LINH THAO, BẠN LÀ AI?

Những gì một kỳ nghỉ ngăn ngắn cuối tuần với Chúa mà khoá linh thao mang lại cho anh chị em tham dự thường rất khác nhau.  Em nhận ra được điều này khi tham dự một khoá linh thao cuối tuần ở Vallombrosa, nằm về phía bắc California.  Như anh hoạ sĩ giàu có với những nét cọ độc đáo, không nét nào bị trùng lấp, không nét nào là không có sự sáng tạo, Chúa đã vẽ nên một bức tranh mà thoạt nhìn, thấy quái gở rồng rắn như mấy tranh trừu tượng, nhưng nếu em để ý, nhìn như Chúa nhìn, hiểu tranh như Chúa hiểu tranh, em thấy nó đẹp, đẹp tuyệt vời.

Không đặc biệt dành riêng cho một ai, một loại người nào.  Nhưng không hẹn mà gặp, khóa tĩnh tâm linh thao cuối tuần vừa qua là nơi gặp gỡ của hầu hết tất cả những người “không được khỏe”.  Em nhận ra điều này khi bắt gặp những mảnh đời tan nát, có người lâm vào đường cùng vì không biết theo Chúa để làm gì, vì đam mê nghiện ngập khiến họ chẳng giống một con người; có người mù lòa vì ánh sáng vật chất nhục dục chói lòa cả mắt họ; có người quẩn trí vì quan hệ trong gia đình rạn nứt, có người mắt hoe hoe đỏ và chỉ chực khóc vì căn bịnh ung thư họ đang mang.  Đâu đó em cảm nhận được tất cả những lầm than của đời người, sự cô đơn của một cuộc chiến đấu quyết liệt tả tơi trước danh lợi, đam mê, trước đau đớn bịnh tật, trước cả cái chết… Rồi những buổi cơm thinh lặng với tiếng thánh ca văng vẳng bên tai.  Những giờ huấn đức với trăm nghìn kiến thức, kinh nghiệm quý giá mà linh mục truyền đạt lại cho người tham dự như thể liều thuốc tiếp sức, chữa lành, và dẫn dắt họ bước theo ánh sáng.  Những giờ thinh lặng cầu nguyện nơi vườn cây, trong nhà nguyện.  Những giây phút thống hối ăn năn trở về, đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô, em cảm nhận, Chúa đã đến, cách chan hoà, nhẹ nhàng làm mát lạnh, tan đi không gian tù túng, tối mờ trong lòng em, trong lòng tất cả. Những giọt lệ còn nóng trên má đã được Chúa lau khô!

Linh thao – Những thay đổi và vứt bỏ

Có lẽ không một người mẹ nào lại nỡ lòng trách mắng hay đánh con mình vì nó lỡ tay làm bể chén cơm mà bà bỏ công trình nấu, ngồi rẽ từng cái xương cá cho.  Có lẽ bà chỉ đau lòng, tiếc công mình, và ao ước con mình có thể cẩn thận hơn.  Và rồi trong lặng lẽ, bà đi làm cho nó một chén cơm mới chứ biết làm sao hơn, nó là con bà mà.  Nó sai phạm nhưng nó cũng cần được ăn no.  Em nhận thấy Chúa giống i hệt bà mẹ này: thương con!  Người ngoài nhìn vào, có thể cho là tình thương mù quáng, điên rồ, nhưng không, Chúa thương vì Chúa biết em còn nhỏ, còn rất dại, vì Chúa biết sẽ có lúc em ý thức được, hiểu được em đã làm hỏng cuộc đời mình đến mức nào.  Người ta vẫn có câu, “Không biết thì không có tội”.  Nhưng biết rồi, thì sẽ có tội, tội cố ý, tội trơ trơ, tội lợi dụng tình thương vô biên của Chúa.  Tĩnh tâm linh thao có lẽ là dịp, là lúc Chúa nói với em, “Ừ, đã đến lúc con phải trưởng thành hơn, ít ăn kẹo ngọt lại, uống thuốc nhé”  Em nhè nhẹ, cáu gắt cùng Người, vì thuốc đắng quá, mà em thì vẫn muốn uống sirô ho hơn là thuốc bắc đắng.  Và Chúa là bà mẹ kiên nhẫn, tâm lý vô cùng, Người giải thích cho em lý do tại sao em phải đổi sang thuốc bắc, từng bước từng bước Người tập cho em quen, quen vị đắng hơn là vị ngọt.  “Tập uống, rồi con sẽ quen, bịnh mới khỏi, chứ cứ sirô ho mãi, thì lao phổi có ngày”.  Linh thao là vậy! Chúa là thế!  Không phải tự nhiên mà em dại dột tưng tửng vác vali đi chơi hai ngày, tất cả đều là có lý do, đều là ý Chúa. Chúa muốn em phát hiện ra bịnh sớm trước khi bịnh đến giai đoạn cuối hết đường cứu chữa, Chúa muốn nhìn thấy sự thay đổi, nhìn thấy những vứt bỏ, những bám víu có hại cho cuộc đời em.  Chúa muốn em sống vui và bình tâm. Và tất cả là tùy ở em.

