NGÀY CÁNH CHUNG

Trước đây, khi giảng tĩnh tâm Mùa Chay, các Linh mục thường nhắc đến “Tứ chung” hay còn gọi là “Bốn sự sau,” nghĩa là Sự chết, Thiên đàng, Hoả ngục và Phán xét.  Đây là những vấn đề liên quan đến cùng đích của đời người.  Đó cũng là những điều mà ai cũng phải trải qua.  Người tín hữu, khi nghĩ đến “Bốn sự sau” cố gắng sống tốt và lo chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để về với Chúa.

Cũng có người sợ hãi không muốn đề cập tới “Bốn sự sau,” vì họ coi đó là điều xui xẻo.  Nhưng, “Bốn sự sau” là một thực tại gắn liền với đời người, dù người ta có né tránh thì cũng không thoát được.  Khi giảng tĩnh tâm, nếu nhấn mạnh tới chủ đề “Bốn sự sau,” thì lại rất có hiệu quả.  Người tín hữu tham dự tĩnh tâm xưng tội rất đông và sốt sắng.  Như thế, nếu năng nghĩ đến sự chết, người ta sẽ sống tốt hơn, nhân ái hơn và cao thượng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

Vũ trụ này không tồn tại mãi mãi, nhưng sẽ có ngày tận cùng.  Các tác giả Cựu ước đều chung quan điểm này.  Ngôn sứ Malaki là một trong những tác giả trình bày ngày cánh chung của vũ trụ.  Đó sẽ là ngày ngũ hành bị thiêu rụi, và cũng là thời điểm người lành kẻ dữ được xét xử công minh.  Kẻ ác sẽ như rơm rạ bị thiêu đốt, người lành sẽ toả sáng như mặt trời.  Suy tư về đời sau làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.  Bởi lẽ nếu không có đời sau thì xấu tốt cũng như nhau, vàng thau cũng đồng giá.  Ngày cánh chung và cuộc phán xét, chính là câu trả lời cho sự khác biệt trong cuộc sống đời này.

Bao giờ mới đến ngày cánh chung?  Nhiều thế hệ đã lo lắng băn khoăn và đi tìm câu trả lời.  Vào thời điểm lịch sử bước sang những năm chẵn, như năm 1900, năm 2000, năm 2010…, người ta lo sợ và tuyên truyền sắp đến ngày tận thế.  Nhưng rốt cuộc ngày tận thế vẫn chưa đến.  Chúa Giêsu dặn chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt.”  Đối với người tin Chúa, khi nào tận thế xem ra không phải là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng là lòng tín trung phó thác nơi Chúa.  Nếu tận thế được diễn tả như trời long đất lở hoặc các hiện tượng thiên nhiên khác, thì Chúa Giêsu lại muốn nói với chúng ta: tận thế cũng có thể là những khó khăn, bách hại và thử thách về niềm tin.  Quả vậy, tin là đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu.  Chúa đã vác thập giá bước đi trong niềm phó thác nơi Chúa Cha.  Như thế, cánh chung đối với chúng ta hôm nay là những gian nan thử thách trong cuộc đời.  Mỗi chúng ta phải vượt qua những gian nan ấy để gìn giữ đức tin tinh tuyền trọn vẹn.  Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nếu ngày phán xét chung còn rất xa vời, thì ngày phán xét riêng lại rất gần đối với chúng ta.  Khi chúng ta kết thúc hành trình trần thế, là lúc chúng ta ra trình diện trước nhan Chúa, để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế của chúng ta, với những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận, như số vốn Chúa ban để chúng ta sinh lợi thiêng liêng.

Tin vào ngày cánh chung ở cuối cùng của lịch sử, chúng ta tin cậy vào những giá trị vĩnh cửu.  Đền thờ Giêrusalem rất quan trọng đối với người Do Thái.  Đây là trung tâm văn hoá và là niềm tự hào của dân tộc.  Đền thờ còn là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài.  Ấy vậy mà Chúa Giêsu tuyên bố: những điều anh em đang chiêm ngưỡng và tự hào, sẽ có ngày ra tro bụi.  Viện vào câu nói này, khi tố cáo Chúa trước Công nghị, một số kỳ lão Do Thái đã nói: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mc 14,58).  Quả là một lời vu khống xuyên tạc.  Đền thờ bị phá huỷ là một sự kiện lịch sử, đã xảy ra vào năm 70 sau Công nguyên, khi tướng Titô của La Mã chiếm thành Giêrusalem.  Đền thờ nguy nga là thế, bỗng trở thành đống gạch vụn, “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”  Đền thờ là thiêng liêng đối với người Do Thái, nhưng cũng hữu hạn và nhất thời.  Đền thờ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa.  Người tin Chúa mà chỉ gắn bó với Đền thờ như thể đó là thực tại vĩnh cửu, thì sẽ phải thất vọng.

Niềm tin vào ngày cánh chung không phải lý do để sống lười biếng.  Thánh Phaolô chia sẻ với giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca về cuộc sống tự lập của ngài.  Ngài cũng khuyên mọi người hãy chịu khó làm việc, để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác.  Ngài lên án những người lười biếng và khiển trách họ là vô kỷ luật.  Lời khuyên của thánh Phaolô luôn phù hợp với đời sống hiện tại của chúng ta.

Trong khi chờ đợi ngày cánh chung, hãy sống và làm việc.  Hãy cho đi để được nhận lãnh.  Hãy khích lệ để được an vui, vì những gì ta cho đi là còn lại mãi.

Cuộc sống là tiếng vọng.
Điều bạn gửi đi sẽ quay trở về.
Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái.
Điều bạn cho đi bạn sẽ nhận lại.
Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn 
(Khuyết danh).

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NỖI SỢ BỊ BỎ LỠ

Thật khó cho một đứa trẻ phải đi ngủ lúc buổi tối mới bắt đầu, lúc cả nhà còn ăn tiệc.  Không ai muốn đi ngủ lúc mọi người đang còn thức.  Chẳng ai muốn bỏ lỡ gì đó trong đời.

Ai rồi cũng nhớ khi còn nhỏ, dù đã quá mệt, hai mắt đã díu lại, chúng ta vẫn cố cự lại bất cứ ai bắt mình đi ngủ.  Dù mệt mỏi hay không, chúng ta cũng không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì.  Chúng ta không muốn đi ngủ khi đời sống vẫn đang tiếp diễn.

Và chẳng bao giờ chúng ta bỏ được chuyện này.  Sự kháng cự đó là bẩm tại và nó vẫn còn trong chúng ta cho đến giờ lâm tử.

Một trong những nỗi băn khoăn day dứt nhất của chúng ta là ý thức rằng mình luôn mãi bỏ lỡ gì đó trong đời.  Đây cũng là một trong những yếu tố lớn nhất của nỗi sợ chết.  Với hầu hết mọi người, sự nặng nề và tăm tối của cái chết không hẳn đến từ nỗi sợ những điều sẽ gặp ở đời sau, sự phán xét và hình phạt, cho bằng đến từ nỗi sợ bị tiêu vong.  Hơn nữa, nỗi sợ này không hẳn là sợ thân phận của mình sẽ tiêu tan không còn gì, cho bằng sợ mình sẽ bị tước đi mọi phần cuộc đời mình đã có.  Nỗi buồn khi phải từ bỏ gì đó, khi biết rằng cuộc đời sẽ tiếp diễn mà không có mình, sợ phải đi ngủ khi tiệc vui chưa tàn.  Và nỗi sợ này nằm sâu, rất sâu trong lòng chúng ta, đến nỗi chúng ta khó mà hình dung nổi làm sao thế giới có thể tiếp tục công việc mà không có chúng ta.

Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu về một vấn đề bất ổn trong chúng ta, nó không phải là một thứ cần được sửa chữa, cũng không phải là một vấn đề luân lý hay tôn giáo cần phải lưu tâm.  Nó là bản chất con người, đơn giản là thế, và Thiên Chúa là Đấng tạo nên nó.  Nói tóm lại, chúng ta được dựng lên để dự phần trong cả tấm vải chứ không phải để làm một sợi chỉ đơn độc.

Năm 23 tuổi, tôi chứng kiến cha tôi mất trong phòng bệnh viện.  Ông chưa lớn tuổi, chỉ mới 62 và lẽ ra cha tôi phải được sống thêm nhiều năm nữa.  Nhưng ông sắp chết, ông biết thế, và dù đức tin đã giúp ông xoa dịu nhưng ông vẫn rất buồn.  Điều ông phải đấu tranh không phải nỗi sợ đời sau hay còn chuyện đền tội nào ông cần làm trong đời này.  Không phải thế.  Ông không có chuyện gì còn dang dở với Chúa hay với những vấn đề luân lý và tôn giáo.  Ông cũng không có những nỗi sợ không lành mạnh về đời sau.  Việc duy nhất ông còn đang dang dở với đời này, chính là (một cách trừu tượng) bị bắt đi ngủ khi tiệc chưa tàn.  Hơn nữa, với ông, bữa tiệc đó đang lúc vui nhất.  Các con lớn đã bắt đầu an cư lập nghiệp, sinh cho ông nhiều đứa cháu, các con nhỏ cũng đang hăng hái bước vào cuộc sống trưởng thành.  Ông sẽ không còn đó để xem mọi chuyện sẽ thế nào, và ông sẽ không còn đó để thấy hầu hết các cháu của mình.  Quan trọng hơn nữa, ông còn người vợ, người tri kỷ mà ông phải bỏ lại.  Thật sự, bị bắt đi ngủ vào lúc như thế không vui gì.

Hơn nữa, cha tôi vẫn còn các anh chị em ruột, hàng xóm, bạn bè, giáo xứ, cộng đồng, các đội bóng và vô số các mối dây khác trong đời.  Và ông ý thức trong đau đớn rằng, những chuyện này đều sẽ kết thúc, ít nhất là ở đời này.

Tại sao ông không nên buồn chứ?  Thật sự là, tại sao có ai trong chúng ta không nên buồn khi đối diện với cái chết như thế, khi chúng ta bị bắt đi ngủ lúc cuộc đời còn đang mở tiệc?

Chúng ta được cấu thành với tính cộng đồng.  Như chính Thiên Chúa đã nói khi Ngài tạo dựng gia đình nhân loại: con người ở một mình thì không tốt.  Chúng ta phải là một phần của gia đình và cộng đồng, một phần của tấm vải cuộc đời, một tấm vải được dệt nên bởi vô số sợi chỉ riêng lẻ.  Do đó, cũng không có gì lạ khi chúng ta buồn lúc sợi chỉ mỏng manh, riêng lẻ của mình bị kéo ra khỏi tấm vải.  Chẳng lạ gì khi trẻ con không muốn đi ngủ lúc mọi người vẫn đang chơi vui.

Hơn nữa, điều này không chỉ đúng khi chúng ta thấy buồn vào lúc lâm tử.  Cũng động năng đó bùng lên mỗi khi chúng ta trải qua những cái chết nho nhỏ trong lòng khi chúng ta bước vào tuổi già, mất đi sức khỏe, mất đi công việc dù là do nghỉ hưu hay bị sa thải, mất đi những người chúng ta yêu thương, mất đi hôn nhân, chuyển đổi chỗ ở, hay bất kỳ cách thức nào khác làm cho chúng ta bị đẩy ra rìa cái chúng ta gọi là dòng chảy chính của cuộc đời.

Vậy nên, sẽ tốt nếu chúng ta biết rằng cảm giác đó không có gì sai.  Giờ lâm tử khó khăn mà.  Buông bỏ khó khăn mà.  Bị đẩy ra rìa khó khăn mà.  Biến mất khỏi cuộc đời càng khó khăn hơn nữa.  Chính vì thế mà trẻ con chẳng muốn bị bắt đi ngủ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CÓ CHĂNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA?

Sau khi Raymond Moody xuất bản quyển Life after life (Cuộc Sống sau cõi đời nầy) vào năm 1975, công chúng phương Tây ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm cận tử (tạm gọi là trải nghiệm sự chết đi sống lại).  Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác.  Nhưng sau đó họ hồi sinh.

Năm 1982, George Gallup ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm nầy.

Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy.  Họ đã phỏng vấn 1,370 người trải qua kinh nghiệm cận tử.  Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

– Có một cuộc sống khác ở “cõi bên kia” và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

– Điều đặc biệt là sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa.  Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).

Bác sĩ George Rodonaia, có học vị tiến sĩ trong ngành thần kinh học (về sau nầy cũng là một tiến sĩ tâm lý học tôn giáo) vốn là công dân Liên Xô, nhập cư vào Mỹ năm 1989.  Ông là chuyên gia nghiên cứu về thần kinh tại Đại học Moscow.  Ông đã trải qua một kinh nghiệm cận tử đặc biệt nhất được ghi nhận từ trước đến giờ.  Ông được giới y khoa xác nhận là chết ngay lập tức sau một vụ tai nạn ô tô vào năm 1976, được đưa vào nhà xác và được quàn tại đó trong ba ngày.  Ông vẫn không hồi sinh cho tới khi bác sĩ tiến hành giải phẫu phần bụng như một phần của công tác khám nghiệm tử thi.

Ông thuật lại trải nghiệm về cuộc sống bên kia và xác quyết rằng chính biến cố nầy khiến ông đổi đời tận gốc rễ.

Trước khi trải qua kinh nghiệm cận tử, ông vừa là bác sĩ vừa là một nhà thần kinh học, và là người theo chủ nghĩa vô thần.  Vậy mà sau lần chết đi sống lại đó, ông chú tâm học bộ môn tâm lý học tôn giáo, nhận bằng tiến sĩ tâm lý học tôn giáo.  Sau đó ông trở thành tín đồ thuộc giáo hội Eastern Orthodox.  Hiện nay, ông là mục sư tại nhà thờ the First united Methodist ở Nederland, bang Texas, Hoa Kỳ.  (nguồn: Tổ Chức Nghiên Cứu Về kinh nghiệm cận tử (Near Death Experience Reseach Foundation. (http://www.nderf.org/Vietnamese/index.htm)

Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở ‘cõi bên kia’ như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?

Những người thuộc phái Xa-đốc không tin điều đó.  Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phỉ báng niềm tin vào sự sống đời sau.

