ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

Arthur Jones gia nhập không lực Hoàng gia, anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định: “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không?”. Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao?”

Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ.

Cuối khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:

– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.

Anh liền đáp lại:

– Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin.

***************

Ánh sáng Đức Tin của người lính đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực Hoàng gia. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (x Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã mọc lên để dẫn đường cho các đạo sĩ, ngôi sao Tin Mừng cũng đã xuất hiện để soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Để từ đây, ánh sáng Đức Tin luôn chiếu tỏa rạng ngời.
Nhưng Tin không phải là thấy. Tin là dựa vào lời Chúa mà liều mình, mà dấn thân và nhiều khi phải vượt qua gian nan thử thách.

Các Đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Khi ánh sao biến mất, họ không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi tìm kiếm. Hành trình của họ là hành trình Đức Tin, con đường của họ là con đường thánh giá.

Để giữ vững Đức Tin, nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ niềm tin. Tổng Giám Mục Fulton Sheen khẳng định: “Để trắc nghiệm Đức Tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.

Như các Đạo sĩ tìm lại ánh sao sau khi lạc mất, người tín hữu Kitô luôn được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm hy vọng. Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta can đảm dấn thân đi tới.

Trong cuộc sống đời thường, có rất nhiều dấu chỉ như ánh sao dẫn ta đến với Chúa. Có thể là:

  • Một câu Kinh Thánh đánh động lòng ta.
  • Một nghĩa cử yêu thương nồng ấm.
  • Một lời khuyên nhắc nhở chân tình.
  • Một gương sáng làm ta xúc động.

Nếu cuộc đời chúng ta đã từng có những ánh sao dẫn đường, thì đến lượt mình, hãy là những vì sao ngời sáng như kim cương trên bầu trời, là những ánh đèn đêm hoa đăng ngày đại hội. Eliot đã viết:

“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia đình”.

Đức Gioan Phalô II trong Giáo lý Năm Thánh 2000 có viết: “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc “hiển linh” trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.

***************

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra những ánh sao Chúa gởi đến trong cuộc đời chúng con. Xin biến chúng con thành những ánh sao ngày càng rực sáng và lan tỏa khắp thế giới. Amen!

Thiên Phúc

CÁNH ÉN ĐẦU NĂM

ZZNgày đầu năm, trong vô số những lá thư chúc mừng năm mới của bạn bè gởi đến như những cánh én báo hiệu mùa Xuân, tôi xúc động đọc một e-mail chúc mừng năm mới của một người bạn với những hàng chữ đơn sơ như sau:

Ngày đầu của một năm mới, anh cầu chúc nhiều điều tốt đẹp đến với em.  LTCT ơi, hôm nay anh đã tìm được sự bình an trong tâm hồn, một ngày thật là hạnh phúc đối với anh trong tình yêu Chúa.  Cám ơn Chúa, cám ơn em!  Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong căn bịnh ung thư của con nữa.  Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa.

Thân mến,

Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ, một tấm thiệp chúc mừng năm mới đẹp nhất trong năm!  Một cánh én tả tơi trong bầu trời đầu Xuân nhưng vẫn cố gắng tung bay để mang niềm vui đến cho đời.  Có lẽ năm sau, tôi sẽ không còn có cơ hội để nhận thiệp chúc tết của anh nữa.  Năm sau biết anh còn có cơ hội để tuyên xưng đức tin, tình yêu, và niềm hạnh phúc của mình trong ngày đầu năm như thế này hay không?  Anh sẽ ở đâu vào mùa Xuân năm sau?