Linh thao – Trăng mật với Chúa

Em còn nhớ một bài hát tiếng Mỹ nổi tiếng một thời thập niên 80… Let’s me take you far away, you like a holiday…Người tình Giêsu của em, cách nào đó cũng đánh cắp em mấy ngày.  Bỏ lại sau lưng trăm ngàn thứ công việc, việc hãng, việc nhà, việc nhà thờ, việc không tên… trăm ngàn thứ lo lắng, gánh nặng cơm áo gạo tiền mà em thiết tưởng sẽ chẳng bao giờ em dứt ra được… Giêsu mang em đi. Người tình của em giàu có, rộng rãi, và tế nhị lắm, này nhé dành hẳn cho em một nhà nghỉ mát với khung cảnh thơ mộng. Với một nhà nguyện nho nhỏ ấm cúng mà bất cứ lúc nào, sáng tinh mơ hay đêm hôm khuya khoắt, em cũng có thể gặp Người.  Với những khu vườn yên tĩnh mà bất cứ lúc nào em muốn bách bộ cùng Người, em đều có thể.  Trong cái gió xuân hây hẩy của tháng hai, Giêsu cài lên tóc em một cánh hoa dại trắng tinh bé nhỏ.  Người cùng em ngồi trên cỏ mềm ấm nắng để ngắm nhìn bầu trời xanh trên cao.  Thỉnh thoảng Người bảo em, “Em nhắm mắt lại đi” và rồi Người tả cho em nghe về một đám mây đang trôi trên đầu.  Theo cách của Người, đám mây trắng mỏng dính như chiếc khăn ga người ta dùng để lau mặt cho em bé sơ sinh bên Việt nam.  Giêsu ngộ lắm, Người cùng em bước đi trên con đường rợp bóng cây, rồi thình  lình – phù một cái – Người thổi mạnh khiến những cánh hoa xuân bé nhỏ rơi lả chả.  Người cho em tận hưởng niềm vui của một đứa bé con chạy theo để bắt cho kịp bọt bong bóng xà phòng trước khi nó rơi xuống đất và vỡ tan.  Đi chơi mệt, Giêsu lại dọn thức ăn cho em, có soup nóng, thịt bò mềm nêm vừa ăn, cơm trắng dẻo thơm, rồi còn có cả kem nữa. Người vặn nhạc nho nhỏ để em thưởng thức buổi trưa của mình, không phải là nuốt vội vã cho qua bữa, nhưng là để cảm nhận vị ngọt của từng hạt gạo, cái âm ấm trong bụng của bát soup. “Em vui không?” Người hỏi, em chợt nghẹn ngào, đã thật lâu rồi không ai hỏi em câu này.  Em thấy mắt mình cay cay, và Giêsu bắt đầu nói cho em nghe về Người, về tình yêu của Người.  Người không phải là một người tình thao thao bất tuyệt, hăng say nói mà quên lắng nghe em.  Em mới chính là người tình ít tế nhị đó, em nói, em khóc, có khi là về một người tình thứ ba đang khiến em bối rối bận lòng, rồi em ngủ quên trong vòng tay Người.  Khẽ kéo tấm chăn đắp cho em, Giêsu thinh lặng ngồi bên giường, ngắm nhìn, và cầu chúc “Ngủ ngoan em nhé!”

