NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM

Đức Giêsu đã phục sinh.  Nhưng điều này đâu có quan hệ gì đến tôi, nếu Đức Giêsu cũng tương tự như bao người khác, cũng chỉ là một người như bao người khác: họ được nhưng đâu có nghĩa rằng tôi được?  Đức Giêsu Phục Sinh chỉ ảnh hưởng tuyệt đối đến tôi, nếu Ngài là Thiên Chúa.

Qua các tông đồ Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh hiện diện

Sau khi Đức Giêsu phục sinh, với sự trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ đã nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa.  Và dưới tác động của Thánh Thần các tông đồ đã can đảm tuyên xưng, rao giảng Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại.  Và hôm nay sách tông đồ công vụ cho thấy những người tin vào Đức Giêsu đã trở thành một nhóm đặc biệt, trở thành dấu chỉ của Đức Giêsu Phục Sinh cho con người thời đó.

Thánh Phêrô trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho con người.  Bóng của Ngài ngả xuống trên bệnh nhân nào thì người đó được khoẻ lại.  Có người nghĩ: không chừng các tông đồ còn làm được những điều lớn lao hơn cả Đức Giêsu.  Chính Đức Giêsu cũng nói: “Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm người ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta về cùng Cha” (Ga.14, 12).

Ngày xưa khi Chúa về trời, các tông đồ đã thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; và ngày nay qua Hội Thánh nơi các tín hữu, Thiên Chúa cũng hiện diện với con người hôm nay.

Đức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa

Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã nói những lời người Do Thái không thể chấp nhận được, như Ngài nhận Ngài có quyền tha tội (Mc.2,7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 58), Ngài là một với Thiên Chúa Cha (Ga.10, 30), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha (Mc.14, 62).  Người Do Thái không thể chấp nhận những lời đó, nên đã lấy đá định ném chết Ngài.  Nếu Ngài không là Thiên Chúa, quả thật Ngài phạm tội “phạm thượng”: là người phàm mà dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Ngài đã sống lại, nghĩa là, những điều Ngài nói là thật, vì nếu Ngài nói dối, Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài!  Như vậy, Ngài có quyền tha tội (mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật.

Ngài là Thiên Chúa thật, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa nhập thể.  Và do đó, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, vì nếu không yêu con người, tại sao Thiên Chúa nhập thể làm người?  Tại sao Ngài phải chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá?  Tại sao Ngài mãi mãi là người?  Chính vì tình yêu, vì yêu con người, mà Thiên Chúa trở thành một người như bao người.  Thiên Chúa làm tất cả cho con người.

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con

Khi hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”  Như vậy, các tông đồ, và sau đó là các Kitô hữu, có cùng sứ mạng với Đức Giêsu.

Sứ mạng của Đức Giêsu, của Ngôi Lời nhập thể, là làm sao để con người nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa!  Để làm được điều này, Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã sống như một người hoàn toàn, đã hiến mình làm của ăn cho con người, đã chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá vì yêu con người, đã yêu con người đến chết.

Sứ mạng của các tông đồ, của Hội Thánh ngày nay, của mỗi người tín hữu, là làm chứng cho tình yêu, làm cho thế gian biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng.  Để làm được điều này, cũng đòi tín hữu phải hy sinh, phải yêu thương con người ngày nay đến độ quên mình như Đức Giêsu.  Thập giá minh chứng tình yêu.  Lửa thử vàng, gian nan thử tình yêu.  Tình yêu cải biến, chinh phục lòng người.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

TÌM PHỤC SINH Ở ĐÂU

Có những điều cần đến sự đóng đinh nhục hình.  Tất cả mọi sự tốt đẹp, đến tận cùng đều bị đem ra thí tội và bị đóng đinh.  Như thế nào?  Bởi quy luật này, một quy luật lạ lùng ngược đời bẩm tại trong đời sống con người luôn có một ai đó hay một sự gì đó không thể ở yên, nhưng vì những lý lẽ của bản thân nó, phải đi truy lùng và tấn công những sự thiện tốt lành.  Những gì tốt lành, những gì từ Thiên Chúa mà ra, luôn có lúc bị hiểu lầm, bị ganh tị, thù ghét, truy đuổi, buộc tội, và cuối cùng là treo lên thập giá.  Mọi phần thân thể Chúa Kitô chắc chắn chịu cùng số phận như Ngài: chịu chết vì bị hiểu lầm, vì sự ngu dốt và ghen tỵ.

Nhưng còn có một mặt khác: Cuối cùng Phục Sinh luôn chiến thắng nhục hình.  Những gì tốt lành chiến thắng.  Do đó, dù Thiên Chúa không trốn tránh nhục hình, nhưng thân xác Chúa Kitô không ở trong mồ quá lâu.  Thiên Chúa luôn lăn tảng đá mồ ra, và đủ sớm để cho sự sống mới trỗi dậy, qua đó chúng ta thấy được vì sao đời sống bình thường của mình phải chịu nhục hình.  (Không phải là Chúa Kitô phải chịu đau khổ và phải chết hay sao?)  Sau nhục hình, chắc chắn là Phục Sinh.  Tất cả mọi thân xác chịu nhục hình sẽ trỗi dậy.  Hy vọng của chúng ta phát xuất từ đó.

Nhưng là như thế nào?  Chúng ta thấy được sự phục sinh này ở đâu?  Làm sao chúng ta cảm nghiệm được phục sinh sau nhục hình?

Kinh thánh rất khéo léo, dù rất rõ ràng, về điều này.  Chúng ta nghĩ là có thể cảm nghiệm phục sinh ở đâu?  Tin mừng cho chúng ta biết, vào tảng sáng phục sinh, các phụ nữ theo Chúa Giêsu đã lên đường viếng mộ, mang theo dầu thơm để xức xác Ngài.  Một ý định tốt nhưng lầm, những gì họ thấy không phải là xác chết, nhưng là ngôi mộ trống, và thiên thần đứng đó hỏi họ: “Tại sao các bà lại tìm người sống giữa cõi chết?  Hãy lên đường đến Galilê và các bà sẽ thấy Ngài ở đó!”

Hãy đến Galilê.  Tại sao là Galilê?  Galilê nào đây?  Và làm sao để đến đó?

Trong tin mừng, Galilê không đơn thuần là một địa điểm địa lý, một vị trí trên bản đồ.  Mà trên hết, Galilê là một nơi trong lòng người.  Cũng thế, Galilê là giấc mơ và con đường môn đệ mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng đi với Ngài, và cũng là nơi chốn thời điểm khi lòng họ bừng bừng hy vọng và nhiệt tình.  Giờ đây, sau khi Chúa chịu đóng đinh, khi họ thấy giấc mơ của mình đã chết, khi đức tin của họ chỉ còn là ảo tưởng, thì họ lại được bảo hãy đi về nơi tất cả mọi sự khởi đầu: “Hãy đi về Galilê.  Ngài sẽ gặp các bạn ở đó!”

Và họ về lại Galilê, cả về mặt địa lý và cả về một nơi đặc biệt trong lòng họ từng một thời cháy bỏng giấc mơ môn đệ Chúa.  Và như lời đã hứa, Chúa Giêsu hiện ra với họ.  Ngài không giống y hệt như Ngài trước đây, hay như những gì họ muốn, nhưng Ngài hiện ra, Ngài không chỉ là một bóng ma hay một ký ức.  Chúa Kitô hiện ra với họ sau phục sinh, theo một phương thức khác, nhưng Ngài đủ hữu hình thể lý để cùng ăn cá với họ, đủ thực để họ chạm đến, và đủ quyền năng để biến đổi cuộc đời họ mãi mãi.  Đến tận cùng, đây chính là những gì mà sự phục sinh muốn ở chúng ta: Hãy về lại Galilê, về lại với giấc mơ, với hy vọng và tình môn đệ từng một thời thổi bừng chúng ta, nhưng giờ đã mất đi vì chúng ta vỡ mộng.

