HÃY XUẤT KHỎI NGƯỜI NÀY

Một ông thợ ở Nadarét được mời giảng trong hội đường.

Mác-cô không cho ta biết Đức Giêsu đã giảng gì.  Chỉ biết nội dung của lời giảng thì mới mẻ, và cách giảng thì khác hẳn với các kinh sư.  Kinh sư thì giải thích Kinh Thánh với thẩm quyền.  Còn Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh với uy quyền.  Ngài chẳng phải dựa vào sách vở, vào truyền thống có sẵn.  Một cách mới mẻ và đầy uy quyền, Đức Giêsu loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến, triều đại của Xa-tan phải bị đẩy lui.

Quả vậy, sự hiện diện của Ngài trong hội đường ngày hôm ấy đã khiến cho thần ô uế phải chường mặt ra và khiếp sợ.  Đức Giêsu ra lệnh: “Hãy câm đi và xuất khỏi người này.”  Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ căn nhà nó đã ở.  Nó chỉ ra sau khi đã vật vã người ấy và thét lên.  Đức Giêsu đã chiến thắng và giải phóng ta khỏi nô lệ.  Ngài khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất.  Nhưng cuộc chiến với Xa-tan còn kéo dài đến tận thế.  Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.

Quỷ thường được vẽ như một con vật xấu xí đáng sợ.  Nếu thế thì ta rất dễ nhận ra nó, và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta.  Trong thực tế, quỷ mang dáng dấp xinh đẹp và hấp dẫn.  Nó tấn công ta bằng những thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào.  Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân, tập thể.  Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều.  Nhưng hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết.

Kitô giáo không bịa ra quỷ để hù dọa tín đồ.  Quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo ta xa Chúa.  Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người.  Quỷ phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo.  “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho tất cả.”  Làm gì có hạnh phúc vững bền khi ta quay lưng với Thiên Chúa!  Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám.  Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác: tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ…

Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng: tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh…  Cái ám nào cũng làm ta bớt tự do, bớt là mình.  Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta và không chịu ra.  Cái ám khi trở thành tuyệt đối thì làm ta trở nên ô uế.  Nó bắt ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình.  Ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.  Ta thấy mình bất lực, nên cần Đấng Thánh của Thiên Chúa.

“Hãy xuất ra khỏi người này”: Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi như vậy.

Tôi cầu xin Ngài trục xuất khỏi tôi điều gì?

“Hãy xuất ra khỏi thế giới này”: Nhờ ơn Chúa, tôi cũng phải ra lệnh cho ma quỷ như vậy.

**********************************

Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu (Trích trong ‘Manna’)

VƯỢT LÊN CÁC SAI LẦM VÀ ĐIỂM YẾU

Điều có thể bào chữa thì không cần được bào chữa, và điều không thể bào chữa thì không thể bào chữa được.

Tác giả Michael Buckley đã viết những lời này và đó là cả một thách thức quan trọng.  Chúng ta luôn biện minh cho những chuyện mà chúng ta không cần phải biện minh, và luôn cố gắng bào chữa cho những chuyện không bào chữa được.  Chuyện này chuyện kia đều không cần thiết, cũng chẳng ích lợi gì.

Chúng ta có thể học bài học này từ cách Chúa Giêsu đối xử với những người phản bội Ngài.  Ví dụ điển hình là với Thánh Phêrô, người được Chúa chọn đặc biệt, và được Chúa đặt là hòn đá tảng của cộng đoàn tông đồ.  Thánh Phêrô là người trung thực, với tấm lòng chân thành như trẻ thơ, ngài có đức tin sâu đậm, và hơn người khác, ngài hiểu được ý nghĩa sâu xa Chúa Giêsu là ai, và ý nghĩa giáo huấn của Chúa Giêsu.  Đúng vậy, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ (còn các anh, các anh nói tôi là ai?), Thánh Phêrô trả lời: “Ngài là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống.”  Nhưng vài phút sau lời tuyên xưng đó, Chúa Giêsu đã phải sửa lại quan niệm sai lầm của Thánh Phêrô về ý nghĩa của điều này, và Ngài đã quở trách ông vì ông muốn làm chệch hướng chính sứ mệnh của Ngài.  Nghiêm trọng hơn, chính Thánh Phêrô trong giây phút huyênh hoang đã nói, dù ai phản bội Chúa Giêsu, nhưng ông thì không, vậy mà ông đã chối Chúa ba lần trong giây phút khó khăn nhất của Chúa Giêsu.

Sau đó, chúng ta biết cuộc trao đổi của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô về chuyện phản bội này.  Điều quan trọng là Chúa Giêsu không đòi hỏi Thánh Phêrô phải giải thích, phải xin lỗi và cũng không nói những câu đại loại như: “Anh thực sự không phải là chính anh!  Tôi hiểu ai ở trong tình trạng này sẽ rất hãi sợ!  Tôi hiểu nỗi sợ hãi có thể làm cho anh làm như vậy!”  Không có những lời này.  Điều có thể bào chữa thì không cần được bào chữa, và điều không thể bào chữa thì không thể bào chữa được.  Trong sự phản bội của Thánh Phêrô, cũng như trong sự phản bội của chính chúng ta, khi nào cũng có hai khía cạnh này, có thể bào chữa và không thể bào chữa.

Vậy Chúa Giêsu làm gì với Thánh Phêrô?  Ngài không đòi Thánh Phêrô phải giải thích, cũng không đòi phải xin lỗi, cũng không nói… không sao, không bào chữa cho Phêrô, cũng không nói mình yêu thương Thánh Phêrô.  Thay vào đó, ngài hỏi: “Con có yêu Thầy không?” và tất cả mọi sự tiến đến đàng trước từ đó.

Mọi sự tiến đến đàng trước từ đó.  Mọi thứ đều có thể tiến lên sau lời thú nhận yêu thương, nhất là lời thú nhận yêu thương sau khi phản bội.  Lời xin lỗi là cần thiết (vì đó là nhận lỗi lầm và điểm yếu để vực tâm hồn của người bị phản bội lên, nhưng lời xin lỗi không hữu ích.  Nếu hành động đó không phải là phản bội, thì không cần bào chữa; nếu là phản bội thì không lời xin lỗi nào có thể tha thứ được.  Một lời xin lỗi hay một cố gắng xin lỗi để nhắm đến hai mục đích đều không có cái nào tốt.  Đầu tiên, nó dùng để hợp lý hóa và biện minh, không cái nào hữu ích cho kẻ phản bội hay người bị phản bội.  Điều thứ hai, nó làm suy yếu lời xin lỗi và làm cho lời xin lỗi trở nên không tinh sạch và trọn vẹn, do đó không thể xóa bỏ hoàn toàn sự phản bội khỏi tâm hồn người đã bị phản bội; và vì thế, đây không phải là lời nói thể hiện tình yêu cũng hữu ích như sự công nhận rõ ràng, trung thực về sự phản bội của chúng ta, và một lời xin lỗi không cố gắng bào chữa cho sự yếu đuối và phản bội của mình.

Điều mà tình yêu đòi hỏi khi chúng ta yếu đuối là chân thành thừa nhận, không bào chữa lý luận về sự yếu đuối của mình, đồng thời thốt lên lời nói từ trái tim: “Tôi yêu bạn!”  Mọi sự có thể tiến lên từ đó. Quá khứ và sự phản bội của chúng ta không được xóa bỏ, cũng không được bào chữa; nhưng, trong tình yêu, chúng ta có thể sống vượt lên chúng.  Xoá bỏ, bào chữa hoặc hợp lý hoá là không sống trong sự thật; thật không công bằng cho người bị phản bội vì người đó phải gánh các vết sẹo và hậu quả.

Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta vượt lên yếu đuối và phản bội và đó là nguyên tắc quan trọng không chỉ đối với các trường hợp trong cuộc sống khi chúng ta phản bội và làm tổn thương người thân yêu, mà còn với sự thông hiểu của chúng ta về cuộc sống nói chung.  Chúng ta là con người, chúng ta không phải là thần thánh, và do bẩm sinh, vì thế cơ thể tâm trí chúng ta bị dày vò với các yếu đuối và bất cập thuộc đủ mọi loại.  Như Thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Rôma, không bao giờ chúng ta đủ tốt.  Điều tốt chúng ta muốn làm thì chúng ta không làm, điều xấu chúng ta không muốn làm thì chúng ta lại làm.  Dĩ nhiên một số điều này có thể hiểu được, có thể bào chữa được, cũng như một số điều là không thể bào chữa, vì chúng ta là người và một phần điều này đã là một bí ẩn cho chính chúng ta.  Dù sao đến tận cùng, không có lời biện minh hay lời bào chữa nào là cần thiết (hoặc hữu ích).  Chúng ta không tiến về phía trước trong quan hệ với Chúa hoặc với người bị chúng ta làm tổn thương mà nói: “Bạn phải hiểu!  Trong hoàn cảnh này, tôi làm gì khác được?  Tôi không muốn làm bạn tổn thương, chỉ là tôi quá yếu đuối để chống lại!”  Những câu này không hữu ích, cũng không cần thiết. Mọi thứ tiến lên khi chúng ta, không bào chữa, chúng ta chấp nhận sự yếu đuối và chúng ta xin lỗi vì đã phản bội.  Giống như Thánh Phêrô, khi Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Con có yêu Thầy không?” từ trong trái tim, chúng ta phải nói: “Chúa đã biết tất cả, Chúa đã biết con yêu Chúa như thế nào.”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CÚ NGÃ NGỰA LỊCH SỬ

Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.  Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem.  Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại.  Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.  Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?…  Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử.  Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp.  Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hylạp; hay như khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa.  Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ?  Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời

– Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả biết bao nhiêu linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

– Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi.”

– Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô, và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu, và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

– Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

– Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi.”

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô.  Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ con người, và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, Tổng GP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô.  Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông.  Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.  Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.  Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.  Khi đã biết Chúa Kitô thì “Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô.  Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi.  Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô…” (Pl 3, 7-9).  Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3, 27-28).  Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Cl 3, 11).  Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.  Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô.  Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cor 11, 23-27).  Phaolô ra vào tù nhiều lần.  Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài.”  Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai… (2 Tim 1, 8-12).  Vì đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2, 9).  Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cor 12, 9).  Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy “chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4, 8-9).   Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14).  Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2, 20).

3. Những cú ngã ngựa trong đời tín hữu

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô.  Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình.  Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô.  Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….  Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39).

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa.”  Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được.  Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh.  Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.  “Tội hồng phúc” là thế.  Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin.  Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy.  Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

Lm Nguyễn Hữu An

LỜI CHÚA GỌI HÔM NAY

Khi 15 tuổi, Margaret Mehren là một thành viên của phong trào thanh thiếu niên Đức Quốc Xã ở Đức.

Sau cuộc chiến, cô tìm hiểu về sự diệt chủng trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Và cô thật sửng sốt.  Bỗng dưng cô nhận ra rằng Hitler không phải là một người lãnh đạo đáng vinh dự như cô nghĩ.  Cô thề sẽ không bao giờ tin vào người lớn.

Chính trong tâm trạng này mà Margaret cũng bắt đầu hồ nghi về thái độ vô thần của cô.  Một ngày kia cô cầu xin với Thiên Chúa, “Lạy Chúa, nếu Ngài thực sự hiện diện, hãy cho con những dấu hiệu.”

Khoảng thời gian này, tình cờ cô đọc Kinh Thánh.  Cô cố gắng đọc một vài lần, nhưng chẳng tìm thấy ý nghĩa gì cả.  Và rồi một đêm kia, cô lại cầm quyển sách ấy lên.  Lần này, nó thật có ý nghĩa!  Sau này cô viết:

Điều gì đó đã xảy đến với tôi khi đọc những lời của Chúa Giêsu.  Tôi biết Người đang sống!… Tôi biết Người ở đó, tuy tôi không nghe và thấy gì cả.

Đức Giêsu thì có thật, thật hơn bất cứ gì chung quanh tôi – bàn ghế, sách vở, chậu kiểng.  Tôi không còn cô độc.  Cuộc đời tôi không còn là một ngõ cụt.

Một vài năm sau, khi 21 tuổi, Margaret trở nên một nữ tu dòng Phanxicô.  Ngày nay, 25 năm sau, chị là một nữ tu truyền giáo, dạy học sinh ở Nam Phi Châu.

Câu chuyện của Chị Margaret Mehren nói lên sự kiện là Thiên Chúa vẫn kêu gọi con người ngày nay, cũng như Thiên Chúa đã kêu gọi ông Giôna trong thời Cựu Ước và ông Giacôbê, Gioan trong thời Tân Ước, trong bài phúc âm hôm nay.

Khi chúng ta nói Thiên Chúa kêu gọi người ta trở thành ngôn sứ của Chúa, hoặc Chúa Giêsu kêu gọi người ta trở thành môn đệ của Người, chúng ta thường đề cập đến điều đó là một ơn gọi.  Chữ ơn gọi xuất xứ từ chữ Latinh có nghĩa “kêu gọi.”

Chúng ta cũng nghĩ và nói về lời kêu gọi của Thiên Chúa đối với người trẻ.  Và điều đó chắc chắn đúng.

Một trong những người lãnh đạo tinh thần vĩ đại trong thời đại chúng ta là linh mục dòng Tên người Ấn là Anthony de Mello.  Anthony nói rằng cha cảm thấy lời mời gọi của Chúa khi còn là thanh niên.

Khi Anthony xin cha của mình cho phép đi tu làm linh mục, cha của Anthony trả lời không.  Ông chỉ còn lại hai người con gái nên nhiệm vụ của Anthony là nối dõi tông đường.

Sau đó, sau một thời gian 14 năm không sinh nở, mẹ của Anthony lại mang thai.  Khi bà được đưa vào bệnh viện để sinh, Anthony đã phải chạy bộ bốn dặm đến nhà thương.

Khi đến nơi, vừa thở hổn hển Anthony vừa hỏi, “Đó là con trai hay con gái?” Khi cha của anh trả lời đó là con trai, Anthony nói, “Hay quá! Thế là con có thể làm linh mục.”

Khi 16 tuổi, Anthony gia nhập một tiểu chủng viện ở Bombay. Sau đó người trở nên nổi tiếng toàn thế giới.

Nhưng người lớn tuổi cũng được mời gọi để theo Chúa.  Thật vậy, điều này dường như trở nên một khuôn khổ mới đang ló dạng.

Để minh hoạ, hãy nghĩ đến năm thanh niên từ một danh sách rất đông những người vào dòng Tên năm 1987.

Trước hết, có Vince, 33 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Pittsburgh và dậy cũng như huấn luyện thể thao ở cấp trung học cũng như đại học.

Kế đến là Mike, 26 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Harvard và làm việc với người vô gia cư ở Baltimore, và là một giáo chức với Đội Tình Nguyện Dòng Tên ở Nam Thái Bình Dương.

Thứ ba là Rene, 27 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học California và là một kỹ sư của hãng Texas Instruments.

Thứ tư là David, 28 tuổi vừa mới trở lại đạo Công Giáo.  Anh tốt nghiệp Đại Học Nam Alabama, trong hải quân bốn năm, và sau này là một trị liệu gia thể lý.

Sau cùng là George, 30 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Syracuse, đã năm năm là kiểm tra viên hàng không, và làm việc với Đội Tình Nguyện Dòng Tên ở Alaska tại một đài phát thanh.

Chỉ có năm người được chọn trong một danh sách những người vào dòng năm 1987.

Điểm chính là: Thiên Chúa vẫn kêu gọi người ta hôm nay, cũng như Chúa đã kêu gọi ông Giôna trong thời Cựu Ước và Giacôbê, Gioan trong thời Tân Ước.

Và Thiên Chúa đang kêu gọi người nam cũng như nữ.  Và Thiên Chúa đang kêu gọi người trẻ cũng như già.

Điều này đưa chúng ta đến một áp dụng thực tế vào đời sống chúng ta.

Trước hết, nếu chúng ta là cha mẹ, chúng ta có nói con cái hãy cầu xin sự hướng dẫn khi chúng phải chọn lựa công việc trong đời không?

Thứ hai, có bao giờ chúng ta xin Chúa gọi một đứa con của chúng ta để nó tận hiến phục vụ Hội Thánh không?

Và nếu chúng ta là người độc thân – trong tuổi thiếu niên, thanh niên, hay ba mươi – chúng ta có cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta khi phải chọn công việc trong tương lai không?

