LỪA DỐI

Bên Ấn Độ có một Vua muốn dâng lễ vật cho thần thánh hầu xin ơn xuống cho toàn dân.

Để mọi người có dịp góp phần, đức vua bèn truyền lệnh xây một bồn đựng rất lớn.  Sau đó, mọi người sẽ đóng góp sữa bò làm lễ vật.  Toàn dân hoan nghênh mệnh lệnh của vua và hứa sẽ đóng góp.

Mấy lần đầu, dân chúng phấn khởi dâng hiến, và hình như các vị thần rất hài lòng vì của lễ. Nhưng một lần kia, công việc đã không tiến hành như thường lệ.  Không ai bảo ai, muôn người như một đều tự chấp nhận một sự lừa dối.  Họ lý luận một cách đơn giản:  ai cũng đem đóng góp sữa và bồn đựng rất lớn, vậy nếu tôi đem nước thế sữa cũng chẳng ai khám phá ra được.

Nghĩ sao làm vậy, khi mọi người đã làm xong thủ tục đóng góp sữa bò, nhà vua tiến gần đến bồn sữa để làm phép dâng cúng….  Nét mặt Ngài đổi sắc, các cận thần cũng thế.  Trước mặt họ, bồn sữa không có sữa chỉ toàn là nước lạnh.

********************

Chắc chúng ta muốn biết phản ứng của vị vua:  Ngài sẽ thịnh nộ toàn dân và kiếm cách trừng phạt họ chăng?  Hay hành động của dân khiến vua kiểm điểm lại cách cai trị của mình?   Một điều hiển nhiên là dân đã tỏ ý bất tuân, họ đã tuân lệnh một cách bó buộc, họ đã chu toàn bổn phận công dân theo hình thức, họ đã đóng góp nhưng họ đã đánh tráo lễ vật.  Hành động của họ chứng tỏ sự bất mãn không phục tùng, họ đã không tự do dâng hiến.

Câu chuyện này nhắc lại cho chúng ta câu chuyện của hai vợ chồng Ananya và Saphira trong sách Công Vụ Tông đồ 5,1-11.  Hai vợ chồng đã bán một thửa đất, và khấu trừ giấu đi một phần giá cả, rồi đem một phần nào đó đặt dưới chân các tông đồ.  Sau khi nghe thánh Pherô qưở trách, hai vợ chồng đều ngã lăn ra và tắt thở.

Người Kitô hữu không thể dối lòng, chúng ta tin là Chúa nhìn thấu mọi sự, và Ngài hiện diện khắp nơi.  Có thể dấu con mắt phàm trần nhưng không qua mặt được Thiên Chúa.  Đồng thời, Chúa cũng thấu rõ mọi sự hy sinh chúng ta chịu vì danh Chúa, và Ngài sẽ thưởng công cho chúng ta còn hơn lòng chúng ta mong đợi:  “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,4)

********************

Lạy Chúa, Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con.  Xin cho con luôn biết chân thành hiến dâng.  Xin Chúa đừng chấp tính hời hợt, nhẹ dạ của con.  Nếu vì yếu đuối, con xa cách Chúa, xin Chúa đừng bao giờ từ bỏ con.  Xin hãy luôn là Vua cai trị lòng con. Amen!

Thiên Phúc

CỘNG TÁC VỚI ƠN CHÚA

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn “chuyên trách” về bệnh này.

Hết Tuần chín ngày bà vẫn còn đau.  Lúc đó một vị linh mục đến thăm.  Bà liền hỏi:

– Xin cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

– Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ.  Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

– Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần:

Thánh Antôn ở trên trời cao tự nhủ:

– Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi đến cho bà vị linh mục này. Thế mà!

*****************************

Nếu bà già trong câu chuyện suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chắc bà sẽ không làm cho thánh Antôn phải thất vọng.  Người phụ nữ xuất huyết trong bài Tin Mừng và bà già đau răng trong câu chuyện trên, cả hai đều tin tưởng vào Chúa.  Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn.  Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông.  Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình.  Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ.  Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông.  Ông đã làm hết sức mình.  Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn.  Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban.  Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta.  Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta, và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa”.  McKenzie nói:  “Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều chúng ta không thể”.

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình.  Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người:

    • Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum” (Ga 2,7).
    • Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hoá nhiều khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá (Mc 6,35-43).
    • Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần.  Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Hãy tự giúp mình trước rồi Trời sẽ giúp sau”.

*****************************

Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con với trái tim của người cha người mẹ, Chúa để chúng con hoàn toàn tự do đáp lại tình yêu Chúa.  Xin cho chúng con luôn biết sống thảo hiếu, đẹp lòng Chúa.  Xin dạy chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, để được Chúa ban ơn trợ giúp trong những cơn gian nan khốn khó.  Amen!

Thiên Phúc

SỐNG CHUNG

Một bà nọ có một ông chồng khó tính lắm. Bà không nói là khó tính thế nào, nhưng trong gia đình thì thật không ai hiểu chồng hơn bà.  Bà luôn than thở với Chúa: “Chúa ơi! Thánh giá của con nặng quá, con vác không nổi!”.

Càng về già, ông chồng càng khó tính, hay cằn nhằn, la mắng vô cớ, nên bà kêu xin Chúa: “Xin Chúa đổi thánh giá khác cho con.” Thế là một đêm bà nằm chiêm bao thấy mình đang vác thánh giá lên đồi Calvê.  Lên tới nơi, bà thấy nhiều thánh giá quá: lớn có, nhỏ có, bằng gỗ, bằng lá, bằng vàng, bằng bạc, đủ mọi hình thức, mọi vật liệu.  Bà vui mừng vội bỏ thánh giá của mình xuống và lựa thánh giá khác theo đúng ý mình.  Bà liền chọn ngay thánh giá bằng lá và thầm nghĩ chắc là hợp với mình vì bà đã lớn tuổi rồi.  Nhưng vừa đưa tay lên nhấc thì bà không ngờ trong lá có đầy gai, bà hoảng hốt rút tay ra và xin Chúa cho lựa cây thánh giá khác.  Mắt bà sáng lên khi nhìn cây thánh giá bằng vàng, vừa nhỏ vừa xinh, chẳng những nó nhẹ nhàng, gọn gàng mà lại có thể đem bán được.  Nhưng vừa sờ tới bà đã hét lên: “Nóng quá!  Vàng thiệt nhưng nóng như lửa, sờ vô không được”.  Bà cứ chọn lựa mãi, nhưng được cái này lại mất cái kia.  Cuối cùng, bà cũng tìm được một cây.  Bà vui mừng vác lấy, và chợt nhận ra: “Ủa, đây chính là cây thập giá tôi đã vác mấy chục năm nay mà!”

Thế là bà quì xuống xin lỗi Chúa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Thánh giá mà Chúa ban cho con là tốt nhất, con không thể lựa được cây nào khác tốt hơn”.

*****************************

Người ta ai cũng thích chung sống với kẻ hợp ý tâm đầu.  Thế nhưng, chúng ta thử nghĩ xem trong một công viên hay một vườn hoa mà chỉ có một loài hoa, hoặc một màu sắc mà thôi, thì công viên đó sẽ như thế nào?  Trái lại, nếu càng có nhiều loại hoa với nhiều màu sắc, công viên đó càng rực rỡ, đẹp đẽ, và hấp dẫn!

Cũng thế, trong đời sống con người, chúng ta thường nghe nói: “Chín người mười tính”. Thật không ai hoàn toàn giống ai, không ai là người hoàn hảo cả, mỗi người đều có ưu và khuyết điểm riêng.  Ngay trong chính bản thân mỗi người đều có bản tính tốt đẹp làm chúng ta hãnh diện, nhưng lại không thiếu chi những khuyết điểm mà chúng ta chẳng ưa thích hoặc làm chúng ta phải hổ thẹn.

Một tác giả đã viết: “Nếu trên đời này có hai người sống chung với nhau không bao giờ cãi vã, thì tôi sẽ cho bạn biết trên đời có hai người chưa nói hết sự thật”.  Thành thật mà nói, va chạm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nó phát sinh từ cái nhìn, quan điểm và cách sống khácnhau.  Điều quan trọng là mỗi người biết mở rộng nhãn giới, biết nhìn nhận thực tại của bản thân, cũng như biết nhận định cái hay cái đẹp của tha nhân như Franklir đã khuyên.  “Hãy tìm nhân đức nơi kẻ khác và tật xấu nơi chính mình.”

Chúng ta hãy có cái nhìn của Chúa. Ngài tạo dựng mỗi người một vẻ đẹp riêng, mỗi người là một tạo vật độc nhất vô nhị, được tạo dựng với một gia sản thể lý cũng như tinh thần riêng để chu toàn một sứ mệnh riêng.  Trong kế hoạch mầu nhiệm của Chúa, mỗi người có một chỗ đứng, một tầm quan trọng cần được khám phá để sống đúng với ơn gọi của mình.

*****************************

Lạy Chúa, xin mở rộng mắt con, để con biết khiêm tốn đón nhận cái hay cái đẹp nơi những người sống chung quanh con, để con biết chung tay góp sức, xây dựng Giáo Hội Chúa và một thế giới tốt đẹp hơn, hầu duy trì và bảo vệ món quà sự sống mà Chúa đã muốn chia sẻ và thông ban cho con.  Amen!

Thiên Phúc

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Margarita, một sinh viên Y Khoa người Cuba, hiện đang định cư bên Hoa Kỳ. Một hôm được nghỉ ngơi sau kỳ thi cuối khóa, Margarita chợt nhớ tới cuộc sống tại Cuba ngày nào. Bà cảm thấy tim mình đau nhói khi thấy bị đối xử cách thiếu kính trọng và tàn nhẫn. Đặc biệt bà căm thù một sĩ quan cảnh sát đã luôn luôn gọi điện thoại phá vỡ giấc ngủ của bà tại Cuba. (Nhằm để kiểm tra xem bà có ở nhà hay không? Vì bà nằm trong số những người từng vượt biên). Bây giờ là 2 giờ sáng, Margarita nhất định gọi hắn để trả thù cho bõ ghét. Bà nhủ thầm

– Ta sẽ đánh thức hắn dậy khi hắn đang ngủ say. Ta sẽ cho hắn nếm thử chính cái phương dược của hắn xem hắn có thích thú nó không ?

Sợ mình có cơ hội đổi ý, Margarita lập tức quay số điện thoại của viên sĩ quan cảnh sát Cuba, trong khi chờ đợi nối đường dây, Margarita cảm thấy cơn giận dâng lên nghẹn cổ. Và khi hắn vừa trả lời có mặt, bà tuôn ra xối xả :

– Tôi là Margarita đây, người phụ nữ trẻ mà ông đã hành hạ qua bao năm tháng ngày xưa. Tôi gọi điện để cám ơn ông đây …

Hắn ngạc nhiên :

– Để cám ơn tôi ư?

Bà giải thích với vẻ chiến thắng và trả thù hả hê :

– Đúng thế! Bây giờ tôi là một sinh viên tại Hoa Kỳ. Chính vì sự quấy rối liên miên của ông khiến cho cuộc sống của tôi tại Cuba không thể chịu nổi.  Chính ông đã cưỡng bách tôi tới đất nước trù phú này, nơi một phụ nữ có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Margarita rất đỗi ngạc nhiên khi người sĩ quan Cuba thở dài thậm thượt.  Hắn yên lặng một lát rồi nói với giọng chùng xuống:

– Cuộc sống của tôi ở đây rất khó khăn, tôi đang phải đau khổ nhìn con gái mình mỗi ngày tiến dần về cõi chết vì bệnh đau gan. Chỉ thị của bác sĩ là cho cháu uống 6 viên Aspirin mỗi ngày.

Tới đây giọng ông vỡ vụn ra :

– Bà gọi điện đánh thức tôi dậy để trả đũa sự quấy rối của tôi đã làm bà đau khổ một thời. Nhưng tôi cũng đang đau khổ mỗi đêm, cố gắng chăm sóc đứa con gái nhỏ.  Cháu đang tiến dần tới cõi chết vì tôi không đủ tiền mua Aspirin và nếu tôi có đủ tiền thì cũng không có đủ thuốc để mà mua!

Giọng người đàn ông thều thào trong điện thoại nặng trĩu ưu sầu.  Margarita xúc động không biết xử trí ra sao bèn cúp điện thoại.  Bà ngồi một lúc lâu, dán mắt vào sách mà chẳng thấy được chữ nào!

Margarita tự nhủ:

– Cho hắn đáng đời! Hắn đã làm đời ta đau khổ.

Nhưng lạ lùng làm sao, cơn giận sục sôi đã biến đâu mất mà có một cái gì hoàn toàn khác đã đong đầy trái tim Margarita!

Sáng hôm sau Margarita chạy vội ra tiệm thuốc.  Bà mua thật nhiều Aspirin đóng vào một hộp lớn và yêu thương gởi về cho viên sĩ quan Cuba, kẻ cựu thù.  Bà thầm nghĩ:

– Bây giờ ta mới tự do thực sự!

*******************

Trên cây thập tự ngày nào Chúa đã xin Đức Chúa Cha tha tội cho họ vì họ không biết việc họ làm. (Lc23,34).  Yêu thương của Chúa là thế đấy.  Margarita trong lòng đầy ắp căm thù khi nghĩ tới viên sĩ quan ngày trước.  Nhưng khi đối diện qua điện thoại, tâm hồn bà chợt lắng dịu lại, trái tim bà mở ra một lòng khoan dung, một tình thương bao la, mà tình thương này bà lại dành cho chính kẻ thù đã hại  mình.  Chắc hẳn trong lúc này lời kinh Lạy Cha Chúa đã dạy đang vang vọng lên nơi tâm hồn bà  … và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. (Mt 6,12)  Bà đã tha thứ cho kẻ thù của mình, như Chúa trả lời câu hỏi của Phêrô ngày nào: không phải là 7 lần nhưng là 70 lần 7 (Mt 18,22).  Bằng một cử chỉ cao đẹp mà khó có ai có thể làm được như bà Margarita :  RỘNG LƯỢNG THỨ THA – CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG

*******************

Lạy Chúa, đọc qua câu chuyện trên, con tự kiểm nghiệm lại con, con cảm thấy hổ thẹn vì những Lời Chúa dạy con qua Tin Mừng, con thực hiện chưa được là bao.  Xin Chúa giúp con biết lắng nghe đón nhận những điều Chúa đang dạy con, qua những lời giáo huấn của Giáo Hội, của các Đấng Bề Trên một cách chân tình hơn để con sống thực hành đối với tha nhân, biết yêu thương, chia sẻ và tha thứ nhiều hơn.  Amen!

Pet. PBH

CHA EM LÀ NGƯỜI CẦM LÁI

Trong một cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương, khách du lịch đang thư thái ngắm cảnh hoàng hôn trên boong tàu. Nơi tít mù xa, mặt trời vỏ cam đang chiếu những ánh vàng cuối cùng của một ngày còn sót lại. Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, tối sầm cả một vùng trời.  Sấm chớp đổ xuống liên hồi, giông tố cuồn cuộn nổi lên, càng lúc càng thét gào dữ dội.

Mọi người trên boong chen lấn nhau chạy về phòng mình.  Duy chỉ có một bé trai cứ tiếp tục chạy giỡn trên boong giữa trận cuồng phong. Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố?

Em thản nhiên đáp lại:

– Vì cha em là người cầm lái con tàu.

**************************

Giống như khách du lịch trong câu chuyện trên, các môn đệ cũng gặp một trận cuồng phong khi vượt biển.  Các ngài kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng.  Bó tay bất lực trước phong ba bão táp, các ngài đã vội đánh thức Đức Giêsu và xin Người ra tay cứu giúp:  “Thưa Thầy, chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao” (Mc 4,38).  Người liền đe gió và phán với biển như phán với một người bị qủy ám:  “Hãy im đi”.  Tức thì sóng biển yên lặng.

Ai cũng thích lúc sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái.  Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có những cơn giông?  Đại dương nào mà không có những bão tố?

Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin.

Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Người.  Cũng chính giông tố sẽ giúp ta biểu lộ đức tin.  Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố.

Thánh Phaolô viết:  “Thiên Chúa không ban cho ta một thần khí nhát sợ nhưng mạnh mẽ, bác ái và tự chủ” (2 Tm 1,7).

Mỗi người chúng ta không khác chi chiếc thuyền nan chông chênh giữa cơn lốc cuộc đời, khó khăn nối tiếp khó khăn.  Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin ở Thiên Chúa tình yêu, Người sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta.  Có Chúa trong đời, những cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được mạnh sức.  Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.

Thánh Phanxicô Salêsiô dạy:  “Phải ở lại trong con thuyền mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, để hành trình từ cõi đời này về chốn đời sau.  Chúng ta phải sẵn sàng ở lại trong sự bình an thanh thản”.

**************************

Lạy Chúa, thuyền đời chúng con chẳng bao giờ được êm ả, nó chỉ êm ả khi tới bến thiên đàng.  Xin cho lòng chúng con luôn bình an ngay cả khi Chúa còn đang ngủ, miễn là có Chúa trong thuyền, vì Chúa chính là thuyền trưởng của đời chúng con.  Amen!

Thiên Phúc

CÓ NHỮNG HÒN ĐÁ

Mỗi ngày hai buổi, chiếc xe đưa tôi đến sở làm và mang tôi từ sở làm về nhà, chiếc xe lao vun vút trên con đường rộng thênh thang với bề mặt là lớp nhựa đường bằng phẳng màu đen với cái mùi hôi hôi khó ngửi.  Tôi qua lại trên con đường này đã nhiều năm nhưng đã được bao nhiêu lần tôi chú tâm để biết được rằng: Dưới lớp nhựa đường màu đen khó ngửi kia là hàng vạn, hàng triệu hòn đá lớn nhỏ khác nhau, hình dáng khác nhau, đã đan kết với nhau, đã nằm im lìm và chìm sâu dưới mặt đường từ bao nhiêu năm qua, liên tiếp từ đời này đến đời kia, để  làm nên con đường quen thuộc này… Có lẽ tạo hóa đã sinh ra những hòn đá này và đặt để cho chúng một nhiệm vụ duy nhất là lót đường.   Tôi gọi tên chúng là “Hòn Đá Lót Đường”.

Tôi vẫn còn nhớ rõ mấy tuần trước đây, xe của tôi bị xẹp bánh trên đường đi làm chỉ vì một vài hòn đá đã trồi lên trên mặt đường, hòn đá ấy đã có một thời là hòn đá lót đường, hôm nay nó đã vươn mình lên cao, đã vượt qua khỏi lớp nhựa đường, nó muốn nhìn ngắm trời mây non nước chăng?  Hòn đá ấy mỗi ngày một vươn cao hơn, hòn đá ấy với những góc cạnh sắc bén đã đâm thủng bánh xe của tôi.   Trong lúc tôi loay hoay thay bánh xe,  không chú ý,  những góc cạnh sắc bén này đã cắt một đường trên bàn tay tôi đến rướm máu….  Chao ôi! những hòn đá phá hoại, những hòn đá vô tích sự… Tôi gọi tên chúng là “Hòn Đá Oan Nghiệt”, là “Hòn Đá Cản Đường”.

************************

Hôm nay ngồi một mình, mở bàn tay nhìn vết cắt hôm nào, nay đã thành sẹo, tôi sực nhớ về những hòn đá.  Tôi cũng ngồi một mình hồi tâm tưởng nhớ đến những công việc mà tôi đã và đang làm…  Những công việc mà tôi thường hay gọi bằng những từ thân quen là công việc “phục vụ”,  là công việc “xây dựng nước Chúa”…  Tôi không biết mình là hòn đá nào đây trên “con đường phục vụ”?  Là hòn đá lót đường hay là hòn đá cản đường trong công việc “xây dựng nước Chúa”?  Thật khốn cho tôi nếu tôi là hòn đá cản đường, thật vô phúc cho tôi nếu tôi là hòn đá cản đường mà cứ nghĩ  rằng mình là hòn đá lót đường.

Là hòn đá lót đường, tôi có chịu ẩn mình dưới lớp nhựa đường màu đen đen khó ngửi kia hay không?

Là hòn đá lót đường, tôi có thiết tha liên kết với những hòn đá lót đường khác, cũng đang âm thầm nằm chung quanh tôi, để  làm thành một cái nền cứng chắc cho con đường hay không ?

Là hòn đá lót đường, tôi có cam chịu cảnh âm thầm chìm sâu trong lòng đường để anh em của tôi bước lên mà đi đến với Chúa không?  Mỗi bước chân bước đi là mỗi bước khác nhau:  Có những bước chân nhẹ nhàng êm đềm của người già em bé; có những bước chân thướt tha dịu dàng phảng phất hương thơm người con gái; nhưng cũng có những bước chân mạnh bạo đầy vũ lực của những chàng trai đang phung phí sức.  Chắc hẳn sẽ không phải là một khó khăn chịu đựng cho tôi khi đón nhận những bước chân nhẹ nhàng êm đềm cũng như những bước chân thướt tha dịu dàng, nhưng còn những bước chân mạnh bạo đầy vũ lực thì sao?  Nó sẽ làm tôi nhói đau, đôi khi nó sẽ mang đến cho tôi những vết thương rướm máu.  Tôi có chịu đựng được không?  Tôi còn tiếp tục làm hòn đá lót đường trong công việc “xây dựng nước Chúa” nữa hay không?

************************

Lạy Chúa! Xin ban ơn giúp sức cho con, để con mãi mãi là một trong muôn vàn hòn đá lót đường, để  anh em của con bước lên và đi đến với Chúa.  Xin cho con luôn biết ẩn mình chìm sâu trong lòng đường, để  làm tròn “ơn gọi” mà Chúa đã mời gọi và  đặt để nơi con. Amen .

Duyên Lãng

NIỀM TIN TRƯỚC CÁI CHẾT

Cơn dịch hoành hành trong vùng thổ dân Bắc Cực. Vị truyền giáo kể :

Cơn dịch hơi lắng xuống, tôi thắng cái xe trượt tuyết và trẩy lên vùng băng tuyết Cực Bắc của xứ đạo, cách 100 cây số, để thăm những giáo dân khốn khổ của tôi.

Thật kinh hoàng!  Nhà nào cũng có bệnh nhân, thần chết đã thu hoạch một mùa phong phú.  Tôi thấy mười một xác chết cứng lạnh nằm trên tấm chiếu.  Trời 40 độ âm.  Tiến lại gần, tôi sững sờ thấy mỗi xác ôm trong tay một gói nhỏ, một miếng vỏ cây, dùng làm giấy của người Bắc Cực.  Một ý nghĩ u buồn, tôi thầm nghĩ trong đầu :

– Mê tín bẩn thỉu !

Tôi cúi nhặt một vài tờ giấy. Trên mỗi tờ giấy có những hàng chữ :

– Chỉ một mình cha mới được đọc những hàng chữ này.

Tờ thú tội của họ.

Khi những con người khốn khổ này thấy mình sắp chết và không gặp được các cha để xưng tội, họ viết tội lên miếng giấy vỏ cây.  Không biết họ tự viết hay nhờ người khác viết cho.  Tôi không biết… ?

Cuối tờ xưng tội nào cũng kết như nhau:

– Thưa cha, con xin cha dâng một lễ cho linh hồn con, thay vì bổng lễ con xin dâng cha bộ da con Luyết Thử … bộ da con Hải Cẩu … cái búa của con … v… v…

Niềm tin của những người thổ dân này khiến tôi xúc động, nước mắt tràn mi.  Tôi đã dạy cho họ, khi không thể xưng tội, lòng thành tâm thống hối cách trọn cũng xoá bỏ được tội lỗi.  Đây là dấu chứng hùng hồn và chân tình họ để lại nói lên niềm tin vào Chúa trước khi họ chết.

Những thổ dân Bắc Cực sống và chết như thế đấy, khiến chúng ta phải hổ thẹn.

**************************

Con người chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, hiện đại vượt bực.  Và hình như để chạy đua với nền văn minh đó, con người cũng đang phải tất bật sống hoà nhập vào cái cộng đồng đô hội đó.  Thậm chí có những người không còn thảnh thơi trong bữa điểm tâm buổi sáng, ngồi ngay trên xe bus nhai ổ bánh mì, hoặc vài ba trái bắp, nắm xôi … tiện cho đôi đàng, vừa đi vừa ăn cũng xong bữa điểm tâm; bước xuống xe là đúng giờ vào ca.  Cuộc sống vật chất là phải tranh thủ lấy từng giờ từng phút, làm hết ca còn tranh thủ làm tăng ca để kiếm thêm lương phụ trội.  Tất cả cũng chỉ lo cho gia đình mình có lương thực hằng ngày, lo cho con cái mình ăn học nên người… và còn bao nhiêu cái lo nữa cho gia đình.  Đây cũng là một hình thức sinh hoạt tốt đối với đại đa số các gia đình;  nhưng đó mới chỉ là một phần trong cuộc sống.  Phần còn lại, quan trọng cần thiết hơn chính là chuyện chăm chút cho đời sống tâm linh, cho việc sống đạo, nếu tất cả đều thể hiện được như chuyện kiếm cơm, áo, gạo, tiền như trên, để thể hiện cái niềm tin, cách sống đạo của chính mình, thì quả đó là một điều hạnh phúc biết bao.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy những thổ dân sống nơi vùng Bắc Cực giá lạnh, họ phải phấn đấu để đương đầu với khí hậu khắc nghiệt, nhưng họ đã thể hiện niềm tin của họ thật đáng cho ta ngưỡng mộ thán phục.  Quả là những thổ dân này thiệt thòi biết bao khi sống trong vùng Bắc Cực lạnh giá, từ vật chất đến tinh thần, họ thiếu thốn nhưng họ vẫn vui khi chung sống bên nhau.  Đặc biệt, qua những nghĩa cử hành động của những người đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chết.  Họ đã thực sự dọn mình ăn năn tội trước khi nhắm mắt, tuy trong giờ phút lâm tử họ không được lãnh nhận bí tích giải tội và xức dầu.  Nhưng chính họ đã thể hiện niềm tin của mình bằng những miếng giấy xưng tội như trên.  Cử chỉ và hành động đó chắc chắn Chúa sẽ tha thứ và rước linh hồn họ về hưởng bên Thánh Nhan Ngài.

**************************

Lạy Chúa, Chúa đã cho con được hưởng những thuận lợi hơn những người thổ dân trên.  Nhưng con đã không biết vận dụng những thuận lợi đó để làm nảy sinh ra những hoa trái tốt tươi, mà đôi khi còn ơ hờ trễ nải trong việc sống đạo.  Xin Chúa giúp con biết mạnh dạn, dũng cảm để con thể hiện niềm tin của con cách mạnh mẽ giữa đời thường.  Bằng cách sống theo lời Chúa đã dạy : là mến Chúa và yêu người.  Xin Chúa giúp con thực hiện chu toàn được hai điều trên.  Vì đây là hành trang thể hiện chính niềm tin của con, để chuẩn bị cho ngày Chúa sẽ gọi con về trình diện với Chúa.  Amen!

Pet. PBH

TẤM BÁNH

Ngày 30-01-1938, một chuyến xe lửa chạy từ miền nam Columbia bất ngờ bị trật đường rầy làm nhiều người chết và bị thương.

Trong số những người quằn quại nằm đó, có cha Phenise thuộc dòng thánh Gioan.  Ngài bị thương nặng, một phần ruột lòi ra ngoài.

Nhận ra cha, các y tá ân cần chăm sóc.  Nhưng ngài ra hiệu cứ đi lo cứu giúp những nạn nhân khác.  Rồi lấy hết sức bình sinh, Ngài nhét ruột vào, dùng khăn buộc lại và đi tìm những hành khách bị thương nặng để giải tội cho họ.

Được một lúc ngài té xuống.  Các y tá chạy lại.  Ngài thều thào nói trong đau đớn tột cùng.  “Cám ơn Chúa đã cho tôi có thì giờ làm những điều cần thiết cho anh em.  Bây giờ các cô có thể mang xác tôi đi”.  Chiếc xe cứu thương vội chở cha Phenise tới bịnh viện gần đó.  Nhưng chỉ vài giờ sau ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời mới ba mươi sáu.

*********************************

Tình yêu và cái chết của cha Phenise là một trong muôn vàn tấm gương sáng chói của tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng con người.

Cái chết ấy chỉ là nối dài hay đúng hơn là một thể hiện của một cái chết đã trở thành linh hồn của Kitô giáo.  Đó là cái chết của Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện chết thay cho nhân loại, để nhờ đó nhân loại được cứu sống.

Cái chết ấy ngày nay trong từng phút từng giây trên thế giới đang được Giáo Hội Công Giáo tưởng nhớ trong Bí Tích Thánh Thể.  Đây là Bí Tích cao cả nhất, trong đó con người được gặp gỡ và kết hiệp với Chúa Kitô.

Khi đón rước Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, khi ăn Mình Máu Thánh Ngài, người Kitô cũng được mời gọi hãy là tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho người khác.  Đó là lý tưởng và ý nghĩa cuộc sống người Kitô.

Trao ban, không phải là một việc làm tùy thích, mà là một đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu. Trao ban đích thực là trao ban chính bản thân. Trao ban sự tôn trọng.  Trao ban sự cảm thông.  Trao ban lòng quí mến. Trao ban sự tha thứ.  Đó là quà tặng quí giá nhất mà tha nhân đang chờ đợi nơi chúng ta.

Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao ban trọn vẹn cho loài người.  Đến lượt mình, chúng ta cũng hãy tập sống trao ban trọn vẹn cho anh em.

*********************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

 Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay :
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen!    

Sưu tầm

TÂM HỒN RỘNG MỞ

Một trong những hình ảnh bi thương, không chừng lại đẹp nhất trong cuộc chiến tại Cựu Nam Tư, đó là hình ảnh của thi hài đôi trai gái đang quyện lấy nhau giữa một cánh đồng hoang vắng. Chàng tên là Bosco, một tín đồ Chính Thống.  Nàng tên là Admira, một thiếu nữ Hồi Giáo.  Hai thân xác quyện vào nhau trong cõi chết ấy là biểu trưng của một chiếc cầu nối liền giữa hai sắc tộc và tôn giáo khác nhau tại phần đất đang bị xâu xé này.

Ngày 15/9/93 vào khoảng 4 giờ chiều, đôi bạn trẻ nắm tay nhau dìu nhau dọc theo sông Mazacca.  Đây là vùng cấm địa cả người Bosnia lẫn người Serbia.  Nhưng cả hai bên đã đồng ý để cho họ đi về phiá Serbia.  Họ chỉ cần băng qua một cánh đồng không quá nửa cây số là có thể đến nơi an toàn.  Nhưng chỉ còn khoảng 30 thước trước khi họ đến một cây cầu để qua vùng đất an toàn thì họ đã bị bắn ngã gục.  Chàng thanh niên Bosco đã tắt thở ngay tức khắc. Admira, người yêu của anh vừa còn đủ sức lết đến bên cạnh ôm lấy anh như để truyền cho anh những hơi thở cuối cùng.

Họ đã nằm ở đó 6 ngày liền, đạn từ hai phiá vẫn tiếp tục rít trên thân xác đang thối rữa của họ.  Người Serbia muốn lấy xác Bosco, bởi vì anh là người Serbia và đang đi về hướng Serbia.  Còn những người Bosnia thì nói rằng: bởi vì Admira là một người Hồi Giáo và vì cả hai đã sống tại Bosnia, cho nên họ phải được chôn ở Bosnia.  Cứ thế, người ta không những chém giết nhau khi họ còn sống mà còn cãi cọ nhau ngay cả bên cạnh những xác chết.

Cuối cùng, người mẹ của chàng trai đã đồng ý để cho con mình được chôn cất ở Bosnia.  Cha mẹ của cô gái cũng mong muốn cả hai được chôn cất bên nhau.  Sau 9 năm, vượt lên trên mọi chia cắt về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo để yêu nhau, giờ đây đôi bạn trẻ được chôn cất trong một nấm mồ để mãi mãi được ở bên nhau.

******************************

Tình yêu vượt trên mọi thứ hàng rào ngăn cách và chiến thắng ngay cả hận thù, chết chóc ấy như muốn dóng lên một tiếng kêu thảm thiết: con người có thể yêu thương nhau, con người có thể sống chung hoà bình, con người có thể tha thứ cho nhau.  Đó là niềm xác tín của người Kitô chúng ta.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo và giống hình ảnh của Ngài.  Mà bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu cho nên con người chỉ có thể là người khi họ biết sống yêu thương mà thôi, mà yêu thương có nghĩa là biết tôn trọng, biết chấp nhận nhau trong mọi khác biệt của nhau.

Cuộc sống chỉ mang lại an hoà và hạnh phúc khi con người biết chấp nhận nhau trong những khác biệt, và biết đón nhận những khác biệt ấy như những giá trị làm cho cuộc sống thêm phong phú.

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.  Đức Kitô luôn mời gọi chúng ta loại trừ đầu óc đảng phái, tinh thần hẹp hòi, nhưng hãy có một tâm hồn rộng mở, không biên giới.

******************************

Lạy Chúa, loài người được Chúa tạo thành muôn hình muôn vẻ, nhưng lại mang chung hình ảnh của Chúa.  Qua không biết bao nhiêu khác biệt bên ngoài, xin cho con luôn biết nhận ra hình ảnh của Chúa trong mỗi một người để con biết chấp nhận nhau, yêu thương nhau, và tha thứ cho nhau.  Amen!

Thiên Phúc

THUỐC CHỮA BỆNH LY DỊ

Một chị phụ nữ đến gặp ông Windthorst, Chủ Tịch Công Giáo Tiến Hành nước Đức, Cố Vấn Toà Hoà Giải Hanovre, để xin ly dị vì không sống được với anh chồng cứ chiều về là say khướt và hành hạ vợ.

Ông Windthorst hỏi :

– Này chị, vậy những lúc đó chị làm gì ?

Chị trả lời :

– Thưa ông, dĩ nhiên chẳng ai câm miệng mãi được.

Ông Windthost tiếp lời :

– Tôi nghĩ có lẽ trong nhà chị thiếu một vật dụng.

– Thưa ông, thiếu cái gì cơ ạ?

– Chị hãy về kiếm cái bàn quỳ, mỗi chiều chồng chị say khướt trở về và kiếm chuyện, chị hãy vào quỳ nói chuyện với Chúa đừng nói lại với anh ta.

Người phụ nữ nghe lời khuyên đó, sau một thời gian ngắn, chị nhận ra rằng tình trạng gia đình đã khả quan hơn trước nhiều.

************************

Cuộc sống hôn nhân ngày nay, không ít gia đình đang sống trong những tình trạng tương tự như câu chuyện trên đây.  Không ít gia đình đã đi đến quyết định chia tay nhau, cũng chỉ vì những xung khắc trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì những lỗi lầm rất đỗi đời thường, mà hai người không thể thông cảm và tha thứ cho nhau được.

Thực tế hôn nhân trong thời buổi văn minh hiện nay, khi hai người quyết định đi đến việc kết hôn, phần đông họ đã gặp và tìm hiểu nhau trong một thời gian nhất định nào đó; không còn chuyện hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, ép duyên, gán nợ như thuở ngày trước ông bà ta đã từng trải qua.  Thế nhưng, ngày nay cái chuyện hôn nhân đã bị người ta xem thường, thế gian bây giờ thay vợ thay chồng như chuyện thay áo.  Hợp nhau thì chung sống, tạm gọi là đến trọn đời trọn kiếp.  Không hợp nhau thì họ đưa nhau ra toà ly dị, đường anh – anh đi, đường em – em đi.  Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.  Con cái thì họ đem ra chia chác, đứa ở nơi nàng, đứa ở đằng chàng.  Đó chính là cám cảnh mà chính những người cha người mẹ, đã gây ra và để lại cho những người con họ đã sinh ra, chúng cũng là con người như bao con người khác, nhưng chúng không được hưởng những quyền lợi và hạnh phúc như những người sống chung quanh chúng.  Cũng chỉ tại “cái tôi” của họ ai cũng lớn hơn cả.

Nguyên do để phải đi đến chuyện chia ly, mà những gia đình không làm được chính là sự nhịn nhường, tha thứ, không quảng đại kém vị tha.  Ai cũng cho mình là đúng khi đối diện với nhau.  Khi đọc kinh thú tội cùng Chúa và anh chị em, chúng ta hãy ý thức khi nắm tay đấm ngực đọc: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.  Người thiếu phụ trong câu chuyện trên, nhịn nhục lâu ngày rồi cũng phải đến lúc “tức nước vỡ bờ” để chống trả lại những hành động của anh chồng say xỉn, và cũng chính vì cái vỡ bờ đó lại càng làm cho gia đình thêm xào xáo.  May mắn thay chị đã nghe theo lời khuyên của ông Windthorst áp dụng thử phương pháp ông bàn, biết dừng lại đúng lúc, và chị đã thấy có hiệu quả khi quỳ trước bàn thờ đối diện với Chúa.

************************

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con một gia đình. Xin Chúa cho con được biết bỏ cái tôi của con đi, biết sống trung thành với những lời giao ước, như trong ngày cử hành Bí Tích Hôn Phối.  Biết học hỏi qua những tấm gương sáng của những người chung quanh con, đặc biệt tấm gương nơi gia đình Thánh Gia, để con biết đưa mái ấm gia đình Chúa đã ban cho con, trên con đường sống đạo, giữ vững niềm tin.

Pet. PBH