Fred Nassiri, sinh ra và lớn lên ở xứ Ba Tư, sau đó di dân đến Hoa Kỳ và sống tại thành phố ăn chơi cờ bạc Las Vegas, nơi đây Fred Nassiri đã gầy dựng được tài sản rất lớn trị giá gần 1 tỷ mỹ kim nhờ công việc sáng chế kinh doanh các kiểu mẫu quần áo thời trang và sản xuất đĩa hát. Fred Nassiri đã sống và lớn lên với niềm tin của một tín đồ Hồi Giáo, nhưng tại thành phố cờ bạc Las Vegas này, ông đã bước vào 1 con đường mới, con đường trở nên một tín hữu Công Giáo, và hơn thế nữa, con đường trở nên 1 tu sĩ trong dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô.
Ngày 1 tháng 3 vừa qua, Fred Nassiri đã đến Vatican và được gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ông nói về cuộc gặp gỡ này như sau:
– “Tôi muốn mang đến Vatican một chứng từ đức tin và lòng khâm phục lý tưởng dòng Anh Em Hèn Mọn. Tất cả tài sản của tôi, tôi sẽ cống hiến cho người nghèo để tôi trở thành 1 tu sĩ Phanxicô.”
Nói về sự chuyển hướng cuộc đời, về con đường mà Fred Nassiri đã lựa chọn và bước vào, Ông giải thích như sau:
– “Càng có nhiều tiền của sức lực, càng có nhiều nghĩa vụ đối với những người chung quanh mình.”
(Catholicworldnews.com, Trích bản tin ngày 2/3/2007)
* * * * *
Bạn thân mến! Con đường mà Fred Nassiri đã lựa chọn và bước vào là con đường bỏ mọi sự để bước đi theo Chúa Giêsu, để làm môn đệ của Ngài. Con đường theo Chúa rộng hẹp ra sao ? con đường ấy có cây dài bóng mát, có hoa thơm cỏ lạ, có chim hót, có suối róc rách reo vui không nhỉ ? Con đường ấy là con đường vinh quang hạnh phúc hay là con đường đau thương tủi nhục ? Chắc hẳn bước đi theo Chúa Giêsu là bước đi trên “con đường Chúa Giêsu”. Chắc hẳn người môn đệ Chúa Giêsu không có con đường nào khác ngoài con đường mà Ngài đã đi qua.
Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy lần theo dấu chân của Chúa Giêsu trong những bài đọc của mùa chay, để biết thêm về một vài con đường ngày xưa Ngài đã ngược xuôi qua lại, để nhận ra con đường ngày xưa ấy đã tác động đến cuộc sống của tôi và bạn hôm nay ra sao.
Con đường vào hoang địa: Trước khi bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng, Chúa Giêsu bắt đầu bằng “con đường vào hoang địa” để sống một mình trong thinh lặng, chay tịnh và cầu nguyện (Lc 4:1). Bước đi trên “con đường vào hoang địa”, Chúa Giêsu đã làm nổi bật bản tính con người của mình. Ngài chấp nhận những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống, chịu thử thách, chịu cám dỗ và kiên cường chống trả (Lc 4:3-13).
Bước đi trên “con đường vào hoang địa” trong đời sống thiêng liêng là bước đi với Chúa Giêsu, là trở nên giống Ngài, là liên kết với Ngài trong thinh lặng và cầu nguyện, là để được Ngài tôi luyện và biến đổi…
Bạn thân mến! “Con đường vào hoang địa” trong đời sống thiêng liêng của tôi và bạn ra sao? Đã bao giờ tôi và bạn bước chân vào con đường này chưa nhỉ ? Chẳng lẽ chúng ta qúa sợ sệt mà không dám bước vào hay sao?
Con đường lên núi Tabo: Biến cố trên núi Tabo (Lc.9:28) là điểm vinh quang rực rỡ sáng ngời của Chúa Giêsu, là một bằng chứng xác tín Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là một phép la, là 1 sự biến đổi hình dạng con người của Chúa Giêsu để mặc lấy thiên tính của Ngài. Biến cố trên núi Tabo cũng là một khuyến khích trợ lực cho những ai bước đi theo Ngài .