Hoặc có bao giờ chúng ta xin Chúa giúp chúng ta tận hiến phục vụ Hội Thánh không?

Hoặc có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc tình nguyện cả đời để phục vụ Hội Thánh, như Mike, 26 tuổi, làm việc tình nguyện ở Nam Thái Bình Dương, hoặc như George, 30 tuổi, làm việc tình nguyện ở Alaska không?

Làm việc tình nguyện với những người tình nguyện khác – nam cũng như nữ – là một cách để biết có phải một cuộc đời phục vụ Hội Thánh là điều làm chúng ta hạnh phúc, hoặc là một loại thành quả mà chúng ta đang tìm kiếm không.

Đây chỉ là một vài điều để suy nghĩ xuất phát từ các bài đọc hôm nay.

Đây chỉ là một vài điều để suy nghĩ mà cha mẹ cũng như người độc thân phải suy nghĩ theo ánh sáng của các bài đọc hôm nay.

Thật vậy, vì Thiên Chúa đang mời gọi người ta trong thời đại chúng ta, cũng như Thiên Chúa đã mời gọi con người trong thời Kinh Thánh. Và Thiên Chúa đang mời gọi người nam cũng như nữ, trẻ cũng như già.

Chúng ta hãy kết thúc với một suy nghĩ của Hồng Y Newman:

Thiên Chúa đã giao cho tôi một số công việc
mà Người không giao phó cho người khác.
Tôi có một sứ vụ…
Do đó, tôi sẽ tín thác vào Người…
Người không để nó trở thành vô hiệu…
Người biết điều Người thi hành.
Ôi lạy Chúa, con không dè dặt phó thác trong tay Ngài.

Lm. Mark Link, SJ.

NỤ HÔN CỦA CHÚA GIÊSU: BÀI HỌC TỪ MỘT CẬU BÉ GIÚP LỄ

TGPSG / Aleteia — Khi cậu bé lần đầu tiên giúp lễ làm một việc khác thường (đón nhận nụ hôn của Chúa Giêsu), cậu đã giúp cha xứ có thêm hiểu biết mới về tình yêu của Chúa Kitô.

Khi Linh mục José Rodrigo López Cepeda thụ phong linh mục được 6 tháng, Đức Giám mục đã chỉ định ngài đến phục vụ tại giáo xứ Đền Thánh Orosia, Tây Ban Nha, thay cho một linh mục đã làm cha xứ ở đó gần 30 năm.

Ban đầu, điều đó không hề dễ dàng đối với vị linh mục trẻ, vì dân chúng đã quen với cách làm việc lâu năm của cha xứ cũ.  Linh mục José nói rằng “mặc dù nhiệm vụ khó khăn, nhưng nó đã đạt kết quả tốt, và nó sẽ không thành công như bây giờ nếu không có sự giúp đỡ của một cậu bé tên là Gabriel.”  Linh mục José đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook vào đầu năm nay và nó rất đáng đọc.

Cậu bé Gabriel

PADRE;JOSE RODRIGO LOPEZ CEPEDA;MV201126D;MV01

Tuần thứ hai sau khi cha José về giáo xứ, một cặp vợ chồng trẻ đã đến nói chuyện với ngài cùng với cậu con trai Gabriel tám tuổi của họ – cậu bé đã gặp một số thử thách mà cha José miêu tả là “đặc biệt về mọi mặt.”

Cha mẹ của Gabriel đã xin cha xứ mới cho con trai mình được giúp lễ.  Lúc đầu, vị linh mục hơi do dự, không phải vì cậu bé có điều chi kém cỏi, mà chỉ vì ngài đang gặp nhiều khó khăn khi điều khiển giáo xứ.  Tuy nhiên, cậu bé có một “vũ khí bí mật” để chiếm được trái tim của vị linh mục.  Khi cha José hỏi cậu bé có muốn trở thành người giúp lễ không, thay vì trả lời bằng lời nói, cậu bé đã ôm chặt lấy thắt lưng vị linh mục (cao vừa mức cậu bé có thể với tới).  Làm sao vị linh mục này có thể từ chối cho được?

Thánh lễ đầu tiên của Gabriel trong tư cách là người giúp lễ

Cha José bảo cậu bé đến dự Thánh lễ sớm 15 phút vào Chủ nhật tuần sau để có thể kịp giờ giúp lễ lần đầu tiên.

Gabriel đến đúng giờ cùng với toàn bộ gia đình – những người đang mong chờ được nhìn thấy cậu giúp lễ.  Cậu mặc chiếc áo dài màu đỏ và áo choàng trắng có viền ren do bà ngoại làm.  Gia đình của cậu bé đã đã làm cho cộng đoàn dự lễ tăng số người lên cách đáng kể!  Cha José đã mô tả những gì xảy ra sau đó.

“Tôi đã phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Thánh lễ.  Tôi không có ‘ông từ giúp nhà thờ’ hoặc người kéo chuông, vì vậy tôi phải chạy tới chạy lui và phải đến khi Thánh lễ sắp bắt đầu, tôi mới phát hiện ra rằng Gabriel chưa hề biết giúp lễ.  Vì thời gian còn quá ít, tôi nảy ra một ý và nói với cậu bé: “Gabriel, con cứ làm những gì cha làm nhé!  Được không?”

Gabriel là một cậu bé rất ngoan ngoãn và thật thà.  Khi Thánh lễ bắt đầu, vị linh mục hôn lên bàn thờ, cậu bé cũng làm như vậy.  Khi đến bài giảng, cha José nhận thấy rằng mọi người đều đang mỉm cười và chú ý – nhưng không phải chú ý nhìn ngài, mà nhìn chú giúp lễ bé nhỏ kháu khỉnh đang ngoan ngoãn làm hết sức mình để bắt chước mọi cử chỉ của vị linh mục.

Nụ hôn

Sau thánh lễ, cha José kể lại, ngài đã nói với Gabriel những gì cậu nên và không nên làm trong Thánh lễ.  Cha José nói thêm rất rõ rằng, hôn bàn thờ là một cử chỉ dành riêng cho linh mục; Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, và linh mục, trong khi cử hành Tiệc Thánh, được kết hợp với Ngài một cách đặc biệt.

Cha José viết: “Cậu bé nhìn tôi với đôi mắt to đầy thắc mắc và không hiểu hết những lời tôi đang giải thích cho cậu ấy.”  Mặc dù Gabriel ngoan ngoãn nhưng cậu ấy cũng thẳng thắn và không ngần ngại nói: “Con cũng muốn hôn bàn thờ.”  Những lời giải thích lặp đi lặp lại cũng không giúp thay đổi mong muốn được hôn bàn thờ của cậu bé.  Cuối cùng, cha José nói rằng cha sẽ hôn bàn thờ “cho cả hai người.”  Cậu bé dường như chấp nhận giải pháp này, ít nhất là vào giây phút ấy.

“Bàn thờ đã hôn con”

Chúa nhật tiếp theo, khi Thánh lễ bắt đầu, vị linh mục hôn lên bàn thờ và quan sát xem cậu bé sẽ làm gì.  Gabriel không hôn bàn thờ với cha José.  Thay vào đó, cậu áp má vào bàn thờ và giữ như thế “với nụ cười thật tươi trên khuôn mặt bé bỏng” cho đến khi cha José bảo cậu dừng lại.

Sau thánh lễ, vị linh mục nhắc lại với cậu bé rằng cậu không được hôn bàn thờ và vị linh mục đang làm điều đó “cho cả hai.”  Câu trả lời của cậu bé khiến vị linh mục ngạc nhiên: “Con không hôn bàn thờ; mà bàn thờ đã hôn con.”  Rất ngạc nhiên, cha José nói: “Gabriel, con đừng đùa giỡn với cha!” Cậu bé không đổi ý: “Thật mà, thưa cha, Chúa đã cho con ngập tràn những nụ hôn.”

Thật đơn giản mà đẹp thay!  Chuyện này không thể không làm cho ta nhớ đến những lời Chúa Giêsu đã nói về trẻ em, được Thánh sử Mátthêu ghi lại: “Khi ấy, Chúa Giêsu nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu kín những điều này không cho người khôn ngoan, thông minh biết nhưng lại tiết lộ cho trẻ thơ…” (Mt 11, 25), “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời (Mt 18, 3).  Cha José nói rằng những lời của Gabriel khiến ngài tràn ngập “sự ghen tị thánh thiện.”  Ngài cũng muốn có được những nụ hôn ấy!  Vì vậy, sau khi mọi người đã về hết, cha José đóng cửa nhà thờ, đi đến bàn thờ và bắt chước cậu bé giúp lễ, áp má vào bàn thờ và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hôn con như Ngài đã hôn Gabriel.”