Điều này cũng tương đồng với câu chuyện trên đường Êmau, khi hai môn đệ với gương mặt buồn bã u ám rời Giêrusalem.  Và từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một linh đạo trọn vẹn: Theo thánh Luca, Giêrusalem là giấc mơ, là hy vọng và là trung tâm lòng đạo, nơi khởi đầu và cực điểm của mọi sự.  Và các môn đệ đang “rời bỏ” nơi này, từ bỏ giấc mơ của mình, hướng về Emmau (một khu nghỉ dưỡng của người La Mã thời đó), hướng về một nơi tiện nghi phàm tục, một Las Vegas hay Monte Carlo.  Do giấc mơ của họ đã bị đóng đinh nhục hình, nên cũng dễ hiểu khi các môn đệ nản lòng và rời xa giấc mơ đó, hướng đến một khuây khỏa phàm tục, trong sự tuyệt vọng: “Nhưng chúng ta đã từng hy vọng!”

Họ không bao giờ đến Emmau.  Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, từ sự vỡ mộng Ngài dựng lại hy vọng trong họ, và đưa họ về lại Giêrusalem.

Đây là một trong những thông điệp căn bản nhất của Phục Sinh: Bất kỳ lúc nào chúng ta nản lòng trong đức tin, bất kỳ lúc nào hy vọng dường như bị đóng đinh giết chết, thì chúng ta cần về lại Galilê và Giêrusalem, nghĩa là về lại giấc mơ và con đường môn đệ mà chúng ta từng mang trong lòng trước khi mọi thứ tưởng như sụp đổ.  Bất kỳ lúc nào chúng ta thấy dường như nước trời không có thực, tất nhiên sẽ có cám dỗ từ bỏ cương vị môn đệ để chạy đến sự khuây khỏa phàm tục, hướng đến Emmau, để được giải khuây nhờ Las Vegas hay Monte Carlo.

Nhưng, chúng ta biết, mình không bao giờ đến Las Vegas hay Monte Carlo.  Bằng cách này hay cách khác, Chúa Kitô luôn gặp chúng ta khi chúng ta đang trên đường đến đó, Ngài đào sâu tâm hồn chúng ta, giải nghĩa những nhục hình cho chúng ta hiểu, và đưa chúng ta về lại cương vị môn đệ mà chúng ta đã từ bỏ.  Một khi đến đó, tất cả mọi sự lại có ý nghĩa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

AI SẼ LĂN TẢNG ĐÁ?

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh nói đến tảng đá lấp cửa mộ đã bị bật tung và mở toang.  Sự kiện khởi đi buổi “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, Maria Mađalêna đi thăm mộ và “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”, bà liền kết luận “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”  Phêrô thinh lặng.  Gioan “đã thấy và đã tin.”

Mađalêna đau khổ thất vọng nên chỉ thấy tảng đá là sự kết thúc.  Bà chưa hiểu phía sau tảng đá được lăn ra kia ẩn chứa một mầu nhiệm siêu phàm.

Tông đồ Phêrô, quan sát kỹ lưỡng từ tảng đá cho đến ngôi mộ trống và tất cả những gì đã xảy ra nơi đây, nhưng ngài không nói gì, không bày tỏ thái độ mà chỉ thinh lặng.  Vì sao vậy?  Lý do có thể Phêrô là lãnh đạo tinh thần của nhóm tông đồ nên sự im lặng là cần thiết?  Băn khoăn, không biết nghĩ thế nào hay phải ăn nói làm sao!  Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Tin mừng trình bày, sự im lặng của Phêrô có nguyên nhân từ sự chưa hiểu thấu mầu nhiệm Phục sinh: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9).  Thật thế, cho đến mãi sau này, khi đã được gặp Đấng Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Phêrô mới hiểu vì sao ngôi mộ trống và tâm hồn ông lúc ấy mới bừng sáng để hiểu điều mà Kinh thánh từng loan báo.  Phêrô là một người chân chất đơn sơ.  Điều gì chưa biết thì im lặng và chờ đợi chứ không nhiều lời, không suy diễn.

“Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này.  Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.  Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).  Tảng đá nghi ngờ đang che mờ đôi mắt đức tin của họ.

Các thượng tế và kỳ mục thì lo âu sợ hãi trước hiện tượng mồ trống.  Vì thế, các ông mới cho lính canh số tiền hậu hĩ và bảo những người này phao tin là các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác: “các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13).  Tảng đá ghen ghét đã bịt lối nhìn lối nghĩ của họ.

Cuối cùng chỉ có một người tin.  Đó là Tông đồ Gioan.  Nhưng Gioan tin không phải vì hiện tượng mồ trống mà vì những gì đã thấy.  Gioan thấy gì?  Ông thấy những băng vải và khăn che đầu không xếp lộn với nhau, nhưng để riêng ra một nơi.  Cảnh tượng này làm Gioan nhớ lại lời Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết rồi mới chỗi dậy mà vào chốn vinh quang (Lc 24,26).  Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại.  Ladarô ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng.  Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).  Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt 12,40).  Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9).  Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: “Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết.  Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18,31-33).  Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay…  Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26,31-32)…  Những lời đó làm Gioan tin chứ không phải thấy Đấng Phục Sinh.  Gioan không thấy Đấng Phục Sinh nhưng ông tin Đấng mà ông yêu mến đã sống lại.  Ngay từ giây phút đầu tiên khi thấy những vết tích còn để lại trong mồ trống, Gioan đã tin cách tuyệt đối.  Tuy không thấy xác nhưng những vải liệm kia chính là những dấu chỉ có giá trị đối với ông.  Nói như J.P Duplantier, “ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở nên một ngôn ngữ.”  Nhờ việc chú ý đến thứ ngôn ngữ ấy, người môn đệ Chúa yêu đã khám phá và hiểu rằng Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, điều mà lúc bấy giờ ngoài ông ra, các môn đệ khác còn chưa hiểu nổi.  Rõ ràng, thấy là nền tảng và bằng chứng cho lòng tin.  Nhưng thấy ở đây không phải là thấy những sự kiện bên ngoài mà là thấy ý nghĩa bên trong gắn liền với sự kiện.  Tông đồ Gioan thấy sự kiện những băng vải và khăn che đầu, nhưng vì nhớ lời Kinh Thánh mà tin.  Thấy rồi mới tin là chuyện bình thường.  Còn không thấy mà tin mới là phúc như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).

Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá lấp cửa mồ đã mở toang.  Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm đã mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an.  Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Đấng Phục Sinh!  Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp.  Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang.  Chúa Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Có những hòn đá ta bước qua rất dễ.  Có những tảng đá phải tốn thời giờ công sức mới dịch chuyển nó sang một bên để có đường đi.  Nhưng cũng có những tảng đá to chắn bít lối đi, che khuất tầm nhìn nên không thể bước tiến.  Trong đời sống thường nhật, có biết bao tảng đá vô hình mà nặng nề, cần phải được tháo bỏ.  Giuđa bán Thầy với giá 30 đồng bạc, cả một tảng đá tham lam đè nặng tâm hồn.  Phêrô chối Thầy đến 3 lần, ấy là vì tảng đá sợ hãi che kín.  Các môn đệ bỏ trốn, vì tảng đá nhát đảm sợ liên luỵ đang vây bủa.  Mỗi người chúng ta có thể cũng đang bị một tảng đá vô hình nào đó đè nặng tâm hồn.  Tảng đá đam mê nết xấu.  Tảng đá ghen ghét, chia rẽ.  Tảng đá đam mê dục vọng…  Ai sẽ giúp chúng ta lăn những tảng đó ra?…  Xin thưa là chính Chúa Giêsu Phục Sinh.  Ngài sẽ giúp ta lăn tảng đá đó ra khỏi đời mình và làm cho tâm hồn ta được phục sinh để sống bình an.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62), và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66).  Tảng đá đó thể hiện sức mạnh quyền lực của sự dữ và sự thống trị của con người.  Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do thái có khả năng thách thức được quyền phép Thiên Chúa sao?  Đấng Phục Sinh đã bật tung tảng đá niêm phong, từ cõi chết, Người sống lại vinh quang, mở lối vào sự sống mới.