Ngạo – San Jose
28 tháng 2 năm 2006

CON DÂNG CHÚA GÌ ĐÂY?

“Anh tính dâng Chúa gì đây cho Lễ Chúa Nhật ngày mai vậy?”  Mấy anh em đang lai rai ăn uống và chợt đổi hướng bàn về chuyện Thánh Lễ nên tôi đưa ra câu hỏi gợi ý này.  Một anh trả lời liền: “Nếu cứ mỗi người đi Lễ mà dâng năm mười đồng thì tốt đẹp.”  Câu trả lời của anh bạn làm tôi suy tư.   Dâng tiền là một điều tốt và nên làm để giáo xứ có tiền trang trải tiền nhà thờ, điện nước, nhân viên quản lý nhà xứ, và linh mục có tài chánh để đủ tiêu dùng.  Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì Thánh Lễ xem ra có thể sẽ đẩy những người quá nghèo ra khỏi nhà thờ và Giáo Hội vì họ không có tiền để dâng.  Nếu dâng Lễ mà chỉ nghĩ đến tiền là vật chất bên ngoài thôi thì hỏi còn phần tâm linh bên trong thì sao?  Vậy thì con dâng của Lễ tâm linh gì cho Chúa mỗi khi con đi dự Thánh Lễ?

Tôi thấy nhiều anh chị em đi Lễ dâng năm mười đồng nhưng cảm thấy tâm hồn vẫn trống trải một cái gì đó.  Tôi thấy một số anh chị em có thói quen đi Lễ “vọng.” Họ đứng ngoài sân nhà thờ nghe tiếng vị chủ tế vọng lại qua loa phóng thanh.  Có những nhà thờ không có loa phóng thanh và ở trong còn chỗ mà vẫn có những người đi Lễ “vọng.”  Có những người rời nhà lúc 9:30am để đi dự Thánh Lễ bắt đầu cũng lúc 9:30am.  Tôi thấy những người đến “xem” Lễ hơn là đến cùng linh mục cử hành cuộc tế lễ với Thiên Chúa.  Tôi thấy nhiều người đi dự Lễ mà chẳng có một chuẩn bị nào cả.  Tôi không dám lên án anh chị em vì những điều này đâu, vì đã nhiều lần tôi là những người kể trên.  Đây chỉ là lời chia sẻ để mỗi người chúng ta suy tư và cầu nguyện.

Tôi quan sát mỗi lần có người nào đi ăn tiệc cưới thì họ đắn đo suy nghĩ mặc áo quần gì, đi tới tiệc cưới lúc mấy giờ, chọn ngồi bàn với những ai, và cho bao nhiêu tiền, v.v…  Tôi thấy nhiều người chuẩn bị khá kỹ lưỡng khi dự tiệc cưới hay liên hoan, nhưng có vẻ như rất nhiều người trong anh chị em chúng ta thiếu chuẩn bị khi đến dự Thánh Lễ.  Tôi thấy rất ít người đắn đo suy nghĩ cần phải chuẩn bị tâm hồn mình như thế nào khi đi Lễ.  Tôi ít khi nghe ai nói đến chuyện mình sẽ dâng lên Chúa của Lễ thiêng liêng gì trong Thánh Lễ.  Nếu Chúa hỏi hôm nay tôi đi Lễ tôi dâng Chúa điều gì và cám ơn Chúa điều gì thì chắc là tôi chưa có câu trả lời từ trong tâm hồn. Đương nhiên là trả lời như con vẹt hay cái máy thì dễ thôi vì những lời đó chẳng qua là ở trong sách vở và trong đầu đã có một bản in sẵn từ xa xưa, nhưng những lời đó đâu phải là tâm hồn của tôi hôm nay.  Điều Chúa muốn nghe tôi trả lời là tâm hồn của tôi ngày hôm nay với Chúa.

Một lần tôi gặp một người bạn đang hút thuốc ở bãi đậu xe của giáo xứ vì còn mười lăm phút nữa Thánh Lễ mới bắt đầu, vì quen biết nên tôi mon men lại gợi ý: “Anh dám nhịn một điếu thuốc lá để làm của lễ dâng Chúa trong Thánh Lễ hôm nay không?”  Tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ vui đón nhận của Lễ hy sinh này hơn cả năm mười đồng người bạn bỏ vào giỏ tiền dâng Lễ.  Câu hỏi ở đây là tôi, và mỗi một người chúng ta, sẽ chuẩn bị và dự tính dâng Thiên Chúa điều gì mỗi khi tham dự Thánh Lễ?  Luật tự nhiên là không cho đi thì không nhận được, ví như cái ly đã đầy nước rồi thì nước khác không thể đổ thêm vào được nữa, lòng tôi không cho bớt đi thì cũng đồng nghĩa là lòng tôi không có chỗ để nhận.  Nếu mỗi lần tôi đi Lễ mà chẳng dâng gì thì làm sao lòng tôi còn có chỗ trống để lãnh nhận?  Đi tham dự Thánh Lễ mà không cho và không nhận thì giống như đi “xem” Lễ hay đi coi người khác cử hành Thánh Lễ chớ mình thì như kẻ bàng quan.  Những lần tôi đi “xem” Lễ kiểu này thì thường là tôi đi Lễ cảm thấy trống rỗng và khi ra về thì lòng cũng trống rỗng như vậy, và trong Thánh Lễ thì thân tôi ở trong nhà thờ mà lòng tôi và tâm trí tôi đang ở chỗ khác.  Tôi nghe nhiều anh chị em chia sẻ là đi Lễ Chúa Nhật thì chán quá và nhiều cha giảng dài quá, mà không đi Lễ thì lương tâm bị cắn rứt và cảm thấy phạm tội, nên thật ra nhiều người đã nhiều lần đi Lễ chỉ là miễn cưỡng.

Thế thì mỗi khi đi tham dự Thánh Lễ, thì tôi và mỗi người chúng ta sẽ dâng cái gì cho Chúa đây?  Tôi mời anh chị em chúng ta dâng Chúa những hy sinh và cố gắng và những việc làm tốt lành.  Của Lễ dâng thì dù nhỏ bé đến đâu tôi cũng tin rằng Chúa muốn đón nhận những cố gắng nhỏ bé đó, như là: tặng Chúa mười phút để tiếp chuyện một người nào đó, rửa một cái ly dơ ai uống xong để trên bàn quên không rửa, để một vài phút cầu nguyện cho gia đình người hàng xóm đang có tang, nhịn một lời dèm pha hay trả đũa cho đã miệng, lượm môt miếng rác bỏ vào thùng rác, nhịn một điếu thuốc để dâng cho Chúa, v.v…  Những cố gắng và hy sinh này tuy nhỏ bé và không ai biết, nhưng Thiên Chúa biết và tôi tin chắc rằng Thiến Chúa sẽ vui lòng đón nhận những của Lễ dâng này.  Tôi nghĩ rằng chúng ta đồng thời cũng dâng lên Chúa những thiếu xót của mình để xin Chúa thánh hóa và thanh tẩy những yếu đuối của mình, và để xin Chúa ơn sủng để vượt qua, vì tự sức mình thì không vượt qua nổi.

Nếu mỗi lần anh chị em chúng ta đi dự Thánh Lễ mà có chuẩn bị và có của lễ thiêng liêng gì dâng lên Chúa thì tôi xác tín rằng mỗi chúng ta sẽ thấy Thánh Lễ có ý nghĩa và ra về với một niềm vui thiêng liêng.  Để có được điều này thì tôi nghĩ rằng câu hỏi này có thể giúp chúng ta: “Con dâng Chúa điều gì đây trong Thánh Lễ con sắp sửa tham dự?”  Ước mong những tâm tình chia sẻ đơn sơ này giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn khi đi dự một cuộc tế lễ với Thiên Chúa.

Ngô Văn Chữ, S.J.
January 6, 2006

NGHỈ NGƠI VÀ YÊN TĨNH

Vài năm trước đây tạp chí Thế Giới Ngoài Trời (Outdoor World) có đăng một bài rất hay của Barry Lopez.

Vào một buổi sáng mưa phùn, Barry thức dậy một mình đi dạo trong rừng trước buổi điểm tâm.  Vừa rảo bước giữa những dãy thông và bá hương.  Barry vừa nhớ lại một buổi sáng y hệt sáng hôm nay, khi còn là chú bé con, chàng đã được nhìn thấy ông nội một mình bước ra khỏi nhà đi dạo ngang qua chính những hàng cây này. Khi ông nội trở về chú bé Barry hỏi thăm nội đã đi đâu và đã làm gì.  Ông nội mỉm cười, ôm choàng Barry rồi nói:

–     Nào chúng ta hãy cùng đi dùng điểm tâm, cháu nhé!

Tiếp tục bước đi dưới cơn mưa phùn, Barry gặp một quãng rừng trống.  Chàng liền quỳ xuống và đặt đôi tay lên mặt đất ẩm ướt.  Điều này gây cho chàng cảm giác rằng chàng đang hiệp nhất với toàn thể vũ trụ.  Barry nhớ lại lời ông nội đã từng dạy bảo chàng:  Khi nào cảm thấy cô đơn thì nên đi bách bộ vào rừng tìm yên tĩnh, đoạn làm bất cứ điều gì đang được thôi thúc trong lòng, chẳng hạn như quì gối xuống đặt tay lên mặt đất.

Nửa giờ sau, khi Barry trở về nhà, ông cảm thấy như được đổi mới, được hồi phục sức lực.  Bấy giờ ông mới hiểu được lý do ông nội thường hay đi dạo trong rừng vào buổi sớm mai.  Bà của Barry có lần nói cho ông hay đấy chính là cách thức ông nội cầu nguyện.  Ông ấy luôn luôn đi sang tận mé rừng bên kia, đứng trên bờ biển, tay thọc vào túi, lắng nghe đại dương reo.

***************

Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy Đức Giêsu cũng thường một mình đi đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện như vậy.  Lý do khiến Đức Giêsu làm điều này cũng chính là lý do Barry thường làm điều ấy, là tự đổi mới chính mình, tự hồi phục lại năng lực cho chính mình.

Phúc Âm thánh Maccô thuật lại Đức Giêsu đã chữa bệnh cho dân chúng suốt ngày hôm trước khiến Ngài như kiệt lực về mặt tâm linh.  Về sau trong Phúc Âm của mình, thánh Maccô giúp cho chúng ta có một cái nhìn về giá trị tâm linh mà Đức Giêsu phải trả để có thể chữa bệnh cho dân chúng.  Một phụ nữ bệnh đã 12 năm xô lấn đám đông để chạm cho được Chúa Giêsu. Ngay khi đụng được vào Ngài, bà ta lập tức được chữa lành, tức thì, theo lời kể của thánh Maccô Chúa Giêsu biết được năng lực ấy đã xuất ra khỏi mình (Mc 5: 30)

Việc chữa lành bệnh đã làm cạn đi năng lực của Chúa Giêsu. Tương tự như thế, khi làm việc cho tha nhân, chúng ta cũng bị hao tổn sinh lực, thế nên chúng ta cần phải làm như Chúa Giêsu, tức là cần phải biết hồi phục sức lực cho mình về mặt tâm linh. Có thể chúng ta không thể làm được vịêc này bằng cách đi một mình vào rừng. Có thể chúng ta cũng không thể kiếm được chỗ yên tĩnh để ở một mình ngay trong nhà chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm một điều gì đó; ít là thỉnh thoảng chúng ta dừng lại nghỉ ngơi khỏi dòng công việc để hồi tâm và lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn chúng ta. Tôi xin chứng minh điều này quan trọng như thế nào.

Một con tàu của hải quân Anh bị tai nạn.  Trong khi bị nạn, con tàu vang lên một tín hiệu được gọi là tín hiệu “Lặng Yên”. Tín hiệu này có nghĩa là: “Hãy ngưng tất cả những gì bạn đang làm.  Hãy nghỉ ngơi và xem xét lại tình hình của mình, và chuẩn bị làm những gì thật khôn ngoan”.

Trước khi tín hiệu vang lên, ít có thuỷ thủ nào biết được điều nào là điều khôn ngoan để mà làm đây. Nhưng trong thời gian nghỉ ngơi, họ đã biết được điều gì cần làm. Tín hiệu “Lặng Yên” đã cứu được hàng ngàn mạng sống quân Anh và hàng triệu bảng Anh.

Trong đời sống thường nhật chúng ta thường bị rơi vào tình trạng khẩn cấp và chúng ta cũng chả biết làm gì ngay lúc đó.  Thế rồi chúng ta la toáng lên; “chúng ta có thể làm gì đây?”.  Thực sự, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nghỉ ngơi và yên lặng.  Sự nghỉ ngơi thường tạo nên điều kiện để ta thành công và tránh cho ta những thất bại.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem chúng ta có biết noi theo những gương Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta khi Ngài còn ở dương trần không?  Chúng ta có biết thỉnh thoảng nghỉ ngơi để hồi tâm xét mình lại không?  Thỉnh thoảng chúng ta có biết dừng lại để lắng nghe tiếng Chúa trong lòng chúng ta không?

Một hôm, nhạc sĩ André Kostelanetz đến thăm nghệ sĩ Pháp Henri Matisse.  Khi Kostelanetz đến nhà Matisse, thần kinh ông bị suy nhược và ông gần như kiệt sức.  Matisse nhận ra tình trạng sức khoẻ người bạn, ông vừa đùa vừa nói; “Này ông bạn, ông phải tìm ra những cây Actisô cho đời sống của ông.”  Nói xong, ông ta nắm tay dẫn Kostelanetz ra khu vườn nhà ông.  Khi cả hai đến gần một đám cây Actisô, Matisse dừng lại.  Ông nói với Kostelantz là mỗi buổi sáng sau khi làm việc một lúc ông thường đến với đám Astisô này để nghỉ ngơi yên tĩnh.  Ông chỉ đứng đó ngắm nhìn đám Acstisô.  Đoạn Matisse nói thêm: “Dầu tôi đã vẽ được trên 200 bức tranh tôi cũng vẫn luôn luôn nghiên cứu tổng hợp những màu sắc mới cũng như tìm những bức mẫu tân kỳ.  Không ai được phép quấy rầy tôi khi tôi lặng yên đứng ngắm… điều này mang lại cho tôi nguồn hứng mới, một sự xả hơi cần thiết cũng như một triển vọng mới cho công việc của tôi”.

Mỗi người chúng ta nên ghi vào lòng lời Matisse khuyên nhủ André Kostelanetz.  Chúng ta phải tìm những đám Actisô cho đời chúng ta, hoặc nói cách khác chúng ta phải làm giống như Barry Lopez đã làm.  Chúng ta cũng phải thỉnh thoảng một mình đi dạo vào rừng buổi sáng.  Chúng ta nên làm điều các thủy thủ Anh Quốc đã làm trong những tình trạng khẩn cấp, nghĩa là phải nghỉ ngơi và yên lặng.  Chúng ta nên làm điều Đức Giêsu đã thường làm.  Thỉnh thoảng chúng ta phải dậy sớm dùng lời cầu nguyện để tăng cường sức mạnh cho mình.

Đó là sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay. Sứ điệp này thực là quan trọng. Chúng ta có thể tóm tắt như sau;

Dù bận rộn rất nhiều trong cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn tìm thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện. Chúng ta cũng nên làm như thế.

***************

Lạy Chúa, xin dừng bước chân con,
Xin dừng bước chân con;
Xin cho trái tim con trĩu nặng được thư thái,
Tâm trí xôn xao được lặng yên.
thần kinh rã rời được dịu lại
gân cốt mệt nhoài được giãn ra.
Xin dạy cho con nghệ thuật
Dùng những lúc nghỉ ngơi đôi ba phút,
trở lại tiếp xúc với lòng mình,
lắng nghe tiếng Chúa và từ đó rút ra
nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới.
Lạy Chúa, xin hãy dừng bước chân con,
xin hãy dừng bước chân con.

Lm Mark Link S.J (nguoitinhuu.com)