Hãy để mình được Chúa Giêsu yêu thương trước

Trong bài viết của mình, cha José nói rằng cậu bé Gabriel đã dạy ngài về tầm quan trọng của việc để bản thân mình được Chúa Giêsu yêu thương trước, và giữ mình kết hiệp thân mật với Chúa trong những lúc khó khăn.  Cha José nói: Cậu bé đã nhắc tôi nhớ rằng, việc mục vụ không phải là việc của riêng tôi, và việc chiếm được trái tim tha nhân chỉ có được khi tôi sống thân mật ngọt ngào với Đức Kitô – vị Linh mục duy nhất.

Từ đó, cha José giải thích, mỗi khi hôn bàn thờ, ngài thường đặt má lên đó để “đón nhận nụ hôn của Chúa”, bởi vì “nhờ Gabriel – cậu bé giúp lễ cũng là thầy của tôi, tôi học được rằng trước khi hôn bàn thờ Chúa, tôi cần được Ngài hôn.”

Hiện tại, Gabriel đã 25 tuổi và vẫn sống ở thị trấn đó.  Cha López Cepeda hiện đang thi hành chức vụ linh mục ở Mexico (quê hương của Gabriel) và đã không trở lại Tây Ban Nha kể từ năm 2010.  Trước khi ra đi, ngài đã chào cậu giúp lễ này, khi ấy đã thành chàng thanh niên.  Bất chấp khoảng cách xa xôi, họ vẫn kể lại cho nhau nghe ký ức đẹp đẽ này, trong đó Đức Kitô đã và sẽ luôn là nhân vật chính của câu chuyện.

Cecilia Zinicola & Matthew Green (Aleteia)
Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ (
TGPSG

LỜI MỜI GỌI TRƯỞNG THÀNH – KHÓC CHO THÀNH GIÊRUSALEM

Trưởng thành có nhiều mức độ khác nhau.  Trưởng thành cơ bản được định nghĩa chính yếu là phải vượt qua tính ích kỷ bản năng mà chúng ta được sinh ra, để bây giờ động lực và hành động của chúng ta được định hình qua nhu cầu của người khác chứ không chỉ qua nhu cầu của chúng ta.  Đó là mức tối thiểu cơ bản, mức tối thiểu để được trưởng thành.  Sau mức độ này, còn có các mức độ và trình độ tùy theo mức độ động cơ và hành động của chúng ta là vị tha hay vị kỷ.

Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có các mức độ trưởng thành ngày càng sâu sắc hơn, dù đôi khi chúng ta có thể bỏ lỡ lời mời vì nó được thể hiện một cách tinh tế chứ không như lời mời đạo đức được truyền đạt một cách rõ ràng.  Một lời mời tinh tế, nhưng rất sâu sắc để có được một mức độ trưởng thành cao hơn như việc Chúa Giêsu khóc cho thành Giêrusalem.  Có gì bên trong hình ảnh này?

Và đây là hình ảnh và khung bối cảnh của nó.  Chúa Giêsu vừa bị bác bỏ, cả về con người lẫn thông điệp của Ngài, và Ngài thấy rõ nỗi đau mà người dân sẽ gánh chịu do sự từ chối này.  Phản ứng của ngài là gì? Ngài có phản ứng theo cách mà hầu hết chúng ta thường nghĩ: “Quỷ tha ma bắt!  Tôi hy vọng bạn gánh đủ toàn bộ hậu quả của chính sự ngu ngốc này của bạn!”  Không!  Ngài khóc, giống như cha mẹ đối xử với đứa con ương ngạnh bằng tình yêu; ngài mong trong từng thớ thịt, có thể cứu con mình khỏi các hệ quả của các lựa chọn không tốt của nó.  Ngài cảm nhận được vết thương của con cái hơn là vui vẻ nhìn nỗi đau của chúng.

Ở đây có một thách thức kép.  Đầu tiên là vấn đề cá nhân: chúng ta vui mừng khi những người từ chối lời khuyên của chúng ta đau khổ vì sự sai trái của họ, hay chúng ta khóc trong lòng vì nỗi đau mà họ đã tự mang lại?  Khi chúng ta thấy các hệ quả trong cuộc sống của những người có các chọn lựa không đúng, dù đó là do vô trách nhiệm, do lười biếng, do ma túy, tình dục, phá thai, do ý thức hệ, do thái độ chống tôn giáo, hoặc do ý xấu, chúng ta có vui mừng khi các lựa chọn bắt đầu cắn họ như rắn cắn (Này, đã làm thì ráng chịu!) hay chúng ta khóc vì họ, vì bất hạnh của họ?

Phải thừa nhận, thật khó để không vui khi thấy người từ chối lời khuyên của mình bị lãnh đủ với quyết định cứng đầu của họ.  Đó là cách hoạt động tự nhiên của trái tim, vì thế sự đồng cảm có thể đòi hỏi một mức độ trưởng thành rất cao.  Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế (hầu như không có ngoại lệ) yêu cầu chúng ta mang khẩu trang để bảo vệ người khác và bảo vệ chính mình.  Phản ứng tự phát khi chúng ta thấy ai coi thường cảnh báo này, chúng ta có nghĩ họ thông minh hơn bác sĩ, không mang khẩu trang và sau đó bị nhiễm vi-rút không?  Chúng ta có vui thầm khi thấy họ phải gánh hậu quả việc họ làm hay chúng ta, một cách ẩn dụ, “khóc cho thành Giêrusalem” không?

Ngoài thách thức đưa ra cho mỗi chúng ta để tiến tới một mức độ trưởng thành cao hơn, hình ảnh này còn chứa đựng một thách thức mục vụ quan trọng đối với Giáo hội: trong tư cách Giáo hội, làm thế nào chúng ta thấy một thế giới thế tục hóa đã khước từ nhiều niềm tin và giá trị của chúng ta?  Khi chúng ta thấy các hệ quả thế giới đang phải trả cho điều này, chúng ta vui mừng hay thông cảm?  Chúng ta có thấy thế giới thế tục với tất cả những vấn đề mà nó đang tự gây ra do từ chối một số giá trị Tin Mừng như một đối thủ (người mà chúng ta cần bảo vệ cho chính chúng ta) hay như đứa con đau khổ của mình?  Nếu bạn là cha mẹ hoặc ông bà đang đau khổ vì đứa con hay đứa cháu chướng khí, bạn sẽ có thể hiểu ý nghĩa của “khóc cho Giêrusalem.”

Hơn nữa, cuộc đấu tranh để “khóc” cho thế giới thế tục (hoặc với bất cứ ai từ chối các giá trị chúng ta bảo vệ) còn bị làm trầm trọng hơn vì một động lực khác chiến đấu chống lại sự cảm thông.  Trong chúng ta có một khuynh hướng cảm xúc và tâm lý sai lệch hoạt động theo cách này.  Bất cứ khi nào chúng ta bị tổn thương nặng nề, chúng ta cần phải đổ lỗi cho ai đó, cần phải tức giận chống ai đó và cần phải đả kích ai đó.  Và bạn biết ai là người chúng ta luôn chọn để đổ lỗi không?  Một người mà chúng ta cảm thấy đủ an toàn để làm tổn thương vì chúng ta biết họ đủ trưởng thành để không trả đũa lại!

Có rất nhiều chỉ trích Giáo hội ngày nay.  Đúng, có rất nhiều lý do chính đáng để chỉ trích.  Do các thiếu sót của Giáo hội, một phần của sự thù địch này là chính đáng; nhưng một số sự thù địch thường vượt ra ngoài những gì được chứng minh.  Cùng với sự tức giận chính đáng, đôi khi cũng có rất nhiều tức giận vô cớ, tự nguyện.  Phản ứng của chúng ta trước những tức giận vô cớ và lời buộc tội không công bằng đó là gì?  Chúng ta có phản ứng bằng trả đũa không?  “Anh vượt giới hạn rồi, đi chỗ khác mà nổi giận!”  Hay là, như Chúa Giêsu khóc cho thành Giêrusalem, chúng ta đáp lại tức giận và buộc tội bất công bằng nước mắt cảm thông, và lời cầu nguyện rằng một thế giới đang giận dữ với chúng ta sẽ được tha thứ cho các lựa chọn không đúng của họ không?

