HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN!

Trước tình trạng giảm sút người tham dự Thánh lễ tại Hoa Kỳ, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, Hội đồng Giám mục nước này đang thực hiện một phong trào được gọi là “Phục hưng Thánh Thể,” với mục đích mời gọi các tín hữu hãy trở lại với truyền thống yêu mến Thánh Thể của Giáo hội.  Phong trào này kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ ngày 19/6/2022.  Và đỉnh cao của cuộc phục hưng là Đại hội Thánh Thể Toàn quốc sẽ diễn ra ở Indianapolis từ ngày 17 đến 21/7/2024.

Với cuộc phục hưng này, các vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ muốn khẳng định: các cuộc khủng hoảng đức tin, gia đình, luân lý, xã hội của thời đại này chỉ có thể chữa lành bằng phương thuốc thiêng liêng là bí tích Thánh Thể.  Quả vậy, một thế giới phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, sẽ tự hủy diệt và biến thành bãi chiến trường, bạo lực sẽ tràn lan.  Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích cực trọng,” vì Chúa Giê-su thực sự hiện diện trong bí tích này.  Đó không chỉ là sự hiện diện thụ động khô khan, mà Chúa còn trở nên của ăn của uống cho các tín hữu.  Đến với bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhờ đó những tổn thương được phục hồi và những khiếm khuyết nơi con người sẽ được nâng đỡ.

Cùng với phong trào “Phục hưng Thánh Thể,” Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mời gọi mỗi tín hữu hãy mời một người trở lại nhà thờ.  Những người này đã lâu không còn tham dự Thánh lễ và không sinh hoạt với cộng đoàn.  Việc làm này thể hiện ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, là Bí tích của tình hiệp thông – hiệp thông với Chúa và với anh chị em.  Sáng kiến phục hưng đức tin và lòng yêu mến Thánh Thể sẽ bao gồm việc phát triển các tài liệu giảng dạy mới, đào tạo cho các lãnh đạo giáo phận và giáo xứ, ra mắt trang web dành riêng cho việc phục hồi lòng yêu mến Thánh Thể, và triển khai một nhóm đặc biệt gồm 50 linh mục, những vị sẽ đi khắp đất nước để rao giảng về bí tích Thánh Thể.

Tại Việt Nam chúng ta, các buổi cử hành Thánh Thể và Chầu Mình Thánh quy tụ rất đông tín hữu tham dự, đó là điều đáng mừng.  Tuy vậy, lòng yêu mến Thánh Thể nơi nhiều tín hữu vẫn chỉ đóng khung ở sinh hoạt cộng đoàn, khá ít người dành thời gian để cầu nguyện riêng và thinh lặng trước Thánh Thể.  Thiếu những giây phút cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, người tín hữu khó có thể gặp gỡ thân tình cá vị với Đức Giê-su.  Phong trào “Phục hưng Thánh Thể” của Giáo hội Hoa Kỳ nhắc chúng ta cần sống mầu nhiệm Thánh Thể một cách rõ nét và hiệu quả hơn.

“Hãy nhận lấy mà ăn!”  Đây là lời của Chúa Giê-su, khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể.  Đây không phải là một lời nói có ý nghĩa tượng trưng hay dùng hình ảnh so sánh.  Đức Giê-su hiến mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng đức tin của tín hữu.  Như người mẹ sẵn sàng hy sinh mọi sự cho con mình, Đức Giê-su để lại cho trần gian chính máu thịt mình.  Thánh Thể là bí tích yêu thương.  Nơi Thánh Thể, Chúa Giê-su hiện diện âm thầm khiêm tốn, để gặp gỡ và lắng nghe những nỗi niềm của nhân thế.  Ngài cùng đi với con người trong mọi nẻo đường của cuộc sống còn nhiều thử thách chông gai.

Qua các Bài đọc Lời Chúa của năm B, Phụng vụ dẫn chúng ta khởi đi từ lễ nghi Cựu ước đến lễ nghi của Tân ước.  Những gì đã được thực hiện trong thời Cựu ước, chỉ là hình bóng cho lễ nghi của Tân ước.  Thánh Phao-lô cũng đề cập tới so sánh này trong Bài đọc II.  Nếu trong Cựu ước, lễ dâng là máu bò máu dê, thì đến thời Tân ước, lễ dâng là chính máu của Chúa Giê-su, Con Chiên vẹn sạch.  Đức Giê-su là Chiên Vượt qua mới, gánh trên vai mình tội lỗi của muôn dân.  Người chịu phạt thay cho con người ở mọi thời đại.  Người là Của Lễ Toàn Thiêu, dâng hiến mình trên thập giá.  Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học hy sinh, sống vì hạnh phúc của tha nhân, khiêm tốn phục vụ và yêu thương mọi người.

“Hãy nhận lấy mà ăn!”  Chúa đang nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ năm xưa.  Ăn Thịt Chúa và uống Máu Chúa là kết hợp mật thiết với Người, nhờ đó được chia sẻ sức sống siêu nhiên của Người.  Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được cải hóa tâm hồn và dần dần trở nên giống như Chúa, được ở trong Người, như lời Người nói: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy.”  Một khi được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Chúa Giê-su, các tín hữu cũng được mời gọi sống hiệp thông hài hòa với anh chị em mình.  Thánh Phao-lô viết cho giáo dân Cô-rin-tô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17).

Hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để tôn vinh tình yêu thương của Thiên Chúa.  Hãy năng nhận lãnh lương thực thiêng liêng để chúng ta được thần linh hóa và được nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn sống nơi dương thế.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TRIỀU THIÊN HOA HỒNG

PHI LỘ – Tháng Năm là Tháng Hoa Đức Mẹ – Mẹ Muôn Hoa.  Ngày sẽ hết, tháng sẽ qua, năm cũng sẽ chấm dứt, và rồi đời người cũng kết thúc.  Cuối Tháng Hoa này cũng là cuối tháng Năm của thời gian, nhưng Tháng Hoa tâm linh không chấm dứt, và mỗi giây phút của cuộc sống Kitô hữu vẫn mãi là Mùa Hoa bất tử dâng kính Mẹ Muôn Hoa.  Đó là hãy siêng năng lần Chuỗi Mai Côi dâng kính Đức Mẹ: mỗi Kinh Kính Mừng là một Đóa Hoa Hồng, một Chuỗi Mai Côi là một Triều Thiên Hoa Hồng.

Trong vương quốc của con người, triều thiên (vương miện) được làm bằng kim loại quý, là biểu tượng của uy quyền và thế lực.  Trong Vương quốc của Thiên Chúa, triều thiên hoàn toàn khác.  Triều thiên Nước Trời làm bằng cây và cành nho sống động mà Thiên Chúa chọn để bày tỏ quyền lực đích thực có cội rễ trên thế gian.  Nói cách khác, đó là sự khiêm nhường – có từ nguyên từ La ngữ là “humus,” nghĩa là “từ trái đất.

Triều thiên đầu tiên trong các triều thiên vĩ đại nhất được biểu hiện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với sự chịu nhục nhã của Chúa Giêsu.  Triều thiên thứ nhì được Mẹ Thiên Chúa biểu hiện, Thiên Chúa đã sai Đức Mẹ đến cho chúng ta biết cách thức bí mật và uy tín đến với Chúa Con.  Cách này liên quan triều thiên sống động – triều thiên được làm bằng loại hoa hoàn hảo, nhắc chúng ta nhớ tới nghịch lý của Kitô giáo (paradox of Christianity) – qua quá trình có cội rễ trên trái đất – tức là lòng khiêm nhường (humility), và được liên kết với nỗi đau khổ của Đức Kitô, để sinh hoa kết quả.  Loại hoa này là Hoa Hồng – nữ vương của các loài hoa – có những cánh hoa chỉ được nuôi dưỡng bằng thân cây có nhiều gai nhọn.

Như hoa hồng là nữ chúa của các loài hoa, Kinh Mai Côi (Mân Côi, Rosary nghĩa là Vòng Hoa Hồng) cũng là kinh của các lòng sùng kính.  Đó là kinh nguyện đơn sơ và khiêm nhường, và như lịch sử cho chúng ta biết, Kinh Mai Côi là một trong các kinh nguyện mạnh mẽ nhất mà Giáo Hội sử dụng trong cuộc chiến tâm linh.  Kinh Mai Côi có sức mạnh tạo thành các vị thánh lớn và là sức mạnh chiến thắng kẻ thù của Giáo Hội.  Kinh Mai Côi là kho báu, ngoài Phụng Vụ và các Bí Tích.  Đó là kinh nguyện của Trời được dành riêng cho Giáo Hội khi gian nan, nguy khốn.  Thiên Chúa cần Kinh Mai Côi, và chính Đức Mẹ cũng đã khuyên chúng ta phải cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi để thế giới khả dĩ bình an, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima năm 1917.  Đó là năm của cuộc Cách Mạng Tâm Linh, vì Đức Mẹ đã tỏ mình là “Đức Mẹ Mai Côi.

Tại sao lại quan trọng?  Đơn giản thôi, vì Kinh Mai Côi là lòng sùng kính hoàn hảo gồm ba kinh nguyện quan trọng nhất – Kinh Lạy Cha (chính Chúa Giêsu dạy), Kinh Kính Mừng (một nửa là lời Sứ thần Gáp-ri-en, một nửa là lời cầu của cả Giáo Hội), và Kinh Sáng Danh (cơ binh Thiên Thần hát mừng Thiên Chúa, sách Khải Huyền cho biết).  Linh hồn chúng ta được dành cho Thiên Chúa và phải chiến đấu với ma quỷ.  Vì thế, Kinh Mai Côi được Thiên Chúa trao cho chúng ta qua mặc khải của Ngài về Mầu Nhiệm Cứu Độ, như Kinh Thánh đã cho biết, và được Giáo Hội chuyển giao.  Qua Kinh Mai Côi, chúng ta sống Mầu Nhiệm Cứu Độ của Đức Kitô, liên kết với Đức Mẹ và hiệp nhất với Giáo Hội.  Miệng tụng, tay lần, chúng ta cùng nhau “đếm” hồng ân Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Tóm lại, chúng ta liên kết trọn vẹn các thành phần của một Kitô hữu: thân thể, trí óc và linh hồn.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng Kinh Mai Côi là đường dẫn vào miền chiêm niệm sâu sắc: “Lý do quan trọng nhất để khuyến khích đọc Kinh Mai Côi vì Kinh Mai Côi là phương tiện hữu hiệu để các tín hữu chiêm niệm Mầu nhiệm Kitô giáo mà tôi đã đề xuất trong Tông thư Novo Millennio Ineunte (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới) là cách tập luyện nên thánh: Điều cần trong đời sống Kitô hữu được phân biệt trong Nghệ thuật Cầu nguyện” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 5, ban hành ngày 16-10-2002).

Có những động lực thúc giục chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, vì Kinh Mai Côi có sức mạnh vô hạn.  Tại sao?  Mỗi khi lần Chuổi Mai Côi, ít nhất 50 lần chúng ta lặp đi lặp lại mầu nhiệm đặc biệt nhất trong lịch sử: Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể, Thiên-Chúa-làm-người.

Điều chúng ta cần làm là xem lại lịch sử Giáo Hội và xem vai trò của Kinh Mai Côi quan trọng thế nào trong việc thay đổi lịch sử thế giới.  Bắt đầu từ thế kỷ XIII, Thánh Đa-minh được trao Chuỗi Mai Côi để làm phương tiện chống lại tà thuyết An-bi (*).  Thánh Đa-minh cầu nguyện và rao giảng Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã làm cho quân đội An-bi đã thất bại.  Thánh Louis de Montfort giải thích: “Kinh Mai Côi là ngọn giáo bằng lửa, được nối kết với Lời Chúa, tạo nên sức mạnh có thể hoán cải những tâm hồn chai lì…  Đây là bí mật mà Đức Mẹ đã dạy Thánh Đa-minh và Chân phước Alan để có thể hoán cải những người theo tà thuyết và các tội nhân” (Thánh Louis Marie-Grignion De Montfort, “Bí Mật Kinh Mân Côi”, đoạn 51).

Khi Hồi giáo đã lan tràn hầu như khắp Âu châu và họ nhắm vào Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi Hoàng đế lần Chuỗi Mai Côi xin chiến thắng hải quân của Hồi giáo đang tiến vào Ý quốc.  Tại chiến trận Lepanto nam 1571, quân đội Công giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo, nhờ sự can thiệp siêu nhiên là Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã cứu Âu châu thoát hiểm họa là tà thuyết An-bi.  Đức Giáo Hoàng Clement XI ghi nhớ chiến thắng này nên thiết lập lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng” vào ngày 7-10-1716, về sau được đổi tên là lễ “Đức Mẹ Mân Côi.

Không lâu sau đó, tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã xác nhận là “Đức Mẹ Mân Côi” và công khai kêu gọi chúng ta đọc Kinh Mai Côi để cầu nguyện cho hòa bình.  Thật kỳ lạ, ngày 6-8-1945, tại Hiroshima (Nhật Bản), tám khối nhà cao lớn đã tan thành bình địa vì bom nguyên tử nhưng có 8 tu sĩ Dòng Tên sống sót.  Được hỏi tại sao không bị nhiễm chất phóng xạ mà còn sống, tu sĩ Hubert Schiffer cho biết: “Chúng tôi tin mình còn sống vì chúng tôi sống theo mệnh lệnh Fatima.  Chúng tôi sống và hằng ngày lần Chuỗi Mai Côi.

Chuỗi Mai Côi có sức mạnh như Đức Mẹ đã nói, có sức nối kết chúng ta với Mầu Nhiệm Cứu Độ và Sức Mạnh của Đức Kitô – Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6).  Vì thế, ma quỷ RẤT GHÉT và RẤT SỢ Kinh Mai Côi. Nó luôn tìm mọi cách ngăn cản chúng ta đọc Kinh Mai Côi, nhất là trong các gia đình.

Kinh Mai Côi là bản tóm lược của Kinh Thánh.  Tôi xin đề nghị các gia đình mấy điều: (1) Nếu quá bận rộn và khó cùng nhau đọc Kinh Mai Côi chung trong vòng 20 phút, hãy cùng nhau đọc “hai chục” vào buổi sáng và đọc “ba chục” vào buổi tối (sau khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ), (2) Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, không có gì làm cho con cái bình an và chuẩn bị đi ngủ tốt hơn là đọc Kinh Mai Côi, (3) Điều quan trọng là hãy cố gắng suy niệm khi lần chuỗi, đừng đọc như vẹt hoặc đọc cho xong lần, (4) Hãy để một thành viên gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh trước mỗi chục kinh, chúng ta cần Kinh Thánh giúp suy niệm.

Hãy cố gắng duy trì việc đọc Kinh Mai Côi chung trong gia đình.  Hãy nghĩ rằng chúng ta được nhiều ân sủng cho linh hồn mình và cho các thành viên gia đình.  Rất chí lý khi Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.  Phải chăng vì “thuộc lòng” nên chúng ta chỉ như máy móc, không nhận thấy ý nghĩa và cần thiết?  Đức Mẹ không bao giờ quên những gì chúng ta làm vì yêu mến Mẹ, dù chỉ là điều nhỏ.  Món quà thật tuyệt vời chúng ta dành cho nhau: Kinh Mai Côi!

Để tạm kết, tôi xin nhắc lại lời của nữ tu Lucia dos Santos – người lớn nhất trong ba trẻ được thấy Đức Mẹ tại Fatima, nhắc chúng ta nhớ rằng Kinh Mai Côi là vũ khí đơn giản mà hiệu quả trong việc chiến đấu với ma quỷ và mọi thử thách, ngay cả mối đe dọa của cái gọi là IS (Nhà nước Hồi giáo), như một loại thế chiến mới, mối đe dọa này nhằm làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu, nhắm vào các thai nhi và gia đình.

Nữ tu Lucia nói: “Trong thời cuối cùng này, thời chúng ta đang sống, Đức Mẹ đã chỉ cho cách hiệu quả là đọc Kinh Mai Côi khi gặp bất cứ khó khăn gì, dù đời thường hoặc tâm linh, dù riêng hay chung,… Tất cả đều có thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi.  Không có khó khăn nào mà chúng ta không thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi” (Lm Augustín Fuentes phỏng vấn nữ tu Lucia dos Santos, 26-12-1957).

Ts Peter Howard (Giáo sư Thần Học tại Học Viện Đào Tạo Tâm Linh Avila)
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)

(*) Albigensianism: Phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác).

THÁNH MARIA MADALENA ĐỆ PAZZI (1566-1607)

Thánh Maria Madalena Pazzi sinh năm 1566 tại Florence.  Khi rửa tội Ngài được đặt tên là Catarina.  Ngay từ nhỏ, Ngài đã ham thích cầu nguyện và làm việc lành.  Muốn cho Ngài vui thích, cứ việc đọc cho Ngài nghe truyện các thánh hay là dẫn Ngài tới nhà thờ.

Lên 7 tuổi lòng thương người của Ngài đã tiến xa tới độ nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo.  Có dịp về miền quê, niềm vui chính của Ngài là tập họp trẻ em lại để dạy giáo lý cho chúng.  Một lần kia, khi mới bắt đầu dạy đạo cho một em bé con một nông dân, thì Ngài phải báo cho biết là phải trở về Florence.  Ngài đã buồn rầu đến độ không cầm được nước mắt, cha Ngài chỉ có thể an ủi Ngài bằng cách dẫn em bé ấy về để dạy cho xong.

Thánh nữ có lòng sùng kính phép Thánh thể một cách đặc biệt.  Lên 10 tuổi, tức là năm 1576, Ngài được rước lễ lần đầu.  Dịp này, Ngài đã khấn dâng mình trọn vẹn cho Chúa.  Năm 13 tuổi Ngài còn tự ý làm một mão gai để đội đầu mỗi khi đi ngủ để cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Đến 16 tuổi, Catarina đã ao ước được gia nhập dòng Carmêlô.  Sau một thời gian luỡng lự, cuối cùng cha mẹ Ngài đã chấp nhận, Catarina vào dòng ngày 14 tháng 8 năm 1582 và ngày 30 tháng giêng năm 1583, được mặc áo dòng với danh hiệu Maria Madalena.  Cuộc đời Ngài là một phép lạ liên tục.  Một cơn bệnh xâu xé Ngài.  Có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, chỉ vào cây thánh giá Ngài trả lời: – Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi.  Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình lên Thiên Chúa, họ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.

Đau đớn vì bệnh hoạn, thánh nữ lại hay xuất thần.  Những yếu tố ấy đều góp phần xây dựng đời sống thánh thiện của Ngài.  Dù suốt năm năm liền kể từ tháng 6 năm 1585, Ngài đã phải trải qua một cuộc thử thách dữ dằn, Thiên Chúa cho Ngài thấy sự dữ đang diễn ra trong Giáo hội, những xúc phạm do hàng giáo sĩ và do các giám mục gây nên.  Các tu sĩ trong cộng đoàn vấp phạm vì những khuyến cáo Ngài trình lên Đức gíao hoàng và các đức giám mục để thực hiện cuộc canh tân.  Sự nghi ngờ của họ trở thành sự khinh bỉ, khi thánh nữ chịu cơn thử thách khủng khiếp này, là thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi.  Thêm vào đó, Ngài còn bị cám dỗ trở nên kiêu căng thất vọng.

Dầu vậy, ý chí của Ngài bám chặt vào Chúa không ngơi, Ngài chỉ còn biết rên rỉ: – Tôi không hiểu mình có còn trí khôn nữa không.  Tôi không thấy mình còn có gì đáng kể ngoài một chút thiện chí là không bao giờ dám xúc phạm đến Thiên Chúa.

Nhưng nhìn lên thánh giá Ngài thêm phấn khởi: – Đừng chết, nhưng chớ gì được chịu đau khổ mãi.

Bị cám dỗ quá, Ngài gieo mình vào bụi gai, bình thường Ngài hãm mình kinh khủng và thường mặc áo nhặm.

Năm năm bão tố trôi qua nhằm lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong khi hát kinh tạ ơn, Maria Madalena đã bỗng xuất thần và thưa với bề trên trong niềm vui mừng: – Bão tố qua rồi, xin hãy giúp con cảm tạ Chúa tạo thành khả ái.

Từ đây Ngài chỉ còn ước muốn vô cùng là được làm việc để tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.  Ngài luôn tìm kết hiệp với thánh ý Chúa.  Thánh Thần đọc cho Ngài những ý tưởng thâm sâu và hai chị thơ ký đã ghi thành một pho sách được các người nhân đức và thông thái ở Ý chuẩn nhận.

Với nhiệt tình, Ngài đã nguyện hy sinh không muốn biết đến một sự dịu ngọt nào nữa.  Khi làm phó bề trên, Ngài bị tật bệnh dày vò lại còn mất ơn an ủi, cha linh hướng tìm cách an ủi, nhưng Ngài nói:

– Không, đó không phải là thứ an ủi con tìm kiếm. Con chỉ ước mong được đau khổ đến lúc cuối đời.

Khi sắp từ trần thánh nữ nói:

– Tôi sắp từ giã mà không hiểu tại sao một thụ tạo lại quyết tâm phạm tội chống lại Chúa tạo thành được.

Với các nữ tu vây quanh, Ngài nói những lời sau cùng:

– Tôi sắp từ giã các chị để đi vào vĩnh cửu, tôi xin các chị như là một ân huệ cuối cùng là chỉ yêu mến một mình Chúa, đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài và chịu đựng tất cả vì tình yêu Ngài.

Thánh nữ từ trần ngày 25 tháng 5 năm 1607.  Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Sưu tầm

TÌNH YÊU DIỆU VỜI

Một sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là “mầu nhiệm Ba Ngôi.  Phải hiểu thế nào kiểu nói “Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị?  Một mà ba, ba mà một!  Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!

Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?

Ủa!  Sao cha hỏi lại thế ?  Đúng là tôi đang yêu thật!

Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?

Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên!  Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!

Đúng lắm!  Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?

Hướng đến sự hiệp nhất!  Tất cả phải nên một!  Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống.  Tình đồng chí, tình bằng hữu… hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!

Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?

Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng.  Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì “anh nói em nghe, em nói anh nghe,” nhưng năm sau thì “cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!”  Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.

Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa.  Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi.  Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.

Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?

Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?

Thưa không!  Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình.  Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!

Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi.  Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu.  Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau :

Đố ai biết lúa mấy cây,
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.  Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa.  Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.  Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất.  Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định:  Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.  Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta.”

Kinh thánh mạc khải cho biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).  Mà nếu Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình.  Yêu là phải cho đi, phải san sẻ; và yêu cũng phải là đón nhận.  Thánh Augustinô đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu; Chúa Con là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu.

Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chuá Thánh Thần.  Trong mầu nhiệm tình yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.

Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung.  Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu.  Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.

Không ai lý giải cặn kẽ được tình yêu nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên cứ nhìn vào tấm gương tình yêu phản chiếu nơi con người, ta có thể bập bẹ đôi điều về Thiên Chúa:

1) Yêu là ra khỏi mình để hướng tới người khác:

Nói đến yêu là chúng ta nói đến người thứ hai, thứ ba, là nói đến một đối tượng khác với chúng ta.  Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu mà Ngài chỉ yêu một thân mình Ngài thì đó là ích kỷ, và như vậy không phải là Thiên Chúa của tình yêu.  Nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì Thiên Chúa ấy không cô độc một mình.  Từ đời đời Ngài đã hướng về Chúa Con, đã yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần.

2) Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau:

Nếu chúng ta chỉ yêu cái gì giống mình, cái gì hợp với sở thích của mình, chỉ yêu những người tốt bụng thì không phải là yêu người mà chỉ là yêu mình, là chúng ta đã bóp chết tình yêu, không làm nảy nở tình yêu.  Yêu thương là chấp nhận cái hay lẫn cái dở, sự giàu có lẫn sự nghèo nàn của người mình yêu vì họ khác với mình.  Chúa Cha yêu Chúa Con, nghĩa là Chúa Cha khác với Chúa Con.  Chúa Con phải là một Ngôi Vị khác với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa mới là Tình Yêu.

3) Yêu nhau là muốn nên một với nhau:

Càng yêu nhau thì càng hài hòa trong chính sự khác biệt, vì “yêu nhau củ ấu cũng tròn.”  Chúng ta vẫn thường nói về tình yêu vợ chồng: “Ta với mình tuy hai mà một.”  Bản chất con người là giới hạn nên sự hiệp nhất của con người không toàn vẹn, song quyền năng vô hạn của Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là trọn vẹn tuyệt đối.  Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hết mình, yêu đến quên mình nên đã trở nên một trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.

Như thế chỉ trong tình yêu, chúng ta mới dễ hiểu: tự bản chất, Thiên Chúa không thể là một ngôi vị đơn độc; và rằng chỉ trong tình yêu ‘chín bỏ làm mười,’ chúng ta mới hiểu được Thiên Chúa vừa là ba, lại vừa là một.

Chúng ta có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình: Gia Đình Thiên Chúa.  Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau.  Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu.  Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.  Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).  Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa (x. Mầu nhiệm Ba ngôi, Giáo lý GP Đà lạt).

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.  Ba Ngôi là một gia đình.  Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.  Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.  Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.  Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ.  Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.  Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.  Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.  Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.  Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh.  Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.  Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).  Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).

Người tín hữu đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.  Đức Hồng y Henry de Lubac diễn tả: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.  Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.  Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.  Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.  Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.  Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.  Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn và đau khổ.  Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x.Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4).  Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.  Thiên Chúa là tình yêu.  Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương.  Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một.  Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm.  Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu.  Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”  Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, sống tình yêu thương trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

THÁNH NHÂN HAY TỘI NHÂN?

Cuối cùng, chúng ta là thánh nhân hay tội nhân?  Tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta là lòng tốt hay ích kỷ?  Hay chúng ta là người hai mặt, với hai nguyên lý bẩm sinh, một tốt một xấu, luôn luôn đối nghịch nhau?

Chắc chắn, trong kinh nghiệm của mình, chúng ta cảm nhận có một xung đột.  Có một thánh nhân trong chúng ta muốn noi gương những gì cao cả của cuộc sống, và cũng có một cái tôi khác trong chúng ta lại muốn đi trên con đường xấu.  Tôi cảm mến lòng chân thành của Henri Nouwen khi cha nói lên xung đột này: “Tôi muốn là thánh nhân nhưng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ cảm xúc nào của một tội nhân.”  Điều này do áp lực lưỡng cực bên trong chúng ta làm cho chúng ta khó thực hiện những lựa chọn luân lý rõ ràng.  Chúng ta muốn những điều đúng đắn, nhưng cũng muốn những điều sai trái.  Tất cả mọi lựa chọn đều là một sự từ bỏ nên tranh chấp giữa thánh nhân và tội nhân bên trong chúng ta tự nó biểu lộ qua sự bất lực không thể thực hiện những chọn lựa chắc chắn của chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ cảm thấy áp lực này khi đấu tranh để có một quyết định luân lý rõ ràng, chúng ta còn cảm nhận áp lực này hàng ngày trong các phản ứng liên tục với những tình thế tác động bất lợi cho chúng ta.  Nói đơn giản, chúng ta luôn bị giằng co giữa nhỏ nhen và quảng đại, giữa hằn thù và tha thứ, bất cứ lúc nào chúng ta thụ động chịu tác động từ những người khác.

Ví dụ, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm như sau: chúng ta đang làm việc trong một tâm trạng tốt, nghĩ về những điều yên bình và nhẫn nại, ấp ủ những cảm giác ấm áp, không muốn hại gì ai, rồi một cộng sự viên không có thiện ý đến, họ khinh thường hay xúc phạm chúng ta theo kiểu nào đó.  Trong tích tắc, toàn bộ thế giới nội tâm của chúng ta bị đảo ngược.  Một cánh cửa đóng sầm lại, và chúng ta bắt đầu cảm thấy lạnh lẽo hằn học, nghĩ về bất kỳ điều gì ngoại trừ những gì nồng ấm, chúng ta dường như trở thành một con người khác, từ quảng đại thành hằn học, từ thánh nhân thành kẻ mang những cảm xúc giết người để mua vui.

Đâu mới là con người thật của chúng ta?  Thực sự chúng ta là gì, thánh nhân với tâm hồn quảng đại, hay tiểu nhân hằn học nhỏ nhen?  Dường như, chúng ta là cả hai, thánh nhân và tội nhân, vì lòng tốt và ích kỷ, cả hai đều luân lưu trong con người chúng ta.

Có một điểm hay là không phải lúc nào chúng ta cũng phản ứng giống nhau.  Đôi khi bị khinh thường, xúc phạm, thậm chí bị công kích bất công, chúng ta vẫn phản ứng kiên nhẫn, thông hiểu, và tha thứ.  Tại sao?  Điều gì thay đổi cơ chế hóa học trong con người chúng ta?  Tại sao có lúc chúng ta đáp lại sự nhỏ nhen bằng lòng quảng đại, và lúc khác bằng hận thù?

Xét cho cùng, chúng ta không biết được nguyên do, và đó là một phần trong mầu nhiệm tự do của con người.  Có những yếu tố nhất định đóng vai trò trong chuyện này: chẳng hạn nếu tâm chúng ta đang tốt thì khi gặp trường hợp chối bỏ, khinh thường, đối xử bất công, chúng ta dễ phản ứng một cách nhẫn nại và thông hiểu với lòng quảng đại hơn.  Ngược lại, nếu chúng ta đang mệt mỏi, áp lực, và cảm thấy mình không được yêu thương trân trọng, thì chúng ta dễ phản ứng tiêu cực, lấy hận thù đáp trả hận thù.

Nhưng, có lẽ, tận cùng, có một thực thể sâu sắc hơn nữa đang hoạt động trong tất cả các hành động của chúng ta, một thực thể vượt ngoài cảm xúc của chúng ta.  Cách chúng ta phản ứng với một tình huống, hiền hòa hay thù hằn, phần lớn dựa vào một điều gì đó khác hơn.  Các Tổ phụ ngày xưa có một khái niệm và đã định danh nó.  Họ  tin rằng mỗi chúng ta đều có hai phần hồn, một phần hồn rộng mở và một phần hồn nhỏ nhen, và cách chúng ta phản ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào, phần lớn dựa trên phần hồn mà chúng ta suy nghĩ và hành động với nó vào thời điểm đó.  Như thế, nếu tôi bị xúc phạm hay bị tổn thương, với phần hồn rộng mở của tôi, thì tôi dễ đáp trả bằng nhẫn nại, thông hiểu và tha thứ.  Ngược lại, nếu tôi bị xúc phạm và tổn thương khi phần hồn nhỏ nhen của tôi tác động, thì tôi dễ đáp trả bằng nhỏ nhen, lạnh lùng, và thù hằn.  Và theo các Tổ phụ, cả hai phần hồn này hiện diện trong lòng chúng ta, chúng ta vừa quảng đại vừa nhỏ nhen, vừa thánh nhân vừa tội nhân.  Thách thức của chúng ta là dùng phần hồn quảng đại nhiều hơn phần hồn nhỏ nhen.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận, đừng hiểu điều này theo thuyết nhị nguyên.  Khi xác nhận có hai phần hồn, một phần quảng đại và phần kia nhỏ nhen, các Tổ phụ không dạy chúng ta một biến thể của thuyết nhị nguyên cũ, cụ thể cho rằng trong chúng ta có hai nguyên lý bẩm sinh, một tốt một xấu, luôn luôn tranh chấp để giành quyền điều khiển tâm hồn và linh hồn của chúng ta.  Dạng tranh chấp này thực sự không diễn ra trong chúng ta, mà chỉ là giữa hai nguyên lý tách biệt này với nhau.

Thánh nhân và tội nhân bên trong chúng ta không phải là những thực thể tách biệt.  Đúng hơn, thánh nhân bên trong chúng ta, hay phần hồn quảng đại, không chỉ là cái tôi thực sự của chúng ta, mà đúng ra là cái tôi duy nhất của chúng ta.  Tội nhân trong chúng ta, hay phần hồn nhỏ nhen, không phải là một nhân thể riêng biệt hay một thế lực tinh thần riêng biệt cứ đấu tranh mãi với thánh nhân, mà đơn giản đó chỉ là phần bị tổn thương của thánh nhân, một phần của thánh nhân đã bị nguyền rủa và không bao giờ được chúc lành cho đúng.

Và không nên để cái tôi bị tổn thương của chúng ta lại bị quỷ hóa và bị nguyền rủa thêm lần nữa.  Đúng hơn, nó cần được đối đãi tốt và được chúc lành – và rồi như thế nó sẽ thôi không nhỏ nhen và thù hằn khi gặp phải nghịch cảnh.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Có người bảo Chúa Thánh Thần là Ngôi Vị hay bị quên. Người ta thường cầu xin Ngài khi bắt đầu gặp gỡ hội họp, nhưng sau đó chẳng ai còn nhớ đến Ngài nữa.  Thật ra Chúa Thánh Thần ở gần ta hơn ta nghĩ rất nhiều, đến độ nếu không có Thánh Thần thì chẳng có Kitô giáo, cũng chẳng có kitô hữu.   Đời kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng không có khuôn mặt hữu hình như Đức Giêsu, nhưng các hoạt động của Ngài thì có thể thấy được.

Dần dần Hội Thánh sơ khai nhận ra rằng Thánh Thần không chỉ là một quyền năng từ trên cao, mà còn là một Đấng, một Ngôi Vị thần linh như Cha và Con.  Ngài còn được gọi là Thần Khí, hay Đấng Bảo Trợ.  Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Thánh Thần là Chúa, và là Đấng ban sự sống, đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con.  Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.  Nước là nguồn mạch đem lại sự sống, nên Đức Giêsu ví Thánh Thần với mạch nước vọt lên, mạch nước đem lại sự sống đời đời (Ga 4,14).

Ai tin vào Đức Giêsu sẽ được lãnh nhận Thần Khí như những dòng sông đầy tràn nước hằng sống (Ga 7,38-39).  Hơi thở là dấu hiệu của sự sống.  Đức Giêsu phục sinh đã trao ban Thánh Thần cho môn đệ
bằng cách thổi hơi thở của mình trên các ông (Ga 20,22).

Thánh Thần là hơi thở của Đấng đầy tràn sức sống mới.  Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.  Ngài hiện diện và hoạt động trong mọi Bí tích.  Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta được tái sinh trong nước và Thánh Thần (Ga 3,5), được rửa tội nhân danh Thánh Thần để thành thụ tạo mới.  Khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần, và được sai đi làm chứng cho toàn thế giới (Cv 1,8).  Khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, ta được tha tội nhờ quyền năng của Thánh Thần (Ga 20,22-23).  Khi linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể, trước khi đọc lời truyền phép trên bánh và rượu, linh mục cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến trên lễ vật để biến đổi chúng thành Mình và Máu Chúa Giêsu.

Lời Chúa mà ta đọc và nghe trong Thánh Lễ là Lời đã được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần (MK 12).  Lời ấy sẽ được rao giảng nhờ Thánh Thần soi sáng (MK 9).  Đức Giêsu nhận mình là Đấng ban sự sống (Ga 5,21; 17,2).  Khi về với Cha, Ngài ban cho ta Thánh Thần.  Thánh Thần là Đấng ban sự sống, Đấng sẽ ở với, ở bên và ở trong chúng ta mãi mãi (Ga 14,16-17).  Thân xác chúng ta đáng quý vì là Đền Thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19).  Thánh Thần là Thầy giúp ta nhớ lại giáo huấn của Đức Giêsu, và dẫn ta tới sự thật toàn vẹn và trọn vẹn (Ga 14,26; 16,13).

Thánh Thần là vị Thầy dạy ta cầu nguyện, dạy ta gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! (Rm 8,15; Gl 4,4).  Thánh Thần vừa ban ơn riêng cho từng người (1 Cr 12,4-11), vừa hiệp nhất mọi người thành một thân thể (1 Cr 12,13).

Không thể nào hình dung một Hội Thánh mà lại không có Thánh Thần.  Thánh Thần là “linh hồn” của Hội Thánh.  Kinh Sáng Danh cổ xưa nhất là: “Sáng danh Đức Chúa Cha, nhờ Đức Chúa Con, và trong Chúa Thánh Thần.”

Kitô hữu là người sống trong Thánh Thần của Đức Giêsu.  Dù chúng ta đã lãnh bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nhưng chúng ta vẫn phải luôn cầu xin Cha trên trời ban cho ta Thánh Thần mỗi ngày (Lc 11,13).  Càng để cho Thánh Thần tự do hoạt động trong cuộc sống, cây đời của chúng ta càng sinh hoa trái tốt tươi (Gl 5,22-23).

***************************

Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.

Vì không có Thánh Thần,
Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,
Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,
Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,
Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức trần thế.

Vì không có Thánh Thần của Cha,
quyền uy trở thành sức mạnh thống trị,
truyền giáo trở thành tuyên truyền,
việc phụng tự trở thành một thứ lễ bái,
cách hành xử của Kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.

Nhưng nếu có Thánh Thần,
vũ trụ này được nâng lên,
những quặn đau để sinh ra Nước Cha mang ý nghĩa,
Đức Kitô phục sinh thật sự hiện diện,
Tin Mừng thành sức sống vô bờ,
Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.

Nếu có Thánh Thần của Cha,
quyền uy của Hội Thánh là khí cụ phục vụ,
truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,
phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,
các hành động của con người mang tính thần linh.

Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con.

(dựa theo Đức Thượng phụ Athenagoras)

NĂNG LỰC THÁNH THẦN

Trước ngày Chúa Thánh Thần đến, các Tông Đồ sống lẩn trốn trong phòng.  Một sứ vụ lớn lao được trao phó cho các ngài nhưng vì các ngài chưa có sức mạnh và ý hướng để thi hành sứ vụ đó.  Chỉ sau ngày Thánh Thần đến, các ngài trở nên những con người được biến đổi hoàn toàn.  Các ngài bắt đầu rời bỏ những nơi ẩn trốn và bắt đầu trở nên can đảm rao giảng Tin Mừng.

Vậy Thánh Thần đã làm gì trên các ngài?  Trong lời hứa ban Thánh Thần, Chúa Giêsu nói với họ: “Khi Thánh Thần đến, các con sẽ nhận được sức mạnh và sẽ làm chứng cho Thầy không phải chỉ ở Giêrusalem, nhưng… đến tận cùng trái đất” (Cv 1,18).

Thiết nghĩ, từ chìa khóa trong lời hứa ấy chính là “sức mạnh.”  Đây chính là thứ mà các Tông Đồ đang cần nhất.  Vì ngay giờ phút đó, các ngài trở nên mạnh mẽ và hoàn toàn loại bỏ được yếu hèn, sợ hãi những mặc cảm… trước đó.  Họ đã mạnh mẽ thực hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu cách công khai.  Sau cùng các ngài đã làm chứng về những gì đã xảy ra nơi Đức Giêsu.  Họ cần sự can đảm, cần một ai đó ban sức mạnh cho họ.

Việc trao ban “năng lực” là một trong những từ ngày nay dùng với ẩn ý sâu xa.  Điều này hoàn toàn có nguyên nhân chính đáng.  Chúng ta thử quan sát một vài cá nhân hay một nhóm người mà ban đầu họ cảm thấy bất lực trước tình huống khó khăn, nhưng thình lình họ trở nên có khả năng để xoay chuyển tình huống ấy khi có một ai đó thêm sức mạnh cho họ.  Chúng ta thấy trong một đội bóng đá, người quan trọng và có thể làm thay cho cả đội ấy là người biết khích lệ tinh thần, biết thúc đẩy để đồng đội chơi tích cực hơn.  Khi những cầu thủ khác thiếu tự tin thì nhờ lời động viên, khích lệ họ trở nên mạnh mẽ và đầy tự tin, từ đó có thể chơi hay hơn, thậm chí họ có thể chơi hay hơn đến nỗi không thể hay hơn được.

Vậy việc trao ban “năng lực” nghĩa là gì?  Trước hết, nó diễn tả việc ban quyền năng hay sức mạnh cho ai đó.  Điều này không đúng với hoàn cảnh của các Tông Đồ.  Vì không phải khi Thánh Thần đến họ mới được ban quyền năng mà thật ra các ngài đã nhận từ Chúa Giêsu.

Trường hợp thứ hai, có nghĩa trao cho ai khả năng để họ có thể làm một việc nào đó.  Đây là cách nghĩ thông thường với từ “được ban năng lực” và diễn tả cách chính xác trường hợp các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Khi người ta được năng lực, họ trở nên có khả năng và có ý hướng để thay đổi tình huống.  Họ không chờ đợi ai khác để làm thay họ.  Họ chấp nhận và tự mình có thể gánh vác trọng trách ấỵ

Chúa Thánh Thần đã ban năng lực cho các Tông Đồ.  Ngài đã ngự xuống trên các ngài qua hình thức gió và lửa.  Gió và lửa (sức nóng) là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh.  Gió có sức mạnh di chuyển, nhổ lên.  Lửa có sức mạnh tôi luyện và biến đổi.

Sức mạnh mà chúng tượng trưng ở đây chính là sức mạnh của Thiên Chúa.  Ở đây, chúng tượng trưng cho sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần đến để cung cấp cho các Tông đồ năng lượng, động lực, sự hăng say, sự cam đảm và tình yêu để các ngài có thể đảm nhận sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác.  Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông, nhưng Ngài không làm thay cho các ông.

Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng sự biến đổi nơi cácTông đồ xảy đến trong chốc lát.  Nhưng nó là cả một quá trình tiệm tiến, là một tiến trình lớn lên.  Đôi khi sự lớn lên này có thể diễn ra cách chậm chạp và mang lại đau đớn.  Vì chúng ta không dễ để từ bỏ những lối sống cũ, những thói quen cũ, tập quán cũ và những thái độ cũ…

Người ta chỉ có thể thay đổi khi được một ai đó còn biết hy vọng vào họ; khi một ai đó đặt niềm tin nơi họ mà trao cho họ một nhiệm vụ nào đó; khi một ai đó còn quan tâm đến họ.  Nhưng vượt trên tất cả là họ chỉ thay đổi khi họ cảm thấy mình được yêu thương.  Khi đó, họ sẽ chui ra khỏi cái vỏ mặc cảm và nhận ra được có một sức mạnh đã tiểm ẩn từ lâu trong họ.  Chỉ có phép lạ của người biến đổi mới là phép lạ thật sự.

Chúng ta cũng cần một ai đó ban năng lực, đánh thức chúng ta để chúng ta có được động lực trong cuộc sống, để sống đáp lại một cách có trách nhiệm.  Điều này có nghĩa là chúng ta phải biến đổi những gì cần được biến đổi.  Nhưng đặc biệt, chúng ta cần nguồn năng lực để có thể làm chứng cho Chúa Giêsu, cho đức tin Công giáo của chúng ta.  Năng lực đã biến đổi các Tông đồ ngày xưa vẫn còn có giá trị đối với chúng ta hôm nay.  Chính Chúa Thánh Thần là động lực và sức mạnh cho tinh thần của chúng ta, sưởi ấm và biến đổi con tim ta trở nên tinh tuyền.

Viết theo Floy McCarthy

THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Việc tôn kính thánh Matthias chỉ xuất hiện tại Rôma vào thế kỷ IX.  Lễ của ngài được cử hành vào Mùa phục sinh, phù hợp với câu chuyện bầu cử ngài diễn ra giữa hai ngày lễ Chúa Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 15-26).

Matthias (hay Mathias) tiếng Do Thái mattatyah (= hồng ân của Thiên Chúa) là môn đệ của Đức Giêsu.  Vài Giáo phụ như Clément d’Alexandrie, đồng hóa ngài với Giakêu.  Có lẽ ngài chết tử đạo ở Giêrusalem.  Song một truyền thống khác nói ở Éthiopie.  Thánh tích của ngài được tôn kính tại Trèves (Đan viện thánh Matthias) và tại Rôma (Đền thờ Đức Bà Cả).  Ngài được minh họa, tay cầm giáo hay thanh kiếm, và đôi khi lại bị gươm kiếm đâm thâu qua.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Câu chuyện trong Công vụ đọc vào ngày lễ (1,15-26) thuật lại diễn từ của Phêrô trước việc rút thăm chọn Matthias. Các Tông Đồ ý thức việc cần lập một nhóm Mười Hai tách biệt, được Đức Giêsu tuyển chọn để tiếp tục sứ vụ của Người. Vì con số ấy chỉ còn Mười Một sau bội ước của Giuđa Iscariote, nên cần một người khác nhận phần việc thay cho kẻ phản bội (Cv 1, 21), để số 12 trong Tông Đồ đoàn luôn được đầy đủ.

Quả vậy, trong Kinh thánh, con số “mười hai” được xem như là con số linh thánh và mang ý nghĩa tượng trưng: các môn đệ Đức Giêsu sẽ ngồi trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Israel (Mt 19, 28; Lc 22, 30), và Giêrusalem mới sẽ có mười hai cửa mang tên mười hai chi tộc Israel.  Cũng thế, mười hai nền móng của thành thánh mang tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (Kh 21, 12 – 14).

Phêrô nhắc lại các điều kiện cần thiết để được nhập vào nhóm Mười Hai và như thế tham gia vào sứ vụ đầu tiên của nhóm trong tư cách là những người trực tiếp làm chứng về Đức Kitô sống lại, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8).  Người được chọn phải là một trong các chứng nhân về cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cho đến khi Người lên trời.  Phêrô nói: Vậy một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh (Cv 1, 22: bài đọc một trong Thánh lễ; xem Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu trong Kinh sách).  Chính cảm nghiệm trong tư cách chứng nhân trực tiếp về đời sống và nhất là về sự sống lại của Thầy mình, đã đem lại cho nhóm Mười Hai sự bảo chứng, sức mạnh và sự khả tín trong sứ vụ Tông Đồ Tin Mừng của mình.

b. Phụng Vụ lễ thánh Matthias cũng nhấn mạnh một phương diện khác, không những về ơn gọi của nhóm Mười Hai, mà còn về mọi ơn gọi khác. Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15,9 –17): bài Tin Mừng Thánh lễ). Như thế, khi Phêrô mời gọi cộng đoàn một trăm hai mươi anh em rút thăm một trong hai ứng viên để được sát nhập vào nhóm Mười Hai, thì cả hội nghị cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai … (Cv 1, 24).

c. Ơn gọi của thánh Matthias cũng nhắc chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được hưởng “gia sản của các thánh trong ánh sáng của Chúa” (lời nguyện sau hiệp lễ). “Hãy nhìn xem tình yêu Chúa cao cả dường bao! Chúng ta là con Thiên Chúa, được tiền định trong thánh Tử độc nhất của Người…  Mắt nhìn lên thành trì hoan lạc, chúng ta sẽ thấy được thánh Nhan uy nghi của Người” (xướng đáp bài đọc – Kinh sách)

Enzo Lodi
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

THÁNH GIOAN THÀNH AVILA TIẾN SĨ MỚI CỦA GIÁO HỘI

Chúa Nhật 7 tháng 10 năm 2012, trong khuôn khổ Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ tôn phong hai vị thánh tiến sĩ mới của Giáo Hội: đó là thánh Gioan Avila người Tây ban nha, và thánh nữ Ildegarda di Bingen, người Ðức.  Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị vài nét nổi bật trong cuộc sống và linh đạo của thánh Gioan Avila.  Ngài sẽ là vị Tiến sĩ thứ 34 của Giáo hội.  Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI bày tỏ hy vọng rằng “lời nói và gương sáng của vị mục tử xuất sắc này sẽ soi sáng cho tất cả các linh mục, và cho những người mong đến ngày truyền chức linh mục của họ.”

Thánh Gioan thành Avila sinh ra ở Campo, Ciudad Real, năm 1500, trong một gia đình khá giả, và Ngài được giáo dục trong đức tin Kitô giáo.  Sau khi hoàn tất chương trình luật tại đại học Salamanca trong vòng 4 năm, ngài dự tính sẽ sống một cuộc đời ẩn dật.  Tuy nhiên, nghe theo lời khuyên của một Tu sĩ Dòng Phanxicô, chàng thanh niên này tiếp tục đăng ký vào trường đại học Alcala để học triết học và thần học.  Một trong những giáo sư của ngài là thần học gia nổi tiếng Dòng Ða Minh, Domingo de Soto.  Trong thời gian học, thân phụ và thân mẫu của ngài đã được Chúa gọi về, và cả hai được mai táng trong một giáo xứ trong địa phương, nơi sau này ngài đã dâng thánh lễ mở tay vào năm 1526.  Trong thánh lễ này, thánh nhân đã bán tất cả tài sản của gia đình và phân phát cho người nghèo.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài đi đến Seville để chuẩn bị đi truyền giáo ở Châu Mỹ.  Trong lúc chờ khởi hành, vị tân linh mục này dấn thân vào việc dạy giáo lý và rao giảng.  Quá ấn tượng về ngài, Cha Fernando Contreras đã thúc giục vị tổng Giám mục Seville giữ Gioan lại Tây Ban Nha.  Vâng phục đấng bản quyền, Gioan Avila đã bắt đầu dấn thân vào sứ mạng ở miền Nam Tây Ban Nha.

Thành công đến dường như ngay lập tức, nhiều người đã đến và nghe ngài giảng.  Nhưng không may, chính sự thành công này dẫn đến những mối ghen tương và hiểu lầm, và Gioan Avila đã bị kết án lạc giáo vào năm 1531.  Ngài đã bị tuyên án bởi toà án Truy tà và phải ở tù một năm.  Có thể đối với nhiều người đó là một tai họa, còn đối với thánh nhân thì đó là một ân phúc của Thiên Chúa.  Ngài nói rằng chính thời gian ở trong tù, ngài đã học được nhiều hơn tất cả những gì mà ngài đã học được trước đây.  Trong tù, ngài đã viết tác phẩm Audi, filia, một tác phẩm giúp hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, tác phẩm này được viết cho một người phụ nữ trẻ tuổi đang sống đời thánh hiến dưới sự hướng dẫn của ngài.  Cũng chính trong tù, Gioan đã nghiên cứu về thư Phaolo và sau này, một linh mục thánh thiện đã nghe ngài giảng đã thốt lên: “Tôi đã nghe Phaolô giải thích về Phaolô.”  Sau khi được thả và được minh oan, ngài dấn thân vào sứ mạng rao giảng ở Cordoba vào năm 1535.  Ngài là người đã ảnh hưởng nhiều đến các vị thánh như Gioan Thiên Chúa, Phanxico Borgia.  Ngài thường được gọi là “thầy dạy”, một tước hiệu mang ý nghĩa học thuật, nhưng với Gioan Avila, khi sử dụng tước hiệu này, người ta thường nhấn mạnh đến chiều kích ơn gọi linh mục, nghĩa là thầy dạy, người dẫn dắt và hướng dẫn các linh hồn.

Gioan Avila mất vào ngày 10 tháng 5 năm 1569, hợp với mong ước của ngài, thánh nhân đã được chôn cất trong nhà thờ Dòng tên tại Montilla.  Ngài được phong chân phước vào ngày 15 tháng 9 năm 1894 và được tôn phong làm bổn mạng các linh mục giáo phận tại Tây Ban Nha vào ngày 2 tháng 7 năm 1946, và được Ðức Thánh Cha Phaolo VI phong thánh vào 31 tháng 5 năm 1970.

Là một linh mục giáo phận, nhưng Gioan Avila lại có một đời sống thánh thiện trỗi vượt, mang âm hưởng của một vị ẩn sĩ.  Ðối với thánh nhân, cầu nguyện là chiều kích quan trọng nhất trong đời sống của mình.  Cầu nguyện là một sự đáp trả chính yếu của niềm tin.  Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều lá thư ngài viết.  Khi nhận được những lá thư liên quan đến những vấn đề về thiêng liêng, ngài không vội trả lời ngay không phải vì quá bận rộn hay vì một sự bất cẩn nào đó, đúng hơn ngài cần thời gian để cầu nguyện.  Chỉ sau khi đã cầu nguyện và suy xét cẩn thận, ngài mới viết thư trả lời và thường kèm theo đó là một lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình.  Ðời sống cầu nguyện của ngài không tách khỏi đời sống thường ngày, cầu nguyện luôn dẫn đến hành động và biến đổi.

Là một linh mục giáo phận nhưng thánh nhân lại hết sức yêu mến và sống triệt để tinh thần của ba lời khuyên phúc âm.  Chính sự ôm ấp và yêu mến đời sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục cho phép thánh nhân giúp đỡ và có mối tương giao với nhiều tu sĩ.  Chính vì việc trở nên giống Ðức Ki-tô đã giúp trổ sinh hoa trái nơi những người mà ngài phục vụ.  Ðời sống của ngài không gì khác là một sự phản ánh tình yêu thương và khao khát dành cho Ðức Ki-tô bị đóng đinh.  Ngài ôm ấp các lời khuyên phúc âm trong một thời đại mà hầu hết các linh mục giáo phận đang làm điều ngược lại.

Thật vậy, theo truyền thống ở Tây Ban Nha, trong thời đại của ngài, một vị tân linh mục sẽ mở một bữa tiệc, mời bạn bè và những người thân của mình đến tham dự.  Thay vì làm theo truyền thống, Gioan đã đi ra các đường phố, chọn lấy 12 người nghèo, rửa chân cho họ và xem họ như những vị khách quý.  Tình yêu của ngài đối với đời sống nghèo cũng được thể hiện trong đời sống thường ngày.  Ngài thường từ chối ở lại các khách sạn hay những nơi ở sang trọng.  Thánh nhân nhận thấy nghèo khó là một điều rất cần thiết đối với đời sống linh mục.  Ðức khiết tịnh được ngài gìn giữ một cách chắc chắn ngang qua tình yêu mạnh mẽ dành cho Thiên Chúa.  Tuy nhiên, thánh nhân cũng không bao giờ thiếu đi sự thận trọng cần thiết.  Ngài chưa bao giờ gặp gỡ một phụ nữ ở một nơi riêng tư.  Ðời sống của ngài cũng được ghi dấu mạnh mẽ về sự vâng phục.  Ngài đã vâng phục vị linh mục dòng Phanxico để trở nên một người phục vụ Chúa thay vì trở nên một ẩn sĩ như ước muốn ban đầu.  Sau khi chịu chức, dù khao khát truyền giáo, nhưng ngài dã vâng phục giám mục để ở lại Tây Ban Nha, nơi có nhiều điều để làm.  Thái độ đáp trả không một chút đắn đo thể hiện một sự quy phục mạnh mẽ mà Ngài dành cho Thiên Chúa, một sự tin tưởng tuyệt đối với Chúa Quan Phòng.  Như vậy, chính việc giữ đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà đời sống của Gioan Avila được gắn chặt với thập giá của Chúa Kitô.  Chính sự thánh hiến liên lỉ này đã gìn giữ đức tin của ngài và làm cho nó trổ sinh hoa trái.

Thánh Gioan Avila cũng được nhắc đến như là một người có những đóng góp quan trọng trong việc đổi mới đời sống của các linh mục.  Thánh nhân đã liên kết chức vụ tư tế với bí tích Thánh Thể và xem sự thánh thiện như là một phẩm chất trỗi vượt của một vị linh muc, người đóng vai trò là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.  Ngang qua chức vụ tư tế, “bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta.”  Ngài khẳng định rằng không có một sức mạnh nào trên thế gian có thể mạnh hơn sức mạnh của các linh mục, vì “họ có sức mạnh của chính Thiên Chúa.”  Vì các linh mục phải là người có phẩm giá trổi vượt như là vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người nên ngài phải trở nên thánh thiện.  Ðức Ki-tô là trung gian duy nhất và là Vị Thượng Tế Tối Cao, nhưng các linh mục cũng được chia sẻ chức vụ này trong Ðức Ki-tô và trên bàn thờ, Linh mục là đại diện của Ðức Ki-tô khi ngài dâng chính mình lên Chúa Cha.  Vì thế, linh mục phải là người kết hợp thân mật với Thiên Chúa và phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.  Ngoài ra, chức vụ tư tế cũng là món quà Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội, và không ai có thể lãnh chức vụ này ngoại trừ những người được Thiên Chúa kêu gọi, được Giáo hội phê chuẩn ngang qua vị Giám mục bản quyền.

Thánh Gioan Avila cũng là một người có lòng nhiệt thành và có những đóng góp lớn lao trong việc cải cách Giáo hội.  Ngài cho rằng để có thể cải cách Giáo hội, mỗi người phải hoán cải đời sống của mình.  Mỗi người trong chức vụ của mình phải hoán cải đời sống không ngừng.  Các Giám mục nên đưa những đề tài thảo luận vào đời sống thực tiễn.  Thánh nhân mời gọi các Giám mục xem xét đời sống của chính mình và những thái độ nền tảng của họ khi thực thi nhiệm vụ và thái độ mà họ có đối với các linh mục.  Họ phải đảm bảo rằng thái độ của họ phải xứng hợp với thái độ của Ðức Ki-tô, Ðấng mà họ là đại diện.  Ðể có thể thực thi điều đó, các Giám mục phải đồng hành với các linh mục và lấy tình yêu phụ tử mà đối xử với các ngài.  Ngài mời gọi các giám mục hãy trở thành những người tôi tớ trong khi đối xử với các linh mục, chứ không như những ông chủ với những người tôi tớ.  Nếu các GM khởi đi từ thái độ này, con đường phía trước sẽ trở nên sáng lạng và đó chính là con đường của Ðức Ki-tô, Ðấng là lớn nhất nhưng đã tự ý trở nên rốt hết.

Ðể thực hiện một sự đổi mới nới hàng giáo phẩm, thánh Gioan Avila cho rằng các giám mục cần thực thi hai điều: thứ nhất, không chấp nhận những người không phù hợp vào ơn gọi linh mục và thứ hai, phải đổi mới chương trình huấn luyện quá nghèo nàn dành cho các ứng viên linh mục.

Thật vậy, nguyên nhân chính làm hủy hoại hàng giáo phẩm chính là việc một số người ước muốn chọn lựa ơn gọi này vì những tham vọng hết sức trần thế.  Do đó, trước hết, thánh nhân đề nghị các linh mục phải cẩn trọng trong việc tuyển lựa các ứng viên.  Thánh nhân nhấn mạnh rằng các ứng viên không phù hợp không thể được nhận dưới bất kỳ điều kiện nào.

Phẩm chất qua trọng nhất của ứng sinh phải là khả năng trí thức và thiêng liêng.  Thánh nhân nói rằng các ứng sinh phải có khả năng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc học, nhưng điều đó cũng không bỏ qua khía cạnh đồng hành cá nhân, nghĩa là tùy theo khả năng của từng người mà giúp họ dấn thân trọn vẹn vào việc đào luyện tri thức.  Khả năng tri thức rất quan trọng nhưng khả năng về thiêng liêng còn quan trọng hơn.  Kế đến, thánh nhân đề nghị các giám mục cần phải thiết lập các chương trình huấn luyện và giáo dục chặt chẽ.  Chương tình huấn luyện dành cho các linh mục theo khuôn mẫu của ngài đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của Công đồng Trento về đào tạo các linh mục.  Chương trình này có ba thành tố chính: Ðời sống cộng đoàn, huấn luyện sâu xa thần học và các giáo thuyết, và việc học chuyên môn.  Nhiều điểm mà Gioan Avila đã đề nghị trong công đồng Trentô và những bài viết khác của ngài về chức vụ tư tế đã trở nên một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội.  Chúng ta mang ơn ngài vì những những đóng góp của ngài cho Công Ðồng Trentô, nhưng rõ ràng những tiếng nói của ngài vẫn còn âm vang trong Giáo Hội khi Giáo Hội đang thực hiện một tiến trình đổi mới trong chức vụ tư tế hậu công đồng Vaticano II.

Nhiều người nghĩ rằng việc đọc về hạnh các thánh giống như đọc những câu chuyện cổ tích hay thần thoại vì nó không thể áp dụng vào đời sống thực tiễn.  Với họ, những điều mà các vị thánh làm quá phi thường và vượt sức con người.  Chỉ có những người được đặc ân mới có thể sống như vậy.  Nếu nghĩ như vậy thì sẽ không đúng với trường hợp của thánh Gioan Avila.  Thánh Gioan Avila không được phong Tiến Sĩ Hội Thánh vì những việc thực hành đạo đức của ngài như việc đánh tội, ăn chay lâu ngày.  Ngài chỉ là một linh mục, sống và thi hành sứ mạng của mình với một tình yêu lớn lao dành cho Ðức Ki-tô và cho con người.  Ðời sống của ngài được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và tình yêu dành cho Ðức Ki-tô.  Chính tình yêu này đã làm sống động toàn bộ đời sống của Ngài: cầu nguyện, giảng dạy, hướng dẫn thiêng liêng, và sống những gì mình giảng dạy.  Chính tình yêu dành cho Ðức Ki-tô và con người đã thúc đẩy ngài dấn thân vào sứ mạng cải cách hàng giáo sĩ.  Chân phước Gioan Phaolo II đã nói về thánh nhân rằng: “Thánh Gioan Avila đã làm việc một cách can đảm để các linh mục có thể đáp lại với những dự án đổi mới đầy tham vọng của thời đại với một đời sống nội tâm sâu xa, một nền tảng huấn luyện trí thức vững chắc và một sự trung tín không bao giờ cạn đối với Giáo hội và một khao khát liên lỉ mang Ðức Ki-tô đến cho người khác.  Trong thời đại mà giáo hội đang bị suy sụp bởi Phong trào cải cách thì Gioan Avila đã dấn thân phục vụ Giáo hội không biết mệt mỏi.”

Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J
(Radio Vatican)

Tài liệu:

  1. La Figura Del Maestro San Giovanni D’avila
  2. The Eminent Doctrine of St. John of Avila: A Most Dynamic Priesthood
  3. Saint John of Avila and the Reform of the Priesthood

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

Thủ lãnh của một bộ tộc nằm hấp hối trên giường.  Ông cho gọi ba người thân cận đến và nói:  Ta phải chọn một người kế tục.  Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi thiêng liêng của chúng ta và mang về đây cho bộ tộc một món quà quý giá nhất.

Người thứ nhất mang về một thỏi vàng lớn.  Người thứ hai mang về một viên ngọc quý.  Người thứ ba trở về tay không.

Ngạc nhiên, vị tù trưởng hỏi: món quà quý giá của ngươi đâu?

Anh điềm tĩnh trả lời: khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể có một cuộc sống sung túc tốt đẹp.

Thủ lãnh nói: Ngươi sẽ nối nghiệp ta vì ngươi đã mang về món quà quý giá nhất là một viễn tượng tương lai tốt đẹp.

Chúa Giêsu về trời mở ra một viễn tượng tương lai tốt đẹp là hạnh phúc thiên đàng.  Người đi trước mở đường và dẫn chúng ta lên theo Người.

Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.  Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Marcô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Còn theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.  Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.  Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và củng cố đức tin của các Tông Đồ.  Giáo hội đã được thiết lập nay được củng cố để được sai đi.  Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa.  Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ.  Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.

Chúa Giêsu lên trời. Những chữ lên trời bị chi phối bơi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó,các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới,trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi,đã thấm nhuần tinh thần.

Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình.  Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hóa và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha.  Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn.  Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi.  Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.  Chúa Giêsu lên trời.  Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác.  Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác.  Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.  Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau.  Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt.  Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối.  Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.  Như thế trời là niềm hy vọng của con người.  Con người không còn bị trói chặt vào trần gian.  Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ.  Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi.  Trời cho con người một lối thoát.  Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc.  Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.  Trời nâng cao địa vị con người.  Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với loài vật.  Loài vật sinh ra để tàn lụi.  Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa.  Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian.  Trời không phải là cõi mơ mộng viễn vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.  Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.  Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho Nước Chúa.  Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn.  Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.  Chính Chúa Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời.  Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi.  Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó.  Đi đến đâu là làm cho hạt yêu thương nảy mầm lên màu xanh sự sống đến đó.

Người môn đệ của Chúa sống giữa trần gian, yêu mến trần gian, xây dựng trần gian.  Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.  Tuy nhiên ta làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời.  Yêu mến trần gian vì nước trời.  Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.  Sống giữa thế gian, chúng ta “ái mộ những sự trên trời” như lời kinh hạt: “Thứ năm thì ngắm, Ðức Chúa Giêsu lên trời.  Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”  Nhưng vẻ đẹp trên trời là vẻ đẹp của tâm hồn, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, vẻ đẹp nghèo khó Phúc Âm, khiêm nhường, đơn sơ, thanh tịnh.  Đây là vẻ đẹp và sự quyến rũ của nhân đức, một vẻ đẹp hoàn toàn khác với những vẻ đẹp và sự quyến rũ thuộc trái đất.  Nhiều người đã bỏ ra hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Mỹ kim để làm đẹp, để khoa trương sự giàu có và để được người khác ca tụng.  Nhiều người không sợ trải qua những cuộc giải phẫu nguy hiểm, đau đớn cốt sao để thấy mình đẹp hơn, để thấy mình hơn người khác.  Nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận những thách đố lớn lao để chạy đua vào những chiếc ghế quyền lực.  Nhưng ít ai bỏ ra một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, hoặc một năm để lo tu sửa và chỉnh trang lại vẻ đẹp của tâm hồn.

Trên thực tế, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân, đức nghèo khó, đức đơn sơ, và đức trong sạch là những đòi hỏi rất cần thiết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân nước.  Ðó là những gì cụ thể có thể giúp con người chiếm hữu được vĩnh hằng.  Rất tiếc, đó cũng là những gì mà nhiều người từ khước, bởi vì chúng không phù hợp với nhãn quan và suy tư của con người.

Giáo Hội đã thôi thúc và khuyến khích mỗi Kitô hữu hãy tìm kiếm và yêu mến những sự trên trời.  Cầu xin cho được ơn ái mộ là cầu xin Thánh Linh khai mở tâm hồn và trí tuệ để chúng ta có thể nhìn, và có thể hiểu được vẻ cao quí của những giá trị tinh thần ấy.  Nhận thức về thế giới tâm linh là một nhận thức ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ tự nhiên con người.  Những gì thuộc về thần linh là thần linh.  Con người cần được soi dọi và khai mở bởi sức mạnh huyền nhiệm của Thánh Thần.  Chỉ khi nào trí óc ta, trái tim ta được Ngài khai mở, lúc ấy ta mới nhận ra, mới hiểu thấu thế nào là sự cao xa, dài rộng của vẻ đẹp tinh thần, của những giá trị đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa về trời, không chỉ để dọn chỗ mà còn là mở ra một viễn tượng hạnh phúc của trời cao. “Xin cho chúng con ái mộ những sự trên trời,” để chúng con không bị chôn bám vào thế gian chóng qua và phù du này.  Và để chúng con biết tìm kiếm những giá trị cao quí của tinh thần, và để chúng con yêu mến và sống với cuộc sống ấy.  Vì đó là những gì mà chúng con có thể tìm kiếm, mua sắm và đem vào được nơi vĩnh hằng.  Nơi mà chúng con sẽ gặp được Chúa là nguồn mạch sự sống, hoan lạc, và hạnh phúc viên mãn của chúng con.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An