Chúa Giêsu sống lại, chân lý đã chiến thắng, tình yêu vượt trên hận thù và sự sống mạnh hơn sự chết.  Phục Sinh là niềm tin và hy vọng cho người Kitô hữu vào sự sống mai sau: “Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Phục Sinh là niềm vui của những người được Chúa Kitô đẩy tảng đá ra khỏi cuộc đời họ, làm cho tâm hồn họ được bình an.  Như Giakêu, như Lêvi đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tảng đá của tội lỗi nên họ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản và bước theo Chúa.  Và còn biết bao tấm gương khác đã được giải thoát khỏi những tảng đá vô hình, và từ đó hân hoan bước theo Chúa Giêsu.

Chúa đã Phục Sinh.  Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay.  Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc than tiếc thương của các môn đệ.  Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương.  Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng.  Ánh sáng tràn ngập.  Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.  Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ.  Từ đây các môn sinh bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

Chúa đã sống lại thật!  Allêluia!  Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ.  Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.  Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự phục sinh.  Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao?  Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường…  Tảng đá vô hình đè nặng được lăn ra khỏi tâm hồn chính là phục sinh.  Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

TAM NHẬT THÁNH

Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Vượt Qua, cũng gọi là Tam Nhật Thánh.  Ba ngày sắp tới thường được gọi là “thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong cốt lõi của đức tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.  Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội.  Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem.  Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ “nguồn gốc của mọi lễ”, như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.

Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác.  Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ.  Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.

Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức.  Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất.  Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô.  Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người.  Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ.  Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu.  Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ.  Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm.

Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô.  Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá.  Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau.  Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.

Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm.  Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt.  Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm.  Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa.  Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh.  Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.

Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô.  Giáo Hội canh thức bên lửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết.  Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới.  Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.

Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa.  Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người.  Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.  Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.

Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá.  Các lễ nghi của Tam Nhật Vượt Qua và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhiệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.

Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự.  Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới.  Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử.  Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian.  Tình yêu thương mạnh hơn thù hận.  Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương.  Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.

ĐGH Beneeddictô XVI
Source:  Libreria Editrice VaticanaGENERAL AUDIENCE Paul VI Audience Hall Wednesday, 19 March 2008

VƯỜN CÂY DẦU

Cách đây vài năm, diễn viên Mel Gibson đạo diễn và sản xuất một bộ phim được công chúng đặc biệt hưởng ứng.  Với tựa đề, Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, bộ phim khắc họa lại cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, từ vườn Cây Dầu cho đến cái chết trên Núi Sọ, tác giả nhấn mạnh đến các đau đớn thể xác của Ngài.  Bộ phim thể hiện sống động từng chi tiết các đau đớn mà một người bị đóng đinh thập giá phải chịu, khi bị đánh, bị tra tấn, và bị sỉ nhục.

Trong khi hầu hết các phái trong Giáo hội tán thưởng bộ phim, cho rằng cuối cùng thì cũng có người làm một bộ phim khắc họa thật về những đau đớn của Chúa Giêsu, thì nhiều học giả Kinh thánh và nhiều ngòi bút thiêng liêng khác lại lên tiếng chỉ trích.  Tại sao lại thế?  Có gì sai khi chiếu một bộ phim dài với chi tiết sống động, những máu me của việc đóng đinh thập giá, vốn thực sự rất hãi hùng?

Có gì sai (hay nhẹ hơn là không hợp) khi đây chính là những gì mà Kinh thánh đã không ghi lại về cái chết của Chúa Giêsu.  Tất cả bốn Tin mừng đều cố gắng không tập trung vào đau đớn thể xác của Chúa Giêsu.  Các mô tả trong Tin Mừng về những đau đớn thể xác của Ngài đều hết sức ngắn gọn: “Họ treo ngài giữa hai phạm nhân.”  Philatô cho “đánh đòn Đức Giêsu rồi giao ngài cho người ta đem đi đóng đinh.”  Tại sao lại rút gọn như thế?  Tại sao không mô tả chi tiết?

Lý do mà các tác giả tin mừng không tập trung vào những đau đớn thể xác của Chúa Giêsu là họ muốn chúng ta tập trung vào một điều khác, cụ thể là những đau đớn trong cảm xúc và tinh thần của Ngài. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xét theo chiều sâu thực sự, là một tấn kịch tinh thần, chứ không phải tấn kịch thể lý, là đau khổ của một người đang yêu, chứ không phải đau đớn của một vận động viên.

Do đó, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu tiên liệu cuộc khổ nạn của mình, những gì Ngài lo lắng không phải là đòn roi hay mũi đinh đóng vào tay mình.  Mà Ngài đau đớn và lo lắng cho sự cô độc mình sẽ phải đối diện, cho kết cuộc bị những người đã nói yêu mến Ngài phản bội và bỏ rơi, và cho tình cảnh, theo cách diễn đạt của Gil Bailie là, “bị tất cả loại bỏ.”

Như thế cuộc thương khó của Chúa Giêsu rõ ràng là một tấn kịch tình yêu.  Nó bắt đầu với mồ hôi máu đổ ra trong vườn Cây Dầu, và kết thúc với việc mai táng Ngài trong vườn.  Chúa Giêsu đang đổ mồ hôi máu trong vườn, chứ không phải trên đấu trường.  Vậy, việc ở trong vườn, có gì đặc biệt?

Về mặt tượng hình, vườn không phải là nơi trồng rau và dĩ nhiên cũng không phải là nơi trồng hoa.  Vườn là nơi của những người yêu nhau, là nơi cảm nhận hạnh phúc, nơi uống rượu, nơi Adong và Evà đã trần truồng mà chẳng biết, nơi người ta yêu nhau.

Và các tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu và kết thúc cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong vườn để nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu, một người đang yêu (chứ không phải Chúa Giêsu Vua, Pháp sư, hay Ngôn sứ), đang trải qua tấn kịch này.  Và chính xác tấn kịch này là gì?  Khi Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn và van xin Chúa Cha đừng bắt Ngài “uống chén này,” thì lựa chọn thực sự của Ngài không phải là: Ta sẽ để mình phải chết hay sẽ dùng đến sức mạnh thần thiêng để cứu mạng mình?  Nhưng đúng hơn, lựa chọn của Ngài là: “Ta sẽ chết cách nào?  Ta sẽ chết trong giận dữ, cay đắng, và không tha thứ, hay Ta sẽ chết với một tấm lòng nồng ấm thứ tha?”

Tất nhiên, chúng ta biết Chúa Giêsu đã đi qua tấn kịch này như thế nào, Ngài đã chọn lấy lòng bao dung và tha thứ cho những người hành hình mình, và trong toàn bộ những u ám đó, Ngài vẫn giữ vững những gì Ngài đã giảng dạy trong suốt đời rao giảng, chính là tình yêu, tình thương, và tha thứ sẽ tuyệt đối chiến thắng.

