năm rồi trại phong chưa bao giờ có Thánh Lễ Tam Nhật Thánh. Chúng tôi bàn với nhau rồi ngỏ ý với các bệnh nhân: “Ở đây chỉ có hơn 20 người Công Giáo cả ông lẫn bà, cả anh lẫn chị tham dự thì xin cho rửa chân hết”

Phút chót, dễ thương quá, có thêm hai cụ ông là người bên Lương đến xin dự Lễ nữa, vậy mà cũng chẳng thể gom đủ 12 ông như quy định của Sách Lễ Rô-ma. Vậy là yên tâm lớn, không sợ các đấng các bậc đem luật chữ đỏ ra bắt lỗi !

Năm giờ rưỡi chiều, Thánh Lễ bắt đầu… Đến nghi thức rửa chân thì có một tình huống bất ngờ xảy ra, một cụ ông giơ tay xin phát biểu:

-“Thưa hai cha, con không còn chân để được rửa ạ !”

Tôi buột miệng:

-“Cụ ơi, không sao, chúng con sẽ rửa tay cho cụ vậy !”

Dãy ghế bên này thêm một cụ bà thắc mắc:

-“Nhưng thưa cha, con cũng chẳng còn tay để cho cha rửa đâu !”

Chúng tôi nhìn kỹ, quả thật đôi tay của cụ không còn bàn, cũng chẳng còn ngón nào, nó cụt ngủn ở cổ tay với những mấu mứu đầu xương nhô ra mà thôi. Cha Hoàng Xô Băng nói luôn:

-“Thưa, nếu không còn tay thì ta rửa… mặt vậy !”

Cả ngôi nhà thờ bé nhỏ với mấy chục con người hạnh phúc đã cười vang, không quên kèm theo một tràng pháo tay lụp bụp của những bàn tay không còn bàn và thiếu ngón như thế…

Trời ơi, đối với anh em chúng tôi, có lẽ trong suốt cuộc đời mục vụ sau này, sẽ mãi mãi chẳng bao giờ quên được kỷ niệm xúc động tuyệt vời có một không hai ấy…

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
(www.chungnhanduckito.net)