TẠI SAO LẠI CƯỜI?

Vis-nu là một trong những vị thần rất được người theo Ấn Giáo thờ kính.  Những người có một niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vis-nu trong tất cả mọi sự.

Một tín đồ nọ sống rất siêu thoát.  Nhưng ông lại bị những người khác coi như là một người khờ dại.

Ngày kia, sau khi đã khất thực trong một ngôi làng, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những của thiên hạ bố thí.

Ðang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói từ đâu chạy tới.  Người tín đồ bèn dành phần lương thực của mình cho con chó.  Không mấy chốc người và vật trở nên đôi bạn thân.

Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng đổ xô đến xem.  Nhưng một người trong đám đông lên tiếng:

– Có gì lạ khiến chúng ta phải mất giờ đến xem. Người này chỉ là một tên khờ khạo.  Bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật.

Nghe thế, nhiều kẻ phá lên cười chế diễu, còn người thánh thiện điềm tĩnh trả lời:

– Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vis-nu đang ngồi bên cạnh Vis-nu sao? Các ngươi không thấy rằng Vis-nu đang cho ăn và Vis-nu đang được cho ăn sao?  Tại sao các ngươi lại cười, hỡi các Vis-nu?

***************

Câu chuyện trên đây có thể là một bài học về đức tin.  Thiên Chúa đến với con người trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống.  Ðể nhận ra Chúa, con người cần phải vượt qua cái nhìn hẹp hòi, gò bó trong những ý niệm quen thuộc của mình.

Những người đồng hương Nazarét có lẽ đã nghe đồn thổi về tiếng tăm của Chúa Giêsu và họ lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe Ngài phát biểu trong hội đường của họ nhân một lần Ngài trở về thăm quê.  Sự khôn ngoan của Ngài mà họ đã chứng kiến tận mắt, những phép lạ mà Ngài đã thực hiện tại một vài nơi, những thành tích này làm dấy lên trong đầu họ một câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là đấng cứu tinh mà Thiên Chúa hứa gửi đến cho dân tộc?”

Và người ta bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học.  Họ dở Kinh Thánh ra và thấy nói rằng Ðấng cứu tinh xuất thân từ một nơi khác chứ không phải là người làng nghèo nàn tăm tối như Nazarét. Họ điều tra về nguồn gốc của Chúa Giêsu và thấy rằng cha mẹ Ngài, anh em, dòng họ, bà con của Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn.

Với cách suy nghĩ và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương của Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Ngài đã là một màn chắn khiến những người Nazarét không tin nhận Chúa Giêsu.

***************

Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin để chúng con dứt mình ra khỏi cái nhìn gò bó hẹp hòi của chúng con, và mở mắt để chúng con không ngừng nhận ra Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện trong cuộc sống thường ngày.  Xin Chúa ban thêm đức tin để chúng con biết đón nhận Ngài trong những biến cố bất ngờ và nghịch thường nhất, để chúng con biết đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em, nhất là nơi những kẻ thấp hèn, những kẻ bất hạnh và ngay cả nơi những kẻ thù ghét chúng con.

R. Veritas

SỨC MẠNH SIÊU PHÀM

Hoàng đế César Augusto của đế quốc La Mã là người đã biến La Mã gạch ngói thành một La Mã nguy nga tráng lệ, với những toà nhà cẩm thạch.

Nhưng trong triều đại của César Augusto, một biến cố đã thay đổi cục diện của thế giới và lịch sử nhân loại, mà ông không hề biết tới.

Ông làm sao có thể biết trẻ Giêsu chào đời trong một tỉnh lẻ xa xôi, sẽ biến La Mã cẩm thạch của ông thành những vương cung thánh đường vĩ đại nhất.

Ông đâu có ngờ các thần linh của ông sẽ phải lui bước để nhường chỗ cho một Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện và chân thật.

Ông cũng không ngờ trẻ Giêsu ấy lại có một sức mạnh siêu phàm đảo lộn mọi giá trị hiện có, và thiết lập một bậc thang giá trị hoàn toàn mới mẻ.

***************

Sức mạnh siêu phàm ấy hôm nay đã bắt đầu xuất hiện.  Đức Giêsu giải thích Thánh Kinh trong hội đường khiến cho nhiều người phải kinh ngạc, vì:  “Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc 1,22).

Có uy quyền vì Người dùng quyền mình mà giảng dạy chứ không lệ thuộc vào quyền của người khác.  Quyền này được chứng tỏ khi Người sửa sai các tập tục tiền nhân:  “Người xưa đã dạy rằng….  Phần Ta, Ta bảo các ngươi” (Mt 5,21).

Khác với các luật sĩ, họ chỉ đọc và giải thích Kinh Thánh mà không dám thêm một ý tưởng mới.  Họ gò bó con người vào lề luật hơn là dùng luật để giải thoát con người.

Lời Người là “Giáo lý mới mẻ”.  Cái mới mẻ đó làm cho người ta tin nhận Người là Đấng Cứu Thế.  Cái mới mẻ đó làm cho danh tiếng Người lan tràn khắp vùng lân cận Galilê.

Lời Người là:  “Lệnh truyền cho cả các thần ô uế và chúng phải vâng theo” (Mc 1,27).  Chính thái độ tuân phục của ma quỉ trước uy quyền của Đức Giêsu đã nói lên thời cứu độ đã tới.

Là tín hữu Kitô, chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự mới mẻ của Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng Chúa tỏ bày trong vũ trụ.

G. Courtois khẳng định: “Nếu chúng ta khiêm nhu sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên “muối, men” cho cả nhân loại vì “ánh sáng” của những người sống Lời Chúa chiếu tỏ xa hơn người ta tưởng rất nhiều”.

Jacques Delarue viết:  “Mọi phần tử trong Giáo hội phải sống Lời Chúa và yêu mến với cùng một tình yêu của Đức Giêsu, chính vì thế mà ngày Chúa nhật họ đi gặp gỡ Chúa trong Lời Người và trong Thánh Thể trước khi nghe đọc:  “Hãy ra đi bình an”.  Hãy ra đi, đừng ở lại.  Các bạn được sai đi cho mọi tạo vật”.

Sống Lời Chúa chính là soi mình vào tấm gương Giêsu để tìm cho mình một phong cách đẹp nhất, vì:

“Lời Chúa là đèn soi cho con bước,
Là ánh sáng chỉ đường cho con đi” (Tv 118,105)

***************

Lạy Chúa, qua Kinh Thánh, Chúa vẫn giảng dạy cho chúng con; qua Bí tích Giải tội Chúa vẫn trừ quỷ cho chúng con; qua Bí tích Thánh thể, Chúa vẫn sống trong chúng con.  Xin cho chúng con luôn biết sử dụng những phương tiện Chúa ban để nên giống Chúa hơn và làm sáng danh Chúa nhiều hơn.

Thiên Phúc

CHÍNH CHÚA KHÔNG LẦM KHI DỰNG NÊN CON

Quý vị và các bạn thân mến.  Chuyện kể về một người đàn bà nọ cho chồng uống thuốc ngủ và mang ông tới bệnh viện.  Bà đến gặp một bác sĩ chuyên về tim và giải thích:

– Thưa bác sĩ, chồng tôi là một người đàn ông bê bối, suốt ngày rượu chè cờ bạc, trai gái. Cứ mỗi lần về nhà là hành hạ tôi.  Nói cho cùng, chồng tôi là một tên vô thần, một người tội lỗi.

Bác sĩ hỏi lại:

– Thưa bà, tôi làm gì bây giờ. Tôi là bác sĩ chứ đâu phải linh mục.

Người đàn bà thuyết phục:

– Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể giúp tôi. Tôi xin bác sĩ hãy thay tim cho chồng tôi, và tôi tin chắc là ông ta sẽ thay đổi cách sống.  Xin bác sĩ lấy tim của một tu sĩ vừa mới qua đời vì tai nạn, và thay cho trái tim của chồng tôi.  Khi thức dậy, ông sẽ trở thành một ông thánh.  Thay tim là thay đổi tính tình của con người.