Bước đi theo Chúa không phải để tìm kiếm những giây phút ngất ngây tuyệt vời trên núi Tabo như ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê xưa kia, cũng không phải là ở lại trên núi Tabo để tận hưởng những giây phút vinh quang rực rỡ tuyệt vời với Ngài. Nhưng bước đi theo Chúa là phải cùng xuống núi với Ngài, cùng ngược xuôi qua lại với Ngài trên con đường rao giảng Tin Mừng, và nhất là cùng với Ngài bước đi trên con đường Thánh giá hy sinh cứu chuộc.
Đường lên núi Sọ Golgotha:(Ga 19:17). Với thập giá sần sùi trên vai, cô đơn lạc lõng giữa rừng người vây quanh. Chúa Giêsu bước đi trên con đường ra núi Sọ như 1 tội nhân . Với hơi tàn sức yếu, Ngài lê gót bước đi, đi mãi cho đến đỉnh đồi Golgotha. Về phương diện con người, đây là con đường đau thương tủi nhục của Chúa Giêsu. Cuối con đường, Ngài đã chấp nhận cái chết trần truồng trên thập gía vì yêu thương .
Trên núi Tabo, vinh quang rực rỡ sáng ngời đã dành cho Chúa Giêsu, nhưng trên núi Sọ, Ngài chỉ có đau thương nhục nhã và cái chết. Hai ngọn núi, hai con đường khác nhau. Về mặt thể lý, hai ngọn núi không cách xa nhau bao nhiêu nên con người có thể dễ dàng đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia . Nhưng về mặt thiêng liêng, thật khó khăn biết bao để đi hết đọan đường ngắn ngủi ấy, bởi vì con người ưa thích những vinh quang ngất ngây tuyệt vời, không dám hy sịnh, sợ đau khổ, sợ chết. Con người không thấu hiểu và cũng không xác tín được rằng: “Cái chết là cửa ngõ dẫn đưa vào sự sống lại đời đời”.
Đường vinh quang phuc sinh:(Ga.20). Qua cái chết đau thương nhục nhã trên thập giá, Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã chiến thắng sự chết. Con đường đau khổ và sự chết đã dẫn đưa đến con đường vinh quang phục sinh . Qua cái chết của Chúa Giêsu, Ngài đã nối tiếp “đường lên núi Sọ Golgotha” bằng “đường vinh quang phuc sinh” của Ngài.
Bạn thân mến! Chúa Giêsu đi “con đường vào hoang địa” để cầu nguyện và để tôi luyện. Ngài đã đi “con đường lên núi Tabo” để được Thiên Chúa Cha biến đổi hình dạng. Ngài cũng đi “con đường lên núi Sọ” với biết bao đau thương tủi nhục để hy sinh mạng sống cho người mình thương. Qua cái chết của Ngài, Ngài đã đi vào “con đường vinh quang phuc sinh”. Tôi và bạn đang đi con đường nào đây nhỉ ? Thầy Giêsu đã đi con đường trên đây, Chẳng lẽ người môn đệ của Ngài lại đi con đường khác được sao ?
* * * * *
Lạy Chúa! Bước đi theo Chúa không phải là chỉ bước đi với Ngài trên con đường vào hoang địa., cũng không phải là chỉ bước đi với Ngài trên con đường lên núi Tabo hay con đường lên núi Sọ, nhưng là cùng bước với Ngài trên mọi nẻo đường Ngài đã đi qua và cùng với Ngài đi đến chặng đường cuối cùng: “đường vinh quang phục sinh”, đó cũng là cùng đích của người Kitô chúng con hôm nay.
Lạy Chúa! Xin ban ơn giúp sức cho con, để con có đủ can đảm và lòng yêu mến mà bước đi theo Ngài và cũng được sống lại với Ngài, Amen .
Linh Xuân Thôn