NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

Không kể 117 vị tử đạo tại Việt Nam được phong thánh năm 1988 và Anrê Phú Yên được phong chân phước năm 1999, còn hơn một trăm ngàn vị đã anh dũng dâng hiến đời mình, chấp nhận cái chết để làm chứng lòng trung thành và gắn bó với Đức Yêsu, Đấng yêu thương con người dầu phải chết.

Họ là ai?

Họ là những người cha người mẹ, họ là những người con, họ là những người chồng người vợ, họ là thanh niên thanh nữ, là tráng niên, là bô lão, là chủng sinh, là binh sĩ, là quan là dân, là dì phước là linh mục.  Họ là những bậc tiền bối của dân con Việt Nam hiện nay.  Họ là những người “dường như” không sợ chết.  Họ chấp nhận gông cùm tra tấn, chấp nhận đòn vọt, đói khát, nắng mưa, bệnh tật, và sẵn sàng chấp nhận cái chết.

Họ là ai?  Phải chăng họ là những người điên nên không sợ chết?  Phải chăng họ là những người không còn biết trách nhiệm làm chồng làm cha làm con làm mẹ làm vợ làm dâu?  Phải chăng họ không biết trách nhiệm với vợ dại con thơ?  Phải chăng họ không còn ý thức bổn phận làm con phải sống để báo hiếu cha mẹ già yếu cần nương nhờ nơi họ?  Phải chăng họ không còn rung động trước tình cảm bao người thân dành cho họ, mà “ngoan cố” không chịu bỏ đạo để phải chết?

Không!  Họ là những người cha người chồng người vợ, vô cùng thương con thương vợ thương chồng.  Họ là những người con rất có hiếu và rất ao ước được sống để phụng dưỡng báo hiếu cha già mẹ yếu.  Họ là những người thông minh có thể làm quan, là những “anh hùng” sẵn sàng hiến mạng cho quê hương tổ quốc.  Họ là những người bình thường chứ không phải là những người điên, họ rất nặng “tình người” chứ không phải là những người “vô cảm.”  Họ chết vì người ta muốn giết họ, chứ không phải tự họ muốn chết; tuy vậy họ sẵn sàng đón nhận cái chết chứ không thể chối bỏ Thiên Chúa.

Tại sao họ kiên cường và anh dũng như vậy?

Họ là những người rất bình thường, nhưng Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi những con người yếu đuối mỏng manh.

Ai không sợ chết?  Ai không sợ đòn vọt, tù đầy, gông cùm xiềng xích?  Nhưng những bậc tử đạo “dường như” không sợ, vì có một giá trị nào đó cao hơn, một cái gì đó quý hơn mà cho dù tình yêu gia đình, cha mẹ, vợ con, và ngay cả mạng sống cũng không đánh đổi được.  Với họ, Thiên Chúa là nhất, Thiên Chúa trên tất cả, trên tình yêu gia đình, trên tương quan ruột thịt, và trên cả mạng sống mình.

Qua các bậc anh hùng tử đạo, người ta đọc thấy không phải “con người” anh hùng, nhưng chính “Thiên Chúa” đang thực hiện những điều kỳ diệu nơi những con người đơn sơ mong manh chất phác, làm họ như những “bức tường bằng sắt, như những bức vách bằng đồng” và kiên vững không gì khuất phục được.  Người ta có thể hủy diệt mạng sống các ngài, có thể giết các ngài, có thể nghiền nát xương thịt các ngài, nhưng không thể bắt các ngài làm theo ý họ.  Thiên Chúa vô hình đang hiện diện qua thực tại hữu hình.  Thiên Chúa hiện diện đó, rất rõ, dù người ta không nhìn thấy Ngài bằng mắt trần.

Sống cho đúng là con cháu của những bậc anh hùng

Chúng ta là con dân đất Việt, là con cháu của các đấng bậc anh hùng.  Phải sống sao để “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.”  Xin cho chúng ta có tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với Đức Yêsu, và sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thiên Chúa.

Ngày nay người ta không còn nhiều dịp để “tử đạo” như ngày xưa, nhưng ngày nay người ta vẫn còn phải chọn giữa Thiên Chúa và tiền bạc danh vọng chức quyền; người ta vẫn phải chọn ưu tiên tương quan với Chúa trên những tương quan khác v.v…  Ngày xưa phải đổ máu để sống đúng, để làm chứng; ngày nay không còn dịp đổ máu thể lý, nhưng để sống đúng như những người con của Thiên Chúa, người ta vẫn phải đổ máu “vô hình,” vẫn phải hy sinh, phải chết “chính con người của mình” thì mới có thể sống trọn vẹn cho Thiên Chúa được.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

NGƯỜI HÀNH HƯƠNG

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn chủ đề Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng.”  Chủ đề này được gợi hứng từ thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5).  Vị Mục tử của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ mời gọi các tín hữu ý thức thân phận hành hương của mình, đồng thời cố gắng sống thánh thiện, nên giống Đức Giê-su, Đấng là niềm hy vọng cho thế giới.

Sống trên đời, mỗi chúng ta là người hành hương, hay là lữ khách.  Người hành hương là người đang trên đường và, hướng tới một đích điểm.  Điểm đến của những cuộc hành hương thường là những nơi thánh, gắn bó với Chúa, với Đức Mẹ và với các thánh.  Khi ý thức mình chỉ là phận hành hương hay phận lữ khách, Ki-tô hữu hướng về Thiên Chúa và mục đích tối hậu của đời người, hướng về Quê Trời là quê hương vĩnh cửu.  Vì luôn hướng về Thiên Chúa và về Quê Trời, nên Ki-tô hữu coi những gì ở trần gian chỉ là tạm thời.  Như người lữ hành bỏ lại những gì mình gặp gỡ hai bên đường, để chú tâm tiến về phía trước, Ki-tô hữu sống giữa thế gian, mà không dính bén thế gian, nhưng luôn coi thế gian chỉ là cõi tạm.

Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta một chủ đề chính: trần gian này sẽ qua đi.  Vũ trụ sẽ có ngày bị tận diệt.  Ki-tô hữu tin đó là ngày tận thế.  Thỉnh thoảng chúng ta thấy có những bộ phim nói về ngày tận thế, với những tai họa hủy diệt làm cho cả một thành phố tan tành trong mây khói.  Đó cũng chỉ là những giả tưởng.  Trong Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, có một thể loại văn chương được gọi là “khải huyền.”  Thể loại văn chương này thường dùng những hình ảnh hiện tại để nói về tương lai, và thường đi kèm những tai ương và thảm họa, làm cho con người lâm vào cảnh quẫn bách đau thương.