“Lạy Chúa con vui vẻ yêu Chúa,” anh là người ngoại đạo, chưa được rửa tội, cũng không phải là người khoẻ mạnh để mà vui vẻ yêu đương trong lúc này.  Anh chỉ còn có vài tháng nữa thôi.  Bác sĩ nói anh còn sáu tháng nữa, đã ba tháng trôi qua rồi, và anh tiếp tục đếm từng tháng ngày đang vô tình trôi qua đời anh.  Căn bịnh ung thư ở giai đoạn cuối đã bắt đầu đau, lúc nhiều lúc ít, lúc mạnh lúc nhẹ, lúc có lúc không.  Thế mà không những anh đã cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, anh lại còn vui vẻ đáp trả lại tình yêu đó với một thân xác bịnh hoạn sắp đến hồi kết thúc.  Thế mà anh vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn vào ngày Tết dương lịch cuối cùng của đời mình.  Cánh én vẫn tiếp tục tung bay trong tiết trời đầu Xuân dưới cơn mưa âm u nặng hạt.

Không còn phiền muộn!  Không còn khổ đau dù rằng căn bịnh vẫn trơ trơ ra đó.  Tất cả chỉ còn lại sự bình an, một ngày đầu năm hạnh phúc, một niềm vui ngọt ngào trong tình yêu Thiên Chúa.  Tôi vui với niềm vui của anh trong ngày đầu năm, cầu xin Thiên Chúa nhân lành nâng đỡ và an ủi anh trong giai đoạn cam go này.  Anh đã gần về tới đích!  Trong giai đoạn cuối cùng này, đức tin non nớt vừa mới được vun trồng trong anh gặp nhiều chao đao thử thách từ cuộc sống.  Đức tin đó không những cần cho riêng anh để chống chỏi với sự tuyệt vọng trong tâm hồn, sự đau đớn của thể xác, mà đức tin đó còn cần để nâng đỡ những người thân của anh nữa.

Còn sống là còn ước mơ!  Anh đã và đang tiếp tục mơ ước, anh ước ao có thể sống thêm mười, hai mươi năm nữa, nhìn hai đứa con mũ áo xúng xính trong ngày ra trường, được dắt tay cô con gái trao lại cho chú rể trong ngày cưới, được ẵm bồng đứa cháu ngoại cất tiếng khóc oe oe chào đời….  Và bao nhiêu mơ ước đơn sơ khác nữa, biết có thành sự thật hay không?

Còn sống là còn hy vọng!  Anh và vợ đã bay về Việt Nam để chữa trị bằng thuốc Ta.  Trở lại quê hương sau hơn 30 năm xa cách, được tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh bên vỉa hè, được tận tay va chạm những vết đau của một kiếp người lầm than, tai nghe tâm tình của những em bé bụi đời ăn xin, bán vé số, em gái nhỏ bán hoa rong bên chợ Sài gòn…  Mỗi mảnh đời là một câu chuyện thương tâm khác nhau: nhà nghèo cha mẹ phải bán con cho người khác, mồ côi nên phải đi ăn xin….  Anh cho tiền em gái nhỏ bán hoa không dám lấy, vì có lấy tối về cũng bị lột sạch, em chỉ xin anh một tô phở ăn tại chỗ, và xin anh bảo lãnh qua Mỹ để thoát cảnh đánh đập của cha mẹ nuôi.  Anh ngậm ngùi xót thương!  Cũng là một kiếp người mà sao các em sống như không phải là người!  Ngày anh chết, con anh sẽ mang phận “mồ côi cha,” nhưng tương lai không đến nỗi đen tối mịt mờ.  Chúng có tiền của anh dành dụm bao lâu nay, có nhà, có xe anh để lại, có tiền bảo hiểm nhân thọ của anh, có tiền an sinh xã hội cho tới khi vào đại học.  Sau hết còn có người mẹ yêu thương chở che chúng hết lòng.  Hơn nhiều lắm so với những em bị cha mẹ ruột đem bán đi không biết ngày mai ra sao.  Hơn nhiều lắm so với những số phận hẩm hiu vất vưởng bên hè phố Sài gòn.