Triết gia Soren Kierkegaard đã viết câu nổi tiếng: Chúa Giêsu muốn có đồ đệ, Ngài không muốn có người ngưỡng mộ Ngài!  Lời khôn ngoan.  Trong phản ứng của Chúa Giêsu trước sự từ chối mình, khi Ngài khóc cho thành Giêrusalem, chúng ta thấy sự tinh tế trong mức độ trưởng thành con người.  Và chúng ta được kêu gọi trưởng thành trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách cộng đồng giáo hội.  Chúng ta cũng thấy đây là trái tim rộng lớn cảm nhận được nỗi đau của người khác, ngay cả nỗi đau của người từ chối mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHIẾN DỊCH ANRÊ

Chủ đề: “Chúng ta hãy nên bắt chước Anrê chia sẻ với người khác niềm tin của mình vào Chúa Giêsu.”

Cách đây mấy năm, có một ông lão được nhận vào bệnh viện để điều trị bệnh.  Sau khi ông cụ được dễ chịu, cô y tá hỏi ông lão vài câu hỏi theo thông lệ, vì cô phải điền vào một trong các giấy tờ thủ tục nhập bệnh viện.  Một trong những câu cô hỏi ông lão là: “Tôn giáo ông quí chuộng hơn cả là tôn giáo nào?”  Cụ già nhìn cô y tá và nói: “Tôi rất vui sướng được cô hỏi câu ấy, tôi luôn luôn muốn là một người công giáo, nhưng trước đây chưa có ai hỏi tôi như vậy.  Chính cô là người đầu tiên hỏi tôi câu ấy.”

Câu chuyện có thực trên đặt cho chúng ta một vấn đề gây bối rối: Tại sao trong chúng ta có nhiều người do dự khi phải chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác?  Hoặc chúng ta có thể đặt lại câu hỏi này như sau: Nếu chúng ta tin rằng Phúc Âm thực sự là Tin Mừng, thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ nó với kẻ khác?  Hoặc nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho tàng vĩ đại nhất mà chúng ta có thể chiếm hữu được, thì tại sao chúng ta không chia sẻ với người khác đức tin của mình nơi Đức Kitô?

Điều này dẫn chúng ta đến với bài đọc ngày hôm nay.  Bài đọc thứ nhất tường thuật việc Samuel chia sẻ niềm tin của mình với Eli.  Bài đọc thứ hai thuật lại việc thánh Phaolô chia sẻ đức tin của mình với tín hữu Côrintô.  Và bài Phúc Âm trình bày Gioan Tẩy Giả chia sẻ đức tin với hai môn đệ của mình, và Andrê chia sẻ đức tin với anh em mình là Phêrô.

Chúng ta hãy chú ý vào bài Phúc Âm và đặc biệt vào trường hợp Andrê.  Sự kiện thánh Gioan nhắc đến Andrê những ba lần trong Phúc Âm của ngài quả thực mang đầy ý nghĩ.  Lần nào Andrê cũng dẫn đến với Chúa Giêsu một người nào đó, lần nào ông cũng chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác, trong bài đọc hôm nay, Andrê dẫn Phêrô, anh mình đến với Chúa Giêsu, mà Ngài đặt làm viên đá để xây dựng Giáo hội Ngài trên đó.  Về sau, Andrê lại dẫn đến với Chúa Giêsu một em bé có 5 ổ bánh và hai con cá (Ga 6: 8) và Chúa Giêsu đã dùng bánh và cá này để thiết đãi đám đông đang đói một bữa no nê.  Sau cùng, chính Andrê lại dẫn đến với Chúa Giêsu vài người Hy Lạp (Ga 12: 20-22), để rồi Chúa Giêsu thừa cơ hội này dạy cho dân chúng những điều trọng đại.

Từ đó, chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu; Nếu quả thực chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà chúng ta có thể chiếm hữu được, thì tại sao chúng ta lại không muốn chia sẻ kho tàng của chúng ta cho kẻ khác?

Câu trả lời mà chúng ta thường nghe là: người khác có thèm chú tâm đến Đức Giêsu đâu: câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi trên là nhiều người nghĩ rằng ông lão kia cũng chả chú tâm gì đến Chúa Giêsu.  Có lẽ họ tự nghĩ; “Nếu ông lão chú tâm đến Chúa Giêsu hoặc nếu lão ta muốn trở thành một người Công giáo thì lão ta đã lo liệu được việc đó từ lâu rồi!”

Vài năm trước, một giáo viên trung học ở Chicago đã yêu cầu mỗi học viên trong lớp phỏng vấn ba người về vấn đề cầu nguyện.  Các học viên phải đặt cho họ 5 câu hỏi:

– Anh (chị) có cầu nguyện không?

– Anh (chị) cầu nguyện hằng ngày hay chỉ thỉnh thoảng?

– Tai sao anh (chị) cầu nguyện?

– Khi cầu nguyện, anh (chị) cầu nguyện như thế nào?

– Ai đã dạy anh (chị) cầu nguyện?

Cuộc phỏng vấn của các học viên đem lại ba điều ngạc nhiên:

Thứ nhất, các học viên ngạc nhiên vì không ngờ người ta lại sẵn lòng bàn luận đến vấn đề cầu nguyện như thế.

Thứ hai, họ ngạc nhiên khi thấy có nhiều người cầu nguyện hằng ngày.

Và thứ ba, họ ngạc nhiên vì có nhiều bạn bè thân thiết của mình có cầu nguyện, thế mà trước đó họ chưa hề bao giờ bàn luận với nhau vấn đề ấy.

Một sinh viên nói về cuộc phỏng vấn:

“Tôi cứ tưởng các bạn tôi sẽ chế nhạo cuộc phỏng vấn, thế mà hoàn toàn khác hẳn, họ đã kính cẩn trả lời.  Một trong các bạn tôi nói rằng anh thực vui mừng khi bàn về một điều thực sự có ý nghĩa như thế.

Một cô gái kết luận: “Điều tôi thu lượm được từ dự án phỏng vấn nói trên chính là: Người ta đã thực sự quan tâm đến vấn đề cầu nguyện.”

Tất cả chúng ta đều đã đọc các bài viết trong các tạp chí bàn về cách thức trở nên một người nói chuyện có duyên hơn, hoặc bàn về việc trau dồi nhân cách bằng cách trau dồi nghệ thuật nói chuyện của mình.  Các bài ấy luôn luôn nhấn mạnh điều này; Chúng ta nên nói đến những gì thân thiết và quan trọng đối với chúng ta.  Thế mà có gì thân thiết và quan trọng hơn là niềm tin vào Chúa Giêsu?  Ai còn nghĩ rằng người ta chả quan tâm gì đến những việc này thì nên ghi nhớ cuộc khảo sát của các sinh viên nêu trên.  Người ta chẳng những ủng hộ cuộc khảo sát mà còn lấy làm hăng hái tham gia vào đó là khác.

Điều này khiến chúng ta đi đến một điểm quan trọng “chúng ta nên chia sẻ đức tin của chúng ta với kẻ khác.”  Bất cứ ai nghĩ rằng điều này không quan trọng thì người ấy nên ghi vào tâm trí câu chuyện về ông lão nói trên.  Giả như cô y tá chẳng hỏi ông về vấn đề tôn giáo thì chắc hẳn ông đã qua đời trong tình trạng chưa thực hiện được giấc mơ trở thành một người công giáo.

Và bất cứ ai nghĩ rằng việc chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác là không quan trọng thì kẻ ấy nên ghi vào tâm trí bài Tin Mừng hôm nay.  Giả như Andrê đã không chia sẻ đức tin với ông anh Phêrô thì có lẽ chẳng bao giờ Phêrô trở nên tảng đá trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo hội Ngài.  Và giả như Andrê đã không chia sẻ đức tin của mình với cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá thì có lẽ đám đông trên đồi sẽ trở về nhà bụng đói meo và Phúc Âm có lẽ đã không có được một trong những câu chuyện hứng khởi nhất của toàn bộ Kinh Thánh rồi!

