TỪ TABOR ĐẾN GOLGOTHA

Một linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau:

Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo.  Đúng là một cặp “trai tài gái sắc”.  Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.

Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia.  Người chồng vui vẻ đón nhận:

– Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!

Hai mươi năm sau.  Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian.  Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lạị  Nhưng người chồng nhăn mặt:

– Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

Tất cả nguyên trạng chỉ khác nhau có nhan sắc.  Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay “người đẹp” là trái táo ân tình.  Hai mươi năm sau từ tay “nàng già” là trái táo ăn thừa.  Nếu chỉ dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

************************************

Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn.  Nếu người ta làm cho an toàn những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Đức Giêsu cũng hoá giải tin khổ nạn bằng một cuộc biến hình rực rỡ.  Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ.  Hóa giải chứ không gây mê.

Nhưng có lẽ cuộc biến hình đã phản tác dụng:  “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Elia” (Mc 9,5).  Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn định cư luôn trên đỉnh núi Tabor.  Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ.  Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo.  Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.

Các ông đâu biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh núi Tabor trong chốc lát, rồi xuống chân núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê.  Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp và leo lên thập giá với Thầy.

Cũng như ba môn đệ, đôi vợ chồng trong câu chuyện trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp.  Nhưng vẻ đẹp đâu tồn tại mãi, Chúa chỉ mặc “tấm áo trắng như tuyết” trong chốc lát vì niềm hy vọng Phục Sinh.  Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp.  Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc.

Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng chung thủy, chính do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa.  Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Người.

Đức Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Đức Kitô rong ruổi trên các đường phố Palestina rao giảng, chữa bịnh và làm các phép lạ.

Đức Kitô sáng láng của Tabor cũng chính là Đức Kitô thấm đẫm mồ hôi trong vườn Giệtsimani.

Đức Kitô của Tabor cũng chính là Đức Kitô trên thập giá đỉnh Golgotha.

Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua:  Đường tình yêu.  Theo Thánh Têrêsa thành Lisieux:  “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê”.  Thánh Bernadette cầu nguyện:  “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau”.

************************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn can đảm tiến bước trên đường đời chông gai vạn nẻo, với niềm hy vọng biến cố Phục Sinh sẽ bừng sáng.  Amen!

Thiên Phúc

TRỞ VỀ

Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm sống một phụ nữ đã kể lại như sau:

Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ, một lần kia cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “Ảo ảnh cuộc đời”.  Phim đó kể lại chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh khi làm khổ người mẹ đang hết lòng yêu thương và hy sinh cho cô.  Qua nhiều biến cố thăng trầm, cuối cùng, người mẹ đau khổ đó chết, cô gái trở về thống hối tiếc thương.

Về nhà, hôm ấy gia đình bàn tán về ý nghĩa của câu chuyện trong phim.  Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình to tiếng: “Bấy giờ mới trở về ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi.”

Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói:  “Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ”.

Ngày đó, thú thật tôi không hiểu gì nhiều về câu trả lời của cha tôi.  Nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời đó.  Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho con cái tôi.

****************************

Phim truyện này cho chúng ta hình ảnh về cuộc đời như một dòng nước tuôn chảy từ trên xuống dưới, Việt Nam ta có câu:  “Nước mắt chảy xuôi” là theo nghĩa đó.  Cha mẹ yêu thương con cái không mong gì từ con cái, chỉ cầu mong con mình đầy đủ, khoẻ mạnh, vui tươi, hạnh phúc.  Nếu chúng trở nên người tốt, hữu ích cho đời nó và cho xã hội, gia đình nó ấm cúng, đạo hạnh, tử tế là cha mẹ vui lòng rồi.

Tình yêu cao cả vô vị lợi đó, chính là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.  Khi chúng ta sống ngay lành, thánh thiện, chúng ta không làm tăng thêm một chút gì cho Chúa nhưng khi chúng ta lầm lỗi, là lúc chúng ta làm phiền lòng Người.  Những lúc đó Chúa luôn mong mỏi chúng ta trở về, vì Ngài không muốn cho chúng ta phải bất hạnh, xa rời tình yêu của Ngài.

Trong tin Mừng Chúa Giêsu có nói: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt” (Mt 13,30a).

Cả hai đây chính là cỏ lùng và lúa tốt, người lành thánh và kẻ tội lỗi.  Chúa muốn nói đến lòng kiên nhẫn chiu đựng của Ngài trước lỗi lầm của chúng ta.  Chúa ghét tội nhưng lại yêu mến tội nhân vì họ còn có thể thống hối để được tha thứ.  Nhưng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát cho chúng ta chứ không phải để dung túng cho tội lỗi.

Vậy trong cuộc đời làm con Chúa đừng bao giờ ngã lòng thất vọng, vì với tình thương không bao giờ là quá muộn, chỉ cần chúng ta biết mở rộng cõi lòng để Chúa tuôn đổ tình yêu của Ngài.

****************************

Lạy Chúa, xin cho con biết đại lượng với anh em, nhất là những người thân yêu trong giao tiếp hàng ngày.  Xin giúp con mỗi khi thấy mình lầm lỗi biết ăn năn thống hối, trở về cùng Chúa.  Xin cho con luôn xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với con và luôn yêu thương con.  Đối với Chúa không bao giờ là quá muộn.  Xin cho con luôn bắt đầu lại trong tin yêu và hy vọng.  Amen!

Thiên Phúc

HÃY CẢI THIỆN VÀ HÃY TIN

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Trong Những Con Ðường Xấu Xa” (Down These Mean Streets).  Tác phẩm mô tả việc ông cải tà qui chánh từ một người bị kết án tù, một người nghiện ma tuý, và cố tình giết người để rồi trở thành một Kitô hữu gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trên giường trong phòng giam của mình. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời anh.  Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là cầu nguyện.  Nhưng anh đang nằm cùng giường với một tù nhân khác mà người ta gọi là “thằng ròm”.  Vì thế anh chờ đợi. Sau khi đoán chắc rằng “thằng ròm” đã ngủ, anh leo ra khỏi giường và quì xuống nền bê tông lạnh ngắt để cầu nguyện.  Anh kể lại: “Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi… Tôi nói với Ngài những lời mộc mạc… chứ không phải những lời hoa mỹ… Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng của tôi,… Tôi cảm thấy dường như tôi có thể khóc được… Đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói nho nhỏ đáp: “Amen”. Đó là tiếng của “thằng ròm”.  Piri nói: “Thế là hắn nằm sấp xuống, đầu úp trên đôi tay khoanh lại, còn tôi vẫn quì yên lặng.  Một lúc thật lâu không ai nói với ai.  Rồi “Thằng ròm” nói nhỏ: “Tôi cũng tin Chúa!”. Hai người bạn trẻ nói chuyện với nhau một lúc lâu.  Rồi Piri leo lên giường ngủ.  Anh nói: “chúc Chico ngủ ngon nhé”. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

*******************************

Câu chuyện này là một hình ảnh rất đẹp, minh hoạ những gì Đức Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay khi Ngài bảo: “Hãy cải thiện đời sống và hãy tin vào Phúc Âm”.  Giáo huấn của Đức Giêsu gồm hai điều: trước hết là “cải thiện” đời sống của chúng ta. Sau đó là “tin vào Phúc Âm”, chúng ta hãy bắt đầu với điểm thứ nhất: cải thiện đời sống.

“Cải thiện” hay “cải tà qui chánh” nghĩa là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống của chúng ta, và sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của ta, rồi cương quyết không tái phạm nữa.  Như thế có nghĩa là bắt chước Piri Thomas nhìn nhận tình trạng hỗn loạn mà anh đã gây ra trong đời sống của anh và quyết định làm một điều gì tốt đẹp để sửa lại chuyện đó.

Tất cả chúng ta đều có thể có những kinh nghiệm tương tự như Piri Thomas.  Chúng ta cũng ý thức về những khuynh hướng xấu thỉnh thoảng làm hỗn loạn đời sống chúng ta.  Chẳng hạn chúng ta ý thức về tính ích kỷ khiến chúng ta đặt quyền lợi của mình lên trên nhu cầu của tha nhân.  Chúng ta ý thức về tính cao ngạo khiến chúng ta không muốn nhìn nhận những sai trái của mình.  Chúng ta ý thức về tính lười biếng khiến chúng ta ngại giúp đỡ tha nhân.  “Cải thiện” nghĩa là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.

Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai trong giáo huấn của Đức Giêsu.  Ngòai việc cải thiện đời sống ra, Đức Giêsu còn yêu cầu chúng ta “tin vào Phúc Âm”.  Nghĩa là tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài đến để cứu chúng ta. Nghĩa là tìm kiếm Đức Giêsu đặc biệt trong Bí Tích Hoà Giải, và nhận nơi Ngài sự tha thứ và chữa lành.  Nghĩa là làm những gì Piri đã làm sau khi nhìn ra những gì xấu xa trong cuộc sống của anh. Anh đã quay về với Thiên Chúa để cầu cứu.  Anh tin vào “Tin Mừng” cho biết rằng Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đến thế giới này để cứu chuộc những người tội lỗi như anh. Chính vì thế, câu chuyện của Piri Thomas là hình ảnh rất đẹp minh hoạ hai điểm trong giáo huấn của Đức Giêsu trong bài  Tin Mừng hôm nay.  Điểm thứ nhất là “cải thiện” đời sống. Điểm thứ hai là “Tin vào Tin Mừng” tin rằng Đức Giêsu đến để cứu giúp chúng ta.

Cách đây ít lâu, tác giả Kilian Mc Donnell đã thực hiện một cuộc thăm dò sâu sắc về những cuộc trở lại.  Cuộc thăm dò ấy đã đáp ứng câu hỏi này: Tại sao có một vài nhà rao giảng Tin Mừng lại rất thành công trong việc làm cho thính giả hối cải như thế?  Theo Mc Donnell, có một điều là họ theo giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.  Họ làm cho quần chúng nhìn nhận rằng mình là những kẻ tội lỗi, và họ giúp quần chúng quay về với Đức Kitô để được cứu độ.   Ông nói: “Nhiều người không nhìn nhận Đức Kitô vì họ không nhìn nhận rằng chính họ là những kẻ tội lỗi.  Nếu tôi không phải là người tội lỗi thì tôi đâu cần đến Đức Kitô”

Mc.Donnell kết luận: “Không ai mừng kính những mầu nhiệm của Đức Kitô một cách vui mừng, nếu trước tiên người đó không buồn rầu nhìn nhận rằng mình là kẻ có tội”.  Bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta thực hiện hai điểm quan trọng ấy.  Nó mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là những kẻ có tội, và quay về với Đức Giêsu để được cứu độ.  Điều đó khiến chúng ta đi đến một nhận xét quyết định.  Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta như thể dẫn chúng ta vào mùa chay một cách tốt đẹp.  Qua các thế kỷ, các Kitô hữu đều nhận thấy mùa chay là thời gian Thiên Chúa ban ân sủng cách đặc biệt, nhất là để giúp ta cải thiện đời sống

Nếu chúng ta muốn tìm một phương thế đặc biệt để sống tinh thần mùa chay năm nay, thì không có phương thế nào tốt hơn là coi mùa chay như một cơ hội thuận tiện để tái khám phá ra quyền năng của Bí tích hoà giải và sự bình an này, chúng ta thực hiện những gì mà Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta làm, chúng ta hãy nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình và nhận Ngài làm cứu Chúa của ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về một đoạn như thư của thánh Phaolô nhận thức được tình trạng tội lỗi của mình và nhận Đức Giêsu làm Cứu Chúa của mình. Thánh Phaolô viết:

“Tôi không hiểu những gì tôi làm, vì tôi không làm những gì tôi muốn làm, mà lại làm những gì tôi không muốn làm,…vì ngay cả khi tôi muốn làm điều tốt thì tôi cũng không làm được. Tôi không làm điều tốt tôi muốn làm mà lại làm điều xấu tôi không muốn làm… Thật tôi là người vô phúc biết bao. Ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân xác đang dẫn tôi tới cái chết này?….. Tạ ơn Thiên Chúa… người đó là Đức Giêsu Kitô!” (Rm 7: 15-25) 

Lm Mark Link