Chúa Giêsu Dạy Cho Chúng Ta Biết Có Sự Sống Đời Sau

Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại, Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau.  Ngài dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa.  Họ giống như các thiên thần (câu 36).  Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Gia-cóp dù đã từ trần từ lâu nhưng vẫn còn đang sống.  Mà nếu các vị nầy còn sống, tức là có sự sống đời sau.

Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giêsu tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”

Cuộc Đời Của Đức Giêsu Minh Chứng Cho Sự Sống Lại

Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.

* Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, chỉ còn là bụi đất… thì Chúa Giêsu chịu khổ nạn để làm gì?  Máu Chúa Giêsu đổ ra hoàn toàn vô ích.

Nhưng chính vì để cứu con người khỏi hư mất và đem lại cho họ sự sống hoan lạc đời sau nên Con Thiên Chúa đã xuống trần, chịu vô vàn đau thương khổ luỵ và chấp nhận trả bằng giá máu để chuộc lấy con người.

* Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa quyền năng, nhưng đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống như chúng ta, đã chết như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại chứng tỏ cho chúng ta biết có sự sống đời sau và những ai gắn bó với Chúa Giêsu, trở nên chi thể trong Thân Mình Người thì cũng sẽ được sống lại như Người.

**************

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng.  Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến.  Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho ông bà cha mẹ, và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

Lm Ignatio Trần Ngà (Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

MẦU NHIỆM CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

1. Nguồn Gốc Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn

– Theo lịch sử Hội thánh: Thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức.  Ngài luôn tưởng nhớ cầu nguyện kèm ăn chay hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời . Một hôm, một đan sĩ Dòng của ngài đi hành hương Đất thánh.  Trên đường trở về, tàu chở vị đan sĩ đã bị bão đánh giạt vào một hòn đảo, và tại đây đan sĩ đã gặp gỡ và trao đổi với một vị ẩn sĩ.  Trong buổi trò chuyện, ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều linh hồn người chết thường bị hành hạ, đánh đập đau đớn.  Có lần tôi nghe được mấy tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng Cluny mỗi ngày đều giải thoát được một số linh hồn được ra khỏi hang lửa nói trên.  Vì thế, xin thầy hãy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng tiếp tục cứu giúp các linh hồn đang chịu đau khổ.  Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận.”  Sau khi nghe tu sĩ kể lại sự việc, cha Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài.  Về sau lễ cầu hồn này đã truyền sang nước Pháp, và Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã thiết lập lễ Cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rôma từ giữa thế kỷ 11.

– Giáo lý Hội Thánh Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số nói về luyện ngục như sau:
Số 1030: Cần có Luyện ngục: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.”
Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: “Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt.  Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580).  Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (Mt 12,31).  Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).
Số 1032: Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình” (x. 2 Mcb 12,46).

– Ngày 10 tháng 8 năm 1915: Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý Đức Thánh Cha (không bổng), và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng).  Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

– Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai “viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

2. Giáo Lý Về Một Hội Thánh Ba Tình Trạng:

Chúa Giêsu thiết lập Nước Trời là Hội Thánh.  Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một là Hội Thánh “Lữ Hành,” hai là Hội Thánh “Vinh Thắng,” ba là Hội Thánh “Đau Khổ” như sau:

Hội Thánh “Lữ Hành” trần gian: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giêsu.  Như Dân Israel xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian tiến về Đất Hứa Nước Trời là Thiên Đàng đời sau.  Các tín hữu trong Hội thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình.  Họ được Chúa ban cho hai thứ bánh thiêng liêng là Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể.  Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để tiến về miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.

– Hội Thánh “Vinh Thắng” trên trời: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa.  Khi còn sống ở trần gian, các ngài đã thực hành Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu, nên ngày nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa.

– Hội Thánh “Đau Khổ” thanh luyện: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều sai lỗi, chưa xứng đáng được vào Nước Trời.  Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ.  Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

3. Tín Điều Các Thánh Thông Công:

Ngọai trừ các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt lìa xa Chúa đời đời, còn các tín hữu tin vào Chúa Giêsu dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được thanh luyện cũng đều được thông hiệp với ơn cứu độ của Chúa Giêsu và cầu nguyện cho nhau.  Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:

Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng nhà thờ hay Đất Thánh và đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ và cầu nguyện hiệp thông với Đức Giáo Hoàng để được nhận các ân xá trong dịp đầu tháng 11; Nhất là có thể xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ với ý chỉ cầu nguyện đền tội thay cho các linh hồn ông bà cha mẹ đang ở trong chốn luyện hình.  Nhờ đó các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được tha thứ tội lỗi như lời Chúa: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều.”  Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hoàn toàn thì sẽ được Chúa đưa vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.  Bấy giờ các ngài sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa xuống muôn ơn lành cho con cháu là chúng ta trên trần gian.

Riêng khái niệm về Lâm-bô: Lâm bô là khái niệm của thánh Albertô Cả (1200-1280), nói về một nơi dành cho các linh hồn trẻ em chết khi chưa được lãnh bí tích Rửa tội.  Tuy chúng không bị phạt nhưng cũng không được lên thiên đàng vì chưa được rửa tội.  Về sau khái niệm này ít được đề cập đến.  Gần đây Ủy ban thần học quốc tế thuộc bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tài liệu mang tên “Niềm hy vọng ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết mà không được rửa tội.”  Trong đó Ủy Ban cho rằng: “Giả thuyết về Lâm-bô” không có nền tảng rõ ràng trong Mặc Khải.  Theo ủy ban, có nhiều lý do rút ra từ thần học và phụng vụ cho phép chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng các em chết trước khi được rửa tội cũng được hưởng nhan thánh Chúa, vì “Thiên Chúa muốn cho hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.”  Tuy vậy, Ủy ban cũng khẳng định bí tích rửa tội vẫn là điều kiện cần thiết để được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Giêsu như lời Chúa phán: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).  Tóm lại: Hội Thánh tín thác các em chết khi chưa chịu phép rửa tội cho lòng thương xót của Chúa, và hy vọng nhờ đức tin của Hội Thánh, các em cũng được hưởng ơn cứu độ (x. GLHTCG số 1261).

4. Phải “Biết Chết” Để “Biết Sống”:

– Không thích nói đến cái chết: Nhiều người nghĩ rằng: không nói đến sự chết thì mình sẽ không phải chết.  Nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood hồi trước thế chiến thứ hai, đã ra lệnh cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông.  Những ai lỡ miệng nói ra liền bị đuổi việc.  Ông là người thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng là sự chết!  Rồi cuối cùng Hearst cũng bị chết bất đắc kỳ tử, để lại một tòa lâu đài rộng lớn, hiện nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở bang California Hoa Kỳ.

– “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về): Nhiều người khi lớn tuổi liền nghĩ đến việc hậu sự và lo chuẩn bị cho cái chết của mình, bằng việc mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, mua sẵn ván làm hòm để trong nhà.  Họ còn viết chúc thư về những điều con cháu phải làm để lo việc ma chay cho họ: Khi chết phải cho họ chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ.  Lại còn dặn dò phải bỏ vào quan tài dụng cụ này hay vòng vàng kia để sử dụng ở thế giới bên kia, giống như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa để về với ông bà tổ tiên.