Hơn nữa, những gì Chúa Giêsu đã làm trong tấn kịch tâm hồn này là những gì chúng ta phải noi theo hơn là đơn thuần ngưỡng mộ, vì tấn kịch này cũng hoàn toàn là tấn kịch tình thương trong đời chúng ta với vô vàn cách thể hiện khác nhau.  Cụ thể là:

Đến cuối đời, chúng ta sẽ chết thế nào đây?  Lòng chúng ta sẽ giận dữ, bám víu, bất dung, và cay đắng vì sự bất công của cuộc đời?  Hay, lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?

Hơn nữa, đây không phải là chọn lựa cốt yếu và duy nhất mà chúng ta phải đối diện trong giờ chết, nhưng là chọn lựa chúng ta phải đối diện hằng ngày, nhiều lần mỗi ngày.  Biết bao lần khi va chạm hàng ngày với người khác, với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và cả xã hội nói chung, chúng ta đã phải chịu những lạnh lùng, hiểu lầm, bất công, và cả bạo hành chủ ý nữa.  Từ sự lãnh đạm của một thành viên trong gia đình trước lòng tốt của chúng ta, cho đến một lời bình luận ác ý chủ tâm làm tổn thương chúng ta, đến một sự bất công hết sức ở nơi làm việc, đến việc bị thành kiến và xúc phạm, và bàn ăn, nơi làm việc, phòng họp, và cả trên đường, tất cả đều là những nơi chúng ta cảm nghiệm hàng ngày, ít hay nhiều, những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong vườn Cây Dầu, cảm giác, bị tất cả loại trừ.  Trong bóng đêm đó chúng ta có đi theo ánh sáng của mình?  Đối diện với những thù ghét đó, chúng ta có theo tiếng gọi của tình yêu hay không?

Đó đích thực là tấn kịch trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và ở đó những đòn roi, đinh nhọn không phải là tâm điểm.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU

Nghi thức tuần thánh khởi đầu bằng một cuộc kiệu Lá để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem.  Một cuộc kiệu tưng bừng tiếng tung hô: “Hoan hô thái tử nhà Đa-vít!  Chúc tụng Vua Ít-ra-en,” nhưng lại nhuốm buồn vì liền ngay sau đó chúng ta được nghe trình thuật về cuộc thương khó của Chúa.  Trong suốt Tuần Thánh này, có ba cuộc kiệu như thế.  Hai cuộc kiệu còn lại vào chiều thứ Năm tuần thánh – kiệu Mình Thánh Chúa, và Đêm Vọng Phục Sinh – kiệu Nến Phục Sinh.  Những cuộc kiệu trong khung cảnh cuộc thương khó vừa mở ra trước mặt chúng ta một con đường, vừa như là một nhắc nhớ: đằng sau buồn thương có niềm vui cứu độ, qua khổ nạn sẽ là Phục Sinh.

Đường đưa tới vinh quang

Bài thương khó theo thánh Mát-thêu đã gợi lên những hình ảnh xem ra hoàn toàn trái ngược với cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem.  Thật vậy, việc Chúa được dân chúng tung hô đón rước khi Ngài vào thành thánh chỉ là hình ảnh báo trước vinh quang đích thực Ngài sẽ nhận được khi Chúa Cha cho Ngài sống lại từ cõi chết.  Nhưng để được vinh quang ấy, Đức Giêsu phải đi vào con đường khổ nạn, phải tự hiến mình làm hy lễ dâng lên đẹp lòng Cha.

Rất nhiều lần chiêm ngắm bức ảnh Chúa hấp hối, chúng ta thấy được gì phía sau hình ảnh một Chúa Giêsu đẹp đẽ uy nghi quì gối bên một phiến đá dưới ánh trăng vàng đầy thơ mộng?  Chúng ta có nhận thấy một Đức Kitô đang gập mình xuống đất, oằn oại trong cơn khủng hoảng vượt quá sức mình?  Chúng ta có hiểu được lời Ngài thổ lộ với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26, 38) và cả tiếng kêu thống thiết trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).

Nỗi đắng cay như vây kín và xiết chặt lấy Ngài, đắng cay của người bị bạn mình phản bội, của Thầy bị môn đệ chối từ và bỏ rơi, của Đấng cứu tinh bị dân mình loại trừ.  Tất cả đều do sự ích kỷ, lòng kiêu căng và nỗi tham vọng của con người.  Thân xác Chúa khổ sầu đến nỗi mồ hôi máu đổ ra và tâm hồn Ngài gần như tan nát không phải vì những roi đòn và nhục mạ, nhưng chính là gánh nặng của tội lỗi nhân loại. “Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4).

Qua khổ nạn mới đến Phục Sinh.  Đó chính là chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa Cha và Chúa Con được tôn vinh.  Còn trong thực tế cuộc sống, có nhiều người lại muốn đạt đến vinh quang bằng những con đường ngắn nhất và dễ nhất.  Cuối cùng, những gì mà họ có được chỉ là hư ảo, tầm thường nhất và cũng mau qua nhất.

Đường nở hoa tình yêu

Đức Giêsu chịu chết khổ hình nhằm cứu chuộc nhân loại và cũng để tôn vinh Thiên Chúa Cha.  Nhiều khi ta tự hỏi: có cần phải như thế với một Thiên Chúa quyền năng?  Hẳn rằng điều làm cho Hiến Lễ Thập Giá của Đức Giêsu trở nên có giá trị và đem lại ơn Cứu Độ không phải là đau khổ hay sự chết, mà là tâm tình vâng phục trong yêu mến đối với Chúa Cha; nhưng chính đau khổ và Thập Giá lại là cách thế diễn tả tâm tình đó thật tuyệt vời.

Sự vâng phục yêu mến của Đức Giêsu đã được I-sai-a báo trước qua hình ảnh người tôi trung: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50, 5).  Còn thánh Phao-lô đã ca ngợi: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7 – 8).  Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thưa với Chúa Cha trong vườn cây Dầu đã nói lên tất cả sự vâng phục yêu mến: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).

Con Thiên Chúa đâu có lạ gì với những đau khổ của phận người khi bước vào trần gian.  Đứng trước con đường khổ nạn, Ngài không hỏi tại sao cũng chẳng buông lời nguyền rủa, nhưng Ngài đã bước đi và đi tới cùng với tất cả tình yêu, tình yêu thật lớn lao dành cho Cha và nhân loại, và lập tức bao nhiêu đau khổ kia trở nên ý nghĩa.  Con đường Thập Giá bỗng nở hoa rộn ràng.  Cây Thánh Giá đã trở nên lộng lẫy với vương miện tình yêu.  Qua đó, Đức Giêsu cũng dạy cho con người một bí quyết để sống hạnh phúc, để có hòa bình: Tình yêu và tha thứ.

Như thế, con đường mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta chẳng phải là “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về,” nhưng là con đường đã in dấu chân, đã thấm mồ hôi và đã mang cả trái tim của Thầy Giêsu – Con Đường Thập Giá.

Cùng Chúa ta lên đường

Lời Chúa hôm nay muốn đưa chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá của Đức Giêsu không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá.  Rước lá đi theo Chúa trong vài giờ là điều dễ.  Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó khăn gì.  Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.

Pascal đã nói: “Chúa Giêsu sẽ còn hấp hối đến tận thế.”  Mỗi năm có hàng triệu thai nhi bị loại khỏi lòng mẹ một cách bất công.  Và còn bao nhiêu người đang ở trong điều kiện sống chẳng xứng với phẩm giá của mình.  Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối giữa thế giới hiện đại.  Chúng ta vẫn gặp những Kitô hữu đang bị lo lắng, buồn rầu, ấm ức… dày vò nghiền nát.  Đó chính là Đức Kitô đang hấp hối trong nhiệm thể Ngài.  Và chính đời sống chúng ta nhiều khi cũng nhuốm phiền muộn, bất an, lo sợ, nghi ngại và xáo trộn.  Nếu ta biết đón nhận với lòng khiêm tốn và tình yêu để cứu rỗi thế gian thì trong ta, Đức Kitô cũng đang tiếp tục hấp hối và thân thưa với Chúa Cha rằng: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng ý Cha hoàn toàn.”

Đã hơn 2000 năm rồi, tất cả những gì đã xảy ra dường như vẫn đang còn diễn lại.  Chúng ta vẫn đang cùng Đức Giêsu đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế.  Chớ gì lời Đức Giêsu mời gọi: “Hãy vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9, 23) luôn vang vọng bên tai chúng ta mỗi khi phải đối mặt với thử thách hay khi bị lăng nhục nhạo cười…  Sau khi đã hiểu thấu ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa, hẳn chúng ta sẽ thấy yêu Thánh Giá của Chúa hơn, và cũng mến Thánh Giá của mình hơn, đồng thời biết kính trọng Thánh Giá của người khác nữa.

Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu Thương Khó, có lẽ mỗi người chúng ta đều rất sốt sắng với lời hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình…  Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối…”  Chớ gì chúng ta luôn có được tâm tình của Đức Giêsu hôm nay, để hân hoan tiến bước vào đời tiếp tục con đường nên Thánh và cứu thế của Ngài, Con Đường Tình Yêu dẫn tới Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc.

Lm. Kiều Công Tùng

ƠN CỨU CHUỘC NGANG QUA SỰ VÂNG PHỤC

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể.  Nói cách khác, hôm nay, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Qua biến cố vĩ đại này, tinh thần phụng vụ hướng chúng ta về hai mẫu gương vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria, đồng thời cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria để sống sự vâng phục trong cuộc sống đạo hôm nay.

1. Vâng phục để cứu độ

Khi nói đến sự vâng phục, chúng ta nhớ ngay đến đoạn Kinh Thánh mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Philípphê, ngài viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Sự vâng phục này là khởi đầu của nguồn ơn cứu độ, vì nếu Đức Giêsu không vâng phục Thiên Chúa để trở thành Đấng Emmanuen, nhằm cứu chuộc nhân loại tội lỗi, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải chọn con đường khác.  Tuy nhiên, con đường tự hủy mà Đức Giêsu đã chọn là con đường tuyệt vời nhất, bởi vì nó diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa.  Điều này đã được thánh Gioan nhắc đến, ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Sự vâng lời của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện, vì thế, Ngài đã nói: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa” (Tv 39, 8a – 9a); hay: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34).  Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ đến muôn ngàn đời.  Tại sao vậy?  Thưa!  Bởi vì Ngài đã vâng lời và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự và đã chấp nhận đổ máu mình ra nhằm cứu chuộc con người.

Chính vì sự vâng phục này, mà nhân loại đón nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.

2. Vâng phục để đồng công cứu chuộc

Khi nói đến sự vâng phục của Đức Giêsu, chúng ta không thể không nói đến sự vâng phục của Đức Maria.  Mặc dù phụng vụ canh tân ngày nay không còn tập trung nơi Đức Maria như trước kia vào thời Trung Cổ.  Tuy nhiên, khi nói đến ơn cứu chuộc của Đức Giêsu nhờ sự vâng phục mà có, thì Giáo Hội cũng luôn đề cao sự cộng tác của Mẹ Maria trong công cuộc ấy cũng bằng chính sự vâng phục nơi Mẹ.

Sự vâng phục của Mẹ Maria được đánh giá rất cao trọng, bởi vì khi Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa, kế hoạch riêng tư của Mẹ hoàn toàn sang trang và chuyển hướng khác, để nhường cho chương trình và ý định của Thiên Chúa trên toàn thể nhân loại.

Nói như thế, là vì Đức Mẹ ngay từ khi còn nhỏ đã khấn giữ mình đồng trinh để thuộc trọn về Chúa và phụng sự Người.  Tuy nhiên, Thiên Chúa lại có chương trình riêng cho người thiếu nữ Sion này, đó là muốn Mẹ nhận lời và cưu mang Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại.

L Annonciation
Ecole de Louis de Boullogne, fin du XVIIe siècle.
Huile sur toile, H. 190 x l. 300 cm.

Biết được ý định ngàn đời của Thiên Chúa, nên sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35), Mẹ Maria đã mau mắn trong tự do để thưa lên với Thiên Chúa ngang qua sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).  Nhờ hai tiếng xin vâng của Mẹ, nhân loại tràn đầy niềm hân hoan, vì từ nay, Con Thiên Chúa đã đến và ở với loài người.

Khi chọn Mẹ Maria, người thiếu nữ Sion để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã khai mở một kỷ nguyên mới, thiết lập một dân tộc mới thay thế cho dân cũ đã bị cái chết bao phủ do tội bất tuân của Evà.  Từ nay, muôn đời sẽ khen Mẹ diễm phúc, vì từ cung lòng Mẹ đã cưu mang Đấng là Nguồn Ơn Cứu Độ, Nguồn Mạch Sự Sống.

Cũng chính lời xin vâng này, mà cuộc đời của Mẹ đã kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trọn vẹn.  Mẹ đã trở thành Đấng đồng công cứu chuộc với Con Chí Ái của mình.

3. Người Kitô hữu sống tinh thần vâng phục

Sứ điệp Lời Chúa và tinh thần phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho sự vâng phục trong đời sống đức tin hằng ngày của mỗi người.

Nếu trước kia, nơi Đức Giêsu, Ngài đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để vâng phục Thiên Chúa Cha qua việc đến trần gian trong thân phận là một con người nhằm cứu chuộc nhân loại; và nếu Mẹ Maria khi vâng lời Thiên Chúa và sẵn sàng để cho thánh ý của Người được thực hiện, thì đến lượt chúng ta, nếu muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa trong lòng Giáo Hội hôm nay, thiết nghĩ con đường tự khiêm tự hạ và vâng phục trong lòng mến của Đức Giêsu và Mẹ Maria chính là lựa chọn của chúng ta.

Tuy nhiên, với sự yếu đuối của con người và với những trào lưu hiện sinh của nhân loại ngày nay, chúng ta rất khó có thể vâng phục, nhất là sự vâng phục của đức tin!

Nhiều khi chúng ta biện hộ cho việc bất tuân của mình bằng những chuyện như: vâng phục là mất tự do; vâng phục làm cho con người bị lệ thuộc.  Hiểu theo nghĩa tâm lý hay triết học thì thật đúng như vậy.  Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đức tin dưới ánh sang Lời Chúa thì không phải vậy, bởi vì: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta.  Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng.  Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi” (SGLHTCG. Số 1733).

Thực tế cho thấy, những ai trung thành với Chúa, người đó đạt tới đích trong sự viên mãn.  Những ai biết gắn bó cuộc đời của mình với Thiên Chúa trong sự vâng phục, cuộc sống của người ấy vui tươi bình an và hạnh phúc.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con chính người Con Một duy nhất của Cha đến trần gian qua cung lòng Mẹ Maria, để chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc của Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.  Xin Cha ban cho chúng con biết noi gương Con Một Cha và Đức Trinh Nữ Maria để sẵn sàng hiến dâng cuộc đời của mình trong sự vâng phục nhằm cộng tác vào công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

NHỤC HÌNH CỦA THẬP GIÁ

Khi Chúa Giêsu chảy mồ hôi máu ở vườn Giết-sê-ma-ni, Ngài đã xin Chúa Cha cất chén đắng này, chủ yếu Người không chùn bước trước viễn cảnh đau đớn thể xác tàn bạo.  Người chùn bước trước viễn cảnh một kiểu đau đớn cụ thể mà thông thường đa số sợ hơn là nỗi đau thể xác.  Khi Người hỏi Chúa Cha liệu có nhất thiết phải chết theo cách đó hay không, là Người không ám chỉ đến án tử hình.

Hình phạt đóng đinh trên thập giá do người La Mã chế ra có thêm một ý định khác.  Nó ấn định một án tử hình, giết một tội phạm, nhưng ngoài ra nó còn mục đích làm một số điều khác nữa.

Hình phạt đóng đinh trên thập giá nhằm gây ra nỗi đau thể xác cùng cực.  Vì vậy, người ta cố tình kéo dài quá trình này trong nhiều giờ đồng hồ và họ tính toán cẩn thận để cường độ đau đớn tăng dần nhưng không làm cho tội phạm bất tỉnh để dịu cơn đau khi bị đóng đinh.  Thực tế, đôi khi họ còn cho tội nhân uống rượu vang có trộn moóc-phin, không phải để làm dịu cơn đau, mà để không ngất xỉu vì quá đau, và như vậy họ phải tiếp tục chịu đựng cơn đau đớn đó lâu hơn.

Nhưng hình phạt đóng đinh trên thập giá còn có một ý định khác nữa, thậm chí còn ác độc hơn.  Đó là nhằm sỉ nhục tội nhân.  Ngoài những chuyện khác, tội nhân còn bị lột truồng trước khi bị treo lên thập giá, để bộ phận sinh dục phơi ra trước dân chúng.  Còn nữa, vào giây phút lìa đời, ruột gan của họ sẽ bung ra.  Rõ ràng hình phạt đóng đinh trên thập giá nhằm hạ nhục.

Chúng ta xưa nay có xu hướng xem nhẹ khía cạnh này, cả trong giáo huấn lẫn trong nghệ thuật.  Như Jurgens Moltmann nói, chúng ta đã trang trí cây thập giá với toàn hoa hồng, toàn những tấm khăn choàng thẩm mỹ và vô trùng.  Nhưng trường hợp của chúa Giê-su không phải như vậy.  Người bị lột truồng trước công chúng, thân thể người bị hạ nhục trước dân chúng.  Điều đó, bên cạnh những điều khác, là lý do hình phạt đóng đinh trên thập giá đã giáng một đòn chí mạng đối với các môn đệ và là lý do tại sao đa số các môn đệ bỏ Chúa Giêsu và phân tán khắp nơi sau sự kiện Chúa bị đóng đinh trên thập giá.  Đơn giản các môn đệ này không thấy có mối liên hệ nào giữa kiểu hạ nhục này với vinh quang, thần thánh và chiến thắng.

Một điểm thú vị là có một tương đồng rõ rệt giữa hình phạt đóng đinh trên thập giá gây ra cho cơ thể và những gì mà bản chất tự nhiên làm đối với cơ thể qua tuổi tác, bệnh ung thư, bệnh mất trí nhớ, AIDS, những căn bệnh như Parkinson, Lou Gehrig, Huntington, và những chứng bệnh khác làm hạ thấp con người trước khi cơ thể chết.  Chúng phơi bày ra trước mắt mọi người những gì dễ tổn thương nhất bên trong con người.  Chúng hạ nhục thân thể.

Tại sao vậy?  Đâu là mối liên hệ giữa loại đau đớn này và vinh quang ngày Chuá nhật Phục Sinh?  Tại sao, như Phúc âm nói, “trước hết phải chịu đau đớn mới vào vinh quang?”

Bởi vì, điều trớ trêu là, phải chịu bị nhục sâu thẳm nào đó tâm hồn mới có một tầm mức sâu sắc.  Bằng cách nào, và tại sao như vậy?  Không dễ dàng gì để biện giải một cách duy lý, nhưng chúng ta có thể hiểu được điều này thông qua trải nghiệm:

Hãy dũng cảm và trung thực tự đặt cho mình câu hỏi này: Những trải nghiệm nào trong cuộc đời đã làm cho tôi thành chín chắn?  Tôi dám nói rằng, trong hầu hết mọi trường hợp, những trải nghiệm làm bạn trở nên sâu sắc sẽ là những sự cố bạn cảm thấy bị nhục khi phải chấp nhận nó, một bất lực mà bạn không tự bảo vệ mình, một phỉ báng mà bạn không thể tự bào chữa, một lệch lạc của cơ thể hay trí óc đã khiến bạn bị tổn thương, một vụ việc tủi hổ từng xảy đến với bạn, hay một lỗi lầm nào đó bạn đã phạm và bị phơi bày ra trước mắt mọi người các mặt yếu của bạn.  Tất cả chúng ta, giống như chúa Giê-su, cách này cách khác, đều đã từng bị treo lên thập giá và bị hạ nhục trước công chúng.  Và bị hạ nhục ở mức độ nào thì chúng ta trở nên sâu sắc chính ở mức độ ấy.

Nhưng sự sâu sắc của tâm hồn lại theo nhiều cách khác nhau.  Sự sỉ nhục làm chúng ta sâu sắc, nhưng chúng ta có thể sâu sắc hơn về tính cách, về hiểu biết, về lòng độ lượng, vị tha, hay chúng ta cũng có thể phẫn uất, cay đắng, tìm cách trả thù và sát hại sâu sắc hơn.  Hình phạt đóng đinh trên thập giá của Chúa Giê-su đã làm trái tim của Chúa giãn nở hơn nhưng giãn nở trong niềm thương cảm, rộng lượng và vị tha.  Không phải ai cũng vậy.  Nhiều trong số những kẻ sát nhân hàng loạt cũng từng chịu sỉ nhục sâu sắc và điều đó cũng làm cho trái tim họ giãn nở ra nhưng trừ một điều là trong trường hợp của họ, sự sỉ nhục đã khiến họ sâu sắc hơn trong nỗi cay đắng, độc ác, và sát nhân.

Cách đây vài năm, tôi tham dự một khóa hội thảo hè ở Viện Đại học Notre Dame, nơi cộng đoàn Thánh Giá họp lại để làm lễ phong thánh cho vị sáng lập dòng.  Suy tư về linh đạo của người sáng lập, một thành viên của cộng đoàn Thánh Giá đã đưa ra thách thức này cho cộng đoàn của anh: Nếu anh sống trong bất kỳ một gia đình nào, sau bất kỳ một khoảng thời gian nào, đến một lúc nào đó, gia đình đó sẽ làm anh tổn thương, và làm anh tổn thương sâu sắc.  Nhưng, đây chính là điều quan trọng, cái cách mà anh xử sự với vết thương đó, một cách cay đắng hay với lòng vị tha, nó sẽ quyết định suốt cả phần đời sau đó của anh!

Khi bị phạt đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su bị hạ nhục, bị phỉ báng, bị đối xử tàn nhẫn.  Nỗi đau này đã làm giãn trái tim Người ra một chiều sâu lớn lao.  Nhưng khoảng không gian mới giãn ra đó không chứa nỗi cay đắng và phẫn uất.  Nó chứa đầy lòng thương cảm và vị tha sâu sắc mà chúng ta vẫn chưa thể nào hiểu được trọn vẹn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HẠT LÚA CHẾT ĐI

Chủ đề: Nếu muốn sống và phát sinh hoa trái, chúng ta cũng phải bắt ý riêng mình chết đi tựa như hạt lúa mì bé nhỏ.”

Câu chuyện bà Catherine Marchall và chị nữ tu truyền giáo:

Vài năm trước đây, bà Catherine Marshall có viết một bài báo nhan đề “Khi Chúng Ta Dám Tin Vào Thiên Chúa.  Bài báo thuật lại rằng bà bị liệt giường suốt 6 tháng không ăn uống được vì một bệnh nhiễm trùng phổi trầm trọng.  Mặc dù được điều trị bằng vô số thuốc men và được bao nhiêu người cầu nguyện cho, bà vẫn cảm thấy tuyệt vọng hoàn toàn.

Một hôm có người biếu bà một cuốn sách nhỏ kể chuyện một nữ tu truyền giáo bị một chứng bệnh kỳ lạ.  Chị nữ tu này bị cơn bệnh đó dày vò suốt 8 năm trời và chị không thể hiểu nổi tại sao Chúa lại để cho tấm thảm kịch này đến với mình.  Ngày nào chị cũng cầu xin cho mình được khoẻ mạnh để chu toàn công việc truyền giáo của mình.  Nhưng lời cầu xin của chị vẫn chưa được Chúa nhậm lời.  Một ngày kia, thất vọng quá chị khóc lóc với Chúa: “Lạy Chúa, con tuyệt vọng rồi!  Nhưng không sao; nếu Chúa muốn con trở thành tàn phế, thì đó là do ý của Chúa!”  Thế rồi hai tuần sau, chị nữ tu đó được hoàn toàn bình phục.

Catherine Marshall để cuốn sách đó sang một bên.  Câu chuyện kỳ lạ ấy khiến bà bối rối.  Bà nói: “Dẫu sao tôi vẫn không quên được câu chuyện ấy!”  Thế rồi một buổi sáng nọ, bà Catherine kêu cầu Chúa bằng những lời tương tự như lời cầu nguyện của chị nữ tu ấy: “Con kêu xin Chúa ban sức khoẻ cho con, con đã mỏi mệt quá rồi!  Xin Chúa hãy quyết định là Chúa muốn cho con khoẻ mạnh hay bệnh tật đi!”  Về sau, Catherine kể lại rằng, vào lúc ấy, sức khoẻ bà bắt đầu hồi phục lại.

Ý nghĩa của câu chuyện giúp hiểu bài tin mừng hôm nay

Câu chuyện vị nữ tu truyền giáo và câu chuyện của bà Catherine Marshall giúp chúng ta hiểu những gì Đức Giêsu đang muốn nhắn nhủ trong bài Tin Mừng hôm nay.  Hai câu chuyện đó chứng tỏ lời Chúa Giêsu dạy: nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ chẳng đem lại hoa trái.  Nói cách khác, nếu chúng ta không chết ý riêng của mình đi, chúng ta cũng không thể sinh hoa trái cho Thiên Chúa được.  Nếu chị nữ tu không chết ý riêng của mình đi để nói lên câu: “Lạy Chúa, con đã tuyệt vọng rồi; nhưng không sao!” thì có lẽ bà ta vẫn mãi mãi là một phế nhân.  Nhưng chị đã chết ý riêng của mình, nên đã bình phục và sinh hoa trái.

Nếu Catherine Marshall đã không hy sinh ý riêng mình để nói lên câu: “Lạy Chúa xin hãy quyết định điều Ngài muốn”, thì có lẽ bà vẫn nằm lại trong tình trạng bệnh hoạn.  Nhưng bà đã hy sinh ý riêng, nên bà cũng được lành bệnh và kết sinh hoa trái.

Câu chuyện của chị nữ tu và của bà Catherine Marshall khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani.  Trong cơn hấp hối tại đó, Ngài đã thốt lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha…. không phải ý con… nhưng xin theo ý Cha” (Lc 22: 42).  Giả như Chúa Giêsu không bắt ý riêng Ngài phải chết đi trong mảnh vườn ấy, thì anh chị em cũng như tôi sẽ không được cứu khỏi tội lỗi mình.

Tất cả những câu chuyện về chị nữ tu, về Catherine Marshall và về Đức Giêsu đều dạy cho chúng ta cùng một bài học.  Chúa dạy ta biết sẵn lòng làm chết ý riêng mình đi nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái cho Thiên Chúa.  Chúa dạy ta phải biết sẵn lòng tín thác vào Chúa và giao phó bản thân mình trong tay Ngài nếu chúng ta muốn đạt được sự sống đời đời.

Những câu chuyện có ý nghĩa gì đối với ta?  Nói một cách cụ thể, tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc sống thường nhật của anh chị em và tôi?

Chúng ta hãy xem xét vài sự kiện có khả năng xảy ra:

Giả như cuộc hôn nhân của chúng ta bị tan vỡ và chúng ta cần sự trợ giúp từ bên ngoài, nhưng vì quá kiêu căng chúng ta không muốn yêu cầu điều ấy.  Như vậy “bắt ý riêng chết đi” có nghĩa là bắt lòng kiêu ngạo của ta chết đi và sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp.

Hoặc giả như chúng ta được bạn bè thân tín cho biết chúng ta đang ngày càng bê tha rượu chè, nhưng chúng ta cứ tiếp tục không nghe dù tình trạng bê tha gia tăng rõ ràng.  Như thế chết cho ý riêng có nghĩa là nhìn nhận vấn đề của chúng ta và tìm kiếm phương thuốc điều trị.

Giả như một bạn bè hoặc một người thân trong gia đình xúc phạm đến chúng ta một cách nào đó, khiến chúng ta cứ giữ mãi mối ác cảm với người ấy, thì “chết cho ý riêng mình” có nghĩa là thật lòng tha thứ cho người ấy và lại tiếp tục dùng tình thương cư xử với y.

Chết cho ý riêng mình là điều không dễ.

Chị nữ tu đã không cảm thấy dễ dàng khi nói với Chúa rằng chị chấp nhận làm một kẻ tàn phế nếu ý Ngài muốn như thế.  Catherine Marshall đã không cảm thấy dễ dàng khi thưa với Chúa bà sẽ chấp nhận bất cứ số mệnh nào ngài quyết định cho bà.  Đức Giêsu đã không cảm thấy dễ dàng trong việc ưng thuận thi hành bất cứ điều gì Cha Ngài muốn.  Nhưng cả ba người – chị nữ tu, Marshall và Đức Giêsu đã tin Thiên Chúa và phó mình trong tay Ngài.  Họ đã chết “cho chính mình’ và từ đó đem lại kết quả là sinh nhiều hoa trái cho Thiên Chúa.

Kết luận:

Tin Mừng trong các bài đọc hôm nay là.  Chúng ta có thể làm được như thế.  Chúng ta có thể noi gương vị nữ tu, bà Catherine Marshall và Đức Giêsu.  Và chúng ta cũng có thể đem lại nhiều hoa trái cho Thiên Chúa.

Có thể chúng ta phải chiến đấu giống như vị nữ tu và Catherine đã làm, hoặc có thể chúng ta phải hấp hối như Đức Giêsu, nhưng nếu chúng ta làm như họ, chúng ta cũng sẽ mang hoa trái về cho Thiên Chúa và được sống vĩnh cửu.

Điều quan trọng là biết đặt cuộc sống chúng ta vào tay Thiên Chúa trong niềm tín thác trọn vẹn.

Điều quan trọng là cứ để cho Thiên Chúa thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn đối với cuộc đời của chúng ta.  Và đó chính là Tin Mừng trong bài Phúc Âm hôm nay.

Tin Mừng đó là nếu chúng ta bắt chước hạt lúa mì và biết “chết cho chính mình”, chúng ta cũng sẽ đem lại nhiều hoa trái.  Tin Mừng đó là nếu chúng ta bắt chước gương chị nữ tu, bà Catherine Marshall, và gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ mang lại hoa trái cho Thiên Chúa và đạt được sự sống đời đời.