Vết thương thể xác vẫn còn đó nhưng vết thương tâm hồn đã lành.  Anh tạ ơn Chúa đã ban cho mình một cuộc sống quá đầy đủ và hạnh phúc so với những mảnh đời tang thương rách nát, mà anh được gặp gỡ trong thời gian qua.  Anh thấy gia đình mình may mắn quá, hạnh phúc quá!  Và anh nâng niu trân trọng niềm hạnh phúc đó từng phút, từng giây còn sót lại trong đời mình.

Còn sống ngày nào là còn có cơ hội sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi dài!  Anh nói với tôi, anh đã dặn vợ khi anh chết nhớ chôn anh với cỗ tràng hạt, và cuốn Kinh Thánh mà tôi tặng cho anh.  Cỗ tràng hạt đó, chắc bây giờ đã bạc màu và mòn lắm rồi.  Ngày tôi tặng anh cỗ tràng hạt Mân Côi, tôi không mua một cỗ tràng hạt mới để tặng anh, nhưng tặng anh cỗ tràng hạt mà tôi đang sử dụng.  Một cỗ Mân côi “có hồn” đã thấm bao giọt nước mắt ăn năn trong những ngày đầu tôi mới trở về với Chúa.  Tôi trao lại cho anh, xin Đức Mẹ dẫn dắt anh từng bước, từng bước đến với Chúa.  Tôi biết tràng chuỗi Mân Côi đó giờ đây lại ướt đẫm những giọt nước mắt đau khổ của người chủ mới, được lần tới lần lui mỗi ngày, với những lời kinh giờ đã nhuần nhuyễn.  Cuốn Kinh Thánh ngày được cùng anh đi vào lòng đất, chắc cũng đã cũ mèm, và xoắn góc dù rằng tôi tặng anh cuốn mới.  Mỗi trang Kinh Thánh được lật qua là mỗi tâm tình được gói ghém trong đó, là những khúc mắc trăn trở, là những băn khoăn ưu tư không lời giải đáp.

Còn sống ngày nào là đức tin có cơ hội bị thử thách ngày đó!  Biết thế nên ngày ngày anh vẫn đến nhà thờ để tìm sự an ủi đỡ nâng, đến để tiếp tục nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mà anh đã tìm được trong ngày đầu năm.  Đến có khi chỉ để ngồi thinh lặng một mình chiêm ngắm ông Giêsu bị treo trên cây thập giá.  Và anh tìm thấy vài điểm tương đồng giữa anh và người tử tội Giêsu đó: cùng biết trước ngày giờ chết của mình, cùng sợ hãi trước cái chết đang từ từ tiến tới gần, cùng để lại một bà mẹ khóc con!  “Lá vàng khóc lá xanh rơi!”  Ôi, nếu mẹ có thể bịnh thay cho con!  Nếu mẹ có thể chết thay cho con được sống!  Anh hiểu thêm nỗi lòng của Mẹ Maria qua tâm trạng người mẹ ruột của mình.  Có lẽ những sự đồng điệu đó an ủi anh nhiều lắm.  Anh trao cho tôi bốn câu thơ mà anh đã làm dưới chân thập giá Chúa Giêsu:

Con qùy bên tượng Chúa,
Chắp hai tay nguyện cầu.
Sao đời con đau khổ,
Một linh hồn bơ vơ!

Lạy Cha, trong ngày đầu năm, xin cho ý Cha được thể hiện, không phải ý con mà cũng chẳng phải ý anh, để danh Cha được cả sáng.  Xin Cha nhân lành nâng đỡ đức tin, an ủi và xoa dịu vết thương lòng, cũng như thể xác của người anh em con trong những ngày thử thách cuối cùng này.

Lạy Cha là Thiên Chúa của con, đến bao giờ con mới có thể nói như anh, một người ngoại đạo đang chiến đấu với bịnh tật “Chúa ơi, con không còn phiền muộn và đau khổ trong cuộc sống khổ ải này nữa.  Con vui vẻ yêu Chúa?????”

Lang Thang Chiều Tím
Ngày đầu Xuân 2006