Giáo lý về “Tận thế” hay “Cánh chung” là một tín điều của Giáo hội Công giáo.  Từ điển Công giáo giải thích như sau: “Tận thế là thuật ngữ chỉ sự kết thúc của thế giới – bao hàm vũ trụ vật chất, không gian và thời gian – vào ngày Chúa quang lâm.”  Chúa Giê-su loan báo sẽ có ngày tận thế (x. Mt 13,49) và ngày ấy đến lúc nào thì chỉ mình Chúa Cha biết (x. Mt 24,34-36).  Người cũng hứa ở lại với các môn đệ cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).

Ngày tận thế đã đến chưa?  thưa, chưa đến.  Vậy phải hiểu thế nào về lời loan báo của Giáo hội Ki-tô từ hai ngàn năm nay?  Giáo hội dựa vào giáo huấn của Chúa Giê-su để mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết giờ nào Chúa đến.  Lời mời gọi tỉnh thức được nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng.  Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; tỉnh thức để nhận ra phẩm giá của anh chị em đồng loại; tỉnh thức để nhận thấy thời gian là món quà quý giá Chúa ban; tỉnh thức để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa thể hiện qua vẻ huy hoàng của vũ trụ, để tôn trọng và chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.  Hơn nữa, nếu ngày tận thế chưa xảy đến theo nghĩa ngũ hành bị thiêu rụi, thì ngày ấy lại đến với mỗi người vào lúc cuối đời.  Đó là lúc họ phải trình diện trước nhan Chúa để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế, với những thành công và thất bại; những công phúc và tội lỗi.  Ngày đó còn được gọi là “ngày phán xét riêng.”  Chẳng ai thoát được ngày phán xét này.

Nhờ đâu mà chúng ta được tha thứ và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu?  Thư gửi tín hữu Híp-ri trả lời: nhờ Đức Giê-su, Đấng đã dâng mình trên thập giá để làm của lễ xin ơn tha tội cho trần gian (Bài đọc II).  Kể từ hy tế thập giá của Đức Giê-su, phụng vụ của Cựu ước không còn cần thiết nữa, vì nghi thức phụng vụ xưa chỉ là hình bóng.

Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo hội như dân Chúa đang trên đường lữ hành.  Như dân Ít-ra-en xưa đã đi qua sa mạc để về Đất hứa, Giáo Hội – tức là Ít-ra-en mới – đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. LG 9).  Dân này ở vào “thời cuối cùng,” đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Ki-tô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung.  Ki-tô hữu là người lữ hành trong đoàn người lữ hành là Giáo hội.  Đích điểm của cuộc lữ hành này là gặp gỡ Chúa cách huyền nhiệm ngay ở đời này, như bảo đảm cho việc thấy Chúa “mặt giáp mặt” ở đời sau.

Chúng ta đang cùng với Giáo hội tưởng nhớ những người đã qua đời.  Đứng trước ngôi mộ của người thân, chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của kiếp nhân sinh.  Cây thập giá trên mộ Ki-tô hữu báo trước sự phục sinh, như chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”  Những người nằm dưới ngôi mộ đang thầm thì nhắc chúng ta về kinh nghiệm cuộc đời, nhất là kinh nghiệm về sự chết.  Hãy thinh lặng để lắng nghe thông điệp của họ.

Chúa nhật hôm nay cũng là ngày Thế giới người nghèo do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập.  Đức Bác ái Ki-tô giáo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt gặp gỡ nhau trong đức tin của người tín hữu.  Một tác giả đã viết: “không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó.”  Khi cho đi là khi ta nhận lãnh.  Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy điều này.  Xin Chúa chúc phúc cho lòng quảng đại của chúng ta đối với anh chị em nghèo khó.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

CHẾT LÀNH

Trong văn hóa Công giáo La Mã mà tôi được nuôi dạy, chúng tôi được dạy cầu nguyện xin ơn chết lành.  Với nhiều người Công giáo thời đó, đây là một lời nài xin trong lời kinh hằng ngày.  “Xin cho con được chết lành.”

Nhưng người ta chết lành thế nào?  Chẳng phải chết tự nó là một tiến trình đau khổ hay sao?  Còn về những đau đớn khi chết, khi cho cuộc sống trôi qua tầm tay, khi nói những lời giã biệt cuối cùng?  Liệu người ta có thể chết lành hay không?

Nhưng tất nhiên, đây là một cái nhìn tôn giáo.  Chết lành nghĩa là người đó chết với đạo đức tốt và trong tình trạng có đạo.  Như thế nghĩa là bạn không chết trong một tình trạng đạo đức nửa vời, bạn không chết khi xa rời giáo hội, bạn không chết cay đắng hay giận dữ với gia đình mình, và ít nhất, bạn không chết vì tự vẫn, vì quá liều thuốc phiện, hay chết khi đang phạm tội ác.

Hình tượng giáo lý về chết lành, thường là một giai đoạn về ai đó lớn lên trong gia đình Kitô giáo tốt lành, là một người lương thiện, đầy đức tin, khiết tịnh, đi lễ thường, nhưng có một khoảng thời gian xa lìa Thiên Chúa, không còn đi lễ và giữ các điều răn, đến mức có lúc người đó không còn nghĩ về Thiên Chúa, không còn đi lễ, và không còn giữ luân lý Kitô giáo nữa.  Nhưng không lâu trước khi chết, một hoàn cảnh nào đó đã trở nên thời khắc ân sủng cho họ, rồi họ hối lỗi về sự sao nhãng, vô luân và bỏ bê hành đạo của mình, họ trở lại với giáo hội, xưng tội thành tâm, rước lễ, và không lâu sau họ qua đời vì một tai nạn hay một cơn đột quỵ.  Nhưng họ chết trong ân sủng.  Sau nhiều năm xa rời đạo đức và tôn giáo, họ đã trở lại đàn và chết lành.

Thật sự tất cả chúng ta đều biết những câu chuyện tương tự như thế, nhưng đáng buồn thay, chúng ta cũng biết những câu chuyện không như thế, xảy ra điều ngược lại, khi những người tốt lành lại chết trong những tình huống bi kịch, đáng buồn.  Chúng ta đều từng mất người thân yêu vì tự vẫn, rượu chè, và đủ cách chết khác rất không lý tưởng.  Chúng ta cũng biết nhiều người tốt, đã chết trong những tình huống đạo đức nửa vời, hoặc chết trong cay đắng, không thể làm mềm lòng mình trong sự tha thứ.  Họ có chết lành không?

Phải thừa nhận là họ chết theo những cách thức bất hạnh, nhưng chết lành không được phán định dựa vào việc cái chết đến trong tình huống đang lên hay đang xuống.  Có nhiều người chết lành như kiểu giai thoại ở trên, khi cái chết đến với họ trong tình huống đang lên.  Nhưng có những người với một đời sống lương thiện, tốt lành và yêu thương, nhưng lại bất hạnh bị cái chết ập đến trong lúc đang giận dữ, yếu đuối, trong lúc trầm cảm hay chết vì nghiện ngập hoặc tự vẫn.  Cái chết đến với họ khi đang xuống.  Họ có chết lành không?  Ai là người phán định điều này?

Thế nào là chết lành?  Tôi thích một mô tả của Ruth Burrow.  Nữ tu dòng Carmel này chia sẻ cho chúng ta câu chuyện về một chị em trong dòng từng sống với sơ.  Sơ này có tâm hồn tốt lành, nhưng lại yếu đuối.  Sơ đã vào tu viện chiêm niệm để cầu nguyện, nhưng không bao giờ có thể tập trung vào khuôn khổ này.  Nên sơ sống nhiều năm trong tình trạng giằng xé, tấm lòng tốt nhưng lại tầm thường.  Đến lúc có tuổi, sơ bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, khiến sơ hoảng sợ đến nỗi bắt đầu nỗ lực hết mình để trở nên con người mà sơ hằng mong muốn, một con người cầu nguyện.  Nhưng nửa thế kỷ với lề lối xấu không dễ gì thay đổi.  Dù có đưa ra nhiều giải pháp mới, sơ này vẫn không thể thành công trong việc biến chuyển đời mình.  Sơ chết trong sự yếu đuối.  Nhưng xơ Burrows khẳng định, sơ này đã chết lành.  Sơ chết cái chết của một người yếu đuối, xin Chúa tha thứ cho quãng đời yếu đuối của mình.

Chết lành là chết trong sự thành thật, bất chấp tình trạng lúc chết có nét đạo hay không.  Chết trong những hoàn cảnh đúng đắn, tất nhiên là sự an ủi tuyệt diệu cho gia đình và người thân, và cũng như vậy, chết trong những hoàn cảnh đáng buồn có thể khiến họ thêm đau lòng.  Nhưng chết trong những hoàn cảnh có vẻ không tốt lành, không nhân văn hay tôn giáo, không nhất thiết là một cái chết dữ.  Chúng ta chết lành khi chết trong sự thành thật, bất chấp hoàn cảnh hay yếu đuối.

Và sự thật này cho chúng ta một thách thức khác.  Những hoàn cảnh chết của một người, dù đang buồn hay bi thảm, cũng không nên là lăng kính để chúng ta nhìn lại cuộc đời người đó.  Điều này nghĩa là nếu ai đó chết trong tình trạng đạo đức nửa vời, trong một giây phút hay một thời gian yếu lòng, xa rời giáo hội, chết trong cay đắng, chết vì tự vẫn hay nghiện ngập, thì không được phán xét sự tốt lành của đời sống và tâm hồn người đó bằng hoàn cảnh chết.  Cái chết đến với người đó lúc đang xuống, có thể khiến lời cáo phó khó khăn hơn, nhưng chắc chắn không phải là một phán xét đúng đắn về sự tốt lành của người đó trong tâm hồn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHIẾC GIƯỜNG ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI – CHÍNH LÀ GIƯỜNG… BỆNH!

Buồn phiền, sầu não trong đời ai chẳng từng trải qua?  Mỗi ngày đi qua có biết bao phiền não lưu lại trong lòng, chuyện hôm qua như nước chảy về đông không sao giữ lại được.  Làm thế nào để tìm được khoảnh khắc bình yên giữa muôn trùng đêm đen giông tố?

Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hết nửa đời người.  Thời gian trôi nhanh như bóng câu lướt ngoài cửa sổ.  Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa bạn.  Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn.  Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai.

Có nhiều người cứ mãi ngập chìm buồn phiền trong vài chuyện nhỏ, thực là quá hoang phí thời gian sống của đời người.  Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc mình điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi…

Cứ mãi muộn phiền là vì tâm chẳng chịu buông

Khi gặp phải chuyện buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải khổ não đây.  Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc bạn sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!

Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua.  Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào.

Khi bạn bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn bạn, biết đủ mới là hạnh phúc.  So với người bệnh, hạnh phúc của bạn là sống khỏe mạnh.  So với người đã khuất, hạnh phúc của bạn là còn sống.  Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt hồ đồ một chút..

Khi bạn cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt.  Nghĩ kỹ rồi, bạn sẽ không buồn nữa.  Khi bạn tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vì một người không đáng hay không, ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền là được rồi.

Khi bạn muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này cơ bản là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước?  Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức.  Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi!

Hãy sống sao cho thật vui vẻ.  Có cơm thì ăn, có bia thì uống, buồn ngủ thì lên giường, có quần áo để mặc, có núi để leo, có biển để ngắm, có internet để chơi Facebook, có xe để đi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là… tuyệt vời !

Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều.  Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý bạn là ăn mày hay là người giàu có?  Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là bạn không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan biến mất.  Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?

Tài sản quý giá nhất là sức khỏe

Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.  Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ.  Trong mắt người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc, trang sức, mỹ nữ đều chỉ là một đống rác mà thôi.

Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sĩ diện, sa hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.

Hãy luôn nhớ rằng: chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hề dùng tới.  Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa.  Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống.  Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị, hư không.  Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu.  Hãy sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.

Đời người lại như một hiệp đấu.  Nửa trước là học hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương tăng chức.  Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não.  Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi.  Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?

Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, có phiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lý cũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.

Bởi vì, một bộ quần áo giá 1.000 đô, tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh.  Một chiếc xe giá 100.000 đô hóa đơn có thể chứng minh.  Một căn nhà giá 1.000.000 đô hợp đồng mua bán có thể chứng minh.  Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh.  Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất!

Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng bạn đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe.  Trên đời này bạn nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau.  Lựa chọn món nào là quyền của bạn. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản mà thôi.

Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh!  Trên thế giới này có thể có người lái xe thay bạn, kiếm tiền thay bạn… nhưng không có ai mắc bệnh thay bạn được.  Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

Khuyết Danh, từ Phụ Nữ News
Theo Ephata

LÒNG QUẢNG ĐẠI

Chia sẻ và cảm thông là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chúng ta.  Mỗi khi có thiên tai hoạn nạn, mọi người không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo hay chính kiến, đều chung tay góp sức chia sẻ và đỡ nâng những đồng bào gặp nạn.  Tục ngữ ca dao Việt Nam có rất nhiều bài diễn tả lòng quảng đại của con cháu Lạc Hồng.  “Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng.”   Những câu ca dao này cho thấy tình liên đới sẻ chia đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.  Kết quả rất khả quan của các đợt quyên góp trong đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt gần đây đã chứng minh và cụ thể hóa những lời ca dao từ ngàn đời đó.

Lời Chúa trong Chúa nhật 32 này muốn gửi đến chúng ta thông điệp chính là “lòng quảng đại.”  Trước hết là lòng quảng đại của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng quảng đại và giàu lòng thương xót.  Dựa trên giáo huấn của mạc khải, Ki-tô hữu tin rằng: Ngài tạo dựng mọi sự mọi loài và trao cho con người quản lý trông nom.  Ngài lại ban cho con người vinh quang chỉ kém các thiên thần.  Ngài cũng dành phần thưởng cho người công chính là thiên đàng vinh phúc.  Thư gửi giáo dân Híp-ri (Bài đọc II) nói với chúng ta: lòng quảng đại của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao qua cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá.  Hy tế thập giá của Đức Giê-su đã thay thế hoàn toàn hy tế Cựu ước.  Của lễ của Giao ước mới không còn là bò, chiên hay những loại sản vật, nhưng chính là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Từ cây thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nguồn ơn thánh vẫn tuôn đổ dồi dào cho mọi thế hệ, đến với mọi nền văn hóa.  Cuộc sống con người hiện tại đang là sự đợi chờ.  Chúng ta đợi chờ Chúa Giê-su đến trong vinh quang, đó là ngày cánh chung hay ngày tận thế.  Tuy vậy, nếu chúng ta không được gặp Đức Giê-su trong ngày cánh chung, thì ai trong chúng ta cũng sẽ được (hoặc phải) gặp Người vào thời điểm sau hết của cuộc đời, tức là giờ chết.  Thiên Chúa là Đấng quảng đại và bao dung.  Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin tưởng và tuân giữ giáo huấn của Ngài.

Nếu Thiên Chúa quảng đại với tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng phải sống quảng đại với anh chị em mình.  Hai người phụ nữ, đều là bà góa, được nêu trong hai bài Sách Thánh.  Hai người phụ nữ này sống ở hai thời điểm khác nhau trong lịch sử, nhưng lại có chung một điểm, đó là lòng quảng đại.  Người phụ nữ ở Xa-rép-ta quảng đại với con người; còn người phụ nữ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem lại quảng đại với Thiên Chúa.  Một bà giúp đỡ vị ngôn sứ, là người của Thiên Chúa; bà kia công đức cho Đền thờ là nơi Chúa hiện diện.  Cả hai đều là những người nghèo khó, nếu không nói là khánh kiệt.  Dù vậy, họ vẫn sẵn sàng chia sẻ.  Người phụ nữ trong sách Các Vua được thưởng công ngay tức khắc; người phụ nữ trong Tin Mừng được chính Thiên Chúa ghi công.

Trong một trình thuật ngắn, thánh Mác-cô (Bài tin Mừng) lồng ghép lời phê phán của Chúa Giê-su đối với những kinh sư Do Thái và hình ảnh người đàn bà góa.  Hai hạng người này thuộc hai đẳng cấp khác nhau trong xã hội và trong tôn giáo.  Một người được dân chúng kính trọng; người kia thường bị dân chúng coi thường, hoặc ít là thương cảm.  Ấy vậy mà những ông kinh sư lại bị phê bình và kết án; trong khi người đàn bà góa lại được khen ngợi và được nêu gương.  Lời Chúa dường như đảo lộn quan niệm và thang bậc giá trị theo cách nhìn thông thường của chúng ta.  Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn khẳng định: đừng đánh giá một người dựa trên địa vị xã hội, y phục hay vai trò tôn giáo, nhưng phải nhìn ở cái tâm và dựa trên nhân phẩm con người.

Tại Việt Nam chúng ta, sau những bê bối về quyên góp và về những hoạt động từ thiện, lòng quảng đại bị biến dạng gây hiểu lầm.  Có người làm từ thiện để khoe khoang, phô trương thanh thế.  Những người này làm “từ thiện” vì bản thân, cho bản thân hơn là vì người khác và cho người khác.  Hãy trả lại cho khái niệm “từ thiện” ý nghĩa chính xác của nó, như câu ngạn ngữ “Của cho không bằng cách cho.”  Thánh Phao-lô đã nhắc lại giáo huấn của Chúa Giê-su cho các kỳ mục tại Ê-phê-xô: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Vâng, “của cho” là điều rất đáng quý, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với những người còn khó khăn, vất vả, hoàn cảnh đáng thương; song lớn hơn rất nhiều đó là “cách cho” để làm sao người được nhận hỗ trợ, nhận quà cảm nhận được tấm chân tình và tình cảm thiết thực.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

GIÀU CÓ, NHƯNG TẤT BẬT

Vài năm trước, tôi đi cùng một linh mục đến thăm một người bạn chung của chúng tôi.  Bạn tôi là một thương gia thành công, sống ở tầng trên cùng một căn hộ rất đắt tiền nhìn xuống thung lũng dòng sông ở thành phố Edmonton, Canada.  Ông đưa chúng tôi ra ban công ngắm nhìn thành phố.  Thật tuyệt đẹp.  Từ ban công, tầm nhìn có thể nhìn xa hàng dặm, bao quát toàn bộ thung lũng dòng sông và hầu hết thành phố.

Chúng tôi nói với ông, chúng tôi rất kinh ngạc.  Ông cám ơn lời khen của chúng tôi, ông tiếc là hiếm khi ông ra ban công để ngồi uống trà ngắm cảnh.  Tôi xin trích vài lời của ông: “Cha biết đấy, tôi nên đưa một gia đình nghèo nào đó đến đây để xem.  Tôi sống trong căn hầm cũng được, vì tôi chẳng bao giờ có thì giờ để tận hưởng cảnh này.  Tôi chẳng nhớ lần cuối tôi đã ra đây để ngắm hoàng hôn hay bình minh là lúc nào.  Tôi luôn quá bận rộn, quá áp lực, luôn bận tâm.  Tôi ở chỗ này phí quá.  Tôi chỉ ra đây khi nào có khách và mời họ nhìn quang cảnh này.”

Chúa Giêsu đã nói một điều có thể diễn giải như sau: Lợi ích gì khi được cả thế gian nhưng luôn quá tất bật, quá áp lực để hưởng nó.

Khi Chúa Giêsu nói về việc được cả thế gian mà mất linh hồn, Ngài không hoàn toàn nói về việc sống vô luân, chết trong tội lỗi và xuống hỏa ngục.  Thông điệp của Ngài là lời cảnh báo triệt để hơn.  Chúng ta có thể đánh mất linh hồn theo nhiều cách, kể cả khi chúng ta tốt lành, tận tụy, và đạo đức.  Người trong câu chuyện tôi vừa kể thật ra là người tử tế, đạo đức, tận tụy và tốt lành.  Nhưng ông, như chính ông thừa nhận, ông chật vật đấu tranh để là người sống trọn linh hồn, để cuộc đời được phong phú hơn, vì khi chúng ta sống liên tục dưới áp lực, bị thúc ép phải tất bật không ngừng nghỉ, thì không dễ để mỗi sáng thức dậy có thể nói: “Đây là ngày Chúa dựng nên, tôi mừng vui và hân hoan sống ngày này.”  Khả năng nhiều hơn chúng ta sẽ nói: “Lạy Chúa, cho con sống qua ngày hôm nay!”

Cũng vậy, khi Chúa Giêsu nói “thật khó để vào Nước Trời” Ngài không chỉ nói đến những người giàu vật chất, tiền bạc và ảnh hưởng, dù chắc chắn Ngài cảnh báo như vậy.  Vấn đề Chúa muốn nói đến, đó là một cuộc đời luôn bận rộn, một lịch trình kín mít, một công việc hoặc một đam mê làm chúng ta hết năng lực đến nỗi hiếm khi chúng ta có thì giờ (hoặc nghĩ đến dành thì giờ) để ngắm nét đẹp hoàng hôn, hay vui vì chúng ta khỏe mạnh, có một lịch trình phong phú.

Thú thật, đây cũng là một trong những đấu tranh của tôi.  Trong những năm làm mục vụ, tôi được phúc có một lịch trình phong phú, công việc quan trọng, công việc tôi yêu thích.  Nhưng tôi cần thành thật thú nhận trong những năm đó, tôi đã quá hối hả, quá áp lực để không thể ngắm hoàng hôn (trừ khi như bạn tôi, mời một khách nào đó ngắm hoàng hôn.)

Tôi cố thoát khỏi chuyện này bằng cách ép mình vào tĩnh nguyện, đi bộ, tĩnh tâm đều đặn vài tuần nghỉ hè hàng năm.  Chắc chắn những chuyện này giúp được phần nào, nhưng gần như mọi lúc tôi ở trạng thái nghiện, áp lực, vội vã, khao khát một không gian để tĩnh lặng, để cầu nguyện, để ngắm hoàng hôn, đi dạo công viên, uống ly rượu vang hoặc trầm ngâm bên điếu xì gà.  Và tôi nhận ra một nghịch lý mỉa mai: tôi vội vã và vắt kiệt mình để dành ra một chút thì giờ thư giãn!

Tôi không phải là Thomas Merton, nhưng tôi cảm thấy tôi được an ủi với chuyện ngài là ẩn tu nhưng lại quá bận rộn và áp lực khi đi tìm cô tịch.  Để tìm cô tịch, ngài dành vài năm cuối đời ở một nơi ẩn tu, tránh tu viện chính, trừ những lúc dự thánh lễ và đọc kinh phụng vụ mỗi ngày.  Rồi, khi tìm được cô tịch, ngài ngạc nhiên khi thấy nó khác với điều ngài đã hình dung.  Ngài viết trong nhật ký:

Hôm nay, tôi cô tịch vì khoảnh khắc này “là đủ, trong đời sống của một người bình thường, có đói, có ngủ, có nóng, có lạnh, có thức dậy, có đi ngủ.  Đắp chăn rồi bỏ chăn, pha cà phê rồi uống.  Rã đông đồ trong tủ lạnh, đọc, chiêm niệm, làm việc, cầu nguyện.  Tôi sống như các tổ tiên của tôi đã sống trên trái đất, cho đến khi chết.  Amen.  Không cần phải tuyên bố gì về đời tôi, nhất là về chuyện nó là của tôi… Tôi phải học cách sống sao cho quên đi chương trình và cách thức.”

Và để ngắm hoàng hôn từ ban công!

Khi chúng ta giàu có, bận rộn, áp lực và đầy mối bận tâm, thì thật khó để uống ly cà phê mình pha.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SINH VÀ TỬ HIỆP THÔNG

Lúc 7 giờ rưỡi sáng ngày 2-9-1918 có tiếng chuông reo ở Phòng Thánh.  Mẹ Maria Teresa di Gesù (1878-1948) liền đến xem.  Mẹ vừa là Bề Trên vừa là người phụ trách Phòng Thánh, nơi có chiếc bàn quay của Đan Viện để liên lạc với bên ngoài và nhận các vật dâng cúng của tín hữu.  Sau lời chào thường lệ: “Ngợi Khen Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA – Siano lodati GESÙ e MARIA” của Mẹ Bề Trên thì có tiếng nói vừa bi ai vừa cay đắng đáp lại: “Tôi phải để lại đây của bố thí này!”  Đó là tờ giấy bạc 10 lire của thời bấy giờ tức là tương đương với 200 euros.  Khi Mẹ Bề Trên hỏi danh tánh thì tiếng nói trả lời không cần biết tên tuổi.

Đây là lần xuất hiện đầu tiên trong tổng số 28 lần.  Các cuộc viếng thăm sau đó đi kèm tờ giấy bạc 10 lire khiến các Nữ Tu Kín đơn sơ nghĩ rằng có lẽ vị ân nhân không muốn tỏ lộ danh tánh.  Ngày 16-9-1919 tiếng chuông Phòng Thánh lại reo vang sau khi các Nữ Tu đã cẩn thận đóng kín các cửa ra vào và cửa Nhà Nguyện.  Không có tiếng nói nhưng chỉ có tờ giấy bạc 10 lire.  Mẹ Bề Trên không lấy tờ giấy bạc.  Nhưng khi Chị kia quay đi thì Mẹ lại nghe tiếng chuông báo hiệu.  Mẹ Bề Trên một mình trở lại bàn quay thì lần này có tiếng nói: “Việc lấy tờ giấy bạc là để làm nguôi Phép Công Thẳng của THIÊN CHÚA!”  Ngày 3-10-1919 chuông Phòng Thánh lại reo.  Thể theo lời Cha Giải Tội dặn, vì sợ rằng đây là trò đùa của ma quỉ chăng, nên Mẹ Maria Teresa di Gesù từ chối không nhận tờ giấy bạc 10 lire. Trước sự kiện này, tiếng nói vừa buồn sầu vừa ảo não trấn an Mẹ Bề Trên: “Không, tôi là một Linh Hồn Luyện Tội, từ 40 năm qua, tôi phải ở trong Lửa Luyện Hình vì tội đã phung phí tài sản của Hội Thánh!”  Trước lần hiện về sau cùng, chuông Phòng Thánh reo vào lúc 2 giờ 45 phút sáng.  Mẹ Maria Teresa di Gesù trịnh trọng nói: “Theo lệnh của Cha Giải Tội, xin nói cho con biết ngài là ai: có phải là Linh Mục không?”  Tiếng nói bên ngoài bàn quay đáp lại: “Đúng thế!”  Lần hiện về cuối cùng Linh Hồn báo tin đã được giải thoát khỏi Lửa Luyện Tội.  Lúc ấy là 4 giờ 45 phút sáng ngày 9-11-1919.  (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVatican).

Ai cũng chỉ một thời cõi trần, rồi sống mãi với linh hồn bất tử.  Người Kitô hữu thì luôn tâm niệm sinh ký tử quy, cố gắng sống tạm dương thế sao cho tử tế, tốt lành, đức hạnh, xứng đáng làm con Chúa, để khi thác được trở về quê hương Nước Trời.  Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay thật vắn tắt gói ghém bốn câu Lời Chúa phán dạy về đời sau.  “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi sẽ không bị loại ra ngoài.” (Ga 6, 37)

Như thế, Đức Giêsu chính thức long trọng hứa với những ai đến với Người, đều được hưởng phúc trường sinh.  Người đã mở toang cánh cửa Thiên Đàng cho những ai chân thành theo Người.  Vấn đề chỉ còn tùy thuộc con người tự do chọn lựa, có đến với Người hay dại dột chối từ.

Tuy nhiên, con người thật khó dứt khoát chọn theo Người, dù đã được thanh tẩy làm con Chúa, dù đã lãnh nhận các bí tích nhiệm mầu, nhất là Mình Máu Chúa làm của ăn đi đàng.  Do vậy, con người vẫn khó tránh khỏi lửa luyện ngục, để thanh tẩy lần cuối, trước khi vinh dự diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa.

Cầu nguyện cho kẻ khuất bóng

“Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2Mcb 12, 46).  Còn ông Gióp cũng xác tín quyết liệt: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày sau hết khi thân xác tiêu tan, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Người” (G 19, 25-27).

Công Đồng Vaticanô II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” (GH 50)

Vào Tháng Các Đẳng, Kitô hữu nhớ đến những người khuất núi, ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, để báo hiếu, tri ân, cảm tạ và thương yêu bằng cầu nguyện, dâng lễ và làm những việc lành phúc đức với ý chỉ dành cho các linh hồn đang chịu thanh luyện.

“Đối với Kitô hữu, không có người chết.  Tất cả kẻ chết của chúng ta đang sống.  Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi hiệp thông với nhau trong đức tin.” (Đường Hy Vọng, số 690)

Cầu nguyện cho kẻ đang sống

Người Kitô hữu lữ hành hiệp thông chặt chẽ nguyện cầu cho người quá cố trong Giáo Hội Thanh Luyện, cũng chính là cầu nguyện cho bản thân thuộc Giáo Hội Chiến Đấu.  Mỗi khi cầu nguyện cho người đã khuất, lại thêm cơ hội ý thức rõ ràng cuộc sống quá phù du, hay thay đổi, bất an, bất trắc.

Mỗi ngày, mỗi gần thêm nấm mộ.  Vậy thì hằng ngày mỗi chết đi những thói hư tật xấu, tội lỗi nhớp nhơ, mỗi chết đi tánh xác thịt, đam mê, tham sân si, vị kỷ, kiêu căng, ngạo mạn, bất chính, bất nhân, để sau này được sống viên mãn.  Thánh Phaolô đã thân thương và tha thiết cảnh báo: “Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8, 13).

Mặc dù dưới mắt người đời, người Kitô hữu đang yếu đuối, thất thế, bị rẻ rúng, bị vu oan cáo vạ, và nhất là “bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực (chúng tôi) vẫn sống.” (2Cr 6, 9).  Hằng ngày Kitô hữu đang chết dần để có thể sống theo Đức Kitô, như Thánh Phaolô khẳng nhận: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết.” (1Cr 15, 31) Bởi vì: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là mối lợi.” (Pl 1, 21).

Mặt khác, Giáo Hội Chiến Thắng gồm các Thánh, các linh hồn vinh hiển trên Thiên Đàng, vẫn luôn liên lỉ an ủi, cầu bầu, phù hộ cho Kitô hữu lữ hành, đang còn phải gian nan chiến đấu, như Kinh Tin Kính hằng xác tín với niềm hy vọng: “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em , mà làm cho thân xác của anh em được sống mới.” (Rm 8, 11).

“Trên Thiên Đàng, người tông đồ mới thôi lao nhọc.  Nhưng ngay ở Thiên Đàng, người tông đồ vẫn tiếp tục cứu giúp trần gian.” (Đường Hy Vọng, số 677).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hiệp thông với Giáo Hội Thanh Luyện, kính dâng lên Chúa lời nguyện cầu, Thánh Lễ và những việc tốt lành, hy sinh, bác ái, để khẩn cầu Chúa thương xót đoái thương những linh hồn, đang chịu thanh tẩy, sớm được về hưởng Thánh Nhan Chúa.

 Lạy Mẹ Maria, tràn đầy Chúa Thánh Thần, kính xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Thánh Thần, ban cho chúng con ơn sáng suốt, luôn thức tỉnh, nhớ rằng thế gian phù du, chóng qua, và ơn ăn năn, thống hối, để chúng con có thể hiệp thông cầu nguyện cho những linh hồn đang chịu luyện tội, sớm được thanh thỏa về Nước Trời. Amen.

AM Trần Bình An

LỀ LUẬT BÓP CHẾT CON TIM

Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình.  Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác.  Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo.  Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.

Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia.  Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia.  Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác.  Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.

Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình.  Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác.  Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân.  Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.

Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình.  Lương tâm họ đã bị lề luật trói buộc.  Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng.  Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.

Cách đây ít năm Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.”  Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho chai cứng.  Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục.  Anh mến Chúa.  Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương.  Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy.  Họ nhân danh lề luật.  Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác.  Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.  Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương.  Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu.  Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.

Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình.”  Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục.  Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau.  Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn nuốt cá bé.  Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi.  Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hóa tình người.

Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình.  Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười.”  Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ.”

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác.  Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân.  Mến Chúa phải yêu tha nhân.  Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình.  Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa.  Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân.  Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu.  Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa.  Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa.  Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối.”

Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

TỰ NHIÊN HAY SIÊU NHIÊN?

Một trong những hình ảnh có thể được dùng để diễn tả người tu sĩ là “chân đi trên mặt đất mà lòng hướng về trời cao.”  “Hướng về trời cao” ở đây muốn ảm chỉ rằng tu sĩ là người luôn ở trong mối tương quan thiết thân với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống.  Tuy nhiên, không phải vì thế mà người tu sĩ quên rằng mình đang “đi trên mặt đất.”  Đời sống thiêng liêng không giúp cho người tu sĩ miễn trừ khỏi những đòi hỏi căn bản của một con người trưởng thành.  Họ là “người” tu sĩ chứ không phải là “thần” tu sĩ!

Có những người khi mới bắt đầu sống đời tu thì tưởng rằng mình đã bước vào một thế giới khác, thuần thiêng và tách biệt với bên ngoài.  Sự thật là chỉ có một thế giới, dù là trong hay ngoài nhà tu, nơi đó Chúa vẫn luôn làm việc và mời gọi con người nên thánh.  Do đó người tu sĩ trước hết phải là người đón nhận sự thật nơi mình và nơi những người anh chị em khác về thân phận con người.

Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu, đều có quá khứ – hiện tại – tương lai, đều có những thứ tình cảm hỷ nộ ái ố…  “Thiêng liêng hóa” chính là việc nhận ra ân sủng và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong chính những yếu tố “tự nhiên” đó, chứ không phải là thái độ coi thường hay sợ hãi chúng.  Trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, tự nhiên là phương thức biểu hiện, là cầu nối và là phương tiện truyền tải ân sủng siêu nhiên.  Như vậy góc nhìn “siêu nhiên” giúp cho con người thấy rõ vai trò và ý nghĩa của “tự nhiên” chứ không hề tách biệt với “tự nhiên.”  Tu sĩ là người tiếp cận với những yếu tố tự nhiên trong chính bản chất của nó (phù hợp thực tiễn, không tô vẽ thêm) dưới ánh sáng đức tin (để nhận ra hoạt động của Chúa).

Theo lẽ tự nhiên, con người cần thời gian để trưởng thành về mặt tinh thần cũng như thể lý.  Ứng với mỗi độ tuổi hay mỗi giai đoạn trong đời sống đòi hỏi mỗi người phải đạt đến mức độ trưởng thành nhất định về mặt nhân bản.  Người tu sĩ chắc chắn không thể được miễn trừ khỏi quy luật đó.  Đời tu càng đòi hỏi người tu sĩ phải biết mình đang ở trong giai đoạn nào và đã đạt mức trưởng thành tới đâu về tâm sinh lý.  Chương trình huấn luyện trong các dòng tu hay chủng viện có thể hỗ trợ người tu sĩ rất nhiều trong việc “biết mình” bên cạnh việc “biết Chúa” và “biết dòng.”

Khi người tu sĩ nhận ra những vấn đề của bản thân mình và trình bày cởi mở với những người có trách nhiệm huấn luyện thì họ sẽ được giúp đỡ để vượt qua bằng những phương thế tự nhiên nhờ ân sủng Chúa.  Chẳng hạn một người có sức khỏe yếu thì phải xem lại chế độ ăn uống ngủ nghỉ, cách thức làm việc cũng như việc tập thể dục thể thao.  Tương tự, một người học yếu thì không thể chỉ cần cầu nguyện nhiều với Chúa là có thể học giỏi lên được.  Thay vào đó Chúa ban cho điều kiện học tập và tự bản thân họ phải nỗ lực học hành chăm chỉ hơn, bù đắp những kiến thức bị thiếu hụt.  Những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý con người cũng cần được tiếp cận theo phương pháp khoa học.  Những ham muốn tính dục nơi người tu sĩ sẽ không tự nhiên mất đi sau khi đọc 10 kinh Kính Mừng!

Tóm lại, tu sĩ là người “thiêng liêng” nhưng cũng rất “tự nhiên.”  Thiên Chúa mời gọi người tu sĩ sống tận hiến cho Nước Trời trong chính thân phận con người của họ.  Lời mời gọi đó có sức làm biến đổi nội tâm người tu sĩ, giúp họ đảm nhận những yếu tố tự nhiên nơi bản thân mình bằng phương thế siêu nhiên.  Nhờ đó cuộc đời người tu sĩ là lời chứng tá sống động cho người môn đệ Chúa “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian mang thân phận loài người vì yêu mến chúng con, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để hoàn toàn vâng theo ý Cha trong mọi chi tiết của cuộc sống.  Chúa đã dặn những người muốn theo Chúa “Ai muốn theo ta, hãy vác lấy thập giá của chính mình mà theo ta”, xin cho chúng con được trung thành bước theo Chúa với thập giá là chính bản thân yếu đuối mỏng giòn của mình nhờ ơn Chúa giúp. Amen!

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

NỖI CÔ ĐƠN SÂU THẲM NHẤT

Nhà tâm lý học Robert Coles ở trường đại học Harvard, khi mô tả triết gia thần nghiệm người Pháp, Simone Weil, ông cho rằng điều mà bà thật sự chịu đựng và cũng là động lực cho cuộc đời của bà, chính là sự cô đơn về tinh thần.  Cô đơn tinh thần là gì?

Cô đơn tinh thần là điều mà chúng ta trải nghiệm khi khắc khoải về ái lực tinh thần, nghĩa là khao khát một tri kỷ, một người gặp chúng ta, hiểu chúng ta và tôn trọng những gì thâm sâu nhất, quý báu nhất trong chúng ta.

Chúng ta cô đơn theo nhiều cách.  Chúng ta cảm thấy khắc khoải dù đang trải nghiệm sự thân mật, chúng ta thấy hoài niệm về một mái ấm mà chúng ta không bao giờ thật sự tìm được.  Có sự cô đơn, thao thức, một khắc khoải, khao khát, thiết tha, yêu thích, bất an, hoài niệm và vô tận trong chúng ta và chúng ta không bao giờ cảm thấy trọn vẹn.

Hơn nữa, sự bất tịnh này nằm ở trọng tâm chứ không phải ở bên rìa trải nghiệm của chúng ta.  Chúng ta không phải là những người yên nhàn đôi lúc cảm thấy thao thức, không phải là những người thanh bình đôi lúc cảm thấy bất an, không phải là những người viên mãn đôi lúc cảm thấy chán nản.  Đúng hơn, chúng ta là những sinh vật bồn chồn đôi lúc tìm được nghỉ ngơi, những con người bất an đôi lúc tìm được sự thanh tĩnh, những con người bất mãn đôi lúc tìm được sự thỏa mãn.

Và trong nhiều khao khát này, có một khao khát thâm sâu hơn những khao khát khác.  Điều mà chúng ta khao khát tối hậu, điều ẩn dưới mọi sự khác, chính là ái lực tinh thần, một tri kỷ, một người gặp gỡ chúng ta ở nơi thâm sâu trong tâm hồn chúng ta, một người tôn trọng mọi sự quý báu nơi chúng ta.  Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Như vậy có nghĩa là gì?

Có thể diễn đạt như thế này: Mỗi một người chúng ta nuôi dưỡng một ký ức mơ hồ về một thời từng được chạm đến và âu yếm bởi những bàn tay trìu mến hơn hẳn bàn tay chúng ta.  Sự âu yếm đó để lại một dấu tích không phai, một ghi dấu tình yêu quá dịu dàng, quá tốt đẹp và thuần khiết đến nỗi ký ức đó trở thành lăng kính để chúng ta nhìn mọi sự khác.  Các thần thoại cổ xưa diễn tả chuyện này rất hay khi bảo với chúng ta, trước khi chúng ta được sinh ra, Thiên Chúa đã hôn linh hồn chúng ta, và chúng ta bước vào cuộc đời luôn ghi nhớ nụ hôn đó một cách trực giác, đánh giá mọi sự khác bằng cách đối chiếu với nụ hôn đó, với sự thuần khiết, dịu dàng và vô điều kiện ban đầu của nụ hôn đó.

Ký ức vô thức về một thời được Thiên Chúa chạm đến và âu yếm tạo trong chúng ta một nơi thâm sâu nhất, nơi chúng ta giữ những chuyện quý báu nhất và thiêng liêng nhất của mình.  Khi chúng ta nói chuyện gì đó “nghe rất đúng,” thì thật ra chúng ta đang nói, nó tôn trọng chốn thâm sâu đó trong lòng mình, nó tương hợp với chân lý, với dịu dàng và thuần khiết sâu sắc mà chúng ta đã từng trải nghiệm.

Từ nơi này xuất phát tất cả những gì là sâu sắc nhất, chân thực nhất trong chúng ta, cả những nụ hôn và giọt nước mắt.  Nghịch lý thay, đây là nơi chúng ta canh giữ đề phòng người khác, dù cho đó là nơi chúng ta muốn người khác bước vào nhất, với điều kiện là người bước vào tôn trọng sự thuần khiết, dịu dàng, vô điều kiện của sự âu yếm ban đầu mà Thiên Chúa đã tạo thành chốn dịu dàng đó.

Đây là nơi của thân mật sâu thẳm và cô đơn sâu sắc, nơi chúng ta ngây thơ vô tội, nơi chúng ta bị xâm phạm, nơi chúng ta thánh thiện, là đền thờ của Thiên Chúa, là đền thiêng tôn kính và là nơi chúng ta băng hoại khi hành động trái với chân lý.  Đây là trung tâm tinh thần của chúng ta, và cơn khắc khoải chúng ta cảm thấy có thể được gọi là cô đơn tinh thần.  Chúng ta khao khát tri kỷ là vì nó.

Và trong khao khát này, trong khắc khoải khôn nguôi này, chúng ta được thôi thúc hướng ra ngoài, như người nữ trong sách Diễm ca, chúng ta khắc khoải tìm kiếm một người ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Đôi khi khao khát đó dán chặt vào một người nào đó, và sự cố định đó có thể ám ảnh đến nỗi chúng ta đánh mất tự do về cảm xúc.  Như nền văn hóa của chúng ta, chúng ta cũng có thể kết luận, về căn nguyên nó là khao khát sự giao hợp tình dục.  Nói như thế có phần nào đúng, mặc dù có khiếm diện.  Sự giao hợp tình dục, trong dạng chân thực của có, thật sự đúng là gắn kết “thành một xác thịt” được Đấng Tạo Hóa tuyên bố sau khi lên án sự cô đơn “con người ở một mình không tốt.”  Ngoài giao hợp tình dục, cuối cùng, người ta luôn phần nào cô đơn, độc thân, tách biệt, một kẻ thiểu số.

Nhưng xét tận cùng, chúng ta cô đơn ở một mức độ mà chỉ tình dục thì không đủ để thỏa mãn.  Thâm sâu hơn cả khao khát bạn tình, chúng ta khao khát một ái lực tinh thần.  Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta là khao khát một người để ngủ cùng về mặt tinh thần, một tinh thần đồng điệu, một tri kỷ.

Những tình bạn và tình vợ chồng tuyệt vời nhất luôn có điều này, cụ thể là ái lực tinh thần.  Những người đó là những “tình nhân” theo nghĩa sâu xa của nó, bởi vì họ ngủ với nhau ở mức độ thâm sâu, bất chấp có sự giao hợp tình dục hay không.  Ở mức độ cảm giác đó, dạng tình yêu này được trải nghiệm như đi “về nhà.”

Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu từng nói, là con người, chúng ta là “kẻ lưu đày của tâm hồn,” và chúng ta chỉ có thể thắng vượt chuyện này bằng sự giao hợp tinh thần với người khác, nghĩa là ngủ với người khác trong tình thiện lành, hân hoan, an bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng và đức tin.

Rev. Ron Rolheiser, OMI