Chúng ta hãy cầu nguyện để kết thúc.  Xin anh chị em cùng im lặng cầu nguyện với tôi.

Lạy Thiên Chúa là cha chúng con.  Trong khi chúng con chuẩn bị cùng bẻ bánh với nhau, xin hãy giúp chúng con nhận ra rằng nếu những hạt lúa mì không bị xay thành bột, và nếu những trái nho riêng lẻ không bị ép thành rượu, chúng con sẽ không thể chia sẻ với nhau tiệc thánh này.

Lm Mark Link, SJ

THÁNH GIUSE NGƯỜI ĐI TRONG ĐÊM ĐEN

Trong các bức tranh vẽ thánh Giuse, tôi thích nhất bức tranh vẽ thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai cập.  Bầu trời đen thẫm.  Một vài tia chớp loé lên ở cuối chân trời vừa soi đường cho Thánh gia, vừa báo hiệu cơn giông bão sắp tới.  Đức Maria bồng Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa.  Thánh Giuse dắt lừa.  Cả người cả lừa như lẩn vào màn đêm.  Bức tranh không chỉ đẹp ở nét vẽ gợi cảm, mà còn đẹp về ý nghĩa.  Ngắm bức tranh, tôi thấy hiện lên cả cuộc đời thánh Giuse: một đời bước đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối đức tin.  Ngài đã sống chung với Đức Maria và Đức Giêsu, những con người của huyền nhiệm.  Một người bình thường đã là một thế giới huyền bí.  Một con người của huyền nhiệm lại càng sâu xa bí ẩn hơn bội phần.  Đi bên những huyền nhiệm cũng như đi trong đêm tối.

Thánh Giuse không hiểu gì hết.  Không hiểu mà vẫn phải đón nhận.  Không hiểu mà vẫn phải tin, phải yêu.  Không hiểu mà vẫn phải đồng hành cho đến mãn đời.  Thánh Giuse giống như người lính canh được cấp trên trao cho một chiếc hộp đóng kín.  Người lính canh chỉ có nhiệm vụ canh giữ mà không được phép mở ra.  Trong hộp có gì?  Có thể là một kho tàng quý giá.  Nhưng cũng có thể là chiếc hộp rỗng không.  Không biết.  Nhưng vẫn phải canh giữ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối im lặng.  Ngài đi trong sự im lặng của Đức Maria, người bạn yêu quý.  Trước những mầu nhiệm cao cả, Đức Maria đã lặng thinh không nói.  Ngài đi trong sự im lặng của Chúa Giêsu.  Thiên Chúa làm người vẫn là một mầu nhiệm ẩn dấu và Chúa Giêsu không hề hé lộ thân phận.  Ngài đi trong sự im lặng của Thiên Chúa.  Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp nói với Ngài.  Chỉ có vài lần.  Mà chỉ là những tiếng vọng mơ hồ, giữa đêm khuya, trong giấc ngủ.  Vẫn là ngôn ngữ của im lặng.  Im lặng đáng sợ.  Nhất là khi phải đối đầu với nguy hiểm, với nghi ngờ, với những vấn đề hệ trọng của đời sống.  Im lặng khó hiểu khi những gì thân thiết nhất trong đời lại trở nên bí ẩn, cách xa.  Im lặng nguy hiểm.  Nó có thể đốn ngã thân cổ thụ, làm chao đảo những niềm tin vững mạnh nhất.  Ngài đi trong im lặng của chính mình.  Trong cả bốn Phúc Âm, không thấy ghi lại lời nói nào của thánh Giuse.  Ngài bước đi trong âm thầm lặng lẽ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối lãng quên.  Ngài bị lãng quên trong làng quê nhỏ bé, trong thân phận nghèo hèn của bác thợ mộc.  Người ta không bao giờ nhắc đến Ngài.  Nếu có nhắc đến, cũng chỉ để chê bai, dè bỉu, để hạ thấp thân phận của Chúa Giêsu : “Giêsu con của bác Giuse thợ mộc tầm thường ấy mà.  Có làm gì nên chuyện.”  Ngài bị lãng quên vì luôn luôn ở phía sau, luôn luôn chìm trong bóng tối.

Phúc Âm kể về Đức Maria.  Sách Tông Đồ Công Vụ kể về Đức Maria.  Nhưng từ khi Chúa Giêsu khôn lớn không ai nói gì về Thánh Giuse nữa.  Ngài chìm vào đêm tối quên lãng.  Ngài luôn luôn đóng vai phụ, như hình ảnh dắt lừa đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối thử thách.  Thân phận nghèo hèn.  Sống trong im lặng và lãng quên, nhưng những thử thách Ngài phải đương đầu lại rất cam go.  Rất hiền lành, nhưng phải đương đầu với Hêrôđê hung hãn.  Mình giữ mình chưa xong, lại phải che chở cho một hài nhi sơ sinh và một sản phụ yếu ớt.  Nhưng những thử thách, khốn khó về thể lý dù cam go thế nào cũng còn chịu được.  Những thử thách đức tin mới thật là khủng khiếp.  Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ư?  Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ư?  Thật khó mà chấp nhận được.  Sao Con Thiên Chúa quyền uy dường ấy lại bé nhỏ yếu ớt thế này?  Sao Vua Trời vinh hiển lại phải trốn chạy một ông vua trần thế.  Các thử thách làm cho đêm tối càng đen hơn, càng dầy hơn, càng sâu hơn.

Tuy đêm có đen, tuy chân có mỏi, tuy lòng có xao xuyến nhưng Thánh Giuse vẫn bước đi.  Tuy thử thách có nặng nề, Thánh Giuse vẫn chiến đấu.  Cha Teilhard de Chardin nói: người chiến đấu giống như người bơi lội ngoài biển ban đêm.  “Ban đêm, người bơi lội vùng vẫy trong làn nước biển có chất lân tinh, làm ánh sáng loé lên chung quanh mình.”

Thánh Giuse đã chiến đấu.  Những chiến đấu mạnh mẽ cũng làm loé lên chung quanh Ngài những làn ánh sáng soi bước chân Ngài đi.

Đi trong đêm tối đức tin, Ngài có ngọn lửa đức mến soi đường.  Đêm đen lắm, nhưng Ngài cứ yêu mến Chúa, cứ gắn bó với Chúa, và cứ bước đi với Chúa.

Trong đêm tối im lặng, Ngài đốt lên trong tâm hồn ngọn đèn thao thức, lắng nghe, đón chờ.  Niềm thao thức khiến tâm hồn Ngài nhạy bén như một phím đàn mỏng.  Lời Chúa chỉ thoáng nhẹ như làn gió thoảng, phím đàn đã rung lên.  Ý Chúa chỉ mờ ảo trong giấc mơ, Ngài đã đọc được và mau mắn thi hành.

Trong đêm tối lãng quên, Ngài có đèn khiêm nhường dẫn lối.  Khiêm nhường chìm vào quên lãng.  Khiêm nhường phục vụ, khiêm nhường sâu thẳm.  Ngài có cùng tâm tình như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.”

Trong đêm tối thử thách, Ngài thắp lên ngọn đèn tin yêu phó thác. Tin vững vàng vào Lời Chúa.  Hoàn toàn phó thác cho Chúa.  Để Chúa dẫn đường qua đêm đen mù mịt.

Lạy Thánh Giuse, con cũng đang đi trong đêm đen.  Xin hãy thắp lên trong con những ngọn đèn của Thánh Cả, soi đường cho con đi đến nơi bình an.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt