LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA KHI GẶP KHÓ KHĂN

Ngắm Bức Tranh Lớn

Sẵn lòng lắng nghe Thiên Chúa và chú ý vào Người trong cầu nguyện có nghĩa là chúng ta cảm nghiệm hơn sự bình an và niềm vui, không chỉ trong khi chúng ta đang cầu nguyện, nhưng đặc biệt khi những lời cầu nguyện của chúng ta liên kết cách sâu sắc hơn với phần còn lại của cuộc sống chúng ta.

Việc xét mình cách thường xuyên giúp chúng ta ngày càng nhận thức hơn về nhu cầu thống hối tội lỗi của mình – những tội lỗi mà chúng ta thậm chí có thể không chú ý trước khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa Giêsu Kitô như mẫu gương và mục đích của chúng ta – và hoa trái của việc thực hành này cũng sẽ mang lại bình an và niềm vui cho chúng ta.

Tuy nhiên, việc gia tăng sự bình an và niềm vui và thậm chí, chúng ta dám nói điều đó, sự thánh thiện không có nghĩa là chúng ta sống trên mây, không phải chịu ảnh hưởng bởi sự đau đớn, thất bại và thất vọng.  Chúng ta cần tỉnh táo để nghe Thiên Chúa nói, không chỉ trong những sự cao cả của sự bình an tôn giáo và sự thành công bên ngoài, nhưng còn trong cả những cuộc chiến đấu và các vấn đề của cuộc sống.

Câu chuyện về Giuse (x. St 37,39-50), một trong những tường thuật dài nhất trong Cựu ước, cho thấy cách Thiên Chúa đã dùng con người này để cứu toàn thể gia đình của ông – tuy điều này xảy ra chỉ qua một chuỗi những biến cố đau khổ.  Trước hết, Giuse rõ ràng được Thiên Chúa và cha cậu là Giacóp yêu thương, ưu ái.  Những quần áo đặc biệt từ cha cậu cùng với những giấc mơ đặc biệt từ Thiên Chúa, những giấc mơ cho biết rằng Giuse một ngày kia sẽ cai trị trên các anh cậu.  Thay vì chấp nhận những giấc mơ này như ý của Thiên Chúa, các anh lại bán Giuse làm nô lệ, một bước nhỏ trong kế hoạch ban đầu để giết ông.  Là một nô lệ ở Ai Cập, Giuse hoàn toàn tiến xa trong gia đình của Potipha – dường như rất tốt.  Vợ của Potipha cố dụ dỗ Giuse nhưng thất bại vì ông là người quá nhân đức, không nỡ phạm tội chống lại chủ mình.  Nhân đức này đã được báo đáp bởi những lời cáo buộc hiếp dâm của người đàn bà này, sau đó Giusu bị bỏ tù.  Trong khi ở tù, Giuse đã giải thích cách chính xác những giấc mơ của hai viên chức hoàng gia, người nướng bánh chính và hầu rượu của Pharaô.  Một thời điểm đáng kể sau đó, người hầu rượu của hoàng gia đã giới thiệu Giuse với Pharaô, vua bị phiền toái ghê gớm bởi hai giấc mơ của chính mình.  Lời giải thích của Giuse về bảy năm mùa màng bội thu được theo sau bởi bảy năm đói kém nghiêm trọng đã xảy ra đúng như thế, do vậy ông được chỉ định làm Đại Tể Tướng Ai Cập, vị trí thứ hai chỉ sau Pharaô.  Trong suốt bảy năm đói kém, các anh của Giuse đến với ông để tìm kiếm lương thực, họ cúi lạy ông như trong những giấc mơ thời thơ ấu của ông.  Họ không nhận ra ông, nhưng cuối cùng ông đã tiết lộ chính mình, được hòa giải và gặp lại cha mình, là Giacóp.

Không có gì trong những điều này đã xảy ra nếu các anh em Giuse không bán ông làm nô lệ.  Sẽ không có việc Giuse lên nắm quyền nếu ông đã không bị cáo buộc cách sai trái về tội hiếp dâm và bị bỏ tù cùng với các viên chức hoàng gia.  Nếu không bị bỏ tù, Giuse sẽ không ở vào vị trí phân phát lương thực trong bảy năm đói kém và cứu chính gia đình ông cũng như những người Ai Cập.  Giuse cuối cùng đã nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, như ông công bố với các anh em của mình trong Sách Sáng Thế chương 45,5-8.

“Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.  Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn năm năm nữa không cày không gặt.  Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại.  Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa.  Người đã đặt tôi làm cha của Pharaô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Aicập” (St 45,5-8).

Một Kế Hoạch Lớn Hơn

Thật tốt khi chúng ta đọc toàn bộ câu chuyện trong Sách Sáng Thế bởi vì nó được viết rất hay.  Các bản văn thực sự chỉ ra những chi tiết quan trọng và tuyệt vời mà bản tóm tắt của chúng tôi nhất thiết bỏ qua.  Mỗi chúng ta có thể lắng nghe câu chuyện của Giuse và học cách nhận ra Thiên Chúa đang hành động qua những hoàn cảnh khó khăn và những giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta, hãy biết rằng một kế hoạch lớn hơn nhiều có thể đang mở ra – lớn hơn chúng ta có thể tưởng tượng ngay giây phút này.

Cầu nguyện trong những hoàn cảnh khó khăn không phải lúc nào cũng cất đi sự đau đớn hay giải quyết tình huống.  Chẳng hạn, cầu nguyện không có nghĩa là bạn hoặc những người thân yêu của bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh.

Tôi chưa bao giờ thấy ích lợi khi hỏi “Tại sao là tôi? Tại sao điều này đã xảy ra với tôi?”  Nó đặc biệt vô ích khi câu hỏi là một cách khoa trương để nói với Chúa: “Ngài không bao giờ nên để cho con phải đau khổ.  Lạy Chúa, có chuyện gì xảy ra với Ngài vậy?”  Nếu tôi hỏi tại sao một vấn đề xảy ra cho tôi, thật tốt hơn để hỏi điều đó trong cách cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong tình huống này?  Sứ mạng Chúa dành cho con bây giờ là gì?  Có người nào đó, có lẽ là một bác sĩ, một y tá hoặc một bệnh nhân, người mà Chúa muốn con nói chuyện với?  Phải chăng Chúa muốn dùng hoàn cảnh này để giúp con giới thiệu ai đó khác cho Chúa?  Ý của Chúa trong tình huống này là gì?”

Đối với những người cầu nguyện, dường như là một thất bại của đức tin khi họ trải nghiệm sự đau đớn, những vấn đề và sự đau khổ trong cuộc sống, bởi vì họ mong đợi Thiên Chúa ngăn cản những vấn đề như thế cho những người mà Người yêu thương.  Tuy nhiên, Chúa cho phép những điều như thế xảy ra cho những kẻ Người yêu thương, từ Người Con của mình là Đức Giêsu Kitô đến kẻ tội lỗi nhất trong chúng ta.  Nhưng khi chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp đã được thực hiện trong những tình huống khó khăn này, chúng ta sẽ tốt hơn để lắng nghe Thiên Chúa khi ở giữa những hoàn cảnh ấy.

Đây là bài viết đã được trích ra từ cuốn sách có tên là Làm Cách Nào để Lắng Nghe khi Thiên Chúa Nói, tác giả là Cha Mitch Pacwa (The Word Among Us Press, 2011), có thể truy cập tại www.wau.org/books.

Mitch Pacwa – chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: WAU

DẠ, CON ĐÂY!

“Ta sẽ sai ai đây?  Ai sẽ đi cho chúng ta?”; “Dạ, con đây, xin sai con đi!”

Thế kỷ 19, một tờ báo Paris đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại thế này: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí; nhưng phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít ủi an, nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đớn đau trong cô đơn và một nấm mồ vô danh!”  Vậy mà đã có rất nhiều người “điên” đã ghi danh xuống tàu đi truyền giáo.  Các thừa sai Việt Nam đầu tiên vào những thời kỳ đầu thuộc số điên này.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngày nay, dẫu không đến nỗi phải cảnh “một nấm mồ vô danh,” nhưng có lẽ Thiên Chúa cũng đang thực sự lúng túng khi Ngài không biết phải “sai ai đây.”  Vì thế, Lời Chúa nói với Isaia – bài đọc một – nói với các nhà thừa sai ngày nào vẫn đang ngỏ với chúng ta, “Ta sẽ sai ai đây?”

Trình thuật về ơn gọi của Isaia truyền tải một cảm giác về sự khác biệt và uy nghi của Thiên Chúa.  Isaia nhìn thấy Chúa “ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ” lấp đầy nơi thánh.  Nhà tiên tri có một ý thức sâu sắc về sự bất xứng của mình khi đứng trước sự hiện diện của Đấng Thánh Khiết.

Ngược lại, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa liên quan mật thiết đến các chi tiết trong công trình sáng tạo của Ngài.  Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết; Ngài là Đấng đếm từng sợi tóc trên đầu mỗi con cái.  Nếu con chim sẻ nhỏ bé – hai con có thể mua được một hào ở chợ – là quý trước mặt Chúa Cha thì bạn và tôi quý trọng hơn biết bao, “Các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa của Isaia và Thiên Chúa của Chúa Giêsu.  Ngài là một Thiên Chúa vừa ở bên ngoài chúng ta một cách vô cùng, vừa can thiệp sâu sắc vô hạn các chi tiết bên trong cuộc sống mỗi người.  Chính vì Ngài là Cha của chúng ta, nên chúng ta không sợ hãi khi làm chứng cho Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài trước mặt người khác.  Hãy nói với Ngài, “Dạ, con đây!” và ‘xuống tàu!’

Anh Chị em,

“Dạ, con đây!”  Với Isaia, bạn và tôi có thể thưa lên như thế khi biết Đấng sai chúng ta đang đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường.  Hãy nhớ, “Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung tín, và Ngài sẽ trung tín đến cùng!” – Phaolô.  Như Isaia, chúng ta có thể cự nự với lý do này lý do khác, “Khốn thân tôi!  Vì tôi là một người môi miệng ô uế.”  Và còn hơn thế, “Tay con ô uế, trí con ô uế…  Con đang sống giữa một xã hội ô uế.”  Nhưng Chúa nói, “Hãy nhìn xem, than hồng đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá, tội ngươi được tha!”; “Mỗi ngày các Bí tích chạm đến con, Bí tích Hoà Giải tẩy sạch con, chữa lành con; Bí tích Thánh Thể bổ sức con, nuôi dưỡng con!”  Và khi Thiên Chúa nói xong, Isaia không tài nào cưỡng lại, để rồi ậm ự như bạn và tôi cũng sẽ ậm ự, “Dạ, con đây, xin sai con đi!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạ, con đây!  Chỉ xin cho con hiểu rằng, mức độ con nhận ra sự quan phòng của Chúa ‘tùy thuộc’ mức độ con ném mọi âu lo vào lòng thương xót của Ngài!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐƯỢC SAI ĐI

Mỗi khi tham dự Phụng vụ Thánh Thể, vào lúc kết thúc Thánh lễ, vị linh mục chủ tế nói với cộng đoàn: “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!”  Nhiều người hiểu lầm coi đây là lời chào tạm biệt của vị linh mục.  Đây không phải là lời chào, mà là lệnh truyền lên đường, còn gọi là lời sai đi.  Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta đón nhận Lời Chúa và rước Thánh Thể.  Vào lúc Phụng vụ Thánh lễ kết thúc, cũng là lúc một Thánh lễ khác khởi đầu, đó là Thánh-lễ-cuộc-đời.  Giữa Phụng vụ Thánh lễ và Thánh-lễ-cuộc-đời có một mối liên hệ mật thiết.  Một linh mục thánh thiện đã nói: “Trong Thánh lễ buổi sáng, tôi là tư tế và Chúa Giê-su là của lễ.  Còn trong thời gian trọn một ngày, chính tôi là của lễ và Chúa Giê-su là Tư tế.”  Như thế, lời tuyên bố cuối lễ là lời nhắn nhủ các tín hữu với nội dung đại ý như sau: chúng ta vừa kết thúc Phụng vụ Thánh lễ.  Chúng ta vừa được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Thánh Thể.  Giờ đây chúng ta hãy khởi đầu một nghi lễ khác.  Anh chị em hãy lên đường, để chia sẻ những gì mình cảm nghiệm khi lắng nghe Lời Chúa và khi rước Thánh Thể trong Thánh lễ này.  Lời tuyên bố của vị linh mục, chính là lời sai đi, nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.

Chúa nhật tuần trước chúng ta đã suy tư về cuộc đời và sứ vụ của các ngôn sứ trong Cựu ước.  Các ngài là những người được Chúa chọn và sai đi.  Khi thi hành sứ vụ, các ngài luôn xác tín mình chỉ là phương tiện Chúa dùng.  Ông A-mốt, người sống ở miền Bắc, vào thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, đã giải thích ơn gọi của mình.  Ông thú nhận, ông không thuộc gia đình hay dòng dõi ngôn sứ, mà ông chỉ là người chăn chiên và người hái sung.  Đang lúc đi sau đàn chiên, chính Đức Chúa đã “bắt” lấy ông và sai ông đi.  Nhờ xác tín được Chúa sai đi, nên ông A-mốt kiên vững trước lời chế nhạo và đe dọa của một số tư tế thời bấy giờ.  Ông không chùn bước trước những nghịch cảnh, nhưng luôn trung thành với sứ mạng được trao.

Chúa Giê-su là Đấng Thiên sai, hay còn gọi là Đấng Mê-si-a.  Người luôn khẳng định: Người được Chúa Cha sai đến trần gian.  Người luôn trung thành với Chúa Cha.  Suốt cuộc đời dương thế, Người chỉ làm những gì đẹp lòng Chúa Cha.  Trong giây phút bi thương hoảng loạn ở vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha.”

Khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su đã gọi một số người theo Chúa.  Trong số đó có nhóm Mười Hai, được Người gọi họ là “tông đồ – απόστολος – Apostolos,” có nghĩa là “người được sai phái,” hay “sứ giả” (x. Lc 6,12-19).  Người sai các ông đi “hai người một.”  Điều này cho thấy tính tập thể và liên đới của sứ mạng tông đồ.  Thánh Mác-cô hôm nay nói với chúng ta những lời dặn dò của Chúa Giê-su, khi Người sai các tông đồ lên đường.  Người dạy các ông không gắn bó lệ thuộc vào bất cứ điều gì.  Người thợ đáng được hưởng lương.  Người tông đồ có quyền nhận những gì được biếu tặng để lo cho cuộc sống và giúp thi hành sứ mạng, nhưng họ phải hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc vào vật chất.  Chúa Giê-su cũng mời gọi các ông sống nghèo, như bản thân Người đã sống nghèo.  Người đã có một cuộc sống không nhà không cửa, không có nơi dựa đầu.  Kinh nghiệm cho thấy, một khi người tông đồ bị lệ thuộc vật chất, hoặc xao lãng việc tông đồ để tích lũy của cái và làm kinh tế, họ sẽ thất bại.  Bởi lẽ, người tông đồ đã có Chúa là gia nghiệp cuộc đời.

Thánh Phao-lô trong Bài đọc II mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su chiến thắng và hiển trị.  Nội dung Bài đọc II vốn là một thánh thi được dùng trong Phụng vụ thời Giáo Hội sơ khai.  Tác giả khởi đi từ biến cố thập giá, để nói đến ơn cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong Đức Giê-su, và vương quyền Chúa Cha ban cho Chúa Con.  Nhờ vương quyền này, Chúa Giê-su là Đấng thống trị mọi loài, không phải bằng uy quyền độc tài trần thế, nhưng bằng ân sủng và tình yêu.  Mỗi tín hữu Ki-tô và cả Giáo Hội được thấm nhuần ân sủng của Chúa Giê-su.  Trọn vẹn cuộc sống của người tín hữu được kết hợp mật thiết với Chúa, nhờ lắng nghe và thực thi Lời của Người.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu được trao ban chức năng ngôn sứ.  Sách Giáo lý Công giáo số 905 đã nêu rõ như sau: “Các giáo dân chu toàn sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc Phúc âm hóa, nghĩa là loan báo Đức Ki-tô bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói.  Nơi các tín hữu giáo dân, việc Phúc âm hóa này mang một sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt, vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống.”

Mỗi chúng ta đều được Chúa Giê-su sai đi.  Lời tuyên bố kết lễ hằng ngày là lời sai đi nhân danh Chúa Giê-su và nhân danh Giáo Hội.  Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, sức mạnh và can đảm để thực thi nhiệm vụ ngôn sứ trong đời sống hằng ngày, Amen.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CÁCH CÁC THÁNH DẠY CHÚNG TA KIỀM CHẾ CƠN GIẬN

“Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1:19-20).

Bạn có nóng tính không?  Nếu thế thì bạn có đồng minh rồi.  Một số vị thánh cũng nóng tính như thế, một tính nết mà các ngài đã khắc phục được nhờ sự trợ giúp của Chúa.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng thánh Giacôbê và Gioan được gọi là “con của thiên lôi” (Mc 3,17) có lẽ vì bản tính nóng nảy của các ông, như khi các ông muốn Chúa Giêsu gọi lửa từ trời xuống để thiêu hủy một thị trấn không tiếp đón Chúa (Lc 9:51-56).  Các vị thánh nóng tính khác được biết đến bao gồm thánh Basil Cả, người có tính tình nóng nảy khiến ông không khéo léo trong cách cư xử với người khác.

Một ví dụ gần đây hơn là thánh Benildus, một tu sĩ người Pháp sống vào thế kỷ 19.  Ngài từng nhận xét về những khó khăn của mình khi làm giáo viên như sau: “Tôi tưởng tượng rằng nếu các thiên thần xuống làm giáo viên thì họ cũng sẽ khó kiềm chế được cơn giận của mình.”

Khi nói đến danh tiếng là người hay nổi giận, thánh Jerome xứng đáng ở vị trí đầu tiên.  Vị học giả Kinh Thánh vĩ đại này có một nhân cách xuất sắc nhưng hay cáu gắt và nổi tiếng vì những lập luận của ông với các nhân vật khác trong Giáo hội, bao gồm cả với thánh Augustinô.  Ngài thường viết những lá thư với sự gắt gỏng hoặc châm biếm thánh Augustinô.  Thánh Pammachius, một cựu thượng nghị sĩ La Mã, đã trao đổi thư từ với thánh Jerome và cố gắng thuyết phục ngài giảm tông giọng nói của mình nhưng không thành công đáng kể.  Thánh Marcella cũng trao đổi thư từ với thánh Jerome, đôi khi thách đố các ý tưởng của ông và từng than phiền về tính nóng nảy của ông.  Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thánh Jerome đối xử rất dịu dàng với những người nghèo khổ và bị áp bức.  Ngài nhận thức rõ những điểm yếu của mình và thực hiện những hành động sám hối lớn lao vì họ (chẳng hạn như sống trong hang động).

Một số vị thánh được chúng ta biết đến với bản tính hiền lành, ví dụ như thánh Giám mục Francis de Sales và thánh Vincent de Paul, vị linh mục thánh thiện người Pháp.  Họ đã phải rất cố gắng để vượt qua chiều hướng giận dữ và bất bình của mình.  Thánh Vincent nói rằng, nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, ngài sẽ là một người “cứng nhắc và ghê tởm, thô bạo và ngang ngược.”  Còn thánh Francis de Sales từng tuyên bố rằng ngài phải mất hơn hai mươi năm để học cách kiềm chế tính khí nóng nảy của mình.

Chân phước John Colombini sống vào thế kỷ 14 là một thương gia khá tham lam, đặc biệt nổi tiếng với tính khí nóng nảy.  Một ngày nọ, ông ấy nổi cơn thịnh nộ vì bữa tối chưa sẵn sàng khi ông ấy trở về nhà.  Với hy vọng ông sẽ cư xử tốt hơn, vợ ông đưa cho ông một cuốn sách về các vị thánh.  John ném cuốn sách xuống sàn, nhưng rồi – xấu hổ vì tính nóng nảy của mình – ông nhặt nó lên và bắt đầu đọc.  Ông mải mê đọc đến nỗi quên mất bữa tối.  Thực sự, John đã hoàn toàn được biến đổi bởi kinh nghiệm này.  Sau đó, ông cho đi phần lớn tài sản của mình, biến ngôi nhà của mình thành bệnh viện và đích thân chăm sóc cho một người đang đau khổ vì bệnh phong.  Khi vợ khuyên ông nên thận trọng trong các việc bác ái của mình, John – người không còn dễ bị xúc phạm bởi những lời quở trách nữa – nhẹ nhàng nhắc nhở bà rằng bà là người đã cầu mong cho ông hoán cải (mà lẽ ra bà phải đáp lại là: “Tôi xin mưa, nhưng đây là lụt”).

Cần có thời gian và sự kiên nhẫn để học cách kiểm soát tính khí nóng nảy, và một số vị thánh đã sẵn sàng nỗ lực hết sức trong vấn đề này.  Chẳng hạn, khi một cơn bão cản trở mùa màng của thánh Nathalan, ngài đã giận dữ phàn nàn với Chúa.  Liền sau đó, ngài hối hận, thề sẽ kiềm chế cơn giận và đã có bước đi triệt để nhắc nhở bản thân về lời thề này.  Ngài trói tay phải vào chân bằng một ổ khóa sắt và ném chìa khóa xuống sông, hứa rằng sẽ không bao giờ mở cho đến khi ngài thực hiện một chuyến hành hương sám hối tới Rôma.  Nhiều năm sau, thánh Nathalan đến Rôma.  Ngài mua một con cá từ một cậu bé ở đó, và bên trong dạ dày của con cá là một chiếc chìa khóa.  Tất nhiên, nó có thể mở được ổ khóa.

Có lẽ Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những nỗ lực phi thường như thánh Nathalan, nhưng Ngài muốn chúng ta kiểm soát cơn giận của mình, và Ngài ban cho chúng ta cơ hội để làm điều đó, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày.  Kiên nhẫn chịu đựng những thói quen khó chịu của người khác, sửa chữa lỗi lầm của người khác với sự tử tế và lịch sự, không bấm còi nếu có người cản đường chúng ta khi tham gia giao thông, không chiều theo cám dỗ vội vàng phán xét động cơ của người khác.

Khi phải nói chuyện với người mà chúng ta đang giận, trước tiên chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và giúp đỡ. Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những lời nói đúng đắn có thể làm dịu một tình huống có nguy cơ bùng nổ.

Thánh Thérèse Lisieux khuyên chúng ta: “Khi giận ai, cách tìm bình an là cầu nguyện cho người đó và xin Chúa thưởng ơn cho họ vì đã làm mình đau khổ.”  Chúng ta thường không nghĩ thế này, nhưng những người chọc giận chúng ta là đang vô tình giúp đỡ chúng ta bằng cách cho phép chúng ta phát huy tính kiên nhẫn, vì vậy chúng ta nên cố gắng cư xử nhẹ nhàng với họ.

Tương tự như thế, thánh Alphonsus Liguori nói: “Khi chúng ta phạm lỗi nào đó, chúng ta cũng phải nhẹ nhàng với chính mình.  Tự trách mình sau khi làm sai điều gì đó không phải là khiêm tốn mà là một hình thức kiêu ngạo tinh tế.  Tự tức giận với chính mình sau khi phạm lỗi là một lỗi lầm lớn hơn lỗi lầm vừa phạm, và sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm khác.”  Vì vậy, Chúa muốn chúng ta kiểm soát cơn nóng nảy của mình, ngay cả khi chính chúng ta là đối tượng của sự tức giận.  Lòng thương xót và sự bình an có tính chữa lành của Chúa được ban cho mọi người, nhưng chúng ta sẽ bỏ lỡ chúng nếu chúng ta để cho cơn giận của mình ngăn trở.

Vài cách để kiểm soát cơn giận

Thánh Francis de Sales khuyên rằng, để tránh tội giận dữ, bạn phải nhanh chóng cầu xin Chúa ban bình an cho tâm hồn khi bạn đang tức giận, và sau đó hướng suy nghĩ của bạn sang việc khác.  Đừng bàn ngay vào vấn đề, đưa ra quyết định hoặc sửa sai người khác khi bạn đang tức giận.  Thánh Francis khuyên, khi một người chọc giận bạn, hãy xem xét những phẩm chất tốt của người đó, thay vì những lời nói hay hành động mà bạn thấy khó chịu.

Nếu bạn muốn kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, hãy nhận biết những hoàn cảnh mà bạn có nhiều khả năng tức giận nhất, trong một số hoàn cảnh nhất định (chẳng hạn như giao thông vào giờ cao điểm), với một số người nhất định (có thể là một người hàng xóm hoặc người quen nào đó), hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày (có thể ngay trước khi kết thúc ngày làm việc, khi bạn đang cố gắng thu dọn bàn làm việc).  Một khi bạn đã học được từ kinh nghiệm về những điều có thể khiến bạn tức giận, bạn hãy chuẩn bị cho những khoảnh khắc đó bằng một lời cầu nguyện ngắn và thầm lặng, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin giúp con tránh nổi nóng” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được bình tĩnh.”

Khi bạn đang ở trong tâm trạng bình an, việc nhớ lại một tình huống gần đây khiến bạn mất bình tĩnh cũng rất hữu ích.  Hãy tự hỏi bản thân: “Liệu sự tức giận của tôi có chính đáng không?  Tôi sẽ ứng phó thế nào với tình huống này trong tương lai?”  Bạn thậm chí có thể “thực hành” phản ứng đúng cách bằng cách giả vờ như tình huống này đang lặp lại; bằng cách để bản thân cảm thấy tức giận khi ở một mình, bạn có thể luyện tập những phản ứng có thể xảy ra và đánh giá xem phản ứng nào có thể giúp ích cho bạn.

Tác giả: Fr. Joseph M. Esper – Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

ẢO TƯỞNG TỰ ĐỦ

Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

Vài năm trước, tôi có dự tang lễ của một ông cụ thọ 90 tuổi.  Ở mọi khía cạnh, ông là người tốt, kiên trung giữ đạo, con cái đông đúc, người đáng trọng trong cộng đồng và là người có lòng quảng đại.  Ông mạnh khỏe, có tài, có tư chất lãnh đạo, là người mà chúng ta sẽ chọn để quản trị và dẫn dắt.  Vì thế ông có một địa vị uy tín trong cộng đồng.  Ông là kiểu người nắm quyền.

Ông có người con trai là linh mục công giáo, và người con giảng trong tang lễ.  Cha mở đầu bài giảng như sau: Kinh Thánh viết, đời người chỉ đến bảy mươi, mạnh giỏi lắm thì được tám mươi.  Bây giờ cha của chúng tôi qua đời năm 90 tuổi.  Tại sao lại có thêm 20 năm này?  Đây không phải là một bí ẩn gì.  Ông quá mạnh mẽ, ông có nhiều trách vụ phải làm để phải chết ở tuổi 70 hay 80.  Chúa cho ông thêm 20 năm để ông dịu lại.  Và nó hiệu quả.  Mười năm cuối của ông là những năm ông suy giảm rất nhiều.  Vợ mất, và cha tôi không bao giờ qua được thử thách này.  Ông bị trụy tim và phải cần người giúp hỗ trợ sinh hoạt, đây là một đòn nặng giáng lên ông.  Rồi những năm cuối đời, ông phải cần có người giúp trong các công việc vệ sinh tối thiểu.  Với một người như ông, đó là cả một hạ mình.

Nhưng tất cả những chuyện này có tác động.  Nó làm ông dịu đi.  Trong những năm cuối này, mỗi khi có ai đến thăm, ông sẽ cầm tay họ và nói “xin giúp tôi.”  Từ lúc lên năm và khi có thể tự thắt dây giày, ông đã không thể nói ba chữ này.  Đến lúc qua đời, ông đã sẵn sàng để ra đi.  Khi gặp Chúa Giêsu và thánh Phêrô ở thiên đàng, tôi chắc cha tôi sẽ đưa tay ra và nói, “xin giúp con.”  Tôi chắc chắn, nếu là 10 hay 20 năm trước, hẳn ông đã cho Chúa Giêsu và Thánh Phêrô lời khuyên làm sao để cổng thiên đàng mở ra mở vào hiệu quả hơn.

Đây là dụ ngôn nói một cách trực tiếp và sâu sắc về một vị thế mà chúng ta cuối cùng đều phải đứng ở đó, dù bằng chọn lựa chủ động hay phải quy phục hoàn cảnh, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta đều đứng vào một vị thế chấp nhận, chúng ta không tự đủ, chúng ta cần giúp đỡ, cần người khác, cần cộng đồng, cần ân sủng và cần Thiên Chúa.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như thế?  Vì chúng ta không phải là Chúa, và khi nhận ra, chấp nhận như thế thì chúng ta khôn ngoan hơn và biết yêu thương hơn.  Các thần học gia kinh điển của Kitô giáo định nghĩa Thiên Chúa là hiện hữu tự đủ, và nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới tự đủ.  Chỉ có Thiên Chúa mới không cần điều gì ngoài chính Ngài.  Còn mọi sự khác, tất cả mọi sự không phải là Thiên Chúa, thì được định nghĩa là phụ thuộc các yếu tố, là không tự đủ, là cần điều gì đó ngoài bản thân mình để tồn tại và duy trì sự tồn tại đó mỗi giây mỗi phút trong đời.

Nói như vậy nghe có vẻ là thần học trừu tượng, nhưng mỉa mai thay, chính các em bé lại hiểu chuyện này, ý thức được chuyện này.  Chúng biết rằng chúng không thể tự chu cấp cho mình, và mọi sự đến với chúng đều là món quà.  Chúng biết chúng cần giúp đỡ.  Tuy nhiên, không lâu sau khi đã biết thắt dây giày, thì ý thức này bắt đầu phai mờ khi chúng bước vào tuổi dậy thì, rồi tuổi trưởng thành, nhất là khi chúng khỏe mạnh, cường tráng và thành công thì chúng bắt đầu sống với ảo tưởng tự đủ.  Tôi tự chu cấp cho bản thân tôi!

Thật sự là điều này đã tạo điều kiện cho chúng tự tin bước vào đời.  Nhưng nó lại không tạo điều kiện cho sự thật, cộng đồng, tình yêu hay linh hồn.  Nó là một ảo tưởng, là ảo tưởng lớn nhất.  Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác!  Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

G.K. Chesterton từng nói rằng sự quen thuộc là thứ ảo tưởng lớn nhất.  Ông nói đúng, và điều chúng ta quen thuộc nhất, đó là tự chăm sóc bản thân và nghĩ rằng mình lo cho mình được.  Như chúng ta biết, nó giúp cho chúng ta vượt lên trong đời.  Tuy nhiên, may cho chúng ta, thông qua đau đớn, Thiên Chúa và tự nhiên luôn hợp sức để dạy chúng ta rằng chúng ta không tự đủ.  Tiến trình trưởng thành, già đi, và cuối cùng là chết được sắp đặt để dạy cho chúng ta (bất kể chúng ta có tiếp thu bài học này hay không) rằng chúng ta không nắm quyền, và sự tự đủ chỉ là một ảo tưởng.  Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đến một ngày mà chúng ta, như thời chưa biết thắt dây giày, sẽ đưa tay ra mà nói, “xin giúp tôi.”

Triết gia Eric Mascall có một câu nói, bao lâu chúng ta còn xem cuộc đời là chuyện đương nhiên thì chúng ta không khôn ngoan cũng không trưởng thành.  Chúng ta thực sự khôn ngoan và trưởng thành khi nào chúng ta xem nó là món quà nhưng không, từ Thiên Chúa, từ tha nhân, từ tình yêu.

Ronald RolheiserJ.B. Thái Hòa dịch

VỊ NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA 

Thánh Lu-ca kể lại: khi nghe Chúa Giê-su làm phép lạ cho hồi sinh người con trai duy nhất của người đàn bà góa, dân chúng cảm phục và thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16).  Những người Do Thái thông thạo truyền thống Cựu ước sẽ hiểu khái niệm “ngôn sứ” mà họ dùng để xưng tụng Chúa Giê-su.

Danh xưng ngôn sứ, trước đây chúng ta thường dịch là “tiên tri,” và được giải thích là “biết trước.”  Thực ra, ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn và thông điệp của Ngài (ngôn là lời và sứ là được sai đi).  Có thể người sai đi là một người uyên bác, những cũng có thể là một người nông dân bình thường, như trường hợp ngôn sứ A-mốt.  Chính ông này đã nói: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung.  Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Ít-ra-en của Ta” (Am 7,14-15).  Chi tiết này chứng minh: việc loan báo thông điệp của Chúa không hề lệ thuộc vào sự khôn ngoan của con người, nhưng là chính hành động của Thiên Chúa.  Chính Ngài soi sáng và làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ can trường, nhiệt thành loan báo giáo huấn của Ngài.  Qua các ngôn sứ, lịch sử Ít-ra-en chứng minh rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng giáo huấn và điều khiển dân tộc được tuyển lựa.  Các vua hay những người lãnh đạo chỉ là những dụng cụ Ngài dùng mà thôi.

Trong khi dân chúng tung hô Đức Giê-su là Vị Ngôn Sứ vĩ đại, thì đồng hương của Người lại không nhận ra điều ấy.  Phúc âm hôm nay kể lại một chuyến thăm quê hương của Chúa Giê-su.  Thay vì đón nhận lời giáo huấn của Người, họ lại “tỉa tót” những chi tiết liên quan đến tuổi thơ, về gia đình và họ hàng của Người.  Những người đồng hương mang nặng thành kiến về Chúa Giê-su, và họ dựa vào đó để từ chối những gì Người giảng dạy.  Sự thành kiến và kiêu ngạo là những vật cản không cho họ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai.  Mặc dù ghi nhận những việc Người làm là phi thường, họ cũng chỉ coi Người là một người xuất thân từ nghề thợ mộc.  Chúa Giê-su đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”  Câu ngạn ngữ này cũng giống như chúng ta thường nói: “Bụt chùa nhà không thiêng.”  Cuộc viếng thăm quê hương của Người xem ra không có cái kết đẹp.  Cũng trong trình thuật song song, thánh Lu-ca còn cho chúng ta biết thêm: sau khi Đức Giê-su trưng dẫn hai nhân vật là Ê-li-a và Ê-li-sa để ngầm trách họ, những người đồng hương đã kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực (x. Lc 4,16-30).

Xã hội thời nay cũng vẫn có nhiều người mang nặng thành kiến, như thời của Chúa Giê-su.  Khi nói về giáo huấn của Phúc âm và của Giáo hội, họ thường dựa và những sự kiện tiêu cực của Giáo hội trong lịch sử để đánh giá không đúng về Đạo của chúng ta.  Họ chỉ quan sát và đánh giá Giáo hội theo cái nhìn thuần tuý trần tục, thậm chí bằng sự ghen tương hiềm thù.  Chính Chúa Giê-su đã thành lập Giáo hội, và Giáo hội lại bao gồm những thành viên.  Trong số các thành viên, có người tốt và có người chưa tốt.  Có người lợi dụng Giáo hội để làm những điều không đúng.  Ánh sáng và bóng tối luôn đan xen trong từng trang của lịch sử Giáo hội cũng như lịch sử xã hội.  Người tín hữu chân chính cần biết sàng lọc và phân định để đón nhận và sống như con cái của sự sáng.

Người tín hữu không chỉ đón nhận đức tin, mà còn là những người rao giảng đức tin.  Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.  Đức Giê-su cũng có ba chức năng này.  Những ai được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy đều được gọi là Ki-tô, tức là người được xức dầu.  Như thế, mỗi Ki-tô hữu là một ngôn sứ, tức là người được Chúa sai đi để nói Lời của Người.  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).  Đây là lời của Đức Giê-su phục sinh nói với các môn đệ.  Vâng, hôm nay Chúa Giê-su vẫn sai chúng ta vào lòng cuộc đời, để trở nên muối và ánh sáng.  Với nỗ lực cố gắng, chúng ta sẽ góp phần làm lan tỏa những giá trị Tin Mừng trong môi trường cuộc sống.

Chúa Giê-su là vị Ngôn sứ đang sống giữa chúng ta.  Người ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tức là Chúa Thánh Thần, như thánh Phao-lô quả quyết: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Bài đọc II).  Nhờ Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở nên con người hoàn hảo, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.

Ơn gọi ngôn sứ là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng phải trải qua nhiều thử thách.  Cuộc đời các ngôn sứ trong lịch sử Cứu độ đã chứng minh điều đó.  Chúa Giê-su, vị Ngôn sứ vĩ đại cũng đã bị chống đối và bị giết chết.  Để thực thi sứ vụ cao cả này, Ki-tô hữu cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng Chúa luôn ở với chúng ta, và Người trấn an chúng ta như Người đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cô-rin-tô 12,9).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

SỰ IM LẶNG THẦN THÁNH

“Biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng phát xuất từ một ‘Đấng đang ngủ’ trong thuyền giữa lúc biển dậy sóng!  Đúng hơn, chiêm ngưỡng sự im lặng của Thiên Chúa, một ‘sự im lặng thần thánh’ mà đối diện với nó, một niềm tin kiên định vẫn có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’

Thử tưởng tượng, trong con thuyền nghèo nàn bị sóng đánh hòng chìm này, bạn và tôi đang ở vị trí của các môn đệ!  Tình trạng cùng quẫn dập vùi vì sóng nước thật tệ, nhưng nỗi sợ hãi của lòng người lại tồi tệ hơn; vậy mà Chúa Giêsu vẫn ngủ!  Cám dỗ của bạn là đánh thức Ngài, và quá nhiều linh hồn đã làm như thế qua việc không ngừng phàn nàn, tỏ ra tuyệt vọng, bỏ cầu nguyện, hoặc trút giận lên người khác.  Trong những thời khắc như thế, bạn cảm thấy cuộc sống vuột khỏi tầm tay; bạn mất bình tĩnh, bất an và suy sụp!

Tin Mừng hôm nay đánh thức đức tin chúng ta; chớ gì nó mạnh đủ để có thể lên tiếng, ‘Cứ để Ngài ngủ!’  Và còn hơn thế, giúp chúng ta chiêm ngưỡng quyền năng nhiệm mầu của ‘Đấng hay ngủ!’  Bởi có thể Ngài cố tình như thế để bạn và tôi gia tăng sự phụ thuộc vào Ngài.  Từ niềm tin, chúng ta múc lấy nội lực; bằng không, tất cả chỉ là sợ hãi, cay đắng.  ‘Sự im lặng thần thánh’ của Đấng Kitô sẽ dạy chúng ta định mức đức tin của mình!

Trong “When Jesus Sleeps”, “Khi Giêsu Ngủ”, Đức Cha Martínez viết, “Chúa Giêsu đẹp tuyệt vời khi Ngài ‘mở miệng’ nói về sự sống đời đời, thực hiện hoàn hảo các phép lạ; hoặc nhìn mọi người bằng ánh mắt xót thương.  Nhưng tôi lại muốn nhìn Ngài khi Ngài đang ngủ, bởi lúc đó, tôi chiêm ngưỡng Ngài ‘đến tận trái tim mình’ mà không bị ánh mắt Ngài ‘mê hoặc’ khiến tôi phải phân tâm.  Không vẻ đẹp hoàn hảo và ánh huy hoàng nào của Ngài làm tôi chói mắt khiến linh hồn tôi phải đờ đẫn.  Vẻ đẹp Giêsu tỉnh giấc là quá lớn so với sự nhỏ bé của tôi!  Tôi cảm thấy phù hợp hơn khi Ngài ngủ, vì hào quang mặt trời sẽ thích nghi hơn với mắt tôi khi tôi được nhìn nó qua một lăng kính mờ!”

Thật trùng hợp, “Chúa không làm điều gì mà không mặc khải ý định của Ngài cho các tôi tớ” – bài đọc một.  Vấn đề là các tôi tớ phải đọc cho được thánh ý Ngài.  ‘Sự im lặng thần thánh’ của Chúa Giêsu, hay việc Ngài ngủ không nằm ngoài ý nghĩa này.  Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, xin lấy đức công chính của Ngài mà hướng dẫn con!”

Anh Chị em,

“Ngài vẫn ngủ!”  Chúng ta cần tôn trọng và thờ lạy ‘sự im lặng thần thánh’ của Thiên Chúa ‘trong các biến cố’ đang khi phải đánh thức Chúa Kitô ‘trong trái tim mình’, và linh hồn không ngừng lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin cứu con!”  Có như thế, chúng ta mới có thể bình an đi trên nước, bước trên sóng và ngủ ngon trong mọi hoàn cảnh.  Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể quan chiêm những gì đang xảy ra bằng ‘đôi mắt đức tin’ vốn có thể xuyên suốt mọi sự, kể cả bão tố.  Qua ánh mắt ấy, có thể thấy một bức tranh toàn cảnh mà tự sức, chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy; một bức tranh tình yêu quan phòng mà Thiên Chúa đã lên kế hoạch cho từng người, không ai giống ai!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ ngủ; nhưng đừng để những thực tại rối bời lấn át trải nghiệm đức tin của con.  Cho con biết, ngủ hay thức không thành vấn đề, quan trọng là Ngài có đó!”  Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng thể kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

I. Trước hết là Thánh Phêrô

Chẳng cần phải nói dài anh chị em cũng có thể thấy được rằng Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba Tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác.  Ông được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa.

Tính tình ông nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.

Nói về ông, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của Ông.  Đó là việc ông đã chối Chúa.  Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến ‘dzụ’ ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt.”  Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột” Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề.  Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Tuy nhiên bên cạnh những cái không tốt đó chúng ta lại thấy nơi Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục.  Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ông để rồi qua đó ông đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt ông làm nền tảng Giáo Hội.

Đầu tiên chúng ta phải nói về lòng quảng đại.  Tin Mừng ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi ông nhanh nhẹn bỏ điều mà sau này ông ‘kể công’ với Chúa là tất cả mọi sự.

Bên cạnh lòng quảng đại chúng ta còn thấy ở nơi Ông một đức tin chân thành.

Đàng khác trên con đường theo Chúa ông còn có một đức tính hiếm hoi này mà những người khác ít ai có được đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa.  Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa có giảng một bài giảng về bánh hằng sống.  Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc ngoặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa.

“Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời.”

Nhưng đức tính mà tôi cảm phục nhất trong cuộc đời của Ông đó là lòng khiêm nhường.  Sách Tu đức gọi đức Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức.  Đôi khi người ta cũng còn gọi đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức.  Đọc trong Kinh Thánh tôi thấy ít nhất có ba lần ông đã biểu lộ sự khiêm nhường rất cụ thể như thế này.

Lần thứ nhất là khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ.  Trong khi các môn đệ khác chỉ có thái độ cầm chừng thì Phêrô đã đến quì trước mặt Chúa và thưa với Người: “Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi.”  Ông ý thức được cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diện của Chúa.

Lần thứ hai là khi Chúa quở mắng ông một cách thật nặng lời nhưng ông không một chút sĩ diện.  Ông đón nhận tất cả như một bài học để ông sửa mình.

Lần thứ ba được ghi ở trong sách Tông đồ công vụ.  Giữa Phêrô và Phaolô có sự bất đồng về việc những người Dothái trở lại.  Phêrô đã cố gắng nhịn nhục để giữ được bầu khí hoà dịu giữa hai người.

II. Còn Phaolô

Tin Mừng không nói một câu nào về Ông.  Chúng ta chỉ được biết về ông sau khi Chúa Giêsu đã về trời.  Xét về con người của ông thì chúng ta thấy ông có nhiều điểm hơn hẳn Phêrô.  Ông là một con người có học thức – Là học trò của Giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng Gamaliel.  Gia đình ông thuộc loại khác giả.  Đặc biệt ông là người có tước Công dân La mã.  Ông không thuộc nhóm 12.  Ông là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt.

Ông xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu.  Tệ hơn, như một kẻ thù: Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện ông tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu.

Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những người Kitô hữu này Chúa đã chinh phục ông.  Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được.  Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn ông để sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Muốn hiểu cuộc đời theo Chúa của Ông như thế nào chúng ta hãy đọc lại Sách Tông đồ công vụ và nhất là những bức thư nổi tiếng ông còn để lại.

III. Bài học

  1. Uy quyền của ChúaChúa muốn làm gì thì làm.

Xét về nhiều phương diện thì Phêrô thiếu hẳn những đức tính của một người lãnh đạo thế nhưng Chúa đã chọn ông, đặt ông làm thủ lãnh của Giáo Hội.  Đó là công việc của Chúa.

Phaolô cũng thế: Từ một kẻ thù Chúa đã biến ông thành một người bạn, một người tình.  Từ một người đi lùng bắt những người theo Chúa mà giết đi.  Chúa đã biến ông trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì người.  Về phương diện trần thế chẳng khi nào chúng ta thấy được như thế.

  1. Bài học về lòng yêu mến Chúa

Câu truyện tại bờ biển Galilêa sau khi Chúa sống lại.  Phêrô đã tuyên xưng không phải đức tin, nhưng là lòng yêu mến của Ông.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động sau đây: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô.  Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….  Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Xem 2 Tm 4, 6-8 Rm 8, 18-19.32.33.38.39)

  1. Bài học về sự gắn bó và lòng trung thành đối với Chúa.

Nhìn lại cuộc đời theo Chúa của Phêrô chúng ta thấy ông đã sẵn sàng để cho Chúa uốn nắn, mài dũa ông như thế nào.  Rất nhiều lần Chúa đã trách mắng ông, thậm chí có lần Chúa đã gọi ông là “Đồ Satan”, thế nhưng Phêrô vẫn luôn một lòng một dạ trung thành để rồi sau này ông có thể viết cho đoàn chiên Chúa trao cho Ông như thế này: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1, 15) – Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2, 9)

Còn đối với Phaolô thì chúng ta khỏi cần phải nói: Sau khi được Chúa kêu gọi trên con đường ông đi Damas, ông đã vào ẩn mình trong hoang địa.  Ở đó Chúa đã tôi luyện ông để ông trở nên giống Chúa đến nỗi Ngài có thể tự hào: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.  Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.  Và Ngài khuyên những ai tin Chúa: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người.  Vào cuối đời ông đã để lại những lời này cho người môn đệ yêu quí của ông: “Còn cha, cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế.  Đã đến giờ cha phải ra đi.  Cha đã chiến đấu trong một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững được đức tin.  Giờ đây cha chỉ còn đợi trông vòng hoa dành cho người công chính.  Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy và không phải chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

Lm Giuse Đinh Tất Quý

ĐAU KHỔ VÀ SỰ CHẾT

Những vấn nạn lớn nhất của con người mọi thời đại, đó là sự dữ và sự chết.  Kể từ khi hiện hữu, con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này.  Tại sao có sự dữ?  Tại sao con người phải đau khổ và phải chết?  Sau khi chết con người sẽ về đâu?  Bên kia sự chết là gì?  Người ta tìm mọi cách can thiệp cho con người thoát khỏi cái chết, nhưng vô hiệu.  Đối diện với đau khổ và sự dữ, nhiều người đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài.

Thiên Chúa không làm ra cái chết.  Ngài chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.  Thiên Chúa cũng không là tác giả của sự dữ.  Sách Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta như thế (Bài đọc I).  Sách Khôn Ngoan được viết khá muộn, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tức là rất gần với Chúa Giê-su.  Nội dung cuốn sách này là những suy tư về thân phận con người, khuyến khích lòng hiếu thảo và nhất là nhằm củng cố đức tin nơi người Do Thái.  Ngài luôn yêu thương con người, và đã thể hiện tình yêu ấy bằng công cuộc sáng tạo cũng như bằng những điềm thiêng dấu lạ trong lịch sử.  Khi khẳng định: Thiên Chúa không làm ra cái chết và sự dữ, tác giả nói với chúng ta: cái chết là nguyên nhân của quỷ dữ ghen tỵ; đau khổ nhiều khi đến từ chính con người.

Sự chết cũng gắn liền với kiếp sống nhân sinh.  Con người đã có ngày sinh ắt có ngày tử.  Chẳng ai sống mãi trên thế gian này.  Nhìn theo khía cạnh nhân sinh, cái chết cũng là điều may mắn đối với con người.  Bởi lẽ nếu mọi người từ tạo thiên lập địa mà không chết thì không biết thế giới sẽ ra sao?

Đã là con người hiện hữu trên trần gian, không ai tránh khỏi đau khổ.  Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đã trải qua đau khổ như chúng ta và đã phải chết.  Chúa Giê-su đón nhận đau khổ trong tình yêu thương nhân loại.  Tình yêu sẽ hóa giải đau khổ, hoặc ít ra sẽ giúp chúng ta nghị lực để vượt lên đau khổ.  Một số người đã tự tìm đến cái chết khi đối diện với đau khổ.  Họ đã không tìm được niềm hy vọng và ý nghĩa cuộc đời.

Đức Giê-su đến trần gian để khẳng định: Thiên Chúa làm chủ sự sống.  Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là của kẻ chết . Ngài tạo dựng con người không phải để trở về với cát bụi, nhưng để sống hạnh phúc mãi mãi.  Như thế, nếu quỷ dữ ghen tương gây nên cái chết, thì Thiên Chúa tình yêu sẽ ban cho con người được sống.  Để chứng minh Thiên Chúa có quyền năng trên sự chết, Chúa Giê-su đã làm cho bé gái 12 tuổi, con ông trưởng hội đường tên là Gai-ô, đã chết được sống lại.  Thân nhân gia đình và hàng xóm của ông khi thấy bé gái đã chết, liền khuyên can đừng mời Chúa Giê-su đến nữa, vì họ không tin một người đã chết có thể sống lại.  Đức Giê-su đã làm cho bé gái sống lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Thánh Mác-cô diễn tả ông trưởng hội đường như một người có đức tin vững vàng, qua lời van xin: “Con bé nhà tôi sắp chết rồi.  Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.”  Lời van xin này cho thấy, ông tin chắc vào quyền năng của Chúa Giê-su, và dù con ông có chết, cũng sẽ được hồi sinh.  Cùng một chủ đề đức tin, tác giả đan xen hai phép lạ trong một trình thuật.  Đó là người phụ nữ bị bệnh đã mười hai năm, các thầy thuốc đều đã bó tay.  Trong tình trạng đó, bà tin chắc rằng nếu bà chạm tới áo Chúa Giê-su, thì bà sẽ được chữa lành.  Sự thể đã xảy ra như vậy.  Bà đã được chữa lành ngay tức khắc.  Cả hai người – ông trưởng hội đường và người phụ nữ – đều là những gương mẫu về đức tin cho chúng ta.

“Lòng tin của con đã chữa con.”  Lời Chúa Giê-su cho thấy điều kiện duy nhất để đón nhận ơn Chúa là lòng tin.  Liền sau đó, Chúa cũng nói với ông trưởng hội đường, khi người ta báo tin con ông đã chết: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”  Đức tin luôn là điều kiện cần thiết để ta đón nhận ơn Chúa, kể cả trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời.  Đức tin Ki-tô giáo khẳng định với chúng ta: sự chết thực ra chỉ là sự biến đổi trạng thái hiện hữu.  Sự chết cũng là cánh cửa mở ra để ta bước vào thế giới mới.  Những ai sống tốt lành thánh thiện, sau khi chết sẽ được hưởng vinh quang Chúa hứa cho những người công chính.  Chỉ có hạnh phúc đời sau mới lý giải được sự công bằng trong đời sống con người.  Như thế, dưới lăng kính Ki-tô giáo, sự dữ và sự chết bớt đi màu sắc ảm đạm thê lương, và bừng lên niềm hy vọng nơi tình thương nhiệm màu của Thiên Chúa.

Dù cắt nghĩa thế nào đi nữa, đau khổ và sự chết vẫn đè nặng trên mỗi chúng ta.  Sự chết đến từ ghen tương của quỷ dữ, nhưng sự chết cũng đến từ chính chúng ta, hoặc do chính bản thân hoặc do người khác gây ra.  Quả vậy, khi gieo rắc hận thù, bạo lực, chiến tranh là gieo rắc đau khổ sự chết.  Thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên: mỗi người góp phần giảm thiểu đau khổ bằng những nghĩa cử chia sẻ bác ái (Bài đọc II).  Ngài khuyên giáo dân Cô-rin-tô, lúc đó khá ổn định về vật chất, hãy quan tâm đến những người đang lâm cảnh túng thiếu.  Khi cùng nhau cổ võ những việc thiện, chắc chắn cái ác sẽ bị đẩy lui.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

QUAN NIỆM CỦA THÁNH AUGUSTINÔ VỀ Ý NGHĨA THỰC SỰ CỦA BÌNH AN

Cách đây một thời gian, khi phong trào bình an trong trường đại học đang rất sôi nổi, tôi quyết định thực hiện một cuộc khảo sát giữa các sinh viên của mình để tìm hiểu xem liệu ý tưởng khiến họ say mê đó có phải là điều họ thực sự hiểu rõ hay không.  Câu hỏi mà tôi đặt ra trong lớp học rất ngắn gọn: “Bình an là gì?”  Một loạt các bàn tay lập tức giơ lên.  Các bạn sinh viên tự tin rằng họ đã nắm đầy đủ thông tin về chủ đề này.  Thật không may, tất cả các câu trả lời của họ đều được diễn đạt theo lối phủ định: “Bình an là không có chiến tranh; Bình an là tránh xa sự thù địch; Bình an là thoát khỏi sự hỗn loạn, rối ren; Bình an là chấm dứt sự lo lắng…”

Cuối cùng, để làm cho câu hỏi của tôi trở nên thực tế hơn, tôi đã hỏi những sinh viên hiện đang im lặng xem họ có thể làm gì để trải nghiệm được bình an, dù chỉ trong mười phút.  Một sự im lặng đáng sợ bao trùm lớp học.  Cuối cùng, một sinh viên dũng cảm đã thú nhận một cách khá thất vọng rằng với tất cả các bài tập mà cô ấy phải gánh và tất cả các deadline mà cô ấy phải đáp ứng, việc tìm kiếm sự bình an là điều không thể trong ít nhất vài tuần.  Tôi nghĩ cô ấy đã nói thay cho nhiều người, nếu không nói là tất cả, những người bạn cùng lớp của cô ấy.  Tôi nghĩ thật đáng buồn khi giáo dục chính quy lại là một sự gián đoạn của bình an.  Liệu các bạn sinh viên có bình an sau khi tốt nghiệp không?  Chúng ta có thể tìm thấy thời gian cho bình an không?  Ngay cả trong giấc ngủ, chúng ta cũng có thể bị quấy rầy bởi những cơn ác mộng.  Nếu chúng ta phải đợi cho đến khi không làm gì để tìm thấy bình an, thì không có gì làm nền tảng cho bình an, không có gì bình an có thể đụng chạm để mang lại cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa cao cả hơn.  Sự bình an như thế sẽ chìm vào hư vô.  Đây không phải là bình an mà chúng ta hy vọng, mà chỉ là ảo tưởng về bình an.

Thánh Augustinô giải gỡ

Không có bất kỳ thánh Augustinô nào trong lớp của tôi.  Nhưng tôi có thể chiêu mộ vị Tiến sĩ khôn ngoan này của Giáo hội vì lợi ích của sinh viên.  Đối với vị Giám mục thành Hippo này, bình an là “sự yên tĩnh của trật tự” (Tranquilitas ordinis).  Thánh Augustinô đề cập đến trải nghiệm cá nhân về bình an.  Con người đã sống một cuộc sống không có trật tự kể từ khi bị tổn thương bởi Tội Nguyên Tổ.  Tâm hồn họ trở nên “bồn chồn.”  Sự bồn chồn (inquietum) này đã tạo ra niềm khao khát bình an.  Nhưng bình an sẽ luôn khó nắm bắt chừng nào nó còn được coi là đối tượng trực tiếp của sự lựa chọn. Chúng ta không thể chọn bình an như cách hái một quả táo từ trên cây.  Chúng ta phải chọn “điều gì đó khác” trước khi có đủ điều kiện để trải nghiệm bình an.  Theo thánh Augustino, một “điều gì đó khác” chính là trật tự.  Nhưng có nhiều loại trật tự khác nhau.  Cụ thể trật tự mà vị thánh vĩ đại này nghĩ đến là gì?  Đó là trật tự của những hành vi nhân đức dẫn đến Thiên Chúa.  Câu nói nổi tiếng nhất của ngài xuất hiện ở phần đầu cuốn Tự thuật: “Tâm hồn con khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (cor nostrum inquietum est donc requiescat in Te).

Bình an thay thế sự bồn chồn khi cuộc đời chúng ta hướng về Thiên Chúa.  Chúng ta nên sống phù hợp với nhân đức mà thánh Augustinô định nghĩa là “trật tự của tình yêu” (virtus est ordo amoris).  Bây giờ chúng ta thấy rõ hai điều: Tại sao chúng ta bồn chồn và khao khát bình an; và giải pháp cho sự bồn chồn của chúng ta.  Nếu chúng ta muốn bình an, trước hết chúng ta phải hướng tình yêu của mình đến Thiên Chúa.  Khi đó chúng ta sẽ trải nghiệm được sự yên tĩnh của trật tự, đó là sự bình an.

Vậy bình an là gì?  Đó là sự tĩnh lặng mà chúng ta cảm nghiệm được khi chúng ta hướng tình yêu của mình, qua nhân đức, tới Thiên Chúa.  Tình yêu này, một cách tự nhiên, bao gồm cả tình yêu tha nhân.  Vì vậy, sự bình an tương thích với mọi hoạt động sống của chúng ta, trong đó có “gánh nặng” bài vở.  Chúng ta không nên tìm kiếm bình an nhưng hãy yêu mến Thiên Chúa.  Bình an là điều gì đó “xảy ra” với chúng ta khi chúng ta tìm thấy một điều gì đó khác.  Nó rất giống với hạnh phúc, như Nathaniel Hawthorne đã nói: “Giống như một con bướm, khi theo đuổi, luôn nằm ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, nhưng nếu bạn ngồi yên, nó có thể đậu xuống trên bạn.”

Tác giả: Donald Demarco – Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange