NHIỆM MẦU CUẢ KHỔ ĐAU

Gian nhà vắng.  Cây đèn đêm.  Đứa con đau, mặt hồng lên theo cơn sốt.  Cơn sốt lạnh lùng tăng.  Ngoài trời, mưa tháng tám tuôn xối xả.

Nước mưa chảy cuồn cuộn trên sân, như cuộc  đời thiếu phụ  trôi vào tăm tối.

Đóng vội cánh cửa, thiếu phụ quay vào nhà.  Cánh cửa đập nhẹ vào ngón tay.  Không đau gì nhiều, nhưng, như ly nước tràn, thiếu phụ oà lên khóc.  Một mình trong đêm khuya, tâm hồn rạn vỡ .

Trên bàn, một bài thơ dang dở:

“Cha ơi, Cha dạy luân thường
Mà Cha không dạy con đường chông gai
Bây giờ con biết hỏi ai
Con con còn dại, dặm dài bơ vơ …”

Mới ba mươi sáu tuổi đầu,  tôi bị chồng ruồng bỏ, mang áo quần  đi theo vợ bé.  Trên tay ba đứa con dại, tôi đi làm, một mình nuôi con.

Việt Nam không ai  làm thiện nguyện.  Không ai đưa một bàn tay nâng đỡ kẻ khổ đau.  Ở xã hội khắc nghiệt này, người đàn bà bị chồng bỏ mang nỗi nhục lớn.  Chồng tôi làm Trung Tá.  Nhà ở cạnh sở làm.  Hàng ngày trên đường đi làm, tôi gặp những ánh mắt thương hại.  Họ không dám lên tiếng nói bất cứ câu nào vì sợ liên lụy: ở VN máu lửa, uy ông Trung Tá  không phải là nhỏ!

Ba vợ ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng đến thăm, bày vẽ khôn dại :

– Mất một “thằng” chồng này, có trăm “thằng” khác.

Nhưng những tư tưởng  loại này không có mặt trong tôi .

Điều đáng nói là Thiên Chúa rất gần gũi người khổ đau.  Tình Yêu Thiên Chúa luôn luôn rộng mở đón nhận tôi như vòng tay Người Cha hiền chờ đợi đứa con của mình, bất chấp những yếu đuối, thiếu sót, tội lỗi của tôi.  Tôi gặp Ngài qua đau thương, và Rửa Tội.  Như một người con gái đi lấy chồng xa, gặp cảnh phụ  bạc, về khóc với Bố mình, tôi được Tình Yêu Thiên Chúa từ nhân an ủi.  Dần dần, với Ơn Chúa, tôi hiểu Ngài hơn.  Ngày ngày tôi cám ơn  Ngài về những đau khổ dài dặc của đời mình.  Vì chính những đau khổ này, với Tình Thương Phụ Tử bao la, và biệt tài đổi Nguy thành An của Ngài, đã mở ra cho tôi một chân trời mới.  Tình Yêu Thiên Chúa đã biến đổi tâm hồn tôi, đời sống tôi toàn diện.  Sống trong Tình Yêu của Ngài, đời tôi ngày càng phong phú ý nghĩa.   Theo Ngài, tôi học được hai điều :

1. Đức Tin là một toà nhà
Chỉ kiên cố trên nền Khiêm Hạ …

2. Tôi có thói quen nhắm mắt khi cầu nguyện. Trong trí tôi, hiện ra một cánh cửa sổ có màn che. Chiếc màn này tự động vén ra, vén đến đâu, ánh sáng lùa vào đến đấy.  Chúa muốn tôi tập từ bỏ: tôi càng từ bỏ nhiều (ý riêng, tinh thần dính bén thế gian) thì tôi càng nhận được Ân Sủng nhiều, từ bỏ ít thì nhận được ít.

Không phải Chúa hà tiện, nhưng Ngài, vì lòng thương con cái, chỉ cho tôi những gì tôi dung nạp nổi .

*****************************

Lạy Thầy, ngàn lần, con xác tín:  Khổ đau là Ân sủng.  Vì như Thầy vẫn dạy:  “Ơn Ta đủ cho con” , Thầy đã giúp con vượt thắng khổ đau để hạnh phúc bên Thầy.  Con xin ân cần cảm tạ Thiên Chúa quý yêu.

Đông Khê

CÁI GIÁ NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI TRẢ

Cuốn phim “A man for all seasons” (Người trong mọi hoàn cảnh) được xây dựng dựa theo cuộc đời thánh Thomas More.

Khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu, Thomas More mới là một thiếu niên mười mấy tuổi tại Anh Quốc. Chàng theo học tại Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp Đại học, chàng dấn thân vào cuộc đời chính trị. Là một viên chức của triều đình, chàng được thăng quan tiến chức rất mau lẹ, năm 1529, vua Henri thứ VIII đã phong chàng lên chức Đại pháp quan của Anh Quốc.

Nhưng thảm kịch đã xảy đến cho Thomas More. Khi vua Henri VIII ly dị với hoàng hậu và tái kết hôn không đúng theo luật lệ. Để chống lại bất cứ ai phản đối cuộc tái hôn này, Henri ra lệnh cho một số quan chức triều đình ký vào một văn bản tuyên thệ rằng sự tái hôn của ông là hợp pháp. Ông truyền cho các vị chức sắc này là nếu họ từ chối không chịu ký vào văn bản ấy họ sẽ bị hạ ngục vì tội phản loạn. Và rồi thảm kịch đã xảy ra khi ngài Norfold mang văn bản ấy đến cho Thomas More. Ông này chẳng chịu ký bất chấp biết bao lời thuyết phục khuyên ông thay đổi ý. Cuối cùng, Norfolk không còn kiên nhẫn được nữa, ông nói với bạn:

“Tôi không biết cuộc kết hôn có hợp pháp hay không, nhưng thây kệ nó! Thomas ơi, ông hãy nhìn vào tất cả những kẻ đã ký vào đây! Ông biết rõ những người này mà! Tại sao ông không thể làm như chúng tôi, nhân danh tình bạn của chúng ta?”

Thomas More vẫn từ chối. Ông không muốn tuyên thệ điều gì mà tận thâm tâm ông biết là sai trái. Cuối cùng, Thomas More bị tống giam. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1535 ngài đã bị hành hình vì tội phản loạn.

************************************

Câu chuyện thánh Thomas More làm sáng tỏ lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu tay con làm mất đức tin, hãy chặt nó đi!… Nếu chân con làm con mất đức tin, hãy chặt phăng nó đi!… Nếu mắt con làm con mất đức tin, hãy móc nó quẳng đi! vì thà rằng con bị chột mà vào nước trời hơn là còn toàn vẹn hai mắt mà bị ném vào hoả ngục”.

Chúa Giêsu không bảo chúng ta chặt chân tay, móc mắt, theo nghĩa đen, Ngài chỉ muốn dùng những thành ngữ quen thuộc của thời đại Ngài để nhấn mạnh một điểm quan trọng là:

Các môn đệ Ngài phải sẵn lòng hy sinh tất cả sự gì cần thiết để giữ mình khỏi phạm tội, phải sẵn lòng hy sinh cả những gì quí báu nhất đối với ta để được vào nước trời. Trong trường hợp Thomas More, điều này có nghĩa là hy sinh cả mạng sống mình.

Chúng ta chớ vội nghĩ rằng vì Thomas More là một vị thánh nên ngài đã tự hiến dâng đời sống một cách dễ dàng.  Chúng ta hãy lắng nghe những lời trong lá thư ngài viết cho cô con gái của ngài ít lâu sau khi ngài bị giam, những lời này sẽ cho ta biết cuộc đấu tranh khủng khiếp xảy ra bên trong tâm hồn ngài như thế nào:

“Meg thân yêu, Bố sẽ không bất tín với Chúa, dù bố cảm thấy yếu đuối khi sắp phải đương đầu với nỗi sợ hãi.  Bố nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống nước vì thiếu đức tin, khi thấy gió thổi mạnh, bố sẽ bắt chước ông kêu cầu Chúa Kitô nài xin Chúa giúp đỡ Bố.  Bố tin rằng Chúa sẽ đặt đôi tay thánh thiện lên Bố và ngay trong cơn bão biển Chúa sẽ giữ cho bố khỏi bị chìm xuống… vì thế hỡi con gái yêu của bố, con đừng bối rối âu lo về bất cứ điều gì sẽ xảy đến cho bố trong cuộc sống dương trần này, không điều gì xảy ra ngoài ý Chúa, Bố rất xác tín rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra, thì chắc hẳn đó là điều tốt nhất đấy”.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi này: chúng ta có biết phòng tránh tội lỗi để đạt nước trời không? Chúng ta có biết canh chừng đối với bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất nước trời không?

Trong một lá thư của mình, một vị thánh danh tiếng người Pháp, Francis de Sales, đã nói về vấn đề cám dỗ và việc canh phòng chống lại tội lỗi như sau;

“Mặc cho quân thù gào thét ở ngoài cửa,
mặc cho nó gõ, nó la, nó gào, nó làm bậy làm bạ.
chúng ta biết chắc rằng nó không thể đi vào nhà trừ khi chúng ta bằng lòng mở cửa cho nó”.

Vậy chúng ta cần tỉnh thức đề phòng tội lỗi.  Khi cơn cám dỗ xảy đến – và chắc chắn nó sẽ đến chúng ta hãy nhớ lại những lời thánh Thomas More đã viết cho Meg con gái ngài:

“Bố sẽ nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống vì thiếu đức tin khi thấy gío mạnh thổi lên, và bố cũng sẽ bắt chước ngài kêu lên với Chúa Kitô và khẩn cầu Ngài giúp đỡ.  Bấy giờ bố tin rằng Chúa sẽ đặt tay lên người bố và giữ bố khỏi chìm xuống giữa cơn bão biển”.

Tóm lại, sứ điệp của Chúa Giêsu ẩn chứa trong bài Phúc Âm hôm nay như sau; chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời.  Và chúng ta cũng phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời.  Và chúng ta cũng phải sẵn sàng bắt chước Thomas More người đã hy sinh mạng sống mình vì nước trời.

************************************

Chúng ta sẽ kết thúc với những lời rút ra từ bài hát cổ xưa mà Giáo hội thường xử dụng trong Kinh nhật tụng giờ Kinh chiều của một số ngày Chúa Nhật trong năm phục vụ.

“Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quì xuống. Mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Ngài là Vua vinh quang…. Hãy để Ngài ngự trị tâm hồn bạn.  Hãy để Ngài chinh phục những gì chưa thánh thiện, những gì chưa đúng. Ước gì bạn biết lên tiếng gọi Ngài trong cơn cám dỗ.  Hãy để Ngài che phủ bạn bằng ánh sáng và quyền năng của Ngài.  Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Cha Ngài, để ngự trị trên trái đất. Ngài là Thiên Chúa cứu độ.  Ngài là Đấng Kitô Chủ tế chúng ta”.

Lm Mark Link, S.J.

CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ

Cha Ngô phúc Hậu đang truyền giáo tại Cà Mau, Việt Nam. Trong cuốn Nhật Ký Truyền Giáo, cha đã ghi lại rằng:  Trong giờ dạy giáo lý, cha hỏi một người dự tòng:

– Trước khi con đến đây xin học đạo, thì con đã tới nhà thờ lần nào chưa?

– Con chỉ đi qua trước cổng, chứ không dám vào?

– Tại sao vậy?

– Người ta biểu: người ngoại mà vô nhà thờ, thì ông cha đánh thấy mồ.

– Eo ơi, làm gì có. Con đã bị đánh lần nào chưa?

– Con nghe người ta nói vậy, chứ con có vô nhà thờ bao giờ đâu mà bị đánh.

Chắc chắn chẳng có linh mục nào lại đánh những người lương dân đến nhà thờ để tham quan, hoặc là để làm thỏa mãn tính tò mò. Nhưng tại sao lại có tin đồn như thế? Do ác ý hay do vô tình? Nhưng có một điều chắc chắn là nhiều người giáo dân vẫn thích đưa cha sở của mình ra, để hù thiên hạ.

Họ còn nói thêm:

– Mày mà không đi lễ, tao méc cố sở, cố sở “uýnh” thấy cha mày.

– Mày mà không cắt đứt với con nhỏ này, thì ông cố sở cho mày đi đoong.

Cha viết tiếp: “Có một lần kia, mình đang đi ngoài đường, thì nghe một người đàn bà dọa thằng cu tí đang gào khóc lên như cái ống bô bể, người đàn bà nói:

– Mày mà không nín, tao méc ông cố, ông cố cắt chim mày.

Thằng cu tí dòm mình, mặt tái mét …

Mình cảm thấy bất bình với người đàn bà ấy, vì bà đã đem mình ra làm con ngáo ộp, để dọa thằng cu tí. Thế là vô tình bà đã gieo vào tâm thức con bà một hạt giống sợ hãi. Lớn lên nó sẽ giữ đạo trong nỗi sợ: sợ cha sở, sợ Chúa, sợ hỏa ngục.”

Cha còn ghi thêm: “Dân gian vẽ chân dung mục tử như thế đó. Bất công thay. Còn đâu nữa hình ảnh mục tử tốt lành: dẫn chiên đi ăn trên đồng cỏ xanh tươi; đưa chiên xuống suối uống nước trong lành; cho chiên nằm nghỉ dưới bóng râm của cây cổ thụ; băng bó những con chiên bị thương; vác con chiên lạc trên vai; phang gậy trên đầu chó sói để bảo vệ bầy chiên ?” (NKTG, trang 132-134).

* * * * *

Lạy Chúa! Nhiều lúc vô tình nhưng cũng có nhiều lúc vì những mục đích riêng tư nên con đã cố ý tạo ra khuôn mặt Người Mục Tử theo ý muốn của con, con đã vẽ chân dung của Chúa một cách sai lạc, con đã thêm tóc thêm râu vào khuôn mặt của Chúa, đôi khi con đã bôi bẩn khuôn mặt của Chúa bằng những lời nói và việc làm không có tình yêu thương.

Lạy Chúa! Xin ban ơn giúp sức cho con để cuộc sống của con mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn một chút, giống Chúa trong yêu thương, khiêm tốn và phục vụ … để qua cuộc sống đó, con có thể vẽ được khuôn mặt của Ngài một cách trung thực nhất cho những người xung quanh của con . Amen

Linh Xuân Thôn.

TÌNH YÊU QUAN TRỌNG HƠN PHÉP TẮC

Tôi lớn lên trong gia đình có đạo, được giáo dục trong một khuôn khổ, phép tắc “đi thưa, về trình”; nói một câu “dạ, thưa” đến hai ba lần. Tôi giáo dục con cái tôi theo nề nếp này, vì tôi nghĩ đây là phong tục tốt cần phải giữ.  Nhưng tôi đã đi qúa lố. Tôi coi trọng hình thức lễ nghĩa hơn tình yêu.  Tôi thiếu lòng thương xót cho đứa con gầy guộc đang nằm trên giường bệnh, không biết còn đi đứng lại bình thường được hay không…

Ngày đầu vào nhà thương, sau vài giờ chuyền nước biển và thuốc, con tôi bị sốt, lạnh run cầm cập, đắp ba bốn cái mền cũng không đủ ấm.  Bác sĩ cho uống Tylenol và chích thêm thuốc cầm đau. Khi cô y tá tiêm thuốc vào cánh tay nhỏ xương xẩu, con tôi la nhói lên vì đau.  Mắt con đỏ hoe, rướm nước mắt.  Nhìn con lòng tôi quặn đau.  Tôi không cầm được nước mắt, để các giòng lệ rơi, tôi cố giữ giọng để trấn an con:

– Con ráng chút nữa, sắp hết thuốc rồi!

Sau gần năm tiếng khi chai thuốc đã cạn, cô y tá mới tháo ống nước biển nơi cánh tay của con ra.  Đến lúc này con tôi đã mệt lả người.  Khuôn mặt lừ đừ, không thần sắc vì từ khi nhập viện lúc trưa cho đến giờ đã hơn mười giờ đêm, con tôi chưa có gì lót lòng.  Chứng bệnh đã làm liệt các dây thần kinh ở đôi chân và đôi tay của con.  Người con không khác gì cọng bún mềm, rã rượi.  Con tôi chẳng buồn ăn uống và cũng lười trả lời các câu hỏi của tôi.  Nếu có trả lời, con chỉ nói cộc lốc một hai câu, quên kềm theo hai tiếng “dạ, thưa”.  Khi đó tôi cảm thấy như bị xúc phạm vì con đã thiếu lễ phép.  Nhưng khi ý tưởng đó vừa dứt, ý nghĩ khác chợt đến: con bị đau như thế, ăn ngủ không được, làm sao mà nhớ để dạ với thưa.  Vô lý! Ngày hôm sau con đã khỏe, ăn uống được chút đỉnh.  Mỗi lần nhờ tôi giúp việc gì, con tôi đều lễ phép nói: “Dạ thưa Ba…Cám ơn Ba…”

Đêm về tôi mở lại đoạn phim của ngày hôm qua, trở lại cái khúc tự ái bị xâm phạm.  Tôi tìm mọi lý lẽ để bênh vực cho lối suy nghĩ “chính đáng” của mình.  Nhưng cũng cùng lúc ấy, lòng tôi bị thổn thức, xốn xang.  Tôi mất bình an. Tiếng nói của Thần Dữ gợi lên lòng tự ái, tự kiêu, đem cái truyền thống phép tắc đã có từ nghìn xưa, lôi tôi trở về theo phe nó.  Trong lúc lòng tôi đang phân vân chưa biết nghe theo tiếng nói của Thần Lành hay Thần Dữ, thì lời Chúa đến với tôi: “Trên hết mọi sự hãy làm vì đức yêu thương.”  Tôi nghe những lời này rất nhiều lần, từ tai này sang tai kia.  Nhưng chưa bao giờ tôi dừng lại để cảm nghiệm hay để sống những lời này.  Tôi thấy mình thật vô lý khi đòi hỏi nơi con một điều qúa đáng.  Đã bao lần tôi nằm co quắp ôm bụng, nhăn nhíu mặt mày vì cơn đau bao tử, tôi có được mấy lời nhã nhặn với vợ con của tôi?  Mãi đến hôm nay, tôi mới thật sự thấm hiểu Lời Hằng Sống này.  Mới biết rằng bao lâu nay tôi đã đặt sai thứ tự trong cuộc sống.  Tình yêu quan trọng hơn hết mọi sự, quan trọng hơn phép tắc ngàn lần!

Bạn thân mến! Những biến cố đau thương: bệnh tật, chia ly, chết chóc xẩy ra trong cuộc sống, trong gia đình, cho mỗi người chúng ta không hẳn là một điều xấu nếu được nhìn bằng con mắt đức tin; khi chúng ta biết lắng đọng tâm hồn để tìm thánh ý Chúa qua từng biến cố.

***********************

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã mở mắt tâm hồn con, giúp con nhận ra chỉ có Tình Yêu là quan trọng nhất, là cao qúi nhất trên cuộc đời này.  Xin Chúa gíup con luôn biết khiêm nhường để nhận và sửa sai những lỗi lầm của con, để mỗi ngày con được trở nên giống Cha trên trời là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.

Lữ Khách (24-06-2005)
El Camino Real Hospital, Mountain View

KHUÔN MẶT RẠNG RỠ

Một thầy giáo ra bài làm ở nhà cho các học sinh: “Hãy viết lại quãng thời gian trong cuộc đời mà em là ‘một người Samari tốt lành’ đối với ai đó.” Một trong các học sinh đã viết bài ấy như sau:

“Vào mùa hè trước khi tôi lên trung học, giáo xứ chúng tôi tổ chức một ngày đi thăm người già và người tàn tật ở một bệnh viện gần đó. Cả một dẫy xe lăn và bệnh nhân làm tôi choáng váng. Lúc đầu tôi chỉ nhìn thấy xe lăn.

“Sau đó tôi nhận thấy có người ngồi xe lăn nhìn chăm chăm vào đôi chân của tôi.

“Chỉ có thế. Bấy giờ tôi không chỉ nhìn đến xe lăn và tôi bắt đầu nhìn thấy người ngồi trong đó.  Tôi thấy các bà tàn tật, những cựu chiến binh bị tê liệt, những ông già không ai chăm sóc, các em nhỏ thật mảnh khảnh. Tất cả đang chờ đợi xem có ai đó để ý đến họ. Tôi ngột ngạt; vội vàng bước đi.

“Tôi rảo bước quanh bệnh viện có đến một giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy tức giận Thiên Chúa và hoàn toàn hoang mang khi thấy quá nhiều sự đau khổ trong một nơi chốn. Tôi cảm thấy cô đơn hơn bất cứ bệnh nhân nào. Tôi là người cần sự giúp đỡ, chứ không phải họ.

“Nhưng một lúc sau, vị Thiên Chúa mà tôi trút sự giận dữ lên Người bỗng dưng trở nên thực tế hơn bao giờ hết trong cuộc đời. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đã yêu thương những người này một cách đặc biệt.

“Đó là một cảm nghiệm kỳ lạ; bỗng dưng đức tin sút giảm và bỗng dưng đức tin gia tăng–tất cả xảy ra trong khoảnh khắc.

“Tôi trở lại nơi có những người già và tàn tật. Và tôi bắt đầu làm bất cứ gì có thể để làm họ vui: lấy cho họ ly nước ngọt và chỉ nói chuyện với họ. Tôi làm cho gương mặt họ sáng lên vào buổi chiều hôm ấy.

“Nhưng trong tất cả các khuôn mặt rạng rỡ hôm ấy, một khuôn mặt nổi bật hơn tất cả. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt ấy. Đó là khuôn mặt của chính tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tốt lành đến thế; chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy.”

*********************************

Câu chuyện này thích hợp với bài đọc ngày hôm nay. Đặc biệt, nó thích hợp với điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ sau khi họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất.  Chúa Giêsu nói, “Ai muốn là người đầu thì phải tự đặt mình chót hết và trở thành người phục vụ tất cả” (Mc 9:35).

Và vì vậy Chúa Giêsu đã dùng cơ hội này để nhấn mạnh đến một chủ đề nổi bật trong phúc âm: giúp đỡ người khác, nhất là người có nhu cầu. Chúng ta hãy xem xét chủ đề này kỹ hơn.

Hãy nhìn đến chủ đề từ hai quan điểm. Trước hết, hãy nhìn nó dưới quan điểm của người có nhu cầu. Thứ hai, hãy nhìn nó dưới quan điểm của những người giúp đỡ.

Trong cuốn sách Majority of One, tác giả Sydney Harris đã diễn tả quãng thời gian ông bị gẫy xương ở bàn chân, khiến ông phải chống gậy đi khập khiễng trong vài ngày. Về cảm nghiệm này, ông viết:

“Điều khoan khoái về cảm nghiệm này mà nếu không có nó sẽ thật đau lòng là phương cách người ta đối xử với tôi.  Họ mở cửa cho tôi, giúp tôi bước lên xe taxi, nhường chỗ cho tôi trong thang máy.  Tinh thần tôi phấn khởi khi được đối xử như vậy.”

Nhận xét của ông Harris cho thấy sự phục vụ đã làm gì theo quan điểm của người có nhu cầu. Nó đã làm cho khuôn mặt họ rạng rỡ. Nó làm họ cảm thấy có người lo lắng đến họ. Nó làm họ cảm thấy có người thương mến họ.

Điều này đưa chúng ta đến quan điểm thứ hai: sự phục vụ làm gì cho những người giúp đỡ. Không có gì tốt hơn để minh họa bằng nhận xét của em học sinh trên, khi em nói:

“Tôi làm cho gương mặt họ sáng lên vào buổi chiều hôm ấy. Nhưng trong tất cả các khuôn mặt rạng rỡ hôm ấy, một khuôn mặt nổi bật hơn tất cả. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt ấy. Đó là khuôn mặt của chính tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tốt lành đến thế; chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy.”

Sự nhận xét của em minh họa điều mà sự phục vụ đã làm cho những người giúp đỡ. Nó làm cho gương mặt họ rạng rỡ hơn cả khuôn mặt của những người được sự giúp đỡ.

Và tôi nghĩ lý do của điều này thật đơn giản. Nó phát xuất từ điều mà chúng ta quên. Nó xuất phát từ điều mà chúng ta không thấy. Nó phát xuất từ điều mà chúng ta cần được nhắc nhở luôn luôn. Để tôi minh hoạ bằng một câu chuyện.

Có một bức tranh thời thế kỷ 19 vẽ một hàng dài những người nghèo trong một khu tồi tàn của thành phố, họ đang đứng đợi trước một nhà phát chẩn.

Đó là một bức tranh đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong bức tranh là một trong những người nghèo đứng xếp hàng. Ông ta có vòng hào quang trên đầu. Nhìn kỹ lại thì đó là Chúa Giêsu. Và điều này cho chúng ta thấy lý do mà khuôn mặt những người giúp đỡ lại rực rỡ hơn những người được giúp đỡ. Chính vì khi giúp đỡ người nghèo, họ khám phá ra Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Người ở ngay trong những người có nhu cầu.

Đây là điều chúng ta quên. Đây là điều chúng ta không thấy. Đây là điều chúng ta cần được nhắc đi nhắc lại.

Vì không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!” (Mt 25:35-36, 40).

*********************************

Chúng ta hãy chấm dứt bằng sự thành khẩn lắng nghe lời mạnh mẽ của Albert Schweitzer, một trong những Kitô Hữu vĩ đại trong thế kỷ của chúng ta.

Vào lúc 30 tuổi, ông hy sinh sự nghiệp của một nghệ sĩ trình tấu cho những người nhà giầu ở Âu Châu và trở nên một bác sĩ đi truyền giáo và chăm sóc người nghèo ở Phi Châu. Khi về già, ông nói:

“Tôi không biết định mệnh của bạn ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều: chỉ có người thực sự hạnh phúc là người tìm cách phục vụ người khác.”

Lm Mark Link, S.J.

NGƯỜI THU THUẾ

Khi còn nhỏ ở quê nhà, mỗi khi ra chợ, tôi thường hay trông thấy chú Ba, người hàng xóm ở bên cạnh nhà tôi, chú cầm quyển sách đi đi lại lại trong chợ, chú đến từng quầy bán hàng để thu tiền thuế chợ. Chú Ba làm nghề thu thuế chợ đã nhiều năm rồi, và có lẽ cả đời chú đã gắn bó với nghề thu thuế cho đến ngày chú về già.  Sau này khi lớn lên, tôi có dịp gặp gỡ nhiều người thu thuế trong nhiều lọai thuế khác nhau:  Thuế ruộng, thuế vườn, thuế nhà, thuế đất, thuế xe, thuế lợi tức cá nhân, thuế doanh nghiệp ..v..v..

Kinh thánh cũng kể lại ít nhất hai trường hợp của hai người thu thuế khác nhau: Trường hợp thứ nhất là người thu thuế đến đền thờ cầu nguyện cùng với người Biệt Phái, ông ý thức mình là một tội nhân nên đã run rẩy xấu hổ, ngồi xa xa, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên, ông âm thầm khẩn khoản nài xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc.18:13).

Trường hợp thứ hai là người thu thuế đang ngồi trên bàn thu thuế nơi phố chợ. Trong lúc ông đang làm việc thì Đức Giêsu đi ngang qua, Ngài đến bên cạnh ông, ông nhìn Ngài, Ngài nhìn ông và ông đứng dậy bước đi theo Ngài.(Lc.5:28).  Người thu thuế đó tên là Lêvi; người thu thuế đó đã ghi chép lại cuộc sống và những lời giảng dạy của thầy mình qua cái tên mới là Mát-thêu do chính thầy mình đặt cho, người thu thuế đó đã được Giáo Hội mừng kính vào ngày 21 tháng 9 sắp tới đây .

Chúng ta hãy lần theo dấu vết của ông trong Kinh Thánh để biết thêm về ông, biết thêm về những năm tháng ông đi theo Chúa, làm môn đệ  của Chúa.      

* * * * *

Mát-thêu sinh quán tại Capharnaum, là con của ông An-phê (Mc.2:14). Khi ông khôn lớn, ông đã bỏ tiền mua quyền được thu thuế. Một ngày kia, ngày “Hồng phúc” đã đến trong cuộc đời ông, đã mang cuộc đời ông sang một ngã rẽ khác, ngày đó Đức Giêsu trên đường đi từ một thành phố cảng nằm giáp miền đất Pê-ri-a, Ngài nhìn thấy ông đang làm việc, Ngài đi đến bàn làm việc của ông, Ngài nói với ông: “Hãy theo ta”. Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài (Lc.5:28).  Có lẽ chỉ một mình Đức Giêsu biết tại sao Ngài lại tuyển chọn Mát-thêu trong số đám đông có mặt tại đó, và cũng chỉ một mình Mát-thêu mới có thể cho chúng ta biết là ông đã nhận thấy điểm gì sáng ngời nơi Đức Giêsu đến nỗi ông đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Ngài.

Bạn thân mến! Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã nhiều lần đến bên tôi, đến bên bạn, Ngài cũng đã nói với tôi và bạn câu nói năm xưa Ngài đã nói với Mát-thêu: “Hãy theo ta”. Tôi và bạn, chúng ta có nghe thấy lời mời gọi của Ngài không? Chúng ta đã đáp trả lời mời gọi của Ngài ra sao?  Đôi khi Ngài đã không trực tiếp nói lời mời gọi ấy, nhưng Ngài đã nhờ những người xung quanh chuyển lời mời gọi đó cho tôi và bạn, Chúng ta có để ý và nghe được lời mời gọi đó không? Đôi khi Ngài nói trực tiếp với chúng ta trong những giây phút nghỉ ngơi thinh lặng trong ngày, chúng ta có dành ra những giây phút thinh lặng để lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài  không ?

Quả thật! Ơn gọi thật nhiệm mầu…Ơn gọi là tình yêu… Có lẽ Đức Giêsu gọi và chọn một người không phải là người đó thánh thiện xứng đáng, nhưng Ngài gọi và chọn vì Ngài muốn tỏ bày tình yêu thương của Ngài.

Kinh Thánh cũng kể lại rằng: Sau khi nghe lời mời gọi của Đức Giêsu, Mát-thêu đã đứng dậy bước theo Ngài, lòng ông tràn ngập niềm vui với ơn gọi mới, với lý tưởng mới. Để ghi nhớ và tạ ơn vì được lãnh nhận ơn gọi, ông đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà riêng và mời Đức Giêsu cùng bạn hữu đến tham dự (Lc.5:29). Trong bữa tiệc, chắc hẳn ông đã líu lo với bạn bè về ơn gọi của ông, về niềm vui mới của ông và nhất là về Thầy Giêsu của ông, người mà ông đã bỏ công việc thu thuế béo bở, bỏ cuộc sống êm ấm giàu sang để đi theo Ngài. Chính hôm nay đây, ông đã làm chứng cho thầy mình bằng việc công khai loan báo với bạn bè rằng ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài, ông cũng đã tạo cơ hội để bạn bè của ông có dịp gặp gỡ và trò truyện bên Thầy Giêsu của ông (Mt 9:10-13).

Bạn thân mến! nếu bạn và tôi, chúng ta đang cộng tác phụ giúp chương trình mục vụ trong cộng đòan giáo xứ, trong phong trào đòan thể, trong việc bác ái từ thiện ngòai xã hội.v..v.. Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy nhìn lại công việc phục vụ của mình để tự hỏi chính lòng mình: Tôi có giống Mát-thêu xưa kia không? Lòng tôi có tràn nhập niềm vui với ơn gọi của mình không? Tôi có biết tạ ơn vì được lãnh nhận ơn gọi không? Tôi có trân qúy và biết gìn giữ ơn gọi của mình không?

Ơn gọi là một hồng ân lớn lao, vì được tham dự vào công cuộc xây dựng Nước Trời, vì được cộng tác làm việc cho vị Vua trên tất cả các vua, vị Tổng Thống trên tất cả các tổng thống …Tôi phải vui mừng và hãnh diện khi được mời gọi cộng tác với Ngài, phục vụ trong vương quốc của Ngài.

Mát-thêu đã cùng với Nhóm Mười Hai sống bên Đức Giêsu trong 3 năm khi Ngài đi rao giảng, ông đã cùng ăn uống cùng nghỉ ngơi bên Ngài.  Trong ba năm đó, ông đã được Ngài dạy dỗ biến đổi thành một người mới, ông được chứng kiến sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Ngày lễ Ngũ Tuần, ông cùng với các bạn hữu trong nhóm được lãnh nhận sức mạnh từ Thánh Thần Thiên Chúa. Một lần nữa ông đứng dậy, một mình lên đường rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Kitô.

Truyền thống tin rằng Mát-thêu đã viết Phúc Âm thứ nhất, nguyên bản bằng tiếng Aramaic, nhưng sau đó đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Chắc hẳn khi Mát-thêu ngồi viết, ông đã bồi hồi nhớ lại buổi đầu tiên gặp gỡ Đức Giêsu, nhớ lại những kỷ niệm sống bên cạnh thầy mình, những cử chỉ thân thương, những chân lý trong lời dạy dỗ chí tình của thầy mình …

Phần thưởng cho người môn đệ Đức Giêsu khi đi rao giảng và làm chứng cho thầy mình là được mất đi mạng sống của chính mình…Mát-thêu cũng không đi ra ngòai quy luật đó. Truyền thống đã kể lại rằng Mát-thêu đã chịu tử đạo trên đường đi rao giảng tại xứ Ba Tư.

* * * * *

Lạy Chúa, cuộc sống hằng ngày với viết bao ồn ào và bận rộn, với biết bao lời kêu mời réo gọi vang vọng bên tai con.  Làm sao con có thể nghe được tiếng của Chúa?  Làm sao con có thể nhận ra lời mời gọi của Ngài?

Lạy Chúa! Xin giúp con, xin cho con biết lắng nghe, biết phân biệt và nhận ra lời mời gọi của Ngài, Xin cho con biết noi gương bắt chước thánh Mát-thêu, biết đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết đứng dậy và bước đi theo Ngài. Amen .

TRÁCH NHIỆM LINH MỤC

Trong trận chiến Pháp – Đức vào những năm 1939-1945, hạm đội Pháp ngày đêm tuần hành trên biển. Vào một sáng, đài báo cho biết một chiếc tầu ngầm của Đức đang tiến lại.

Lệnh được ban ra.  Những chiếc phóng ngư lôi xối xả phóng thuỷ lôi về phía tầu địch. Một lát sau người ta thấy những mảng dầu đen nổi trên mặt biển. Những lính thuỷ Pháp được lệnh xuống những ca-nô nhỏ để cứu những lính địch bị nạn.  Mấy chiếc đầu nhô lên giữa những mảng dầu.  Tất cả được vớt lên và cho lên tầu cấp cứu.  Cha tuyên uý trên tầu có mặt ngay bên các nạn nhân để ban các Bí tích cuối cùng.  Trong số những nạn nhân, có một người bị thương rất nặng.  Toàn thân bị cháy, mặt bị cháy đen, hai mắt mù, chỉ còn cái miệng là còn hoạt động. Cha tuyên uý đến gần ghé sát nạn nhân.  Ngài nghe những tiếng Giêsu-Maria-Giuse thoát ra từ miệng người sắp chết.  Ngài nói đôi lời an ủi, khuyên bảo và giải tội và ban các Bí tích cuối cùng bằng ngôn ngữ La-tinh, Ngài đọc đến đâu, nạn nhân thưa lại bằng tiếng La-tinh.  Ngài ngạc nhiên hỏi :

– Xin lỗi anh, chắc anh đã học ở chủng viện.

– Hơn thế nữa.

Cha tuyên uý Pháp xúc động, ngực ngài nghẹn lại :

– Xin lỗi, anh là Linh mục?

– Phải, tôi là tuyên uý của chiếc tầu ngầm.

Cha Pháp thổn thức, đây là đồng nghiệp!  Ngài ôm lấy nạn nhân, ghé sát mặt, hôn lên cái mặt đen nhèm đó.

– Xin lỗi, anh cho tôi biết đôi chút về anh được không?

Nghe nạn nhân thều thào kể xong, cha khóc nức lên:

– Anh còn nhớ Michel Pháp không? Tôi đây mà!

Trên đôi mắt cháy đen của nạn nhân, hai giọt nước mắt nhỏ xuống.  Cha tuyên uý Pháp ôm ghì nạn nhân vào ngực mình.  Họ là đôi bạn, tuy khác dân tộc, nhưng cùng học tại trường Truyền Giáo bên Rôma.  Họ kết thân với nhau.  Trở về quê hương, mỗi người thi hành nhiệm vụ công dân của mình.  Và hôm nay họ gặp nhau trong tình trạng thế này.

Cha tuyên uý Đức đã trút hơi thở cuối cùng về với Chúa trong vòng tay của người bạn thân khác chiến tuyến.

***************************

Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Đây là ơn gọi cao cả của cuộc đời các linh mục, Bước hành trình của những linh mục được Chúa sai đi phục vụ khắp muôn nơi:  Từ thành thị cho đến vùng nông thôn hẻo lánh, từ học đường đến bệnh viện – trại mồ côi, từ chốn bình an đến vùng chiến tuyến sục sôi lửa bỏng…  Nói chung linh mục là người được Chúa sai đi, đến để phục vụ những nơi nào có sự hiện diện của con người.

Hình ảnh của Đức Giêsu, một tấm gương sáng cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho linh mục của Chúa.  Khi Người đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.  Người đã đi khắp mọi nơi, mọi chốn trên quê hương của Người (Mt 4,23-25). Cả đến vùng Samaria là một miền toàn dân ngoại, Người cũng đến để gieo mầm giống đức tin cho dân miền này (Ga 4,1-39).  Người tranh luận giải thích về truyền thống Do Thái giữa những vị Pharisiêu và kỳ lão (Mt 15,1-9).  Chính Người đã xông pha đi vào những nơi đang biến đền thờ thành nơi họp chợ, Người đã mạnh dạn đánh đuổi những người buôn bán (Mt21,12-15).  Nói chung cuộc sống trần thế của Người mong muốn canh tân cách sống, muốn cải thiện lại việc giữ đạo thờ kính Thiên Chúa, kiện toàn luật Mai-sen (Mt 5,17-19).  Rồi đến cuối cuộc hành trình truyền giáo của Người.  Người đã hiên ngang như một vị Vua đi vào Thành Giêrusalem, nơi những người đang chống đối và mưu toan tìm bắt và thủ tiêu Người (Mt 21,1-10).  Và cũng chính các môn đệ cho rằng những Lời Người nói là chướng tai gai mắt, không thể chấp nhận được trong cuộc sống

Hai linh mục tuyên uý được sai đến phục vụ trong môi trường giống nhau, nhưng thi hành nghĩa vụ công dân cho hai dân tộc khác nhau.  Cuộc chiến giữa con người với con người đã cho đôi bạn thân, khi còn ngồi trên ghế nhà trường gặp nhau trong hoàn cảnh bi đát này!  Cũng chính vì con người với con người muốn tranh giành quyền lợi cho riêng mình, đã làm mất đi cái giá trị cao quí của tình người, vi phạm đến giới răn thứ hai chính Đức Giêsu đã dạy con người là yêu người.

***************************

Lạy Chúa, xin cho các quốc gia trên thế giới luôn thể hiện sự thân ái, đầy thiện cảm, để cùng nhau xây dựng cho thế giới có nền hoà bình viên mãn.  Xin Chúa cho các linh mục của Chúa luôn hăng say trong việc phục vụ tha nhân, cho dù nơi đó có khó khăn, trở ngại, biết hy sinh – cầu nguyện, dùng nghị lực để vượt qua những chông gai, thử thách. Amen.

Pet. PBH

CAY ĐẮNG NHƯNG LẠI TỐT ĐẸP HƠN?

Trong quyển sách nhan đề: Này tôi tin (This I believe) có một loạt bài khảo luận của một số tác giả nổi tiếng. Họ mô tả lại những thời kỳ trong cuộc đời của họ đã tác động trên họ một cách sâu xa.  Chẳng hạn, James du Pont thuộc công ty Du Pont kể lại sự kiện xảy đến cho ông khi ông vừa mới 7 tuổi đầu như sau: Một đêm, đang say ngủ, chợt James thức giấc, cậu bé nhìn thấy mẹ đang khóc lớn tiếng.  Đây là lần đầu tiên cậu thấy mẹ khóc, James mô tả biến cố này như sau;

“Giọng bố tôi trầm xuống lộ vẻ bối rối trong khi ông cố gắng an ủi mẹ tôi – lúc đó cả hai người đều sầu buồn nên quên mất tôi đang hiện diện ở bên cạnh. Tôi nghe lỏm được những gì các ngài đang nói”. Ông nói thêm: “Khi vấn đề của các ngài đã được giải quyết và bị chìm vào quên lãng lâu rồi, thì ‘biến cố’ quan trọng tôi khám phá được vào đêm khuya ấy và mãi mãi còn lưu lại trong tâm trí tôi.  Khám phá ấy được ghi nhận bằng những lời an ủi của bố tôi; ‘Đời sống đâu phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng đâu! Nhiều lúc nó rất là khó khăn và cay đắng’.

*********************************

Chắc chắn chúng ta đều có thể mường tượng được cảnh chú bé 7 tuổi đang nằm trên giường lắng nghe mẹ chú khóc. Chúng ta cũng có thể nhớ lại đã có lần ta nghe mẹ mình khóc, và điều ấy đã gây ấn tượng mạnh trên chúng ta như thế nào, và điều ấy đã khiến chúng ta, có lẽ lần đầu tiên trong đời, ý thức được cuộc đời không chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, đôi khi nó rất khó khăn và khổ đau. Từ đó chúng ta hiểu được những lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm ngày hôm nay.

“Ai muốn đến với Ta, thì hãy quên mình, vác thập giá mình rồi theo Ta”. Nói cách khác, khổ đau sầu muộn có thể ví như những cơn bão táp, lụt lội xảy đến. Chúng ta là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại tiếp tục biểu lộ một điều kỳ diệu khi Ngài nói:

“Ai muốn cứu lấy mạng mình thì sẽ bị mất nó, nhưng ai liều mất cuộc sống vì ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó”. Nói cách khác, đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đớn đau xảy đến trên chúng ta mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh được khổ đau phiền muộn nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.

Xin hãy nghe một minh chứng qua trường hợp Eugene Oneill:  Mãi đến tuổi 25, ông vẫn còn là một người thất bại, cuộc sống thì hầu như không mục đích, không qui củ, không định hướng.  Thế rồi một hôm, ông lâm trọng bệnh và được đem vào bệnh viện.  Nhờ thời gian nằm viện, ông đã có dịp may làm được điều trước đó ông chưa bao giờ làm được; ông mới có dịp may suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Nhờ đó ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông.

Cuối cùng Eugene O’Neill bình phục, ông chọn nghề viết kịch và bắt đầu trở thành người canh tân nền kịch nghệ Hoa Kỳ.  Tất cả điều này xảy ra chính là do ông đã biết biến đổi phiền muộn khổ đau thành phương cách xây dựng tích cực, đã biến chúng thành sức sống cho ông.

Trường hợp Golda Meir cũng thế. Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một may mắn tiềm tàng, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn, cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại lợi ích cho mình hơn.” Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thánh giá của mình.  Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn, cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Israel.

Cuối cùng, chúng ta hãy xét đến trường hợp của Oscar Wilde.  Ở đỉnh cao nghề nghiệp viết lách, ông đã xác tín sứ mạng luân lý của mình.  Sau khi ở tù ra, ông không còn chấp nhận viết những vở hài kịch phù phiếm nữa, không dành trí tưởng tượng cho ba chuyện lăng nhăng lít nhít nữa. Ông đã sáng tác những câu thơ tuyệt vời như:

“Đau khổ chính là mảnh đất thánh”, hay: “Đức Kitô đâu có thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã vỡ nát”.

Oscar Wilde đã dùng kinh nghiệm nhục nhã của mình như một dịp để tăng triển tốt đẹp hơn.  Giống như tinh thần bài Phúc Âm hôm nay ông đã biết biến đổi kinh nghiệm ấy thành nguồn ban sức sống chứ không để nó thành nguồn chết chóc huỷ diệt.

Những câu chuyện về Eugene O’Neill, Golda Meir và Oscar Wilde cho ta thấy rõ ràng điều quan trọng trong cuộc sống không phải là những khổ đau phiền muộn xảy đến cho chúng ta, mà chính là cách thức chúng ta đáp lại chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng.  Nếu ta từ chối không chấp nhận khổ đau phiền muộn, không chịu cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ đánh mất chính cuộc sống của mình.  Ngược lại, nếu chúng ta bắt chước Đức Giêsu can đảm cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ biến chúng thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống giống như trường hợp Eugene O’Neill, Golda và Oscar Wilde.

Để tóm tắt, chúng ta hãy nhớ lại:

– Như cậu bé bảy tuổi trong câu chuyện mở đầu, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng đời sống không phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, nó thường là khó khăn và cay đắng.

Nhưng chúng ta cũng khám phá ra một điều khác nữa.  Sớm muộn gì chúng ta cũng thấy rằng phiền muộn và khổ đau không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc, hủy diệt. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và Phúc Âm vì phiền muộn và khổ đau có thể biến thành nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau phiền muộn để biến đổi chúng ta thành người tốt hơn và biết thông hiểu kẻ khác hơn. Khổ đau và phiền muộn có thể mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được cuộc sống phong phú tốt đẹp, hơn là chúng ta đã từng dám mơ ước.

*********************************

Thi sĩ Robert Browning Hamilton tóm tắt tinh thần bài Phúc Âm hôm nay bằng những lời như sau:

“Tôi bước đi một dặm đường với Nữ Thần Lạc Thú, Nàng ve vuốt tôi đủ điều, nhưng cuối cùng chả làm tôi khôn ngoan hơn tí nào qua những điều nàng nói.

Tôi lại bước đi một dặm với Nữ Thần đau khổ, Nàng chả nói với tôi một lời, nhưng tôi lại học được biết bao điều khi nàng bước đi bên cạnh tôi…”

Cha Mark Link, S.J.
Trích trong Along the Road – Dọc đường

BỨC THƯ TỪ BIỆT (có Youtube)

thứ…., ngày…., tháng….

Nhớ khi thu dọn mọi sự rời bỏ sở làm để về “hưu non”, cái tâm trạng giã từ thật xao xuyến, bâng khuâng. Chợt nhận ra biết bao nhiêu điều tự bao lâu nay luôn luôn là những chuyện rất quan trọng, rất cần thiết, rất giá trị, bỗng nhiên thành ra không còn một ý nghiã, một giá trị, một cần thiết gì nữa cả!  Vì thôi rồi, vì ngưng rồi, vì thay đổi rồi.  Ấy dẫu sao cũng chỉ là một thay đổi thật nhỏ bé thôi so với cái thay đổi chung cuộc, hết cuộc đời, hết cuộc sống này… như một con người đang chỉ còn những ngày cuối để sống.  Bỗng nhiên bao chuyện tưởng là quan trọng nay thành ra như không!…Tàn hơi, lià đời, hết một kiếp người… Thân lạnh, tay xuôi, thôi khóc, thôi cười …

thứ…., ngày…., tháng….

Chúa ơi, con chỉ còn ít thời gian vắn vỏi chuyện trò với Chúa trên dương gian này, trên giường bệnh này thôi.  Con biết nói gì thêm với Chúa đây nhỉ? Con chỉ biết tạ ơn Chúa đã ở bên con từng giây phút sống, từ bé thơ cho đến nay.  Bao ân tình Chúa tuôn đổ… tuy dù con đã nhiều nhạt nhòa đáp lại… Chúa là tất cả, là khởi đầu và kết thúc của đời con nhưng con biết đời mình đã quá nhiều nhạt nhòa. Thôi, dù muộn màng và dù chỉ còn ít thời giờ ngắn ngủi, con vẫn muốn làm lại với Chúa những nồng nàn đáp trả, những lời tạ ơn bằng chính cơn đau đớn đang tăng dần này… Con chẳng còn thứ gì khác để dâng cho Chúa hết… Con xin dâng lên Chúa những giờ phút rất bịn rịn, lo âu, sợ hãi, bối rối này.

Cũng như mọi người, con chỉ có một lần đối diện với giây phút xao xuyến ấy, xin Chúa đừng bỏ con.  Xin ở lại với con, vì đời con đang xế chiều…   Xin đừng quên bỏ những phần “tim con còn để lại”.  Chúa không muốn con hoàn tất trách nhiệm của mình đối với họ thì Chúa hãy làm cho họ thay con vậy.  Xin che chở, gìn giữ từng đứa con của con.  Ước gì chúng là dấu chỉ của ân sủng và tình thương Chúa ban cho con. Xin nâng đỡ người vợ góa bụa của con nữa.  Con vẫn muốn chia sẻ gánh nặng trên vai nàng, nhưng nếu Chúa không muốn, con xin trao gánh nặng đó vào tay Chúa.  Chúa ơi, xin ở với con… Xin đừng bỏ con…

thứ…., ngày…., tháng….

Thôi, Em ạ, ngày giờ của Anh đã đến.  Với tất cả quyến luyến, nhớ thương, Anh gởi Em lời giã từ ngay khi Anh còn có thể viết.  Cơn đau sẽ đến chỉ trong một quãng rất ngắn nữa.  Anh vô cùng cảm ơn Em đã yêu Anh, đã đồng hành với Anh trong quãng đường định mệnh, đã chia sẻ với Anh mọi nỗi niềm vui mừng sướng khổ cuộc đời.  Cám ơn Em đã cho Anh những đứa con đẹp đẽ thiên thần.  Em và các con vẫn mãi là cả bầu trời yêu thương, là con tim của Anh, là ân sủng của Chúa cho đời Anh.  Cám ơn Em về bao cố gắng Em đã làm cho Anh, cho các con, đặc biệt, Em đã nâng đỡ Anh suốt thời gian yếu đau với bao quan tâm săn sóc… Em ơi, Anh yêu quý, cảm ơn Em lắm.  Tạ ơn Chúa đã xe kết Em và Anh trong bí tích hôn phối.  Dù không được may mắn sống với Em đến đầu bạc răng long, Anh vẫn cảm tạ Chúa về từng ngày hạnh phúc ở bên Em… Thương và lo cho các con, Em nhé.  Các con là tất cả gia tài của Em, của Anh và là hồng ân của Chúa cho chúng ta… Anh sẽ nguyện cầu xin Chúa hoàn tất nơi Em, nơi các con những điều Ngài đã bắt đầu.

Anh xin Em cảm thông đối với những bất toàn nơi bản thân Anh, nơi cuộc sống của Anh suốt thời gian chung sống.  Em ơi, Anh thương quý Em mãi mãi… mãi mãi…

thứ…., ngày…., tháng….

Các con ơi, tạm biệt các con, Cha ra đi nhé. Cha không còn ở bên các con, nhưng còn Mẹ… Hãy ở bên Mẹ, chăm sóc, kính yêu Mẹ… Mẹ thương các con vô cùng, từ thuở các con lọt lòng và vẫn tảo tần lo cho các con khôn lớn… Các con mãi là ân sủng của Chúa, là những đóa hoa, là cả con tim và ước vọng của Mẹ, của Cha.  Cha vẫn muốn hy sinh thêm cho các con, hy sinh hết mọi thứ, hy sinh tất cả phần đời còn lại,  nhưng tiếc là thời gian của Cha không còn.  Mẹ đang hy sinh như thế cho các con đấy, gấp đôi, cả đời.  Biết ơn Mẹ, yêu kính Mẹ, và hãy luôn thương nhau, các con nhé.  Các con ơi, Cha thương, Cha nhớ các con lắm.

thứ…., ngày…., tháng….

Các Bạn ơi, tôi nói lời giã từ với các Bạn đây.  Cám ơn các Bạn đã hiện diện bên tôi lúc đời tôi biến cố. Cám ơn các Bạn về những cái xiết tay, những lời động viên, những chia sẻ giúp đỡ những lúc gia đình tôi cần đến một tấm lòng…

Xin cảm ơn mọi người… sẽ hiện diện cùng với tôi trong thánh lễ cuối cùng, thánh lễ mà chúng ta sẽ cùng tha thiết và vui mừng tạ ơn vì chúng ta được Chúa ở cùng.  “Ngày ấy”  là ngày Thiên Chúa dựng nên, Chúng ta vui mừng sung sướng triền miên” … “Hôm nay đáng ghi muôn đời. Hôm nay Chúa thương dân Người Hôm nay Chúa đem dân Người lên núi Sion” …..

Chúa ơi, xin ở với con… Xin đừng bỏ con…  Amen

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CON CHO CHÚA CƠ MÀ

Một tên trộm lẻn vào nhà thờ cậy cửa nhà tạm lấy bình đựng Mình Thánh Chúa, hắn ta đổ Mình Thánh xuống đất và lấy chiếc bình.  Cha xứ xúc động báo tin cho cộng đoàn và kêu gọi mọi người góp phần mua chiếc bình mới.

Trong số những người đến dâng góp có một bà goá, bà có tám con nhỏ, bà đến trao phần của bà một đồng tiền vàng, đó là tất cả cơ nghiệp của bà.  Cha xứ cảm động từ chối :

– Bà dâng nhiều quá. Tôi không dám nhận đâu.  Chúa cũng không đòi bà quá thế.  Tôi không thể nhận một hy sinh to lớn như vậy.  Bà rất cần số tiền đó, rất cần để nuôi nấng và may sắm cho các con bà. Nhận số tiền của bà tôi coi như một trọng tội.

Bà già thưa lại :

– Thưa cha, sao cha không nhận?  Ai bảo rằng con cho cha đâu?  Đây không phải là con biếu cha, nhưng con dâng cho Chúa cơ mà.  Chúa đã ban cho con và còn ban cho con hơn gấp bội ấy chứ.

Cha xứ phải nhận tiền của bà già dâng và nói :

– Này bà, lòng tin yêu Chúa của bà lớn quá!

********************************

Câu chuyện cho tôi liên tưởng tới đoạn Tin Mừng: Hai đồng tiền nhỏ của bà goá. (Lc 21,1-4). Chúa đã nhận được tấm lòng “của ít lòng nhiều” nơi bà goá.  Hai đồng tiền kẽm và đồng tiền vàng là cả gia tài của hai bà, họ thực sự đã yêu mến Chúa “hết linh hồn, hết trí khôn”, sẵn sàng dâng hết tài sản nhỏ bé của mình để góp phần xây dựng, tu bổ nhà Chúa, trong khi gia đình họ là thành phần mẹ goá con côi, vắng bóng người chồng là cột trụ trong gia đình, họ phải bương chải buôn thúng bán bưng, để chèo lái dẫn dắt gia đình của họ trong cuộc sống.

Họ cho đi vì niềm tin của họ đã đặt để trọn vẹn nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, họ biết chắc chắn Chúa sẽ bù đáp lại cho họ gấp trăm lần.

Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6,38).  Đấy chính là niềm tin của họ đã thúc đẩy họ dành cho Chúa trong việc kính mến Chúa đến như vậy.

Ngày nay muốn cho Giáo Hội trường tồn và phát triển rộng khắp, là những Kitô Giáo phải biết quan tâm đến vấn đề này, mỗi người một tay đóng góp hỗ trợ công sức, tài năng, tiền bạc … Để từ những nguồn trợ lực đó của mọi người Giáo Hội mới có đủ điều kiện chi phí mở mang, đào tạo … nhằm mục đích đem Tin Mừng Chúa đến cho muôn dân, để tất cả mọi người đều được hưởng Ơn Cứu Độ của Chúa.

Niềm xúc động khi mọi người thấy Mình Thánh Chúa bị cái tên vô lại nào đó xúc phạm, chỉ vì lòng tham, hắn ta đã bất chấp cả sự phạm Thánh, hắn ta cứ ngỡ là chiếc bình là vàng thật nên mới cố tình muốn chiếm đoạt, làm tổn hại đến Thánh Thể Chúa. Đứng trước sự phạm Thánh như thế. Mọi người đều cảm nhận được và sẵn sàng cùng góp phần để sắm một chiếc bình khác.

Còn tôi, tôi nghĩ gì? làm gì? mỗi khi nơi Giáo xứ, Giáo phận tôi ở, đang cần có sự đóng góp của mọi người, trong đó có tôi.

* Tôi có tích cực tham gia để cùng mọi người chung nhau góp tài góp trí, góp sức góp của, cho mục đích nơi Giáo xứ, Giáo phận đang cần?

*  Hay tôi chỉ là một bà mợ “không có mợ thì chợ cũng đông”, hoặc chỉ mang tư tưởng “cha chung không ai khóc”

********************************

Lạy Chúa, xin cho con biết sống “đừng phung phí biết tiết kiệm” để con dùng những tiết kiệm ấy biết “rộng rãi chớ hà tiện”, nhất là trong công việc mở mang Hội Thánh Chúa nơi trần gian này, cho con thực sbiết rộng rãi không toan tính.  Amen!

Pet. PBH