TÌNH YÊU HIỆP NHẤT

Trong cuộc đời của nghị viên Remaud có một giai thoại lý thú sau đây:  Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp.  Chủ khách sạn hỏi:

– Ông có cần biên nhận không?

– Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta.

– Ngài tin vào Thiên Chúa ư?

– Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?

– Tôi thì không, thưa ngài.

– A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!

******************************

Người ta thường nói:  “Tin đạo chứ đừng tin người có đạo”.  Quả thật, khi gặp người có đạo chúng ta thấy tin tưởng hơn, yên tâm hơn.  Nhưng thực tế, không hẳn là như vậy!  Ở đây, chúng ta muốn nói đến niềm tin vào Thiên Chúa, tin các mầu nhiệm trong đạo.  Đã tin là có liều lĩnh, mạo hiểm.  Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn con người khó mà hiểu thấu.

Chúng ta thường dùng một vài hình ảnh loại suy để hiểu một phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Đó là hình ảnh của nước.  Nước có thể hiện hữu dưới ba hình dạng:  thể hơi, thể rắn và thể lỏng.  Hoặc ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.  Tuy nhiên tất cả những so sánh ấy không tránh khỏi thiếu sót, vụng về khi nói về Thiên Chúa.  Chỉ có Đấng ở trong cung lòng Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã vén mở cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị:  là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Ba Ngôi khác nhau nhưng cùng một Thiên Chúa.

Câu Kinh Thánh nổi tiếng về Ba Ngôi chính là:  “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19).  Và hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi được mạc khải khi Đức Giêsu chịu phép rửa:  Một hình chim bồ câu bay lượn trên mình Người, và một tiếng từ trời phán:  “Con là Con Ta yêu dấu” (Mc 1,11).  Đó là hình ảnh sống động về chân dung của Chúa Ba Ngôi.  Theo Thánh Tôma Aquinô thì trong cuộc Hiển Dung tất cả Ba Ngôi đã xuất hiện:  “Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong con người, Chúa Thánh Thần trong áng mây sáng chói”.

Thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi:  Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan báo Tin Mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Tin Mừng mà Công Vụ Tông Đồ ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần:  Kinh Tin Kính duy trì mẫu tuyên xưng này:  Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần ban nguồn sống.

Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta dựa vào thế giá của Đức Giêsu, Người là Sự thật (x. Ga 8,32) nên Người chẳng lừa dối ai.

Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta làm dấu thánh giá trên thân xác, là in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời mình, là họa lại hình ảnh Ba Ngôi trong tâm hồn tha nhân. 

**********************************

Lạy Ba Ngôi chí thánh, Thiên Chúa là một cộng đồng Tình yêu Hiệp nhất.  Xin cho Giáo hội tìm thấy bản tính của mình trong bản tính của Chúa Ba Ngôi.  Xin cho chúng con hiệp nhất trong tình yêu, để minh chứng cho Tình yêu Hiệp nhất của Chúa.  Amen!

Thiên Phúc

VỊ ẨN TU GÂY NHIỀU GƯƠNG XẤU

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:

Ngày kia khi Ðức Giám Mục A-mô-las đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án.

Thấy Giám Mục A-mô-las đến, họ xúm lại vây quanh ngài và nói:

– Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Giám Mục A-mô-las quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau.

Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng.

Ðức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào.  Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình.  Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân.  Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào mà bảo:

– Vào đây. Các ngươi hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ.

Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, đức giám mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quì xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo xuống núi, đức giám mục A-mô-las tiến gần vị ẩn tu nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

– Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy.

*******************************

Hai thái độ khác nhau đối với một người lầm lỗi giữa dân làng và giám mục A-mô-las có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sửa chữa lỗi lầm của nhau.

Ngược lại với phản ứng của dân làng, đức giám mục A-mô-las đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu.  Trong một tình trạng khó xử, ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu.

Tiếp đến, ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền.  Trái lại ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em.

Và sau cùng, dầu không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, cũng như nêu bật mối nguy hiểm của lỗi lầm này đối với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.

*******************************

Lạy Chúa Giêsu, không ai trong chúng con là một người tốt lành hoàn hảo, không ai là người chưa từng phạm tội bao giờ, xin cho chúng con biết bắt chước thái độ của Ðức Giám Mục trong câu chuyện trên đây khi đối diện với những lỗi lầm của anh em mình.  Xin cho con biết học hỏi theo chân Thầy Giêsu: hiền lành, khiêm nhường, vị tha, không kết án ai, lúc nào cũng tạo cho tội nhân một cánh cửa, một lối thoát.  Xin dạy con thuộc lòng câu nói nhân từ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình:  “Tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11).

R. Veritas

BỨC ẢNH THÁNH TÂM CHÚA

Một tên bợm nhậu, đã gây bao chuyện rối trong cộng đoàn và gia đình, anh ta có một bà vợ rất đảm đang.  Trong kỳ đại phúc, chị ta giục chồng đi nghe giảng.  Anh ta đáp lại bằng những lời cục cằn và tục tĩu.  Cuối tuần, chị ta lại bảo chồng :

–   Thì ít ra anh cũng nên đến nhà thờ mà xem bức ảnh Thánh Tâm Chúa mới sắm về, ai cũng trầm trồ khen đẹp.

Anh chồng miễn cưỡng trả lời :

–   Thôi được, tôi không nói không.

Anh ta tới và cũng như mọi người đến ngắm bức ảnh.  Anh ngắm nghía cái vết đòng ở sườn và cái vòng gai quấn quanh Trái Tim của ảnh.  Bỗng anh suy nghĩ :

–   Chính tôi, chính tôi đã đâm những gai này vào Trái Tim Đấng Cứu Thế.

Anh hết sức xúc động.  Đôi mắt tràn lệ anh đứng một lúc lâu trước ảnh Chúa. Liền sau đó anh đến toà xưng tội, đi tham dự Thánh Lễ và đã rước Mình Thánh Chúa.  Trở về nhà, anh ôm vợ, ôm con, kể cho mọi người nghe niềm hạnh phúc anh đang hưởng và nói :

–   Từ trước đến giờ tôi đã gây cho em và các con biết bao khổ cực, từ nay tôi hứa sẽ chỉ đem lại cho cả nhà niềm vui và gương lành.

Anh đã giữ lời và đã biến nhà anh, mà trước kia anh làm thành hoả ngục, trở thành Thiên Đàng.

*************************

Trong sách Tin Mừng Thánh Gioan  thuật lại.  Khi người lính đến đánh giập ống chân các tử tội, thấy Chúa Giêsu đã tắt thở, tên lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn của Chúa, tức thì máu cùng nước chảy ra (Ga 19,34), cái mũi đòng của tên lính đã tạo nên cái vết thương thứ năm nơi Chúa.  Tắt thở rồi đấy nhưng vẫn không được yên.

Ngày nay qua dòng thời gian con người tiếp tục, vô tình hoặc cố ý tạo thêm những vết thương mới nơi Trái Tim của Chúa, đó chính là cái vết thương “thứ sáu” của những hậu duệ ngày nay, cái vết thương  kín đáo nhất, đau đớn nhất, lớn nhất và lâu lành nhất cho đến bây giờ Chúa vẫn đang phải gánh chịu.

Anh chàng say sưa như hũ chìm trên kia, đã được chính Trái Tim Chúa đánh động, và bản thân anh ta  nhận ra được, chính những cái gai đó là của chính mình đã đâm vào Trái Tim Chúa. Anh ta đã thành tâm quay trở về với Chúa, như  đứa con hoang đàng đã nhận ra tất cả những lỗi lầm của mình và trở về với người cha của mình.  (Lc 15,11-26).

*************************

Giáo Hội dành trọn cả tháng sáu này, để mọi Kitô hữu Kính Thánh Tâm Chúa cách đặc biệt.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa, là nguồn tình yêu bao la, xin cho con được lòng sốt mến,  đến với Thánh Tâm Chúa, nhất là những khi con vô tình đã phạm những lỗi lầm, làm tổn thương đến Trái Tim Chúa.  Để từ nguồn tình yêu của Chúa đó, con sẽ được Chúa thứ tha và nhận được ân sủng của Chúa dành cho con.  Xin Chúa cũng ban cho tất cả mọi người nhận ra được Tình yêu của Chúa luôn ở trong cuộc sống mỗi người.  Đặc biệt nơi những tâm hồn còn nguội lạnh, xin Thánh Tâm Chúa đánh động tâm hồn họ, để tất cả cùng hoà nhịp với lời nguyện xin  trong bài thánh ca vang vọng mỗi khi tháng Sáu về.

Thánh Tâm Chúa Giêsu nguồn êm ái dịu dàng
Xin hãy ban xuống lòng con tàn lửa say yêu một Chúa.
Thánh Tâm Chúa Giêsu tràn lan niềm thương xót
Xin thương những người đã trót vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha.

Pet. PBH