Nghe người đàn bà nói có lý, bác sĩ liền ưng thuận tiến hành cuộc giải phẫu để thay tim.  Và cuộc giải phẫu đã diễn ra một cách tốt đẹp.  Khi tỉnh dậy, người đàn ông không hề biết rằng trái tim của ông đã được thay thế bằng trái tim của một tu sĩ thánh thiện.  Ðiều đầu tiên mà ông xin vợ mang đến là một tràng chuỗi mân côi.  Sau khi đã khỏe hẳn, ông đi xưng tội, tham dự thánh lễ và rước lễ.  Nhìn sự thay đổi của chồng, người vợ thốt lên:

– Cám ơn Chúa. Giờ đây chồng tôi là một ông thánh sống.

Rời bệnh viện, hai vợ chồng trở về cuộc sống bình thường của họ.  Nhưng chỉ một tuần sau đó, người vợ trở lại bệnh viện cùng với người chồng và khóc nức nở. Bà yêu cầu bác sĩ ghép lại trái tim cũ cho chồng bà. Bà nài nỉ:

– Xin bác sĩ lấy trái tim của ông thầy dòng ra và ghép trả lại trái tim cho chồng tôi.

Bác sĩ ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao?

Người vợ mếu máo giải thích:

– Chỉ sau một tuần rời bệnh viện, ông chồng thánh thiện của tôi nằng nặc đòi bỏ tôi. Ông nói rằng ông không thể chịu đựng nổi một người tội lỗi như tôi nữa.

***************

Quý vị và các bạn thân mến. Sau khi gọi người thu thuế tên là Lêvi vào hàng ngũ tông đồ của Ngài, Chúa Giêsu đến dùng bữa với ông và các bạn của ông.  Thấy thế, các người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm với nhau: “Tại sao Ngài lại đến ngồi đồng bàn với những người tội lỗi”.

Quả thật, những kẻ tự nhận mình là người thánh thiện thì không ai muốn hòa đồng với những người tội lỗi, ngoại trừ Ðấng trở nên giống con người trong tất cả mọi sự trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã chứng tỏ một cung cách thánh thiện đích thực.  Thánh thiện không có nghĩa là tách biệt với người khác, mà chính là có thể hòa đồng với mọi người.  Người thánh thiện là người có thể cảm thông trước những yếu đuối vấp ngã của người khác.

Khi kể dụ ngôn về cỏ lùng và lúa tốt, Chúa Giêsu nói nên lòng khoan hậu từ bi của Thiên Chúa trước sự yếu đuối của con người.  Ngài mời gọi con người cũng hãy lấy sự khoan nhượng nhẫn nhục cảm thông và tha thứ mà đối xử với nhau.

Xã hội loài người chẳng khác nào một cánh đồng trong đó cỏ lùng và lúa tốt phải chấp nhận sống chung với nhau.  Kinh nghiệm của những vấp ngã cũng nói với chúng ta về mầu nhiệm của sự dữ trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người vừa là một ông thánh sống vừa là một người tội lỗi.  Chính vì thế mà con người không ngừng được mời gọi để cảm thông và tha thứ cho người khác.  Càng nên thánh, con người càng dễ cảm thông và tha thứ.

*************

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con tội lỗi yếu đuối. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa để biết cảm thông và tha thứ cho người khác.

R. Veritas

***************

Chính Chúa không lầm khi dựng nên con. Chúa ơi.
Dù con lạc bước xa mãi khung trời.
Dấu yêu ngàn khơi, tình con còn xa xôi mãi mãi.
Chính Chúa không lầm khi dựng nên con. Chúa ơi.
Vì Ngài còn muốn con trở về.
Dẫu con tội nhơ, tình Ngài kiên vững đến muôn đời.
Gục đầu con thống hối, xin Chúa tha hết những lỗi lầm.
Những lần con ngã xa, lời kinh thắm thiết lệ chan hòa.
Chính Chúa không lầm khi dựng nên con. Chúa ơi.
Dù con lạc bước xa mãi khung trời.
Dấu yêu ngàn khơi, tình con còn xa xôi mãi mãi.
Chính Chúa không lầm khi dựng nên con. Chúa ơi.
Vì Ngài còn muốn con trở về.
Dẫu con tội nhơ, tình Ngài kiên vững đến muôn đời.

Nhạc và lời Linh mục Paul Văn Chi

CÂY HỒNG MỀM NHÀ TÔI

Vườn sau nhà tôi chằng chịt những cây ăn trái.  Nào là cam, táo, ổi, lê, mận, chanh, cherry, hồng dòn… cộng thêm các loại rau thơm, ớt Ta, ớt Tây, ớt Tàu, ớt chỉ thiên, ớt chỉ địa, v.v…  Chung quanh vườn được bao bọc bằng một hàng thông già và những cây cao vút lên đến trên vài chục thước của ba bên hàng xóm.  Vì vậy cây cối trong vườn ít khi biết đến ánh sáng mặt trời.  Những cây lê, cam, quít… mua ở những nơi bán cây với nhãn hiệu đại cồ (giant), lại sinh ra những trái có chiều kích thật khiêm nhường.

Phía sân trước nhà tôi thì lại trống trải quang đãng.  Một phần ba sân phía tay phải là những cây cảnh thấp và phần còn lại là sân đậu xe cho ba chiếc xe.  Phía bên trái là cây hồng mềm, một cây ăn trái duy nhất trước nhà.  Vì được trồng nơi thoáng, không có các cây lớn bao quanh, nên nó hưởng đầy đủ ánh sáng mặt trời.  Cành lá nó xum xuê và năm nào cũng sai trái, những trái chín to, hồng thắm và ngọt lịm.  Bạn hữu hằng năm ngong ngóng mùa trái chín để được thưởng thức hương thơm vị ngọt của những trái hồng mũm mĩm đẹp mắt ấy.  Vào mùa hè vợ chồng và con cái tôi thường hay dành nhau đậu xe dưới tàn bóng mát của nó.  Bóng râm của cây giúp cho những chiếc xe bớt nóng nực, các bộ phận trong xe không nứt nẻ, và khi bước vào xe cũng giảm bớt cái cảm giác khó chịu oi ả của mùa hè.

Nhiều năm trôi qua tôi chẳng mấy để ý tới nó nhiều ngoài chút niềm vui mỗi mùa trái chín mang phân chia cho bà con, bạn bè.  Nhưng vào một buổi sáng cuối tuần trong Mùa Vọng năm nay, tôi có dịp thong dong nơi phía trước nhà, trong lòng đang miên man suy nghĩ ý nghĩa của Mùa Vọng và tự hỏi mình sẽ làm một cái gì đó trong mùa này để gọi là “Sống Mùa Vọng”.  Tôi nhìn lên cây hồng và bỗng chốc được đánh động và bắt đầu chiêm ngắm nó một cách kỹ lưỡng.  Nó đứng trơ trọi như một cây khô, chẳng còn một chiếc lá nào dính trên cành.  Tôi bắt đầu suy nghĩ và tự hỏi, ai có thể tin được một cây như cây khô thế này mà lại có thể sinh những trái to, hồng thắm, ngọt lịm, và có tàn bóng mát để giảm bớt cái nóng thiêu đốt của những chiếc xe vào mùa hè!  Và tôi tiếp tục tìm hiểu xem những bí quyết, định luật nào có thể làm cho nó sống sung mãn trổ sinh trái tốt đúng mùa và đúng với giống của nó như lời chúc phúc của Đấng Hóa Công trong sách Sáng Thế Ký: “Mỗi loại cây sẽ trổ sinh hoa trái tùy theo giống của nó…”.   Vì không phải là nhà sinh vật học, cũng chẳng phải là một triết gia, nên tôi nặn óc nhiều ngày mới tìm ra được mấy ý cỏn con này:

  • Cây hồng được trồng nơi thoáng nên hưởng đầy đủ ánh sáng mặt trời: từ ánh nắng ban mai nhẹ nhàng đến ánh nắng gay gắt giữa trưa, từ ánh sáng chói chang mùa hè đến ánh nắng yếu ớt của mùa thu vàng úa.  Ngoài ánh nắng sớm chiều, nó còn được thênh thang hít thở khí trời vô tận.
  • Nó không bị nhiều cây cối khác che lấn cướp đi những chất bổ từ lòng đất quanh nó mà nó cần để nuôi dưỡng thân cây.
  • Nó trút bỏ hoàn toàn tất cả những lá và trái từ mùa trước.
  • Nó kiên cường, nhẫn nại chịu đựng thân trần trụi như cây khô trong suốt mùa đông băng giá.
  • Nó để cho chủ nhân cắt tỉa chăm sóc, nên hình dạng gọn ghẽ dễ trông, không giống như một cây hoang dại.

Hình ảnh trên của cây hồng mềm đã làm tôi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa mục đích cuộc sống mình và tự hỏi, mình có thể học được gì nơi nó và áp dụng trong đời sống của tôi để rồi tôi cũng sinh nhiều trái to, thơm ngọt là trái yêu thương phục vụ của người Kitô hữu.  Tôi nghĩ:

  • Tôi cần dọn tâm hồn cho quang đãng để đón nhận ánh sáng Tin Mừng sớm chiều.  Những tia nắng ấm ban mai là những Lời yêu thương, thứ tha, vỗ về, an ủi của “Người Cha Nhân Từ” trong Luca chương 15.  Hoặc những tia nắng thiêu đốt của trưa hè là những Lời cứng rắn dứt khoát chói tai làm tôi phải ray rứt như trong Mt. 10:37-39, phải từ bỏ mình để theo Đức Giê-su.
  • Tôi cần xem xét sắp xếp laị những trật tự trong đời sống và để ý xem có bao nhiêu là những thứ cây “T” như Tiền, Tài, Tật, Tình…. hỗn độn đang chen lấn và cướp đi những thời giờ, năng lực, tâm huyết của cây “tâm hồn” tôi.  Những cây “T” oan nghiệt đó mỗi ngày xem ra một sung mãn, còn cây “tâm hồn” tôi thì ngày một èo ọt tong teo.
  • Tôi phải dứt khoát dũ bỏ những trái chín và những chiếc lá tàn úa của mùa cũ.   Từ những tiếng tăm lừng lẫy, những thành quả rực rỡ, những lời khen ngợi đưa tôi đến tận mây xanh của qúa khứ, tới những cố chấp, bảo thủ, độc đoán, tự tôn, tự kiêu, tự đại, xét đoán anh em…
  • Tôi phải kiên cường, nhẫn nại chịu đựng gian khổ để chết đi cái hão danh, cái bề ngoài rực rỡ bóng bẩy, để dành những ngày đông cô quạnh âm thầm, thu tích nhựa sống cho linh hồn bằng việc năng nguyện cầu, tham dự thánh lễ, tĩnh tâm, học hỏi thêm về Chúa và Giáo Hội.
  • Tôi cần suy đi nghĩ lại những biến cố trong cuộc sống, đặc biệt là những điều trái ý, nghịch lý, nghịch cảnh như những xui rủi, những lời chê trách, phê bình, góp ý khó nghe của anh em, và biết nhận ra Chúa đang cắt tỉa để hình dạng tôi mỗi ngày nên giống Chúa Kitô hơn.

Thực hiện được những điều trên, tôi sẽ giống cây hồng mền trước sân, sẽ đem lại chút bóng mát an bình cho vợ con và tha nhân vào những trưa hè nắng gắt của những tranh chấp bất bình.  Vào những ngày cuối thu ảm đạm, tôi lại tỏa màu sắc thắm hồng mát mắt và hương vị ngọt ngào làm mát lòng anh chị em qua trái Kitô đầy yêu thương trìu mến.

***************

Lạy Chúa!  Xin cho con mỗi ngày một cảm nhận sâu sa hơn về Thiên Chúa Quan Phòng và những gì Ngài muốn thực hiện nơi con, để con biết vui vẻ cộng tác đúng thời đúng lúc như Lời Ngài nhắc nhở con trong sách Giảng Viên chương 3:

“1 Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời:
2 Thời để sinh và thời để chết, thời để trồng và thời để nhổ cây trồng.

6 thời để tìm kiếm và thời để thất lạc, thời để gìn giữ và thời để vất đi.”

Amen

Định Vũ
Một ngày đông 2005

MÃNH LỰC CỦA NIỀM TIN

Cựu Hoàng Edward VIII của Anh Quốc, vào năm 1936 khi còn đang trên ngai Hoàng Đế nước Anh, bỗng ông si mê một thiếu phụ thuộc hàng thứ dân, đã một lần bà ly dị chồng.

Theo luật Anh Quốc, thì nhà Vua không được phép cưới một người đàn bà như thế, vì là điều xỉ nhục cho quốc thể.  Bởi đó, nhà Vua phải chọn một trong hai con đường:

1.      Phải bỏ mối si tình đó, nếu còn muốn là Hoàng Đế cai trị Anh Quốc.
2.      Nếu muốn được yêu đương tự do thì phải bỏ ngôi vị Hoàng Đế, trở thành một người thứ dân.

Chỉ vì muốn đáp tiếng gọi của ái tình, Cựu Hoàng Edward đã chọn con đường thứ hai, trả lại cho Anh Quốc uy quyền và mọi danh vọng, để được cùng người yêu sang Pháp Quốc, sống cuộc đời bình thường như mọi người công dân khác.

Thế rồi, vào năm 1972 Cựu Hoàng Edward bỗng lâm bệnh nặng.  Vừa được tin này, Nữ Hoàng Elizabeth là cháu của ông đang cai trị Anh Quốc, vội vàng từ Luân Đôn bay thẳng sang Paris, xin vào thăm bác của bà, nhưng Cựu Hoàng Edward nhất mực từ chối.  Sau vì Nữ Hoàng năn nỉ mãi, nên ông đã đòi một điều kiện là:  Nếu bà muốn được vào thăm ông, thì phải phong cho người yêu của ông trở thành hàng công chúa, để người yêu của ông được nở mày nở mặt với đời, không còn bị người đời mỉa mai là hạng đàn bà thứ dân.

Vì tình huyết nhục, Nữ Hoàng Elizabeth đành phải chấp nhận điều kiện để ông được toại nguyện.  Thế là ông vui sướng đến độ ngất xỉu, rồi chết luôn ngày 28 tháng 5 năm 1972.  Cựu Hoàng Edward VIII chỉ vì muốn được tự do theo tiếng gọi của ái tình, ông đã đành bỏ ngai vàng Hoàng Đế và mọi vinh sang danh vọng; nhưng rồi lại cũng chỉ vì muốn danh vọng cho người yêu của ông, mà ông đã vui sướng đến chết đi vì danh vọng.  Thật là điên khùng!

***************

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại, sau khi Gioan Tiền Hô bị tống ngục, Chúa Giêsu đến xứ Galilea và rao giảng rằng: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng“.  Thế rồi, đi dọc theo bờ biển, Người gặp Simon và Andrê đang thả lưới, Người phán bảo hai anh em: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người“.  Lập tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Chúa. Đi một chút nữa, Chúa lại gặp Gioan và Giacôbê là hai con ông Giebeđê đang xếp lưới, Người cũng gọi họ. Lập tức hai anh em cũng từ bỏ thân phụ và các người làm công để đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

Các vị này đã dứt khoát bỏ mọi sự, để dấn thân theo Chúa ngay, cũng chỉ vì niềm tin tưởng và lòng mến yêu đặt nơi Đấng đã kêu gọi họ.  Chính niềm tin tưởng lòng yêu mến đó, còn có mãnh lực đến nỗi, đã làm cho các ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, cùng với Chúa đi khắp đó đây để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân; rồi cuối cùng, các ngài đều sung sướng được chịu chết, để minh chứng niềm tin yêu nơi Chúa, như tiểu sử các ngài đã từng ghi nhận:

Thánh Phêrô sau những năm theo Chúa rao giảng Tin Mừng, làm việc ngày đêm, long đong vất vả, trốn tránh ngược xuôi, ra tù vào khám.  Ngài đã rảo khắp miền Anitoche và vùng Tiểu Á thực thi sứ mạng Chúa ủy thác dù phải gặp biết bao gian truân. Cuối cùng, ngài đã phải lãnh án tử hình thập giá; nhưng ngài đã xin được đóng đinh ngược đầu xuống, để tôn kính Chúa và để người ta khỏi lầm tưởng ngài với Thầy Chí Thánh mình.

Cũng vậy, Thánh Andrê cũng chịu đóng đinh trên thập giá suốt hai ngày trời, sau nhiều năm rao giảng Tin Mừng và ca tụng Thầy Chí Thánh trước mặt muôn người.

Thánh Giacôbê thì bị dân chúng xua đuổi hết thành này đến thành khác, nếm đủ mùi thống khổ. Cuối cùng, ngài đã bị chém đầu để chứng minh cho Thầy mình.

Cùng một số phận, Thánh Gioan Tông Đồ được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt, được Chúa trao sứ mạng phụng dưỡng Mẹ Maria; và sau cuộc đời gian khổ vì Tin Mừng, ngài đã bị quẳng vào vạc dầu sôi, chịu chết để minh chứng cho niềm tin yêu và lòng trung thành của ngài với Đấng ngài yêu mến.

Để minh chứng niềm tin yêu của chúng ta nơi Chúa, chúng ta đã làm gì?  Chỉ một tiếng gọi của ái tình, được thỏa mãn lòng si mê một người đàn bà thứ dân, Cựu Hoàng Edward đã sẵn sàng từ bỏ ngai vàng Hoàng Đế và mọi vinh sang phú quí triều đình Anh Quốc.

Còn chúng ta, chúng ta đã có thái độ nào khi nghe lời thống thiết Chúa kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng“, để được hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời trong Nước Thiên Chúa?

Chúng ta hãy noi theo gương dân thành Ninive, cấp bách đáp lời tiên tri Giona kêu gọi bỏ đàng tội lỗi, sám hối cải thiện đời sống, để đáng được Chúa thương ban ơn tha thứ.

Chúng ta hãy mau mắn đáp lại Lời Chúa mời gọi: “Hãy theo Cha” và hãy anh dũng dấn thân theo Chúa, trung kiên thực thi sứ mạng tông đồ, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, và nếu cần sẵn sàng hiến cả mạng sống mình, để minh chứng niềm tin yêu nơi Đấng đã yêu thương kêu gọi chúng ta, theo gương các Thánh Tông Đồ đã chịu chết vì Thầy mình.

Chúng ta hãy sống niềm tin vào tinh thần Tin Mừng, vào những giáo huấn của Chúa và những lời dạy dỗ của Giáo Hội như Chúa và Giáo Hội đã kêu gọi.

***************

Chớ gì chúng ta luôn có tâm hồn ngoan thảo thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin chỉ bảo cho chúng con biết đường lối Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và biết can đảm, anh dũng dấn thân sống Lời Chúa, để chúng con cũng được Chúa chúc phúc như chính Chúa đã kín đáo chúc khen Mẹ Chúa: “Hạnh phúc hơn nữa cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Lm. Minh Vận, CMC – Trích Dongcong.net

TRIẾT GIA VÔ THẦN

Nhà triết gia Sintennic là người vô thần, vô tôn giáo và cũng không thờ một Thiên Chúa nào hết.  Tham vọng duy nhất của ông là một ngày nào đó có thể minh chứng cho bạn bè thấy rằng: “Không có Chúa nào cả, và cầu nguyện chỉ là trò hề của những người ngu dại mà thôi”.

Với mục đích ấy, ông nhận nuôi một đứa trẻ ngay từ thuở còn bé chưa hề biết gì, và để cho đứa bé lớn lên trong một lâu đài tách biệt khỏi những đứa trẻ em khác.  Ông còn tuyệt đối nghiêm cấm không được một ai nói với em về Thiên Chúa hay tôn giáo nào hết.

Năm tháng trôi qua, em bé càng ngày càng khôn lớn trước cặp mắt của nhà triết gia vô thần. Một hôm nhằm ngày đại lễ, triết gia Sintennic mở tiệc lớn thiết đã bạn bè.

Nhiều vị tò mò muốn biết người đồ đệ tí hon của ông đã tiến tới như thế nào?

Ông Sintennic hãnh diện trả lời: “Hãy đến mà xem, rồi các bạn sẽ thấy tận mắt rằng, Thiên Chúa chỉ là sự bịa đặt của trí khôn loài người, chỉ là một trong những điều ngu dại mà các linh mục muốn nhồi sọ các đứa trẻ thơ dại mà thôi.”

Nói xong, nhà triết gia vô thần kiêu hãnh dẫn quí khách ra khu vườn rộng, thiên đàng của đứa bé nuôi, nhưng ông Sintennic không khỏi ngạc nhiên, chưng hửng khi thấy đứa bé đang quì gối trên bãi cỏ, mặt hướng về phía mặt trời, hai tay giang rộng lớn tiếng cầu nguyện một mình:

– “Ông mặt trời ơi! Ông quá đẹp đẽ rực rỡ huy hoàng, xin ông hãy cho con gởi lời chào đến Ðấng nào đó đã tạo dựng nên Ông và xin hãy nhắn với Ðấng ấy rằng con cũng yêu mến Ngài lắm.”

Trước cảnh tượng đó, người triết gia vô thần nổi giận quát mắng đứa trẻ trước mặt quan khách.

Nhưng đứa bé thản nhiên trả lời với tất cả đơn sơ chân thành:

– “Thưa ông, tất cả mọi sự tốt đẹp mắt con có thể xem thấy chung quanh con đây, đều như muốn nói với con rằng, phải có một Ðấng Quyền Phép nào đó đã tạo dựng mọi sự ở trên trời dưới đất này mà con phải có bổn phận thờ lạy cảm tạ Ðấng Tạo Thành ấy.”

***************

Câu trả lời của em bé thơ ngây đã nói lên sự thật, tuy điên rồ đối với nhà triết gia vô thần, nhưng lại rất chí lý đối với những tâm hồn khôn ngoan trong sự khiêm tốn.

Một chân lý đã được khắc sâu trong tâm hồn con người ngay từ khi được tạo dựng, không thể xóa bỏ, dấu ấn đó là bảo chứng chắc chắn về sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử và trong đời sống mỗi người.  Chấp nhận sự hiện diện của Chúa là hoa trái của lòng tin, đồng thời cũng là bí quyết hạnh phúc của con người.

Em bé hân hoan vui mừng vì em tin có Chúa hiện diện và tất cả vẻ đẹp của vũ trụ nói lên bàn tay quyền phép của Chúa, em diễn tả niềm sung sướng đó qua lời nguyện, tâm tình cảm tạ Chúa.

Cầu nguyện vì thế là hơi thở, là sự sống. Con người ngừng thở tức là chết trong thân xác. Cũng vậy, người không cầu nguyện thì cho dù còn sống trong thân xác nhưng thực sự đã chết về mặt tâm linh, người không cầu nguyện không khác gì dòng suối cạn, như khu rừng nắng cháy, như mảnh vườn hoang vu.  Nếu không cầu nguyện, trái tim chúng ta cũng sẽ dần dần ra chai đá, sẽ trở nên như băng giá, sẽ không còn biết rung động trước tình thương chính mình nữa.

Chúng ta cần phải cầu nguyện tha thiết hơn bao giờ hết để chuẩn bị đón nhận Chúa đến trong thế gian và trong đời sống chúng ta.

 ***************

Maranatha: Lạy Chúa, xin hãy đến, vì Chúa là Ðấng tạo thành quyền phép vô hạn, còn con chỉ là thụ tạo phàm hèn hạn hẹp.  Xin Chúa hãy đến, vì Chúa là tất cả, con chỉ là số không, Chúa là nguồn thánh thiện cao sang, con chỉ là tội nhân thấp hèn.  Lạy Chúa, con tin thật Chúa là nguồn mạch sự sống và hạnh phúc của đời con, xin Chúa dùng sức mạnh thần khí Chúa đổi mới đời sống con, để con được mạnh sức tiến tới con đường giới răn Chúa.  Ước chi đời sống con là tấm gương phản ánh sự hiện diện đầy tình thương quan phòng của Chúa, ngõ hầu con đem Tin Mừng của Chúa cho tất cả mọi người chung quanh con. Amen.

R. Veritas

ÁNH SÁNG TRONG MẮT NGƯỜI MÙ

Tôi đến Nebraska vào đầu mùa Đông giá lạnh.  Người đón ở phi trường là một người chưa bao giờ gặp mặt.  Tên anh là Thomas.  Một vài câu chào nhau lạnh lùng giữa mùa đông lạnh.

Lặng lẽ, anh dẫn tôi ra khỏi phi trường và lao mình trên chiếc xe truck trong cơn gió tuyết.  Mùa Đông Nebraska quá khắc nghiệt hơn tôi dự đoán.  Từng cơn gió tuyết réo rắt đến rợn người.  Một màu trắng xoá trải dài, dài như vô tận.  Những khu nhà thưa thớt của dân nghèo da đen gần phía phi trường phủ ngập tuyết.  Tuyết phủ cao có khi lấp hẳn cả những chiếc xe nằm bất động bên đường.  Không gian tĩnh mịch.  Trong lòng đơn côi.  Tôi hoang mang sợ hãi!  Không biết mình có vượt qua nổi mùa Đông khắc nghiệt này không?  Lần đầu tiên trong đời chạm trán với Muà Đông Nebraska với mười mấy độ âm.

Những ngày trước đây còn háo hức cho chuyến thực tập này bao nhiêu thì bây giờ cảm thấy ớn lạnh bấy nhiêu.  Nỗi cô đơn xâm chiếm, một hoang mang vây quanh.  Tại sao mình lại chọn mảnh đất xa xăm này?  Tại sao lại bỏ gia đình ấm cúng để đi vào trong chốn đơn côi?  Một hoang mang khơi dậy trong hồn.

Về đến nhà trời đã sẫm tối.  Đón ở cửa là một người đàn ông mù trạc tuổi 60.  Ông có mái tóc bạc trắng đều đặn và một khuôn mặt phúc hậu.  Ông mở to đôi mắt, nhưng ông lại chẳng thấy.  Lúc đầu chẳng để ý, nhưng khi nhìn ông quờ quạng chiếc gậy dành cho người mù bên cạnh, tôi mới biết ông ta mù.  Cái tối ngoài trời, xen lẫn cái tối trong nhà, lại thêm cái tối của một người mù làm cho bầu khí thêm ảm đạm.  Rồi một tiếng nói vọng lên trong góc tối và một bàn tay vươn ra để bắt tay:

–     Tôi là Cha Gilick, rất vui được gặp anh.  Ngài tự giới thiệu và nở một nụ cười nồng ấm.

–     Con là Thảo Nam, rất hân hạnh được gặp cha.

–     Chúc mừng anh đến cộng đoàn này.  Tôi là Cha bề trên ở đây và sẽ là linh hướng của anh trong thời gian anh ở đây.  Hãy coi tất cả như người nhà nhé.  Ngài niềm nở tiếp đón.

Tôi bối rối tự hỏi : Sao ông mù này lại là Cha bề trên ở đây?  Chắc cái cộng đoàn này hết người sáng mắt hay sao mà lại đặt một ông mù làm bề trên của một cộng đoàn mắt sáng?

Thắc mắc.  Nghi ngờ.  Rồi bắt đầu đón nhận.  Một hành trình mới đi vào thế giới người mù.  Mỗi một người mù có lối sống đặc biệt của riêng mình.  Đây không phải là lần đầu tiên tôi sống với linh mục mù.  Trước đây tôi đã có dịp chung sống với hai linh mục mù khác, và đây là vị mù thứ ba. Chẳng hiểu có bí ẩn gì đây mà sao lại có duyên ‘‘làm bạn’’ với lắm Cha mù như thế.  Câu hỏi ấy vẫn mãi là một chuỗi suy tư.

Những ngày ở Việt Nam, tôi giúp lễ nhiều năm cho một Linh mục mù về hưu tại nhà riêng.  Năm giờ sáng, ngài thức dậy.  Quờ quạng.  Cầu nguyện.  Rồi dâng lễ mỗi ngày.  Ngài đã dâng lễ đều đặn suốt hơn mười năm mù loà như thế.  Thánh lễ trong suốt mười năm là một thánh lễ duy nhất:  Lễ về Đức Maria.  Ngài đã thuộc lòng kinh tiền tụng, không cần sách lễ.  Tôi dọn bàn thờ, chọn áo lễ và khoác cho ngài.  Rồi hai cha con dâng lễ.  Một linh mục, một giáo dân suốt bao năm dài đăng đẳng. Những thánh lễ êm đềm trong nắng ấm ban mai.  Cô quạnh, nhưng cũng tràn đầy ủi an.  Có mệt mỏi, nhưng có ân sủng đỡ nâng.  Có những ngày muốn bỏ lễ, nhưng rồi lại tiếp tục vươn lên.  Tuổi già, lại thêm mù loà là một thách đố lớn cho đời Linh mục.  Tôi không dâng lễ, nhưng cảm nghiệm nỗi mệt mỏi trong từng thánh lễ của người Linh mục mù ấy.  Tôi ngần ngại.  Liệu sau này mình có rơi vào trong cảnh đơn côi này không?

Rồi những ngày đến Cali, tôi lại có dịp sống với Linh mục mù thứ hai.  Ngài không mù hẳn, nhưng mắt bị loà.  Phải viết chữ thật to ngài mới đọc nổi, và ngài chỉ có thể nhận ra anh em trong nhà qua giọng nói.

Bây giờ, nơi vùng đất xa xăm  của Nebraska, vị linh mục mù thứ  ba này lại đến với tôi như một ngạc nhiên quá lớn.  Sững sờ.  Rung động.  Ngỡ ngàng.  Không ai cho tôi biết về người mù này trước khi đến, nên lần gặp gỡ bất ngờ này đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh, một xúc cảm nội tâm sâu xa.  Ngài không mù vì tuổi già, nhưng mù từ lúc bé.  Vào dòng chỉ ước mong đơn sơ làm ông thầy vĩnh viễn.  Rồi  tình yêu Chúa nhiệm mầu, lớn hơn cả lòng người ước mong, dẫn đưa ngài đến chức linh mục với đôi mắt mù.  Ai có thể hiểu nổi những huyền nhiệm trong cuộc đời !

Cộng đoàn ở đây có chừng mười người.  Một số cha dạy học, còn lại một số anh em vẫn cắp sách đến trường.  Cha mù bề trên chuyên lo về linh hướng, chỉ đường thiêng liêng cho anh em sáng mắt.  Chao ôi, người mù lại chỉ đường thiêng liêng cho người sáng mắt.  Dẫn nhau đi trong u tối cuộc đời để vào ánh sánh huyền nhiệm.  Mắt thể xác mù loà, nhưng đôi mắt tâm hồn thì sáng rực.  Ngài còn làm lễ tại giáo xứ, và đi giảng tĩnh tâm trên khắp nước Mỹ.

Có lần cha quản lý khuyên tôi:

–      Nếu có gì thắc mắc thì đến hỏi cha mù ấy, ngài mù nhưng lại thấy nhiều sự lắm.

Mù mà thấy nhiều sự thì chẳng phải là mù.  Tật nguyền đôi mắt không làm cản ngăn lối bước đi về chân lý.  Hành trình cuộc đời là hành trình tìm về chân lý, nhưng chân lý lại không phải vật chất để đôi mắt thể lý trông thấy, nên ánh mắt tâm hồn mới là đèn soi cho mọi khát khao kiếm tìm.  Có đôi mắt sáng chưa hẳn là tìm được lối đi.  Nhiều khi ta vẫn đi trong đêm tối tội lỗi với ánh mắt sáng ngời.

Đã bao năm, tôi vẫn tự hào mình có đôi mắt sáng, nay đối diện với vị linh mục mù này tôi mới thấy mình mù loà và cần ngài hướng dẫn, chỉ đường.  Cuộc sống vẫn luôn có những nghịch lý thú vị.

Những ngày đầu gặp gỡ, tôi cảm thấy tội nghiệp và thương tâm cho Ngài.  Những ngày sau chung sống, tiếp xúc và học hỏi, tôi lại thấy thương hại cho chính mình, vì mình có đôi mắt sáng mà chẳng thấy những gì cần thấy và đáng thấy.  Trong khi vị mù này lại có thể thấy những điều từ đáy sâu thẳm của tâm hồn, thấy được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống tâm linh và thân phận con người.  Thấy Chúa trên cao.  Thấy Chúa trong lòng cuộc sống.  Thấy Chúa trong hạnh phúc cũng như trong từng nỗi đau.

Mù mà thấy nhiều sự quá !

Văn phòng của ngài ở ngay trong trường đại học của nhà dòng.  Phải mất khoảng mười phút mới có thể tản bộ tới đó; phải băng qua hai con đường xe chạy tấp nập.  Vậy mà ngài đã đi qua về lại trên con đường ấy suốt hai mươi năm qua không hề hấn gì.  Tôi vẫn thích tản bộ tới trường với ngài mỗi buổi sáng trên con đường ấy.  Ngài vẫn thích có ai đi bên cạnh để chuyện trò, níu vai, để khỏi phải quờ quạng chiếc gậy.

Có lần ngài nắm vai tôi vừa đi vừa nói:

–       Có cậu đi bên cạnh thì chiếc gậy mù này thất nghiệp!

Tôi cũng nhẹ nhàng  đáp lại:

–       Vậy từ hôm nay con sẽ là cái gậy của cha mỗi sáng trên con đường này nhé.

Trong thâm tâm, tôi không nghĩ mình giống chiếc gậy, nhưng giống những con chó đã được huấn luyện để dẫn dắt người mù.  Công việc chút xíu như thế cũng có ích cho đời lắm chứ!  Và mình lại thấy vui với ý tưởng đó.  Rồi quay lại với ngài tôi tiếp tục bông đùa:

–      Con thấy mình giống con chó dẫn dắt người mù hơn là chiếc gậy cha ạ, đời con bất tài nên làm công việc này chắc thích hợp đấy.

Ngài cũng tinh nghịch phản ứng:

–    Phải mất hai mươi lăm ngàn dollars mới huấn luyện được con chó đó, cậu có được bằng giá đó không?

Rồi  cả hai cùng cười khúc khích, biết đùa với nhau là cả một món quà.

Sống với ngài được một tuần, ngài bắt đầu nhờ tôi chở đi làm lễ ở một giáo xứ vào mỗi sáng Chúa nhật.  Lần đầu tiên ngài nói:

–       Ngày mai cậu chở cha đi làm lễ nhé!

–      Thưa cha, nhà thờ ở đâu, có xa không?  Tôi hỏi.

–      Chừng ba mươi phút lái xe.  Ngài đáp.

Tôi bắt đầu do dự.  Đường sá chưa rành, tuyết phủ khắp nơi, chở người sáng mắt thì người ta còn chỉ đường, chứ chở người mù chắc dẫn nhau ra nghĩa địa quá! Trong đầu do dự, nhưng lại không muốn từ chối lòng tín nhiệm của ngài.

Rồi tôi hỏi:

–       Cha có bản đồ không?

–       Hình như không. Ngài trả lời.

Hỏi xong tôi thấy mình ngớ ngẩn.  Ngài đâu thấy đường đâu mà hỏi bản đồ, và nếu có bản đồ thì ngài cũng chẳng chỉ đường được.  Tôi quay lại nói tiếp:

–        Nhưng mà con chưa biết đường!

–        Lo gì!  Cha sẽ chỉ cho.  Ngài tự tin trả lời.

Tôi thấy nghi nghi trong lòng.  Làm sao ngài biết đường?  Nhưng rồi tôi cũng đánh liều nhận lời.

Ngày hôm sau, lấy chìa khoá và đề máy xe.  Trong lòng run lắm.  Ngày Chúa nhật trong nhà đi vắng cả nên chẳng kịp hỏi ai.  Lòng nghĩ thầm, ông cha mù này liều quá, dám nhờ mình chở đi đường tuyết phủ ở nơi lạ lẫm thế này.

Đề máy xong, ngài chỉ đường bằng miệng:

–        Con ra khỏi cổng, quẹo trái; đến stop sign đầu tiên quẹo phải; qua hai đèn xanh đèn đỏ, quẹo phải, rồi vào xa lộ.  Và cứ tiếp tục như thế…  Tôi lái xe, ngài chỉ đường; qua bao con đường ngoằn ngoèo để đến nhà thờ.  Tôi sửng sốt.  Làm sao ngài có thể nhớ đường?  Rồi tôi tò mò hỏi:

–       Làm sao cha biết đường hay vậy?

–       Cha có bản đồ.  Ngài vừa cười vừa đáp.

–       Sao cha nói với con là cha không có bản đồ.  Tôi phản ứng.

–       Bản đồ ở trong đầu.  Ngài lại cười đùa giỡn.

Thì ra, người mù lại có một bản đồ thật chính xác trong đầu.

Giáo xứ ngài đến dâng lễ là một giáo xứ giàu.  Ngôi thánh đường xây bằng gạch đỏ tươi trên một khu đất khá cao.  Chung quanh là những khu nhà khá sang trọng, nên nó làm cho ngôi thánh đường thêm đẹp.  Mùa đông không có những vườn cỏ, cây xanh hoa lá, nhưng nhìn cách chăm nom và trang trí khu vực thánh đường cũng đủ biết là dân có tiền nhiều.  Có lần tôi tinh nghịch hỏi ngài:

–      Thưa cha, tại sao cha khấn khó nghèo mà cha lại đi giao du với dân giàu?

Ngài vui vẻ đáp lại:

–      Có người giàu vật chất, nhưng tâm linh nghèo lắm.  Phải học biết chia sẻ thì tinh thần mới giàu.  Vật chất là ơn huệ Chúa ban.  Biết chia sẻ nó tức là đã sống tinh thần nghèo.  Cũng như đôi mắt là ơn huệ.  Biết nhìn nhau trong yêu thương là đã mở lối cho chân lý đi về.

Rồi một chiều lạnh giá tuyết phủ, ngài đến bên tôi nhẹ nhàng đề nghị :

–       Ngày mai con chở cha ra phi trường nhé!

–      Cha đi đâu vậy?  Tôi hỏi.

–      Cha đi giảng tĩnh tâm cho một Giám mục.  Ngài trả lời.

Tôi sửng sốt tròn xoe đôi mắt nhìn ngài.  Hoá ra, ngài vẫn thường xuyên đi giảng tĩnh tâm cho các Giám mục và linh mục Hoa Kỳ ở nhiều giáo phận, vì thế sân bay đã trở nên quá quen thuộc đối với ngài.  Sau chuyến đi này, sẽ có một Tổng Giám Mục Anh Giáo đến tại cộng đoàn này để xin ngài hướng dẫn cấm phòng.  Vị Giám mục này vẫn đến đây hàng năm để xin kẻ mù này soi dẫn, và họ đã trở nên bạn thân với nhau suốt bao năm qua.

Tôi  lặng im.  Một xúc cảm mãnh liệt dâng trào.  Lạ quá, Chúa vẫn  làm phép lạ hàng ngày trong những hạnh phúc đan quyện nỗi đau, trong những lãnh nhận và trong từng mất mát.  Ngài vẫn hiện hữu trong từng đôi mắt sáng và trong những ánh mắt mù loà.

Làm sao có thể nghi ngờ về sự hiện hữu của Thượng đế khi tiếp xúc với những con người như vị linh mục mù này.  Lòng tin của tôi thì yếu ớt, nhưng khi gặp Ngài, tâm hồn như được nung lên trong niềm tin.  Tôi vẫn mãi suy tư, dưới một cái nhìn nào đó, Thiên Chúa đang dùng một người mù để hướng dẫn bao vị lãnh đạo mắt sáng.

Hôm sau, tôi  tiễn ngài ra phi trường.  Ngài ra đi và rồi đã trở lại như bao con người bình thường khác.  Dù thế, tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó thật phi thường trong những cái bình thường ấy.  Phi thường của tình yêu, sức mạnh, của ân sủng, của tất cả những gì mà Thiên Chúa có thể làm được cho con người và qua con người, ngay cả trong những con người tàn tật nhất.

Sáu tháng ở Nebraska qua đi thật nhanh. Tôi phải chia tay ngài trong nuối tiếc, trong lòng kính trọng và yêu thương.  Vẫn ước mong một ngày nào đó được ghé lại thăm ngài.  Có lẽ lần tới khi trở lại, mình sẽ không còn hoang mang lo sợ như lần đầu mới đến, vì biết rằng nơi mảnh đất xa xôi đó, đang rực lên một tia sáng huyền nhiệm trong ánh mắt của một linh mục mù.

Nguyễn Thảo Nam

ĐÁP LỜI CHÚA KÊU GỌI

Sau 9 năm trường giầm gìa trong vũng bùn lầy trụy lạc tội lỗi, Thiên Chúa đã kêu gọi và thức tỉnh lương tâm Margarita de Cortone, bằng cách cho người cô gái hoang đàng ấy chứng kiến một cảnh ghê rợn. Một thây chết nát rữa thối tha là tình nhân của nàng trước đây, tại một góc rừng lúc bất ngờ nàng đi qua. Trước cảnh hãi hùng đó, khiến nàng rất bàng hoàng xúc động và tự hỏi: “Lạy Chúa, sau đó còn lại cái gì?” Thế rồi, người con gái tội lỗi đó đã trở về với gia đình, xin lỗi thân phụ. Để tỏ lòng ăn năn sám hối, nàng đã tròng một giây thừng vào cổ và đã đến xin các Cha Dòng Thánh Phanxicô hướng dẫn. Rồi sau 3 năm đầy thử thách, với nhiều đêm ngày khóc lóc, ăn chay, đền tội, Margarita đã khoác trên mình bộ tu phục Dòng Ba Thánh Phanxicô, sống cuộc đời thánh thiện.

Để đáp lại tình Chúa yêu thương và lời kêu gọi của Chúa, Margarita đã biến nhà mình thành một bệnh xá vừa săn sóc bệnh nhân vừa lao động sản xuất để nuôi họ. Ma quỉ căm hờn, dùng trăm phương ngàn kế để cám dỗ Margarita bỏ đàng nhân đức, trở lại đàng tội lỗi trụy lạc; nhưng Margarita đã toàn thắng và luôn vững tiến trên đàng nhân đức. Ơn Chúa tuôn trào trên tôi tớ trung nghĩa của Ngài, khiến Margarita đã làm cho vô số tội nhân cải tà qui chính, bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại với Chúa.

***************

Bài sách Samuel hôm nay thuật lại câu truyện Chúa đã gọi Samuel, để trao cho cậu một trọng trách của Chúa. Giữa đêm khuya đang ngon giấc trong Đền Thờ, bỗng tiếng Chúa vọng bên tai cậu: “Samuel! Samuel!” Cậu giật mình thức giấc, vội vã chạy lại Thầy Cả Heli thưa: “Này con đây, vì Thầy gọi con“. Cứ như vậy, mãi tới lần thứ ba, Thầy Cả Heli biết đó là tiếng Chúa kêu gọi Samuel, nên đã bảo cậu: “Con hãy đi ngủ lại, và nếu Người gọi con, thì con hãy thưa rằng: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe!” Samuel về chỗ ngủ lại. Chúa tới gần và lại gọi Samuel như trước: “Samuel! Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe!”

Tiếng Chúa kêu gọi con người bằng nhiều cách thế khác nhau: Chỉ một vài trường hợp đặc biệt, Chúa đã thân hiện đến, kêu gọi đích danh, như trường hợp của cậu Samuel, nhưng hầu hết Chúa đã dùng những cách thế thông thường, như lời khuyên nhủ của các vị đại diện Chúa, lời giảng dạy của một vị giảng thuyết, một ơn soi dẫn trong tâm hồn, một giấc chiêm bao hay một biến cố nào đó của cuộc đời. Trong tất cả mọi hoàn cảnh đó, các Thánh đã mau mắn đáp lại, khi các ngài nhận ra thánh ý Chúa.

Thánh Phanxicô thành Assisi, một chàng trai giầu sang háo danh, cũng chỉ vì nghe lời Chúa phán được trưng lại trong một bài giảng: “Con người được lợi lãi cả thế gian, mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì”. Ngài đã quyết tâm bỏ mọi sự, sống đời khó nghèo và đã chinh phục được biết bao người theo ngài, để hiến thân phụng sự Chúa, xây dựng Giáo Hội và giúp ích cho biết bao linh hồn.

Thánh Ignatiô, một sĩ quan quân đội bị trọng thương, đang thời gian nằm điệu trị tại bệnh viện, bất ngờ đọc cuốn truyện các Thánh, ngài cảm thấy thán phục, nên đã quyết tâm sống theo thánh ý Chúa soi dẫn, lập nên một Hội Dòng lớn với danh hiệu Dòng Chúa Giêsu, đem lại bao lợi ích cho Giáo Hội và thế giới.

Thánh Augustinô, từ một chàng trai trụy lạc tội lỗi được cải hóa và đã trở nên một vị Đại Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, chinh phục biết bao linh hồn trở về với Chúa, qua những tác phẩm giáo huấn và lời giảng dạy khôn ngoan của ngài… Còn biết bao trường hợp tương tự, ơn Chúa đã thực hiện cách lạ lùng nơi đời sống của các Thánh.

Trích Dongcong.net – Lm Minh Vận, CMC

***************

“Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe!”   Xin cho con sau khi nghe rồi biết đáp trả lại tiếng kêu gọi của Chúa trong con như Samuel, Andre, Phanxicô, Ignatiô, Augustinô và bao gương thánh nhân khác.  Xin Thánh Thần Chúa ban thêm cho con sức mạnh để biến những lời mời gọi thành hành động cụ thể trong cuộc sống Kitô hữu của mình.  Lạy Chúa, xin thánh hóa cuộc sống bình thường bận rộn trong dòng đời nhiều gian truân này để trở thành một tiếng mời gọi với anh em xung quanh đi theo Chúa như thánh André đã gọi Phêrô đi theo Chúa khi xưa.

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Có một người rất giàu, nhà ở bên cạnh đường rầy.  Mỗi ngày đều có xe lửa chạy ngang qua nhà.  Cứ mỗi lần như thế, con chó Bẹc-giê to lớn oai phong của ông liền sủa ầm lên và chạy đuổi theo xe lửa ba bốn cây số, rồi mới há họng, thè lưỡi ra mà chạy trở về nhà.

Ngày nọ, bà vợ hỏi ông chồng:

–  Con chó của chúng ta chạy đi đâu rồi?

Ông lắc đầu trả lời:

–  Đuổi theo xe lửa rồi, nhưng có bao giờ nó đuổi kịp đâu!

Bà đôi co với ông:

–  Giả sử nó đuổi kịp thì sao???

Ông đáp lại:

–   Nếu có đuổi kịp cũng chẳng làm gì, chỉ tổ nhọc xác mà thôi!

***************

Những kẻ suốt đời bôn ba tìm kiếm danh vọng, giàu sang, trường thọ có bao giờ thoả mãn đâu.  Cũng giống như con mèo đuổi theo cái đuôi của mình, những kẻ tự phụ, ngông cuồng, kiêu căng, tự mãn không bao giờ đạt được tham vọng của họ.  Thật không khác gì bong bóng xà phòng, chỉ nhấp nháy dưới ánh sáng mặt trời, để rồi lại vỡ tan tành và rơi vào bụi đất.  Cuộc sống con người không thể nào cứ nối tiếp nhau như bong bóng xà phòng.

Những người đặt nền tảng hạnh phúc của mình trên vinh dự, hào nhoáng và tiếng hoan hô của người đời là những người bất hạnh hơn ai hết. Trong chốc lát, những tràng pháo tay, những tiếng hoan hô nhiệt liệt im bặt, mọi cảm xúc đều bị gió thổi đi mất hút và sẽ phải trở về với cái trống rỗng của tâm hồn, tức cái bóng đen của cuộc đời.

Người trưởng thành và khôn ngoan thật là người biết nhìn nhận “Ánh sáng và bóng tối” của mình, biết chấp nhận thành công cũng như thất bại và những hạn hẹp của bản thân, biết tận dụng mọi vốn liếng, mọi cái mới cũ, để trở thành chính mình mà không cần phải bắt chước ai, chạy theo ai, hoặc trở nên giống ai cả.

Thiên Chúa tạo dựng mỗi người độc nhất vô nhị, tại sao chúng ta phải sợ những xét đoán của người khác, phải khó chịu trước sự hạn hẹp của họ, và phải cắm đầu lo sợ chạy trốn.  Nếu chúng ta biết chấp nhận bản thân, chấp nhận người khác, họ cũng sẽ chấp nhận chúng ta.  Trái lại, người ta sẽ chê cười chúng ta nếu chúng ta tìm cách lừa dối họ và muốn họ thấy con người không thật của chúng ta.  Ai cũng biết rằng một bức tranh chỉ đẹp với màu sắc, ánh sáng và bóng tối của nó như người họa sĩ đã muốn vẽ nó.

Triết gia Pascal đã nói: “Con người không phải là thiên thần, cũng không phải là thú vật, thế nhưng, ai muốn làm thiên thần thì người đó sẽ trở thành thú vật” 

*************

Lạy Chúa, Chúa đã muốn tạo dựng mỗi người chúng con như một tác phẩm tuyệt vời, như một bức tranh tuyệt đẹp, gồm ánh sáng và bóng tối.  Chúa không ghét bỏ bóng tối trong con, nhưng Chúa cho phép bóng tối đó hiện diện trong đời sống con, để con được dịp tự do đóng góp để khử trừ bóng tối và để cho ánh sáng tình thương của Chúa được hoàn tất, được rạng ngời trong đời sống con hơn nữa.  Cuộc sống dù có vất vả khổ lụy đến đâu chăng nữa cũng là ân ban của Chúa.  Xin cho con biết đón nhận trong tinh thần tin yêu phó thác để rồi cùng với Chúa con sẽ hoàn thành tác phẩm tuyệt đẹp mà Chúa đã muốn tạo dựng nên con.  Amen!

Thiên Phúc

Ở NƠI NÀO, CHÚA CÓ CHỜ CON?

Anh thiết nghĩ mình là người hạnh phúc nhất rồi.  Một mái gia đình ấm êm với vợ hiền, hai đứa con nhỏ ngoan thiệt ngoan, có công việc mặc dù thiên hạ ở San Jose thất nghiệp đùng đùng.  Cuộc sống đủ dùng qua ngày vậy là quá vui và quá đủ, đối với anh.  Anh chẳng mong gì hơn, và thầm cảm tạ bề trên vì hạnh phúc anh nắm giữ tầm tay.

Rồi một chiều tháng giêng năm 2004, anh đi tái khám và lấy kết quả xét nghiệm:  “Anh bị ung thư gan, bị tim nên tôi e không mổ gì được, tôi gởi anh lên Stanford chemo.”  Bác sĩ nói thật ngắn, thật gọn, và thật rõ nhưng sao tim anh như ngừng đập, mắt cứ nhoè dần với hình ảnh vợ cùng hai con.  Anh thiết tưởng mình nghe lộn.  Anh to khoẻ thế này, da dẻ cũng đâu đến nỗi vàng vọt, không rượu bia không thuốc lá, sống lành mạnh, ăn toàn healthy food …Vậy mà …Có gì nhầm lẫn chăng?  Nhưng bác sĩ không nói lộn và anh cũng chẳng nghe nhầm.  Anh bị ung thư gan, và ở giai đoạn thứ ba rồi.

Anh bắt đầu với chemotherapy (xạ trị).  Tóc anh mọc rồi lại rụng sau những đợt xạ trị, cơ thể cũng vậy.  Những ngày đi xạ trị về, người cứ mệt lả, tâm tư cũng vậy.  Lắm lúc anh thấy mình kiệt sức và chỉ muốn ngã quỵ, nằm yên trên giường bệnh, nhắm mắt lại và quên đi tất cả thực tại, quên đi căn bịnh quái ác.  Lắm lúc anh thấy mình là gã điên rồ, hai giờ sáng còn phóng xe chạy băng băng ngoài xa lộ vì đầu óc quá căng thẳng để có thể chợp mắt tiếp sau cơn ác mộng.  Lắm lúc anh thấy mình như một đứa bé nhỏ, khóc oà vì món quà nó hằng yêu thích nhất đã bị lấy đi.  Và lắm lúc anh lại bắt gặp anh, lén lút dấu mặt để che đi những giọt nước mắt khi vợ con đón anh ở nhà thương.

Anh đi xạ trị được ba lần.  Cục bứu chẳng những không bé đi mà còn sinh sôi nảy nở như hoa xuân trong gan anh. Bác sĩ khẽ bảo anh, “Tôi ký giấy cho anh về. Anh nghỉ làm đi, anh còn được khoảng 6 tháng, anh muốn đi đâu chơi thì đi, làm gì thì làm.”  Lời bác sĩ gọn ghẽ và xúc tích quá.  Dễ hiểu thật, anh còn khoảng 6 tháng, biết làm gì đây?  Chuẩn bị gì đây?  Thu xếp gì đây?  Cho người đi lẫn người ở.  Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh bật khóc thành tiếng, khóc như chưa từng được khóc.  Lần đầu tiên anh cảm nhận mình thật bất hạnh, thật cô đơn.

Những chiều thu ở thành phố này thật đẹp nhưng cũng thật buồn.  Anh để ý thấy cây lá quanh anh quả là can đảm, nó đổi màu tuyệt đẹp mặc dù nó biết, rồi mai kia nó sẽ rụng rơi khỏi cành khi một cơn gió nhẹ vô tình thổi qua, mặc dù nó biết nó sẽ trở thành mùn cho đất, sẽ là cát bụi.  Vậy mà nó vẫn dốc hết sức lực còn lại, mặc cho mình một chiếc áo thật đẹp, chiếc áo cuối cùng.  Anh chợt nhớ nhiều đến Nhiên, anh bạn đồng nghiệp người Công giáo trên sở anh làm.  Có lẽ như Nhiên nói, chẳng ai có diễm phúc biết được ngày giờ mình ra đi khỏi thế gian này, còn anh, anh phần nào đó, biết trước.  Vậy anh có thời gian để chuẩn bị, trả xong những nợ nần anh còn thiếu với tha nhân, một lời xin lỗi hay một cử chỉ yêu thương nhân ái, rồi thì dọn cho mình một con đường về nhà Chúa.  Nhiên tặng anh một quyển kinh thánh với dòng chữ nhỏ, “Cuộc đời có lẽ là một chuyến đi phải không anh?  Em mong anh tìm được bình an khi đọc thánh kinh – em, Hạo Nhiên”.

Anh không có đạo nhưng anh bắt đầu đọc kinh thánh, ban đầu là vì buồn, không có gì để làm sau khi đưa con đi học, vợ đi làm, nhà trống trơn lạnh lẽo với bốn bức tường.  Sau anh đọc vì muốn biết thêm về con người Giêsu.  Anh cảm phục sự thông thái khôn ngoan của Giêsu trước những tình huống éo le với những câu nói bất hủ, “Của Xêda trả về cho Xêda, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”,   “Ai trong các anh thấy mình sạch tội thì hãy ném đá trước đi.”  Anh học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong con người Giêsu, và nhìn ở một khía cạnh nào đó, anh cũng đang đứng trước cái chết như Giêsu ngày xưa.  Khác chăng là tâm tình phó thác và sự bình tâm.  Anh muốn tham dự thánh lễ của người Công giáo, chẳng phải vì anh sợ hãi sẽ không có một tôn giáo nào để tin, để dựa dẫm khi mai này anh ra đi về thế giới bên kia.  Nhưng anh cảm nhận một sự bình an, một sự che chở khi bước vào thánh đường, khi nghe thánh ca, nghe các bài đọc.  Anh dần dần cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, chấp nhận, vui, và bình an hơn, sẵn sàng hơn.  Có lẽ anh sẽ như chiếc lá thu kia, biết rằng nay còn mai mất, nhưng lá vẫn mặc cho mình chiếc áo đẹp nhất cho đến giây phút cuối cùng.  Anh biết, ở cuối con đường, có Chúa chờ đợi anh.

Ngạo
12/2005