– Chết là bắt đầu một cuộc sống mới: Đối với những kẻ không tin có Thiên Chúa và đời sau thì chết đi là hết!  Nếu quả thực như thế thì cái chết thật đáng sợ!  Vì nó là đặt dấu chấm hết tất cả những ước mơ của đời người: “Con người là bụi cát lại trở về với cát bụi!”  Nhưng đức tin Kitô giáo dạy cho biết: chết không phải là hết.  Nó chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới vĩnh hằng.  Sau cái chết mỗi người sẽ phải trả lẽ những gì đã làm khi còn sống trước tòa Chúa phán xét.  Nếu chúng ta đã sống trong ân nghĩa của Chúa thì giờ chết sẽ là sự trở về ngôi nhà của mình.  “Sinh ký tử quy”: Chúng ta sẽ được trở về thiên đàng, là nhà của Thiên Chúa Cha, Đấng đã dựng nên loài người chúng ta.  Ở đây không còn nước mắt đau khổ, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn như sách Khải Huyền đã viết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, khóc than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21,4).

– Đền tội khi sống lúc chết: Dầu vậy trong cuộc sống, ít nhiều lần các tín hữu chúng ta cũng đã để cho những dục vọng làm chủ bản thân mình, khiến chúng ta không vâng lời Chúa, không làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là ta đã phạm tội hay mắc phải các thói hư.  Khi chúng ta còn sống thì các tai nạn, bệnh tật và các điều trái ý cực lòng gặp phải sẽ giúp chúng ta đền tội đã phạm.  Rồi sau khi qua đời chúng ta còn tiếp tục được thanh luyện trong lửa tin yêu gọi là tình trạng luyện hình.

5. Lời Cầu:

Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn sàng để gặp Chúa.  Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian…  Còn điều quan trọng chính yếu là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa quan tâm đúng mức!  Con thật dại khờ khi nghĩ rằng mình sẽ có đủ thời gian chuẩn bị trước khi chết.  Nhưng lời Chúa đã dạy “Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng thái độ sẵn sàng.  Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận ra con không, hay Chúa sẽ bảo con: “Ta không hề biết các ngươi.  Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,23).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại Chúa ban trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi giờ chết đến, con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng như người rất thân quen.  Khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên trìu mến và giang rộng vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời: “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng ‘Vương Quốc’ dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25,34), Amen!

Lm. Đan Vinh

CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27).  Như thế, khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta mầm mống của sự thánh thiện.  Bởi lẽ nếu Thiên Chúa là Đấng chí thánh, thì hình ảnh của Ngài chắc chắn phản ánh sự thánh thiện.  Con người được tạo dựng trong sự thánh thiện và với mục đích trở thành thánh nhân.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện – Từ nguồn gốc, con người vốn tốt lành.”  Quan niệm Á đông cũng giống như quan niệm Kinh Thánh.  Ban đầu, bản chất con người là tốt lành thiện hảo.  Tội lỗi gian tham làm cho con người không còn tốt lành thiện hảo như trước nữa.

Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong Bí tích Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 40).  Đối với Kitô hữu, ngay lúc họ lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, họ đã được gọi là “thánh,” vì Bí tích này làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Nếu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài từ ban đầu trong cuộc sáng tạo, thì đối với cuộc sáng tạo mới trong Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa lại làm cho con người trở nên giống như Đức Giêsu Con của Ngài.  Đây là một bước tiến mới khẳng định phẩm giá của con người mới được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu.

Như thế, từ nguyên thuỷ, con người đã là thánh, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa.  Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người được mặc lấy phẩm giá của con Thiên Chúa, trở nên hoàn hảo hơn, đến mức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.

Như đã nói ở trên, tội lỗi xuất hiện làm cho hình ảnh Thiên Chúa bị phai nhạt nơi con người.  Hình ảnh ấy, do tội lỗi đã trở nên biến dạng.  Nên thánh chính là cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ để tái phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi cuộc đời, và hơn thế nữa, làm cho con người nên giống như Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và đang hiện diện huyền nhiệm giữa chúng ta.  Công đồng Vatican II viết tiếp: “Vì thế, nhờ ơn Chúa họ (tức là Kitô hữu) phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận” (cùng số 40 đã trích dẫn).  Như vậy, nên thánh là cố gắng gìn giữ và duy trì tình trạng tốt lành Chúa ban khi tạo dựng nên chúng ta, và tình trạng thánh thiện nhờ Bí tích Thánh tẩy.

Tất cả Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo.  Theo quan niệm thông thường, “nên thánh” là một khái niệm xa vời đối với người tín hữu.  Dường như lời mời gọi này chỉ nhắm tới nhà tu và một số người cao niên hoặc trí thức.  Đó là một quan niệm lệch lạc.  Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mỗi chúng ta.  Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta sự thánh thiện của Ngài.  Nên thánh là cố gắng làm cho ơn của Bí tích Thánh tẩy sinh hoa kết trái trong cuộc đời cá nhân của mình.  Đó không phải là ơn gọi vượt tầm với của chúng ta, nhưng phù hợp với mọi người, bất kể họ ở bậc sống nào.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “những vị thánh ở bên ta”, tức là những người sống một cuộc đời bình dị, như người phu quét rác, người mẹ nội trợ, người thợ xây cần mẫn, người nông phu trên cánh đồng (x. Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 6 và số 7).  Những người ấy cũng có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng những vốn liếng Chúa ban để sinh lợi thiêng liêng và biết chu toàn bổn phận của mình cách khiêm nhường cần mẫn.

Một cách cụ thể hơn, nên thánh chính là thực thi những mối phúc mà Chúa Giêsu đã nêu trong Bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12).  Bài giảng này có thể được hiểu cách cụ thể hơn như sau:

–  Sống nghèo khó trong tâm hồn, đó chính là sự thánh thiện
–  Hành động với trái tim khiêm nhường, đó chính là sự thánh thiện
–  Than khóc cảm thông với những người xung quanh, đó chính là sự thánh thiện
–  Khao khát tìm kiếm sự công chính, đó chính là sự thánh thiện
–  Hành động với lòng nhân từ, đó chính là sự thánh thiện
–  Giữ tâm hồn trong sạch và tránh mọi nhơ uế, đó chính là sự thánh thiện
–  Gieo rắc và xây dựng hoà bình, đó chính là sự thánh thiện
–  Hằng ngày đón nhận con đường của Tin Mừng, kể cả khi gặp những bất lợi, đó chính là sự thánh thiện.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

NHỮNG CON QUỶ THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA

Trong hình ảnh có gì?  Hình ảnh có thể ghi dấu không phai vào ý thức của chúng ta để chúng ta không thể hình dung một vật gì đó theo cách nào khác.  Ví dụ như bức tranh Bữa tiệc ly của Leonardo da Vinci.  Ngày nay, nếu bạn nhắm mắt lại và cố hình dung Bữa tiệc ly, thì hình ảnh đó sẽ tự nhiên hiện lên, dù các học giả khẳng định trong bữa tiệc đó, Chúa Giêsu và các môn đệ không ngồi như thế.  Nghệ thuật mạnh đến như vậy đấy.

Đáng buồn là, điều này cũng đúng về cách chúng ta tự nhiên hình dung về ma quỷ và việc trừ quỷ.  Các bộ phim về quỷ ám, như Rosemary’s Baby đã ghi khắc những hình ảnh nhất định trong chúng ta, nên chúng ta hình dung người bị quỷ ám là người có gương mặt đầy thù hận, méo mó, điên dại, bay lơ lửng lên trần, miệng phun ra những thứ nước tanh tưởi, ở trong một căn phòng đầy mùi khí độc.  Và hình ảnh về việc trừ quỷ là một linh mục trông rất khổ hạnh, mặc toàn đồ đen, mang dây các phép, kêu danh cực thánh Chúa Giêsu khi rảy nước thánh, rồi quỷ hét lớn và tháo lui.  Đó là những hình dung của chúng ta về quỷ ám và trừ quỷ.  Nghệ thuật mạnh đến như vậy đấy!

Nhưng thường thì quỷ ám và trừ quỷ lại không giống như vậy.  Thật sự hình dung ma quỷ và việc trừ quỷ theo cách đó là lợi bất cập hại, vì ma quỷ thì tinh vi và việc trừ quỷ không chỉ có những việc như trên phim mà lâu nay chúng ta vẫn tin.

Vậy đúng ra ma quỷ trong chúng ta sẽ như thế nào?  Một hình ảnh về gương mặt méo mó, phun ra khí độc và những lời lẽ thù hận, có lẽ cũng hữu ích cho chúng ta hình dung.  Đó là một hình ảnh ẩn dụ tốt.  Tuy nhiên, trong đời thực, gương mặt méo mó và đầy thù hận quá lại thường xuất hiện trên mặt chúng ta, và chất độc phun ra chính là lời nói thù hằn mà chúng ta nhắm vào nhau khi chửi rủa nhau vì đối địch về hệ tư tưởng, chính trị, đạo đức và tôn giáo.  Cũng vậy, việc trừ quỷ không chỉ cần hành động rảy nước thánh theo nghĩa đen, mà còn cần đến Thần Khí.

Ma quỷ thật sự trông thế nào?

Có một con quỷ tên là hoang tưởng, nó rất mạnh và kéo theo các bầy đàn quỷ khác, như bất tín, nghi ngờ, đề phòng, và sợ hãi.  Khi chúng ta bị hoang tưởng chiếm lấy, là chúng ta trở nên nghi ngờ và bất tín.  Chúng ta nhìn ai cũng thấy họ là mối đe dọa, là kẻ địch, và mọi bản năng tự nhiên bắt đầu thúc ép chúng ta đề phòng, thủ thế và từ đó bắt đầu làm cho gương mặt chúng ta méo mó và phun ra điều bất tín.  Đây có thể là con quỷ khó trừ nhất, vì nó khắc sâu trong lòng chúng ta.  Không phải tình cờ mà từ sám hối [metanoia] là tổng kết thách thức mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta lại chính là phản đề của hoang tưởng [paranoia].

Rồi còn có một con quỷ khác tên là kiêu ngạo, nó làm chúng ta luôn mãi ý thức về sự đặc biệt của mình, làm chúng ta thích đặc biệt hơn là thích hạnh phúc.  Con quỷ này kéo theo một bạn đồng hành xấu xa là ghen tị, làm tê liệt khả năng ngưỡng mộ người khác, chúc phúc cho họ và không thấy bị đe dọa bởi thành công của họ.

Tiếp theo, là con quỷ ham ăn và con quỷ tham lam.  Hầu như chúng không còn dụ dỗ chúng ta ăn uống cho thật nhiều và tích trữ của cải mãi nữa.  Thay vào đó, những con quỷ này truyền cho chúng ta sự tham lam muốn trải nghiệm, ám ảnh muốn tận hưởng mọi thứ, ám ảnh muốn kết nối xã hội 24/24 và 7/7.  Hơn nữa, chúng còn kéo theo con quỷ dâm dục, con quỷ làm cho chúng ta xem người khác là đối tượng dục vọng của mình và làm chúng ta không tôn trọng họ nữa.

Chúng là những con quỷ thật sự làm cho gương mặt chúng ta méo mó, và dù không có con quỷ nào có hình dạng như đứa bé trong phim Rosemary’s Baby, nhưng tất cả chúng đều làm chúng ta phun ra sự bất tín và thù hận thay vì tin tưởng và thông hiểu.

Làm sao để trừ chúng đây?  Chúng không phải là những con quỷ dễ phản ứng trước nước thánh.  Để tẩy trừ chúng, chúng ta phải cần đến Chúa Thánh Thần.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Thần Khí “soi sáng mọi sự.”  Kinh Thánh còn nói rằng Thần Khí không phải là một sức mạnh mơ hồ mà chúng ta không thể nhận biết.  Trong thư gửi tín hữu Galat, thánh Phaolô nói rõ Thần Khí là gì.  Ngài bắt đầu bằng phép loại trừ, nói rằng Thần Khí không phải là gì, và không bao giờ được nhầm lẫn Thần Khí với những con quỷ, cụ thể là hoang tưởng, bất tín, nghi ngờ, thủ thế, sợ hãi, kiêu ngạo, ghen tị, tham lam, ham ăn, và dâm dục.  Thần Khí là phản đề với tất cả những thứ đó.  Ngược lại, Thần Khí là khí thiêng của lòng nhân, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng, trung tín, hiền lành và khiết tịnh.

Hai cái đối lập không thể cùng tồn tại trong một chủ thể, và đó chính là cách hoạt động của việc trừ quỷ.  Càng nắm lấy lòng nhân, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng, trung tín, hiền lành và khiết tịnh, thì chúng ta càng diệt trừ hoang tưởng, bất tín, nghi ngờ, thủ thế, sợ hãi, kiêu ngạo, ghen tị, tham lam, ham ăn, và dâm dục, cũng như bớt phun ra những thứ quỷ ám thù hận.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐÓN CHÚA ĐẾN NHÀ

Thánh Luca là tác giả duy nhất thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu.  Giakêu là ai?  Tác giả cho biết, ông là người thu thuế và là người giàu có.  Thông thường, người thu thuế thời Chúa Giêsu đều là người giàu có, vì của cải họ kiếm được thường là do gian lận.  Họ bị người dân căm ghét, vì tiền thu thuế phải nộp cho ngoại bang là đế quốc Rôma.  Rất nhiều trường hợp trong Tin Mừng cho thấy sự khinh bỉ của người dân đối với những người hành nghề thu thuế.  Những người này cũng được đồng hoá với các tội nhân, như lời xầm xì của dân chúng: “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.”  Thánh Luca không nói rõ Chúa Giêsu lưu lại ở nhà ông Giakêu bao lâu, nhưng vào thời đi lại khó khăn, chắc hẳn thời gian Chúa viếng thăm không chỉ trong chốc lát.  Ông Giakêu, một người thấp bé về vóc dáng, nhưng lại thông minh về trí tuệ.  Ông muốn gặp Chúa.  Vì vóc dáng khiêm tốn của mình, ông đã trèo lên một cây sung để nhìn Chúa cho rõ.

Một chi tiết rất đặc biệt được Thánh Luca nhấn mạnh: Đức Giêsu là Thiên Chúa đã “nhìn lên” để gặp gỡ ông Giakêu.  Thiên Chúa đã hạ mình xuống để đi tìm kiếm con người.  Ánh mắt của Chúa Giêsu và ánh mắt của ông Giakêu đã gặp nhau.  Ánh mắt ấy đã thuyết phục ông.  Đáp lại, ông “vội vàng tụt xuống” và mừng rỡ đón rước Người.  Chúng ta tưởng tượng thấy một Giakêu rất vui vì được Chúa chủ động đề nghị đến thăm nhà ông.  Ông vốn mặc cảm trước ánh mắt của người đời, chỉ mong lén nhìn thấy Chúa, thì nay, ánh mắt của Thiên Chúa lại tìm kiếm ông.  Lòng thương xót của Thiên Chúa đã xoá đi mọi khoảng cách.  Đối với Chúa Giêsu, trước mặt Người không còn là thu thuế hay biệt phái, không còn là người giàu hay nghèo, mà là con cháu tổ phụ Abraham.  Con cháu Abraham tức là dòng dõi những kẻ tin.  Nhờ lòng tin mà ông được cứu rỗi.

Cuộc gặp gỡ và đón tiếp Chúa Giêsu đã làm cho cuộc đời ông Giakêu sang trang.  Trước những dị nghị của đám người đang ghen tức và bình phẩm, ông quả quyết tuyên bố sẽ canh tân bản thân.  Ông nhận ra những lỗi lầm do việc gian lận, và nay ông hứa, ông sẽ đền gấp bốn.  Ông cũng sẵn sàng chia sẻ phần nửa tài sản cho người nghèo.  Cuộc đời của ông Giakêu đã hoàn toàn đổi mới.  Ông tìm thấy niềm vui và bình an khi sám hối và chia sẻ.

Nhân vật ông Giakêu vừa diễn tả thiện chí tìm kiếm Chúa của con người, vừa chứng minh lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.  Nếu trước mặt những người đương thời, ông Giakêu bị coi là tội lỗi và bị quần chúng xa lánh, thì đối với Chúa Giêsu, tâm hồn ông vẫn luôn là mảnh đất thuận tiện để Lời Chúa gieo vào và sinh hoa kết trái.  Tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I) như một lời cầu nguyện và lời chúc tụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”  Trước mặt Chúa không có gì là “đổ bỏ đi”, dù phàm hèn và bất xứng đến đâu chăng nữa.

Nếu Thiên Chúa muốn cứu mọi người và muốn cho mọi người được sống, thì những con người – là chúng ta – lại muốn điều ngược lại.  Những thành kiến, ghen tương là nguyên nhân làm thương tổn danh dự và phẩm giá của người khác.  Ngày nay, mạng lưới thông tin trên Internet như một vũ khí nguy hiểm.  Người ta dễ dàng bình luận, phê phán và kết án người khác mà không cần kiểm chứng những thông tin.  Phương tiện thông tin, tưởng như đơn giản, lại trở thành một thứ độc dược giết người.  Khá nhiều nạn nhân đã bị dồn đến chân tường, do áp lực của hệ thống thông tin trên mạng.  Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa năm 2022, đã cảnh báo những nguy hiểm từ những thông tin nguỵ tạo thất thiệt, gây chia rẽ và nhằm mưu đồ loại trừ người khác.

Đối với Kitô hữu, mối ưu tư đầu tiên là nên giống Chúa Giêsu.  Thánh Phaolô (Bài đọc II), khuyên chúng ta nên kiên vững trước những lời đồn thổi và trước những trào lưu mệnh danh là “mạc khải.”  Lời của vị thánh Tông đồ vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay.  Xuất phát từ những quan điểm lệch lạc hoặc do bất mãn, một số người đã nhân danh Thiên Chúa, nhân danh mạc khải để tuyên truyền những điều trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội, trong đó có một số giáo sĩ và tu sĩ.  Họ tự cho mình được Chúa soi sáng, sẵn sàng ly khai khỏi Giáo Hội và lôi kéo người khác theo mình, ngấm ngầm chống lại các vị Bản quyền.  Thực sự những hiện tượng này không phải là mới mẻ.  Trong lịch sử, thời nào cũng có những kẻ giả danh.  Những gì không đến từ Thiên Chúa, tự nó sẽ tan rã, như lời ông Gamalien khẳng định trong Thượng Hội đồng Do Thái (x. Cv 5,34-39).

Mỗi lần cử hành Thánh Thể là chúng ta được gặp gỡ Chúa Giêsu.  Chúng ta được đón Chúa vào trong tâm hồn qua nghi thức rước Thánh Thể.  Hãy như ông Giakêu, thiện chí biến đổi cuộc đời, để trở nên con người mới, nên giống Chúa Giêsu ngay trong cuộc đời này.  Hãy có ánh mắt như ánh mắt của Chúa Giêsu, để nhận ra những người xung quanh mình đều là anh chị em.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TỪNG CHÚT MỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men!”

Calvin Miller nói, “Niềm tin muộn màng là điều không thể tránh khỏi!  Việc chấp nhận con tàu là điều rất khó khi trời chỉ mới đổ mưa.  Cái chết là một cơn bão tức thì ập xuống, đến nỗi khi bạn với tay cầm lấy chiếc ô, thì biết rằng, mình cần một đôi cánh có thể bay trong nước!  Vì thế, từng bước một, ‘từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”  Ý tưởng của Calvin Miller được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu không nói đến một điều gì to tát, nhưng nói đến cái nhỏ bé đến nỗi gần như không trông thấy; đó là một chút men.  Ấy thế, như men trong bột, men ân sủng của Thánh Thần cũng biến đổi một linh hồn ‘từng chút một!’

Men là một thứ luôn hấp dẫn; nó thật nhỏ bé nhưng lại tác dụng mạnh mẽ đối với bột.  Men hoạt động chậm nhưng hiệu quả; với men, bột sẽ dậy lên ‘từng chút một’ và biến đổi.  Đây luôn là điều hấp dẫn đối với trẻ em; bạn sẽ chứng kiến những đôi mắt tròn xoe khi các trẻ có mặt tại lò bánh mì.  Và đây cũng là cách thức Tin Mừng hoạt động.  Việc biến đổi một trái tim hiếm khi diễn ra hiệu quả trong một ngày hay trong một khoảnh khắc; đành rằng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc đều quan trọng, nhưng hẳn có những khoảnh khắc chuyển đổi mạnh mẽ mà mỗi người có thể chỉ ra.  Như chút men âm thầm làm cho thúng bột dậy lên, việc biến đổi trái tim cũng là một điều gì đó thường diễn ra ‘từng chút một!’  Nhưng nếu bạn và tôi cho phép Chúa Thánh Thần điều khiển cuộc sống mình một cách liên tục và bền bỉ, chúng ta sẽ trưởng thành sâu sắc hơn trong sự thánh thiện như bột trồi lên một cách chậm rãi nhưng chắc chắn nhờ sự nồng nàn của men.

Đôi khi, sự chán nản của thế giới, cùng với bao hoạt động trong cuộc sống ngăn cản chúng ta dừng lại để xem cách Thiên Chúa đang vận hành lịch sử.  Tuy nhiên, Tin Mừng bảo đảm rằng, Ngài đang hoạt động như men âm ỉ đang âm thầm hoạt động; và, ‘từng chút một’, ‘thúng bột thế giới’ dậy lên.   Chút men của những việc lành nơi chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng nó phát xuất từ Thiên Chúa cho dẫu tất cả xảy ra trong khiêm nhu, tiềm ẩn, và thường là vô hình.

Trong thư Êphêsô hôm nay, khi suy gẫm đời sống hôn nhân Kitô giáo, Phaolô nói, “Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.”  Phaolô hẳn đã nghĩ đến Thánh Thần vốn là men tác động giữa người nam và người nữ ‘từng chút một.’  Chính Thánh Thần kết hợp hai người trong Chúa, làm cho họ nên vợ, nên chồng.  Cũng trong Thánh Thần, Chúa Kitô và Hội Thánh làm nên gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi giữa lòng ‘thúng bột thế giới.’  Đó là một gia đình kính sợ Chúa như Thánh Vịnh đáp ca lưu ý, “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa!”

Anh Chị em,

“Cho đến khi tất cả bột dậy men.”  Viên men đầu tiên Thiên Chúa vùi vào ‘thúng bột nhân loại’ là Giêsu; không chỉ vùi vào lòng nhân loại, men Giêsu còn vùi vào đất.  Thế nhưng, ‘từng chút một’, ‘từng con người một’, ‘từng mảnh đất một’, đã thấm nhuần men yêu thương của Ngài.  Cũng thế, như bao người khác, chúng ta mang lấy xác thể; nhưng trong xác thể quá đỗi bình thường này, Thiên Chúa đã đặt trong đó một chút men thần linh ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy.  Vì thế, bạn và tôi không còn là “bột” thường, nhưng là “bột men.”  Quả thế, Chúa đang vùi chúng ta vào lòng công sở, trường học, đồng áng… mọi ngõ ngách của thế giới.  Ngài ước men Tin Mừng trong chúng ta ‘từng chút một’, ‘từng bước một’, với khả năng và hoàn cảnh rất riêng của mình, đem những con người chúng ta gặp gỡ trên đường đời ‘đến gần con tàu và yêu lấy nó’; “Con Tàu Giêsu”,“Con Tàu Giáo Hội’, để cả họ, cũng được Thánh Thần biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con ‘từng chút một’ để con có thể ‘yêu lấy con tàu Giêsu’ ngày một hơn; cho con luôn là men nồng nàn nâng dậy môi trường Chúa đã đặt con!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI THUYỀN (Lc 5,1-11)

Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào.  Nay Chúa Giêsu bảo các ngài phải ra khơi một lần nữa.  Chắc các ngài phải ngần ngại lắm.  Ngần ngại vì vừa qua một đêm vất vả, thân thể mỏi nhừ vì suốt đêm phải vật lộn với biển cả, với sóng gió, với chài lưới.  Ngần ngại vì đang buồn ngủ.  Mắt chĩu nặng vì suốt đêm không ngủ, đang cần một giấc ngủ để hồi phục sinh lực.  Ngần ngại vì vừa bị thất bại ê chề, đã mất hết ý chí phấn đấu.  Thế nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa, ra khơi, thả lưới.  Và kết quả thật là bất ngờ.  Lưới đầy cá chất đầy hai thuyền đến gần chìm.

Qua bài Tin Mừng này Chúa muốn dạy tôi những bài học về việc truyền giáo.

Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả.  Phải lao động đêm ngày.  Như các Tông đồ đã chài lưới suốt đêm thâu trong sương đêm giá lạnh, trong sóng gió biển khơi, trong vất vả cực nhọc.  Suốt đêm đã lênh đênh trên biển cả, sáng sớm vừa mới về tới đất liền, tưởng được nghỉ ngơi, không ngờ lại phải ra khơi ngay tức khắc.  Ra khơi cả lúc đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi.  Người muốn truyền giáo cũng phải noi gương các tông đồ.  Làm việc không nghỉ.  Phải đầu tư sức lực và trí tuệ.  Phải phấn đấu không ngừng.  Làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ.  Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.

Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì.  Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì.  Kiên trì khi đã gặp thất bại.  Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời.  Kiên trì khi gặp những trắc trở.  Như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy rao giảng Lời Chúa.  Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2).  Các Tông đồ thật kiên trì, mặc dù đã thất bại sau suốt một đêm vất vả, các ngài vẫn tiếp tục ra khơi theo lệnh Chúa truyền.  Trong quá khứ, ta đã gặp nhiều thất bại trong việc truyền giáo.  Hôm nay Chúa lại mời gọi ta hãy ra khơi, hãy lên đường truyền giáo.  Ta hãy mau mắn đáp lời Chúa mời gọi, kiên nhẫn làm việc trên cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi thất bại, bất chấp mọi chán nản.

Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân.  Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện.  Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi.  Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện.  Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa.  Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc.  Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế.  Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu.  Thánh hoá bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.

Bài học thứ tư: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa.  Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng.  Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần.  Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp.  Các ngài biết rõ biển hồ Galilê như lòng bàn tay.  Thế mà các ngài đánh cá suốt đêm chẳng được con nào.  Đó là bài học dạy ta biết rằng, nếu cậy dựa vào tài sức riêng, việc truyền giáo sẽ không có kết quả.  Việc các tông đồ vâng lời Chúa ra khơi và vâng lời Chúa thả lưới bên phải mạn thuyền cho ta thấy một thái độ khiêm nhường lắng nghe.  Dù Chúa Giêsu không phải là ngư phủ chính gốc.  Dù Chúa Giêsu không hiểu biết biển hồ, nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa.  Chính nhờ thế, các ngài đã thành công.  Người làm việc truyền giáo phải noi gương các tông đồ biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản thân để thao thức lắng nghe Lời Chúa.  Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo.  Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo.  Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa.  Chỉ có như thế, việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo.  Lạy Chúa Giêsu, xin thanh luyện chúng con để xứng đáng làm việc truyền giáo.  Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cách làm việc truyền giáo.  Amen!

TGM. Ngô Quang Kiệt

KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN

Ông Alexin Carnel, người lãnh giải Nobel về Y khoa năm 1978, đã chia sẻ kinh nghiệm về đức tin khi ông phát biểu: “Cầu nguyện là một hoạt động không thể thiếu để phát triển con người toàn diện.  Càng cầu nguyện, chúng ta càng trở nên con người hơn.”  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa dạy chúng ta cầu nguyện với sự khiêm hạ chân thành.  Càng khiêm tốn, chúng ta càng trở nên vĩ đại, vì được thông dự vào sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa.  Điều đó cũng tương hợp với tư tưởng của Pascal khi ông nói: “Con người rất nhỏ bé và tầm thường, nhưng chúng ta sẽ trở nên vĩ đại và phi thường nếu biết cầu nguyện.”

Cầu nguyện: Từ thái độ kiên trì đến tâm tình khiêm tốn

Tuần trước, lời Chúa khuyên mời chúng ta kiên trì trong việc cầu nguyện qua hình ảnh của Moise đứng giang tay trên núi cầu khẩn khi đoàn quân của ông giao chiến với đội quân Amalếch, hoặc qua thái độ kiên nhẫn của một bà góa đứng kiện cáo nơi cửa công.  Tuần này, Chúa cũng vay mượn hình ảnh khiêm hạ của một người thu thuế, đối nghịch với thái độ cao ngạo của ông Pharisiêu khi lên đền thờ cầu nguyện, để dạy chúng ta phải có thái độ khiêm tốn mỗi lần đến với Chúa.  Chúng ta đã nghe khá nhiều về việc cầu nguyện.  Nhưng sự khiêm hạ Chúa nói hôm nay đòi hỏi nơi chúng ta điều gì và chúng ta đã thực hành như thế nào?

Trước hết, chúng ta nghe lại bài đọc 1 trong sách Huấn ca được đọc lên trong phụng vụ hôm nay.  Tác giả viết: “Đức Chúa là Đấng xét xử, người chẳng thiên vị ai.  Người không vị nể mà hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức, lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa.”  Ba hạn từ nêu trên, nói về những người nghèo khổ, cô thế cô thân trong xã hội Do thái thời xưa.  Kẻ mồ côi, kẻ bị áp bức, người góa bụa, là những người thấp kém và bị mọi người coi khinh.  Họ là đại biểu của giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng lời cầu nguyện của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe.  Trong bài giảng trên núi, Chúa công bố bản Hiến chương Nước Trời với 8 mối phúc dành cho những ai ‘nghèo khó, hiền lành, khóc lóc, bị áp bức…’, tức là những con người luôn biết sống khiêm hạ, không vênh váo và tự mãn về cái tôi của mình như những người quyền quý hay cao sang.  Sự khiêm hạ đó một lần nữa được Chúa nói tới qua hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, đối kháng với sự kiêu căng tự mãn của người Pharisiêu.  Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng luôn dị ứng và tẩy chay những người hành nghề thu thuế.  Họ được xếp ngang với bọn đĩ điếm và phường tội lỗi.  Dân chúng ghét họ vì 3 lý do.  Thứ nhất, họ làm tay sai cho đế quốc Rôma.  Thứ hai, họ phản bội tổ quốc và đồng bào ruột thịt.  Thứ ba, khi đụng đến tiền bạc, chắc chắn họ dễ rơi vào tham nhũng hay hối lộ.  Những người thu thuế thường hay thu quén tiền bạc cách bất chính trên xương máu và mồ hôi nước mắt của người khác.  Đế quốc Rôma ra chỉ tiêu về tiền thuế phải nộp, còn họ sẽ bày ra phương cách để có thật nhiều tiền.  Vì vậy, dân Do Thái luôn khinh ghét họ và xếp họ chung với phường tội lỗi.

Người thu thuế ra về được nên công chính, còn người kia thì không (c.14)

Sự công chính nơi người thu thuế khởi đầu từ việc ông nhận ra lỗi lầm của mình và thực tình sám hối.  Sám hối, theo nguyên ngữ Hy Lạp ‘Metanoia’, có nghĩa là ‘trở về.’  Sám hối không phải chỉ là đấm ngực mình cách máy móc như nhiều khi chúng ta vẫn hay làm khi đọc kinh ‘tôi thú nhận.’  Hành vi đấm ngực, cúi gầm mặt xuống vì xấu hổ nơi người thu thuế là bước khởi đầu của cuộc hành trình trở về.  Thánh Luca trong chương 15 kể dụ ngôn đứa con đi hoang để nói về cách sám hối chúng ta cần biểu tỏ.  Chàng thanh niên can đảm đứng lên, giã từ quá khứ để trở về nhà trong vòng tay yêu thương của Cha.  Sự công chính chúng ta có được không phải do nỗ lực cá nhân, nhưng trước hết là do ơn sủng nhưng không, đến từ Thiên Chúa.  Trong thơ Rôma, Thánh Phaolô đã cắt nghĩa rất rõ: “Ân sủng Đức Kitô làm cho chúng ta nên công chính, vì ở đâu tội lỗi càng nhiều, ơn sủng càng chan chứa gấp bội (Rm 5, 20-21).  Đức Giêsu đã khiêm nhường, tự hạ chấp nhận cái chết và máu của Ngài làm cho chúng ta được công chính hóa.  Vì vậy điều kiện tiên quyết để được tha thứ và chữa lành, chính là thái độ khiêm tốn nội tâm.

Muốn sống khiêm tốn phải biết mình

Người thu thuế biết rõ về chính mình, về những bất xứng và tội lỗi anh ta đã gây ra.  Từ chỗ biết mình, anh đã can đảm đi ra khỏi cái tôi để quy hướng về Thiên Chúa.  Ngược lại, người biệt phái quá kiêu ngạo, tưởng rằng biết rõ về bản thân, nhưng thực sự thì không.  Ông chỉ biết quy về mình.  Ông trưng ra những thành tích đạo đức để khoe mẽ mà không biết rằng những việc tốt mà ông có thể làm, tất cả là do ơn của Chúa chứ không phải do công lao của ông.  Ông đến đền thờ cầu nguyện tựa như đi tham dự một hội nghị biểu dương ‘Người tốt việc tốt’, giống như xã hội hôm nay vẫn hay tổ chức.  Một người đứng lên giữa đám đông kể ra những ‘thành tích xuất sắc’ của mình để nhận bằng khen hay giấy khen, nhiều khi rất lố bịch và giả tạo.  Nhiều người đi tham dự hội nghị còn đeo đầy huy chương để khoe cho mọi người biết tôi là người có công với đất nước.  Người Pharisiêu trong dụ ngôn hôm nay cũng thế.   Ông ta trưng ra những thành tích đạo đức để mong Chúa ban cho ông một tấm bằng khen.  Chúa biết rõ tâm hồn mỗi người, từ những gì sâu kín nhất tận bên trong.  Điều Chúa mong muốn nhất, chính là sự khiêm hạ và thành tâm sám hối.  Khi chúng ta đến trình diện trước mặt Chúa, Chúa không thích ngắm những bộ huy chương chúng ta đeo trên ngực hay nhìn những bằng khen chúng ta trưng ra để khoe khoang.  Ngài chỉ thích mân mê sờ nắn những vết sẹo nơi tâm hồn chúng ta, là dấu chứng tội lỗi chúng ta phạm nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương và chữa lành.  Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay khẳng quyết điều ấy.

Kết luận

Bắt chước người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy đến với Chúa với tâm tình sám hối và khiêm hạ, đặc biệt khi chúng ta giơ tay đấm ngực mỗi lần dâng Thánh lễ.  Nhiều khi chúng ta đấm ngực mình một cách rất máy móc để rồi khi về đến nhà, lại giơ tay đấm nhầm qua ngực người khác, bằng cách kết án hết người này đến người nọ.  Chúng ta mượn lại tâm tình của Thánh Charles de Faucauld để thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, dù con xấu xa hay tội lỗi đến mấy, Chúa cũng không bao giờ kết án và luận phạt.  Chúa cho con tự do để làm mọi sự, nhưng Chúa luôn cấm con không được thất vọng trước sự khốn nạn do tội lỗi con gây ra.  Lạy Chúa, xin xót thương con.”

Lm. GB. Trần Văn Hào