Để kết luận, bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lưỡng lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác?  Nếu chúng ta tin Phúc Âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những ai mà ta biết đang tìm kiếm một niềm tin?  Đây là vấn nạn cực kỳ quan trọng mà Tin Mừng hôm nay đặt ra trước mỗi người trong chúng ta.  Không ai có thể trả lời dùm chúng ta.  Chúng ta phải tự mình trả lời lấy, mỗi người tuỳ theo cách thức riêng của mình.  Và chúng ta bị bắt buộc phải trả lời câu hỏi ấy.  Tha nhân đang chú tâm vào đức tin của chúng ta, và sự chia sẻ đức tin của chúng ta đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Chúng ta hãy kết thúc với lời khấn nguyện.

“Lạy Chúa, xin dạy cho mỗi người trong chúng con biết rằng ngay ở đây, trên trái đất này, Chúa chỉ biết nhờ đôi bàn tay chúng con để giúp đỡ những người thiếu thốn, Chúa chỉ biết dùng trái tim chúng con để ôm ấp những kẻ cô đơn; Chúa chỉ nhờ giọng nói chúng con để chia sẻ sứ điệp loan báo cuộc sống, nỗi khổ đau và cái chết Chúa đã chịu vì chúng con.

Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con biết rằng ở nơi đây, trên trái đất này, chúng con là đôi tay của Chúa, chúng con là tiếng nói của Chúa, và chúng con là trái tim của Chúa.”

Lm. Mark Link

ÔNG HOÀNG NÓI DỐI

Nhìn vào thế giới của chúng ta ngày nay, điều làm cho tôi lo sợ và lo lắng hơn cả mối đe dọa Covid, hơn cả bất bình đẳng ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, hơn cả nguy hiểm biến đổi khí hậu, và thậm chí hơn cả sự căm ghét cay đắng hiện đang chia rẽ chúng ta, đó là việc chúng ta mất đi không còn cảm giác nào về sự thật, sự từ chối thẳng thừng của chúng ta đối với bất kỳ sự thật nào mà chúng ta cho là không thuận lợi, cũng như câu cửa miệng của chúng ta về “tin tức giả”, “sự thật dối lừa” và các âm mưu ảo tưởng.  Mạng xã hội, với tất cả những gì tốt đẹp nó mang lại, lại tạo ra cơ sở để cho ai cũng có thể nói lên sự thật của riêng mình, và sau đó làm xói mòn các sự thật kết nối chúng ta và neo giữ sức khỏe tinh thần chúng ta.  Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới mà hai cộng hai thường không còn là bốn nữa.  Điều này tác động trên sức khỏe tinh thần chúng ta và đã tạo ra một số chuyện điên rồ trong xã hội.  Các sự thật neo giữ cuộc sống chung của chúng ta không còn được neo giữ.

Rõ ràng đây là điều xấu, và Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, Ngài nói với chúng ta Satan là Vua Dối trá tiêu biểu nhất.  Nói dối là mối nguy hiểm tối hậu cuối cùng của thiêng liêng, đạo đức và tâm lý.  Nó có gốc rễ trong điều Chúa Giêsu gọi là “tội chống Đức Chúa Thánh Thần là tội không thể tha thứ.” Tội này là tội gì và vì sao nó không thể tha thứ?

Đây là bối cảnh Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về tội này: Ngài vừa trừ quỷ.  Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó tin như tín điều rằng: chỉ ai đến từ Chúa mới có thể đuổi quỷ.  Chúa Giêsu vừa trừ quỷ, nhưng lòng hận thù của họ đối với Ngài làm cho họ xem đây là sự thật khó nuốt trôi.  Vì thế để phủ nhận thực tế, họ chọn cách phủ nhận những gì họ biết là đúng.  Họ chọn nói dối, khẳng định (dù họ đã biết rõ) Chúa Giêsu đuổi quỷ nhờ quyền lực của Ben-dê-bút.  Mới đầu Chúa Giêsu cố gắng vạch ra lập trường phi lô-gích của họ, nhưng họ vẫn ngoan cố.  Sau đó Chúa đưa ra lời cảnh báo tội không thể tha thứ là tội chạm đến Chúa Thánh Thần.  Lúc đó Ngài không buộc tội họ phạm tội này, nhưng cảnh báo nếu họ đi theo con đường này, nếu họ không sửa đổi thì sẽ dẫn họ đến tội đó.  Về bản chất, Ngài đang nói điều này: nếu chúng ta nói dối đủ lâu, cuối cùng chúng ta sẽ tin vào điều đó và điều này làm lương tâm chúng ta bị xói mòn đến mức chúng ta bắt đầu coi sự thật là giả dối và giả dối là sự thật.  Tội sau đó trở thành không thể tha thứ vì chúng ta không còn muốn được tha thứ và cũng sẽ không sẵn sàng để nhận tha thứ.  Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ nhưng chúng ta không sẵn sàng chấp nhận tha thứ vì chúng ta thấy tội là điều tốt và điều tốt lại thành tội.  Thế thì chúng ta muốn được tha thứ để làm gì?

Có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái này, một trạng thái trong đó chúng ta cho rằng các ơn của Chúa Thánh Thần (bác ái, vui vẻ, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, kiên trì, trung thành, dịu dàng, khiết tịnh) là giả dối, là chống lại sự sống, là sói đội lốt cừu.  Và bước đầu để đi đến tình trạng này là nói dối, không chịu thừa nhận sự thật.  Các bước tiếp theo cũng là nói dối, có nghĩa là tiếp tục từ chối chấp nhận sự thật để rồi tin lời nói dối của chính mình và chúng ta xem chúng là sự thật và sự thật là dối trá.  Nói thẳng, đó là những gì tạo ra địa ngục.

Địa ngục không phải là nơi con người đau buồn, ăn năn và cầu xin Chúa cho thêm cơ hội để sửa đổi mọi thứ cho đúng đắn.  Địa ngục cũng không bao giờ là điều bất ngờ tà ác chực chờ người lương thiện.  Nếu có ai trong địa ngục, thì là họ ở đó với lòng kiêu ngạo, than phiền những người ở trên thiên đàng, xem thiên đàng là địa ngục, bóng tối là ánh sáng, giả dối là chân lý, xấu xa là tốt, hận thù là tình yêu, thiện cảm là yếu đuối, kiêu ngạo là sức mạnh, sáng suốt là điên rồ, và Chúa là ma quỷ.

Một trong các bài học trọng tâm trong Tin Mừng là: nói dối là nguy hiểm, là tội nguy hiểm nhất trong các tội.  Và điều này không chỉ diễn ra trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần.  Khi nói dối, chúng ta không những chỉ có tác động nhanh và lỏng lẻo với Chúa, chúng ta còn tác động nhanh và lỏng lẻo với chính sức khỏe tinh thần của chúng ta.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào điều mà thần học cổ điển gọi là “hiệp nhất” của Chúa.  Điều này có nghĩa Chúa là nhất quán.  Không có mâu thuẫn nào bên trong Thiên Chúa và do đó, thực tế cũng có thể được cho là nhất quán.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào niềm tin này.  Chẳng hạn nếu một ngày mà hai cộng hai không còn là bốn, thì các nền tảng sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ không còn trụ được nữa; chúng ta thực sự sẽ không có gì để neo giữ bản thân nữa.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta và sức khỏe tinh thần của xã hội tùy thuộc vào sự thật, khi chúng ta thừa nhận sự thật, khi chúng ta nói sự thật, và dựa trên hai cộng hai mãi mãi vẫn là bốn.

Martin Luther đã nói: hãy phạm tội thật táo bạo!  Ông muốn nói rất nhiều về điều này, nhưng chắc chắn điều ông muốn nói là mối nguy hiểm tối hậu đối với tinh thần và đạo đức của chúng ta là che đậy yếu điểm của mình bằng cách nói dối, vì Satan là Vua của Dối trá!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỂ LÀM CHA TRÊN TRỜI HÀI LÒNG

Với biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan, mời bạn cùng tôi dừng bước để “chiêm niệm” lại chính phép rửa của mình và đời sống của người con cái Thiên Chúa.

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).  Lời từ trời cao vang dội xuống trần gian.  Lời từ Cha Từ Ái gởi đến Người Con Duy Nhất đã vâng phục trong khiêm tốn, để thi hành thánh ý Cha ban.  Thánh ý của tình yêu từ trời cao mang ơn cứu độ đến cho muôn người, trong đó có bạn và tôi nữa.

Với Chúa Giê-su và trong ân sủng của Thần Khí, một hồng ân cao quý được ban xuống cho chúng ta.  Đó là mỗi người chúng ta, từ khi được Chúa nắn thành hình và làm nên, được Chúa trao ban hơi thở và đưa vào cuộc đời, được trở nên nghĩa tử, trở nên con cái của Cha trên trời.  Hồng ân cao quý này luôn mang dấu ấn của tình yêu cao quý, và hồng ân này được hiển lộ rõ rệt hơn nữa qua chính bí tích Thánh Tẩy.

Dù bạn và tôi được đón nhận bí tích Thánh Tẩy khi còn là em bé khóc o oe chẳng biết gì, hay là một người trưởng thành đầy ý thức và tự do nói lời “xin vâng” với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, thì chúng ta đều được ghi một dấu ấn thật đẹp.  Dấu ấn đó là:

“Mỗi người chúng ta đều là người con yêu dấu của Cha trên trời.”

“Là con yêu dấu của Cha”, nên trong đôi mắt Cha mỗi người chúng ta là viên ngọc thật quý giá, thật quan trọng đối với Cha, vì thế Cha luôn trân trọng và mến thương.  Dù cuộc đời có đưa ra biết bao chuẩn mực thước đo, để đánh giá và thẩm định một con người, thì với Cha trên trời bạn và tôi luôn quý giá.  Cái quý giá của tình yêu từ trời cao ban tặng vượt trên mọi khuôn mẫu của cuộc đời này.  Bạn giàu và tôi nghèo, Cha đều yêu thương.  Bạn giỏi giang và tôi đơn hèn, Cha đều trân quý.  Bạn hạnh phúc đầy đủ và tôi vất vả lầm than, Cha đều ở bên để chia sẻ, để đỡ nâng và để bảo ban dạy dỗ.

Thật vậy, từ ngày được sinh vào đời, từ ngày được trở nên con cái của Cha, được mang căn tính là một Ki-tô hữu, nghĩa là người có Chúa Ki-tô, người thuộc về Chúa Ki-tô, chúng ta trở thành người được Cha yêu thương, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu không dựa trên bất cứ chuẩn mực nào mà cuộc đời tự cho mình là thông minh và tự cho mình có quyền đưa ra.

“Là con yêu dấu của Cha” cũng là “em của Chúa Giê-su” nữa.  Như vậy, “Anh Giê-su” đã sống thế nào để làm hài lòng Cha, thì chúng ta cũng bước đi trên nẻo đường đó.

Điều đầu tiên mà Anh Giê-su làm Cha hài lòng là gì vậy?  Đó là vâng phục thánh ý tốt lành của Cha, là sẵn sàng đón nhận sứ mạng quan trọng.  Sứ mạng làm cho người Con Yêu Dấu của Cha trở nên xác phàm, sống trong căn lều ngay giữa góc phố của nhân trần, và chia sẻ mọi điều vất vả lầm than, rồi còn gánh vác tất cả mọi khổ đau kể cả tội lỗi của nhân trần trên đôi vai của Ngài.

Vâng phục thánh ý, vâng phục Cha trên trời, vâng phục vì yêu thương, vâng phục để sống sứ mạng cứu rỗi những phận người đang sống trong tội lỗi, đang lần bước trong bóng đêm.

Ôi, vâng phục của tình yêu.  Một sự vâng phục quá tuyệt vời!  Sự vâng phục làm nên ý nghĩa của cuộc sống, sự vâng phục tạo nên giá trị của cuộc đời.

Nhìn Anh Giê-su với tinh thần vâng phục cao quý này, bạn và tôi đã “viết chữ vâng phục” trong đời mình như thế nào?  Vẫn biết rằng ai cũng muốn khẳng định bản thân, vẫn biết rằng ai cũng có ý riêng, nhưng nếu cả đời chỉ ôm ấp “cái tôi” của mình, và mỗi hơi thở chỉ hướng về chính mình mà thôi, thì cuộc sống đó sẽ “chật chội” biết bao nhiêu.

Có khi nào chúng ta đã nắn nót viết chữ “vâng phục” thật đẹp trên một góc đường nào đó, chúng ta cảm thấy đời có đáng sống không?  Tâm hồn có cảm nhận một niềm vui sâu lắng của người con đơn hèn vâng phục Cha và làm hài lòng Cha không?

Nhưng cũng có nhiều lúc, thật vậy không chỉ một lúc và nhiều lúc lắm, chúng ta đã “lắc đầu” với Cha, đã chẳng màng đến ý Cha và cũng chẳng thèm để ý đến Cha, và rồi hiên ngang kiêu hãnh tiến bước trên đường đời với tâm trạng “thật sảng khoái”, vì tự cho mình là trên hết, ý mình là tuyệt nhất, không có mình chẳng ai có thể làm gì được.  Vì thế, không phải là ý Cha được thể hiện, mà là ý tôi cần được mọi người đón nhận và thực thi.

Ôi, cái đầu hiên ngang kiêu hãnh và cứng ngắc của một phận người thấp bé hèn kém có thể gục xuống bất cứ lúc nào!

Như hoa đồng cỏ nội, sáng nở chiều tàn, đời người có thể hôm nay khoẻ mạnh và lành lạnh, mai “được chú virus” nhỏ bé Covid viếng thăm, thì tự động đời phải khép lại, tự mà cách ly, tự mà sống quanh quẩn trong bốn bức tường, chưa kể đến những nỗi đau trên thân xác mà Covid gây ra, và rồi phận người kiêu hãnh đó có dám tự bảo đảm là mình chắc chắn vượt qua được thử thách thật khiếp đảm mà Covid đưa tới?

Sáng mai còn mở mắt là còn biết mình đang sống, là nhận ra sự sống mình là quà tặng.  Kiêu hãnh làm gì, khi “tôi có gì mà không phải do Chúa ban”.

Vì thế, vâng phục thật là điều làm làm chúng ta “trở nên” con yêu dấu của Cha và làm hài lòng Cha.  Đi với vâng phục chính là khiêm nhường.  Anh Giê-su mặc trong mình bản chất khiêm nhường là nền tảng cho sứ mạng cứu rỗi.

“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”

Lời mời gọi thật quen thuộc của Anh Giê-su luôn vang lên và tiếp tục vang lên để nhắc nhớ chúng ta.

Chính Cha là khiêm nhường, chính Anh Giê-su là khiêm nhường.  Vì thương yêu, Cha đã trao ban Người Con Duy Nhất, vì thương yêu Anh Giê-su, phận là Thiên Chúa, đã hạ mình khiêm nhường.  Khiêm nhường được mặc vào toàn bộ cuộc sống của Anh Giê-su, Chúa của khiêm nhường.

Nói một cách rõ hơn, khiêm nhường là ngôn ngữ của Cha trên trời, của Thánh Thần Chúa và của Ngôi Hai là chính Anh Giê-su.
Trong khi người dưới thế kiêu ngạo gào lên: “Tôi, tôi, tôi!”;
thì Thiên Chúa Ba Ngôi nhỏ nhẹ nói: “Con, con, con!”

“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”

Lời mời gọi thật quen thuộc của Anh Giê-su luôn vang lên và tiếp tục vang lên để nhắc nhớ chúng ta: Đừng cứ cố gào lên “tôi, tôi và tôi, rồi lại tôi”, mà cùng trở về lại với phận người rất thật của mình là bụi tro, là bùn đất trước mặt Thiên Chúa.

Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4,10).  Tập cúi mình cuống, tập hạ mình xuống là bài học thật cấp thiết biết bao cho những phận người “bùn đất và tro bụi.”  Đừng bao giờ tự cho mình lớn hơn Cha, cao hơn anh Giê-su, ngược lại cả đời chỉ mong chẳng còn gì để mà tự mãn, để mà tự cao tự đại, để nhờ đó “Chúa luôn lớn lên và tôi luôn nhỏ lại.”

“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 38, 5).  Đời là kiếp phù du nghĩa là đời là một hành trình sẽ qua đi theo định luật sinh lão bệnh tử.  Đôi khi tử còn đến nhanh hơn mình tưởng.  Không ít lần, trước khi lão đến tử đã đến rồi.  Ôi! “xin cho con đừng xao lãng và kiêu hãnh, ngược lại luôn khôn ngoan và thận trọng và chuẩn bị sẵn sàng, khi Chúa như kẻ trộm đến với nhà con.”

Vì thế, ai dám cao ngạo “xác định” mình sẽ sống đến trăm tuổi, mình sẽ khoẻ mãi và không có nếp nhăn, mình sẽ “make up” mỗi ngày để vẻ đẹp luôn nở tươi, thì người đó đang sống trong thế giới “ảo” của riêng mình.  Đó là ảo tưởng của những “bùn đất” thích cao ngạo với “các chữ tôi” không bao giờ kết!

Tập đếm tháng ngày mình sống là biết sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời mình, để mà ý thức về phận hèn, để mà biết luôn hướng lòng về với Đấng sinh ra mình, Đấng cầm quyền sinh tử của mình.

Tập đếm tháng ngày mình sống, là biết “gạn đục khơi trong”, là dẹp đi mọi thứ “dư thừa” mà mình đã và đang gom góp, những thứ đối với mình là quan trọng lắm, nhưng những thứ đó lại không làm cho Cha trên trời hài lòng gì cả.

Kiếp người của tôi và của bạn đều phù du cả, không ai có thể quả quyết độ ngắn độ dài của đời mình đâu.  Thật vậy, “đời người như thể phù du, sớm còn tối mất, công phu lỡ làng”, vì thế chúng ta cùng cố gắng mỗi ngày sống trong vâng phục, trong khiêm nhường như anh Giê-su để làm hài lòng Cha nhé.

Cuối cùng, với bí tích Thánh Tẩy và trong hồng ân là con cái Cha trên trời, cũng như mang căn tính Ki-tô hữu, Bạn và tôi cùng lên đường trong mỗi ngày sống với sứ mạng thật đẹp.  Đó là yêu thương, là gieo và rải hạt giống Tin Mừng của Chúa trên mọi nẻo đường mình qua, là đến với từng Anh Chị Em và nói với họ rằng:

“Anh, Chị, Em và Bạn chính là
người con yêu dấu của Cha trên trời.
Nào chúng ta cùng nắm tay song bước trên đường,
cùng chung sống để làm hài lòng Cha,
Đấng là Nguồn và là Đích, Đấng cầm quyền sinh tử của mỗi chúng ta”.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ
Nürnberg, Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa 2021

MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã cử hành lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu được giới thiệu cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông.  Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” khác qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Sự kiện này được trình bày như một nghi thức phong vương long trọng.  Qua nghi thức này, chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại về Chúa Con và sứ mạng của Người.  Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện dưới hình chim bồ câu và đậu trên Chúa Giêsu.

Dưới ngòi bút của thánh sử Maccô, Chúa Giêsu được diễn tả như một Môisen mới.  Nếu ông Môisen trong Cựu Ước đã dẫn Dân Thánh đi qua biển đỏ, thì nay, Chúa Giêsu cũng dẫn nhân loại vượt qua tội lỗi đến đạt tới sự thánh thiện.  Cách nói “vừa lên khỏi nước” gắn liền với nghi thức thanh tẩy Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ tay ông Gioan Tẩy giả, phần nào muốn nhắc tới cuộc vượt qua biển đỏ của dân Do Thái trong lịch sử.

Chi tiết kể lại việc “Chúa Giêsu thấy tầng trời mở ra” có ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc: theo truyền thống Do Thái, cửa trời đã đóng lại sau những vị ngôn sứ cuối cùng (Agê, Giacaria, Malakia) ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên.  Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cũng vì thế mà gián đoạn.  Trước khi Chúa Giêsu đến trần gian, dường như hoạt động của Thần Khí đã bị ngưng lại.  Với Chúa Giêsu, mọi sự đã thay đổi.  Kỷ nguyên mới đã khai mào.  Việc các tầng trời mở ra (nguyên văn tiếng Hy lạp: trời xé toạc ra) chứng minh cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không còn ngăn cách nữa, mà được nối lại.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như dấu hiệu của thời cứu rỗi và của cuộc sáng tạo mới.  Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Giêsu dường như phác họa lại thời hoang sơ, trước khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người: “Thần Khí Chúa bay là là trên vực thẳm hỗn mang” (St 1,2).  Việc Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu giúp chúng ta liên tưởng đến con chim ngậm cành ôliu sau trận Đại hồng thủy trong Cựu Ước.  Thần Khí Chúa đến để loan báo cho nhân loại biết thời gian trừng phạt của Chúa đã mãn (x. St 8,8-11).  Cũng giống như nước hồng thủy đã rút và một nhân loại mới tinh tuyền thánh thiện đã khởi đầu, thời kỳ cứu độ trong ân sủng đã khai mào trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu.  Vì vậy, từ thời các Giáo phụ, trận lụt Đại hồng thủy, cũnng như cuộc vượt qua Biển Đỏ, đã được chú giải như hình bóng của Bí tích Thanh tẩy của các Kitô hữu.

Một chi tiết nữa rất quan trọng trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Thánh Máccô, đó là tiếng nói từ trời.  “Tiếng nói từ trời” là cách diễn tả Thiên Chúa của người Do Thái, như kiểu người Việt chúng ta kiêng tránh phạm húy.  Tiếng nói ấy đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  Đây cũng là một lời giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại.  Những người hiện diện hôm đó ở bờ sông Giođan, khi nghe câu tuyên bố của Chúa Cha, chắc chắn liên tưởng đến những lời của Cựu Ước: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã hạ sinh ra con” (Tv 2,7); hoặc: “Đây là tôi tớ mà Ta tuyển chọn.  Ta hài lòng về Người” (Is 42,1-2).

Vì những chú giải ở trên, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được hiểu như một cuộc “thần hiện”, qua đó, sứ mạng của Chúa Giêsu được giới thiệu công khai cho dân chúng.  Người là Đấng Cứu độ trần gian.  Người đã khởi đầu sứ mạng một cách rất khiêm tốn, hòa vào dòng người đang nhận mình là tội nhân và sám hối bằng cách dìm mình xuống dòng sông để được ông Gioan thanh tẩy.

Theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, khi chấp nhận dìm mình xuống dòng sông Giordan và lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Tẩy, để rồi từ nay, những ai được dòng nước thiêng ấy tẩy rửa, họ sẽ được tha tội Tổ tông và các tội khác đã phạm, trở nên một tạo vật mới tinh tuyền thánh thiện.  Thánh sử Maccô đã nhìn thấy bản chất siêu nhiên của bí tích Thanh Tẩy Kitô giáo, khi ghi lại lời của Gioan Tẩy giả: “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”  Như vậy, trong nghi thức Thanh tẩy, linh mục chủ sự chỉ đóng vai trò như ông Gioan Tẩy giả, còn chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.  Nhờ việc ban Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người con cái của Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, tức là cùng với Người hưởng gia nghiệp vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.  Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha.  Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chấm dứt cuộc sống cũ và bước sang thời đại mới, thời đại của ơn cứu rỗi.  Huyền nhiệm vinh dự của phép Thanh tẩy chỉ có thể cảm nhận bằng Đức Tin, vì “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).

Nếu Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, thì vào ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vậy.  Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức tin và soi sáng giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại.  Có Đức tin là một ơn Chúa ban.  Chúng ta ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, giống như chúng ta và đã chết trên cây thập giá, đã sống lại vào ngày thứ ba.  Đương nhiên chúng ta chưa thể hiểu hết những mầu nhiệm này.  Tuy vậy, khi thinh lặng quỳ gối cầu nguyện, chúng ta nhận ra những màu nhiệm ấy là có thật.  Khi chiêm ngắm cầu nguyện trước Thánh Thể, là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu, chúng ta ra về với tâm hồn thanh thản và được tăng thêm sức mạnh.

“Đây là con Ta yêu dấu!”  Chúa Cha đã nói những lời ấy về Chúa Giêsu.  Khi được thanh tẩy, Chúa Cha cũng nói về chúng ta như thế.  Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian, để đem niềm vui và hy vọng đến cho cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên